• 603

Truyện ngắn 6: Cỏ gày


Số từ: 11258
Dịch giả: Hà Ngọc
Nguồn: tve-4u.org
Cỏ gày thì bay khỏi bãi (Phương ngôn)
I
Bác Averki nằm liệt giường sau khi đã được ăn mặn vào đúng ngày lễ thánh Piotr.
Các tay thợ trẻ đã tắm rửa bằng xà phòng, chải đầu, đi ủng, mặc sơ mi bằng vải hoa mới. Còn bác Averki thì cảm thấy trong mình yếu nhược và dửng dưng, do đó trước ngày lễ bác cũng chẳng bước ra đến ngoài sân, chẳng thay ảo sơ mi nữa: còn quần áo mặc ngoài bác chỉ có nhất bộ, cho cả ngày lễ tết cũng như ngày dưng. Các tay thợ trẻ thả sức ăn và suốt bửa ăn cứ cười lên hô hố, nói những chuyện mà cô làm bếp phải giả bộ phẫn nộ quay mặt đi, thậm chí có lúc phải bỏ chiếc thìa đang ăn dở và bỏ cả bàn ăn mà đi ra. Còn bác Averki thì cứ lặng lẽ ăn.
Bác đã ở vào cái thời mà những người nông dân tốt bụng, hiền lành, sau khi đã làm lụng nhiều (chính bác cũng đã làm lụng như thế, cứ cố nông suốt tới ba chục năm) đã bắt đầu nặng tai, ít nói, và ai bảo sao cũng bào hao làm vậy, mặc dù trong bụng lại nghĩ khác, cố ý kiến riêng của mình. Bác đã ở vào cái tuổi của người nông dân mà người ta không sao xác định ngay được. Người bác to cao và cục mịch: rất khẳng khiu, tay dài, khung xương nói chung to, nhưng đôi vai thì lại hẹp, vì chúng xuôi xuống và trông bề ngoài có vẻ yếu ớt. Và cái vẻ cục mịch nơi đồng ruộng ấy, cùng với đôi giày bện và chiếc áo lông cộc mà bác thường xuyên khoác trên mình, lại được kết hợp một cách kỳ dị với cái vẻ đáng mến của bác: đầu bác không to, đã bắt đầu hói ở đằng trán, mớ tóc dài nhưng thưa, bộ mặt bác phờ phạc, mũi thanh, xương xương, đôi mắt xanh lơ, trơn ướt, bộ râu đang ngả bạc và nhỏ nhằn của bác không che nổi chiếc quai hàm gày guộc.
Tất cả những gì người ta chế nhạo trong bữa ăn, bác đều thấy là không cần thiết, không có gì đáng buồn cười cả. Nhưng nét mặt bác không hề tỏ ra khó chịu. Bác ăn từ tốn, luôn đặt thìa xuống: từ nhỏ bác đã quen coi việc ăn uống như một lễ cầu nguyện, bởi lẽ cả đời bác bữa ăn được coi như đỉnh cao nhất của một ngày lao động và nó thường đến với bác giữa những mối lo âu bất tận cho ngày mai, mặc dù suốt đời bác vẫn nói một câu quen thuộc:
- Trời sinh voi, trời sinh cỏ...
Những ý nghĩ của bác rối rắm. Dưới làn da mỏng mà xám, đôi lưỡng quyền của bác đã hồng hào lên. Bụng bác chẳng muốn ăn. Nhưng bác vẫn ăn một cách chăm chú, bởi vì đã lễ tết là phải ăn uống, và bởi theo bác nghĩ thì ăn uống có thể giúp ích cho bác, và còn bởi lẽ nữa là nếu không ăn thì cũng tiếc: bác đã ốm mất rồi, hẳn là bác phải rời khỏi nơi đây, về nhà thì bánh mì có khi cũng chẳng có, nói gì đến món ăn ngọt.
Người ta mang đến bàn ăn một chiếc đĩa gỗ đựng món thịt cừu nhiều mỡ và nấu rất mặn. Bác Averki sực nhở lại là hồi nào đấy bác đã từng đi ở cho người ta trong thành phổ vào mùa đông. Suy nghĩ một lát, bác thò những ngón tay mảnh khảnh của minh thận trọng nhón lấy một miếng và cười khẩy, mặt tái đi.
- Minh thích ăn mù tạc mà chẳng biết lấy ở đâu? - bác rụt rè nói, chẳng nhìn vào ai.
Ăn xong thịt cừu, bác cảm thấy khó chịu: nhưng bác vẫn ráng rốn ngồi cho tới cuối bữa. Đến tận lúc mà những người thợ trẻ, - sau khi đã nốc cạn sạch bát sữa màu xanh lơ to kếch xù và nấc lên với vẻ thoả mãn, - bắt đầu đứng dậy, châm thuốc hút, khiến mùi thức ăn thức uống và mùi bánh mì tinh bột vừa nướng xong pha lẫn với mùi thuốc lá vườn, thì bác Averki mới thận trọng đội cái mũ to tướng của mình lên đầu, - dưới đáy cái mũ bằng sợi gai ấy bao giờ cũng có một mũi kim có quấn chỉ, - đoạn bác bước ra ngưỡng cửa buồng ngoài, đứng một lát giữa bầy chó đói đang hau háu nhìn thẳng vào mặt bác vì chúng biết chắc rằng bác đang buồn nôn. Thời tiết đang xấu đi. Tròi tối mịt, hệt như lúc chiều tà của ngày thường; một con mưa nhỏ rơi lộp độp trên một tờ báo lăn lóc ngoài bậc thềm của ngôi nhà chủ quý tộc; những con gà mái tây, đuôi ướt lướt thướt, đậu lên bờ giậu đổ nát, còn những chú gà con, tuy bị những con gà mái tây bực tức mổ tới tấp, vần cứ leo lên, chui vào nấp dưới cánh chúng... Những món ăn ngọt! Bác Averki hiểu giá trị của chúng. Những nỗi gian lao cuối cùng trước khi chết đã đến với bác, nhưng dù sao bác cũng vẫn cố không để mất những món ăn ngọt ấy khi bác lê bước tới căn nhà gỗ này.
II
Bác quay trở lại, người tái đi, chân run lên, và bác xin cô làm bếp cho bác được nằm lên bệ lò.
Cô ta dửng dưng hỏi:
- Lại ốm rồi hả?
- Tôi đã phục vụ ba chục năm trời, - cũng hoà theo giọng ấy, bác vừa đáp lại, vừa leo lên tấm phản, đặt đôi giày bện vào chiếc bếp than nhỏ, rồi len vào khoảng trống chật hẹp, nóng ấm giữa bếp lò với trần nhà, - tôi đã phục vụ ba chục năm trời với lương tâm trong sạch, nhưng đến nay thì hết rồi, yếu rồi... Chẳng đóng móng sắt nổi cho một con rận nữa, -bác nói đùa. - Mòn gỉ rồi, bắt đầu thở chẳng ra hơi, - bác nói với giọng càng chắc chắn hơn, thậm chí có vẻ hài lòng nữa, rồi nằm xuống.
Và vừa đặt mình xuống xong, sau khi đã gối đầu để nguyên cả mũ cho êm lên một bó dây bện đã cũ nát, bác lập tức lim dim ngủ và nghe thấy cả hơi thở sâu và đứt đoạn đều đều của mình, cảm thấy hơi thở ấy nong nóng ở trên môi. Bác đã đinh ninh rằng mình sẽ không ốm liệt giường liệt chiếu, rằng mình là một con
gà trống nuôi rẽ
. Từ lâu bác đã cố gắng đế lấn lướt tật bệnh. Những con chó ốm thường bỏ nhà, ra bờ ruộng, bìa rừng, tìm một loại cỏ mảnh mai nào đó mà chỉ mình chúng biết, để mà ăn và bí mật tự tìm cách chữa chạy cho mình. Tách ra khỏi đám người ăn kẻ ở trong nhà, bác Averki cũng tìm tòi, cũng bí mật mua nào rượu vodka, nào nước xôđa... Giờ đây bác đã không còn hơi sức đâu để có gắng lướt qua bệnh tật được nữa. Song, dù sao bác vẫn cứ phải suy nghĩ: chỗ làm việc ra sao đây, có nên về hay không? Nếu mau mau chóng chóng mà chết, thì dĩ nhiên chẳng có gì phải suy nghĩ nữa rồi. Thếnhưng ngộ nhỡ chưa chết ngay thì sao?
Đám thợ trẻ hút thuốc và cười rộ. Trong khi để tai nghe và suy nghĩ, bác bắt đầu nằm mơ. Nhưng những giấc mơ của bác toàn những ký ức u buồn và tẻ ngán. Này kìa, hình như bác ra khỏi căn nhà gỗ -bác phải đi ngựa ra kho chứa lúa để lấy bổi lúa... Vậy mà lại có một người hành khất bước vào sân và đứng dừng lại khi thấy đàn chó xồ ra, đầu người đó cuốn chiếc khăn san đàn bà, tay trái cầm làn, tay phải chống một cài gậy dài, đôi chân gày guộc dận đôi giày bện rách nát...
Nếu trời cho ta được bình phục, ta sẽ đi Kiev, đi Zadonxk, đi Optina, - bác Averki nghĩ vậy trong lúc mơ màng. - Đấy là công việc chân chính, thanh tịnh, nhẹ nhàng, nếu không làm được thì sẽ chẳng hiểu ta sống trên đời để làm gì...
.
Nhưng rồi đám thợ trẻ lại nhất loạt cười ầm ĩ cả lên, họ phun khói thuốc lá mù mịt khắp gian nhà. Bác Averki bừng tỉnh. Cửa xịch mở, có ai bước vào.
- Lại no bụng đói con mắt rồi! - cô làm bếp không nhìn vào người mới vào, vừa lau bàn vừa nói vậy. - Lại vác mặt đến... Bố già ơi, bố không còn biết xấu hổ là gì nữa hay sao? - cô ta ngoái lại hỏi. - Bố còn đến làm gì nữa nào! Chưa chán ư?
Nhưng, bố già, - người canh vườn cho một thị dân, một
ông già thích nhảy nhót
, như bác ta thường tự gọi đùa mình, - một người lúc nào cũng say mèm, ăn mặc rách rưới, lúc nào cũng khiến bác Averki khổ sở về cái tình lúi xùi, cái thói ba hoa, tóm lại là về tất cả cái kiểu sống phóng túng, không phải theo lối nông dân của mình, - bố già ấy chẳng chú ý gì đến cô làm bếp cả.
- Các anh ơi ,các anh xem xét: có lẽ nào như vậy không cơ chứ? - bác ta nói lải nhải với vẻ tuyệt vọng thật sự, dang hai tay trước mặt những tay thợ trẻ. - Có một mình mà trông coi cả khu vườn bằng nấy! Dù ông ấy có cho đến sáu rúp lão cũng chả lấy đâu! Hôm nay mà ông ấy có đến thì lão cũng bảo thẳng ông ấy rằng: làm cho ông như gông đeo cổ, tôi không làm, tôi bỏ tôi đi! Xin đủ! Đấy, cây chưa nhú quả, lũ trẻ con đã bắt đầu nhòm ngó rồi, đã rung sạch trụi hai cây táo rồi, lão làm gì được? Ông ấy bảo: cốt yếu nhất là anh giữ mấy cây lê... Cơ mà lão có một mình thì làm gì nổi? Ở trên bờ đất, chúng cũng vặt sạch cả anh đào rồi đấy, - thôi thì kệ thây chúng! Lão còn đang ốm đây!
- Ốm nhưng bố còn làm được ối việc! - cô nhà bếp nói.
- Nói sao dễ! - ông già đáp, ngồi lên phản. -Còn cô, cô hãy im miệng đi một chút. Lão còn có bà già ở nhà kia kìa, bà ấy đáng tuổi mẹ cô, mà có dễ đến nửa năm nay lão còn chửa trông thấy mặt... Ờ, quả tình là cả đời cũng chả trông thấy mặt nữa kia, thế thì chả hiểu mình lấy vợ làm gi...

Ông này cũng khổ chẳng kém gì mình
, - bác Averki nghĩ bụng, nhắm mắt lại và đã không còn có ác cảm với ông già ấy như trước nữa.
- Mà đối với lão có lẽ bà ấy cũng không phải là người dưng nước lã, - ông già nọ nói tiếp với giọng cay đắng thật sự. - Thế cho nên lão mới nói với các anh rằng: lão có thể làm được gì? Bây giờ lão bỏ đi đến đây; nhưng trong túp lều tranh của lão còn có một chiếc áo dạ dùng để làm ăn, đáng giá có đến bảy rúp! Nhưng làm thế nào được? Rồi người ta sẽ lấy đi mất do có lòng tốt đấy thôi! Còn các quý ông thì lão cho phép hái anh đào đấy: các vị có thể hái! Các quý ông ấy có chăng thì cũng chỉ ăn hết vài ba hột, mà đấy lại là người anh em nông dân của chúng ta... Lão nói thế có đúng không thế nhỉ - ông già lại nổi sôi, hét lên. - Cả anh nữa, anh trưởng thôn ạ, anh thì bao giờ lão cũng cho phép bải vì ở đây có lẽ anh là người đứng đầu, đứng trên mọi người! Duy có một việc anh làm lão bực mình là anh không cho lão một tấm ván để làm giường nằm. Cám ơn, nếu là cậu con nhà quý tộc giúp đỡ thì cũng được, gần đây lão có nhảy múa chút ít cho cậu ta xem, thế là cũng được ngay nửa chai...
Bác Averki lại mơ mơ màng màng... Trời đã về chiều, bác theo sau một chiếc xe bò đi trên cành đồng. Lất phất mưa. ở trại nuôi gia súc của một nông dân giàu có trên thảo nguyên, cảnh cổng mở toang: một con ngỗng đực mất ngỗng cái đang đi lang thang khắp sân kêu quang quác lên...
Người giàu ở đâu cũng sung sướng!
- một cụ già ở đâu phía dưới thốt lên với giọng giận dỗi và đau đớn. Bác Averki gật gù chiếc mũ, tỏ vẻ tán thành, nhưng trong bụng lại nghĩ:
Người giàu như con bò mộng có sừng, cổng mà hẹp là chui chẳng lọt..
Rồi bác lại bừng tỉnh, cảm thấy mình đang nói mê.
Phải rồi, Chúa không ưa những ý nghĩ quá cao siêu đâu... Phải rồi, thương hại thay cái ông già ấy... Thế nhưng cái cảnh khói bay mù mịt với lại những câu chuyện tầm phào, lạ người, lạ bếp này - chao ơi là buồn, là thiếu ấm cúng! Cáo chết ba năm còn quay đầu về núi nữa là... Không, hết rồi, đã đến lúc phải về nhà thôi!
.
Ill
Bác tỉnh dậy vào lúc sẩm tối. Trong căn nhà gỗ chẳng thấy các tay thợ trẻ, cũng chẳng thấy cô làm bếp đâu nữa. Chỉ thấy bên cạnh cửa sổ có con bé ngẩn ngơ, thường đi lang thang xin ăn ở các nhà quý tộc và nhà nông dân, tên gọi là Anhiuta đang ngồi trên ghề dài. Nó người đậm đà, tóc cắt ngắn. Nó đang nhìn ra cửa sổ, - cài đầu của nó từ phía sau trông giông như một cái chĩnh lộn ngược, - và nó đang khóc: thằng bé con cô làm bếp không cho nó nằm ngủ, có cái ghế dài cứ cưỡi làm ngựa nhong
nhong suốt.
- Thế mà ở ngoài kia lũ gà tây lại làm tử tình tử tội, - tưởng bác Averki ngủ, nó vừa khóc vừa kể lể, than thân trách phận một mình. - Ra nằm nghỉ ở bờ rào thì mưa, lũ gà tây lại rỉa tróc cả da đầu, vào đây thì lại vớ phải cái thằng quỷ con này... Thế đấy Anna Matveevna ạ! Thế đấy, mẹ ạ! Miếng ăn của người chẳng ngon ngọt gì đâu! Thế mà đã từng giàu có đấy, đã từng nổi tiếng là cô tiểu thư thông minh đấy!
Đó là nó nhớ lại cái thủa vàng son, khi trong tay nó có tới ba mươi sáu rúp. Nó đã dành dụm và giữ gìn số tiền ấy khá lâu, như giữ mả tổ của mình vậy. Cái lão nông dân mà nó ở nhờ đã hỏi săn hỏi đón, lạy lục van lơn để vay của nó, thề sống thề chết là sẽ trả lại cho nó, - và dĩ nhiên là lão đã không trả, thậm chí còn nói thẳng rằng: tao bảo cho mà biết nhé, tao không trả đâu và mày đừng có hòng...
Bác Averki mở mắt ra. Bác thấy có dễ chịu hơn trước, đầu đã không choáng váng nữa. Nghe con bé dở người nói mà bác bật cười. Chao ôi, lạy Chúa, con người ta lo âu, khổ sở chỉ vì những nông nỗi như thế thôi đấy! Cái ông già đã hoang mang than phiền, với đám thợ trẻ kia... Cái con Anhiuta đang khóc nấc lên vì tức giận thẳng bé con này...
- Lẽ ra mày phải béo tai nó mới được, - bác khẽ cười, nói.
- Bố dậy rồi đấy ạ? - con bè dở người hỏi. Rồi nó bỗng khóc nức nở lên một cách quá đáng, nghe rất khó chịu. - Cháu làm sao mà trị nổi nó ạ?
Khi nó đã bắt đầu nguôi nguôi, bác Averki trìu mến khe khẽ gọi nó.
- Bố cần gì ạ? - nó đáp với vẻ đần độn.
- Cháu đi đến chỗ bác gái cho bác, - bác Averki nói. - Cháu bảo bác ấy đến đón bác. Bác e rằng ngay chính bác gái cũng chẳng có gì ăn, nhưng biết làm thế nào được? Tìm cách sống lần hồi vậy. Rõ ràng là bác như con dao dùng mãi đã cùn rồi. Dù sao về nhà cũng tốt hon, phải lẽ hơn...
- Người dưng nước lã đâu có thể thay thế người thân được! - con bé dở người đáp với giọng chua chát. - Con sẽ đi, bố đừng ngại... Con bảo bố chuyện này, bố không giận con chứ?
- Không...
- Có khi bố lại phát hoảng lên ấy chứ?
- Mà chuyện gì vậy? - bác hỏi.
- Chả là... Con chỉ mong điều tốt lành cho bố thôi. Mới đây con có đến, thấy người ta bảo là bố ốm. Thế là con mới đến ông Pantiusa để xem bói cho bố...
- Ờ thì sao nào?
- Bố ạ, quẻ của bố xấu đấy... Ông ấy lấy đất bỏ vào chảo, nằm phủ phục dưới các tượng thánh rồi hát lên... Rồi ông ấy lại bốc đất trong chảo, tự rắc lên mặt... Cứ bốc rồi rắc hoài...
- Thế cháu có khai rõ họ của bác ra không? -bác Averki hỏi.
- Cháu lại khai rõ ra mới khổ chứ...
Bác Averki nín lặng.
- Dù sao cháu cũng cử đến chỗ bác gái cho bác - bác bảo.
- Về việc ấy bác chẳng có gì phải phiền lòng. Cháu sẽ đến.
Moi trong túi ăn xin của mình ra một chiếc bánh mì hình số tám, con bé dở người bắt đầu ăn, vừa ăn vừa nhặt những mẩu vụn rơi xuống lòng.
- Bố có ăn bánh không? - nó hỏi.
- Không, cháu ạ, cảm ơn, chẳng hiếu sao bác chẳng muốn ăn uống gì, - bác Averki đáp.
Bác thở dài, trở mình. Con bé dở người mở cửa sổ ra, khí tươi mát của buổi chiều bắt đầu lùa vào. Ở lưng trời trong vắt, một vầng trăng khuyết mảnh như sợi chỉ, lung linh bên trên khoảng đồng bằng thoai thoải đen ngòm bên kia sông. Ở một thôn xóm xa xa, các cô gái đang véo von, ngân dài giọng hát một bài ca tán tụng cổ xưa:
Chiều chiều, dưới ánh đóm sáng...
Điều đó đã xảy ra bao giờ và với ai ấy nhỉ? Đó là một cảnh tranh tối tranh sáng dịu dàng trong nội cỏ, trên một vũng nước hồ nông choèn: một làn nước ấm ửng hồng lúc bình minh, gợn sóng lăn tăn và dềnh lên những vòng tròn mỗi lúc một xa, trên bờ có một chiếc xe chở nước của ai đó, trong ánh chạng vạng thấy loáng thoáng thân hình một cô gái, đi chân không - và đôi tay ngượng nghịu của cô ta kéo mãi mới lôi lên được một gầu nước đầy... Một chàng thanh niên cưỡi ngựa thủng thẳng đi ngang qua đó trong cảnh tối tăm, trong khí tươi mát toả ra ngọt ngào trên đồng nội...
- Cô không nhận ra tôi ư? - chàng giả bộ hờ hững hỏi.
- Làm như người ta cần nhận ra anh lắm ấy! -một giọng ngực, dịu dàng, tuy lảnh lót nhưng không được tự tin cho lắm đã cất lên để đáp lại, - và trái với ý muốn của người nói, trong giọng lại thấy có ý trìu mến, có niềm vui về cuộc gặp gỡ tình cờ.
- Có cần giúp không?
- Làm như người ta cần anh giúp đỡ lắm ấy...
Chàng cố nén mình và thấy rằng nếu cứ ép người ta phải nói chuyện với mình sẽ là điều quá sỗ sàng, chàng bèn lặng lẽ đi lên núi, đi lên một cành đồng tăm tối dầm sương để mà ngước nhìn những ngôi sao, mà lắng nghe tiếng hót của những con cun cút, rồi chàng suy nghĩ thiết thực:

Cô ta xinh, mà lại nghèo, úi chà, lại tự mình đi chở nước về...

Chuyện ấy xảy ra đã lâu, từ khi cuộc đời mới bắt đầu... Phải chăng đó chinh là cái người mà ngày mai sẽ đến để đưa bác về chết ở nhà? Chính là cô ấy đấy, cô ấy đấy..
IV
Ngày hôm sau bác gái đã đến. Bằng đôi bàn tay đen đủi của mình, bác đã trìu mến, chăm chút thu dọn đồ lề của bác trai: chiếc áo dạ mặc ngoài, đôi xà cạp, chiếc thắt lưng đã bạc màu, - rồi đưa bác trai về nhà với gương mặt tai tái và một nụ cười yếu ớt
- Đi thôi, đi thôi, bố nó ạ. Làm lụng thế là đủ rồi. Tôi đã đợi bố nó cả đời người. Vậy mà nay bố nó như thế này đây, chẳng ra hình thù gì cả. Mòn gỉ rồi. Thế nhưng chiếc nhẫn thề dù cũ vẫn cứ đẹp...
Và bác Averki đã luôn mừng vui trong thời gian đầu: thế là bác đã về nhà mình, đã phục vụ mãn hạn rồi! Bác không nằm trong nhà gỗ: từ lâu bác đã có nguyện vọng được nằm tự do tự tại, yên tĩnh, ở nơi không khí trong lành ngoài đồng áng. Bác ra nằm ở cái sân phơi lúa nho nhỏ của nhà mình, ở cái lán chứa lúa cũ kỹ rau lê mọc um tùm bốn chung quanh, ở cái xe ngựa tải đã mất hết bánh xe - và qua cánh cổng mở toang, ngày đêm làn gió ẩm từ những vườn rau và những sân phơi thổi về mơn man trên mình bác, những cơn mưa to cũng hắt vào theo chiều gió thối.
Mọi việc bác đều bàn bạc với bác gái, cả hai bác cũng tiếc cho cô con gái do tinh cảnh bần bách đã phải sớm gả đi quê xa cho một hộ khá giả nhưng lại có bệnh phong tình, và hai bác quyết định bắn tin cho cô ấy biết để liệu đường về thăm bố.
Thế nhưng cô con gái đã chẳng về, hẳn là do thời tiết chưa cho phép.
Người ta khốn khổ vì thời tiết .Từ sáng mặt trời chói chang, hầm hập trên những cánh đồng bốc khói, trên những con đường lầy lội, trên những vạt lúa no nước nằm rạp trên mặt đất .Từ sáng thỉnh thoảng bác Averki lại rời bỏ chiếc xe ngựa của mình, lê bước về nhà để hứa hẹn với bác gái rằng thời tiết sẽ tốt lên. Nhưng cứ tới trưa là mây đen lại kéo đến và hình như dưới ánh mặt trời chúng lại càng sẫm hơn ,các lớp mây đều đã thay đổi những màu sắc và hình thù khác thường của chúng, gió lạnh nổi lên, rồi làn mưa lấp lánh màu ngũ sắc xiên xiên chạy trên đồng ruộng.
- Sẽ có nhiều tai họa lớn đây, - bà láng giềng trước có đi làm gia nhân, luôn miệng bảo vậy. -Trước kia, cả mây đen cũng khác, toàn như thỏ rừng với lại bụi cây, thế mà bây giờ lại rặt là những đám xù xì...
Song, bác Averld đi ủng dạ, mặc áo lông cộc ngồi cạnh nhà, chỉ nhếch mép mỉm cười: giờ đây bác còn bụng dạ nào nghĩ đến những tai họa trong tương lai!
Bà con xóm giềng đi cày vỡ đến trưa về ai nấy đều ướt át, mỏi mệt và đều than phiền rằng áo dạ mặc ngoài đều hôi rình, và mọi người đều muốn tự cam đoan rằng: nhờ ơn Chúa, biết đâu trời sẽ lại chẳng quang đãng ra. Nhưng, sau bữa trưa, mây đen lại kéo đến tối sầm, giông tố lại cuốn theo một trận mưa to kèm theo mưa đá. Xế chiều trời tạnh dần, mặt trời ló ra, song ở đằng Đông lổn nhổn những núi non màu hồng còn lưng trời phía Tây giăng đầy những đám mây bạc, lăn tăn y hệt như lông tơ của vịt, trông rất kỳ dị.
Đêm đêm thường có sương mù. Những ngôi sao có lông măng xanh nhạt, giống như những con đom đóm to, ghé qua cổng mà nhìn vào bác Averki. Bác ít ngủ, đêm đến lại thấy buồn chán. Song, sực nhớ hiện nay mình đã được thoát khỏi mọi nỗi lo âu và đau khổ như thế này, bác bèn hướng lên trời làm dấu thánh giá để tạ ơn.
Bác gầy và yếu đi không phải từng ngày mà là từng giờ. Nhưng cảm thấy cái chết cứ lấn dần mà không gây đau đớn, ê chề gì, bác thường bảo bác gái:
- Không sao, bu nó đừng có sợ, tôi sẽ chết nhẹ nhõm thôi.
Thế nhưng bà lão vẫn thầm hy vọng, không tin vào lời nói của bác trai. Điều bác gái sợ hơn cả, lại là thái độ dửng dưng của bác trai. Song ngay cả thái độ dửng dưng mà lâu nay bác gái vẫn cố giải thích là sự mềm yếu của bác trai, thái độ dửng dưng ấy cuối cùng cũng đã vượt qua giới hạn của nó.
Vào cuối tháng bảy, khi mọi người bắt đầu gặt hái qua quít trên đồng ruộng và khi trời đã ngớt mưa, bác gái mất con bê con mà bác đã phải chịu đựng biết bao nhiêu thiếu thốn mới ky cóp được, một con bê con nó luôn theo gót bác như một con chó. Bà lão đã chạy đi lùng khắp mọi cánh đồng, mọi làng mạc lân cận. Do buồn rầu và lo lắng, gặp ai bác cũng đều hỏi xem họ có thấy con bê con màu vàng không, nhưng sau đó bác cũng vẫn chẳng chịu thua, vẫn nghĩ ra thêm mọi địa điểm mới để đến tìm. Thế rồi bỗng nhiên, vào một buổi chiều tối tăm mù mịt, lũ chó tha về làng một cái đầu màu vàng có hai sừng bé tí. Người ta đoạt lấy của lũ chó mà mang đến tận thềm nhà cho bà lão. Bà lão rối ruột rối gan, khóc nấc lên như một đứa trẻ con. Và mọi người đứng quanh thềm hồi lâu, chẳng biết nói gì, làm gì. Cái đầu nhú sừng, đọng máu dễ sợ ấy đã gây cho mọi người một ấn tượng nặng nề. Và duy chỉ có bác Averki, - nghe tiếng lao xao bác đã từ lán chứa lúa lê bước về nhà, - là khẽ phẩy tay.
- Có gì đâu mà! - bác nói. - Từ thuở bé mình đã không ky cóp thì bây giờ cũng chẳng can gì...
Mọi người ngạc nhiên đưa mắt nhìn bác và lại càng đồng thanh làm ầm ĩ cả lên, bảo rằng không thể để như thế được. Bác chăn cừu cho biết là lũ chó moi được cái đầu ấy ở trong rừng. Mặc dù trời đã sẩm tối người ta vẫn quyết định vào ngay rừng. Bác hàng xóm vội vã gióng ngựa vào xe, đặt bà lão khóc sướt mướt ấy ngồi lên, tự mình cũng nhảy lên xe rồi phóng xe đi vang động cả đường làng. Theo sau xe là những người cưỡi ngựa. Ngoài đồng tối tăm, trong rừng tối tăm, tĩnh mịch, và đã nghe có mùi lá rụng. Một bên rừng lờ mờ sáng do có ánh đo đỏ của mặt trăng đang lên. Họ đi tới một chòi canh trong khoảng rừng thưa, cạnh một cây sồi chỏm đã héo khô. Người canh rừng đang ăn chiều, thấy đoàn người kéo đến thì đâm hoảng. Họ đòi anh ta phải đưa đèn lố ra, rồi theo chân bác chăn cừu đến chỗ lũ chó đã moi lên, tìm ra được bộ lông chôn dưới đất, họ liền la hét om sòm và điệu anh canh rừng về làng, đưa đến nhà bác Averki.
Bác Averki chưa ngủ, vẫn còn ngồi trong căn nhà gỗ tối tăm. Khi người ta đã khơi to đèn lên thì căn nhà đã đầy chật người, và khi người ta dần ông trưởng thôn có bộ râu màu rơm vào và trong lúc họ đang thi nhau la ó, khép tội anh canh rừng, thì đột nhiên bác Averki lại ra bênh vực cho anh ta. Để biện hộ cho mình, anh canh rừng chỉ nói có một điều:
- Ăn cắp thì tôi chả chịu đâu. Bố tôi không ăn cắp, mà tôi thì cũng chả chịu ăn cắp đâu. Nếu như tôi ăn cắp, thì tôi đã chả có gì, tròi đã chả cho, thế nhưng tôi lại có cơ ngơi kia.
Song do cái thái độ thờ ơ đổi với mọi việc trần tục, bác Averki đã hoàn toàn tin lời anh ta, - thậm chí lại còn cất cao giọng, nằng nặc đòi thả anh ta ra chứ không cho nhốt anh ta vào phòng lạnh. Bà con xóm giềng ngạc nhiên và chưng hửng, rốt cuộc đành phải chịu bác. Cả bác gái cũng đành phải khuất phục trước giọng nói và bộ mặt rùng rợn của bác.
Kể từ đêm hôm đó bác gái đã không còn hy vọng gì là chồng mình sẽ bình phục trở lại.
V
Cô con gái đã cùng với chồng hứa về thăm và đã về tới nhà vào ngày hội thánh, vào ngày Chúa Cứu Thế thứ nhì(1)!. Đã quyết định là anh rể sẽ chở bác Averki đến nhà thương cho bác sĩ xem. Bác Averki bằng lòng và đã tươi tỉnh lên được vài ba ngày.
Trong vài ba ngày đó, những tình người bình thường đã trở lại với bác. Được bác gái giúp giập, ngay từ sáng sớm bác đã rửa ráy, chải đầu để đón khách.
Cứ vào buổi trưa là bác lại nằm và lẳng nghe xem họ có đến không. Đã có tiếng chân bước và người nói ở đẳng xa. Ở khung cổng đã thấy hiện ra anh chàng rể, vợ và đứa con gái, phía sau là bà lão. Chàng rể người to cao, tóc hơi xanh xanh, lông mi trắng, mày râu nhẵn nhụi, quần áo bảnh bao, mũ lưỡi trai mới, đôi ủng mới, chiếc gilê xám mặc lên trên chiếc sơ mi mới màu vàng. Bao giờ bác Averki cũng đã cho con gái mình là một hoa khôi, thì lần này bác lại càng ngạc nhiên thấy nó vừa đẹp, khiêm nhường, lại vừa đường hoàng, với đôi hàng mi dài buông xuôi, tấm xiêm không tay màu hoa cà, đôi tay nhỏ nhắn ngăm đen. Cô ta yểu điệu, duyên dáng, tay dắt một con bé tóc trăng trắng, mặc chiếc xiêm xinh xắn màu xanh lá cây, con bé luôn tò mò nhìn ngó những lỗ thủng trên mái lán chứa lúa, mồm mút một lõi gỗ cuốn chỉ.
Khách khứa tiến lại gần, cúi chào bác Averki, thận trọng ôm hôn bác, bế lên cho bác nhìn đứa cháu gái nó không chịu hôn bác, cứ ngoảnh mặt đi; lòng trìu mến, bác Averki để ý thấy nó có mái tóc vừa trắng vừa vàng óng, những sợi tóc cứng, mượt như cỏ sau mùa hạ. Khách khứa bắt đầu nói chuyện sảng khoái, thảnh thơi, - chàng rể luôn tìm cách pha trò, - nhưng vẫn để mắt nhìn bác Averki và có lẽ cũng vẫn không biết nên nói gì. Bác cũng cảm thấy thế, ngượng nghịu mỉm cười và thậm chí phấn chấn lên, nhưng trong bụng lại thầm nghĩ, so sánh cô con gái với bà già mình hồi xưa: không, hồi xưa bà ấy nhiệt tình hơn nó kia! Con bé này nó cũng xinh và khiêm nhường như mẹ nó hồi trẻ, nhưng nó điềm tĩnh hơn, thận trọng hơn. Cô con gái khiến bác cảm động về vẻ đẹp, về hai hàng mi, về những hạt thủy tinh lóng lánh trên chiếc lược cài đầu, còn bà lão thì khiến bác cảm động vì đôi giày bện, làn da nhẽo, vẻ mệt mỏi, thái độ chân thành. Tình cảnh trái ngược ấy khiến bác bồi hồi, và trong giây lát bác lại cảm thấy cuộc sống sao lại ngọt ngào thế! Bà lão chẳng giả vờ giả vĩnh gì. Bà bước vào và đứng đó, buồn rầu nhìn bác trai như muốn nói: đấy, tôi đã dẫn con cái đến, chúng nó muốn nhìn mặt bố nó, song thần sắc bố nó xấu đi rồi, bố nó ạ, nhưng làm thế nào được. Còn bác Averki thì quả là bác trông dễ sợ thật. Mái tóc bác đã càng thưa đi nhiều, những sợi tóc đã mảnh đi nhiều, rụng đi, xoã xuống cổ sơ mi rộng, xuống xương quai xanh, thòi ra như hàm thiếc của con ngựa. Ở hai bên thái dương đã hõm sâu của bác, thò ra hai vành tai to, trong suốt. Đôi mắt trõm lơ.
Khách khứa ăn bữa trưa trong nhà gỗ. Người ta đưa đến cho bác một bát kvax rưới mỡ, một mẩu bánh mì. Bác nhỏm mình lên, đỡ lấy bát, cúi gục xuống cái bát, cong tấm lưng với những đốt xương sống nhấp nhô, làm dấu thảnh giá, tay run run cầm thìa múc, đoạn nuốt vội xuống, e rằng minh chẳng đủ sức mà ăn. Mà đúng vậy, bác không đủ sức thật. Bác mệt, bác tức thở, phải nằm ngửa ra... Thế là cái bát vẫn nguyên như thế trên mặt đất, cạnh chiếc xe ngựa. Nước kvax sủi bọt lên, mỡ kéo thành màng, ruồi nhặng bâu đến vô sổ. Bác Averki xua chúng đi, rồi xem xét bàn tay mình, xem xét những móng tay xanh ngắt. Bác lấy làm lạ về lòng bàn tay minh: nó đã hõm xuống rồi, nhưng sao lại khô khốc và bóng lên như bôi sáp... Và nghĩ tới bệnh viện, bác mỉm cười với vẻ giễu cợt
VI
Trước khi trời tối, đổ xuống một trận mưa rào. Từ đường phố trong làng, một lũ con gái cười rúc rích, tốc váy che lên đầu, họp thành đàn chạy lại đứng cạnh cổng. Chẳng để ý gì đến bác Averki, chúng đứng đợi tạnh mưa, một con mưa mà người ta có thể thấy được qua khung cổng, trên nền một đám mây xám xịt. Lũ trẻ nói nói, cười cười ả ngoài cổng, một ai đó cứ tập kéo hoài một chiếc đàn gió đã hỏng, những lưỡi gà đã sa xuống. Chàng rể của bác Averki đang ngà ngà say, tiến lại gần cổng. Anh ta đưa đầu gối bên phải lên đỡ lấy chiếc đàn gió cỡ lớn của mình, một chiếc đàn kêu rất dịu dàng và êm tai. Anh ta vừa chơi đàn, vừa thẫn thờ nhìn vào một điểm. Còn đứng đối diện với anh ta, đầu hơi cúi xuống, chằm chằm nhìn anh ta là một cô vợ lính, một thiếu phụ có nước da tái, miệng tươi tắn, dễ coi, cặp mắt sáng như bạc giữa những làn mi đen. Họ gọi nhau bằng những cái nhìn, bằng những từ ngữ ở một thể
thụ động
vô cùng tận. Và dưới làn mưa thưa thớt, mọi người đều theo dõi cuộc đàm thoại tình duyên không lời của họ hồi lâu. Đã sẩm tối trong các góc lán, đang sẩm tối ở ngoài cổng. Mắt nhắm nghiền, bác Averki lắng nghe. Bác cảm thấy dễ chịu...
Cảnh đường làng ở cạnh lán cứ như vậy cho tới tận đêm khuya, mọi người dần dần tản ra về. Mãi khuya bầu trời mới quang quẻ, hai ngôi sao lớn ngó vào trong lán.
Té ra là phải thế, - bác Averki ngậm nghĩ, té ra đối với nó, con gái minh cũng chưa xinh, nó phải kiếm đứa khác.
Tiếng đàn gió đã im. Ngoài cổng có tiếng ai đang nói bằng một giọng run run, khản đặc, nài nỉ một điều gì. Người đàn bà đáp lại với giọng kéo dài, có ý lảng tránh, nhưng sự chống đỡ của cô ta có vẻ yếu ớt. Rồi sau hai bóng đen trong phút chốc đã che lấp những vì sao trong khung cổng, đoạn đi ngang qua sát cạnh bác, tiến về phía đống rom còn sót lại ở mé trái...

Ôi chà, không ổn rồi, - bác Averki nghĩ bụng. - Thế mà con gái mình lại yêu quý nó kia chứ...
. Trong tâm hồn bác âm vang lên một bài ca âu yếm, tình tứ:
Hỡi anh yêu, vắng anh em buồn, vắng anh giường lạnh ngắt, đầu giường sương muối đọng...
Bác thiếp đi rồi lại tỉnh giấc vì có tiếng ho ran. Sau khi đã tiễn chân cô vợ lính, anh chàng rể đã mạnh bạo trở về lán, ngồi lên chiếc xe trượt tuyết, cởi quần áo, ném đôi ủng xuống đất kêu lịch bịch. Anh ta xòe diêm, soi vào con gà trống ngủ đêm trên giá xẻ gỗ.
Để chứng tỏ là mình không phật lòng và không can thiệp vào công việc của người khác, bác Averki cười khẩy, nói con gà trống
- Ái chà, kiếm được chỗ ở đàng hoàng thế kia đấy!
- Thế sao bố còn chưa ngủ? - chàng rể hỏi.
- Tôi hầu như chẳng ngủ nghê gì được hết, -bác Averki đáp.
- Vậy thì bố ngoẻo mất thôi, - chàng rể nằm xuống thản nhiên nói.
- Cỏ gày thì bay khỏi bãi, - bác Averki nói đùa. Mà tôi cũng cảm thấy hết rồi. Cảm thấy nó rồi đấy. Cứ đêm đến là buồn, nhất là nếu như khi có ông sao tia chớp nổi lên lúc nửa đêm. Thế mà vẫn chưa có gì! - bác nói với vẻ tuyệt vọng. - Trong cổ họng đã thấy ong ong lên như chuông rền...
Anh chàng rể bắt đầu ngủ thiếp đi, lên tiếng ngáy nghe rầu rĩ. Và nỗi u buồn, nỗi mủi lòng do cô đơn đã xâm chiếm tâm hồn bác Averki. Bác còn muốn chuyện trò, còn muốn nói được câu chuyện gì cho chàng rể thấy thân thiện và vui lòng. Bác gọi anh ta:
- Ngủ đấy hả?
- Chưa, - chàng rể tỉnh giấc, đáp. - Gì thế ạ?
Rồi anh ta làu bàu một cách nghiêm khắc:
- Đừng lục sục, không để cho người ta ngủ nữa... Ngủ đi!
Bác Averki nín lặng. Bác muốn bảo:
Chao ôi, trên đời có tình yêu đẹp biết bao!
. Bác nằm, ngẫm nghĩ và nín thở, cố làm ra vẻ mình đang ở dưới mồ. Anh chàng rể ngáy ro ro, ngủ một giấc say thường có vào lúc canh khuya. Hồi lâu còn thấy được một ráng hồng phơn phớt, mờ đục ở ngoài cổng, đằng sau những cánh đồng tăm tối. Đã hiện ra một vành trăng khuyết khuya khoắt, - hệt như sự phản chiều của một tấm gương mờ mịt, - nó bay là là rồi biến mất .Trời đã tối đi trước lúc bình minh. Con gà trong đã bắt đầu gáy vang cả lán. Trong khung cổng, bầu trời đã chuyển sang ánh bạc, một ngày mới đã bắt đầu đến cho các sinh linh.
Anh chàng rể thức dậy, ngáp lên một cách tươi tỉnh và khỏe khoắn, khiến bác Averki đang mơ mơ màng màng lại phải tỉnh giấc. Buổi sáng đã đến trong ánh vui tươi. Bầu trời xanh lơ với đường chân trời màu da cam cũng đã ngó vào trong cổng với dáng vui vẻ, trẻ trung. Những hạt sương lạnh lấp lánh trên ngọn cỏ. Anh chàng rể bầm môi tím mặt nong ủng vào chân rồi giậm bình bịch xuống đất.
- Cái lão quỷ thọt làm hẹp mất rồi! - anh ta nói với giọng khàn khàn nhưng tươi tỉnh, ám chỉ ông thợ đóng ủng.
- Ủng chật mà lại vào mùa thu thì không ra sao cả, - bác Averki đáp. - Khổ sở với nó.
- Ấy là đi bít tất đấy, - anh chàng rể nói. - Nếu quấn xà cạp thì lại còn không xỏ vào nổi nữa kia!
Bà lão cùng với cô con gái giúp bác Averki ăn mặc cho thật chỉnh tề. Họ vận cho bác một chiếc sơ mi vải hoa tuy đã phai màu từ lâu nhưng sạch sẽ, nhẹ nhõm, một chiếc quần chật màu xám kẻ sọc, - quà biếu của nhà chủ quý tộc, - và một đôi giày da, lại vận cho bác chiếc áo lông ngắn, một chiếc mũ to, rồi xốc nách bác ra xe ngựa tải. Đứa cháu gái chạy đuổi theo con gà trống, luôn cố gắng túm lấy đuôi nó. Con gà trống cụp đuôi lại, chạy trốn loanh quanh, khiến bác Averki phải bật cười. Bác tưởng chừng như bầu trời phía sau lán là bao la vô tận, sáng sủa và tươi vui, thấy không khí ngoài đồng ruộng là tuyệt trần. Đường xá đã khô ráo. Đó là một ngày tháng tám mát mẻ, sáng ngời, với những áng mây màu thép. Cũng chẳng buồn nghĩ tới bệnh viện, tới chuyện hồi phục sức khỏe làm gì nữa: cứ thế này cũng dễ chịu lắm rồi.
VII
Lại đã qua một tháng. Sự sống lại càng xa rời bác Averki trong cái tháng ấy. Những viên hoàn đen đen trộn với một loại bột vàng thơm phức dĩ nhiên cũng chẳng ăn thua gì, mà chỉ thiêu đốt làm đau rát thực quản của bác. Mặc dù vậy, bác vẫn uống những thứ thuốc ấy cả hai chục ngày ròng rã. Đến khi nuốt nốt viên cuối củng và không hiểu tại sao lại đem giấu ve thuốc tròn xuống dưới gối, bác đã thở phào nhẹ nhõm, khác nào trút được món nợ cuối cùng hết sức nặng nề. Còn đối với mọi người thì bác đã thầm vĩnh biệt trong thâm tâm rồi: người ta dần dần quên bác đi, ngày càng ít đến thăm bác, mà mỗi khi đến thăm thì chỉ hoặc là nói cầu chuyên thuơng cảm, hoặc là nói câu chuyện vui hay câu chuyện buồn, nhưng thảy đều chẳng có gì hệ trọng. Lúc nào bác cũng cảm thấy chính mình lại như người khách đến thăm một vùng nào đó mà hồi nào đây mình đã từng sống và giờ đây thấy cuộc sống của bà con trong vùng lại càng nghèo hơn và buồn tẻ hơn xưa, hơn lúc mình còn ở đó.
Người đã hồi hương và đã đen thăm bác đôi ba lần lại là một người lính đã từng ở Cảng Artur(2) và ở Nhật Bản, do đã đi đánh nhau và đã bị cầm tù. Cả anh ta nữa cũng chẳng kể được chuyện gì hay ho dù là về chiến tranh hay về thời gian bị cầm tù. Những chuyện anh ta nói cũng rặt là những chuyện mà tất cả những người đã từng đi đánh nhau ở những nơi đất khách quê người đã từng nói. Đi đánh nhau thì kinh khủng rồi, nhưng rồi sau cũng chẳng suy nghĩ gì sất cả, còn ở nơi đất khách quê người thì chuyện gì cũng chẳng có tinh người: đất vô khối, nhưng 2 chẳng có chỗ nào mà đi, rặt núi; người cũng đủ loại người đếm không xuể, nhưng chẳng nói chuyện được với ai.... Người lính có kể nhiều chuyện về đàn bà Nhật, nhưng đồng thời lại chê trách họ là
lùn tì và không mê được
.
Con Anhiuta cũng hay đến. Nói chuyện với nó bác Averki thấy dễ dàng hơn, nó ngồi dai, chẳng vội vã đi đâu cả, không giả vờ giả vịt:
Thôi, tôi đi có tí việc...
. Nó thật lòng, đơn giản, mặc dù cũng khiến bác Averki tự ái ở chổ là bây giờ nó nói chuyện với bác như với những người bằng vai phải lứa, với một thằng nhãi ngu đần, với thằng anh của nó, với một người thừa.
Đến thăm cũng có cả ông già thích nhảy nhót, bác ta mặc áo lông ngắn, đội chiếc mũ rơm của chủ quý tộc đã cũ rích, mang cả táo đến, nằng nặc đòi nhét táo xuống dưới gối cho bác Averki và tán chuyên một cách quá mức sôi nổi, nhưng thật ra trong bụng hớn hở về tình trạng say sưa liên miên của mình , còn về cuộc sống của mình, lúc thì bác ta tán tụng tâng bốc, lúc bác ta lại coi rẻ không đáng một xu. Bác thở ra mùi rượu nồng nặc, nói thao thao bất tuyệt.
- Hừm, - bác bảo. - Tôi ở làng hệt như ở nơi thiên đường vậy! Chính ở đó mà tôi mới lại sức được đôi chút, mới ra hồn người. Nếu không người ta đã trục xuất tôi đi từ năm ngoái rồi... Cơ ngơi ở ngoài đồng, vườn tược ở ngoài đồng, - kể ra cũng là một khoảnh triều đình rồi đấy chứ! Nhưng, xin Chúa tha tội, buồn lắm! Không phải như trong cái làng này của bác đâu. Ở ngoài đồng kia, cứ bước chân ra khỏi cửa là y như trông thấy một cái gì đó: hoặc là lũ thanh niên đàn đúm với nhau, hoặc là người ta bắt mối với một mụ đàn bà nào đó...
Những người mải chuyện làm ăn thì chẳng còn bụng dạ đâu mà đến thăm bác Averki; họ quạt thóc mới, rồi họ lại gieo vãi. Có lần cái cuộc sống thanh bình ấy đã bị xáo động bởi những hiệu còi báo động, bởi những hồi chuông giục giã gấp gáp kêu gọi cái thôn xóm khiếp sợ này đến nơi bất thình lình xảy tai hoạ; một đống rơm ở một sân phơi xa xa ngay giữa buổi trưa nóng nực đã đột nhiên bén lửa và ngọn lửa màu da cam đã vui vẻ và vội vã cháy bùng lên. Bác Averki bao giờ cũng sợ những đám cháy nên thấy tim mình đập rộn rã. Ráng hết sức mình, bác vội vàng nhỏm dậy và nhìn ra cổng hồi lâu, nhìn lên khoảng trời xanh êm ả giờ đây đang có những
con quạ
, những đám khói đen thi nhau rộn rã vút lên cao. Bác háo hức lắng nghe tiếng ồn ào, ầm ĩ trong thôn xóm, mà những người chạy đến các đám cháy, chẳng hiểu tại sao, bao giờ cũng thường cố ý làm toáng lên thêm. Theo thói quen cũ, tâm trạng đó cũng đã lây lan sang bác Averki nhưng chẳng mấy chốc bác hiểu ra rằng hoả hoạn chỉ khiến bác mừng rỡ, - mừng rỡ vì được giải phiền, vì người ta sẽ chạy đến chỗ bác mà kéo bác ra khỏi lán: bác cũng hiểu ra rằng đám cháy hiện ở nơi xa, sẽ chẳng có gì xảy tới cả, - và rồi bác lại cảm thấy dửng dưng, bác lại nằm xuống.
Một hôm có ông thầy tu mặc áo thụng chẽn tay bằng vải bố đến thăm bác. Ông ta ngồi một lát, mới đầu nói đùa vui về bệnh tật của bác, sau đó bảo:
- Phải rồi...
Dẫu sao cát bụi cũng trở về với đất, dẫu sao linh hồn cũng trở về với Chúa...
. Điều đó không sao tránh khỏi được đâu, người anh em ạ!
Bác Averki rất thích những lời đó của ông ta, vội vàng đáp:
- Lạy Chúa tha tội! Làm sao tránh khỏi được điều ấy!
Phút chốc bác thấy khiếp sợ những câu nói trong nhà thờ mà ông thầy tu vừa thốt ra, nhưng suy nghĩ một lát, bác nhắc lại với giọng quả quyết hơn:
- Không, lạy Chúa, Chúa tha tội, không tránh được đâu ạ! Sẽ có lúc tôi sẽ cầu xin, bởi vì tôi, như người ta thường nói, là con gà trống nuôi dẽ, điều đó chẳng đúng hay sao? Cả Chúa cũng cần thu tô nuôi dẽ chứ...
Rồi bác rối trí nói thêm, chẳng đâu vào đâu:
- Không, làm sao lại có thể... Kẻo không thì đã chất chứa biết bao tội lỗi rồi! Chính vì thế các bậc thánh nhân dạy rằng Đức Mẹ đã rời khỏi giá chữ thập mà khóc nức nở lên... Mọi loại hoa đều cháy sém, héo khô vì nước mắt, chỉ còn lại có cây thuốc lá... Cho nên, bây giờ người ta mới đốt nó lên mà hút...
Sau khi đi nhà thương về, bác thường cố nhớ lại toàn bộ cuộc đời mình. Bác có cảm giác là phải sắp xếp lại tất cả những gì mình đã từng thấy và đã từng cảm biết trong cuộc đời. Nhưng cứ mỗi lần bác cố gắng làm như vậy thì lại một lần uổng công vô ích, những ký ức của bác thảy đều nhỏ mọn, nghèo nàn, đơn điệu. Bác chỉ ôn lại được những chuyện lặt vặt, chẳng nghĩa lý gì và đều chỉ là bằng những hình ảnh mơ hồ, đứt đoạn. Cứ mỗi lần định ôn lại cuộc đời theo thứ tự, từ đầu, từ hồi còn thơ ấu, thì tất cả đều chỉ thu lại vào một ngày nào đó, vào một buổi chiều nào đó và thường chẳng liên quan gì đến thuở thơ ấu, lại vừa xa lắc xa lơ, vô tích sự đến nỗi chỉ đành phẩy tay coi thường. Bác Averki cũng buồn lòng phẩy tay coi thường cả mọi kiến thức, mọi khả năng trí tuệ của mình.
Sao kỳ lạ thế nhỉ! - Bác ngẫm nghĩ. -Mình sống, sống hoài, thế mà chẳng nhớ gì cả, chẳng hiểu gì cả...
. Tỷ dụ như người ta bảo rằng bác sinh ra ở nơi nọ, nơi kia, vào năm này năm nọ chẳng hạn. Nhưng thế nào là
sinh ra
mới được cơ chứ! Té ra bác không hiểu cả việc sinh ra của chính mình, té ra bác cũng chẳng tin tưởng gì cụ thể lắm vào việc đó! Mọi người ở mọi lúc đều bảo rằng bố bác là ông nọ ông kia, mẹ bác là bà này bà nọ. Giờ đây bác chẳng tin mà cũng chẳng hiểu được điều đó nữa. Suốt đời bác coi bố mẹ là những người gần gũi nhất; thế nhưng khi bố bác mất đi thì bác quên bẵng hẳn ông cụ, mà cả bà cụ thì bác cũng thế nốt, chẳng những thôi không thương tiếc, mà ngay cả mặt ông cụ, bác cũng không sao nhớ rõ nữa. Trong đời bác cũng đã từng chơi bời với nhiều người khác. Nhưng bác cũng quên cả họ, cũng như những giấc mơ chẳng hạn, ta nằm mơ có ít đâu, nhưng ta hãy nhớ lại những giấc mơ xem thử nào!
Bác chỉ còn nhớ lại cụ thể được cái buổi hoàng hôn xa xôi ấy trên sông, cái buồi gặp gỡ xa xôi ấy với cô gái trẻ, đẹp, mà giờ đây cô ấy đang vừa thản nhiên, vừa thương hại nhìn bác bằng đôi mắt già lão, và ngoài ra bác chỉ thấy rõ có bộ mặt của con gái bác mà thôi.
VIII
Rồi lại một tháng nữa trôi qua, và thời hạn phải nộp các khoản tô tức đắng cay và ngọt bùi ấy cho Chúa đã tới gần.
Mùa thu đã đến sớm. Khô sở vì rét mướt, vì quần áo cũ rách, vì những chỗ da mục và những lở loét khác ở khuỷu tay, bác Averki đành chỉ lắc đầu khi nhận thức về cái chết:
- Sao nó trông bướng thế! cầu mãi mà chẳng đến cho.
Bác vẫn chỉ nhìn thấy thế giới qua khung cổng, chỉ thấy được một phần nhỏ của bức tranh lớn lao. Đằng sau những cầy liễu nhỏ trần trụi, những đám mây mỗi lúc một trắng bệch ra, mỗi lúc một lạnh thêm, đang bay theo đường chân trời. Những ngọn cỏ đang ngắc ngoải, khô héo và thối ruỗng ra. Sân phơi lúa trống trải và trơ trụi. Qua những đảm liễu nhỏ, đã trông thấy được chiếc cối xay gió giữa nơi đồng ruộng quạnh hiu. Chốc chốc mưa lại chuyền thành tuyết rơi, gió rít lên dữ dội và lạnh lẽo qua những lỗ thủng trong lán. Bác Averki suy nghĩ ngẩn ngơ:

Mùa thu đang phi trên mình ngựa khoang...

Còn trong những đêm tăm tối, giá lạnh và ẩm ướt, một khi khung cổng đã đứng trước mặt bác như một bóng ma mờ mịt, bất động và nặng như chì nhìn vào bác, thì bác đâm ra khủng khiếp. Bác chẳng dám quyết định trở về nhà gỗ, vì biết rằng mình sẽ tắtnthở ngay trong đêm đầu tiên và sẽ chết một cách đau đớn ê chề.
Có lần bác đã thấy một giấc mơ như sau. Tròi rất lạnh, đằng xa những đám mây thấp phủ lên cây cối, phủ lên dãy rửng đỏ vàng phía sau chúng. Người đang cưỡi ngựa đi trên con đường bùn lầy chính là bác - một con người cổ xưa, tóc dài, chân dài, khoác một chiếc áo lông dài lụng thụng trên tấm thân dài ngoằng và khô đét - và bác đang lấy bàn chân đi chiếc giày bện mà thúc vào con ngựa cái khoang bé tí đã bị lún sâu trong đất ẩm và đang đạp bắn từng nắm lúa mì non sang hai bên. Lão quản trang của quý tộc cưỡi ngựa đã đuổi kịp bác, ngồi trên yên lão ta chẳng nói chẳng rằng, quật cho bác một đòn ác nghiệt. Còn bác, bác Averki, thì cũng chẳng nói chẳng rằng, nhẹ nhàng từ trên lưng ngựa tụt xuống cùng chiếc áo mặc ngoài mà bác lót để ngồi trên lưng ngựa, khụyu gối xuống, cất chiếc mũ nặng trịch ra khỏi chiếc đầu hói, khóc lên, xin tha tội, thưa rằng mình điếc, già, yếu, đi thăm con gái... Lão quản trang nhe răng, lấy roi quất bác túi bụi, - thế là vừa đau lại vừa sợ, bác Averki tỉnh dậy, nước mắt đầm đìa. Và bác cứ nằm thế cho tới lúc rạng đông, nhìn ra cái con ma cổng nặng trịch màu chì, cảm thấy mình đang lịm đi và thấy con tim kiệt sức của mình gấp gáp đập nốt hồi cuối cùng, và bác không hiểu rằng đó là mộng hay đó chính là cuộc sống trần tục của mình đã nhập vào nỗi lo buồn, vào nỗi đau khổ của mình khi mình khụyu quỳ xuống trước mặt lão quản trang ở trong mộng. Rồi chùi nước mắt đầm đìa trên mặt, bác bật lên cười và tự quả quyết với mình:
- Không! Ta về nhà gỗ thôi! Ta chỉ còn một nước tắt thở mà thôi...
Nhưng đến sáng hôm sau thì dù muốn hay không thì bác vẫn cứ phải chuyển về nhà. Mùa đông đã đột ngột tới. Và sự sống lại bừng lên một lần nữatrong bác Averki.
Chao ôi, trong mùa đông bao giờ ta cũng vẫn có một cảm giác hân hoan, quen thuộc từ lâu! Trận mưa tuyết đầu mùa, con bão tuyết đầu mùa! Đồng ruộng trắng xoá cả ra và chìm ngập trong bão tuyết, - nó còn đóng tắt nghẽn trong các khe nhà tới hàng nửa năm kia mà! Trên cánh đồng tuyết, trong bão tuyết là hiu quạnh, là hoang sơ, nhưng trong nhà là ấm cúng, là bình yên. Người ta sẽ quét sạch sẽ những nền nhà bằng đất mấp mô, người ta sẽ kỳ cọ, chùi rửa những chiếc bàn, người ta sẽ đốt lò cho ấm bừng lên bằng loạt rơm mới, - thú quá!
Cả cô con gái cũng đến nữa,
Con né nó thính gớm
, - bác Averki nghĩ bụng, mặc dầu bác cũng biết rằng nó về để dự lễ đính hôn của bạn gái nó. Một làn tuyết trắng trùm lên thôn quê khiến cho nơi thôn quê đang mục ruỗng và tăm tối ấy trở nên trắng phau. Các triền núi và bờ sông cũng đều trắng xoá, duy có chính bản thân con sông chưa đóng băng là còn đen đủi, và trên sông, những con ngỗng trắng vẫn còn đang bơi lội. Trong lúc đó, cô con gái của bác Averki, vui tươi và xinh đẹp, đang đứng ở nơi buồng ngoài của ngôi nhà gỗ. Giờ đây cô hoàn toàn không thấy tội nghiệp gì cho bố nữa cả, bởi vì dù sao thì ông cụ cũng không cất minh đứng dậy nỗi nữa rồi. Đứa con gái của cô đã chết từ mùa thu vừa qua, điều đó lại khiến cho cô trẻ ra và thoải mái hơn. Bà lão sắp đặt chỗ nằm cho bác Averki trên phản. Còn cô con gái thì đang đợi bà để đi đón bố, để chở ông cụ về nhà gỗ bằng xe trượt tuyết.
Khi bước chân về tới ngôi nhà, cô đã cởi bỏ áo lông, gạt chiếc khăn san từ trên đầu xuống vai và đứng ở nơi ngưỡng cửa buồng ngoài. Cửa mở đế lọt vào một làn phấn bạc. Cô mặc một tấm áo xiêm len màu xanh lơ đượm một mùi thơm dễ chịu. Mài tóc cô lóng lánh những hoa tuyết .Con bê con của hàng xóm lẻn vào buồng ngoài. Cô đã mấy lần đuổi nó ra, rồi sau cô phải nhảy chồm lên bậc ngưỡng cửa. Cô tưởng chừng như mình lại được sống ở nhà với bố mẹ, như một cô gái chưa chồng. Cô vui mừng thấy mình còn nhận ra được con bê con ấy là của nhà nào và cần phải gọi ai để lùa nó về.
- Miska ơi, sài kinh sài giật bẻ gãy chân tay mày đi nhớ! - vừa chồm lên bậc ngưỡng cửa cô vừa hét, vui lòng thấy rằng mình có thể chửi mắng lên như người nhà, người làng, mà không bị mất lòng mất bề gì. - Tao không đi chăn bò cho mày đâu đấy!
Cô bạn gái miệng cắn hạt quỳ bước vào buồng ngoài. Đó chính là cô bạn mà cô về để dự lễ đính hôn, một cô gái nghiêm nghị, có đôi lông mày đen rậm, cũng ăn vận bảnh bao, trùm một tấm khăn rộng, mới, màu thép, có thêu những chiếc lá màu bạc.
- Chúng mình sắp đi chở ông cụ về đây, - cô con gái bác Averki vội vàng bảo cô kia. - Cụ mất đến nơi rồi, đã bắt đi mời cha đạo đến...
Bác Averki bị kích thích bởi một đêm mất ngủ bởi trận bão tuyết đầu mùa, và cả bởi việc di chuyến về nhà gỗ, nghĩa là bởi cái chết đã gần kề. Bác nằm trên xe trượt tuyết và lắng nghe tiếng gió thổi vi vút lạnh lùng theo kiểu mùa đông cuốn những bông tuyết trắng, và tiếng dui mè đã khô rít lên heo hút khi có gió lọt qua. Bác Averki run lên, co rúm người lại trong chiếc áo lông ngắn đã sờn và trong những tấm chăn ngựa loang lỗ đắp thêm cho ấm, và mỗi lúc bác lại kéo sụp cái mũ sâu lòng xuống vầng trán láng bóng của mình. Nét mặt bác mang vẻ chờ đợi, nhưng cặp mắt to, đã thâm sì của bác không biểu thị một điều gì. Lảo đảo và loạng choạng do yếu nhược, bác đã tự mình, bằng sức lực của chính mình, chuyển từ chiếc xe ngựa sang xe trượt tuyết và với sự đắc ý của trẻ con, bác nghĩ bụng: họ đến để thắng mình sang cỗ xe khác đây, còn mình thì đã sẵn sàng cả rồi, chỉ việc nắm lấy càng xe mà kéo... Bỗng tiếng cô con gái lanh lảnh vang lên:
- Bố! Bố còn sống đấy chứ?
Thấy mặt bác, cô con gái đột nhiên khóc nức lên. Cô cảm thấy lớn lao và cổ kính thay con người đã chết nhưng vẫn còn sinh khí này, với dúm tóc lơ thơ còn sót lại, xoã dài xuống tận vai, đội một chiếc mũ do cũ bẹp đã biến thành một thứ mũ có chỏm cao như kiều mũ của thầy tu chính giáo, và mặc một chiếc ảo ngoài dài lụng thụng màu lúa mạch đen đã khô, trùm lên trên chiếc áo lông ngắn. Bác thều thào chào hỏi cô. Đoạn cô đưa mắt nhìn xuôi, và hầu như không cần tới sự giúp sức của cô bạn, một mình lôi chiếc xe trượt tuyết về ngôi nhà gỗ. Và trên lớp tuyết phủ trắng xoá người ta thấy từ lán chứa lúa tới ngôi nhà gỗ kéo dài hai vệt đen đủi, - dấu vết tang tóc của đôi càng trượt tuyết đã đứng không trong suốt mùa hè.
IX
Ngoài sân hoàng hôn đã biếc xám, song vẫn còn sáng sủa, tuyết vẫn trắng ngần. Nhưng trong căn nhà gỗ thì đã nhọ mặt người.
Cha đạo bước vào nhà trong bống tối chạng vạng, người phủ đầy tuyết Qua ngưỡng cửa phải cúi mình dưới khung cửa thấp.
- Ông ấy nằm chỗ nào? - ông ta hùng dũng kêu lên, và tiếng ông ta vang lên như tiếng Thần Chết.
Bà lão đang ngồi trên ghế dài bèn đứng dậy, hơi có vẻ sợ. (Cô con gái tưởng là phút lâm chung của bố chưa đến gần như vậy, đã đi dự lễ đính hôn). Chống hai tay run run, chính bản thân bác Averki cũng nhỏm dậy và lặng người chờ đợi, hệt như vừa trong quan tài chui ra. Trong bóng tối, bộ mặt khiếp đảm của bác tái xanh như một màu chết chóc. Đưa mắt nhìn bác, cha đạo liền hạ thấp giọng xuống, và với vẻ kinh hoàng, với một giọng mà người ta tưởng hệt như còn có một người nào khác nữa đã bước vào nhà (một người mà vì người đó mọi việc đang diễn ra, - người đó có thể là chính Chúa cũng nên), ông ta nói nhanh:
- Mũ kia, bỏ mũ ra!
Bác Averki lôi chiếc mũ xuống, đặt lên lòng...
Rồi sau, một cây nên sáp đã loé ấm lên với một ngọn lửa vàng bé nhỏ. Xưng tội xong, chịu lễ xong, bác Averki thều thào hỏi:
- Thưa cha! Cha thấy thế nào, - cha là người biết rõ việc này, - nó đã ở trong tôi chưa?
Và cha đạo trả lời bác với giọng oang oang, hối hả gần như cục cằn:
- Có rồi, có rồi. Đến lúc rồi đấy, chuẩn bị đi!
Chẳng nhìn mặt bà lão, ông chộp lấy bàn tay trong đó từ lâu đã toát đẫm mồ hôi một đồng hai hào bạc được chuẩn bị sẵn, rồi hấp tấp bước qua ngưỡng cửa. Bà lão làm dấu thánh giá, đoạn lại gần phản, tay chống cằm, trân trân đứng ngắm nhìn lần chót con người mà trong đời bà đã ít được thấy mặt đến thế...
Đền lúc rồi, đến lúc rồi!
- cha đạo đã hét lên với bác như vậy. Và bác ngoan ngoãn nằm ngửa ra, siết chặt cây nến trong những ngón tay xương xẩu. Trái tim bác lặng đi, tan ra - bác chơi vơi trong sương mù, trên làn sóng rập rờn dẫn tới cõi chết. Ánh sáng vàng vọt chập chờn lan trên đôi môi màu tro ấn hiện dưới bộ ria thưa thớt, lan trên chiếc mũi nhọn hoắt bóng loáng, lan trên những mi mắt to tim tím của cặp mắt đã nhắm nghiền. Cảm thấy sự gần gũi của ai đó, bác ráng hết sức mình, muốn nói lên một điều gì đó và hé mắt ra. Duy chỉ có bộ mặt bác giật giật lên. Có lẽ làn ánh sáng ấy, cái bóng tối trập trùng nhắc nhở tới nhà thờ ấy đã khiến bác khiếp sợ và xao xuyến chăng? Và bà lão tưởng rằng phút lâm chung của bác hãy còn xa, đã nhẹ nhàng rút cây nến ra khỏi tay bác, thổi tắt đi, rồi ngồi xuống bên bác.
Trong tĩnh mịch, trong tăm tối, bác Averki cảm thấy dễ chịu hơn. Bác đã tưởng tượng thấy một ngày hè, thấy làn gió mùa hạ thổi trên đồng ruộng xanh ngắt, thấy triền núi sau làng, và trên triền núi ấy là nấm mồ của bác. Ai đó đang gào thét, kể lể bên nấm mồ ấy lanh lảnh và gớm ghiếc đến như vậy nhỉ?
- Bố ơi bố, bố nỡ lòng nào bỏ lại chúng con mà đi thế này, bố ơi? Ai sẽ vì chúng con mà buồn phiền, ai sẽ chăm lo săn sóc chúng con? Bố ơi bố, rồi đây đi qua sân nhà bố nào ai sẽ là người ra đón con, nào ai sẽ là người hỏi han con! Bố ơi, thường ngày con đi qua là bố vẫn ra đón con, bố vẫn hỏi han con mà! Hỡi sấm sét, hãy rền vang! Hỡi chớp, hãy loé lên! Hỡi đất mẹ ẩm ướt, hãy rẽ ra! Hỡi những cơn gió táp, hãy nổi lên đi, hãy thổi bay tấm khăn liệm thêu kim tuyến, hãy mở mặt cho bố tôi!

À, đó là con gái ta!
, - bác Averki nghĩ bụng với một niềm vui, với lòng trìu mền, trong ngực bác xốn xang một niềm hy vọng ngọt ngào về một điều gì đó...
Bác đã qua đời trong một ngôi nhà gỗ yên tĩnh tối tăm, mà ở ngoài ô cửa sổ bé nhỏ của ngôi nhà ấy trận tuyết đầu mùa đang nổi lên mờ trắng, êm ả đến nổi bà lão không hề hay biết gì cả.
Capri, ngày 22 tháng 2 năm 1913
Nhấn vào đây để xem chương mới nhất của Ebook Những Lối Đi Dưới Hàng Cây Tăm Tối.