• 603

Truyện ngắn 5: Ngày cuối cùng


Số từ: 3663
Dịch giả: Hà Ngọc
Nguồn: tve-4u.org
Thôi thế là xong: gia súc bán cho người ta, chủ mới đã dong đi, những cỗ xe ngựa, yên cương, đồ đạc bán cho người ta, chủ mới cũng đã chở đi, cổng lò rèn và kho chứa củi, cửa vựa thóc và chuồng ngựa đều đã mở tang hoang: đâu đâu cũng đều trống rỗng, trơ trụi; trong sân cũng thảy đều hết sạch cả rồi.
Người chủ mới là bác thị dân Roxtovxev cho biết rằng bác ta sẽ đến vào chiều ngày hai mươi tháng tư. Bác Voeikov cũng quyết định ra đi vào ba giờ chiều đúng ngày hôm ấy; còn gia đình thì bác đã cho lên đường từ hôm mười hai.
Kẻ ăn người làm chỉ còn lại có hai mống là chú lính Piotr với thằng Xaska. Họ ngả ngớn trên những chiếc ghế dài trong căn bếp trống không, hút thuốc, rồi lúc thì với giọng bông lơn, lúc với vẻ nuối tiếc, họ nói chuyện với nhau về ông chủ đã khánh kiệt của mình. Còn chính bản thân ông ta thì ăn mặc theo kiểu thị thành, bận một bộ đồ vét tông nâu, đầu đội chiếc mũ lưỡi trai, theo kiểu lính kinh kỵ có vành màu vàng, một tay cầm can, một tay xách ghế đẩu, ông ta đang đi quanh khắp trong nhà. Với những bức tường trần trụi, sao trong nhà sáng sủa thế! Mở bung hết cửa buồng nọ thông sang buồng kia, cứ vào mỗi buồng ông lại đứng lên ghế đẩu mà lột tung từ trên xuống dưới những tờ giấy dán tường đầy cứt ruồi đã bong ra khỏi mặt tường, và thế là từng mảnh giấy lớn, bên trong phủ dày vôi và hồ đã khô, rơi rào rào xuống sàn nhà. Trong một căn buồng lớn ở góc nhà, giấy dán tường lại là màu xanh sẫm pha kim nhũ. Giấy đã phai, đã bạc màu, nhưng còn mang nhiều hình bầu dục, hình vuông sẫm: căn buồng này trước đây bao giờ cũng treo các ảnh in trên kim loại và các bức tranh khắc cổ kinh nho nhỏ, và ở một góc buồng là những tượng thánh. Giấy trong buồng này thì không thể bóc kịp nữa rồi. Ảnh nắng đã dịu dàng xuyên qua những ô kính mỏng, xỉn đục, trên bốn khung cửa sổ lớn. Nhớ tới lúc thiếu thời mình đã trải qua ở đây, bác Voeikov lấy gậy phang vào một khung cửa sổ, rồi phang sang chiếc khác... Kính vỡ rơi loảng xoảng xuống những bậu cửa gỗ đã mọt ruỗng, xuống những miếng gỗ hình bát giác màu vàng của sàn nhà gỗ đã nứt nẻ. Làn gió xuân dịu dàng hút qua những lỗ thủng và đã trông thấy được những bụi đinh hương xám ở bên ngoài.
Ngồi lên ghế đẩu,bác Voeikov còn định suy nghĩ nốt những ý tưởng cuối cùng.
Bác ngồi hồi lâu, cất chiếc mũ lưỡi trai ra khỏi mái đầu rộng, rẽ ngôi lệch theo kiểu cổ, - nghĩa là từ phải sang trái với hai bên tóc mai để dài - và cúi đầu xuống. Lần hồi bác nhớ lại các ông bà, cụ kỵ đã từng sống và qua đời trong ngôi nhà này, trong khu đất vườn này; bác nhớ lại được hầu hết tên của các con chó borzoi đã từng khiến cho các chuyến đi săn của họ hàng nhà Voeikov trở nên lừng lẫy... Giờ đây các con cháu của lũ borzoi chỉ còn lại vẻn vẹn có sáu mống, còm nhom, dơ dáng dại hình vì đói ăn và vì già nua... chẳng bao lâu nữa chúng sẽ chết ngoẻo thôi, điều đó là dĩ nhiên rồi... Đúng thế, nhưng không phải là Griska bỏ chúng lại cho Roxtovxev đâu! Bác Voeikov ngẳng bộ mặt ngâm đen nặng trịch của mình lên, một bộ mặt đầy những đường hằn và những vết nhăn hằn học, với bộ ria nhuộm màu xanh đen. Giờ đây đôi mắt bác long lanh một cách khắc nghiệt
Đội mũ lên đầu, lộc cộc chống can, bác bước ra bậc thềm mà gọi vọng qua sân xuống bếp. Chú Piotr người dài ngoẵng chạy vọt tới ngưỡng cửa.
- Lũ chó đâu rồi? - bác Voeikov hỏi.
Piotr ngó ra buồng ngoài và qua sân ngó ra vườn...
- Hình như vẫn còn ở nhà cả đấy ạ.
- Ờ, thế thì hay, - bác Voeikov hét to, giọng chắc nịch, - đập chết hết đi. Cứ mỗi con, cho hai hào rưỡi.
Rồi cắm một điếu thuốc ngắn ngủn nhưng to xù vào các bót thuốc lả loại đắt tiền đã ám khói, bác châm thuốc hút, đoạn ngồi xuống bậc ở ngoài thềm. Piotr bèn lủi vào bếp, nhanh nhẩu báo cho Xaska biết quyết định của ông chủ khiến cậu này cũng ngạc nhiên và mừng rỡ, rồi vớ lấy đoạn dây thừng dưới chiếc ghế dài, Piotr lại bước ra ngưỡng cửa, suy nghĩ: không biết bắt đầu từ con chó nào trước nhỉ.
Ba con khoang nằm ngoài nắng, ngay giữa sân. Hai con trắng nằm trong râm, cạnh kho chứa củi. Còn một con thì đang chạy ra khỏi khoảng vườn nhỏ trồng thông, men theo con đường sáng sủa giữa hai hàng cây dẫn qua một khu vườn còn thưa thớt với mấy cây táo tuy trụi lá nhưng đang trổ hoa trên mặt đất hồng hồng lúc sang xuân. Lũ chó đều đã già hết cả, kể cả con chó này, - một con chó cái màu vàng nhạt, hai tai đen, có mớ lông dài mà khô khốc ở những cẳng chân khẳng khiu, gày guộc. Piotr huýt sáo rồi vỗ vỗ đùi. Con chó qua sân tiến thẳng lại, ngoe nguẩy cái đuôi rậm cong tớn và liếm tay Piotr. Piotr quàng dây thừng vào cổ nó, rồi giậm đôi ủng lạo xạo chạy qua sân vào trong vườn. Thằng Xaska chân ngắn, tính thích cười đùa, cũng vớ lấy chiếc xẻng bằng sắt bị bỏ quên trong góc nhà ngoài, chạy theo.
Mới đầu con chó còn chịu đi. Nhưng đến cổng vườn thỉ nó bỗng chùn lại, chồm lên, rồi kêu lên ăng ẳng và bắt đầu quẫy lộn. Thẳng Xaska vừa chạy vừa giơ lên một cành táo có chạc dở xanh dở vàng, quật mấy nhát vào cái lưng khô khẳng của con chó, khiến chạc táo đều dính bết những chòm lông chó già nua. Piotr vừa chạy vừa ghé vai kéo dây, hệt như muốn ngã; còn con chó thì nhảy cẫng lên, vùng vằng, giật trở lại, lết người xuống đất, đầu lúc lắc. Những con borzoi đang ngủ liền bừng tỉnh, ùa đến cả đàn để thúc con chó cái.
- Đuổi chủng nó đi! - bác Voeikov chồm lên trên bậc thềm, rầy la dữ dội.
Xaska bèn dùng xẻng xua tan lũ chó. Còn con chó cái điên cuồng gặm vào dây thừng, bị chảy máu ở lợi: trong khi nghẹn thở nó đã cắn phải lưỡi. Ra đến lối đi giữa hai rặng xiêm gai ở cạnh vườn, Piotr đã đi được êm thấm hơn vì con chó đột nhiên kiệt sức, thôi không chống cự lại nữa, trông càng gày tọp đi và đã loạng choạng, chân sau bước rối loạn, đuôi cụp xuống. Ở một ngã tư đường, có một cây phong cằn cỗi, toả rộng cành. Khi Piotr quăng dây qua một cành phong to rồi mau lẹ ghé vai bên phải về phía cây phong mà kéo mạnh dây xuống thì con chó bị lôi hẫng chân sau lên, co giật và quằn quại hai chân trước, cố níu lấy đám đất lổn nhổn dưới gốc phong, nhưng nó đã bị treo lủng lẳng là là mặt đất. Cái lưỡi tím đen của nó thè ra, mặt nó nhăn nhó để lộ ra hai hàng lợi màu san hô, ánh nắng ban ngày phản chiếu trong cặp mắt màu nho lờ đờ của nò đã bắt đầu mờ mịt đi.
- Bây giờ thì im nhé, hết bắng nhắng rồi nhé, - quen thói bông đùa cả trong những cảnh thê lương, Piotr nói.
Xaska bắt chước giọng đàn bà hát í ẻo, đào một cài hố ở giữa hai bụi cây tuy trơ trụi nhưng cành đã nhú đầy những chồi xanh non tơ. Xa xa, trên những cây cổ thụ phía vườn dưới, đàn quạ kêu táo tác. Bốn phía chung quanh lũ sáo đá hót vang, một con ác là kêu ra rả, mặt trời đã làm héo khô đám lá nhàu nát dưới gốc các bụi cây, nhưng Xaska vẫn vững vàng và thoải mái dận chân lên lưỡi xẻng bóng loáng thun thút phập xuống đám đất tơi xốp màu xanh sẫm, xắt làm đôi những con giun béo, đỏ thẫm. Andrei, một cậu nông dân trong làng, ăn mặc tề chỉnh, đang trông cho con ngựa cái của minh ăn cỏ trong mảnh vườn vô chủ, thấy vậy bèn tiến lại gần.
- Sao lại xử tử nó thế? - cậu tủm tỉm cười, hỏi.
- Theo lệnh mà lại, - Piott vẫn ghé vai giữ dây đáp. - Để từ biệt mà lại. Ông ấy ra lệnh xử tử tuốt. Cốt sao không để chúng lại cho ai sất cả.
- Ông ấy xót lắm hả?
- Ai chả xót cơ chứ. Còn cậu thì đã đưa ngựa vào ăn trong vườn rồi đấy hả? Coi chừng, chiều nay chủ mới sẽ đến. Với ông ấy thì đừng có hòng mà chăn ngựa.
- Đến chiều mình lại ruổi ngựa về đấy mà, -Andrei nói.
Cậu ta lấy gậy thúc vào đít con chó, con chó bừng tỉnh, thót bụng lại gầm gừ. Rồi cậu ta lơ đãng nói tiếp.
- Mới đây mình cũng đập chết một con chó. Nó bị chó nhà ai cắn chả biết, chỉ sống được đầu một, hai tuần, rồi sủa cũng chẳng sủa được... Mình nghĩ mãi, nghĩ mãi đành mang ra đập chết đi vậy.
- Chó thì cũng như người, người hơn chó nhiều mà còn bị xử tử nữa là, - Piotr nói.
- Vậy cậu được thấy rồi sao?
- Mình làm sao thấy được. Họ có cho ai vào xem đâu, đến cả người nhà cũng chẳng được vào nữa là. Lính tráng họ kể cho mình nghe rằng ban đêm người ta dựng giá treo cổ, rồi sáng tinh mơ thì dẫn cái tên hung đồ ấy ra, người đao phủ trùm cho hắn một cái túi vào đầu rồi treo hắn lên một đoạn dây chão bện bằng cao su. Bác sĩ đến xem rồi cho biết ngay tức thì là hắn đã tắt thở hay chưa... Còn lỗ huyệt thì ở ngay dưới giá treo cổ.
- Vậy là họ cứ quăng xuống không có áo quan gì sất?
- Thế cậu nghĩ là phải cho vào hòm kính sao?
- Với lại như thế thì chẳng có anh đi tìm vàng nào mò ra được, - Xaska vừa cười vừa nói vọng ra từ trong bụi rậm.
Piotr quăng chiếc thừng, - con chó đã rơi xuống và vẫn ở tư thế ngồi, - rồi châm thuốc hút
- Thề rồi sau họ lại đem cái cỗ máy ấy đi nơi khác ư? - Andrei hỏi.
- Nơi nào cần thì họ lại mang đến.
- Thế tại sao lại xử tử người ta vậy nhỉ?
- Dễ hiểu thôi, nếu tốt thì đã chả phải xử tử. Bị xử tử là vì khác lòng tin, đi cầm đầu, đi ăn cướp. Đừng gây rối, đừng trộm cắp thì...
- Thế còn cái lão đao phủ ấy, lão ta thế nào, có được lương bổng đấy chứ?
- Chứ sao. Cả cơm ăn áo mặc đàng hoàng nữa kia.
- Coi chừng, kẻo có lúc hết hơi đấy, - Andrei nói đùa, rồi đi lại phía con ngựa đang loạt soạt đống lá khô trong khu rừng trồng anh đào lưu niên.
- Cũng có lẽ, - Piotr nói, đoạn hét với thằng Xaska: - Sẵn sàng rồi chứ?
Cậu ta lôi xềnh xệch con chó lại miệng hố cùng với cả đám lá rụng đủ loại màu đá hoa có, màu vàng có, khô có, ướt có. Lấp đất xuống hố xong, Xaska lấy chân giậm giậm, và đống đất ẩm phập phồng hít thở dưới đôi ủng của nó.
- Thôi, yên giấc ngàn thu nhé, - nó nói. - Chúng tao sống vất va vất vưởng, còn mày thì thịt nát xương tan.
Đoạn vác xẻng lên vai, nó theo chân Piotr đi về nhà. Đến giữa sân thì Piotr dừng bước, giấu đoạn dây thừng ra sau lưng mà dụ dỗ gọi con chó đực to đã bạc cả lông, tên gọi Tserkex.
- Thưa ông Boris Borixưts, đã khử được một con và đã chôn rồi đấy ạ, - Xaska vui vẻ hét to với bác Voeikov nãy giờ vẫn ngồi trên bậc thềm.
- Mày hét cái gì thế hở, thằng ngu? - bác Voeikov nghiêm nghị dồn hỏi nó. - Tại sao lại chôn? Ai bảo chúng mày chôn? Đem vào rừng thông, treo tuốt lên những cây thông và cứ để thế. Nghe chưa?
- Xin tuân lệnh ạ, - Xaska đáp, đoạn xông tới tiếp tay cho Piotr. - Nào, nhanh tay lên thôi! - nó khẽ quát.
Tới khoảng ba giờ thì họ giải quyết xong cả lũ chó. Giờ đầy, cái cơ ngơi xưa cũ, tĩnh mịch, vắng vẻ, mơ màng dưới ánh nắng tháng tư mơn man ấm áp, đã trở nên hoàn toàn trống trải. Hai cậu người làm hứng chí nhưng mệt nhoài, bước theo lối đi giữa hai hàng cây và cùng nhau tính toán xem mình sẽ được trả công bao nhiêu.
- Không sao, khớ đấy, - Piotr nói với một giọng hoan hỉ ảm đạm. - Được một rúp rưỡi bạc đấy. Ta sẽ được một bữa cỗ đàng hoàng có cả thức nhắm.
Bác Voeikov, đầu để trần đứng cạnh bậc thềm,làm dấu thánh giá rồi nghiêng mình trước ngôi nhà.
- Xin chào, - bác vừa nói với vẻ nghiêm nghị, vừa quay bộ mặt tối tăm, cương quyết của mình về phía những người vừa bước tới. - Xong rồi chứ?
- Xong rồi ạ, - hai người làm đồng thanh trả lời và cất mũ lưỡi trai khỏi đầu.
- Cầm lấy.
Xaska nhận tiền và hôn vào bàn tay ngăm đen, có đeo một chiếc nhẫn cưới đã mỏng dính của bác. Không thay đổi sắc mặt, bác Voeikov ôm lấy cậu ta mà hôn vào môi. Rồi bác gật đầu với Piotr. Trong giây lát đôi mắt bác lác xệch và mờ mịt hẳn đi. Nhưng rồi bác đội chiếc mũ lưỡi trai lên đầu, trông lại càng nghiêm nghị hơn, và bác nói với giọng càng cứng rắn hơn:
- Bây giờ chúng bay đi được rồi đấy. Ta không bảo Miron cho xe ghé lại đón ta. Ta sẽ tự đi đến chỗ nó, rồi từ đó đi xe ra ga. Không phải ta ngượng vì phải đi xe ngựa tải, mà chỉ là vì... ta không thích...
Thế rồi bác đi ra cổng, không ngoái đầu lại.
Xaska chạy ù ra quán bán hàng và ông chủ quán dùng chiếc rìu gỉ chặt ở ngay ngưỡng cửa cho cậu một tảng thịt lợn muối ướt nhèm. Piotr đã đợi cậu ta ở bên quán rượu, ngoài bãi chăn, cạnh trang trại. Thế là hai người ngồi nhậu với nhau rất lâu trên vạt cỏ mùa xuân le te ngời sáng. Chiều đã đến trong một sắc hồng. Không khí mát lạnh đi, và càng nghe rõ hơn tiếng đàn quạ náo động, kêu quang quác trên những rặng cây già cỗi phía vườn dưới ẩm thấp. Đằng sau những chỏm lá liền tù tì của rặng cây ấy đã ngời sáng một mảnh trăng trong nhỏ bé. Còn bên kia sông, mặt trời đang lặn trong một ánh vàng tinh khiết, và trong khu trang trại lặng lẽ một cách kỳ dị, người ta thấy bùng cháy thành màu da cam những ô cửa kính của ngôi nhà chết lặng cửa mở toang hoang.
Khi bác Roxtovxev cùng với người quản lý đi một chiếc xe ngựa đen trang trại thì trời đã khuya, thôn xóm đều đã ngủ cả. Trong bầu tĩnh mịch chỉ nghe có tiếng một chiếc đinh ốc dưới bánh xe khẽ kêu lạch xạch khi xe ngựa từ từ tiến vào khu sân cũ của bác Voeikov. Bác Roxtovxev dừng xe cạnh bậc thềm, xuống xe một cách khó nhọc, quẳng dây cương lại cho người quản lý. Người quản lý cho xe vào kho chứa để tháo ngựa ra, còn bác Roxtovxev mình bận áo dạ chùng, đầu đội mũ lưỡi trai sâu và ấm, thử duỗi đôi chân đã tê cứng do ngồi lâu trên xe mà bước vào nhà. Cả ông cũng cúi chào ngôi nhà, cất chiếc mũ lưỡi trai ra khỏi đầu và tỏ vẻ sùng kính, rắc một ít tóc của mình nơi ngưỡng cửa, trước khi bước vào những căn buồng đầy ánh trăng mờ đục. Trong các căn buồng, trên sàn đâu đâu cũng ngổn ngang những giấy dán tường bị lột xuống. Đi hết buồng nọ sang buồng kia, bác chăm chú và đã ra vẻ chủ nhà soi mói ngó vào mọi ngóc ngách, lấy ủng hất những mảnh giấy loạt xoạt, rồi lắc đầu với vẻ thực tâm chua chát, bác lẩm bẩm:
- Ôi chao, quân lừa đảo! Ôi chao, đồ mất dạy!
Trong bóng tối chập choạng, những căn buồng tưởng chừng như vô tận. Người ra thấy ghê rợn trong cái cảnh trống rỗng dơ dáng dại hình của chúng, trong cái khung trơ trụi của một tố ấm tan hoang của người khác, - một tổ ấm đã bao năm sống với con người riêng của mình, với một cuộc sống bí hiểm không sao hiểu nổi đối với tất cả mọi người thuộc dòng họ Roxtovxev. Bác Roxtovxev quay gót, lưng gù xuống, mặt nhăn nhó, bước ra bậc thềm, và nóng lòng xem mau cho hết mọi cái giờ đây đã là của riêng mình, bác đi ra vườn để xem sắc thái của những cây táo, bởi lẽ năm nay bác đặt rất nhiều hy vọng vào khu vườn. Nhưng dưới ánh trăng dịu hồng, thậm chí cả cặp mắt tinh tường của bác Roxtovxev cũng không sao phân biệt nổi màu trắng hồng phơn phớt của những cành trơ trụi với những chồi non. Bác dừng chân đứng lại mũi hít hít để hòng nhận biết bằng khứu giác. Có mùi hoa đấy, nhưng chỉ phảng phất. Nồng nặc hơn vần là mùi đất ẩm lạnh và mùi cỏ non tươi. Trong cảnh âm u tĩnh mịch, tiếng hót chiu chít của một con chim họa mi đang thử giọng ở phía dưới nghe lại càng rành rọt và thận trọng lan đi khắp khu vườn. Đêm hôm đó dịu dàng, sáng sủa, đầy ánh trăng nhưng có chút sương mù. Khu vườn hiện ra khá xa, - và khi ngoảnh lại nhìn khoảng rừng thông, bác Roxtovxev bỗng cảm thấy tóc mình rợn lên trong chiếc mũ lưỡi trai: trong khu rừng nhá nhem gồm những cây thông cao và um tùm lừng lững hiện ra năm con ma dài ngoẵng màu xanh nhạt. Hoảng quá phát khùng, bác tiến lại gần... Nhưng chỉ một phút sau bác đã lùi bước và lẩm bẩm với giọng càng cay đắng hơn:
- Ôi chao, quân lừa đảo! Ôi chao, đồ mất dạy!
- Tôi tính ngủ trong nhà lớn kia đấy, - bước ra giữa sân, bác cố ý nói to cho vang khắp cả sân. -Nhưng thôi, kệ xác chúng nó. Ở đấy ghê tởm, bậy bạ quá chừng. Cái lão ngu ngốc ấy lột sạch trơn, lại treo cổ tuốt cả lũ chó... Ta vào trong nhà gỗ vậy, dù là cái chuyện ấy chẳng quý phái gì.
- Chả thiệt gì lắm cả đâu ạ, - người quản lý bước lại gần, giọng oang oang, vui vẻ đáp. - Cái gì chứ đàn chó thì ta gây lại được thôi... Thưa ông Grigori Kixkentinưts, xin chúc mừng ông có nhà mới! - người quản lý nói, ngả mũ lưỡi trai xuống.
- Ồ, thôi đừng, thôi đừng! - bác Roxtovxev giả bộ bực mình, đáp. - Ta đi ngủ thôi...
Họ đi xuống bếp, trải dài hai bóng đen lên mặt cỏ đầm sương. Ở đây, ngồi trên ghế dài dưới ánh trăng, họ ăn lót lòng bánh mì trắng với xúc xích, thỉnh thoảng chuyên trò với nhau, rồi nằm châu đầu vào nhau trên chiếc ghế dài cạnh cửa sổ, gối đầu lên những chiếc áo dạ chùng đã gấp lại mà ngủ. Họ sẽ phải dậy sớm hơn để đón đoàn xe ngựa thồ từ tỉnh về mà bắt tay dọn dẹp cơ ngơi.
Nhưng do nóng ruột, bác Roxtovxev tưởng chừng như đêm dài vô tận. Bác luôn tỉnh giấc, nao nao nhìn vào ánh trăng màu hồng cứ chiếu mãi vào đôi ủng của bác. Và mỗi khi thức giấc bác lại rùng mình: trước mắt bác luôn sừng sững hiện ra cánh rừng thông xanh đen, ở đó, trong bóng tối trập trùng, cò những con chó treo lủng lẳng. Bác luôn trở mình và bực tức nhếch mép tự chê cười mình chưa chi đã vội mất tinh thần.
Capri, ngày 1 tháng 2 năm 1913
Nhấn vào đây để xem chương mới nhất của Ebook Những Lối Đi Dưới Hàng Cây Tăm Tối.