• 1,546

Chương hai


Số từ: 14267
Người dịch: Nguyễn thị Hải Hà
NXB Lao Động
Nguồn: vietmessenger
Olanna lắc lư theo điệu Tân nhạc 1 phát ra từ radio trong xe. Tay nàng đặt lên đùi Odenigbo; nàng nhấc tay lên khi chàng sang số đặt tay trở lại và cười rộ khi chàng trêu nàng là thần vệ Nữ đã chi phối đầu óc mọi người. Nàng thấy ngất ngây bên cạnh chàng, cửa sổ xe được quay xuống, bụi bay mịt mù và giọng hát của Rex Lawson thật mơ màng. Chàng sẽ phải lên giảng đường trong vòng hai giờ nữa nhưng cứ nhất quyết đòi đưa nàng ra sân bay Enugu. Tuy ngoài mặt phản đối nhưng trong lòng nàng rất thích. Khi hai người lái xe trên con đường​ hẹp băng ngang đồi Milliken, một bên là thung lũng sâu thăm thẳm, một bên là sườn núi lởm chởm, nàng cũng không nhắc chàng là chàng lái quá nhanh. Nàng cũng không nhìn cái bảng viết bằng tay, nét chữ cứng và thô, THÀ ĐẾN MUỘN CÒN HƠN LÀ NGƯỜI THIÊN CỔ.
Nàng thất vọng nhìn thấy mấy chiếc máy bay trắng đục lướt nhẹ nhàng lên không trung khi hai người đến gần sân bay. Chàng dừng xe dưới mái hiên của cổng vào. Những người khuân vác hành lý thuê vây quanh xe và hỏi, "Ông bà có hành lý không ạ?", nhưng Olanna không nghe thấy họ nói gì bởi vì chàng đã kéo nàng sát vào người chàng.
"Anh không thể chờ được nữa, nkem", chàng nói, môi chàng gắn chặt môi nàng. Nụ hôn của chàng có vị ngọt như mứt hoa quả. Nàng muốn nói với chàng là mình rất háo hức muốn dọn về Nsukka, nhưng chắc không cần nàng phải nói chàng cũng đã biết. Một nụ hôn nồng nàn, và nàng cảm thấy hơi ấm rất mới, lan tỏa giữa hai chân nàng.
Có tiếng còi xe inh ỏi. Một người khuân hành lý kêu to, "Hây, đây là chỗ xếp hàng. Ồ! Chỉ xếp hàng thôi nhé!"
Cuối cùng, Odenigbo buông nàng ra và nhảy khỏi xe để lấy hành lý của nàng trong cốp. Chàng mang túi hành lý của nàng đến quầy bán vé. "Em đi an toàn nhé, ije oma", chàng nói.
"Anh lái xe cẩn thận", nàng nói.
Nàng ngắm chàng dần dần rời xa nàng, một người đàn ông lực lưỡng mặc quần ka ki và áo sơ mi ngắn tay có vẻ rất tươm tất vì được là thẳng nếp. Chàng bước đi, vẻ tự tin có phần thái quá: cái cử chỉ của một người không chịu hỏi đường nhưng vẫn tin tưởng thế nào cũng đến được chỗ mình muốn đến. Sau khi chàng lái xe đi, nàng cúi đầu, hít hà. Nàng đã dùng một ít nước hoa Old Spice 2 của chàng sáng nay, như thể vô tình thôi, và cũng không cho chàng biết vì sợ chàng sẽ cười chế nhạo. Chàng sẽ không thể nào hiểu được thói quen kỳ quặc của nàng - luôn mang theo một chút mùi hương của chàng. Làm như là mùi thơm có thể, ít nhất là một thời gian ngắn, dập tắt những thắc mắc của nàng và làm cho nàng hơi giống chàng thêm một chút. Tự tin thêm và ít nghi ngờ hơn.
Nàng quay vào chỗ người bán vé và viết tên nàng lên một mảnh giấy. "Chào ông! Xin vui lòng cho tôi một vé một chiều đi Lagos".
"Ozobia?" Người bán vé mặt đầy mụn tươi hẳn lên với cái miệng cười thật rộng. "Con gái của Ông Trùm 3 Ozobia?"
"Vâng".
"Ồ! Xong hết rồi, thưa cô. Tôi sẽ bảo một người khuân hành lý dẫn đường cho cô đến phòng chờ VIP". Người bán vé quay ra sau. "Ikenna! Cái thằng mắc dịch ấy đâu rồi? Ikenna!"
Olanna lắc đầu, cười. "Không cần đâu, bác ạ". Nàng lại mỉm cười, có vẻ như muốn trấn an ông, để ông hiểu rõ điều này không phải là lỗi của ông và chính nàng cũng không thích ngồi chờ trong phòng VIP.
Phòng đợi chung đông nghẹt người. Olanna ngồi đối diện với ba đứa nhỏ ăn mặc rất sơ sài, nghèo nàn và đi dép. Mấy đứa nhỏ cười rúc rích từng hồi nên bố chúng thỉnh thoảng lại đưa mắt nhìn nghiêm khắc. Một bà cụ có khuôn mặt nhăn nheo, bà của bọn trẻ, ngồi gần Olanna nhất. Bà ôm chặt cứng cái ví, làu bàu nói một mình. Olanna có thể ngửi thấy mùi hăng mốc từ cái áo khoác của bà, chắc là nó được moi trong rương ra, chiếc áo từ khươm mươi niên dành riêng cho những buổi đặc biệt như thế này. Khi giọng nói trong trẻo, rõ ràng thông báo chuyến bay của hãng hàng không Nigeria hạ cánh, người bố nhỏm dậy và lại ngồi xuống.
"Chắc là ông đang chờ ai đó", Olanna nói với ông bằng tiếng Igbo.
"Vâng, nwanne m, em trai tôi hồi hương sau khi du học bốn năm ở nước ngoài". Tiếng địa phương Owerri của ông đậm đặc chất nhà quê.
"Thế à!" Olanna nói. Nàng muốn hỏi ông ta xem em ông ấy chính xác là học ở đâu, nhưng nàng đã không hỏi. Có thể ông ta cũng không biết.
Bà cụ quay sang Olanna. "Em nó là người đầu tiên trong làng được đi nước ngoài và người làng chúng tôi chuẩn bị tổ chức một buổi khiêu vũ mừng em nó. Đoàn vũ công sẽ đón chúng tôi ở Ikeduru". Bà mỉm cười vinh hạnh để lộ hàm răng màu nâu. Giọng của bà còn nặng hơn; khó mà hiểu trọn vẹn những điều bà nói. "Đàn bà quê tôi rất ganh tị, nhưng có phải là lỗi của tôi đâu nếu đầu con họ không có óc, còn con tôi được học bổng của người da trắng".
Có chuyến bay khác vừa được thông báo hạ cánh và người bố nói, "Chere! Nó đây rồi, nó đây!"
Mấy đứa trẻ đứng dậy và người bố bảo tụi nó ngồi xuống, nhưng chính ông ấy lại đứng dậy. Bà cụ ôm khư khư cái ví vào trong lòng. Olanna nhìn máy bay hạ cánh. Nó chạm mặt đất rồi bắt đầu chạy chậm vào đường bay, bà cụ hét lên và làm rơi cái ví.
Olanna giật mình. "Cái gì thế? Cái gì thế?"
"Mẹ!", người bố nói. "Tại sao nó không chịu dừng?" Bà hỏi, hai tay ôm lấy đầu, vẻ tuyệt vọng. "Chi m! Lạy Chúa tôi! Tôi xui quá! Họ bắt con tôi đi đâu chứ! Các người lừa dối tôi phải không?"
"Cụ à, máy bay sẽ dừng", Olanna nói. "Nó phải làm như vậy khi mới hạ cánh". Nàng nhặt cái ví của bà lên và nắm hai bàn tay chai sạn của bà cụ. "Nó sẽ dừng", nàng nói thêm lần nữa.
Nàng giữ tay bà trong tay mình cho đến khi máy bay dừng hẳn lại và bà cụ rút tay ra khỏi tay nàng, lầm bầm nói bọn ngu ngốc không biết cách làm máy bay. Olanna nhìn gia đình này vội vàng đi ra cổng đón hành khách đến. Vài phút sau nàng đi ra cổng của mình, khi đi nàng cứ ngoái nhìn lại đằng sau, hy vọng được thấy anh chàng du học. Nhưng không thấy.
Chuyến bay của nàng hơi dằn xóc. Người đàn ông ngồi cạnh nàng đang nhai hạt kola đắng rau ráu, và khi hắn quay sang bắt chuyện, nàng cứ nhích dần ra để tránh hắn, cho đến khi nàng bị ép sát vào góc trong cùng.
"Tôi cần phải nói cho cô biết là cô rất đẹp", hắn nói.
Nàng mỉm cười, cảm ơn và chúi mắt vào tờ báo. Odenigbo chắc sẽ buồn cười khi nàng kể cho chàng nghe về người đàn ông này, bằng cái cười chế nhạo những người chiêm ngưỡng nàng và với vẻ tự tin không bao giờ lay chuyển. Đó cũng là đặc tính đầu tiên đã thu hút nàng trong một ngày tháng Sáu hai năm về trước ở Ibadan, một ngày mưa, bầu trời khoác tấm áo choàng xanh thẫm của buổi hoàng hôn mặc dù lúc ấy mới chỉ giữa trưa. Nàng từ Anh về nhà nghỉ lễ. Nàng đang có quan hệ rất mật thiết với Mohammed. Lúc đầu nàng không chú ý đến Odenigbo. Nàng đang xếp hàng ở phía trước chàng bên ngoài nhà hát của trường đại học để mua vé. Có thể nàng sẽ chẳng bao giờ để ý đến chàng, nếu không có một người da trắng tóc bạc đứng đằng sau nàng và nếu người bán vé không ra hiệu cho người da trắng này lên trước. "Để tôi giúp ông, thưa ông", người bán vé nói, trong cách phát âm khôi hài đến khốn khổ cố gắng cho giống giọng người da trắng mà những người ít học hay tập tành.
Olanna bực mình nhưng chỉ chút ít thôi, bởi nàng thấy cả hàng di chuyển cũng khá nhanh. Vì thế nàng rất ngạc nhiên trước cơn giận dữ của người đàn ông mặc bộ âu phục safari và đang kẹp nách một quyển sách: Odenigbo. Chàng đi lên đầu hàng, dẫn người da trắng kia về chỗ cũ của ông ở trong hàng và quát to với người bán vé. "Anh ngu kia! Anh quý người da trắng hơn đồng bào của mình à? Anh phải xin lỗi tất cả những người đang đứng xếp hàng ở đây. Ngay lập tức!"
Olanna ngắm nghía đôi chân mày cong đằng sau cặp mắt kính và thân hình lực lưỡng của chàng; ngay lập tức, nàng đã nghĩ đến chuyện tìm cách nào nhẹ nhàng nhất để thoát khỏi vòng hệ lụy với Mohammed. Có lẽ ngay lúc ấy nàng đã biết là Odenigbo rất khác biệt, kể cả khi chàng không lên tiếng; chỉ riêng mái tóc của chàng cũng đã nói lên điều ấy, nó bừng lên như một vầng hào quang cao quý. Nhưng cũng có một vẻ gì chải chuốt không thể nhầm lẫn được. Chàng không phải là người dùng bộ dạng lôi thôi để biểu lộ tính cực đoan của mình. Nàng mỉm cười và nói, "Hay lắm!", khi chàng đi qua chỗ nàng đứng và đó là điều bạo gan nhất của nàng từ trước đến giờ - chủ động bắt chuyện với một người đàn ông. Chàng dừng lại và tự giới thiệu. "Tôi tên là Odenigbo".
"Tôi là Olanna", nàng nói. Về sau, nàng kể cho chàng nghe là ngay lúc đó, nàng cảm giác như có một phép nhiệm màu nổ lách tách trong không gian và chàng cũng kể cho nàng biết là lúc ấy chàng bỗng thèm muốn nàng vô cùng, thèm muốn đến độ chỗ ấy của chàng nhức nhối.
Khi đến lúc chính nàng cảm thấy ham muốn, nàng ngạc nhiên hơn bất cứ điều gì. Nàng không biết là sự xâm nhập của một người đàn ông có thể làm ngưng cả trí nhớ, và rất có thể dừng ở chỗ mà nàng không thể suy nghĩ hay hồi tưởng mà chỉ có thể cảm nhận. Cảm giác này không hề thay đổi sau hai năm, và cả cái say đắm sững sờ của nàng về cái bản tính tự tin kỳ cục hay lòng tôn trọng đạo đức rất mạnh mẽ của chàng, cũng không hề suy chuyển. Nhưng nàng lo rằng, sự say đắm này vẫn còn, bởi vì đây là thứ tình yêu mà hai người chỉ được phép nhấm nháp dè sẻn từng miếng nhỏ. Nàng gặp chàng khi nàng về nhà nghỉ lễ; họ viết thư cho nhau, họ nói chuyện điện thoại với nhau. Bây giờ nàng trở lại Nigeria, hai người có thể sống chung với nhau, và nàng không hiểu làm thế nào mà chàng không có vẻ hoang mang, lo âu. Chàng quá tự tin.
Nàng nhìn những đám mây bên ngoài ô cửa sổ, những cụm khói thật dày bay nhẹ nhàng xung quanh và nghĩ chúng dễ tan vỡ đến chừng nào.

Olanna không có ý định dùng cơm tối với bố mẹ bởi vì hai ông bà mời cả Ngài Okonji. Nhưng mẹ nàng vào phòng dỗ dành nàng ra ăn cơm cùng cả nhà; không phải ngày nào bố mẹ nàng cũng mời ông Bộ trưởng Bộ Tài chính và bữa ăn tối này càng quan trọng hơn nữa bởi vì bố nàng đang nhắm nhe vào cái hợp đồng xây dựng. "Biko, mặc cái gì thật đẹp nhé. Kainene cũng sẽ diện đẹp nữa", mẹ nàng nói thêm, làm như nếu nói tên người chị song sinh thì mọi chuyện sẽ được hợp thức hóa vậy.
Lúc này, Olanna kéo cho tờ khăn ăn vuông vắn trên đùi nàng và mỉm cười với người hầu bàn đang đặt đĩa bơ được bổ ra làm đôi cạnh nàng. Bộ đồng phục trắng của anh ta được nhuộm hồ cứng đến độ nó giống như được làm bằng giấy cứng.
"Cảm ơn anh, Maxwell", nàng nói.
"Vâng, thưa cô", Maxwell nói lúng búng rồi tiếp tục mang cái khay đi.
Olanna nhìn quanh bàn. Cha mẹ nàng đang dồn hết sự chú ý vào ông Bộ trưởng Okonji, gật đầu sốt sắng lúc ông ta kể buổi họp gần đây với Thủ tướng Balewa. Kainene đang săm soi đĩa của mình bằng cái nhướng mày rất đặc biệt của nàng, như thể nàng đang chế nhạo quả bơ. Chẳng ai buồn nói một lời cảm ơn với Maxwell. Olanna ước gì mọi người nói một lời cảm ơn; đó là việc rất đơn giản, rất dễ làm, nhìn nhận những người phục vụ cũng là con người. Nàng đã gợi ý một lần, nhưng bố nàng nói là ông đã trả lương rất hậu cho họ, còn mẹ nàng nói cảm ơn họ là mở đường cho họ hỗn hào với mình, trong khi Kainene, như thường lệ, không nói một lời nào, mặt đầy vẻ ngán ngẩm.
"Từ trước đến nay, đây là quả bơ ngon nhất mà tôi được thưởng thức", ông Bộ trưởng Okonji nói.
"Bơ này được hái từ nông trại của chúng tôi đấy", mẹ nàng nói. "Cái nông trại ở gần Asaba".
"Tôi sẽ bảo anh bồi gói một ít cho ông", bố nàng nói.
"Rất tuyệt", ông Bộ trưởng nói. "Olanna, tôi hy vọng là cô cũng thích món ăn này, có đúng thế không? Cô nhìn nó chằm chằm như là nó biết cắn vậy". Ông ấy cười, tiếng cười rổn rảng, và bố mẹ nàng như được gợi ý cũng cười phụ họa.
"Ngon lắm!" Olanna nhìn lên. Có cái gì đó khá nhớp nháp trong nụ cười của ông Bộ trưởng. Tuần trước, khi ông ta nhét cái danh thiếp của mình vào tay nàng ở Câu lạc bộ Ikoyi, nàng đã lo lắng về cái cười này bởi vì nàng có cảm tưởng cách cử động cặp môi của ông có thể làm nước miếng đầy tràn miệng và đe dọa sẽ chảy xuống cằm.
"Tôi hy vọng cô sẽ đến làm việc cho Bộ Tài chính của chúng tôi, Olanna. Chúng tôi cần những bộ óc thông minh hạng nhất như của cô", Bộ trưởng Okonji nói.
"Không có mấy người được Bộ trưởng Bộ Tài chính đích thân mời làm việc đâu", mẹ nàng nói, không trực tiếp với ai cả, và nụ cười làm sáng rực gương mặt trái xoan với nước da bóng như màu đồng đen của bà, gần như tuyệt hảo, thật hài hòa, đến độ bạn bè gọi bà là Mỹ Nhân.
Olanna đặt thìa xuống. "Con quyết định đi Nsukka. Trong vòng hai tuần nữa con sẽ đi".
Nàng nhìn thấy cái cách bố nàng mím chặt môi. Cánh tay của mẹ nàng như bị treo lơ lửng giữa không trung bởi cái tin quá buồn thảm này khiến bà không thể tiếp tục rắc muối được nữa. "Mẹ tưởng con còn đang suy nghĩ", mẹ nàng nói.
"Con không thể phí thì giờ nhiều quá, nếu không họ sẽ mời người khác", Olanna nói.
"Nsukka? Đúng không? Cô quyết định dọn đến Nsukka?" Bộ trưởng Okonji hỏi.
"Vâng. Tôi gửi đơn xin một chân dạy học ở ban Xã hội học và tôi mới vừa được chấp thuận", Olanna nói. Nàng thường thích ăn trái bơ không có muối, nhưng hôm nay nó nhạt nhẽo, vô vị đến mức buồn nôn.
"Ồ! Thế là cô bỏ chúng tôi ở Lagos", Bộ trưởng Okonji nói. Mặt ông ta như chảy dài ra và tự thun lại. Rồi ông quay sang Kainene, hỏi một cách rất vui vẻ, "Còn cô thì thế nào, Kainene?".
Kainene nhìn thẳng vào mắt Bộ trưởng Okonji, nhìn chòng chọc, không trả lời. Cái nhìn không biểu lộ chút tình cảm nào cả, trống rỗng đến độ gần như là thù nghịch. "Tôi ấy à?", nàng nhướng mày. "Tôi cũng sẽ dùng cái bằng cấp mới keng của tôi vào một việc hữu ích. Tôi sẽ về Port Harcourt để quản lý công việc của bố tôi ở đó".
Olanna ước gì mình vẫn còn những hình ảnh ngắn lóe lên trong đầu khi nàng biết Kainene đang suy nghĩ gì. Khi hai người đang học tiểu học, đôi lúc cả hai nhìn nhau rồi cười phá lên mà không cần phải nói gì với nhau, bởi vì cả hai cùng đang nghĩ đến một chuyện buồn cười. Nàng không chắc bây giờ Kainene có còn những hình ảnh lóe lên trong đầu như thế không, bởi vì hai chị em không còn nói đến những chuyện đại loại như vậy nữa. Hai người cũng không còn nói với nhau bất cứ chuyện gì.
"Vậy là Kainene sẽ trông nom xưởng sản xuất xi măng?" Bộ trưởng Okonji quay sang bố nàng, hỏi.
"Cháu nó sẽ quản lý tất cả mọi hoạt động sản xuất ở miền Đông, các xưởng sản xuất và các cơ xưởng mới đầu tư về dầu hỏa. Cháu nó rất có khiếu kinh doanh".
"Ai mà nói là người ta thiệt thòi rất nhiều khi có con gái sinh đôi là nói láo", Bộ trưởng Okonji nói.
"Kainene nhà tôi đáng giá bằng hai thằng con trai đấy", bố nàng nói. Ông liếc nhìn Kainene và Kainene nhìn sang hướng khác, làm như sự hãnh diện bộc lộ rõ ràng trên mặt ông chẳng có nghĩa lý gì, và Olanna nhanh chóng tập trung vào đĩa thức ăn của nàng để cả bố nàng và Kainene không biết là nàng đang nhìn trộm hai người. Bộ đĩa rất trang nhã, xanh nhạt, cùng màu với quả bơ.
"Thế thì tại sao quý vị không cùng đến nhà tôi vào cuối tuần này nhỉ?" Bộ trưởng Okonji hỏi. "Để nếm thử món canh cá nấu ớt của người đầu bếp nhà tôi. Anh bếp này ở Nembe; anh ta biết phải làm những gì với cá tươi".
Bố mẹ nàng cười như nắc nẻ. Olanna không biết chắc câu chuyện có đáng để cười hay không, nhưng nghĩ cho cùng, đó là lời khôi hài của ông Bộ trưởng.
"Ý kiến này rất hay", bố Olanna nói.
"Nếu tất cả chúng ta cùng đi trước khi Olanna lên đường tới Nsukka thì hay biết mấy", mẹ nàng nói.
Olanna thấy khó chịu, như là có gì châm vào da nàng. "Con rất thích tham dự, nhưng rất tiếc cuối tuần này con không ở nhà".
"Con không ở nhà ư?" Bố nàng hỏi. Nàng tự hỏi không biết đôi mắt của ông có biểu lộ một lời cầu khẩn tuyệt vọng chăng. Nàng cũng tự hỏi không biết bố mẹ nàng đã hứa hẹn chuyện tình cảm của nàng với Bộ trưởng Okonji như thế nào để đánh đổi một hợp đồng. Không biết họ nói trắng phớ ra hay chỉ ngầm ám chỉ?
"Con định đi Kano thăm cậu Mbaezi và gia đình cậu. Nhân thể con ghé thăm Mohammed luôn", nàng nói.
Bố nàng xiên phần bơ của ông. "Bố hiểu".
Olanna nhấm nháp ly nước và không nói gì.
Ăn tối xong, họ ra ngoài ban công uống rượu. Olanna thích cái thói quen sau bữa ăn tối này. Nàng thường rời cha mẹ và khách đến đứng cạnh lan can, nhìn mấy cột đèn cao đang soi sáng những con đường nhỏ phía dưới, sáng đến độ cái hồ tắm nhìn giống như màu bạc và đám dâm bụt cùng hàng hoa giấy thấm đẫm một lớp ánh sáng rực rỡ nhuộm lên màu đỏ hồng của chúng. Lần đầu tiên cũng là lần duy nhất Odenigbo đến thăm nàng ở Lagos, họ đã đứng nhìn xuống hồ bơi; Odenigbo ném một cái nút chai xuống và nhìn nó rơi. Chàng uống rất nhiều rượu brandy, và khi bố nàng nói rằng chuyện thành lập trường Đại học Nsukka nghe thật khôi hài, rằng Nsukka chưa đến lúc cần phải có một trường đại học của địa phương, nhận sự hỗ trợ của một trường đại học Mỹ - thay vì một trường đại học Anh, chàng đã lớn tiếng bác bỏ. Olanna cứ tưởng là chàng sẽ nhận ra rằng bố nàng chỉ muốn chọc giận chàng, và ngầm nói cho chàng biết ông không có mấy ấn tượng cho dù chàng là giảng viên có thâm niên của trường Đại học Nsukka. Nàng tưởng Odenigbo sẽ làm thinh, mặc cho bố nàng muốn nói gì thì nói. Nhưng chàng lại lên giọng to hơn và càng to hơn nữa khi chàng cãi lý là chúng ta nên có một trường Đại học Nsukka thoát khỏi sự ảnh hưởng, kìm hãm của thực dân. Nhiều lần nàng nháy mắt ngầm bảo chàng ngừng lại, mặc dù có thể chàng không nhìn thấy vì ngoài hàng hiên không sáng mấy. Cuối cùng điện thoại reo và cuộc trò chuyện chấm dứt. Trong mắt của bố mẹ nàng hiện lên vẻ nể nang đầy miễn cưỡng, Olanna nhận thấy thế, nhưng điều đó cũng không ngăn được bố mẹ nàng nói cho nàng biết rằng Odenigbo hơi khùng khùng và không thích hợp với nàng, rằng chàng là một trong những kẻ bồng bột, thích tranh cãi dai dẳng cho đến khi mọi người đều bị đau đầu mà không còn ai hiểu là họ đã cãi về vấn đề gì.
"Một đêm thật là mát mẻ", Bộ trưởng Okonji nói phía sau nàng. Olanna quay lại. Nàng không biết bố mẹ nàng và Kainene đã vào trong từ lúc nào.
"Vâng", nàng nói.
Bộ trưởng Okonji đứng trước nàng. Bộ agbada 4 được thêu chỉ vàng xung quanh cổ. Nàng nhìn cổ ông, lún vào trong những cuộn mỡ, và tưởng tượng ông phải lật phía dưới mấy cuộn mỡ này khi ông tắm.
"Ngày mai thì sao? Có một buổi tiệc cocktail ở khách sạn Ikoyi", ông ta nói. "Tôi muốn tất cả mọi người đến gặp một số nhà chính trị lưu vong. Họ tìm đất và tôi có thể thu xếp cho họ mua đất của bố cô với giá cao gấp năm hay sáu lần".
"Ngày mai tôi phải giúp Hội Từ thiện Thánh Vincent de Paul gây quỹ".
Bộ trưởng Okonji sát lại gần. "Tôi không thể nào không nghĩ đến em", ông ta nói, hơi rượu phả vào mặt nàng.
"Tôi không thích chuyện này, thưa ông".
"Tôi không thể nào không nghĩ đến em", Bộ trưởng Okonji lặp lại. "Này nhé, em không nhất thiết cứ phải làm việc trong Bộ. Tôi có thể bổ nhiệm em về ban Giám đốc, hoặc bất cứ ban nào em muốn, và tôi sẽ mua cho em một căn nhà với tất cả những thứ cần thiết ở bất cứ chỗ nào em thích". Ông ta kéo nàng vào lòng và nàng để yên trong một khoảng thời gian ngắn, thân hình của nàng miễn cưỡng ép vào người ông ta. Nàng đã quen với những trường hợp bị các gã đàn ông nghênh ngang sặc sụa mùi nước hoa ôm chầm lấy, như ngụ ý, vì họ có quyền lực và nàng có nhan sắc, họ phải đẹp đôi với nhau. Nàng đẩy ông ta ra, một lúc sau, và mơ hồ cảm thấy buồn nôn khi bàn tay nàng lún vào bộ ngực mềm nhão của ông ta. "Đủ rồi, thưa Bộ trưởng".
Mắt ông ta nhắm lại. "Tôi yêu em, tin tôi đi. Tôi thật sự yêu em".
Nàng thoát ra khỏi vòng tay của ông rồi đi vào trong nhà. Giọng của bố mẹ nàng nghe văng vẳng từ phòng khách. Nàng dừng lại một chút, ghé mũi ngửi mấy đóa hoa sắp tàn trong cái bình đặt trên bàn bên cạnh cầu thang, dù rằng nàng cũng biết có thể chúng không còn mùi thơm nữa, trước khi đi lên lầu. Căn phòng nàng có vẻ gì xa lạ, màu gỗ ấm, bàn ghế màu nâu, thảm lót từ góc này đến góc kia màu rượu vang mềm mại dưới chân nàng, một vùng không gian có thời đã làm cho Kainene đặt tên phòng của hai người là tòa nhà. Tờ báo Lagos Life vẫn còn ở trên giường; nàng nhặt nó lên và nhìn tấm ảnh chụp chung với mẹ, ở trang năm. Hai người có vẻ hài lòng và không mấy bận tâm, ở một buổi tiệc cocktail do ngài Cao ủy người Anh chiêu đãi. Mẹ kéo nàng sát vào người bà khi anh chụp ảnh đến gần; lúc sau, sau khi đèn flash đã tắt, Olanna gọi người chụp ảnh đến và yêu cầu anh ta đừng đăng ảnh của hai mẹ con. Anh ta nhìn nàng với vẻ rất lạ lùng, khó hiểu. Bây giờ nàng nhận ra rằng chuyện nàng yêu cầu anh ta rất kỳ cục; dĩ nhiên anh ta không bao giờ có thể hiểu được cái cảm giác khó chịu khi bị trở thành vật trang điểm cho cái bề ngoài bóng bẩy của cuộc đời bố mẹ mình.
Nàng đang nằm đọc sách lúc mẹ gõ cửa.
"Ồ, con đang đọc sách à?", mẹ nàng nói. Mẹ đang cầm trên tay một xấp vải. "Ông Bộ trưởng vừa về. Ông ấy gửi lời chào con".
Olanna muốn hỏi là bố mẹ có hứa sẽ gả nàng cho ông ta hay không, nhưng nàng biết mình sẽ không bao giờ nêu câu hỏi. "Vải gì thế mẹ?"
"Ông Bộ trưởng bảo tài xế ra xe mang vào trước khi ông ấy về. Đây là loại đăng ten mới nhất ở châu Âu. thấy không? Rất đẹp, i fukwa?"
Olanna kẹp thử giữa mấy ngón tay. "Vâng, đẹp lắm".
"Con có nhìn thấy loại đăng ten ông ấy mặc hôm nay không? Chính gốc! Ezigbo!" Mẹ ngồi xuống cạnh nàng. "Con có biết là người ta nói rằng ông ấy chẳng bao giờ mặc bộ quần áo nào đến lần thứ hai? Ông đem cho những người giúp việc trong nhà sau khi đã mặc một lần".
Olanna thử tưởng tượng ra đám người giúp việc tội nghiệp của ông ta. Mấy cái rương gỗ đựng quần áo của họ chứa đầy đăng ten không thích hợp mà cũng không dùng được. Olanna biết chắc chắn là lương tháng của mấy anh giúp việc này chẳng được bao nhiêu. Họ thừa hưởng nào là những chiếc áo choàng vô dụng, nào là agbada không bao giờ dùng được. Nàng mệt mỏi. Nói chuyện với mẹ làm nàng mệt mỏi.
"Con muốn cái nào, nne? Mẹ sẽ may áo và váy dài cho hai chị em".
"Không, mẹ đừng lo cho con. May cái gì đó cho mẹ ấy. Con sẽ không hay mặc quần áo có gắn nhiều đăng ten ở Nsukka đâu".
Mẹ rê ngón tay dọc theo cạnh bàn. "Cái con sen nhà mình không biết cách lau bàn ghế. Chắc nó tưởng mẹ trả tiền cho nó ăn không ngồi rồi đấy?"
Olanna đặt quyển sách xuống. Mẹ nàng đang muốn nói gì đó, nàng có thể đoán ra, với nụ cười nhiều ẩn ý, cử chỉ đầy vẻ câu nệ, hình thức, là những dấu hiệu bắt đầu.
"Odenigbo thì như thế nào?"
"Anh ấy cũng bình thường".
Mẹ nàng thở dài, rất dài, ý rằng bà ước gì Olanna hiểu được lý do. "Con đã cân nhắc kỹ việc dọn đến ở Nsukka chưa? Rất cẩn thận chưa đấy?"
"Con chưa bao giờ chắc chắn hơn lúc này".
"Nhưng liệu con có sống thoải mái ở đó không?" Mẹ nàng nói chữ thoải mái với một cái nhún vai rất nhẹ và Olanna suýt mỉm cười bởi vì mẹ cứ như in trong đầu cái hình ảnh trơ trụi trong căn hộ của Odenigbo ở trường đại học, mấy cái phòng chắc chắn nhưng thô kệch, bàn ghế sơ sài và nền nhà không trải thảm.
"Con sẽ rất thoải mái", nàng nói.
"Con có thể tìm việc làm ở đây, ở Lagos và cuối tuần thì đi thăm cậu ấy".
"Con không muốn làm việc ở Lagos. Con muốn làm cho trường đại học và con muốn sống chung với anh ấy".
Mẹ nhìn nàng một hồi lâu trước khi bà đứng dậy và nói, "Ngủ ngon nhé. Con gái của mẹ", bằng một giọng nhỏ nhẹ và đầy vẻ tủi thân.
Olanna chăm chăm nhìn cánh cửa. Nàng đã quen với việc mẹ không tán thành quyết định của nàng; điều đó đã phần nào ảnh hưởng đến những quyết định trọng đại của nàng; sau những chuyện như: khi nàng chọn hai tuần bị phạt ở nhà không được đi học thay vì xin lỗi cô hiệu trưởng trường Heathgrove về việc nàng cứ nhất định cho là những bài học về Pax Britannica 5 không hợp lý và đầy mâu thuẫn; khi nàng gia nhập phong trào học sinh đòi quyền tự trị ở Ibadan, khi nàng từ chối kết hôn với con trai của Igwe Okagbue, rồi đến con trai Ông Trùm Okaro. Tuy nhiên, đồng thời với sự phản ứng, nàng vẫn muốn nói lời xin lỗi và cố thực hiện hành động này bằng một cách nào đó.
Nàng đã thiu thiu ngủ khi Kainene gõ cửa. "Thế nào? Em có chịu chấp nhận làm người tình của ông ta để đánh đổi cái hợp đồng cho bố không?" Kainene hỏi.
Olanna ngồi bật dậy, ngạc nhiên. Nàng không còn nhớ lần cuối cùng Kainene vào phòng nàng.
"Bố kéo chị ra khỏi hàng hiên, để em được ở lại một mình với cái ông Bộ trưởng tốt bụng ấy", Kainene nói. "Thế ông ta có ký cho bố cái hợp đồng đó không?"
"Ông ta không nói gì về việc ấy. Nhưng mà ông ta đâu có đi về tay không. Bố chia cho ông ta mười phần trăm đấy chứ".
"Mười phần trăm là mức chuẩn tối thiểu, có cái gì thêm vẫn tốt hơn. Những người khác cũng nộp giá hợp đồng, nhưng có thể họ không có con gái xinh". Kainene kéo dài giọng khi nói chữ xinh làm cho nó có vẻ nhạo báng, dính rin rít: x-i-n-h. Nàng đang lật từng trang của tờ Lagos Life, cái dây thắt ngang áo ngủ bằng lụa để lộ vòng eo thon thả. "Cái tiện lợi của một cô gái xấu là không có ai dùng nó như miếng mồi nhử dục tình".
"Em không nghĩ bố mẹ dùng em làm mồi nhử dục tình".
Kainene làm thinh không trả lời một hồi lâu; dường như nàng tập trung tư tưởng vào một bài báo. Rồi nàng ngẩng lên. "Richard cũng đi Nsukka. Anh ấy nhận được học bổng, và anh ấy sẽ ở đó để viết sách".
"Ồ, thế thì tốt quá. Như thế là chị sẽ đến Nsukka thường xuyên?"
Kainene không trả lời. "Richard không quen ai ở Nsukka, em có thể giới thiệu anh ấy với người tình cách mạng của em".
Olanna mỉm cười. Người tình cách mạng. Chỉ Kainene mới có thể nói những chuyện như thế này với vẻ mặt thật nghiêm trang! "Em sẽ giới thiệu họ với nhau", nàng nói. Nàng chưa bao giờ thích mấy người bạn trai của Kainene. Nàng cũng không thích Kainene cặp kè với quá nhiều gã da trắng ở Anh. Cái vẻ khinh thị của chúng được ngụy trang một cách sơ sài, những lời khen ngợi tán đồng giả tạo của chúng làm nàng khó chịu. Tuy thế khi Kainene mời Richard Churchill đến dùng bữa tối, nàng không đối xử với chàng như cách nàng vẫn làm với những người kia. Có lẽ bởi vì Richard không có cái vẻ trịch thượng quen thuộc của người Anh; họ cứ tưởng là họ hiểu người Phi châu hơn là người Phi châu tự hiểu chính mình. Chàng có vẻ gì khá bấp bênh, chênh vênh một cách dễ thương - gần như là thẹn thùng. Rất có thể cũng tại bố mẹ nàng chẳng để ý đến Richard; chàng không tạo nổi một ấn tượng tốt nào bởi vì chàng chẳng quen biết một người nào có máu mặt cả.
"Em nghĩ Richard sẽ thích nhà của Odenigbo", Olanna nói.
"Tối tối, nhà anh ấy giống như là một câu lạc bộ chính trị vậy. Ban đầu, anh ấy chỉ mời người Phi châu, mặc dù trường đại học có đầy những người ngoại quốc; anh ấy muốn người Phi châu có cơ hội để tìm hiểu lẫn nhau. Lúc ấy, mỗi người tự mang theo thức uống mà họ thích nhưng bây giờ anh ấy đề nghị mọi người góp tiền, mỗi tuần anh ấy sẽ mua thức uống và họ họp mặt ở nhà của anh ấy". Olanna ngừng nói. Kainene nhìn nàng, tưởng như nàng đã vi phạm luật lệ ngầm giữa hai người và nàng tự ngừng cuộc nói chuyện bâng quơ.
Kainene đi ra cửa. "Bao giờ em đi Kano?"
"Ngày mai". Olanna muốn Kainene nấn ná thêm chút nữa, ngồi lên giường, ôm gối vào lòng, nói chuyện tầm phào và cười rúc rích suốt đêm.
"Đi bình an, jee ofuma. Chị gửi lời chào cậu mợ và Arize".
"Vâng". Olanna nói, mặc dù Kainene đã đi ra và đóng cửa lại. Nàng lắng tai nghe tiếng chân của Kainene ở hành lang có trải thảm. Chỉ lúc này, sau khi hai người trở về từ Anh, cùng sống dưới một mái nhà, Olanna mới nhận rõ hai chị em đã trở nên xa cách quá. Từ nhỏ, Kainene đã là một đứa con rất ít lời, luôn cau có, gắt gỏng và bướng bỉnh. Một đứa con mà bởi vì nó không chịu chiều ý, làm vui lòng cha mẹ nên nó đã trao hết những bổn phận đó cho Olanna. Nhưng mặc dù thế cả hai chị em vẫn rất thân với nhau, thậm chí đã từng là bạn của nhau. Nàng tự hỏi không biết tình cảm của hai người thay đổi từ lúc nào. Trước khi hai người qua Anh học, chắc chắn, bởi vì hai người không có người bạn chung nào ở London. Có thể bắt đầu từ năm thứ hai ở trường Đại học Heathgrove. Có thể trước cả lúc ấy nữa. Chẳng có việc gì xảy ra cả. Chẳng có cuộc cãi vã to tát nào hết, không có sự kiện quan trọng nào - chỉ là hai người cứ dần dần xa cách nhau, nhưng chính Kainene là người nhất định cố giữ khoảng cách để hai người không thể trở lại gần nhau.
Olanna không đi Kano bằng máy bay. Nàng thích ngồi cạnh cửa sổ xe lửa để nhìn cánh rừng rậm trôi vụt qua, những cánh đồng cỏ trải rộng bát ngát, những đàn gia súc ve vẩy đuôi, những người chăn gia súc phanh trần ngực áo. Đến Kano, nàng lại một lần nữa nhận ra rằng Kano rất khác Lagos, rất khác Nsukka, khác quê nàng ở Umunnachi, rằng miền Bắc nói chung hoàn toàn khác biệt với miền Nam. Ở đây cát mịn, xám, và bị nắng cháy xém, không giống như đất đỏ đóng thành khối ở quê nhà; cây mọc cao vừa phải thôi, không giống cây cỏ xanh um mọc tưng bừng và tỏa bóng mát trên đường đến Umunnachi. Ở đây, miền đồng bằng bao la tăm tắp những dặm dài, mời gọi người ta mê mải nhìn xa cho đến khi gặp chân trời trắng bạc.
Nàng bắt taxi từ trạm xe lửa rồi dặn anh tài xế dừng ở chợ trước để nàng chào cậu Mbaezi.
Trên con đường hẹp đến chợ, nàng len lỏi giữa đám con trai nhỏ đầu đội những thúng rất to và nặng, những người đàn bà đang cò cưa trả giá, người mua kẻ bán hét hò. Một cửa hàng bán đĩa nhạc đang mở Tân nhạc rất to và nàng hơi chậm lại để hát theo bài Taxi Driver của Bobby Benson, trước khi vội vã đến gian hàng của cậu. Mấy kệ chứa hàng của cậu xếp đầy những chậu nhỏ và đồ dùng trong nhà.
"Omalicha!", cậu nói khi nhìn thấy nàng. Đó cũng là từ cậu vẫn gọi mẹ nàng - Mỹ Nhân! "Cậu đang nghĩ đến cháu. Cậu biết thế nào cháu cũng đến thăm gia đình cậu".
"Chào cậu ạ".
Hai người khẽ ôm nhau. Olanna dựa đầu vào vai cậu, ngửi thấy mùi mồ hôi, mùi chợ nhóm họp ngoài trời, mùi đồ vật đóng đầy bụi đặt trên kệ để bán.
Khó mà tưởng tượng được cậu Mbaezi và mẹ nàng là hai chị em cùng lớn lên dưới một mái nhà. Không những chỉ vì da của cậu ít đen hơn và không có chút vẻ đẹp nào của mẹ, mà còn vì cái phong cách thật thà, chân chất của cậu. Đôi khi Olanna tự hỏi không biết mình có yêu quý cậu nhiều đến mức này nếu cậu không quá khác biệt với mẹ nàng.
Bất cứ khi nào nàng đến thăm, cậu Mbaezi cũng ngồi với nàng ngoài sân sau khi ăn tối và kể cho nàng nghe những tin mới nhất về họ hàng - một người em họ có thai mà chưa lập gia đình, và cậu muốn cô ấy về ở nhà cậu để tránh tiếng thị phi ác độc của người trong làng; một người cháu trai mới chết ở đây, Kano, và cậu đang tìm cách nào ít tốn kém nhất để mang xác đứa cháu ấy về làng. Hoặc là cậu kể cho nàng nghe chuyện chính trị, Cộng đồng Igbo đang tổ chức, biểu tình, thảo luận những gì. Họ nhóm họp trong sân nhà cậu. Nàng có tham dự vài buổi họp, và nàng vẫn còn nhớ những buổi họp có nhiều người đàn ông và cả đàn bà tỏ ra rất giận dữ khi trường miền Bắc không nhận học sinh người Igbo. Cậu Mbaezi đã đứng phắt dậy và dậm chân. "Ndi be anyi! Thưa bà con! Chúng ta sẽ xây trường học của chúng ta! Chúng ta sẽ quyên tiền và xây trường của chúng ta". Sau khi cậu nói, Olanna đã nhập bọn, vỗ tay tán thành và kêu lên, "Nói rất đúng. Chuyện sẽ diễn tiến như thế". Nhưng nàng lo lắng là việc xây trường rất khó khăn. Có lẽ cố gắng thuyết phục người miền Bắc thu nhận học sinh Igbo thì dễ thực hiện hơn.
Tuy thế, bây giờ chỉ sau có vài năm, chiếc taxi của nàng vừa chạy ngang trường tiểu học Cộng đồng Igbo trên đường Airport. Đang giờ ra chơi, sân trường đầy trẻ em. Đám con trai đang chơi đá bóng, mấy đội khác nhau nhưng chơi cùng sân nên có nhiều quả bóng đang bay bổng trên trời. Olanna tự hỏi làm thế nào chúng có thể phân biệt quả bóng nào là của đội nào. Mấy nhóm con gái đang ở gần đường hơn chơi oga và swell, vỗ tay nhịp nhàng khi chúng nhảy trên một chân rồi thay thế bằng chân bên kia. Trước khi taxi đỗ bên ngoài khu chung cư ở Sabon Gari, Olanna nhìn thấy mợ Ifeka đang ngồi ở quầy hàng của mợ bên cạnh đường. Mợ Ifeka lau tay vào cái áo khoác đã bạc màu của mình rồi ôm lấy Olanna, đẩy nàng ra một chút để ngắm nàng rồi lại ôm lấy nàng. "Olanna của cậu mợ!"
"Kedu? Mợ khỏe không?"
"Mợ còn khỏe hơn lúc nãy, nhờ gặp cháu đấy".
"Arize đi học may chưa về mợ nhỉ?"
"Nó sắp về rồi".
"Em ấy có khỏe không? O na-agakwa? Lớp học may của em ấy có tốt không?"
"Trong nhà toàn những mẫu nó cắt may đấy".
"Thế còn Odinchezo và Ekene?"
"Chúng vẫn ở đấy. Tuần trước chúng về thăm nhà và có hỏi cháu".
"Maiduguri có đối xử tử tế không? Công việc buôn bán của hai em có tiến triển tốt đẹp không?"
"Chưa nghe nói đến chuyện tụi nó chết đói", mợ Ifeka nói, hơi nhún vai. Olanna quan sát vẻ mặt chân chất của mợ, và trong một khoảnh khắc ngắn ngủi đầy tội lỗi, nàng ước gì mợ Ifeka là mẹ của mình. Mà mợ Ifeka cũng chẳng khác gì mẹ của nàng, đúng là như vậy đấy, bởi vì cả nàng và Kainene đều bú mợ khi mẹ nàng bị cạn sữa ngay sau khi sinh hai chị em. Kainene thường hay nói là mẹ không bị cạn sữa nhưng giao cho mợ nuôi bởi vì mẹ không muốn ngực của mình bị xệ.
"Vào đi, ada anyi", mợ Ifeka nói. "Vào nhà nào!" Mợ kéo mấy cái cửa gỗ của quầy hàng xuống che khuất mấy thùng diêm, kẹo cao su, bánh kẹo, thuốc lá, bột giặt, rồi xách cái túi của Olanna, dẫn nàng vào trong sân. Căn nhà hẹp không sơn. Quần áo giăng bên ngoài để phơi cho khô, không hề lay động, cứng ngắc, dường như bị sấy khô bởi nắng chiều. Mấy cái lốp xe cũ, loại mà tụi nhỏ lấy chơi, đang được chất đống dưới cây kuka. Olanna biết sự tĩnh lặng này sẽ thay đổi nhanh chóng khi đám trẻ đi học về. Các gia đình để cửa mở, hàng hiên và nhà bếp tràn ngập tiếng nói cười. Gia đình cậu Mbaezi sống trong hai phòng. Trong phòng đầu tiên, nơi bộ ghế sofa cũ nát được đẩy dạt sang một bên để có chỗ trải chiếu, Olanna mở quà nàng mang theo - bánh mì, giày, mấy lọ kem - trong khi mợ Ifeka đứng nhìn, tay chắp sau lưng. "Mợ mong có người chăm lo cho cháu. Mong sao có người chăm lo cho cháu tôi", mợ Ifeka nói.
Một lúc sau Arize về và Olanna chuẩn bị tư thế đứng cho vững vàng để cái ôm mừng rỡ của Arize không làm nàng ngã.
"Chị! Đáng lẽ chị phải nói cho mọi người biết trước là chị đến. Để ít nhất là tụi em cũng quét sân cho sạch sẽ. A! Chị ơi! Aru amaka gi! Chị có vẻ khỏe đấy! Em có nhiều chuyện để kể lắm!"
Arize cất tiếng cười lanh lảnh. Thân hình tròn trịa của cô nàng, cánh tay tròn lẳn rung rinh khi cô nàng cười. Olanna ôm cô nàng thật chặt. Nàng có cảm giác mọi việc đều ổn thỏa, theo đúng cách của chúng, ngay cả khi sự ổn thỏa này bị đảo lộn đôi lần, nhưng cuối cùng thì mọi việc cũng lại đâu vào đấy. Đó là lý do nàng hay đến Kano, một nơi thanh bình. Khi mắt của mợ Ifeka bắt đầu ngó nghiêng khắp nơi trong sân, nàng biết là mợ đang tìm một con gà ưng ý. Mợ Ifeka luôn giết một con gà khi nàng đến thăm, ngay cả khi đó là con gà cuối cùng mợ có. Con gà đang chạy phóng trong sân, lông có một vài vệt sơn đỏ để phân biệt với mấy con gà của lối xóm, thường được cột một miếng vải vào cánh hay sơn màu khác. Olanna không phản đối việc giết gà nữa, cũng như nàng không còn phản đối cậu Mbaezi và mợ Ifeka ngủ trên chiếu, bên cạnh những người bà con khác, hình như lúc nào cũng có người đến ở tạm với cậu mợ, để dành giường cho Olanna.
Mợ Ifeka đi nhẹ nhàng đến cạnh con gà nâu, rồi nhanh như chớp chộp cổ nó và đưa cho Arize đem đi làm thịt ở sân sau. Họ ngồi bên ngoài nhà bếp trong khi Arize nhổ lông gà, mợ Ifeka thổi trấu lẫn trong gạo. Một người láng giềng đang luộc ngô, thỉnh thoảng nước sôi trào ra, lửa trong lò kêu xèo xèo. Trẻ con chơi đùa trong sân làm bụi bốc lên mù mịt; chúng hò hét inh ỏi. Có một đám đánh nhau dưới cây kuka, Olanna nghe đám trẻ cãi lộn văng tục bằng tiếng Igbo.
Mặt trời trở nên đỏ rực trước khi chìm xuống lúc cậu Mbaezi về đến nhà. Cậu gọi Olanna ra chào bạn cậu là Abdulmalik. Trước đây, Olanna đã gặp người đàn ông Hausa này một lần; ông ấy bán dép da gần quầy hàng của cậu Mbaezi trong chợ, nàng đã mua vài đôi và mang sang London nhưng không hề đi bởi vì lúc đó đang giữa mùa đông.
"Cháu Olanna mới vừa lấy bằng Thạc sĩ ở Đại học London. Không phải ngon xơi đâu nhá!" Cậu Mbaezi nói một cách hãnh diện.
"Cừ lắm", Abdulmalik nói. Ông ta mở bọc, lấy ra một đôi dép và đưa cho nàng, cái mặt gầy quắt của ông nhăn lại thành một nụ cười, răng ông ta đóng nhựa hạt kola và thuốc lá hay là cái quái gì Olanna không biết, lớp cao răng có màu khác nhau, vàng và nâu. Trông ông ta cứ như là người được nhận quà vậy; ông có vẻ của những người luôn thán phục tri thức, an phận tin chắc là họ không bao giờ được hưởng nền học vấn này.
Nàng nhận đôi dép bằng hai tay. "Cảm ơn ông, Abdulmalik. Cảm ơn".
Abdulmalik trỏ vào một quả chín giống như quả bầu nứt vỏ trên cây kuka và nói, "Cô đến nhà tôi chơi. Vợ tôi nấu canh kuka rất ngon".
"Vâng, lần sau cháu sẽ đến", Olanna nói.
Ông ấy lúng búng nói thêm một vài lời chúc tụng trước khi ngồi xuống ở hiên nhà, với một thùng mía trước mặt. Họ bắt đầu tước vỏ mía xanh bằng răng và nhai ruột mía trắng, nói chuyện với nhau bằng tiếng Hausa và cười vang. Họ phun và nhả bã mía ra đất. Olanna ngồi với hai người một lúc nhưng họ nói tiếng Hausa nhanh quá, nàng khó theo kịp. Nàng ao ước mình có thể nói thông thạo tiếng Hausa và Yoruba giống như cậu mợ và các em họ. Nàng sẽ rất vui nếu có thể đánh đổi với tiếng Pháp và tiếng Latin. Trong bếp, Arize đang mổ gà và mợ Ifeka đang vo gạo. Nàng khoe đôi dép Abdulmalik tặng rồi đi vào chân. Quai dép màu đỏ làm bàn chân nàng thon mảnh hơn, nữ tính hơn.
"Đẹp lắm", mợ Ifeka nói. "Mợ sẽ cảm ơn ông ấy".
Olanna ngồi lên ghế đẩu và cẩn thận tránh không nhìn đống trứng gián, giống những viên thuốc dài màu đen bóng nhẫy, mắc kẹt trong tất cả những đường rãnh hay kẽ nứt của cái bàn. Một người hàng xóm đang nhóm lửa ở một xó nhà và mặc dù mái nhà có chỗ thoát hơi, khói vẫn mù mịt trong bếp.
"I makwa, ngày nào cũng thế, cả gia đình họ chỉ ăn có mỗi cá khô", Arize nói, ra hiệu chỉ về phía nhà người hàng xóm, chu môi. "Em không biết mấy đứa con tội nghiệp của bà ta có bao giờ biết mùi thịt hay không". Arize ngửa cổ cười. Olanna liếc mắt nhìn người đàn bà. Bà ta là người Ijaw 6 và không hiểu tiếng Igbo của Olanna. "Có thể bà ấy thích ăn cá khô", nàng nói.
"O di egwu! Thích thật đấy! Chị có biết cá khô rẻ đến mức nào không?" Arize vừa cười to vừa quay sang nói với người đàn bà. "Ibiba, tôi đang nói với chị tôi là canh cá của bà thơm quá".
Người đàn bà tạm dừng thổi lửa và cười, một cái cười hiểu biết; Olanna nghĩ thầm, biết đâu bà ấy hiểu tiếng Igbo nhưng cứ giả vờ không biết những lời bông đùa của Arize để cho cô nàng vui. Có cái gì đó trong những trò đùa nghịch vui vẻ của Arize làm người ta có thể tha thứ cho cô nàng.
"Vậy là chị sẽ dọn đến Nsukka để lấy anh Odenigbo, phải không?" Arize hỏi.
"Chị chưa nghĩ đến chuyện kết hôn. Chị chỉ muốn ở gần anh ấy và đi dạy".
Đôi mắt tròn của Arize vừa có vẻ ngưỡng mộ vừa có vẻ không hiểu. "Chỉ có mấy người phụ nữ đọc quá nhiều sách vở giống như chị mới có thể nói thế, chị ạ. Nếu mấy đứa con gái như em không có học nhiều mà để lâu thì coi như là ế". Arize ngừng một chút trong khi cô lấy một quả trứng non, nhạt màu, trong veo từ bụng gà. "Em muốn có chồng ngay thôi. Ô! Đám bạn em đều bỏ em mà đi về nhà chồng rồi".
"Em còn trẻ", Olanna nói. "Lúc này em chỉ nên chú tâm vào nghề may của em".
"Nghề may có mang đến cho em một đứa con không? Cho dù em cố gắng để thi đậu vào trường may, em vẫn muốn có một đứa con ngay bây giờ".
"Đâu có gì cần phải vội vàng, Ari". Olanna ước gì nàng có thể rời cái ghế của mình ra ngoài cửa cho thoáng khí. Nhưng nàng không muốn mợ Ifeka hay Arize, ngay cả người hàng xóm biết là khói làm nàng cay mắt, ngứa cổ, và việc nhìn thấy đống trứng gián làm nàng thấy lợm mửa. Nàng muốn làm ra vẻ đã quen thuộc lắm với tất cả những chuyện này, với cuộc sống này.
"Em biết chị sẽ lấy anh Odenigbo; nhưng thật tình, em không chắc là em sẽ lấy một người đàn ông ở Abba làm chồng. Đàn ông Abba xấu trai quá, kai! Nếu như Mohammed là một người Igbo, em có mà đi bằng đầu 7 nếu chị không lấy Mohammed. Em chưa bao giờ thấy có một người nào đẹp trai đến vậy".
"Odenigbo không xấu trai, vẻ đẹp có nhiều kiểu khác nhau", Olanna nói.
"Vẻ đẹp có nhiều kiểu khác nhau, đó là những lời đám đười ươi nói với con khỉ xấu òm để an ủi nó".
"Đàn ông Abba không xấu trai", mợ Ifeka nói. "Nói cho cùng, gốc gác của mẹ là ở đấy".
"Vậy dân làng của mẹ có giống khỉ không?" Arize nói.
"Tên cúng cơm của mày là Arizendikwunnem, phải không? Một phần của mày mang dòng máu của mẹ mày đấy. Vì thế, có lẽ mày cũng giống khỉ". Mợ Ifeka làu bàu.
Olanna bật cười. "Tại sao em lại nói chuyện cưới người nọ người kia như thế Ari? Em đã gặp người ưng ý chưa? Hay là chị làm mối em cho một trong mấy người em của Mohammed?"
"Không, không!" Arize xua tay lia lịa, ra vẻ sợ hãi. "Bố chắc sẽ giết em ngay lập tức nếu biết em để ý đến một người đàn ông Hausa như thế".
"Có lẽ bố mày sẽ phải giết một cái xác chết, bởi vì tao đã giết mày trước đó rồi", mợ Ifeka nói, và đứng dậy với cái rá gạo đã sạch trấu.
"Em có để ý một người, chị ạ", Arize nhích đến gần Olanna. "Nhưng em không biết anh ấy có để ý đến em không".
"Tại sao mày phải nói thì thầm thế?" Mợ Ifeka hỏi.
"Con có nói chuyện với mẹ đâu? Mẹ không thấy là con đang nói chuyện với chị sao?"
Arize hỏi mẹ, nhưng cũng nói to hơn khi cô nàng tiếp tục chuyện trò với Olanna. "Tên anh ấy là Nnakwanze và anh ấy cũng ở gần đây, ở Odigi. Anh ấy làm việc trong ngành đường sắt. Nhưng anh ấy chưa hề nói lời nào với em. Em không chắc anh ấy đã bao giờ nhìn em cho thật kỹ chưa".
"Nếu nó không nhìn con cho kỹ, chắc là nó mù dở". Mợ Ifeka chêm vào.
"Chị có thấy người nào như thế này không? Tại sao em không được yên khi nói chuyện với chị nhỉ?" Arize đảo mắt liếc mẹ, nhưng lại có vẻ hài lòng. Có thể cô nàng lợi dụng cơ hội này để nói với mẹ về Nnakwanze.
Đêm đó, lúc Olanna nằm trên giường của cậu mợ, nàng nhìn Arize qua tấm màn mỏng cột với đầu sợi dây móc vào cây đinh đóng trên tường. Sợi dây hơi chùng xuống và cái màn thụng ở chính giữa. Nàng theo dõi nhịp thở phập phồng của Arize và tưởng tượng không biết Arize với hai người anh, Odinchezo và Ekene, đã cùng lớn lên với nhau như thế nào khi nhìn thấy cha mẹ qua bức màn, nghe những âm thanh khiến cho trẻ con phát hoảng vì nó gần như là tiếng rên đau đớn lúc cái ấy của người cha chuyển động, còn cánh tay của người mẹ đeo chặt lấy chồng. Nàng chưa bao giờ thấy cha mẹ mình làm tình, cũng không bao giờ thấy những dấu hiệu họ làm chuyện ấy. Nàng luôn luôn bị cách ly với cha mẹ bằng một khoảng hành lang, càng lúc càng dài hơn, xa hơn, và thảm lót trở nên dày hơn khi gia đình nàng dọn từ nhà này sang nhà khác. Khi dọn đến căn nhà đang ở hiện nay, có mười phòng, bố mẹ nàng chọn hai phòng ngủ riêng, lần đầu tiên. "Mẹ cần có riêng một tủ chứa quần áo, nhưng rất vui được bố viếng thăm!", mẹ nàng nói thế. Nhưng cái cười bẽn lẽn như con gái của bà không có vẻ thật tình với Olanna. Cái dối trá về tình vợ chồng của bố mẹ ngày càng làm nàng khó chịu hơn, hổ thẹn hơn mỗi khi nàng đến thăm Kano.
Cửa sổ phía trên nàng được mở ra, không khí yên lặng của buổi đêm nồng nặc mùi đường cống thoát nước phía sau nhà nơi người ta đổ những thùng chất thải. Không lâu sau đó, nàng nghe những tiếng nói văng vẳng của những người đổ rác lúc họ thông cống; nàng chìm vào giấc ngủ trong tiếng nạo vét của mấy cái xẻng khi họ làm việc trong bóng tối.
Những người ăn xin ở cổng sau nhà của Mohammed không buồn nhúc nhích khi họ nhìn thấy Olanna. Họ cứ ngồi yên trên mặt đất, dựa vào vách đất. Ruồi bu từng đám trên người họ, có lúc giống như mấy cái caftan 8 màu trắng của họ bị tạt sơn màu đậm lên vậy. Olanna muốn bỏ tiền vào trong mấy cái bát của họ nhưng lại thôi. Nếu nàng là đàn ông, họ đã kêu lên rồi chìa bát ra, và đàn ruồi lại có dịp bay lên thành từng đám mây kêu rào rào.
Một trong mấy người gác cổng nhận ra nàng và mở cổng. "Xin chào, thưa cô".
"Cảm ơn ông, Sule. Ông có khỏe không?"
"Cô nhớ tên tôi, thưa cô!" Ông ta cười rạng rỡ. "Cảm ơn cô, tôi vẫn khỏe".
"Còn gia đình ông thì sao?"
"Cũng khỏe ạ, đội ơn Allah 9 ".
"Ông chủ ở Mỹ đã về chưa?
"Đã về ạ. Xin mời cô vào. Tôi sẽ đi gọi ông chủ ạ".
Chiếc xe hơi thể thao màu đỏ của Mohammed chễm chệ trong sân cát đằng trước, nhưng cái làm Olanna chú ý là ngôi nhà: một ngôi nhà mái bằng đơn giản, thanh nhã. Nàng ngồi xuống hàng hiên.
"Một sự ngạc nhiên thú vị nhất!"
Nàng nhìn lên và Mohammed đang đứng đó, trong áo dài trắng, nhìn xuống và mỉm cười với nàng. Môi anh có những đường cong rất gợi cảm. Ngày xưa, đôi môi đó đã từng hôn nàng, khi mà cuối tuần nào nàng cũng ở Kano, ăn cơm bốc bằng tay ở nhà anh, ngắm anh chơi polo 10 ở Câu lạc bộ Flying, đọc những bài thơ rất vụng về anh viết cho nàng.
"Anh có vẻ rất khỏe", nàng nói với anh lúc hai người ôm chào nhau. "Em không biết chắc là anh đã trở về từ bên Mỹ".
"Anh định đến Lagos thăm em". Mohammed bước lùi một chút để ngắm nàng, nghiêng nghiêng đầu, và nheo nheo mắt, dường như anh vẫn còn nuôi chút hy vọng.
"Em sẽ dọn đến Nsukka", nàng nói.
"Thế là cuối cùng em đã thành một người trí thức và kết hôn với anh chàng giảng viên của em?"
"Đâu có ai nói gì đến chuyện kết hôn. Còn Janet có khỏe không? Hay tên cô ấy là Jane? Em hay nhầm tên mấy cô bạn gái người Mỹ của anh".
Mohammed nhướng một bên chân mày. Nàng không thể không chiêm ngưỡng nước da màu kẹo cà phê sữa của anh. Nàng thường trêu rằng anh đẹp gái hơn nàng.
"Em làm gì với mái tóc của mình thế?", anh hỏi. "Nó không hợp với em chút nào cả. Có phải người yêu của em muốn em giống như vậy không, chẳng khác gì một bà mọi?"
Olanna vuốt mái tóc mới vừa tết bím với chỉ đen của mình. "Mợ làm tóc cho em. Em thích kiểu này".
"Anh không thích. Anh thích mấy bộ tóc giả 11 của em". Mohammed tiến đến gần và lại ôm nàng. Khi nàng cảm thấy vòng tay của Mohammed bắt đầu xiết chặt hơn, nàng đẩy anh ra.
"Em không cho anh hôn!"
"Không", nàng trả lời, mặc dù đó không phải là câu hỏi. "Anh không kể cho em nghe về Janet-Jane".
"Jane. Có nghĩa là anh không còn có dịp gặp em khi em về Nsukka".
"Dĩ nhiên là em sẽ gặp anh".
"Anh biết là anh chàng giảng viên của em khá điên, vì thế anh sẽ không đến thăm em ở Nsukka". Mohammed cười to. Thân hình dong dỏng của anh và những ngón tay thuôn dài biểu lộ một vẻ mảnh khảnh dịu dàng. "Em có dùng nước ngọt không? Hay chút rượu nho?"
"Anh có rượu trong nhà à? Nhất định sẽ có người tố cáo với chú anh đấy", Olanna trêu.
Mohammed rung chuông và anh bếp mang nước uống ra. Sau đó, anh ngồi tư lự, hai ngón trỏ và ngón cái cứ xoa vào nhau. "Đôi khi anh nghĩ đời mình chẳng đi đến đâu cả. Anh đi du lịch, lái xe ngoại, và phụ nữ cứ theo đuổi anh. Nhưng vẫn còn thiếu một cái gì đó. Có một cái gì đó trái khoáy. Em biết không?" Nàng nhìn anh, nàng biết anh sắp đưa câu chuyện này đến đâu. Nhưng khi anh nói, "Anh ước gì chuyện đã không thay đổi", nàng thấy cảm động và hãnh diện.
"Anh sẽ tìm thấy một người con gái hợp với anh", nàng nói một cách yếu ớt.
"Nói nhảm", anh nói, và khi hai người ngồi nhâm nhi Coke, nàng nhớ lại vẻ đau đớn như không thể tin đây là chuyện có thật trên mặt anh. Rồi vẻ đau đớn ấy như sâu đậm hơn khi nàng nói muốn chấm dứt mối quan hệ giữa hai người, hoàn toàn và ngay lập tức, bởi vì nàng không muốn phản bội anh. Nàng biết trước là anh sẽ không đồng ý, nàng biết rất rõ là anh hết sức yêu nàng. Nhưng nàng đã vô cùng kinh ngạc khi anh nói rằng, nếu muốn, nàng cứ việc ngủ với Odenigbo, miễn là nàng đừng bỏ anh. Mohammed rất hay nói đùa với nàng về việc anh xuất thân từ một dòng dõi chiến sĩ tôn giáo, những con người là hiện thân đích thực của cái tính đàn ông ngoan đạo. Có lẽ vì thế chữ "ái" của nàng dành cho anh luôn mang theo chữ "ân", một sự biết ơn đầy ích kỷ. Anh có thể làm cho chuyện đoạn tuyệt với anh trở nên khó khăn. Hay anh có thể bỏ mặc nàng với lòng ân hận nặng nề hơn.
Nàng đặt ly xuống. "Mình lái xe lòng vòng đây đó đi anh. Em không thích khi em đến Kano chơi mà chỉ có thể nhìn thấy xi măng và mỏ kẽm xấu xí của Sabon Gari. Em muốn đến ngắm cái tượng bằng đất thời cổ xưa và đi vòng vòng quanh tường thành của cái thành phố dễ thương này một lần nữa".
"Đôi khi em giống như mấy người da trắng, cái cách họ cứ trầm trồ xuýt xoa về những chuyện bình thường hằng ngày".
"Em giống thế à?"
"Anh nói đùa. Làm thế nào em có thể tập thói quen không quan trọng hóa mọi việc khi em sẽ sống chung với cái anh chàng giảng viên khùng khùng điên điên ấy nhỉ?" Mohammed đứng dậy. "Đi, mình đến chào mẹ anh trước đã".
Lúc hai người đi ngang qua một cái cổng nhỏ đằng sau và vào sân dẫn đến phòng của mẹ Mohammed, Olanna nhớ đến cái cảm giác run rẩy nàng thường cảm thấy mỗi khi đến đây. Nơi tiếp khách vẫn thế, vách tường xung quanh sơn màu vàng kim nhũ, thảm Ba Tư rất dày và những đường rãnh có chạm khắc trên trần nhà. Mẹ của Mohammed không có vẻ gì thay đổi, vẫn có chiếc vòng đeo ở cánh mũi và khăn lụa quấn quanh đầu. Bà có đầy nét đài các tỉ mỉ đến độ Olanna thường tự hỏi không biết bà có thấy khó chịu không, khi mỗi ngày diện bộ quần áo thật đẹp mà chỉ đơn giản là ngồi ở nhà. Nhưng người đàn bà đứng tuổi này không có vẻ lạnh lùng xa cách của mấy bà già, không có lối nói chuyện cứng ngắc với cái nhìn dán vào một nơi nào trên mặt Olanna và mấy bức mành gỗ có chạm trổ.
"Trông cháu xinh quá, cháu cưng. Đừng để nắng làm hỏng da của cháu nhé".
"Na gode. Cảm ơn bác, Hajia", Olanna nói, tự hỏi làm thế nào để người ta có thể thay đổi tình cảm, điều khiển nó như kiểu nhấn nút mở rồi lại tắt đi, hoặc như kiểu buộc túm vào rồi lại mở toang ra.
"Em không còn là đứa con gái Igbo mà anh muốn cưới làm vợ, người mà có thể làm nhơ bẩn dòng họ anh với dòng máu của một kẻ vô đạo", Olanna nói lúc hai người leo lên chiếc xe thể thao màu đỏ. "Bây giờ em chỉ là bạn".
"Anh có thể cứ cưới em, và mẹ anh biết thế. Mẹ có đồng ý hay không cũng chẳng nhằm nhò gì".
"Có thể ban đầu thì không, nhưng về lâu dài thì thế nào? Nếu như chúng mình cưới nhau chừng mười năm chẳng hạn?"
"Bố mẹ em cũng có cảm giác giống như mẹ anh". Mohammed quay sang nhìn nàng. "Nhưng tại sao mình lại nói về chuyện này nhỉ?" Có cái gì đó rất buồn tuy không biểu lộ thành lời trong mắt anh, hay nàng chỉ tưởng tượng. Có lẽ nàng muốn thấy anh có vẻ buồn khi nghĩ rằng hai người sẽ chẳng bao giờ thành đôi. Nàng không ao ước được lấy anh, tuy vậy nàng cứ nặng mang ý nghĩ về những điều họ đã không làm và những gì họ sẽ không làm.
"Em xin lỗi", nàng nói.
"Chẳng có gì để xin lỗi cả". Mohammed đưa tay ra nắm lấy tay nàng. Chiếc xe kêu khò khè lúc họ lái ra cổng. "Bụi két trong ống khói nhiều quá. Loại xe này không thích hợp với vùng này".
"Đáng lẽ anh nên mua một chiếc Peugeot, bền hơn".
"Đúng, nên thế".
Olanna nhìn đăm đăm đám ăn mày đang túm tụm quanh tường của lâu đài, thân hình và những cái bát dùng để ăn xin của họ phủ đầy ruồi. Không khí có mùi chua và cay của lá cây neem 12 .
"Em không giống mấy người da trắng", nàng nói nhỏ.
Mohammed liếc nhìn nàng. "Dĩ nhiên em không giống họ. Em là một người yêu nước và theo chủ nghĩa dân tộc và không bao lâu nữa em sẽ kết hôn với anh chàng giảng viên của em và cũng là một chiến sĩ đấu tranh cho tự do".
Olanna tự hỏi không biết những lời đùa cợt có ẩn chứa sự chế nhạo nào nghiêm trọng hơn. Tay nàng vẫn còn nằm trong tay anh và nàng tự hỏi, không biết anh có thấy khó khăn khi lái xe chỉ với một tay.

Olanna dọn đến Nsukka vào một ngày thứ Bảy lồng lộng gió; ngày hôm sau Odenigbo đi dự một cuộc hội thảo về chương trình toán ở Ibadan. Có lẽ chàng đã chẳng đi nếu buổi họp ấy không chú trọng đến công trình của giáo sư đỡ đầu của chàng, vị giáo sư người Mỹ, da đen, David Blackwell.
"Ông ấy là nhà toán học vĩ đại nhất còn sống, vĩ đại nhất", chàng nói. "Tại sao em không cùng đi với anh, nkem? Chỉ có một tuần thôi".
Olanna nói không; nàng muốn có cơ hội để làm quen với cuộc sống khi chàng không có ở nhà, làm quen với những nỗi lo sợ của chính mình khi chàng vắng mặt.
Hành động đầu tiên của nàng là ném phứt bó hoa giả bằng nhựa đỏ và trắng đặt giữa bàn.
Ugwu nhìn, nét mặt hắn đầy vẻ khủng khiếp. "Nhưng thưa cô, nó vẫn còn tốt mà".
Nàng chỉ ra chỗ trồng hoa loa kèn châu Phi và hoa hồng vừa mới được Jomo tưới nước, rồi nhờ Ugwu cắt một ít. Nàng chỉ cho Ugwu biết nên đổ bao nhiêu nước vào trong bình. Ugwu nhìn bó hoa lắc đầu, như là hắn không tài nào hiểu nổi sao nàng lại ngốc đến thế. "Nhưng mà mấy cành hoa này sẽ héo. Mấy cành kia thì không bao giờ héo cả".
"Ừ, nhưng mấy cành này đẹp hơn, fa makali", Olanna nói.
"Đẹp hơn như thế nào, thưa cô?", hắn luôn trả lời bằng tiếng Anh khi nàng nói tiếng Igbo với hắn, làm như việc nàng nói tiếng Igbo với hắn là một sự sỉ nhục và hắn phải tự bảo vệ mình bằng cách nhất quyết dùng tiếng Anh.
"Nhìn thấy nó đẹp hơn, vậy thôi", nàng nói, và chợt nhận ra là nàng không biết giải thích tại sao hoa tươi thì đẹp hơn hoa làm bằng nhựa. Lúc sau, khi nhìn thấy bó hoa nhựa được cất trong tủ đựng chén, nàng chẳng hề ngạc nhiên. Ugwu đã cất giữ bó hoa, cũng giống như hắn cất giữ mấy hộp đựng đường cũ, mấy cái nút chai, cả vỏ khoai nữa chứ. Hắn có tính để dành này chỉ vì cuộc đời hắn bị thiếu thốn quá nhiều, nàng biết, vì thế hắn không thể ném bỏ bất cứ thứ gì, cho dù những thứ này không còn dùng được. Khi nàng vào trong bếp, nàng nói mình chỉ nên giữ những thứ cần thiết, hữu dụng, và nàng hy vọng hắn đừng hỏi nàng tại sao hoa tươi thì hữu dụng. Nàng nhờ hắn dọn tủ chứa đồ và lót kệ bằng báo cũ, và khi hắn làm việc, nàng đứng gần đó hỏi thăm về gia đình của hắn. Khó mà tưởng tượng ra họ trò chuyện như thế nào với cái vốn tiếng Anh ít ỏi của hắn. Ugwu chỉ nói về người thân bằng hai chữ "rất tốt". Nàng đi chợ với hắn, và sau khi họ mua sắm tất cả đồ cần dùng trong nhà, nàng mua cho hắn một cái lược và một cái áo sơ mi. Nàng dạy hắn rang cơm với ớt xanh và cà rốt thái hạt lựu, dạy hắn đừng nấu đậu cho đến khi thành bột, đừng rưới dầu vào mọi món ăn và đừng có cho ít muối quá. Mặc dù nàng đã để ý đến mùi mồ hôi của hắn ngay ngày đầu tiên, nàng đợi vài ngày sau mới đưa cho hắn một ít bột thơm trị mồ hôi nách và dặn hắn bỏ hai nắp đầy chất tẩy rửa Dettol vào bồn tắm. Hắn có vẻ thích khi ngửi mùi bột thơm; nàng tự hỏi không biết hắn có biết đây là mùi thơm dành cho phái nữ hay không. Rõ ràng là hắn có vẻ thích nàng, nhưng trong mắt hắn như có một sự suy diễn âm thầm; dường như hắn vẫn còn đang giấu kín một cái gì đó để thử nàng. Và nàng lo rằng nàng không có được cái đặc tính mà hắn đang tìm kiếm.
Cuối cùng hắn cũng bắt đầu dùng tiếng Igbo để nói chuyện với nàng vào hôm nàng đang mải mê sắp xếp mấy tấm hình trên tường. Có một con tắc kè màu xanh lá cây ló đầu ra từ sau tấm hình Odenigbo chụp lúc tốt nghiệp đại học có mặc áo thụng, và Ugwu hét toáng lên, "Egbukwala! Đừng giết nó!".
"Cái gì?" Nàng quay người, liếc nhìn xuống lúc nàng đang đứng trên ghế.
"Nếu cô giết nó, cô sẽ bị đau bụng", hắn nói. Nàng thấy cái giọng Opi của hắn rất tức cười, cứ như rặn từng chữ ra vậy.
"Dĩ nhiên, tôi sẽ không giết nó. Hãy treo tấm ảnh này lên tường bên đó".
"Vâng, thưa cô", hắn nói và bắt đầu kể cho nàng nghe bằng tiếng Igbo, rằng con nhỏ em hắn tên là Anulika đã bị đau bụng ghê gớm sau khi nó giết một con tắc kè.
Cái cảm giác mình chỉ là khách đến thăm của Olanna giảm đi khi Odenigbo về nhà; chàng kéo nàng vào lòng, hôn nàng và ôm nàng thật chặt.
"Anh nên ăn trước đã", nàng nói.
"Anh biết anh muốn ăn gì".
Nàng cười thật to và cảm thấy vui mừng một cách đáng bị chế giễu.
"Chuyện gì đã xảy ra?" Odenigbo hỏi, nhìn quanh phòng. "Toàn bộ sách trên giá?"
"Sách cũ của anh ở trong phòng ngủ thứ hai. Em cần có chỗ để sách của em".
"Ezi okwu? Em đã thật sự dọn về, phải không?" Odenigbo cười vang.
"Đi tắm đi", nàng nói.
"Và còn cái mùi thơm trên người anh bạn tốt?"
"Em cho cậu ta bột phấn thơm. Anh không để ý mùi mồ hôi của cậu ta à?"
"Đó là mùi của dân quê. Anh từng có mùi như thế cho đến khi anh rời Abba để đi học cấp hai. Nhưng mà em làm sao biết được những chuyện ấy". Giọng chàng có vẻ giễu cợt nhẹ nhàng. Nhưng ngón tay chàng chẳng dịu dàng chút nào. Chúng tháo nút áo nàng, giải thoát vú nàng khỏi cái áo nịt ngực. Nàng không biết thời gian đã trôi qua bao lâu, chỉ biết nàng đang ở trên giường quấn lấy Odenigbo khi Ugwu gõ cửa báo có khách.
"Bảo họ đi về?" Nàng thì thầm.
"Đi, nkem", Odenigbo nói. "Anh rất muốn được giới thiệu em với họ".
"Nằm đây thêm chút nữa". Nàng rà tay trên đám lông ngực loăn xoăn của chàng, nhưng chàng hôn nàng rồi ngồi dậy tìm quần áo.
Olanna miễn cưỡng mặc quần áo và ra phòng khách.
"Các bạn, các bạn", Odenigbo tuyên bố với một vẻ hứng khởi hơi thái quá, "Đây là, Olanna".
Cô gái đang vặn nút cái radiogram quay người lại và cầm tay Olanna. "Chị khỏe không?" Olanna hỏi, "Cô có lẽ là Lara Adebayo?"
"Vâng", cô Adebayo nói. "Anh ấy không nói cho chúng tôi biết trước là chị đẹp một cách vô lý như thế".
Olanna bước lùi, ngượng ngùng một lúc. "Tôi có thể xem như đó là một lời khen".
"Và một giọng Anh rất chuẩn", cô Adebayo thầm thì với một nụ cười thoáng vẻ mỉa mai trước khi quay trở lại với chiếc radiogram. Cô ta có một thân hình chắc nịch, cái lưng rất thẳng trong bộ áo hoa màu cam, thân hình của một người chất vấn mà người bị hỏi không dám vặn lại.
"Tôi là Okeoma", người đàn ông đầu tóc rối bù vì không chải nói. "Tôi tưởng bạn gái của Odenigbo là một người bình thường thôi, anh ấy quên không nói trước với chúng tôi rằng cô là một mỹ nhân ngư".
Olanna bật cười, thầm cảm kích sự biểu lộ tình thân của Okeoma và cách anh ta nấn ná cầm tay nàng. Tiến sĩ Patel nói, có vẻ ngượng ngùng, "Cuối cùng rồi tôi cũng được gặp cô, rất hân hạnh"; còn Giáo sư Ezeka bắt tay nàng, gật đầu, có vẻ hơi khinh khỉnh coi thường khi nàng nói nàng tốt nghiệp Xã hội học chứ không phải một trong những ngành khoa học đích thực.
Sau khi Ugwu mang thức uống ra, Olanna nhìn Odenigbo nâng ly lên môi và nàng không thể nghĩ đến chuyện gì khác hơn là đôi môi đó chỉ mới vài phút trước đây đã mút chặt núm vú của nàng. Nàng kín đáo di chuyển sao cho phía trong cánh tay của nàng chạm nhẹ vào ngực và nhắm hờ mắt để tưởng nhớ đến những mũi kim châm chích của cơn đau tình yêu, đê mê và ngây ngất. Đôi khi Odenigbo cắn khá đau. Nàng chỉ muốn khách ra về.
"Có phải nhà tư tưởng lớn Hegel là người đã gọi Phi châu là mảnh đất thời thơ ấu?" Giáo sư Ezeka hỏi, có vẻ như giả vờ.
"Có lẽ người nào dựng mấy cái bảng hiệu CẤM TRẺ EM VÀ NGƯỜI CHÂU PHI trong rạp chiếu phim ở Mombasa đã từng đọc Hegel", bác sĩ Patel nói và cười khúc khích.
"Không ai có thể xem trọng ý kiến của Hegel. Ông có đọc kỹ Hegel không? Ông ta rất khôi hài, rất tếu. Nhưng Hume, Voltaire và Locke cũng nghĩ như thế về châu Phi", Odenigbo nói. "Sự cao cả vĩ đại tùy thuộc vào nơi bạn xuất phát. Cũng giống như mấy người dân xứ Israel khi được hỏi họ nghĩ thế nào về chuyện Eichmann bị đem ra tòa xử mấy ngày trước đó, một người trong đám nói là anh ta không thể nào hiểu được tại sao lúc ấy Đức Quốc Xã lại được tôn sùng. Đúng là rất được tôn sùng, phải không? Ngay cả bây giờ cũng vẫn thế". Odenigbo khoa tay, lòng bàn tay lật ngửa lên, và Olanna nhớ là bàn tay ấy đã nắm chặt eo của nàng.
"Cái người ta không nhìn thấy là: Nếu châu Âu thực sự quan tâm đến châu Phi thì vụ Holocaust 13 đã chẳng xảy ra", Odenigbo nói. "Tóm lại, Thế chiến đã chẳng xảy ra!"
"Anh nói thế có ý gì?" Cô Adebayo hỏi, nâng ly lên môi.
"Sao cô lại có thể hỏi là tôi có ý gì? Điều đó rất rõ ràng, bắt đầu từ đám người Herero 14 ". Odenigbo bắt đầu đổi thế ngồi, lên giọng, và Olanna tự hỏi không biết chàng có nhớ là khi làm tình, hai người đã ầm ĩ đến mức độ nào. Sau khi ân ái, chàng cười rộ và nói, "Nếu mà ban đêm mình cứ như thế này, chắc là mình sẽ đánh thức Ugwu mất, tội nghiệp cu cậu".
"Anh lại nói cũng một chuyện ấy, Odenigbo", cô Adebayo nói. "Anh nói là nếu người da trắng không thảm sát người Herero thì vụ Holocaust đã chẳng xảy ra? Tôi chẳng thấy hai sự kiện này có gì liên hệ với nhau cả!"
"Cô không thấy sao?" Odenigbo hỏi. "Họ bắt đầu nghiên cứu, khảo sát về chủng tộc với người Herero và đưa ra kết luận với người Do Thái. Dĩ nhiên là có sự liên hệ!"
"Lý luận của anh không đủ tính thuyết phục, nhà ngụy biện", cô Adebayo nói, rồi như để phủ nhận, cô nâng ly uống cạn phần còn lại.
"Dẫu sao thì tuy Thế chiến là một chuyện tai hại song cũng có cái lợi của nó, như dân mình hay nói", Okeoma nói. "Chú tôi đánh trận ở Burma và khi trở về, ông mang trong đầu một câu hỏi cháy bỏng. Tại sao không ai bảo cho ông biết trước rằng người da trắng không phải là những người bất tử?"
Mọi người bật cười. Có cái gì đó dường như là thói quen trong kiểu cười này, giống như là họ đã nói về đề tài này rất nhiều lần với nhiều trạng thái, cách thức khác nhau, đến độ họ biết lúc nào thì cần phải cười. Olanna cũng cười và cảm thấy trong một khoảnh khắc, giọng cười của nàng khác hơn, cao hơn, nhói vào tai hơn giọng cười của mấy người kia.

Những tuần tiếp theo, khi nàng bắt đầu dạy lớp Xã hội học nhập môn, khi nàng gia nhập câu lạc bộ giáo viên và chơi quần vợt với các đồng nghiệp, chở Ugwu đi chợ, đi dạo với Odenigbo và gia nhập Hội Thánh Vincent de Paul ở nhà thờ Thánh Peter, nàng quen dần với những người bạn của Odenigbo. Chàng trêu nàng là vì bây giờ có nàng nên nhiều người đến chơi hơn; là cả hai người Okeoma và Patel đều thầm yêu nàng; bằng chứng là Okeoma hăng hái đọc thơ của anh ta, diễn tả một nữ thần có vẻ rất giống Olanna, còn ông Patel thì kể rất nhiều chuyện thời còn ở Makerere, ông ấy nói về mình như là một nhà trí thức rất biết chiều chuộng và tế nhị với đàn bà.
Olanna thích bác sĩ Patel, nhưng nàng luôn mong Okeoma đến chơi. Cái đầu rối bù và bộ quần áo nhăn nhúm của anh luôn làm nàng cảm thấy dễ chịu. Và nàng để ý, ngay từ đầu Odenigbo rất coi trọng ý kiến của Okeoma, gọi đó là "Tiếng nói của thế hệ chúng ta!", dường như chàng thật sự tin tưởng điều này. Nàng không thật chắc lắm về thái độ kiêu kỳ ta đây của Giáo sư Ezeka; ông ta tin rằng mình giỏi hơn tất cả mọi người nên thường rất kiệm lời. Nàng cũng không mấy chắc cảm tưởng của mình về cô Adebayo. Có thể không khí dễ thở hơn nếu cô Adebayo tỏ vẻ ghen tị một chút xíu, nhưng hình như cô ta cho là Olanna không đáng để cô tranh đua, với phong thái không trí thức, cái mặt quá đẹp và cái cách nàng bắt chước giọng Anh của mấy tên thống trị. Nàng để ý thấy mình nói nhiều hơn mỗi khi có mặt cô Adebayo, bằng mọi giá cố gắng đưa ra những quan điểm để gây ấn tượng với mọi người - Nkrumah thật sự muốn làm chúa tể ở châu Phi, người Mỹ rất kiêu ngạo khi cứ một mực đòi người Nga phải mang hỏa tiễn của họ ra khỏi Cuba khi vẫn giữ hỏa tiễn của mình ở Thổ Nhĩ Kỳ, Sharpeville chỉ là một thí dụ bi thảm về hàng trăm người da đen bị giết hại hằng ngày ở Nam Phi - nhưng nàng nghi ngờ rằng đó thực ra chỉ là sự đánh bóng toàn bộ những ý tưởng vay mượn của nàng. Và nàng nghi ngờ cô Adebayo biết thế; bởi vì cô ta luôn luôn chờ đúng lúc nàng phát biểu để đứng dậy đi lấy một tờ báo hoặc rót thêm nước uống hoặc vào toilet. Cuối cùng nàng đành phải nhượng bộ. Nàng sẽ không bao giờ thích cô Adebayo và cô Adebayo cũng sẽ chẳng bao giờ nghĩ đến chuyện thích nàng. Có lẽ cô Adebayo có thể nhận ra, từ nét mặt nàng, rằng nàng e ngại một số chuyện, rằng nàng không tự tin, rằng nàng không phải là một người có đủ kiên nhẫn để nghi ngờ chính bản thân mình, rằng nàng không giống Odenigbo, và lại càng không giống cô Adebayo - một người có thể nhìn thẳng vào mắt người khác mà nói thật ôn hòa là cô ta đẹp một cách vô lý, một người có thể dùng cả cái câu kỳ khôi ấy, đẹp một cách vô lý.
Tuy thế, mỗi khi Olanna nằm trên giường bên cạnh Odenigbo, khi chân hai người quấn lấy nhau, nàng chợt nhận thấy cuộc đời nàng ở Nsukka như chìm trong một cái lưới bằng lông tơ mềm mại, ngay cả những ngày mà Odenigbo khóa trái cửa và ngồi trong phòng làm việc hàng giờ. Cứ mỗi lần chàng đề nghị làm đám cưới, nàng lại trả lời không. Họ hạnh phúc quá, hạnh phúc của họ cũng mỏng manh quá và nàng muốn giữ nguyên trạng thái ấy; nàng sợ hôn nhân sẽ biến nó thành một sự cộng sinh nhàm chán của hai người.
--------------------------------
1 High Life (nguyên văn): Là loại nhạc bắt nguồn từ Ghana và lan sang Nigeria khoảng năm 1920 rất thịnh hành. Tương tự như jazz, kèn, phối hợp với guitars. Để tiện cho độc giả chúng tôi xin thay thế bằng chữ Tân nhạc.
2 Old spice là một loại nước hoa của đàn ông được dùng sau khi cạo râu, tắm hay rửa mặt.
3 Chief (nguyên văn): Là một tước hiệu nói chung cho những người quan trọng có thể lực, mặc dù không giữ vai trò gì trong chính quyền. Đây là một tước hiệu có thể được mua bằng tiền. Chữ "Ông Trùm" có một thời được dùng để chỉ những ngưòi có chức vụ cao trong xã hội đen hay mafia. Xin được phép dùng thay cho chữ "Chief" vì nó ngắn gọn, hay và diễn tả đúng mức.
4 Một loại y phục giống như áo sơ-mi nhưng dai hơn của đàn ông Nigeria; những người có chức quyền thường mặc trong những dịp trọng đại.
5 Pax Britannica (tiếng Latin): Có nghĩa là nền thái bình của nước Anh. Chỉ giai đoạn phát triển của Đế quốc Anh bắt đầu từ trận Waterloo cho đến khi kết thúc Thế chiến thứ Nhất.
6 Một dân tộc thiểu số, sống thành bộ lạc ở vùng rừng gần sông Niger của xứ Nigeria.
7 I would eat my hair (nguyên văn): Em có mà ăn tóc.
8 Áo dài tay bằng vải hay lụa, dài tới mắt cá.
9 Allah là vị thánh chí tôn của người Hồi giáo.
10 Chơi bóng lúc cưỡi ngựa.
11 Người Phi châu da đen tóc xoăn, nhưng rất thích có mái tóc thẳng. Bây giờ người ta có thể dùng chất hóa học và hơi nóng làm tóc thẳng. Nhưng những năm sáu mươi, người ta đội tóc giả để có được kiểu tóc ưa thích.
12 Tên một loại cây cao từ 15 đến 20m. Hoa có màu trắng và mùi thơm. Cây xanh quanh năm nhưng nếu hạn hán trầm trọng, cây có thể biến thành màu nâu và rụng lá.
13 Vụ tàn sát chủng tộc dã man đối với 6 triệu người Do Thái và nhiều nhóm thiểu số khác ở châu Âu và Bắc Phi trong Thế chiến thứ Hai do Đức Quốc Xã và các nước cùng phe gây ra.
14 Cuối thế kỷ XIX, người Đức ký hợp đồng mua đất của người Herero, đa số sống ở Nambania, số còn lại ở Bostwana và Angola. Người Đức trở thành người đô hộ dân Herero. Năm 1904, dân Herero đòi quyền độc lập. Sau đó, dân Hetero bị Đức Quốc Xã thảm sát. Số người chết ước tính từ 25.000 cho đến 100.000.
Nhấn vào đây để xem chương mới nhất của Ebook Nửa Mặt Trời Vàng.