• 1,120

Hồi 55: Cựu Hoàng hậu báo mộng cứu cha; Lưu Quốc trượng, bệ tiền được tha


Dịch giả: Nguyễn Đỗ Mục
Nguồn: NXB Văn Hóa Thông Tin
Hoàng Phủ Kính thấy Lệ Minh Đường giỡn cợt như vậy, sợ người chơi quá trớn rồi tự hổ thẹn, nên vội nói chận :
- Vui quá. Xin Thừa tướng cứ tự tiện vui chơi uống cho thật say sưa một bữa, càng say càng tốt.
Hoàng Phủ Thiếu Hoa thấy thế nghĩ thầm :
« Lệ Thừa tướng tham dâm háo sắc quá độ như vậy thì tỏ rằng người không phải là nữ lưu »
Các quan uống rượu đàm luận mãi cho đến chiều mới cáo từ lui về. Cha con Hoàng Phủ Kính tiễn ra tận ngoài ngõ mới trở vào.
Thiếu Hoa vào trong rồi đi thẳng vào tận phòng tiếp chuyện với Yến Ngọc một lát, đoạn ra nhà sau nói với Giang Tam Tẩu :
- Chỉ vì phu nhơn tôi thủ tiết nên mụ phải theo ở chùa chịu cam khổ mấy năm trời, ơn ấy thật không biết lấy chi báo đáp cho vừa. Vậy từ nay trở đi, mụ hãy vào phòng ngủ với phu nhơn tôi cho vui.
Giang Tam Tẩu gật đầu vâng lời, nhưng trong lòng lấy làm ngạc nhiên, lật đật vào phòng hỏi Lưu yến Ngọc , mới hay Thiếu Hoa đã nói với nàng xin hoãn sự thành thân lại để chờ tin Mạnh Lệ Quân, bằng không tìm kiếm nàng được thì sau ba năm sẽ cùng nhau chăn chiếu.
Giang Tam Tẩu nghe qua, cau mày tỏ vẻ không bằng lòng, nói :
- Bây giờ đây chưa gặp Mạnh thị mà còn không chịu thành thân thay, huống hồ sau này gặp nàng ta rồi, không biết sẽ đối xử với tiểu thơ bằng cách nào nữa. Thật tôi lấy làm lo ngại cho số phận của tiểu thơ lắm đấy.
Lưu Yến Ngọc nói :
- Không hề gì đâu ! Chàng đã không chịu thành thân để tỏ ra không phụ tình với họ Mạnh; mà chàng đã không phụ họ Mạnh, chẳng lẽ chàng lại phụ tôi sao ?
Giang tam Tẩu nói:
- Tiểu thơ thì nghĩ vậy nhưng lòng người vô cùng bí ẩn, chắc gì họ đã làm vừa lòng tiểu thơ sao? Ờ, mà đêm nay tiểu thơ tính cho tôi ngủ ở đâu đây?
Lưu yến Ngọc nói:
- Thì mụ cứ ngủ với tôi nơi đây rồi mai sẽ đem thêm cái giường nữa.
Giang Tam Tẩu vâng lời rồi cởi áo leo lên giường nằm chung với Lưu Yến Ngọc.
Đêm ấy Hoàng Phủ Thiếu Hoa nằm một mình nơi Loan Phụng cung. Sáng hôm sau, chàng đem việc hoãn thành thân với Lưu Yến Ngọc nói rõ cho Doãn Phu nhơn hay.
Doãn Phu nhơn nghe nói không thèm trả lời, lật đật đi thẳng vào Kim Tước cung để gặp tận mặt Lưu Yến Ngọc. Yến Ngọc vừa trông thấy Doãn Phu nhơn đến, vội vàng ra nghinh tiếp rồi nhắc ghế mời ngồi, đoạn cúi lạy tạ ơn đã cứu mạng choc ả gia quyến nàng.
Doãn Phu nhơn đỡ dậy rồi bảo nữ tỳ lui ra hết, mới hỏi Lưu Yến Ngọc:
- Tại sao con lại bằng lòng đợi ba năm nữa mới thành thân?
Lưu Yến Ngọc thưa:
- Phu nhân con muốn thủ tiết cùng họ Mạnh trong ba năm nữa để cho trọn nghĩa, trọn tình lẽ nào con lại không tuân theo?
Doãn Phu nhơn nghe nàng nói rất hài lòng, liền lui ra thuật lại cùng Hoàng Phủ Kính. Hoàng Phủ Kính thấy dâu mình hiền đức như vậy cũng khen thầm.
Ngày kia, Trưởng Hoa Hoàng hậu đang ngồi trong cung đợi chờ thánh giá, bỗng thấy trong người mỏi mệt lạ thường. Hoàng hậu dựa vào án mơ màng trông thấy một tên nội thị vào báo:
- Có nương nương đến, hãy mau mau ra tiếp rước.
Trưởng hoa Hoàng hậu nghe nói lấy làm lạ, nghĩ thầm:

Ta đây là Chánh cung Hoàng hậu thì còn phải tiếp rước ai nữa
.
Vừa nghĩ đến đây, bỗng thấy một người đàn bà từ bên ngoài ung dung bước vào, mặc áo Chánh cung Hoàng hậu, má đào, mày liễu, trên mặt có một nốt ruồi son, trông tướng mạo rất thanh tao, trang nhã.
Vừa thoáng thấy, Trưởng Hoa Hoàng hậu đã có cảm tình ngay và đem lòng kính trọng nên vội vã đứng dậy tiếp nghinh.
Người đàn bà ấy cúi chào và nói:
- Tôi đây không phải ai xa lạ, mà chính là Lưu Hoàng hậu thuở trước. Vì tôi bạc phước nên sớm lìa trần, không được hưởng trọn vẹn phú quý vinh hoa, nay hiền muội hậu phước chẳng bao lâu sẽ sanh được Hoàng Thái tử, tôi thật lòng chúc mừng cho hiền muội đấy.
Ngừng một lát , Lưu Hoàng hậu tiếp:
- Nay tôi về đây có chút việc muốn tỏ bày tâm sự cùng hiền muội. Tôi xét thấy đứa em phản nghịch của tôi là Lưu Khuê Bích đã đem lòng gian ác muốn hại cả nhà của hiền muội, còn lão phụ tôi lại dung túng cho con là trái lẽ , gây nên tội ác tày trời, may nhờ có hiền muội tâu xin mới toàn tánh mạng và sẽ đày đi Lãnh Nam để làm lính. Tôi nhận thấy cha mẹ tôi đã già, nếu bị đày đi thì chịu sao cho nổi, vậy hiền muội đã thương xin thương cho trót. Ngày nay nhơn cơ hội có thể tâu được, hiền muội hãy thương tình tâu giúp cùng Thánh thượng cầu tha cho song thân tôi khỏi đày đến Lãnh Nam và nghịch đệ tôi được chết một cách toàn thây, thì linh hồn tôi dưới suối vàng cũng ráng hộ trì cho hiền muội chóng sanh Hoàng tử nối lấy ngôi trời.
Lưu Hoàng hậu cầu khẩn dứt lời, liền chắp tay bái biệt lui ra. Trưởng Hoa Hoàng hậu lật đật chạy theo mời lại, nhưng rủi vấp chân té ngã, giựt mình thức dậy mới hay mình vừa nằm chiêm bao.
Hoàng hậu nghĩ thầm:

Xưa kia Lưu Hoàng hậu vốn người hiền đức nên hôm nay người báo mộng, chắc có ứng nghiệm chớ chẳng không. Lại lúc nãy Lưu Hoàng hậu có bảo cơ hội này có thể tấu xin được, nhưng chẳng biết cơ hội gì đây?
.
Trưởng Hoa Hoàng hậu còn đang suy nghĩ thì thấy nội thị vào báo:
- Thánh giá đã hồi cung.
Hoàng hậu vội vã ra nghinh tiếp vào rồi đem những việc Lưu Hoàng hậu vừa báo mộng tâu bày cho vua nghe. Vua Thành Tôn mỉm cười:
- Trẫm thừa hiểu Hoàng hậu là người hiền đức, sợ trẫm không chịu tha nên mới đặt chuyện nói có Lưu Hoàng hậu về báo mộng để cho trẫm cảm động chứ gì? Nhưng không thể được đâu, vì tội ác Lưu Tiệp lớn lắm, không thể nào dung thứ được.
Trưởng Hoa Hoàng hậu nói:
- Quả thật có Lưu Hoàng hậu về báo mộng, chứ không phải thần thiếp dám đặt chuyện dối trá đâu, xin bệ hạ hiểu cho.
Vua Thành Tôn cười gằn nói:
- Như quả thiệt có Lưu Hoàng hậu về báo mộng thì hình dung của Lưu Hoàng hậu thế nào, khanh hãy tả ra xem nào.
Trưởng Hoa Hoàng hậu nói:
- Lưu Hoàng hậu vóc người mảnh khảnh, mặt dài da trắng, trên mặt có nốt ruồi son.
Vua Thành Tôn cười nói:
- Trẫm vẫn không tin, vì Hoàng hậu đã lập tâm trước nên mới hỏi thăm cung nữ cho biết chứ gì?
Trưởng Hoa vẫn cứ một mực tâu bày như vậy, khiến vua Thành Tôn hơi bực mình nói:
- Sao khanh lại cứ chối quanh làm gì? Dầu cho có thiệt Lưu Hoàng hậu báo mộng đi nữa, cũng không đạp lên luật lệ của triều đinh được kia mà!
Vua nói chưa dứt lời, xảy thấy nội thị vào quỳ tâu:
- Muôn tâu bệ hạ, quan thống chế ải Nhạn môn là Lưu Khuê Quang đã đánh dẹp đặng quân giặc, nên gởi một đạo biểu văn về xin kính dâng Thánh thượng ngự lãm.
Vua bèn truyền nội giám mở ra đọc cho mọi người đều nghe.
Nội giám vâng lịnh mở ra, trịnh trọng đọc:

Nhạn môn quan Thống chế tội thần Lưu Khuê Quang kính cẩn vập đầu xin chịu tội thế cho cha mẹ.
Lâu nay tội thần may mắn được Thánh thượng tin dùng, giao cho cái trọng trách trấn thủ tại biên thùy, tội thần đã nguyện hy sinh đến giọt máu cuối cùng để đền ơn vua, nợ nước, cho nên vừa rồi nước Thiên Vu đem hai muôn binh sang xâm lấn biên cương, nhiễu hại bá tánh, tội thần đã dốc lòng đánh dẹp, đêm ngày quên ăn, quên ngủ, bởi thế chỉ trong vòng mấy tháng mà binh giặc bị thảm hại, phải cúi đầu xin quy hàng.
Muôn tâu bệ hạ!
Chẳng phải tội thần dám kể công khó nhọc, ấy chẳng qua là việc báo đáp trong muôn một thời, ngờ đâu thân phụ và thân đệ của tội thần đã được hưởng lộc của triều đình, lại mượn phép công để báo thù riêng, gây tội ác tày trời không thể nào dung thứ được. Nhưng dầu sao, đạo làm con bao giờ lại cam để cho cha mẹ già chịu lấy sự thống khổ cho đành.
Nay tội thần cúi xin bệ hạ rộng lòng thương cho tội thần và vợ là Lục thị được hân hạnh chịu chết thay cho cha mẹ.
Muôn tâu bệ hạ!
Đáng lẽ tội thần phải thân hành về triều vập đầu trước bệ xin chánh phép, ngặt vì Nhạn Môn quan là nơi trọng yếu không thể lơ đi một phút nào được, cúi xin bệ hạ sai một tên võ tướng khác thay thế cho tội thần, đặng tội thần cùng vợ con về chịu tội
.
Trưởng Hoa Hoàng hậu nghe xong tờ biểu văn ấy thì nghĩ thầm:

Thế thì Lưu Hoàng hậu rất linh thiêng, người đã biết trước Lưu Khuê Quang sẽ thắng trận dâng biểu về xin ân xá, nên mới báo mộng cho ta biết sắp có cơ hội tốt có thể tâu xin được
.
Trưởng Hoa Hoàng hậu còn đang suy nghĩ, đã nghe vua lên tiếng phán:
- Thật tình chẳng phải là trẫm vô tình không muốn tha, ngặt vì pháp luật của triều đình không thể xem thường được. Nay nhân dịp này mới có điều kiện tha thứ đây.
Nói dứt lời, vua truyền nội giám thảo chiếu ngay.
Chiếu chỉ viết như sau:

Nay Lưu Khuê Quang có công dẹp giặc, nên trẫm giảm tội cho cả gia quyến để tỏ sự công minh trong việc thưởng phạt. Vậy ngày mai quan Hình bộ phải đem Lưu Khuê Bích giảo tử nơi ngục trung, đừng để bộc lộ thi thể giữa pháp trường, còn Bành Như Trạch thì đày đi sung quân. Vợ chồng Lưu Tiệp thì được miễn tội. Lại ban thưởng cho Lưu Khuê Quang một bộ nhị phẩm công phục và đem vàng bạc đến ải Nhạn môn phân phát uỷ lạo quân sĩ. Hình bộ phải thi hành cho chu đáo, chớ nên sơ thất
.
Quan Hình bộ lãnh chiếu, liền lo sắp đạt võ sĩ đặng sáng ngày vào ngục thất thi hành.
Chỉ mấy giờ sau, tin Lưu Tiệp được tha đến tai Hoàng Phủ Kính, cả nhà Hoàng Phủ đều vui mừng vô hạn, riêng Lưu Yến Ngọc thì nửa mừng , nửa thương. Mừng là mừng cho cha mẹ nàng được thoát nạn, thương là thương cho anh mình phải bị giảo hình.
Vợ chồng Thiếu Hoa tuy đêm đêm không chung chăn gối, song ban ngày Thiếu Hoa cũng thường hay đến chuyện trò, nên khi hay tin vợ chồng Lưu Tiệp được tha, Thiếu Hoa lật đật vào Kim Tước cung nói với Lưu Yến Ngọc:
- Nhạc phụ và nhạc mẫu nay được ân xá, khỏi phải đi sung quân rồi, thật tôi lấy làm mừng lắm.
Lưu Yến Ngọc ứa nước mắt nói:
- Còn gì sung sướng cho bằng khi nghe tin song thân được tha, song ngày mai này thân huynh tôi phải chịu tử hình, vẫn biết tội anh tôi dư muôn thác, nhưng tình anh em cốt nhục, tôi muốn vào đó viếng thăm một chút trước khi anh tôi lìa trần, chẳng biết song thân có cho phép hay không?
Thiếu Hoa nói:
- Đó là việc phải, nhưng phàm con gái còn trẻ tuổi chẳng nên vào ngục thất, tôi chỉ sợ e song thân tôi không cho phép đó thôi. Tuy vậy phu nhơn cũng cứ việc đến xin phép thử nào.
Thiếu Hoa dứt lời, liền dắt Lưu Yến Ngọc đến yết kiến Hoàng Phủ Kính và Doãn Phu nhơn để thưa rõ mọi việc.
Hoàng Phủ Kính nói:
- Lẽ ra con không nên vào đó, song vì tình anh em, hơn nữa vấn đề tử biệt sanh ly rất là thê thảm nên con có vào đó cũng không sao. Nhưng con nhớ có vào đó chớ nên quá thương mà có hại đến thân thể nhé!
Lưu Yến Ngọc mừng rỡ, bái tạ lui về cung. Sáng hôm sau, Lưu Yến Ngọc dậy sớm lắm, đến thưa cùng vợ chồng Hoàng Phủ Kính và Hoàng Phủ Thiếu Hoa rồi nàng mới lên kiệu vào ngục thất. Đi theo nàng có mẹ con Giang Tấn Hỉ nữa.
Lời Bình:
- Ở đời có hai lối sống: một là sống với hình thức bên ngoài, hai là sống với lương tâm thực. Xét về phương diện hình thức thì Hoàng Phủ Thiếu Hoa đi cầu hôn Mạnh Lệ Quân, hai nhà đã đồng ý kết thân, rủi thay nhà Hoàng Phủ bị tai họa, Mạnh Lệ Quân vẫn thủ tiết thờ chồng. Vậy thì xã hội chỉ biết có Thiếu Hoa và Mạnh Lệ Quân là hai vợ chồng mà thôi, cho nên nếu trọng về hình thức thì khi Thiếu Hoa đã biết Mạnh Lệ Quân chưa chết mà đang tâm đi cưới một người khác, tất sẽ bị vợ chồng Mạnh Sĩ Nguyên cho Thiếu Hoa là con người bạc nghĩa.
Nhưng nếu xét về thực chất lương tâm thì Lưu Yến Ngọc mới là người yêu lý tưởng, nàng cũng thủ tiết thờ chồng, chịu cam khổ mấy năm trường hẩm hút trong chốn thiền môn và nàng lại là ân nhân cứu mạng, thì nàng phải là vai chính trong cuộc tình duyên này vậy.
Ta có thể nói Hoàng Phủ Thiếu Hoa vì sợ mang tiếng với đời nên không chịu cưới Lưu Yến Ngọc thì đúng hơn là bảo chàng trọng tình chung thủy. Còn bảo rằng chàng vì chữ hiếu buộc lòng phải cưới Lưu Yến Ngọc thì chưa chắc đã đúng. Vì ông bà Hoàng Phủ Kính muốn con mình cưới vợ để sớm có con nối dõi tông đường, mà khi chàng cưới về lại cương quyết không đồng sàng thì thử hỏi chữ hiếu của chàng ở đâu?
Xem qua hồi này có một điều phi lý hơn nữa, là Doãn Phu nhơn vì việc muộn cháu nội mà buồn rầu, nhưng khi thấy con mình không thành thân với vợ, lại vui mừng chẳng tiếc lời khen, thì quả là mâu thuẫn quá!
Nhấn vào đây để xem chương mới nhất của Ebook Tái Sanh Duyên.