• 391

Sài gòn qua cửa kính xe bus


Số từ: 1799
Tác giả: Nhiều tác giả - Tạp chí Sai Gon CityLife
Phương Nam phát hành
NXB Hội Nhà Văn
Văn Lang


Ngay trung tâm Sài Gòn, đối diện chợ Bến Thành và công viên Quách Thị Trang, nơi đặt một tượng nhỏ bán thân của người nữ sinh Sài Gòn đã ngã xuống cho tự do - dân chủ của người Việt, bên trên là tượng của tướng quân Trần Nguyên Hãn với cánh bồ câu trên tay. Bên kia là trung tâm xe bus Sài Gòn, nơi những chuyến xe khởi hành tới mọi nơi trong thành phố.

https://i.imgur.com/heulioh.jpg
Từ trạm xe trung tâm này
bạn có thể lên tuyến xe bus Sài Gòn - Củ Chi (mọi tuyến xe ở đây đều đồng giá 2.000VND, chưa tới một cent rưỡi USD), xe có máy lạnh sẽ đưa bạn xuôi theo con đường dài nhất Sài Gòn. Xuôi theo con đường Cách Mạng Tháng Tám (trước có tên là đường Lê Văn Duyệt) ra vùng ven. Cuối con đường này là ngôi chợ xưa kia gọi là chợ Bà Quẹo, vào thế kỷ trước, người ta còn thấy những chiếc xe thổ mộ (xe một ngựa kéo) chở những gánh hàng hoa và rau quả từ vùng phụ cận - Hốc Môn Bà Điểm tới (dấu tích xưa thì như vẫn còn đây trên những gánh hàng hoa bán ở đầu chợ). Qua khỏi Bà Quẹo xe ra tới cầu vượt An Sương rồi
nhập
vào tuyến đường cao tốc xuyên Á. Xe hơi có thể chạy tới Phnom Penh, thủ đô của Campuchia hoặc qua tới Bangkok của Thái Lan, nhưng tuyến xe bus Sài Gòn - Củ Chi chỉ đi tới chợ Củ Chi thì dừng lại. Tại đây còn cách địa đạo Củ Chi chừng hơn hai chục cây số nữa. Nếu bạn muốn thăm lại chiến trường xưa (nơi quân du kích Củ Chi đã đánh nhau ác liệt với sư đoàn lừng danh của quân đội Mỹ mang tên
Tia chớp nhiệt đới
nhiều năm ròng dựa vào hầm hố địa đạo), bạn có thể đi xe khách hoặc thuê xe Honda ôm.
Tại khu đình bến Dược, nơi tưởng niệm các du kích Củ Chi đã hy sinh trong chiến tranh, bạn sẽ được mời ăn khoai mì, một loại củ đặc sản của địa phương. Tỷ phú người Mỹ Rockffeller đã từng đến thăm khu địa đạo ở đây, ông đã ăn khoai mì và khen:
Ngon!
.
Tuyến xe bus Sài Gòn - Củ Chi dài gần 38km, xe chạy hết một giờ hai mươi phút.
Từ trạm xe bus trung tâm Sài Gòn bạn cũng có thể lên xe tuyến Sài Gòn - Nhà Bè (nên chọn loại xe 50 chỗ ngồi, vì chỉ có xe lớn mới có máy lạnh, xe nhỏ rất nóng - trừ khi du khách có ý định
thưởng thức
cái nóng miền nhiệt đới). Xe sẽ băng ngang quận 4 - vùng đất một thời là nơi
hùng cứ
của các băng đảng, xe qua cầu Tân Thuận hướng về quận 7, đi ngang qua khu Bắc Nhà Bè - Nam Bình Chánh, gần trạm cuối có khu miếu Bà, vào hai ngày rằm và mùng một có rất nhiều người Sài Gòn đổ về đây đi lễ. Tuy ngôi miếu còn đơn sơ và chưa thật đẹp, nhưng bạn sẽ có dịp chứng kiến một tín ngưỡng và lễ hội của đám đông. Tại đây bạn sẽ được thưởng thức món dừa nước rất lạ, loại cây chỉ có ở vùng nước ngập mặn.
Nếu không thích chen vai thích cánh cùng đám đông trong khói hương nghi ngút, bạn nên đi tới trạm cuối - cách đó chừng vài trăm mét và bỏ ra thêm 500 VND để qua phà Bình Khánh, rồi thuê xe ôm đi về khu du lịch sinh thái Cần Giờ - Đảo Khỉ. Cho đám khỉ lau nhau ăn giữa khung cảnh thiên nhiên hoang dã, một cái thú không tệ.
Nếu không thích đi dã ngoại, lại thích thưởng thức món ăn của người Hoa, bạn nên nhảy lên tuyến xe Sài Gòn - Chợ Lớn (ưu điểm của tuyến này là tất cả các xe đều có gắn máy lạnh). Tuyến xe này ngắn so với hai tuyến trên, chỉ chừng mười lăm, hai chục phút xe chạy là bạn đã có mặt ở khu người Hoa. Đi bộ nhìn những ngôi nhà cổ là một cái thú, nhưng bạn cũng có thể ghé một quán ăn Trung Hoa nào đó và tùy theo
cái duyên
của mình, bạn sẽ dễ dàng khám phá ra một quán ăn ngon để có sự so sánh cách nấu ăn của người Hoa ở Sài Gòn với những nơi mà bạn đã có dịp du lịch như HongKong hoặc Singapore...
Ngoài ba khu kể trên, bạn có thể lên tuyến xe bus Sài Gòn - Suối Tiên (khu du lịch mới xây dựng của người Sài Gòn), nơi đây tái hiện một phần lịch sử của người Việt khá hùng vĩ, với các dịch vụ phục vụ khách nhàn du với giá cả rất mềm hợp với túi tiền...
Nếu như bạn muốn đi thăm thú miền Tây, nơi vựa lúa phì nhiêu nhất của người Việt, thì bạn nên lên chuyến xe bus Sài Gòn - Miền Tây, xe khá đông và nóng (vì không có máy lạnh), xe sẽ đưa bạn tới
Xa cảng miền Tây
, nơi đây bạn muốn đi tỉnh nào của miền Tây thì có loại xe đó với giá vé được niêm yết tại phòng vé, bạn khỏi lo trả giá...
Một ngày nằm buồn thiu như con mèo ốm trong khách sạn khi người yêu đã đi shopping, tiền không còn nhiều mà bạn lại muốn ra ngoài cho đỡ buồn, bạn nên chọn tuyến xe bus Sài Gòn - Thạnh Lộc, xe sẽ từ từ rời khu vực chợ Bến Thành xuôi ra đại lộ Lê Lợi, ngang qua Nhà hát Thành Phố (xưa được dân Sài Gòn gọi là nhà hát Tây, do người Pháp xây dựng từ hồi Sài Gòn còn là thuộc địa của họ - theo nguyên mẫu ở bên chính quốc). Xe xuôi theo đường Hai Bà Trưng rồi vượt qua cầu Kiệu để bạn kịp nhìn thấy một dòng kênh đen kịt dưới chân cầu. Xe đi qua khu An Nhơn của Gò Vấp, vượt cầu An Lộc, bạn lại nhìn thấy một dòng sông đen đang hấp hối chết (chính quyền thành phố đang tìm kiếm tài trợ để phục hồi lại màu xanh nguyên thủy cho dòng sông Sài Gòn xưa kia vốn rất đẹp)này. Xe vượt qua ngã tư Ga để bước vào một vùng không gian khác thoáng đãng hơn. Khi xe dừng tại trạm cuối là chợ Thạnh Lộc, bạn nên xuống xe và đi một vòng quanh ngôi chợ nhỏ này để tìm hiểu một nếp sinh hoạt còn khá khép kín của người vùng ven Sài Gòn. Cũng ngay đây, còn có một ngôi nhà thờ nhỏ, xinh xắn, người quanh vùng cho là do tổng thống Ngô Đình Diệm xây. Mệt và đói bạn có thể nhấm nháp cái gì đó trong chợ (nếu không quá kỹ lưỡng cho cái bụng của bạn), nếu không bạn lại lên xe quay về đi ăn với người yêu ở nơi mà bạn cho là thích hợp. Cả đi và về tiền xe chưa tới 30 cent USD, mà nỗi buồn thì dường như đã bay theo khói bụi đường...
Tôi có thể kể cho bạn nghe nhiều tuyến xe bus Sài Gòn nữa, nhưng là một khách nhàn du và tự do với một chiếc balô trên vai, tấm bản đồ trên tay, bạn hãy đi và cảm nhận niềm vui tự khám phá một thành phố Sài Gòn đông đúc, ồn ào với rất nhiều bụi, nhiều khói xe và nhiều nụ cười thiếu nữ. Và ai biết đâu được mối lương duyên kỳ ngộ nào đó sẽ tới với bạn trong thành phố phương Đông huyền ảo nhưng náo nhiệt này...
Điều mà du khách cần nhớ nhất là đừng bao giờ lên xe bus vào giờ cao điểm (sáng từ 6 giờ tới 7 giờ 30; trưa từ 11giờ tới 12giờ; chiều từ 16 giờ 30 tới 18giờ), vì lúc này xe sẽ rất đông, nếu không quen, bạn dễ bị ngộp thở trong cái nóng hầm hập và người thì chật như nêm, lúc đó chẳng có máy lạnh của xe bus nào đủ mát (chưa kể xe bus Sài Gòn cái có máy lạnh, cái không). Điều thứ hai du khách cần lưu ý là sau 19 giờ 30 tất cả xe bus Sài Gòn đều ngưng hoạt động (trừ tuyến xe bus Sài Gòn - Chợ Lớn hoạt động tới 21giờ).
Trên một chuyến xe bus, tôi đã gặp một du khách người Anh (anh này đi tour Đông Dương) và hôm đó anh ta tự nhảy xe bus đi Củ Chi, tôi gặp lúc anh ta đang trên đường về Sài Gòn. Thấy mấy cô gái vây quanh anh chàng đẹp trai mà ngôn ngữ lại có vẻ bất đồng, tôi đã tới nói chuyện với họ. Anh chàng người Anh than phiền là xe quá đông người và nóng như ở trong... địa ngục. Khác hẳn với ở bên Anh quốc, người ta có thể ngả người trên ghế xe bus vừa nghe nhạc vừa đọc sách. Còn ở Việt Nam, anh ta giơ tay diễn tả, chỗ này, chỗ kia đâu đâu cũng bụi. Còn đường phố thì toàn xe Honda (xe gắn máy, hai bánh). Khi tôi thay mặt mấy cô gái hỏi anh có người yêu chưa? Anh chàng vui vẻ móc bóp ra khoe hình một cô gái. Chúa ơi! Nếu so với những cô nàng đang có mặt thì cô gái của anh chàng người Anh kia xấu ơi là xấu! Nhưng mà biết sao được, tình yêu có đôi mắt riêng của nó.
Với tôi, tình yêu một thành phố cũng vậy. Sài Gòn rất nóng, rất bụi, lại nhiều khói xe nhưng tôi yêu lối sống của những con người trong thành phố này - phóng khoáng, vui vẻ. Sài Gòn đẹp nhất là những chiều mưa bay lất phất qua ô cửa kính xe bus nhòe nước, ta thấy bóng những ngôi nhà mờ đi trong làn mưa bụi, những bóng người đứng trú mưa nghịch nước dưới hiên nhà và nụ cười của người con gái chợt sáng lên trong giấc mơ của người nhạc sĩ Sài Gòn tài hoa - Trịnh Công Sơn, vang lên trong tiếng máy hát nhạc của xe bus Sài Gòn:
Em còn nhớ hay em đã quên, nhớ Sài Gòn mưa rồi chợt nắng...

Nhấn vào đây để xem chương mới nhất của Ebook Sài Gòn Tản Văn – Hẻm Phố Thông Ra Thế Giới.