• 341

Chương 2


Số từ: 8599
Dịch giả: Trần Quý Dương
C.ty Nhã Nam phát hành
NXB Thời Đại
Chúng tôi dừng ở cửa của tòa nhà thấp, dài. Baker ra khỏi xe rồi quét ánh mắt vài lần dọc theo mặt tiền tòa nhà.
Hai viên cảnh sát hỗ trợ sẵn sàng hành động. Stevenson bước vòng ra phía sau xe chúng tôi ngồi. Chiếm lĩnh một vị trí đối diện với Baker. Chĩa khẩu súng trường vào tôi. Đây là một đội ăn ý. Baker mở cánh cửa xe phía tôi ngồi.
"Được rồi, đi thôi, đi," ông ta nói. Gần như thầm thì.
Viên cảnh sát này nhún nhảy trên hai gót chân, mắt quét hết khu vực. Tôi chầm chậm xoay người và vặn mình bước ra khỏi xe. Chiếc còng không giúp ích được gì. Bây giờ thậm chí còn nóng hơn. Tôi bước về phía trước đợi. Hai người trong nhóm hỗ trợ bước theo sau. Phía trước mặt tôi là lối vào đồn. Có một tấm rầm đỡ bằng đá cẩm thạch khắc chữ nét: Trụ sở cảnh sát thị trấn Margrave
. Phía dưới là những cánh cửa kính dày. Baker kéo một cánh. Nó mở ra dù lớp doăng cao su mút lại. Hai cảnh sát hỗ trợ đẩy tôi vào. Cánh cửa níu sập lại phía sau lưng.
Bên trong lại mát. Mọi thứ đều màu trắng và mạ sáng bóng. Đèn huỳnh quang. Trông giống như một ngân hàng hay văn phòng bảo hiểm. Có thảm. Một viên thượng sĩ làm văn phòng đứng sau quầy tiếp tân dài. Nếu nhìn vào cách bài trí của nơi này, lẽ ra ông ta nên nói: thưa ngài, tôi có thể giúp gì cho ngài? Nhưng viên thượng sĩ chẳng nói gì. Chỉ nhìn tôi. Phía sau ông ta là khoảng không gian thoáng rất rộng. Một phụ nữ tóc sẫm mặc sắc phục ngồi sau chiếc bàn thấp, rộng. Cô đang gõ bàn phím để soạn thảo hồ sơ gì đó. Giờ thì cô nhìn tôi. Tôi đứng đó, mỗi sĩ quan giữ một khuỷu tay. Stevenson đứng tựa lưng vào quầy tiếp tân. Khẩu súng trường của ông ta chĩa vào tôi. Tôi nhìn lại họ.
Rồi tôi được giải về phía trái. Họ cho tôi dừng lại trước một cánh cửa. Baker mở cửa ra, tôi bị đẩy vào một căn phòng. Đó là phòng thẩm vấn. Không có cửa sổ. Một chiếc bàn trắng và ba chiếc ghế. Thảm. Camera treo trên một góc phòng. Nhiệt độ trong phòng được đặt ở mức rất lạnh. Người tôi vẫn ướt vì mưa.
Tôi đứng yên để Baker thọc tay vào mọi túi. Những món đồ của tôi được xếp thành một đống nhỏ trên bàn. Một nắm tiền giấy. Vài đồng xu. Hóa đơn, vé, các mẩu giấy. Baker xem tờ báo rồi để lại vào túi tôi. Liếc chiếc đồng hồ rồi để lại trên cổ tay tôi. Ông ta không quan tâm tới những thứ này. Mọi thứ khác được gạt vào một chiếc túi có khóa kéo. Một chiếc túi dành cho những người đút nhiều đồ trong túi quần túi áo hơn tôi. Trên chiếc túi có in một bảng màu trắng. Stevenson viết một dạng số gì đó lên bảng ấy.
Baker bảo tôi ngồi xuống. Rồi tất cả bọn họ rời khỏi phòng. Stevenson cầm chiếc túi đựng đồ của tôi. Họ ra ngoài, đóng cửa lại và tôi nghe thấy tiếng khóa xoay. Nó phát ra âm thanh nặng, có vẻ được bôi dầu mỡ cẩn thận. Âm thanh của sự chính xác. Âm thanh của một ổ khóa thép lớn. Nghe có vẻ là tiếng của một ổ khóa sẽ buộc tôi phải ở trong này.

Tôi cho là họ sẽ bỏ tôi một mình một thời gian. Mọi chuyện hay diễn ra kiểu ấy. Sự biệt lập khiến người ta rất muốn nói chuyện. Việc rất muốn nói chuyện có thể trở thanh sự thôi thúc muốn thú nhận. Một vụ bắt giữ hung bạo và sau đó là một giờ biệt lập là chiến thuật rất tốt.
Nhưng tôi đã đoán sai. Họ đã không lên kế hoạch cho tôi biệt lập một tiếng. Có lẽ lỗi chiến thuật nhỏ thứ hai. Baker mở khóa cửa bước vào. Ông ta cầm một chiếc cốc nhựa đựng cà phê. Rồi viên cảnh sát này ra hiệu cho người phụ nữ mặc sắc phục vào phòng. Người tôi đã trông thấy khi ngồi ở bàn ngoài kia. Tiếng khóa cửa nặng nề kêu tách phía sau lưng cô. Cô cầm một chiếc cặp kim loại đặt lên bàn. Cô mở cặp lấy ra một thanh dài màu đen có gắn các con số bằng nhựa trắng.
Nữ cảnh sát đưa thứ đó cho tôi với vẻ thông cảm hàm chứa lời xin lỗi thoáng qua rất nhanh mà các y tá nha khoa hay sử dụng. Tôi dùng hai bàn tay bị còng nhận lấy. Nheo mắt nhìn xuống để chắc chắn rằng nó được dựng đúng chiều và đặt dưới cằm mình. Nữ cảnh sát lấy một chiếc máy ảnh xấu xí từ trong cặp ra đặt đối diện với tôi. Cô tì hai khuỷu tay lên bàn để nắm chắc lấy nó. Ngồi ngả về phía trước. Bầu ngực cô tì lên cạnh bàn. Đây là một phụ nữ đẹp. Mái tóc sẫm màu, đôi mắt tuyệt vời. Tôi chằm chằm nhìn cô và mỉm cười. Máy ảnh kêu tách rồi chớp đèn. Trước khi viên cảnh sát nữ yêu cầu thì tôi đã xoay sang một bên để chụp nghiêng, cầm thanh số dài sát vào vai và nhìn thẳng vào tường. Máy ảnh một lần nữa kêu tách rồi chớp đèn. Tôi xoay lại chìa tay đưa thanh số ra. Đưa bằng cả hai tay, vì bị còng. Nữ cảnh sát nhận lấy kèm theo một nụ cười mím môi như muốn nói: đúng rồi, thế này chẳng thoải mái gì nhưng cần thiết
. Như y tá nha khoa vậy.
Rồi cô lấy ra bộ dụng cụ lấy dấu vân tay. Một tấm bảng mười ô gọn gàng, đã đánh số sẵn. Hai ô lấy vân ngón cái luôn quá nhỏ. Mặt bên kia có hai ô vuông để lấy dấu lòng bàn tay. Chiếc còng tay khiến công việc trở nên khó khăn. Baker không đề nghị bỏ còng ra. Nữ cảnh sát chấm các ngón tay tôi vào mực. Ngón tay cô êm và mát. Không đeo nhẫn cưới. Sau đó cô đưa tôi một miếng khăn giấy. Mực dễ dàng được lau sạch. Loại mực mới nào đó tôi chưa bao giờ thấy.
Nữ cảnh sát lấy phim trong máy ảnh ra, đặt cuộn phim cùng tấm bảng in dấu vân tay lên bàn. Cô cho máy ảnh vào chỗ cũ trong cặp. Baker vỗ vào cửa. Khóa lại kêu tách lần nữa. Người phụ nữ cầm các thứ đồ của mình lên. Chẳng ai nói lời nào. Rồi cô rời khỏi phòng. Baker ở lại cùng tôi. Ông ta đóng cửa, nó lại kêu tách cùng âm thanh của ổ khóa được tra dầu mỡ cẩn thận. Rồi ông ta tựa vào cửa nhìn tôi.
"Sếp tôi đang tới," ông ta nói. "Ông sẽ phải nói chuyện với ông ấy. Ở đây chúng tôi có một vụ việc. Phải làm rõ."
Tôi không đáp gì. Nói chuyện với tôi sẽ chẳng làm rõ vụ việc cho ai cả. Nhưng tay này đang hành xử một cách có văn hóa. Có sự tôn trọng. Vậy nên tôi muốn thử ông ta. Chìa hai bàn tay về phía ông ta. Một đề nghị mở còng nhưng không phát thành lời. Baker đứng yên một lát rồi lấy chìa khóa ra mở còng. Móc nó trở lại thắt lưng. Rồi nhìn tôi. Tôi nhìn lại và buồng tay xuống. Không thở phào vẻ biết ơn. Không rầu rĩ xoa hai cổ tay. Tôi không muốn thiết lập quan hệ với tay này. Nhưng tôi vẫn cất tiếng.
"Được rồi' tôi nói. "Ta hãy đi gặp sếp của ông."
Đây là lần đầu tiên tôi mở miệng kể từ lúc gọi đồ ăn sáng. Giờ thì Baker là người trông có vẻ biết ơn. Ông ta vỗ i vào cửa hai lần và bên ngoài có người mở khóa. Baker mở cửa rồi ra hiệu cho tôi bước ra. Stevenson đang đứng đọi, lưng quay về khoảng không gian thoáng. Khẩu súng trường không còn. Đội hỗ trợ đã đi khỏi. Mọi thứ đang lắng xuống. Hai người tiến lại, mỗi người một bên. Baker khẽ nắm lấy khuỷu tay tôi. Chúng tôi bước theo lề của khoảng không gian thoáng tới một cánh cửa ở phía sau tòa nhà. Stevenson đẩy cửa mở, ba người bước qua cửa vào một phòng lớn. Khắp nơi có rất nhiều đồ bằng gỗ hồng sắc.
Một lão béo ngồi ở chiếc bàn lớn bằng gỗ hồng sắc.
Phía sau là vài lá cờ lớn. Bên trái có một lá cờ Sao và Sọc tua vàng, tôi đoán bên phải là cờ của bang Georgia. Trên phần tường giữa hai lá cờ là một chiếc đồng hồ. Đây là chiếc đống hồ tròn cổ loại lớn có khung làm bằng gỗ gụ. Trông như thể lớp mạ bên ngoài đã được vài thập kỷ rồi. Tôi cho nó hẳn phải là chiếc đồng hồ từ trụ sở đồn cũ mà họ đã ủi đi để xây dựng tòa nhà mới này. Tôi nghĩ viên kiến trúc sư dùng nó để mang lại cảm giác cổ kính cho tòa nhà mới. Đồng hồ chỉ gần 12 giờ 30.
Lão béo ở chiếc bàn lớn nhìn tôi khi tôi bị đẩy về phía lão. Tôi thấy lão nhìn vẻ đờ đẫn, như thể đang cố gắng nhớ ra tôi. Lão này nhìn lần nữa, kỹ hơn. Rồi lão khinh bỉ nhìn tôi và nói bằng giọng hổn hển khò khè mà nếu không bị hai lá phổi ốm yếu bóp nghẹt lại thì sẽ tạo thành tiếng hét
"Đặt mông xuống cái ghế kia và câm cái mồm bẩn thỉu lại," lão nói.
Lão béo này quả khiến người ta phải ngạc nhiên. Lão trông như một tên khốn kiếp thực sự. Trái ngược với những gì tôi đã trông thấy cho tới giờ. Baker và đội thi hành lệnh bắt giữ của ông ta quả đúng chất nghề. Chuyên nghiệp và hiệu quả. Người phụ nữ lấy dấu vân tay thật tử tế. Nhưng lão đồn trưởng béo ị này gây lãng phí không gian. Mái tóc mỏng bẩn thỉu, vẫn đổ mồ hôi dù không khí lạnh buốt. Lớp da đỏ và xám lốm đốm trên một cơ thể nhẽo nhợt vượt quá mức cân nặng thông thường. Huyết áp cao vọt. Các mao mạch xơ cứng. Lão trông chẳng có vẻ gì là người có năng lực.
'Tao là Morrison," lão khò khè. Cứ như tôi quan tâm lắm ấy. 'Tao là trưởng đồn cảnh sát Margrave này. Còn mày là một thằng sát nhân khốn kiếp từ nơi khác tới. Mày đã đến thị trấn này của tao, mày đã làm chuyện mất dạy ngay trên đất riêng của ông Kliner. Thế nên bây giờ mày sẽ phải thú nhận toàn bộ trước đội trưởng đội thám tử của tao."
Lão ngừng lại và ngước nhìn tôi. Như vẫn đang cố gắng nhớ ra tôi. Hoặc như đang chờ đợi phản ứng. Morrison chẳng nhận được gì. Thế nên tay đồn trưởng chỉ thẳng một ngón tay mập mạp vào tôi.
"Rồi mày sẽ vào tù," lão nói. "Và rồi mày sẽ lên ghế điện. Và rồi tao sẽ đổ rác lên cái mồ nhỏ bẩn thỉu của mày được xây bằng tiền cứu tế."
Lão béo chật vật lôi tấm thân nặng nề khỏi ghế rồi rời mắt khỏi tôi.
"Tao sẽ tự xử lý việc này," lão nói. "Nhưng tao là người bận rộn."
Rồi từ sau bàn, Morrison lạch bạch bước ra. Tôi đứng giữa chiếc bàn của lão và cửa chính. Khi lê bước ngang qua tôi, tay đồn trưởng dừng lại. Cái mũi to của lão ngang với cúc giữa áo khoác của tôi. Lão vẫn ngước nhìn tôi như đang không hiểu được điều gì đó.
"Tao từng trông thấy mày rồi," lão nói. "Ở đâu nhỉ?"
Lão liếc Baker rồi tới Stevenson. Kiểu như tay này mong họ ghi nhớ lão đang nói gì và nói khi nào.
"Trước đây tôi từng trông thấy thằng này rồi", lão bảo họ.

Lão béo đóng sầm cửa phòng, tôi bị bỏ lại cùng hai cảnh sát chờ cho tới khi đội trưởng đội thám tử bước vào. Một người da đen cao lớn, tuy không già nhưng tóc đang chuyển màu và hói dần. Thế đã đủ tạo cho ông ta nét quý tộc. Nhanh nhẹn và tự tin. Ăn mặc nghiêm chỉnh, một bộ com lê đã lỗi mốt may bằng vải tuýt. Áo gi lê giả da. Giày đánh bóng. Người này có dáng vẻ nên có ở một người chỉ huy. Ông ta ra hiệu cho Baker và Stevenson rời khỏi phòng.
Đóng cửa lại sau khi đi ra. Ngồi xuống bàn và vẫy tay ra hiệu cho tôi ngồi xuống chiếc ghế đối diện.
Đội trưởng thám tử lạch cạch mở ngăn kéo lấy ra một chiếc đài ghi băng. Nâng nó lên cao, cách người hẳn một tầm tay để kéo đám dây ra, cắm điện nguồn và micro. Cho băng vào. Bấm nút ghi rồi dùng móng tay gõ vào chiếc micro. Dừng băng rồi tua lại. Bấm nút chạy. Nghe tiếng vang mà móng tay mình tạo ra. Gật đầu. Tua lại lần nữa và bấm nút ghi. Tôi ngồi quan sát ông ta.
Trong một lúc, chỉ có sự yên lặng. Chỉ có tiếng rì rì như mơ hồ, bầu không khí, những bóng đèn, chiếc máy tính. Hoặc chiếc đài chầm chậm chạy. Tôi có thể nghe thấy tiếng tích tắc khoan thai của chiếc đồng hồ cổ. Nó tạo nên một âm thanh kiên nhẫn, cứ như nó sẽ tích tắc mãi mãi, cho dù tôi chọn làm gì đi nữa. Rồi người đàn ông ngồi thẳng lại trên ghế và chăm chăm nhìn tôi. Chụm các đầu ngón tay lại với nhau như những người dáng cao và lịch thiệp có thể làm.
"Được rồi!", ông ta nói. "Chúng ta có một vài câu hỏi, phải không?"
Chất giọng trầm. Nghe như tiếng ầm ầm. Không phải giọng miền Nam. Người đàn ông này có dáng vẻ và chất giọng như một chủ ngân hàng ở Boston, trừ một điều ông ta là người da đen.
"Tôi là Finlay," ông ta nói. "Cấp bậc đại úy. Tôi là người đứng đầu đội thám tử của đồn này. Tôi biết ông đã được thông báo về các quyền của mình. Ông vẫn chưa xác nhận rằng ông đã hiểu các quyền đó. Trước khi tiếp tục, ta phải thực hiện điều sơ đẳng ấy đã."
Chẳng phải một tay chủ ngân hàng ở Boston. Giống một tay tốt nghiệp Harvard hơn.
"Tôi hiểu các quyền của mình", tôi lên tiếng.
Finlay gật đầu.
"Tốt!" ông ta nói. "Tôi vui về điều đó. Luật sư của ông đâu?"
"Tôi không cần luật sư," tôi đáp.
"Ông bị cáo buộc giết người", viên cảnh sát nói. "Ông cần luật sư. Ông biết là chúng tôi sẽ bố trí cho một luật sư. Không phải trả tiền. Ông muốn chúng tôi cung cấp luật sư miễn phí không?"
"Không, tôi không cần luật sư", tôi trả lời.
Đội trưởng thám tử mang tên Finlay chăm chăm nhìn tôi qua các kẽ ngón tay một lúc lâu.
"Được rồi!", ông ta nói. "Nhưng ông sẽ phải ký vào một bản tuyên bố. Ông biết đấy, tuyên bố rằng ông đã được khuyến cáo là ông được quyền có luật sư, chúng tôi sẽ cung cấp một luật sư mà ông không phải chịu chi phí nào, nhưng ông tuyệt đối không cần luật sư."
"Được," tôi nói.
Finlay lấy một mẫu khai ở ngăn kéo khác, xem đồng hồ đeo tay để điền ngày giờ. Ông ta đẩy mẫu ấy qua bàn cho tôi. Một dấu cộng lớn in ở dòng tôi cần ký. Rồi đẩy cho tôi một cây bút. Tôi ký và đẩy tờ giấy lại. Đội trưởng thám tử xem rồi bỏ vào một kẹp hồ sơ làm bằng da mềm.
"Tôi không đọc được chữ ký này", ông ta bảo. "Thế nên để có thể ghi âm, chúng ta sẽ bắt đầu với tên, địa chỉ và ngày, tháng, năm sinh của ông."
Lại im lặng. Tôi nhìn viên cảnh sát. Đây là một tay ương bướng. Có lẽ chừng bốn mươi lăm tuổi. Nếu bốn mươi lăm tuổi và là người da đen thì sẽ không làm đội trưởng thám tử ở bang Georgia, trừ trường hợp đó là kẻ ương bướng. Không có cơ hội nào lay chuyển được tay này. Tôi hít một hơi.
"Tôi là Jack Reacher" tôi nói. "Không có tên đệm. Không địa chỉ."
Viên cảnh sát ghi lại. Không có nhiều để ghi. Tôi đọc cho ông ta ngày tháng năm sinh của mình.
"Được rồi, ông Reacher," Finlay nói. "Như tôi đã nói, chúng tôi có rất nhiều câu hỏi. Tôi đã xem qua tư trang của ông. Ông không mang theo thứ giấy tờ tùy thân nào. Không bằng lái xe, không thẻ tín dụng, không gì hết. Ông đã nói rằng ông không có địa chỉ. Thế nên tôi tự hỏi tay này là kẻ thế nào đây?"
Đội trưởng thám tử chẳng chờ được bất kỳ bình luận nào từ tôi về những lời đó, dù là kiểu gì.
"Ai là người cạo trọc đầu?" Finlay hỏi tôi.
Tôi không trả lời. Tôi đang nhìn chiếc đồng hồ lớn, chờ kim phút dịch chuyển.
"Hãy nói cho tôi nghe những điều đã xảy ra," ông ta nói.
Tôi không biết những gì đã xảy ra. Không biết gì cả. Chuyện gì đó đã xảy ra với ai đó, nhưng không phải với tôi. Tôi ngồi yên. Không trả lời.
"Pluribus là gì?" Finlay hỏi.
Tôi nhìn ông ta và nhún vai.
"Khẩu hiệu của nước Mỹ à?" tôi nói. "E Pluribus Unum ấy? Được Quốc hội lục địa lần thứ hai thông qua năm 1776, đúng không?" (Cuộc họp gồm đại diện của 13 thuộc địa Bắc Mỹ, quyết định nhiều vấn đề tiến tới tuyên bố độc lập và thành lập liên bang Hoa Kỳ).

Finlay chỉ hầm hừ với tôi. Tôi cứ nhìn thẳng vào ông ta. Tôi cho rằng đây là kiểu người có thể trả lời câu hỏi.
"Chuyện này là thế nào?" tôi hỏi.
Lại im lặng. Đến lượt ông ta nhìn tôi. Tôi có thể thấy ông ta đang nghĩ có trả lời hay không, nếu có thì trả lời thế nào.
"Chuyện này là thế nào?" tôi hỏi Finlay lần nữa.
Ông ta ngồi thẳng lên và chụm các đầu ngón tay vào nhau.
"Ông biết chuyện này thế nào", viên cảnh sát cất tiếng. "Án mạng. Với một số tình tiết rất kinh khủng. Sáng nay người ta phát hiện ra nạn nhân ở khu nhà kho của ông Kliner. Phía Bắc tỉnh lộ, ở mạn giao với quốc lộ. Nhân chứng khai nhìn thấy một người đàn ông từ nơi đó bỏ đi. Sau tám giờ sáng nay một chút. Mô tả đó là người da trắng, rất cao, mặc áo choàng dài màu đen, tóc sáng màu, không đội mũ, không mang hành lý."
Lại im lặng. Tôi là đàn ông da trắng. Tôi rất cao. Tóc tôi sáng màu. Tôi đang ngồi đây, mặc một chiếc áo choàng dài màu đen. Tôi không có mũ hay túi gì. Tôi đã cuốc bộ trên tỉnh lộ gần bốn tiếng đồng hồ sáng nay. Từ lúc tám giờ đến tầm 11 giờ 45.
"Tỉnh lộ dài bao nhiêu?" tôi hỏi. "Từ đường quốc lộ tới tận đây ấy?"
Finlay nghĩ một chút.
"Tôi nghĩ có lẽ chừng mười bốn dặm", ông ta đáp.
"Được rồi," tôi nói. 'Tôi đã đi bộ suốt quãng đường dẫn từ quốc lộ vào thị trấn. Có lẽ chừng mười bốn dặm. Chắc chắn rất nhiều người đã trông thấy tôi. Thế không có nghĩa là tôi đã làm điều gì đó với ai đó."
Đội trưởng thám tử không có phản ứng gì. Tôi đâm ra tò mò về vụ này.
"Đó đúng là khu vực của ông không?" tôi hỏi. "Khu ở tận trên chỗ quốc lộ ấy?"
"Đúng đấy!", ông ta đáp. "Vấn đề khu vực có thẩm quyền thì rõ rồi. Thế nên không có cửa thoát cho ông đâu, ông Reacher. Địa phận của thị trấn kéo dài mười bốn dặm, lên tận tới quốc lộ. Khu nhà kho ấy thuộc phạm vi thẩm quyền của tôi, không có gì phải nghi ngờ chuyện ấy."
Viên cảnh sát chờ đợi. Tôi gật đầu. Ông ta tiếp tục.
"Kliner đã xây dựng khu đó cách đây năm năm", ông ta nói. "Ông có nghe nói về ông ta chứ?"
Tôi lắc đầu.
"Làm thế nào mà tôi nghe nói về ông ta được?" tôi đáp. 'Trước đây tôi chưa từng tới nơi này".
"Ông ấy là nhân vật quan trọng ở đây", Finlay nói. "Hoạt động của ông ấy ở đây mang lại cho chúng tôi nhiều khoản thu thuế, đem lại cho chúng tôi nhiều điều tốt đẹp. Rất nhiều ngân sách và rất nhiều lợi ích cho thị trấn mà chẳng có chút lộn xộn gì, bởi khu nhà kho cách khá xa, phải không? Thế nên chúng tôi cố gắng quan tâm tới nó giúp ông ấy. Nhưng giờ thì nó đã trở thành hiện trường án mạng, và ông phải giải thích."
Tay này đang thực hiện công việc của mình nhưng ông ta lại đang làm lãng phí thời gian của tôi.
"Được rồi, ông Finlay", tôi nói. 'Tôi sẽ tường trình mọi việc nhỏ nhặt nhất mình đã làm kể từ khi đặt chân vào ranh giới cái thị trấn chết bầm của ông cho tới khi tôi bị lôi tới đây trong lúc đang ăn bữa sáng chết tiệt của tôi. Nếu ông có thể khai thác được bất kỳ điều gì từ đó, tôi sẽ thết ông một bữa ra trò. Bởi vì tất cả những gì tôi đã làm là đưa chân nọ lên trước chân kia suốt gần bốn tiếng đồng hồ trong con mưa như trút suốt quãng đường mười bốn dặm quý giá của các ông."
Đó là bài nói dài nhất tôi thực hiện trong sáu tháng qua. Finlay ngồi nhìn tôi. Tôi quan sát ông ta đánh vật với tình thế tiến thoái lưỡng nan rất căn bản mà bất kỳ thám tử nào cũng gặp phải. Ông đội trưởng thám tử đang nghĩ bụng có lẽ tôi không phải kẻ ông đang truy tìm. Nhưng tôi lại đang ngồi đây, ngay trước mặt Finlay. Vậy một thám tử nên làm gì? Tôi để cho ông ta cân nhắc, cố gắng xác định đúng thời điểm với một bước đi đúng hướng. Tôi định nói đại loại như trong lúc Finlay đang phí thời gian ở đây với tôi thì ngoài kia thủ phạm thật vẫn đang lượn lờ. Điều ấy sẽ khiến
Finlay không yên tâm. Nhưng ông ta hành động trước. Một nước đi sai lầm.
"Không cần tường trình gì cả," viển thám tử nói. 'Tôi sẽ đặt câu hỏi và ông trả lời. Ông là Jack-không-tên-đệm-Reacher. Không địa chỉ. Không giấy tờ tùy thân. Ông là ai, một kẻ vô gia cư?"
Tôi thở dài. Hôm nay là thứ Sáu. Chiếc đồng hồ cổ lớn cho biết đã hơn nửa ngày trôi qua. Tay Finlay này sắp thực hiện hết mọi quy trình cho vụ này. Tôi sẽ phải trải qua kỳ nghỉ cuối tuần trong buồng giam. Có lẽ thứ Hai được thả ra.
'Tôi không phải người vô gia cư, ông Finlay," tôi nói. "Tôi là người du lịch không nhà cửa. Khác nhau nhiều."
Viên cảnh sát lắc đầu, một cách từ từ.
"Đừng có tỏ ra khôn ngoan với tôi, Reacher," ông ta nói. "Ông đang gặp rắc rối to. Những điều kinh khủng đã xảy ra ở đó. Nhân chứng của chúng tôi đã trông thấy ông rời khỏi hiện trường. Ông là một người lạ không có giấy tờ tùy thân và không có gì chứng minh vô can. Thế nên đừng có tỏ ra khôn ngoan với tôi."
Finlay vẫn đang thực hiện công việc của mình, nhưng ông ta vẫn đang làm lãng phí thời gian của tôi.
"Khi ấy tôi không rời khỏi hiện trường xảy ra án mạng," tôi nói. 'Tôi đang đi bộ dọc theo một con đường chết tiệt. Có sự khác biệt, phải không? Những người rời khỏi hiện trường xảy ra án mạng thường chạy và lẩn trốn. Chúng không phơi mặt cuốc bộ trên đường. Đi bộ trên một con đường có gì sai chứ? Lúc nào chẳng có người đi bộ trên đường, phải không?"
Finlay cúi người và lắc đầu.
"Không," ông ta đáp. "Kể từ khi phát minh ra ô tô, chẳng ai đi bộ hết quãng đường dài ấy. Vậy nên tại sao ông không có địa chỉ? Ông từ đâu tới? Hãy trả lời đi. Ta hãy làm xong việc này".
"Được rồi, ông Finlay, ta hãy làm cho xong," tôi nói. "Tôi không có địa chỉ bởi tôi chẳng định cư ở đâu cả. Có thể một ngày tôi sẽ định cư ở đâu đó và rồi tôi sẽ có địa chỉ, tôi sẽ gửi cho ông một tấm bưu ảnh và ông có thể kẹp nó vào cuốn sổ địa chỉ khốn kiếp của ông, bởi có vẻ ông quan tâm ghê gớm đến chuyện ấy."
Finlay chăm chú nhìn tôi và xem xét xem nên xử trí kiểu gì. Chọn đi theo lối kiên nhẫn. Kiên nhẫn nhưng ương bướng. Kiểu như ông ta là người không thể làm chùn bước.
"Ông từ đâu tới?" Finlay hỏi. "Địa chỉ mới nhất của ông là gì?"
"Chính xác thì ý ông là gì khi ông hỏi tôi từ đâu tới?"
Môi viên thám tử mím chặt lại. Tôi cũng đang làm cho ông ta khó kiềm chế. Nhưng Finlay vẫn kiên nhẫn. Đan vào sự kiên nhẫn là lời mỉa mai lạnh băng.
"Được rồi," ông ta nói. "Ông không hiểu câu hỏi của tôi, vậy thì để tôi cố gắng làm rõ nó vậy. Ý tôi là đâu là nơi ông sinh ra hoặc nơi ông đã sống trong phần lớn cuộc đời mà ông rõ ràng coi nó có ý nghĩa nổi bật xét về khía cạnh xã hội hay văn hóa ấy?"
Tôi chỉ nhìn viên cảnh sát.
'Tôi sẽ nêu ví dụ cho ông", ông ta nói. "Bản thân tôi sinh ra ở Boston, được học hành ở Boston và sau đó làm việc hai mươi năm ở Boston, thế nên tôi sẽ nói, và tôi nghĩ ông sẽ nhất trí, rằng tôi từ Boston tới".
Tôi đã đúng. Một tay tốt nghiệp Harvard. Một tay tốt nghiệp Harvard đang dần mất kiên nhẫn.
"Được rồi", tôi nói. "Ông đã hỏi thì tôi sẽ trả lời. Nhưng để tôi nói cho ông điều này đã. Tôi không phải kẻ ông đang truy tìm. Đến thứ Hai ông sẽ rõ. Tôi không phải kẻ ông cần tìm. Thế nên hãy chú tâm vào việc của mình. Đừng ngừng tìm kiếm."
Finlay cố nhịn cười. Ông ta nghiêm nghị gật đầu.
"Tôi cảm kích vì lời khuyên của ông", ông ta nói. "Và sự lo lắng của ông cho công việc của tôi nữa."
"Không có gì cả," tôi nói.
"Tiếp đi," viên thám tử bảo.
"OK," tôi nói. "Theo định nghĩa phức tạp của ông, tôi chẳng từ đâu tới cả. Tôi xuất phát từ một nơi có tên gọi Quân đội. Tôi sinh ra ở một căn cứ quân sự Mỹ tại Tây Berlin. Ông già tôi là lính thủy đánh bộ còn mẹ tôi là một công dân Pháp mà ông ấy gặp ở Hà Lan. Họ làm đám cưới ở Hàn Quốc."
Finlay gật đầu. Ghi lại.
'Tôi là đứa trẻ của quân đội," tôi nói. "Hãy đưa cho tôi danh sách các căn cứ của Mỹ trên toàn thế giới, đó là danh sách những nơi tôi đã sống. Tôi học cấp ba ở hơn hai chục nước khác nhau và sau đó học bốn năm ở West Point." (Học viện quân sự Hoa Kỳ, nằm ở bang New York.)

"Tiếp nữa đi," Finlay nói.
"Tôi ở lại quân đội," tôi tiếp. "Quân cảnh. Tôi lại phục vụ và sống trong tất cả các căn cứ ấy. Thưa ông Finlay, rồi sau ba mươi sáu năm mà trước tiên là con của một sĩ quan và sau đó bản thân làm sĩ quan, đột nhiên không cần phải có một quân đội to lớn nữa bởi Liên Xô đã sụp đổ. Vậy nên hoan hô, chúng ta nhận được cổ tức hòa bình. Với ông thì điều đó nghĩa là các khoản thuế do ông đóng được tiêu vào một việc khác, nhưng với tôi nghĩa là tôi là một cựu sĩ quan quân cảnh thất nghiệp ba mươi sáu tuổi bị bọn khốn gọi là kẻ vô gia cư, bọn khốn tởm lợm trong cơ quan dân sự chẳng sống nổi năm phút nếu vứt vào thế giới trước đây tôi đã sống."
Viên cảnh sát suy nghĩ một lúc. Không cảm thấy ấn tượng gì.
"Tiếp đi," ông ta nói.
Tôi nhún vai với ông ta.
"Thế nên bây giờ tôi tận hưởng cuộc sống này. Có lẽ rốt cuộc tôi sẽ tìm được việc gì đó để làm, cũng có thể không. Có thể tôi sẽ ổn định cuộc sống ở đâu đó, có thể không. Nhưng ngay lúc này đây, tôi chưa muốn làm việc ấy."
Finlay gật đầu. Ghi chú thêm vài điều.
"Ông rời quân đội khi nào?" ông ta hỏi.
"Cách đây sáu tháng", tôi đáp. "Tháng Tư."
'Từ đó tới nay ông đã làm việc gì chưa?"
"Ông đùa à," tôi nói. "Lần gần đây nhất ông tìm việc là khi nào?"
"Tháng Tư," ông ta lặp lại. "Cách đây sáu tháng. Tôi đảm nhận công việc này."
"Vâng, tốt cho ông thôi, Finlay," tôi nói.
Tôi không thể nghĩ được điều gì khác để nói. Finlay chăm chú nhìn tôi một lúc.
"Ông sống dựa vào gì?" Viên thám tử hỏi. "Ông mang cấp bậc gì?"
"Thiếu tá," tôi đáp. "Người ta trả tiền xuất ngũ khi đá đít ta ra. Khoản đó hầu như vẫn còn nguyên. Tôi đang cố gắng cho nó nằm trong túi mình lâu lâu, ông biết chứ?"
Một khoảng im lặng dài. Finlay gõ một giai điệu bằng cán bút.
"Vậy ta hãy nói chuyện về hai mươi bốn giờ qua," ông ta nói.
Tôi thở dài. Giờ thì tôi đang tiến về phía rắc rối.
"Tôi tới đây bằng xe buýt của hãng Greyhound," tôi nói. "Xuống xe ở tỉnh lộ. Lúc tám giờ sáng nay. Đi bộ vào thị trấn, tới tiệm ăn đó, gọi đồ ăn sáng và lúc tôi đang ăn thì đám các ông tới rồi lôi tôi vào đây."
"Ông tới đây công tác hả?" viên thám tử hỏi.
Tôi lắc đầu.
"Tôi thất nghiệp", tôi đáp. 'Tôi chẳng đi công tác ở đâu cả."
Ông ta ghi lại điều đó.
"Ông lên xe buýt ở đâu?" viên thám tử lại hỏi.
"Ở Tampa," tôi đáp. "Xe rời khỏi đó lúc nửa đêm hôm qua"
'Tampa ở Florida à?"
Tôi gật đầu, Viên cảnh sát lạch xạch mở một ngăn kéo. Lấy ra một bảng lịch chạy xe của hãng Greyhound. Mở nó ra rồi di ngón tay dài màu nâu dọc theo một trang. Đây quả là một tay rất cẩn thận. Ông ta nhìn tôi từ bên kia bàn.
"Đó là xe tốc hành, ông ta nói. "Chạy xuyên thẳng qua miền Bắc tới Atlanta. Tới đó lúc chín giờ sáng. Không dừng ở đây lúc tám giờ."
Tôi lắc đầu.
"Tôi đã yêu cầu lái xe dừng", tôi đáp. "Ông ấy bảo ông ta không đuợc phép dừng xe, nhưng cuối cùng thì cũng dừng. Dừng chỉ để cho tôi xuống."
"Ông đã từng tới đây chưa?" Finlay hỏi.
Tôi lại lắc đầu.
"Có gia đình ở đây không?" ông ta tiếp.
"Không ở đây", tôi đáp.
"Ông có gia đình ở đâu?"
"Một ông anh ở D.c," tôi đáp. "Làm ở Bộ Tài chính."
''Ông có bạn bè ở Georgia này không?" viên thám tử hỏi.
"Không", tôi đáp.
Finlay ghi lại toàn bộ. Rồi im lặng một lúc lâu. Tôi biết chắc chắn câu hỏi tiếp theo sẽ là gì.
"Vậy tại sao?" ông ta lên tiếng. "Tại sao lại xuống xe ở một điểm ngoài lịch trình và cuốc bộ mười bốn dặm trong mưa ở một nơi mà ông hoàn toàn không có lý do gì để đến?"
Đó là câu hỏi có tính quyết định. Finlay đã chọn ngay nó. Một công tố viên cũng thế. Và tôi không có câu trả lời thực sự.
"Tôi có thể nói gì với ông đây?" tôi nói. "Đó là quyết định tùy hứng. Tôi liên tục đi lại. Tôi phải tới nơi nào đó, đúng không?"
"Nhưng tại sao lại là nơi này?"
"Tôi không biết", tôi đáp. "Người ngồi cạnh tôi có một tấm bản đồ, và tôi chọn nơi này. Tôi muốn rời khỏi các tuyến đường chính. Tôi nghĩ mình có thể vòng trở lại về phía Vịnh(vịnh Mexico)
, có lẽ nằm ở xa hơn về phía Tây",
"Ông đã chọn chính xác nơi này hả?" Finlay hỏi "Đừng có nói chuyện vớ vẩn đó với tôi. Làm thế nào ông có thể chọn chính xác nơi này? Nó chỉ là một cái tên. Nó chỉ là một dấu chấm trên bản đồ. Chắc chắn ông đã phải có lý do cụ thể",
Tôi gật đầu.
"Tôi nghĩ mình sẽ tới tìm Blake Mù," tôi nói.
"Blake Mù là tay quái nào đây?" viên thám tử hỏi.
Tôi quan sát ông ta cân nhắc các khả năng như một máy tính chơi cờ tính toán nước đi. Liệu Blake Mù là bạn, kẻ thù, kẻ đồng lõa, kẻ cùng âm mưu, thầy dạy, chủ nợ, con nợ, hay nạn nhân tiếp theo của tôi?
"Blake Mù là một nhạc công ghi ta," tôi đáp. "Đã chết cách đây sáu mươi nám, có thể bị giết. Anh trai tôi đã mua một đĩa hát cũ, bìa bọc đĩa ghi rằng việc đó xảy ra ở Margrave. Ông anh đã viết thư cho tôi kể về chuyện ấy. Bảo rằng mùa xuân năm nay anh ấy đã qua đây vài lần, vì công việc gì đó. Tôi nghĩ tôi sẽ tới xem chuyện thực hư ra sao."
Finlay trông chẳng có cảm xúc nào. Chắc hẳn câu chuyện chẳng thu hút ông ta là mấy. Nếu tôi ở cương vị ông ta, nó cũng sẽ chẳng thu hút chú ý được bao nhiêu.
"Ông tới đây để tìm một tay chơi ghi ta hả?" Finlay hỏi. "Một nhạc công ghi ta mất cách đây sáu mươi năm à? Vì sao vậy? Ông cũng là người chơi ghi ta hả?"
"Không", tôi đáp.
"Anh trai ông viết thư gửi ông bằng cách nào?" viên thám tử vặn. "Khi mà ông chẳng có địa chỉ nào cả?"
"Anh ấy gửi về đơn vị cũ của tôi," tôi đáp. "Họ chuyển tiếp cho ngân hàng của tôi, là nơi tôi lấy tiền xuất ngũ. Khi tôi điện cho họ để lấy tiền thì họ chuyển thư cho tôi".
Finlay lắc đầu. Ghi chép.
"Chuyến xe của hãng Greyhound rời Tampa lúc nửa đêm phải không?" ông ta nói.
Tôi gật đầu.
"Ông giữ vé xe chứ?"
"Tôi nghĩ là ở trong túi giữ tư trang," tôi nói. Tôi nhớ rằng Baker đã cho tất cả những thứ trong các túi quần áo của tôi vào cái túi. Stevenson đã ghi thông tin vào bảng in trên chiếc túi ấy.
"Liệu người lái xe sẽ nhớ chứ?" Finlay lại hỏi.
"Có thể", tôi đáp. "Đó là điểm dừng đặc biệt. Tôi phải đề nghị ông ấy dừng xe."
Tôi trở nên giống một người quan sát. Tình hình trở nên không rõ ràng. Công việc của tôi trước đây cũng không khác với việc của Finlay là bao. Tôi thấy cảm giác quen thuộc, như đang bàn bạc với Finlay về vụ việc liên quan tới một kẻ khác. Như thể chúng tôi là hai đồng nghiệp đang bàn về một vấn đề cần tháo gỡ.
"Tại sao ông không làm việc?" viên cảnh sát hỏi.
Tôi nhún vai, cố gắng giải thích.
"Vì tôi không muốn làm", tôi trả lời. "Tôi đã làm việc mười ba năm, chẳng đi tới đâu. Tôi cảm thấy như mình đã cố gắng theo cách của người ta và thật là khốn nạn. Giờ tôi sẽ cố gắng theo cách của mình."
Finlay ngồi nhìn tôi.
"Trong quân đội ông có gặp rắc rối gì không?" ông ta hỏi.
"Không nhiều hơn ông khi ở Boston."
Finlay ngạc nhiên.
"Ông nói thế là ý gì?" ông ta hỏi.
"Ông đã làm việc ở Boston hai chục năm", tôi nói. "Đó là điều ông đã nói với tôi, ông Finlay ạ. Vậy tại sao ông lại ở đây, ở chốn nhỏ bé chẳng có gì đặc biệt này? Lẽ ra ông nên nhận lương hưu và đi câu cá. Ở Cape Cod hay bất kỳ đâu. Câu chuyện của ông như thế nào vậy?"
"Đó là chuyện riêng của tôi, ông Reacher", viên cảnh sát đáp. "Hãy trả lời câu hỏi của tôi."
Tôi nhún vai.
"Hỏi quân đội ấy", tôi nói.
"Tôi sẽ hỏi", Finlay đáp. "Chuyện này thì ông cứ yên trí. Ông đã xuất ngũ một cách vinh quang đấy chứ?"
"Nếu không thì họ có cấp tiền xuất ngũ cho tôi hay không?'' tôi đáp bằng một câu hỏi.
"Tại sao tôi nên tin họ đã cấp cho ông một xu nhỉ?" Finlay nói. "Ông sống như một tay vô gia cư chết tiệt. Xuất ngũ với tư cách đàng hoàng, có thật hay không đây?"
"Thật chứ", tôi đáp. "Tất nhiên là thế rồi."
Viên thám tử lại ghi chép. Rồi suy nghĩ một lát.
"Ông cảm thấy thế nào khi được cho xuất ngũ?" ông ta
hỏi.
Tôi suy nghĩ về điều này. Nhún vai với ông ta.
"Chẳng khiến tôi suy nghĩ gì cả," tôi đáp. "Làm tôi cảm thấy như thể mình đã ở trong quân đội, và giờ không còn trong quân đội nữa".
"Ông cảm thấy cay đắng không?" Finlay hỏi. "Thất vọng ấy?"
"Không," tôi nói. "Tôi nên thế sao?"
"Không vấn đề gì hết hả?" viên thám tử lại hỏi. Cứ như buộc phải có chuyện gì đó.
Tôi cảm thấy như mình phải cho ông ta một câu trả lời.
Nhưng tôi không thể nghĩ ra điều gì. Kể từ ngày chào đời tôi đã ở trong quân đội. Giờ thì tôi đã ra. Ra ngoài thật tuyệt. Cảm thấy như tự do. Như thể suốt cả đời tôi bị một cơn đau đầu nhẹ. Và chỉ khi nó chấm dứt thì mới nhận thấy nó từng tồn tại. Vấn đề duy nhất của tôi là kiếm sống. Làm thế nào để kiếm sống mà không phải từ bỏ tự do là chuyện chẳng hề dễ dàng. Trong sáu tháng qua tôi chưa kiếm được xu nào. Đó là vấn đề duy nhất của tôi. Nhưng tôi sẽ không nói cho Finlay chuyện đó. Ông ta sẽ nhìn nhận đó là một động cơ. Ông ta sẽ nghĩ rằng tôi đã quyết định trang trải cho cuộc sống kiểu vô gia cư của mình bằng cách đi cướp của người khác. Ở các nhà kho. Và rồi giết họ.
"Tôi nghĩ rằng việc thay đổi thật khó thích nghi", tôi nói. "Đặc biệt khi tôi lại sống trong quân đội từ lúc còn bé nữa."
Finlay gật đầu. Suy nghĩ về câu trả lời của tôi.
'Tại sao lại cụ thể là ông?" viên cảnh sát nói. "Ông tình nguyện xuất ngũ hả?"
"Tôi chẳng bao giờ tình nguyện làm gì," tôi nói. "Nguyên tắc cơ bản của lính đấy."
Lại một khoảng im lặng nữa.
"Ông có làm chuyên môn không?" Finlay hỏi. "Hồi còn tại ngũ ấy?"
"Ban đầu là các nhiệm vụ chung," tôi nói. "Đó là hệ thống. Rồi tôi xử lý vấn đề bảo mật trong năm năm. Rồi trong sáu năm cuối, tôi làm một việc khác."
Để cho ông ta hỏi.
"Việc khác đó là gì?" viên thám tử đặt câu hỏi.
"Điều tra án mạng", tôi đáp.
Finlay ngả hẳn người về phía sau. Hầm hừ. Lại khum các đầu ngón tay vào nhau lần nữa. Ông ta chăm chú nhìn tôi và thở ra. Ngồi ngả về trước. Chĩa một ngón tay vào tôi.
"Được rồi," ông ta nói. "Tôi sẽ kiểm tra thông tin về ông. Chúng tôi đã có vân tay của ông. Những thứ đó nằm trong hồ sơ của quân đội. Chúng tôi sẽ xem hồ sơ của ông. Tất cả. Mọi chi tiết. Chúng tôi sẽ xác minh chỗ công ty xe buýt. Kiểm tra vé của ông. Tìm người lái xe, tìm các hành khách. Nếu đúng như ông nói, chúng tôi sẽ sớm biết thôi. Và nếu đó là sự thật, ông sẽ được trả lại tự do. Rõ ràng, một số chi tiết nhất định về phương pháp và thời gian sẽ quyết định vấn đề này. Những chi tiết đó vẫn chưa rõ ràng."
Viên thám tử ngừng lại thở. Nhìn thẳng vào tôi.
"Ở thời điểm này tôi là người thận trọng," ông ta nói. "Xét về bề ngoài, ông trông không được tử tế. Một gã lang thang. Một kẻ vô gia cư. Không địa chỉ, không tiền sử. Câu chuyện của ông có thể vô nghĩa. Có thể ông là tội phạm. Có thể ông đã giết người cả cánh tả và cánh hữu ở hơn chục bang. Tôi chỉ không biết thôi. Đừng trông đợi tôi cho rằng ông vô tội nhưng chưa chứng minh được. Ngay bây giờ, tại sao tôi thậm chí phải hoài nghi chứ? Ông bị quản chế tới khi chúng tôi biết chắc chắn, được chứ?"
Đó là điều tôi đã dự đoán. Đó chính xác là điều tôi sẽ nói nếu ở vị trí của Finlay. Nhưng tôi chỉ nhìn ông ta và lắc đầu.
"Ông là một tay thận trọng à?" tôi hỏi. "Cái đó thì chắc quá rồi còn gì."
Viên cảnh sát nhìn lại tôi.
"Nếu tôi sai, thứ Hai tôi sẽ đãi ông bữa trưa", ông ta nói. "Tại tiệm ăn Eno, để bù cho ngày hôm nay."
Tôi một lần nữa lắc đầu.
"Tôi đâu có định tìm cho mình một cạ cứng ở nơi này", tôi nói.
Finlay chỉ nhún vai. Bấm tắt đài ghi băng. Tua lại. Lấy cuốn băng ra. Viết lên băng. Ông ta bấm nút đàm thoại nội bộ trên chiếc bàn gỗ hồng sắc. Yêu cầu Baker quay lại phòng. Tôi chờ đợi. Không khí vẫn lạnh. Nhưng cuối cùng người tôi đã khô hẳn. Mưa đã rơi từ bầu trời bang Georgia xuống ngấm vào tôi. Giờ thì nó lại bị bầu không khí khô trong phòng hút ra khỏi tôi. Một chiếc máy khử ẩm đã hút nó ra bơm đi chỗ khác.
Baker gõ cửa và đi vào. Finlay bảo ông ta giải tôi tới buồng giam. Rồi đội trưởng thám tử gật đầu với tôi. Cái gật đầu đó hàm ý: nếu quả tình ông không phải thủ phạm, hãy nhớ rằng lúc này tôi chỉ thực hiện công việc của mình thôi. Tôi gật đầu đáp lại. Cái gật đầu của tôi hàm ý: trong khi ông đang tìm cách khỏi phải chịu trách nhiệm thì kẻ giết người vẫn nhởn nhơ ngoài kia.

Khu giam giữ rộng rãi nằm thụt vào so với khoảng không gian mở được dùng làm phòng họp. Nó được chia thành ba buồng giam riêng biệt có các song sắt đứng. Bức tường trước hoàn toàn được làm từ các thanh sắt. Mỗi phòng giam đều có cửa gắn bản lề. Mấy đồ kim loại này có ánh lấp lánh hơi sẫm thật dễ chịu. Trông như ti tan. Từng buồng giam đều được trải thảm. Nhưng hoàn toàn trống trơn. Không có đồ dùng hay bệ bê tông làm giường. Chỉ là một loại phòng tạm giam kiểu cũ ta thường thấy nhưng được đổ nhiều tiền xây dựng.
"Ở đây không có chỗ ngủ qua đêm à?" tôi hỏi Baker.
"Chẳng có đâu", ông ta đáp. "Chút nữa ông sẽ được chuyển tới cơ sở của bang. Xe vận chuyển tới lúc sáu giờ. Thứ Hai xe sẽ đưa ông trở lại."
Viên cảnh sát đóng cạch cửa và xoay chìa khóa. Tôi nghe thấy tiếng chốt cửa xoay quanh rìa về vị trí cũ. Chạy điện. Tôi lấy tờ báo ra khỏi túi. Cởi áo khoác và cuộn nó lại. Nằm thẳng xuống sàn và nhét chiếc áo khoác xuống dưới đầu.
Bây giờ tôi thực sự bực tức. Kỳ cuối tuần này tôi phải ở trong tù. Tôi sẽ không ở trong phòng tạm giam của một đồn.
Chẳng phải vì tôi có bất kỳ kế hoạch nào khác. Nhưng tôi biết các nhà tù dân sự. Rất nhiều kẻ đào ngũ kết cục bị tống vào nhà tù dân sự. Vì chuyện này hay chuyện khác. Hệ thống nhà tù thông báo cho phía quân đội. Người ta điều quân cảnh tới để đưa họ trở lại quân đội. Thế nên tôi đã từng thấy các nhà tù dân sự. Tôi chả hứng thú gì mấy cái nhà tù đó. Tôi giận dữ nằm lắng nghe tiếng rì rầm của phòng họp. Điện thoại đổ chuông. Bàn phím gõ lạch cạch. Nhiệt độ tăng rồi giảm. Các sĩ quan đi lại, nói chuyện khe khẽ.
Rồi tôi cố gắng đọc nốt tờ báo mình đã mượn. Đầy những nội dung vớ vẩn về tay tổng thống và chiến dịch của lão ta để được tái đắc cử. Lão già đang ở mạn Pensacola dưới vịnh Mexico. Lão ta đang tìm cách cân bằng ngân sách trước khi thế hệ cháu lão trở thành phụ lão. Lão đang cắt giảm các khoản như một tay cầm con dao lớn mở đường qua rừng nhiệt đới. Dưới Pensacola, lão đang áp dụng chính sách ấy với lực lượng Bảo vệ Bờ biển. Trong mười hai tháng qua họ đang áp dụng một sáng kiến. Từng ngày trong suốt một năm qua họ triển khai lực lượng như một tấm lá chắn cong phía ngoài bờ biển Florida, cặp mạn và kiểm tra mọi chuyến tàu họ cảm thấy "có mùi". Sáng kiến này đã được công bố hết sức rầm rộ. Và nó đã thành công ngoài cả sức tưởng tượng phong phú nhất. Họ đã thu giữ được đủ thứ. Hầu hết là ma túy nhưng có cả súng, người nhập cư bất hợp pháp từ Haiti và Cuba. Sau vài tháng, sáng kiến của họ đã làm giảm tỷ lệ tội phạm trên khắp nước Mỹ và ở khu vực lân cận trong phạm vi vài ngàn dặm. Thành công lớn.
Thế nên nó bị bãi bỏ. Thực hiện sáng kiến này rất tốn kém. Ngân sách của lực lượng Bảo vệ Bờ biển bị thâm hụt nghiêm trọng. Lão tổng thống tuyên bố rằng lão sẽ không tăng ngân sách cho họ. Thực tế là lão sẽ phải cắt nữa kia. Nền kinh tế đang rối ren. Tổng thống không thể làm cách nào khác. Thế nên sáng kiến ngăn chặn sẽ bị hủy bỏ trong bảy ngày tới. Lão tổng thống đang cố gắng tỏ ra là một nhà lãnh đạo sáng suốt và vô tư. Các nhân vật có cỡ trong ngành thực thi luật pháp thì giận dữ bởi họ cho rằng phòng tốt hơn chống. Những kẻ trong cuộc ở thủ đô Washington thì vui bởi khoản chi năm mươi xu cho đám cảnh sát nhem nhuốc còn thể hiện hiệu quả rõ hơn vài đô la dành cho hoạt động trên đại dương cách đám cử tri của họ tới hai ngàn dặm. Tranh cãi cứ đẩy qua đẩy lại. Và trong những tấm ảnh nhem nhuốc, tay tổng thống chỉ cười tươi như một nhà lãnh đạo khôn ngoan nói rằng ông ta không thể làm gì. Tôi ngừng đọc bởi việc ấy chỉ khiến tôi cáu hơn.
Để bình tâm lại, đầu tôi dạo ít nhạc. Điệp khúc trong bài Smokestack Lightning (Ánh chớp trên ống khói). Trong bản do Howling Wolf hát (Chester Arthur Burnett -1910 – 1976, ca sĩ nhạc blues có ảnh hưởng lớn ở Mỹ)
, cuối câu đầu tiên có tiếng khóc nghẹn thật tuyệt vời. Người ta vẫn bảo có ngồi tàu một thời gian mới hiểu được nỗi buồn của việc đi lại. Thế là sai. Để hiểu được những nỗi buồn của việc đi lại, ta cần phải bị giữ ở một nơi nào đó. Trong một buồng giam. Hoặc trong quân đội. Một nơi nào đó ta bị đóng cũi. Nơi nào đó mà ánh chớp trên ống khói trông giống như ngọn hải đăng của tự do phía xa mà ta không thể tới nổi. Tôi nằm trên nền phòng giam, áo khoác làm gối, lắng nghe những điệu nhạc trong đầu mình. Và đến cuối điệp khúc thứ ba thì tôi ngủ thiếp đi.

Tôi tỉnh lại khi Baker bắt đầu đá vào các song sắt. Chúng tạo ra những âm thanh rung nhè nhẹ. Như tiếng chuông trong đám tang. Baker đứng đó cùng Finlay. Họ nhìn xuống tôi. Tôi vẫn nằm trên sàn. Tôi thấy thoải mái khi nằm như vậy.
"Ông đã nói là nửa đêm qua ông ở đâu nhỉ?" Finlay hỏi tôi.
"Lên xe buýt ở Tampa," tôi đáp.
"Chúng tôi có một nhân chứng mới," ông ta nói. "Người này nói đã trông thấy ông ở khu nhà kho. Đêm qua. Lượn lờ ở đó. Lúc nửa đêm."
"Hoàn toàn vớ vẩn, ông Finlay," tôi nói. "Làm gì có chuyện như thế. Nhân chứng mới này là kẻ khốn nào vậy?"
"Nhân chứng là sếp Morrison," Finlay nói. "Đồn trưởng. Anh ấy bảo chắc chắn đã từng trông thấy ông. Giờ thì anh ấy đã nhớ là ở đâu."
Nhấn vào đây để xem chương mới nhất của Ebook Reacher báo thù.