• 493

Chương 52: Bỏ “Tốt" Giữ “Xe”, Phát Triển Tiền Đồ


Số từ: 1274
Dịch giả: Ông Văn Tùng
Nxb Văn Học
Nguồn: vnthuquan.org
Lương Hiếu Vương Lưu Vũ là em của Hán Cảnh Đế. Khi Cảnh Đế lên ngôi từng nói rằng sau này để ngôi vua cho Lưu Vũ. Thái hậu rất yêu quí Lưu Vũ nghe vậy vui mừng khôn xiết. Sau khi Ngô Sở bảy nước làm loạn, Lưu Vũ lấy việc chống-loạn có công, nhận được nhiều đất phong, thái độ thì dương dương tự đắc nghi lễ như thiên tử. Hắn có hai thuộc hạ cận thần, một tên là Công Tôn Ngụy, một tên là Dương Thắng. Hai tên này dùng thủ đoạn uy hiếp để buộc các quan trong triều trước mặt Cảnh Đế đề nghị để cho Lưu Vũ là người kế ngôi. Vì việc này nhiều đại thần bị hành thích, trọng thần Viên Anh cũng bị chúng thuê thích khách giết hại.
Việc này làm kinh động Cảnh Đế, điều tra thì biết được Dương Thắng và Công Tôn Ngụy chủ mưu. Vua lập tức sai người đi vây bắt. Thế nhưng triều đình mười lần cử sứ thần đến nước Lương mà không thấy bóng dáng hai tên này đâu. Hơn một tháng mà sự việc không tiến triển được.
Đại phu Lương Quốc Trung của nước Lương biết rằng hai tên gian thần này trốn trong Vương phủ. Ông vào bái kiến Lưu Vũ vừa khóc vừa nói: "Tục ngữ có câu chủ nhục thì thần chết, hạ thần của đại vương làm việc không tốt nên mới có kết cục này. Hiện nay Công Tôn Ngụy và Vương Thắng trốn tội còn lão thần xin được ban chết". Lương Hiếu Vương kinh ngạc hỏi: "Tại sao?" Ông lại khóc và hỏi: Quan hệ của đại vương và hoàng thượng so với quan hệ trước đây giữa Lưu Bang và Thái Thượng Hoàng ra sao? So với mối quan hệ giữa hoàng đế và Lâm Giang Vương ra sao?" Lưu Vũ thừa nhận. "Không bằng". Hàn An Quốc nói: "Đúng vậy, Thái Thượng Hoàng, Lâm Giang Vương và hai hoàng đế là mối quan hệ cha con, thế nhưng năm xưa Hán Cao Tổ từng nói: "Vung gươm đoạt thiên hạ là trẫm", thế là Thái Thượng Hoàng không bao giờ dám hỏi chuyện triều chính. Còn Lâm Giang Vương? Là thái tử con trai đích của hoàng thượng chỉ vì xuất ngôn không khiêm nhường mà phải tự sát. Tại sao? Trị thiên hạ không thể lẫn lộn công, tư. Tuy là cha, nhưng ai biết sẽ không là hổ, tuy là anh nhưng ai chắc sẽ không thành lang sói? Ngày nay đại vương được phong chư hầu lại nghe lời gian thần nói bậy, phạm thượng, coi khinh luật pháp. Hoàng đế nể mặt thái hậu nên chưa dùng pháp, còn thái hậu ngày đêm sầu não mong đại vương thay đổi, mà đại vương không chịu. Thái hậu mất di, đại vương dựa vào ai?"
Nghe lời khuyên ấy, Lương Hiếu Vương quyết định dâng nộp hai tên gian thần. Kết quả là hai tên này tự sát, mối họa nước Lương được giải quyết. Cảnh Đế và thái hậu đều đề cao Hàn An Quốc, cho rằng Lương Hiếu Vương làm được như vậy là nhờ công ông.
Ý của Hàn An Quốc là khuyên Lương Hiếu Vương bỏ tốt giữ "xe", đừng vì hai tên gian thần mà làm hại đến lợi ích, tiền đồ bản thân. Rõ ràng đây là con mắt nhìn nhận thế cục tinh tường. Lương Hiếu Vương lòng dạ đen tối, tham lợi nên không thể nhận ra được, đến nỗi suýt nữa thì hại đến thân, mất hết tiền đồ.
Trên thương trường ngày nay, vấn đề đặt ra cũng vẫn là làm thế nào để nhận định cục diện một cách sáng suốt. Nếu sách lược kinh doanh của mình có vấn đề, phải lập tức tìm các biện pháp sửa đổi. Còn nếu đợi đến khi phát sinh rồi mới sửa thì đã bị động. Vì việc sửa đổi, nếu cần thiết có thể "bỏ tốt giữ xe" lấy hy sinh tạm thời đổi lấy thành công trong tương lai.
Năm 40 của thế kỷ 19, vùng Calyfornia của Mỹ có mỏ vàng. Nhiều người đổ về đây. Lúc đó một dân Do Thái tên là Luis Sterlao cũng đến Mỹ với anh trai. Anh ta mở một cửa hàng tạp hóa, chuyên bán đồ dùng và vải làm lều bạt cho người đào vàng. Một lần anh ta hỏi một người: các anh có cần vải bạt để làm lều không? Người công nhân trả lời "Chúng tôi cần loại quần áo làm bằng thứ vải bạt vừa dễ mặc, bền, chắc". Luis như được gợi ý, quyết tâm bỏ cửa hàng, tập trung trí lực sản xuất loại quần đó. Dưới sự thiết kế của ông, chiếc quần bằng vải bạt cho công nhân đầu tiên ra đời. Và nó là tiền thân của chiếc quần bò được ưa chuộng khắp trên thế giới ngày nay.
Vì nhiều ưu thế, nên ngay khi vừa ra đời chiếc quần đầu tiên Luis đã nhận được tới tấp hàng đống đơn đặt hàng. Năm 1853, ông thành lập nên công ty sản xuất quần bò, tiêu thụ một lượng hàng lớn cung cấp cho người đào vàng và những người tiêu dùng khác. Sau đó ông phát hiện ra loại vải thô bông có hoa văn xanh trắng xen kẽ của Pháp rất tốt, lại được một nhà tạo mốt gợi ý dùng những đinh sắt đóng lên miệng túi, ông lại xin được giấy độc quyền. Loại quần bò hoa văn nghiêng, có đóng đinh ở túi từ ngày hình thành tới nay đã có lịch sử 150 năm. Nó không ngừng phát triển và thu hút được cả thế giới. Sau này Luis lấy thanh thiếu niên và phụ nữ làm đối tượng khách hàng chính. Chiếc quần bò không ngừng được cải tiến và phát triển mẫu mã nên ngày càng được ưa chuộng.
Luis rất xem trọng việc điều tra thị trường, ông từng điều tra ý kiến người tiêu dùng ở Đức. Qua điều tra biết được mong muốn của người dùng là: giá rẻ, mẫu mã mới, vừa thân... trong đó vừa thân là chủ chốt nhất. Thế là công ty cử không ít nhân viên đi điều tra kích thước, thân hình của người tiêu dùng, sau đó tổng hợp lên 45 loại quần kích cỡ khác nhau. Nhiều khách hàng cơ thể không được chuẩn lắm vẫn mua được chiếc quần bò phù hợp. Lượng tiêu thụ lại gia tăng gấp bội. Ông cử người đi thiết lập 70 điểm bán hàng trên toàn thế giới, đem sản phẩm của mình tiêu thụ khắp nơi, đồng thời ghi nhận những phản ứng của khách hàng trên toàn thế giới. Vì tìm được hướng đi đúng, nên chỉ trong vòng nửa thế kỷ tăng lượng tiêu thụ lên 250 lần. Trước mắt công ty có hơn 120 xưởng gia công cỡ lớn, 3 công ty con là công ty quốc tế Luis, công ty BSFF và công ty quần bò Luis ở Mỹ. Mỗi công ty con có hơn 10 xưởng gia công. Lực lượng hùng hậu kể trên đã đưa công ty vào hàng 10 doanh nghiệp lớn nhất thế giới.
Nếu Luis vẫn cứ theo nghề bán tạp hóa, không phát hiện ra thị trường rộng lớn của quần bò, nếu cứ ôm mãi cái cũ, thì làm sao có được cái huy hoàng của danh tiếng công ty Luis ngày nay.
Nhấn vào đây để xem chương mới nhất của Ebook Mưu Trí Thời Tần Hán.