• 57

Chương 4


Số từ: 5805
Dịch giả: Nguyễn Thị Kim Hiền
NXB Trẻ
Nguồn: Sưu tầm
Gần đến mùa Hè thì chúng tôi nghe tin trên bờ Bosphorus, ở Istinye (một địa điểm ở phần châu Âu của Istanbul) người ta tìm thấy xác của đại sư chiêm tinh Huseyn Efendi. Rốt cuộc Pasha cũng nhận được chiếu chỉ fatura (quyết định của tăng lữ tối cao trong đạo HỒI về một vấn đề hoặc hành động nào đó, chiểu theo Thánh Kinh Koran) về việc trảm quyết ông và vị đại sư không biết giữ mồm giữ miệng, lại gửi thư đi khắp xa gần bảo rằng Pasha Sadik sắp mất mạng, rằng điều đó có ghi trên các vì sao, bởi thế ông ta để lộ nơi mình ẩn náu. Ông ta định bơi sang Anatolia, nhưng bị đao phủ đuổi kịp và bóp cổ chết trên thuyền. Khi biết tài sản của đại sư chiêm tinh bị tịch biên, Hoja tìm cách chiếm những sách vở, giấy tờ và các quyển vở của ông ta - có bao nhiêu tiền để dành anh ta đều tiêu hết cho việc hối lộ. Một buổi chiều, Hoja chở một chiếc hòm lớn đựng đầy bản thảo về nhà, anh ta đọc một mạch cả tuần hàng nghìn trang, rồi sau đó giận dữ nói rằng mình có thể viết xuất sắc hơn thế.
Và rồi Hoja bắt tay vào viết những quyển sách của mình, còn tôi thì phụ giúp anh ta. Hoja quyết định dâng lên Padishah hai bản biên khảo Đời sống động vật và Những sinh linh huyền diệu. Tôi kể cho anh ta nghe về những con ngựa, con la, thỏ, thằn lằn mà tôi đã thấy trong vườn nhà mình tại Empoli (một thành phố ở Italia) và trên các thảo nguyên. Trí tưởng tượng của Hoja không được dồi dào cho lắm, nên tôi phải kể cho anh ta nghe về những con ếch châu Âu có ria mép trong đầm hoa súng của nhà tôi, những con chim vẹt màu xanh da trời, biết nói lơ lớ giọng Ba Lan, những con sóc thường ngồi chải lông cho nhau trước khi giao phối. Trong quyển sách của chúng tôi có hẳn một chương tả kĩ lưỡng về đời sống của loài kiến mà Padishah rất quan tâm, nhưng Ngài không có điều kiện để làm quen, vì cung điện lúc nào cũng được lau chùi choáng lộn.
Mô tả những quy luật nghiêm ngặt trong đời sống loài kiến, Hoja mơ ước rằng chúng tôi sẽ trở thành những người bảo trợ cho ấu vương. Vì vậy, Hoja cho rằng chỉ mô tả những con kiến đen mà chúng tôi biết là còn chưa đủ, nên anh ta viết cả về loài kiến châu Mỹ có màu hung đỏ. Anh ta mơ ước viết được một quyển sách buồn thảm, mang tính giáo huấn bằng những câu chuyện đã xảy ra với đám ngu dân sống trong xứ sở của rắn, có tên gọi là châu Mỹ, và suốt đời chẳng muốn thay đổi một điều gì. Anh ta kể tỉ mỉ là sẽ viết về một cậu bé làm vua, rất yêu súc vật và săn bắn, do không thích khoa học nên bị bọn dị giáo Tây Ban Nha đóng cọc, nhưng tôi nghĩ, chắc gì anh ta dám viết như vậy. Một họa sĩ được chúng tôi mời đến vẽ minh họa cho những con bò sáu chân có cánh và những con rắn hai đầu, nhưng công việc của anh ta không làm chúng tôi hài lòng. 'Trước đây, người ta cũng đã từng vẽ như ngươi, - Hoja nói, - còn bây giờ thì phải vẽ ba chiều và có bóng chứ, xem kìa, ngay cả con kiến bình thường này cũng cố gắng cõng một cái bóng trên lưng, y như bản sao của nó."
Bởi không được Padishah vời vào cung điện nên Hoja nhờ Pasha chuyển các công trình của mình cho Ngài và về sau rất lấy làm tiếc về chuyện đó. Pasha bảo rằng khoa học về các ngôi sao là thứ nhảm nhí, tầm bậy tầm bạ, rằng đại sư chiêm tinh Huseyn Efendi đã làm những việc không phải của mình, tức là bày đật các âm mưu chính trị, và Pasha đồ rằng dường như Hoja đang mon men ngấp nghé chức vị ấy, rằng bản thân Pasha cũng rất tin tưởng vào khoa học, nhưng không phải là thứ khoa học liên quan đến các ngôi sao, mà phải là thứ khoa học gắn liền với việc chế tạo vũ khí, rằng chức vụ đại sư chiêm tinh chẳng may mắn gì đâu, ai cũng biết là những người giữ địa vị đó rốt cuộc đều bị giết chết, hoặc chính bản thân họ phải đi biệt xứ, vì họ biết quá nhiều bí mật, cho nên Pasha không muốn Hoja, người mà ông ta rất sủng ái và có kiến thức đáng tin, giữ một chức vụ như vậy, bởi đã có ứng viên là Sitki Efendi dốt nát và ngây thơ, một người có thể đảm đương tuyệt vời công việc đó. Pasha nghe nói Hoja đang có trong tay các sách vở của đại sư chiêm tinh trước đây, nhưng ông không muốn anh ta nghiên cứu những cái đó... Hoja đáp rằng anh ta chỉ quan tâm duy nhất đến một thứ duy nhất là khoa học và nhờ chuyển cho Padishah các công trình của mình. Chiều đó, khi trở về nhà, Hoja vừa rủa sả Pasha vừa nói rằng anh ta sẽ chỉ làm mỗi việc duy nhất là nghiên cứu khoa học, và sẽ làm tất cả những gì cần thiết để nghiên cứu khoa học.
Suốt một tháng sau đó, Hoja chỉ tập trung mọi chú ý vào chuyện quyển sách về các con vật tưởng tượng của chúng tôi đã gây được ấn tượng như thế nào đối với Padishah và đoán già đoán non vì sao đến tận bây giờ anh ta vẫn chưa được triệu tới cung cấm. Cuối cùng, anh ta được mời tham dự một cuộc săn bắn. Hoja được đi bên cạnh Padishah, tôi ở cách xa một quãng, cùng đoàn tùy tùng lên đường đến Lâu đài Mirahor trên bờ sông Kagithane. Viên quan phụ trách săn bắn đã chuẩn bị chu đáo tất cả mọi thứ: người ta xua cho thỏ và cáo chạy ra, sau đó thả chó săn. Chúng tôi thấy một con thỏ lao bổ xuống nước rồi bơi đi, tất cả mọi người đều chứng kiến nó cố sống cố chết bơi đến bờ bên kia, bọn vệ binh muốn suỵt chó sang đó. Thậm chí những người đứng xa như chúng tôi cũng nghe thấy Padishah không cho phép họ làm như thế; "Tha cho con thỏ ấy." Thấy bờ bên đó có một con chó chẳng biết của ai, thỏ lại lao xuống nước nhưng vẫn bị chó vồ. Mấy người vệ binh chạy tới giằng con thỏ khỏi mõm chó và đưa trình Padishah. Nhà vua nhỏ tuổi xem xét con vật, vui mừng thấy vết thương của nó không nghiêm trọng lắm, bèn sai đem thả thỏ lên đồi. Trong đám đông xúm quanh Ngài, tôi thấy thấp thoáng bóng Hoja và tên hề lùn tóc đỏ.
Tối hôm ấy, Hoja kể rằng Padishah đề nghị những người có mặt lí giải về chuyện vừa xảy ra. Đến lượt Hoja, anh ta nói sắp tới Padishah sẽ gặp kẻ thù đột ngột xuất hiện ở những nơi Ngài ít ngờ tới nhất, nhưng Ngài sẽ được tai qua nạn khỏi. Những kẻ ác ý liền nhao nhao gièm pha về cách lí giải đem Padishah so sánh với thỏ, nhưng Padishah bắt dàn đồng ca ấy, bao gồm cả tân đại sư chiêm tinh Sitki Efendi phải im miệng, và nói rằng Ngài sẽ nhớ lời Hoja. Rồi sau đó, khi buồn bã nhìn kết cục của con đại bàng bị mấy con chim ưng hành hạ và con cáo ra sức chống cự nhưng vẫn bị đàn chó xé ra từng mảnh, Ngài nói rằng con sư tử cái đã đẻ được hai con, một con đực và một con cái, và Ngài rất thích quyển sách về động vật, rồi Ngài kể về những con bò cái có cánh màu xanh da trời trong thung lũng sông Nile và những con mèo màu hồng. Hoja ngây ngất một niềm vui lạ thường, vừa đắc thắng lại vừa khiếp sợ.
Mãi về sau, chúng tôi được biết về những sự kiện xảy ra trong cung điện: Kosem Sultana (Kosem Sultana (Mameiker) (mất năm 1651): vợ của hoàng đế Thổ Ahmet I, bà nội của Mehmet IV), một bà cung phi của cựu hoàng đế đã cùng tư lệnh vệ binh âm mưu ám sát Padishah và thân mẫu của Ngài để đưa thái tử Suleyman lên ngôi, nhưng bà ta không thực hiện được kế hoạch. Kosem Sultana bị thắt cổ, trào máu mũi mà chết. Hoja nghe được những chuyện đồn đại ấy khi anh ta đến tháp đồng hồ giáo đường. Anh ta chỉ đến đó và trường học, ngoài ra không đi đâu khác.
Đến mùa Thu, Hoja lại muốn nghiên cứu vũ trụ, nhưng để làm điều đó thì phải có đài thiên văn, song bọn ngu si chẳng coi các vì tinh tú là quan trọng, còn các vì tinh tú ấy thì chẳng thèm để ý đến bọn dốt nát đó. Mùa Đông đến, những ngày ảm đạm kéo dài lê thê. Vào một ngày như thế, chúng tôi được biết Pasha đã bị phế truất. Ông cũng suýt bị treo cổ, nhưng bà Valide Sultana (Tức Turhan Hadice, vợ hoàng đế Ibrahim. Valide Sultana là chức danh mẫu hậu trong triều đình Ottoman) - mẫu hậu của Padishah, không chấp thuận, nên Pasha chỉ bị tịch biên tài sản và bị đày đi Erzinjan. Từ đó, chúng tôi không biết thêm tin tức gì về Pasha, cho đến tận khi nghe tin ông chết. Hoja nói: bây giờ anh ta chẳng còn sợ ai và cũng chẳng phải báo ân cho người nào nữa. Tôi nghĩ bụng, không biết khi nói như vậy anh ta có nghĩ đến chuyện đã học được gì hoặc chưa học được gì nơi tôi hay không. Anh ta không hề tỏ ra rụt rè trước ấu vương cũng như trước thân mẫu của Ngài, như thể muốn nói: hoặc không có gì, hoặc là tất cả, nhưng khi về đến nhà thì lại sống nhu mì giữa những đám sách vở, và chúng tôi lại chuẩn bị viết một quyển sách về những con kiến châu Mỹ màu hung đỏ.
Cũng giống như những mùa Đông trước và sau đó, chúng tôi hầu như không ra khỏi nhà, cuộc sống trôi qua một cách đơn điệu. Vào những đêm đông giá lạnh, chúng tôi ngồi ở tầng dưới nghe gió bắc thổi qua khe cửa, qua ống máng tràn vào nhà, và trò chuyện đến sáng. Hoja không những không xúc phạm tôi như trước đây, mà còn không làm điều gì khiến tôi có thể mất lòng. Tôi lí giải điều đó bằng việc không ai quan tâm đến anh ta, trong hoàng cung cũng như trong giới thân cận Padishah. Thỉnh thoảng, y như tôi, anh ta chợt phát hiện sự giống nhau giữa hai người, nhìn tôi, anh ta như thấy bản thân mình, và những lúc như vậy tôi đều tự hỏi: chẳng biết anh ta nghĩ ngợi điều gì ? Chúng tôi hoàn thành thêm một công trình lớn về động vật, song anh ta vẫn tiếp tục ngồi bên bàn làm việc, vì Pasha đang ở nơi lưu đày, mà như Hoja nói, anh ta không muốn tiếp xúc với những kẻ xa lạ. Thỉnh thoảng, do rỗi rãi, tôi ngồi giở những trang viết, xem những con châu chấu màu tím, những con cá biết bay do tôi vẽ và hình dung, không biết Padishah sẽ nghĩ gì khi đọc quyển sách này.
Mãi đến đầu mùa Xuân, Hoja mới được gọi vào cung. Vừa trông thấy anh ta, cậu bé mừng rỡ vô cùng, theo lời của Hoja thì mỗi một lời nói, mỗi một cử chỉ của ấu vương đều cho thấy Ngài nghĩ nhiều về Hoja, nhưng Ngài không gọi anh ta vào cung vì bị bọn dốt nát cản trở. Padishah lập tức kể chuyện về âm mưu của bà nội và nói rằng Hoja đã tiên đoán đúng về hiểm họa đó, đoán đúng cả chuyện Padishah sẽ tai qua nạn khỏi. Trong cái đêm mà Ngài biết chuyện người ta muốn ám sát mình, Ngài không hề sợ hãi, vì nhớ con chó hung dữ đã không hại được con thỏ. Padishah khen ngợi Hoja và truyền lệnh ban cho anh ta một suất điền thổ ở địa điểm thích hợp. Đến cuối Hè thì văn tự về phần đất đó cần phải được hoàn tất để trao cho Hoja.
Hy vọng có được ít thu nhập từ phần đất đai ấy, trong khi chờ văn tự, Hoja ngồi vẽ kế hoạch xây một đài thiên văn nhỏ trên đó. Hoja tính toán kích thước của cái giếng, ước liệu giá thành các thiết bị sẽ lắp đặt, nhưng rồi chẳng bao lâu sau anh ta chán ngấy mọi việc. Có lần, anh ta tìm được ở cửa hàng sách cũ một bản sao chép cẩu thả những kết quả quan trắc thiên văn của Takiyuddin. Anh ta bỏ ra hai tháng liền để kiểm tra tính xác thực của những quan sát ấy, rồi bực bội chấm dứt công việc, vì không thể nào phân loại được Takiyuddin đã phạm phải những sai lầm nào do sử dụng thiết bị rẻ tiền không chính xác, những sai lầm nào là do tính lơ đễnh của người sao chép kém cỏi. Anh ta còn bực mình vì người chủ cũ của quyển sách đã chép những dòng thơ vào giữa các bảng lượng giác trên cơ sở hệ thống lục thập. Chủ nhân quyển sách đã sử dụng phương pháp ebjed (một phương pháp nghiên cứu dòng họ) và các phương pháp khác để tiên đoán một số điều trong tương lai, chẳng hạn như sau khi sinh bốn đứa con gái Hoja sẽ có quý tử, trong thành phố thể nào cũng xảy ra một trận dịch hạch để mà tách bạch những kẻ tội lỗi và người vô tội; ông hàng xóm Bahaeddin Efendi của Hoja sẽ chết... Thoạt đầu, Hoja vui vẻ đọc những điều sấm truyền ấy, nhưng rồi anh ta buồn hẳn đi. Anh ta bắt đầu nói với vẻ quyết đoán lạ thường và dễ sợ rằng cái đầu của chúng ta cũng giống như chiếc rương hoặc chiếc tủ, có thể mở nắp nhìn vào để thấy những ý nghĩ ẩn chứa trong đó.
Hết mùa Hè rồi đến tận mùa đông cũng chẳng thấy người ta ban cho Hoja phần đất mà Padishah đã nói. Tới mùa Xuân năm sau, người ta bảo Hoja rằng đang làm lại địa bạ mới và phải chờ tiếp. Thời kì đó, Hoja được mời vào cung, mặc dù không thường xuyên lắm, và anh ta giải đáp những câu hỏi của Padishah, đại loại như: chiếc gương bị rạn, tia chớp xanh phía đảo Yassi, hoặc chiếc bình vô cớ rơi xuống bị vỡ, nước quả anh đào ép đựng trong đó chảy ra, nom hệt như máu... là điềm báo điều gì. Padishah cũng hỏi han về những con vật trong quyển sách của chúng tôi. Về nhà, Hoja nói rằng cậu bé đang bước vào tuổi thanh niên, đây là thời kì mà con người dễ chịu ảnh hưởng nhất.
Hướng tới mục đích đó, Hoja bắt tay vào viết quyển sách mới. Anh ta từng nghe tôi kể về sự diệt vong của bộ tộc da đỏ Aztec ở Mexico, tôi cũng đã kể đi kể lại cho Hoja về những hồi kí của Cortés (Hernán Cortés (khoảng 1485-1547): chiến lược gia quân sự Tây Ban Nha, người đã khởi đầu quá trình xâm lược đế quốc Aztec trên lãnh thổ Mexico ngày nay), anh ta cũng nhớ câu chuyện về vị hoàng đế nhỏ tuổi bị đóng cọc vì tội coi thường khoa học. Tất cả những câu chuyện đó đều nói về bọn vô sỉ, nhè lúc người tốt đang mất cảnh giác đã giành phần thắng và khuất phục được họ, nhờ những loại vũ khí tối tân, nhờ ứng dụng các thiết bị khác nhau và nhờ cả những câu chuyện huyền thoại. Một thời kì dài, anh ta làm việc rất lâu sau cánh cửa đóng kín và không cho tôi xem những gì viết được. Tôi đoán anh ta đang chờ tôi tỏ ra quan tâm, nhưng nỗi buồn nhớ cố quốc tràn ngập trong lòng lúc đó khiến tôi cảm thấy mình vô cùng bất hạnh và căm ghét anh ta. Tôi cố dẹp sự tò mò của mình để có được vẻ thờ ơ trước kết quả tông việc bền bỉ mà anh ta cố đạt tới bằng cách đọc những quyển sách sờn cũ mua rẻ được và nghe những câu chuyện của tôi. Tôi hài lòng để ý thấy ngày này qua ngày khác anh ta mất dần sự tin tưởng vào những gì do chính tay mình viết.
Anh ta leo lên căn phòng nhỏ ở trên gác dùng làm thư phòng, ngồi suy nghĩ sau chiếc bàn được đóng theo bản vẽ của tôi, nhưng không viết được gì. Tôi biết anh ta không đủ can đảm để viết khi chưa bàn luận trước với tôi. Không chỉ những ý nghĩ của tôi mà anh ta làm ra vẻ coi thường đã làm anh ta mất tự tin, anh ta còn muốn biết ý kiến của những người tương tự như tôi, những người đã dạy dỗ và bỏ kiến thức vào đầu tôi. Không biết trong những trường hợp như vậy thì họ suy nghĩ như thế nào ? Đó chính là điều mà anh ta tha thiết muốn hỏi tôi nhất, nhưng lại lưỡng lự không dám hỏi. Tôi đã chờ đợi biết bao cái giây phút mà anh ta dẹp được lòng kiêu hãnh của mình và mạnh dạn hỏi tôi câu đó ! Nhưng anh ta đã không hỏi. Tôi không biết Hoja đã kết thúc quyển sách hay chưa, nhưng một thời gian sau, anh ta xếp xó công việc viết lách và trở lại với điệp khúc về những kẻ ngu dốt. Cần phải nghiên cứu khoa học, vậy mà không thể hiểu được, tại sao chúng nó ngu si như vậy ! Tôi nghĩ rằng, anh ta lặp lại tất cả những điều đó do thất vọng, do không nhận được những dấu hiệu thiện cảm mong đợi từ phía triều đình. Thời gian trôi đi một cách vô vọng, Padishah ngày càng trưởng thành, mà điều đó đâu có mang lại lợi lộc gì.
Nhưng rồi vào mùa Hè mà Pasha Koprulu Mehmet trở thành tể tướng, rốt cuộc Hoja cũng nhận được phần đất mà Padishah ban cho, hơn nữa, anh ta còn được quyền tự chọn lấy lãnh địa của mình. Hoja được hưởng lợi tức từ hai chiếc cối xay ở gần Gebze và hai ngôi làng cách đó chừng một giờ đi xe ngựa. Chúng tôi đến Gebze vào mùa thu hoạch, thuê đúng ngôi nhà hồi trước, tình cờ vẫn còn bỏ không. Hoja đã quên những ngày tháng chúng tôi từng sống ở đây, khi anh ta còn nhìn chiếc bàn tôi mang từ chỗ ông thợ mộc về nhà với vẻ thù địch. Dường như cùng với ngôi nhà, những hồi tưởng cũng trở nên già nua và méo mó đi, mà Hoja thì lại quá thiếu kiên nhẫn để lấy những hồi tưởng về quá khứ làm chỗ dựa. Anh ta đã mấy lần đến các ngôi làng của mình để tìm hiểu về lợi tức những năm trước đây, dưới ảnh hưởng của Pasha Tarhunju Ahmet, người mà anh ta đã nghe những câu chuyện đồn đại gièm pha từ những người bạn ở tháp đồng hồ. Hoja còn tuyên bố đã tìm được một phương pháp đơn giản và dễ hiểu để theo dõi hoa lợi.
Đối với Hoja, những tìm tòi đó vẫn còn chưa đủ, chính anh ta cũng chẳng tin gì lợi ích và tính độc đáo của những khảo sát đó. Đêm đêm, khi thả bộ thư giãn trong khu vườn đằng sau ngôi nhà, anh ta ngước mặt lên trời và ngọn lửa say mê thiên văn lại bùng cháy lên. Tôi khuyến khích Hoja, hy vọng rằng anh ta sẽ tiến bộ trong các nghiên cứu, nhưng anh ta không hề quan sát hoặc hoàn thiện kiến thức của mình, mà lại tìm những đứa sáng dạ nhất trong đám thiếu niên quen biết ở Gebze và trong làng, rủ chúng đến nhà mình, bảo rằng sẽ bắt chúng học hành một cách thực sự. Anh ta sai tôi về Istanbul lấy các thiết bị, tra dầu, sửa chữa những quả chuông nhỏ, đem lắp đặt ngoài vườn, và rồi không biết anh ta lấy đâu ra sự kiên quyết và niềm hy vọng để lặp lại một cách chính xác các thí nghiệm về học thuyết vũ trụ, mà trước đây anh ta đã biểu diễn cho Pasha, sau đó là cho Padishah xem. Nhưng rồi nhiệt tình đối với thiên văn của anh ta nguội dần, khi thấy các thính giả tản mát đi về mà chẳng đưa ra một câu hỏi nào, rồi sáng hôm sau, khi ngủ dậy, chúng tôi thấy một quả tim cừu còn ấm máu đặt ngay trước cửa.
Anh ta không lấy làm buồn vì những thất bại của mình: rõ ràng là những thiếu niên vùng này đâu có hiểu được sự chuyển động của Trái Đất và các vì sao, mà hiện giờ chúng thậm chí cũng chưa cần hiểu những cái đó, chỉ có những ai đã đến tuổi vị thành niên thì mới cần hiểu biết. Chúng tôi thu xếp công việc của mình, cử một người có vẻ thông minh nhất trong đám thanh niên sáng dạ ấy làm quản lý, rồi nhanh chóng trở về Istanbul.
Ba năm tiếp theo là thời kì nặng nề nhất của chúng tôi. Mỗi một ngày, mỗi một tháng, mỗi một mùa lại là sự lặp đi lặp lại buồn tẻ và chán ngán của ngày hôm trước, tháng trước, mùa trước. Chúng tôi cay đắng và thất vọng theo dõi sự lặp lại đơn điệu ấy và dường như chờ đợi một thất bại nào đó. Thảng hoặc, Hoja vẫn được gọi vào cung như trước, người ta nhờ anh ta giải đáp một vài hiện tượng chẳng nghĩa lí gì, thứ năm nào anh ta cũng gặp gỡ và bàn luận với những người bạn bác học, vẫn gặp các học trò của mình và đánh đập chúng, mặc dù không thường xuyên lắm. Những người rỗi hơi vẫn đến giục Hoja lấy vợ, anh ta phản kháng lại chẳng kiên quyết lắm. Khi đến với phụ nữ, Hoja buộc phải nghe bản nhạc mà anh ta không còn yêu thích nữa; anh ta lại nói về bọn ngu dốt, với lòng căm phẫn đến mức ngạt thở; lại đóng chặt cửa giam mình trong phòng, ngồi trên giường giận dữ lần giở những quyển sách đã thành chán ngấy, sau đó lại ngửa mặt nhìn lên trần hàng giờ, như thể chờ đợi một điều gì đó.
Những thành công của Pasha - tể tướng Koprulu Mehmet, mà Hoja nghe được ở tháp đồng hồ, qua lời của những người bạn, càng làm anh ta có cảm giác bất hạnh hơn nữa. Thuật lại cho tôi nghe về chiến thắng của hạm đội đối với quân Venice, về việc đoạt lại các hòn đảo Tenedos và Limnos hoặc việc trấn áp vụ nổi loạn của Pasha Abaza Hasan, anh ta nói thêm rằng đó chỉ là những chiến thắng cuối cùng và tạm thời, những thắng lợi đó cũng tương tự như cơn giãy giụa lần chót của một người thọt chân dại dột và vụng về đang sắp chìm nghỉm trong đầm lầy; dường như Hoja chờ đợi một tai họa xảy ra, có thể thay đổi những ngày lê thê đơn điệu buồn tẻ của chúng tôi. Thêm nữa, anh ta không có đủ kiên nhẫn và niềm tin để nghiên cứu khoa học được lâu dài: anh ta không thể nghiền ngẫm về ý tưởng mới mẻ lâu hơn một tuần, chỉ ít lâu sau anh ta đã nhắc tới bọn ngu độn và quên hết mọi chuyện. Có đáng phải mệt mỏi vì những ý nghĩ về bọn chúng như vậy không ? Việc gì phải tức tối về chúng đến mức như thế ? Có thể, nguyên do là ở chỗ, chỉ gần đây thôi anh ta mới học được cách tách rời khỏi những người đó, hoặc do anh ta không thể tập trung tất cả ý chí và nỗ lực để nghiên cứu khoa học một cách kiên trì.
Chắc là cơn phấn khích đầu tiên được sinh ra từ nỗi buồn chán tinh thần. Do Hoja không thể chú ý sâu vào một chủ đề, giống như những đứa trẻ ngốc nghếch và ích kỉ không biết cách tự lo lắng cho mình, anh ta lang thang trong nhà, từ phòng này qua phòng khác, lên tầng xuống gác, nhìn qua cửa sổ một cách vô nghĩa. Tôi biết, khi anh ta rẽ vào chỗ tôi giữa những lần đi đi lại lại bất an trong ngôi nhà gỗ cót két, anh ta chờ đợi tôi đưa ra một sự giải tỏa nào đó có thể an ủi anh ta, hoặc một ý nghĩ, thậm chí, một từ ngữ gieo hy vọng nào đó. Nhưng tôi không nói những câu mà anh ta mong đợi, vì Hoja dửng dưng trước nỗi căm ghét của tôi đối với anh ta. Tôi không nói những lời anh ta chờ mong, ngay cả khi anh ta vượt qua lòng kiêu hãnh của mình để nói mấy câu ngắn gọn, cốt để được nghe tôi đáp lại. Mỗi khi tôi được nghe một tin tức nào đó từ phía triều đình, có thể lí giải một cách tốt đẹp, hoặc nghe anh ta nói lên một ý tưởng mới mẻ nào đó mà anh ta có thể thực hiện, thì tôi hoặc là bỏ qua ngoài tai, hoặc dập tắt hứng khởi của anh ta bằng cách chỉ ra điểm yếu của ý tưởng đó. Tôi thích thú theo dõi anh ta khổ sở dằn vặt giữa trống trải và vô vọng.
Có thể do một mình cô độc với bản thân mình quá lâu, hoặc do đầu óc đãng trí không thể tập trung được, Hoja đã mất kiên nhẫn, nhưng sau đó anh ta lại tìm được giữa cái mông lung ấy một ý nghĩa khiến anh ta say mê. Lần này, tôi đáp lại Hoja, vì tôi muốn truyền cho anh ta sự mạnh dạn: những gì anh ta chợt nghĩ ra khiến tôi cũng quan tâm, tôi hy vọng rằng bây giờ anh ta sẽ để ý đến mình. Một hôm, khi trời gần tối, Hoja vào phòng tôi và hỏi, như thể đang nói về một chuyện thường nhật nào đó: "Tại sao ta lại là ta ?" Tôi đã trả lời câu hỏi đó, với lòng mong muốn tạo thêm dũng khí cho anh ta.
Sau khi nói với Hoja rằng tôi không biết tại sao ta lại là ta, tôi bổ sung thêm, ở nước tôi câu hỏi này cũng rất hay được đặt ra. Nói điều này, tôi không thể đưa ra một chứng cớ, hoặc một ví dụ nào, đơn giản là tôi chỉ muốn trả lời như anh ta mong đợi, có thể là do tôi cảm nhận một cách vô thức là anh ta thích trò chơi này. Anh ta ngạc nhiên, nhìn tôi và đợi tôi nói tiếp. Thấy tôi im lặng, anh ta không nhịn được và bảo tôi nhắc lại: hóa ra, có người đã đặt ra câu hỏi này rồi ư ? Thấy tôi nhìn với nụ cười đồng tình, anh ta nổi cáu. Anh ta đưa ra câu hỏi ấy không phải vì người ta đã từng hỏi như thế, anh ta tự mình đặt ra câu hỏi đó và chẳng quan tâm gì đến ai khác cả. 'Trong tai ta lúc nào cũng văng vẳng một giọng nói, như thể đang hát", một lúc sau anh ta nói vậy với một vẻ mặt lạ lùng. Ca nhân hát trong tai gọi cho anh ta nhớ về vị thân sinh quá cố, ông cụ trước khi chết cũng nghe như có người hát trong tai, nhưng đó là những bài hát khác. Còn cá nhân của Hoja thì cứ nhắc đi nhắc lại mãi một giai điệu, rồi cố gạt vẻ ngượng nghịu, anh ta hát lên: "Ta - đó là ta, ta - đó là ta, la la la !"
Tôi suýt phì cười, nhưng kìm lại được. Nếu như đây là một chuyện đùa, anh ta chắc là cũng sẽ cười, nhưng anh ta không cười gì cả, dầu biết là nom mình rất buồn cười. Tôi cần phải làm ra vẻ hiểu được cả cái điều nhảm nhí và ý nghĩa của điều anh ta vừa thốt lên, vì lần này tôi muốn anh ta tiếp tục. Tôi bảo rằng tiếng nói trong tai anh ta cần được tiếp nhận một cách nghiêm chỉnh, người hát không phải là ai khác mà chính là anh ta. Hoja nghe thấy trong giọng tôi có ý bông đùa, nên nổi giận. Cái đó thì không có tôi anh ta cũng biết rồi, điều anh ta muốn biết là tại sao giọng nói ấy cứ nhắc đi nhắc lại đúng câu đó mà không phải là câu khác !
Tôi không đáp, chỉ nghĩ bụng: không chỉ qua bản thân, mà còn qua những người anh em của mình, tôi biết rằng, tinh thần bất mãn ở những đứa trẻ ích kỉ có thể mang lại những kết quả tốt đẹp, nhưng cũng có thể kết thúc một cách vô bổ. Tôi bèn nói: không nên nghĩ về chuyện điều gì gợi nên câu nói ấy, mà chỉ nên nghĩ về ý nghĩa của chúng. Tôi thoáng nghĩ, hay là Hoja đã trở nên mất trí vì vô công rồi nghề, mặc dầu khi theo dõi anh ta, tôi thoát được nỗi buồn vô vọng và nhát sợ. Biết đâu, lần này anh ta sẽ khiến tôi kinh ngạc. Nếu như anh ta làm như vậy thì quả thực sẽ có điều gì đó xảy ra trong cuộc đờ i chúng tôi: "Theo mi, ta phải làm gì bây giờ ?" - anh ta rầu rĩ hỏi. Tôi nói: cần phải suy nghĩ tại sao ta lại là ta, nhưng không thể khuyên giải, vì trong việc này tôi chẳng giúp được gì, mà anh ta phải tự mình giải quyết. "Vậy thì ta phải làm gì đây ? Ngắm mình trong gương chăng ?" - anh ta hỏi một cách nhạo báng, nhưng đã có vẻ trấn tĩnh. Tôi im lặng để cho anh ta có cơ hội suy nghĩ. Anh ta nhắc lại: "Nhìn vào gương à ?" Đến lúc đó tôi nổi giận, cho rằng Hoja không thể tự mình đạt tới một điều gì đó. Tôi muốn anh ta nhận thức được điều ấy, muốn nói thẳng vào mặt rằng thiếu tôi thì anh ta chẳng nghĩ ra được điều gì, nhưng không dám nói như vậy, chỉ uể oải khuyên anh ta cứ nhìn vào gương. Không, tôi không đủ dũng khí, mà cũng chẳng đủ sức mạnh. Anh ta nổi cáu, sập cửa đi ra, hét tướng lên rằng tôi là một kẻ ngu dốt.
Ba ngày sau, khi gợi chuyện về chủ đề đó, tôi nhận thấy anh ta muốn nói về "những người kia", mà tôi cũng muốn tiếp tục trò chơi này, bởi vì, dù sao chăng nữa, thậm chí chỉ mỗi câu chuyện này thôi cũng đã làm nảy sinh một hy vọng nào đó. Tôi khuyên anh ta nên soi gương lâu hơn, so với tục lệ ở đây. Ở bên ấy, không chỉ trong cung điện của vua chúa, trong tư dinh của các công nương và những bậc quyền quý, mà ngay cả nhà cửa của dân thường cũng treo nhiều tấm gương khung đẹp, và người ta làm như vậy vì họ nghĩ về bản thân mình. "Nghĩ bằng cái gì ?" - Hoja hỏi với mối quan tâm và sự ngây thơ khiến tôi kinh ngạc. Tôi cho rằng anh ta tin những điều tôi kể, nhưng Hoja cười: "Thế ra, từ sáng đến chiều người ta cứ soi gương à ?" Lần đầu tiên anh ta nhạo báng những gì mà tôi để lại ở đất nước của mình. Tức giận, tôi cố tìm một từ ngữ xúc phạm, nhưng không tìm được, liền buột mồm nói rằng con người ta cần phải tự suy nghĩ anh ta là ai, nhưng Hoja không đủ nghị lực để làm việc đó. Thấy vẻ đau khổ trên mặt anh ta, điều tôi mong muốn, tôi thấy thật hả dạ.
Nhưng tôi phải trả giá đắt cho sự vui mừng của mình. Không phải vì anh ta dọa sẽ đầu độc hoặc giết tôi, mà bởi vì mấy hôm sau anh ta yêu cầu tôi phải biểu lộ cái dũng khí mà anh ta đang thiếu. Thoạt đầu tôi định biến tất cả thành trò cười, bảo rằng soi gương để nghĩ về bản thân là chuyện đùa, tôi nói điều đó với sự tức giận chẳng qua để chọc tức anh ta, nhưng Hoja có vẻ không tin: anh ta dọa rằng nếu tôi không tỏ ra can đảm thì sẽ bớt khẩu phần và nhốt tôi trong phòng. Tôi vẫn phải suy nghĩ và viết ra giấy tôi là ai, để anh ta biết cách làm việc đó và xem tôi can đảm đến mức nào.
Nhấn vào đây để xem chương mới nhất của Ebook Pháo Đài Trắng.