• 338

Chương 18


Số từ: 8003
Dịch giả: Trần Quý Dương
C.ty Nhã Nam phát hành
NXB Thời Đại
Tôi chạy qua tiệm ăn Eno rồi tiếp tục theo phía Bắc rời xa thị trấn. Chiếc sedan trơn màu nâu bám theo. Cách bốn mươi mét. Không hề cố che giấu. Hai gã trai chỉ chạy phía sau tôi. Mắt nhìn thẳng vè phía trước. Tôi ngoặt về phía Tây theo đường tới Warburton. Và chậm lại chạy đều. Chiếc sedan trơn bám theo, vẫn phía sau bốn mươi mét. Bọn tôi chạy về hướng Tây. Chúng tôi là những điểm di động duy nhất trong khung cảnh bao la này. Tôi có thể trông thấy hai gã thanh niên qua gương. Chăm chú nhìn tôi. Chúng sáng lên bởi ánh nắng của mặt trời chiều đang hạ thấp. Ánh sáng thấp màu đồng khiến chúng rực lên. Hai gã còn trẻ, gốc Tây Ban Nha, sơ mi sặc sỡ, tóc đen, rất gọn gàng, rất giống nhau. Xe chúng giữ nguyên khoảng cách phía sau tôi.
Tôi chạy khoảng bảy, tám dặm. Tôi đang tìm một điểm. Cứ khoảng nửa dặm lại có những con đường đất gồ ghề, cả hai bên đường. Chúng dẫn đến cánh đồng. Lượn vòng không chủ đích. Tôi không biết những con đường này dùng làm gì. Có lẽ chúng dẫn tới những điểm tập trung, nơi người nông dân đỗ các loại máy móc phục vụ thu hoạch. Khi đến mùa thu hoạch. Tôi đang tìm một con đường cụ thể trước đây đã từng thấy. Nó vòng ra sau một lùm cây nhỏ phía bên phải đường. Chỗ ẩn nấp duy nhất trong cả chặng đường nhiều dặm. Hôm thứ Sáu tôi đã trông thấy nó từ xe chở tù. Hôm lái xe trở về từ Alabama lại trông thấy nó. Một lùm cây cứng cáp. Sáng nay nó đã nổi trên lớp sương mù. Một lùm cây nhỏ hình ô van được xén ngọn nằm bên phải đường, một con đường đất vòng ra phía sau nó rồi lại chạy ra đường lớn.
Tôi trông thấy lùm cây ở phía trước vài dặm. Lùm cây là một vệt nhỏ trên đường chân trời. Tôi chạy xe về phía đó. Bật ngăn đựng găng tay lấy khẩu súng to nặng ra. Lách nó vào khe ghế bên cạnh mình. Hai gã thanh niên vẫn bám theo, vẫn ở phía sau bốn mươi mét. Khi còn cách lùm cây chừng một phần tư dặm, tôi đột ngột chuyển sang số 2 và đạp lút ga. Chiếc xe cũ giật lên vọt về phía trước. Đến đường đất, tôi xoay mạnh tay lái, bật người đánh cho xe trệch ra khỏi đường lớn. Vòng ra phía sau lùm cây. Phanh khựng lại. Túm lấy khẩu súng lao ra khỏi xe. Để cửa xe bên tay lái đung đưa như thể tôi đã bị bật ra cắm đầu vào lùm cây.
Nhưng tôi lao theo hướng khác. Tôi đi sang bên phải. Vòng qua ca pô, chạy vào ruộng lạc khoảng bốn mét rưỡi và dán mình xuống đất. Bò qua các bụi nhỏ và dừng ở vị trí ngang với nơi xe của hai gã thanh niên sẽ dừng trên con đường đất phía sau chiếc Bentley. Ép mình vào các thân cây mập mạp, thấp dưới tán lá, bên trên nền đất đỏ ẩm ướt. Rồi tôi chờ đợi. Tôi cho là hai tên đã bị bỏ lại cách tôi chừng sáu bảy mươi mét. Chúng không theo kịp cú tăng ga đột ngột của tôi. Tôi mở khóa an toàn. Rồi nghe thấy tiếng chiếc Buick nâu của chúng. Tôi nghe tiếng ồn của động cơ và tiếng máy rên rỉ khi xe tạm dừng. Rồi nó tiến vào tầm quan sát, trên con đường đất phía trước tôi. Chiếc xe dừng phía sau chiếc Bentley, bao lấy lùm cây. Nó cách tôi khoảng sáu mét
Bọn này là hai tên khá khôn ngoan. Không phải là những kẻ ngu nhất tôi từng thấy. Tên ngồi ghế phụ đã rời khỏi đường trước khi xe ngoặt vào đây. Hắn nghĩ tôi đang trong lùm cây. Hắn nghĩ sẽ tiếp cận tôi từ phía sau. Tên lái
lồm còm bò ra ngoài qua cửa khách ở phía xa lùm cây. Ngay trước mặt tôi. Hắn đang cầm một khẩu súng, chân quỳ trên đất, lưng quay về tôi, được chiếc Buick chắn khỏi tầm quan sát từ nơi hắn nghĩ tôi đang nấp, mắt lướt qua trọn chiếc xe bên lùm cây. Tôi sẽ phải khiến tên này di chuyển. Tôi không muốn hắn ở cạnh chiếc xe. Phải giữ cho chiếc xe có thể sử dụng được. Tôi không muốn nó bị hư hại.
Bọn chúng cảnh giác với lùm cây. Đó là điều tôi muốn. Tại sao tôi lại chạy xe cả chặng đường nhiều dặm tới lùm cây duy nhất rồi ẩn mình dưới cánh đồng chứ? Một chiêu đánh lạc hướng kinh điển. Bọn chúng đã rơi vào bẫy mà không hề suy nghĩ gì. Tên bên chiếc xe đang chằm chăm nhìn bụi cây. Tôi đang chằm chằm nhìn hắn từ sau lưng. Tôi đang chĩa thẳng khẩu Desert Eagle vào hắn, thở nhẹ nhàng. Tên đi cùng hắn đang khom người bò qua các gốc cây để tìm tôi. Chẳng mấy chốc hắn sẽ bò hết và xuất hiện lù lù trước mặt.
Sau khoảng năm phút thì tên này xuất hiện. Hắn cầm một khẩu súng phía trước người. Vòng về phía sau chiếc Buick. Giữ cự ly giữa hắn và chiếc Bentley. Tên này cúi người xuống cạnh đồng bọn rồi hai tên dành cho nhau những cái nhún vai. Rồi chúng bắt đầu ngó kỹ chiếc Bentley. Lo rằng tôi đang nằm trên sàn xe hoặc nấp phía sau máy sưởi hoành tráng bằng crôm. Tên vừa ở lùm cây ra bò trên nền đất, giữ cho chiếc Buick nằm giữa người hắn và lùm cây, ngay phía trước tôi, mắt chăm chăm nhìn phía dưới chiếc Bentley nhằm phát hiện hai bàn chân tôi.
Tên này bò hết chiều dài chiếc Bentley. Tôi có thể nghe rõ tiếng hắn hầm hừ thở dốc khi di chuyển bằng hai cùi tay. Rồi hắn bò ngược lại cả đoạn lúc nãy đến quỳ cạnh đồng bọn. Chúng tản ra hai bên rồi chầm chậm đứng dậy cạnh đầu chiếc Buick. Hai tên bước tới kiểm tra bên trong chiếc Bentley. Rồi cùng bước tới rìa lùm cây nhòm vào khoảng tối. Chúng không thể phát hiện ra tôi. Rồi hai tên quay lại, đứng cạnh nhau trên con đường đất gồ ghề, cách xa chiếc xe, in bóng trên nền trời màu cam, mắt chằm chằm nhìn các gốc cây, lưng quay ra ruộng, về phía tôi.
Bọn chúng không biết phải làm gì. Bọn này là trai thành phố. Có lẽ từ Miami tới. Chúng mặc quần áo của Florida. Bọn này quen với các ngõ sáng đèn neon và các công trường xây dựng. Chúng quen hành động bên dưới những đoạn quốc lộ vồng lên cao, trong những khu đầy rác rưởi mà khách du lịch chưa bao giờ thấy. Chúng không biết làm gì với một lùm cây nhỏ đứng một mình giữa hàng triệu acre trồng lạc.
Tôi bắn vào lưng cả hai tên khi chúng đứng đó. Hai phát bắn nhanh. Ngắm cao, vào khoảng giữa hai xương vai. Tiếng nổ của khẩu súng tự động loại lớn phát ra như lựu đạn. Chim xung quanh bay túa lên. Hai tiếng nổ đồng thời lan trên cánh đồng như sấm. Lực giật của súng dội vào bàn tay tôi. Cả hai tên ngã bổ về phía trước. Nằm sõng soài úp mặt vào mấy gốc cây ở phía bên kia đường đất. Tôi ngẩng đầu lên nhìn. Chúng có cái vẻ đờ đẫn, yếu ớt khi sự sống đã bỏ đi.
Tôi vẫn giữ súng bước tới bên hai tên. Chúng đã chết. Tôi từng trông thấy nhiều người chết, hai tên này cũng giống bất kỳ người nào trong số đó. Đầu đạn Magnum loại lớn đi vào phần trên lưng chúng. Nơi tập trung các động mạch và tĩnh mạch lớn dẫn lên đầu. Các đầu đạn gây sát thương khá ghê gớm. Tôi im lặng nhìn xuống hai gã thanh niên và nghĩ tới Joe.
Rồi tôi có những việc cần làm. Tôi bước trở lại chiếc Bentley. Đóng khóa an toàn và ném khẩu Desert Eagle trở lại ghế. Bước tới bên chiếc Buick của hai gã thanh niên rút chìa khóa ra. Mở cốp. Tôi cho là mình đang hy vọng tìm thấy thứ gì trong đó. Tôi chẳng cảm thấy tội lỗi gì với hai gã kia. Nhưng tôi sẽ thấy khá hơn nếu tìm được thứ gì trong đó. Chẳng hạn một khẩu tự động giảm thanh cỡ .22. Hoặc bốn đôi giày bao ngoài bằng cao su và bốn bộ đồ toàn thân bằng nylon. Vài lưỡi dao dài mười ba phân. Những thứ đại loại thế. Nhưng tôi không thấy những thứ như vậy. Mà thấy Spivey.
Hắn đã chết khoảng vài giờ. Bị bắn thẳng vào trán bằng một khẩu cỡ .38. Từ cự ly gần. Chắc chắn nòng khẩu súng lục cách đầu hắn khoảng mười lăm phân. Tôi di ngón tay cái qua lớp da quanh lỗ đạn vào. Xem nó. Không có vết đen nhưng có những vệt thuốc súng nhỏ xíu sém vào da. Chúng sẽ không phai đi. Kiểu xăm hình này chứng tỏ cự ly bắn khá gần. Vào khoảng mười lăm phân, có thể hai mươi phân. Kẻ nào đó đã đột ngột nâng súng lên và gã trợ lý giám sát to béo chậm chạp không kịp tránh.
Trên cằm tên này có một vết sẹo do tôi đã rạch bằng con dao của Morrison. Đôi mắt rắn của hắn đang mở. Hắn vẫn mặc bộ đồng phục nhàu nhĩ. Cái bụng trắng lông lá lộ ra qua chỗ tôi đã rạch trên áo. Spivey là một tên to con. Để nhét tên này vào vừa cốp xe, hai gã thanh niên phải bẻ chân hắn. Có lẽ dùng một chiếc xẻng. Chúng đã phang gãy chân và gập chỗ đầu gối sang hai bên để nhét Spivey vào. Tôi chăm chú nhìn tên trợ lý giám sát và cảm thấy giận dữ. Hắn biết nhưng đã không nói cho tôi biết. Nhưng dù sao thì bọn chúng cũng đã giết hắn. Chuyện hắn không nói cho tôi biết chẳng còn ý nghĩa gì. Bọn kia đang hoảng sợ. Chúng đang khiến mọi kẻ câm lặng, trong khi kim đồng hồ cứ chầm chậm nhích dần tới ngày Chủ nhật. Tôi chăm chú nhìn vào đôi mắt không còn sự sống của Spivey, như thể trong đó chứa thông tin.
Rồi tôi chạy trở lại chỗ hai xác chết bên rìa lùm cây và lục soát. Hai chiếc ví cùng một thỏa thuận thuê xe. Một điện thoại di động. Tất cả chỉ có thế. Thỏa thuận thuê chiếc Buick. Thuê ở sân bay Atlanta lúc tám giờ sáng thứ Hai. Chuyến bay sớm từ đâu đó. Tôi lục hết hai chiếc ví. Không có vé máy bay. Bằng lái xe của bang Florida, cả hai đều ghi địa chỉ ở Jacksonville. Những tấm ảnh vô hồn, những cái tên vô nghĩa. Các thẻ tín dụng khớp với những cái tên ấy. Rất nhiều tiền mặt trong ví. Tôi lấy hết. Bọn chúng sẽ không tiêu số tiền đó nữa.
Tôi tháo pin khỏi máy điện thoại di động rồi bỏ máy vào túi một tên, pin vào túi tên còn lại. Rồi kéo hai cái xác lại chỗ chiếc Buick, nhét chúng vào cốp xe cùng Spivey. Không phải việc dễ dàng. Hai tên không cao lớn nhưng mềm nhũn và khó điều chỉnh. Khiến tôi toát cả mồ hôi dù trời lạnh. Tôi phải vần chúng sao cho có thể nhồi hai tên vào khoảng trống Spivey để lại. Tôi lần quanh tìm thấy hai khẩu súng ngắn. Cả hai đều cỡ .38. Một khẩu nạp đầy đạn. Khẩu kia đã bắn một viên. Mùi súng chứng tỏ bắn chưa lâu. Tôi quăng cả hai khẩu vào thùng xe. Tìm thấy đôi giày của tên ngồi ghế phụ. Khẩu Desert Eagle đã đẩy hắn tung khỏi giày. Tôi ném đôi giày vào cốp rồi đóng sầm nắp lại. Bước trở lại ruộng lạc tìm nơi mình đã ẩn trong bụi cây. Nơi từ đó tôi đã bắn chúng. Quờ quạng tìm nhặt hai vỏ đạn lên. Đút vào túi.
Rồi tôi khóa chiếc Buick và bỏ đó. Bật cốp chiếc Bentley. Lôi ra chiếc túi chứa bộ đồ cũ của mình. Bộ đồ mới đã lấm đầy đất đỏ và vấy máu của hai gã thanh niên. Tôi mặc lại bộ đồ cũ. Cuộn tròn bộ đồ lấm cả đất và máu nhét vào túi. Ném chiếc túi vào cốp xe Bentley rồi đóng nắp lại. Việc cuối cùng tôi làm là dùng một cành cây quét hết những vết chân mình.
Tôi chầm chậm chạy chiếc Bentiey trở lại theo hướng Đông về Margrave và dùng thời gian trên đường để trấn tĩnh lại. Một vụ phục kích rõ ràng, không có khó khăn nào về kỹ thuật, không có hiểm nguy thực sự nào. Sau lưng tôi là mười ba năm khổ ải. Dù có đang ngủ thì tôi cũng đủ sức hạ hai tên nghiệp dư. Nhưng tim tôi đang đập dồn dập hơn mức nó nên đập, và một đợt adrenaline lạnh đang khiến tôi run rẩy. Chính việc trông thấy Spivey nằm đó với hai chân bị bẻ quặt sang hai bên đã gây ra điều đó. Tôi thở mạnh và trấn tĩnh. Cánh tay phải tôi đau nhức. Như thể ai đó đã lấy búa nện vào bàn tay. Từ đó kéo lên tận vai đều khó chịu. Khẩu Desert Eagle đã giật thật mạnh. Và gây tiếng nổ kinh khủng. Tai tôi vẫn lùng bùng vì hai tiếng nổ gần như đồng thời. Nhưng tôi cảm thấy thoải mái. Đó là công việc được thực hiện rất tốt. Hai tên đáng gờm bám theo tôi ra ngoài kia. Giờ chúng không còn bám đuôi trở về.

Tôi đỗ xe trong khu đậu của đồn, ở ô cách cửa xa nhất. Nhét khẩu súng lại vào ngăn đựng găng tay và ra khỏi xe. Trời muộn dần. Bóng tối đang sập xuống. Bầu trời khổng lồ của bang Georgia thẫm lại. Dần trở thành màu mực đen thẫm. Trăng đang lên.
Roscoe ngồi bên bàn. Khi trông thấy tôi, cô đứng dậy bước tới. Chúng tôi theo cửa ra ngoài. Bước vài bước. Hôn nhau.
"Có thông tin gì từ những người cho thuê xe không?" tôi hỏi.
Roscoe lắc đầu.
"Ngày mai", cô đáp. "Picard đang xử lý. Ông ấy đang làm hết khả năng."
"OK," tôi nói. "Em biết những khách sạn nào ở sân bay?"
Cô thống kê một loạt. Cũng gần như danh sách ta có được ở bất kỳ sân bay nào. Tôi chọn cái tên đầu tiên mà Roscoe đọc ra. Rồi tôi kể cho cô điều đã xảy ra với hai gã trai Florida. Nếu là tuần trước thì cô bắt tôi ngay rồi. Cho tôi lên ghế điện rồi. Nhưng giờ đây, phản ứng của nữ cảnh sát lại khác. Bốn gã đi giày bao ngoài bằng cao su nhẹ nhàng đột nhập vào nhà Roscoe đã khiến cô thay đổi suy nghĩ về nhiều điều. Thế nên nữ cảnh sát chỉ gật đầu mím môi nở một nụ cười hài lòng.
"Hai tên đã chết", cô nói. "Làm giỏi đấy, Reacher. Bọn chúng là những tên đó à?"
"Những tên đêm qua hả? Không. Hai tên này không phải người địa phương. Ta không thể tính chúng trong số mười tên Hubble nói. Chúng là bọn đánh thuê từ nơi khác tới."
"Bọn chúng giỏi không?"
Tôi nhún vai với Roscoe. Lắc bàn tay từ bên này sang bên kia, vẻ khó hiểu.
"Không thực sự giỏi", tôi đáp. "Dù sao thì cũng không đủ giỏi."
Rồi tôi kể với Roscoe về thứ đã tìm thấy trong cốp chiếc Buick. Cô một lần nữa run rẩy.
"Như vậy hắn là một trong số mười tên à?" cô hỏi. "Spivey ấy?"
Tôi lắc đầu.
"Không," tôi đáp. "Anh không thể nhận định như thế. Hắn cũng là kẻ hỗ trợ từ bên ngoài. Chẳng kẻ nào dùng một tên ngu như thế trong tổ chức."
Roscoe gật đầu. Tôi mở cửa xe Bentley và lấy khẩu súng ra khỏi ngăn đựng găng tay. Nó quá to, không vừa với túi áo tôi. Tôi lại bỏ nó vào chiếc hộp cũ cùng những viên đạn. Roscoe bỏ tất cả những thứ đó vào cốp chiếc Chevy của cô. Tôi lôi chiếc túi đựng quần áo lấm bẩn ra. Khóa cửa xe Bentley lại bỏ nó trong bãi đỗ của đồn cảnh sát.
"Anh sẽ gọi lại cho Molly," tôi bảo. "Anh sẽ dính vào khá sâu. Anh cần chút thông tin về bối cảnh. Có những điều anh không hiểu được."
Đồn im lặng nên tôi dùng căn phòng nhiều đồ gỗ hồng sắc. Tôi bấm máy gọi đi Washington và gặp được Molly sau hai hồi chuông.
"Ta nói chuyện được chứ?" tôi hỏi cô.
Molly bảo tôi đợi, tôi nghe tiếng cô đứng dậy khép cửa phòng.
"Sớm quá, Jack," cô nói. 'Phải đến mai tôi mới lấy được những thứ đó."
'Tôi cần thông tin nền," tôi nói. "Tôi cần hiểu về hoạt động trên quy mô quốc tế mà Joe làm này. Tôi muốn biểt vì sao mọi chuyện lại diễn ra ở đây, trong khi ta nhận định rằng hoạt động ấy diễn ra ở nước ngoài."
Tôi nghe thấy Molly tìm cách bắt đầu.
"Được rồi, thông tin nền," cô nói. "Tôi nghĩ Joe nhận định rằng có thể hoạt động đó được điều khiển từ đất nước này. Và đây là một vấn đề rất khó giải thích, nhưng tôi sẽ cố. Việc làm tiền giả diễn ra ở nước ngoài, vấn đề là hầu hết số tiền giả tồn tại ở nước ngoài. Chỉ có một số ít tiền giả quay lại đây, đó chẳng phải vấn đề nội bộ ghê gớm nhưng rõ ràng đó là việc chúng ta muốn ngăn chặn. Nhưng ở nước ngoài thì đó là một dạng vấn đề hoàn toàn khác. Anh biết trong nước Mỹ có bao nhiêu tiền mặt không Jack?"
Tôi nghĩ lại điều viên giám đốc ngân hàng đã nói cho mình.
"Một trăm ba mươi tỷ đô la," tôi đáp.
"Đúng," Molly nói. "Nhưng đúng hai lần số đó được giữ ở nước ngoài. Đó là một thực tế. Dân trên khắp thế giới đang cất giữ hai trăm sáu mươi tỷ đô la Mỹ tiền mặt. Nó nằm trong các két gửi đồ ở London, Rome, Berlin, Moscow, được nhét vào dưới gối ở cả Nam Mỹ, Đông Âu, giấu dưới sàn nhà, những bức tường giả, trong các ngân hàng, các đại lý du lịch, khắp mọi nơi. Tại sao lại như thế?"
"Không biết."
"Bởi đô la Mỹ là loại tiền tệ được tin tưởng nhất thế giới. Người ta tin vào nó. Người ta muốn có nó. Và theo lẽ tự nhiên thì chính phủ rất, rất vui vì điều đó."
"Tốt cho cái tôi, đúng không?" tôi nói.
Tôi nghe tiếng Molly đổi điện thoại sang tay kia.
"Đó không phải vấn đề tình cảm", cô nói. "Mà là làm ăn. Nghĩ về vấn đề đó đi, Jack. Nếu như trong tủ của ai đó ở Bucharest có một tờ một trăm đô, điều đó nghĩa là một lần ở một nơi có một người đổi nó lấy một món tài sản ở nước ngoài trị giá một trăm đô la. Nghĩa là chính phủ chúng ta đã bán một tờ giấy xanh in mực đen lấy một trăm đô la. Làm ăn tốt quá còn gì. Và bởi đây là loại tiền được tin tưởng, nhiều khả năng tờ một trăm đô ấy sẽ nằm nhiều năm trong cái tủ đó ở Bucharest. Nước Mỹ sẽ không bao giờ phải trả lại món tài sản ở nước ngoài ấy. Chừng nào đồng đô la Mỹ còn được tin tưởng, chừng ấy chúng ta không thể mất."
"Vậy vấn đề là gì?" tôi hỏi.
"Khó diễn tả. Chuyện hoàn toàn liên quan tới niềm tin, sự tin tưởng. Hầu hết là trừu tượng. Nếu các thị trường nước ngoài tràn ngập đô la giả, tự thân nó không thực sự là vấn đề. Nhưng nếu người dân ở các thị trường đó phát hiện ra điều ấy thì lại có vấn đề. Bởi họ hoảng loạn. Họ mất lòng tin. Họ không còn sự tin tưởng. Họ không muốn những đồng đô la Mỹ nữa. Họ sẽ quay sang dùng đồng yên Nhật hay đồng mark Đức để nhét vào gối. Họ sẽ từ bỏ những đồng đô la Mỹ của mình. Như vậy, chỉ sau một đêm, chính phủ sẽ phải hoàn trả món nợ với nước ngoài trị giá hai trăm sáu mươi tỷ đô la. Chỉ trong một đêm. Và chúng ta không thể làm được việc ấy, Jack."
"Vấn đề lớn nhỉ", tôi nói.
"Đó là sự thật. Và là một vấn đề ở xa. Toàn bộ tiền giả đều được sản xuất ở nước ngoài và hầu hết được phân phối ở nước ngoài. Như thế thì có thể hiểu được. Các nhà máy được che giấu ở một khu vực xa xôi tại nước ngoài, nơi chúng ta không biết, và tiền giả được phân phối tới những người nước ngoài cảm thấy vui miễn là những thứ đó trông đúng như những tờ đô la Mỹ thật. Đó là lý do không nhiều tiền giả được đưa vào Mỹ. Chỉ có những tờ tiền giả chất lượng nhất trở lại đất Mỹ."
"Có bao nhiêu tiền trở lại?" tôi hỏi.
Tôi nghe tiếng nhún vai. Một tiếng thở khẽ, như thể Molly mím môi.
"Không nhiều lắm," cô nói. 'Tôi cho là đôi lúc có vài tỷ."
"Vài tỷ à? Thế mà không nhiều à?"
"Một giọt nước trong biển cả", Molly đáp. "Từ góc độ kinh tế vĩ mô. Ý tôi là so sánh với nền kinh tế ấy."
"Và chính xác thì chúng ta đang làm gì với chuyện đó?"
"Hai việc. Việc đầu tiên là Joe cố hết sức để chặn đứng hoạt động ấy. Lý do đằng sau việc ấy thì rõ ràng rồi. Việc thứ hai là chúng ta đang giả vờ như chuyện đó chẳng hề diễn ra. Để duy trì lòng tin."
Tôi gật đầu. Bắt đầu lờ mờ thấy những gì đằng sau mấy thứ quy định bảo mật ghê gớm đang được thực hiện ở Washington.
"OK," tôi nói. "Thế nếu tôi gọi điện cho Bộ Tài chính hỏi người ta về chuyện đó thì sao?"
"Chúng tôi sẽ phủ nhận mọi điều", Molly đáp. "Chúng tôi sẽ nói rằng: hoạt động chống tiền giả nào thế?"

Tôi bước qua phòng họp yên tĩnh rồi bước vào xe của Roscoe. Bảo cô lái xe ra ngoài, chạy về phía Warburton. Khi chúng tôi tới chỗ lùm cây thì trời đã tối. Ánh trăng vừa đủ để nhận ra lùm cây. Roscoe tấp vào chỗ tôi bảo. Tôi hôn cô và bước ra khỏi xe. Bảo rằng tôi sẽ gặp cô ở khách sạn, vỗ nhẹ lên mui chiếc Chevy và vẫy tay ra hiệu cho Roscoe lái đi. Cô chạy ra đường. Chầm chậm lái đi. Tôi tiến thẳng qua lùm cây. Không muốn để lại những vết chân trên lối đi. Chiếc túi lớn khiến việc đó trở nên khó khăn. Nó cứ liên tục vướng vào bụi cây. Tôi chui ra đúng chỗ chiếc Buick. Vẫn nằm đó. Vẫn yên lặng. Tôi dùng chìa khóa mở cửa bên ghế lái và lách vào. Nổ máy rồi chạy theo lối đi. Giảm xóc phía sau liên tục nhún khi gặp các hõm trên đường. Tôi không quá ngạc nhiên về chuyện đó. Những thứ chứa trong cốp xe phải nặng tới hai tram năm mươi cân.
Tôi chật vật ra đường chạy theo hướng Đông, về phía Margrave. Nhưng đến tỉnh lộ thì rẽ trái hướng về phía Bắc. Chạy hết mười bốn dặm đường còn lại, tới quốc lộ. Qua khu nhà kho hòa vào dòng xe theo hướng Bắc tới Atlanta. Tôi không chạy nhanh, cũng chẳng chậm. Không muốn bị để ý. Chiếc Buick trơn rất kín đáo. Rất ít thu hút sự chú ý. Đó là cách tôi muốn.
Sau một giờ, tôi chạy theo các biển chỉ dẫn về sân bay. Thấy đường tới khu đỗ xe dài ngày. Lấy một vé ở trạm tự động loại nhỏ và lái vào. Đây là một bãi đậu khổng lồ. Không thể tốt hơn được nữa. Tôi tìm một ô gần ở giữa, cách hàng rào gần nhất chừng một trăm mét. Lau sạch tay lái và cần số. Ra khỏi xe cùng chiếc túi. Khóa chiếc Buick rồi bước đi.
Sau khoảng một phút, tôi ngó lại. Không thể nhìn ra chiếc xe tôi đã bỏ đó. Đâu là nơi tốt nhất để giấu một chiếc xe hơi chứ? Trong bãi đỗ xe dài ngày của một sân bay. Như thể đâu là nơi tốt nhất để giấu một hạt cát? Trên bãi biển. Chiếc Buick có thể nằm đó một tháng. Chẳng ai đặt dấu hỏi với nó.
Tôi bước trở lại rào chắn ở lối vào. Gặp thùng rác đầu tiên là tôi ném chiếc túi vào. Đến thùng rác thứ hai thì tôi ném vé đậu xe. Đến rào chắn thì tôi lên chiếc xe buýt nhỏ lịch sự về tận bến. Bước vào tìm một nhà vệ sinh. Gói chùm chìa khóa của chiếc Buick vào một tờ giấy lau, thả vào thùng rác. Rồi tôi đi xuống sảnh đón khách và lại bước ra buổi tối ẩm ướt. Bắt chiếc xe buýt của khách sạn lên đường đi gặp Roscoe.
Tôi thấy cô trong ánh đèn neon rực sáng của sảnh khách sạn. Tôi dùng tiền mặt thanh toán tiền thuê một phòng. Chúng tôi theo thang máy đi lên. Căn phòng tối, cáu bẩn. Đủ rộng. Trông ra sân bay ngổn ngang. Cửa sổ lắp ba lớp kính để ngăn tiếng ồn từ máy bay. Nơi này thật thiếu không khí.
'Trước hết bọn mình ăn cái đã," tôi bảo.
"Trước hết bọn mình cần tắm", Roscoe nói.
Thế nên chúng tôi tắm rửa. Giúp cả hai sảng khoái và tỉnh táo. Chúng tôi xoa xà phòng lên người và bắt đầu trêu chọc nhau. Và rốt cuộc làm tình dưới vòi tắm, nước phun khắp xung quanh. Sau đó tôi chỉ muốn cuộn tròn mà ngủ. Nhưng cả hai đều đói. Và chúng tôi có những việc phải làm. Roscoe mặc vào bộ quần áo đã mang từ nhà sáng nay. Quần jean, sơ mi, áo khoác. Trông thật tuyệt. Rất nữ tính nhưng cũng rất rắn rỏi. Tinh thần đầy phấn chấn.
Chúng tôi đi thang máy lên một nhà hàng ở tầng thượng. Chỗ này ổn. Tầm quan sát rộng bao quát cả khu sân bay. Chúng tôi ngồi bên cửa sổ, trong ánh nến. Một anh chàng người nước ngoài vui vẻ mang đồ ăn tới cho chúng tôi. Tôi nhồm nhoàm ăn và nuốt. Tôi đói chết đến nơi. Tôi uống một chai bia và một bình cà phê. Gần trở lại thành người. Thanh toán bữa ăn bằng một ít tiền nữa của gã thanh niên đã chết. Rồi chúng tôi xuống sảnh lấy một tấm bản đồ đường phố Atlanta. Bước tới xe hơi của Roscoe.
Bầu không khí đêm lạnh, ẩm ướt và bóc mùi dầu hỏa. Mùi của sân bay. Chúng tôi vào chiếc Chevy nghiên cứu tấm bản đồ đường phố. Hướng về phía Tây Bắc. Roscoe lái xe, tôi cố gắng chỉ đường cho cô. Chúng tôi đánh vật với dòng xe cộ và rốt cuộc cũng gần tới đúng nơi. Một loạt những căn nhà thấp nằm la liệt. Nơi ta thường thấy từ trên máy bay đang hạ cánh. Những căn nhà nhỏ trên những khoảnh đất nhỏ, hàng rào chống gió bão, bể bơi nổi. Vài khoảnh sân đẹp, vài đống rác. Xe hơi nằm im lìm. Mọi vật đều tắm trong ánh sáng vàng.
Chúng tôi tìm thấy đúng phố. Đúng nhà. Một nơi ổn. Được chăm sóc tốt. Gọn gàng, sạch sẽ. Căn nhà một tầng nhỏ xíu. Sân nhỏ, ga ra nhỏ chứa được một xe hơi. Cổng hẹp phía sau hàng rào dây thép gai. Chúng tôi bước qua cổng. Bấm chuông. Một bà già hé cánh cửa còn gắn xích phía trong.
"Chúc buổi tối tốt lành", Roscoe nói. "Chúng tôi đang tìm Sherman Stoller."
Khi nói câu ấy, Roscoe nhìn tôi. Lẽ ra cô nên nói rằng chúng tôi đang tìm nhà anh ta. Chúng tôi đã biết Sherman Stoller đang ở đâu. Sherman Stoller đang ở nhà xác tại Yellow Springs, cách đây bảy mươi dặm.
''Các vị là ai?" bà già hỏi một cách lịch sự.
"Thưa bà, chúng tôi là cảnh sát", Roscoe đáp. Chỉ đúng một nửa.
Bà già đẩy nhẹ cửa tháo xích xuống.
"Hai vị nên vào trong này," bà nói. "Ông ấy đang trong bếp. Tôi e là đang ăn."
"Ai đang ăn?" Roscoe hỏi.
Bà già dừng lại nhìn cô. Vẻ khó hiểu.
"Sherman," bà đáp. "Đó là người các vị muốn tìm, đúng chứ?"
Chúng tôi theo bà vào bếp. Có một ông già đang ngồi ở bàn ăn bữa đêm. Khi trông thấy chúng tôi, ông ngừng ăn dùng khăn ăn chấm miệng.
"Họ là cảnh sát đấy, Sherman," bà già bảo.
Ông già ngước nhìn chúng tôi vẻ hờ hững.
"Còn một Sherman Stoller khác à?" tôi hỏi ông.
Ông già gật đầu. Trông lo lắng.
"Con trai chúng tôi," ông đáp.
"Chừng ba mươi phải không?" tôi hỏi. "Ba mươi lăm ấy?"
Ông già lại gật đầu. Bà già bước tới phía sau ông và đặt tay lên cánh tay ông. Đây là cha mẹ anh ta.
"Nó không sống ở đây", ông già nói.
"Nó gặp rắc rối à?" bà mẹ hỏi.
"Ông bà có thể cung cấp địa chỉ của anh ấy cho chúng tôi được chứ?" Roscoe cất tiếng.
Họ lập cập đi lại như những người già vẫn thế. Rất nể cơ quan công quyền. Rất tôn trọng. Muốn đặt cho chúng tôi nhiều câu hỏi nhưng lại chỉ đưa địa chỉ.
"Hai năm rồi nó không sống ở đây", ông già nói.
Ông đang sợ. Ông đang cố giữ mình tránh khỏi rắc rối mà đứa con mình dính phải. Chúng tôi gật đầu với hai ông bà và lui ra. Khi chúng tôi khép cửa trước lại, ông già gọi với theo.
"Nó chuyển đi cách đây hai năm."
Chúng tôi bước qua cổng và lại vào xe. Lại xem bản đồ đường phố. Địa chỉ mới được cung cấp không có trong này.
"Anh thấy hai người đó thế nào?" Roscoe hỏi tôi.
"Cha mẹ anh ta à?" tôi hỏi lại. "Họ biết rằng con trai mình chẳng tốt đẹp gì. Họ biết rằng hắn đang làm chuyện gì đó xấu. Có lẽ không biết chính xác việc ấy là gì."
"Đó là điều em nghĩ," Roscoe bảo. "Ta đi tìm địa chỉ mới này thôi."
Chúng tôi đánh xe đi. Roscoe dừng đổ xăng và hỏi đường ở cây xăng đầu tiên bọn tôi trông thấy.
"Cách đây khoảng năm dặm ở hướng ngược lại", cô bảo. Rồi quay xe hướng về phía xa thành phố. "Khu căn hộ mới ở một sân gôn."
Cô chăm chú nhìn vào bóng tối, tìm những dấu hiệu mà nhân viên cây xăng đã nói cho cô. Sau khoảng năm dặm thì Roscoe ngoặt tay lái rời đường chính. Chạy theo một con đường mới và tấp vào cạnh tấm bảng của một công ty xây dựng. Bảng này quảng cáo về các căn hộ loại chất lượng cao nhất, xây dựng ngay trên khu đánh gôn. Quảng cáo khoác lác rằng chỉ còn lại vài căn chưa bán. Sau nội dung thông tin là các dãy nhà mới. Rất dễ chịu. Không khổng lồ nhưng xây đẹp. Có ban công, ga ra, các chi tiết đẹp. Phối cảnh đầy tham vọng sáng lên trong bóng tối. Những con đường nhỏ có đèn chiếu sáng dẫn tới một câu lạc bộ sức khỏe. Phía bên kia chẳng có gì. Đó hẳn phải là sân gôn.
Roscoe tắt máy. Chúng tôi ngồi trong xe. Tôi vòng tay qua lưng ghế cô. Ôm lấy vai Roscoe. Tôi mệt. Tôi đã bận bịu suốt cả ngày. Tôi muốn ngồi thế này một lúc. Hôm nay là một đêm yên tĩnh, âm u. Trong xe ấm áp. Tôi muốn nghe nhạc. Loại nhạc nào đó có chút đau đớn. Nhưng chúng tôi có việc phải làm. Chúng tôi phải tìm Judy. Người phụ nữ đã mua chiếc đồng hồ đeo tay cho Sherman Stoller rồi mang nó đi khắc chữ Tặng Sherman, yêu anh, Judy. Chúng tôi phải tìm Judy và thông báo với cô rằng người đàn ông cô yêu đã mất máu tới chết ở phía dưới quốc lộ.
" Anh thấy chuyện này ra sao?" Roscoe hỏi. Cô tỉnh táo và sáng suốt.
"Không biết", tôi nói. "Nhà để bán, không phải cho thuê. Trông đắt. Một lái xe tải đủ tiền mua nhà này không?"
"Khó mua đấy", Roscoe nói. "Những căn này đắt bằng nhà của em, mà nếu không có khoản hỗ trợ thì em không thể nào trả nổi. Và em lại kiếm được nhiều hơn bất kỳ lái xe tải nào, cái đó thì chắc chắn."
"OK," tôi nói. 'Thế nên chúng ta đoán rằng anh bạn Sherman cũng nhận được loại trợ cấp nào đó, đúng không? Nếu không thì anh ta không thể có đủ tiền để sống ở đây",
"Chắc chắn. Nhưng loại trợ cấp nào chứ?"
"Trợ cấp khiến người ta mất mạng," tôi trả lời.

Dãy nhà của Stoller nằm ở phía sau. Có lẽ nằm ở khu được xây dựng trong giai đoạn đầu. Ông già ở khu nghèo của thành phố đã nói rằng con trai ông chuyển đi cách đây hai năm. Có thể điều đó đúng. Khối nhà đầu tiên đã tồn tại khoảng hai năm. Chúng tôi len lỏi qua các lối đi và quanh các luống hoa. Bước theo một lối dẫn tới cửa nhà Sherman Stoller. Lối đi là những viên đá xếp giữa bãi cỏ cứng. Khiến ta đi không được tự nhiên. Tôi phải bước ngắn. Roscoe lại phải sải dài để bước từ viên nọ sang viên kia. Chúng tôi tới cửa. Cửa màu xanh. Không bóng. Loại son đã lỗi thời.
"Bọn mình sẽ nói với cô ấy chứ?" tôi hỏi.
"Ta không thể không nói cho cô ấy, đúng không?" Roscoe bảo. "Cô ấy phải biết",
Tôi gõ cửa. Chờ đợi. Gõ thêm lần nữa. Nghe thấy tiếng sàn gỗ cọt kẹt bên trong. Một người đang ra. Cửa mở. Một phụ nữ đứng đó. Có lẽ ba mươi tuổi song trông già hơn. Thấp, lo lắng, mệt mỏi. Tóc vàng nhuộm. Cô nhìn chúng tôi.
"Chúng tôi là cảnh sát, thưa cô," Roscoe nói. "Chúng tôi đang tìm nơi ở của Sherman Stoller."
Một khoảng im lặng trôi qua.
"Vâng, tôi cho là các vị đã tìm thấy", người phụ nữ đáp.
"Chúng tôi vào được chứ?" Roscoe hỏi. Khẽ khàng.
Lại một lần nữa im lặng. Không có phản ứng nào. Rồi người phụ nữ tóc vàng quay trở vào. Roscoe và tôi nhìn nhau. Roscoe theo sau người phụ nữ. Tôi bước theo Roscoe. Đóng cửa lại.
Người phụ nữ dẫn chúng tôi vào phòng khách. Một khoảng không gian có diện tích phù hợp. Các món đồ nội thất và thảm đắt tiền. Một ti vi lớn. Không dàn âm thanh nổi, không sách. Căn phòng trông thiếu sự quan tâm. Như thể ai đó đã xem và chọn đồ từ một bảng danh mục rồi móc túi chi mười ngàn đô chỉ trong vòng hai mươi phút. Lấy một món trong số này, một món trong số kia. Tất cả được chuyển tới trong một buổi sáng và bị ném dồn vào đó.
"Cô là cô Stoller phải không?" Roscoe hỏi. Vẫn nhẹ nhàng.
"Có thể coi là thế. Không chính xác là cô Stoller nhưng cũng gần như không có gì khác thế."
"Tên cô là Judy đúng không?" tôi hỏi.
Người phụ nữ gật đầu. Và cứ gật gật một lúc. Đang suy nghĩ.
"Anh ấy chết rồi phải không?" Judy hỏi.
Tôi không trả lời. Đây là phần việc tôi không giỏi làm. Đây là phần việc của Roscoe. Cô cũng không nói gì.
"Anh ấy chết rồi phải không?" Judy hỏi lần nữa, giọng to hơn.
"Vâng, đúng thế", Roscoe đáp. "Tôi rất lấy làm tiếc",
Judy tự gật đầu với mình và nhìn quanh căn phòng ghê tởm. Không ai nói gì. Chúng tôi chỉ đứng yên. Judy ngồi xuống. Cô cũng chìa tay mời chúng tôi ngồi. Hai chúng tôi ngồi xuống hai ghế khác nhau. Cả ba tạo thành một hình tam giác cân đối.
"Chúng tôi cần hỏi cô vài câu," Roscoe nói. Cô đang ngồi ngả về trước, hướng về phía người phụ nữ tóc vàng. "Chúng tôi làm thế được chứ?" Judy gật đầu. Trông trống rỗng.
"Cô đã quen biết Sherman được bao lâu?" nữ cảnh sát hỏi.
'Tôi cho là khoảng bốn năm. Gặp anh ấy ở Florida, nơi tôi sống. Bốn năm trước tôi dọn tới đây sống cùng anh ấy. Ở đây từ đó tới giờ",
"Sherman làm nghề gì?"
Judy nhún vai vẻ tội nghiệp.
"Anh ấy là lái xe tải", cô nói. "Anh ấy có hợp đồng chuyển hàng khá lớn tại đây. Có vẻ là hợp đồng dài hạn, hai vị biết chứ? Thế nên bọn tôi mua một căn nhà nhỏ. Bố mẹ anh ấy cũng ở cùng. Sống cùng bọn tôi một thời gian. Rồi chúng tôi chuyển tới đây. Để bố mẹ anh ấy sống trong căn nhà cũ. Trong ba năm anh ấy kiếm được khá nhiều. Lúc nào cũng bận rộn.Rồi một năm trước việc đó chấm dứt. Từ hồi ấy đến giờ gần như anh ấy không làm việc. Thi thoảng mới làm đột xuất."
"Hai người sở hữu cả hai căn nhà à?" Roscoe hỏi.
"Tôi chẳng sở hữu thứ chết tiệt nào", Judy nói. "Sherman sở hữu cả hai nhà. Vâng, cả hai căn".
"Vậy là anh ấy làm ăn tốt trong ba năm đầu à?" Roscoe hỏi.
Judy nhìn nữ cảnh sát.
"Làm tốt à?" cô hỏi lại. "Vì Chúa, hãy tỉnh lại đi. Anh ta là một tên trộm. Anh ta ăn cắp đồ của ai đó."
"Cô chắc chứ?" tôi hỏi.
Judy bắn ánh mắt về phía tôi. Như thể một mảnh đạn pháo bay tới.
"Chẳng cần thông minh mấy cũng có thể luận ra chuyện đó," cô nói. 'Trong ba năm anh ta dùng tiền mặt để mua hai ngôi nhà, hai lô đồ nội thất, vài xe hơi, có Chúa biết. Mà chỗ này cũng chẳng rẻ. Khu chúng tôi đây có các luật sư, bác sĩ sinh sống cùng mọi loại dịch vụ. Và Stoller có đủ tiền tiết kiệm để không phải làm việc chút nào từ tháng Chín năm ngoái. Nếu anh ta cứ làm việc theo mức đó thì bây giờ tôi đã là đệ nhất phu nhân, phải không?"
Người phụ nữ chằm chằm nhìn bọn tôi vẻ thách thức. Cô đã biết chuyện từ lâu rồi. Cô biết chuyện gì sẽ xảy ra khi anh ta bị phát hiện. Cô đang thách thức chúng tôi bác bỏ quyền của cô khi đổ tội cho Stoller.
"Anh ấy ký hợp đồng lớn với ai?" Roscoe hỏi.
"Một công ty tên Điều hòa nhiệt độ Island. Stoller có ba năm chở máy điều hòa nhiệt độ. Chở máy xuống Florida. Có lẽ chúng được chuyển tới các đảo, tôi chẳng biết. Anh ta thường đánh cắp máy. Ngay bây giờ trong ga ra vẫn còn hai thùng cũ. Các vị muốn xem không?"
Judy không đợi chúng tôi trả lời. Chỉ đứng phắt lên bước đi. Chúng tôi theo sau. Cả ba đi xuống một cầu thang ở phía sau nhà qua một cánh cửa dưới tầng trệt dẫn vào một ga ra. Trong này không có gì trừ vài thùng bằng bìa cứng tựa vào tường. Bìa các tông, chắc được làm ra một, hai năm nay rồi. In biểu tượng của nhà sản xuất. Điều hòa nhiệt độ Island. Dựng đầu này lên. Băng dính dán ngoài đã bị xé còn lủng lẳng. Mỗi thùng có một dãy số xê ri dài viết bằng tay. Mỗi thùng chứa một máy. Loại máy ta nhét vào khung cửa sổ và kêu ầm ĩ. Judy chằm chằm nhìn chỗ thùng rồi chằm chằm nhìn chúng tôi. Đó là cái nhìn muốn nói rằng: Tôi đã tặng anh ta một chiếc đồng hồ vàng còn anh ta trút lên đầu tôi một núi lo âu.
Tôi bước tới nhìn những chiếc thùng bìa cứng. Thùng rỗng. Tôi ngửi thấy mùi ôi, chua phảng phất trong đó. Rồi chúng tôi đi lên gác. Judy lấy một cuốn album từ tủ xuống. Ngồi nhìn một tấm ảnh chụp Sherman.
"Chuyện gì đã xảy ra với anh ta?" cô hỏi.
Đây là câu hỏi đơn giản. Đáng được nhận câu trả lời đơn giản.
"Anh ta bị bắn vào đầu," tôi nói dối. "Chết ngay lập tức."
Judy gật đầu. Như thể không có gì ngạc nhiên.
"Khi nào vậy?" người phụ nữ hỏi tiếp.
"Vào đêm thứ Năm", Roscoe nói. "Lúc nửa đêm. Anh ấy có nói đêm thứ Năm sẽ đi đâu không?"
Judy lắc đầu.
"Chẳng bao giờ anh ta nói cho tôi biết nhiều", cô đáp.
"Đã bao giờ anh ấy nhắc tới việc gặp một điều tra viên chưa?" Roscoe hỏi tiếp.
Judy lại lần nữa lắc đầu.
"Còn về Pluribus?" tôi hỏi. "Có bao giờ anh ta dùng từ đó không?"
Judy trông hờ hững.
"Đó là một loại bệnh à?" cô hỏi. "Bệnh phổi hay bệnh gì?"
"Thế còn ngày Chủ nhật?" tôi lại hỏi. "Chủ nhật tới ấy? Anh ta có bao giờ nói gì về chuyện đó không?"
"Không. Anh ta chẳng bao giờ nói nhiều về chuyện gì."
Cô ngồi chìm đắm nhìn những bức ảnh trong cuốn album. Căn phòng yên lặng.
"Anh ấy biết luật sư nào ở Florida không?" Roscoe hỏi.
"Luật sư ư? Ở Florida hả? Tại sao anh ta phải thế?" "Anh ấy từng bị bắt ở Jacksonville. Cách đây hai năm. Đó là vụ xe tải của Sherman vi phạm luật giao thông. Một luật sư đã tới giúp anh ấy được ra khỏi đồn." Judy nhún vai, cứ như hai năm trước với cô đã trở thành lịch sử xa vời.
"Chỗ nào cũng có các luật sư đánh hơi, đúng không?" cô hỏi. "Chẳng có gì to tát."
"Luật sư này không phải tay ăn vặt đâu", Roscoe nói. "Ông ta là đối tác thuộc một công ty lớn dưới đó. Cô biết làm thế nào Sherman liên hệ được với ông ta chứ?"
Judy lại lắc dầu.
"Có thể chủ thuê anh ta đã làm việc đó. Điều hòa nhiệt độ Island. Họ cung cấp bảo hiểm y tế loại tốt cho chúng tôi. Sherman để cho tôi đi khám bác sĩ bất kỳ lúc nào tôi muốn".
Tất cả chúng tôi im lặng. Không có gì thêm để nói. Judy chăm chú ngồi nhìn những tấm ảnh trong album.
"Muốn xem ảnh anh ta không?" cô hỏi.
Tôi bước vòng ra sau ghế Judy và cúi người để nhìn tấm ảnh. Đó là một người đàn ông mặt chuột, da nâu vàng. Người nhỏ, mảnh khảnh, cười toét miệng. Anh ta đang đứng phía trước một chiếc xe tải thùng kín màu vàng. Cười và nháy mắt với ống kính máy ảnh. Cái cười tạo cho tấm ảnh nét châm chọc.
"Đó là chiếc xe Sherman lái", Judy nói.
Nhưng tôi không nhìn chiếc xe tải hay nụ cười châm chọc của Sherman Stoller. Tôi đang nhìn vào một hình người ở hậu cảnh bức ảnh. Nó nằm chệch tiêu điểm và xoay một nửa khỏi ống kính, nhưng tôi vẫn biết đó là ai. Đó là Paul Hubble.
Tôi vẫy Roscoe lại, cô cúi người bên tôi xem tấm ảnh. Tôi thấy nét ngạc nhiên hiện lên mặt nữ cảnh sát khi cô nhận ra Hubble. Rồi Roscoe cúi xuống gần hơn. Nhìn kỹ hơn. Tôi thấy nét ngạc nhiên lần thứ hai. Cô đã nhận ra gì đó khác.
'Tấm ảnh này chụp khi nào?" Roscoe hỏi.
Judy nhún vai.
"Tôi đoán là hè năm ngoái", cô đáp.
Roscoe lấy móng tay chỉ vào phần hình mờ của Hubble.
"Sherman có nói người này là ai không?"
"Ông chủ mới," Judy trả lời. "Anh ta thuê được khoảng sáu tháng thì sa thải Sherman."
"Ông chủ mới của Điều hòa Island hả? Có lý do anh ta đuổi việc Sherman không?"
"Sherman nói rằng họ không cần đến anh ta nữa. Anh ta chẳng bao giờ nói nhiều",
"Đây là nơi đặt trụ sở của Điều hòa nhiệt độ Island à? Ảnh này chụp ở đâu?"
Judy nhún vai gật đầu, vẻ ngập ngừng.
"Tôi cho là thế", cô nói. "Sherman không bao giờ kể nhiều với tôi về nó."
"Chúng tôi cần giữ tấm ảnh này", Roscoe bảo. "Sau đó chúng tôi sẽ trả lại cho cô."
Judy gỡ tấm ảnh khỏi lớp bọc. Đưa cho nữ cảnh sát.
"Cứ giữ lấy đi", người phụ nữ nói. 'Tôi không cần tới nó."
Roscoe cầm lấy bức ảnh bỏ vào túi trong áo khoác. Cô cùng tôi bước trở lại giữa phòng và đứng đó.
"Bị bắn vào đầu", Judy nói. "Đó là điều xảy ra khi ta làm việc không hay. Tôi đã bảo Sherman rằng sớm muộn họ sẽ tóm được anh ta."
Roscoe gật đầu vẻ thông cảm.
"Chúng tôi sẽ giữ liên hệ," cô nói. "Cô biết đấy, phải chuẩn bị cho lễ tang, và có thể chúng tôi cần lời tuyên bố."
Judy lại chằm chằm nhìn chúng tôi.
"Đừng bận tâm", cô nói. "Tôi sẽ không đến dự lễ tang của anh ta đâu. Tôi không phải vợ nên bây giờ không phải vợ góa của anh ta. Tôi sẽ quên rằng mình từng biết Sherman. Từ đầu đến cuối người đàn ông đó chỉ mang lại rắc rối."
Cô đứng đó chằm chằm nhìn hai chúng tôi. Tôi và Roscoe đi theo hành lang, qua cửa ra ngoài. Bước qua lối đi không thuận tiện. Vừa bước trở lại xe chúng tôi vừa nắm tay nhau.
"Gì thế?" tôi hỏi. "Thứ trong ảnh ấy?"
Roscoe đang sải chân bước nhanh.
"Đợi đã. Vào xe em sẽ chỉ cho anh xem."
Nhấn vào đây để xem chương mới nhất của Ebook Reacher báo thù.