• 391

Lê Công Kiều - Kho tàng những tạo vật phù du


Số từ: 1524
Tác giả: Nhiều tác giả - Tạp chí Sai Gon CityLife
Phương Nam phát hành
NXB Hội Nhà Văn
Dennis Coleman

Đồ đồng bắt mắt
, chao đèn và đồng hồ Pháp trường phái art nouveau, cổ vật Việt Nam hay Trung Quốc... Nếu bạn đang để mắt tìm vài món trang trí hoặc chỉ thuần túy rong chơi ngắm nghía thì đường Lê Công Kiều đúng là nơi vẫy gọi, nhưng chớ để cuốn mình theo cơn cám dỗ. Còn nếu đã tính chuyện bán mua nghiêm túc thì hãy tâm niệm câu
tiền trao cháo múc
để cẩn trọng trong giao dịch, nhất là với giới du khách lượn qua nơi đây để mua sắm trong phút chốc.
Con đường chẳng dài gì. Ta có thể đi lướt qua trong vòng mười phút hoặc chìm đắm trong một cuộc sục sạo lâu lắc hơn... Tôi đã gầy dựng được quan hệ giao thương tốt đẹp với một số chủ tiệm ở đây và đối với những lưu khách ngắn ngày tôi có lời khuyên chung là cứ thưởng thức cái kho tàng này - giống như cái thú khám phá kho đồ cũ của bà ngoại - nhưng việc mua sắm thực thụ nên để dành cho những ai có thời gian thâm nhập khu này.
https://i.imgur.com/hvuEQtM.jpg
Nguyên tắc một: Tránh những tiệm chèo kéo nồng nhiệt hoặc trưng bày hàng loạt vật phẩm giống nhau. Tôi dám chắc với bạn rằng những
đồ cổ
này có thâm niên chưa tới một năm. Những chủ tiệm điềm đạm và kín đáo thường có những đồ vật giá trị. Đây là những người nên tạo quan hệ mua bán. Hãy thử vào tiệm số 21 có chiếc Vespa hồng dựng trước cửa hoặc đi xuôi chừng mười tiệm, các thiên thần tình yêu đội đèn sẽ chào đón quí khách trong một tiệm tí xíu bề bộn gần ngôi trường học.
Nguyên tắc hai: Nên hiểu biết chút đỉnh về những món bạn đang tìm kiếm hoặc nhờ sự giúp đỡ của ai đó am hiểu. Đi cùng một người bạn Việt Nam hoặc phiên dịch cũng tốt, miễn sao người ấy hiểu biết hoặc đánh giá được chút đỉnh các món đồ.
Chỉ cần vài câu hỏi mào đầu là có thể phân biệt vàng thau. Bất cứ người bán nào khi được hỏi về tuổi tác các pho tượng deco hoặc đồ thủy tinh mà trả lời bằng câu
chừng mấy trăm năm
thì theo tôi đều nên khẩn trương giã từ. Tương tự, người nào dám quả quyết mớ hộp quẹt Zippo là kỷ vật chiến tranh thì cũng khó có thể coi là nghiêm túc. Những câu phán ẩu về xứ sở và nguồn gốc ly kỳ của hiện vật cũng nên bỏ ngoài tai. Chỉ nên quan tâm đến những thương nhân nào có thể nói về nguồn gốc của đồ vật một cách chi tiết hơn bình thường.
Sau khi cân nhắc thận trọng mới nên tiến đến đánh giá món hàng mình muốn mua có đúng là món họ trình bày hay không, để mua với một giá phải chăng và cũng nên quan tâm đến việc khai hải quan và các thông số tương thích về điện chẳng hạn.
Với những ai mê các món kiểu Pháp và kiểu Victoria thì sẽ không tránh khỏi bị mê hoặc bởi các ngọn đèn dầu tinh xảo, các chân nến và chụp đèn đủ màu sắc và đường nét. Chúng được đội trên đầu các thiên thần tình yêu hoặc gắn trong các chùm trang trí trần nhà khiến ai đó cảm thấy có sứ mạng phải giải thoát chúng khỏi chốn bụi bặm này để đưa về một nơi lộng lẫy nào đó ở Sài Gòn hay ngoại quốc. Điều kỳ diệu là một số chụp đèn thủy tinh, màu hồng hoa anh thảo, màu xanh vỏ chanh tao nhã hay màu trắng đục mờ, đã sống sót qua chiến tranh điêu tàn và bao bàn tay phũ phàng sẵn sàng khoái trá quẳng đi những tạo vật đẹp đẽ chỉ đơn thuần vì chúng đã trở nên cũ kỹ.
Tuy nhiên, nếu săm soi kỹ lưỡng, nhất là với con mắt nhà nghề như anh chàng Piers Allbrook bạn tôi, thì thường thấy các món đồ là một sự giao duyên giữa tân và cựu.
Thử bắt đầu với
đồ đồng,
một từ được dùng rất dễ dãi, mà khởi thủy nghĩa là hợp kim của đồng đỏ với thiếc nhưng thường được pha nhiều hợp chất khác. Đây không phải là điểm trọng tâm, mà vấn đề ta quan tâm nhiều hơn là nó được tạo hình thế nào và gọt giũa ra sao. Chính những nhà buôn có uy tín cũng thú nhận rằng mấy bức tượng đồng thiên thần tình ái và chân đuốc cổ điển thường chẳng thuộc thời art deco của Pháp mà được chế tạo trong vùng. Những món nguyên thủy sẽ có dáng vẻ đồng nhất, tinh xảo và mềm mại hơn. Đồ đồng tốt thường có đường khắc sắc sảo, minh bạch và không có đường ráp như trường hợp các món đồ thời nay được đổ khuôn hai nửa ráp lại.
Có những món xem kỹ thấy được làm từ khuôn riêng và rỗng ruột, được hàn theo kiểu hiện đại, khác với kiểu hàn đổ khuôn ép trước kia. Miết ngón tay lên bề mặt hoặc nhìn dưới ánh mặt trời sẽ thấy được cách chế tạo này. Nhớ luôn luôn nhìn dưới đế món hàng, nhưng nếu muốn làm thế với một cái chân đèn cao vài bộ, chóa thủy tinh thì trí thông minh và phép lịch sự sẽ mách bạn phải nhờ họ tháo cái bóng đèn ra trước kẻo phải móc túi đền cho một mớ mảnh vụn! Xem xét đồ xưa từ dưới đế, ngoài chuyện khám phá về tuổi tác còn đem lại cho ta thông tin xác thực khác. Những chiếc bù loong hay đinh vít thời nay gắn dưới đế là chứng cứ rành rành! Một điểm nữa: các bức tượng đồng thủ công khác với tượng sản xuất trong xưởng ở chỗ chúng có những vết khiếm khuyết rất riêng giống như những người thợ đã tạo ra chúng.
Cũng như đồng, đồ thủy tinh cũng đòi hỏi phân tích cẩn thận. Mặc dù nhiều món thủy tinh giả cổ ngày nay chỉ đơn thuần thuộc loại thô, các nghệ nhân ngày càng lão luyện trong việc sáng tạo những kỹ thuật phục chế. Tất cả thủy tinh làm bằng tay đều mang dấu ấn của que sắt kẹp trong quá trình thổi thủy tinh - dấu ấn này không nói lên tuổi tác mà chủ yếu là chất lượng.
Nếu bạn đang nghiêm túc tìm mua một món đồ thủy tinh kiểu deco thì hãy tìm kiếm dấu ấn những năm tháng phai mòn ở dưới đế. Những tỉ lệ kích thước quá hoàn hảo chứng tỏ sản phẩm được chế tạo hàng loạt chứ không phải làm thủ công từng chiếc.
Còn nếu nói về những bảo vật cao cấp như thủy tinh Galle and Daum thì cái giá không bao giờ dưới mức năm con số 0 nếu bạn muốn có được sản phẩm của những nghệ nhân trường phái Art Nouveau này. Những chiếc đèn thủy tinh Galle dùng đá chạm hoặc kỹ thuật ghép lớp, ghép hoa văn thành lớp rồi cắt bằng acid để phơi ra mẫu thiết kế hình hoa lá hoặc phong cảnh mơ màng đến bất ngờ. Còn rất nhiều điều để tìm hiểu nếu bạn đam mê thủy tinh nhưng nếu chỉ muốn tìm một tạo vật đáng mặt và đáng tiền thì Lê Công Kiều có khá nhiều.
https://i.imgur.com/XLsiZ5i.jpg
Trừ phi bạn đang chuẩn bị lấy học vị khảo cổ hoặc nghiền ngẫm những cuốn như
Các kho tàng ở Hội An,

catalogue của Butterfield năm 2000, hoặc
Gốm Việt Nam
(song ngữ Việt Anh, nhà xuất bản Mỹ Thuật, 1996) hoặc hoàn toàn sành sỏi qui định hải quan khi định mang các món đồ ra khỏi Việt Nam (giả sử như đó là
hàng xịn
), còn lại thì không nên động đến mảng cổ vật này. Nếu món đồ có chút gì đó hao hao giống với bảo vật thì bạn có khả năng phải trình với Bộ Văn hóa ở Hà Nội để xin chứng nhận, đóng thuế hoặc có cả nguy cơ bị thu hồi. Những món bằng ngà cũng nằm trong danh sách hàng hóa bất hợp pháp cho nên nếu không muốn mua phải hàng nhái làm bằng nhựa thông hoặc xương bò thì bạn cũng không nên động đến mảng này.
Những ai nhớ nhung Sài Gòn xưa có thể sục sạo trong đống ảnh đen trắng để tìm vài tấm mang về nhà treo lưu niệm trên tường. Nhiều bức có cả chữ viết phía sau - có khi là một chút vết tích về số phận những con người xa xứ nay gọi là Việt kiều.
Dù sao đi nữa, hãy sắm vai khách mua thân thiện để thưởng thức dãy kho tàng thích thú này.
Nhấn vào đây để xem chương mới nhất của Ebook Sài Gòn Tản Văn – Hẻm Phố Thông Ra Thế Giới.