Chương 5: Chiếc Nhẫn Trên Cành Cây
-
Những Người Đàn Bà Tắm
- Thiết Ngưng
- 22289 chữ
- 2020-05-09 03:51:16
Số từ: 22545
Nguồn: Isach
Dịch giả: Lê Minh Sơn
NXB Hội Nhà Văn
Khiêu như nhiều người con gái khác đang yêu, cốchấp, mạnh dạn, mơ hồ. Bởi ràng buộc với tình cảm của Phương Kăng làm Khiêu không còn nhận ra mình và không nhận ra người khác. Những bức thư tình thẳng thắn đến ghê người không những không đẩy xa Khiêu, ngược lại làm Khiêu thêm gần anh ta hơn. Anh ta càng nói với Khiêu, nói những chuyện anh ta ăn nằm với những cô gái khác, Khiêu càng tin rằng mình được Phương Kăng tin cậy, mình đúng là có sức cứu giúp anh ta. Những sự thẳng thắn pha lần đểu cáng của anh ta làm Khiêu thất kinh. Khi anh ta nói chuyện với Khiêu về cô gái thứ mười thì Khiêu không còn chịu đựng nổi, Khiêu muốn để anh ta có được mình, muốn để cái "được" đó giúp anh ta gột rửa mọi nhơ bẩn trứơc đó. Khiêu không còn như Khiêu xưa kia không để anh ta tìm thấy cặp môi mình, những bức thưtình của anh ta đã khuyến khích, cổ vũ Khiêu, làm Khiêu mở rộng tầm mắt. Thậm chí Khiêu không nghĩ đến hôn nhân, không muốn để những thứ đó mang ý nghĩa trao đổi. Hôn nhân sẽ là việc anh ta cầu xin sau này.
Thế là sau hai năm quen biết, Phương Kăng đã chiếm được Khiêu.
Thể xác Khiêu không sung sướng nhưng lòng mãn nguyện. Cái mãn nguyện có phần hãnh diện và cả bản năng thật thà đến ngu ngốc của tình yêu nguyên thủy.
Cuối cùng anh ta cũng đã "được" Khiêu. Về mọi phương diện, anh ta đều được thỏa mãn và vui sướng, vui sướng đến kỳ lạ, cái kỳ lạ nhất là điều anh ta không dám nói với ai, cũng chưa bao giờ nói với Khiêu: Khiêu đã đưa anh ta trở lại làm người đàn ông.
Nhiều năm rồi Phương Kăng "bất lực", anh ta quy kết việc đó cho mười năm thể xác bị hành hạ, tinh thần bị giày vò. Khi được tự do, trở lại thi thố tài năng, điều quan trọngnhất trong cuộc sống của anh ta là chữa khỏi "bất lực". Các bệnh viện lớn nhỏ, các phương thuốc quý hiếm, thậm chí cả những phòng mạch nửa kín nửa hở, lời lẽ úp mở ở tận hang cùng ngõ hẻm anh ta đều tìm đến. Nhưng cả trăm phương thuốc quý và đủ cách trị liệu cũng không hiệu nghiệm, anh ta không hiểu tại sao cuộc sống lại độc ác với anh như thế, trò đùa ấy khiến anh thù nghịch và nguyền rủa tất cả những gì quyến rũ anh ta.
Thế nhưng anh ta lại thổi phồng quá đáng các mối quan hệ với đàn bà con gái, anh muốn dùng những điều thổi phồng và những chuyện bịa đặt để mọi người lan truyền tính phóng đãng của anh ta. Anh ta mong mình thật sự là kẻ đểu cáng thậm chí là người có năng lực đểu cáng.
Khó mà nói rõ được mục đích ban đầu của anh ta tiếp cận và theo đuổi Khiêu. Đó là điều khó nói rõ, bởi không thể nói dứt khoát rằng, những bức thư anh gửi cho Khiêu đều từng bước cám dỗ Khiêu. Trong những bức thư đó, có phần thử sức hấp dẫn của mình, cũng có cả những xúc động mơ hồ được người con gái này hấp dẫn. Sau đó, với " nửa cái hôn" được Khiêu trao vào buổi tối chia tay ấy thì nỗi nhớ Khiêu như cơn khát với anh ta. Như cơn khát. Anh ta lẩn tránh Khiêu để thể hiện cơn khát ấy. Bỗng anh ta thấy sợ gặp Khiêu, sợ hai cơ thể gần nhau, sợ đụng vào bàn tay nhỏ nhắn mềm mại của Khiêu, sợ đôi mắt đen của Khiêu nhìn thẳng vào anh ta, anh sợ. Anh ta sợ mình không thể tiếp Khiêu, không thể coi Khiêu như một người yêu, anh ta sợ lộ mình trên người Khiêu. Lộ mình trên người những cô gái khác thì không sao, anh ta đã cả chục lần thử nghiệm mình trên người những cô gái khác rồi, các cuộc thử nghiệm liên tục thất bại. Anh rất xấu hổ nhưng lại tỏ ra cao tay, anh dùng cái giả dối thổi phồng để che đậy sự bất lực, đành chịu thua của mình. Nhưng thà chết anh cũng không tiết lộ điều đó cho Khiêu. Có thời gian, lời lẽ của anh ta đối với Khiêu cũng cứng rắn hẳn lên, Khiêu chủ động về Bắc Kinh gọi điện cho anh ta nhưng anh ta vẫn không gặp, sau rồi viết cho Khiêu lá thư hết sức tình cảm. Anh ta vẫn bí mật tìm các "thần y", dù là một kẻ giang hồ lừa đảo cũng làm anh tin. Có lần, vào một đêm đã khuya, sau khi đến một thầy lang từ trong ngõ vắng đi ra, anh ta ôm mặt khóc, một đắng nam nhi mà khóc như đứa trẻ, khóc không giấu giếm, khóc như đứa trẻ bị ức hiếp.
Anh ta lẩn tranh Khiêu nhưng lại khao khát được gặp Khiêu. Và đến đầu năm đó, Khiêu không hẹn trước, bỗng xuất hiện trong một buổi vũ hội đầu năm của giới điện ảnh Bắc Kinh. Khiêu biết chắc anh ta có mặt trong buổi tối hôm ấy và sẽ gặp anh trong vũ hội. Anh ta không ngờ Khiêu xuất hiện. Khiêu không hẹn mà xuất hiện làm anh vui mừng nhưng cũng rất hồi hộp. Hai người trông thấy nhau không chào hỏi và cũng không mời nhau nhảy. Cả hai nhảy với người khác rất nghiêm túc và hết mình, liên tục thay đổi bạn nhảy cho đến cuối buổi ra về. Khiêu đi rất kiêu hãnh, không ngoảnh đầu lại, nhưng hết sức mong đợi, tự nhủ nhất định không quay đầu lại, nhất định không quay đầu lại. Nhưng anh hãy đi theo em, hãy đi theo em, em tin rằng anh sẽ đi theo. Anh ta đi theo Khiêu,có ý định đi theo Khiêu sau buổi vũ hội. Anh ta lặng lẽ đi theo, đi theo vào căn phòng Khiêu ở. Cánh cửa nhẹ khép phía sau lưng, anh ta cài chốt, ôm lấy Khiêu, Họ biết sắp xảy ra chuyện gì rồi, anh ôm ngang Khiêu đang run rẩy, không thể nào ngăn được sự thèm muốn, anh ta như đặt cược,như dốc túi một keo, quyết tâm làm tình với Khiêu.
Tối hôm ấy, anh ta phát hiện ra Khiêu chưa bao giờ được biết chuyện ấy, sự không hiểu biết của Khiêu làm anh ta yêu nhiều hơn và muốn cười thật to. Anh ta nghĩ rằng mình đã không xấu hổ trước mặt Khiêu, bởi điều phán đoán cơ bản nhất của Khiêu cũng không có. Anh ta thấy sự phục tùng không hiểu biết của Khiêu làm anh ta vui mừng. Anh ta không nghĩ rằng Khiêu lại như thế, Khiêu không thể xem thường anh ta. Chợt anh ta cảm thấy mình được thả lỏng và có một sức mạnh chưa từng thấy, sức mạnh từlâu vắng bóng nay đột ngột bùng lên cùng với niềm vui bất ngờ ấy. Đầu óc anh căng lên, thái dương ù ù, anh bất chấp tất cả để đi về phía trước, bất chấp vui mừng hoặc nói là không dám, anh ta sợ vui mừng sẽ dẫn đến sơ suất, sẽ hủy diệt sự phục hồi cái quý giá bị mất từ lâu, cái quý giá khiến anh ta được mở mày mở mặt trở lại. Cuối cùng anh đã thành công. Nước mắt anh lưng tròng, đó là lòng biết ơn và cảm kích đối với Khiêu, chưa bao giờ anh yêu Khiêu như lúc này. Anh càng yêu mình hơn, quý trọng mình hơn. Sợ sự hồi phục mất đi, anh bảo Khiêu tìm lý do ở lại Bắc Kinh, anh ta muốn ngày đêm cùng Khiêu, không thể nói anh ta thử nghiệm, nhưng cứ hết lần này đến lần khác anh ta tin chắc rằng đã thành công mà không phải thoáng chốc như hoa nở, anh mãi mãi là người đàn ông đội trời đạp đất.
Một buổi sáng Khiêu thức dậy, thấy Phương Kăng đang ngắm nhìn mình, thế rồi anh ta nói, anh muốn xin em một việc, em lấy anh, anh sẽ cưới em.
Một câu nói Khiêu mong muốn nhưng chưa kịp chuẩn bị. Câu nói làm Khiêu sung sướng vui mừng, tuy trong lòng đã có câu nói khác bắt đầu cảnh cáo: có thể không thích hợp. Càng ngày trong sâu thẳm trái tim càng gióng lên lời cảnh báo, nhưng Khiêu lại không nghe thấy lời cảnh báo đó, khi lời cảnh báo xung đột với hành vi của Khiêu, Khiêu càng tin ở hành vi của mình. Cho dù khi Phương Kăng hết mình nhất với Khiêu nhưng anh ta lại hí hửng kêu lên "anh sẽ làm tình với tất cả đàn bà, con gái ở thế gian này" thì Khiêu vẫn không hiểu nổi nhũng lời lẽ đó sẽ đưa lại cho Khiêu những điều không thể chịu đựng nổi. Thậm chí Khiêu còn cho là Phương Kăng thẳng thắn, chỉ là dục vọng trong lòng đàn ông, nhưng có ai dám nói ra lời như anh ta đâu.
Một lần, hai người ngồi xe buýtđến vườn động vật, lúc xuống xe, Khiêu tiện tay vứt cái vé xe, Phương Kăng vội nhặt lên và nói, lần sau em đừng vứt thế này nhé, đưa anh để anh về thanh toán, hừm, năm cái vé xebuýt anh cũng bắt chúng phải thanh toán, không phảianh thiếu tiền, nhưngchúng nợ anh quá nhiều... Khi nói điều này, mắt anh ta nhìn phía xa, ánh mắt lạnh lùng, ẩn chứa nỗi giận hờn. Ánh mắt đó và lời nói của anh ta làm Khiêu khó hiểu và ngạc nhiên, cảm thấy trong lòng anh ta có mối thù hận, mà "chúngnó" ở đây là ai? Khiêu không thể hoặc không muốn liên hệ điều Phương Kăng nói về "thanh toán" với điều anh ta có lần nói với Khiêu rằng "sẽ làm tình với tất cả đàn bà con gái trên thế gian này".
Khiêu chỉ là người yêu của một thời hỗn độn, Khiêu từ chối phân tích. Chỉ nhiều năm về sau, khi nghĩ lại Khiêu mới dám nhìn thẳng vào mối liên hệ nội tại giữa hai câu nói đó của Phương Kăng. Đó là bản năng mãnh liệt của một người đàn ông phải chịu nhiều đau khổ ở tuổi trung niên, sau khi được giải thoát khỏi khổ đau, điên cuồng đòi hỏi, đòi hỏi ở toàn xã hội, toàn thể loài người, tất cả đàn ông đàn bà và con gái, hơn nữa lại rất bức bách, bởi thời gian trôi đi như nước chảy, càng ngày anh ta càng hiểu rõ mình không phải là đối thủ của thời gian.
Khiêu thì không đòi hỏi như thế, bởi còn rất trẻ. Tuổi trẻ là vốn quý, bởi không thể nào tái tạo tuổi trẻ nên Phương Kăng yêu Khiêu và cũng rất ghen với Khiêu. Khiêu có tất cả, Khiêu tươi trẻ, Khiêu không phải là con người lẳng lơ, cho đến giá trị trọn vẹn của Khiêu cũng làm anh ta phát ghen. Ôi, tất cả đều chứng minh Khiêu còn đủ thời gian, đất trời rộng mở Khiêu tha hồ tung hoành, nhưng ở Phương Kăng âm thanh già nua đã phảng phất bên tai.
Đó là lý do để anh đòi hỏingười đời, anh ta dựa vào địa vị, tài năng và đã xác định được thân phận đàn ông để đùa cợt với xã hội, đùa cợt tâm lý của người đời. Ngay cả việc anh tỏ ra thất thường với Khiêu, có lúc cáu gắt, nói năng độc địa với Khiêu. Một lần, anh ta đột ngột nói, anh không muốn lấy em nữa đâu, anh với em chênh lệch nhau quá xa về tuổi tác, sớm muộn gì rồi em cũng bỏ anh, suốt ngày cứ lo có người cướp mất em, lo lắng sẽ làm anh già đi, em biết không? Khiêu thề, anh không già, em rất muốn cùng anh, cho dù anh già đến đâu em cũng chăm sóc anh, em muốn được chăm sóc anh. Lời Khiêu không hề lay động Phương Kăng, anh ta cuống cuồng nói, anh không cần em chăm sóc, anh không muốnem trông thấy anh phải đeo răng giả, thấy bệnh nấm móng chân của anh, em nói rằng em đã thấy và rất ghê tởm kia mà?
Anh ta nói sắp bỏ vợ để lấy Khiêu nhưng cuối cùng vẫn đuổi theo những người con gái khác, hoặc để những người con gái khác tìm đến anh. Anh ta không có cách nào biện hộ cho chính mình: anh ta càng yêu Khiêu bao nhiêu càng đi với gái nhiều hơn, anh ta muốn luôn luôn giày vò người khác, giày vò bản thân để chứng minh tuổi trẻ của anh ta chưa cạn, sức hấp dẫn của anh ta vẫn còn nguyên, vẫn xứng với Khiêu. Một con người có sức hấp dẫn nhiều đàn bà con gái như anh ta lẽ nào lại không xứng với Khiêu? Đó là logic yêu của Phương Kăng. Anh ta không thể tự vượt lên logic đó được, bởi anh ta tham lam yêu đương, anh ta không thể lấy lại tuổi xuân của mình.
Đúng là thời đại tôn sùng danh nhân, kính nể tài năng, cho dù Phương Kăng luôn luôn thất thường, phóng đãng ngang tàng, đòi hỏi không biết ngượng điều được Khiêu hợp lý hóa một cách ngu muội. Đúng là ngu muội, ngu muội chạy theo văn minh, tiến bộ, cởi mở, ngu muội vui vẻ tiếp nhận mọi đòi hỏi vòi vĩnh của các bậc danh tài chịu nhiều đau khổ. Khi Khiêu với sự ngu muội đó kể cho người bạn Đường Phi chí thân biết về quan hệ của mình với Phương Kăng thì Đường Phi cười khẩy: không bao giờ đằng ấy được yêu một người đã có vợ! Vừa bắt đầu câu chuyện thì Đường Phi đã cảnh cáo như vậy.
Không bao giờ được yêu người đã có vợ!
Nhưng anh ta đâuphải người đã có vợ bình thường. Khiêu biện hộ.
Có gì không bình thường, hay là anh ta có những ba chân? Ai cho anh ta quyền vừa bỏ vợ, vừa lấy đằng ấy, vừa chạy theo đám con gái, ai cho anh ta quyền ấy? Đường Phi nói giọng rất bực tức.
Tớ sẵn sàng tha thứ cho anh ấy tất cả, đằng ấy không biết trước đây anh ấy chịu khổ nhiều rồi sao.
Đường Phi "hừm" một tiếng rồi nói, đừng có đem cái khổ ra dọa người nhé. Về học vấn thì tớ không bằng đằng ấy, mẹ kiếp, ngay cả đại học tớ cũng không được học nhưng không bao giờ tớ xem trọng cái nhà anh Phương Kăng giương kính phóng đại nỗi khổcủa anh ta. Bọn họ, bọn họ, bọn họ phóng to vô cùng, phóng to đến mức cả xã hội này không còn ai chịu khổ nữa, đâu đâu cũng là cái khổ của bọn họ, trên dưới trái phải đâu đâu cũng nợ họ. Người khác không khổ sao? Chúng ta nữa, chúng ta không khổ sao? Khổ là gì? Đau khổ thực sự không thể nói ra được, trong phim ảnh, trong truyện... phàm đã nói ra đều không phải là cái khổ sâu sắc nữa đằng ấy biết không?
Khiêu tái mặt, nói, tớ không biết mà cũng không muốn biết.
Đương Phi nói, tớ bảo rồi, sao đằng ấy không biết, không biết thật hay vờ không biết?
Khiêu nói, tớ biết đằng ấy chịu nhiều đau khổ và chưa được yêu bao giờ, nhưng tớ đã được, yêu có thể chữa trị đau khổ, tớ đang cố gắng để yêu.
Đường Phi ngắt lời Khiêu, yêu là cái trò trống gì, ở đời này trò chơi tệ hại nhất là tình yêu. Tớ thấy đằng ấy đã bị yêu làm mê muội đầu óc rồi, tớ thành tâm cầu chúc cho đằng ấy với cái nhà anh Phương Kăng có một gia đình như tình nhân vậy. Nhưng tớ tin rằng anh ta không lấy đằng ấy đâu. Anh ta không lấy sẽ là việc may mắn cực lớn cho cuộc đời đằng ấy.
Khiêu nói, thôi, đằng ấy đừng nói gở nữa đi.
Trời đất ơi - Đương Phi nói - tớ nói gở thật đấy, nhưng đằng ấy nghĩ xem, anh chàng Phương Kăng có việc gì không gở nào? Những điều anh ta nói, những việc anh ta làm với đằng ấy có gì là không gở? Đằng ấy chưa gặp người con trai nào khác thì biết quái gì?
Quá khứ hiện về trước mắt Khiêu, những lời nói thô bạo của Đường Phi khiến Khiêu nghĩ lại năm xưa, khi gã đội trưởng giày trắng lôi Phi từ nhà Do Do ra, tát Phi, Khiêu thét lên "tại sao anh lại đánh người", thì thằng kia cũng nói "mày thì biết đếch gì".
Lời nói thô lỗ, không nhã nhặn, bất lịch sự. Mãi nhiều năm sau Khiêu mới hiểu những lời nói thô bạo của Phi xuất phát từ tấm lòng thành thật của Phi.
26
Nói chung, những lời nó thật đều khó nghe, ít ra cũng không êm tai, nhưng những lời nói thật của Đường Phi lắng sâu trong lòng Khiêu. Khiêu càng lớn tiếng không cho Phi khuyên nhủ thì những lời khuyên ấy cứ theo những kẽ hở lọt vào tâm trí Khiêu. Khiêu hy vọng Phương Kăng sẽ bỏ vợ để cưới mình, nhưng cũng không thể không thừa nhận, hy vọng về cụôc hôn nhân này ngày càng mờ mịt.
Phương Kăng kể cho Khiêu nghe về cuộc " diễm ngộ" của anh ta với một nữ hoạ sĩ ở Quảng Châu, thật ra anh ta muốn báo công với Khiêu, anh ta muốn báo công để Khiêu khen.
Anh ta nói, anh với nữ họa sĩ kia ở cùng một khách sạn, quen nhau trong bữa cơm tối. Cô ta làm quen với anh trứơc, lập tức tự giới thiệu, đồng thời cô ta rất nhanh chóng phát hiện ra con số đeo trên chìa khoá phòng của anh đang để ở mặt bàn, cô ta thấy số phòng rồi nói, vậy chúng ta ở sát vách nhau. Cô ta là một người phụ nữ mạnh khỏe, lưng dài vai rộng, bước chân thật dài, không chú trọng mặc lắm, nói năng thì dạn dĩ. Ăn xong, cô ta đến phòng anh ngồi, hỏi anh gần đây có tác phẩm gì, cho anh một catalo tranh cô ta in ở Hồng Kông, cô ta vừa tổ chức triển lãm ở đấy. Rồi cô ta hỏi anh có cô đơn không. Không chờ anh trả lời, cô ta nói cô ta rất cô đơn, vừa ly hôn xong, anh chồng không chịu cho cô ta vẽ nam giới khoả thân, nếu còn vẽ nam giới khoả thân thì chỉ được vẽ những người trên bảy mươi và dưới bốn mươi tuổi, bởi thế anh chồng thường đến rình mò ở xưởng vẽ của cô ta. Anh ta rình mò không làm tổn thương ai mà tổn thương chính anh ta, bởi nữ hoạ sĩ kia không theo quy định của chồng, trong xưởng vẽ là một người mẫu thanh niên đang đứng rất tự nhiên, không chút ngượng ngùng. Nữ hoạ sĩ về nhà, anh chồng túm tóc đánh cho một trận, anh ta không thể chịu được có những người con trai đứng phơi bộ phận sinh dục trước mặt vợ mình. Nữ hoạ sĩ kể đến đây bỗng phá lên cười. Cô ta hút thuốc, khói thuốc làm giọng cô ta khản đặc. Cô ta nói, bây giờ em đã chia tay với chồng, sống cô đơn, nhưng là cô đơn tự do. Còn anh, báo chí viết rằng anh có một gia đình yên ấm, kỳ thực anh cũng cô đơn, nhưng không cô đơn như em, vởi anh không cô đơn tự do. Anh hỏi cô ta, tại sao cô biết tôi cô đơn? Cô ta nói, đó là câu hỏi trẻ con, những người có thiên chức cao xa, về bản chất mà nói, đều cô đơn. Cô ta nhìn anh đầy ẩn ý sâu xa, không hiểu đó là ánh mắt của nữ hoạ sĩ nhìn người mẫu hay là ánh mắt đàn bà nhìn đàn ông, có thể cả hai. Nói gì đi nữa thì đó là ánh mắt tự tin, tự tin sức hấp dẫn và cũng tự tin, tự tin rằng anh không thể nào cưỡng lại sức hấp dẫn của cô ta. Trước mặt cô ta anh không căng thẳng, loại phụ nữ đó không làm anh căng thẳng được. Nói thật, anh không muốn quan hệ với cô ta, không phải anh xem thường cô ta, mà là... Khiêu ạ, lúc đó anh nghĩ đến em, tuy những lúc bình thường anh không làm được, nhưng lúc đấy anh đã làm được, anh thề với em đấy, vì em mà anh đã làm được. Cô ta thấy anh không có phản ứng gì liền đứng lên, cầm cái tẩu thuốc đang trên tay anh và để xuống bàn, rồi kéo tay anh bảo anh "ấy" đi. Anh không muốn "ấy", anh cầm tẩu thuốc lên và nhả khói, dường như dùng làn khói để ngăn cản cuộc tấn công của cô ta. Quả nhiên, cô ta không tấn công nữa, thở dài và nói, em nghĩ, có một người rất yêu anh. Anh nói, đúng, anh có một người rất yêu anh. Cô ta nói, có thể cho cô ta biết người đó là người thế nào không. Anh trả lời, hết sức xin lỗi, không thể nói được. Cô ta nói, tại sao anh phức tạp hoá một vấn đề hết sức đơn giản như thế? Em không thay thế bất cứ ai đâu. Anh phải xin lỗivì không thể nói ra đựơc. Khiêu ơi, em biết không, khi cô ta đến gần để lấy cái tẩu thuốc trong tay anh, anh ngửi thấy mùi trên đầu cô ta mà không thể nào chịu đựng nổi cái mùi đó. Em biết đấy, mùi thơm hết sức quan trọng với nam giới và nữ giới thế nào đấy, nếu mùi thơm không kích thích sự thèm khát của anh thì sẽ khong kích thích được ai. Anh không quen với cái mùi ấy. anh không thể nói chính xác đó là mùi gì, tóm lại, đó là mùi dị ứng với bản năng đàn ông của anh. Cô ta đến gần, mùi thơm đó đến gần, anh càng phải bình tĩnh, càng mệt mỏi, cho đến khi cô ta ra khỏi phòng anh. Em thấy thế nào hả Khiêu, em khen anh đi, em hãy khen anh một lời đi nào.
Phương Kăng nghĩ rằng câu chuyện ấy sẽ làm xúc động Khiêu, tự hào vì anh ta đã một lần nữa thể hiện tấm lòng trung trinh, một lần hiếm hoi từ chối đàn bà mà ngay bản thân anh ta cũng khó tin, không ngờ Khiêu lấy ngay chi tiết về "mùi thơm" trong câu chuyện của anh ta để nói.
Anh bảo vì em mà anh giữ được mình, nhưng sau đó anh lại nói cô ta đến gần, anh ngửi thấy mùi thơm trên người cô ta, cái mùi làm anh không thể chịu đựng nổi, mùi thơm không thể kích thích anh. Vậy, cô ta đến gần anh với mùi thơm không dị ứng với anh thì chắc hẳn sẽ kích thích anh, hỏi rằng lúc ấy anh có còn vì em mà giữ được anh nữa không?
Em làm anh giật mình đấy Khiêu ạ, với tấm lòng dâng hiến cho em, anh đã kể lại chuyện ở Quảng Châu, chỉ mong em cổ vũ, an ủi anh, khen anh, nhưng em lại nói như thế!
Vậy anh muốn em nói gì nào? Anh bảo em biến chuẩn mực đạo đức tối thiểu của một người đàn ông thành điều đặc biệt, thành một công tích rực rỡ để người phụ nữ phải đội ơn hay sao? Chẳng phải anh đã thừa nhận mùi thơm của nữ hoạ sĩ kia không thích hợp với khẩu vị của anh thì anh mới giữ được mình đó thôi sao?
Anh đã sai, sai ở chỗ đã thẳng thắn thật thà với em, anh muốn nói với em tất cả nhưng lại bị em tính toán thiệt hơn với anh như thế.
Phải đâu em tính toán thiệt hơn mà sự thực là thế. Xưa nay vị trí của em không phải là số một, yêu cầu của anh, yêu cầu của anh đối với các mùi thơm phải chăng mới là số một? Anh nghĩ rằng em sẽ cảm ơn anh ư? Nếu em cảm ơn thì em sẽ cảm ơn cái mùi thơm không thích hợp của nữ hoạ sĩ kia, mùi thơm không thích hợp ấy đã đưa anh về với em, lẽ nào điều đó không phải là sự thật?
Em có im mồm đi không, đừng nói đến cái mùi thơm kia nữa.
Thành thật xin lỗi "cái mùi kia", nhưng đâu phải là em nói ra trước.
Thôi thôi thôi, anh nói ra trước đấy, đựơc chưa nào, nhưng tại sao em không thấy anh rất coi trọng em, rất yêu em, sao em lại có thể nghiệt ngã với anh như thế?
Có thể em đã trở nên nghiệt ngã.
Lúc này Khiêu nhớ lại lời cảnh báo của Đường Phi, những lời nói đã làm Khiêu phải rối lòng và bực bội. Khiêu không còn là Khiêu độ lượng tha thứ tất cả cho Phương Kăng, mong muốn lấy tình yêu của mình để cứu vớt anh ta, vai trò trái tim Khiêu đã thay đổi. Với vị thế của người sắp lấy Phương Kăng, cho nên Khiêu phải nghiệt ngã xét đoán và đòi hỏi một phương diện nào đó của anh ta tỉnh ngộ. Khiêu ngày càng đòi hỏi phải được xác lập vị trí số một trong tim Phương Kăng. Khiêu không thể tíêp nhận cái "thẳng thắn" như một người không liên quan trước đây. Cái "thẳng thắn" ấy nói đúng ra là sự xem thường mọi người chứ không phải là sự tôn trọng, tin tưởng đối phương. Khiêu nói với Phương Kăng, có thể em đã trở nên nghiệt ngã, nhưng em tin rằng khó có ai lại không nghiệt ngã để tiếp nhận sự "thẳng thắn" đó của anh, anh thử tìm xem, anh tìm xem.
Anh ta nói, sao em nói thể, em bảo anh đi đâu để tìm ra một người lắm lời như em?
Khiêu rất không bằng lòng với từ "lắm lời", không bằng lòng với Phương Kăng chụp cho mình cái mũ "lắm lời". Khi Khiêu nặng lời thì Phương Kăng cũng nhận thấy anh ta đang nặng lời lại vớimình, trong lòng chợt hoảng sợ, bởi hoảng sợ nên Khiêu cứng rắn với anh ta. Khiêu chẳng thú gì với sự cứng rắn đó của mình, nhưng cây muốn lặng mà gió chẳng đừng. Khiêu thất vọng nói, anh hãy dùng cái "lắm lời" cho người khác, em không phải là người đàn bà trong gia đình anh.
Anh ta im lặng. Khiêu phải nhắc đi nhắc lại, anh sao thế, sao lại im lặng, anh đang nghĩ gì đấy?
Bỗng anh ta nhìn Khiêu bằng con mắt lạnh nhạt như nhìn một người xa lạ và nói, anh đang nghĩ đến con gái anh. Anh nghĩ, từ ngày quen em, anh ít chăm sóc đến nó, chỉ mỗi lần ra nứơc ngoài mua cho nó vài cái quần cái áo, vài thứ đồ chơi coi như xong trách nhiệm của người bố. Anh nghĩ, có lẽ phải về với con anh, anh không phải là người cha tốt.
Nghe như Phương Kăng đang tự trách mình, nhưng từng chữ, từng câu lại dội mạnh vào tim óc Khiêu, khiến Khiêu hiểu rõ anh ta đang nói đến chuyện nhớ con để giảm vai trò của Khiêu, hối hận đã quan hệ với Khiêu. Khiêu rất muốn cứu vãn nhưng lại không có kinh nghiệm, không biết sự việc sẽ tiếp diễn như thế nào. Kỳ thực, sự việc không thể nào tiếp tục tiếp diễn, Phương Kăng đã mượn những lời "nghiệt ngã", "cứng rắn", "lắm lời" để bật đèn. Anh ta mệt mỏi, Khiêu cũng mệt mỏi lắm rồi. Anh ta mệt mỏi muốn quay đầu để đi đến cái cô đơn không tự do, Khiêu mệt mỏi nhưng vẫnđiên rồ....
Anh ta quýêt tâm xa Khiêu. Anh thấy Khiêu đã lớn, không còn như cục bột dẻo để tuỳ ý nhào nặn, đồng thời Khiêu không còn thưởng thức nổi cái "thẳng thắn" của anh ta mà cùng tranh luận với anh ta. Khiêu không còn là chú mèo con, chú chó con của anh ta nữa. Chó con, mèo con đều có răng, dù chúng giận dữ cắn người thì cũng chỉ ngứa da mà thôi. Ngứa da có thể làm cho người ta thêm yêu chúng. Khiêu không còn như chú chó con, mèo con nữa, Khiêu là động vật lớn rồi, đủ nanh đủ vuốt, một động vật lớn như thế không thể tuỳ ý đùa giỡn, nhiều lúc nó còn tranh giành hơn thua với người.
Anh ta sợ.
Anh ta lẩn tránh Khiêu, không nghe điện thoại và cũng không trả lời thư Khiêu. Bởi thế Khiêu ngày một gầy đi, không dám nhìn lại ảnh mình thời bấy giờ, hồi ấy Khiêu ngoài đôi mắt dường như không còn gì khác. Khiêu mất ngủ, biếng ăn, đầu tóc khô vàng. Khiêu đi làm vật vờ, đối phó với công việc của nhà xuất bản, ý tưởng về bộ sách thời niên thiếu của các danh nhân không còn thấy bóng dáng đâu. Không gặp được Phương Kăng thì làm sao thực hiện được ý tưởng đó. Trong những ngày quen biết Phương Kăng, Khiêu coi tình yêu như chuyên nghiệp, coi công việc như nghiệp dư, bây giờ anh ta nói không thèm để ý đến Khiêu thì không để ý thật. Khiêu đành phải vừa chờ thư của anh ta, vừa động não suy nghĩ một cách máy móc về những đề tài đang làm, Khiêu muốn làm một bộ sách có tên gọi " Trồng dưa hái dưa". Thoạt nghĩ ra chủ đề sách, Khiêu phấn khởi lắm, nhưng lại từ tên sách "Trồng dưa hái dưa" liên tưởng đến quan hệ với Phương Kăng, rõ ràng đó là mối quan hệ trồng dưa nhưng không được hái dưa và cảm thấy tên sách thật vô vị. Khiêu lại xoá bỏ, trong đầu chưa thể nghĩ ra điều gi hay hơn. Khiêu thường ngồi lặng đi trong văn phòng hàng nửa ngày.
Khiêu không chủ động tìm Đường Phi, bởi cảm thấy không còn mặt mũi nào. Sau rồi Đường Phi chủ động gặp Khiêu ở nhà xúât bản. Không có gì có thể qua đựơc mắt Phi. Khiêu yếu đuối nhu nhược khiến Phi thấy những lời mình nói đều ứng nghiệm, chỉcó điều không ngờ lại xảy ra nhanh chóng đến thế.
Phi ngồi trước mặt Khiêu, Khiêu kéo ngăn bàn lục lọi trong đó, cuối cùng lấy ra gói khô cá đưa cho Phi. Khiêu cười với Phi nhưng rồi nước mắt lưng tròng. Khi Khiêu cúi đầu xuống ngăn kéo thì nước mắt trào ra, Khiêu cúi đầu nhìn thật lâu và lật giở các thứ trong ngăn kéo là để giấu dòng nước mắt. Nhưng nước mắt vẫn rơi vào ngăn kéo, Đường Phi thấy rất rõ. Nhiều năm trước, hai người sau khi xem xong bộ phim "Thà chết không chịu khuất phục" đi vào một ngõ nhỏ và Phi nói với Khiêu "tớ không có mẹ" thì Phi cũng cười ra nước mắt như thế, đó là sự va chạm giữa hai tình huống muốn kiềm chế trứơc mặt người thân nhưng lại phải nói ra, một tình huống khó xử. Đường Phi phải rời xa tình huống đó, đứng dậy đến bên cửa sổ nhìn ra ngoài hồi lâu, rồi ghé lên thành cửa sổ. Phi quay lưng ra cửa, nhìn về phía Khiêu, hai chân bắt chéo, châm thuốc hút.
Thoáng trông thấy, Khiêu sợ hãi tưởng như sắp hét lên. Nước mắt cũng thôi không chảy nữa. Đây là tầng lầu thứ mười năm, tuy bệ cửa sổ lớn thật đấy, cửa sổ cũng đóng, nhưng Phi ngồi như thế dễ gây cảm giác không vững, thậm chí chênh vênh sắp ngã. Khiêu không nói ra đựơc cái gì lệch nghiêng, cảnh vật bên ngoài vẫn vậy, khung cửa sổ vẫn ngay ngắn, vậy thì Đường Phi bị nghiêng lệch hay sao? Khiêu không thể nói được là gì, nhưng lại tỏ ra sợ hãi bức xúc vừa thực vừa hư như cơn ác mộng, một giấc mộng cứ trở đi trở lại, rất muốn đi vệ sinh nhưng không thấy nhà vệ sinh đâu, vừa ngồi lên bồn cầu thì bồn lung lay và vỡ đôi, người đầy phân thật khiếp. Khiêu thấy sợ, vẫy tay gọi Đường Phi xuống. Đường Phi không xuống, mà vẫn ngồi trên bệ cửa sổ nói chuyện.
Đằng ấy tính sao?
Tớ yêu anh ấy, không có anh ấy tớ không biết sẽ sống thế nào.
Đến giờ này đằng ấy vẫn nghĩ thế à?
Vẫn nghĩ thế. Đằng ấy mắng tớ đi, chửi tớ đi.
Đằng ấy sẽ chết.
Chết còn hơn phải sống thế này.
Đừng có điên.
Tớ điên rồi, đằng ấy để tớ điên, tớ còn cách nào khác nữa đâu!
Đường Phi quay người lại, đẩy cánh cửa sổ cho gió lùa vào, bay tung tờ giấy trên mặt bàn. Phi quay đi là để giấu dòng nước mắt vừa trào ra. Phi không muốn đối mặt khóc với Khiêu, nét tiều tuỵ của Khiêu làm xúc động lòng Phi. Khiêu nhắc Phi cẩn thận kẻo ngã. Phi nói, tớ không hiểu tại sao đằng ấy cứ sợ tớ ngồi trên cửa sổ, chẳng nhẽ lớn thế này còn ngã hay sao?
Khiêu nói, đằng ấy không ngã đựơc, không ngã được, nhưng tớ vẫn sợ.
Đường Phi thở dài nói, Khiêu ơi, đằng ấy bảo tớ nên làm gì, bảo với tớ đi nào.
Khiêu lắc đầu.
Đường Phi nói, tớ biết đằng ấy muốn tớ làm gì rồi, muốn tớ lên Bắc Kinh tìm Phương Kăng.
Không đâu.
Đúng thế, đưa số điện thoại và địa chỉ của anh ta đây, tớ sẽ thay mặt đằng ấy để đi gặp anh ta.
Không không, tớ van đấy. Khiêu nói.
Có điều gì bất tiện đâu cơ chứ? Phi nói.
Không phải là bất tiện, nhưng thái độ của đằng ấy không nhất thiết phải cương quá. Khiêu dặn.
Đó là tính cách của đằng ấy, đã đến nứơc này rồi còn sợ gì anh ta nữa. Phi nói.
Khiêu bắt đầu hỏi Phi sẽ gặp anh ta thế nào. Đường Phi chọc vui, cổ vũ Khiêu đang buồn.
27
Đường Phi quyết định đi Bắc Kinh giúp Khiêu, can thiệp chuyện bất bằng giúp Khiêu, nhưng trên đường đi Bắc Kinh, Phi lại nhớ đến cậu Đường. Hai chuyện không liên quan gì đến nhau, bác sĩ Đường và Phương Kăng không quen biết nhau, họ cũng sẽ không bao giờ quen nhau.
Mùa xuân năm 1976, Đường Phi vào làm việc ở nhà máy được hai năm thì bác sĩ Đường quen một cô y tá khoa ngoại. Anh ngã xe đạp phải đến khoa ngoại để băng vết thương, cô y tá rửa vết thương, bôi thuốc, băng rất cẩn thận, chu đáo. Họ là đồng nghiệp, tuy là người khoa nội, kẻ khoa ngoại, hang ngày vẫn gặp mặt chào hỏi nhau. Trong bệnh viện, cô y tá này có lắm chuyện đồn đại, chồng cô đang dạy học ở một huyện xa, chưa được điều về Phúc An, ở bệnh viện cô ta vẫn đi lại với một vài người đàn ông. Với đàn ông cô ta chẳng từ một ai, mà cũng chẳng thèm để ý đến những lời bàn tán xôn xao. Vào thời đại "vấn đề sinh hoạt" được coi là nghiêm trọng sau chính trị, cô ta vì cuộc sống và cũng vì vui thú nên chẳng để ý gì đến "vấn đề sinh hoạt". Cô ta là đối tượng đàm tiếu của mọi người trong khoa, khi có ai đó nói bóng nói gió thì cô vẫn trơ ra, dùng lời lẽ thẳng thắn trần trụi để phản bác lại, làm mọi người không còn nói vào đâu được nữa. Cô nói, người ta tốt với tôi, tôi biết làm thế nào? Tôi bảo người ta đừng tốt với tôi nữa hay sao? Tôi không thể nói thế, cứ để người ta đến với tôi, vậy thôi. Cứ như thể cô ta coi những chuyện khó hiểu, bí hiểm, nhơ bẩn rất bình thường như mua mớ rau, thổi nấu, ăn uống vậy. Trên người cô ta in đủ dấu vết người đời, thợ điện trong bệnh viện, bác đầu bếp của nhà ăn... cô sẵn sàng đi lại với họ. Cô không xem thường bác đầu bếp, bởi mỗi lần lấy cơm cô đều được nhiều thức ăn hơn mọi người. Con người sinh ra ai chẳng vì miếng cơm chứ? Phần thức ăn của cô đủ cho cô và hai đứa con cùng ăn. Cô ngủ với đàn ông rất thoải mái, cái sự không dè dặt cũng làm cho khí sắc của cô ta tươi tỉnh, khoẻ mạnh hơn. Cô ta hay cười, cười khúc khích trên người bọn họ. Trên người bọn họ không bao giờ cô ta thua cuộc. Chưa bao giờ cô ta bị lỗ vốn vì bọn họ. Không phải như anh chàng AQ, cô vì sự đời, vì lợi lộc, đơn giản và bất cần tình cảm chân thành, về mặt tinh thần cũng không bao giờ chịu thua bọn họ. Cô giống như con ma hút máu, bác sĩ Đường ngã xe đạp bị thương ở tay là dịp tốt để cô hút máu anh.
Bác sĩ Đường ngồi, cô ta đứng thay băng, thay băng thì lần sau lâu hơn lần trước. Bởi thay băng anh mới có lý do ngồi trước cô y tá này, mà cô cũng mới có lý do để đứng trước anh. Đầu gối cô như vô tình như hữu ý chạm vào đầu gối của anh, anh không có phản ứng gì mà cũng không né tránh. Cô càng áp sát, đầu gối tựa sát vào đầu gối anh, thế rồi cả hai đầu gối của cô kẹp chặt lấy đầu gối của anh.
Trong phòng còn có những người khác, bác sĩ chủ nhiệm khoa đang khám cho một bệnh nhân bị chai chân hành hạ, cô y tá đùa giỡn một cách sỗ sàng làm bác sĩ Đường ngại, cho dù đầu gối cô ta được áo choàng trắng che khuất phần nào. Nhưng sự đùa giỡn như thế cũng gây kích thích đối với bác sĩ Đường. Đầu gối của anh bị hai đầu gối của cô y tá kẹp chặt, vết thương ở tay không lấy gì làm nặng đang được cô băng bó một cách thản nhiên như không. Anh liếc nhìn trong phòng khám, không ai chú ý đến họ. Đúng là thời điểm hết sức vô vị, mà con người cũng cần có lúc vô vị như thế. Khi cô buông anh ra, anh nghĩ nếu đi lại với cô ta liệu có trở ngại gì không? Hai người chẳng phải đi đâu xa, cùng ở trong khu tập thể bệnh viện, cách nhau chỉ vài ba dãy nhà.
Một việc tưởng chừng hai người cùng muốn, hai bên đều không có trách nhiệm, cùng khát khao tình dục và mong muốn phạm tội tìm kiếm khoái lạc. Bác sĩ Đường và cô y tá làm cái việc ấy vào ban ngày, ban ngày con cái đi học, ban ngày khu tập thể cũng yên tĩnh. Trong giờ làm việc đột nhiên họ biến mất, không có mặt ở khoa nửa giờ, bốn mươi phút thôi. Bệnh viện thì người ra vào suốt ngày, ai còn để ý đến ai làm gì. Có thể là đi vệ sinh, có thể đi gặp người quen đâu đó, có bác sĩ hay y tá nào lại không có người quen. Thường thì bác sĩ Đường đến nhà cô y tá, họ vào nhà, buông rèm, không cần nhiều lời, cứ thế tiến thẳng đến chủ đề. Cô y tá có rất nhiều kiểu, làm cho bác sĩ Đường biết đủ mùi khoái cảm ở đời, khoái cảm ở đời cũng là khoái cảm. Anh nhớ lần đầu tiên, cô y tá nói khẽ với anh, em để cửa cho anh đấy nhé. Bác sĩ Đường rất xa lạ với câu nói ấy nhưng cảm thấy câu nói rất thân tình, tưởng như đó là cách biểu đạt của những cô gái nông thôn. Tiếng "cửa" trong câu "em để cửa" với bác sĩ Đường còn phảng phất hình ảnh cụ thể, đó là cái nửa tối nửa sáng của các gia đình nông thôn miền bắc, cái cửa mà anh thấy ở nông thôn khi anh về thực tập tốt nghiệp đại học, cửa hai cánh bằng gỗ sồi, gỗ dương, trên cánh cửa là một vòng khuyên thép đã gỉ. Bất giác anh nghĩ đến câu chửi tục tằn của những bà nhà quê: cái đồ đàn ông phải gió, mày không biết xấu... Anh nghĩ "cái đồ đàn ông" có cái gì đó rất đàn ông, khi nghe nói đến hai tiếng "đàn ông" anh có cảm giác khoan khoái, lý thú. Đàn ông, như mùa màng tốt tươi, yên ổn vững chắc. Anh là đàn ông ư, anh có giống đàn ông không?
Anh và cô y tá tự cho là kín đáo, tự cho là diệu kế, nhưng cả hai không qua mắt được nhân viên bảo vệ. Phòng bảo vệ phát hiện ra hành tung của hai người nhưng hai người lại không hay biết gì. Khi hai người lén trốn về nhà trong giờ làm việc để hành sự thì hai nhân viên bảo vệ vạch kế hoạch bắt quả tang. Cô y tá không phải chỉ một lần bị phòng bảo vệ bắt. Quá nửa số lần bảo vệ "bắt kẻ gian" là cô y tá. "Bắt kẻ gian" quả là một việc vui, kế hoạch, bố trí, chuẩn bị và vây bắt đều rất vui, "bắt kẻ gian" là sự trừng phạt một cách không thương tiếc nhất, triệt để nhất những đôi trai gái vụng trộm. "Bắt kẻ gian" là con đường chính đáng nhất để bắt những người tham dự vào cuộc giải thoát nhu cầu sinh lý. "Bắt kẻ gian" là sinh hoạt văn hoá có khả năng cổ vũ lòng người trong thời đại khô cằn lúc bấy giờ. "Bắt kẻ gian" phải bắt người mới việc mới thì mới hấp dẫn. Nhân viên bảo vệ đã mất hứng thú với cô y tá, từ lâu cô không phải là người mới việc mới trong các vụ "bắt kẻ gian", cũng không thể nói bình cũ rượu mới được, quanh đi quẩn lại với anh thợ điện, bác đầu bếp quen thuộc. Cô ta phải là người trơ tráo lắm mới làm người khác mất hứng thú, những người thích để ý không ai để ý đến nữa.
Bác sĩ Đường không thế, anh được phòng bảo vệ coi là người có hành vi cần bắt quả tang. Thành phần xuất thân và danh hiệu bác sĩ của anh, cả cái vẻ ít nói, không thích làm quen với mọi người đều nghịch mắt. Muốn bêu xấu phải bêu xấu những loại người này, để những người này phải xấu mặt mới hởi lòng hởi dạ. Xem những người này xấu mặt còn hơn gấp nhiều lần xem những người quen thuộc khác, phải thế không nào?
Một buổi chiều, hai nhân viên bảo vệ đến khu tập thể gia đình, mở cửa phòng cô y tá bằng chìa khoá đã được chuẩn bị, một anh vào nhà chui xuống gầm giường, một anh ở ngoài khoá cửa lại, nấp vào một nơi ở gần đấy.
Bọn họ chờ bằng được cô y tá và bác sĩ Đường về. Khi một nam một nữ đang ngây ngất trên giường thì tay bảo vệ dưới gầm giường lôi hết quần áo, giày tất của bác sĩ Đường giấu đi. Lúc này, bên ngoài có tiếng đập cửa. Không còn là tiếng đập cửa mà là phá cửa, tay bảo vệ không chờ chủ nhà mở cửa, cứ thế đạp tung cửa ào vào, phần lớn những kẻ phá cửa như thế đều cho mình quyền phá cửa vào nhà.
Bọn chúng phá cửa vào nhà.
Bác sĩ Đường trần như nhộng nhảy xuống tìm áo quần, ít ra cũng phải che thân đã. Nhưng anh không tìm đâu ra quần áo, tay bảo vệ nằm dưới gầm giường không để lại cho anh một mảnh vải nào. Anh hoảng quá, dù sao thì không thể để người khác tóm được. Khi nhân viên bảo vệ ập vào thì anh nhảy qua cửa sổ ra ngoài. Có thể anh muốn chạy về nhà lấy quần áo, có thể anh cũng muốn nấp ở đầu giường, nhưng lại là một cảnh tượng không tương xứng, một đám đàn ông mặc đủ áo quần vây chặt lấy một người không mảnh vải che thân. Anh muốn trốn nhưng lại quên mất trong sân khu tập thể đang đông người, toàn là những người nghe tin chạy đến xem giữa ban ngày ban mặt một người đàn ông trần truồng từ trong nhà cô y tá nhảy ra.
Anh như một con thú bị đám đông vây bủa. Đường về nhà đã bị chặn, anh không thể đứng bày ra cho mọi người xem, anh chạy, nhưng chạy đi đâu? Đầu tiên anh chạy vòng quanh khu tập thể rồi băng ra ngoài, anh chạy qua khu nội trú, chạy vào phòng giặt, nhà ăn, chạy vào lò hơi đang ầm ầm vận hành, chạy đến đống than đen. Đám người theo sau anh mỗi lúc một đông, một vài bệnh nhân chống nạng, đầu quấn băng trắng cùng với đám người đổ về phía đống than, nhân viên bảo vệ chạy trước.
Anh đứng trên đống than, nhìn đám người mỗi lúc một đến gần, anh không còn chạy đâu được nữa. Lúc này anh nhìn thấy ống khói cao ngất, có thể đống than dưới chân làm anh nghĩ đến ống khói. Anh chạy xuống chân đống than, chạy về phía ống khói mà không kịp nghĩ ngợi gì. Đến trước ống khói, anh nhìn đôi chân bám đầy bụi than và rướm máu, anh bắt đầu leo lên ống khói. Khi leo lên được một nửa thì anh mới trấn tĩnh lại, bởi anh đã cách xa đám người kia. Từ trên ống khói anh nhìn đám người đông nghịt dưới mặt đất ấm áp, bọn họ trở nên nhỏ bé, mỗi lúc một nhỏ bé hơn. Sẽ không một ai leo lên ống khói để bắt anh, trong bọn họ không ai chuẩn bị tâm lý để leo lên, đó là sự chuẩn bị cáo biệt cuộc đời, chuẩn bị chết.
Anh tiếp tục leo lên, khi đứng trên đỉnh cao nhất của ống khói thì anh cảm thấy nhẹ nhàng. Bóng chiều đã ngả, ánh sáng dịu dàng. Tầm mắt anh chưa bao giờ rộng mở như lúc này, nhịp thở của anh chưa bao giờ khoáng đạt như lúc này. Anh nhìn một luợt thành phố và bệnh viện nơi anh sống và làm việc, ánh mắt anh dừng lại nơi khung cửa sổ phòng sản. Cánh cửa sổ đã có lần anh đóng chăn để che lại. Bên trong ô cửa sổ đó anh phải giúp cô cháu gái làm cái việc phá thai không sao quên nổi. Anh dựa sát vào ống khói để nhớ lại cuộc đời ngắn ngủi của mình. Trong đời anh điều lỗi lầm lớn nhất là đối với Đường Phi, anh có lỗi với cô gái đáng thương này. Có thể anh nên nói với Đường Phi điều mà Phi muốn biết: ai là bố đẻ của Đường Phi.
Ai là bố đẻ của Đường Phi? Đường Tân Tân, chị gái của bác sĩ Đường cũng không nói rõ với anh, thậm chí cả tên họ người đó. Anh chỉ biết rằng đó là một thanh niên có tài, làm việc ở một cơ sở nghiên cứu tuyệt mật của quân đội. Ông nội Đường Tân Tân là Bộ trưởng Bộ Giáo dục thời Nhật thống trị, nên việc anh yêu một người con gái như thế đã là một sai lầm. Hơn nữa, người thanh niên còn có gia đình, anh rất muốn ly hôn để lấy Đường Tân Tân, nhưng khi anh biết xuất thân của Đường Tân Tân thì anh hiểu mình không thể ly hôn và cũng không thể lấy Đường Tân Tân được. Lúc đó Đường Tân Tân biết mình đang có mang, chị cũng không muốn mình cản trở con đường rộng mở của anh, đành chia tay với anh, một mình sinh Đường Phi. Bản tính dè dặt, cô đơn, kênh kiệu không cho chị thổ lộ điều khổ đau của mình với ai, kể cả em trai, chị cũng thề rằng không bao giờ tìm đến người thanh niên kia, và chị đã làm đúng như thế. Mong muốn duy nhất của chị là, người cha của Đường Phi có thể chủ động tìm mẹ con chị, cho dù lén lút, ít ra cũng chứng minh đựơc rằng anh vẫn nhớ. Cả cuộc đời chị chỉ mong rằng anh ta vẫn nhớ và hỏi thăm, mong anh chủ động lấy một lần. Không ai hỏi thăm chị và Đường Phi của chị. Chị không nghĩ rằng mình chết, nhưng chị đã chết. Cái chết đến chị không kịp dặn dò trăng trối ngoại trừ nhờ bác sĩ Đường nuôi cháu thành người, với thế giới này chị không còn gì để nói. Bây giờ thì bác sĩ Đường cũng đang đứng bên bờ vực của cái chết, anh cũng không kịp nhắn gửi lại cho cô cháu gái điều gì. Có thể đó cũng là điều đáng tiếc nhất trong cuộc đời anh và cũng có thể là trọn vẹn. Mọi điều trọn vẹn ở đời đều tương đối, Đường Phi có cần biết cha đẻ của mình là ai không? Khi mà Đường Phi cần cha nhất thì người cha ấy không xuất hiện. Ôi, trọn vẹn! Có lúc không biết cũng là trọn vẹn, đúng vậy.
Khó mà biết được bác sĩ Đường đứng trên ống khói cao kia nghĩ gì, có thể anh nghĩ đến bé Thuyên hai tuổi, giọt máu của anh,bây giờ thì anh đi theo nó. Có thể anh nghĩ đến điều mà anh thích hình dung nhất: đàn ông!
Có thể khi anh chạy xuống đống than để trèo lên ống khói là lúc anh muốn làm người đàn ông nhất. Cho dù cuộc đời anh có buồn chán bao nhiêu đi nữa thì anh vẫn quý trọng cái cơ thể khoả thân của mình chăng, anh không muốn để cơ thể mình bày ra trước mặt mọi người mặc áo quần kia nên mới đi đến con đường cùng. Buổi hoàng hôn huyên náo nhưng cô quạnh của mùa xuân năm 1976, nhiều người trong bệnh viện Nhân dân tận mắt thấy bác sĩ Đường không mặc quần áo từ trên ống khói cao gieo mình xuống, vừa xuống đến đất thì anh tắt thở.
Trên đường đi Bắc Kinh, Đường Phi nghĩ đến bác sĩ Đường, bác sĩ Đường không cần thiết phải nhảy từ trên cao xuống như thế. Anh nhảy từ trên cao xuống không đụng vào một ai và cũng không đụng đất. Anh nhảy từ trên cao xuống đã đụng vào trái tim Đường Phi, bởi chỉ một mình Đường Phi là người thân, chỉ có người thân chân chính mới có cảm giác đụng chạm như thế, cho dù Đường Phi không thích gì cậu mình. Đó là nỗi bi thương mãnh liệt. Đường Phi cứ nghĩ mãi mà không sao hiểu nổi: tại sao khi loài người xa rồi cái thời ăn lông ở lỗ có người đàn ông không đủ khả năng mặc áo quần trước đám đông như thế?
Sự việc nếu xảy ra ở một con người bình thường như Phương Kăng thì nhất định không còn là sự việc bình thường, sẽ là tiểu thuyết, sẽ là điện ảnh, sẽ là phim truyền hình, sẽ là truyền kỳ, sẽ là bản năng thu hút khác giới - trước tiên Phương Kăng không nhảy từ trên ống khói xuống mà chỉ "muốn nhảy". Nhưng bác sĩ Đường chỉ là một bác sĩ bình thường, không thích phải kiểm điểm. Đau khổ của người bình thường chỉ có thể là bình thường, không đáng để nói đến, không có sức ảnh hưởng và cũng không đủ kêu gọi. Đau khổ xảy ra cho một đám người mới xứng đáng là "thật". Đau khổ của những người nổi tiếng sẽ trở thành một chú hề đội mũ chóp nhọn, bôi trắng lên mũi, đến với mọi người bằng cú nhào lộn đẹp mắt, đồng thời với sự chuẩn bị nước mắt bạn còn cần chuẩn bị để hoan hô nữa. Đường Phi cố chấp nghĩ đến cái chết của cậu, nghĩ rằng bác sĩ Đường và Phương Kăng tuổi đời xấp xỉ, đều là trí thức, số phận của hai người khác nhau quá. Nếu bác sĩ Đường còn sống, Đường Phi cũng không dám đảm bảo sự đổi thay của thời đại sẽ cải thiện hoàn cảnh của cậu, nhất định cậu sẽ xây dựng một gia đình êm ấm. Nhưng Đường Phi có thể đảm bảo bác sĩ Đường sẽ không như Phương Kăng đem rao bán và lợi dụng sự khổ đau của mình một khi thời vận thay đổi, bởi bác sĩ Đường là một bác sĩ bình thường.
Nguyên nhân xâu xa để Đường Phi ghê tởm Phương Kăng rất thật, ghê tởm vững chắc và mạnh mẽ hơn cả những việc Phương Kăng đối xử tệ bạc với Khiêu, hơn cả Khiêu ghê tởm Phương Kăng.
28
Bắc Kinh là nơi sinh của Đường Phi, kể từ năm 1966 bác sĩ Đường đón Phi từ trường Tiểu học ngõ Đăng Nhi về, chưa một lần Phi trở lại thành phố này. Bắc Kinh với những tình cảm lẫn lộn, Bắc Kinh mà mỗi ngõ nhỏ đều làm Phi ngửi thấy mùi thối, mùi thối từ ca đựng phân năm nào bốc lên. Phi không giận Bắc Kinh. Có gì đó thô thiển nhưng rất quan trọng ở chỗ Phi không hồ đồ, Phi nghĩ, không thể nói Bắc Kinh bắt mẹ Phi phải ăn phân, thời đại đã làm cho nhiều người thành phố phải ăn phân.
Đường Phi không giận Bắc Kinh, bởi Bắc Kinh là nỗi nhớ bình yên và rộng lớn của Phi. Bắc Kinh không giống như Phúc An, Phi ràng buộc với Phúc An quá sâu sắc, quá bão hòa, trong lòng Phi nơi ấy không còn đất trống để khai phá. Bắc Kinh là nơi Phi phải xa từ khi còn chưa hiểu biết gì, trong lòng Phi Bắc Kinh mãi mãi là nơi vừa sáng nhưng lại vừa tối, như gần như xa, cha của Phi chắc chắn phải ở Bắc Kinh. Có điều Phi khó hiểu là, với mẹ và cậu là những người Phi phải nương tựa nhưng Phi không nhớ nhiều như nỗi nhớ dai dẳng về người cha còn ẩn náu đâu đó. Nỗi nhớ về người cha là sắc màu vĩnh viễn không phai trong lòng Phi, khi về đến Bắc Kinh, không hiểu vì sao nỗi nhớ vô bờ bến và sự phỏng đoán lại trở nên da diết và cháy bỏng trong Phi đến thế. Cảm ơn mẹ Đường Tân Tân chưa một lần nói với Phi điều gì không hay về người cha và cũng chưa hề nói với Phi người đó là ai, sống hay chết. Đường Phi thì nghĩ rằng cha mình vẫn còn sống, hơn nữa đang ở Bắc Kinh. Nhiều lúc Phi cứ tưởng tượng hình ảnh về người cha; có lúc Phi nghĩ cha mình là Bắc Kinh, thành phố Bắc Kinh chính là cha mình, vừa thanh cao, tao nhã, vừa nồng hậu, hiền hoà. Phi cứ muốn nghĩ, không phải người cha bỏ mặc mẹ con Phi mà vì không biết rằng mẹ có Phi. Khi trong lòng trống trải lạnh lẽo, Phi muốn gỡ tội cho người cha cả đời không mong gì được gặp mặt, vì như thế đã đem lại cho Phi những phút ấm lòng. Trong cuộc sống của Phi có thể không còn tình yêu, chỉ còn lại chút ít, chút ít nhỏ bé, Phi muốn vĩnh viễn giữ lại, giữ lại cho người đàn ông đã cho Phi sinh mệnh.
Đường Phi gọi điện cho Phương Kăng từ một trạm điện thoại công cộng, rất may người nhận điện lại là anh ta. Phi tự giới thiệu, ở đầu kia đường dây Phương Kăng lặng đi giây lát. Thế rồi anh ta kịp điều chỉnh tình cảm, nói oang oang: phải phải phải, đồng chí Đường Phi đó à, lâu lắm không gặp, đồng chí lên Bắc Kinh họp à? Kịch bản... Đường Phi nói, tôi cần gặp anh hôm nay, lên Bắc Kinh chỉ một việc gặp anh, thay mặt Khiêu lên gặp anh. Phương Kăng nói, ôi, lẽ ra tôi phải đến khách sạn nơi đồng chí ở mới phải, nhưng vì bận mấy ông khách Tây ở câu lạc bộ Quốc tế... Đường Phi ngắt lời anh ta, thế thì tôi đến chỗ anh vậy, tôi có địa chỉ đây. Phương Kăng đổi giọng, như thế này nhé, ba giờ chiều nay tôi đến chỗ đồng chí, đồng chí ở khách sạn nào nhỉ? Phi nói, tôi không ở khách sạn nào, tối nay tôi phải đáp tàu đêm để về Phúc An ngay. Có thể vì Phi nói đêm nay phải rời Bắc Kinh như đã cho Phương Kăng liều thuốc trợ tim, có điều gì anh phải sợ một người con gái không ở lại Bắc Kinh. Thế là anh ta trở nên nhiệt tình, nói, đồng chí bảo ở Hội trường cơ quan Mặt trận à? Được, chúng ta sẽ gặp nhau ở đấy, tối nay tôi mời đồng chí ăn cơm, chúng ta đi nhà hàng Đại Tam Nguyên.
Đường Phi biết buổi chiều Phương Kăng sẽ đến gặp, những lời nói của anh ta có gì đó làm Phi vừa đồng tình, vừa xem thường.
Đúng hẹn, hai người gặp nhau ở cửa Hội trường cơ quan Mặt trận. Anh ta sợ có người nhận ra nên phải đeo kính đen, còn Phi thì nhận ra anh ta ngay. Trong lòng Phi không thể không thừa nhận, đúng là một người đàn ông lịch lãm, có sức cám dỗ, là người đàn ông khác với những người đàn ông mà Phi đã gặp. Phi đã gặp không ít đàn ông, nhưng thoạt nhìn Phương Kăng, Phi có ngay mặc cảm thấp kém hơn người, khi hình ảnh tiều tuỵ của Khiêu hiện lên thì Phi mới thôi bình phẩm về Phương Kăng.
Phương Kăng bỏ kính ra, bắt tay Phi với tất cả sự ân cần, tự nhiên vốn có của anh ta đối với phụ nữ, anh ta cười xin lỗi Phi, cô tha lỗi cho tôi vì trong điện thoại đã gọi cô là đồng chí nhé! Khiêu vẫn thường nhắc đến cô Phi và ai đó tên là Do Do, các cô là người Bắc Kinh, con gái Bắc Kinh đi đến đâu cũng không lẫn được, như cô đây chẳng hạn, ngay cả trong ảnh tôi cũng chưa trông thấy, vậy mà thoạt nhìn đã nhận ra ngay.
Phương Kăng nói hơi dài dòng, không có gì là ác ý khiến Phi có phần dịu bớt ý định lên đây để hỏi tội anh ta, nhưng Phi đã nhanh chóng đưa câu chuyện trở lại ý định ban đầu, nói, chúng ta đứng nói chuyện ở ngoài đường thế này e bất tiện cho anh. Phương Kăng nói, cô chu đáo quá! Nhưng bây giờ đến nhà hàng Đại Tam Nguyên hãy còn sớm. Thế này nhé, chúng ta vào công viên Cảnh Sơn nói chuyện, đến đấy cũng gần, nói chuyện xong chúng ta đến nhà hàng Đại Tam Nguyên ăn cơm.
Hai người vào công viên Cảnh Sơn nói chuyện. Phương Kăng hỏi thăm Khiêu. Đường Phi trả lời không khoẻ, rất yếu. Phương Kăng thở dài và nói, Khiêu còn quá trẻ. Đường Phi nói, theo anh thì anh không có lỗi gì, tất cả đều trách Khiêu quá trẻ thôi sao? Xin hỏi, ban đầu anh bảo anh sẽ lấy Khiêu, vậy Khiêu có quá trẻ không? Lúc đó tại sao anh không nói nó trẻ? Đúng, so với anh thì nó còn trẻ, nó trẻ nên đã cho anh tất cả, không giữ lại chút gì cho mình, anh lớn hơn nó, lớn hơn rất nhiều, anh đã cướp đi tất cả của nó, thế rồi trở mặt lạnh lùng.
Tôi đâu có lạnh lùng với Khiêu, tôi rất yêu Khiêu. Tôi có thể trịnh trọng nói với cô rằng, chưa bao giờ tôi yêu ai như yêu Khiêu, từ nay về sau vẫn vậy. Cô nhớ lời tôi nhé.
Vậy thì, anh có định lấy nó không? Tại sao anh lại lật lọng không thèm trả lời thư nó? Đường Phi hỏi.
Tôi không thể, Phương Kăng nói.
Anh không thể làm sao? Không thể lấy nó hay không thể trả lời thư?
Tôi đồng ý lấy Khiêu, nhưng hiện tại... sợ rằng không làm được. Một khi không làm được thì không viết thư, không gặp mặt là biện pháp làm nguội duy nhất.
Tại sao anh không làm được, anh có nghĩ được rằng, anh hành động như thế đối với Khiêu là thế nào không?
Phương Kăng cười tự chế giễu, nói, li hôn và kết hôn như nhau, cần có nhu cầu của tình cảm, mà bây giờ tôi không có nhu cầu li hôn. Còn Khiều thì, cô ấy là người có sức công phá nội tâm mãnh liệt. Tôi có dự cảm, tôi không thể bằng cô ấy. Vẻ bề ngoài thì hình như cô ấy cầu khẩn tôi. Cô đến đây cũng là để cầu khẩn giúp cô ấy, nếu tôi không nhầm, cô đến giúp cô ấy khuyên tôi. Trên thực tế chuyện của hai chúng tôi cuối cùng Khiêu là người chiến thắng, người bị bỏ rơi không phải là Khiêu, mà là tôi, là tôi. Nếu không tin cô thử nghĩ xem sao. Tôi càng lấy Khiêu sớm bao nhiêu thì càng bị bỏ rơi sớm bấy nhiêu. Tất cả những điều tôi nói ra đều rất thật, cô hãy tin, thời gian sẽ kiểm chứng.
Đường Phi nhìn Phương Kăng, cố gắng dò xét đó là lời nói quanh co, cố gắng phân tích có phải là lời nói văn hoa, trốn tránh trách nhiệm một cách nghiêm chỉnh đàng hoàng và không làm phật lòng hay là sự tự ti tự đáy lòng của vị đại danh nhân vốn không xem thường người khác. Cuối cùng, Phi thấy có thể đó là lời nói thật của anh ta. Nhưng tại sao anh ta không sớm nghĩ được như thế, trước khi chiếm được Khiêu anh ta lại không nghĩ như thế? Phi chất vấn anh ta. Anh ta nói, lí trí mách bảo chúng tôi tránh được nhiều sai lầm hơn, nhưng cũng làm chúng tôi mất nhiều cơ hội hưởng thụ tốt đẹp. Đường Phi nói, phải chăng anh định nói anh và Khiêu không đủ lí trí? Anh không có quyền nói thế, anh không có quyền xử sự với Khiêu như với những người con gái khác.
Chưa bao giờ tôi xử sự với Khiêu như với những người con gái khác, thoạt đầu tôi đã nói với cô, Khiêu là người con gái duy nhất mà tôi yêu thật lòng. Phương Kăng nhận mạnh từng chữ từng câu.
Anh ta có phần kích động. Đường Phi muốn tin ở anh ta nhưng đồng thời trong thâm tâm bỗng trào nỗi ghen chua chát. Đó là phản ứng bản năng của tất cả những người con gái khi phải nghe người con trai đang đối diện bày tỏ tình cảm mãnh liệt đối với một người con gái khác, bất cứ người con gái nào, dù là bạn của bạn, bất cứ bạn vì bạn mình mà tiếp xúc với người con trai này. Nỗi ghen không đưa đến kết quả độc ác, nó chỉ có thể làm cho người con gái mất tự nhiên trong chốc lát; khi anh ta bộc bạch tình yêu chân thành với người con gái khác thì hình như bạn vô tình bị anh ta làm tổn thương nhẹ. Đường Phi nhất định chuyển đến Khiêu nguyên văn lời Phương Kăng, cho dù Phi ngầm không muốn chuyền đạt nguyên văn lời anh ta.
Không muốn, tình cảm này mới nảy sinh, ngay cả Đường Phi cũng phải giật mình. Đã có người con trai nào yêu Phi như thế chưa? Nếu so với Phi thì Khiêu có thể coi như rất xa xỉ, mặc dù suốt ngày ngồi trong phòng làm việc, cúi đầu để nước mắt chảy vào ngăn kéo.
Thế là anh không định lấy Khiêu nữa chứ gì?
Tôi nghĩ, nên thế. Phương Kăng nói và bổ sung tiếp một câu, có lẽ khi chúng tôi già đến mức không thể già hơn thì sẽ đến với nhau, nếu Khiêu vẫn cần tôi.
Anh nói vớ vẩn lắm, Đường Phi nói.
Đúng là vớ vẩn. Phương Kăng nói.
Đường Phi lần trong túi lấy thuốc ra hút, Phương Kăng cũng rít tẩu thuốc của mình. Hút thuốc làm hai người thanh thản, nhất là Đường Phi. Phi không hiểu mình, Phi đến để khuyên anh ta hồi tâm chuyển ý, chịu trách nhiệm đưa cuộc hôn nhân của Khiêu đi đến kết quả, Phi cũng khiển trách, lục vấn anh ta. Nhưng khi Phương Kăng nói anh ta không thể lấy Khiêu thì tại sao Phi lại thanh thản? Có thể chỉ có Phi mới hiểu điều thanh thản trong lòng là để mừng cho Khiêu và còn là sự cân bằng tâm thể của bản thân không thể diễn tả nổi.
Phi cảm thấy Phương Kăng đang quan sát mình, có thể là quan sát Phi đang hút thuốc, giữa những năm tám mươi con gái hút thuốc không còn là chuyện hiếm. Phi nói, anh nhìn tôi hút thuốc à? Thuốc lá rẻ tiền, thuốc Kiều của Phúc An chúng tôi. Anh ta nói, tôi đang quan sát miệng cô, khoé miệng Vivien Leigh 1 cô không phát hiện ra ư? Phi bĩu môi nói, không biết, anh có thói quen quan sát miệng người khác hay sao? Anh ta nói, gần đây tôi đang nghiên cứu cái miệng người khác.
Phi nói, thói quen nghề nghiệp ư? Đạo diễn khi chon diễn viên chọn về hình thể, các giác quan và miệng cũng không ngoại lệ.
Không phải chỉ nghiên cứu khi chọn diễn viên - anh ta nói - tất nhiên cái miệng rất quan trọng đối với khuôn mặt, có khi còn quan trọng hơn cả đôi mắt. Nếu không tại sao chúng ta lên án một ai đó đều nói "xem cái miệng nó kìa", cái miệng có liên quan trực tiếp đến khuôn mặt.
Miệng... mắt... Đường Phi bất giác bật cười. Phi nheo mắt nhìn Phương Kăng và nói, những người có văn hóa như các anh thường nói con mắt là cửa sổ tâm hồn kia mà?
Con mắt là cửa sổ tâm hồn, miệng phải là cửa ngõ, cửa ngõ dẫn đến tâm hồn. Nếu không có miệng nói ra thì làm sao có thể đến với tâm hồn của nhau được?
Đường Phi nói, anh bảo miệng có thể đưa đến tâm hồn của nhau, miệng là cửa ngõ dẫn đến tâm hồn? Nhưng tôi cảm thấy miệng là bình phong che đậy tâm hồn, nếu không tại sao người ta lại nói "miệng nói một đằng, bụng nghĩ một nẻo"? Không giấu gì anh, tôi vẫn miệng nói một đằng, bụng nghĩ một nẻo đấy, từ miệng đến bụng không thông thoát, miệng là cửa ngõ dạ dày nghe ra còn có lí hơn, anh thấy miệng phần lớn những người chung quanh ta dùng để làm gì?
Làm gì nhỉ? Phương Kăng hỏi.
Tôi thấy miệng người ta phần lớn để ăn và để nói dối.
Nhưng miệng còn có một tác dụng quan trọng khác nữa là - Phương Kăng nói - miệng còn để bày tỏ ý muốn làm tình. Tôi đã làm một cuộc điều tra, có thể là phiến diện, ở Trung Quốc, quá nửa số người ở độ tuổi trung niên, lão niên khi làm tình với nhau không đụng chạm gì đến miệng, họ không hôn nhau, chỉ bày bộ sinh thực ra, còn miệng dẫn đến tâm hồn thì mím chặt. Điều này không phải là bản tính dè dặt của người phương Đông, có thể cả hai cùng chán ghét tạo nên. Ngày nay miệng người ta không ngừng bị thoái hóa bởi chán ghét quá nhiều, yêu quá ít. Tổ tiên chúng ta khi muốn biểu thị làm tình còn chân thực, cởi mở, tốt đẹp hơn người ngày nay. Cô cứ xem những tượng đá tuyệt mĩ thời Tần, thời Hán thì sẽ rõ.
Anh đang bắt đầu gảy đàn tai trâu rồi đấy. Đường Phi nói, tôi là trâu nghe đàn, tôi cũng chưa nghiên cứu cái miệng sâu đến thế.
Cô đâu phải trâu nghe đàn - Phương Kăng nói - cô là người con gái có làn môi đẹp tuyệt vời, duy chỉ có khóe miệng bên phải thường hay nhếch lên, chắc là cô không để ý, cô nên cố gắng khắc phục, xin lượng thứ cho tôi đã mạo muội có nhận xét nho nhỏ về làn môi tuyệt mĩ này.
Đường Phi cố ý liếm môi, làn môi mà Phi thực sự yêu quý, thực tình chưa bao giờ Phi để ý đến khuyết tật mà Phương Kăng nói ra. Phi nghĩ, nhận xét của anh ta thật tinh tế, những lời bình luận của anh ta về cái miệng không thể nói là cao xa, khó hiểu. Phi không muốn mở rộng đề tài, bởi Phi có phần khó xử về làn môi của mình. Làn môi Phi chưa hề hôn ai và cũng chưa bị ai hôn, vừa đầy đặn nhưng vừa trống trải, vừa ướt át nhưng vừa khô héo, vừa phì nhiêu nhưng cũng rất hoang vu, dường như đó là mảnh đất nhỏ bé tinh khiết cuối cùng. Chỉ một chút nữa thôi Phương Kăng làm Phi không hiểu gì về làn môi của mình và cũng chỉ một chút nữa Phi nói với anh ta về nỗi đau thầm kín của làn môi mình. Không phải những lời bình luận về làn môi đã làm xúc động Phi mà vì những lời nói bùi tai ngọt ngào của bọn đàn ông lõi đời như anh ta mê hoặc Phi. Chung quanh, Phi chưa bao giờ có một người đàn ông nào biết tôn vinh Phi với những lời đẹp đẽ. Phi nhớ mãi anh ta nói khóe miệng Phi đúng kiểu Vivien Leigh, người con trai cho dù có tâm địa khác thì người con gái cũng không vì những lời tâng bốc ấy mà đột ngột trở mặt. Nhưng Phi mím môi không có ý định "ngoài miệng nói một đằng, trong bụng nghĩ một nẻo". Không ai có thể, cho dù là người nổi tiếng cũng không thể dẫn Phi đến chuyện đó, cũng như chưa một ai có thể đụng đến làn môi Phi.
Ôi, ngoài miệng thì nói một đằng, trong bụng lại nghĩ một nẻo! Ai biết được khi Phương Kăng nói về cái miệng thì trong lòng anh ta nghĩ gì, cái miệng đúng là huyệt không đáy trên cơ thể con người, Phương Kăng nghiên cứu cái miệng có lẽ cũng chỉ đến thế.
Đường Phi mím môi im lặng. Phương Kăng biết phải chuyển sang chuyện khác, anh ta đứng dậy, mời Phi đến nhà hàng Đại Tam Nguyên.
Giữa những năm tám mươi, nhà hàng ăn ở Bắc Kinh không được phong phú, sôi động, nhiều màu nhiều vẻ như những năm chín mươi, nhà hàng Đại Tam Nguyên với các món ăn Quảng Đông vẫn nổi tiếng hơn cả. Hai người không mất nhiều thời gian cho bữa ăn, tưởng chừng Phi cầm nhịp cho bữa ăn này, bởi đã nói tối nay phải đáp tàu về Phúc An.
Trong bữa ăn, Phương Kăng có phần chăm chú đến cái miệng của Phi, anh ta nói, hình như cô chưa biết cách mím môi. Đó là cách chăm chú sâu sắc, cần thiết nhưng thiếu tế nhị. Còn có việc nào làm người con gái bị tổn thương tình cảm hơn việc một người con trai cứ xoi mói cái miệng mình như thế? May thay Phi không sĩ diện, xưa nay Phi không biết nhai không mím miệng là không lịch sự, thậm chí cũng không nghe rõ Phương Kăng nói gì. Phi vừa nhai thịt bò vừa nói, anh bảo tôi khi ăn cứ nhai chóp chép à?
Không không, cô không nhai chóp chép, Phương Kăng nói. Không hiểu tại sao anh ta tỏ ra thương hại Phi. Phần đông người Trung Quốc khi ăn uống không biết mím môi để nhai, thế thì đã sao! Anh ta không sửa lại cách nhai của Phi nữa, chỉ nói, tôi không có ý xúc phạm đến cô, vì tôi có thói quen trước một sự việc hoặc một người đẹp cứ mong cho đẹp hơn.
Nghĩa là, anh bảo phải mím môi lại để ăn thì mới đẹp chứ gì?
Không phải là đẹp, mà có thể là... tương đối văn minh. Phương Kăng nói.
Đường Phi thử mím môi lại để nhai, hơi ngượng, tưởng như mất hết mùi vị thức ăn trong miệng. Phi quan sát Phương Kăng, thấy vừa rồi mình nhai không giống anh ta. Có thể anh ta đúng. Hai người nhìn nhau cùng cười.
Ăn xong, anh ta lấy từ trong túi áo ra một hộp nữ trang màu xanh ngọc đưa cho Phi và nói, đây là chiếc nhẫn hồng ngọc anh ta mua ở Paris, nhờ Phi chuyển cho Khiêu.
Anh ta mở hộp lấy chiếc nhẫn ra, bảo Đường Phi đeo thử. Anh ta nói, có thể Khiêu đeo nhẫn số sáu thì vừa, tôi chọn số sáu đấy. Đường Phi đeo chiếc nhẫn vào ngón trỏ tay trái, hơi chật. Khiêu đeo sẽ vừa, Phi nghĩ, tây Khiêu bé hơn tay Phi. Phi tháo chiếc nhẫn ra, để cẩn thận vào hộp.
Tôi sẽ nói với Khiêu thế nào? Phi nói.
Cứ coi đây là vật kỉ niệm. Phương Kăng nói.
Ra khỏi nhà hàng thì trời đã tối, hai người đi về phía bến xe điện. Đang đi thì Phương Kăng bỗng dừng lại, đứng bên vỉa hè nói, cô Phi, chúng ta có thể chia tay theo cách này được không?
Cách nào? Phi hỏi.
Tôi nghĩ rằng, tôi đồng ý để cô hôn tôi. Phương Kăng nói.
Anh nói gì cơ? Đường Phi vờ như chưa nghe rõ.
Phương Kăng nhắc lại câu nói vừa rồi.
Nhất định khóe miệng bên phải của Phi lúc này khẽ nhếch lên, môi Phi có cảm giác mọng đỏ, như ong châm hay như ăn cay nhiều. Nếu nói kể từ khi gặp nhau đến khi ăn cơm, ấn tượng về Phương Kăng để lại cho Phi không đến nỗi xấu như khi chưa gặp mặt, thậm chí khi anh ta nói chuyện trong công viên Cảnh Sơn lòng Phi thấp thoáng chút xa lạ và có thể không được hay lắm, cả chuyện mím môi nhai vừa rồi cũng làm Phi cảm nhận được sự quan tâm dịu dàng, vậy thì, lúc này Phương Kăng đưa ra cách thức tạm biệt chợt làm Phi hiểu ra mình là ai. Cách chia tay anh ta nêu ra tuyệt biết bao, giả dối biết bao và cũng tự cho mình là duy nhất đúng. Thế rồi Phi đưa ra các giả thiết, giả thiết anh ta không nói "tôi đồng ý để cô hôn" mà nói "tôi có thể hôn cô" thì Phi sẽ xử sự thế nào? Phi nghĩ, có thể phá lệ để hôn anh ta, biết đâu Phi sẽ phá lệ, Phi không phải là thánh thần. Không dễ gì gặp được người như Phương Kăng, có thể chỉ một lần. Phi sẽ thầm xin Khiêu tha thứ.
Nhưng Phương Kăng không nói thế.
Gió mát của buổi tối làm đầu óc Phi tỉnh táo, nhớ lại tất cả buổi chiều căng thẳng và mặc cảm không sao gạt đi nổi, thấy mình không kém con người nổi tiếng đang đứng trước mặt đây là bao. Phi đứng trước anh ta, ôm hai bả vai và nói, anh bảo tôi hôn anh, đứng giữa đường này hôn anh à?
Phương Kăng nhìn làn môi Phi, nói, tôi đồng ý.
Nhưng tôi không đồng ý - Đường Phi nói - anh nghĩ rằng bọn con gái đều muốn hôn anh cả sao, anh vừa muốn được thế lại muốn tôi cảm ơn... anh đã nhầm. Cửa miệng là con đường dẫn đến tâm hồn, bây giờ tôi mở miệng để nói lời của tâm hồn tôi nhé: anh đừng có mà mơ!
Nói rồi Phi đi nhanh qua đường, bỏ Phương Kăng lại dưới bóng cây.
Phi ngồi trong toa tàu tối tăm, đầy khói thuốc, chúc mừng Phương Kăng vừa rồi đã cho Phi một dịp may để chia tay như thế, một cơ hội từ chối lịch sự, một dịp làm bẽ mặt anh ta, việc anh ta tự gây ra. Nhưng Phi vẫn còn sợ, còn một chút nữa, chỉ một chút nữa thôi, Phi sẽ làm điều không phải với Khiêu, Phi có làm gì đâu! Phi nhìn bóng đêm ngoài trời, khuôn mặt Phi phản chiếu lên ô kính cửa sổ toa tàu, mắt trũng sâu, võ vàng. Bỗng Phi rất muốn khóc.
29
Một người con gái có khuôn mặt đẹp, tao nhã bước đi từ một phố buôn bán của Phúc An, rẽ vào một ngõ nhỏ yên tĩnh. Cô vừa ăn trưa xong, một tác giả được nhà xuất bản in sách, mời ăn cơm. Cô ăn xong, tạm biệt khách ở cửa nhà hàng rồi thong thả đi về phía phố buôn bán. Người qua lại không thể biết cô gái này có điều gì không bình thường, thực tế thì trong miệng cô ta, đầu lưỡi đang đưa mạnh vào kẽ răng. Khi ăn, một mẩu thịt giắt vào răng, tay cô che miệng, dùng tăm xỉa mãi nhưng cũng không ra. Tục ngữ nói "mắt không vướng bụi" kì thực thì cũng không thể để một hạt cát hoặc thức ăn, một mẩu thịt trong miệng. Kẽ răng làm cô gái khó chịu, nhưng lại tỏ ra không việc gì. Giữa phố đông người cô phải thế. Cô mím chặt môi, lưỡi đã đưa đúng vào nơi có miếng thịt nhưng không làm sao lấy ra được, vì lưỡi không có tay, lưỡi chỉ dùng để nếm. Đầu lưỡi vẫn đưa vào nơi có miếng thịt nhưng cô khó chịu lắm, nghĩ chắc chắn đó là miếng thịt con lừa già, nếu không thì sao thớ thịt lại thô như vậy, mà vì sao lại ăn miếng thịt đó cơ chứ? Thịt lừa là đặc sản của Phúc An. Cô thích ăn nhưng lại không thích nói đến "lừa", nghe như chửi mắng không bằng. Bây giờ thì cô đang bị lừa hành hạ. Cô rẽ vào một ngõ nhỏ vắng, nhìn chung quanh không có ai cô mới há miệng một cách kín đáo, đưa tay vào, ngón tay đã chạm vào miếng thịt, cô nghiêng đầu, hơi méo miệng và cuối cùng cũng lấy được miếng thịt giắt trong kẽ răng. Vì há miệng quá lâu, nước dãi chảy ra, hàm dưới cũng tê cứng. Cô lấy khăn giấy lau miệng, đưa đi đưa lại hàm dưới. Thế là cô đã loại bỏ được sự khó chịu rất bất tiện trước đông người, trông dáng cô thật tao nhã. Chung quanh cô không có ai càng làm cô bằng lòng.
Cô gái đó là Khiêu.
Ai đã làm cho Khiêu khoan dung, độ lượng với cuộc sống, tận tụy với công việc ở nhà xuất bản sách thiếu nhi, sống thân thiện với đồng nghiệp và cả những người không tốt bụng, cười với cả những người làm hại mình, bỏ qua những khắt khe của cô em gái Tiểu Phàm, hết lòng tha thứ, hết lòng tha thứ cho những hành vi ngang trái của Phương Kăng. Khiêu vẫn thường tự hỏi lòng mình. Lòng Khiêu mách bảo, chỉ riêng yêu và sống lương thiện không thôi thì vẫn không đủ khả năng, mà đó còn là bé Thuyên.
Đó còn là bé Thuyên.
Rất nhiều, rất nhiều năm trước, bé Thuyên dang đôi cánh tay ngã xuống cống trở thành hình ảnh thân thiết nhất, là cuộc sống thân thiết nhất tồn tại trong lòng Khiêu, hễ gọi là đến và xua là đi ngay. Mĩ nhân hai tuổi đó biến Khiêu thành con người thầm vụng, lén lút, vĩnh viễn như người nghèo thiếu ý chí. Người nghèo thiếu ý chí, món nợ suốt đời không trả nổi. Khiêu vô cùng sợ hãi bé Thuyên, bé Thuyên làm Khiêu mất khả năng trong sáng, nhưng Khiêu rất cảm kích bé Thuyên. Đứa bé ấy chết đi đã đe dọa Khiêu nhưng lại hóa thân vào Khiêu. Khiêu không thể tưởng tượng được một đứa bé chết lại có thể tạo nên phẩm cách sống của Khiêu. Phẩm cách ấy không ai có thể nói là không tốt mà đó là hướng tiến tới của văn minh nhân loại. Khi phẩm cách Khiêu được mọi người ngợi khen thì Khiêu có phần say sưa, tưởng như mình sinh ra vốn đã tốt lành, trung thực như thế rồi, kì thực đó chỉ là điều hoang tưởng. Khiêu cười thầm và ác ý phỏng đoán những người tốt như mình - hoặc những người được gọi là tốt - Khiêu phỏng đoán ở nhiều người, Khiêu ngang ngược cho rằng trong lòng những người này giấu kín bao nhiêu điều không nhìn thấy ánh sáng, càng nhiều điều không nhìn thấy ánh sáng hơn của những người bình thường. Điều đáng quý của họ không phải họ sinh ra vốn đã tốt, mà ở chỗ họ mong muốn suốt đời cố gắng để loại bỏ, để chôn vùi những bóng đen đã từng tồn tại trong lòng mình.
Một lần, Trần Tại nói chuyện với Khiêu về một người bạn làm việc trong nhà máy, người bạn này mồ côi cha từ bé, rất nghèo, chắt chiu từng đồng lương để nuôi mẹ và hai cô em gái. Anh này rất vui vẻ giúp đỡ mọi người, giúp chữa đồng hồ, chữa đài bán dẫn, chữa xe đạp, chẳng những thế anh ta còn bỏ tiền túi mua phụ tùng thay thế giúp. Trong nhà máy ai cần giúp đỡ gì đều trước tiên nghĩ đến anh bạn này, anh phải vào bệnh viện trông coi người ốm, lại có khi phải ra ga lúc đêm hôm khuya khoắt để đón giúp người nhà cho ai đó. Thế rồi xảy ra một việc, anh ta bóp cổ một người bạn ở cùng phòng. Anh ta bóp cổ người bạn cùng phòng không phải việc gì quan trọng mà vì anh bạn ở cùng phòng bắt được anh ta lấy trộm sáu chục cân tem lương thực trong ngăn kéo của một người khác cũng ở cùng phòng. Hồi ấy, Trung Quốc đang ở vào thời kì tem phiếu, hầu hết các loại như yếu phẩm đều phải mua bằng tem phiếu. Lương thực lại càng quý, tem lương thực quý hơn cả lương thực. Hồi đó họ chưa đến hai mươi, đói dường như là cảm giác chung của mọi người. Sáu chục cân tem lương thực của anh kia để dành cho cha mẹ, cuối tuần mới đem về. Anh bạn lấy cắp tem lương thực chẳng may bị người ở cùng phòng phát giác. Trần Tại nói, anh bạn ở cùng phòng vô cùng ngạc nhiên, ngạc nhiên không phải vì có người lấy cắp tem lương thực, ngạc nhiên bởi lấy cắp lại là người sẵn sàng giúp đỡ mọi người khi cần thiết, người làm mọi việc thiện. Bởi anh kia ngạc nhiên, anh ngạc nhiên nhất định làm cho anh bạn không còn chịu đựng nổi, thế là con người tốt bụng phải tiêu diệt người bạn ở cùng phòng. Sự việc xảy ra làm cả nhà máy phải sửng sốt, không ai muốn tin anh bạn kia là kẻ giết người. Mọi người càng sửng sốt hơn khi nghe anh bạn kia thuật lại nguyên nhân dẫn đến giết người, thì ra anh ta ăn cắp, một người luôn luôn giúp đỡ mọi người lại là kẻ cắp. Trần Tại nói, anh này rất nhanh chóng bị kết án tử hình. Hôm anh ta phải thi hành án, nhiều người trong nhà máy đi xem. Hồi đó, người bị tử hình trước khi ra pháp trường còn phải diễu qua các phố, người bị tử hình không biết mình có quyền không bị bêu diếu trước công chúng. Anh công nhân kia bị trói và dẫn lên ô tô tải, xe chạy vòng quanh thành phố một lượt để người qua lại đều thấy. Trần Tại nói, hôm ấy anh cũng trông thấy kẻ giết người, người đó không tỏ ra sợ hãi, đôi mắt còn ánh lên vẻ căm giận. Không thể nói được người trên xe kia căm giận loài người hay căm giận chính mình. Trước đó, trước đó rất lâu anh ta đã làm gì? Không ai biết, và sau đó cũng không ai biết.
Câu chuyện Trần Tại kể lại khiến Khiêu cảm thấy vừa gần với mình vừa làm mất tự nhiên, nhất là khi anh nói đến kẻ sát nhân, Khiêu có cảm giác ghê sợ, rùng mình. Kẻ giết người, Khiêu nghìn lần nghĩ, cảm thấy mình có điều gì đó giống với anh thợ bị tử hình kia. Thế rồi Khiêu cố chối tội cho mình, anh ta giết người bởi người bị anh ta giết trông thấy việc làm không hay của anh ta, còn Khiêu "giết người" là để thủ tiêu cái không hay trong gia đình. Việc không hay trong gia đình bởi người lớn gây nên, lẽ ra người lớn trong gia đình phải tự tay thủ tiêu, nhưng vai trò đó lại do Khiêu phải gánh vác. Khi bé Thuyên dang hai cánh tay nhỏ bé ngã xuống cống, Khiêu kéo tay Phàm, kéo mạnh tay Phàm, sức mạnh ngăn cản ấy là sức mạnh giết người. Phương Kănglà ai nhỉ? Phải chăng Phương Kăng là người đầu tiên trừng phạt Khiêu?
Có thể lòng Khiêu từ lâu mong đợi bị trừng phạt, hãy để Phương Kăng tùy ý kể những thiên diễm tình của anh ta với Khiêu, với tâm trạng sẵn sàng chịu đựng, Khiêu đón nhận mọi sự trừng phạt, đâm chém cũng được, Khiêu mong được đâm chém một vài nhát. Bởi thế, khi Khiêu đau khổ cũng là lúc thanh thản nhất, Khiêu được báo oán, từ lâu mong được báo oán.
Không tồn tại lòng từ thiện và bao dung vô cớ, điều ấy chỉ có trong truyện cổ tích, chỉ với tâm lí chuộc tội mới có thể có được sức chịu đựng phi thường đối với con người và bản thân. Khi Phương Kăng bỏ Khiêu, Khiêu ngồi trong phòng làm việc để nước mắt nhỏ xuống ngăn kéo, khi tuyệt vọng nhất cũng là lúc thanh thản nhất, đó là điều bí mật trong những điều bí mật, tâm hồn trong tâm hồn. Nhất định Khiêu phải đau khổ, đứng ra nhận lấy đau khổ, bởi đau khổ là biểu hiện thích hợp nhất của Khiêu vào lúc đó.
Bước ngoặt của đời Khiêu bắt đầu từ khi mối tình ấy kết thúc. Ở Bắc Kinh về, ngay ngày hôm sau Đường Phi gọi điện cho Khiêu. Đúng ngày chủ nhật, Khiêu hẹn Phi ở nhà. Hồi đó Khiêu đang ở cùng bố mẹ, bố mẹ vẫn ở trong khu tập thể Viện Thiết kế. Đường Phi đến, hai người thấy nói chuyện ở nhà không tiện, cùng ra đi dạo trong vườn hoa nhỏ trước cửa nhà. Trời đã sang đông, lá trên cành đã rụng nhưng vẫn chưa hoang tàn, vẫn còn cảm giác mát mẻ.
Đường Phi nói, tớ thấy anh ấy còn yêu đằng ấy lắm (Bỗng Phi quyết định không truyền đạt cho Khiêu nguyên văn lời Phương Kăng nói yêu Khiêu thế nào).
Khiêu nhìn thẳng vào mắt Phi: kì thực khi đằng ấy đi Bắc Kinh thì tớ đã biết không còn đất cứu vãn.
Đường Phi tránh ánh mắt Khiêu, nói, vậy tại sao đằng ấy còn hi vọng vào việc tớ khuyên anh ta?
Tớ đâu có hi vọng, đằng ấy thích đi thì cứ đi.
Bởi tớ thích đi, thích đi vì đằng ấy đấy.
Không phải vì đằng ấy một chút nào chứ?
Nếu đằng ấy nói tiếp thì câu chuyện sẽ trở nên khó chịu đấy.
Khiêu nói một cách bình tĩnh khác thường: yên tâm đi, tớ không nói tiếp nữa đâu, đằng ấy nghĩ ra điều gì thế?
Tại sao? Đường Phi nói.
Bởi tớ đã giải thoát khỏi câu chuyện ấy rồi. Vừa rồi, khi nhìn vào mắt đằng ấy, tất cả bỗng nhiên trở thành quá khứ. Đằng ấy nhớ không, trước khi đằng ấy đi Bắc Kinh đã thấy vẻ thiểu não của tớ thế nào rồi, lúc đó lòng tớ rối bời, buồn lắm, thế nhưng chịu đựng được tất cả. Nhưng bây giờ tớ nói cho đằng ấy biết, tớ đã giải thoát thật sự, chỉ vừa mới đây thôi, tất cả đã trở thành quá khứ. Thật là hiện tượng kì lạ, tưởng như một đường kẻ mắt thường có thể trông thấy cắt ngang tình cảm, đường kẻ phân minh, rõ ràng, không một chút đứt đoạn nào. Tớ trở lại, quay lại trạng thái tinh thần đen tối ảm đạm, bay qua vạch ngang vật chất mắt thường có thể trông thấy, lòng tớ bình tĩnh lắm rồi. Thật vậy, tớ không nói dối đâu, đằng ấy sờ tim tớ mà xem.
Khiêu cầm tay Đường Phi đặt lên ngực bên trái mình, Phi cảm nhận được nhịp đập của trái tim, nặng nề, có sức mạnh.
Cho nên - Khiêu nói - anh ta làm gì, nghĩ gì không còn liên quan đến tớ nữa, Phi hiểu không?
Đằng ấy không giận anh ta ư?
Quan trọng là đây, tớ không giận gì anh ta. Tình yêu từ đâu đến nhỉ? Tớ không thể không hoài nghi chính tớ. Nếu tớ không giận gì anh ta thì chỉ có thể nói rằng tớ chưa hề yêu anh ta, điều này thật đáng sợ. Rốt cuộc, tình cảm của tớ là tình cảm gì? Khiêu tự hỏi tự trả lời tường như giãi bày lòng mình cho Đường Phi biết, nhưng Khiêu mãi mãi không nói cho Phi biết, sự bình tĩnh và giải thoát có thể có được từ sự giày vò của Phương Kăng. Khiêu bị giày vò, bị giày vò tàn nhẫn, cùng cực, từ đó Khiêu không còn nợ gì ai.
Lúc này Đường Phi đưa cho Khiêu cái nhẫn của Phương Kăng gửi tặng, nói anh ta nghĩ Khiêu đeo nhẫn số sáu, mà Phi cũng nghĩ thế. Khiêu mở hộp lấy chiếc nhẫn nhưng không đeo vào tay. Khiêu cầm cái nhẫn cứ vờn chơi giây lát rồi nói, cái trò chơi nhẫn này có lúc như một dấu chấm câu, có lúc lại như huyệt không đáy, nhưng tớ thấy là dấu chấm câu thì đúng hơn. Nói xong, Khiêu giơ cao tay, tung cái nhẫn ra phía sau.
Đường Phi túm vội lấy cánh tay Khiêu: đằng ấy làm gì thế? Nhẫn bạch kim mặt hồng ngọc, đắt lắm đấy.
Khiêu quay nhìn theo hướng cái nhẫn vừa bị vứt đi: tớ biết là bạch kim và hồng ngọc. Nhưng đằng ấy biết không, trên thế gian này những gì có thể mua được bằng tiền đều rẻ cả.
Trong lúc nói, cả hai cùng nhìn về phía cái nhẫn vừa bay đi, nó như một giọt máu tươi chói loà giữa trời xanh, thế rồi rơi lên một cành cây.
Chiếc nhẫn trên cành cây.
Hai người trông thấy chiếc nhẫn bay lên và rơi xuống, rơi xuống, nó rơi xuống ngọn cây ngô đồng Tây... cuối cùng nhanh chóng biến vào một cành lá. Từ đó cái cây trở thành cây đeo nhẫn. Cái cây đeo nhẫn không phải là con gái thì là ai cơ chứ, chiếc nhẫn đương nhiên được đeo trên cành cây. Có lẽ chúng ta chưa ai quan sát kĩ cây trong vườn hoa hoặc trên đường phố, dáng thanh cao và mộc mạc của cây che đậy biết bao điều bí ẩn. Cây đang vươn cao tay và chứa đựng chiếc nhẫn bạch kim hồng ngọc không thích hợp với nó. Chúng ta đâu biết trên cây có bao nhiêu chiếc nhẫn, có thể cây là tay, nếu mặt đấy là con gái thì cây trên núi và cây trên đồng là những cánh tay con gái. Cứ để nhẫn trên cành cây, nhẫn tiếp xúc với cành cây có ý nghĩa hơn là thịt da con người.
Cả hai cùng thấy chiếc nhẫn biến mất trong vòm lá ngô đồng Tây, với con người trên mặt đất điều ấy có thể là rất tuyệt, vẫn nói "rất tuyệt" đấy thôi. Với cái nhẫn trên không trung lại như lời mời chào, như lời mời của cây với cái nhẫn khi đang bay lượn cô độc trên không chưa biết rơi vào đâu.
Chiếc nhẫn trên cây.
Cả hai cùng nhìn những cành lá loáng sáng. Đường Phi vẫn nắm chặt bả vai Khiêu và nói, vừa rồi đằng ấy nói gì thế?
Tớ nói, trên thế gian này những thứ gì mua được bằng tiền đều rẻ cả.
Tớ rất rẻ - Đường Phi nói - tớ rất rẻ, đằng ấy biết tớ rất rẻ không, có người bỏ tiền ra tớ sẽ cho, chưa bao giờ không cho. Bởi thế tớ rất tiếc cái nhẫn mặt đá đỏ trên cành cây kia.
Nhưng đằng ấy không trèo lên cây để lấy nó xuống được. Khiêu nói.
Nếu có ai đó lấy đi mất. Đằng ấy thấy tớ tầm thường không. Đường Phi nói.
Căn bản không ai biết - Khiêu nói - ngày nay thì không ai chú ý trông cây nữa.
Có tớ - Đường Phi nói - bao giờ thiếu tiền tớ sẽ đến cái cây này.
30
Ngô đồng Tây rất thích hợp với đất Phúc An, đất đai nơi đây không ưu ái nhiều cho nó, nhưng chỉ cần bén rễ thì chẳng cần ai nhớ, nó lớn nhanh như thổi. Cây ngô đồng Tây nhỏ bé trong vườn hoa của Viện Thiết kế người ngoại tỉnh, cái cây có đeo chiếc nhẫn, chỉ một thời gian ngắn đã lớn lắm rồi, những ngọn lá to như bàn tay che lấp cành cây có chiếc nhẫn, chắc chắn chiếc nhẫn vẫn trên cành cây kia.
Có lần một mình Đường Phi đến đứng dưới gốc cây ấy. Suy nghĩ của Phi có chút hám của, Phi không leo lên đấy được, nhưng ước gì cành cây kia gãy xuống thì Phi không ngần ngại gì mà không nhặt lấy cái nhẫn. Phi nóng lòng vì cái nhẫn ấy, bởi trên cây có vật được gọi là ngọc. Phi cảm thấy có phần kì lạ, bởi không nghĩ cây cối là vật chất, cho dù đó là cây mọc trong thành phố, đứng thành hàng bên vỉa hè, cây có hình có dạng, gió thổi vi vút, nhưng Phi vẫn không cho cây là loại vật chất. Vật chất là những kiến trúc được cây cối làm nổi bật, cả cột điện, xe cộ, đèn nêon, thùng rác làm bằng thép không gỉ... chỉ có cây cối không phải là vật chất. Phi xác nhận kiến trúc là vật chất, bởi tất cả các kiến trúc ở đời này đều thấm đẫm ý chí con người, đều in dấu tay con người. Cây cối thì đứng thẳng tự nhiên, gắn chặt với đất, hít thở khí trời, sống có tình có nghĩa. Cây cối quả là thứ tinh thần khó bề tiếp cận, nó thương hại con người nhưng không gắn bó với con người, cây cối là tư tưởng, là tư tưởng mà con người không sao thấu hiểu.
Phi bất lực đứng nhìn cây ngô đồng Tây trước mặt, tự nhủ: mi hãy từ bỏ chiếc nhẫn ấy đi, mi không lấy được hay nóng lòng muốn bán để trả nợ? Mi không còn là mi trước kia nữa, một thợ học việc muốn hối lộ Phó Giám đốc nhà máy cái đồng hồ Bảo Thạch Hoa để được chuyển sang làm việc nhẹ nhàng hơn.
Hồi đó, Thích giúp Phi thực hiện ước mơ vào làm công nhân trong nhà máy quốc doanh, nhưng việc làm lại không được vừa ý. Ban đầu thì Phi tưởng như thỏa mãn lắm, người như Phi mà được vào làm công nhân là điều không dễ dàng. Nhưng làm việc ở phân xưởng đúc vừa bẩn vừa vất vả thì Phi không thể tưởng tượng được. Phi rất yêu khuôn mặt, đôi bàn tay và nước da của mình. Khi Phi không có chút gì thì ba thứ đó là vốn quý duy nhất, quanh đi quẩn lại Phi không thể không lợi dụng những thứ đó. Phi phải giữ gìn chút thực lực đáng thương ấy, bởi thế Phi rất sợ bẩn, sợ vất vả. Cho nên Phi đi tìm Thích.
Phi mấy lần hẹn gặp Thích ở bờ sông Hộ Thành, nhưng đều bị anh ta từ chối.
Anh ta phải tránh Phi, phải lảng tránh để quên cái buổi tối xảy ra sự việc kia ở bờ sông. Anh ta không có cái tự đắc thầm vụng và ý muốn được đằng chân lân đằng đầu như những người đàn ông khác khi đã chiếm được người con gái đến cầu cạnh nhờ vả, anh ta cảm thấy tội lỗi bởi sự việc xảy ra tối hôm ấy. Một lần, anh ta nghiêm túc nói với Phi, cô không được thế nữa, phải tích cực công tác, cô thành người lớn rồi còn phải biết sống nữa chứ. Đường Phi vừa nghe vừa không nghe, dễ thường Phi không thể nghĩ được rằng đến bây giờ vẫn còn một người đàn ông đứng đắn như chú ấy. Phi nghĩ, có thể chú ấy không muốn giúp đỡ chăng. Phi đánh bạo lên văn phòng phân xưởng để tìm gặp Thích.
Cũng là một buổi chiều sắp tan ca, Phi làm ca đêm, sau khi đã làm một giấc ngủ dài, dậy đi gội đầu, đến văn phòng đầu hãy còn ướt. Đầu tóc ướt là lí do để Phi xõa tóc, vào thời buổi khô cằn ấy Phi xõa tóc bỗng trở nên đẹp hơn rất nhiều, khiến người ta phải tưởng tượng đến hơi ấm cùng cực. Phi để đầu tóc ướt vào văn phòng phân xưởng, Thích không có ở đấy, trong phòng lúc này chỉ có một người, Đường Phi biết ông, ông là Du Đại Thanh, có lần ông nói chuyện với công nhân trong một buổi họp toàn nhà máy. Ông Thanh thì không biết Phi, nhà máy có hơn một nghìn con người, Giám đốc làm sao biết được hết. Quả nhiên, Đường Phi gây được sự chú ý của ông, nhìn Phi đúng là một công nhân, đúng là một công nhân. Phi mặc quần áo lao động vải thô màu xanh sạch sẽ. Ông chú ý không phải vì Phi mặc áo quần lao động mà vì có thể đang giữa giờ làm việc lại có một công nhân tóc xõa lên văn phòng làm gì. Ông chú ý đến đầu tóc Phi, ngọn tóc còn ướt xõa xuống vai, nước chảy ướt hai bờ vai, trông như đeo hai mảnh quân hàm. Ông hỏi Phi tìm ai.
Phi như cố tình như vô ý hất tóc ra sau, hương chanh nhẹ nhàng tỏa lan. Phi nói, cháu... cháu tìm bác Thanh, đây là văn phòng của bác ạ?
Có thể khi Phi đẩy cửa bước vào thấy ông, trong giây lát quyết định nói thế, Phi có bản lĩnh cân bằng và phán đoán nhanh, mọi cơ may ở đời đều dành cho những ai có bản lĩnh. Phi vờ như đẩy cửa vào phòng, tự giới thiệu mình là công nhân phân xưởng đúc, có chút việc muốn phản ánh với giám đốc.
Ông Thanh nói, đây không phải là văn phòng của tôi, tôi cũng đến đây tìm người. Cô có việc sao không đến tìm quản đốc phân xưởng?
Đường Phi trả lời hết sức gãy gọn, bác mới là người cháu tín nhiệm, cả nhà máy, cả Phúc An này, cháu chỉ tín nhiệm một mình bác thôi.
Đó là lời tâng bốc, ông Thanh hiểu ra ngay. Ông không ngờ rằng một nữ công nhân trẻ, xinh đẹp, tâng bốc ông một cách lộ liễu, không rào đón. So với những nữ công nhân trong nhà máy mà ông quen mặt, Đường Phi đẹp hơn nhiều và trông có văn hóa hơn. Phi còn dùng từ ngữ mà công nhân trong nhà máy ít dùng: tín nhiệm. Một từ ngữ đẹp, cho dù có ý nghĩa thân thiết. Rất vui khi được người khác tín nhiệm, ông Thanh nói, vậy cô sang phòng tôi, tôi nghe cô phản ánh.
Hai người vào phòng giám đốc, ông Thanh đến ngồi sau bàn làm việc, Phi ngồi trên ghế gần cửa ra vào.
Ông Thanh nói, cô có việc gì, nói xem nào.
Đường Phi hắng giọng, nói, thế này... vâng, cháu quên giới thiệu tên với bác, cháu là Đường Phi. Mỗi lần bác nói chuyện với công nhân cháu đều chăm chú nghe, bởi bác nói tiếng Bắc Kinh, bác là người Bắc Kinh ạ, cháu cũng là người Bắc Kinh, cháu cùng quê Bắc Kinh với bác.
Tôi là người Bắc Kinh - ông Thanh nói - vừa rồi cô nói tên là Đường Phi, cô họ Đường à?
Vâng, cháu họ Đường, đó là cái họ rất phổ biến.
Cô có thể nói việc cô cần phản ánh xem nào. Ông Thanh đưa câu chuyện trở lại ban đầu.
Đường Phi mạnh dạn nói, thật ra chỉ là chuyện riêng của cháu, cháu muốn được chuyển sang làm một việc khác, ở phân xưởng đúc bẩn và vất vả quá, bác biết đấy, giai cấp công nhân không nên chê bẩn và vất vả, nhưng da cháu bị dị ứng, vào phân xưởng ấy bị dị ứng da.
Ông Thanh nhìn cô gái có nước da trắng mịn, sắc mặt ông rất bình thản, nói: tôi biết, nhưng khó mà chuyển cô sang làm việc khác được. Nhà máy đông công nhân như thế, chuyển cô còn người khác thì sao?
Chắc bác không tin da cháu bị dị ứng, bác xem cánh tay cháu... Phi đứng dậy đi đến phía sau bàn làm việc, xắn tay áo đưa cánh tay sát gần cho ông Thanh xem. Trên cánh tay nhỏ nhắn của Đường Phi nổi rõ những đường gân xanh, đúng là có vài nột đỏ nhỏ như đồng xu, những vết bầm do Phi dùng thuốc giảm đau aspirine gây nên. Phi đến phòng y tế phân xưởng khám thì bác sĩ bảo tạm dừng thuốc, có thể do dị ứng thuốc. Bây giờ Phi lại đổ cho dị ứng do phân xưởng đúc gây nên, vết thương như thế lẽ nào lại không được chuyển sang làm một việc khác, biết đâu công việc sẽ làm cánh tay Phi nát ra. Phi giơ cánh tay để trần khiến Phi mạnh dạn đến gần ông Thanh hơn, chỉ tí nữa là Phi dựa sát vào ông, đồng thời Phi mỉm cười cúi xuống, đặt cánh tay đau đớn lên mặt bàn trước mặt ông Thanh, mái tóc ướt quệt bên tai ông như khiêu khích. Chừng vài ba giây im lặng, Phi thất mắt ông nhìn cánh tay mình để trên bàn. Phi cảm nhận thấy ông Thanh không có ý né tránh, lúc này Phi mạnh dạn hẳn lên, nghĩ rằng mình có thể ngồi lên lòng ông, giả vờ chệnh choạng, người lảo đảo là hoàn toàn có lí do ngồi lên đùi ông. Phi bắt đầu thực hiện cái mẹo của mình, ngồi một cách thuận lợi lên lòng ông. Nhưng lập tức Phi bị ông tóm đứng dậy. Dùng từ "tóm" để hình dung động tác của ông đối với Phi là hoàn toàn chính xác, tuy ông ở phía dưới, Phi ở phía trên, Phi vẫn có cảm giác bị "tóm", Phi thấy lúng túng, rất ngượng. Phi không nhớ quá trình bị "tóm" thế nào, chỉ biết bị "tóm" đứng dậy, một tay ông đẩy nhẹ cánh tay Phi, dựa Phi ngồi lại ghế gần cửa ra vào, còn ông quay lại ngồi sau bàn làm việc.
Còn trẻ con lắm! Ông nghiêm sắc mặt nói với Phi.
Phi xấu hổ không nói được lời nào, từ rất lâu không biết xấu hổ là gì thì ông Thanh cho Phi ôn lại xấu hổ, nhưng trong lòng Phi vẫn chưa chịu. Phi không còn đủ dũng khí ngồi lại nữa.
Về đến nhà, cảm giác thất bại trào lên mãnh liệt. "Cô trẻ con lắm", câu nói của ông Thanh cứ ám ảnh mãi trong đầu. Ông Thanh đã ngoài bốn mươi, đáng tuổi cha chú lắm, ông rất có thể nói "cô trẻ con lắm". Tất nhiên đó không phải là lời trách mắng hay sỉ nhục mà như một lời khuyên nhẹ nhàng. Nhưng những năm đó Đường Phi không hiểu tầng sâu ý nghĩa của câu nói, Phi cảm thấy mình không còn là trẻ con, Phi là người lớn, là gia trưởng của chính mình, là mẹ của chính mình. "Cô trẻ con lắm", câu nói không khó nghe, rất nhẹ nhàng, ai cũng nói được, và cũng làm xúc động lòng Phi. Ông Thanh có thể làm Phi thấy xấu hổ nhưng vẫn không xua được ý muốn rời bỏ phân xưởng đúc. Ông không "cắn câu" nhưng Phi không buông tha cơ hội nói chuyện với ông giám đốc. Đáng tiếc là ông không "cắn câu" lần ấy, Phi còn biết tìm đâu "mồi" khác?
Phi nghĩ ngay đến cái đồng hồ Bảo Thạch Hoa, vật kỉ niệm của anh chàng diễn viên múa trước đây, Phi cất nó định làm tài sản ứng cứu khi cần thiết, bây giờ là lúc phải dùng đến nó. Phi nghĩ đi nghĩ lại, tự hỏi mình không biết bao nhiêu lần, đã đến lúc cần chưa nhỉ? Đúng thế, Phi tự hỏi mình nhiều lần. Chỉ có rời bỏ phân xưởng đúc mới có thể giữ được dung nhan của mình, sắc thái của mình, thanh xuân của mình. Phi yêu tất cả những thứ đó, Phi quả yêu quý sắc đẹp của mình, bởi thế Phi phải hiến dâng cái đồng hồ. Đúng là Phi rất trẻ con, cho rằng ai cũng quý tài sản to lớn cả. Phi lấy cái đồng hồ ra, dùng khăn tay lau thật sạch sẽ, lên dây, rồi cầm cái đồng hồ khe khẽ tích tắc vào phòng ông Thanh, mong ông ban ơn cho được chuyển khỏi phân xưởng đúc.
Lần thứ nhất Phi đẩy cửa vào phòng thì thấy có mấy người đang nói chuyện với ông. Phi đóng cửa lại, tha thẩn ở ngoài. Lần khác, trong phòng chỉ có một mình ông Thanh, Phi vào, không ngồi, nhẹ nhàng đi tới trước bàn của ông, đặt cái đồng hồ lên mặt bàn.
Ông Thanh hỏi, đồng hồ của ai đây?
Đường Phi nói, thưa... à, không ạ, của bác ạ!
Cô nói sao kia?
Thưa bác, cháu biếu bác. Bác chưa thấy cái đồng hồ này đâu, cháu là con gái, đeo không hợp...
Ai bảo cô làm thế?
Thưa, không ai bảo ạ.
Sao lại không ai?
Không ai bảo... không ai bảo đâu ạ.
Ông Thanh cầm cái đồng hồ lên xem rồi đặt xuống mặt bàn. Ông đứng dậy, quay lưng về phía Phi và nói, mời cô cầm lấy cái đồng hồ này rồi ra khỏi phòng tôi ngay.
"Mồi" này của Phi ông cũng không "cắn".
Điều này không khỏi làm Phi bực mình, đâm nghi ngờ. Phi tin chắc ông Thanh không phải loại đàn ông không "cắn câu", ông từ chối tất cả hẳn ông đã nghe trong nhà máy đồn đại về mình, những chuyện hồi còn đi học trung học đã lan truyền trong nhà máy từ lâu. Một lần Phi vô tình nghe thấy hai công nhân đánh cuộc với nhau: A nói với B, đêm nay mày "chơi" được con Phi ở phân xưởng đúc thì tao mất cho mày một bao thuốc, B nói, cái con Phi ấy à, tao "chơi" nát rồi, hễ vẫy tay là nó theo ngay thôi mà... Bọn họ đem Phi ra để đánh cuộc, Phi là công cụ để bọn họ trút thèm muốn ra mồm. Phi tin rằng ông giám đốc đã nghe những chuyện về mình, ông sợ dính phải Phi, cái được chẳng bù lại cái mất. Ông không như anh công nhân Thích kia, anh ta chỉ là phó quản đốc một phân xưởng. Nghĩ thế, mặt Phi bỗng lạnh toát, giấc mơ thoát khỏi phân xưởng đúc thế là tan vỡ, tan vỡ thê thảm. Phi phải tiếp nhận cái tan vỡ ấy, phải nhận thêm cái khó chịu của người đàn ông đứng đắn trao cho Phi. Mặt Phi tê dại. Đối phương đứng đắn như thế Phi phải tìm cách không đứng đắn, lấy cái không đứng đắn trị cái đứng đắn, chừng như hai bên đang thù hòa, Phi không cam chịu thất bại nhanh như thế. Phi lạnh lùng nói sau lưng ông Thanh: bác bắt cháu cầm đồng hồ về, bác nghĩ rằng cháu phải phục bác đấy à? Hừm, kì thực bác chỉ là một người nhát gan. Gan bác chỉ lớn bằng cái đầu kim. Bác không muốn với cháu... cháu đẹp thế này... bác sợ cháu làm bẩn người bác, sợ cháu bôi nhọ thanh danh của bác. Thật ra bác đã nhầm, bác có ngủ với cháu thì cháu cũng không đi rêu rao đâu, cháu là...
Ông Thanh quay lại ngắt lời Phi, ông đi ra mở cửa, chỉ lên mặt bàn và nói, tôi nói lại một lần nữa, cô cầm lấy cái đồng hồ, đi ra khỏi phòng tôi ngay.
Phi ra về, về đến nhà khóc tức tưởi. Nhưng một tuần lễ sau, quản đốc phân xưởng thông báo, Phi được điều lên văn phòng học đánh máy chữ để làm nhân viên đánh máy.
Phi biết ai đã giúp mình. Phi vừa vui mừng vừa ngạc nhiên nhưng không dám vào phòng ông Thanh, cũng không dám cảm ơn ông.
31
Lẽ ra Đường Phi không lấy chồng thì tốt hơn. Thế nhưng Phi lấy chồng, bởi không chịu nổi lời cầu khẩn van xin của Thôi.
Thôi là công nhân phân xưởng đúc, Phi rất hiểu, so với những người con trai thích Phi thì Thôi thành tâm, con người hắn ta héo rũ, trực tính, đôi mắt mở to trắng dã lúc nào cũng vằn tia máu, không nghe ai khuyên bảo bao giờ, cứ thẳng đường đi từ sáng đến tối. Sau ngày Phi lên làm nhân viên đánh máy trên văn phòng, điều tiếng về Phi trong phân xưởng càng nhiều hơn, chỉ vì thế mà mấy lần Thôi cầm dao đe dọa những công nhân khác. Cuối cùng hắn ta cầm dao đi tìm Phi, nói: tôi lấy cô!
Đường Phi nói, anh nói đùa đấy chứ, những chuyện ấy tôi đã nói với anh rồi kia mà. Thôi nói, dù cô có chuyện gì đi nữa tôi vẫn thích cô. Phi nói, anh đừng ấm đầu, con trai tìm vợ phải tìm người đứng đắn. Anh lấy tôi ấy à, nhà anh không bằng lòng đâu. Thôi nói, tôi lấy cô cô mới là người nhà tôi. Nghe nói vậy, sống mũi Phi bỗng cay nồng, Phi nói, anh cứ giữ lấy lời, về nghĩ kĩ đi mấy hôm nữa chúng ta sẽ nói chuyện tiếp. Thôi "hừm" một tiếng rồi lấy dao chích ngón tay trỏ của mình, máu chảy ròng ròng và nói, tôi nghĩ kĩ rồi, tôi thề phải lấy cô, chúng mình lấy nhau, sống hạnh phúc với nhau.
Bỗng Đường Phi nhớ lại, có lần Thích khuyên "phải biết sống chứ," con người ai mà chẳng muốn sống đẹp, người nói phải sống đẹp không phải là tất cả muốn hướng tới cái đẹp, Đường Phi cảm động lắm, phải đâu Phi không muốn hạnh phúc với người con trai yêu mình tha thiết.
Hai người lấy nhau.
Hai người lấy nhau làm cho một số thanh niên trong phân xưởng cay cú, người con gái tưởng chừng để dùng chung bỗng bị anh chàng Thôi nẫng tay trên! Tưởng đâu anh ta cả gan lấy người con gái không ai dám lấy đã làm bẽ mặt mọi người. Bọn chúng rất hận Thôi, dường như hắn ta là kẻ phản bội cánh thanh niên, phản bội bạn bè. Có mấy cậu càn quấy rất muốn tìm Thôi để gây sự, bọn chúng công khai sỉ nhục hắn, tìm cách làm hại Đường Phi. Bọn chúng nói năng rất sỗ sàng: Thôi, tối hôm qua mày đi làm đêm, mày biết tao đi đâu không? Tao đến ngủ trên giường mày đấy, cho đến sáng vợ mày mới buông tao ra...
Thôi không ngờ sự việc lại đến nông nỗi ấy, sự việc không đơn giản như hắn nghĩ. Nhưng hắn ta không rời Đường Phi ra được, hắn được hưởng trăm ngàn cái hay trên người Đường Phi. Hắn bắt đầu nát rượu, mỗi tháng say bất tỉnh nhân sự hai mươi hôm. Khi tỉnh rượu, hắn nói Phi lại mà đánh, đánh bằng thắt lưng da, đánh bằng giày. Hắn ta vừa đánh vừa truy bức Phi: cô làm thế nào để được lên làm nhân viên đánh máy, nói đi, làm thế nào... Đường Phi tránh làn roi của chồng, nói, tôi không biết, tôi không làm gì. Hắn rít lên: trừ tao ra còn ai cũng biết. Đường Phi nói, biết, biếtgì nào? Hắn đau đớn nói, mày... mày với lão giám đốc... lão Du Đại Thanh. Hắn ta nói ba tiếng Du Đại Thanh thật khó khăn, khó khăn lắm, nhưng nói ra được lại cảm thấy khoan khoái. Mọi sự đè nén và ngờ vực cuối cùng đã ra ánh sáng, hắn ta muốn biết ngọn ngành sự việc. Hắn áp sát vào tai Phi, vừa tóm chặt hai bả vai Phi vừa nói, lão ta ngủ với mày thế nào, nói nhanh lên. Đường Phi đau đến chảy nước mắt, nói, bác ấy không thể, bác ấy không làm gì tôi, tôi không nói dối đâu. Hắn càng bóp mạnh hai bả vai Phi, nói, lão ngủ với mày ngay trong phòng làm việc, đúng thế. Phi đau sắp ngất đi được, nếu nói thật thì bị đau đớn, nhưng tại sao Phi không nói thật. Phi nói, đúng là Phi quyến rũ, sự việc xảy ra trong phòng ông ấy, Phi cho ông ấy xem vết bầm ở cánh tay, ông ấy ngồi ở ghế kéo tay Phi, Phi ngồi lên lòng ông ấy...
Hắn cởi trói cho Phi khi nghe Phi "thú nhận", Phi "thú nhận" nên không bị đánh nữa, bỗng hắn nổi cơn thèm làm tình với Phi. Hắn kéo tay Phi, kéo Phi lên giường, vừa đi hắn vừa cởi quần, vừa vội vã hỏi sau đấy thế nào. Phi bị hắn lột hết quần áo, tiếp tục nói dối. Phi nói được ông Thanh ôm vào lòng, sờ mó rồi vật xuống bàn... Hắn bắt đầu những động tác mạnh mẽ trên người Phi, vẫn tiếp tục truy hỏi ông Thanh hành sự theo cách nào và bao lâu. Hắn rất muốn nghe Phi "tường thuật" một cách tỉ mỉ hình như làm hắn hưng phấn hơn, đã thèm hơn, lại đòi được thể hiện cái tân kì thay đổi vai diễn. Lúc này người con gái nắm dưới mà hắn cho vào không phải là vợ hắn mà là một ả gải điếm phóng đãng, mặc cho thằng đàn ông tha hồ đùa nghịch. Mà hắn cũng không phải là chồng Phi nữa, hắn là ông giám đốc Thanh, ông Thanh làm được thì hắn cũng làm được. Hắn vừa làm, vừa theo lời kể của Phi để được kích thích mãnh liệt và khoái cảm cực điểm chưa từng có. Hắn không rõ mình đang trừng phạt ông Thanh hay đang vụng trộm với một cô gái không biết xấu hổ. Hắn chỉ cần có thế, vô cùng cần được như thế. Đường Phi lúc này cũng từ những lời nói nhục nhã và chà đạp mình nhận được sức mạnh chưa từng có của hắn, hắn làm tình trần trụi các kiểu. Được lắm, Phi nghĩ. Sướng chết mất, Phi cảm thấy. Lần đầu tiên Phi khoái cảm thật sự, được chồng kích thích trong tình trạng không ra sao, hắn làm Phi đau đớn về thể xác rồi lại chà đạp, chà đạp Phi đến sống dở chết dở, và cũng là cái khoái cảm mà chưa bao giờ Phi biết đến. Phi thà ngàn lần bị đánh đập để đổi lấy khoái cảm sống dở chết dở của người đàn ông đưa lại.
Đó là màn dạo đầu chung chăn chung gối của hai người: Đường Phi kể chuyện ăn nằm với đàn ông cho chồng nghe. Phi kể chuyện cùng với gã đội trưởng giày trắng, với anh diễn viên múa thời còn đi học cho đến khi vào nhà máy. Nhiều hơn cả là những chuyện bịa đặt, bịa đặt địa điểm từ xa đến gần, cuối cùng là giường nhà. Phi nói với chồng nàng, khi anh ta say bí tỉ thì Phi đưa trai về nhà, ngủ với Phi ngay bên cạnh anh chồng say. Phi nói, anh thấy thế nào, vợ anh có tuyệt chiêu không? Mắt hắn như bốc lửa, chồm ngay lên người Phi, như cố tình đọ sức với những gã con trai kia, như người con gái bị hắn làm cho tơi tả đang nằm bên cạnh anh chồng say bí tỉ, anh chồng ấy không phải là hắn, hắn không phải là chồng Đường Phi. Làm chồng Phi khó quá, hắn đã đi vào ngõ cụt.
Cuộc hôn nhân như thế chắc chắn không thể dài lâu, hai con người ấy sống với nhau thật hãi hùng, cả hai cùng nhận thấy ngày tàn đang đến gần. Thế rồi một hôm cả hai không còn bão táp, không còn phải kêu khóc, giữa họ có một ngày đẹp, bởi: hắn có bạn gái, một cô công nhân học việc của hắn, tên là Nhị Linh.
Có Nhị Linh hắn không đòi Phi "kể chuyện", hắn đã sắm vai người con trai trong câu chuyện của Đường Phi, hẹn hò với con gái ngoài vợ, khiến trái tim hắn từ lâu bị co thắt buồn đến chết nay được yên tĩnh, bình lặng. Hắn không cảm thấy có lỗi với Đường Phi, chỉ thấy có thể tha thứ cho Phi.
Đường Phi là người nêu chuyện li hôn. Hôm ấy, Phi mua cho hắn hẳn một chai rượu trắng Nhất Mẫu Tuyền, hai cái tai thỏ và một khúc dồi lừa, Phi và hắn ngồi uống với nhau. Phi đi thẳng vào vấn đề: anh Thôi, Nhị Linh là con nhà lành, anh không được làm điều gì sai trái với cô ấy. Hắn đoán Đường Phi đã biết mọi chuyện, mặt đỏ lựng nói, cô muốn sao, định nói gì tôi? Phi nói, ạnh bình tĩnh, tôi không nói gì anh đâu, tôi chỉ nói với anh một điều. Hắn hỏi điều gì. Phi nói, chúng ta li hôn, Linh mới là người đáng để anh lấy làm vợ.
Hắn không ngờ Đường Phi nói thế, Phi nói ra những điều mà hắn khó nói ra. Phi hứa sẽ giữ thể diện cho hắn, giữ cả chuyện cắt ngón tay lấy máu thề đòi lấy Đường Phi bằng được. Hắn xấu hổ, liền tợp một chén, tưởng như mượn rượu để xóa đi những gì không trong sáng trong lòng. Hắn nói, cô Phi, vốn là tôi không nghĩ thế, nhưng... Đường Phi nâng chén rượu, cắt ngang lời hắn: đời người nhiều "vốn là" lắm, đừng nói nữa, chúng ta uống đi. Phi uống một li, liếm liếm môi, hai tay vỗ nhẹ vào nhau. Ngày mai chúng ta bỏ nhau thôi. Phi nói rất bình tĩnh, hắn nghe rất rõ, nhưng động tác Phi thè lưỡi liếm môi làm hắn chú ý. Hắn không đủ sức để hình dung động tác ấy đã đem đến cho hắn một cảm nhận, nhưng động tác ấy làm hắn kích động, đầu lưỡi đỏ hồng của Phi, chỉ lộ ra một ít, rất nhanh liếm làn môi khẽ run thật khó nhận biết, như chú mèo, một động vật nhỏ đang liếm vết thương của nó. Quanh Phi là căn phòng với bốn bức tường trống trải. Nhà chỉ có chăn gối không còn gì khác, tiền cũng bị hắn lấy đi uống rượu, ngay cả lương của Phi hắn cũng đến lĩnh, mà cứ xài hết như thế lại hay. Chưa bao giờ vì đồng tiền mà Phi phải cãi nhau với hắn, Phi để hắn tùy ý tiêu xài, còn mình thì bằng lòng mặc quần cũ hoặc quanh năm không rời bộ quần áo bảo hộ lao động. Hắn nhìn Phi mặc quần áo lao động cũ, nghĩ đến đầu lưỡi đỏ hồng của Phi thò ra rồi nhanh chóng rụt vào, trong giây lát cái quyết tâm "bỏ" của hắn bị dao động. Hắn nhớ lại, hắn bắt đầu thích Phi cũng từ cái miệng, khóe miệng Phi đẹp quá, cái miệng làm hắn mê mẩn đầu óc. Nát rượu làm hắn quên hết, hắn quên nhiều chuyện, bây giờ mới nhớ lơ mơ, hắn nhớ ra rằng Đường Phi chưa bao giờ cho hắn đụng đến làn môi, dù Phi là vợ hắn. Thế là hắn đòi hôn Phi, đòi hôn vào lúc hai người quyết định li hôn. Đường Phi đẹp diệu kì trước khi lấy nhau đang dần dần hiện về trong tâm trí hắn. Hắn muốn hôn Phi, nhưng Phi giăng tay ngăn mặt hắn lại.
Đừng! Phi nói.
Cho đến nay tôi vẫn không hiểu cô về chuyện này. Hắn nói.
Đường Phi đứng dậy, nhẹ nghiêng đầu, dáng điệu kiêu sa, nghiêm nghị tạ tuyệt, như người con gái bình thường, nát tan biến thành rồng phượng xa vời không thể nào cắt nghĩa nổi. Phi nghiêng đầu, mắt nhìn đi chỗ khác, nói, ngày mai tôi dọn về khu tập thể độc thân.
Hắn nhìn Đường Phi xa xăm, không thể không kết luận đúng là một người con gái mà hắn chưa hề quen biết, hạng con trai như hắn không thể nào xứng tầm với người con gái này. Hắn sợ người con gái này, người hắn lấy làm vợ chỉ có thể như Nhị Linh. Hắn thấy hổ thẹn, nhưng là sự thật. Hổ thẹn nhưng là sự thật, sự thật nhưng lại hổ thẹn. Hắn li hôn với Phi.
Đường Phi lại sống những ngày độc thân. Trong những ngày ấy Phi nhớ đến những người bạn thuở niên thiếu và thời thanh xuân. Khiêu và Do Do năm xưa rất ngưỡng mộ danh hiệu "giai cấp công nhân" của Phi nay cũng đã lớn, đã qua rồi cái thời Phi dẫn hai bạn đi tham quan nhà máy, cùng ăn bún trong căn phòng của Phi, tất cả như thoáng qua. Khiêu vào đại học, Do Do thì học trung cấp du lịch đều giục Phi thi đại học, Phi cười, nói với hai bạn: tớ... tớ ấy à?
Thời đại tiến lên, dĩ nhiên Đường Phi không chịu cô đơn. Một người bà con của Khiêu là Giám đốc Học viện mĩ thuật, Khiêu giới thiệu Phi vào làm người mẫu cho khoa sơn dầu. Đường Phi được nhận vào, Khiêu nói, tiền công hai buổi sáu tiếng đồng hồ bằng cả tháng lương đấy. Phi vui vẻ nói, thế còn đòi gì nữa mà không làm. Khiêu nói, người mẫu khỏa thân, rất nên vẽ tớ khỏa thân, đằng ấy bảo có được không?
Hồi bấy giờ mới bắt đầu thời kì mở cửa, mọi người còn xa lạ, cảnh giác với cái từ người mẫu, cho đó là cái từ thuộc về bản năng, rất đáng khinh, không phải là cái từ cao sang gì. Trong buổi đầu, dù là ở các thành phố lớn, những người con gái ngồi trên bục làm mẫu trong các trường mĩ thuật được gọi là những con người của thời đại mới cũng chỉ dám ngồi quay lưng lại. Làm người mẫu có thu nhập cao hơn hẳn những công việc khác khiến các cô phải ngạc nhiên, họ là những người đầu tiên ở Trung Quốc thời bấy giờ - còn trước cả các cô gái buôn bán phát tài - mua được áo da và các loại trang phục cao cấp. Lúc bấy giờ các cô người mẫu không dám mặc áo da về nhà, không muốn để bố mẹ và bạn bè biết mình thu nhập cao bởi làm cái nghề mọi người khinh rẻ. Các cô vẫn mặc áo quần bình thường ra khỏi nhà, rồi đến nhà bạn thay đồ cao cấp dạo phố, tận hưởng khoản thu nhập chính đáng nhưng vụng trộm.
Đường Phi người ở tỉnh khác đến, chẳng có gì phải sợ, bởi nhà Phi là nhà của mình. Khi Phi khoả thân xuất hiện trên bục, Phi biết rằng ánh mắt thấy giáo và sinh viên, những ánh mắt không tà ý, rất thán phục nhưng phải kiềm chế hưng phấn. Bởi thế Phi không đi làm nữa, nhân viên đánh máy là cái quái gì, lương của giám đốc bao nhiêu, ông Thanh giám đốc... Không, ông Thanh đã lên Cục trưởng, ông đã được điều lên Cục Cơ khí, lương Cục trưởng bao nhiêu nhỉ, Phi nghĩ. Suốt ngày Phi cáo ốm, Phi bận, cứ phải tranh thủ. Trong giới nghệ thuật Phi cũng đã có chút tiếng tăm, ngoài những trường và viện, một số họa sĩ thuê tiền để đưa Phi về nhà vẽ, cảnh hoạ sĩ trẻ ghen nhau vì Phi, nhưng Phi giải quyết cũng thật đơn giản và dứt khoát: ai trả nhiều tiền thì đi với người đó. Một hoạ sĩ trẻ (thuộc đám hoạ sĩ tóc dài) vừa tốt nghiệp Học viện Mĩ thuật Trung ương về, trả thù lao gấp năm lần những người khác, tất nhiên Phi theo anh này. Nhà anh này rất rộng, ở cùng bố mẹ, dành hẳn một phòng làm phòng vẽ. Sau rồi Phi biết bố anh họa sĩ này là Phó thị trưởng Phúc An. Anh hoạ sĩ bắt đầu bày biện đồ nghề để vẽ Phi, nhưng anh cũng chỉ mới phác thảo sơ qua vài nét rồi vứt cọ ngồi ôm đầu. Phi hỏi, sao anh không vẽ? Hoạ sĩ nói, em làm anh không thể yên nổi. Phi nói, tốt thôi. Hoạ sĩ hỏi phải làm thế nào. Phi nói bình thản như nước: ngủ với em. Hoạ sĩ ngủ với Phi, vẽ, rồi yêu Phi.
Anh ta là một thanh niên còn rất trong trắng, kém Phi vài tuổi. Đường Phi nói với Khiêu, ôm đầu anh ấy vào lòng mà cảm giác anh ta như một đứa trẻ. Anh ta nói với Phi đó là lần đầu, nhưng Phi thì không chút rung động, không rung động mới làm Phi thắng tất cả. Về sau anh hoạ sĩ này cãi nhau với ông bố, bởi ông Phó thị trưởng tỏ ra quan tâm đặc biệt đến Phi, ông gặp Phi vài lần ở nhà thế rồi mời Phi đi ăn, ông ta còn đòi xem con trai vẽ.
Đường Phi thì không thích ông bố anh hoạ sĩ, không thích tiếng cười lõi đời, ánh mắt hấp háy không trong sạch và cả bộ mặt bóng nhẫy đáng ghét. Phi nghĩ, sức quyến rũ ở loại người này chỉ ở quyền thế, ông ta là kí hiệu của quyền thế. Một khi quyền thế không còn, cá thể ông ra còn gì nữa đâu. Phi hình dung ông Phó thị trưởng như thế không phải để chứng minh và so sánh tình yêu đối với anh con trai ông ta, không, Phi không yêu ai. Phi nói với Khiêu, chỉ mong sao cho hai bố con cãi nhau để được thoát thân, Phi không muốn mất thời gian vì hai bố con nhà này.
Phi cứ tưởng Khiêu chỉ nghe thế thôi, nhưng Khiêu không chỉ thế. Hồi đó, Khiêu vừa tốt nghiệp đại học và được phân công về dạy học ở Phúc An. Khiêu rất không thích nghề dạy học, muốn sang làm ở nhà xuất bản. Khiêu dự đoán việc xuất bản ở cuối thế kỉ này và sang đầu thế kỉ tới, rất nhiều tài liệu cho biết xuất bản sẽ trở thành một ngành kinh doanh lớn. Khiêu đang buồn vì công việc, buồn một nỗi không có mối quen biết nào thật mạnh giúp mình bỏ nghề dạy học để sang xuất bản. Đường Phi nhắc đến ông Phó thị trưởng, Khiêu không nghe chuyện rồi bỏ qua. Khiêu tỏ ra hèn kém nói với Phi về ý muốn của mình và nhờ Phi nói chuyện với ông Phó thị trưởng.
Có thể đó là việc không cần lên tiếng nhờ vả, Đường Phi không thể nào quên được, nhiều năm qua cả hai không nhờ vả gì nhau, nhưng khi Khiêu vừa nói ra, Phi biết đã đến lúc phải trả nợ. Phi không trách Khiêu mà còn thấy may mắn được Khiêu tạo cơ hội.
Phi đi tìm ông Phó thị trưởng. Và được việc. Việc này với Phi không có gì khó, chỉ buồn nôn. Phi cố không nghĩ đến cảm giác co giật khi ông Phó thị trưởng áp cái bụng đầy mỡ vào da thịt mình, Phi chỉ nghĩ đến Khiêu, tớ tốt với đắng ấy thế đấy!
Khiêu đã hi sinh danh dự của Phi để giữ cho mình trong sạch và được vào làm ở Nhà xuất bản Nhi Đồng. Sau mười năm, Khiêu trở thành Phó Giám đốc của Nhà xuất bản.
Khiêu kể cho Phàm nghe chuyện này, những mong Phàm không do dự đứng về phía mình như hồi còn bé, Khiêu mong Phàm nói: chuyện ấy có là gì, có là gì, Đường Phi vốn là người như thế. Khiêu mong sao có người nói hộ mình câu ấy. Đường Phi vốn là người như thế, bán thân một lần có khác gì bán thân mười lần đâu! Khiêu mong có ai nói giúp câu ấy, nói giúp Khiêu được giải thoát, không còn tỏ ra đê hèn. Phàm không nói, chỉ nói, chị không biết xấu, chị thật đáng hổ thẹn!
Chú thích
1.Nữ diễn viên người Anh, trong vai Scarlett O'Harra, phim Cuốn theo chiều gió của Mỹ - ND.