• 137

Chương 6


Số từ: 11537
Dịch giả: Hà Ngọc
NXB Văn Học
Áctơ bị giải tới một pháo đài lớn thời trung cổ, ở ngay cạnh bến tàu. Đời sống trong tù thế mà cũng chẳng đến nỗi. Xà lim ẩm thấp và đen tối, nhưng Áctơ đã từng lớn lên trong toà nhà ở phố Cung điện, nên ngột ngạt, hôi thối và chuột bọ đối với anh cũng chẳng lấy gì làm lạ. Trong tù cho ăn rất ít và kém nhưng chẳng bao lâu Giêmxơ đã xin phép được gửi mọi thứ cần dùng đến cho cậu em. Áctơ bị giam một mình trong xà lim. Tuy canh gác chẳng nghiêm ngặt lắm nhưng anh vẫn không hiểu rõ mình bị bắt vì cớ gì. Dù sao từ khi vào tù đến nay tâm hồn anh vẫn bình tĩnh. Trong tù không được đọc sách nên anh luôn luôn cầu kinh và suy nghĩ về đạo, kiên nhẫn chờ đợi mọi việc xảy ra.
Một hôm, lính gác mở cửa xà lim và nói:
- Mời ra!
Áctơ hỏi lai hai ba lần nhưng chỉ nghe một câu trả lời:
Không có quyền nói chuyện
. Anh đành chịu phép, đi theo người lính đi vào mảnh sân, những hành lang và thang gác ngoắt ngoéo và hôi hám. Cuối cùng anh bị dẫn vào một căn phòng lớn sáng sủa, trong đó có ba người mặc binh phục đang ngồi tán chuyện uể oải sau một chiếc bàn dài chất đầy giấy. Thấy Áctơ bước vào họ liền ra vẻ quan trọng. Người cao tuổi nhất trong bọn họ là một viên đại tá có tuổi nhưng rất bảnh bao, ria mép đã bạc. Y chỉ cho anh chiếc ghế phía bên kia bàn rôi bắt đầu thẩm vấn.
Áctơ chắc họ sẽ doạ dẫm, rỉa rói chửi mắng nên đã sẵn sàng kiên nhẫn đối phó cho xứng với phẩm chất của mình. Nhưng sự thật thì ngược lại, và anh cảm thấy dễ chịu. Viên đại tá tỏ ra rất đường bệ, lạnh lùng một cách quan liêu nhưng lại vô cùng lễ phép.
Đầu tiên là những câu hỏi thường lệ: tên gì, bao nhiêu tuổi, quốc tịch gì, địa vị xã hội ra sao: họ ghi đều đều từng câu trả lời một.
Áctơ đã bắt đầu thấy chán ghét và sốt ruột thì viên đại tá chợt hỏi:
- Nào, cậu Bớctơn, thế cậu biết gì về
Nước Ý trẻ
?
- Theo chỗ tôi biết thì đó là một đoàn thể chính trị, xuất bản báo tại Mácxây, phát hành báo ở Ý để cổ động nhân dân khởi nghĩa và đánh đuổi quân đội Áo ra khỏi biên giới.
- Cậu có đọc báo ấy chứ?
- Phải, tôi có quan tâm đến vấn đề đó.
- Vậy khi đọc báo cậu có nghĩ mình đã làm điều bất hợp pháp không?
- Tất nhiên có,
- Mấy tờ báo thấy trong phòng cậu lấy ở đâu ra?
- Tôi không thể nói với ông được.
- Cậu Bớctơn, đây không phải chỗ nói
tôi không thể
. Cậu phải trả lời mọi câu hỏi của tôi.
- Nếu chữ
tôi không thể
không vừa ý ông thì tôi nói là
tôi không muốn
vậy.
- Nếu cậu cứ nói kiểu đó với tôi thì cậu sẽ phải lấy làm hối tiếc.
Không thấy Áctơ trả lời, y tiếp:
- Tôi có thể nói thêm rằng, theo tài liệu trong tay chúng tôi thì quan hệ giữa cậu với đoàn thể đó gần hơn nữa chứ không chỉ đọc sách báo quốc cấm mà thôi đâu. Tốt hơn là cậu cứ thẳng thắn thú nhận cả đi. Đằng nào chúng tôi cũng sẽ biết sự thật và cậu sẽ thấy rằng dù chống chế và chối cãi để ẩn núp thì không có ích gì.
- Tôi chẳng muốn ẩn núp. Các ông muốn biết điều gì?
- Trước hết, cậu hãy nói cho tôi biết: cậu là người nước ngoài thì cậu đã làm cách nào mà dính dáng vào chuyện này?
- Tôi nghĩ nhiều về những vấn đề ấy và tôi đã đi đến những kết luận nhất định.
- Ai thuyết phục cậu vào đoàn thể này?
- Chẳng ai thuyết phục cả. Đó là do ý muốn của cá nhân tôi.
- Đừng giở trò loanh quanh với tôi – Viên đại tá xẵng giọng. Chắc y đã bắt đầu mất kiên nhẫn – Không có ai tham gia hội kia mà không có người giới thiệu. Anh nói với ai để xin vào tổ chức đó?
Im lặng.
- Anh có sẵn lòng trả lời không?
- Nếu ông hỏi kiểu đó thì tôi sẽ không trả lời.
Giọng Áctơ có vẻ bực bội. Một cơn giận kì lạ xâm chiếm Áctơ. Lúc ấy anh đã biết có nhiều vụ bắt bớ tại Livoócnô và Pidơ, mặc dầu chưa hình dung được phạm vi của tai hoạ đã thực sự lên tới mức nào. Nhưng những tin đến tai Áctơ cũng đủ làm anh bồn chồn lo lắng cho số phận của Giêma và các bạn khác.
Thái độ lễ phép giả dối của viên sĩ quan, cách nói ngoắt ngoéo, lối hỏi thâm độc tẻ ngắt và những câu trả lời đánh trống lảng làm cho Áctơ nôn nao bực tức. Thêm vào đó, tiếng giày đinh lộp cộp của tên lính gác ngoài cửa lại càng làm cho anh thêm khó chịu.
Bỗng viên đại tá hỏi:
- Vậy lần cuối cùng anh gặp Giôvani Bôla vào lúc nào? Ngay trước khi anh dời Pidơ phải không?
- Tôi không quen ai có tên như vậy cả.
- Sao? Không quen Giôvani Bôla hả. Anh quen hắn lắm chứ! Người thanh niên, cao lớn, râu cạo nhẵn, hắn là bạn học của anh mà.
- Tôi quen làm sao với tất cả sinh viên được.
- Ồ, nhưng nhất định là anh biết Bôla. Nhìn đây, chữ hắn viết đây. Thấy không? Hắn quen anh lắm.
Và viên đại tá hờ hững đưa cho Áctơ một tờ giấu trên đề 2 chữ
Biên bản
, dưới kí
Giôvani Bôla
. Áctơ đưa mắt lướt nhanh từ trên xuống dưới – và bắt gặp tên mình. Anh ngước mắt nhìn một cách ngạc nhiên.
- Ông bắt tôi phải đọc ư?
- Lẽ tất nhiên. Việc đó có dính líu đến anh.
Áctơ bắt đầu đọc, các viên sĩ quan thì im lặng theo dõi nét mặt của anh. Tài liệu đó là những lời khai trả lời một loạt câu hỏi. Rõ ràng, Bôla cũng đã bị bắt! Những lời đầu tiên rất thông thường. Tiếp đó là một lời khai ngắn về quan hệ giữa Bôla với đoàn thể, về việc phát hành sách báo cấm tại Livoócnô và các cuộc họp sinh viên. Tiếp nữa, Áctơ đọc thấy:
Trong số những người theo chúng tôi có cả một thanh niên người Anh tên là Áctơ Bớctơn, con một chủ hãng tàu giàu có ở Livoócnô

Máu trào lên mặt Áctơ. Thế là Bôla đã cung khai anh! Chính gã Bôla đã nhận trách nhiệm khởi xướng trọng yếu ấy, chính cái tay đã tổ chức Giêma… và đã yêu Giêma ấy! Áctơ buông tờ giấy và đăm đăm nhìn xuống sàn nhà.
Viên đại tá lễ phép nói:
- Tôi mong tài liệu nhỏ ấy có thể làm sáng trí nhớ anh ra.
Áctơ lắc đầu. Anh lạnh lùng và cứng cỏi nhắc lại:
- Tôi không hề biết người này. Chắc đây chỉ là một sự nhầm lẫn.
- Lầm lẫn ư? Láo! Anh Bớctơn, anh nên hiểu rằng phong độ hiệp sĩ và tinh thần Đông Kisốt (1) là rất tốt theo nghĩa của nó nhưng nếu đi quá mức thì lại chẳng có ích lợi gì. Đó là một sai lầm mà thanh niên các anh thường mắc phải. Anh thử nghĩ lại xem: có nên vì chuyện cỏn con ấy mà làm liên luỵ tới mình và phá hoại tương lai của mình không? Anh thương hại một kẻ cung khai anh. Anh thấy chưa? Khi đã khai thì nó có kiêng nể gì anh đâu!
Giọng viên đại tá nói như châm chọc. Một dự đoán chợt loé ra trong óc Áctơ, làm anh giật mình.
Áctơ thét:
- Đó là sự dối trá! Đó là một sự bịa đặt! Trông mặt các người ta đủ biết! Các người hèn nhát… Các người định hãm hại một trong những kẻ đã bị các người bắt hoặc là các người định đưa ta vào tròng! Đồ bịa đặt, đồ ăn gian nói dối, đồ khốn nạn…
- Câm ngay! – Viên đại tá điên cuồng bật khỏi ghế hét lên. Cả bè lũ hắn cũng đứng phắt dậy.
Viên đại tá nói với một tên trong bọn:
- Đại uý Tômaxi, gọi lính gác vào đây. Quẳng thằng này vào ngục tối, giam liền mấy ngày. Tôi phải cho nó một bài học đích đáng, phải dạy cho nó biết điều mới được.
Ngục tối là một chiếc hầm nhỏ âm u, ẩm ướt, bẩn thỉu, ở sâu dưới đất. Viên đại tá định dạy cho Áctơ biết điều, nhưng điều đó lại làm cho Áctơ tức giận đến cực độ. Sinh trưởng trong một gia đình giàu có, Áctơ quen tính sạch sẽ trong mọi việc. Viên đại tá bị xúc phạm kia hoàn toàn có thể thoả mãn về cảm giác đầu tiên mà những bức tường nhầy nhụa, lúc nhúc ròi bọ, mặt đất đầy rác rưởi bẩn thỉu, mùi rêu mốc, mùi nước cống rãnh và gỗ mục hôi thối đem đến cho Áctơ. Chúng đẩy Áctơ vào hầm rồi đóng sập cửa lại. Áctơ giơ hai tay lò dò bước về phía trước, anh rùng mình vì ghê tởm khi ngón tay đụng phải bức tường nhầy nhụa. Trong bóng tối, anh lần mò tìm chỗ đỡ bẩn nhất để ngồi.
Suốt ngày Áctơ ngồi trong ngục tối im lìm không một tiếng động; đêm trôi qua mà chẳng thấy biến chuyển gì. Cách biệt hẳn với thế giới bên ngoai, Áctơ dần dần mất ý niệm về thời gian. Và sáng hôm sau, khi tiếng chìa khoá tra vào ổ kêu lách cách, những con chuột hốt hoảng chạy rúc vào chân, thì Áctơ bàng hoàng nhỏm dậy. Tim anh đập rộn ràng, tai ù lên như đã xa rời ánh sáng và tiếng động hàng mấy tháng ròng.
Cửa mở, một ánh đèn yếu ớt le lói rọi vào hầm cũng đủ làm cho Áctơ chói mắt. Cai ngục đem vào một mẩu bánh và một bát nước. Áctơ tiến lên chắc mẩm thế nào cũng được ra khỏi nơi này. Nhưng anh chưa kịp nói gì, thì người cai ngục đã giúi cho anh mẩu bánh mì với bát nước rồi quay người lặng lẽ bước ra và khoá chặt cửa lại.
Áctơ dậm chân. Lần đầu tiên trong đời anh cảm thấy mình điên tiết. Giờ phút càng trôi qua, ý niệm của anh về không gian và thời gian càng thêm mờ mịt. Đối với anh, bóng tối là vô cùng vô tận, cuộc sống như ngừng hẳn lại.
Chiều thứ ba cai ngục lại vào lần này có thêm một tên lính. Đầu choáng váng, mắt hoa, Áctơ nhìn lên, anh phải che lấy mắt để tránh làn ánh sáng không quen thuộc ấy. Anh cố tình xem mình đã ở trong nhà mồ này bao nhiêu tuần lễ, nhưng cảm thấy mờ mịt, không sao tính được.
Cai ngục lạnh lùng khô khan noi:
- Mời ra…
Áctơ đứng dậy bước theo như một cái máy. Anh choáng váng một cách kì lạ, chân nam đá chân chiêu như người say rượu. Cai ngục định dìu Áctơ leo lên cầu thang nhỏ và dốc ngược để chui ra khỏi hầm. Áctơ gạt tay y ra. Nhưng, đến bậc cuối cùng thì Áctơ bỗng thấy chóng mặt, lảo đảo. Nếu cai ngục không nắm vội lấy vai anh thì anh đã ngã lộn xuống.


Một giọng vui vẻ cất lên:
- Không sao, khỏi ngay thôi. Anh nào chui ra cũng đều thế cả.
Khi được té nước vào mặt lần thứ hai, Áctơ cũng vẫn phải cố vùng vẫy rất khó nhọc mới thở được. Đêm tối hình như đã bị rũ sạch khỏi mình anh, vỡ loảng xoảng ra từng mảnh một.
Áctơ tỉnh ngay. Anh gạt cai ngục ra, bước vững vàng ra hành lang và cầu thang. Họ dừng lại giây lát trước một cánh cửa. Khi cánh cửa mở ra, Áctơ bị dẫn vào căn phòng đèn đuốc sáng choang, nơi anh đã bị hỏi cung lần đầu. Nhưng Áctơ chưa nhận ra ngay. Anh bỡ ngỡ nhìn chiếc bàn giấy tờ đầy ngộn và những viên sĩ quan vẫn ngồi ở chỗ cũ.
Viên đại tá nói:
- A, cậu Bớctơn. Chắc lần này chúng ta nói chuyện với nhau dễ hơn nhỉ! Sao, cậu có thích ngục tối không? Chắc chẳng được sang trọng như phòng khách của ông anh cậu nhỉ?
Nhìn bộ mặt tươi cười của y, một ý muốn điên rồ xui giục Áctơ nhảy xổ vào lão ria bạc chải chuốt ấy mà cắn vào cổ y.
Chắc viên đại tá thấy được điều đó trên nét mặt Áctơ nên y đổi giọng ngay:
- Anh Bớctơn, ngồi xuống và uống nước đi. Anh đang xúc động lắm, tôi biết.
Áctơ đẩy cốc nước mà người ta đưa cho anh, tựa khuỷu tay vào bàn, tay bóp trán, anh cố định thần. Viên đại tá chăm chú nhìn Áctơ. Cặp mắt từng trải của lão ta nhìn thấy tay anh run lẩy bẩy, môi run rẩy, mái tóc ướt sũng và đôi mắt lờ đờ. Tất cả những cái đó chứng tỏ thể lực anh đã suy nhược, não cân anh đã rối loạn rồi.
Sau mấy phút im lặng, viên đại tá lại ôn tồn:
- Anh Bớctơn, bây giờ chúng ta trở lại vấn đề hôm trước. Lần ấy giữa chúng ta đã xảy ra một vài chuyện không vui. Nhưng bây giờ tôi phải nói ngay với anh trước rằng nguyện vọng duy nhất của tôi là khoan hồng. Nếu anh tỏ ra thoả đáng và biết điều thì tôi cam đoan là sẽ không có gì quá khắc nghiệt với anh cả.
- Các ông muốn gì tôi?
Áctơ nói với giọng cục cằn, uất ức khác hẳn ngày thường.
- Tôi chỉ muốn anh nói thẳng, nói thật những điều anh biết về đảng ấy và những đảng viên của đảng ấy. Trước hết, anh quen với Bôla từ bao giờ?
- Tôi chưa bao giờ gặp người ấy trong đời. Tôi hoàn toàn không biết một tí gì về anh ta.
- Thật chứ? Thôi được, ta trở lại vấn đề này sau. Vậy anh có biết người thanh niên nào là Cáclô Bini không?
- Chưa bao giờ tôi nghe nói tới người ấy.
- Thế thì lạ thật. Còn Phơransetscô Neri, anh có biết không?
- Lần đầu tiên tôi nghe nói đến tên ấy.
- Nhưng chẳng phải bức thư chính tay anh viết gửi cho hắn là gì đây! Nhìn xem
Áctơ ngó qua bức thư rồi gạt qua một bên.
- Bức thư ấy anh biết chứ?
- Không.
- Anh chối không nhận là chữ của anh à?
- Tôi chẳng chối gì cả. Tôi không nhớ bức thư ấy là gì.
- Vậy anh có nhớ bức thư này không?
Chúng đưa bức thư thứ hai, Áctơ nhận ra đấy là thư mình viết cho một người bạn học dạo mùa thu vừa rôi.
- Không.
- Và anh cũng không biết người nhận thư là ai nữa à?
- Không biết.
- Trí nhớ anh kém lạ!
- Tôi mắc tật ấy từ lâu rồi.
- Thế à! Nhưng có hôm tôi nghe một giáo sư đại học nói anh chẳng có kém gì đâu, trái lại, thông minh nữa là khác.
- Chắc tại các ông xét trí thông minh của người ta bằng con mắt mật thám. Các giáo sư đại học dùng chữ nói trên theo một nghĩa khác.
Giọng bực tức mỗi lúc một tăng rõ rêt trong những câu trả lời của Áctơ. Đói, không khí ngột ngạt và những đêm mất ngủ đã hút kiệt sức khỏe của anh. Anh đau rời rã từng khớp xương một mà lời nói của viên đại tá thì không ngừng chà xát cân não anh, khiến hai hàm răng anh siểt chặt lại như phấn cứng xiết vào bảng đen.
Viên đại tá ngả lưng vào ghế nghiêm nghị nói:
- Bớctơn, anh lại quẫn rồi. Tôi cảnh cáo anh một lần nữa là kiểu nói ấy không tốt lành gì đâu. Anh đã nếm mùi ngục tối, chắc không muốn nếm lần thứ hai nữa.Tôi nói thẳng cho anh biết: nếu xử nhũn không ăn thua thì tôi phải xử tệ. Anh nên nói rằng tôi có đủ chứng cớ và chắc chắn rằng một vài thanh niên trong số những người mà tôi đọc tên đã bí mật đưa sách báo cấm qua hải cảng này. Anh có liên lạc với bọn chúng. Vậy anh có tự khai hết ra không?
Áctơ càng cúi gục đầu xuống. Một nỗi uất ức điên cuồng, mù quáng cựa quậy trong người anh như một sinh vật. Và Áctơ sợ mình mất bình tĩnh hơn là sợ những sự hăm doạ. Lần đầu tiên Áctơ cảm thấy rõ rằng sự thận trọng theo lối quân tử và sự nhịn nhục kiểu đạo Thiên chúa có thể phản lại anh, nên anh đâm ra ghê sợ cả bản thân mình.
Viên đại tá nói:
- Tôi đợi anh trả lời.
- Tôi chẳng có gì trả lời ông cả.
- Vậy anh nhất định không chịu trả lời chứ?
- Tôi chẳng nói gì hết.
- Nếu thế thì tôi lại phải buộc lòng ra lệnh nhốt anh vào hầm tối cho tới khi nào anh tỉnh ngộ mới thôi. Nếu anh càng không chịu biết điều thì tôi sẽ hạ lệnh cùm anh lại.
Áctơ ngẩng đầu, toàn thân run lên, và chậm chạp nói:
- Các ông muốn làm gì thì làm nhưng đối xử với một kiều dân Anh như vậy lại không có chứng cứ gì về tội lỗi của người ta thì liệu vị đại sứ Anh có để cho các ông yên không?
Sau cùng, Áctơ bị dẫn về xà lim cũ và anh lăn ra giường ngủ ngay một mạch đến sáng hôm sau. Chúng không cùm mà cũng chẳng nhốt Áctơ vào cái lỗ ngục tối đáng sợ ấy, nhưng qua mỗi lần thẩm vấn thì mối thù giữa anh và tên đại tá ngày một sâu thêm.
Mặc dù Áctơ luôn cầu xin Chúa cho anh đủ sức tự chiến thắng sự giận dữ trong lòng, mặc dù Áctơ suy nghĩ thâu đêm về đức nhẫn nhục và tính khiêm nhường của Đức chúa Giêsu nhưng đều vô hiệu quả. Mỗi khi người ta dẫn Áctơ vào căn phòng dài và trống trải nơi cái bàn phủ dạ xanh vẫn đứng nguyên chỗ cũ, mỗi khi Áctơ trông thấy bộ ria nhuộm của viên đại tá, thì tinh thần phi cơ đốc lại xâm chiếm lòng Áctơ, thúc đẩy anh thốt ra những câu trả lời hiểm hóc và khinh mạn. Áctơ ngồi tù chưa được một tháng mà anh và viên đại tá căm thù nhau đến nỗi cứ trông thấy nhau là nổi giận.
Cuộc chiến tranh nhỏ nhưng luôn luôn gay gắt ấy đã ảnh hưởng sâu sắc đến thần kinh Áctơ. Áctơ biết chúng theo dõi anh rất chặt. Áctơ nhớ lại những câu chuyện ghê gớm kể rằng người ta thường cho ngầm những kẻ bị bắt ăn cà độc dược (2) để nghe họ nói mê nên Áctơ hầu như không ăn ngủ gì cả. Đêm đến, hễ nghe tiếng chuột chạy bên mình, Áctơ lại toát mồ hôi vùng dậy tưởng chừng có kẻ manh tâm nào núp trong phòng để nghe ngóng xem anh có nói mê gì không.
Rõ ràng bọn sen đầm cố bắt nọn Áctơ để kết tội Bôla. Áctơ rất lo hớ hênh bị mắc lừa chúng đến nỗi thần kinh quá căng thẳng, làm anh rất có thể lại thực sự rơi vào nguy cơ đó. Tên của Bôla vang lên văng vẳng trong tai Áctơ suốt ngày đêm; Áctơ đọc ra tên Bôla ngay cả lúc cầu kinh. Đáng lẽ đọc
Maria
thì anh lại thốt ra
Bôla
. Nhưng nguy hơn cả là đức tin tôn giáo cùng với thế giới bên ngoài mỗi ngày một xa rời anh. Anh cầu nguyện suy tưởng hàng mấy tiếng đồng hồ liền để gắng hết sức bấu víu lấy chỗ dựa cuối cùng ấy. Nhưng ý nghĩ của anh lại càng luôn luôn trở về với Bôla và anh chỉ nhai đi nhai lại các câu kinh một cách máy móc.
Người cai ngục già là nguồn an ủi lớn nhất của Áctơ. Lúc đầu, ông lão người nhỏ bé, hơi béo và hói trán ấy cố làm ra vẻ nghiêm khắc. Nhưng tính hiền lành toả ra từ mỗi nét trên bộ mặt đầy đặn của cụ đã dần dần lấn át cả sự chăm lo về chức vụ. Chẳng bao lâu cụ đã chuyển giúp thư từ phòng giam nọ sang phòng giam kia.
Một buổi chiều giữa tháng năm, cai ngục bước vào phòng với vẻ âm thầm, buồn bực làm cho Áctơ phải ngạc nhiên.
Áctơ hỏi:
- Cụ Enricô, cái gì thế? Hôm nay cụ làm sao thế?
- Chẳng sao cả.
Cụ Enricô cáu kỉnh trả lời rồi tới bên giường Áctơ lật đệm lên.
- Sao cụ lại lấy đệm của cháu đi? Chúng bắt cháu sang phòng khác à?
- Không, họ sắp thả cậu ra.
- Thả ra? Hôm nay à? Thả tất cả chứ?... Cụ Enricô?
Áctơ cảm động níu lấy tay cụ, nhưng cụ giận dữ gạt tay ra.
- Cụ Enricô, cụ làm sao thế? Sao cụ không trả lời cháu? Cụ cho bíết, chúng cháu có được thả ra cả không?
Cụ Enricô chỉ đáp lại một tiếng

khinh bỉ.
Áctơ cười, nắm lấy tay cụ.
- Cụ nghe cháu, cụ đừng trêu cháu. Cháu chẳng tức đâu, cụ cứ nói cho cháu biết, các anh em khác thế nào?
Cụ Enricô đang gấp áo cho Áctơ bỗng đặt xuống bàn lẩm bẩm:
- Anh em nào khác? Bôla ấy ư?
- Vâng, Bôla và các anh em khác nữa. Cụ Enricô, cụ làm sao thế?
- À, một đồng chí đã phản anh ta thì làm sao anh ta được thả sớm thế được, thật đáng thương, hừ!
Và cụ Enricô bực dọc lại cầm chiếc áo lên.
Áctơ trợn tròn mắt:
- Một đồng chí làm phản anh ấy ư? Ồ, thật kinh khủng!
Cụ Enricô quay ngoắt lại phía Áctơ:
- Thế, không phải anh phản bội à?
- Cháu ư? Cụ Enricô, cụ tỉnh đấy chứ? Cháu mà phản bội ư?
- Hôm qua khi hỏi cung, người ta nói với Bôla như thế đấy. Nếu thật anh không phản bội thì tôi rất hài lòng. Xưa nay tôi vẫn cho anh là người thanh niên tốt. Thôi, chúng ta đi!
Cụ Enricô bước ra hành lang, Áctơ theo sau. Bỗng một tia sáng loé lên trong óc anh:
- Chúng nó bảo Bôla là cháu khai anh ấy! Lẽ tất nhiên là như thế, cụ Enricô ơi! Với cháu thì chúng lại nói là Bôla khai cháu ra. Nhưng Bôla chẳng đến nỗi khờ dại mà tin lời chúng đâu.
Cụ Enricô dừng bước bên cầu thang, nhìn Áctơ bằng con mắt thử thách:
- Thật không phải như thế chứ?
Áctơ nhún vai:
- Tất nhiên, đó chẳng qua chỉ là nói láo!
- Vậy à! Thế thì lão vui lòng lắm, con ạ. Lão nhất định sẽ tin cho Bôla nhưng con nên biết chúng nói với Bôla... rằng là... con khai Bôla vì con ghen. Hình như hai đứa chúng mày cùng yêu một người con gái thì phải.
Áctơ gấp gáp, khẽ nhắc lại:
- Chúng nó nói láo! Cùng yêu một người con gái!... Ghen! Tại sao chúng nó biết? Tại sao chúng nó biết hở cụ?
- Con đợi lão một chút! – Cụ Enricô dừng chân ở đầu hành lang dẫn tới phòng thẩm vấn và thì thào: – Lão tin con, nhưng hãy cho lão hay một điều này nữa. Lão biết con theo đạo Thiên chúa. Vậy lúc xưng tội con có nói gì không?
- Chúng nó nói láo! – Lần này giọng Áctơ như rít lên thành một tiếng nức nở.
Cụ Enricô nhún vai rồi lại tiến bước.
- Dĩ nhiên là con hiểu rõ hơn lão. Nhưng chẳng phải một mình con là người thanh niên dại dột ăn phải bả của chúng nó đâu. Giờ đây người ta đang đồn đại rất nhiều về một tên cố đạo nào đó ở Pidơ. Anh em bạn con đang vạch mặt nó. Họ lại còn rải truyền đơn báo cho mọi người biết rằng đó là một tên mật thám.
Cụ mở cửa phòng thẩm vấn. Thấy Áctơ cứ đứng lặng, sững sờ nhìn về phía trước, cụ khẽ đẩy anh bước qua cửa.
Viên đại tá nhoẻn miệng cười nhe cả hai hàm răng ra, nói:
- Chào cậu Bớctơn. Tôi rất vui lòng chúc mừng cậu. Phơlôrăngxơ đã ra lệnh thả cậu ra. Mời cậu kí vào tờ giấy này.
Áctơ tiến lại gần viên đại tá. Anh cất giọng trầm trầm, khô khan:
- Tôi muốn biết kẻ nào đã khai tôi ra.
Viên đại tá nhướn mày, nhăn nhở cười:
- Cậu không đoán được à, thử nghĩ xem.
Áctơ lắc đầu. Viên đại tá giơ hai tay tỏ vẻ ngạc nhiên một cách lễ phép:
- Cậu mà không đoán ra thật à? Chính cậu đấy, cậu Bớctơn ạ! Còn ai mà biết được chuyện yêu đương của cậu?
Áctơ lặng lẽ quay mặt đi. Một cây thánh giá bằng gỗ lớn treo trên tường. Áctơ từ từ ngước nhìn mặt Giêsu. Nhưng đôi mắt anh chẳng tỏ vẻ khẩn cầu, mà chỉ mờ mờ ngạc nhiên tại sao Đấng nhân lành và vô tư này không có sấm sét để quật chết tên thầy cả đã tiết lộ cả bí mật của phép giải tội ấy đi.
Viên đại tá nhã nhặn nói:
- Xin cậu kí nhận giấy tờ cho, chúng tôi sẽ không giữ cậu làm gì nữa. Chắc cậu muốn về nhà cho nhanh, mà tôi thì cũng rất bận. Cả ngày phải đánh vật với vụ thằng Bôla điên rồ này. Chính hắn đã làm cho lòng dạ khoan dung của người ngoan đạo như cậu phải qua một cơn thử thách tàn nhẫn. Chắc hắn sẽ bị kết án nặng... Thôi, chào cậu!
Áctơ kí nhận tờ giấy rồi bước ra không nói nửa lời. Anh lẳng lặng đi theo cụ Enricô ra tới chiếc cổng to lớn và nặng nề đó. Rồi cũng không cả một lời từ biệt cụ, anh bước xuống phía kênh đào có người lái đò đã chờ sẵn. Khi Áctơ đang bước lên bậc đá để ra phố thì một thiếu nữ mặc bộ đồ vải, đội mũ rơm, chìa tay lại đón anh:
- Áctơ! Ôi, sung sướng quá, sung sướng quá!
Áctơ run bắn lên, rụt tay lại.
Mãi sau anh mới cất tiếng gọi, giọng lạc hẳn đi:
- Dim! Dim!!
- Em đợi ở đây đã nửa tiếng rồi. Nghe nói đến bốn giờ thì chúng thả anh ra. Áctơ, sao cứ nhìn em chằm chặp thế? Có điều gì chăng? Làm sao thế? Kìa, anh hãy khoan đi chứ!
Áctơ quay lưng, chầm chậm bước trên đường phố. Thấy vậy, Giêma hốt hoảng chạy theo nắm lấy tay anh:
- Áctơ!
Áctơ dừng bước, ngước đôi mắt kinh hoàng nhìn Giêma.
Nàng khoác tay anh và hai người sánh bước cùng đi, không nói một lời.
Giêma dịu dàng bắt chuyện:
- Áctơ thân mến, nghe Dim nhé. Việc gì mà cứ phải khổ tâm về chuyện hiểu lầm vớ vẩn ấy? Dim biết anh đau lòng lắm, nhưng mọi người đều hiểu cả...
Áctơ vẫn giọng trầm trầm khô khan:
- Chuyện hiểu lầm nào?
- Ấy, Dim nói bức thư của Bôla ấy mà.
Hai tiếng Bôla làm cho gương mặt Áctơ quắt lại đau đớn.
Giêma nói tiếp:
- Chắc là anh chưa được đọc bức thư ấy? Nhưng có lẽ họ đã nói với anh rồi. Nếu Bôla tưởng tượng ra những chuyện đó thì thật điên rồ.
- Chuyện gì thế?
- Thế anh không biết thật à? Bôla viết thư nói rằng Áctơ đã lộ ra chuyện tàu bè làm Bôla bị bắt. Thật là bậy! Điều đó ai mà chẳng rõ. Chỉ có người nào không biết Áctơ thì mới tin. Chính vì thế mà Dim đến đây. Dim muốn nói để anh biết rằng trong nhóm của Dim chẳng ai tin bức thư ấy một tí nào cả.
- Giêma! Nhưng việc đó... việc đó có thật đấy!
Giêma từ từ lùi xa Áctơ và đứng lặng người; đôi mắt nàng trợn tròn và tối sầm lại vì sợ hãi. Mặt nàng trắng bệch như chiếc khăn quàng ở cổ. Một làn không khí im lặng lạnh buốt bủa vây lấy họ như một bức tường bít kín không cho họ nghe tiếng ồn ào và nhìn thấy cảnh nhộn nhịp trên đường phố nữa.
Cuối cùng Áctơ khẽ nói:
- Phải. Tàu bè... Tôi có nói về tàu bè và cả tên Bôla nữa... Ôi! Trời ơi! Trời ơi! Làm thế nào bây giờ?
Nhưng Áctơ chợt tỉnh và hiểu rằng người đang đứng chết lặng sững sờ nhìn anh là người nào. Dĩ nhiên là Giêma đang nghĩ rằng...
Áctơ bước lại phía nàng, kêu lên:
- Giêma! Giêma chưa hiểu tôi!
Nàng lùi lại, hét:
- Đừng có chạm vào người tôi!
Với một sức mạnh đột ngột, Áctơ nắm lấy tay nàng:
- Trời ơi, Giêma hãy nghe tôi, vì chúa! Không phải tại tôi! Tôi...
- Buông ra! Buông tay tôi ra! Buông ra!
Nàng giật tay ra khỏi tay Áctơ rồi tát vào mặt anh. Một màn sương bao phủ lấy mắt Áctơ. Trong giây lát, anh chỉ còn nhìn thấy bộ mặt tái xám, đau buồn vô hạn của Giêma và thấy nàng chùi tay phải vào váy áo. Rồi màn sương tan đi… Áctơ ngước nhìn chung quanh và chỉ thấy có mình đang đứng trơ ra đó.
_______________
Chú thích:

(1) Nhân vật chính trong tác phẩm nổi tiếng
Đông Kisốt
của nhà văn Tây Ban Nha Xécvăngtét (1547 – 1616)


(2) Cà độc dược: một thứ thuốc độc, nuốt vào thì thần kinh sẽ rối loạn, đồng tử trương to.

____________________________________________________
........................................................
Arthur bị giải đến một pháo đài lớn thời Trung cổ, ở ngay cửa biển của hải cảng. Anh thấy cuộc sống trong tù thế mà cũng chẳng đến nỗi nào. Xà lim ẩm thấp và tối tăm một cách khó chịu, nhưng Arthur đã từng lớn lên trong tòa lâu đài cổ lỗ ở Via Borra[1], nên cả ngột ngạt, chuột bọ cũng như hôi thối đối với anh cũng chẳng có gì lạ. Khoản ăn uống cũng vừa kém lại vừa thiếu, nhưng chẳng bao lâu James đã xin được phép gửi vào cho anh các thứ thiết yếu nhất cho đời sống. Anh bị biệt giam và tuy việc canh phòng cũng chẳng nghiêm ngặt như anh tưởng, nhưng anh vẫn chưa nhận được một lời giải thích nào về nguyên cớ mình bị bắt. Tuy nhiên, anh vẫn giữ được thái độ bình tĩnh mà anh đã xác định cho mình ngay từ lúc bước chân vào pháo đài. Không được đọc sách thì anh sử dụng hết thời giờ vào việc cầu nguyện và thành tâm suy ngắm[2], chờ xem mọi việc tiếp diễn ra sao mà không nôn nóng và lo lắng gì.
[1] Via Borrai (tiếng Ý): Tên một phố cổ, nơi có cơ ngơi của họ nhà Burton.
[2] Devout meditation (tiếng Anh): Từ Công giáo cũng là
suy ngắm
, tức sự suy tư, trầm tư mặc tưởng (tương tự như sự thiều trong Phật giáo).

Rồi một hôm, lính gác đến mở khóa xà lim và gọi anh:
- Mời ra!
Tuy có hỏi hai ba lần, nhưng chỉ nghe mỗi câu trả lời:
Không được phép nói chuyện
, nên anh đành nhẫn chịu, theo người lính đi vào một lô nhằng nhịt những mảnh sân, những hành lang, những thang gác ít nhiều đều hôi hám, để rồi cuối cùng bị giải vào một căn phòng lớn sáng sủa, trong có ba người mặc binh phục đang ngồi tán chuyện nhát gừng và uể oải sau một chiếc bàn dài trải nỉ xanh, chất đầy giấy tờ. Thấy anh bước vào, họ liền làm ra vẻ cứng nhắc và sự vụ. Người nhiều tuổi nhất trong bọn họ, một người có vẻ chưng diện với hai chòm râu quai nón xám bạc và với bộ sắc phục đại tá, đưa tay trỏ vào chiếc ghế phía bên kia bàn rồi bắt đầu cuộc thẩm vấn sơ bộ.
Arthur đồ rằng mình sẽ bị hăm dọa, sỉ vả và chửi rủa nên đã chuẩn bị sẵn sàng đối đáp cho đường hoàng và kiên nhẫn. Nhưng tình thế đã ngược lại ý anh một cách dễ chịu. Viên đại tá tỏ ra cứng nhắc, lạnh lùng và oai vệ, nhưng lại cực kỳ lịch sự. Đầu tiên là những câu hỏi thường lệ: tên gì, bao nhiêu tuổi, quốc tịch gì, địa vị xã hội ra sao; và mọi câu trả lời đều được nhất nhất ghi lại. Khi anh đã bắt đầu thấy chán ngấy và sốt ruột thì viên đại tá chợt hỏi:
- Nào, bây giờ xin hỏi cậu Burton, cậu biết những gì về
Nước Ý trẻ
?
- Theo chỗ tôi biết thì đó là một đoàn thể xuất bản một tờ báo ở Marseilles, lưu hành báo đó ở Ý nhằm cổ động nhân dân khởi nghĩa để đánh đuổi quân đội Áo ra khỏi đất nước mình.
- Cậu có đọc báo ấy đấy nhỉ?
- Phải. Tôi quan tâm đến vấn đề đó.
- Vậy khi đọc báo, cậu có nghĩ mình đã phạm vào một hành vi bất hợp pháp không?
- Tất nhiên có.
- Mấy số báo tìm thấy trong phòng cậu, cậu lấy ở đâu ra?
- Điều đó tôi không thể nói với ông được.
- Cậu Burton, đây không phải là chỗ để cậu bảo
tôi không thể nói
. Cậu buộc phải trả lời các câu hỏi của tôi.
- Nếu ông phải đối từ
không thể
, thì tôi nói là
tôi không muốn
vậy.
Viên đại tá nhận xét:
- Nếu cậu cứ dùng những từ ngữ kiểu đó thì cậu sẽ phải hối tiếc đấy.
Không thấy Arthur trả lời, y tiếp:
- Tôi còn có thể cho cậu biết rằng trong tay chúng tôi đã sẵn có chứng cứ cho thấy mối quan hệ giữa cậu với đoàn thể đó còn gần gũi hơn nữa, và rất nhiều, chứ không chỉ đọc sách báo quốc cấm mà thôi đâu. Điều có lợi hơn cho cậu là cậu nên thẳng thắn thú nhận đi. Đằng nào sự thật cũng sẽ rành rành ra đấy và cậu sẽ thấy rằng dùng chống chế và chối cãi để che giấu, cũng chỉ vô ích.
- Tôi chẳng muốn che giấu gì hết. Các ông muốn biết điều gì?
- Điều thứ nhất, là cậu là người nước ngoài, làm thế nào cậu dính dáng vào những việc như thế này?
- Tôi đã suy nghĩ về vấn đề ấy và đã đọc mọi thứ gì có thể kiếm được, và tôi đã hình thành những kết luận của riêng mình.
- Ai đã thuyết phục cậu gia nhập đoàn thể này?
- Chẳng ai cả. Chính tôi muốn gia nhập.
- Cậu giở trò đùa coi thường tôi rồi đấy. - Viên đại tá xẵng giọng; chắc y đã bắt đầu mất kiên nhẫn. - Chẳng ai có thể tự mình gia nhập đoàn thể được cả. Ai là người cậu đã thông báo cho biết nguyện vọng của cậu muốn gia nhập đoàn thể ấy?
Im lặng.
- Cậu có sẵn lòng trả lời không?
- Không, nếu ông hỏi theo kiểu đó.
Giọng Arthur đã có vẻ bực bội. Một cơn uất giận kỳ lạ đã chiếm lĩnh tâm tư anh. Lúc ấy anh đã biết có nhiều vụ bắt bớ ở cả Leghorn lẫn Pisa; và mặc dù vẫn chưa nhận thức được tai họa đã nghiêm trọng tới mức độ nào, song những tin tức đến được tai anh cũng đủ làm cho anh bồn chồn lo lắng cho sự an toàn của Gemma và các bạn khác. Thái độ lễ phép rất có tính toán của bọn sĩ quan, cái trò né tránh và chống đỡ, hỏi ngoắt ngoéo và trả lời vờ vịt chán ngắt này đã làm anh nôn nao bực tức. Thêm vào đó, tiếng giày nện lộp cộp tới lui vụng về của tên lính gác ngoài cửa phòng lại càng chối tai một cách rất đáng ghét.
Sau khi vòng vo một lát nữa, viên đại tá lại hỏi:
- À, tiện thể hỏi cậu, lần cuối cùng cập gặp Giovanni Bolla là khi nào? Ngay trước khi cậu rời Pisa phải không?
- Tôi không quen ai có tên như vậy cả.
- Sao? Không quen Giovanni Bolla hả? Cậu quen hắn lắm chứ! Một thanh niên cao lớn, râu cạo nhẵn. Hắn là bạn học của cậu mà.
- Trường đại học nhiều sinh viên như thế làm sao tôi quen hết được.
- Ồ, nhưng nhất định cậu quen Bolla, chắc chắn thế. Nhìn đây: chữ hắn viết đây. Thấy không? Hắn khá là quen cậu đấy.
Và viên đại tá hờ hững đưa cho anh một tờ giấy trên đề hai chữ
Biên bản
, dưới ký
Giovanni Bolla
. Đưa mắt lướt nhanh xuống dưới, anh bắt gặp tên mình. Anh nhìn lên, ngạc nhiên.
- Tôi được phép đọc ư?
- Vâng, cậu có thể đọc lắm, nó liên can đến cậu mà.
Anh bắt đầu đọc, bọn sĩ quan lặng lẽ theo dõi nét mặt anh. Té ra tài liệu là gồm những lời khai về hàng loạt câu hỏi. Rõ ràng là Bolla cũng đã bị bắt mất rồi. Những lời khai đầu tiên là theo tính chất rập khuôn rất thông thường, kế đó là một lời khai ngắn về quan hệ giữa Bolla với đoàn thể, về việc phân phát sách báo cấm tại Leghorn và về các cuộc họp sinh viên. Tiếp nữa là:
Trong số những người theo chúng tôi có cả một thanh niên người Anh tên là Arthur Burton, thuộc gia đình một trong những chủ hãng tàu giàu có
.
Máu trào lên mặt Arthur. Vậy là Bolla đã khai anh ra! Chính Bolla kẻ đã gánh lấy những nhiệm vụ cao cả của một người khởi xướng phong trào ấy, cũng chính Bolla này, kẻ đã giác ngộ cho Gemma... và đã yêu đương cô ta! Anh đặt tờ giấy xuống bàn và đăm đăm nhìn xuống sàn nhà.
Viên đại tá lễ phép nói xa xôi:
- Tôi mong tài liệu nhỏ ấy đã giúp thức tỉnh lại trí nhớ của cậu.
Arthur lắc đầu. Anh lạnh lùng và cứng cỏi nhắc lại:
- Tôi không hề biết một ai mang tên này. Chắc có điều gì lầm lẫn.
- Lầm lẫn ư? Bậy nào! Cậu Burton này, phong độ hiệp sĩ và tinh thần Đông Kisốt[3] là những điều rất tốt đẹp theo nghĩa của nó, nhưng nếu đi quá mức thì lại chẳng ích lợi gì. Đó là một sai lầm mà cả đám thanh niên các cậu thường hay mắc nhất. Nào, cứ thử nghĩ xem! Vì một chuyện cỏn con về một kẻ nó đã bán rẻ mình mà để liên lụy tới mình và hủy hoại tương lai của mình thì cậu có lợi lộc gì? Cậu tự thấy đấy, khi đã khai ra, hắn có kiêng nể gì cậu đâu!
[3]Đông Kisốt: Cũng là Đôn Kihôtê (Don Quixote), nhân vật chính trong tác phẩm
Don Quixote
của nhà văn Tây Ban Nha Xécvăngtét (Cervantes) (1547-1616), được miêu tả là đầy tinh thần hiệp sĩ, hiên ngang, khí phách, nhưng đầy ảo tưởng, đi đánh nhau với cả cối xay gió.

Trong lời viên đại tá đã thoáng pha một giọng gì giống như sự chế giễu. Arthur giật mình, nhìn lên; một ý nghĩ chợt lóe ra trong đầu anh.
Arthur hét:
- Đó là dối trá! Đó là bịa đặt! Trông mặt các người ta đủ biết! Các người hèn nhát... Các người định hãm hại một trong những kẻ đã bị các người bắt hoặc là các người giăng bẫy để hòng lừa bịp ta. Đồ lừa đảo, đồ ăn gian nói dối, đồ vô lại...
- Câm mồm! - Viên đại tá điên cuồng bật khỏi ghế, quát lớn. Hai tên đồng sự của hắn cũng đứng phắt dậy. Quay về phía một tên, hắn nói tiếp: - Đại úy Tommasi, phiền ông rung chuông gọi lính gác vào đây, giam quý cậu này vào ngục tối vài ngày. Tôi thấy cậu ta đang cần một bài học, phải làm cho cậu ta biết điều mới đươc.
Ngục tối là một lỗ hầm nhỏ âm u, ẩm ướt, bẩn thỉu, khoét vào lòng đất. Lẽ ra lỗ hầm này để làm cho Arthur
biết điều
, thì nó lại khiến anh căm tức đến cực độ. Sinh trưởng trong một gia đình sang trọng, anh vốn quen tính thanh lịch và kỹ càng trong vệ sinh sạch sẽ cá nhân, cho nên viên đại tá bị xúc phạm kia hoàn toàn có thể thỏa mãn về tác động đầu tiên khá mạnh mà những bức tường nhớp nhúa, lúc nhúc dòi bọ, nền đất đầy rác rưởi bẩn thỉu, cùng cái mùi hôi thối ghê tởm của rêu mốc, của nước cống rãnh và gỗ mục, đã đem đến cho Arthur. Sau khi bị đẩy vào hầm rồi thấy cửa hầm khóa sập lại sau lưng mình, anh giơ hai tay thận trọng bước ba bước về phía trước. Anh rùng mình ghê tởm khi ngón tay đụng phải vách tưởng nhầy nhụa. Và trong bóng tối dày đặc, anh sờ soạng lần mò tìm chỗ đỡ bẩn nhất để ngồi xuống.
Một ngày dài đã trôi qua trong tăm tối và câm lặng mịt mùng, rồi cả đêm cũng trôi qua chẳng có biến chuyển gì. Trong bầu trống rỗng hoàn toàn và thiếu vắng mọi ấn tượng về thế giới bên ngoài, anh dần dần mất ý niệm về thời gian. Và sáng hôm sau, khi tiếng chìa khóa tra vào ổ kêu lách cách, những con chuột hốt hoảng kêu rúc rích, chạy qua người anh, thì anh bàng hoàng nhỏm dậy. Tim anh đập rộn rã và tai anh ù lên, như thể anh đã xa rời ánh sáng và tiếng động không phải nhiều giờ mà là đã hàng nhiều tháng ròng.
Cửa mở, chỉ một ánh đèn yếu ớt le lói rọi vào hầm mà anh tưởng chừng có một làn ánh sáng chói lói đang tràn ngập. Rồi người cai ngục bước vào, đem theo một mẩu bánh và một ca nước. Arthur bèn bước lên, chắc mẩm có người vào là để cho anh ra khỏi nơi này. Nhưng anh chưa kịp nói gì, thì người cai ngục đã dúi mẩu bánh với ca nước vào tay anh, rồi xoay người bước ra không nói nửa lời, và khóa chặt cửa lại.
Arthur giậm mạnh chân xuống đất. Lần đầu tiên trong đời anh cảm thấy mình điên tiết. Giờ phút càng trôi qua, ý niệm của anh về không gian và thời gian càng thêm xa xôi, mờ mịt. Đối với anh, bóng tối tưởng chừng là vô biên và vô cùng tận, còn cuộc sống đối với anh thì quả là đã ngừng hẳn lại rồi. Chiều ngày thứ ba, khi cửa mở ra thì thấy người cai ngục xuất hiện ở ngưỡng cửa với một tên lính. Đầu choáng mắt hoa, anh bối rối nhìn lên và phải lấy tay che mắt để tránh làn ánh sáng không quen thuộc ấy. Anh mơ hồ mường tượng xem mình đã ở trong cái nhà mồ này không biết bao nhiêu tiếng đồng hồ hoặc bao nhiêu tuần lễ.
Giọng lạnh lùng và sự vụ, viên cai ngục bảo:
- Mời ra.
Arthur đứng dậy bước lên như một cái máy. Anh chếnh choáng một cách kỳ lạ, loạng choạng và nghiêng ngả như người say rượu. Anh gạt tay viên cai ngục định dìu anh lên các bậc cầu thang hẹp và dốc ngược để bước ra sân. Nhưng vừa đến bậc thang cuối cùng, anh bỗng thấy chóng mặt rất đột ngột, đến nỗi lảo đảo cả người mà nếu viên cai ngục không kịp nắm vội lấy vai thì anh đã ngã bật ngửa xuống phía sau.


Một giọng vui vẻ cất lên:
- Đây rồi, anh ta tỉnh ngay thôi mà. Cậu nào mới chui ra hầu hết đều choáng ngợp thế cả.
Khi được giội nước vào mặt thêm lần nữa, Arthur cũng vẫn phải cố vùng vẫy rất khó nhọc mới lấy lại được hơi thở. Bóng tối hình như đã bị rũ sạch khỏi mình anh, vỡ loảng xoảng ra từng mảnh một, và rồi, anh bỗng nhiên tỉnh hẳn lại. Gạt tay viên cai ngục ra, anh bước đi khá vững vàng qua hành lang và lên cầu thang. Họ dừng lại giây lát trước một cửa buồng, và khi cánh cửa mở ra, chưa kịp nghĩ xem họ giải mình đi đâu, anh đã thấy mình đứng trong phòng thẩm vấn đèn đuốc sáng choang, ngỡ ngàng và chăm chú nhìn chiếc bàn với những giấy tờ và với những viên sĩ quan vẫn ngồi nguyên chỗ cũ.
Viên đại tá nói:
- A, cậu Burton đây rồi! Tôi hy vọng lần này chúng ta có thể nói chuyện với nhau thuận tiện hơn đấy. Sao, cậu có thích ngục tối không? Chắc chẳng được sang trọng như phòng khách của ông anh cậu, phải không nào? Hả cậu?
Arthur đưa mắt nhìn lên bộ mặt tươi cười của viên đại tá. Một ý muốn điên giận đã chi phối anh, xúi giục anh nhảy xổ vào lão ria xám bạc chưng diện ấy mà cắn vào cổ y. Có lẽ một nét gì giống như thế đã lộ ra trên gương mặt anh, nên người ta thấy viên đại tá lập tức đế thêm, với giọng khác hẳn:
- Ngồi xuống, cậu Burton! Và uống chút nước đi. Cậu xúc động lắm rồi đấy.
Arthur đẩy sang một bên cốc nước họ đưa cho anh. Tựa cả hai khuỷu tay lên bàn, một tay đỡ lấy trán, anh cố tập trung tư tưởng. Viên đại tá ngồi theo dõi anh sít sao, cặp mắt từng trải của y nhận thấy cả tay và môi anh đều run rẩy, mái tóc anh ướt sũng đang nhỏ giọt và đôi mắt anh lờ đờ, tất cả những cái đó cho thấy cơ thể anh suy nhược và thần kinh anh đã rối loạn rồi.
Mấy phút sau, viên đại tá nói:
- Cậu Burton, bây giờ chúng ta trở lại vấn đề hôm trước còn đang bỏ dở. Vì rằng giữa chúng ta đã xảy ra một số chuyện không vui, nên để bắt đầu làm việc hôm nay tôi có thể nói ngay với cậu một điều rằng tôi chẳng mong muốn gì hơn là khoan hồng đối với cậu. Nếu cậu xử sự thỏa đáng và biết điều, tôi cam đoan rằng trong cách xử trí với cậu, sẽ không có gì khắc nghiệt một cách không cần thiết cả.
- Các ông muốn tôi phải làm gì?
Arthur nói với giọng cục cằn, uất ức khác hẳn ngày thường.
- Tôi chỉ muốn cậu nói thẳng, nói thật, và trong danh dự những gì cậu biết về cái hội kín ấy và những hội viên của nó. Trước hết, cậu quen với Bolla được bao lâu rồi.
- Cả đời tôi chưa gặp người ấy bao giờ. Tôi hoàn toàn không biết một tí gì về anh ta.
- Thật thế ư? Thôi được, ta sẽ trở lại vấn đề ấy sau. Theo tôi thì cậu có biết người thanh niên tên là Carlo Bini chứ?
- Chưa bao giờ tôi nghe nói tới người ấy.
- Thế thì hết sức lạ lùng. Còn Francesco Neri thì sao?
- Tôi chưa hề nghe nói đến tên ấy.
- Nhưng đây là bức thư do chính tay cậu viết gửi cho hắn. Nhìn xem!
Arthur lơ đãng ngó qua bức thư rồi đặt sang một bên.
- Cậu có thừa nhận bức thư ấy không?
- Không.
- Cậu chối không nhận bút tích của cậu à?
- Tôi chẳng chối gì cả. Tôi chẳng nhớ gì về bức thư ấy.
- Vậy có lẽ cậu nhớ bức thư này chứ?
Bức thư thứ hai được chuyển đến tay anh, anh nhận ra đấy là thư mình viết cho một bạn học dạo mùa thu vừa rồi.
- Không.
- Và cũng không biết người nhận thư là ai nữa sao?
- Cũng không.
- Trí nhớ cậu kém lạ!
- Tôi vốn mắc tật ấy từ lâu rồi.
- Thế à! Nhưng có hôm tôi nghe một giáo sư đại học nói cậu chẳng kém cỏi gì, lại thông minh nữa là khác.
- Chắc tại ông xét trí thông minh theo tiêu chuẩn mật thám. Các giáo sư đại học dùng từ ngữ theo nghĩa khác.
Giọng bực tức mỗi lúc một tăng rõ rệt trong những câu trả lời của Arthur. Thể xác anh đã kiệt quệ vì đói, vì không khí ngột ngạt và thiếu ngủ; anh đau rời rã từng khớp xương một, mà lời nói của viên đại tá không ngừng chà xát cân não tràn đầy căm phẫn của anh, khiến hai hàm răng anh nghiến vào nhau ken két như phấn cứng siết lên bảng vậy.
Viên đại tá ngả người vào tựa ghế, nghiêm nghị nói:
- Cậu Burton, cậu lại quên bản thân mình rồi. Tôi cảnh cáo cậu một lần nữa là kiểu nói ấy không tốt lành gì cho cậu đâu. Cậu đã biết mùi ngục tối rồi và hiện thời chắc chẳng muốn nếm thêm lần nữa. Tôi nói thẳng cho cậu biết: nếu xử nhũn không ăn thua thì tôi phải xử tệ. Cậu nên nhớ rằng tôi có chứng cớ, và là chứng cớ chắc chắn, rằng một vài thanh niên trong số những người mà tôi vừa đọc tên đã tham gia vào việc bí mật đưa sách báo cấm qua hải cảng này, và rằng cậu cũng đã có liên lạc với bọn chúng. Vậy bây giờ cậu có định tự mình chủ động khai với tôi những gì cậu biết về vụ việc này không?
Arthur càng cúi gục đầu xuống. Một cơn điên giận hoang dại, mù quáng, vô tri vô giác đang bắt đầu cựa quậy trong người anh như một vật thể sống. Đối với anh, tình trạng mất khả năng điều khiển đối với chính mình là đáng sợ hơn so với bất kỳ sự hăm dọa nào. Lần đầu tiên anh bắt đầu hiểu rằng bên dưới sự tu dưỡng của một người quý phái nào, cũng như bên dưới lòng sùng đạo của một người Cơ đốc giáo nào cũng đều có thể ẩn náu biết bao tiềm tại thầm kín, do vậy anh càng thêm khiếp sợ cả bản thân mình.
Viên đại tá nói:
- Tôi đợi cậu trả lời.
- Tôi chẳng có gì để trả lời cả.
- Cậu nhất định không chịu trả lời hả?
- Tôi sẽ chẳng nói gì với ông hết.
- Nếu thế thì tôi đành chỉ còn cách lại ra lệnh giam cậu vào hầm tối cho tới khi nào cậu tỉnh ngộ mới thôi. Nếu với cậu còn xảy ra nhiều chuyện rắc rối hơn nữa, tôi sẽ buộc phải cùm cậu lại.
Arthur ngẩng nhìn, thân thể anh rung lên từ đầu tới chân. Anh chầm chậm nói:
- Các ông muốn làm gì thì làm. Nhưng việc các ông chơi trò lừa gạt với một kiều dân Anh chưa hề bị kết tội gì như thế này thì liệu ông Đại sứ Anh có để yên không, cái đó do ông ấy định đoạt.
Rốt cục, Arthur bị dẫn trở lại xà lim cũ và anh lăn ra giường ngủ ngay một mạch cho tới tận sáng hôm sau. Anh không bị cùm mà cũng chẳng bị nhốt vào cái lỗ ngục tối đáng sợ kia, nhưng qua mỗi lần thẩm vấn, mối hận thù giữa anh với viên đại tá lại một ăn sâu bén rễ thêm.
Trong xà lim, việc cầu nguyện ân sủng để chiến thắng những dục vọng tội lỗi của mình, hoặc việc suy ngắm thâu đêm về đức nhẫn nhục và tính dịu hiền của Đức Kitô, đối với anh đều chỉ là vô ích. Mỗi khi anh bị giải vào căn phòng dài và trống trải với cái bàn phủ nỉ xanh và mỗi khi đối mặt với bộ ria bôi sáp của viên đại tá, thì tinh thần phi Cơ đốc giáo lại xâm chiếm lòng anh, khêu gợi cho anh những lời ứng đối cay đắng và khinh mạn. Ở tù chưa đầy một tháng mà anh và viên đại tá căm tức nhau đến nỗi cứ trông thấy nhau là nổi giận.
Cuộc chiến tranh nhỏ nhưng luôn luôn gay gắt ấy đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến thần kinh anh. Biết chúng đang theo dõi anh rất chặt và nhớ đến những câu chuyện đồn đại ghê rợn kể rằng tù nhân thường bị ngấm ngầm cho ăn cà độc dược[4] để sẽ tiết lộ bí mật khi mê sảng và bị ghi chép lạ, cho nên dần dần anh đâm ra sợ ngủ hoặc sợ cả ăn nữa. Đêm đến, hễ có con chuột nào chạy bên mình là anh lại giật mình tỉnh dậy, mồ hôi lạnh vã ra như tắm, run bắn người tưởng chừng có kẻ nào rình núp trong buồng giam để nghe xem anh có nói mê gì không. Rõ ràng bọn sen đầm đang giăng bẫy, cố bắt nọn anh để có thể buộc tôi Bolla. Anh quá đỗi lo mình sẽ hớ hênh mà bị sa chân xuống hố, đến nỗi chỉ do thần kinh quá căng thẳng, có khi anh lại sẽ thực sự rơi vào chính nguy cơ đó cũng nên. Tên của Bolla văng vẳng bên tai anh suốt ngày đêm, thậm chí xen cả vào những lời cầu kinh của anh, lẫn lộn cả với tên Mary[5], ngay trong lúc lần hạt mân côi[6]. Nhưng tệ hại hơn cả là đức tin tôn giáo, cũng như thế giới bên ngoài, đều như mỗi ngày một xa rời anh. Mỗi ngày anh cầu nguyện, suy ngắm hàng mấy tiếng đồng hồ liền để cố sống cố chết bám víu lấy chỗ dựa cuối cùng này. Nhưng những ý nghĩ của anh mỗi lúc lại càng luôn lởn vởn với tên gọi Bolla, và những lời cầu nguyện của anh mỗi lúc lại càng trở nên máy móc một cách đáng sợ.
[4] Belladona (tiếng Anh và Ý): Tức benlađôn, một thứ thuốc độc, uống vào thần kinh sẽ rối loạn, đồng tử trương to và bị mê sảng.
[5] Mary (tiếng Anh): Tức Maria, mẹ của Giêsu (Jesus); cũng là Đức Mẹ, Đức Bà hoặc Thánh Mẫu Maria.
[6] Rosary (tiếng Anh): Tức tràng (chuỗi) hạt của Công giáo, dùng trong khi đọc kinh, nhất là kinh Kính Mừng Đức Mẹ Maria (Ave Maria), mỗi lần đọc được lần theo tràng hạt, được coi là một bông hồng dâng lên, do đó gọi là hạt mân côi (hoặc môi khôi, văn côi, mai khôi... là hoa hồng trong chữ Hán).

Nguồn an ủi lớn nhất cho anh lại chính là người cai ngục già. Lúc đầu, ông lão nhỏ người, mập mạp và hói trán ấy cố hết sức làm ra vẻ nghiêm khắc. Nhưng bản chất hiền lành tỏa ra từ mỗi lúm đồng tiền trên bộ mặt phúng phính của bác đã dần dần lấn át cả những mối lo toan để thi hành chức vụ của mình và bác đã bắt đầu giúp việc thông tin liên lạc giữa các xà lim cho các tù nhân.
Một buổi chiều giữa tháng năm, bác cai ngục bước vào xà lim với một vẻ rất cảu kỉnh và buồn bực, khiến Arthur phải ngạc nhiên.
Anh kêu lên:
- Sao vậy, bác Enrico[7]? Hôm nay bác gặp chuyện quái quỷ gì không hay thế, bác?
[7] Enrico (tiếng Ý): Tên nam giới người Ý.

- Chẳng có chuyện gì sất.
Bác Enrico bực bội trả lời, rồi đến rút ổ lót của riêng anh ra khỏi giường.
- Bác lấy đồ đạc của cháu đi làm gì thế? Cháu phải chuyển sang xà lim khác ư?
- Không, họ sắp thả anh ra.
- Thả ra? Sao?... Hôm nay? Thả ra hẳn chứ?... Bác Enrico?
Quá xúc động Arthur đã níu lấy tay ông lão, nhưng bác giận dỗi giằng tay ra.
- Bác Enrico, bác làm sao thế? Sao bác không trả lời cháu? Chúng cháu có được thả ra cả không?
Đáp lại chỉ là một tiếng hầm hừ khinh bỉ.
Arthur cười lên và cứ lại nắm lấy tay bác.
- Bác nghe cháu nhé! Bác đừng trêu chọc cháu vô ích, vì cháu chẳng giận dỗi gì đâu. Cháu chỉ muốn biết các anh em khác thế nào?
Bác Enrico đột nhiên đặt chiếc áo sơ mi đang gấp xuống, gầm ghè:
- Anh em khác nào? Cậu không định nói Bolla đấy chứ?
- Dĩ nhiên rồi, Bolla và cả các anh em khác nữa. Bác Enrico, bác làm sao thế?
- Ờ, một đồng chí mình đã khai nó ra thì họ tha sớm nó thế nào được, tội nghiệp thằng bé! Hừ!
Và bác Enrico lại cầm chiến áo lên, tỏ vẻ kinh tởm.
Arthur trợn tròn mắt, hãi hùng.
- Khai anh ấy ra? Một đồng chí mình ư? Ôi, thật kinh khủng!
Bác Enrico liền quay ngoắt lại:
- Sao? Chẳng phải là cậu ư?
- Cháu? Bác chưa mất trí đấy chứ? Cháu ấy ư?
- Ờ, hôm qua khi hỏi cung, chúng nó nói với Bolla thế đấy, đại để như vậy. Nếu quả không phải là cậu thì lão rất mừng, vì lâu nay lão vẫn cho cậu là người thanh niên đứng đắn. Ta đi thôi!
Bác Enrico bước ra hành lang. Arthur theo sau bác và một tia sáng bỗng lóe ra giữa mớ hỗn độn trong đầu anh:
- Chúng nó bảo Bolla là cháu khai anh ấy ra! Dĩ nhiên rồi, bác Enrico ơi, với cháu thì chúng lại nói là Bolla đã khai cháu ra. Nhưng chắc Bolla chẳng đến nỗi khờ dại mà tin vào chuyện bịa đặt này đâu.
Bác Enrico dừng bước bên chân cầu thang, nhìn Arthur bằng con mắt dò xét.
- Thật không phải như thế chứ?
Arthur đành chỉ nhún vai:
- Tất nhiên, đó chỉ là nói láo!
- Vậy à! Thế thì lão vui lòng lắm, con ạ. Lão nhất định sẽ tin cho Bolla biết lời con nói. Nhưng con nên chú ý đến điều chúng đã nói với Bolla... Chúng bảo rằng con đã tố giác anh ta là do... ờ, là do ghen tuông, bởi vì cả hai đứa chúng mày cùng yêu một đứa con gái.
- Chúng nó nói láo! - Gấp gáp và nghẹt thở, anh khẽ nhắc lại. Một nỗi kinh hoàng tê tái đột nhiên xâm chiếm lòng anh -
Cùng yêu một đứa con gái!... Ghen tuông!
Sao chúng nó biết... sao chúng nó biết thế nhỉ?
- Đợi một chút con ạ. - Dừng chân ở đầu hành lang dẫn tới phòng thẩm vấn, bác Enrico thẽ thọt: - Ta tin con, nhưng con hãy cho ta biết một điều. Ta biết con theo đạo Công giáo. Vậy lúc xưng tội con có nói ra chuyện gì không...
- Chúng nó nói láo! - Lần này giọng Arthur như rít lên thành một tiếng nức nở nghẹn ngào.
Bác Enrico nhún vai rồi lại bước tiếp:
- Dĩ nhiên là con rõ hơn ta. Nhưng chẳng phải con là anh chàng duy nhất dại dột mắc phải bẫy của chúng đâu. Giờ đây người ta đang đồn đại rất ầm ĩ về một lão cố đạo nào đó ở Pisa mà mấy anh bạn con đã phát hiện ra. Họ còn in một tờ truyền đơn bảo rằng lão là tên mật thám.
Bác mở cửa phòng thẩm vấn. Thấy Arthur cứ đứng trơ trơ và nhìn trân trân về phía trước, bác nhẹ nhàng đẩy anh bước qua ngưỡng cửa.
Viên đại tá nhoẻn miệng, nhe cả hai hàm răng ra cười, và nói:
- Chàu cậu Burton. Tôi rất vui lòng được chúc mừng cậu. Florence[8] đã có lệnh thả cậu ra. Cậu làm ơn ký vào tờ giấy này cho chứ ạ?
[8] Florence (tức Firenze): Xem từ trang 65. Ý nói lệnh của chính quyền trung ương trong Đại Công quốc lúc bấy giờ.

Arthur bước đến bên hắn, cất giọng trầm khàn nói:
- Tôi muốn biết kẻ nào đã khai tôi ra.
Viên đại tá nhướng mày, cười:
- Cậu không đoán được à? Nghĩ lại một chút xem.
Arthur lắc đầu. Viên đại tá giơ hai tay tỏ vẻ ngạc nhiên một cách lễ phép:
- Không đoán ra ư? Thật sao? Có gì đâu, chính là cậu đấy, cậu Burton ạ! Còn ai biết được chuyện yêu đương riêng tư của cậu?
Arthur lặng lẽ quay mặt đi. Một bức tượng Chịu nạn lớn khắc bằng gỗ treo trên tường, cặp mắt anh từ từ ngước lên thấy được mặt tượng, nhưng trong đôi mắt anh nay đã chẳng có ý gì là khẩn cầu, mà chỉ mờ mờ một vẻ ngạc nhiên tại sao Đức Chúa hiền từ và nhẫn nại này lại không có sấm sét để giáng xuống đầu tên linh mục đã tiết lộ cả bí mật của tòa giải tội[9].
[9] Nguyên văn trong tiếng Anh
who betrayed the confessional
.
The confessional
ở đây là: tòa giải tội, hoặc tòa cáo giải, tức một trong 7 bí tích là bí tích xưng tội và giải tội (sacrament of confession of penance).

Viên đại tá nhũn nhặn nói:
- Xin cậu ký giấy biên nhận giấy tờ cho, chúng tôi sẽ chẳng giữ cậu làm gì nữa. Tôi chắc cậu vội về nhà cho nhanh, mà hiện thời tôi cũng rất bận, mất bao nhiêu thời giờ vào cái vụ thằng Bolla điên rồ này. Chính hắn đã làm cho lòng nhẫn chịu Kitô giáo của cậu phải qua một cơn thử thách nặng nề. Tôi e rằng hắn sẽ bị kết án nặng đấy. Thôi, chào cậu!
Arthur ký tờ biên nhận, cầm lấy giấy tờ mà bước ra trong một vẻ câm lặng chết chóc. Anh theo sau bác Enrico ra tới chiếc cổng to lớn và nặng nề, và rồi, cũng không cả một lời từ biệt, anh bước xuống bờ hào có người lái đò đã chờ sẵn để chở anh qua hào. Khi anh bước theo các bậc đá để lên mặt phố thì một thiếu nữ mặc bộ đồ vải, đội mũ rơm, chìa hai tay chạy lại đón anh:
- Arthur! Ôi! Em sung sướng quá, em sung sướng quá!
Anh rụt hai tay lại, run rẩy.
- Jim! - Mãi anh mới cất được tiếng, giọng lạc hẳn: - Jim!
- Em đã chờ ở đây nửa tiếng rồi. Họ bảo đến bốn giờ thì anh được ra. Arthur, sao cứ nhìn em mãi thế? Xảy ra chuyện gì rồi à! Arthur, anh làm sao thế? Đứng lại nào!
Nhưng anh đã quay đi, chầm chậm bước xuống đường phố, dường như quên khuấy cả sự có mặt của cô. Thấy cử chỉ của anh như vậy, cô hoảng hốt chạy theo, nắm lấy tay anh:
- Arthur!
Anh đứng lại, ngước cặp mắt bối rối nhìn lên. Cô nhẹ nhàng khoác lấy tay anh và hai người lại cùng sánh bước trong im lặng.
Cô dịu dàng bắt chuyện:
- Anh thân mến, nghe Jim bảo nhé. Anh đừng mất tinh thần đến thế về câu chuyện tồi tệ ấy. Jim biết anh đau lòng lắm, nhưng mọi người đều hiểu cả rồi.
Vẫn với giọng trầm khàn, anh hỏi lại:
- Câu chuyện gì thế?
- Ý Jim nói bức thư của Bolla ấy mà.
Nghe tên gọi ấy, mặt Arthur quắt lại vì đau đớn.
Gemma nói tiếp:
- Jim cũng nghĩ là anh chưa nghe ai nói đến bức thư ấy, nhưng Jim đoán là bọn họ đã kể lại chuyện với anh rồi. Bolla tưởng tượng ra câu chuyện đó thì quả là hoàn toàn điên rồ.
- Câu chuyện đó...?
- Vậy ra anh không biết thật à? Anh ta đã viết một bức thư khủng khiếp bảo rằng anh đã lộ chuyện tàu bè ra khiến anh ta bị bắt. Chuyện ấy dĩ nhiên là hoàn toàn phi lý rồi, ai quen biết anh đều thấy như thế. Chỉ có người nào không quen biết anh thì mới hoảng hồn lên vì bức thư đó thôi. Quả thật vì thế Jim đến đây... đến nói để anh biết rằng trong nhóm chúng ta chẳng ai tin một chữ nào trong bức thư ấy cả.
- Gemma! Nhưng việc đó... việc đó có thật đấy!
Cô từ từ lùi xa anh và đứng lặng người; đôi mắt cô trợn tròn và tối sầm lại vì khủng khiếp. Mặt cô trắng bệch như chiếc khăn mỏng quàng ở cổ. Một bầu im lặng lạnh buốt đã như một làn sóng to lớn xô tới bủa vây lấy họ, ngăn cách họ ra một thế giới riêng, tách khỏi cuộc sống và cảnh nhộn nhịp trên đường phố.
Cuối cùng, anh khẽ nói:
- Phải. Tàu bè... Tôi có nói đến tàu bè và nói đến cả tên cậu ấy nữa. Ôi! Lạy Chúa tôi! Lạy Chúa tôi! Làm thế nào bây giờ?
Song đột nhiên anh sực tỉnh lại, nhận ra sự hiện diện của cô cùng vẻ kinh hoàng chết chóc trên khuôn mặt cô. Phải rồi, dĩ nhiên rồi, nhất định là cô ấy đang nghĩ rằng...
Anh bước lại gần cô, bật kêu lên:
- Gemma, Gemma chưa hiểu đâu!
Nhưng cô đã ghê tởm lùi lại, hét lên lanh lảnh:
- Đừng chạm vào người tôi!
Với một sức mạnh đột ngột, Arthur vùng nắm chặt lấy cánh tay phải của cô:
- Vì ơn Chúa, hãy nghe tôi nói đã! Không phải lỗi tại tôi. Tôi...
- Buông ra! Buông tay tôi ra! Buông ra!
Kế đó, cô giật tay ra khỏi tay anh rồi xòe bàn tay ra tát vào má anh.
Dường như một màn sương đã che phủ lấy mắt anh. Trong giây lát, anh không còn nhận thức được gì nữa cả, chỉ thấy được khuôn mặt trắng bệch và tuyệt vọng của Gemma và thấy bàn tay phải cô đang giận dữ chùi vào váy áo. Rồi ánh sáng ban ngày đã trở lại... anh đưa mắt nhìn quanh, và chỉ thấy còn mỗi mình đang đứng đó.
Nhấn vào đây để xem chương mới nhất của Ebook Ruồi Trâu.