• 391

Hè phố ấy


Số từ: 802
Tác giả: Nhiều tác giả - Tạp chí Sai Gon CityLife
Phương Nam phát hành
NXB Hội Nhà Văn
Quốc Bảo

Một SMS bất ngờ cho tôi
vào buổi sáng nọ,
Anh đang Bố Già phải không?
Tin nhắn từ V., nàng có thời cũng hay ngồi cà phê lề đường, trên cùng hè phố Hồ Huấn Nghiệp ấy, nhưng cách Bố Già vài căn nhà. Còn tôi cứ quen chân đến Bố Già.
Quen chân
đến độ bạn tôi đồng nhất
cà phê
với
Bố Già
!
Hè phố nhỏ hẹp mở ra từ những ngôi nhà cũ, con hẻm xộc xệch nhiều phòng cho thuê thông ra phía Đồng Khởi cũng cũ, chật. Hồ Huấn Nghiệp có vẻ là một con phố thích hợp cho những kẻ thư nhàn tản bộ mỗi chiều, khi gió sông lồng lộng hắt về xua nắng quái. Chẳng biết nó biến thành con phố
sành điệu
từ khi nào, chắc là lúc có vũ trường Mưa Rừng. Hay là lúc có Bố Già?
Tôi cứ hay liên tưởng Bố Già với café Tùng ở Đà Lạt. Chúng có gì giống nhau đâu nhỉ? Tùng yên ắng, thâm trầm, ghế sofa úa màu, nhạc Lê Uyên Phương. Còn Bố Già bàn ghế cọc cạch - bàn gỗ tạp sơn xanh đỏ, ghế nhựa tái sinh vênh váo, không nhạc và lúc nào cũng đầy tiếng người. Hai quán giống nhau ở chỗ nào? Ở con phố nhỏ, ở nội thất ốp gỗ nâu à la mode
thị dân thuở trước, hay ở hơi ấm toát ra từ những gương mặt quen?
Tùng, cà phê rất ngon. Bố Già lúc xưa cũng có cà phê ngon, nay nhạt dần,
bạc màu
dần. Thấm thoát tôi đã ngồi Bố Già hơn chục năm, uống cả nghìn tách cà phê đen không đường mà quán dọn ra cùng một phích nước bé xíu để khách châm thêm; bạn không thể tránh làm giây nước ra đầy bàn với loại phích rẻ tiền này.
Thấm thoát tôi đã nghe được cả nghìn câu chuyện gẫu không đầu không đuôi của khách, ai cũng tự cho Bố Già là nhà mình. Tôi đã lôi hầu hết những quyển sách sờn bìa và đầy mối từ kệ sách ốp tường Bố Già, lướt qua những hàng chữ Pháp với văn phong cổ và đề tài cũng cổ nốt. Thấm thoát tôi đã có cả trăm lượt bạn bè trở thành khách quen của quán, có người chẳng hề biết tên...
Tôi yêu Bố Già ở điểm gì? Như tôi đã nói, đấy là nơi không hề có cà phê ngon. Cà phê ngon nhất Sài Gòn, phải là Illy hoặc Fanny. Vì chỗ ngồi dễ chịu? Hoàn toàn không. Ghế ọp ẹp chật chội, không có cả chỗ để túi xách. Vì bè bạn? Tôi không có bạn thân ở đó.
Có lẽ, tôi thích đến Bố Già để tìm kiếm sự huyên náo. Bao giờ từ một thành phố vắng trở về, tôi cũng ghé Bố Già trước nhất. Ở đó có đủ loại khách. Buổi sáng sớm, một lượt khách dân làm vận tải biển, làm công ty quảng cáo (đoán ra qua câu chuyện của họ!). Xế trưa, nhiều người gay
tụ tập. Chiều muộn, khách uống chờ sang nhảy ở Mưa Rừng. Mỗi hạng khách có một vẻ huyên náo riêng và Bố Già lạ thế: chuyện của ai cũng thành chuyện chung, như một bản hợp tấu ngẫu nhiên của những số phận. Lúc bận rộn không ghé, tôi nhớ đến nôn nao những lần phụ quán bê bàn ghế ném vào nhà sau tiếng báo động
Xe cây!
, tức nhân viên quản lý trật tự đô thị phạt chiếm lòng lề đường.
Xe cây
, ôi cái từ tưởng chừng đã mai một, nay lại được nghe ở Bố Già.
Tôi đặc biệt thích ngồi ở Bố Già một mình, xem lướt qua những tờ nhật báo mà đội báo dạo gốc Quảng chào mời tận tay. Rồi thong thả ngắm từng gương mặt người, dõi theo từng câu chuyện miên man của từng nhóm khách, thỉnh thoảng đùa vài câu với anh chạy bàn năng nổ có tật nhẹ ở phát âm, thỉnh thoảng xin một ly trà loãng. Tận hưởng cái nhịp điệu huyên náo đặc trưng của phố Sài Gòn, của bản hợp tấu ngẫu nhiên kia.
Trong bầu không khí hỗn độn mà có lần tôi nói với nhà thơ F. rằng tôi muốn đặt lại tên quán là Chaos Café
, tôi đã viết nhiều bài hát. Chúng không huyên náo và hỗn độn như môi trường sinh ra chúng. Ngược lại, chúng lặng. Lặng đến mức nghe lại, bao giờ tôi cũng rùng mình. Một trong những bài hát ấy là
Tình ơi
:
Và em sẽ về cho ngỡ ngàng rồi đi

Mùa theo gót ấy,
Mùa ơi...

Tháng hai 2006
Nhấn vào đây để xem chương mới nhất của Ebook Sài Gòn Tản Văn – Hẻm Phố Thông Ra Thế Giới.