• 603

Truyện ngắn 7: Quý ông từ San Francisco đến


Số từ: 12733
Dịch giả: Hà Ngọc
Nguồn: tve-4u.org
Vị quý ông từ San Francisco(1) này - cả ở Napoli(2) cũng như ở Capri(3) chẳng ai nhớ được tên ông ta là gì. Ông ta sang Thế giới cũ(4) hai năm trời ròng rã cùng với bà vợ và cô con gái, với mục đích duy nhất chỉ để vui chơi mà thôi.
Ông vững tin rằng mình có toàn quyền được nghỉ ngơi, được vui thú và được làm một chuyến viễn du đầy đủ mọi tiện nghi, và không phải chỉ có thế mà thôi. Để làm cơ sở cho lòng tin này, ông lập luận rằng, một là, ông giàu có, và hai là, ông vừa bước chân vào đời, dù cho ông đã năm mươi tám tuổi đầu rồi. Trước đó ông chẳng phải là sống, mà chỉ là tồn tại, thật vậy ông tồn tại chẳng phải xoàng xĩnh gì, nhưng dù sao cũng chỉ là đặt hết hy vọng vào tương lai. Ông làm việc không ngơi tay, - những người Trung Quốc mà ông ký giấy nhận về để làm lụng cho mình kể có hàng nghìn, và họ thừa hiểu ông làm việc không ngơi tay có nghĩa là gì! - và cuối cùng ông thấy rằng mình làm đã nhiều và thấy mình đã gần sánh ngang được với những người mà hồi nào ông đã lấy làm gương để noi theo, thì ông bèn quyết định xả hơi đôi chút. Những người thuộc giới ông thường có thói quen bắt đầu tận hưởng lạc thú của cuộc đời bằng một chuyến đi sang châu Âu, sang Ấn Độ, sang Ai Cập. Ông cũng thấy mình cần phải làm như vậy. Dĩ nhiên, trước hết ông muốn thưởng công những năm tháng làm ăn cho chính mình, thế nhưng ông cũng mừng thay cả cho bà vợ và cô con gái nữa. Bà vợ ông xưa nay chẳng có gì gây ấn tượng đặc biệt được cho ai cả, nhưng bà ta cũng như mọi người đàn bà Mỹ luống tuổi khác đều là những người say mê đi du lịch. Còn cô con gái thì lại là một thiếu nữ đến thì và hơi ốm o, do đó đối với cô ta việc đi du lịch lại là rất cần thiết: ngoài chuyện có ích cho sức khỏe, trong các chuyến ngao du lại chẳng thường hay có những cuộc gặp gỡ may mắn hay sao? Nhất là khi người ta đã ngồi ăn cùng bàn hoặc cùng ngắm xem các bức bích họa với một nhà tỷ phú.
Chương trình ngao du do quý ông đi từ San Francisco ấy vạch ra là rất rộng. Tháng chạp và tháng giêng ông tính được tận hưởng ánh nắng ở miền nam Ý, thưởng thức những di tích thời cổ đại, điệu nhảy tarantella(5), những ca khúc ban chiều của những nghệ sĩ hát rong và thưởng thức cái mà những người ở tuỗi ông cảm thụ một cách đặc biệt tế nhị, - đó là mối tình của các cô gái Napoli trẻ măng, dù cho mối tình ấy không hoàn toàn là không vụ lợi đi nữa. Về vũ hội hoá trang thì ông trù tính tiến hành tại Nice(6), tại Monte Carlo(7), là những nơi tập trung những kẻ ưu tú nhất trong xã hội lúc bấy giờ, những kẻ có ảnh hưởng đến mọi thành quả tốt đẹp của nền văn minh, ví dụ như kiểu dáng các bộ smoking(8), sự vững chắc của ngai vàng, việc tuyên bố chiến tranh và sự phồn vinh của các khách sạn; và là những chỗ mà người thì mải mê đua ô tô và đua thuyền buồm, người thì mải mê đánh số quay(9), người thì mải mê cái người ta thường gọi là chuyện trăng hoa, người thì lại mải mê bắn chim bồ câu (những con chim này từ những khu vườn nhỏ bay vút lên rất đẹp trên thảm cỏ màu ngọc bích, trên nền một biển hoa lưu ly, thế rồi lập tức rơi bộp xuống đất như những cục bột trắng). Đầu tháng ba thì ông định dành cho Florence(10), đến tuần Chúa chịu nạn(11) thì tới Roma(12) để nghe kinh Miserere(13) ở đó. Trong kế hoạch của ông có cả Venice(14) cả Paris, cả trò đấu bò ở Seville(15), cả cái thú đi tắm ở các hòn đảo nước Anh, cả Athena(16) cả Constantinople(17), cả Palestin, cả Ai Cập và thậm chí cả Nhật Bản (dĩ nhiên lúc bấy giờ là trên con đường về)... Và thoạt đầu mọi chuyện đều êm đẹp cả.
Đó là vào cuối tháng mười một, cho tới tận Gibraltar(18) tàu phải đi có lúc trong sương mù băng giá, có lúc giữa bão tuyết ẩm ướt, nhưng nói chung họ vẫn đi được hoàn toàn thuận lợi. Hành khách chuyến ấy đông, còn con tàu là chiếc
Atlantida
lừng danh, giống như một khách sạn đồ sộ với đầy đủ tiện nghi, - có bar ban đêm, có các buồng tắm kiểu phương Đông, có tờ báo riêng, - và cuộc sống trên tàu rất đều đặn: sáng ra người ta dậy sớm theo tiếng loa truyền đi the thé dọc theo các hành lang ngay từ lúc tờ mờ sáng, khi rạng đông chỉ mới bắt đầu một cách chậm chạp và ảm đạm trên mặt biển xám xanh nổi sóng dữ dội trong sương mù, người ta mặc vội lên người bộ quần áo ngủ bằng flanelle(19) rồi đi uống cà phê, sôcôla, kakao; rồi người ta ngồi vào bồn tắm ốp đá hoa, tập thể dục để gây khẩu vị và khiến cho tâm thần được thư thái; trang điểm buổi sáng xong thì đi ăn bữa sáng thứ nhất; cho tới mười một giờ thì thường là người ta sảng khoái dạo bước trên boong, hít thở không khí lạnh nhưng tươi mát của đại dương, hoặc chơi sepphltbot(20) và những trò chơi khác để lại gây khẩu vị mới, đúng mười một giờ thì người ta ăn thêm bánh xăng uých(21) với nước dùng; ăn thêm xong thì thoải mái đọc báo và yên chí chờ ăn bữa sáng thứ hai còn bổ hơn và nhiều món hơn cả bữa sáng thứ nhất; hai tiếng sau đó là dành cho nghỉ ngơi; lúc bấy giờ trên các mặt boong đều có đặt các tấm ghế bành dài đan bằng sậy để cho các du khách lên nằm, đắp chăn len mà ngắm nhìn bầu trời đầy mây và những ngọn sóng bạc đầu thấp thoáng nơi mạn tàu, hoặc thiu thiu ngủ một giấc ngon lành; đến năm giờ, sau khi đã tươi tỉnh và vui vẻ lên rồi thì du khách được mời uống trà đặc thơm phức với bánh bích quy; tới bảy giờ thì loa phát tín hiệu cho biết người ta đang đi tới mục tiêu chủ yếu nhất, đi tới đỉnh cao nhất của toàn bộ cuộc sống nơi đây... Và thế là vị quý ông từ San Francisco tới kia bèn rảo bước về căn buồng tàu sang trọng của mình để mặc quần áo.
Cứ chiều đến là các tầng trên tàu
Atlantida
đều tỏa sáng trong bóng đêm như vô số những con mắt đỏ lửa, và có một số rất đông những kẻ hầu người hạ làm lụng trong các hầm bếp, hầm rửa bát đĩa và hầm rượu. Bên ngoài thành tàu, đại dương đi lởn vởn một cách hãi hùng nhưng người ta không nghĩ đến nó, mà tin tưởng vững chắc vào sức chế ngự nó của viên thuyền trưởng, một người tóc hung, cao lớn và to béo kinh khủng. Lúc nào ông ta cũng có vẻ ngái ngủ, và trong bộ sắc phục đính những lon vàng to tướng, ông ta trông hệt như một tượng thần kếch xù. Ông ta rất ít khi ra khỏi những căn buồng bí ẩn của mình để xuất hiện trước mặt mọi người. Ở sân đằng mũi tàu chốc chốc lại thấy một hồi còi tàu rú lên với giọng buồn thảm nơi địa ngục, rồi sau đó lại thấy nó rít lên hết sức và điên cuồng giận dữ, thế nhưng các hành khách còn đang ăn bữa chiều, nào có mấy ai nghe thấy tiếng còi ấy, - nó đã bị che lấp bởi những âm thanh của một dàn nhạc đàn dây tuyệt hay đang liên tục trình diễn một cách cao siêu thanh nhã trong một phòng lớn ốp đá hoa hai màu, trải đầy thảm nhung, đèn đuốc sáng tưng bừng như ngày hội và chật ních những bà mặc áo hở vai, những ông mặc áo đuôi tôm và mặc smoking, những người hầu bàn thân hình cân đối và những metđôren(22) kính cẩn, trong đó có một người duy nhất chỉ chuyên nhận phục vụ khoản rượu vang thì thậm chí lại đeo cả dây chuỗi bằng bạc ở cỗ như một vị đô trưởng nước Anh(23) vậy. Bộ smoking và áo hồ bột đã làm cho cái ông từ đi San Francisco ấy trẻ lại rất nhiều. Người ông khẳng khiu, không lấy gì làm cao, thân hình tuy không hài hoà nhưng chắc chắn, toàn thân ông sạch bong, và, vẻ mặt tươi tỉnh đúng mực, ông nghiễm nhiên ngồi trong cảnh vàng son huy hoàng của cái cung điện nguy nga ấy, trước mặt là một chai rượu vang, là những cốc lớn ly nhỏ làm bằng thứ phalê tinh tế nhất, là một bó hoa huệ dạ hương loăn xoăn. Có một vẻ Mông Cổ nào đó trên khuôn mặt vàng vàng của ông với bộ ria bạc được xén tỉa gọn ghẽ, hàm răng to của ông ánh lên những chiếc răng vàng, còn cái đầu hói vững chắc của ông thì ánh lên màu ngà voi đã lên nước. Bà vợ ông là một bà mập mạp, nở nang, vẻ điềm tĩnh, ăn vận sang trọng nhưng hợp với tuổi mình. Cầu kỳ nhưng nhẹ nhàng và trong suốt, vẻ chân thật một cách ngây thơ, - đó là cô con gái ông, người dong dỏng cao, mảnh mai, mái tóc đẹp tuyệt vời được chải búi rất duyên dáng, phảng phất có mùi hương của những cành hoa lan tím xinh xắn; cô có những nốt trứng cá hồng hồng rất mịn màng chung quanh môi và ở khoảng giữa hai bả vai cô thoa một lớp phấn mỏng... Bữa ăn chiều kéo dài tới hơn một tiếng đồng hồ, sau bữa ăn có vũ hội trong căn phòng vũ hội lớn, và lúc này các ông nam giới, - dĩ nhiên trong đó có cả cái quý ông đi từ San Francisco ấy, - ghếch cả hai chân lên mà hút đẫy xì gà La Habana(24) và uống đẫy rượu mùi cho tới khi mặt đỏ thẫm đi trong bar được phục vụ bởi những người da đen mặc áo gilê đỏ, mắt trắng dã ra như những quả trứng luộc đã bóc vỏ. Bên ngoài tàu, đại dương ầm ầm dâng lên thành những quả núi đen ngòm, bão tuyết rít lên dữ dội trong những mớ dây rợ trĩu nặng, toàn bộ con tàu rung lên, xuyên qua cả bão tuyết, xọc vào cả những quả núi kia, hệt như một lưỡi cày xiên vào những khối nước đồ sộ, sóng sánh, thỉnh thoảng lại tràn sôi và vẫy vùng những cái đuôi ngầu bọt ấy mà rẽ chúng ra làm đôi. Còi tàu bị sương mù bóp nghẹt, rên rỉ trong một nỗi buồn chết chóc. Trên tháp cao, những thuỷ thủ canh gác đã cóng lạnh đi vì giá rét, và mụ người đi vì tập trung chú ý quá mức căng thẳng. Còn phần chìm dưới nước của lòng tàu thì chẳng khác nào cảnh tối tăm, nóng như thiêu đốt của địa ngục, thậm chí như là điện cuối cùng, điện thứ mười trong Diêm Vương Thập Điện, bởi vì ở đây có những lò lửa khổng lồ đang cười lên ha hả, ngoác những cái miệng đỏ rực ra để ngốn những đống than đá mà những người cởi trần, mình đỏ lên vì lửa và nhễ nhại mồ hôi mặn và bẩn, đang ầm ầm đổ vào họng chúng. Vậy mà ở bar kia, người ta ghếch chân lên tay vịn của ghế bành một cách vô tư lự, người ta nhấm nháp cônhắc và rượu mùi, người ta chơi vơi trong những làn khói thơm phức. Trong phòng khiêu vũ thì mỗi lúc một toả ra tràn trề ánh sáng, hơi ấm và lạc thú, các đôi nhảy lúc thì xoay tròn trong những điệu nhảy vanxơ, lúc thì uốn mình trong điệu tănggô, trong khi tiếng nhạc vẫn nhai nhải cầu kinh vừa một nỗi niềm xưa cũ, với một giọng buồn da diết và trơ trẽn... Người ta được biết rằng trong cái đám người lỗi lạc này có một ông cực kỳ giàu có nào đó, mặt cạo nhẵn nhụi, người dài dài, trông giống một giám mục áo tím(25) nhưng mặc áo đuôi tôm theo kiểu cũ, và một văn sĩ lừng danh người Tây Ban Nha; có cả người đẹp nổi tiếng khắp năm châu; có một đôi tình nhân thật duyên dáng mà mọi người đều tò mò theo dõi, và đôi này cũng không hề che giấu niềm hạnh phúc của mình: chàng chỉ khiêu vũ với nàng, và họ nhảy với nhau thật tài tình, thật mê ly, đến nỗi chỉ có một mình viên thuyền trưởng biết rằng, đôi đó được hãng Lloyd(26) thuê đóng giả làm tình nhân để được những món tiền hời, và từ lâu họ đã có mặt lúc thì trên chiếc tàu này lúc thì lại sang con tàu khác.
Đến Gibraltar mọi người đều mừng rỡ thấy nắng lên khác nào cảnh xuân sớm. Trên tàu
Atlantida
người ta thấy xuất hiện một vị hành khách mới, khiến ai cũng đều phải chú ý, - đó là hoàng thái tử của một nước châu Á vi hành đi ngao du, một con người nhỏ bé, toàn thân cứng đờ như gỗ, mặt to, mắt ti hí, đeo kính gọng vàng, trông có vẻ hơi khó chịu ở chỗ là trên mặt ông ta nổi lên một bộ ria đen to thù lù như trên mặt kẻ chết rồi, nhưng nhìn chung ông ta tỏ ra khả ái, giản dị và khiêm nhường. Ở Địa Trung Hải lúc ấy đang có một con sóng lớn, ngọn sóng bọt nở như hoa khác nào đuôi một con công, gây ra bởi làn gió bấc(27) đang vui vẻ ào ào thổi ngược lại trong ánh nắng huy hoàng và dưới bầu trời cực kỳ quang đãng... Nhưng sang ngày hôm sau, bầu trời bắt đầu nhợt nhạt, đường chân trời thấy mù mịt đi: đã gần tới đất liền, đã thấy xuất hiện đảo Ixkia, đảo Capri(28), và qua ống nhòm đã thấy được thành phố cảng Napoli đang như được rải đầy những cục đường trắng dưới chân một cái gì màu xám biếc... Nhiều quý bà và quý ông đã phải mặc áo khoác nhẹ, viền lông thú ở phần trên; những cậu bồi người Trung Quốc nhẫn nại, lúc nào cũng thì thào với nhau, những thiếu niên chân vòng kiềng với những chiếc đuôi sam đen nhánh dài đến tận gót và với những hàng mi rậm như của con gái, đang dần dần khuân những tấm mền, những chiếc ba toong, những vali, những hộp ra sát cầu thang... Cô con gái của quý ông đi từ San Francisco đang đứng ở trên boong cùng với vị hoàng tử mà cô đã hạnh ngộ được quen biết từ chiều qua. Cô làm ra vẻ chăm chú nhìn ra phía xa xa, nơi vị hoàng thái tử đang vừa chỉ cho cô, vừa giải thích cái gì đó, kể lể chuyện gì đó cho cô nghe một cách vội vàng và khe khẽ. Về thân hình, khi đứng giữa những người chung quanh, ta tưởng chừng ông chỉ là một cậu bé con; bản thân ông ta rất xấu trai và kỳ quặc, - cặp kính, chiếc mũ nồi, chiếc áo bành tô kiểu Ănglê, những sợi ria thưa mà cứng như lông ngựa, làn da mỏng ngăm đen trên khuôn mặt phèn phẹt của ông ta hệt như được căng ra và dường như được phết một lớp vecni mỏng, - nhưng cô gái vẫn lắng nghe ông ta nói và do cảm động cô ta chẳng hiểu được ông ta nói gì cả: đứng trước ông ta, trái tim cô rộn ràng bởi một niềm hân hoan nào chẳng rõ: tất thảy, tất thảy trong ông đều khác với mọi người, từ đôi tay khẳng khiu, làn da trơn tru mà trong đó dòng máu đế vương lâu đời vẫn đang chảy: cho đến cả bộ quần áo Âu cực kỳ đơn giản mà ông ta đang mặc dường như cũng chỉnh tề hẳn lên, - tất thảy đều hàm chứa một ma lực bí ẩn nào đó.
Còn quý ông đi từ San Francisco, chân đi giày bốt tin láng bóng, dận trong đôi ghệt xám, thì luôn đưa mắt liếc nhìn người đẹp nổi tiếng đang đứng cạnh ông, một người đàn bà tóc vàng, cao, thân hình cân đối lạ thường, mắt tô theo mốt mới nhất ở Paris, bế một con chó bé tí xíu, lưng cong, lông nhẵn thín, đeo xích bằng bạc và luôn mồm nói chuyện với nó. Do lờ mờ cảm thấy khó xử thế nào đó, cô con gái cố tỏ ra không để ý tới ông bố.
Dọc đường ông tỏ ra khá hào phóng, do chỗ ông đã hoàn toàn tin tưởng vào sự chăm lo của tất cả những ai đã đem lại thức ăn đồ uống cho ông, đã sớm tối phục vụ, lựa chiều mọi ý thích dù là nhỏ nhất của ông, đã giữ gìn cho ông được sạch sẽ và yên tĩnh, đã bưng bê đồ đạc cho ông, gọi phu khuân vác đến cho ông, đưa các hòm xiểng của ông đến khách sạn. Đâu đâu đã như thế, trên tàu đã như thế, thì ở Napoli chắc chắn cũng thế. Thành phố Napoli lớn dần và mỗi lúc một lại gần. Các nhạc công mang các loại kèn hơi bằng đồng sáng loáng đã tập trung trên boong và đã khiến cho mọi người đột nhiên đinh tai nhức óc bởi những âm thanh đắc thắng của một bài hành khúc, rồi đến ông thuyền trưởng hộ pháp mặc sắc phục đại lễ đã xuất hiện trên đài chỉ huy của mình mà niềm nở khua tay chào các hành khách như thể một vị ngẫu thần từ bi quảng đại nào vậy. Lúc bấy giờ, cũng như mọi người khác, quý ông từ San Francisco tưởng chừng như chỉ vì mình mà bài hành khúc của cái nước Mỹ kiêu sa ấy đã vang lên, và ngay cả cái ông thuyền trưởng kia đứng ra chào mừng chuyến đi nhất lộ bình an này cũng chỉ là chào mừng chính ông mà thôi. Cuối cùng khi tàu
Atlantida
đã vào cảng, đã áp bến cái thân hình đồ sộ nhiều tầng lổn nhổn những người của nó và khi tiếng những cầu thang tàu đã khua vang, thì có biết bao nhiêu người gác cổng khách sạn cùng với những phụ tá của họ ai nấy đều đội mũ lưỡi trai mang lon vàng, có biết bao nhiêu người chuyên làm việc môi giới đủ mọi loại, những đứa trẻ con thích huýt gió và những người thân hình vạm vỡ ăn mặc rách rưới cầm hàng tập bưu ảnh mầu trong tay đã ùa lại đón và mời chào ông! Và ông đã nhếch mép cười với những kẻ rách rưới đó, tiến đến chiếc ôtô của chính cái khách sạn mà ông hoàng kia có thể cũng dừng chân, rồi điềm nhiên nói qua kẽ răng một câu vừa bằng tiếng Anh, vừa bằng tiếng Ý:
- Go away!(29) Via!(30)
Cuộc sống ở Napoli lập tức bắt đầu theo một chế độ đã định sẵn: sáng sớm người ta ăn sáng trong một phòng ăn tối mù mịt, trong khi ngoài trời đầy mây, chẳng hứa hẹn điều gì tốt đẹp cho lắm và có một lô người hướng dẫn du lịch đứng đợi ngoài cửa tiền sảnh; sau đó có những nụ cười đầu tiên của ánh nắng hồng ấm áp, người ta đứng trên bao lơn cao chót vót mà ngắm cảnh núi lửa Vesuvio còn đang toàn bộ náu mình trong làn hơi nước chói chang của ban mai, ngắm cảnh mặt nước trong vịnh gợn sóng lăn tăn màu ngọc trai loang loáng ánh bạc và cảnh đảo Capri hiện ra như một bức phác họa tinh tế ở chân trời, ngắm nhìn những con lừa bé tí xíu kéo xe hai bánh đang chạy trên con đường nhớp nháp men theo bờ biển phía dưới và những đội lính bé tí hon đang tiến bước đi đâu đó trong tiếng quân nhạc hùng dũng và thách thức; sau đó người ta ra ôtô chầm chậm lăn bánh theo những đường phố chật hẹp như những hành lang xám xịt nhưng đông người, chen giữa những ngôi nhà cao, có nhiều cửa sổ; người ta đi xem những viện bảo tàng tuy sạch sẽ nhưng không có sinh khí, tuy được chiếu sáng một cách đều đặn, dễ chịu, nhưng buồn tẻ hệt như có tuyết bao phủ; đi xem những ngôi nhà thờ sặc mùi sáp nến mà đâu đâu cũng rặt một kiểu là: cửa vào rất uy nghi có rèm da nặng trịch che kín, nhưng bên trong lại trống huếch trống hoác, im lìm, cây đèn bảy nến leo lét cháy đo đỏ tận sâu trên ngai ngự có viền đãng ten, một bà già ngồi lẻ loi giữa những dãy bàn cầu kinh bằng gỗ tăm tối, những phiến đá nhà mồ trơn bóng lát dưới chân và bức tranh Rời khỏi giá chữ thập của ai đó, chắc chắn là rất nổi tiếng; một giờ trưa thì ăn bữa sáng thứ hai ở trên núi San Martino là nơi mà cứ giữa trưa lại có không ít người thuộc giới đại thượng lưu đến du ngoạn và cũng là nơi mà có lúc cô con gái của quý ông đi từ San Francisco đã choáng váng suýt ngất xỉu: cô tưởng là ở buồng lớn khách sạn đã có ông hoàng thái tử, mặc dầu qua báo chí cô đã được biết là ông hiện đang ở Roma: đến năm giờ thì uống trà ở khách sạn, trong một phòng khách lộng lẫy, rất ấm áp do trải nhiều thảm và do có những lò sưởi lửa cháy bừng bừng: và đến lúc này thì người ta cũng lại đã sửa soạn ăn bữa chiều, lại có tiếng cồng mạnh mẽ và oai nghiêm vang lên khắp các tầng lầu, lại thấy lũ lượt các bà mặc áo hở vai soi mình trong những tấm gương và sột soạt lụa là kéo nhau đi theo các thang gác, lại là một phòng ăn nguy nga lộng lẫy như một cung điện đang mở rộng cửa để niềm nở đón khách. Có cả những nhạc công mặc áo vét đỏ đứng trên sàn diễn, có cả một đoàn người hầu bàn đứng đen ngòm bên cạnh người métđôten đang rót một loại xúp đặc màu hồng vào các đĩa với một tài nghệ tuyệt vời... Các bữa ăn chiều cũng lại có ê hề các loại món ăn, các loại rượu vang, các loại nước khoáng, các loại đồ ngọt, các loại hoa quả, phong phú đến nỗi mà tới mười một giờ đêm những người hầu buồng phải đem túi cao su đựng nước nóng đến các buồng để cho các vị khách chườm bụng.
Thế nhưng cái tháng mười hai năm nay lại đã
diễn ra
không đạt yêu cầu cho lắm: khi người ta hỏi chuyện người giữ cửa về tình hình thời tiết thì anh ta chỉ nhún vai với vẻ có lỗi, lúng búng trả lời rằng ở đây người ta không nhớ có năm nào thời tiết xấu đến thế, mặc dù đây chẳng phải là năm đầu tiên anh ta lúng búng trả lời như vậy và viện cớ rằng
đâu đâu cũng đều xảy ra một chuyện kinh khủng nào đó
: ở Riviera(31) có mưa to, gió lớn chưa từng thấy, ở Athena có tuyết, núi lửa Etna(32) cũng bị tuyết phủ toàn bộ và đêm nào cũng sáng loè, ở Palermo(33) thì các khách du lịch phải chạy toé phở để khỏi bị cóng lạnh vì rét... Hôm nào người ta cũng bị mặt trời buổi sáng đánh lừa: cứ đến trưa là y như trời sạm hẳn đi, rồi bắt đầu mưa lắc rắc, mỗi lúc một dày và lạnh hơn; lúc bấy giờ những cây cọ ở lối ra vào khách sạn bóng lên như bằng sắt tây, thành phố dường như trở nên đặc biệt bẩn thỉu và chật hẹp, các nhà bảo tàng trở nên hết sức đơn điệu, những mẩu xì gà hút dở của những người xà ích béo ị (họ mặc áo tơi bằng cao su bay phấp phới trong gió như những đôi cánh) trở nên hôi hám không sao chịu nổi, tiếng roi họ quất mạnh mẽ trên đầu những con nghẽo cổ ngẳng càng rõ ràng chỉ là vờ vĩnh, giày dép của những người đàn ông quét đường tàu điện bẩn kinh khủng, còn những người đàn bà để đầu trần gội mưa với mái tóc đen và đang lội bì bõm trong bùn thì đôi chân của họ tự dưng ngắn ngủn đi trông thật gớm ghiếc. Còn về không khí ẩm ướt và có mùi cá thối từ bờ biển ngầu bọt xông vào thì khỏi phải nói làm gì. Quý ông và quý bà đi từ San Francisco đã bắt đầu cứ sáng sáng lại cãi cọ với nhau; cô con gái của ông bà lúc thì trông tái nhợt đi và bị nhức đầu, lúc thì tươi tỉnh lại, thấy cái gì cũng khen, cũng thích, lúc bấy giờ trông cô ta vừa đáng yêu, lại vừa đẹp: đẹp thay những tình cảm trìu mến và phức tạp được khơi dậy trong nàng sau cuộc gặp gỡ với con người xấu trai nhưng mang một dòng máu khác thường ấy, bởi vì, nói cho cùng kỳ lý, có lẽ điều quan trọng không phải là cái gì đã thức tỉnh tâm hồn của người con gái ấy, dù đó là tiền tài, là vinh hoa, là dòng dõi quyền quý hay gì gì đi nữa... Mọi người đều cam đoan rằng ở Sorrento, ở Capri cảnh vật sẽ khác hẳn, ở đấy vừa ấm hơn, vừa nắng hơn, chanh lại đang độ nở hoa, lối sống cũng thật thà hơn mà rượu nho cũng nguyên chất hơn. Thế là cả cái gia đình đi từ San Francisco ấy quyết định mang hết cả hòm xiềng lên đường ra đảo Capri, với ý định là tham quan trên đảo xong, sau khi đã dạo chơi trên những nền đá cũ của các cung điện của Tiberius(34) thăm các hang kỳ diệu của Động Thanh Thiên và thưởng thức điệu khèn bọng(35) của các nghệ sĩ Abruzzi(36) (trước lễ Giáng Sinh cả tháng trời họ đi rong khắp đảo để ca ngợi Đức Bà Maria), thì sẽ chuyển sang ở Sorrento.
Hôm lên đường, - một ngày rất đáng nhớ của cái gia đình đi từ San Francisco ấy! - thậm chí ngay từ sáng sớm cũng chẳng có ánh mặt trời. Một làn sương mù dày đặc đã che phủ núi lửa Vesuvio tới tận chân núi và hạ xuống xám xịt ngay sát mặt biển màu chì đang gợn sóng. Chẳng trông thấy đảo Capri đâu cả, - hệt như nó chẳng hề bao giờ tồn tại trên thế gian này. Rồi chiếc tàu bé tí xíu trên đường ra đảo lại chòng chành đến nỗi gia đình đi từ San Francisco phải nằm liệt giường trong cái buồng hành khách công cộng tồi tàn của chiếc tàu nhỏ bé ấy, lấy mền đắp chân và nhắm tịt mắt lại để khỏi nôn mửa ra. Bà nhà ta nghĩ là bà khổ sở hơn tất cả mọi người; đã mấy lần bà ngất xỉu đi, tưởng như mình sắp chết đến nơi, còn cái cô hầu buồng chạy lại để mang chiếc chậu thau nhỏ đến cho bà nôn thì lại cứ cười, - đã nhiều năm nay, dù là nóng nực hay rét mướt, ngày nào cô cũng lăn lộn trong sóng gió như vậy mà chẳng biết mệt mỏi là gì. Cô tiểu thư nhà ta mặt tái nhợt đi kinh khủng, mồm ngậm một múi chanh. Ông nhà ta thì nằm ngửa, mình mặc áo bành tô rộng, đầu đội mũ cát-kết to, suốt dọc đường cứ siết chặt quai hàm lại; nét mặt ông tăm tối lại, ria ông trắng ra, đầu nhức như búa bổ: mấy ngày vừa qua, do thời tiết xấu, cứ tối đến ông lại nốc rượu quá nhiều và thưởng thức quá nhiều
những bức tranh sống
trong những hộp đêm nào đó. Trong khi ấy mưa quất vào những cửa kính đang run lên bần bật, nước từ đó chảy vào những chiếc đi-văng, gió gầm rú đập vào những cột buồm và đôi khi cùng hoà nhịp với làn sóng ập tới, nó lật nghiêng hẳn chiếc tàu, và lúc bấy giờ nghe có cái gì đó lăn ầm ầm dưới đáy tàu. Đến các bến đỗ ở Castelamara, ở Sorrento, tình hình có dễ chịu hơn đôi chút, nhưng vào trong bến tàu lại lắc lư dữ dội, ngoài cửa sổ thấy bờ biển cứ chao lên lại chao xuống như đánh đu, cùng với tất cả những bờ dốc, những vườn tược, những cây thông tán tròn, những khách sạn màu hồng và màu trắng, và cả những núi non đầy khói xanh cuồn cuộn trên đó; những chiếc thuyền va vào mạn tàu kêu lộc cộc. Các hành khách đi về khoang hạng ba kêu toáng lên, ở đâu đó có tiếng trẻ nhỏ khóc thét lên như bị vật gì đè lên người, gió ẩm thốc vào các cửa buồng, và trên chiếc xà lan chòng chành mang cờ hiệu của khách sạn
Royal
một thằng bè con giọng chả chớt, không ngơi miệng hét váng lên
Gôi-an đây! Khách sạn Gôi-an đây!...
để chào mời các du khách. Và vị quý ông từ San Francisco tới ấy, với tâm trạng đích thực của mình hoàn toàn là một ông già, đã bắt đầu có một cảm nghĩ nhớ nhung buồn bực về tất cả những cái khách sạn
Royal
,
Splendid
,
Excelsior
ấy và về cả những người ngợm tham lam, sặc mùi tỏi được gọi là những người Ý này; có một lần tàu đỗ, nằm trên đi-văng ông mở mắt ra rồi nghển đầu lên nhìn, ông thấy dưới chân một vách đá cheo leo có một đống những ngôi nhà bằng đá tồi tàn bé tí tẹo đã mốc meo hết và chỉ nhờ dựa vào nhau mà đứng được ngay sát cạnh mặt nước, bên những chiếc thuyền, bên những đống giẻ rách, những hộp sắt tây và những tấm lưới màu nâu gì đó, lúc bấy giờ ông mới sực nhớ ra rằng đây mới đích thực là cái nước Ý mà ông đến để hưởng lạc và lúc bấy giờ ông mới cảm thấy thất vọng... Cuối cùng, cho tới tận sẩm tối người ta mới thấy đen ngòm một hòn đảo đang tiến lại gần, chân đảo hệt như bị xuyên thủng bởi những đốm lửa đỏ nhỏ bé; gió thổi đã dịu hơn, ấm hơn, thơm tho hơn, và do những ngọn đèn trên bến, người ta tưởng như có những con trăn lấp lánh vàng trôi xuôi theo những ngọn sóng nay đã chịu quy thuận và sánh lại thành một thứ dầu nhớt đen sì... Rồi bỗng có tiếng neo thả vang động và tiếng neo rơi tõm xuống nước, tứ phía thi nhau nổi lên những tiếng hò hét giận dữ của những phu thuyền, - thế là lòng ta lập tức cảm thấy nhẹ nhõm hơn, buồng hành khách công cộng càng loé sáng hơn lên, ta bắt đầu muốn ăn, uống, hút thuốc lá, đi lại... Mười phút sau gia đình từ San Francisco đến đã bước xuống một chiếc sà lan lớn, mười lăm phút sau họ bước lên những phiến đá kè bờ, sau đó ngồi vào một chiếc toa goòng và được kéo kêu vo vo lên phía trên theo bờ dốc giữa những đám cọc cắm trong vườn nho, giữa những bức tường vây bằng đá đã đổ nát một nửa và giữa những cây cam ướt át, cằn cỗi, đôi chỗ núp dưới những mái che bằng rơm, với những quả cam bóng loáng và những đám lá dầy láng bóng đang trôi tuột xuống phía dưới núi, ngay sát cạnh những khung cửa sổ bỏ ngỏ của chiếc toa goòng... Ở Ý cứ sau mỗi trận mưa là mùi đất lại toả ra ngọt ngào, và mỗi hòn đảo của Ý cũng lại có mùi hương riêng biệt của mình!
Buổi tối hôm đó cảnh vật đảo Capri ẩm ướt và âm u. Nhưng phút chốc nó đã tươi tỉnh lại và đã sáng sủa lên đôi chỗ. Trên đỉnh núi, ở sân đỗ tàu goòng đã lại tụ tập một đám người có nhiệm vụ phải đón tiếp một cách xứng đáng quý ông từ San Francisco đến. Cũng có cả những vị khách khác nữa cùng đến cơ đấy, nhưng họ không đáng để ý, - đó là mấy ông người Nga đến ngụ cư ở Capri, những con người ăn mặc lôi thôi lếch thếch và tính tình lơ đễnh, đeo kính, để râu, mặc những chiếc áo bành tô nhỏ bé mà cũ kỹ, cổ bẻ đứng dựng lên, và một đoàn những cậu trai trẻ người Đức chân dài, đầu tròn xoe, mặc quần áo kiểu vùng Tyro(37), vai khoác đãy bằng vải gai, - họ chẳng cần ai phục dịch cả, đi đến đâu cũng thấy như ở nhà mình, mà tiêu xài cũng chẳng hào phóng gì. Quý ông từ San Francisco đến bèn điềm tĩnh tránh né cả hai đám khách này và đã lập tức được người ta nhận ra ngay. Người ta vội vã đỡ ông và bà nhà ta khỏi toa, người ta đã chạy lên trước để chỉ đường và ông lại bị bao vây tứ phía bởi những thằng bé con và những người đàn bà Capri vạm vỡ ấy đang đội trên đầu những va li và hòm xiểng cho những vị du khách đoan trang này. Những chiếc guốc gỗ của họ đã vang lên lộc cộc trên một quảng trường nhỏ hẹp hệt như một bãi để diễn ca kịch, và trên quảng trường người ta thấy có một quả cầu điện(38) đang rung rinh dưới làn gió ẩm; lũ trẻ con huýt sáo miệng lên như một bầy chim và làm trò lộn nhào trên mặt đất, - và đi giữa đoàn người ấy, hệt như trên sân khấu, vị quý ông từ San Francisco đến đang bước tới một cổng chào thời trung cổ nào đó bên dưới những ngôi nhà gắn khít lại với nhau, mà đằng sau là một đường phố nhỏ âm vang, xoai xoải dẫn tới lối ra vào của khách sạn đang toả sáng phía trước mặt, bên trái phố có chỏm một cây cọ phủ lên những mái nhà phẳng, còn phía trước, bên trên phố là bầu trời đen tối với những ngôi sao xanh ngắt. Và mọi cảnh tượng lại diễn ra hệt như cái thị trấn nhỏ bằng đá ướt át trên hòn đảo nhỏ lởm chởm vách đá này ở Địa Trung Hải nay đã hồi tỉnh lại để đón chào những vị khách từ San Francisco tới, và hệt như chính họ đã khiến cho ông chủ khách sạn sung sướng và mừng rơn đến nỗi vừa bước chân vào tiền sảnh là tiếng cồng Tàu dường như chỉ dành riêng cho họ đã vang lên khắp các tầng lầu để báo hiệu giờ tụ hội ăn bữa chiều.
Ông chủ khách sạn, một người trẻ trung trang nhã tuyệt vời, cúi chào một cách lễ phép và lịch sự khi nghênh đón họ, và trong giây lát đã khiến cho quý ông từ San Francisco tới phải sửng sốt: ông bỗng sực nhớ rằng từ hồi đêm hôm qua, ngoài những điều rối rắm khác đã choán ngợp tâm trí ông trong giấc mộng, ông đã mơ thấy đúng con người hào hoa phong nhã này, mơ thấy y hệt con người này, cũng chiếc áo lễ phục với những vạt áo may tròn và cũng mái tóc bóng lộn như gương ấy. Do ngạc nhiên, ông thậm chí đã suýt đứng dừng lại. Nhưng vì từ hồi nào hồi nào đến giờ trong tâm hồn ông đã không còn mảy may cảm giác thần bí nào, nỗi ngạc nhiên của ông cũng lập tức tan biến ngay: vừa đi trong hành lang khách sạn, ông vừa bông đùa kể lại cho vợ con nghe tại sao mộng và thực khớp nhau một cách kỳ lạ đến thế. Thế nhưng trong phút đó, cô con gái lại lo ngại đưa mắt nhìn ông: lòng cô bỗng như đau thắt lại vì buồn thương, vì cảm giác cô đơn đáng sợ ở nơi hải đảo xa lạ và tăm tối này...
Một nhân vật cao quý là đức vua Reis XVII đến thăm Capri đã vừa rời khỏi đây. Và người ta đã dành cho các vị khách từ San Francisco đến chính những căn buồng mà đức vua đã ở. Người ta còn cắt đến phục vụ họ một cô hầu buồng xinh đẹp nhất và khéo léo nhất, một cô người Bỉ thắt đáy lưng ong, nịt ngực cứng ngắc, đầu đội một chiếc mũ bonnê hồ bột như hình một chiếc vương miện nhỏ có răng cưa; một người đầy tớ xuất sắc nhất, người đảo Sicila(39) da đen như than, mắt đỏ như lửa, một người trực hành lang tháo vát nhất là bác Luidgi, người nhỏ con nhưng béo, suốt đời mình đã phục vụ ở nhiều nơi trên cương vị này. Và một phút sau đó, người ta đã thấy một métđôten người Pháp đến gõ nhẹ vào buồng quý ông từ San Francisco tới, để hỏi xem các vị hành khách mới đến cỏ dùng bữa chiều không, và khi được trả lời là có (kể ra điều này cũng chẳng có gì để hoài nghi cả), thì xin được thưa rằng hôm nay có món tôm hùm, bít-tết, măng tây, gà lôi và v.v.. Đất dưới chân quý ông từ San Francisco đến vẫn còn chao đảo, - cái chiếc tàu Ý bé con con và tồi tệ ấy đã lẳc ông ghê gớm, - nhưng ông vẫn thong thả (mặc dù chưa quen và chưa thạo lắm) tự tay ra đóng chặt cánh cửa sổ đã sập lại từ lúc người métđôten bước vào, một cánh cửa mà từ đó ông thấy đã gặp mùi nhà bếp ở phía xa xa và mùi những đoá hoa ướt át ở trong vườn. Và ông từ tốn, rạch ròi trả lời rằng cả nhà sẽ dùng bữa chiều, bàn ăn đã được đặt ở nơi xa cửa ra vào, tận cuối phòng, và sẽ dùng rượu nho của địa phương. Đối với mỗi lời ông nói, người métđôten đã phụ họa bằng những giọng điệu cực kỳ đa dạng, nhưng đều chỉ cỏ một nghĩa là không nghi ngờ gì và không thể cónghi ngờ gì về sự đúng đắn của những ý muốn của quý ông từ San Francisco tới, và mọi việc đều sẽ được thi hành chính xác. Cuối cùng ông ta cúi đầu, tế nhị hỏi:
- Thế là hết ạ, thưa ngài?
Và sau khi nhận được câu
yes "(40) chậm rãi đáp lại, ông ta nói thêm rằng hôm nay ở tiền sảnh sẽ có nhảy tarantela, do Carmela và Giuseppe, nổi tiếng trong toàn nước Ý và trong
toàn bộ thế giới du khách
, trình diễn.
- Tôi có thấy cô ta trong những tấm bưu ảnh, - quý ông từ San Francisco tới nói bằng một giọng không biểu lộ điều gì. - Thế còn cái anh Giuseppe này là chồng cô ta ư?
- Là anh họ, thưa ngài, - người métđôten đáp.
Thế rồi chần chừ đôi chút, suy nghĩ điều gì đó nhưng không nói gì thêm, quý ông từ San Francisco tới cho phép người métđôten cáo lui bằng một cái gật đầu.
Và sau đó ông lại bắt tay chuẩn bị, hệt như chuẩn bị đi đám cưới vậy: ông bật điện lên ở khắp nơi, khiến cho các tấm gương đều sáng loáng và bóng lộn lên, đều soi tỏ được những đồ đạc và những hòm xiểng đã được mở toang; ông bắt đầu cạo râu, rửa ráy và chốc chốc lại bấm chuông gọi, trong khi đó, suốt dọc hành lang cũng vang lên những hồi chuông hối hả khác xen vào những hồi chuông gọi của ông, - đó là những hồi chuông từ các buồng của vợ ông và con gái ông. Còn bác Luidgi mặc áo tạp dề đỏ, với bộ điệu nhẹ nhõm riêng có của một số đông người béo mập, luôn nhăn nhó tỏ vẻ khiếp sợ khiến các cô hầu buồng xách những xô nước tráng men chạy đi chạy lại qua đó phải buồn cười đến chảy nước mắt. Mỗi khi nghe tiếng chuông, bác ta quay ngoắt người chạy xổ đến, cong ngón tay gõ vào cửa, giả bộ rụt rè và ra vẻ kính cẩn đến mức ngu xuẩn, lên tiếng hỏi:
- Ha sonato, signore.(41)
Và bên trong cửa có tiếng the thé, từ tốn và lễ phép nghe đến phát lộn ruột, đáp lại:
- Yes, come in...(42)
Trong cái buổi tối đáng ghi nhớ cho mình đến như thế, quý ông từ San Francisco đến đã có cảm giác gì, đã suy nghĩ gì nhỉ? Như bất kỳ ai khác sau cơn sóng gió, ông chỉ rất muốn được ăn uống, khoái trá mơ tưởng tới thìa súp đầu tiên, ngụm rượu vang đầu tiên, và ngay cả một công việc quen thuộc là việc trang điểm ông cũng tiến hành nó trong một tâm trạng hưng phấn, do đó không còn thời gian đâu để mà cảm xúc và nghĩ ngợi nữa.
Cạo râu xong, rủa ráy xong, đặt mấy chiếc răng giả cho êm xong, ông ra đứng trước gương rảy nước hoa rồi dùng những chiếc bàn chải có cán bằng bạc mà thu vén đám tóc màu ngọc trai còn lại chung quanh cái sọ dừa vàng ngăm đen của mình, kéo căng chiếc áo tơricô bằng lụa màu kem trên tấm thân già nua tuổi tác nhưng còn chắc chắn và eo lưng còn đang mập mạp lên do tăng cường bồi dưỡng ấy. Còn đôi chân khô khẳng với những bàn chân dèn dẹt thì ông xỏ vào đôi bít tất dài bằng lụa đen và đôi giày dùng để khiêu vũ. Rồi ngồi chồm hỗm, ông chỉnh lại chiếc quần đen đã được kéo cao lên bởi những chiếc brơten lụa và cả chiếc áo sơ mi trắng muốt có độn ngực, rồi ông lồng những chiếc khuy vào đôi cổ tay áo bóng lộn và bắt đầu thấy khổ sở cố làm sao cho hai bên cổ sơ mi cứng ngắc bắt được vào chiếc khuy cổ. Sàn nhà vẫn còn chao đảo dưới chân ông, mấy đầu ngón tay ông đau buốt lên, đôi lúc chiếc khuy cắn chặt lấy lớp da nhẽo ở hõm dưới cục hầu nhưng ông rất cương quyết và cuối cùng, với đôi mắt loé sáng vì căng thẳng, với toàn thân tím ngắt đi vì chiếc cổ cồn quá chật đã thít lấy cổ họng, ông cũng đã làm được cái việc phải làm. Đoạn ông mệt nhoài ngồi xuống trước tấm gương lớn có tranh vẽ ở phần trên(43), toàn thân ông soi trong tấm gương ấy và được phản chiếu cả trong các tấm gương khác.
- Ôi, thật kinh khủng! - ông lẩm bẩm, cúi chiếc đầu hói vững chắc của mình xuống và cũng chẳng cố gắng suy nghĩ, tìm hiếu xem quả thật mình kinh khủng cái gì; rồi theo thói quen, ông chăm chú ngắm nhìn những ngón tay ngắn ngủn của mình mà các khớp xương đã cứng queo lại vì bệnh gút, ngắm nhìn những chiếc móng tay to, màu hạnh nhân, thồi lồi lên trên đôi tay của mình mà nhắc lại một cách tin chắc: - Thật kinh khủng...
Song vừa lúc đó khắp trong toà nhà đã âm vang rền rĩ, hệt như trong một ngôi đền ngẫu thần giáo, vang lên tiếng cồng thứ hai. Thế là quý ông từ San Francisco tới bèn mải mốt đứng dậy, dùng chiếc cà vạt thít cổ áo chặt hơn nữa, dùng chiếc gilê để hở cổ mà thít lấy bụng, mặc chiếc áo smoking vào, chỉnh lại đôi cổ ống tay áo và ngắm nghía một lần nữa trong gương... Ông nghĩ:
Cái cô Carmela có đôi mắt nhìn gượng gạo này da lại ngăm ngăm, giống như lai da đen, cô ta phục sức lòe loẹt nhưng chủ yếu vẫn là màu da cam, và chắc hẳn cô ta nhảy cừ lắm đây.
Rồi ông tươi tỉnh bước ra khỏi buồng men theo tấm thảm tiến lại gần căn buồng bên cạnh của vợ mình, cất cao giọng hỏi xem các bà các cô đã sắp xong cả chưa.
- Năm phút nữa ạ! - từ phía trong cửa có tiếng con gái đáp lại vang lanh lảnh và đã ra chiều vui vẻ.
- Được lắm, - quý ông từ San Francisco nói.
Rồi ông từ tốn bước theo các hành lang và các cầu thang trải thảm đỏ mà xuống dưới nhà, đi tìm phòng đọc sách báo. Kẻ hầu người hạ gặp ông đều phải nép mình vào tường để tránh, còn ông thì ông cứ đi, dường như không hay biết gì về họ. Một bà già, lưng đã còng, tóc đã ngả sang màu sữa, nhưng để hở vai, mặc một chiếc xiêm lụa màu xám nhạt, đi phía trước ông. Thấy đã muộn giờ ăn chiều, bà ta cố hết sức rảo bước, nhưng rảo bước theo kiểu đi của gà mái trông đến buồn cười, và ông đã dễ dàng vượt qua bà ta. Đến cạnh cửa kính phòng ăn, nơi mọi người tụ tập đông đủ và đã bắt đầu ăn, ông dừng bước trước một chiếc bàn nhỏ chất đầy những hộp xì gà và thuốc lá Ai Cập, cầm lấy một điếu manila to bự rồi quăng xuống bàn ba lira(45):ra tới hàng hiên dùng cho mùa đông, ông nhân thể nhìn qua cửa sổ bỏ ngỏ: bóng tối từ bên ngoài phả vào mặt ông một làn không khí mơn man, ông thay chỏm một cây cọ già đang đung đưa và xoã các tàu lá trên một bầu trời đầy sao, do đó các tàu lá tưởng chừng như to lớn kinh khủng và ông thấy vọng lại cả tiếng biển reo đều đều, xa xôi... Trong phòng đọc sách báo ấm cúng và yên tĩnh chỉ có ánh đèn sáng trên những mặt bàn và chỉ có một người Đức đầu bạc nào đó đang đứng giở mấy tờ báo kêu loạt soạt .Ông ta trông giống Ibsen(46) đeo kính tròn gọng bạc, đôi mắt ông ta điên dại, trố lên sửng sốt. Quý ông từ San Francisco tới nhìn ông người Đức ấy một cách lạnh nhạt, đoạn ngồi vào một chiếc ghế bành bằng da thụt sâu đặt trong góc phòng cạnh một cây đèn có chụp đèn màu xanh lá cây, lấy kính không gọng ra kẹp vào mũi, đoạn dướn cái cổ đang bị cổ áo thít chặt, mở rộng tờ báo ra khiến toàn thân ông bị che khuất. Ông lướt qua đầu đề một vài bài báo, đọc vài dòng về cuộc chiến tranh đang kéo dài liên miên ở vùng Balkan và trong khi đang lật trang báo với một cử động quen thuộc, ông bỗng thấy những dòng chữ tự dưng bừng lóe lên trước mắt ông như qua một tấm kính, rồi ông thấy cổ của mình bị kéo căng ra, mắt lồi lên, chiếc kính không gọng tuột khỏi sống mũi... Ông bổ choàng về phía trước, định hớp lấy một ngụm không khí, thì lại khò khè lên một cách dữ dội, quai hàm dưới của ông trễ xuống, lộ rõ mồm ông vàng chóe đầy răng vàng, đầu ông ngoẹo sang ngật ngưỡng ở một bên vai, ngực áo sơ mi ông phồng lên thành một cái hộp, - và toàn thân quằn quại, hai đế giày đạp xuống thảm, ông bò lăn bò quàng trên sàn, vật lộn quyết liệt với một kẻ nào đó.
Nếu như trong phòng đọc sách báo không có cái ông người Đức ấy, thì ở khách sạn người ta đã có thể mau lẹ và khéo léo xí xóa cái sự kiện khủng khiếp này bằng cách chạy ngay lại, tóm lấy chân lấy đầu quý ông từ San Francisco đến mà phóng ra lối cửa sau, đưa ông đi đâu đó xa hơn một chút, - thế là các khách khứa sẽ không một ai có thể biết được ông đã gây ra chuyện gì ở đây. Thế nhưng cái ông người Đức lại chạy bổ ra khỏi phòng đọc kêu toáng lên, khiến cho cả nhà, cả buồng ăn đều nhốn nháo hết Rồi có nhiều người đang ăn cũng nhảy chồm lên đánh đổ cả ghế, nhiều người tái mặt đi, chạy lại phía phòng đọc, hỏi rộn lên bằng mọi thứ tiếng:
Cái gì thế, cái gì xảy ra thế?
, - và chẳng ai trả lời được rõ ra sao cả, chẳng ai biết gì sất, bởi vì cho tới tận bây giờ người ta vẫn chỉ càng ngạc nhiên hơn, nhất quyết không tin vào sự chết chóc. Ông chủ khách sạn thì chạy vạy hết vị khách nọ đến vị khách kia, những vị nào bỏ chạy thì ông cố giữ chân họ lại và làm họ yên lòng bằng những lời đoan chắc vội vã rằng sự thể chỉ có thế thôi, chỉ có một quý ông từ San Francisco tới bị ngất xỉu tí chút chứ có gì đâu... Nhưng chẳng ai nghe ông ta cả, nhiều người đã trông thấy những anh hầu bàn và những bác trực hành lang giật bỏ cà vạt, gilê, chiếc áo smoking nhàu nát cho cái quý ông đó, và thậm chí chẳng hiếu sao họ lại tháo cả đôi giày khiêu vũ ra khỏi đôi chân đi tất lụa đen có những bàn chân dèn dẹt của ông ta nữa. Còn ông ta thì vẫn giãy giụa. Ông ta kiên trì vật lộn với cái chết, quyết không chịu khuất phục nó, dù cho nó đã ập đến với ông một cách bất ngờ và thô bạo đến như vậy. Ông lắc lắc cái đầu, khò khè như bị cắt tiết, mắt trợn trừng như một kẻ say rượu... Khi người ta vội vã khiêng ông và đặt ông lên giường trong buồng số bốn mươi ba, - một căn buồng ngủ nhỏ nhất, xoàng nhất, ẩm thấp và lạnh lẽo nhất ở cuối hành lang nhà dưới, - thì cô con gái mới chạy tới, tóc buông lơi, ngực để hở với chiếc nịt vú độn cao, rồi đền bà vợ to béo, nặng nề đã phục sức tề chỉnh để ăn bữa chiều, miệng bà há hốc vì khủng khiếp... Thế nhưng đúng lúc ấy ông ta đã không lúc lắc được cả cái đầu nữa rồi.
Mười lăm phút sau mọi sự trong khách sạn cũng tàm tạm ổn. Song buổi tối đó đã bị phá hỏng không sao cứu vãn được. Một vài người trở lại phòng ăn để ăn cho xong bữa, nhưng lặng lẽ, tỏ vẻ phật ý ra mặt, trong khi đó ông chủ lúc thì đến gặp người này, lúc thì đến gặp người kia, nhún vai tỏ vẻ bực dọc một cách bất lực nhưng lịch thiệp, tuy chẳng có lỗi gì nhưng lại cảm thầy có lỗi, cam đoan với mọi người là mình thừa hiểu rằng
câu chuyện thật bực mình
, và hứa hẹn là sẽ dùng
mọi biện pháp mà mình có thể làm
để giải quyết cái chuyện bực mình đó; ông đành phải bãi bỏ tiết mục nhảy tarantela, đèn điện chỗ nào thừa phải tắt bớt đi, khách khứa phần lớn bỏ ra phố, ra quán bia, và trong khách sạn đâm ra tĩnh mịch đến nỗi nghe rõ cả tiếng đồng hồ tích tắc trong tiền sảnh, ở đó chỉ có mỗi mình con vẹt là còn đang lục sục trước khi ngủ, nó máy móc lẩm bẩm cái gì đó, tìm ra một phương pháp kỳ cục là đeo một chân lên chiếc que ngang phía trên mà ngủ... Quý ông từ San Francisco tới nằm trên một cái giường sắt rẻ tiền, mình đắp mấy tấm chăn len thô được mờ mờ chiếu sáng bởi một chiếc vòi khí đốt ở trên trần. Chiếc túi chườm nước đá thõng xuống vầng trán ướt và lạnh ngắt của ông. Bộ mặt tìm lịm không còn sinh khí nữa đang nguội lạnh dần, tiếng khò khè bật ra từ cái mồm há hốc loang loáng ánh răng vàng cũng yếu dần. Người đang khò khè này là một ai khác chứ không phải quý ông từ San Francisco đến, - ông ta đâu có còn nữa. Bà vợ, cô con gái, ông bác sĩ, một cô sen đang đứng nhìn ông. Bỗng nhiên điều mà họ chờ đợi và sợ hãi đã diễn ra - tiếng khò khè đã dứt. Và rồi dần dần, dần dần, -ngay trước mắt mọi người, - màu tái lan trên khuôn mặt người đã chết, nét mặt ông ta hoá ra lại rõ rệt hơn, sáng sủa hơn trong một dung nhan đẹp đẽ từ lâu đã từng xứng hợp với ông ta.
Ông chủ bước vào. "Già é morto"(47)bác sĩ thì thầm nói với ông. Ông chủ nhún vai, nét mặt thản nhiên. Nước mắt lặng lẽ chảy trên má bà nhà ta. Bà ta tiến lại gần ông chủ, rụt rè bảo rằng bây giờ phải đưa người quá cố lên buồng cũ
- Ồ không, thưa bà, - ông chủ bác bỏ một cách vội vã, tuy nghiêm chỉnh nhưng không còn chút nhã ý nào và bằng tiếng Pháp chứ không phải bằng tiếng Anh nữa, bởi vì giờ đây các vị khách từ San Francisco tới đã có thể để lại cho ngân quỹ của ông những khoản tiền nhỏ mọn khiến ông chẳng thích thú gì. -Điều đó hoàn toàn không thể được, thưa bà, - ông ta nói đoạn giải thích thêm rằng ông rất quý trọng mấy căn buồng đó, rằng nếu như ông ta chiều theo ý của bà thì cả cái đảo Capri này đều biết chuyện và rồi các du khách sẽ tránh không thuê những căn buồng ấy nữa.
Cô nhà ta thì cứ ngó nhìn ông chủ hoài nghi với vẻ lạ lùng, và nghe ông ta nói vậy bèn ngồi xuống ghế, lấy khăn mùi xoa bưng miệng khóc lên rưng rức. Mặt bà nhà ta liền đỏ lên tưng bừng, nước mắt ráo hoảnh. Bà cất cao giọng đòi thế này thế khác, vẫn nói bằng thứ ngôn ngữ của mình, và vẫn còn chưa tin rằng người ta đã mất hết lòng kính trọng đối với gia đình mình rồi. Với giọng trang trọng mà lễ phép, ông chủ vẫn dồn ép bà, bảo rằng: nếu bà không bằng lòng với những lề thói của khách sạn thì ông ấy chả dám giữ; rồi ông ta tuyên bố như đinh đóng cột rằng thi thể phải được chở đi ngay hôm nay vào lúc rạng đông, rằng cảnh sát đã được phi báo, rằng đại diện cảnh sát sẽ đến bây giờ và sẽ làm những thủ tục cần thiết.. - Ở Capri có thể kiếm đâu được một cỗ quan tài dù là loại bình thường đã đóng sẵn không, quý bà hỏi thế chăng? Rất tiếc là không, không sao kiếm được, còn như đóng cỗ quan tài mới thì cũng chẳng ai làm kịp. Vậy thôi phải tìm cách nào đó khác hơn... Chẳng hạn như người ta thường chở nước xôđa Ănglê đến bằng những chiếc hòm lớn mà dài... có thể lấy mấy tấm ván từ một trong những chiếc hòm đó...
Đêm đến, khách sạn đều yên giấc cả rồi. Ở buồng số bốn mươi ba, người ta mở cửa sổ ra, - cửa sổ trông ra một góc vườn, ở đây có một bức tường đá cao bên trên cắm đầy mảnh thuỷ tinh, phía dưới tường mọc một cây chuối còi cọc, - người ta tắt điện, khoá chặt cửa rồi bỏ đi. Người chết ở lại trong tăm tối, từ trên trời những ngôi sao xanh ngắt nhìn xuống ông ta, trên tường một con dế kêu lên ti tỉ, vô tư lự mà buồn rầu... Ở hành lang, dưới ánh sáng lờ mờ, hai cô hầu buồng ngồi trên bậu cửa sổ khâu vá gì đó. Bác Luidgi bước vào, chân đi giày mềm, tay ôm một đống quần áo.
- Pronto? (Sẵn sàng rồi chứ?) - bằng giọng thì thầm âm vang, bác ta hỏi với vẻ săn sóc, đưa mắt chỉ cái khung cửa dễ sợ phía cuối hành lang. Rồi bác đưa cánh tay để không lên, nhẹ nhàng ngoáy một cái về phía đó, - Partenza!(48)- bác khẽ hô lên như khi đưa tiễn một đoàn tàu lửa vậy, bởi vì ở Ý người ta thường hò lên như thế ở các sân ga mỗi khi có đoàn tàu chuyển bánh, - thế là các cô hầu buồng cứ gục đầu lên vai nhau mà cười sặc sụa không thành tiếng.
Sau đó bác nhè nhẹ nhảy chân sáo chạy đến sát tận cửa, khẽ gõ một tiếng rồi ngoẹo cổ, se sẽ hỏi với vẻ rất mực cung kính:
- Ha sonato, signore?
Rồi tự bóp cổ họng, trề hàm dưới ra, cất lên một giọng the thé, từ tốn và buồn rầu, bác tự trả lời mình hệt như từ phía sau cửa vọng ra:
- Yes, come in...
Tới lúc rạng đông, khi ở ngoài ô cửa sổ buồng số bốn mươi ba trời đã sáng ra và làn gió ẩm đã xào xạc lay những tàu lả chuối rách bươm, khi bầu trời xanh ban mai đã nổi lên và trải rộng trên đảo Capri, đỉnh núi Monte Soliaro sạch sẽ và rõ nét đã nhuốm ánh vàng trước ánh mặt trời đang nhô lên từ phía sau những dãy núi xa xanh của Ý, khi những người thợ xây đã đi tầm để sửa những con đường nhỏ cho du khách đi lại trên đảo, - thì người ra đem đến buồng số bốn mươi ba một chiếc hòm dài vốn để chở nước xôđa. Chẳng mấy chốc chiếc hòm ấy đã trở nên nặng trịch - rồi nó đè chặt lấy hai đầu gối của cậu canh cửa được giao nhiệm vụ mau chóng chở nó đi trên chiếc xe một ngựa men theo con đường cái trắng xoá vòng vèo tới lui trên những triền núi Capri, len lỏi giữa những dãy tường vây bằng đá và những vườn nho, mỗi lúc một xuôi dần xuống tới tận biển. Bác xà ích người lừ đừ, đôi mắt đỏ ngầu, bận chiếc áo véttông nhỏ bé, cũ kỹ, tay áo ngắn ngủn, chân đi đôi giày gỗ đã mòn vẹt. Bác ta, vừa nhậu nhẹt xong, - cả đêm bác ta đánh thò lò trong quán rượu, - nên bác luôn tay ra roi quất vào con ngựa nhỏ nhưng chắc nịch của mình, một con ngựa được trang điểm theo kiểu Sicilia, luôn rối rít rung vang mọi chiếc nhạc treo ở dây cương có đeo ngù len sặc sỡ và treo cả ở những mỏm nhọn của một bộ yên cao bằng đồng. Con ngựa còn có một chiếc lông chim dài tới một arsin cắm trên bờm trán đã được xén gọn và luôn ve vẩy mỗi khi nó chạy. Bác xà ích trầm ngâm, bác còn ủ ê về cảnh trác táng, về những thói hư tật xấu của mình, - cụ thể là về việc đêm qua bác đã đánh bạc thua hết sạch số tiền công cuối cùng của minh, các túi của bác đầy tiền mà nay đều lép kẹp. Thế nhưng buổi sáng ấy mát mẻ, trong bầu không khí như vậy, ở giữa biển, dưới bầu trời ban mai, hơi men chẳng mấy chốc đã tan đi và cái vô tư chẳng mấy chốc đã trở lại với bác xà ích, vả chăng bác cũng được an ủi ở chỗ là mình bỗng dưng được một món tiền công sá của cái quý ông nào đó từ San Francisco tới, hiện đang lúc lắc cái đầu đã chết của mình trong cái hòm sau lưng bác... Một chiếc tàu nhỏ bé hệt như một con bọ dừa nằm xa xa ở phía dưới, trên một khoảng xanh biếc mịn màng và rạng rỡ đang trải ra rộng khắp và phủ kín cái vịnh Napoli này. Những hồi còi cuối cùng của con tàu ấy đã nổi lên và vang vọng một cách sảng khoái trên khắp hòn đảo, mà lúc này dù đứng ở đâu ta cũng đều trông thấy rõ được từng đường cong uốn lượn, từng đỉnh núi, từng tảng đá, hệt như không còn tí không khí nào cả. Một chiếc ô tô phóng nhanh đã bắt kịp cậu canh cửa chờ xe ngựa ở gần bến, trên ôtô người ta thấy cô nhà ta và bà nhà ta mặt tái xanh, mắt hõm sâu vì đã tuôn bao dòng lệ và đã mất ngủ trong đêm thâu. Rồi mười phút sau, con tàu nhỏ lại bắt đầu khua động làn nước biển và lại chạy về Sorrento và Castelamare, chở cái gia đình từ San Francisco tới ấy vĩnh viễn rời khỏi Capri... Và hoà bình, yên tĩnh lại được khôi phục trên đảo.
Cách đây hai nghìn năm trên hòn đảo này đã từng sống một con người hoàn toàn chìm đắm trong những hành vi tàn ác và bẩn thỉu của mình, một con người không hiểu vì đâu mà đã từng ngự trị hàng triệu sinh linh, một con người mà chính bản thân ông ta cũng đã quẫn tri về cái vô nghĩa của quyền lực ấy và luôn sợ rằng có ai đó sẽ ám sát mình, nên đã làm đủ mọi sự tàn bạo vượt qua bất kỳ mức độ nào. Loài người đời đời nhớ đến ông ta, và ngày nay trên toàn thế giới còn có cả những người về tổng thể là chưa hiểu hết, mà về thực chất là cũng đang thống trị và cũng tàn bạo như ông ta, đều cũng từ khắp nơi trên toàn cầu vẫn thường đền đây để xem di tích ngôi nhà bằng đá ông ta đã từng ở trên một vách núi cheo leo nhất trên đảo. Trong cái buổi sáng tuyệt vời ấy, tất cả những ai đã đến Capri chỉ vì mục đích nói trên đều hãy còn đang ngủ trong khách sạn, mặc dù lúc bấy giờ những con la nhỏ bé màu lông chuột thắng yên đỏ đã được giong đến cổng các khách sạn để những người Mỹ, những người Đức, nam có, nữ có, già có, trẻ có, lại sẽ cưỡi lên lưng chúng sau khi đã tỉnh dậy và đã ăn uống no say, và để cho những bà già ăn mày ở Capri với những chiếc gậy trong những bàn tay khẳng khiu lại sẽ phải chạy theo la mà ruổi chúng trên những con đường hẻm, lên tít trên núi, cho tới tận đỉnh núi Monte Tiberio. Biết rằng ông già từ San Francisco tới vốn định cùng đi với họ, nhưng nay ông đã chết rồi và thay vì ông ta chỉ khiến họ khiếp sợ khi nghĩ đến cái chết thì nay đã được đưa đi Napoli rồi, các du khách bèn yên chí ngủ say, do đó trên đảo vẫn còn yên ắng, các cửa hiệu trong thị trấn vẫn còn đóng của. Chỉ có mỗi cái chợ trên một bãi nhỏ hẹp là đã bắt đầu mua bán cá và rau, và ở đó rặt là những người dân thường, trong số đó, như bao giờ hết, vẫn có bác Lorenzo đứng chơi không. Bác ta là một ông già chèo thuyền vóc cao lớn, thích rong chơi vô tư lự và đẹp mã nổi tiếng khắp Ý, đã nhiêu lần làm mẫu vẽ cho nhiều hoạ sĩ. Bác ta đã đem đến và đã bán với giá rẻ mạt hai con tôm hùm mà bác mới bắt được hồi đêm (hai con tôm đó đã khua lạo xạo trong chiếc tạp dề của bác đầu bếp ở chính cái khách sạn mà gia đình từ San Francisco tới đã trọ đêm qua), do đó giờ đây bác ta có thể yên chí đứng chơi dù cho đến tận chiều tối, và bác đưa mắt nhìn quanh với vẻ kiêu sa, phô trương bộ quần áo rách mướp của mình cùng với chiếc tẩu bằng đất sét và chiếc mũ nồi len màu đỏ đội lệch xuống một bên tai. Còn bên bờ dốc dựng đứng của quả núi Monte Soliaro, theo con đường hẻm của người Phoenicia(49) thời xưa được xẻ giữa hai vách đá, lần theo những bậc đá, người ta thấy có hai người dân vùng núi Abruzzio đang từ Anacapri đi xuống. Một người mặc áo tơi bằng da thổi một chiếc khèn bọng, - gồm một túi da dê to tướng với hai ống sáo, còn người kia thì thổi một nhạc cụ gì đó như kiểu một ống tiêu bằng gỗ. Họ tiến bước - và toàn bộ cái đất nước vui tươi, tuyệt diệu, chói nắng ấy trải ra dưới chân họ: cả những cái bướu bằng đá của hòn đảo mà hầu như toàn bộ diện tích đảo đều nằm dưới chân chúng, cả cái khoảng xanh thần tiên mà hòn đảo đỏ đang tắm mình, cả những làn hơi nước ban mai rực rỡ trên mặt biển về phía đông dưới ánh mặt trời chói chang đang mỗi lúc một lên cao và đã bắt đầu đem lại cái nóng nực, cả những dãy núi xanh ngắt mù sương còn rung rinh trong lúc ban mai, những dãy núi gần cũng như xa của cái nước Ý này mà vẻ đẹp là không sao tả xiết được bằng tiếng nói con người. Đi được nửa đường thì họ bước chậm lại: trên đường đi, trong một hốc ở vách núi Monte Soliaro có một bức tượng Đức Mẹ được ánh nắng mặt trời soi sáng toàn bộ và toàn bộ đứng trong cái ấm áp và cái chói lói của ánh sáng mặt trời. Đức Mẹ mặc xiêm áo bằng thạch cao trắng phau phau, đội một chiếc vương miện đã ố vàng do dầm mưa dãi nắng. Trông Người hiền hậu, nhân từ, cặp mắt ngước nhìn trời, ngước nhìn lên những đấng vĩnh hằng và phiêu diêu của đứa con trai của Người đã từng ba lần được ban phước lạ. Hai người dân vùng núi Abruzzio ngả mũ, đưa những chiếc sáo, chiếc tiêu lên môi, - và thế là người ta thấy tuôn trào những khúc vừa hồn nhiên, vừa hiền lành, lại vừa mừng vui ca ngợi mặt trời, ca ngợi buổi sáng, ca ngợi Người, ca ngợi Đức Mẹ trinh khiết vẹn toàn đã bênh vực cho mọi kẻ khổ đau trong cái thế giới độc ác và tuyệt vời này, và ca ngợi đứa con đã từ Người mà lọt lòng ra trong hang đá Bethlehem(50),trong một nơi nương náu nghèo nàn của người chăn cừu, ở xứ Judea(51) xa xôi...
Còn thi hài của ông già từ San Francisco tới thì đang trên con đường về nhà, về nơi mồ yên mả đẹp, về với bến bờ của Thế giới mới. Sau khi đã chịu nhiều nỗi nhục nhã, nhiều cảnh khinh khi của con người, trải qua một tuần lễ lang thang hết kho cảng này đến kho cảng khác, cuối cùng thi hài lại rơi đúng vào chính con tàu nổi tiếng mà chỉ cách đó không lâu nó đã chở ông ta sang Thế giới cũ một cách trọng vọng. Thế nhưng giờ đây, người ta đã giấu không cho những người đang sống biết đến ông, - người ta vùi sâu ông vào một chiếc quan tài tẩm nhựa mà đưa xuống hầm tàu đen ngòm. Rồi một lần nữa, một lần nữa con tàu lại đi vạn dặm trùng dương. Đến đêm nó chạy sát qua đảo Capri, những ánh đèn của nó buồn thiu và từ từ khuất trong vùng biển tối tăm trong con mắt ai đứng trên đảo dõi nhìn theo. Song, ngay trong đêm ấy, ở trên tàu, trong những căn phòng ốp lát đá hoa sáng choang và rực rỡ với những chiếc đèn chùm, vẫn có vũ hội đông người như thường lệ.
Rồi cả đêm hôm sau, và đêm hôm sau nữa, con tàu vẫn đi, - và nó lại đi trong cơn bão tuyết điên cuồng tràn qua đại dương lúc ấy đang hú vang như một buổi lễ Misa an táng(52) khi nó đang trôi dạt giữa những núi sóng đầu phủ khăn xô trắng xoá. Vô vàn những con mắt lửa của con tàu chỉ thấy thấp thoáng ẩn hiện dưới làn tuyết trắng trong con mắt của Quỷ dữ đang náu mình trên những vách núi ở Gibraltar, trên cái cổng đá giữa hai thế giới này mà dõi nhìn theo con tàu đang mất hút trong đêm sâu và trong bão tuyết .Quỷ dữ to sừng sững như một mỏm núi, nhưng con tàu còn to hon nó, con tàu có nhiều tầng, nhiều ống khói, là tác phẩm của niềm kiêu hãnh của Con Người Mới với trái tim cũ. Bão tuyết dồn dập quật vào những dây nhợ và những ống khói loe to phủ dày tuyết trắng xoá của con tàu, nhưng nó vẫn vững vàng, chắc chắn, oai nghiêm và đáng sợ. Trên tầng mái cao nhất, người ta thấy đơn độc nhô lên trong bão tố mấy căn buồng ấm cúng với ánh sáng mờ mờ, và ở nơi đây con người béo phục phịch ấy đang điều khiển con tàu, mặc dầu chìm đắm trong cảnh mơ màng nhạy bén và chập chờn, nhưng ông ta vẫn chế ngư toàn bộ con tàu, hệt như một ngẫu thần vậy. Ông ta vẫn nghe thấy chiếc còi tàu bị bão tố bóp nghẹt đang rít lên những tiếng rên rĩ não nùng và điên dại, nhưng ông ta vẫn tự an ủi vì thấy mình vẫn gắn bó với những gì đang diễn ra ở bên kia vách, mặc dù rút cục chính bản thân ông cũng không hiểu rõ điều đó là do đâu. Trong căn phòng lớn tuồng như đã được bọc thép ấy người ta thấy chốc chốc lại vang lên những tiếng ầm ì, những âm thanh rộn ràng bí hiểm và những tiếng lách tách khô khan của những ánh lửa xanh lập loè bao quanh một điện báo viên mặt tái nhợt, đeo một vành kim loại ở trên đầu. Ở phía dưới cùng của chiếc
Atlantida
, trong lòng tàu ngập sâu dưới nước, người ta thấy những khối đồ sộ nặng hàng vạn cân của những nồi hơi và đủ thứ máy móc khác đang mờ mờ ánh lên màu thép, đang khò khè xì hơi, đang rỉ nước sôi và dầu mỡ ra trong cái bếp núc được nung nấu, hun đốt bằng những lò lửa của hoả ngục để đem lại sự chuyển động cho con tàu. Từ đây những lực được tập trung ghê gớm đã sôi sục truyền ngay vào sống tàu, toả vào một căn hầm dài vô tận, vào một đường tuy-nen(53) tròn với ánh điện chiếu mờ mờ, mà ở đó, hệt như trong một họng súng đại bác, giữa lòng súng đầy dầu nhớt, một chiếc trục khổng lồ đang từ từ quay với một sự thư thái chắc nịch khiến con người phải táng đởm kinh hồn, khác nào đứng trước một con quái vật dài đườn đang sống động trong cái tuy-nen ấy. Vậy mà ở phần giữa của chiếc
Adantida
, những phòng ăn và phòng vũ hội đang tuôn trào ánh sáng và niềm vui, đang râm ran tiếng nói cười của đám người ăn mặc bảnh bao, đang sực nức mùi hương của những đóa hoa tươi, đang réo rắt âm thanh của dàn nhạc đàn dây. Rồi người ta lại thấy đôi tình nhân thuê mướn tinh tế và mềm mại uốn lượn khổ sở và thỉnh thoảng lại chập lại với nhau một cách đột ngột giữa cái đám người ấy, giữa cảnh choáng lộn của những ngọn đèn, của những lụa là, kim cương và của các đôi vai trần của các bà các cô.
Đó là một cô gái hết sức bình thường với hai làn mi buông xuôi, với mái tóc búi chải một cách ngây thơ, và một chàng thanh niên với mái tóc đen kịt như được dán lên đầu, mặt trắng bệch do đánh phấn, đi một đôi giày vecni cực kỳ thanh nhã, mặc một chiếc áo đuôi tôm chẽn thân có những vạt dài, - một chàng thật đẹp trai, nhưng trông hệt như một con đỉa lớn.
Nhưng nào có ai biết rằng từ lâu cái đôi trai gái này đã quá ngán ngẩm vì cứ phải giả vờ tự giằn vặt mình bằng một nỗi đau khổ khoái trá trong tiếng nhạc buồn mà trơ trẽn ấy, và cũng nào có ai biết rằng ở rất sâu, rất sâu dưới chân mình, tận đáy hầm tầu tăm tối, có một chiếc quan tài đang nằm kề với lòng tàu ảm đạm và nóng bức, trong khi con tàu đang nặng nhọc vượt qua bóng tối, đại dương và bão tuyết...
Tháng 10 năm 1915
Nhấn vào đây để xem chương mới nhất của Ebook Những Lối Đi Dưới Hàng Cây Tăm Tối.