• 391

Bóng câu qua lối thiên đàng


Số từ: 2349
Tác giả: Nhiều tác giả - Tạp chí Sai Gon CityLife
Phương Nam phát hành
NXB Hội Nhà Văn
Lê Văn Sâm

Passage Eden 1950 - Cửa sổ thưởu ban đầu


Sài Gòn
có chân đất núi cứng để xây nhà cao tầng vững, nhưng mặt bằng lại toàn nước, những sông cùng kinh rạch, nơi trung khu thành phố ngày mới tạo dựng, phải san lấp tốn kém. Như nơi bùng binh nước Lê Lợi với Nguyễn Huệ bây giờ, xưa là
Bồn Kèn
xây bục đá cao cho lính Pháp tới hòa tấu âm nhạc, đó là cái rốn của kênh Chợ Vải mới san lấp. Cũng do các cơ ngơi xung mọc lên từ trên trũng nước, nên khi có được tòa nhà thương xá Eden, người ta liền phong cho nó cái tên
hành lang đi bộ
- Passage Eden.
Đi tìm niên đại hình thành, theo hồi ký
Promenades dans Saigon

của bà Hilda Arnold, một du khách người Pháp xuất bản năm 1948, có thể xác định là vào cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX. Đúc kết qua 117 trang tour nghiên (du ký) về xã hội đô thị Sài Gòn, bà Arnold rút ra hai điểm nhấn về thành phố này, những ngày mới hình thành đô thị: Thứ nhất, Sài Gòn là một ngôi chợ lớn, tiêu biểu cho bản địa Việt Nam, bởi trên mọi nẻo đường góc phố đều có cảnh bán mua, với những lời rao chân chất, như:
ai ăn bưởi Biên Hòa?
hay
ai uống nước trà nóng không?
. Thứ hai, các cơ ngơi mới xây dựng trong khoảng năm 1903-1912 và trước đó như thương xá Denis Frere, nhà sách Tự Lực, Albert Portail tức Xuân Thu, nhà đĩa hát Ménestres, Bookshop của người Ấn trong Passage Eden, là những cửa sổ của Sài Gòn thuở ban đầu mở ra thế giới, để rồi thu hương bốn phương, làm nên một nền văn hóa mà nhà biên khảo Vương Hồng Sển gọi gọn là
Tây - Nam - Miên - Chà - Chệt
. Riêng cửa sổ Passage Eden dành cho những người
đi bát phố tùy thích
- Flânerie en guise - lý tưởng nhất.
Tôi nhập cư Sài Gòn từ 1948, là một chú bé nhà quê, chỉ biết tắm sông rạch Cầu Bông, câu cá hồ bèo Kỳ Hòa nay là rạp Hòa Bình, bắt cào cào trong nghĩa địa vườn Bà Lớn nay là cư xá Đô Thành. Quá lắm cũng chỉ mới ra tới nhà sách Việt Hương hay đảo qua góc Pasteur - Lê Lợi, nhón miếng gan trên khay phá lấu chú Ba Tàu hay nhai miếng bánh cay Chà, uống ly nước mía Viễn Đông.
Mãi đến năm 1950, thỉnh thoảng tôi mới có dịp theo các đàn anh nghiệp báo lọt vào Passage Eden. Ký ức sâu rộng đối với tôi là những chiều dừng lại ngoài hành lang cửa Nguyễn Huệ, ngồi húp tô bún ốc của bà Năm Khẽo, cũng nổi tiếng như bún ốc bà Ba Bủng gần cửa Bắc chợ Bến Thành. Sau khi gia đình Năm Khẽo đi định cư ở nước ngoài, thì chỗ cũ được ông già
café bít tất
tiếp nhận, bán café kèm rượu đế nếp, nơi tụ hội văn nghệ sĩ một thời lao đao.
Không có điệu kiện mua sắm hàng hóa gì, nhưng tôi cũng thích lân la, trong khi các đàn anh mải mê lục lọi sách cũ, tôi len ra nơi các tủ kính, đứng xem say sưa những chiếc đồng hồ đeo tay tối tân như Wyler, Movado, có kim nhảy màu vàng đỏ, hay đứng ngắm những hàng bút máy nạm vỏ bạc vàng. Nơi đây tôi đã có dịp quen biết ký giả Hoài Điệp Tử, nhà thơ Sa Giang Trần Tuấn Kiệt, những lần các anh có sách cũ bán được tiền, dắt tôi qua quán Thanh Vị ăn bánh bèo bì chan nước mắm ngọt ngập bánh, hay cho vào rạp cinema Eden xem phim Pháp.
Hồi đó khách bát phố mua sắm tại Passage Eden, quý ông thì áo chemise, quần trắng lốp, đầu đội mũ flechet, đi giày deux couleurs, thắt lưng đeo đồng hồ quả quýt, quý bà thì áo dài lemur, guốc cao gót, đeo kiềng vàng. Cũng có thiếu nữ Việt tóc uốn cầu kỳ, mặc jupe như đầm, xách bót tầm-phơi. Vào Passage Eden tôi có cảm tưởng như đi hội chợ, vào để chưng diện, khoe sắc hương, ngắm nghía, làm quen hơn là để mua sắm.
Ngang qua đây, thường là vào cửa Nguyễn Huệ, vòng qua góc Lê Lợi, rồi thoát ra cửa Catina, còn để ghé nhà sách Xuân Thu, café La Pagode hay kem bánh ngọt Givral. Cũng có thể qua dùng bữa nơi hành lang Continental, hay qua Caravelle ngồi café cửa đỏ. Tối đến thì mua vé vào xem cải lương nơi Nhà Hát Lớn. Vòng về cũng bát phố ngược lộ trình cũ để trở ra cửa Nguyễn Huệ, vì bên kia là chỗ đậu hay gửi xe ôtô nơi Garage Charner góc Lê Thánh Tôn, hay đến các trạm xe bus quanh quẩn.
Passage Eden trở thành điểm trung chuyển
10 trong 1
: bát phố; mua sắm; café; ăn tối; xem hát... Nhưng quan trọng hơn hết, để Eden đọng lại, đó là không gian của hoài niệm, tình tự thủa ban đầu. Từ nơi những người lính viễn phương, từ nơi những quyển sách mới cũ, từ nơi chàng trai cô gái có dịp quen và bay đi theo gió... ấn tượng một thời Sài Gòn, quê hương phồn hoa trong nô lệ. Chả thế, vì đâu mà người Việt xa xứ lại dựng lên một Passage Eden ảo ảnh trong Little Saigon ở Huê Kỳ?
1990 - Trở lại Eden xuống cấp và thu hẹp

Trong cuộc mưu sinh giữa Sài Gòn, nghề nghiệp bắt tôi cứ vài bữa lại phải ngang qua hành lang Eden một chặp, không liếc quầy báo nước ngoài mé Nguyễn Huệ thì cũng đáo trụ đèn trước mặt nhà hát gặp anh Ne chuyên bán báo dạo cho Tây. Hôm nào sang thì lọt vào nhà sách Xuân Thu, kéo ra dắt vào một hồi, đói bụng quay qua hầm gửi xe xơi đĩa cơm tấm bì, rồi vào rạp ciné Eden ngả lưng lim dim trên ghế nệm.
Passsage Eden là do người Pháp xây, xưa cả 100 năm và đặt tên tiếng Pháp. Tôi gọi
ngang qua hành lang
trong dấu ngoặc kép là vì trong nghĩa tiếng Pháp passage còn là ngõ hẹp. Vâng, cách một ngày đã ngang qua mà phải gọi là trở lại, như tâm trạng của một người đi xa, nay trở lại thì Eden đã trở thành một ngõ hẹp, không còn là một hành lang phố thoáng đẹp như xưa.
Các ngõ vào hành lang phía bên kia đường Nguyễn Huệ, nhà hàng Thanh Vị sang trọng, chuyên bán các món ăn dân dã Nam bộ như bánh tằm bì, bánh bèo chua ngọt nay đã biến mất, xế đó, bên trong, trên lầu vẫn còn phòng trà khiêu vũ Queen Bee, nhưng bên ngoài tầng trệt lại xuất hiện một bảng hiệu nặng nề Phiêu Linh, nay mới được đổi là Tiếng Tơ Đồng. Chẳng hiểu chủ đầu tư café nhạc sống này có quan hệ gì với nhạc sĩ Hoàng Trọng hay sao, mà dám bê tên ban nhạc nổi tiếng của Hoàng Trọng làm thương hiệu
Tiếng Tơ Đồng
.
Góc cuối thì
hàng lang
báo nước ngoài khoe sắc màu một thời hấp dẫn, nay đã bị dẹp bỏ, dồn vào một góc nhỏ, như tổ chim trên cành cao, người cao tuổi khó khăn lắm mới trèo lên được mấy bục cao nghều. Cửa chính ở số 104 từ khi gánh bún riêu cua của gia đình bà Năm Khẽo xuất dương, các cơ sở ngân hàng, cửa hàng mỹ phẩm, đồng hồ mắt kính hàng hiệu cũng
cuốn theo chiều ế ẩm
, hành lang cổng chính chỉ có mấy anh bảo vệ sắc phục lạnh lùng, nơi chỉ có mươi bức tranh sao chép bày lơ thơ. Vào trong các cửa hàng trống, chờ thương buôn đến mướn còn đóng cửa im ỉm, may mà còn có một quầy sách cũ trụ lại, chút dư ảnh ngày xưa. Sách cũ và bà chủ cũng già hơn, ngồi buồn rầu, lâu lâu mới có vài khách đến viếng.
Vào đến giao lộ ngã ba, để rẽ qua hành lang Lê Lợi hay đảo chữ L ra cửa Đồng Khởi, thì Eden càng thấy hẹp thêm bởi những chiếc bàn giăng giăng bán cơm bình dân, bên sau những gánh hàng rong, là một cửa hàng thời trang hay quà lưu niệm, ra phía hành lang Lê Lợi, thì ngõ càng hẹp hơn bởi các tủ thuốc lá, bánh mì, nơi có văn phòng của tổ chụp ảnh dạo công viên, hẹn giao hàng. Mé Đồng Khởi tuy có một số cửa hàng khá sang trọng, như Silk EVA nhưng cũng không thể che bớt đi được, hàng rong bát nháo ở đây, hành lang còn được tận dụng làm bãi giữ xe gắn máy, nên cảnh xe vào ra chen lấn, nổ máy ầm ầm, càng làm cho
nàng EDEN mỹ miều
thêm phần ủ dột, mới chín giờ tối, người bảo vệ đã ra dùng cây móc sắt nặng nề kéo khung cửa sắt sét rỉ xuống đóng bớt cửa mé Đồng Khởi. Cũng ở mé này, vào nhà sách Xuân Thu vào thời điểm 1990 cũng không còn cái không khí yên ả để lân la mở sách. Vì nhà sách thời đó đã kinh doanh thêm băng nhạc nên rất inh ỏi, lại còn gặp khi nhà sách, đang đập phá
bộ ruột
ở giữa để đại tu nâng cấp, cửa rạp ciné Eden-Đồng Khởi vắng hoe, dù trên pano quảng cáo phim hấp dẫn: Hôm nay:
Thế kỷ của tình yêu
.Sở dĩ trong lúc thành phố đang mở mang, xây dựng và kinh doanh theo thời hiện đại, mà hành lang thương xá Eden cứ bó hẹp và xuống cấp nhanh, là do khối bất động sản này có quá nhiều đơn vị chủ quản, mạnh ai nay lo tự tồn tại lấy, có lẽ kể cả cách cho bán buôn, dịch vụ nhỏ để tự trang trải, mới làm cho Eden ngõ hẹp, hẹp dần, thật đáng tiếc.
Hình ảnh và âm thanh cuối cùng mà tôi ghi nhận được tại nơi Passage Eden của thời kỳ xuống cấp thu hẹp là nơi cửa mé Đồng Khởi, bên trên biển quảng cáo phim
Thế kỷ của tình yêu
, bên dưới cô gái chống xe đạp đợi mua quà vặt gánh hàng rong. Bên phía cửa vào Nguyễn Huệ, trong quầy sách
Xuân Thu
vắng vẻ, bà chủ Bùi Thị Tài bần thần nói đôi lời như tạm biệt với khách quen, rằng sách cũ Eden sẽ dời về nhà ở số 209 Bùi Hữu Nghĩa, Bình Thạnh, nhường chỗ cho một dự án kinh doanh mới. Bên ngoài tiếng người bảo vệ la lớn:
tắt máy giùm đi!
. Có nghĩa là hành lang đi bộ, đã có xe gắn máy chạy ầm ào.
2007 - Bừng sáng thời hội nhập

Văn hào Pháp Victor Hugo từng nói
không có gì thay đổi nhanh bằng đám mây trên trời, nhưng đất nước ta còn đổi thay nhanh hơn thế nữa
. Tôi cảm thấy thấm thía, phấn chấn với bao ngạc nhiên, khi quay trở lại Eden vào tháng 4.2007. Từ xa xa, khối nhà sáu tầng vẫn còn ẩn một màu vàng hồi tưởng, cũng như phố Hoài của Hội An, Bao Vinh của Huế hay Hàng Buồm của Hà Nội, nhưng mặt bằng 6.000m2 cùng lối cũ, cửa hàng bên trong là nơi chính quầy cơm trưa bình dân với cá rô kho tộ nay đã là shop Eyewear HUT, Cửu Long Jewelry, nhà kho sách cũ của bà Tài nay đã là sơn mài Saigon. Nơi góc u tối của rạp cinema Eden - Đồng Khởi chuyên chiếu phim kiếm Tàu thường trực, bây giờ đã bừng sáng lên bởi những thương hiệu quốc tế, chính diện là một pano độc tả với chữ SỐNG giới thiệu về một khu resort mua sắm, các khung ảnh là hình người mẫu thời trang. Cửa hàng tráng rửa ảnh được thay thế bởi Mỹ Ngọc Jewelry, ngân hàng Công Thương. Góp phần vào bộ mặt mới của khu hành lang xưa còn có thêm một số các thương hiệu khác Pierre Cardin, Pet shop, Versaces... Thêm vào đó là một khu ăn uống tại tầng một, với nhiều món ăn đa dạng từ Việt Nam đến Á-Âu dành cho khách mua sắm và nhân viên văn phòng của các cao ốc xung quanh khu trung tâm.
https://i.imgur.com/2oTZkoK.jpg
Có hai nét mới so với Passage Eden thời xuân sắc, đó là nơi chào bán các tour du lịch hấp dẫn của Global Holidays, từ đồng bằng sông Cửu Long, đến Tây Nguyên, di sản miền Trung hay Hà Nội - Hạ Long... dành cho khách quốc tế và Việt Nam. Và nơi tầng hai, có một sàn giao dịch chứng khoán, một lĩnh vực kinh doanh
hot
nhất hiện nay.
Dù sao thì Sài Gòn cũng cảm ơn các nhà đầu tư, nhờ đó đã cứu sống được một khu thương xá ấn tượng một thời, nơi từng ươm bao kỷ niệm ngọt ngào, từ những chàng chiến binh viễn xứ, những chàng trai cô gái học sinh, sinh viên, những khách hàng khuê các, những văn nghệ sĩ tài danh, hội ngộ và chia xa theo gió. Nhưng cái mới mà tôi ghi nhận, không ở cái sang cả vĩ đại của qui mô vật chất, mà ở tinh thần dung hòa hội nhập, nơi không còn chỉ dành riêng cho giới giàu sang quí tộc, mà nơi trở thành của đại chúng, giữa họ đang có những ánh mắt thân thiện bao dung.
Nhấn vào đây để xem chương mới nhất của Ebook Sài Gòn Tản Văn – Hẻm Phố Thông Ra Thế Giới.