• 338

Chương 27


Số từ: 6627
Dịch giả: Trần Quý Dương
C.ty Nhã Nam phát hành
NXB Thời Đại
Việc đầu tiên tôi làm khi trở lại nhà Charlie Hubble là mò quanh căn bếp đắt tiền để tìm cà phê. Khởi động chiếc máy pha cà phê rì rì chạy. Rồi tôi mở lò nướng. Lấy hết đồ của mình ra. Chúng đã được sấy gần một giờ đồng hồ và đã khô cong. Phần da trên chiếc dùi cui và chùm chìa khóa có chỗ cứng lại. Ngoài ra không có hư hỏng nào. Tôi lắp lại súng và nạp đạn vào. Bỏ lên bàn bếp. Chếch và khóa.
Rồi tôi kiểm tra mảnh giấy in của Joe để tìm điều khẳng định tôi nghĩ là có. Nhưng có một vấn đề. Một vấn đề lớn. Mảnh giấy đã khô cứng nhưng phần chữ không còn. Mảnh giấy trắng hoàn toàn. Nước trong bể bơi đã tẩy hết chữ. Chỉ có những vệt nhòe lờ mờ nhưng tôi không thể luận ra các từ. Tôi nhún vai. Tôi đã đọc đi đọc lại cả trăm lần. Tôi sẽ dựa vào trí nhớ về nội dung của nó.
Điểm dừng tiếp theo là tầng hầm. Tôi loay hoay với máy sưởi cho tới khi làm cho nó hoạt động được. Rồi tôi bỏ hết quần áo nhét toàn bộ vào máy sấy điện của Charlie. Đặt chạy nhiệt độ thấp trong vòng một giờ. Tôi không biết mình đang làm gì. Trong quân đội, một công ty nào đó làm việc giặt đồ cho tôi. Mang đi, mang lại khi đã sạch sẽ và gấp gọn. Kể từ đó tới giờ tôi luôn mua đồ rẻ tiền rồi bỏ đi.
Tôi lên gác trong tình trạng không quần áo vào phòng tắm của Hubble. Tắm nước nóng một lúc lâu rồi tẩy mascara trên mặt đi. Đứng một lúc lâu dưới nước nóng. Quấn người bằng một chiếc khăn và xuống dưới uống cà phê.
Đêm nay tôi không thể đi Atlanta. Có lẽ tôi không thể tới đó trước 3 giờ 30 sáng. Đó là thời điểm không thích hợp để chắc chắn xin vào được. Tôi không có giấy tờ tùy thân để xuất trình, không có vị thế phù hợp. Một chuyến viếng thăm giữa đêm có thể trở thành một vấn đề. Trước hết tôi phải để việc đó tới ngày mai. Không có lựa chọn nào. Thế nên tôi nghĩ đến chuyện ngủ. Tôi tắt đài trong bếp rồi bước vào phòng làm việc riêng của Hubble. Tắt ti vi. Nhìn quanh. Đây là phòng tối, kín đáo. Ốp nhiều gỗ và có nhiều ghế da lớn. Bên cạnh ti vi là bộ dàn âm thanh nổi. Đồ của Nhật. Những hàng đĩa CD và các băng từ. Chủ yếu là nhạc Beatles. Hubble đã nói rằng anh ta thích John Lennon. Anh ta đã tới Dakota ở thành phố New York và tới Liverpool ở Anh. Anh ta hầu như có mọi thứ. Tất cả các album, vài đĩa lậu, bộ sưu tập các đĩa đơn ghi trong CD người ta bán trong hộp gỗ.
Phía trên bàn làm việc là giá sách. Các chồng tạp chí chuyên ngành xuất bản định kỳ và một dãy sách dày, nặng. Các tạp chí nghiệp vụ ngân hàng và các báo cáo. Các tạp chí chuyên ngành xuất bản định kỳ chiếm mất cả mét giá sách. Chúng trông rất nhạt nhẽo. Vài số ngẫu nhiên có tên Tạp chí Ngân hàng. Vài số tạp chí ra liền nhau có tên Quản trị Ngân hàng. Một loại tên Người làm Ngân hàng. Báo Người làm Ngân hàng, Nguyệt san Người làm Ngân hàng, Tạp chí Kinh doanh, Tuần báo Kinh doanh, Thông tin quản lý Tiền mặt, Kinh tế học, Tạp chí Tài chính. Tất cả được sắp xếp theo thứ tự trong bảng chữ cái, tất cả theo trình tự thời gian gọn ghẽ. Chỉ có vài số ngẫu nhiên xuất bản trong vài năm trở lại đây. Không có bộ nào hoàn chỉnh. Ở cuối hàng là một số thông cáo của Bộ Tài chính Mỹ và vài số tạp chí mang tên Thế giới Ngân hàng. Một bộ sưu tập gây tò mò. Dường như được lựa chọn rất kỹ. Có lẽ chúng là các số đặc biệt khó tiếp thu. Có lẽ Hubble đã đọc hết chúng khi anh ta không ngủ được.
Tôi thì sẽ không gặp vấn đề nào với chuyện ngủ. Đang ra khỏi phòng làm việc tìm một chiếc giường để ngả lưng thì một ý nghĩ chợt đến. Tôi quay lại bàn làm việc xem giá sách thêm một lần. Vuốt ngón tay theo hàng báo và tạp chí. Xem ngày in trên gáy của chúng, phía dưới các tít đầy phô trương. Vài số được xuất bản gần đây. Trình tự ngẫu nhiên tiếp tục cho tới số mới nhất trong đó. Hơn chục số xuất bản trong năm nay. Đúng một phần ba được xuất bản sau khi Hubble đã nghỉ việc ở ngân hàng. Sau khi anh ta đã được người ta để ra đi. Những cuốn này được xuất bản phục vụ những người làm ngân hàng, nhưng đến khi ấy Hubble không còn là giám đốc ngân hàng nữa. Nhưng anh ta vẫn đặt những tạp chí chuyên ngành khó nhằn này. Vẫn đọc toàn bộ tài liệu rắc rối này. Tại sao?
Tôi lôi vài tạp chí định kỳ ra. Xem bìa ngoài. Đây là những tạp chí dày, bóng. Tôi dùng các ngón tay giữ phần trên cùng và dưới cùng gáy tạp chí. Chúng mở ra các trang Hubble đã tham khảo. Tôi xem các trang này. Lôi thêm vài số. Để chúng mở ra. Tôi ngồi xuống chiếc ghế da của Hubble. Ngồi đọc với chiếc khăn của anh ta quấn quanh người. Tôi đọc hết cả giá. Từ trái qua phải, từ đầu đến cuối. Tất cả tạp chí định kỳ. Mất một giờ đồng hồ.
Rồi tôi bắt đầu với các cuốn sách. Tôi vuốt ngón tay theo hàng sách bám bụi. Dừng lại và hơi choáng khi nhận ra vài cái tên tôi biết. Kelstein và Bartholomew. Một cuốn sách cũ khá to. Bọc da màu đỏ. Báo cáo của họ gửi tiểu ban của Thượng viện. Tôi lôi ra và bắt đầu lướt qua. Đây là một ấn bản tuyệt vời. Kelstein đã khiêm tốn mô tả nó là cẩm nang của những người chống tiền giả. Và đúng như thế. Vị giáo sư già đã quá khiêm tốn. Nó cực kỳ chi tiết và kỹ lưỡng. Nó cần mẫn ghi lại lịch sử của mọi kỹ thuật làm tiền giả người ta từng công bố. Các mẫu sao chép và ví dụ được lấy từ mọi mánh lới từng bị bóc trần. Tôi nâng cuốn sách nặng lên lòng. Đọc thêm một giờ nữa.
Ban đầu tôi tập trung vào các vấn đề liên quan đến giấy. Kelstein đã nói rằng giấy là vấn đề mấu chốt. Ông và Bartholomew cung cấp một phụ lục dài về giấy. Nó mở rộng hơn vấn đề ông đã trực tiếp giải thích cho tôi. Các sợi bông và lanh, màu có thành phần hóa chất, việc tạo ra các sợi polyme màu đỏ và xanh nước biển. Giấy được một công ty có tên Crane and Company sản xuất ở Dalton, Massachusens. Tôi gật đầu. Tôi đã nghe nói về họ. Hình như tôi đã mua một số thiếp Giáng sinh do họ sản xuất. Tôi nhớ tấm thiếp dày nặng và phong bì răng cưa màu kem. Tôi thích chúng.
Công ty Crane and Company đã sản xuất giấy in tiền cho Bộ Tài chính từ năm 1879. Qua hơn một thế kỷ, giấy được chở xuống Washington bằng xe bọc thép được bảo vệ cẩn mật. Chưa có chút giấy nào bị đánh cắp. Dù chỉ một tờ.
Rồi từ phụ lục, tôi lật sách ngược lại bắt đầu xem nội dung chính. Tôi xếp thư viện nhỏ của Hubble lên mặt bàn của anh ta. Lại đọc hết một lượt. Có những chỗ tôi đọc hai, ba lần. Tôi liên tục lao vào những bài viết và báo cáo kín đặc chữ. Kiểm tra, đối chiếu, cố gắng hiểu ngôn ngữ chuyên ngành. Tôi liên tục trở lại với bản báo cáo lớn màu đỏ gửi Thượng viện. Có ba đoạn tôi đọc đi đọc lại. Đoạn đầu viết về đường dây làm tiền giả ngày trước ở Bogota, Colombia. Đoạn thứ hai viết về hoạt động ở Libăng, còn diễn ra trước đó. Lực lượng du kích Thiên Chúa giáo ở Libăng đã tập hợp với một số chuyên gia chạm khắc người Armenia trong cuộc nội chiến. Đoạn thứ ba là một số nội dung cơ bản về hóa học. Rất nhiều công thức rối rắm nhưng có vài từ tôi nhận ra. Tôi đọc đi đọc lại ba đoạn. Tôi bước vào bếp, cầm bản danh sách trắng của Joe lên. Chăm chăm nhìn nó một lúc. Bước trở lại phòng làm việc riêng tối và yên tĩnh rồi ngồi vào một quầng sáng, suy nghĩ và đọc đến gần hết đêm.
Việc ấy không khiến tôi buồn ngủ. Chính xác là gây tác động ngược lại. Khiến tôi tỉnh táo. Khiến đầu óc tôi ong ong. Khiến tôi run lên vì choáng ngợp và phấn khích. Bởi đến khi đọc xong, tôi biết chính xác cách chúng kiếm ra giấy. Tôi biết chính xác nơi chúng lấy giấy. Tôi biết những gì nằm trong các thùng chuyên chở máy điều hòa nhiệt độ hồi năm ngoái. Tôi không cần đến Atlanta để xem. Tôi đã biết. Tôi đã biết Kliner đang tích trữ gì trong kho của hắn. Tôi biết tất cả những xe tải kia chở gì đến hằng ngày. Tôi đã biết tiêu đề của Joe ý nghĩa thế nào. E Unum Pluribus
. Tôi biết tại sao anh đã chọn khẩu hiệu ngược đó. Tôi biết mọi điều, khi vẫn còn hai mươi bốn giờ nữa. Toàn bộ mọi chuyện, từ đầu đến cuối. Từ trên xuống dưới. Từ trong ra ngoài. Và đó là một hoạt động được tổ chức đầy khôn ngoan. Giáo sư già Kelstein đã nói rằng không thể kiếm được giấy in tiền. Nhưng Kliner đã chứng minh rằng ông sai. Kliner đã có cách kiếm được giấy. Một cách rất đơn giản.
Tôi đứng phắt dậy chạy xuống tầng hầm. Vặn cửa máy sấy lôi quần áo ra. Vừa mặc vừa chạy đi trên sàn bê tông. Bỏ mặc chiếc khăn chỗ nó rơi xuống. Chạy trở lại bếp, để cánh cửa bị phá đung đưa. Chạy trên lớp sỏi tới chỗ chiếc Bentley. Nổ máy lùi theo lối chạy xe. Phóng vụt theo phố Beckman rồi ngoắt trái vào Phố Chính. Lao xuyên thị trấn yên tĩnh, qua tiệm ăn. Quặt trái một lần nữa vào đường đi Warburton và cho chiếc xe cũ đồ sộ chạy nhanh hết mức tôi dám chạy
Đèn pha của chiếc xe bị mờ. Thiết kế cách đây hai mươi năm. Trời đêm loang lổ. Vài giờ nữa mới bình minh còn những đám mây sót lại của cơn giông đang vật vờ trôi ngang mặt trăng. Con đường chưa bao giờ thật sự phẳng. Chỗ vồng lên chỗ lõm xuống. Và trơn vì nước mưa. Chiếc xe cũ cứ trượt và chực văng đi. Thế nên tôi giảm tốc độ chạy đều đều. Cho rằng thà mất thêm mười phút vẫn hơn trượt khỏi đường lao xuống cánh đồng. Tôi không muốn theo chân Joe. Tôi không muốn thành một Reacher khác biết rằng thế sẽ chết mà vẫn không thoát chết.
Tôi chạy qua lùm cây. Nó chỉ là một vệt tối thẫm hơn in trên nền trời tối. Phía trước vài dặm tôi có thể trông thấy những ngọn đèn ở rìa ngoài của nhà tù. Chúng sáng rực trên cảnh trời đêm. Tôi chạy qua. Rồi vài dặm nữa tôi có thể thấy những ngọn đèn ấy trong gương, phía sau lưng. Rồi tôi chạy qua chiếc cầu, qua Franklin, rời bang Georgia, vào Alabama. Tôi phóng vụt qua quán cổ mà Roscoe với tôi đã tới. The Pond. Quán đã đóng cửa, tối om. Một dặm nữa tôi có mặt ở motel. Tôi vẫn để máy nổ và thò đầu vào phòng để đánh thức người trực đêm.
"Ở đây các anh có khách nào tên Finlay không?" tôi hỏi.
Người trực dụi mắt nhìn bảng đăng ký.
"Mười một," anh ta đáp.
Toàn bộ nơi này trông vẫn đang chìm trong giấc ngủ. Tĩnh tại, im lặng và ngủ sâu. Tôi tìm thấy phòng của Finlay. Số mười một. Chiếc Chevy do cảnh sát trang bị của ông đậu phía ngoài. Tôi đập cửa phòng rất mạnh. Phải đập một lúc. Rồi tôi nghe tiếng rên rỉ khó chịu. Không nghe được từ nào. Tôi đập thêm vài cái.
"Nào, Finlay", tôi gọi.
"Ai đấy?" tôi nghe tiếng viên thám tử quát.
"Reacher đây", tôi đáp. "Mở cửa đi nào",
Dừng một lát. Rồi cửa mở. Finlay đang đứng đó. Tôi đã đánh thức ông. Ông mặc một chiếc áo len xám và quần đùi ống rộng. Tôi ngạc nhiên. Tôi nhận ra rằng mình đã nghĩ sẽ thấy ông ngủ khi vẫn mặc bộ com lê vải tuýt. Với chiếc áo vét bằng vải giả da.
"Ông muốn cái quái gì thế?" Finlay hỏi tôi.
"Có thứ cho ông xem."
Đội trưởng thám tử đứng ngáp và chớp chớp mắt.
"Bây giờ là mấy giờ?" ông hỏi.
"Tôi không biết. Năm giờ, có khi sáu giờ. Mặc quần áo vào đi. Chúng ta sẽ tới một nơi".
"Đi đâu?"
"Atlanta. Tôi có thứ cho ông xem."
"Thứ ấy là gì chứ? Bảo tôi luôn không được à?"
"Mặc quần áo vào đi Finlay," tôi nhắc lại. "Phải đi rồi."
Viên thám tử hầm hừ nhưng cũng mặc đồ vào. Mất một lúc. Có lẽ mất mười lăm phút. Ông biến vào phòng tắm. Vào đó như một người bình thường vừa mới tỉnh dậy. Bước ra trông như Finlay. Com lê vải tuýt và đủ thứ.
"Được rồi," ông nói. "Thứ ấy nên là thứ hay đấy, Reacher."
Chúng tôi ra ngoài bóng tối. Tôi bước về phía xe trong khi Finlay khóa cửa. Rồi ông bước kịp theo tôi.
"Ông lái xe hả?" viên thám tử hỏi.
"Tại sao không?" tôi nói. "Ông thấy chuyện đó không ổn à?"
Finlay trông khó chịu ghê gớm. Chằm chằm nhìn chiếc Bentley bóng lộn.
"Đừng có lái xe như tôi," ông bảo. "Ông muốn để cho tôi lái không?"
"Tôi chẳng quan tâm ai lái. Ông chỉ cần vào xe, được chứ?"
Viên thám tử ngồi vào sau tay lái và tôi đưa cho ông chùm chìa khóa. Tôi vui khi làm thế. Tôi rất mệt. Finlay mở máy chiếc Bentley lùi ra khỏi bãi. Ngoặt về phía Đông. Ngồi yên để chạy xe. Ông chạy nhanh. Nhanh hơn tôi đã chạy. Ông là một lái xe rất cừ.

"Thế đang có chuyện gì?" Finlay hỏi tôi.
Tôi nhìn sang bên. Tôi có thể thấy hai mắt ông sáng lên dưới ánh đèn của bảng điều khiển.

Tôi đã nghĩ ra," tôi nói. "Tôi hiểu ra tất cả chuyện này rồi
.
Viên thám tử nhìn lại tôi.
"Vậy ông sẽ nói cho tôi chứ?"
"Ông đã gọi cho Princeton chưa?" tôi hỏi.
Finlay ậm ừ vỗ vào tay lái vẻ khó chịu.
"Tôi nói chuyện điện thoại suốt một giờ," ông nói. "Người đàn ông ấy biết rất nhiều, nhưng rốt cuộc anh ta chẳng biết gì."
"Anh ta đã nói gì với ông?"
"Anh ta nói toàn bộ. Đó là một tay khôn lỏi. Thạc sĩ lịch sử, làm việc cho Bartholomew. Hóa ra Bartholomew và ông già kia, Kelstein ấy, là những tên tuổi lớn trong nghiên cứu về tiền giả. Joe đã sử dụng họ để cung cấp các thông tin nền.
Tôi nhìn sang Finlay.
"Kelstein đã kể cho tôi toàn bộ chuyện đó," tôi nói. Đội trưởng thám tử lại liếc qua. Vẫn khó chịu.
"Vậy tại sao ông còn hỏi tôi về điều đó?" ông hỏi.
"Tôi muốn nghe các kết luận của ông. Tôi muốn xem ông đã đi tới đâu",
"Chúng ta chẳng đi tới đâu cả. Họ đã bàn bạc cả năm và quyết định rằng Kliner không có cách nào lấy được nhiều giấy tốt như thế."
"Đó chính xác là điều Kelstein đã nói. Nhưng tôi đã tìm ra."
Firday liếc sang tôi lần nữa. Gương mặt hiện vẻ ngạc nhiên. Phía xa, tôi có thể nhìn thấy quầng sáng phát ra từ những ngọn đèn của nhà tù ở Warburton.
"Thế thì nói cho tôi nghe đi."
"Hãy tỉnh dậy mà tự tìm ra đi, ông bạn Harvard ạ." Viên thám tử lại ậm ừ. Vẫn khó chịu. Chúng tôi tiếp tục chạy. Chúng tôi lao vào quầng sáng tỏa ra từ hàng rào nhà tù. Lướt qua lối dẫn vào nhà tù. Rồi ánh đèn vàng ghê gớm kia đã ở phía sau lưng.

Thế thì đầu tiên hãy cho tôi một manh mối, được không?" Finlay đề nghị.

Tôi sẽ cho ông hai đầu mối. Tiêu đề Joe đã dùng trong bản danh sách. E Unum Pluribus
. Và rồi nghĩ về điều duy nhất có ở đồng tiền của Mỹ."
Đội trưởng thám tử gật đầu. Suy nghĩ về điều ấy. Các ngón tay gõ lên tay lái.
"E Unum Pluribus," ông nói. "Đó là câu đảo ngược khẩu hiệu của nước Mỹ. Thế nên chúng ta có thể nhận định rằng ý nghĩa của nó là từ một hình thành nhiều
, đúng không?"
"Đúng. Và điều độc đáo của các tờ bạc Mỹ khi so sánh với bất kỳ nước nào khác trên thế giới là gì?"
Finlay lại suy nghĩ. Viên cảnh sát này đang nghĩ về điều gì đó quen thuộc mà ông không phát hiện ra. Xe chúng tôi vẫn chạy. Vọt qua lùm cây phía bên trái. Đằng trước lờ mờ ánh sáng bình minh ở hướng Đông.
"Điều gì?" Finlay hỏi.
"Tôi từng sống khắp nơi trên thế giới", tôi nói. "Sáu châu lục, nếu ông tính cả một khoảng thời gian ngắn trong lều của lực lượng không quân ở châu Nam Cực. Vài chục nước. Trong túi tôi từng có nhiều loại tiền giấy khác nhau. Yên, vài loại đồng mark, nhiều loại đồng bảng, đồng lire, nhiều loại peso, won, đồng franc, shekel, nhiều loại rupee. Giờ thì tôi có các đồng đô la Mỹ. Tôi nhận thấy gì?"
Finlay nhún vai.
"Gì vậy?" ông hỏi.
"Các đồng đô la Mỹ đều cùng kích thước. Mệnh giá năm mươi, một trăm, mười, hai mươi, năm, một. Tất cả đều cùng kích thước. Tôi chưa thấy điều đó ở nước nào cả. Ở bất kỳ nơi nào khác, các đồng bạc mệnh giá cao đều lớn hơn các đồng mệnh giá thấp. Có sự tăng tiến, đúng không? Ở bất kỳ nơi nào khác, tờ mang số 1 là đồng nhỏ, đồng in số 5 sẽ lớn hơn, mang số 10 thì lớn hơn nữa, cứ thế tiếp diễn. Tờ có mệnh giá lớn nhất thường là tờ có kích thước lớn nhất. Nhưng các đồng đô la của Mỹ đều cùng kích thước. Tờ mệnh giá một trăm đô la cũng có kích thước bằng tờ một đô."
'Thế thì sao?"
"Thế thì chúng lấy giấy in tiền từ đâu?" tôi hỏi. Tôi chờ đợi. Finlay liếc ra ngoài cửa sổ. Rời ánh mắt khỏi tôi. Ông không hiểu được và điều này đang làm ông khó chịu.
"Chúng đi mua", tôi giải thích. "Chúng mua giấy với giá một đô la một tờ."
Đội trưởng thám tử thở dài nhìn tôi.
"Bọn chúng không mua, vì Chúa", ông nói. "Bartholomew đã làm rõ điều ấy. Giấy được sản xuất ở Dalton và toàn bộ hoạt động được kiểm soát chặt đến mức kiến chẳng chui lọt. Trong một trăm hai mươi năm qua người ta chưa từng mất một tờ nào. Chẳng ai tuồn bán giấy ra ngoài đâu, Reacher."
"Nhầm rồi, Finlay. Giấy không bán trên thị trường công khai".
Viên thám tử lại hầm hừ. Xe chúng tôi vẫn chạy. Đến chỗ rẽ vào tỉnh lộ. Finlay giảm tốc độ và ngoặt trái. Chạy theo hướng Bắc về phía quốc lộ. Giờ thì ánh sáng của bình minh nằm bên phải chúng tôi. Ánh sáng ấy đang mạnh dần lên.
"Bọn chúng đang rà khắp đất nước này để kiếm những tờ một đô la," tôi nói. "Đó là vai trò Hubble đảm nhiệm cách đây hơn một năm rưỡi. Đó từng là công việc của anh ta ở ngân hàng, quản lý tiền mặt. Anh ta biết cách có được tiền mặt. Vì thế tay này sắp xếp để thu được những tờ bạc một đô la từ các ngân hàng, trung tâm mua sắm, các chuỗi bán lẻ, siêu thị, trường đua, sòng bạc, bất kỳ nơi nào có thể thu. Đó là công việc quan trọng. Bọn chúng cần rất nhiều loại tiền đó. Chúng sử dụng séc ngân hàng, chuyển khoản, các đồng một trăm đô giả, chúng mua các tờ một đô la thật từ khắp nơi trên nước Mỹ. Mỗi tuần khoảng một tấn."
Finlay chằm chằm nhìn sang tôi. Gật đầu. Ông đã bắt đầu hiểu ra.
"Một tấn một tuần à?" ông hỏi. "Chừng đó là bao nhiêu?"
"Một tấn tiền một đô la là một triệu đô. Mỗi năm chúng cần bốn mươi tấn. Bốn mươi triệu đô tiền mệnh giá một đô la."
"Tiếp đi."
"Các xe tải chở chúng xuống Margrave. Từ bất kỳ nơi nào Hubble huy động được. Chúng được đưa vào nhà kho."
Đội trưởng thám tử gật đầu. Ông đang hiểu ra. Ông có thể thấy rõ.
"Rồi số tiền đó lại được chuyển đi trong thùng bằng bìa cứng chứa máy điều hòa nhiệt độ", Finlay nói.
"Chính xác. Cho tận tới một năm trước. Tận tới khi lực lượng Bảo vệ Bờ biển ngăn lại. Các thùng mới và đẹp, có lẽ theo đơn đặt hàng của một nhà máy sản xuất thùng bìa cứng nào đó cách xa hai ngàn dặm. Chúng đóng gói các thùng, dùng băng dính dán kín, chuyển đi. Nhưng trước tiên chúng đếm trước khi chuyển đi."
Finlay lại gật đầu.
"Để khớp với số liệu theo dõi," ông nói. "Nhưng làm thế quái nào mà ông đếm được một tấn tiền đô la trong một tuần?"
"Bọn chúng cân lên. Lần nào nhét đầy một thùng chúng cũng cho lên cân. Với các đồng một đô la, một ounce là ba mươi đồng (ounce = 28,3g). Nửa cân tương đương bốn trăm tám mươi đồng. Đêm qua tôi đã đọc về điều này. Chúng cân lên, chúng tính toán giá trị, rồi chúng viết con số vào cạnh thùng."
"Làm thế nào ông biết được?"
"Các số xê ri. Cho biết có bao nhiêu tiền trong thùng."
Finlay nở nụ cười trầm tư.
"OK," ông nói. "Rồi các thùng chuyển tới bãi biển Jacksonville, phải không?"
Tôi gật đầu.
"Được đưa lên một con tàu. Và được chuyển tới Venezuela."
Rồi chúng tôi im lặng. Chúng tôi đang tới gần khu nhà kho ở đầu tỉnh lộ cổ. Nó nổi lên phía tay trái chúng tôi như trung tâm vũ trụ. Phần ván ngoài bằng kim loại phản chiếu ánh sáng nhợt nhạt của bình minh.
Finlay chạy chậm lại. Chúng tôi quan sát nơi này. Khi chạy qua, đầu cả hai ngoái lại. Rồi chúng tôi ngoặt lên đường dẫn vào quốc lộ. Hướng về phía Bắc đi Atlanta. Finlay đạp hết ga, chiếc xe cũ đồ sộ gầm lên lao đi nhanh hơn.
"Có gì ở Venezuela?" tôi hỏi ông.
Viên thám tử nhún vai với tôi.
"Nhiều thứ, đúng không?" ông hỏi.
"Nhà máy hóa chất của Kliner. Nó được chuyển tới đó sau sự cố với EPA."
'Thế thì sao?"
"'Vậy nó là gì? Nhà máy hóa chất đó dùng để làm gì?"
"Việc gì đó liên quan tới bông."
"Đúng," tôi nói. "Liên quan tới natri hydroxide, natri hypochlorite, clo và nước. Ông thu được gì khi trộn tất cả những thành phần ấy với nhau?"
Đội trưởng thám tử nhún vai. Ông là cảnh sát chứ không phải nhà hóa học.
"Thuốc tẩy", tôi tự đưa ra câu trả lời. "Thuốc tẩy, loại rất mạnh, đặc biệt cho sợi bông",
"Thế thì sao?'' Finlay hỏi lại.
"Trợ lý của Bartholomew đã nói gì với ông về giấy in tiền?" tôi hỏi.
Finlay hít mạnh một hơi. Thực ra là tiếng hổn hển.
"Chúa ơi," ông nói. "Giấy in tiền phần lớn gồm sợi bông. Và một chút lanh. Bọn chúng đã tẩy các tờ đô la. Chúa ơi, Reacher, bọn chúng tẩy mực in đi. Tôi không tin nổi. Bọn chúng tẩy mực khỏi các tờ mệnh giá một đô la và tự cung cấp cho mình bốn mươi triệu tờ giấy in tiền chính cống để làm gì thì làm."
Tôi nhăn nhở cười với viên thám tử. Ông chìa tay phải ra. Chúng tôi đập tay ăn mừng và reo lên, chỉ hai người trong chiếc xe đang chạy rất nhanh.
"Ông hiểu rồi đấy, ông bạn Harvard," tôi nói. "Đó là cách chúng đang làm. Chẳng có gì phải nghi ngờ hết. Bọn chúng đã tìm ra công thức hóa học và chúng đang in lại các tờ giấy tiền trắng thành những tờ mệnh giá một trăm đô. Đó là ý Joe muốn nói. E Unum Pluribus. Nhiều hình thành từ một
. Từ một đô la xuất hiện một trăm đô la."
"Chúa ơi," Finlay lại nói. "Chúng tẩy hết mực đi. Đây là vấn đề khác, Reacher. Và ông biết thế nghĩa là sao không? Ngay bây giờ nhà kho nhồi bốn mươi tấn tiền giấy thật đầy tới tận nóc. Ở đó có bốn mươi triệu đô la. Bốn mươi tấn, tất cả xếp lên, chờ lực lượng Bảo vệ Bờ biển rút đi. Chúng ta đã bắt quả tang chúng, đúng không?"
Tôi bật cười, đầy mãn nguyện.
"Đúng," tôi nói. "Khi hai tay vẫn dính chàm. Khi miệng vẫn chưa chùi. Đó là điều chúng lo lắng. Đó là lý do chúng đang hoảng loạn."
Finlay lắc đầu. Cười nhăn nhở với kính chắn gió.
"Làm thế quái nào ông luận ra được?" viên thám tử hỏi.
Tôi không trả lời ngay. Chúng tôi tiếp tục chạy. Quốc lộ đang đưa chúng tôi qua những khu nhà dồn lại ở rìa Nam
Atlanta. Càng lúc càng thấy nhiều nhà. Hoạt động xây dựng và buôn bán đầy bận rộn, khẳng định sức mạnh ngày càng tăng của vùng miền Nam này. Những cần cẩu đứng sẵn sàng dựng lên bức tường ở rìa Nam thành phố ngăn chặn sự trống trải của vùng nông thôn bên ngoài.
"Chúng ta sẽ xử lý vụ này từng bước một," tôi nói. 'Trước hết tôi sẽ chứng minh với ông. Tôi sẽ cho ông xem một thùng đựng điều hòa nhiệt độ chứa đầy các đồng tiền thật mệnh giá một đô la."
'Thế à? Ở đâu?
Tôi liếc sang viên thám tử.
"Trong ga ra nhà Stoller," tôi đáp.
"Vì Chúa đi, Reacher. Nó bị đốt hết rồi. Và trong đó không có gì, đúng chứ? Mà kể cả có đi nữa thì bây giờ Sở cảnh sát Atlanta và lực lượng cứu hỏa cũng đã bâu kín lấy rồi."
"Tôi không có thông tin nào cho thấy nó đã bị đốt hết."
"Ông đang nói về chuyện khỉ gì thế? Tôi đã bảo ông rồi. Bức điện thông báo như thế."
"Ông học phổ thông ở đâu?" tôi hỏi.
"Chuyện đó thì có liên quan gì?" Finlay hỏi ngược lại
"Sự chính xác", tôi nói. "Đó là thói quen tư duy. Có thể nâng cao tính chính xác nếu được dạy dỗ tốt. Ông đã xem mảnh giấy in của Joe, đúng không?"
Finlay gật đầu.
"Ông nhớ mục gần cuối chứ?" tôi hỏi.
"Ga ra nhà Stoller," đội trưởng thám tử đáp.
"Đúng", tôi nói. "Nhưng hãy nghĩ về cái dấu. Nếu dấu sở hữu cách đứng trước chữ cuối cùng thì ý nghĩa là ga ra thuộc về một người họ Stoller. Trong trường gọi là sở hữu cách số ít, đúng không?"
"Nhưng sao?"
"Nó không được viết như vậy. Dấu sở hữu cách đứng sau chữ cuối cùng. Nghĩa là ga ra thuộc về nhà Stoller. Sở hữu cách số nhiều (Trong tiếng Anh, Stoller's garage
nghĩa là 'ga ra của Stoller’ cònStollers'garage
nghĩa là 'ga ra của ông bà stoller/nhà stoller’. Để đảm bảo mạch truyện và dễ hiểu, chúng tôi dịch Stollers'garage là 'ga ra nhà Stoller' (của gia đình, cha mẹ). Ga ra thuộc về hai người mang họ Stoller. Và không có hai người họ Stoller sống trong căn nhà cạnh sân gôn. Judy và Sherman chưa cưới nhau (Sau khi kết hôn, phụ nữ phương Tây thường dùng họ chồng. Do đó Judy chưa dùng họ Stoller).
Nơi duy nhất chúng ta sẽ thấy hai người mang họ Stoller là căn nhà nhỏ cũ nơi cha mẹ Sherman sống. Và họ có một ga ra."
Finlay im lặng chạy xe. Tư duy ông đang trở về với bài học ngữ pháp thời phổ thông.
"Ông nghĩ là anh ta giấu một thùng ở chỗ ông bà già à?" viên thám tử hỏi.
"Thế là hợp lý," tôi nói. "Các thùng chúng tôi đã thấy ở nhà riêng của anh ta trống rỗng. Nhưng Sherman không biết trước rằng anh ta sẽ chết vào thứ Năm tuần trước. Thế nên ta có lý khi nhận định rằng anh ta có những khoản tiết kiệm nữa cất giấu ở một nơi khác. Anh ta đã nghĩ mình sẽ sống nhiều năm mà không làm việc."
Chúng tôi chuẩn bị vào Atlanta. Đoạn chuyển làn rộng đang hiện ra.
"Hãy vòng qua sân bay," tôi nói với Finlay.
Chúng tôi vòng qua thành phố theo một dải đường trên cao bằng bê tông. Chúng tôi chạy qua gần sân bay. Tôi tìm thấy đường trở lại khu nghèo của thành phố. Bây giờ đã gần 7 giờ 30 sáng. Dưới ánh nắng nhẹ buổi sáng, khu này trông thật đẹp. Ánh nắng sớm tạo cho nó vẻ rực rỡ giả tạo. Tôi tìm thấy đúng phố, đúng căn nhà hiền lành nấp sau hàng rào chống gió bão. Chúng tôi ra khỏi xe, tôi dẫn Finlay qua cánh cổng giữa lớp rào dây thép gai. Theo lối đi thẳng dẫn tới cửa. Tôi gật đầu với viên thám tử. Ông rút phù hiệu ra và gõ cửa. Chúng tôi nghe thấy tiếng cọt kẹt ở sàn hành lang. Nghe tiếng lạch cạch của then cửa và dây xích. Rồi cửa mở. Mẹ Sherman Stoller đứng đó. Bà trông tỉnh táo. Không có vẻ như chúng tôi đã khiến bà thức giấc. Bà già không nói gì. Chỉ chăm chăm nhìn hai chúng tôi.
"Chúc buổi sáng tốt lành, bà Stoller," tôi nói. "Bà nhớ tôi chứ?"
"Ông là cảnh sát", bà già nói.
Finlay chìa phù hiệu về phía bà già. Mẹ Sherman gật đầu.
"Các vị nên vào trong này", bà nói.
Chúng tôi theo bà già qua hành lang vào căn bếp chật chội.
"Tôi có thể giúp gì cho hai ông?" bà hỏi.
"Chúng tôi muốn xem bên trong ga ra nhà ta, thưa bà," Finlay nói. "Chúng tôi có lý do tin rằng có lẽ con trai bà đã giấu đồ ăn cắp trong đó."
Bà mẹ Sherman đứng yên một lúc trong bếp. Rồi bà xoay người lấy một chiếc chìa khóa treo vào đinh trên tường. Đưa cho chúng tôi mà không nói gì. Bước theo hành lang hẹp và biến vào một phòng khác. Finlay nhún vai với tôi, chúng tôi quay lại cửa trước vòng sang ga ra.
Đây là một gian nhỏ đã xuống cấp, chỉ vừa đủ cho một chiếc xe. Finlay dùng chìa mở khóa đẩy cửa vào. Ga ra chẳng có gì trừ hai thùng cao làm bằng bìa cứng. Chúng được đặt sát nhau dựa vào bức tường trong cùng. Giống hệt những chiếc thùng rỗng tôi đã thấy ở căn nhà mới của Sherman Stoller. Điều hòa nhiệt độ Island. Nhưng những thùng này dán băng dính. Trên đó có những số xê ri dài viết bằng tay.
Tôi xem kỹ các con số này. Theo các con số, trong mỗi thùng có một trăm ngàn đô la.
Finlay và tôi đứng nhìn hai chiếc thùng. Chỉ chăm chăm nhìn chúng. Rồi tôi bước tới chuyển một thùng khỏi tường.
Lấy con dao của Morrison và bật lưỡi ra. Rạch đường băng dính để mở miệng thùng. Mở hai nắp ở miệng thùng ra rồi đẩy mạnh chiếc thùng. Nó rơi bịch xuống sàn bê tông, bụi tung lên. Một dòng tiền chảy ra. Tiền giấy bay khắp sàn. Cả một đống tiền giấy. Hàng ngàn hàng vạn tờ. Cả một dòng tiền mệnh giá một đô la, tờ thì mới, tờ nhàu nát, có một số cuộn dày, một số bó vuông như cục gạch, một số bị lỏng tuột và bay lên. Chiếc thùng nhả hết những thứ chứa trong nó, dòng tiền chảy tới tận đôi giày bóng lộn của Finlay. Ông cúi xuống thọc cả hai tay xuống lớp tiền. Ông nắm bừa hai nắm đầy giơ lên. Ga ra nhỏ xíu này mờ tối. Chỉ có một ô cửa sổ nhỏ bẩn thỉu cho ánh sáng nhợt nhạt buổi sáng lọt vào. Finlay ngồi xuống sàn, hai bàn tay vẫn đầy các đồng đô la. Chúng tôi nhìn chỗ tiền rồi lại nhìn nhau.
"Trong đó có bao nhiêu?" viên thám tử hỏi.
Tôi đá chiếc thùng để tìm dãy số viết tay. Thêm nhiều tiền nữa chảy và bay khắp sàn.
"Gần một trăm ngàn", tôi thông báo.
"Còn thùng kia?"
Tôi ngó qua chiếc thùng còn lại. Đọc dãy số dài viết bằng tay.
"Một trăm lẻ mấy ngàn", tôi nói. "Chắc chắn được bó chặt hơn."
Finlay lắc đầu. Thả những tờ tiền xuống và bắt đầu đảo hai tay sột soạt trong đống tiền. Rồi ông đứng dậy đá chúng bay tứ tung. Như một đứa trẻ chơi với lá. Tôi cũng theo ông. Chúng tôi cười và đá những đám tiền lớn bay khắp ga ra. Bầu không khí dày đặc tiền. Chúng tôi hò reo và vỗ vào lưng nhau. Chúng tôi đập tay với nhau rồi nhảy múa quanh một trăm ngàn đô la trên sàn ga ra.
Finlay lùi chiếc Bentley vào cửa ga ra. Tôi đá chỗ tiền giấy thành các đống và bắt đầu nhồi chúng trở lại thùng chứa điều hòa nhiệt độ. Không làm sao dồn hết vào được.
Vấn đề là các cuộn và cục tiền đã tung ra. Bây giờ thì là cả một đống tiền lộn xộn. Tôi dựng thẳng đứng chiếc thùng và dồn tiền xuống hết mức có thể nhưng không tài nào dồn hết được. Tôi đã để tới ba mươi ngàn đô còn nằm trên sàn ga ra.
"Ta sẽ lấy cái thùng còn dán", Finlay nói. "Rồi quay đến lấy chỗ còn lại sau".
"Chỉ là giọt nước trong bể thôi," tôi nói. "Ta nên để lại cho ông bà già. Coi như quỹ lương hưu. Một khoản thừa kế từ con trai họ."
Viên thám tử suy nghĩ một lúc. Nhún vai, như thể chẳng thành vấn đề. Chỗ tiền nằm khắp nơi như rác. Có nhiều tiền đến nỗi trông chúng chẳng giống gì hết.
"OK," Finlay nói.
Chúng tôi kéo chiếc thùng dán băng dính ra bầu trời sáng. Nâng nó lên tống vào cốp xe Bentley. Không hề dễ dàng. Cái thùng rất nặng. Một trăm ngàn đô la nặng khoảng một trăm cân. Chúng tôi đứng nghỉ một lúc, cùng thở dốc. Rồi đóng chặt cửa ga ra. Bỏ một trăm ngàn đô nằm lại đó.
"Tôi sẽ gọi cho Picard," Finlay nói.
Ông trở lại nhà của hai ông bà già để mượn điện thoại. Tôi tì vào nắp ca pô còn ấm của chiếc Bentley ngắm nhìn mặt trời buổi sáng. Sau hai phút thì đội trưởng thám tử trở ra.
'Phải đến văn phòng anh ta thôi," ông nói. "Họp chiến lược."
Finlay lái xe. Ông luồn lách khỏi mê cung gồm các phố nhỏ bẩn thỉu để đi tới khu trung tâm. Xoay chiếc tay lái Bakelite hướng về phía các tòa nhà cao tầng.
"OK," Finlay nói. "Ông đã chứng minh cho tôi thấy. Hãy nói cho tôi nghe ông đã suy luận thế nào."
Tôi xoay người trên chiếc ghế da lớn để đối diện với viên thám tử.
"Tôi đã muốn kiểm tra bản danh sách của Joe," tôi bắt đầu. "Cái dấu sở hữu cách đó với ga ra nhà Stoller. Nhưng bản danh sách đã ướt sũng nước có clo. Toàn bộ mực in đã bị tẩy hết."
Finlay liếc ngang sang tôi.
"Từ việc ấy mà ông có được kết luận à?"
Tôi lắc đầu.
'Tôi có được điều ấy từ báo cáo của Thượng viện", tôi nói. "Có vài đoạn nhỏ. Một đoạn về một vụ diễn ra lâu rồi ở Bogota. Có đoạn nữa viết về một vụ khác ở Libăng cách đây nhiều năm. Chúng cũng làm như thế, tẩy những đồng đô la thật để có thể in lại những tờ giấy trắng."
Finlay vượt qua đèn đỏ. Liếc qua phía tôi.
"Thế Kliner không phải kẻ đầu tiên nghĩ ra?"
"Không có chút gì là đầu tiên. Nhưng những kẻ kia thực hiện với quy mô rất nhỏ. Ở cấp độ rất thấp. Kliner đã nâng hoạt động ấy lên quy mô khổng lồ. Kiểu sản xuất công nghiệp. Hắn là Henry Ford trong lĩnh vực làm tiền giả. Henry Ford không phát minh ra xe hơi, phải không? Nhưng ông ấy đã phát minh ra dây chuyền sản xuất cực lớn."
Đến đèn đỏ tiếp thì Finlay dừng lại. Có xe cộ chạy ở con phố cắt ngang.
"Vấn đề tẩy tiền nằm trong báo cáo của Thượng viện, đúng không?" ông hỏi. "Vậy sao Bartholomew hay Kelstein lại không biết điều ấy? Họ đã soạn thảo báo cáo ấy, đúng chứ?"
"Tôi nghĩ là Bartholomew đã nắm được. Tôi nghĩ cuối cùng ông ấy đã tìm ra. Thư điện tử đã nói tới điều ấy. Khi đó ông ấy vừa nhớ ra. Đó là bản báo cáo rất dài. Vài ngàn trang, viết từ lâu lắm rồi. Việc liên quan đến tẩy tiền chỉ là một chú thích nhỏ trong một mớ vấn đề khác. Và nó đề cập tới những vụ có quy mô rất nhỏ. Không thể so sánh nổi với mức độ Kliner thực hiện. Không thể đổ lỗi cho Bartholomew hay Kelstein. Họ là những ông già. Không tưởng tượng được."
Finlay nhún vai. Đậu xe cạnh một trụ cứu hỏa ở khu dành cho xe kéo.
Nhấn vào đây để xem chương mới nhất của Ebook Reacher báo thù.