• 134

Chương 5


Số từ: 6986
Dịch giả: Hà Ngọc
NXB Văn Học
Chiều hôm ấy Áctơ cảm thấy muốn đi chơi một chuyến xa. Anh giao đồ đạc cho một người bạn học, rồi đi bộ về Livoócnô.
Trời ẩm thấp đầy mây, nhưng không lạnh. Áctơ cảm thấy mình đang đi trên một vùng đồng bằng tươi đẹp hơn bao giờ hết. Cỏ ướt mịn dưới chân; và nhìn những bông hoa dại mùa xuân mỉm cười thẹn thò mà duyên dáng ở bên đường, Áctơ thấy vô cùng khoan khoái. Một con chim đang làm tổ trong bụi gai xiêm vàng nơi ven rừng nhỏ hẹp. Thấy bóng Áctơ đi qua, chim hốt hoảng kêu, bay vụt lên không trung, vỗ đôi cánh nhỏ màu nâu sẫm.
Áctơ cầm trí suy nghĩ những ý nghĩ đạo đức, đúng với ý nghĩa bước sang ngày thứ sáu chịu nạn (1). Nhưng hình ảnh Môngtaneli và Giêma luôn hiện ra, cho nên cuối cùng Áctơ đành phải bỏ ý nghĩ ép mình làm như thế. Tính chất kì diệu và quang vinh của cuộc khởi nghĩa sắp tới, ý nghĩa về vai trò gắn cho hai thần tuợng của mình trong cuộc khởi nghĩa ập đến rất nhanh. Trong trí tưởng tượng của của Áctơ, đức cha sẽ là lãnh tụ, là thánh tông đồ, là đấng tiên tri mà mọi thế lực đen tối phải chạy trốn trước sự giận dữ thiêng liêng của người. Dưới chân Người, những vệ sĩ trẻ tuổi của tự do sẽ phải học lại niềm tin và những chân lí cũ trong ý nghĩa mới mà từ trước đến nay chưa ai khám phá ra.
Còn Giêma? Ồ, Giêma sẽ chiến đấu trên chiến lũy. Giêma sinh ra để trở thành nữ anh hùng. Đó là một đồng chí tốt hoàn toàn. Đó sẽ là một thánh nữ trong sáng và dũng cảm mà biết bao thi sĩ hằng mơ ước. Giêma sẽ đứng bên anh, vai kề vai cùng anh chia sẻ niềm vui dưới đôi cánh của bão táp sinh tử. Và họ sẽ cùng nhau hi sinh, hi sinh trong giờ phút thắng lợi vì họ không nghi ngờ gì rằng thắng lợi nhất định sẽ tới. Áctơ sẽ không thổ lộ cho Giêma biết tình yêu của mình, sẽ không ngỏ một lời nào, để khỏi phá cõi lòng yên tĩnh và tình cảm đồng chí êm đẹp của Giêma. Đối với Áctơ, Giêma là một vật linh thiêng, một của lễ thanh khiết hiến dâng lên bàn thờ để sẵn sàng chịu hoả thiêu vì tự do của nhân dân. Vậy mà Áctơ lại dám len vào nơi đất Thánh trong trắng của một tâm hồn chưa biết tình yêu nào khác ngoài tình yêu Thượng đế và nước Ý hay sao?
Thượng đế và nước Ý... Nhưng anh đã thốt nhiên rơi xuống từ chín tầng mây khi anh bước vào ngôi nhà đồ sộ và âm thầm ở
phố Cung điện
. Ngay ở cầu thang anh đã chạm trán với Ghípbơn, người quản gia của Giuli. Y vẫn ăn mặc hết sức sạch sẽ, thái độ vẫn bình thản, và vẫn khinh khỉnh một cách lễ phép như mọi lần.
- Chào bác Ghípbơn, các anh tôi có nhà không?
- Thưa cậu có ông Tômátxơ ở nhà và bà Bớctơn nữa. Hai vị đang ngồi trong phòng khách.
Áctơ bước vào phòng với một cảm giác nặng nề và khó thở. Sao căn nhà ảm đạm thế! Nó chẳng dính dấp gì với cuộc sống sôi nổi như một dòng sông chảy xiết bên ngoài. Trong phòng không hề thay đổi mảy may: vẫn những con người ấy, vẫn những bức ảnh gia đình ấy, vẫn những đồ đạc nặng trịch và những bộ ấm chén khó coi ấy, vẫn một vẻ khoe của kệch cỡm ấy, vẫn một trạng thái không sức sống nằm trong tất cả mọi vật... Ngay đến những bông hoa tươi cắm trong lọ đồng chạm bằng kim khí và phủ một lớp sơn cũng y như hoa giả. Có lẽ trong những ngày xuân ấm áp, nhựa non cũng chẳng bao giờ trào lên hoa cả.
Giuli ngồi trong phòng ấy, nơi trung tâm cuộc sống của mình, đương đợi khách đến ăn cơm. Bộ quần áo dự lễ, nụ cười trơ trẽn, những búp tóc hung, một con chó nhỏ nằm gọn trên đùi – đúng là tranh vẽ trong tờ báo quảng cáo mốt ăn mặc.
- Chào chú Áctơ!
Giuli cất giọng khô khan, thò vội mấy ngón tay cho Áctơ bắt rồi rụt ngay lại để vuốt ve bộ lông mượt của con chó cho thích thú hơn.
- Chắc chú vẫn khoẻ và học được đấy chứ!
Áctơ lầm rầm mấy câu qua quýt vừa thoáng nghĩ ra rồi im lặng một cách gượng gạo. Gã Giêmxơ đã tới với bộ cánh sang trọng và với một viên đại lí hàng tàu đã có tuổi nhưng chải chuốt đi cạnh. Nhưng sự có mặt của họ cũng chẳng làm cho không khí được khá hơn. Mãi đến khi Ghípbơn lên báo cơm chiều đã sửa soạn xong, Áctơ mới đứng dậy khe khẽ thở dài khoan khoái.
- Chị Giuli, hôm nay em không ăn cơm chiều. Xin chị thứ lỗi cho em về phòng đây.
Tômátxơ nói:
- Chú giữ chay quá mức rồi đấy. Tôi dám chắc rằng như vậy chính chú lại tự làm ốm mình đấy thôi.
- Ồ, không đâu! Xin chào anh chị.
Gặp người đầy tớ gái ở hành lang, Áctơ dặn sáu giờ sáng mai đánh thức hộ.
- Mai cậu chủ (2) đi lễ nhà thờ ư?
- Phải. Thôi, chào chị Têrêda.
Áctơ bước vào buồng của mình. Buồng này trước kia là của mẹ Áctơ. Cửa tò vò đối diện với cửa sổ dùng làm nơi cầu kinh khi bà đang ốm liên miên. Một cây thánh giá đặt trên chiếc bệ đen ở giữa bàn thờ. Trước cây thánh giá treo một cây đèn La Mã nhỏ (3). Chính mẹ Áctơ đã qua đời trong buồng này. Một bức chân dung của bà treo trên tường ở một bên giường. Trên bàn, một di vật khác của bà là chiếc bát sứ, trong cắm đầy hoa lan tím, một thứ hoa bà rất ưa thích. Bà Gơlêđixơ mất đã tròn một năm nhưng những người Ý làm trong nhà vẫn chưa quên bà.
Áctơ lấy trong bọc hành lí ra một bức tranh đóng khung bọc cẩn thận. Đó là bức chân dung truyền thần của Môngtaneli gửi từ La Mã về cách đây vài hôm. Áctơ vừa định giở vật quý ấy ra thì thấy một người hầu nhỏ của Giuli bưng vào một chiếc khay. Trên khay, bà ở nấu bếp già người Ý, người đã phục vụ bà Gơlêđixơ mãi cho đến ngày bà chủ mới khắc nghiệt xuất hiện trong nhà này, đã dọn đầy những thức ăn ngon mà theo bà cậu chủ quý mến có thể ăn, không phạm giới răn của Hội Thánh. Áctơ từ chối hết thảy, chỉ nhón một chiếc bánh nhỏ. Cậu hầu nhỏ là cháu Ghípbơn, mới ở Anh sang. Cậu cười một cách láu lỉnh, bưng khay ra khỏi phòng. Cậu đã gia nhập phe Tin lành dưới bếp.
Áctơ bước vào cửa tò vò, quỳ trước thánh giá, cố sức định thần để cầu kinh và suy nghĩ về Chúa. Nhưng qua một hồi rất lâu, Áctơ vẫn chưa định thần được. Đúng như Tômátxơ nói, Áctơ thực quá khắc khổ. Những nỗi kham khổ mà anh tự gây cho mình đã có tác dụng như rượu mạnh. Áctơ hơi rùng mình, tự thấy cây thánh giá như chơi vơi trong sương mù. Nguyện kinh một hồi lâu anh mới cầm trí được để ăn năn tội. Cuối cùng, sự mệt mỏi cực độ của cơ thể đã áp đảo sự căng thăng của thần kinh. Áctơ thiu thiu ngủ, tâm hồn yên tĩnh, thoát khỏi được những ý nghĩ xao xuyến và nặng nề.
Áctơ đương ngủ say thì có tiếng đập cửa phòng rất mạnh và gấp.

Lại Têrêda chứ ai
, anh nghĩ như vậy và uể oải trở mình thì lại có tiếng đập cửa. Áctơ giật thót, bừng tỉnh. Một giọng đàn ông gọi bằng tiếng Ý:
Cậu ơi! Cậu! Dậy ngay đi, trời ơi!

Áctơ nhảy khỏi giường:
- Cái gì thế! Ai đấy?
- Tôi đây, Gian Batítstơ đây ạ. Lạy Đức mẹ đồng trinh phù hộ cho cậu, xin cậu dậy nhanh lên!
Áctơ vội vã mặc quần áo và mở khoá cửa. Anh còn đang ngơ ngác nhìn bộ mặt tái xanh tái xám của người xà ích thì đã nghe thấy tiếng bước chân và tiếng sắt loảng xoảng ngoài hành lang và tức khắc anh hiểu hết mọi việc xảy ra.
Áctơ bình tĩnh hỏi:
- Họ đến tìm tôi phải không?
- Họ đến tìm cậu đấy! Nhanh lên, cậu ơi! Cần cất giấu gì không? Tôi xin giúp cậu...
- Tôi chẳng có gì phải cất giấu cả, các anh tôi đã biết chưa?
Ở đầu hành lang, bộ quần áo lính sen đầm đầu tiên đã hiện ra.
- Ông nhà đã bị gọi dậy. Cả nhà đều dậy cả rồi. Khổ chưa, khổ biết chừng nào lại nhằm vào ngày thứ sáu tuần Thánh nữa chứ. Xin các Thánh phù hộ cho chúng con!
Gian Batítstơ oà lên khóc. Áctơ tiến lên mấy bước về phía những tên sen đầm đang gươm giáo loảng xoảng tiến vào phòng. Theo sau họ là đám người ở, quần áo xộc xệch, run lẩy bẩy. Lũ sen đầm vây lấy Áctơ. Đi cuối cùng đoàn người lạ lùng ấy là ông bà chủ nhà. Ông đi dép lê, mặc áo ngủ, bà quấn chiếc áo choàng dài, đầu đầy giấy uốn tóc.
Thật y như bầy súc vật chạy đi tìm thuyền để lánh nạn đại hồng thủy thứ hai vậy (4); kìa, lại thêm một đôi vợ chồng thú vật ngộ nghĩnh đến nữa kia!
Ý nghĩ ấy thoáng hiện khi Áctơ thấy những bộ mặt ngây ngô đó. Nhưng hiểu rằng cười trong giờ phút nghiêm trọng này là không đúng lúc nên anh cố bấm bụng nhịn.
-
Ave, Maria, Regina, Coeli...
(5)
Áctơ thầm cầu nguyện và quay mặt đi để khỏi trông thấy và khỏi phì cười về những mảnh giấy uốn tóc đang phập phồng trên đầu Giuli.
Bớctơn tiến lại gần viên sĩ quan sen đầm nói:
- Xin ông cho biết tại sao các ông lại dùng vũ lực xông vào nhà riêng như thế này? Tôi xin báo cho các ông biết trước là nếu các ông không giải thích được thoả đáng thì tôi buộc đi thưa ông đại sứ Anh.
Viên sĩ quan lạnh lùng nói:
- Tôi chắc lời giải thích của chúng tôi sẽ thoả mãn được cả ông và đại sứ Anh nữa.
Hắn đưa cho Giêmxơ giấy ra lệnh bắt chàng sinh viên khoa triết học tên là Áctơ Bớctơn.
- Nếu ông cần giải thích gì thêm thì tôi khuyên ông đến hỏi ông chánh sen đầm.
Giuli giật tờ giấy trong tay chồng, đọc lướt qua rồi xỉa xói vào mặt Áctơ với một vẻ thô bỉ của một mụ quý phái lịch thiệp lúc nổi cơn tam bành.
- Mày làm nhơ nhuốc gia đình tao! – mụ ta tru tréo – Bây giờ hàng phố kẻ chợ phỉ nhổ vào mặt chúng tao như thế nào? Lòng ngoan đạo của chúng mày dẫn mày tới đâu? Vào tù à? Không ngờ con mẹ đi đạo Thiên chúa lại đẻ ra cái giống con như mày...
Viên sĩ quan cắt ngang:
- Thưa bà, bà không được phép nói chuyện bằng tiếng nước ngoài với kẻ bị bắt.
Nhưng câu nói của viên sĩ quan bị át đi bởi những lời kết tội mà Giuli tuôn ra hàng tràng tiếng Anh.
- Tao đã biết trước mà! Ăn chay, đọc kinh, cầu nguyện, rặt một thứ che đậy! Tao biết tỏng từ lâu mà!
Có lần bác sĩ Uơren đã ví Giuli như một món xà lách đổ nhiều dấm. Áctơ thấy lợm giọng vì giọng nói the thé của Giuli và chợt nhớ đến lời so sánh ấy.
Áctơ nói:
- Chị không cần phải nói thế. Chị không việc gì mà sợ lôi thôi. Ai cũng biết anh chị chẳng dính dáng gì đến việc này đâu...
Quay về những tên sen đầm anh nói:
- Chắc các ông muốn khám đồ đạc của tôi? Tôi chẳng có gì giấu giếm cả.
Trong khi lính sen đầm khám phòng, lục ngăn kéo, đọc thư, xem sổ ghi bài ở trường đại học, thì Áctơ ngồi ở mép giường. Anh hơi xúc động nhưng không lo lắng gì.
Việc khám xét chẳng làm cho Áctơ lo ngại. Những thư từ nào có thể liên luỵ đến người khác, Áctơ đều đã đốt cả. Giờ đây, ngoài mấy bài thơ chép tay nửa cách mạng, nửa thần bí và hai ba số
nước Ý trẻ
, lính sen đầm chẳng tìm thấy cái gì có thể thưởng công được cho việc lục soát của chúng cả.
Sau một hồi kèo nhèo trước những lời khuyên của Tômátxơ, Giuli mới chịu đi ngủ. Vẻ đài các khinh bỉ, Giuli lướt qua mặt Áctơ. Giêmxơ ngoan ngoãn theo sau.
Từ nãy đến giờ Tômátxơ vẫn đi đi lại lại trong phòng cố làm ra vẻ thản nhiên. Khi vợ chồng Giêmxơ ra rồi, Tômátxơ tiến lại chỗ viên sĩ quan xin phép nói chuyện với kẻ bị bắt. Viên sĩ quan gật đầu đồng ý. Tômátxơ tới chỗ Áctơ, khàn khàn nói:
- Chuyện xảy ra thật lôi thôi quá! Tôi rất lấy làm phiền lòng.
Áctơ ngước nhìn Tômatxơ với đôi mắt trong như một buổi trưa hè tươi nắng. Anh nói:
- Lúc nào anh cũng tốt với em. Anh không có gì phải phiền lòng. Em chẳng sao đâu.
Tômátxơ giật mạnh ria mép và ra cái điều quyết định nói thẳng:
- Chú Áctơ, nghe tôi bảo! Việc này có dính dáng đến tiền nong không? Nếu có thì tôi...
- Sao lại có thể tiền nong được? Tất nhiên, không.
- Vậy thì chính trị phải không? Tôi chắc thế. Thôi thì biết làm thế nào bây giờ... Chú đừng thất vọng và cũng đừng chấp chị Giuli làm gì. Chắc chú cũng đã biết miệng lưỡi chị ấy rồi. Nếu cần tôi giúp tiền nong hoặc gì đó, thì chú cứ cho tôi biết.
Áctơ chìa tay cho Tômatxơ bắt, và Tômatxơ bước ra khỏi phòng. Y cố làm ra vẻ phớt đời nên bộ mặt y lại càng thêm thộn hơn lúc nào hết.
Trong khi đó, bọn sen đầm đã khám xét xong. Viên sĩ quan bảo Áctơ mặc áo khoác ngoài. Áctơ định bước ra khỏi phòmg nhưng bỗng dừng lại và ngập ngừng ở ngưỡng cửa, anh thấy khổ tâm phải từ giã phòng cầu kinh của mẹ trước mặt bọn sen đầm.
Anh nói:
- Các ông có thể ra phòng ngoài một chút không? Tôi không chạy trốn được, mà cũng chẳng có gì giấu giếm cả.
- Tiếc rằng chúng tôi không có quyền để kẻ bị bắt ở lại một mình.
- Thôi thế cũng được.
Áctơ bước vào cửa tò vò, quỳ gối, hôn chân thánh giá và khấn cầu:
- Lạy chúa hãy cho con có đủ sức để trung thành đến cùng.
Viên sĩ quan đứng cạnh bàn ngắm nhìn bức ảnh của Môngtaneli, rồi hất hàm hỏi:
- Người thân thuộc của anh đấy à?
- Không, đó là cha linh hồn của tôi, đức giám mục mới tại Brixighêla.
Những người Ý làm trong nhà lo sợ và buồn rầu đứng đợi Áctơ ở thang gác. Cũng như mẹ, anh được mọi người trong nhà yêu mến. Giờ đây những người làm xúm lại quanh Áctơ, buồn thương hôn tay và áo Áctơ. Gian Batítstơ cũng đứng đó, nước mắt trào ra và rỏ cả xuống chòm râu bạc. Người nhà Bớctơn chẳng có ai ra tiễn cả. Sự lãnh đạm đó càng làm nổi bật lòng trung thực và tình yêu thương của những người ở khiến Áctơ suýt phải khóc trong khi nắm lấy bàn tay đang giơ ra cho anh.
- Thôi chào bác Gian Batítstơ, nhờ bác hôn giùm các cháu nhé! Chị Têrêda ở lại nhé! Hãy cầu nguyện cho tôi, và mong Chúa phù hộ cho mọi người! Thôi chào tất cả, tôi đi đây...
Áctơ chạy nhanh xuống cầu thang.
Một lát sau, chiếc xe ngựa chuyển bánh, trên bậc cửa chỉ còn lại một nhóm đàn ông thẫn thờ và đàn bà khóc thút thit đứng trông theo.
_______________
Chú thích:

(1) Ngày thứ sáu chịu nạn: ngày thứ sáu trước ngày chủ nhật của lễ Phục sinh, ngày Giêsu bị đóng đinh trên cây thánh giá.

(2) Nguyên văn tiếng Ý: signorio, tiếng đầy tớ gọi con cái chủ nhà.
(3) Cây đèn kiểu La Mã xưa, thường đặt trước ảnh thờ.
(4) Một điều trích trong Kinh Thánh. Khi có đại hồng thuỷ trên khắp thế gian, súc vật do Nôê dẫn đầu lên chiếc thuyền đi lánh nạn.

(5) Câu đầu trong một kinh đạo Thiên chúa bằng tiếng La tinh: Kính mừng nữ vương Maria trên trời.

_________________________________________________
........................................................
Chiều hôm ấy Arthur cảm thấy mình cần đi bộ chơi một chuyến xa. Anh gửi đồ đạc cho một bạn học, rồi cuộc bộ đi Leghorn.
Trời ẩm thấp, đầy mây, nhưng không lạnh, và anh bỗng thấy vùng đồng bằng hạ du mình đang đi tươi đẹp hơn bất kỳ lúc nào mình biết trước kia. Cỏ ướt mịn màng dưới chân và những đóa hoa dại mùa xuân thẹn thò mà ngỡ ngàng ló mắt ở ven đường khiến anh khoan khoái trong lòng. Một con chim đang xây tổ trong bụi xiêm gai vàng nơi bìa rừng nhỏ hẹp, thấy bóng anh đi qua, nó bèn hốt hoảng kêu lên và vội vàng vỗ đôi cánh nhỏ màu nâu sẫm mà bay đi.
Anh cố cầm trí vào những suy tư mộ đạo, đúng với ý nghĩa của chiều vọng thứ Sáu Tuần Thánh[1]. Nhưng những ý nghĩ về Montanelli và Gemma đã xen quá nhiều vào sự suy tư thành kính của anh, nên cuối cùng anh đành phải bỏ ý định ấy. Anh buông thả cho trí tưởng tượng của mình bay bổng đến những điều kỳ diệu và những cảnh huy hoàng của cuộc khởi nghĩa sắp tới, và đến cả vai trò anh gắn cho hai thần tượng của mình trong cuộc khởi nghĩa này. Padre phải là lãnh tụ, là thánh tông đồ[2] , là đấng tiên tri[3] , mà mọi thế lực đen tối sẽ phải trốn chạy trước cơn thịnh nộ thiêng liêng của Người, và dưới chân Người, những vệ sĩ trẻ tuổi của Tự do sẽ phải học lại chủ thuyết và những chân lý cũ trong một ý nghĩa hoàn toàn mới mà từ trước đến nay chưa ai tưởng tượng nổi.
[1] To the eve of Good Friday (tiếng Anh): Tức đêm trước ngày thứ Sáu (ngày giáo dân gỡ xác Chúa Giêsu khỏi giá chữ thập) trước ngày Chủ nhật Phục sinh (ngày Chúa Giêsu sống lại).
[2] Apostle (tiếng Anh): Trong khi đang truyền đạo, Đức Giêsu đã chọn 12 người đầu tiên trong số các môn đệ (disciples) để trực tiếp giúp mình. Khi Đức Gieessu lên trời, họ được gọi là các tông đồ (kể cả người thay thế tên Giuđa (Judah) phản bội và kể cả thánh Phaolô (Paul) tuy vốn không ở trong số 12 người đầu tiên). Các tông đề được phong thánh, do đó thường gọi là các Thánh tông đồ.
[3] Prophet (tiếng Anh): Cũng gọi là sứ ngôn hoặc ngôn sứ, tức người giỏi giang, biết và báo trước sự việc (sấm truyền), và thường là tác giả của các sách đạo.

Còn Gemma? Ồ, Gemma sẽ chiến đấu trên các chiến lũy. Cô ấy được kiến tạo bởi những chất liệu làm ra các nữ anh hùng. Cô sẽ là một người đồng chí hoàn hảo, sẽ là một trinh nữ trong trắng tuyệt vời và dũng cảm vô song mà biết bao thi sĩ hằng mơ ước; cô sẽ đứng bên anh, vai kề vai cùng anh chia sẻ niềm vui dưới đôi cánh bão táp của sinh tử. Và họ sẽ cùng nhau hy sinh, có thể là hy sinh trong giờ phút thắng lợi, vì họ không nghi ngờ gì rằng thắng lợi nhất định sẽ tới. Anh sẽ không thổ lộ cho cô biết tình yêu của mình, sẽ không ngỏ một lời nào, để khỏi phá rối cõi lòng yên tĩnh và tình cảm đồng chí êm đẹp của cô. Đối với anh, cô là một vật thánh[4], một hy lễ tinh truyền[5] được dâng lên bàn thờ như một lễ vật toàn thiêu[6] vì sự nghiệp giải thoát nhân dân. Vậy anh là ai mà lại dám len vào nơi cung thánh[7] trong trắng của một tâm hồn chưa biết tình yêu nào khác ngoài tình yêu Thiên Chúa và nước Ý?
[4] A holy thing (tiếng Anh): Vật linh thiêng, vật lễ.


[5] A spotless victim (tiếng Anh): Vật lễ chịu hy sinh để dâng hiến; tinh khiết, không chút bợn nhơ.
[6] A burnt of fering (tiếng Anh): Vật lễ (thời xưa có khi là người) được hiến dâng bằng cách hỏa thiêu (thiêu sống).
[7] Sanctuary (tiếng Anh): Cũng là
gian thánh
, nơi được coi là thiêng liêng nhất trong nhà thờ, đền thời; nơi đặt bàn thờ (altar) và Minh Thánh Chúa (Thánh thể, Eucharist).

Thiên Chúa và nước Ý... Nhưng anh đã thốt nhiên rơi xuống từ chín tầng mây khi bước vào tòa nhà đồ sộ và âm thầm ở
Phố Cung điện
[8]. Ngay ở cầu thang anh đã chạm trán với Gibbons, gã quản gia của Giuli. Y vẫn quần áo trắng bong, thái độ vẫn bình thản, và vẫn khinh khỉnh một cách lễ phép như mọi khi.
[8] Street of Palaces (tiếng Anh): Cũng là
Phố của những lâu đài
.

- Chào Gibbons. Các anh tôi có nhà không?
- Thưa cậu, có ông Thomas ở nhà, và cả bà Burton nữa. Hai vị đang trong phòng khách.
Arthur bước vào nhà với một cảm giác nặng nề và ngột ngạt. Sao tòa nhà ảm đạm thế! Dòng đời dường như cứ thế trôi qua, để mặc cho nó ở mãi một cao trình lơ lửng bên trên. Trong nhà không hề thay đổi mảy may; vẫn những con người ấy, vẫn những bức chân dung gia đình ấy, vẫn những đồ đạc nặng chịch và những bộ bát đĩa vàng bạc khó coi ấy, vẫn một vẻ khoe của kệch cỡm ấy và vẫn một trạng thái thiếu sức sống nắm trong tất cả mọi vật. Ngay đến cả những bông hoa cắm trong những chiếc lọ đồng hệt như được chạm bằng kim khí và được sơn phết kia cũng chẳng hề biết đến dòng nhựa non đang dâng trào bên trong chúng trong những ngày xuân ấm áp. Julia mặc bộ đồ cho bữa ăn tối, đang ngồi chờ khách đến trong phòng khách là nơi trung tâm cuộc sống của mình, với một nụ cười trơ như gỗ, với những búp tóc hoe vàng và với một con chó kiểng nhỏ trên đùi - đúng kiểu là đang ngồi làm mẫu vẽ thời trang.
- Mạnh khỏe chứ, Arhur?
Chị ta nói cứng đơ, chìa vội mấy đầu ngón tay cho Arthur bắt, rồi rụt ngay lại để vuốt ve bộ lông mượt mà của con chó kiểng cho dễ chịu hơn.
- Chắc chú vẫn khỏe mạnh và học hành tấn tới đấy chứ!
Arthur rì rầm mấy câu qua quýt vừa thoáng nghĩ ra, rồi lại rơi vào cảnh im lặng một cách gượng gạo. James đã tới với kiểu cách hào nhoáng nhất và cùng đi với một viên đại lý hãng tàu đã có tuổi nhưng chải chuốt, song sự có mặt của họ cũng chẳng làm cho bầu không khí được khá hơn lên. Mãi đến khi Gibbons lên báo bữa tối đã sửa soạn xong, Arthur mới đứng dậy được và khẽ thở dài nhẹ nhõm.
- Chị Julia, hôm nay em không ăn bữa tối. Chị thứ lỗi, cho em được phép về phòng.
Thomas bảo:
- Giữ chay quá mức rồi đấy, chú em ạ. Tôi dám chắc chú sẽ tự làm ốm mình thôi.
- Ồ, không đâu! Xin chào ạ.
Gặp chị hầu phòng ở hành lang, Arthur dặn sáu giờ sáng mai gõ cửa phòng đánh thức anh dậy.
- Signorino[9] đi lễ nhà thờ ư?
[9] Signorino (tiếng Ý): Lời gọi lịch sự đối với người con trai trẻ tuổi, của đầy tớ đối với cậu chủ.

- Phải. Thôi, chào chị Teresa.[10]
[10] Teresa (tiếng Ý): Tên phụ nữ.

Anh bước vào phòng của mình. Phòng này trước kia là của mẹ anh, còn cửa tò vò đối diện với cửa sổ thì đã được bố trí thành buồng nguyện[11] khi bà đang ốm liên miên. Một tượng Thánh giá lớn dựng trên chiếc bệ đen được đặt chính giữa bàn thờ. Trước tượng Thánh giá treo một cây đèn La Mã nhỏ[12]. Chính là mẹ anh đã qua đời trong căn phòng này. Bức chân dung của bà được treo trên tường bên cạnh giường, còn trên bàn có một di vật nữa của bà là chiếc bát sứ, trong cắm đầy hoa tím, một thứ hoa bà rất ưa thích. Bà mất đã tròn năm rồi mà những người Ý hầu hạ trong nhà vẫn chưa quên bà.
[11] Oratory (tiếng Anh): Buồng cầu nguyện, cũng giống như
nhà nguyện
(Chapel), nhưng đây là buồng nhỏ, cho cá nhân.
[12] Cây đèn La Mã nhỏ: Cây đèn kiểu La Mã xưa, thường đặt trước tượng, ảnh thờ.

Anh lấy trong vali nhỏ ra một bức tranh đóng khung được gói ghém cẩn thận. Đó là bức chân dung truyền thần của Montanelli mới gửi từ Roma về cách đây vài hôm. Anh đang giở vật báu ấy ra thì thấy anh hầu nhỏ của Julia bưng vào một chiếc khay. Trên khay, bà nấu bếp già người Ý, người đã phục vụ bà Gladys mãi cho đến ngày có bà chủ mới khắc nghiệt xuất hiện trong nhà này, đã dọn đầy những thức ăn ngon, mà theo bà, cậu signorino quý mến có thể ăn, không sợ phạm giới răn của Hội Thánh[13]. Arthur từ chối tất, chỉ lấy một miếng bánh nhỏ. Thấy vậy, anh hầy nhỏ là cháu của Gibbons, mới ở Anh sang, đã nhăn nhở cười một cách ý nhị, mà bưng khay ra khỏi phòng. Thì ra thằng bé này đã sớm gia nhập phe Tin lành dưới khu buồng của những người đầy tớ.
[13] The Church (tiếng Anh): Cũng là Giáo hội, tức Nhà thờ hoặc Đạo nói chung.

Arthur bước vào cửa tò vò, quỳ trước tượng Thánh giá, gắng cầm trí để cầu nguyện và suy tư. Nhưng anh thấy ra rằng đó là điều anh khó lòng làm được. Đúng như Thomas nói, quả là anh đã quá khắc khổ trong việc giữ những giới răn của Mùa Chay[14] và những nỗi khan khổ đó nay đã bốc lên đầu anh như rượu mạnh. Anh thấy có những xung động nhẹ tỏa xuống sống lưng và thấy cây thánh giá như chơi vơi trong một đám mây mù trước mắt mình. Chỉ sau khi đã lặp đi lặp lãi mãi bản Kinh Cầu[15] dài, anh mới tập trung được trí tưởng tượng vẩn vơ của mình vào bí tích Xá tội nhiệm màu[16]. Cuối cùng, nỗi mệt mỏi cực độ của cơ thể đã áp đảo tình trạng kích động căng thẳng của thần kinh, anh ngả mình xuống, tâm hồn bình lặng và yên tĩnh, không còn xao xuyến và xáo động nữa.
[14] The Lenten privations (tiếng Anh): Lenten là thuộc Mùa Chay (Lent), tức khoảng thời gian 40 ngày cho tới Lễ Phục sinh (Easter) các tín đồ Công giáo phải dốc lòng cầu nguyện, sám hối, ăn chay thậm chí còn theo các giới răn khắc nghiệt (privations) khác nữa để
dọn lòng
đón nhận các ân sủng của Chúa Giêsu (Jesus).
[15] Litany (tiếng Anh): Bản kinh dài, gồm nhiều câu khấn nguyện, sau mỗi câu lại lặp lại câu
Xin cầu cho chúng con
, hoặc
Xin thương xót chúng con
.
[16] The mystery of the Atonement (tiếng Anh): Cũng là sự nhiệm mầu của việc (Chúa) cho chuộc tội và tha tội.

Anh đang mau chóng chìm mình vào giấc ngủ say thì có tiếng đập cửa phòng rất mạnh và gấp gáp.
À Teresa đấy mà!
, anh nghĩ vậy và uể oải trở mình. Lại có tiếng đập cửa nữa khiến anh giật thót, bừng tỉnh.
Một giọng đàn ông bằng tiếng Ý:
Signorino! Signorino!! Dậy ngay đi, vì lòng yêu Chúa!
.
Arthur nhảy ra khỏi giường:
- Chuyện gì thế? Ai đấy?
- Tôi đây, Gian Battista[17] đây ạ. Cậu dậy đi, nhanh lên, lạy Đức Mẹ phù hộ cho cậu!
[17] Gian Battista (tiếng Ý): Họ và tên nam giới.

Arthur vội vã mặc quần áo và ra mở cửa. Anh còn đang ngơ ngác nhìn bộ mặt tái mét vì khiếp đảm của người xà ích thì đã nghe tiếng chân bước rậm rịch và tiếng sắt thép loảng xoảng dọc hành lang, và tức khắc anh hiểu hết mọi việc xảy ra.
Anh bình tĩnh hỏi:
- Họ đến tìm tôi phải không?
- Họ đến tìm cậu đấy! Ôi, signorino, nhanh lên! Có cần cất giấu gì không? Cậu ơi, con có thể đem giấu vào...
- Tôi chẳng có gì phải cất giấu cả. Các anh tôi đã biết chưa?
Ở đầu hành lang, bộ sắc phục lính sen đầm[18] đầu tiên đã hiện ra.
[18] Gendarme (tiếng Anh): Cũng gọi là hiến binh, một lực lượng vũ trang của cảnh sát hoặc lực lượng vũ trang chính cống (bộ binh hay kỵ binh) làm nhiệm vụ duy trì an ninh công cộng, thường là lực lượng đóng chiếm, hành động rất hung hãn theo một lệnh giới nghiêm khắc nghiệt.

- Signor[19] đã bị gọi dậy. Cả nhà đều thức giấc cả rồi. Chao ôi! Rủi ro quá... rủi ro biết chừng nào! Lại đúng vào ngày thứ Sáu Tuần Thánh[20] nữa chứ! Kính lạy các Thánh rủ lòng thương xót!
[19] Signor (tiếng Ý): Ông, ngài; đây là ông chủ.
[20] Good Friday (tiếng Anh): Từ Công giáo, chỉ ngày thứ Sáu Tuần Chịu Nạn (Passion Week; cũng là Holy Week), tuần lễ trước lễ Phục sinh (Easter). Xem từ trang 86.

Gian Battista òa lên khóc. Arthur lên mấy bước, đứng chờ những tên sen đầm đang gươm súng loảng xoảng tiến đến, theo sau chúng là đám người ở run lẩy bẩy, quần áo nhếch nhác đủ kiểu. Khi lũ sen đầm đã quây lấy Arthur, thì mới rõ ra rằng đi đoạn hậu đoàn người lạ lùng ấy là ông bà chủ nhà, ông khoác chiếc áo ngủ, chân đi dép lê bằng dạ, bà quấn áo peignoir[21] dài, đầu đầy những cuộn giấy uốn tóc.
[21] Peignoir (tiếng Pháp): Nghĩa đen là áo mặc khi chải tóc, nói chung là áo choàng của phụ nữ mặc để trang điểm sau khi tắm.


Quả đúng là một trận đại hồng thủy thứ hai đang ập tới và những cặp đôi như thế kia là đang chạy đến tìm thuyền[22]! Kìa, lại thêm một đôi vợ chồng thú vật hết sức kỳ quặc nữa kia
. Cái điển tích ấy vụt lóe ra trong đầu Arthur, khi anh ngó nhìn những bộ dạng kệch cỡm nọ. Anh cố bấm bụng nhịn cười, biết rằng cười nhạo lúc này là không đúng chỗ một cách hết sức vô duyên, - giờ phút này cần cho những suy nghĩ đáng giá hơn.
Ave Maria Reigna Coeli!
[23] - anh thầm cầu nguyện rồi đành phải quay mặt đi kẻo lại trông thấy những cuộn giấy uốn tóc nhấp nhô trên đầu Julia mà không nín nhịn được những điều khinh suất mới.
[22] Một điển tích trong Kinh Thánh, kể rằng ban sơ Chúa Trời thấy loài người do Ađam và Êva sinh ra quá độc ác, bèn quyết định làm trận đại hồng thủy để xóa sạch thế giới. Nhưng thấy Nôê (Noah) là người tốt đáng được ân sủng, Chúa Trời đã báo cho Nôê biết và ra lệnh cho đóng một chiếc thuyền lớn để chở gia đình và các loại súc vật theo từng cặp đôi (đực cái), và sau 40 ngày 40 đêm đại hồng thủy, cả thuyền đã sống sót và lại sinh sôi cho đến bây giờ! Sau trận đại hồng thủy ấy, Chúa Trời giao ước sẽ không bao giờ có một trận thứ hai nữa.
[23]
Ave Maria, Regina Coeli
(câu đầu trong một bài kinh bằng tiếng Latinh):
Kính mừng Maria, Nữ vương Thiên Đàng!


Ông Burton tiến lại gần viên sĩ quan sen đầm, nói:
- Xin ông vui lòng giải thích cho tôi biết việc dùng vũ lực đột nhập vào nhà riêng như thế này là nghĩa thế nào? Tôi xin cảnh cáo trước là nếu các ông không sẵn sàng giải thích được thỏa đáng, tôi sẽ buộc lòng phải đi thưa với ông Đại sứ Anh.
Viên sĩ quan tỉnh bơ đáp:
- Tôi đoán chắc ông sẽ thừa nhận rằng tờ giấy này là lời giải thích vừa đủ, và chắc chắn là cả đối với ông Đại sứ Anh nữa.
Hắn rút ra trát bắt Arthur Burton, sinh viên khoa triết học, trao cho James rồi lạnh lùng bổ sung:
- Nếu ông muốn được giải thích gì thêm nữa, tốt nhất ông đích thân đến hỏi ông chánh cảnh sát.
Julia giật lấy tờ giấy trong tay chồng, đọc lướt qua rồi xỉa xói vào mặt Arthur với một vẻ không gì khác hơn trên đời này là vẻ một mụ quý phái thời thượng đang nổi cơn tam bành. Mụ tru tréo lên:
- Vậy ra chính mày là kẻ đã làm nhơ nhuốc cả gia đình! Mày làm cho bây giờ bọn dân ngu khu đen trong thành phố này cứ há hốc mồm ra mà nhòm vào nhà ta như có trò hề vậy! Với tất cả lòng ngoan đạo của mày hóa ra mày lại thành thằng tù mọt gông! Té ra điều chúng tao mong đợi ở thằng con của cái mụ đi theo Giáo hoàng[24] rút cục là như thế này đây...
[24] The Popish woman (tiếng Anh): Julia cũng như đại đa số người Anh theo Anh giáo (Anglicanism), một loại Tin lành trở thành một quốc giáo, độc lập tách khỏi Công giáo, không theo Giáo hoàng và Vatican, nên mới có lời lẽ càng miệt thị như vậy. Xem các trang 34, 41...

Viên sĩ quan cắt ngang:
- Bà không được nói chuyện bằng tiếng nước ngoài với kẻ bị bắt, thưa bà.
Nhưng lời cự nự của hắn đã bị át đi bởi những lời la lối om sòm mà Julia tuôn ra xối xả bằng tiếng Anh.
- Điều chúng ta mong đợi té ra là thế này đây! Nào ăn chay, nào cầu nguyện, nào là suy tư thánh thiện, hóa ra rặt là những thứ che đậy! Tao đã biết tỏng cái kết cục này rồi mà!
Có lần bác sĩ Warren đã ví Julia như một món xà lách mà đầu bếp đã lỡ tay đánh đổ hết lọ dấm vào. Arthur thấy ghê cả răng vì giọng nói the thé của Julia nên mới lại sực nhớ tới lời so sánh ấy.
Anh bảo:
- Không cần phải nói kiểu thế đâu. Chị chẳng phải sợ lôi thôi, ai cũng sẽ biết các anh chị chẳng dính líu gì đến việc này. Còn các quý ông, chắc các ông muốn khám đồ đạc của tôi? Tôi chẳng có gì giấu giếm cả.
Trong khi bọn lính sen đầm lục soát căn phòng, đọc thư từ, xem xét các giấy tờ ghi chép trong trường đại học, bới tung các ngăn kéo và các hộp đựng, anh ngồi chờ ở mép giường, mặt hơi bừng lên vì xúc động, nhưng không lấy gì làm đau buồn cả. Việc khám xét chẳng làm anh lo ngại. Những thư từ nào có thể liên lụy đến một ai, anh đều luôn đốt đi cả. Giờ đây, ngoài mấy bài thơ chép tay với nội dung nửa cách mạng, nửa thần bí và hai, ba số Nước Ý trẻ, lính sen đầm chẳng tìm thấy gì có thể thưởng công được cho việc lục soát của chúng cả. Còn Julia, sau một hồi lâu kèo nhèo mụ mới chịu nhượng bộ trước những lời van vỉ của cậu em chồng mà quay về buồng ngủ. Vẻ đài các khinh khi, mụ lướt qua mặt Arthur, chàng James ngoan ngoãn theo sau.
Suốt từ nãy đến giờ Thomas vẫn đi đi lại lại trong phòng, cố làm ra vẻ thản nhiên. Khi vợ chồng James ra rồi, anh ta tiến lại chỗ viên sĩ quan xin phép nói chuyện với kẻ bị bắt. Viên sĩ quan gật đầu đồng ý, anh ta bèn đến chỗ Arthur, khàn khàn giọng, càu nhàu:
- Tôi nói thật chứ, chuyện này rắc rối kinh khủng đấy. Tôi hết sức phiền lòng.
Arthur ngước mắt nhìn len với gương mặt trong trẻo như một buổi sáng ngày hè. Anh bảo:
- Bao giờ anh cũng tốt với em. Anh không có gì phải phiền lòng. Em chẳng sao đâu.
Thomas giật mạnh ria mép và bập ngay vào cái vấn đề anh ta bảo là rắc rối ấy.
- Arthur, nghe đây! Tất cả chuyện này... có tý gì dính dáng đến... tiền nong không? Bởi vì, nếu có thì anh...
- Dính dáng đến tiền nong ư? Sao lại thế được ạ! Làm sao lại có thể dính dáng đến...
- Vậy thì lại cái trò dại dột gì đó về chính trị phải không? Tôi nghĩ thế. Thôi thì cũng đừng ngã lòng, chú ạ... và cũng đừng chấp những điều Julia nói. Chẳng qua chỉ là miệng lưỡi độc địa của chị ấy đấy thôi. Và nếu chú cần tôi giúp, tiền nong hoặc gì đó, chú cứ cho tôi biết, được chứ?
Arthur lặng lẽ chìa tay ra, rồi Thomas bước khỏi phòng. Anh ta cố hết sức nặn cho mình một vẻ không quan tâm, nên bộ mặt anh ta lại càng có vẻ phớt đời hơn bao giờ hết.
Trong khi đó, bọn sen đầm đã khám xét xong. Viên sĩ quan đang thực thi công vụ liền đòi Arthur phải mặc bộ thường phục vào. Anh tuân theo ngay và trở gót để bước ra khỏi phòng, nhưng rồi bỗng ngập ngừng và đứng sững lại. Dường như anh thấy khổ tâm phải từ giã buồng nguyện của mẹ trước mặt những nhà đương cục như thế này.
Anh hỏi:
- Các ông có thể chấp nhận ra ngoài chờ một lát được không? Tôi không chạy trốn được, mà cũng chẳng có gì để giấu giếm cả.
- Tiếc rằng chúng tôi không được phép để người bị bắt ở lại một mình.
- Cũng được thôi, chẳng sao đâu.
Arthur bước vào cửa tò vò, quỳ xuống, hôn chân vào bệ tượng Thánh giá rồi khấn thầm:
- Lạy Chúa, xin Chúa phù hộ cho con giữ được lòng thành cho đến chết.
Khi đứng dậy, anh thấy tên sĩ quan còn đang đứng cạnh bàn ngắm nhìn bức chân dung của Montanelli. Y hỏi:
- Người thân thuộc của anh đây à?
- Không, đó là cha giải tội cho tôi. Đức tân Giám mục tại Brisighella.
Ở thang gác, những người Ý hầu hạ trong nhà đang lo sợ và buồn rầu đứng đợi anh. Tất cả mọi người ăn kẻ ở trong nhà đều yêu mến anh, yêu mến chính bản thân anh và cả mẹ anh, và họ xúm cả lại quanh anh, dào dạt buồn thương hôn tay, hôn áo anh. Bác Gian Battista cũng đứng đó, nước mắt nhỏ xuống hai hàng ria xám bạc. Họ nhà Burton chẳng có ai ra tiễn cả. Sự lãnh đạm này càng làm nổi bật lòng quyến luyến và tình yêu thương của những người đầy tớ, khiến Arthur suýt bật khóc khi siết chặt lấy những bàn tay đang chìa ra cho anh.
- Thôi, chào bác Gian Battista, bác hôn giùm các em nhỏ cho cháu nhé! Chị Teresa ở lại nhé! Mọi người hãy cầu nguyện cho tôi, và xin Chúa phù hộ cho mọi người! Thôi, chào tất cả, chào tất cả.
Arthur hối hả chạy xuống cầu thang ra cửa trước. Một lát sau, trên bậc cửa chỉ còn lại một nhóm đàn ông nín lặng và đàn bà thổn thức đứng trông theo cỗ xe ngựa đang chuyển bánh đi mỗi lúc một xa.
Nhấn vào đây để xem chương mới nhất của Ebook Ruồi Trâu.