• 57

Chương 6


Số từ: 5502
Dịch giả: Nguyễn Thị Kim Hiền
NXB Trẻ
Nguồn: Sưu tầm
Trận dịch hạch lây lan rất nhanh. Tôi không thể nào đạt được điều mà Hoja gọi là lòng can đảm. Thật ra mà nói, tôi không còn quá thận trọng như những ngày đầu. Tôi đã chán ngấy cảnh giam mình trong phòng như bà đẻ và chỉ nhìn cuộc sống bên ngoài qua ô cửa sổ. Thỉnh thoảng, như người say rượu, tôi ra đường, cố không nghĩ về nạn dịch hạch để ngó những người đàn bà đang mua bán thứ gì đó ở chợ, hoặc những người thợ thủ công làm việc trong các cửa hàng, hoặc đám người tụ tập trong quán cà phê sau khi chôn cất người thân mới chết. Rất có thể là tôi đã quên được trận dịch, nếu như không bị Hoja khích bác liên tục.
Tối nào cũng vậy, anh ta chìa tay về phía tôi, sau khi báo trước là ngày hôm đó anh ta đã chạm vào rất nhiều người. Tôi đứng im không nhúc nhích, giống như một người vừa tỉnh ngủ, bỗng hóa đá vì thay trước mặt có con bọ cạp. Hoja sờ vào người tôi bằng những ngón tay lạnh giá và hỏi: "Sao, sợ à ?" Tôi đứng yên. "Đúng là sợ rồi. Tại sao mi lại sợ cơ chứ ?" Đôi khi tôi muốn hất tay Hoja, nhưng tôi biết làm vậy chỉ khiến anh ta nổi khùng. "Ta bảo cho mi biết lí do vì sao nhé. Mi sợ, vì mi cảm thấy mình có tội. Vì mi chìm đắm trong tội lỗi, vì mi tin tưởng vào ta nhiều hơn là tự tin mình."
Hoja nói chúng tôi cần ngồi vào bàn và viết một cái gì đó. Điều gì chúng tôi cần viết ngay thời điểm này ư ? Tại sao chúng ta lại là chúng ta ? Nhưng rồi anh ta toàn viết về người khác và đưa những trang viết cho tôi xem với vẻ khoe khoang. Anh ta cho rằng tôi sẽ xấu hổ trước những gì do tôi viết ra, còn tôi thì không giấu nổi sự khinh bỉ mà nói, anh ta đang liệt mình vào hàng những kẻ ngu si và anh ta sẽ chết trước tôi.
Lời nói chính là vũ khí công hiệu nhất mà hiện giờ tôi đang có. Vì vậy, tôi nhắc lại với Hoja về các công việc của anh ta trong mười năm trở lại đây, tôi nói về những năm tháng mà anh ta hoang phí cho lí thuyết vũ trụ học, về vô số thì giờ nhìn ngăm sao trời, khiến cho thị lực hư giảm, về những ngày anh ta không rời quyển sách. Tôi tấn công anh ta, bảo rằng chết đơn giản như thế này thật ngu xuẩn. trong khi có thể phòng tránh để thoát dịch hạch. Những lời tôi nói buộc Hoja phải thừa nhận mối nguy cơ đang treo lơ lửng trên đầu. Đọc những gì anh ta viết, tôi có cảm tưởng là Hoja lại bắt đầu tin tôi, bất chấp bản tính đa nghi của mình.
Trong những ngày ấy, để quên đi hiện thực và những đau khổ của mình, tôi đã ghi chép về những giấc mơ hạnh phúc mà tôi không những mơ thấy vào ban đêm, mà cả trong những giấc ngủ trưa. Khi mới tỉnh dậy, tôi cố gắng ghi chép ngay lập tức bằng ngôn ngữ thơ ca những giấc mơ mà trong đó chỉ các hình tượng là có ý nghĩa. Trong các giấc mơ ấy, khu rừng phía sau ngôi nhà của chúng tôi chính là nơi cư ngụ của những người nắm giữ các điều bí mật mà chúng tôi muốn biết từ lâu; nếu chúng tôi có gan bước vào khu rừng thâm u ấy thì sẽ trở thành bè bạn của họ. Đôi khi tôi lại mơ thấy mặt trời đã lặn mà cái bóng của mình vẫn không mất đi. Những người mà tôi mơ thấy khi ngủ hình như không ra khỏi giấc mộng và bắt đầu sống đâu đấy quanh tôi: dường như tôi và bố mẹ đang lắp đặt những mô hình kim loại nào đó trong vườn, để cho công việc của chúng tôi đỡ phần nặng nhọc.
Không thể nói rằng Hoja không đoán được những giấc mơ ấy chỉ là cái lưới ma quái có thể kéo vào bóng tối tất cả những kiến thức bất hủ của anh ta, nhưng dù sao đi nữa anh ta vẫn hỏi tôi, dù rằng với mỗi một câu hỏi thì anh ta lại mất đi một ít tự chủ: những giấc mơ lạ lùng, kì quái ấy có nghĩa là gì ? Có đúng là tôi đã thấy trong mơ những gì tôi kể không ? Bằng cách như vậy, thoạt đầu tôi tiến hành với Hoja những gì mà sau này tôi và anh ta sẽ thực hiện với Padishah; rõ ràng là, nếu như chúng tôi không ngăn chặn được sự lan truyền của dịch hạch, thì cũng không ngăn cản được khát vọng của con người vươn tới kiến thức. Dễ dàng đoán được là Hoja sẽ bị lây bệnh, nhưng dù sao đi nữa cũng rất thú vị khi biết được anh ta mơ thấy những gì. Hoja nghe tôi nói với vẻ mỉa mai, nhưng bởi vì khi đưa ra câu hỏi, anh ta đã chế ngự sự kiêu hãnh của mình, nên anh ta không thể tranh cãi với tôi nữa. Khi kể chuyện, tôi nhận thấy anh ta cũng phải thừa nhận những câu chuyện của tôi là thú vị. Tôi thấy mình đã khuấy động sự bình thản mà Hoja bủa giăng quanh mình kể từ khi dịch hạch xảy ra, nỗi khiếp sợ trước cái chết của tôi vẫn không giảm đi, nhưng bây giờ trong nỗi sợ đó tôi đã không còn đơn độc nữa. Dĩ nhiên, tôi phải trả giá cho điều đó bằng những đau khổ hằng đêm, nhưng tôi thấy cuộc đấu tranh của mình không phải là vô ích: khi Hoja chìa tay về phía tôi, tôi nhắc rằng anh ta sẽ chết trước, như những người không biết sợ dịch hạch, không nhận thức được sự nguy hiểm của nó; tôi nhắc nhở Hoja về việc anh ta vẫn chưa hoàn thành công trình nghiên cứu, về những giấc mơ hạnh phúc của tôi mà anh ta vừa đọc trong ngày.
Tuy nhiên, không phải những câu nói của tôi khiến Hoja mất bình tĩnh, mà do một điều khác hẳn. Một hôm, cha của một cậu học trò Hoja, người hàng xóm cùng khu phố chợt đến nhà chúng tôi. Ông ta nom có vẻ băn khoăn, lo lắng. Như một con mèo lười nhác, tôi ngồi trong góc, nghe câu chuyện dài dòng vu vơ của họ. Cuối cùng, vị khách đề cập đến chuyện muốn nói: con gái bà bác của ông ta đã thành gái góa, sau khi chồng bị ngã từ trên nóc nhà xuống. Nhiều người cũng muốn hỏi cô này, nhưng ông ta nhớ tới Hoja, bởi ông ta nghe dân phố kể là Hoja vẫn tiếp những người mối lái. Hoja đáp lại sỗ sàng đến mức không ngờ và giải thích rằng anh ta sẽ không lấy vợ, mà nếu có lấy vợ thì cũng chẳng lấy bà góa. Ông khách liền phản bác: ngay cả Nhà Tiên tri Muhammad cũng chẳng đã lấy Hadije đó sao, không những thế, bà ấy còn là người vợ đầu tiên của nhà tiên tri. Hoja đáp là anh ta cũng đã nghe nói về người đàn bà góa chồng ấy, và chị ta không xứng với ngón tay út của Hadije. Người đàn ông kia liền chứng tỏ với Hoja rằng ông ta đâu phải là một thằng ngố: dĩ nhiên, ông ta chẳng tin, nhưng dân phố công khai nói rằng Hoja ăn trộm dê cái, chẳng ai ưa được cái chuyện Hoja ngắm sao và chiếc đồng hồ kì quái mà anh ta chế ra từ thấu kính. Rồi như một tiểu thương bực tức vì có người dè bỉu món hàng của mình, ông khách nói thêm: người ta còn bảo Hoja khi ăn không ngồi xếp bằng như người đạo Hồi, mà lại ngồi như bọn dị giáo - tức là sau một chiếc bàn; anh ta lại còn mua sách vở với những khoản tiền khổng lồ, rồi sau đó quẳng đi, giẫm lên các trang giấy in tên tuổi Nhà Tiên tri; dù ngồi hàng giờ nhìn lên trời anh ta cũng không thể nào khuất phục được con quỷ trong mình, vì vậy giữa ban ngày anh ta vẫn nằm trên giường, ngó lên trần nhà bẩn thỉu; anh ta không thích đàn bà, mà chỉ khoái bọn thanh niên, còn tôi, đứa em sinh đôi của Hoja thì không chịu ăn chay trong tháng Ramadan, và chính do tội lỗi của anh ta mà nạn dịch hạch này đã giáng xuống.
Tống cổ khách về rồi, Hoja tức giận điên người. Tôi nghĩ, sự trầm tĩnh mà Hoja có được bởi chia sẻ tâm trạng với tất cả những người khác trong thời kì dịch hạch, đến lúc này đã chấm dứt. Để giáng cho anh ta đòn cuối cùng, tôi nói, mà lại nói hoàn toàn chân thành, chỉ có những kẻ ngu si như ông kia thì mới không sợ dịch hạch. Hoja phát khùng, không biết làm gì, lại bắt đầu khơi lên câu chuyện về bọn ngu si mà thời gian gần đây anh ta chẳng nhắc nhở đến. Khi trời đã tối, Hoja thắp đèn lên rồi đặt trên chiếc bàn kê ở giữa phòng. Anh ta muốn chúng tôi lại viết một điều gì đó.
Chúng tôi ngồi ở hai phía khác nhau và cùng viết gì đó trên những trang giấy trắng trước mặt, giống như hai kẻ độc thân đang bói bài cho chóng tàn những đêm đông vô tận. Chắc là nom chúng tôi buồn cười lắm. Sáng ra tôi đọc những gì Hoja viết và thấy còn lí thú hơn cả bài viết của mình. Bắt chước tôi, anh ta cũng viết về những giấc mơ, nhưng chắc anh ta chẳng mơ thấy gì, mà đã bịa ra tất cả: thế đấy, chúng tôi là anh em sinh đôi, Hoja thấy mình là anh của tôi, còn tôi thì lễ phép nghe theo những câu chuyện khoa học của anh ta. Hôm sau, khi ăn sáng, anh ta hỏi tôi có ý kiến như thế nào về những lời đồn thổi của láng giềng rằng chúng tôi là anh em sinh đôi. Câu hỏi đó khiến tôi thích thú, nhưng tôi chẳng thấy có gì đáng kiêu hãnh, nên im lặng, không đáp lại gì cả. Hai hôm nay, đang đêm anh ta đánh thức tôi dậy và nói, những gì anh ta viết đúng là anh ta đã thấy trong mộng. Có thể đó là sự thật, nhưng tôi không chú ý lắm. Tối hôm sau, Hoja thú nhận là anh ta sợ chết vì dịch hạch.
Ngồi nhà mãi đến chán ngấy, chiều đến tôi ra phố. Trong vườn bọn trẻ leo trèo trên cây, bỏ lại bên dưới những đôi giày đủ màu sặc sỡ; những người đàn bà lắm điều đứng xếp hàng lấy nước, thấy tôi đi qua không hề ngừng chuyện; chợ đông người chen chúc, một số người cãi cọ với nhau, một số người tìm cách hòa giải, những người còn lại đứng xem. Tôi muốn thuyết phục mình rằng dịch bệnh đã thuyên giảm, nhưng nhìn thấy người ta khiêng thây người chết từ gịáo đường Beyazit đi ra, tôi khiếp hãi quay về. Vào đến phòng mình, tôi nghe Hoja gọi: "Lại đây mà xem này !" Anh ta phanh chiếc áo muritan (áo choàng mặc ngoài của người Thổ) để lộ một vết đỏ và mụn sưng ở bụng dưới: "Khắp nơi chỗ nào cũng đầy côn trùng." Tôi lại gần nhìn kĩ: đó là một vết đỏ, hơi sưng lên như vết cắn của một con bọ nào đó. Anh ta cho tôi xem với mục đích gì ? Tôi hoảng sợ vì anh ta không cho tôi xem gần hơn. "Con gì đó cắn, đúng không ?" - Hoja hỏi. Anh ta sờ tay vào chỗ sưng: "Hay là rệp nhỉ ?" Tôi im lặng mà không nói là chưa bao giờ nhìn thấy những vết rệp đốt kiểu như vậy.
Tôi kiếm cớ ra vườn và ở đó đến tận khi mặt trời lặn. Tôi biết mình không nên ở trong nhà, nhưng chẳng biết đi đâu. Hơn nữa, những vết đỏ có vẻ giống như vết côn trùng đốt hơn là nốt dịch hạch. Đi đi lại lại trong vườn trên đám cỏ xanh, tôi nghĩ chắc vài ngày nữa vết đỏ ấy sẽ bùng lên, đỏ rực như hoa, vỡ bung ra và Hoja sẽ chết trong đau đớn. Có lẽ đây là một loài côn trùng nào đó khá lớn, có nguồn gốc từ xứ nóng, thường bay lượn vào ban đêm, nhưng tôi không thể nào nhớ được tên gọi.
Khi chúng tôi ngồi ăn tối, Hoja cố gắng tỏ ra vui vẻ, nói đùa, trêu chọc tôi, nhưng điều đó kéo dài không lâu. Chúng tôi ăn xong bữa tối trong im lặng. Rồi Hoja nói: "Cứ thấy buồn buồn thế nào ấy. Hay chúng ta lại ngồi viết về một điều gì đó nhé
. Chắc phải làm thế thì anh ta mới thấy khuây khỏa.
Nhưng rồi Hoja không thể viết được. Tôi viết rất dễ dàng, còn anh ta thì chỉ ngồi theo dõi. "Mi viết gì vậy ?" - một lúc lâu sau Hoja hỏi. Tôi đọc cho anh ta nghe đoạn về chuyện hồi học xong năm thứ hai trường kĩ nghệ, tôi cưỡi ngựa về quê và sốt ruột mong sao cho chóng về đến nhà. Nhưng tôi cũng rất yêu quý các bạn đồng môn. Trong dịp Hè, tôi ngồi một mình đọc hết những cuốn sách mang từ trường về và buồn nhớ họ. Sau một hồi im lặng, Hoja thì thầm hỏi, như thể chia sẻ điều gì bí mật: "Bên ấy ai cũng sống hạnh phúc như vậy sao ?" Tôi tưởng anh ta ân hận vì hỏi như vậy, nhưng Hoja vẫn tiếp tục nhìn tôi với sự tò mò như trẻ con. Tôi cũng thì thầm đáp lại: "Tôi đã từng sung sướng !" Mặt anh ta thoáng vẻ ghen tỵ nhẹ nhàng, nhưng không khiến tôi sợ hãi. Rồi anh ta thở dài và bắt đầu kể:
Khi gia đình còn ở Edirne, Hoja mới mười hai tuổi, được theo mẹ và chị gái đến nhà thương trong giáo đường Beyazit để thăm ông ngoại. Mẹ gửi đứa em trai út cho hàng xóm rồi mang chiếc bình đựng sữa chua đã chuẩn bị sẵn, cùng hai chị em Hoja lên đường; họ đi qua con đường tắt mát dịu dưới bóng những cây dương trắng. Ông ngoại hay kể cho họ nghe nhiều chuyện thú vị. Hoja thích những câu chuyện ấy, nhưng lại khoái nhà thương hơn, nên thường trốn ông đi xem xét khắp nơi. Có lần, cậu nghe thấy một bản nhạc người ta biểu diễn cho những người mắc bệnh tâm thần trong ngôi nhà có mái vòm lớn, dưới ánh sáng của cây đèn lồng; bản nhạc nghe như có tiếng suối róc rách; cậu còn thấy những phòng khác, lấp lánh những loại chai lọ lạ mắt đủ màu. Có lần Hoja bị lạc, sợ quá khóc toáng lên, người ta dẫn cậu đi khắp các phòng bệnh, cho đến khi tìm thấy chỗ của Abdullah Efendi. Đôi khi mẹ cậu khóc lóc, đôi khi cùng con gái ngồi nghe những câu chuyện ông ngoại kể, sau đó bà lấy chiếc bình không ở chỗ ông rồi cùng các con về nhà, dọc đường bà mua bánh khanva và nói: "Chúng ta ăn ở đây kẻo có người trông thấy
. Họ có một chỗ dưới bóng những cây dương trắng, ngay bên bờ sông, cả ba ngồi ở đấy, ngâm chân xuống nước và ăn bánh.
Hoja im bặt, một sự im lặng trùm lên bao bọc chúng tôi, khiến cả hai thấy gần nhau trong một tình cảm huynh đệ kì lạ. Hoja cảm thấy bất an. Cửa nhà hàng xóm mở ra rồi đóng sầm lại. Hoja kể lần đầu tiên anh ta cảm thấy quan tâm đến khoa học là khi nhìn thấy chiếc cân tiểu li, những chai lọ của nhà thương và những thứ thuốc làm cho người ốm khỏi bệnh. Nhưng rồi ông ngoại chết, họ không bao giờ trở lại nơi đó nữa. Hoja lúc nào cũng mong ước lớn lên sẽ đến đó, nhưng rồi có lần nước sông Tunja (một con sông ở phía Tây Bấc Thổ Nhĩ Kỳ) dâng lên tràn bờ, người ta đưa hết bệnh nhân đi, nước bẩn ngập hết nhà cửa, đến khi nước rút thì cái nhà thương tuyệt vời ấy bị vùi một lớp bùn hôi thối, không thể nào tháo rửa được.
Khi Hoja lại im lặng lần nữa, cảm giác gần gũi giữa hai chúng tôi tan biến. Hoja đứng dậy khỏi bàn, tôi liếc thấy chiếc bóng của anh ta lay động trong phòng, rồi anh ta cầm lấy chiếc đèn đặt giừa bàn và tôi không còn nhìn thấy cả bóng lẫn người; rất muốn quay lại để nhìn, nhưng tôi không làm điều đó - như thế sẽ hóa ra tôi lo sợ và chờ đợi điều gì đó chẳng lành. Một lúc sau, tôi nghe tiếng cởi áo sột soạt và hoảng hốt ngoảnh lại. Anh ta cởi trần đến thắt lưng đứng trước gương và đang xem bụng và ngực mình dưới ánh đèn. " Trời ơi ! - Anh ta kêu lên. - Cái nhọt gì thế này ? Mi lại đây xem hộ chút." Thấy tôi không dám động đậy, anh ta liền quát: "Lại đây !. Ta bảo mi lại đây cơ mà !" Tôi lại gần, hốt hoảng như cậu học trò lo bị thầy giáo phạt.
Chưa bao giờ đến gần cơ thể để trần của anh ta đến mức như vậy nên tôi khó chịu. Tôi cố tự thuyết phục rằng bởi chính lí do đó nên tôi không muốn đến gần, nhưng thực ra tôi sợ cái nhọt. Hoja hiểu điều đó. Để che giấu tình cảm của mình, tôi cúi lại gần người anh ta và lẩm bẩm, ra vẻ một thầy thuốc đang khám cho người bệnh. "Mi sợ đây là dịch hạch chứ gì ?" Tôi làm ngơ như không nghe thấy gì và định nói đây là vết đốt của con côn trùng lạ, rằng hồi trước tôi cũng bị một vết đốt như thế, nhưng tôi không nhớ được tên gọi của con bọ ấy là gì. "Mi thử sờ xem, - Hoja nói, - nếu không thì làm sao mi có thể xác định được đó là cái gì."
Thấy tôi không dám động đến cái nhọt, anh ta vui hẳn lên và dí những ngón tay vừa xoa chỗ sưng tấy lại gần má tôi. Tôi kinh hãi giật mình khiến anh ta phá lên cười, chế giễu tôi đã sợ một vết đốt của con trùng, nhưng rồi nhanh chóng im bặt. Anh ta nói: "Ta sợ chết." Như thể nói về một người nào khác, giọng anh ta có vẻ bối rối và giận dữ. "Mi có chắc là mi không có những cái như thế này không ? Cởi áo ra !" Anh ta ép tôi, còn tôi thì cởi áo như đứa bé ngại tắm. Trong phòng ấm áp, cửa sổ đóng kín, nhưng tôi cảm thấy một làn gió lành lạnh như toát ra từ chiếc gương. Tôi xẩu hổ trước bóng mình trong gương nên vội lùi lại một bước. Liếc chéo qua gương, tôi thấy Hoja cúi cái đầu to tướng sát lại gần, một cái đầu mà người ta bảo giống hệt tôi. Anh ta muốn áp đảo hồn vía mình đây, tôi nghĩ bụng; bao nhiêu năm qua chính tôi đã chẳng từng tự hào rằng tôi dạy anh ta đó sao. Nói thì nực cười, nhưng không hiểu sao tôi thoáng nghĩ là dưới ánh đèn, cái đầu có bộ râu trơ tráo ấy đang cúi xuống để hút máu tôi. Hóa ra, tôi rẩt thích những chuyện rùng rợn được nghe từ nhỏ. Nghĩ về chuyện đó và cảm thấy những ngón tay của anh ta đang lần trên bụng mình; tôi ước gì có thể bỏ chạy hoặc lấy vật gì đó đập vào đầu anh ta. "Trên người mi không có gì đâu", - Hoja nói. Anh ta khám nách, cổ và tai tôi: - "Cả ở đây cũng không có, mi không bị côn trùng đốt."
Hoja đặt tay lên vai tôi. Như thể tôi là người bạn thời thơ ấu mà anh ta đã từng chia sẻ kho báu. Anh ta sờ gáy tôi và nói: "Chúng mình cùng soi gương nhé." Trong ánh đèn, tôi lại thấy một lần nữa chúng tôi giống nhau đến mức độ nào. Tôi nhớ lại cảm giác của mình khi đang bên cửa phòng khách của Pasha Sadik và lần đầu tiên trông thấy Hoja. Khi đó tôi đã thấy một người mà tôi cần phải như anh ta,
còn bây giờ tôi nghĩ rằng anh ta cần phải là tôi. Chúng tôi là song tinh, là bản sao của nhau ! Bây giờ tôi đã ý thức được điều đó một cách rõ rệt nhất. Tôi lặng người không dám nhúc nhích, như thể bị trói hết chân tay. Rồi tôi động đậy để xua đi cảm giác đó như thể để hiểu ra tôi - chính là tôi. Tôi đưa tay vuốt tóc. Anh ta cũng làm một động tác y hệt như thế, không hề phá vỡ hình ảnh đối xứng qua tấm gương. Anh ta nhìn như tôi, nghiêng đầu như tôi, anh ta lặp lại động tác và vẻ mặt của tôi, tôi chứng kiến sự khủng khiếp mà tôi không muốn nhìn, nhưng không thể ròi mắt, vừa tò mò lại vừa khiếp sợ. Anh ta dần trở nên hân hoan như một đứa trẻ đang nhìn đứa bạn bắt chước cử chỉ của mình để trêu đùa. Đột nhiên anh ta hét lên: "Chúng ta sẽ chết cùng nhau !" Tôi nghĩ bụng: đó chỉ là chuyện nhảm nhí. Tuy vậy, tôi vẫn hoảng sợ. Đó là ngày khủng khiếp nhất trong thời gian tôi chung sống với anh ta.
Sau đó, anh ta bảo ngay từ đầu đã rất sợ dịch hạch, nhưng cố làm tất cả mọi việc để thử thách tôi. Giống như khi đao phủ của Pasha Sadik mang tôi đi hành quyết, cũng như khi những người khác kinh ngạc vì sự giống nhau của chúng tôi. Sau đó, Hoja nói anh ta điều khiển được tinh thần của tôi, anh ta vừa mới lặp lại mọi cử động của tôi, và bây giờ đã biết tất cả những gì tôi biết và tất cả những gì tôi nghĩ. Rồi anh ta hỏi tôi đang nghĩ gì. Tôi đáp là chẳng nghĩ gì cả, nhưng anh ta không chịu, vì hỏi không phải để biết, mà cốt để làm tôi hoảng sợ - để anh ta khỏi sợ hãi, tôi phải gánh chịu dù là một phần nhỏ nỗi sợ của anh ta. Tôi đoán rằng Hoja cảm thấy cô độc nên muốn làm điều ác, tôi nghĩ anh ta muốn làm điều ác bằng cách xoa tay lên mặt cả hai chúng tôi và muốn tôi hoảng sợ về sự giống hệt giữa hai người, nên anh ta bồn chồn và kích động hơn tôi. Vì không dám làm điều ác ngay lập tức, nên anh ta bắt tôi đứng trước gương, túm chặt gáy tôi, tuy vậy tôi không cảm thấy kỳ quái hoặc sợ sệt lắm: anh ta có lí, nếu là tôi thì tôi cũng muốn làm như anh ta, nói như anh ta, thậm chí tôi còn ghen tỵ rằng không phải tôi mà chính anh ta là người đầu tiên đứng trước gương đùa bỡn với dịch hạch và nỗi khiếp sợ.
Tôi cảm thấy tất cả những cái đó chỉ là trò chơi, và không sợ lắm, sau khi bỗng nhiên ngộ ra một điều mà trước đây không hề ngờ đến trong bản thân mình. Hoja thả lỏng các ngón tay đang siết chặt gáy tôi, nhưng vẫn tiếp tục giữ tôi trước tấm gương. "Ta đã trở thành mi rồi, - Hoja nói. - Bây giờ ta đã biết mi hoảng sợ như thế nào. Ta đã là mi rồi !" Tôi muốn coi là ngu ngốc và trẻ con, lời tiên tri mà tôi biết mai đây sẽ được khẳng định, điều này tôi không hề nghi ngờ. Anh ta nói là đã học được cách nhìn nhận thế giới như tôi, rốt cuộc thì anh ta đã hiểu, "người ta" suy nghĩ và cảm nhận như thế nào. Anh ta vừa nói vừa đưa ánh mắt từ gương nhìn sang chiếc bàn, những cái cốc, cái ghế được ánh đèn rọi chiếu tranh tối tranh sáng. Anh ta nói là giờ đây đã có thể bàn luận về những cái mà trước đây không thể nói đến, vì chưa nhìn thấy chúng, nhưng chắc là anh ta sai lầm: cả lời nói lẫn các sự vật vẫn là những cái trước đây từng có. Điều mới mẻ ở đây là nỗi sợ của anh ta, thậm chí không phải nỗi sợ, mà là cách anh ta trải qua nỗi sợ hãi ấy; nhưng dường như cuộc thử thách này cũng chỉ là một trò chơi anh ta bày đặt ra trước tấm gương. Như thể ngoài ý muốn của mình, anh ta đột nhiên chấm dứt một trò chơi, trở lại nốt tấy đỏ trên da và hỏi: đây là vết cắn của côn trùng hay là dịch hạch ?
Anh ta nói rằng muốn tiếp nối cuộc đời tôi ở thời điểm mà tôi đã dừng lại. Cả hai chúng tôi đều cởi trần đến thắt lưng và đứng trước gương. Để tiếp tục, anh ta phải thế vào chỗ tôi, còn tôi thì thế chỗ anh ta, để làm điều đó thì chỉ cần trao đổi quần áo cho nhau, anh ta thì cạo râu, tôi thì nuôi râu, và khi đó chẳng ai còn phân biệt được chúng tôi nữa. Và sau đó, Hoja nói tiểp, tôi sẽ giải phóng cho anh ta. Anh ta say sưa nói về những gì sẽ làm khi thay tôi trở về Tổ quốc, rồi kinh ngạc thấy anh ta nhớ được cặn kẽ từng chi tiết trong các câu chuyện của tôi về thời thơ ấu, thời niên thiếu, anh ta hình dung về đất nước tôi như một xứ sở lạ lùng, hoang đường và huyền ảo. Cuộc sống của tôi không còn thuộc về tôi nữa, nhờ anh ta mà cuộc sống đó đã được chuyển đến những nơi chốn khác, và tôi chỉ còn biết đứng từ xa theo dõi như trong một cơn mơ. Nhưng cuộc chu du của anh ta đến Tổ quốc của tôi trong hình hài của tôi có điều gì đó vừa lạ lùng vừa đáng yêu và cũng rất ngây thơ, không cho phép tôi tin tưởng anh ta một cách hoàn toàn. Mặt khác, tôi sửng sốt trước sự tưởng tượng chính xác của anh ta: tôi sẵn sàng, hay nói đúng hơn, rất có khả năng tôi sẽ sống một cuộc đời đúng y như vậy. Vào thời điểm đó, tôi khám phá ra một điều gì đó thiêng liêng trong cuộc đời Hoja, nhưng đó là cái gì thì tôi không thể nào diễn tả được. Tuy nhiên, khi nghe câu chuyện của anh ta về việc trước đây tôi đã sống như thế nào ở quê hương mà tôi đã buồn nhớ trong nhiều năm ròng, tôi quên hết nỗi khiếp sợ trước nạn dịch hạch.
Thế nhưng điều đó kéo dài không lâu. Hoja muốn tôi kể về những gì mà tôi sẽ làm khi thế chỗ anh ta. Tôi chẳng nghĩ được điều gì, thần kinh căng thẳng đến nỗi tôi không thể nào tập trung được ý nghĩ của mình trong bối cảnh khác thường mà chúng tôi đang đối mặt nên tôi cố gắng giống nhau của chúng tôi và vết côn trùng đốt. Tôi chợt nhớ đến việc: mình muốn viết hồi kí khi về Tổ quốc, nên nói rằng rất có thể từ những gì đã xảy ra với tôi có thể viết thành những câu chuyện thú vị. Anh ta khinh mạn trả lời rằng tôi không hiểu anh ta rõ bằng anh ta hiểu tôi được. Rồi anh ta đẩy tôi sang một bên, một mình đứng trước tấm gương và nói rằng anh ta sẽ tự kể lấy về những gì sẽ xảy ra với tôi, khi tôi thế chỗ của anh ta ! Trước hết, anh ta nói cái mụn sung tấy này chính là nốt dịch hạch và tôi sẽ chết. Sau đó anh ta giảng giải, tôi sẽ đau đớn như thế nào trước khi chết, và nói rằng nỗi khiếp sợ mà tôi chưa sẵn sàng chịu đựng sẽ còn tồi tệ hơn cả cái chết. Phác vẽ về những nỗi đau đớn của tôi, Hoja rời khỏi chiếc gương, ngả mình xuống chăn đệm trải ngay trên sàn nhà và tiếp tục kể về những nỗi thống khổ mà tôi sẽ phải chịu. Hai tay anh ta khoanh lại đặt trên bụng, và tôi nghĩ rằng đôi tay ấy cần phải xua đi cái đau mà anh ta đang kể. Anh ta gọi tôi, tôi bước lại gần và lấy làm tiếc là đã làm điều đó - anh ta tiếp tục quờ tay về phía tôi. Không hiểu sao tôi tin rằng chỗ sưng tấy của anh ta chỉ là vết côn trùng đốt, nhưng dù sao đi nữa vẫn thấy khiếp sợ.
Suốt cả đêm cứ tiếp tục như thế. Anh ta làm tất cả mọi điều để lôi kéo tôi vào căn bệnh và nỗi sợ hãi của mình, và liên tục nhắc đi nhắc lại rằng tôi là anh ta, còn anh ta là tôi. Tôi cho rằng anh ta làm như vậy vì thích nhìn bản thân từ phía bên ngoài, và tôi lặp lại với mình, y như một người muốn thoát khỏi cơn ác mộng, là anh ta đang đùa, mặt khác anh ta toát mồ hôi đầm đìa, nhưng không phải như khi sợ hãi hoặc nóng nực, mà giống như một người đang bị ốm thật sự.
Khi mặt trời bắt đầu lên, anh ta bắt đầu nói về các ngôi sao và cái chết, về những lời tiên đoán không thành hiện thực, về sự ngu ngốc của Padishah và sự vô ơn của Ngài, về những kẻ ngu muội yêu quý của mình, về "chúng ta" và về "chúng nó", về cả chuyện anh ta vẫn ước được thành một người khác ! Nhưng tôi không nghe anh ta nói nữa mà đi ra vườn. Không hiểu sao tôi chợt nhớ lại những danh ngôn về sự bất tử mà tôi đã đọc ở đâu đó trong một cuốn sách cổ. Mọi vật xung quanh yên lặng, tĩnh mịch, chỉ có mấy con chim sẻ ríu rít bay nhảy trên những cành gia. Buổi sáng yên tĩnh làm sao ! Tôi nghĩ về những ngôi nhà khác trong thành phố Istanbul và về những bệnh nhân dịch hạch. Nếu Hoja bị mắc thứ bệnh này thì nó sẽ kéo dài cho đến tận khi anh ta chết, còn nếu như không phải là dịch hạch thì nốt tấy đỏ sẽ bay đi. Tôi cảm thấy mình sẽ không sống được ở đây lâu nữa. Lúc quay vào nhà tôi đã không còn nghĩ về chuyện chạy đi đâu, trốn ở chỗ nào nữa. Tôi chỉ nghĩ về địa điểm nào đó càng xa Hoja và dịch hạch càng tốt. Nhét mấy thứ quần áo vào cái túi torba (một loại túi đeo ở mõm ngựa), tôi hiểu rằng đó phải là một nơi không xa lắm, để tôi không bị tóm ở dọc đường.
Nhấn vào đây để xem chương mới nhất của Ebook Pháo Đài Trắng.