• 75

Chương 7


Số từ: 5455
Dịch giả: Nguyễn Thị Kim Hiền
NXB Trẻ
Nguồn: Sưu tầm
Tôi đã gom góp được một ít tiền bằng cách lấy cắp tiền lẻ của Hoja và giấu anh ta những khoản mà tôi kiếm thêm. Trước khi ra khỏi nhà, tôi lấy số tiền đó ở một nơi bí mật, từ chiếc tất giấu trong cái hòm đựng những quyển sách mà từ lâu tôi không còn đọc nữa. Vì tò mò, tôi vào phòng Hoja. Đèn vẫn thắp, anh ta đang ngủ, mồ hôi toát ra ướt đẫm. Tôi ngạc nhiên thấy chiếc gương cũng không lớn lắm, vậy mà đêm qua nó đã khiến tôi hoảng sợ vì sự giống hệt giữa hai chúng tôi, một sự giống nhau mà tôi chưa bao giờ tin trọn vẹn. Không chạm vào bất cứ vật gì, tôi vội vã ra khỏi phòng. Khi bước trên những con phố vắng người, cảm nhận làn gió nhẹ thổi qua mặt, tôi liên tục cảm thấy rất muốn rửa tay, tôi biết rõ nơi mình muốn đến và hài lòng vì điều đó. Tôi thích dạo trên phố trong bầu không khí buổi sáng tĩnh lặng, từ trên đồi đi xuống biển, rửa tay ở cheshma (nguồn nước mạch được dẫn theo ống máng ốp đá) và ngắm vịnh Sừng Vàng.
Lần đầu tiên tôi nghe một tu sĩ trẻ nói đến đảo Heybeli (một hòn đảo trong quần đảo Princes, ở vịnh bỉển Marmara), anh ta đã từ hòn đảo ấy đến đây, tôi và anh ta gặp nhau tại Galata (một địa điểm ở Constantinople, phía Đông vịnh Sừng Vàng), anh ta đã say sưa kể cho tôi nghe về vẻ đẹp của quần đảo Princes. Tôi nhớ mãi điều ấy, và khi ra khỏi khu phố, tôi biết rằng mình sẽ đến đó. Những người chủ thuyền và dân chài mà tôi xin đi nhờ đòi những khoản tiền công đắt kinh khủng, tôi thất vọng, lo họ đoán được tôi bỏ trốn và sẽ khai tôi đi đâu với những người Hoja sai đi lùng. Rồi sau đó họ sẽ dùng chuyện này để dọa những
người Thiên Chúa giáo mà họ khinh thường vì những người ấy sợ dịch hạch, cố không gây chú ý, tôi thỏa thuận được với một người chèo thuyền. Anh này chẳng khỏe mạnh gì, hơn nữa, lẽ ra phải ráng sức chèo thì cứ luôn mồm ba hoa, bàn luận về chuyện do những tội lỗi nào mà con người bị trừng phạt bằng một trận dịch hạch. Anh ta còn bảo là chẳng thể trốn tránh dịch hạch bằng cách ra đảo. Tôi biết anh ta cũng sợ dịch hạch chẳng kém gì tôi. Chúng tôi lênh đênh trên biển sáu tiếng đồng hồ.
Về sau, tôi mới hiểu được mình đã sống trên đảo những ngày sung sướng. Với khoản tiền còm, tôi ở trọ tại nhà một người đánh cá Hy Lạp độc thân, sợ hãi triền miên và cố gắng ra ngoài càng ít càng tốt. Đôi khi tôi đoán chắc Hoja đã chết, có khi lại nghĩ, anh ta đang cho người lùng bắt tôi cũng nên. Trên đảo có nhiều người theo đạo Thiên Chúa cũng chạy tránh dịch hạch như tôi, nhưng tôi không muốn tiếp xúc với họ.
Buổi sáng, tôi cùng những người đánh cá đi thuyền ra biển, chiều đến lại cùng họ trở về. Tôi say sưa dùng lao để bắt cua. Những khi thời tiết xấu không đi đánh cá được, thỉnh thoảng tôi dạo chơi trong vùng, đến tận tu viện và ngủ trong vườn nho. Ở đó có mái che và những dây nho quấn quít, những ngày đẹp trời, đứng từ gốc cây vả có thể nhìn thấy cả tu viện Haja Sophia (giáo đường chính của thành phố Ítanbul), tôi ngồi hàng giờ dưới bóng cây, nhìn về phía Ítanbul và mơ ước. Có lần tôi mơ thấy Hoja bơi giữa đám cá heo theo một chiếc thuyền ra đảo và hỏi han chúng về tôi, có nghĩa là anh ta đang tìm tôi. Một lần khác, lại thấy anh ta đang đi với mẹ tôi, hai người mắng nhiếc tôi và hỏi vì sao tôi bị muộn. Tỉnh dậy vì mặt trời chiếu thẳng vào mặt, muốn quay lại giấc mơ ấy mà không được, tôi nghĩ chắc là Hoja đã chết.. Không biết ai sẽ bước vào ngôi nhà mà tôi từ bỏ để mang xác đi, những ai sẽ có mặt tại cuộc mai táng nghèo nàn khiêm tốn. Sau đó, tôi suy nghĩ về những lời tiên đoán và những điều tưởng tượng vui vẻ của anh ta, về những kẻ đã đến thăm Hoja khi anh ta bị nỗi căm thù và giận dữ xâm chiếm, tôi nghĩ về Padishah và chuồng thú của Ngài; những ảo ảnh ban ngày của tôi lẫn lộn với những con cua có đôi càng ngọ nguậy mà tôi vớt lên, sau khi dùng lao xuyên thủng mai của chúng.
Tôi cố tin là rồi đây mình sẽ trốn được về Tổ quốc. Để làm chuyện đó, chỉ cần ăn cắp tiền ở những ngôi nhà quên đóng cửa. Nhưng trước hết phải cố quên Hoja. Suy nghĩ về những điều thú vị mà tôi sẽ kể khi viết về những cuộc phiêu lưu bất ngờ của mình, tôi sẵn sàng tự trách mình vì đã bỏ mặc một người sắp chết, một người giống tôi đến vậy. Tôi buồn nhớ anh ta, tôi cũng không biết mình có thật giống anh ta không, hay là chính tôi đã tưởng tượng ra điều đó. Tôi có cảm tưởng rằng, sau mười một năm sống chung bên cạnh nhau, chưa một lần nào tôi nhìn lâu vào khuôn mặt ấy. Thậm chí, tôi còn muốn chạy về Istanbul để ngó mặt Hoja lần cuối, khi anh ta đã chết. Nhưng tôi tự thuyết phục mình rằng sự giống nhau giữa chúng tôi chẳng qua chỉ là một sự nhầm lẫn mà tôi phải cố quên đi.
May thay, tôi đã không thể quên được điều đó. Bởi vì, vào một ngày đẹp trời, tôi bỗng thấy Hoja lù lù hiện ra trước mặt. Tôi đang nằm sưởi nắng ngoài vườn, hai mắt khép lại và đang thả hồn mơ mộng thì bỗng cảm thấy có một bóng râm phủ lên mặt. Mở mắt ra, tôi thấy Hoja đang đứng nhìn tôi mỉm cười, không phải kiểu cười đóng kịch, mà cười như thể anh ta yêu quý tôi thật sự. Trong thâm tâm, hình như tôi đã chờ đợi điều này, nên lập tức có cảm giác của một tên nô lệ lười nhác, đang hối lỗi, đầu cúi xuống. Trong khi tôi thu dọn đồ đạc, không phải Hoja căm ghét tôi, mà chính là tôi đã khinh ghét bản thân mình. Hoja trả cho người đánh cá món nợ mà tôi còn thiếu. Anh ta đem theo hai người giúp việc, với bốn tay chèo, chúng tôi nhanh chóng trở về nhà trước khi trời tối. Tôi đã buồn nhớ biết bao khi xa ngôi nhà này. Trên tường không thấy treo tấm gương nữa.
Sáng hôm sau, Hoja gọi tôi và bảo: tội lỗi của tôi rất lớn, không phải vì đã bỏ trốn, mà vì đã nhầm tưởng vết côn trùng đốt là nốt dịch hạch và bỏ anh ta chờ chết một mình. Anh ta định trừng phạt tôi thật nghiêm khắc, nhưng bây giờ tình hình đã thay đổi. Hoja cho biết là tuần trước anh ta được Padishah gọi đến, Ngài hỏi bao giờ thì trận dịch hạch sẽ kết thúc, nó sẽ đem theo bao nhiêu thần dân nữa, và trận dịch hạch có đe dọa sinh mệnh của Ngài hay không. Hoja hoảng sợ, anh ta chưa sẵn sàng trước một câu hỏi như vậy, nên chỉ đưa ra một lời đáp nửa vời, nói rằng cần phải nghiên cứu các ngôi sao, nên xin hoàng đế hạn cho một thời gian nữa. Hoja lao về nhà, nhưng không nghĩ ra được điều gì để trả lời. Vì vậy anh ta quyết định đi tìm và đưa tôi trở về.
Đã từ lâu, anh ta biết tôi đang ở ngoài đảo; sau khi tôi trốn đi anh ta bị ốm, chỉ bị cảm lạnh. Ba ngày sau, anh ta có đi tìm tôi, chỉ cần trả một món tiền nhỏ là tìm ra người đánh cá lắm mồm đã chở tôi ra đảo Heybeli. Tôi không thể chạy trốn từ đảo đến một nơi nào khác, nên anh ta yên chí để mặc tôi ở đó. Tôi không thể không đồng tình với Hoja rằng quan hệ của anh ta với Padishah là một cơ hội lớn trong đời. Anh ta thẳng thắn thừa nhận là rất cần đến sự trợ giúp của tôi về mặt kiến thức.
Chúng tôi lập tức bắt tay vào việc. Hoja có cái vẻ quyết tâm của một người biết rõ điều mình mong muốn, tôi rất thích tính tự tin của anh ta mà trước đây tôi không hề nhận thấy. Ngày mai, chắc chắn chúng tôi sẽ được mời vào cung cấm, vì vậy chúng tôi không thể bỏ phí thì giờ. Chúng tôi thỏa thuận với nhau về nguyên tắc cơ bản nhất: không nên đưa ra quá nhiều thông tin, nhưng phải chứng minh được những điều chúng tôi dự báo. Trí tuệ sắc bén của Hoja mà tôi rất yêu mến cho phép lập tức đưa ra công thức: "Bói toán là lừa dối, nhưng có thể sử dụng nó để tác động đến bọn ngu si". Nghe những lí giải của tôi, Hoja có vẻ tán thành rằng dịch hạch chính là tai họa mà người ta chỉ có thể tránh được bằng các phương tiện y học. Cũng như tôi, anh ta không phủ nhận rằng tai họa xảy ra không thể thiếu ý nguyện của Đức Allah, nhưng đó không phải là biểu hiện trực tiếp của ý nguyện ấy, cho nên chúng ta, những kẻ chẳng phải là bất tử, phải xắn tay áo lên để làm một việc gì đó, và điều ấy không hề làm cho Đức Allah bớt thiêng liêng. Chẳng phải là ông Thánh Omar (Omar I (581/591-644): một trong những chiến hữu thân cận của nhà tiên tri sáng lập đạo Hồi Muhammad) đã chẳng từng gọi Abu Ubeyde (Abu Ubeyde (580-639): một trong những chiến hữu của nhà tiên tri Muhammad, đã truyền bá đạo Hồi ở Syria) từ Syria đến Medina (thành phố ở Saudi Arabia) để cứu quân đội khỏi trận dịch hạch đó sao ? Để bảo vệ Padishah, Hoja đề nghị Ngài càng ít tiếp xúc với những người khác càng tốt. Tôi không thể nói rằng chúng tôi không hề có ý nghĩ lấy cái chết dọa dẫm Padishah để khiến Ngài đưa ra những biện pháp cần thiết, nhưng điều đó quả thực rất mạo hiểm: việc miêu tả hùng hồn về nỗi nguy cơ chết người sẽ không kết thúc đơn giản bằng chuyện hoàng đế hoảng sợ - đám quần thần ngu dốt vây quanh Ngài sẽ làm mọi việc để xua tan sự sợ hãi đó, nhưng rồi vào bất cứ thời điểm nào sau đó cũng có thể gán cho Hoja cái tội báng bổ. Vì vậy chúng tôi soạn ra một bài phát biểu dựa trên những kiến thức văn học của tôi.
Điều đáng lo sợ nhất đối với Hoja là đoán được bao giờ thì nạn dịch hạch kết thúc. Chúng tôi cần phải biết dữ liệu về số người chết dịch hàng ngày, tôi nói điều này với Hoja, anh ta bảo sẽ nhờ Padishah trợ giúp.
Ngày hôm sau anh ta đi gặp Padishah, còn tôi thì vào thành phố. Tôi vẫn sợ dịch hạch như trước, nhưng vẫn không thể nào thắng được nỗi cám dỗ ngọt ngào của sự chuyển dịch và cuộc sống. Đó là một ngày hè mát mẻ, gió nhẹ thoang thoảng từng cơn. Dạo bước giữa những người chết hoặc hấp hối, tôi cảm thấy rằng chưa bao giờ mình yêu cuộc đời đến thế. Ngó vào khoảng sân trong giáo đường, tôi đếm số thây người, sau đó lang thang trong các khu dân cư, cố gắng tìm ra mối liên hệ giữa những gì mình trông thấy và tổng số người chết. Không thể nào bao quát được trong ý nghĩ tất cả mọi ngôi nhà, mọi người, đám đông, nỗi đau khổ và niềm vui sướng. Lạ thay, đôi mắt có ý muốn kì quặc của tôi cứ nhận biết riêng biệt những chi tiết cụ thể, hoặc sự thất vọng của những người này hoặc sự bàng quan của những kẻ khác.
Đến giờ ăn trưa, không thể nào nhìn tiếp những đám đông tụ tập và thây người chết, tôi đi sang phía bờ đối diện của vịnh Sừng Vàng, đến khu Halata, lang thang quanh các ụ tàu, ngồi một lúc trong tiệm cà phê, hút thuốc, ăn uống trong tiệm, cốt chỉ để giao tiếp, dạo qua trong ngôi chợ, ngó vào các sạp hàng nhỏ. Tôi muốn ghi nhớ thật kĩ tất cả mọi thứ, để rồi về sau rút ra một kết luận nào đó. Khi trời tối, tôi quay trở về, nghe Hoja kể chuyện anh ta vào cung cấm trong ngày hôm đó.
Mọi chuyện đều tốt đẹp cả. Câu chuyện của chúng tôi gây được ấn tượng mạnh với Padishah, Ngài tán thành rằng trận dịch hạch cố tình đánh lừa Ngài, y như quỷ Shaitan giả trang trong bộ quần áo của con người. Padishah quyết định cấm không cho người ngoại quốc vào cung điện, cửa ngõ ra vào thành phố sẽ được canh gác cẩn mật. Trả lời câu hỏi khi nào thì trận dịch hạch sẽ kết thúc, và kết thúc như thế nào, Hoja tán như khướu, đến nỗi Padishah thú nhận Ngài hình dung rất rõ ràng thần chết Azrael đi lang thang như người say rượu trong thành và sẵn sàng bắt bất cứ ai lọt vào ánh mắt của hắn. Hoja lập tức đỡ lời: không phải thần chết Azrael có lỗi trong việc con người phải chết, mà là quỷ Shaitan. Và không phải Azrael say rượu, mà nó rất khôn ngoan. Như chúng tôi đã thỏa thuận, Hoja bổ sung thêm là phải tìm cách chống lại quỷ Shaitan.
Muốn biết bao giờ trận dịch hạch thôi hoành hành cần phải tìm ra nơi mà quỷ Shaitan đang lẩn trốn.
Mặc dù có kẻ trong đám tùy tùng nói rằng chống lại dịch hạch tức là chống lại ý nguyện của Đức Allah, nhưng Padishah không để tâm đến ý kiến đó, một lúc sau Ngài hỏi: quỷ Shaitan có đến quấy phá các con vật nuôi của Ngài như phượng hoàng, sư tử và khỉ hay không ? Hoja lập tức đáp rằng khi đến bắt người thì quỷ Shaitan đội lốt người, còn khi đến bắt các con vật thì quỷ Shaitan lại mang lốt chuột. Ngay lập tức, Padishah xuống chiếu phải đến những vùng xa xôi mà dịch hạch chưa lan đến để đưa về đây năm trăm con mèo, sau đấy Ngài ra lệnh cắt cho Hoja đủ số lượng nhân công mà anh ta cho là cần thiết.
Chúng tôi lập tức sai mười hai người được Padishah cấp tới mọi ngõ ngách của Istanbul, họ đến mọi khu dân cư và kể lại với chúng tôi về mọi điều chứng kiến và số người chết dịch. Trên bàn chúng tôi có một tấm bản đồ mà tôi họa lại từ một quyển sách.
Đêm đến, chúng tôi khiếp hãi đánh dấu trên bản đồ những nơi bệnh dịch hoành hành và thầm cân nhắc trong đầu những lời sẽ tâu với Padishah.
Thoạt đầu chúng tôi chẳng thể nào lạc quan nổi. Bệnh dịch tràn lan trong thành phố không giống như một tên say rượu ma mãnh, mà y như một kẻ sát nhân bàng quan, giết ai cũng vậy mà thôi. Trong vòng một ngày trận dịch đã mang đi sinh mệnh của bốn mươi người ở Aksaray, sau đó nó bỏ qua nơi này để ngó vào Fatih, rồi lại lang thang đến Tophane và Jihangir, về sau hóa ra trận dịch đã có mặt tại Zeirek, rồi lần đến khu phố của chúng tôi ở gần vịnh Sừng Vàng, mang đi hai mươi mạng sống. Dựa theo thống kê số người chết chúng tôi chẳng rút ra được kết luận nào: có ngày chết tới năm trăm người, có ngày chết khoảng một trăm. Phải một thời gian sau chúng tôi mới hiểu ra rằng: điều quan trọng không phải là trận dịch hạch đã khiến cho người chết ở vùng nào, mà quan trọng là lần đầu tiên nó được ghi nhận ở nơi nào. Padishah lại cho gọi Hoja. Chúng tôi suy nghĩ và quyết định: Hoja sẽ tâu với Ngài rằng bệnh dịch đang lang thang ở những chỗ tập trung đông người như chợ búa, nơi con người lừa đảo lẫn nhau, hoặc trong các tiệm ăn, nơi người ta chen chúc chật chội để ngồi lê đôi mách. Đến tối Hoja về nhà kể lại.
Nghe anh ta nói xong, Padishah hỏi: Vậy thì chúng ta phải làm gì ? Hoja nói rằng cần phải giảm thiểu lượng người trong các khu chợ, cho dù phải dùng đến vũ lực. Nghe vậy, những kẻ khôn ranh trong đám tùy tùng của Padishah vội vàng phản bác: nếu cấm buôn bán thì ai sẽ cung cấp cho thành phố mọi thứ cần thiết, làm như vậy cuộc sống sẽ đình trệ mất. Khi biết bệnh dịch đang đội lốt người lan tràn trong thành, dân chúng sẽ hoảng sợ và biết đâu sẽ xảy ra bạo loạn, sau nữa, chẳng ai muốn ngồi yên trong khu phố của mình, nơi bệnh dịch đang hoành hành, và thế nào cùng xảy ra lộn xộn. "Họ có lý" - Hoja nói. Nhưng ngay lúc ấy, khi một kẻ khôn ranh lên tiếng hỏi, kiếm đâu ra một người có thể dẹp an dân chúng, Padishah lập tức nổi cơn thịnh nộ, Ngài khiến cho mọi người hoảng sợ khi nói rằng sẽ trừng trị tất cả những kẻ nào nghi ngờ vào sức mạnh của Ngài. Trong cơn tức giận, Ngài ra lệnh cứ làm theo tất cả những gì Hoja nói, nhưng Ngài cũng không quên hội ý với đám quần thần của mình. Đại sư chiêm tinh Sitki Êfendi, từ trước tới giờ vẫn hằm hè với Hoja, nhắc lại rằng Hoja vẫn chưa nêu lên ngày tháng cụ thể khi bệnh dịch rời bỏ thành phố. Hoja sợ rằng Padishah nhận ra đại sư chiêm tinh có lý, vội vã nói rằng lần sau đến dự buổi chầu sẽ mang theo lịch.
Chúng tôi trải tấm bản đồ với những dấu hiệu và con số lên bàn, nhưng không thể nào hiểu được bệnh dịch hạch lan truyền trong thành phố theo logic nào. Trong khi đó, đã là ngày thứ ba, kể từ khi lệnh của Padishah được thực hiện nghiêm ngặt. Binh lính triều đình chặn hết các lối vào ở những ngôi chợ, các con phố chí rủi, các bến thuyền, hễ thấy ai lại gần đều hỏi: Anh là ai ? Đi đâu ? Đi làm gì ? Những người hoảng sợ, lúng túng hoặc đi vu vơ không mục đích liền bị lính canh bắt phải quay về, để quỷ Shaitan không cám dỗ họ. Khi được tin cuộc sống đã ngừng lại ở Kapalycharsi (Chợ lớn có mái che ở trung tâm Istanbuls) và Unkapi (một khu thuộc phần châu Ảu của Istanbul), chúng tôi treo bảng thống kê người chết trong tháng lên tường và suy nghĩ. Hoja nói, chúng tôi đã phí công chờ đợi trận dịch diễn ra theo một logic nào đó, và để cứu lấy cái đầu của mình, chúng tôi phải nghĩ ra bất kì một sự lừa dối nào để làm yên lòng Padishah.
Một thời gian sau chế độ thẻ thông hành được thực hiện. Người chỉ huy lính canh phân phát giấy phép cho những người cần đi lại để buôn bán, như vậy việc cung cấp nhu yếu phẩm cho thành phố vẫn được tiếp tục. Khi chúng tôi biết bằng cách ấy ông ta thu được nhiều tiền, còn thợ thủ công thì do không muốn nộp thêm một khoản thuế nên đang chuẩn bị bạo loạn, cũng là lần đầu tiên tôi phát hiện ra một thứ logic nào đó về cách bệnh dịch lan truyền. Tôi nói điều ấy với Hoja, lúc đó đang kể rằng tể tướng Koprulu liên kết với thợ thủ công muốn chứng minh rằng dịch hạch đã từ từ rút khỏi những khu ngoại ô, nơi cư trú của những người nghèo khổ. Hoja không chú ý lắm khi nghe tôi nói, nhưng dù sao cũng sai tôi lập bảng lịch cho Padishah. Anh ta nói: để đánh lạc hướng Padishah, cần phải sáng tác ra một câu chuyện mà không ai hiểu được và không ai có thể rút ra một kết luận nào. Rồi anh ta lại hỏi, liệu có thể bịa ra được một câu chuyện chẳng mang một ý nghĩa gì, nhưng lại khiến người ta thích thú khi nghe và đọc nó ? "Giống như âm nhạc, phải không ?" - tôi hỏi, và bằng cách đó khiến cho Hoja ngạc nhiên. Chứng tôi bắt đầu suy nghĩ về một câu chuyện thật hấp dẫn, đoạn đầu như truyện cổ tích, đoạn giữa đáng sợ như giấc mơ dữ, còn kết cục thì buồn thảm như câu chuyện tình yêu đôi lứa bị chia lìa. Trước hôm đến cung điện, chúng tôi vui vẻ tán chuyện và làm việc căng thẳng suốt đêm. Ở phòng bên cạnh, người bạn chúng tôi, nhà thư pháp thuận tay trái ngồi chép lại phần đầu câu chuyện do Hoja sáng tác, còn phần cuối thì chúng tôi vẫn chưa nghĩ được. Gần sáng, dựa vào những thống kê không thật sự chính xác có được, tôi đưa ra dự đoán là khoảng hai mươi ngày nữa dịch hạch sẽ kết thúc, sau khi đã mang đi những nạn nhân cuối cùng tại các chợ. Hoja không hỏi dựa vào đâu mà tôi đưa ra những kết luận ấy, chỉ nói rằng ngày thoát khỏi bệnh dịch còn lâu quá, và ra lệnh lập lại một bảng lịch khác, sao cho trận dịch hạch kết thúc sau hai tuần nữa, mà lại phải giấu thời hạn này giữa các con số khác. Tôi không lạc quan đến mức như vậy, nhưng vẫn làm theo lệnh của anh ta. Hoja lập tức sáng tác những câu thơ gán vào một sổ ngày tháng và đưa bảng lịch cho nhà thư pháp thuận tay trái chép lại. Anh ta nhờ tôi vẽ minh họa cho những câu thư đó. Anh ta đưa tất cả những gì đã soạn thảo và chép lại sạch sẽ trên loại giấy hoa tiên, bọc vội bằng tấm bìa màu xanh và đến gần giờ ăn trưa thì lên đường, nét mặt không vui vẻ lắm. Hoja lo sợ. Anh ta nói là không chỉ hy vọng vào bảng lịch của tôi, mà còn trông chờ vào những con bồ nông, những con bò đực có cánh, những con kiến màu đỏ và những con khỉ biết nói, được vẽ trong những bức họa kèm theo chuyện kể của anh ta.
Chiều hôm đó anh ta về nhà với vẻ xúc động, kể là đã thuyết phục được Padishah tin vào sự đúng đắn của các dự báo, sự hồi hộp của anh ta kéo dài suốt ba tuần liền. "Mọi điều đều có thể xảy ra", anh ta nhắc đi nhắc lại; trong ngày đầu tiên anh ta không có nhiều hy vọng; khi chàng thanh niên tốt giọng đọc câu chuyện của anh ta, trong đám tùy tùng của Padishah có tiếng cười, họ cố tình bật cười để hạ nhục Hoja, nhưng Padishah dập tắt sự nhạo báng của họ và hỏi, dựa vào đâu mà nói rằng hai tuần nữa trận dịch hạch sẽ rút lui. Hoja giải thích là lời giải đáp nằm trong nội dung câu chuyện, nhưng chẳng ai hiểu được điều gì. Sau đó, để lấy lòng Padishah, anh ta vuốt lông những con mèo đủ màu sắc được đưa về từ Trabzon (tên một hài cảng nằm trên bờ biển Hắc Hải cùa Thổ Nhĩ Kỳ), lúc nhúc đầy trong sân cung điện và các gian phòng.
Ngày thứ hai, khi từ cung điện trở về, anh ta nói triều đình phân chia ra thành hai phe: một phe, trong đó có pháp sư Sitki Efendi thì đòi phải hủy bỏ các biện pháp đang thi hành trong thành phố, những người khác cùng với Hoja thì nói là phải tiếp tục hạn chế, để quỷ Shaitan không tiếp tục bắt hết dân chúng. Tôi cảm thấy hy vọng, vì càng ngày số người chểt dịch càng giảm dần, nhưng Hoja thì rất lo lắng: nghe nói phe thứ nhất do tể tướng Koprulu cầm đầu đang chuẩn bị bạo loạn, mục đích của họ không phải là dẹp dịch hạch, mà cốt thanh toán những kẻ thù địch của mình.
Qua tuần thứ nhất, số người chết giảm thấy rõ, nhưng theo tính toán của tôi thì sau một tuần nữa dịch hạch chưa thể kết thúc được. Tôi bảo Hoja là anh ta sửa lại lịch của tôi thật phí công, nhưng anh ta vững dạ lắm, anh ta hiểu rằng những lời đồn đại về cuộc bạo động của tể tướng Koprulu rốt cuộc chỉ là tin đồn, ông ta sẽ chẳng dám động tĩnh gì. Do vậy, những người cùng phe với Hoja tung tin rằng tể tướng đã ngả sang phía họ. Kinh hoàng trước các gian kế đó, Padishah chỉ biết tìm sự an ủi nơi những con mèo của mình.
Sang tuần thứ hai, thành phố khổ sở không những vì bệnh dịch, mà còn bởi hậu quả của lệnh cấm. Càng ngày, số người chết dịch càng giảm xuống, nhưng chỉ có những người theo dõi như chúng tôi thì mới nhận rõ điều đó. Có tin nạn đói đang lan ra, Istanbul giống như một thành phố bị ruồng bỏ; tôi không ra khỏi khu phố, chỉ nghe tất cả những điều đó qua lời kể của Hoja, anh ta cảm nhận được sự tuyệt vọng của dân chúng đang chống chọi với dịch hạch đằng sau những cửa chính và cửa sổ đóng kín, chẳng thể chờ đợi gì hơn, ngoài bệnh dịch và cái chết. Sự chờ đợi đó cũng được cảm nhận trong cung cấm: chỉ cần một chiếc chén lỡ tay rơi xuống, hoặc ai đó cất tiếng ho là những kẻ thông thái đang chờ xem hôm nay Padishah sẽ đưa ra quyết định nào lại lập tức thì thầm to nhỏ, lặng người vì sợ hãi - họ lo lắng hồi hộp như bất cứ ai đã mất hết hy vọng và đang mong ước một điều gì đó xảy ra, cho dù là chuyện gì đi nữa. Hoja cũng bị lây tâm trạng đó, anh ta lần nữa thuyết phục Padishah rằng những tiên đoán là chính xác - dịch hạch đang từ từ rút lui, nhưng Padishah nghe một cách lơ đãng, nên Hoja buộc phải lái câu chuyện sang những con thú.
Hai ngày sau, con số thống kê từ các giáo đường đưa về cho thấy số lượng bệnh nhân đã giảm nhiều, nhưng đó không phải nguyên nhân chính khiến Hoja phấn khởi trong ngày thứ Sáu ấy: một số thợ tiểu thủ công liều mạng đánh nhau với lính canh của triều đình đang gác chặn đường, một số người khác vào hùa với họ; những lính canh bất bình trước các biện pháp đang được thực hiện, vài vị imam (người đứng đầu giáo xứ đạo Hồi) ngu ngốc, đủ loại lưu manh, trộm cướp và vô công rồi nghề - những người ấy gào thét rằng dịch hạch là công việc của Đức Allah, không nên can thiệp vào chuyện đó, nhưng cuộc bạo động vừa mới manh nha lập tức bị dập tắt. Và chắc là để cho thấy vụ này nghiêm trọng như thế nào, giáo hội ban lệnh fatwa, lập tức có hai mươi người bị treo cổ. Hoja hài lòng lắm.
Buổi chiều hôm sau anh ta tuyên bố về thắng lợi của mình. Trong triều đình không còn ai ho he về việc hủy bỏ các biện pháp đang thi hành; vị chỉ huy lính canh được vời vào cung điện tâu rằng những kẻ bạo loạn có người ủng hộ trong triều, Padishah nổi giận; những kẻ đối địch Hoja bỏ trốn hết lượt. Người ta còn nói rằng, tể tướng Koprulu, một thời gian nghe đồn ở phe đối lập, nay quyết định thực hiện những biện pháp nghiêm khắc chống lại những kẻ bạo loạn. Hoja mãn nguyện nói rằng anh ta có ảnh hưởng đối với Padishah. Để thuyết phục Padishah, những người tham gia đập tan cuộc bạo loạn cùng nói rằng trận dịch hạch đã thoái lui. Và đó là sự thật. Padishah nói với Hoja những lời khen ngợi mà trước đây Ngài chưa nói bao giờ, rồi dẫn Hoja đến bên một chuồng thú đặc biệt để khoe mấy con khỉ châu Phi. Khi họ ngắm những con khỉ mà sự bẩn thỉu và trơ trẽn của chúng khiến Hoja ghê tởm, Padishah hỏi, liệu có thể dạy khỉ nói được như vẹt hay không. Rồi quay về đám quần thần của mình, Ngài phán rằng muốn thấy Hoja bên cạnh mình thường xuyên hơn, bảng lịch do anh ta soạn hóa ra rất đúng.
Một tháng sau, vào ngày thứ Sáu, Hoja trở thành đại sư chiêm tinh. Hơn thế nữa, khi Padishah khởi hành đi đến giáo đường Hagia Sophia dự buổi cầu nguyện ngày thứ Sáu mà cả thành phố tham gia nhân dịp trận dịch hạch đã kết thúc, Hoja được đi sau hoàng đế một chút. Những biện pháp ngăn sông cấm chợ đã được xóa bỏ, tôi cũng đứng trong đám đông đang cảm tạ Đức Allah và Padishah. Khi Padishah cưỡi ngựa đi ngang qua, đám đông hò reo vỡ cả giọng, rồi bắt đầu chen lấn. Lính canh đẩy chúng tôi ra, có lúc đám đông đẩy tôi vào tận gốc cây, còn tôi thì dùng cùi chõ gạt mọi người để tiến lên phía trước và bắt gặp ánh mắt mãn nguyện, sung sướng của Hoja. Anh ta ngoảnh mặt đi, như không nhận ra tôi. Trong tiếng ồn ào khủng khiếp, tôi bỗng cảm thấy một nỗi hân hoan ngu ngốc xâm chiếm toàn bộ tâm hồn. Cho là Hoja không nhìn thấy mình, tôi gào lên thật to, tôi muốn anh ta biết tôi đang ở đây, như thể thấy tôi thì anh ta sẽ cứu tôi thoát khỏi đám đông này, và tôi sẽ hòa vào đám diễu hành của đoàn quân mạnh mẽ và chiến thắng ! Tuy nhiên, tôi mong muốn điều ấy không phải để coi mình là kẻ dự phần vào chiến thắng ấy, mà cốt nhận những phần thưởng cho sự lao động của mình, không, một tình cảm khác hẳn tràn ngập trong tôi: tôi cần có mặt ở kia, bởi tôi chính là Hoja ! Dường như tôi đã tách ra khỏi bản thân và đang nhìn mình từ phía bên ngoài, như trong những giấc mơ dữ dội; mà nếu như tôi có thể thấy được bản thân từ phía bên ngoài, có nghĩa rằng tôi là người khác. Tôi có nguyện vọng nhận biết cái người nấp sau vỏ bọc của tôi là ai, tôi hoảng sợ nhìn bản thân tôi đang đi ngang qua mà không nhận biết tôi, và tôi chỉ muốn nhanh chóng liên kết với người đó, nhưng một người lính canh thô bạo đã đẩy tôi lùi lại về phía đám đông.
Nhấn vào đây để xem chương mới nhất của Ebook Pháo Đài Trắng.