Chương 5
-
Pháo Đài Trắng
- Orhan Pamuk
- 5762 chữ
- 2020-05-09 02:35:29
Số từ: 5750
Dịch giả: Nguyễn Thị Kim Hiền
NXB Trẻ
Nguồn: Sưu tầm
Thoạt tiên, tôi viết vài trang về những ngày tháng tuyệt vời, khi tôi sống cùng anh em ruột, mẹ và bà ngoại tại trang ấp của chúng tôi ở Empoli. Tôi cũng không hiểu tại sao mình lại chọn đúng đề tài đó để biện giải vì sao ta lại là ta; có thể là do tôi buồn nhớ những ngày tốt đẹp trong quá khứ, hơn nữa, sau khi nói những lời bực bội không cần thiết khiến Hoja nổi giận, tôi buộc phải viết và nghĩ về những gì để người đọc có thể tin được là người ta đã viết như vậy sau khi soi gương rất lâu, về những chi tiết mà nhất định người đọc phải chú ý. Thoạt đầu, Hoja không thích những gì tôi viết, vì ai mà chẳng có thể viết được như vậy, anh ta không tin đó là những gì người ta cần viết sau khi ngắm mình trong gương rất lâu và suy ngẫm, vì đó chưa phải là thứ can đảm mà tôi phát hiện Hoja đang thiếu. Đọc đoạn viết về cảnh tôi cùng mấy người anh và bố đi săn, cảnh tôi gặp con gấu ở núi Alps, nó và tôi đã nhìn vào mắt nhau lâu như thế nào về cảm tưởng của chúng tôi khi chứng kiến bầy ngựa nhà tôi xéo chết người giám mã yêu quý, anh ta nhắc lại: ai mà chẳng viết được như vậy.
Tôi đáp là ở bên đó ai cũng sống như thế, tôi cũng như mọi người khác, tôi không có khả năng làm được gì hơn nữa. Nhưng anh ta không nghe, còn tôi thì sợ bị nhốt trong phòng nên lại tiếp tục viết về những hồi tưởng của mình. Bằng cách đó, trong vòng hai tháng liền, tôi khôi phục lại những chi tiết nhỏ nhặt dễ chịu trong quá khứ, sống lại những giây phút tốt đẹp hoặc xấu xa của đời mình, từ nhỏ cho đến tận lúc bị bắt làm tù binh - rốt cuộc tôi phát hiện ra mình rất vui lòng khi nhớ lại tất cả những cái đó. Hoja không cần phải bắt ép tôi nữa, mỗi khi anh ta nói muốn biết điều khác, tôi lại chuyển sang những hồi tưởng mới, lại viết câu chuyện khác về cuộc đời đã trải của mình.
Một thời gian rất lâu sau đó, tôi nhận thấy Hoja thích thú đọc những bản ghi chép của tôi nên bắt đầu chờ dịp thuận tiện để lôi cuốn anh ta vào cuộc. Nhằm chuẩn bị tinh thần trước cho anh ta, tôi viết về những dằn vặt trẻ thơ của mình, về nỗi sợ đêm tối triền miên, về tình cảm yêu quý đối với một người bạn thời thơ ấu, người có thói quen cùng tôi đồng thời nghĩ về một chuyện gì đó, về chuyện cậu ta bị chết, mà tôi tưởng rằng mình cũng đã chết và sợ bị chôn cùng - tôi biết là Hoja sẽ rất thích khi đọc những chuyện như vậy. Một thời gian sau, tôi đánh bạo kể cho anh ta nghe về giấc mơ của mình: dường như trong bóng tối, thân xác rời khỏi tôi và thỏa thuận với ai đó giống hệt tôi mà tôi không nhìn rõ mặt, và chúng cùng nhau chống lại tôi. Hoja bảo trong những ngày ấy anh ta nghe thấy giọng nói trong tai thường xuyên hơn. Đúng như tôi dự đoán, câu chuyện về những giấc mơ đã gây ấn tượng đối với Hoja. Tôi liền van nài anh ta thử viết những gì tương tự như các hồi ức của tôi. Khi đó, sự chờ đợi vô tận của Hoja sẽ chấm dứt, và anh ta sẽ xác định được ranh giới thực sự ngăn cách mình với bọn ngu dốt. Thỉnh thoảng, Hoja cũng được vời vào cung, nhưng chẳng xảy ra điều gì đáng để hy vọng. Anh ta do dự, nhưng tôi cố nài, Hoja rụt rè và hồi hộp nói là sẽ thử viết. Sợ tỏ ra lố bịch, anh ta thậm chí còn nói đùa: nếu như cả hai cùng viết, hay là chúng tôi sẽ đồng thời soi gương với nhau ?
Nghe Hoja nói sẽ cùng viết, tôi không nghĩ anh ta muốn ngồi cùng bàn với tôi. Khi anh ta bắt tay vào viết, tôi nghĩ anh ta sẽ trở lại tâm trạng hội hè phấn khởi và tự do của một tên nô lệ lười nhác, nhưng tôi đã lầm. Anh ta nói chúng tôi cần ngồi đối diện nhau và làm việc, chỉ có vậy thì những bộ óc biếng nhác của chúng tôi mới tập trung ở những đề tài hiểm hóc, chỉ có vậy thì chúng tôi mới hỗ trợ được cho nhau trong những nguyện vọng sáng tạo. Nhưng tôi hiểu rằng, đó chẳng qua chỉ là cái cớ - anh ta sợ đối diện với sự cô độc của mình. Tôi biết, khi Hoja ngồi lẩm bẩm trước tờ giấy trắng cốt để tôi nghe thấy, anh ta chờ tôi bày tỏ thái độ đồng tình trước những gì anh ta sắp viết. Được mấy dòng, anh ta đưa cho tôi xem, chẳng ngượng ngùng gì, với vẻ tự nhiên con nít, như thể muốn hỏi: có cần viết như thế này về bản thân mình hay không ? Dĩ nhiên là tôi đáp lại theo cách khích lệ.
Bằng cách đó, sau hai tháng, tôi đã biết về cuộc đời Hoja nhiều hơn cả những gì biết được trong suốt mười một năm qua. Có một thời gian gia đình anh ta sống ở Edirne (thành phố phía Tây bắc Thổ Nhĩ Kỳ), nơi mà sau này chúng tôi sẽ đến cùng Padishah. Thân phụ anh ta mất sớm, Hoja không nhớ mặt ông. Mẹ anh ta là một người hay lam hay làm, sau đó đã tái giá. Bà được hai người con, một trai một gái với ông chồng thứ nhất. Xuất giá lần thứ hai, bà sinh thêm bốn đứa con trai. Ông chồng sau có nghề làm chăn. Dĩ nhiên, Hoja là đứa thích đọc sách hơn cả. Tôi cũng biết được Hoja là đứa sáng dạ nhất, nhanh nhẹn nhất và khỏe mạnh nhất trong số mấy anh em trai, và cũng là người công bằng nhất. Hoja hồi tưởng về mấy người em trai với lòng căm ghét, nhưng không biết có nên viết về tất cả những điều đó hay không. Tôi khuyến khích anh ta, vì nghĩ có thể tới đây tôi cũng sẽ làm như vậy với chuyện đời mình. Trong ngôn ngữ và bút pháp của anh ta có một cái gì đó mà tôi cảm thấy thích thú và muốn thử áp dụng. Con người ta phải yêu quá khứ của mình, để sau này, qua nhiều năm tháng, người ta phải hài lòng về những gì đã ở phía sau lưng. Bản thân tôi chẳng hạn, tôi thấy yêu quá khứ của mình. Hoja cho rằng tất cả những người em trai của anh ta đều dốt nát, họ chỉ tiếp xúc với anh khi cần tiền, bởi Hoja hiến mình cho việc học tập. Anh ta được tiếp nhận vào trường medresè (trường trung học Hồi giáo, thường được tổ chức trong các giáo đường), nhưng khi tốt nghiệp trường này thì bị vu oan. Hoja không trở lại vấn đề này nữa, cũng không đả động gì đến phụ nữ. Thoạt đầu, anh ta viết là sửa soạn lấy vợ, nhưng sau đó giận dữ xé tan những gì vừa viết. Đêm ấy trời mưa rất to. Đó là đêm đầu tiên trong vô số những đêm khủng khiếp tiếp theo. Anh ta nói rằng tất cả những gì từng viết trước đây chỉ là bịa đặt và quyết định viết lại từ đầu. Anh ta yêu cầu tôi ngồi đối diện và cũng bắt tay vào viết - tôi đã phải trải qua hai đêm thức trắng. Hoja thậm chí chẳng thèm ngó ngàng đến bản thảo của tôi, tôi liếc thấy anh ta ngồi đối diện và lại viết một cách dễ dàng về những cái đó.
Mấy hôm sau, trên tờ giấy đắt tiền mà anh ta đưa về từ phương Đông, Hoja viết một câu "Tại sao ta là ta", nhưng dưới tiêu đề đó, anh ta chỉ viết về những chuyện thấp hèn và dốt nát của người khác. Tôi được biết sau khi mẹ chết, anh ta bị đối xử bất công, anh ta đến được Istanbul bằng phần tiền được chia, tìm được chỗ trọ trong một tu viện, nhưng về sau phải ra đi, vì những người ở đó khốn nạn, giả dối. Tôi muốn anh ta viết tỉ mỉ hơn về tu viện này, tôi nghĩ rằng sự ra đi của anh ta là một điều may mắn thực sự: anh ta đã tách mình ra khỏi những người khác. Khi tôi nói điều đó, Hoja phát cáu và đáp là tôi chỉ quan tâm đến những chi tiết bẩn thỉu, đặng một lúc nào đó sử dụng để chống lại anh ta. Tôi đã biết quá nhiều về anh ta, mà bây giờ còn muốn biết cặn kẽ nữa - anh ta sử dụng một từ tục tĩu - và điều này khiến Hoja không thể không sinh lòng ngờ vực. Sau đó, anh ta mô tả kĩ lưỡng về chị gái Semra, chị ấy xinh đẹp và tốt bụng vô cùng, mà lão chồng thì cũng tệ hại vô cùng, anh ta viết rằng bao nhiêu năm rồi không gặp chị và rất buồn vì chuyện đó, nhưng khi tôi quan tâm hỏi han về người chị này thì anh ta lại nghi ngờ tôi và chuyển sang chuyện khác: về chuyện anh ta đã dùng những đồng tiền cuối cùng để mua sách và một thời gian dài chỉ làm mỗi việc đọc sách, sau đó xin được một chân thư lại. Anh ta kể về chuyện con người có thể vô sỉ đến mức nào, và sực nhớ đến Pasha Sadik, chúng tôi mới biết tin ông ta chết ở Erzinjan cách đây không lâu. Chính Pasha là người đã chú ý đến lòng say mê khoa học của Hoja, chính Pasha đã thu xếp cho anh ta vào dạy ở trường tiểu học, nhưng mặc dù thế, Pasha vẫn là một trong những kẻ ngu dốt. Ngồi hàng tháng trời mới viết được bản hồi kí, một đêm nào đó Hoja cảm thấy thất vọng và lại xé vứt đi. Vì vậy, vừa khôi phục trong trí nhớ những bài viết của anh ta và quá khứ của mình, tôi ghi lại rất tỉ mỉ mà chẳng hề lo sợ. Những trang cuối cùng, Hoja ghi chép dưới tiêu đề "Những kẻ ngu dốt mà tôi biết rõ"; anh ta lập ra một bảng phân loại những kẻ ngu dốt nhưng rồi không cảm thấy hài lòng: tất cả những cố gắng của anh ta chẳng dẫn đến một kết quả nào, và rốt cuộc vẫn chưa hiểu được: tại sao ta lại là ta. Tôi, như bạn từng thấy, đã đánh lừa anh ta, tôi đã bắt anh ta suy nghĩ về những điều mà chính bản thân anh ta không hề muốn nghĩ. Anh ta sẽ trừng trị tôi cho biết tay.
Tôi không biết tại sao anh ta nhắc đi nhắc lại từ "trừng phạt", gợi nhớ về những ngày đầu tiên mà chúng tôi sống cùng nhau. Thỉnh thoảng tôi nghĩ rằng sở dĩ anh ta can đảm lên là do tôi tỏ ra nhát sợ. Lần đầu tiên, khi anh ta nhắc đến trừng phạt tôi quyết định phản kháng. Quá mệt mỏi vì nhớ những hồi ức của mình, Hoja đi lại loanh quanh trong nhà. Sau đó, anh ta rẽ vào chỗ tôi và nói rằng chúng tôi cần phải ghi chép ý nghĩ chính yếu và quan trọng nhất: con người nhìn nhận bản thân mình như thế nào khi soi gương, anh ta có thấu đạt bản thể của mình khi dõi theo dòng tư duy của mình hay không.
Ý tưởng lỗi lạc nhắc nhở về sự tương đồng giữa chúng tôi khiến cho tôi cũng thấy hồi hộp. Chúng tôi lập tức ngồi ngay vào bàn. Lần này tôi nửa đùa nửa thật viết lên tờ giấy: "Tại sao ta là ta". Nhớ đến đặc điểm rụt rè trước đây của mình, tôi liền viết về những gì liên quan đến điều đó hồi tôi còn nhỏ. Khi tôi đọc những dòng Hoja viết về những thói xấu của người khác, một ý nghĩ có vẻ quan trọng lóe lên trong đầu tôi: Hoja cần phải viết về những phẩm chất xấu xa của chính bản thân mình. Lúc đó Hoja đang đọc bài viết của tôi và nói anh ta không phải là kẻ hèn nhát. Tôi đáp, vâng, anh không phải là hèn nhát, nhưng mỗi một con người đều có thể có những thói hư tật xấu, nếu anh ta kiểm điểm về điều đó thì sẽ hiểu được mình. Tôi cũng sẽ làm đúng như thế, nếu như anh ta muốn được như tôi. Khi tôi nói ra điều phỏng đoán ấy, anh ta nổi giận, nhưng cố kiềm chế và nói một cách bình tĩnh: tất nhiên, không phải ai cũng cư xử tồi tệ với người khác, bởi vì đa số đều có khiếm khuyết và những phẩm chất tiêu cực, nhưng sẽ sai lầm nếu cứ đào sâu mổ xẻ những điều đó. Tôi phản đối và nói là anh ta có những thói xấu, thậm chí rất xấu, và anh ta cần phải viết ra. Rồi tôi trơ tráo nói thêm: Hoja, anh còn thua kém cả tôi đấy."
Những ngày ác nghiệt khủng khiếp đã bắt đầu như thế. Trói tôi vào chiếc ghế đặt cạnh bàn, Hoja ngồi xuống đối diện và bắt tôi phải viết những điều anh ta mong muốn, dù chính anh ta cũng chẳng biết mình muốn điều gì. Ngoài sự giống nhau giữa hai chúng tôi, anh ta chẳng nghĩ ra được điều gì khác: như người soi gương, anh ta muốn biết phương pháp theo dõi tiến trình các ý nghĩ của mình. Tôi biết cách làm như thế nhưng cứ giấu giếm anh ta. Trong khi Hoja ngồi trước mặt đợi tôi viết những bí mật của mình, tôi viết đầy trang giấy những câu chuyện phóng đại về những thói hư tật xấu của bản thân, tôi sung sướng ghi lại các trường hợp ăn cắp vặt hồi bé và những lần dối trá vì ghen tỵ, những trò khôn vặt để tôi được yêu quý hơn các anh trai, những tội lỗi xác thịt hồi thanh niên. Hoja thích thú đọc những trang viết đó với sự hài lòng và sợ hãi lạ lùng khiến tôi kinh ngạc, rồi anh ta cáu kỉnh, bắt tôi phải khổ sở hơn nữa. Có thể, anh ta nổi loạn vì khi đó không trấn áp nổi cái ác ẩn chứa trong bản thân mình. Rồi sau đó anh ta bắt đầu đánh đập tôi. Mỗi khi đọc về một tội lỗi khác của tôi, anh ta lại nói:
Ái chà, mi đúng là đồ vô sỉ", và nửa đùa nửa thật đấm vào lưng tôi. Một lần không kìm được, anh ta cho tôi một bạt tai. Càng ngày Hoja càng ít được vời vào cung; có lẽ vì tức giận nên anh ta đánh tôi, hoặc vì không kiếm được việc gì khác để làm, ngoài việc quanh quẩn với tôi trong nhà. Qua việc anh ta đọc về những thói hư tật xấu của tôi là trừng phạt cứng rắn hơn, tôi cảm thấy một sự tự tin lạ lùng: lần đầu tiên tôi cảm thấy mình đã nắm chắc anh ta trong tay.
Một hôm, sau khi Hoja lại đánh đập tôi lần nữa, tôi nhận thấy anh ta thương xót tôi. Đó là một tình cảm tồi tệ, xen lẫn ghê sợ mà người ta cảm thấy với một người mà anh ta cho là không ngang hàng với mình. Tôi đoán như vậy, vì bây giờ anh ta không còn nhìn tôi một cách ghét bỏ. Anh ta bảo: "Thôi chúng ta sẽ không viết gì nữa
, rồi đính chính lại - "Ta không muốn mi viết", vì đã mấy tuần rồi tôi viết về những thiếu sót của mình, còn anh ta thì chỉ ngồi theo dõi. Dần dần, chìm đắm vào một nỗi buồn còn sâu sắc hơn nữa, anh ta nói là đã đến lúc phải đi đâu đó, Gebze chẳng hạn. Anh ta lại chuẩn bị nghiên cứu thiên văn và bổ cứu công trình của mình về loài kiến. Thấy anh ta mất hết chút tôn sùng cuối cùng đối với mình, tôi hoảng sợ, và để bảo tồn sự hấp dẫn của mình, tôi đã bịa ra một câu chuyện hạ thấp nhân cách rất nhiều. Chăm chú đọc câu chuyện thú vị đó, thậm chí Hoja đã không nổi giận. Đúng như tôi dự đoán, điều duy nhất khiến anh ta quan tâm là do đâu tôi trở thành một người tồi tệ như vậy. Có lẽ, trong thời điểm đó, anh ta sẵn sàng cởi mở đến cùng. Dĩ nhiên, anh ta cũng hiểu rằng, ở đây có chút gì đó của một trò chơi. Hôm ấy, tôi đã nói với anh ta như một thằng hề cung điện, biết rõ chẳng ai coi mình là một con người. Tôi cố gắng khêu gợi sự tò mò đang tăng lên trong lòng Hoja: anh ta có mất gì đâu, để mà hiểu được vì sao tôi lại trở thành xấu xa như thế, vậy thì, lần cuối cùng, trước khi đi Gebze, anh ta hãy viết về những thiếu sót của mình ! Hơn nữa, chẳng cần thiết phải viết hoàn toàn sự thật và để ai đó tin là sự thật. Nếu như anh ta làm được điều đó thì sẽ biết được do đâu mà có những người như tôi, mất có một ngày để được những kiến thức như thế thì cũng đáng giá ! Cố ghìm sự tò mò và không thể cưỡng lại những lời thuyết phục của tôi, anh ta bảo ngày mai sẽ thử xem. Và tất nhiên, Hoja nói thêm: anh ta làm điều đó không phải là bị lôi kéo vào trò chơi ngu ngốc của tôi, mà bởi chính anh ta muốn như thế.
Ngày hôm sau là ngày sung sướng hạnh phúc nhất trong quãng đời nô lệ của tôi. Hoja không trói tôi vào ghế nữa, trong suốt ngày đó tôi ngồi bên bàn và hài lòng theo dõi thấy một con người khác hẳn đã xuất hiện như thế nào. Anh ta say mê làm việc, thậm chí còn không viết cái câu buồn cười "Tại sao ta là ta" của mình nữa. Anh ta có vẻ mặt một đứa trẻ đang đùa chơi và hò hét vui vẻ: tôi nhận thấy Hoja vẫn còn chìm đắm trong thế giới của mình. Nhưng cảm giác đó của tôi, cũng như vẻ mặt cố tỏ ra hối lỗi giả dối của anh ta, đã không kéo dài được lâu. Một thời gian sau, trò chơi của anh ta chấm dứt, ý nghĩ phô ra mình là người có lỗi, cho dù là chẳng mấy chân thành, khiến cho Hoja hoảng sợ. Không cho tôi xem, anh ta xóa vội những gì đã viết. Mặc dù, giá như ngay sau khi viết những gì lóe lên trong đầu, Hoja lập tức đứng dậy khỏi bàn, biết đâu đó sẽ là điều cứu rỗi, và anh ta chẳng đánh mất sự yên ổn của mình.
Sau đó, Hoja làm việc rất chậm. Anh ta viết một điều gì đó, không cho tôi xem mà hủy đi, mỗi lúc lại càng mất tự tin hơn. Anh ta định cho tôi xem cái gọi là thừa nhận những bản chất xấu xa của mình, nhưng đến tận chiều tôi chẳng được đọc một câu nào mong đợi: anh ta xé tan và ném hết những gì đã viết. Cuối cùng, Hoja không còn sức lực để chịu đựng nữa, anh ta mắng chửi xúc phạm tôi, gào thét rằng đây là trò chơi bẩn thỉu của quân dị giáo. Nhưng anh ta có vẻ bối rối, đến nỗi tôi dám trơ tráo nói rằng anh ta chớ nên lo lắng quá mức như thế, kẻo lại quen nết mà thành người xấu. Nhưng rõ ràng là anh ta không tán thành quan điểm của tôi và rời nhà bỏ đi đâu đó. Đến khuya, qua mùi trầm hương thoang thoảng còn vương trên người anh ta, tôi biết Hoja vừa ở chỗ những người đàn bà ấy trở về.
Hôm sau, ăn trưa xong, để khích lệ Hoja tiếp tục công việc, tôi nói anh ta là người rất có nghị lực, cho nên trò chơi này chẳng có gì là xúc phạm cả. Sau nữa, chúng tôi làm việc đó đâu phải để giết thì giờ, mà là để tìm hiểu, chẳng hạn, tại sao những người mà anh ta gọi là ngu dốt lại ngu dốt như vậy. Chẳng lẽ chúng ta không cảm thấy thú vị khi tìm hiểu nhau đến tận cùng ư ? Tôi nói, một người nào đó hiểu ta đến tận chân tơ kẽ tóc thì sẽ khiến ta mê mị chẳng khác nào một giấc mơ làm ta sợ hãi.
Nhưng không phải những lời thuyết phục của tôi, khi tôi đóng vai một thằng hề cung điện, mà là sự tự tin do một ngày mới mang lại, đã thúc giục anh ta lần nữa ngồi vào bàn. Chiều đến, khi rời bàn đứng dậy, anh ta có vẻ mất tự chủ hơn hôm qua. Tôi thương thay cho Hoja, khi thấy anh ta lại đến chỗ bọn đàn bà nọ.
Và cứ thế, sáng nào anh ta cũng ngồi vào bàn hy vọng ngày hôm nay sẽ viết được về tư cách xấu xa của mình, để khôi phục lại những gì đã mất hôm trước, nhưng rồi đến chiều lại phải đứng lên, vẫn chưa viết được điều mình mong muốn. Bởi giờ đây Hoja đang khinh miệt bản thân mình, anh ta không thể khinh ghét tôi được, nên tôi cảm thấy một sự bình đẳng nào đó với anh ta, cảm giác mà tôi đã từng nhầm tưởng trong những ngày đầu làm việc chung với nhau. Tôi cảm thấy hài lòng. Tôi bắt đầu khiêu khích cho Hoja khó chịu. Anh ta bảo rằng tôi không nhất thiết phải ngồi ở bàn, ấy là một dấu hiệu tốt đẹp, nhưng sự tức giận dồn nén nhiều năm khiến tôi ăn nói bạt mạng. Tôi muốn báo thù, muốn tấn công, cũng như anh ta, tôi mất hết cảm giác chừng mực; tôi có cảm tưởng rằng, nếu như tôi gieo vào lòng Hoja sự nghi ngờ lớn, đọc được một điều gì đó từ những lời thú nhận mà anh ta giấu giếm tôi, và xúc phạm anh ta chút ít, thì không phải tôi mà chính anh ta sẽ là nô lệ, không phải tôi mà chính là anh ta sẽ trở thành kẻ xấu xa trong cái nhà này. Đúng ra mà nói, cũng đã xuất hiện những dấu hiệu nào đó của điều ấy: tôi thấy rằng anh ta muốn tự tin, rằng tôi không còn chọc tức anh ta nữa. Giống như những người do dự khác, anh ta muốn tìm sự khích lệ của tôi, thường xuyên hỏi ý kiến tôi trong những vấn đề cuộc sống hàng ngày: anh ta ăn mặc như thế có được không, trả lời người nào đó như thế đã đúng chưa, nét chữ của anh ta có đẹp không ? Để Hoja không từ bỏ trò chơi và rơi vào trầm uất, tôi an ủi anh ta, thỉnh thoảng lại tự nói xấu, hạ thấp bản thân mình. "Ái chà, đúng là cái đồ..." - ánh mắt anh ta như muốn nói vậy, nhưng anh ta không đánh tôi, vì biết rằng chính bản thân mình cũng đáng bị trừng phạt như thế.
Tôi rất muốn biết những lời thú nhận nào đã khiến Hoja khinh ghét bản thân đến mức đó. Bởi những ngày ấy tôi đã quen với việc hạ nhục Hoja, cho dù là sỉ nhục thầm trong bụng, tôi nghĩ lời thú tội của anh ta chỉ liên quan tới những gì nhỏ nhặt. Tôi tự nhủ sẽ nghĩ ra một số chi tiết cụ thể từ những thú nhận của Hoja mà tôi chưa được đọc dòng nào, để làm cho câu chuyện quá khứ của tôi có vẻ tin được, nhưng chẳng bịa được chuyện gì trong đời sống của Hoja mà lại không phá vỡ câu chuyện về cuộc đời tôi. Nhưng tôi cho rằng, anh ta lại sẽ cảm thấy sự tự tin của một người đang ở trong tình thế của tôi: cần phải nói rằng tôi đã mở ra cho Hoja thấy cái gì khiến cho những người như anh ta trở thành bạc nhược ! Tôi có cảm tưởng rằng, chẳng bao lâu nữa sẽ đến ngày mà tôi nhạo báng không chỉ Hoja mà còn nhạo báng những người khác nữa; tôi sẽ dồn họ vào một góc mà chứng minh rằng họ tồi tệ như thế nào; tôi nghĩ rằng độc giả của tôi đã hiểu được là tôi cũng cần phải học Hoja, như anh ta đã từng học hỏi ở tôi ! Có thể, giờ đây, tôi đã tiếp nhận điều đó như vậy, vì con người khi có tuổi thì thường tìm đến sự hài hòa, thậm chí ngay cả trong cách kể chuyện. Sự căm ghét tích tụ bao nhiêu năm ròng nhất thiết phải cổ vũ, khích lệ tôi. Sau khi Hoja đã xúc phạm tôi đến nơi đến chốn như vậy, ít ra thì tôi cũng phải bắt anh ta công nhận sự ưu việt của tôi, quyền tự do của tôi, rồi sau đó tôi sẽ mạnh dạn đòi giấy chứng nhận giải phóng. Tôi mơ tưởng đến lúc anh ta chẳng còn gì phản đối nên phải thả tôi ra, và tôi tưởng tượng khi về Tổ quốc sẽ viết về cuộc phiêu lưu của mình và những người Thổ. Tôi đã mơ tưởng quá xa vời. Cái tin mà Hoja thông báo cho tôi vào một buổi sáng đã làm thay đổi tất cả !
Trong thành phố đang có một trận dịch hạch ! Thoạt đầu tôi không tin, vì Hoja báo tin đó với vẻ mặt như thể không phải đang nói về Istanbul, mà là về một thành phố xa xôi nào đó. Tôi hỏi từ đâu mà anh ta hay tin và đòi phải kể lại điều đó thật tỉ mỉ. Người trong thành phố tự nhiên lăn ra chết, không rõ nguyên nhân, nhưng rồi hiểu ra: chính là căn bệnh ấy ! Tôi thoáng nghĩ, chưa chắc đã là dịch hạch, và hỏi Hoja về các triệu chứng. Hoja cười khẩy: nếu bệnh lây đến tận đây thì tôi sẽ lập tức hiểu được các triệu chứng ấy, chỉ cần nói rằng với các cơn sốt như vậy, ba ngày sau người ta đã chết cháy hết. Người thì bị những cái hạch sưng lên sau tai, người bị trong nách, có người bị ở bụng, sau đó thì sốt, có khi các hạch đó vỡ ra, người bệnh ho như lao phổi, thổ huyết rồi chết. Khu phố nào cũng đã có vài ba người bị chết rồi. Tôi hỏi về khu phố của mình: thế chẳng lẽ tôi không biết chuyện ông thợ làm hàng rào hay cãi cọ với tất cả hàng xóm láng giềng, vì con cái của họ ăn trộm táo của ông ta và gà của họ hay bay sang phá vườn ông ta, tuần trước đã chết trong đau đớn khủng khiếp hay sao ? Ông ấy bị sốt cao, nhưng chỉ bây giờ người ta mới biết ông ta chết vì dịch hạch.
Tôi không muốn tin vào chuyện đó; mọi việc diễn ra vẫn như thường lệ, những người đi lại ngoài cửa sổ nom vẫn hoàn toàn bình thản như cũ. Tôi muốn tìm một ai đó cũng hoảng hốt như tôi, để tin rằng trong thành phố đang có dịch hạch. Sáng hôm sau, khi Hoja đến trường học, tôi chạy ra phố. Tôi tìm những người Italy đã cải đạo thành người Hồi giáo mà tôi quen biết từ mười một năm về trước. Một người trong số đó, bây giờ có tên là Mustafa Reis thì đã đi ra cảng, còn một người khác, tên là Osman Efendi thì mặc dù tôi đấm cửa ầm ầm đã không muốn tiếp tôi, lúc đầu sai đầy tớ nói là không có nhà, nhưng sau không chịu nổi phải gọi tôi vào.
Làm sao mà tôi lại hỏi, có đúng là trong thành phố có dịch hạch hay không ! Chẳng lẽ tôi không thấy người ta khiêng xác đi chôn ? Thấy vẻ mặt tôi, anh ta biết tôi hoảng sợ, liền nói sở dĩ tôi sợ hãi là vì cứ khăng khăng giữ lấy đạo Cơ Đốc của mình ! Anh ta mắng nhiếc tôi vì chuyện ấy và nói người ta phải trở thành tín đồ Hồi giáo thì mới có thể sung sướng trên mảnh đất này. Trước khi chui vào khoảng tối ẩm ướt trong nhà mình, anh ta cố không chạm vào người tôi và không bắt tay tôi. Đang là giờ cầu nguyện, trông thấy một đám đông trong thánh đường, tôi hoảng sợ và vội vã về nhà. Hồn vía lên mây, tôi chẳng nghĩ ngợi được gì, y như khi người ta gặp tai họa. Như thể quên hết quá khứ, tôi như hóa đá, mọi màu sắc trong kí ức tôi đều bị xóa nhòa. Nhưng tận khi thấy người ta khiêng thây người chết, tôi mới thực sự hoàn toàn mất vía.
Khi Hoja từ trường học trở về, anh ta vui mừng thấy tôi đang trong tình trạng như vậy. Anh ta cho là tôi hèn nhát, và lòng tự tin của anh ta lớn dần. Tuy vậy, tôi muốn anh ta đừng dương dương tự đắc một cách vô tư về sự can đảm của mình như thế. Cố gắng kiềm chế nỗi sợ, tôi trút cho anh ta tất cả những hiểu biết của mình về y khoa và văn học: tôi thuật lại các kịch bản dịch hạch mà tôi nhớ được qua trước tác của Hippocrates, Thucydides, Boccacio, và nói đây là bệnh truyền nhiễm. Nhưng nghe xong, anh ta càng nhìn tôi khinh bỉ: anh ta sợ gì dịch hạch, bệnh tật là lời cảnh báo của Đức Allah, nếu con người được phán quyết là phải chết thì anh ta sẽ chết, do vậy sợ hãi vô ích, đóng chặt cửa không dám tiếp xúc với thế giới bên ngoài hoặc chạy khỏi Istanbul như tôi thì thật là ngu ngốc. Nếu số phận ta đã được định đoạt, nếu cái chết đến với ta thì ta sẽ chết. Tại sao tôi lại lo sợ ? Bởi vì những ngày qua tôi đã viết ra giấy bao điều nhảm nhí tồi tệ ! Nói những điều đó, Hoja mỉm cười, đôi mắt anh ta sáng lên hy vọng.
Tôi không biết anh ta có tin vào lời của chính mình không. Trong một khoảnh khắc nào đó, tôi phát hoảng trước sự xấc xược của anh ta, nhớ lại những trò chơi đáng sợ mà chúng tôi đã cùng nhau tiến hành khi ngồi sau một chiếc bàn. Anh ta lúc nào cũng quay lại những mô tả khiếm khuyết của chúng tôi và tự mãn lặp đi lặp lại những điều đã khiến tôi giận dữ và đau khổ: nếu như tôi sợ chết, thì có nghĩa là tôi không vượt qua được điều ác mà tôi đã mạnh dạn đề cập đến. Sự mạnh dạn mà tôi đã thể hiện khi kể về những khiếm khuyết, hóa ra chỉ là sự trơ trẽn mà thôi ! Còn sự do dự của Hoja trong những ngày ấy được lí giải là anh ta chăm chú phân tích từng hành động, thậm chí cả những hành động nhỏ nhặt nhất của tôi. Bây giờ, khi bình tâm lại, anh ta hoàn toàn không sợ chết, chứng tỏ anh ta trong sạch và vô tội.
Nghe những biện bạch mà tôi cho là lố bịch và ngu xuẩn của Hoja với sự ghê tởm, tôi quyết định tranh cãi với anh ta. Tôi bảo thẳng với Hoja rằng anh ta nói như vậy không phải vì anh ta ung dung và tràn đầy lòng can đảm, chẳng qua là anh ta không nhận thức được cái chết đang tới gần. Tôi giải thích là có thể tránh được cái chết, bằng cách không tiếp xúc, không động chạm tới người bệnh, còn người chết thì phải chôn trong những hố rắc vôi bột, và cần phải hạn chế tối đa tiếp xúc với những người khác, có nghĩa là anh ta không nên đến trường học nữa.
Kết quả là đã xảy ra một điều kinh khủng. Hoja bảo sáng nay anh ta đã chạm đến từng đứa học trò, rồi chìa tay về phía tôi. Biết tôi sợ và không muốn động vào người anh ta, Hoja lại gần tôi và ôm choàng lấy. Tôi muốn hét lên mà không hét nổi, y như khi người ta mê ngủ. Hoja cười khẩy và nói là sẽ dạy cho tôi biết thế nào là lòng can đảm, một câu mà mãi sau này tôi mới hiểu được.