• 1,117

Hồi 56: Lòng dạ hiểm sâu, Khuê Bích tử vong; Ỷ thế cậy thần, Tam Tẩu lên mặt


Dịch giả: Nguyễn Đỗ Mục
Nguồn: NXB Văn Hóa Thông Tin
Khi Lưu Yến Ngọc vào ngục thất, đã thấy có mặt Thôi Phàn Phụng ở đó. Khuê Bích trông thấy Lưu Yến Ngọc thì tỏ vẻ không bằng lòng:
- Sao em không biết gì cả vậy? Võ hiếu vương đã có lòng tử tế nhận em làm con dâu, sao em không chịu ở nhà hầu hạ cho tròn đạo hiếu, lại vào chi chốn này?
Lưu Yến Ngọc rưng rưng hai hàng nước mắt, thưa:
- Chỉ vì em nghĩ tình máu mủ trước lúc vĩnh biệt nên dù sao em cũng xin vào gặp mặt anh trước lúc anh từ giã cõi đời, em mới thỏa dạ. Hôm qua, em đã xin phép nhà Hoàng Phủ rồi, cha mẹ chồng và chồng em đều cho phép, em mới dám đi.
Lưu Khuê Bích nói:
- Anh thiết tưởng trên đời này không ai nhơn đức cho bằng họ nhà Hoàng Phủ. Người đã thi ân bảo toàn tánh mạng cho cha mẹ ta, cái ơn trọng ấy ta nguyền kiếp sau sẽ làm trâu ngựa đáp đền cho kỳ được.
Khuê Bích vừa nói đến đây, xảy thấy quan Hình bộ dẫn bọn võ sĩ đến bảo:
- Đã sắp đến giờ hành quyết rồi, nếu ai không can dự phải mau mau lui ra để ta hành sự.
Vợ chồng Lưu Tiệp nghe nói, giật mình than khóc rất thê thảm. Một lát sau đúng giờ, quan Hình bộ truyền quân hạ thủ, bọn võ sĩ hô lên một tiếng rồi cùng áp vào một lượt đóng kín cửa lại lấy dây thắt cổ Khuê Bích chết tươi.
Khi mở cửa ra, cả nhà họ Lưu vào thấy Khuê Bích chỉ còn là cái xác bất động, ai nấy đều thương xót, nhào lăn ra ôm khóc rống lên một hồi, rồi Lưu Tiệp lo mua đồ mai táng.
Cố Phu nhơn nói với Lưu Yến Ngọc :
- Ngày nay ta được sống sót đây là nhờ ơn Thánh thượng, Hoàng hậu và cả nhà Hoàng Phủ. Vậy ta định ngày mai đây sẽ sang Vương phủ lạy tạ, và nhờ nhà Hoàng Phủ đưa ta vào cung, đặng lạy tạ Thánh thượng cùng Hoàng hậu , rồi sau đó sẽ đem hết gia quyến về ở Nhạn Môn quan với anh con. Bây giờ con hãy đi về báo tin trước cho nhà Hoàng Phủ biết.
Lưu Yến Ngọc vâng lời, dắt mẹ con Giang Tam Tẩu lui về Vương Phủ . Khi về đến nơi. Lưu Yến Ngọc nói rõ ý định của Cố Phu nhơn cho vợ chồng Hoàng Phủ Kính nghe.
Doãn Phu nhơn nói:
- Ngày nay đôi bên đã là sui gia rồi thì xem như một nhà, đừng kể chi đến việc ơn nghĩa nữa, nếu phu nhơn muốn vào cung thì để mai ta sẽ đưa vào.
Sáng hôm sau, bình minh vừa xuất hiện, đã thấy Thủ môn quan chạy vào báo:
- Có vợ chồng Hoàng Phủ Kính hay tin, vội vã cùng vợ chồng Hoàng Phủ Thiếu Hoa ra nghinh tiếp vào, bày tiệc khoản đãi rất trọng hậu. Khi mãn tiệc, Lưu Tiệp đứng dậy tỏ lời tạ ơn cứu mạng rồi cáo từ lui về, còn Cố Phu nhơn ở lại, được Lưu Yến Ngọc thỉnh vào phòng mình.
Cố Phu nhơn vào đến nơi, Giang Tam tẩu bước ra lạy mừng. Bà ta thấy phòng the trần thiết rực rỡ, toàn là những đồ châu báu, thì nghĩ thầm:

Lối trưng bày sang trọng quá, chắc vợ chồng nó tương đắc với nhau lắm là phải
.
Lưu Yến Ngọc lại nói:
- Ở đây rộng rãi lắm, thân mẫu hãy ở lại luôn với con cho vui, đừng về làm chi.
Cố Phu nhơn nhìn Yến Ngọc bằng đôi mắt ngạc nhiên, nói:
- Con có chồng mà bảo mẹ ở chung thì sao tiện?
Yến Ngọc thưa:
- Đêm đến, phu quân con ngủ ở Loan Phụng cung, chớ có vào đây đâu!
Cố Phu nhơn lại ngạc nhiên hơn nữa, bà hỏi:
- Tại sao vậy? Hay là người chê nhà ta hạ tiện, nên chẳng muốn đồng sàng cùng con?
Lưu Yến Ngọc thưa:
- Thưa không phải vậy đâu, thân mẫu ạ! Chỉ vì chàng muốn thủ tiết cùng họ Mạnh trong ba năm nữa rồi mới thành thân cùng con, còn hiện giờ tuy chưa thành thân nhưng ngày nào chàng cũng vào phòng ân cần, trò chuyện với con, tình ý rất đậm đà, thân mật. Vả lại, ông bà Võ hiếu vương yêu chuộng con lắm, không cho con làm việc chi cả, con chỉ ở không xem sách tối ngày thôi.
Cố Phu nhơn nghe nói mừng lắm, bà quay qua hỏi Giang Tam Tẩu:
- Còn phần mụ được người ta đối xử thế nào?
Giang Tam Tẩu nói:
- Cả nhà đối xử với mẹ con tôi rất tử tế, xem như bậc thượng tân vậy.
Lúc ấy còn sớm nên Lưu Yến Ngọc dắt Cố Phu nhơn qua Loan Phụng cung xem hình Mạnh Lệ Quân. Cố Phu nhơn đứng ngắm nhìn hồi lâu rồi tắc lưỡi nói:
- Người sao lại xinh đẹp đến thế! Chẳng khác nào một nàng tiên, chốn hồng trần này ít ai sánh kịp. Thảo nào trước kia anh con quá tương tư, đến nổi ngày nay phải thiệt mạng.
Đêm ấy, Cố Phu nhơn ở lại cùng Lưu Yến Ngọc. Ngủ chung một giường, lại nhân lúc sắp xa nhau, nên hai người quyến luyến nhau trò chuyện mãi đến sáng.
Hôm sau, Doãn Phu nhơn thết đãi Cố Phu nhơn rất trọng hậu rồi đưa bà ta vào cung điện. Lúc bấy giờ, vua Thành Tôn đang ở trong cung. Nghe nội giám vào báo, vua tỏ vẻ bất bình nói với Hoàng hậu:
- Họ Lưu tội ác đã dãy đầy, mà thế thường tánh đàn bà hay cầu cạnh làm xằng , thôi để trẫm lánh mặt đi là hơn.
Vua Thành Tôn nói dứt lời liền lui ra. Hoàng hậu bèn truyền mời hai bà phu nhơn vào. Đến nơi, Doãn Phu nhơn mời Cố Phu nhơn ngồi trên, nhưng Cố Phu nhơn từ chối không dám ngồi, Trưởng Hoa nói:
- Thân phụ tôi cùng tôn phu là bạn đồng liêu trong triều, còn phu nhơn lại là thân mẫu của tiên Hoàng hậu, tức cũng như thân mẫu của tôi, có can chi đâu mà phu nhơn lại từ chối.
Cực chẳng đã, Cố Phu nhơn phải khép nép ngồi trên. Khi trà nước xong rồi. Cố Phu nhơn đứng dậy tỏ lời tạ ơn:
- Phu quân tôi đã gây nên tội ác tày trời, hại cho Hoàng hậu cửa nhà ly tán, thân thuộc chia lìa, thế mà nay Hoàng hậu không ngfhĩ đến thù xưa, lại tâu xin cho cả gia quyến tôi được toàn tánh mạng. Vì vậy, hôm nay tôi vào đây cốt để tạ ơn Hoàng hậu và nhờ Hoàng hậu chuyển tạ giùm Thánh thượng cho.
Trưởng Hoa Hoàng hậu nói:
- Tôi cũng muốn tâu xin cho Lưu Quốc cựu khỏi chết, ngặt vì pháp luật không thể dung tha nên tôi lấy làm áy náy trong lòng, tưởng không có gì đáng cho phu nhơn phải cảm tạ.
Nói dứt lời, Trưởng Hoa Hoàng hậu bèn truyền thị nữ dọn tiệc lên, cùng với hai bà phu nhơn ăn uống. Khi tiệc mãn, Hoàng hậu tặng cho Cố Phu nhơn ba trăm lạng bạc và tặng cho Doãn Phu nhơn mấy thứ bảo vật; đoạn hai bà cáo từ lui về Vương Phủ.
Đến nơi Lưu Yến Ngọc ra nghinh tiếp vào trò chuyện hồi lâu. Cố Phu nhơn xin về. Doãn Phu nhơn bèn tặng thêm vài món bảo vật nữa, rồi tiễn đưa ra tận ngoài cửa mới trở vào.
Cố Phu nhơn về đến phủ Nguyễn Long Quang, thuật hết mọi việc bên nhà Hoàng Phủ và trong cung cho mọi người nghe, ai ai cũng tấm tắc khen ngợi cho lòng nhơn từ đại lộ của nhà Hoàng Phủ.
Lúc bấy giờ Bành Như Trạch đã bị đày ra Lãnh Nam rồi, còn linh cửu của Lưu Khuê Bích thì Lưu Tiệp sai Giang Tấn Hỉ và Châu Nghĩa đem về quê. Ba hôm sau; vợ chồng Lưu Tiệp cùng gia quyến lên đường đi Nhạn Môn quan. Các bạn bè quen biết cùng môn sanh tiễn đưa rất nhiều. Vợ chồng Hoàng Phủ Thiếu Hoa cũng theo đưa ngót mười dặm đường mới trở lại.
Khi vợ chồng Lưu Tiệp đến Nhạn Môn quan ; trưởng tử là Lưu Khuê Quang được gặp mặt cha mẹ, vui mừng khôn xiết. Bấy giờ, cả nhà họ Lưu đoàn viên vui như hội.
Đến sau này, nghe đâu Lưu Khuê Quang lập được nhiều công trạng lắm, nên được phong đến chức Bắc bình vương, còn con của Ngô Thục Nương là Lưu Quí khi lên mười sáu tuổi lâm bệnh qua đời, chỉ có con Đỗ Hàm Hương là Lưu Toàn vâng lời Lưu Khuê Bích trối dặn là học văn chớ không học võ, nên đến năm mười bảy tuổi thi đỗ nhị giáp, được bổ vào toà Khâm thiên giám.
Đó là việc sau này. Bây giờ xin nhắc qua mụ vú Giang Tam Tẩu từ ngày được vào trong Vương phủ hưởng sự sung sướng nhất đời, lại được trọng đãi xem như thượng khách. Giang Tấn Hỉ vốn biết mẹ mình là hạng hạ lưu, xuất thân nơi hàn tiện, sợ sanh tánh kiêu căng, vui mừng giận ghét một cách bất thường, có thể làm mích lòng mọi người xung quanh nên thường khuyên giải. Hôm nay Giang Tấn Hỉ bận đi hộ tống linh cửu của Lưu Khuê Bích về Vân Nam nên một mình Giang Tam Tẩu ở nhà thường vênh mày vác mặt, lúc nào bà ta cũng tỏ vẻ hiu hiu tự đắc.
Mỗi lần bà ta trông thấy Tô Đại nương ngồi chuyện vãn cùng Doãn Phu nhơn thì bà ta hậm hực trong lòng, nghĩ thầm :
« Bất quá Tô Đại nương cũng là nhũ mẫu như ta chớ có hơn gì. Vả lại, con gái của mụ ta đã chết rồi, còn Mạnh Tiểu thơ thì đi biệt tích, sao bằng mẹ con ta đã có cái ơn lớn cùng Trung hiếu vương, lại Lưu Phu nhơn bây giờ do tay ta nuôi nấng, nhất định ta phải có phần hơn Tô Đại nương mới phải chớ ».
Vì nghĩ vậy, nên hễ thấy Tô Đại Nương ngồi chung với Doãn Phu nhơn thì bà ta ngồi xê lại xỏ xen trong câu chuyện, có ý biếm bãi trông mất lịch sự lắm. Nhưng Doãn Phu nhơn vốn người đại lượng nên thấy vậy vẫn tươi cười, không nói chi mích lòng.
Giang Tam Tẩu thấy thế càng thêm lừng chí, thường chế nhạo Tô Đại nương ra mặt. Tô Đại nương lại cho mụ ta là hạng tiều nhơn nên giả cách làm ngơ, không thèm chấp trách.
Giang Tam Tẩu cho rằng Tô Đại nương có ý khinh mình, nên gọi bọn nữ tỳ đến bảo :
- Tô Đại nương cũng là một bà nhũ mẫu như ta, vậy chúng bay đã kêu bà ta bằng Tô Đại nương, thì cũng phải gọi ta bằng Giang Đại nương mới đúng chớ.
Bọn nữ tỳ nghe qua, bụm miệng cười thầm, nói nhỏ với nhau :
- Dầu sao Tô Đại nương cũng là vợ của một bậc nho gia, chỉ vì chồng chết nên bất đắc dĩ mới đi làm nhũ mẫu, vì vậy bà ta biết khiêm cung lễ phép,chúng ta kính trọng là phải. Còn Giang Tam Tẩu là hạng tiểu nhơn đắc chí, cậy thế khoe mình, xét ra có hơn gì chúng ta mà bảo chúng ta phải gọi bằng Đại nương, coi sao được.
Giang Tam Tẩu thấy bọn nữ tỳ đã không gọi mình bằng Đại nương, lại còn nói to nhỏ nhún trề, thì lấy làm giận lắm.
Một sáng kia, Tô Đại nương vừa thức dậy, đã thấy con nữ tỳ Thúy Liễu bưng thau nước nóng đến cho Đại nương rửa mặt. Xảy đâu lúc Giang Tam Tẩu cũng bưng nước cho Lưu Yến Ngọc rữa mặt. Bà ta đi ngang qua giả bộ vô tình đụng mạnh vào cánh tay con Thúy Liễu, làm đổ cả thau nước trên tay hắn .
Con Thúy Liễu nhìn Tam Tẩu nói :
- Sao mụ lại đụng đổ hết nước của tôi vậy ?
Giang Tam tẩu tròn xoe đôi mắt, giận dữ hét :
- Tại sao mày không tránh tao? Bộ mày muốn bảo tao phải tránh mày hay sao?
Thúy Liễu cãi lại:
- Tôi bưng thau nước nặng, còn mụ đi tay không, sao mụ bảo tôi phải tránh?
Giang Tam Tẩu không thèm đáp, dòm thấy trong thau còn lưng thau nước nóng, bèn giựt trút hết trong thùng của mình, rồi xách đi một mạch, không ngó lại.
Con Thúy Liễu giận quá, nói vói theo:
- Lưu Phu nhơn rửa mặt chớ có làm việc chi mà mụ phải đem nhiều nước dữ vậy? Tô Đại nương tôi đang chờ nước rửa mặt, đáng lẽ mụ phải sớt thêm cho tôi chút mới phải chớ!
Giang Tam Tẩu quay lại, gằn giọng nói:
- Hãy im mồm đi! Tô đại nương của mi lại dám phân bì với Lưu Phu nhơn sao?
Nói rồi nguýt một cái , đi mất dạng , làm cho con Thúy Liễu phải hì hục nấu nồi nước khác, hồi lâu mới có nước để đem vào cho Tô đại nương.
Tô đại nương thấy có chậm trể, liền lên tiếng quở:
- Ta bảo mi đi pha cho chút nước rửa mặt, mà mãi đến nửa ngày trời mới đem đến!
Thúy Liễu liền thuật lại việc Giang Tam Tẩu có hành động ganh ghét cho Tô đại nương nghe, và nói:
- Tôi xem Giang Tam Tẩu chẳng phải muốn lấn lướt một mình tiểu tì này thôi, lại còn dám khinh thị đến đại nương nữa là khác, nếu đại nưong không mắng mụ ta một phen thì mụ ta sẽ không coi đại nương ra chi hết.
Tô đại nương nghe vậy, thở dài than:
- Ta chỉ tiếc cho Mạnh Tiểu thơ không biết đi đâu, chớ nếu người về đây được thì Lưu Phu nhơn phải nhường ngôi và lúc ấy mụ ta sẽ hết vênh mày vác mặt. Vả lại, mụ ta là phường tiểu nhơn khi đắc thế, ta cần phải tránh, chớ nên cãi cọ không hay.
Thúy Liễu nghe dạy, cực chẳng đã phải vâng theo, chứ trong lòng căm tức lắm.
Bây giờ xin nhắc qua vợ Mạnh Sĩ Nguyên là Hàn thị Phu nhơn. Từ lúc thấy Lưu Yến Ngọc được kết duyên cùng Hoàng Phủ Thiếu Hoa, bà nghĩ thương xót cho số phận của con gái mình và giận cho Thiếu Hoa phụ tình không thương tưởng nên buồn rầu nhuốm bịnh mỗi ngày một nặng.
Hoàng Phủ Thiếu Hoa hay được, vội vã đến thăm, Mạnh Sĩ Nguyên sợ Hàn Phu nhơn thấy mặt Thiếu Hoa nổi giận lại đau nặng thêm, nên nói dối:
- Nội nhơn tôi đau lâu quá nên trong phòng ô uế lắm, không thể vào thăm được dâu.
Thiếu Hoa nói:
- Tiện tế là phận bán tử thì dầu ô uế đến đâu cũng không không hề chi. Xin nhạc phụ cho phép tiện tế được vào thăm nhạc mẫu.
Mạnh Sĩ Nguyên thấy Hoàng Phủ Thiếu Hoa có dạ chân thành như vậy, lấy làm thương hại, liền bảo Mạnh Gia Linh vào báo cho Hàn Phu nhơn hay. Hàn Phư nhơn hay. Hàn Phu nhơn nổi giận nói:
- Nó đã kết duyên cùng họ Lưu, còn đem kiệu bát bửu đi rước họ Lưu nữa, không đếm xỉa gì đến tình nghĩa con ta nên ta giận quá sanh bịnh, nay còn đến đây làm gì! Thôi, con hãy ra bảo noá vào đây cho m ẹmắng một mách cho đã giận.
Mạch Gia Linh nói:
- Con thấy Hoàng Phủ Thiếu Hoa có dạ chân thành, xin thân mẫu chớ nghĩ lầm mà oan cho người.
Nói rồi, vội bước ra mời Hoàng Phủ Thiếu Hoa vào. Lúc ấy Hàn Phu nhơn dựa gối ngồi trên giường, sắc mặt hầm hầm. Bọn nữ tỳ nhắc ghế mời ngồi, Thiếu Hoa nói:
- Chẳng hay nhạc mẫu vì sao lâm trọng bịnh như vầy?
Hàn Phu nhơn nghiêm giọng nói:
- Tôi không có bịnh gì cả, nhưng chỉ vì năm ngoái hiền tế kết duyên cùng họ Lưu, rước dâu đi qua ngang ngõ tôi, bọn nữ tỳ trông thấy báo cho tôi biết có bà đi kiệu bát bửu, kẻ hầu người hạ rất nghi vệ, nên tôi tiếc thương cho con gái tôi phước bạc, chứ phải chi con gái tôi còn sống thì bao giờ họ Lưu lại đặng như thế kia. Vì sự tủi sầu ấy nên mới mang bịnh đến ngày nay.
Hoàng Phủ Thiếu Hoa nghe nói, biết ngay Hàn Phu nhơn giận mình lắm, nên đứng dậy chắp tay thưa:
- Việc ấy tại mấy con nữ tỳ khiêng kiệu không biết lẽ phải là gì nên đã đi ngang qua ngõ đây mà còn dám làm náo động, thật là có lỗi, nhưng cũng là cái lỗi của tiện tế không biết dặn bảo. Sở dĩ tiện tế phải kết duyên cùng họ Lưu là vì mạng lịnh của Thánh thượng, không thể chối từ được, chứ tiện tế đã thề nguyền thủ tiết cùng lịnh viên trong ba năm rồi mới cưới vợ. Vì vậy, hiện nay đêm nào tiện tệ cũng ngủ riêng phòng, chỉ làm bạn cùng bức chân dung của lịnh viên mà thôi. Tiện tế nỡ lòng nào phụ lòng lịnh viên mà dám thành thân với Lưu thị, xin nhạc mẫu lượng tình thứ tội cho.
Hàn Phu nhơn nghe qua tình trạng ấy thì bằng lòng lắm, bà nói:
- Tôi chỉ thương tiếc cho con tôi xấu số vô phần, chứ nào tôi có dám oná trách hiền tế đâu! Tôi nghĩ con gái tôi đã chết rồi thì làm sao sống lại được. Thế thì hiền tế có thành thân với Lưu thị cũng được, hà tất phải riêng chiếu riêng phòng làm gì!
Lời Bình:
- Người quân tử khiêm nhường bao nhiêu thì kẻ tiểu nhơn khi đắc chí vênh mày vác mặt bấy nhiêu. Giang Tam Tẩu là một kẻ hạ lưu đê tiện, tâm địa lại nhỏ nhoi, khi được Hoàng Phủ Thiếu Hoa nhớ ơn đem về nuôi cả mẹ con sung sướng thì lại kiếm chuyện ganh hèn ghét ngõ với Tô Đại nương. Sở dĩ Thiếu Hoa kính trọng Tô Đại nương và đặt vào hàng nhạc mẫu là vì Tô Yến Tuyết, con bà, đã toan giết Lưu Khuê Bích trả thù cho chàng, lại quyên sinh để bảo tồn danh giá cho nhà họ Mạnh. Cái hành động cao thượng đó ai nghe mà không cảm động, huống hồ chi nàng cũng là một gái quốc sắc hương trời, làm sao Hoàng Phủ Thiếu Hoa không kính phục được.
Còn với Giang Tam tẩu chỉ là một bà vú, chàng chỉ trọng cái ơn của bà đã dìu dắt Lưu Yến Ngọc để giữ trọn trinh tiết mà thôi. Hành động đền ơn của Hoàng Phủ Thiếu Hoa kể cũng xứng đáng lắm rồi, còn đòi gì nữa? Người nông cạn như Giang Tam Tẩu thì chỉ biết có ngày nay mà không nghĩ đến ngày mai, bà đinh ninh rằng Tô Yến Tuyết đã chết rồi, Thiếu Hoa không thể đối xử với bà bằng tư cách chàng rể đối với mẹ vợ được.
Cũng vì cái tánh hẹp hòi ganh tỵ ấy mà sau này, khi Tô Yến Tuyết xuất hiện, tự nhiên bà cảm thấy trong lòng ấ náy, lo sợ , không ăn , không ngủ. May ra xunh quanh bà đều là những hạng trượng phu quân tử nên không thèm đếm xỉa đến cử chỉ nhỏ mọn của bà, bà mới được một số tài sản khả dĩ sung sướng suốt đời.
Cho hay ở đời ta nên bằng lòng và vui hưởng những cái gì mình có, chớ nên so sánh, đòi hỏi quá đáng, có ngày mang họa vậy!
Nhấn vào đây để xem chương mới nhất của Ebook Tái Sanh Duyên.