• 137

Chương 4


Số từ: 7134
Dịch giả: Hà Ngọc
NXB Văn Học
Lòng lâng lâng nhẹ nhàng như đôi cánh chim, Áctơ trở về nhà. Áctơ cảm thấy tràn ngập một niềm vui trong sáng không gợn một chút mây lo buồn. Tại hội nghị, người ta đã có ý nói tới chuẩn bị vũ trang khởi nghĩa. Và Giêma giờ đây đã là đồng chí của Áctơ, và Áctơ đã yêu Giêma. Hai người sẽ cùng nhau công tác và có lẽ sẽ cùng nhau hi sinh trong cuộc đấu tranh cho nền cộng hoà đang tiến tới nền cộng hoà, mùa nở hoa của hi vọng đã đến kia rồi! Đức cha sẽ thấy và sẽ tin.
Nhưng sáng hôm sau, khi Áctơ bừng tỉnh dậy, lòng anh đã tỉnh táo hơn. Anh sực nhớ rằng Giêma sắp đi Livoócnô còn đức cha sẽ đi La Mã.
Giêng, hai, ba... còn ba tháng dài nữa mới tới lễ Phục sinh! Giêma trở về với gia đình, lỡ ra lại rơi vào ảnh hưởng của đạo Tin lành thì sao? (trong ngữ vựng của Áctơ,
tín đồ Tin lành

Philistanh
(1) chỉ là một nghĩa)... Không, khác hẳn thế, Giêma sẽ không đua đòi thói mơn trớn, làm đỏm để hòng quyến rũ các tay du lịch và những chủ tàu hói trán, như những tiểu thư Anh khác ở Livoócnô. Nhưng Giêma chắc sẽ rất khổ tâm. Tươi trẻ như vậy, lại không có bạn bè, Giêma hẳn sẽ cảm thấy rất cô đơn giữa những con nguời gỗ đá ấy... Ồ, giá mẹ mà còn sống nhỉ!
Đến chiều, Áctơ vào trường dòng thấy Môngtaneli đang nói chuyện với cha giám đốc mới. Vẻ mặt Môngtaneli vừa mệt mỏi vừa cau có. Thấy Áctơ, Môngtaneli không tươi vui lên như mọi khi mà sa sầm nét mặt.
Khi giới thiệu Áctơ với cha giám đốc mới, Môngtaneli nói bằng một giọng khô khan:
- Đây là cậu sinh viên tôi vừa nói với cha. Cha cứ cho cậu ấy dùng sách của thư viện như trước thì tôi rất đội ơn.
Cha Cácđi là một giáo sĩ có tuổi, vẻ mặt phúc hậu. Cha nói chuyện ngay với Áctơ về trường học. Giọng nói tự nhiên thân mật của cha chứng tỏ cha rất hiểu sinh hoạt của sinh viên. Câu chuyện chuyển rất mau lẹ tới một vấn đề nóng hổi trước mắt bấy giờ là những chế độ quá nghiêm ngặt của nhà trường đại học.
Điều làm Áctơ hết sức vui mừng là cha giám đốc mới phê bình kịch liệt ban giám đốc nhà trường đã hạn chế sinh viên những đìều hết sức vô lí khiến cho sinh viên công phẫn.
Cha nói:
- Về việc hướng dẫn thanh niên, tôi có nhiều kinh nghiệm. Nguyên tắc của tôi là bất cứ việc gì không có lí do xác đáng thì nhất định không nên cấm. Nếu đối xử tốt với thanh niên, tôn trọng nhân cách của họ, thì số thanh niên làm cho bề trên phải phiền lòng cũng rất ít thôi. Con giun xéo lắm cũng quằn nữa là.
Áctơ tròn xoe mắt. Anh không ngờ cha giám đốc mới lại bênh vực quyền lợi của sinh viên đến thế. Môngtaneli không tham gia câu chuyện, hình như ông không quan tâm gì đến vấn đề ấy. Trông ông phờ phạc chán ngán đến nỗi cha Cácđi phải đột nhiên nói:
- Thưa đức cha, chắc tôi làm đức cha mệt lắm nhỉ. Đức cha thứ lỗi cho, tính tôi hay nói nhiều, tôi quá chú tâm vào vấn đề này thành thử không để ý đến việc người khác có thể thấy chán.
- Trái lại, vấn đề ấy tôi rất quan tâm.
Môngtaneli chẳng bao giờ tỏ vẻ khách sáo cả, nên giọng nói của ông làm Áctơ khó chịu.
Khi cha Cácđi đi khỏi, Môngtaneli quay về phía Áctơ, nhìn anh với vẻ lo lằng đăm chiêu suốt buổi chiều hôm nay. Ông chậm rãi nói:
- Áctơ, con thân yêu, cha có việc cần nói với con.
Áctơ lo ngại nhìn bộ mặt đờ đẫn của Môngtaneli, óc vụt nghĩ:
Chắc lại có tin chẳng lành đây
.
Im lặng hồi lâu.
Môngtaneli bỗng hỏi:
- Con có thích cha giám đốc mới không?
Câu hỏi đột nhiên đến nỗi Áctơ không biết trả lời ra sao cả.
- Con... con rất thích... Con nghĩ... ít nhất là... à không con cũng chưa biết chắc là con có thích cha ấy không. Nhưng mới gặp lần đầu thì cũng khó nói.
Ngồi gõ tay vào ghế, một cử chỉ rất quen thuộc mỗi khi có điều gì phải lo nghĩ, Môngtaneli nói tiếp:
- Còn về việc cha đi, nếu con không đồng ý... Ờ... Áctơ nếu con muốn, thì cha sẽ viết thư về La Mã và nói rằng không thể đi được.
- Thưa cha! Nhưng Vaticăng...
- Vaticăng sẽ tìm người khác. Cha sẽ viết thư xin lỗi.
- Nhưng sao lại thế? Con không hiểu được.
Môngtaneli đưa tay lên vuốt trán.
- Cha lo cho con lắm. Cha không thể không nghĩ rằng... Vả lại cũng chẳng cần thiết phải đi nữa...
- Thế còn chức giám mục thì sao?
- Ồ, Áctơ! Còn sung sướng nỗi gì nếu cha được thăng chức giám mục mà lại mất mất...
Môngtaneli bỗng ngừng bặt, Áctơ thấy bối rối vô cùng. Chưa bao giờ Áctơ thấy cha như vậy cả.
Anh luống cuống nói:
- Con chẳng hiểu thế nào cả... Cha, cha nói rõ đi, cha cho con biết cha lo lắng điều gì?
- Có gì đâu. Cha bị một mối lo khủng khiếp ám ảnh. Con cho cha hay, con có gặp một mối nguy hiểm đặc biệt nào không?
Áctơ nhớ tới những lời xì xào bàn tán về chuẩn bị khởi nghĩa và nghĩ thầm:
Chắc cha nghe thấy rồi đây?

Nhưng biết rằng không thể lộ bí mật, Áctơ chỉ trả lời bằng một câu hỏi:
- Có gì đặc biệt được thưa cha?
- Đừng hỏi, hãy trả lời đi – Vì xúc động Môngtaneli nói gần như gay gắt. – Có gì đe dọa con không? Cha không muốn biết những bí mật của con đâu. Con chỉ trả lời cho cha điều ấy thôi.
- Thưa cha, tất cả chúng ta đều ở trong tay Chúa cả. Điều gì cũng có thể xảy ra. Nhưng con thấy rằng không có lí gì con lại không thể bình yên vô sự cho đến khi cha trở về.
- Cho tới khi cha trở về... hãy nghe đây, carino. Cha để cho con quyết định lấy. Cha không cần con giải thích nhiều. Chỉ cần con nói:
Cha hãy ở lại
là cha sẽ từ chối không đi nữa. Điều đó chẳng có hại cho ai và con, cha tin rằng có cha ở đây thì con sẽ bằng an.
Tâm trạng kì quặc của Môngtaneli hôm nay làm Áctơ nhìn ông với một vẻ hết sức lo âu.
- Cha, cha ốm mất rồi. Cha phải đi La Mã mà tĩnh dưỡng cho khỏi bệnh mất ngủ và nhức đầu đi thôi...
- Được lắm. – Môngtaneli cắt ngang câu chuyện hình như đã chán ngấy rồi. – Sáng mai cha sẽ đi chuyến xe ngựa chở khách đầu tiên.
Áctơ ngơ ngác nhìn Môngtaneli:
- Hình như cha còn điều gì muốn nói với con?
- Không, không, không có gì nữa... Không có gì quan trọng nữa cả.
Trong đôi mắt sững sờ của Môngtaneli là một vẻ lo âu, gần như hoảng sợ.


Vài ngày sau khi Môngtaneli ra đi, Áctơ đến thư viện trường dòng để mượn sách, gặp cha Cácđi ở cầu thang. Cha giám đốc kêu:
- A, cậu Bớctơn. Tôi đang cần cậu đây. Mời cậu lên phòng tôi. Tôi có việc khó khăn đang định nhờ cậu giúp.
Ông mở cửa phòng làm việc, và Áctơ bước theo ông ta với một cảm giác khó chịu ngấm ngầm. Nhìn căn phòng làm việc thân yêu, nơi thánh thất của cha Môngtaneli nay bị người khác chiếm mất, Áctơ cảm thấy chua xót trong lòng.
Cha giám đốc nói:
- Tôi là một con mọt sách đấy. Tôi đến đây, việc đầu tiên là xem thư viện. Đó là một việc hứng thú, nhưng tôi chẳng hiểu bản kê sách sắp xếp theo hệ thống nào cả.
- Bản thư mục chưa được đầy đủ, phần lớn các sách quý đều mới đưa đến.
- Cậu có thể để độ nửa giờ giảng giúp tôi hệ thống thư mục không?
Hai người bước vào thư viện, và Áctơ tỉ mỉ nói rõ, mọi điều cần thiết. Khi Áctơ cầm mũ định đi ra thì cha giám đốc ngăn lại với một nụ cười:
- Không, không. Tôi không thể cho cậu vội về như thế đâu. Hôm nay thứ bảy, để đến sáng thứ hai học cũng được. Cậu ở lại đây, ăn cơm với tôi, đằng nào cũng muộn rồi còn gì. Bây giờ tôi chỉ có một mình thôi, thêm cậu tôi vui lắm.
Thái độ xởi lởi và đon đả của cha làm cho Áctơ thấy dễ chịu ngay từ phút đầu. Sau mấy câu chuyện phiếm, cha giám đốc hỏi Áctơ biết Môngtaneli từ lâu chưa.
- Gần bảy năm. Năm đức cha ở Trung Quốc về, con mới mười hai tuổi.
- À phải. Bên ấy cha nổi tiếng là một nhà truyền đạo xuất sắc. Và từ đó trở đi cha hướng dẫn cho cậu học ư?
- Một năm sau đức cha mới dạy con học, vào khoảng con bắt đầu nhận cha là cha linh hồn. Khi con vào đại học Xapiênđa thì cha tiếp tục bảo con học những môn không có trong chương trình đại học. Cha đối xử với con tốt lắm! Tốt không thể tưởng tượng được!
- Tôi sẵn lòng tin lắm. Con người ấy ai mà chẳng mến phục, thật là một tâm hồn đẹp đẽ cao quý hết sức. Nhiều lần tôi có dịp gặp các nhà truyền giáo đã từng làm việc với đức cha tại Trung Quốc. Họ cũng tìm đủ lời để khen ngợi nghị lực, tinh thần dũng cảm trong những giờ phút khó khăn và lòng thành không gì lay chuyển nổi của đức cha. Cậu nên cảm ơn số mệnh đã cho cậu một người như thế để dìu dắt cậu trong thời niên thiếu. Nghe đức cha nói hình như cậu mồ côi từ sớm.
- Thưa vâng, cha con mất từ khi con còn bé, mẹ con qua đời cách đây một năm.
- Cậu có anh chị em gì không?
- Không, chỉ có hai anh cùng cha khác mẹ thôi... Nhưng khi con còn phải ẵm các anh ấy đã lập nghiệp cả rồi.
- Chắc rằng vì cậu mồ côi từ nhỏ nên cậu mới càng thêm quý mến lòng tốt của đức cha Môngtaneli như vậy. Thế khi đức cha Môngtaneli đi vắng thì cậu có cha nào giải tội không?
- Nếu các cha xứ Đức bà Catarina không có nhiều người đến xưng tội quá thì con định xin một cha giải tội cho.
- Thế cậu có muốn tôi giải tội cho không?
Áctơ trố mắt ngạc nhiên:
- Thưa cha kính mến, tất nhiên, con... con rất sung sướng, nhưng chỉ sợ...
- Chỉ sợ cha giám đốc trường dòng thường không giải tội cho người ngoài đời phải không? Đúng thế, nhưng tôi biết là Môngtaneli rất chăm sóc cậu và nếu tôi không lầm, cha rất lo lắng cho sự bằng an của cậu thì phải. Nếu tôi phải xa học trò yêu của tôi thì tôi cũng lo lắng như vậy. Nếu đức cha Môngtaneli biết rằng có đồng nghiệp chăm sóc cho phần hồn của cậu thì chắc cha vui lòng lắm. Hơn nữa, con của cha, cha nói thật với con là cha ưa con lắm. Điều gì giúp được con thì cha vui lòng giúp.
- Nếu vậy thì tất nhiên con rất đội ơn cha.
- Thế đến tháng sau cha sẽ đợi con tới xưng tội nhé...? Tốt lắm! Ngoài ra chiều nào rảnh rang con cứ lại đây với cha, con của cha ạ!


Trước lễ phục sinh không lâu, có tin chính thức Môngtaneli bổ nhiệm làm giám mục và đi cai quản địa phận Brixighêla, một khu nhỏ vùng núi Apênanh Êtơrút (2). Đọc những lời lẽ bình tĩnh và phấn khởi trong thư ông gửi cho Áctơ từ La Mã cũng thấy nỗi u buồn của ông đã qua rồi. Môngtaneli viết:
Mỗi kì nghỉ hè con phải đến thăm cha và cha hứa sẽ luôn đến thành Pidơ. Thế nào cha cũng phải gặp con, dù không được gặp nhiều như cha mong muốn cũng được.

Bác sĩ Uơren mời Áctơ đến ăn mừng lễ Phục sinh ở nhà ông chứ không phải ở toà lâu đài cổ lỗ, âm u và đầy chuột mà Giuli hiện nay đã độc chiếm. Trong thư có kèm theo một mẩu giấy con với nét chữ viết vội, nguệch ngoạc như trẻ con của Giêma. Giêma khẩn khoản rằng nếu có điều kiện thì Áctơ đến chơi vì
Giêma có chuyện cần nói với Áctơ
.
Tin đồn đại trong đám sinh viên càng làm cho Áctơ phấn khởi. Mọi người đều chờ đợi những biến cố lớn sau lễ Phục sinh.
Tất cả những điều đó đem đến cho Áctơ một tâm trạng hân hoan chờ đợi, và Áctơ tưởng chừng như tất cả những điều vô lí hết sức kì lạ mà sinh viên thì thào với nhau đều rất tự nhiên và sắp trở thành hiện thực đến nơi trong vòng hai tháng tới.
Áctơ định đến thứ năm trong tuần Thánh (3) sẽ về nhà nghỉ ngơi mấy ngày đầu để nỗi vui gặp gỡ Giêma khỏi ảnh hưởng tới tâm niệm nghiêm trang mà giáo hội khuyên răn bổn đạo phải giữ trong những ngày lễ ấy. Tối thứ tư, Áctơ viết cho Giêma báo tin sẽ tới vào ngày thứ hai, sau ngày lễ Phục sinh rồi Áctơ đi ngủ, lòng rất thư thái.
Áctơ quỳ trước Thánh giá. Cha Cácđi hứa sáng mai sẽ giải tội cho nên lúc này Áctơ phải đem hết lòng thành cầu nguyện rất lâu để dọn mình ăn năn lần cuối cùng trước lễ Phục sinh. Quỳ gối, chắp tay, Áctơ cúi đầu ôn lại từng ngày trong tháng qua, nhớ lại từng tội lỗi nhỏ nhặt đã làm vẩn đục tâm hồn trong trắng của mình như sốt ruột, cẩu thả, không cầm trí. Ngoài những điều ấy, Áctơ chẳng tìm thêm được gì cả: trong những ngày hạnh phúc như thế làm gì có nhiều tội lỗi được? Áctơ làm dấu thánh giá đứng dậy và bắt đầu cởi quần áo.
Khi cởi áo sơ mi một mảnh giấy từ trong áo rơi ra. Đó là thư của Giêma mà Áctơ ấp ủ trong ngực suốt tuần lễ nay. Áctơ nhặt lên, mở ra, hôn những dòng chữ nguệch ngoạc yêu quý rồi gấp lại, và bỗng dưng lấy làm hổ thẹn vì cử chỉ buồn cười của mình. Giở nhìn mặt sau, Áctơ bỗng thấy bức thư có thêm mấy dòng tái bút, mà anh chưa hề đọc tới:
Áctơ, thế nào cũng đến nhé, càng sớm càng hay; Giêma sẽ giới thiệu Áctơ với Bôla. Bôla ở đây, ngày nào hai đứa chúng tôi cũng làm việc với nhau
.
Một làn máu nóng trào lên mặt khi Áctơ đọc những dòng chữ đó.
Lại vẫn Bôla: Y còn đến Livoócnô làm gì nữa? Mà tại sao Giêma lại nghĩ ra chuyện cùng làm việc với y? Y lại đem những sách báo riêng ra để mê hoặc Giêma chăng? Ngay trong buổi họp hồi đầu tháng giêng đã thấy ngay được là Bôla yêu Giêma. Chắc vì thế nên lúc ấy y mới nói hăng đến thế! Và bây giờ y lại tìm cách ở cạnh Giêma, hàng ngày ở cạnh Giêma...
Áctơ gạt mạnh bức thư ra một bên rồi lại quỳ trước mặt thánh giá.
Và đó lại là một linh hồn sẵn sàng ước ao được giải tội, sẵn sàng chịu lễ trong ngày Phục sinh, sẵn sàng sống bằng an với Chúa, với mình và với toàn thế giới! Thế nghĩa là linh hồn ấy vẫn có thể ghen tuông nghi ngờ một cách thấp hèn, vẫn có thể kèn cựa và tức giận nhỏ nhen với cả đồng chí của mình nữa! Áctơ tự trách mình một cách cay đắng và đưa hai bàn tay bưng lấy mặt. Vừa cách đây năm phút mơ tưởng tới sự tuẫn tiết vì đạo mà bây giờ anh lại phạm tội với những ý nghĩ xấu xa, thấp hèn như vậy!
Sáng thứ năm, khi bước chân tới nhà nguyện của trường dòng thì Áctơ thấy cha Cácđi đang ở đó một mình. Đọc xong kinh ăn năn tội, Áctơ kể ngay tội lỗi mình mới phạm tối qua.
- Lạy cha, con là kẻ có tội, con có tội ghen tuông, tức giận và có những ý nghĩ không xứng đáng đối với một người không làm gì sai với con cả.
Thừa hiểu mình đang giải tội cho ai, cha Cácđi dịu dàng nói:
- Này con, con chưa cáo mình cùng cha hết mọi sự.
- Lạy cha! Con đã có những ý nghĩ không Cơ đốc đối với một người mà đáng lẽ con phải đặc biệt yêu mến và kính trọng.
- Một người mà con có quan hệ thân thiết như ruột thịt ư?
- Hơn cả ruột thịt nữa.
- Hỡi con, vậy thì sự gắn bó của con với người ấy?
- Tình đồng chí.
- Tình đồng chí ư? Đồng chí về việc gì?
- Tình đồng chí trong sự nghiệp vĩ đại và thiêng liêng.
Một thoáng im lặng.
- Và con tức giận... đồng chí đó, con ghen tị vì người đó làm việc có nhiều thành tích hơn con ư?
- Vâng... một phần như vậy. Con thèm muốn kinh nghiệm và tài năng của người ấy... Và rồi... con nghĩ... con sợ rằng người ấy cướp mất trái tim một thiếu nữ... mà con yêu.
- Thế người yêu của con có phải là con cái Hội Thánh chúa không?
- Không, cô ta là tín đồ Tin lành.
- Kẻ khác đạo ư?
Áctơ nắm chặt hai tay, lúng túng đến cực độ.
Anh nhắc lại:
- Vâng, khác đạo. Chúng con cùng lớn lên với nhau. Mẹ chúng con là bạn của nhau và con... con ghen ghét người ấy vì con thấy rằng người ấy cũng yêu cô ta và vì... vì...
Sau giây lát yên lặng cha Cácđi bắt đầu nói, từ tốn và trang nghiêm:
- Hỡi con, con chưa xưng hết mọi điều. Trong linh hồn con còn một sự gì nặng nề làm vậy?
- Thưa cha, con...
Áctơ lúng túng rồi lại nín bặt. Người giải tội im lặng chờ.
- Con ghen ghét người ấy là vì đoàn thể
Nước Ý trẻ
của chúng con...
- Vậy ư?
- ...đã giao cho người ấy một việc mà con muốn đoàn thể giao cho con... Con tự cho mình đủ sức làm việc đó hơn.
- Việc đó là việc gì?
- Nhân sách báo, sách báo chính trị, ở trên tàu xuống, rồi... tìm chỗ cất giấu trong thành phố.
- Việc ấy, đảng đã giao cho kẻ tình địch của con ư?
- Vâng, giao cho Bôla... và con ghen tị với anh ta.
- Vậy về phía anh ấy có làm gì để con khó chịu không? Con có trách anh ấy coi thường nhiệm vụ đã giao phó cho không?
- Không, thưa cha. Bôla hoạt động rất dũng cảm và hi sinh. Anh là một người yêu nước chân chính, và lẽ ra con phải yêu mến kính trọng.
Cha Cácđi đắn đo suy nghĩ.
- Hỡi con, nếu ánh sáng mới đã chiếu rọi vào tâm hồn con, nếu trong tâm hồn con đã nảy nở một khát vọng làm việc vì hạnh phúc của đồng bào, nếu con có ước mong giảm nhẹ gánh nặng cho những người cùng khổ bị áp bức thì đó là một của quý Đức Chúa Lời đã ban cho con mà con phải suy nghĩ mà sử dụng cho nên. Mọi sự tốt lành đều bởi Chúa ban ra, việc sinh ra con trong một cuộc đời mới cũng là nhờ ơn Chúa, nếu con đã chọn con đường hi sinh, đã tìm được lối đi tới hoà bình, nếu theo các đồng chí thân yêu để giải phóng cho những kẻ đang than khóc và đau thương âm thầm, thì con hãy cố gắng để linh hồn con thoát khỏi tham muốn và dục vọng, để lòng con là một bàn thờ thánh mà ngọn lửa thiêng liêng sẽ đời đời không tắt. Con hãy nhớ rằng đó là một sự nghiệp cao cả và thiêng liêng, và trái tim nào đã thấm nhuần sự nghiệp ấy thì phải tẩy sạch mọi tính toán ích kỉ. Sứ mệnh đó giống với sứ mệnh các đấng giảng đạo. Họ không thể phụ thuộc vào tình yêu đối với một người đàn bà hoặc những dục vọng nhất thời. Sứ mệnh đó là: vì Thượng đế và vì nhân dân, là: trung thành suốt đời.
- Ồ! – Áctơ xiết chặt hai tay sửng sốt.
Nghe khẩu hiệu quen thuộc, Áctơ suýt phát khóc.
- Thưa cha, cha đã ban cho chúng con sự chuẩn y của Nhà thờ! Đức chúa Giêsu là ở phía chúng ta...
Cha Cácđi trịnh trọng đáp:
- Hỡi con, Đức chúa Giêsu đã đuổi lũ gian thương ra khỏi Đền thánh vì Đền thánh là nơi cầu nguyện, mà bọn chúng đã biến thành hang kẻ cướp!
Sau một hồi lâu im lặng, Áctơ run run nói khẽ:
- Và khi đuổi được bọn chúng đi rồi thì nước Ý sẽ là đền thờ của Chúa...
Áctơ im lặng. Một giọng trả lời êm ru vọng lại:
- Đức Chúa Lời đã phán truyền rằng:
Mặt đất này và của cải bởi đất mà ra đều thuộc về Ta cả
.
_______________
Chú thích:

(1) Philistanh: tên Do Thái cũ. Theo thiên kiến trước đây thì họ là hạng người
phàm phu tục tử
, trục lợi, nhỏ nhen, thiếu văn hoá.

(2) Apênanh Êtơrút: dãy núi phía đông thành phố Phơlôrăngxơ.

(3) Tuần thánh: tuần lễ kỉ niệm chúa Giêsu chịu nạn, ngày thứ sáu tuần đó bị đóng đinh trên cây thánh giá.

_________________________________________________
........................................................
Arthur rảo bước về nhà với cảm giác như được chắp cánh. Anh thấy mình hạnh phúc, một niềm hạnh phúc tuyệt đối và không gợi chút mây buồn. Ở cuộc họp, người ta đã nói bóng gió đến việc chuẩn bị khởi nghĩa vũ trang. Và Gemma giờ đây đã là đồng chí và anh đã yêu cô. Họ có thể được cùng công tác với nhau, và thậm chí còn có thể cùng hy sinh với nhau cho nền Cộng hòa đang nhất định tiến tới. Mùa nở hoa hy vọng của họ đã đến kia rồi! Padre sẽ thấy và sẽ tin.
Nhưng sáng hôm sau, bừng mắt dậy với tâm tình tỉnh táo hơn, anh sực nhớ rằng Gemma sắp đi Leghorn, còn Padre sẽ đi Roma. Giêng, hai, ba... còn ba tháng dài đằng đẵng nữa mới đến lễ Phục sinh! Gemma trở về với gia đình, lỡ ra lại rơi vào ảnh hưởng
của đạo Tin lành
thì sao? (trong ngữ vựng của Arthur,
tín đồ Tin lành

kẻ Philixtin
[1] chỉ là một nghĩa)... Không, chẳng đời nào Gemma lại học đòi thói lẳng lơ, điệu đàng và ve vãn để hòng quyến rũ các tay du khách và những chủ hãng tàu đầu hói, như những cô gái Anh khác ở Leghorn; bản chất cô ấy khác hẳn những hạng người đó. Nhưng rất có thể cô ấy sẽ cực kỳ khổ; tươi trẻ như vậy, mà lại không bạn bè đến như vậy, và cô đơn lẻ bóng đến thế giữa cả lũ những con người như gỗ đá ấy. Giá mà mẹ mình còn sống nhỉ...
[1] Philistine (tiếng Anh): Từ chỉ một bộ tộc cổ xưa ở phía tây nam nước Do Thái bấy giờ (nay thuộc địa phận Palestine) đã từng đánh chiếm Israel cũ, nhưng sau đã bị thần phục, dần dần bị đồng hóa và mai một vào giữa thế kỷ XII. Theo truyền thuyết, những người nặng tự tư tự lợi, giả dối, tâm địa hẹp hòi, thường chạy theo lợi lộc vật chất, coi nhẹ giá trị và giáo dục tinh thần. Ngày nay thiên kiến này chỉ là một từ có nghĩa bóng, chỉ loại người nhỏ nhen, ti tiện, tham lam, vụ lợi, thường là thiếu văn hóa. Từ Công giáo là
Philixtin
.

Đến chiều anh vào chủng viện thì đã thấy Montanelli đang nói chuyện với cha Giám đốc mới, vẻ mặt ông vừa mệt mỏi, lại vừa bực bội. Thấy Arthur, ông không tươi vui lên như mọi ngày, mà sa sầm nét mặt.
Khi giới thiệu Arthur với cha Giám đốc mới, ông nói bằng một giọng cứng đờ:
- Đây là cậu sinh viên tôi vừa nói với cha. Cha cứ cho phép cậu ấy tiếp tục mượn sách của thư viện thì tôi rất đội ơn.
Cha Cardi là một giáo sĩ đã có tuổi, vẻ mặt hiền hậu. Cha nói chuyện ngay với Arthur về Sapienza[2]. Giọng nói thoải mái và thân mật của cha chứng tỏ cha rất hiểu sinh hoạt của sinh viên. Chẳng mấy chốc cuộc nói chuyện đã chuyển thành cuộc thảo luận về một vấn đề nóng bỏng hồi bấy giờ là về những chế độ quy định mừng là cha Giám đốc mới đã kịch liệt phê bình các nhà chức trách trong trường đại học hay có thói quen thường xuyên phiền nhiễu sinh viên bằng những điều hạn chế vô nghĩa và gay cấn.
[2] Sapienza (tiếng Ý, đọc là Xa-pi-en-txa, nghĩa là tri thức, kiến thức, học thức): Đây là tên trường đại học ở Pisa.

Cha nói:
- Tôi đã có khá nhiều kinh nghiệm trong việc hướng dẫn thanh niên. Tôi tự nêu ra một nguyên tắc là: không bao giờ cấm đoán bất cứ việc gì nếu không có lý do đích đáng. Nếu đối xử với thanh niên cho thỏa đáng, tôn trọn nhân cách của họ, thì số thanh niên hay gây rối cũng sẽ chỉ rất ít thôi. Thế nhưng con giun xéo mãi cũng phải quằn[3], đó là chuyện tất nhiên.
[3] Nguyên văn là: Con ngựa ngoan ngoãn nhất mà anh cứ siết mãi dây cương thì nó phải đá hậu thôi.

Arthur tròn xoe mắt. Anh không ngờ cha Giám đốc mới lại bênh vực quyền lợi sinh viên đến thế. Montanelli không tham gia câu chuyện, hình như ông không quan tâm gì đến vấn đề ấy. Vẻ mặt ông tuyệt vọng và phờ phạc một cách khó tả, đến nỗi cha Cardi phải đột ngột cắt ngang:
- Thưa Kinh sĩ, tôi e đã làm ngài quá mệt rồi. Xin ngài thứ lỗi cho cái tật hay nói nhiều của tôi. Tôi quá sốt sắng trong vấn đề này thành thử quên bẵng rằng người khác có thể phát ngán.
- Trái lại, tôi rất quan tâm đấy.
Xưa nay Montanelli có bao giờ quen thói lễ phép một cách khách sáo đâu, nên giọng nói này của ông Arthur nghe thấy rất chướng tai.
Khi cha Cardi đã trở gót về phòng của mình, Montanelli quay lại chăm chú nhìn Arthur với vẻ đăm chiêu mà ông đã mang nặng suốt buổi chiều nay. Ông chậm rãi mở lời:
- Arthur, con trai yêu quý, cha có điều cần nói với con.
Lo ngại ngước nhìn bộ mặt phờ phạc của ông, Arthur vụt nghĩ:
Chắc cha lại có tin gì chẳng lành đây
. Họ im lặng hồi lâu.
Bỗng Montanelli đột ngột hỏi:
- Con có thích cha Giám đốc mới không?
Câu hỏi bất ngờ đến nỗi Arthur ngớ ra một lúc, không biết trả lời ra sao cả.
- Con... con rất thích cha ấy, con nghĩ... ít nhất là... à, không, con cũng chưa biết chắc có thích cha ấy không. Nhưng mới gặp ai lần đầu thì cũng khó nói.
Ngồi gõ nhẹ các ngón tay vào tay ghế, một cử chỉ quen thuộc mỗi khi có điều gì phải lo lắng hoặc khó nghĩ, Montanelli lại mở lời:
- Về chuyến đi Roma lần này của cha, nếu con thấy có điều gì... ờ... Arthur à, nếu con muốn, cha sẽ viết thư nói là cha không thể đi được.
- Padre! Nhưng Vatican...
- Vatican sẽ tìm người khác. Cha có thể viết thư xin lỗi.
- Nhưng sao lại thế ạ? Con không thể hiểu được.
Montanelli đưa tay lên vuốt trán.
- Cha lo cho con lắm. Đầu óc cha đang rối bời... Vả lại cũng chẳng cần thiết gì mà cha phải đi...
- Thế con chức giám mục thì sao ạ?
- Ồ, Arthur! Còn lợi lộc gì nếu cha được chức giám mục mà lại mất mất...
Ông nín bặt. Chưa bao giờ thấy ông như vậy, nên Arthur bối rối vô cùng.
Anh bảo:
- Con không thể hiểu được. Padre, liệu cha có thể cắt nghĩa cho con rõ hơn... cho con biết rành mạch hơn là cha đang lo nghĩ điều gì...
- Cha chẳng lo nghĩ điều gì cả. Cha chỉ đang bị một nỗi sợ hãi khủng khiếp ám ảnh. Con cho cha hay, con có gặp mối nguy hiểm đặc biệt nào không?
Arthur nhớ đến những lời xì xào bàn tán về dự định khởi nghĩa, và nghĩ thầm:
Chắc cha nghe thấy gì rồi đây!
. Nhưng biết rằng không thể lộ bí mật, anh chỉ đáp lại:
- Có nguy hiểm đặc biệt gì được, thưa cha?
- Đừng hỏi, hãy trả lời đi! - Vì nóng lòng, giọng Montanelli hầu như gay gắt. - Con có gặp nguy hiểm gì không? Cha không muốn biết những bí mật của con đâu. Con chỉ trả lời cha một điều ấy thôi.
- Padre, tất cả chúng ta đều trong tay Chúa. Sự gì cũng có thể xảy ra. Nhưng con biết rằng không có lý do gì con lại không thể sống sót và an toàn cho đến khi cha trở về.
- Cho đến khi cha trở về... Hãy nghe đây, carino. Cha để con tự quyết định lấy. Con không cần cho cha biết lý do gì, mà con chỉ cần bảo cha
ở lại
là cha sẽ từ bỏ ngay chuyến đi này. Như thế sẽ chẳng ai bị thiệt thòi, mà một khi có con ở bên cạnh, nhất định cha sẽ cảm thấy con được an toàn hơn.
Cái kiểu suy tính lẩn thẩn một cách bệnh hoạn này là rất xa lạ với tính khí của Montanelli đến độ làm cho Arthur phải nhìn ông với vẻ hết sức lo âu.
- Padre, con chắc cha không được khỏe rồi. Cha phải đi Rome mà cố tĩnh dưỡng cho khỏi chứng mất ngủ và nhức đầu đi thôi.
- Được lắm. - Montanelli cắt ngang câu chuyện mà hình như ông đã chán ngấy rồi. - Sáng mai cha sẽ đi chuyến xe trạm sớm nhất.
Arthur ngơ ngác nhìn ông:
- Cha còn có điều gì cần nói với con kia mà?
- Không, không, không còn gì nữa... Chẳng còn có gì quan trọng nữa cả.
Trên gương mặt ông là một vẻ thất thần, gần như hốt hoảng.


Vài ngày sau khi Montanelli ra đi, Arthur đến thư viện của chủng viện để tìm mượn sách thì lại bắt gặp cha Cardi ở cầu thang. Cha Giám đốc kêu lên:
- A, cậu Burton. Cậu chính là người tôi đang cần đây. Mời cậu vào chỗ tôi giúp cho một việc khó khăn tôi đang cần nhờ cậu.
Ông mở cửa thư phòng, và Arthur theo ông ta bước vào với một cảm giác uất ức vô lý và ngấm ngầm. Nhìn căn phòng thân thương, nơi thánh thất riêng biệt của Padre nay bị người khác đến xâm chiếm, anh cảm thấy khó chịu trong lòng.
Cha Giám đốc nói:
- Tôi là một con mọt sách ghê gớm đấy. Bước chân đến đây, việc đầu tiên của tôi là coi xem thư viện ra sao. Thư viện có vẻ lý thú lắm đấy, nhưng tôi chẳng hiểu thư mục được xếp theo hệ thống nào.
- Bản thư mục chưa được đầy đủ đâu ạ. Nhiều cuốn sách quý chỉ mới được sưu tập và bổ sung trong thời gian gần đây.
- Cậu có thể để độ nửa giờ giảng giúp tôi cách sắp xếp sách được không?
Họ bước vào thư viện, và Arthur cặn kẽ trình bày thư mục. Khi anh đứng dậy định cầm lấy mũ, cha Giám đốc đã tươi cười ngăn lại:
- Không, không! Tôi không thể để cậu vội vã ra về như thế đâu. Hôm nay thứ bảy, cậu cứ để công việc đến sáng thứ hai cũng kịp chán. Cậu ở lại ăn bữa chiều với tôi, tôi giữ cậu lại quá muộn rồi còn gì. Tôi chỉ có một thân một mình, thêm cậu làm bầu bạn tôi vui lắm.
Thái độ rất sởi lởi và đon đả của ông làm cho Arthur thấy thoải mái ngay từ phút đầu. Sau mấy câu chuyện phiếm, cha Giám đốc hỏi xem anh đã quen biết Montanelli được bao lâu.
- Khoảng bảy năm ạ. Năm cha ở Trung Quốc về, con mới mười hai tuổi.
- À, phải! Chính ở bên ấy, cha đã thành một nhà truyền giáo thừa sai[4] nổi tiếng. Và suốt từ đó trở đi cậu đã là học trò của ngài?
[4] Missionary preacher (tiếng Anh): Missionary từ Công giáo là
thừa sai
, nghĩa là được phái đi thừa hành nhiệm vụ truyền đạo (thường là ở nước ngoài).

- Một năm sau cha mới dạy con học, tức đại thể vào lúc con mới đến xưng tội với cha lần đầu. Khi con vào Sapienza cha vẫn tiếp tục giúp con học bất kỳ môn gì không có trong chương trình chính quy của nhà trường mà con vẫn muốn học. Cha đối xử với con tốt lắm... cha Giám đốc khó có thể tưởng tượng được đâu!
- Tôi sẵn lòng tin lắm, ngài là một người ai ai cũng chẳng khỏi mến phục... là một người có bản chất cực kỳ cao quý và đẹp đẽ. Tôi đã được gặp nhiều vị linh mục đã từng sang Trung Quốc với ngài, các vị ấy cũng hết lời khen ngợi nghị lực và đởm lượng của ngài trong mọi tình thế gian nguy khổ ải, cũng như lòng tận hiến vô biên của ngài. Cậu thật là may mắn từ thuở thiếu thời đã được một người như thế phù trợ và dẫn dắt cho. Nghe ngài nói thì hình như cậu mồ côi cả cha lẫn mẹ thì phải.
- Thưa vâng, ba con mất từ khi con còn nhỏ, mẹ con qua đời cách đây một năm.
- Cậu có anh chị em gì không?
- Không ạ, con chỉ có hai anh cùng cha khác mẹ thôi... Nhưng từ khi con còn phải bế ẵm, các anh ấy đã lập nghiệp cả rồi.
- Thế là cậu đã chịu cảnh côi cút ngay từ nhỏ, và có lẽ do vậy cậu mới càng thêm quý mến lòng tốt của Kinh sĩ Montanelli như vậy. Tiện thể hỏi cậu, trong thời gian ngài đi vắng, cậu đã tìm được người giải tội cho mình chưa?
- Con đã tính là nếu các cha ở Santa Caterina[5] không có quá nhiều người đến xưng tội thì con đến xin một cha ở đấy giải tội cho.
[5] Santa Caterina (tiếng Ý): Tức ở nhà thờ Nữ thánh Catarina.

- Thế cậu có muốn xưng tội với tôi không?
Arthur trố mắt ngạc nhiên:
- Kính thưa cha, tất nhiên là con... con rất vui mừng rồi, chỉ có điều là...
- Chỉ có điều là cha Giám đốc chủng viện thần học thường không tiếp nhận người ngoài đời[6] đến xưng tội chứ gì? Đúng lắm. Nhưng tôi biết là Kinh sĩ Montanelli hết lòng quan tâm chăm sóc cậu, và nếu tôi không lầm, ngài có phần lo lắng cho cậu - nếu tôi phải xa học trò yêu của tôi thì tôi cũng lo lắng hệt như vậy thôi - và chắc ngài cũng vui lòng nếu biết rằng có người đồng sự chỉ dẫn cho phần hồn của cậu. Hơn nữa, con của cha, cha rất thật lòng nói với con là cha mến con lắm. Điều gì cha giúp được con thì cha sẽ vui lòng giúp.
[6] Lay (penitents) (tiếng Anh): Cũng là người thế tục, hoặc giáo dân bình thường, giáo dân nói chung (không thuộc giới giáo sĩ).

- Cha đã dạy thế thì tất nhiên con xin rất đội ơn cha dẫn dắt cho.
- Vậy sang tháng sau con sẽ đến với cha nhỉ? Thế là phải! Ngoài ra, chiều nào rảnh rang con cứ vào thăm cha, bé trai của ta ạ!
Trước lễ Phục sinh không lâu, có tin chính thức Montanelli được bổ nhiệm đến một toàn Giám mục nhỏ ở Brisighella[7] trong dãy Etruscan Apennines[8]. Bức thư ông gửi từ Roma về cho Arthur đã được viết với tinh thần phấn chấn và bình tĩnh, qua đó có thể thấy nỗi chán nản của ông đã trôi qua. Ông viết:
Mỗi kỳ nghỉ con đều phải đến thăm cha, và cha nhất định cũng sẽ luôn đến Pisa. Cứ như vậy thì cha hy vọng trông nom con được nhiều hớn, dfu không được nhiều như cha mong muốn chăng nữa
.
[7] Brisighella (tiếng Ý): Tên địa phương vùng núi, phía đông Đại Công quốc Toscana.
[8] Etruscan Apennines (tiếng Anh): Apennines là dãy núi chủ yếu ở Ý, kéo dài hầu như suốt chiều dài bán đảo. Etruscan tức là thuộc về Etrusia, một vùng cổ xưa khá văn minh ở Trung Ý bao gồm vùng đồng bằng của sông Tevere (Tiberis) và sông Magra, từ chân dãy Apennines ra đến biển, phía Bắc Roma, sau trở thành Đại Công quốc (nay là miền) Toscân bao gồm Firenze (hồi ấy là thủ phủ của công quốc, nay cũng vần là thủ phủ của vùng Toscana) và các thành phố lớn khác như: Pisa, Livorno (Leghorn), Siena v.v...

Bác sĩ Warren đã mời Arthur đến nghỉ lễ Phục sinh với ông và cùng các con cái của ông chứ không phải ở cái tòa lâu đài cổ lỗ, âm u và đầy chuột mà hiện nay Julia đã ngự trị như một bà chúa tể. Trong thư còn có kèm theo một mẩu giấy con với những nét chữ ngoáy vội, nguệch ngoạc như chữ trẻ con của Gemma khẩn khoản mời anh đến nếu có thể,
vì Gemma có chuyện muốn nói với anh
. Đáng phấn khởi hơn nữa là những lời xì xào truyền lan từ người nọ sang người kia giữa các sinh viên trong trường đại học và mọi người ai nấy đều đã sẵn sàng chờ đón những biến cố lớn sẽ diễn ra sau lễ Phục sinh.
Tất cả những điều đó đã khiến Arthur chìm đắm vào một dự cảm mê say, tưởng chừng như tất cả những điều vô lý hết sức hoang dại mà sinh viên bàn tán bóng gió với nhau đều là rất tự nhiên và sắp trở thành sự thực đến nơi trong vòng hai tháng tới.
Anh thu xếp để đến thứ năm trong Tuần Chịu nạn[9] sẽ về nhà và sẽ nghỉ ngay ở nhà mấy ngày đầu kỳ nghỉ học để sao cho niềm vui đến thăm gia đình bác sĩ Warren và nỗi hân hoan gặp gỡ Gemma khỏi ảnh hưởng đến việc anh dọn mình cho suy niệm tôn nghiêm vì đạo[10] mà giáo hội đòi hỏi mọi bổn đạo phải giữ trong mùa lễ ấy. Anh viết thư cho Gemma hứa sẽ tới vào thứ hai Phục sinh, rồi tôi thứ tư anh lên buồng ngủ của mình, tâm hồn anh yên tĩnh.
[9] Passion week (tiếng Anh): Tuần lễ tưởng niệm Chúa Giêsu chịu nạn (bị đóng đinh trên giá chữ thập). Về cụ thể, trước đây Tuần Chịu nạn là tuần tiếp theo ngày Chúa nhật chịu nạn, tức hai tuần trước lễ Phục sinh. Còn Tuần thánh là tuần ngay trước lễ Phục sinh. Chính ngày lễ Phục sinh thì thường xê dịch trong khoảng từ 22 tháng 3 đến 25 tháng 4 hàng năm, do đó cũng gọi là
mùa Phục sinh
.
[10] Solemn religious meditation (tiếng Anh): Từ Công giáo cũng là
suy ngắm
, tức sự suy tư, trầm tư mặc tưởng (tương tự như sự thiền trong Phật giáo).

Anh quỳ trước tượng Thánh giá. Cha Cardi hứa sáng mãi sẽ tiếp anh, nên lúc này anh phải dốc lòng thành cầu nguyện rất lâu để dọn mình ăn năn lần cuối trước hôm Rước lễ Phục sinh[11]. Quỳ gối, chắp tay, và đầu cúi gục, anh ôn lại từng ngày trong tháng qua, kiểm điểm lại từng tội lỗi nhỏ nhặt đã làm vẩn đục tâm hồn trong trắng của mình, như sốt ruột, cẩu thả, không cầm trí. Ngoài những lỗi ấy anh chẳng tìm thêm được gì cả: trong một tháng đủ đầy hạnh phúc cho anh như thế, làm gì có nhiều tội lỗi được? Anh làm dấu thánh giá, đứng dậy và bắt đầu cởi quần áo.
[11] Easter Communion (tiếng Anh): Tức sự chịu lễ, sự Rước mình Thánh Chúa trong mùa Phục sinh.
Nhấn vào đây để xem chương mới nhất của Ebook Ruồi Trâu.