• 1,120

Hồi 54: Ra phong cáo, chiêu tầm trinh nữ; Mừng tân hôn, chồng lạy vợ nhà


Dịch giả: Nguyễn Đỗ Mục
Nguồn: NXB Văn Hóa Thông Tin
Hôm ấy, Hoàng Phủ Kính tiếp đặng cánh thiếp của Lưu Tiệp trao sang, lập tức đem đến cho toà Khâm thiên giám cậy chọn ngày tốt để làm lễ thành hôn.
Sáng hôm sau, Doãn Phu nhơn vào cung nói với Hoàng Hậu tâu xin Thánh thượng gia phong cho họ Mạnh và họ Tô.
Vừa đến cung, Hoàng hậu liền bước ra nghinh tiếp thân mẫu và hỏi:
- Hôm trước con hết lòng bảo tấu nên Thánh thượng giáng chỉ hoàng hôn , chẳng hay em con đã làm lễ thành hôn cùng Lưu Yến Ngọc chưa?
Doãn Phu nhơn đáp:
- Cũng vì việc ấy mà hôm nay mẹ mới đến đây. Em con nó định cậy con tâu lên Thánh thượng gia phong cho hai nàng họ Mạnh và họ Tô xong rồi nó mới dám làm lễ thành hôn với Lưu thị.
Trưởng Hoa Hoàng hậu nghe nói ngạc nhiên hỏi:
- Họ Mạnh thì đành rồi, nhưng họ Tô là ai mà lại xin gia phong.
Doãn Phu nhơn bèn đem việc Tô Yến Tuyết đã vì Thiếu Hoa mà giấu dao trong mình lên xe hoa đến hành thích Lưu Khuê Bích, kể hết đầu đuôi cho Hoàng hậu nghe.
Hoàng hậu nức tiếng khen:
- Con gái họ Tô không tham phú quý , lại cố giữ lòng tiết liệt như vậy, thật trên đời ít có.
Doãn Phu nhơn còn nói rõ hành vi của Lưu Yến Ngọc và sự tiết liệt của nàng trong việc trốn vào chùa Vạn Duyên chịu cơ cực suốt mấy năm trường cho Hoàng hậu nghe.
Hoàng hậu nói:
- Thế thì cả ba người con gái ấy đều tiết liệt cả, thật đáng khâm phục thay. Vậy nếu có xin gia phong thì phải gia phong hết cả ba người mới phải . Xin thân mẫu hãy an tâm ra về, con sẽ cố sức tâu bày và chăác thế nào Thánh thượng cũng vui lòng phê chuẩn.
Doãn Phu nhơn an tâm từ giã ra về.
Một lát sau, vua Thành Tôn vào cung, Trưởng Hoa Hoàng hậu liền đem những lời của Doãn Phu nhơn tâu lại, vua Thành Tôn nghe qua, ngạc nhiên nói:
- Mạnh thị và Lưu thị thì cam lòng thủ tiết là phải lẽ , chớ còn Tô thị mà cam lòng thủ tiết là ý gì? Hơn nữa, nàng là con nhà thường dân mà không ham phú quý, lại gieo mình xuống sông quyết liều thân theo làn sóng bạc thì quả là nhà Hoàng Phủ rất đại phước. Ba nàng đều bảo tồn danh tiết, cả ba thật đáng gia phong. Vậy để trẫm gia phong cho Mạnh Lệ Quân làm Chánh thất Vương phi, Tô Yến Tuyết làm Nghĩa liệt Phu nhơn và Lưu Yến Ngọc Tiết nghĩa Phu nhơn.
Nói rồi, vua truyền cho nội giám cứ theo lời vua mà thảo tờ phong cáo. Vua Thành Tôn quay qua nói với Hoàng hậu:
- Bấy lâu nay trẫm cũng tưởng Mạnh Lệ Quân đã tạ thế rồi cho nên không để tâm nghĩ đến, ngờ đâu bây giờ mới rõ ràng đã cải trang trốn đi. Vậy nay trẫm muốn ban chiếu ra khắp trong thiên hạ đặng chiếu tầm cho kỳ được con người trinh nữ ấy đem về kết duyên cùng Trung hiếu vương thì trẫm mới an lòng.
Hoàng hậu nghe nói rất cảm động, vội vàng quỳ tâu:
- Nếu bệ hạ có lòng thương tưởng đến xá đệ như vậy, thật cả nhà thiếp cảm đức chẳng cùng.
Sau đó, vua ban chỉ thị ra khắp thiên hạ cho ai ai cũng đều biết việc Mạnh Lệ Quân trốn đi, đồng thời chỉ dẫn tướng mạo cho mọi người biết, và còn cho biết kẻ đi theo nàng là con tớ Vinh Lang. Tuyên bố trong dân chúng bất cứ ai, hễ tìm được người con gái họ Mạnh ấy đến báo cho triều đình biết thì được thưởng những năm trăm lạng vàng, năm mươi cây lụa. Còn quan địa phương nào tìm thấy thì được gia tăng ba cấp.
Phong cáo thảo xong, nội giám mang đến Vương phủ. Hoàng Phủ Thiếu Hoa liền đặt nghinh tiếp. Cả nhà xem thấy ba nàng thảy đều được gia phong thì mừng rỡ vô cùng.
Hôm ấy, nhà Hoàng phủ sửa sang đồ tế lễ đặng cúng hai nàng dâu. Vì dinh Hoàng phủ có rất nhiều cung điện nên chính giữa là Loan Phụng cung được trưng bày rực rỡ để thờ Mạnh Lệ Quân , bên tả là Bích Lân cung cũng được trang trí nghiêm trang để thờ Tô Yến Tuyết. Bên hữu là Kim Tước cung thì dùng làm phòng tân phòng cho Lưu Yến Ngọc.
Khi sửa soạn đồ tế lễ xong rồi, Hoàng Phủ Thiếu Hoa mặc áo mão chỉnh tề vào Loan Phụng cung cúng họ Mạnh trước tiên.
Chàng rót rượu quỳ lạy hai lạy. Sau đó vợ chồng Hoàng Phủ Kính cũng vào chắp tay khấn vái. Rồi kéo nhau sang Bích Lân cung, nhưng khi tỳ nữ vừa đặt các đồ tế lễ xong thì xảy thấy Tô Đại nương bước ra cản lại và nói với vợ chồng Hoàng Phủ Kính:
- Tiện nữ là con nhà thường dân, nay được Thánh thượng gia phong như vậy cũng đã thoả mãn lắm rồi. Nay lại còn tế lễ nữa thì bao giờ linh hồn tiện nữ lại dám nhận.
Vợ chồng Hoàng Phủ Kính nói:
- Lịnh viên đã biết giữ tròn tiết liệt, khiến ai cũng phải khâm phục, thì chúng tôi tế lễ đâu phải là việc quá đáng.
Nói rồi cùng nhau vào trước bàn hương án. Thiếu Hoa quỳ lạy rồi đến vợ chồng Hoàng Phủ Kính thắp hương khấn vái. Tô Đại nưong ứa nước mát nói:
- Ngày nay con được vinh hiển như vầy kể cũng quá phận rồi, nghĩ cũng không còn hối hận gì nữa, bây giờ mẹ xin cầu nguyện con sớm lên cõi thiên đàng.
Khi tế lễ xong, tòa Khâm thiên giám sai người đem hỉ thiếp đến. Trong thiếp định ngày mười ba tháng mười hai làm lễ nạp sính, qua đến ngày mười bảy làm lễ thân nghinh.
Chẳng bao lâu ngày hành sinh đã đến kỳ, bấy giờ trong Vương Phủ treo đèn kết tụi, trần thiết sáng rực từ trong đến ngoài. Hoàng Phủ Kính cậy Hoa đình hầu Vệ Hoán mang đồ sính lễ sang phủ Nguyễn Long Quang để nạp cho họ Lưu, còn các quan trong triều ai ai cũng đem đồ lễ vật đến chúc mừng rất nhiều. Lệ Minh Đường cũng có đem lễ vật đến.
Vợ chồng Hoàng Phủ Kính cùng nhau bàn tính:
- Nhà ta mang trọng ơn Lệ Thừa tướng, vậy nay nhân dịp làm lễ cưới, chúng ta hãy mời người cùng phu nhơn đến để con nó được lạy chào.
Thiếu Hoa xen vào nói:
- Song thân tính điều ấy phải lắm, nhưng còn nhạc phụ của người là Lương Thừa tướng và phu nhơn cùng nghĩa phụ của người là Khương Nhược Sơn và phu nhơn, ta cũng nên mới đến luôn thể mới phải.
Vợ chồng Hoàng Phủ Kính y lời, bền viết thiệp sai người đi qua Lương Phủ. Lương Thừa tướng tiếp đặng thiệp mời, vội trao cho Lệ Minh Đường. Lệ Minh Đường hỏi:
- Chẳng hay nhạc phụ có định đi không?
Lương Giám đáp:
- Việc phù rể là việc của thanh niên tuổi trẻ chứ lão đây nay đã già cả, đi sao cho tiện. Thôi để ta xin cáo lỗi, còn vợ chồng con nên đi là phải.
Lệ Minh Đường bèn cầm thiệp mời đem về phòng trao cho Tố Hoa xem. Tố Hoa hỏi:
- Thế tiểu thơ có định đi không?
Lệ Minh Đường đáp:
- Đến đó uống rượu chơi vui thì việc gì lại chẳng đi! Nhưng còn chị thì tính sao? Có đi không?
Tố Hoa nói:
-Thân mẫu tôi hiện đang ở bên ấy, nếu tôi qua đó thì bại lộ còn gì?
Lệ Minh Đường cười khúc khích nói:
- Chị thiệt là vô duyên quá, không bằng em tí nào cả. Hằng ngày em vào trong triều cùng với cha, em bàn việc quốc sự mà người không thể nhận ra em. Nếu em nhát gan như chị thì đảm đương sao nổi.
Tố Hoa cười đáp:
- Tiểu thơ khôn khéo quá ai mà bì kịp!
Sáng hôm sau là ngày mười bảy, tháng mười hai, nhằm ngày lễ cưới, các quan văn võ triều thần trong triều đến Vương phủ chúc mừng đủ mặt. Lúc ấy Mạnh Sĩ Nguyên thấy công cuộc như vậy, nghĩ tủi cho con mình thiệt phận. Bao nhiêu phần sung sướng của con mình mà không được hưởng, nay bỗng nhiên sang cả cho nàng con gái họ Lưu. Càng nghĩ lão càng thêm đau lòng xót dạ nên vội đứng dậy thối thác xin về.
Vợ chồng Hoàng Phủ Kính vì cảm thâm ân của Lệ Minh Đường nên cố mời qua cho con mình được lạy mừng người mới nghe. Vì vậy Hoàng Phủ Kính viết tiếp một lá thiệp nữa, sai người sang Lương phủ. Gia tướng vừa đến nơi, nữ tỳ trông thấy vội vào báo cho Lệ Minh Đường, nhưng Lệ Minh Đường lại bảo nữ tỳ:
- Mi hãy ra bảo cho tên gia tướng ấy biết hãy về đi rồi chốc nữa ta qua đấy.
Tên nữ tỳ vừa lui ra, Tố Hoa hỏi :
- Tiểu thơ định qua đó đặng bắt chàng lạy cho thỏa dạ sao ?
Lệ Minh Đường nói :
- Ai bảo chàng tham vợ mới! Chính em đây đã khổ công gầy dựng cho chàng đặng công danh phú quý, thì nay bắt vợ chồng chàng lạy chơi cũng chẳng sao.
Tố Hoa nghe Lệ Minh Đường nói, cũng che miệng cười ngặt nghẽo.
Khi kiệu Lệ Minh Đường đến Vương phủ, đã thấy Hoàng Phủ Thiếu Hoa chạy ra nghinh tiếp, các quan văn võ cũng bước ra nghinh tiếp vào. Lúc ấy Tả Thừa tướng Lương Giám không đến, chỉ có một mình Hữu Thừa tướng là Lệ Minh Đường nên một mình đứng đầu cả bá quan và lại là ân sư của Hoàng Phủ Thiếu Hoa nữa, nên nhà Hoàng Phủ mời ngồi trên hết, còn các quan thì sắp theo thứ tự ngồi dưới.
Khi trà nước xong, Hoàng Phủ Kính hỏi Lệ Minh Đường :
- Lương Thừa tướng tuổi dã già chúng tôi không dám cố mời , nhưng còn Tôn Phu nhơn sao không đếnđể tiện nhi được lạy chào ?
Lệ Minh Đường đáp :
- Thưa, nội nhơn tôi mấy hôm nay khó ở, thành thử không thể cùng đến được, xin đại nhơn tha thứ cho.
Hoàng Phủ Kính nói :
- Tiện nhi mang ơn Thừa tướng rất dày, đã mấy phen muốn cùng phu nhơn làm lễ su mẫu sang chơi, thế mà gặp lúc sư mẫu sức khoẻ chẳng an, thật là rủi cho nhà Hoàng Phủ tôi lắm.
Các quan đều cười nói :
- Chỉ có một mình Lệ Thừa tướng là dễ hơn hết, hễ mời thì Thừa tướng sốt sắng đến ngay, chứ phu nhơn chắc có lẽ khó hơn.
Hoàng Phủ Kính liền viết thiệp sai người đem đến mời Tố Hoa nữa. Hai đứa nữ tỳ mang danh thiếp đến trao cho Tố Hoa và nói :
- Nếu lịnh bà không đi thì chắc phu nhơn tôi phải thân hành đến.
Lệ Minh Đường ngồi nghĩ thầm :
« Nếu Doãn Phu nhơn sang mời thì chắc khó mà từ chối được, chi bằng ta phải thiết ra một kế mới xong ».
Nghĩ rồi , Lệ Minh Đường lên tiếng nói :
- Nội nhơn tôi độ rày hay ăn chua lại trong mình thường hay mệt mỏi, e cho người đã có thai nên đến dự tiệc cưới bất tiện lắm, xin đại nhơn rộng lòng tha thứ cho.
Hoàng Phủ Kính nghe nói nghĩ thầm :
«Nếu Lệ Minh Đường là Mạnh Lệ Quân giả trai thì làm sao Lệ Phụ nhơn có thai được, thế thì sự nghi ngờ bấy lâu nay là sai cả »
Nghĩ rồi vội vàng chắp tay nói :
- Nếu vậy thì tôi có lời chúc mừng và không dám cố mời nữa.
Hoàng Phủ Thiếu Hoa vâng lời, cùng với mai nhơn Vệ Hoán lên kiệu ra đi.
Hôm ấy, trong phủ Nguyễn Long Quang, người ta thấy Lưu Yến Ngọc mặc áo quần lộng lẫy bước ra lạy tạ cha mẹ, nhưng có ý quyến luyến không nỡ dứt tình. Cố Phu nhơn thấy vậy ôm Yến Ngọc vào lòng khóc và nói :
- Trước kia ta không ngờ con là người chí hiếu nên thường đối xử bạc bẽo với con. Ngờ đâu hôm nay chính tay con cứu sống đặng cả nhà. Đang lúc ấp yêu con chưa mãn nguyện, lại gặp phải hoàn cảnh chia lìa, thật lòng ta không nỡ.
Nói dứt lời, Cố Phu nhơn khóc òa lên. Lưu Yến Ngọc nói :
- Xin thân mẫu hãy an tâm, thế nào con cũng nói với nhà Hoàng Phủ nhờ người hết lòng bảo tấu may ra song thân khỏi phải lưu đày.
Lưu Tiệp nói :
- Tội ác của ta đáng phải bị diệt tộc, nay triều đình ân xá cho ta đi sung quân, kể cũng đã hạnh phước lắm rồi, con chớ nhọc lòng lo lắng nữa, ta chỉ khuyên con về đó gắng lo tròn bổn phận là đủ.
Lưu Tiệp nói đến đây, xảy thấy bên ngoài kiệu hoa đã đến. Vợ chồng Nguyễn Long Quang thôi thúc Lưu Yến Ngọc ra đi. Nàng gạt nước mắt giã từ song thân rồi khép nép bước lên kiệu. Theo sau , có mẹ con Giang Tấn Hỉ và bốn đứa nữ tỳ.
Khi kiệu hoa đến Vương phủ thì đúng giờ hoàng đạo, bên trong nhạc trỗi vang dậy, các nữ tỳ xúm lại phò nàng lên kiệu, đặng cùng Hoàng Phủ Thiếu Hoa tham bái thiên địa.
Lúc ấy, các quan mời Lệ Minh Đường cùng lên điễn đứng xem đôi thân hôn làm lễ. Sau khi hai người làm lễ trời đất thì quay qua hướng Bắc lạy tạ Hoàng ân, rồi mới lạy cha mẹ.
Hoàng Phủ Kính nói :
- Làm người cần phải nghĩ sâu xa mới được. Nếu chúng ta không nhờ Lệ ân sư đây cứu nạn thì làm gì có sự vinh hiển vui vầy như ngày nay ? Vậy bây giờ trước khi làm lễ, chúng ta hãy làm lễ Lệ ân sư trước ađ’.
Lệ Minh Đường tỏ vẻ từ chối :
- Làm như vậy không được đâu, tôi thiết tưởng không có cái ơn nào lớn bằng ơn dưỡng dục cả. Hãy lạy tạ cha mẹ trước đi mới phải. Hơn nữa, tôi đây còn trẻ tuổi, cũng đáng đạo con, xin người miễn lễ cho.
Hoàng Phủ Thiếu Hoa nói :
- Cả nhà tôi đều mong nhờ có ân sư cứu nạn, dùlạy đến trăm lạy cũng chưa đền đáp nổi, mong ân sư chớ nên chối từ.
Các quán cũng đồng thanh nói :
- Điều ấy Thừa tướng cũng nên nhận để cho trung hiếu vương tạ lễ là phải.
Cực chẳng đã, Lệ Minh Đường phải ngồi cho vợ chồng Trung hiếu vương đồng lạy tám lạy. Sau đó mới quay qua lạy cha mẹ và làm lễ giao bái.
Làm lễ xong thì trống nhạc trỗi lên vang dậy đưa vào cung động phòng. Lúc ấy nữ tỳ mới giở cái khăn phủ mặt Yến Ngọc ra ; Thiếu Hoa trông thấy dung nhan nàng tuy có đẹp song trải qua thời gian luân lạc cam khổ đã nhiều nên sắc đẹp có phần sút kém hơn trước.
Khi Thiếu Hoa vừa ngồi xuống uống được vài ngụm rượu hiệp cẩn thì nữ tỳ đã vào mời chàng ra ngoài tiếp khách.
Thiếu Hoa bèn dặn nữ tỳ ở đó hầu hạ rồi chàng mới bước ra ngoài tiếp đãi các quan. Lúc ấy ban hát đã vào kẻ mặt thoa son, sắp sửa diễn tuồng để giúp vui cho mọi người. Trước khi diễn, tên bầu hát bước ra xin các quan chọn tuồng để chúng trổ tài.
Lệ Minh Đường bèn chọn tuồng nữ Trạng Nguyên và buộc chúng chỉ được diễn tuồng ấy thôi.
Trong bọn hát phường , có hai con đào tuổi vừa mười bốn, nhan sắc lộng lẫy, tiếng hát thanh tao nên Hoàng Phủ Kính kêu lên hầu rượu cho các quan.
Hai con đào thấy Lệ Minh Đường đứng đầu trăm quan mà tuổi còn nhỏ, lại lịch sự trai, nên cứ quanh quẩn bên mình rót rượu chúc mời không ngớt miệng.
Khi mọi người đã hơi say. Lệ Minh Đường nét mặt tươi cười rót ba chén rượu thưởng cho hai đứa ca nhi, ép phải uống cho cạn chén mới nghe. Hai đứa uống vào đôi má ửng hồng như hoa đào chớm nở, trông vẻ đẹp càng mặn mà đáo để.
Thừa lúc đang say. Lệ Minh Đường bế xốc hai dứa ca nhi để trên hai bắp đùi mình nựng nịu, trông như người tham dâm háo sắc lăm vậy.
Lời bình:
- Người ta có thể dùng uy quyền để chinh phục người, có khi dùng tiền bạc để chinh phục. Nhưng hai cái lợi khi trên không trường tồn, vì uy quyền có một ngày nào nó sẽ mất đi và tiền bạc cụng không trường tồn, vì uy quyền có một ngày nào nó dẽ mất đi và tiền bạc cũng không thể tồn tại mãi mãi được. Chỉ có lòng nhân là trường cửu thôi. Nếu biết lấy lòng nhân để chinh phục người thì kẻ được giáo hóa mới thật tâm cải thiện.
Khi Lưu Yến Ngọc vào chùa, có một số tiền khả dĩ tặng cho đại sư Vạn Linh thì được người đối xử tử tế , đến khi bị mất trộm hết tiền, tất nhiên bị đại sư hành hạ như thường.
Có người bảo nhà Hoàng Phủ đã lấy lòng nhân đạo đối xử với vợ chồng Lưu Tiệp, nên Lưu Tiệp đã biết ăn năn tự hối. Nói như thế thì thật là phiến diện và nông cạn lắm. Ta thấy ra Lưu Yến Ngọc là tình nhân của Hoàng Phủ Thiếu Hoa, nàng là ân nhân cứu mạng lại nhứt tâm thủ tiết với chàng, vì vậy Thiếu Hoa phải xử cho trọn nghĩa để chắp mối tơ duyên. Thử hỏi nếu Lưu Tiệp không có con là Lưu Yến Ngọc trao tình với Thiếu Hoa thì liệu Thiếu Hoa có tâu xin cho tha tội không? Không! Trăm phần trăm là không. Thế thì Thiếu Hoa tâu xin tha tội cho Lưu Tiệp chỉ vì muốn cưới nàng Lưu Yến Ngọc , chứ có ý gì muốn dùng nhân đạo để cải hóa Lư Tiệp đâu ! Còn Hoàng Phủ Kính và Trưởng Hoa Hoàng hậu cũng cố tình tâu xin là muốn cho sớm có một cô dâu để có cháu nối dòng họ Hoàng Phủ.
Thế thì Lưu Tiệp chưa chắc đã thực tâm hối cải. Chỉ vì hiện nay thế lực của Lưu Tiệp đã mất, trái lại họ Hoàng phủ quyền thế không ai bì nên Lưu Tiệp phải quỳ lạy đó thôi ; chứ nếu gặp điều kiện may mắn, Luư Tiệp có quyền thế như xưa, chưa chắc Lưu Tiệp đã không nhớ lại sự việc này và tánh ganh hèn ghét ngõ chưa chắc đã bỏ hẳn.
Nhấn vào đây để xem chương mới nhất của Ebook Tái Sanh Duyên.