• 901

Phần 11 - Chương 62: Thái Thượng Cảm Ứng Thiên và những câu chuyện


Số từ: 1271
Thái Thượng Cảm Ứng Thiên Hội Biên
Việt dịch: Cư Sĩ Vô Tri
UẾ THỰC ỦY NHÂN. TẢ ĐẠO HOẶC CHÚNG.
Đưa thức ăn dơ cho người ăn. Dùng bàng môn tà đạo để bịp đời.
1. Ăn nhầm thức ăn nhơ uế để sinh bệnh tật, tự mình không muốn mà cho người ăn, chẳng phải xem người như súc vật hay sao.
2. Đạo chỉ có một, lấy tu thân sửa mình làm gốc, lấy cứu nguy tế bần làm thiện. Đạo mà rời tâm thì là tà đạo. Tà đạo là sự mê tín, hại người nặng hơn thú dữ, nên luật Trời phạt cũng nặng.
3. Thời Xuân Thu, nước Ngụy có một vị quan là Tây Môn Báo được Ngụy Văn Hầu sai đi trấn thủ đất Nghiệp Đô.
Khi đến nơi nhận chức, thấy cảnh vật nơi đây tiêu điều, dân cư thưa thớt, Tây Môn Báo liền triệu phụ lão đất Nghiệp Đô đến hỏi rõ nguyên do.
Phụ lão đều trả lời:
Dân chúng tôi ở đây khổ về một nỗi Hà Bá lấy vợ.
Tây Môn Báo nói:
Quái lạ!
Hà Bá lấy vợ ra sao?
Các ngươi nói rõ cho ta nghe xem.
Phụ Lão:
Đất Nghiệp Đô này có một con sông Chương, Hà Bá là vị Thần của sông này. Thần này thích vợ đẹp, mỗi năm bắt dân phải nộp một gái đẹp trong làng. Nếu chịu nộp thì được mưa thuận gió hòa, hoa màu tươi tốt, nếu không nộp thì bị vị Thần phạt, dâng nước lên làm hại nhà cửa, ruộng nương.
Tây Môn Báo:
Đầu tiên ai bày ra việc này?
Làm sao biết được Hà Bá lấy vợ?
Phụ Lão đáp:
Bọn đồng cốt ở ấp bày ra việc này. Dân chúng tôi sợ nạn nước lụt, nên phải thuận theo. Mỗi năm các Hào Trưởng trong làng cùng bọn đồng cốt bắt dân phải nộp mấy trăm quan tiền, một phần sông làm phí tổn lấy vợ cho Hà Bá, phần còn lại thì họ chia nhau.
Tây Môn Báo hỏi:
Chúng nó chia nhau mà dân lại không nói gì hay sao?
Phụ lão đáp:
Bọn đồng cốt thì giữ việc cầu cúng, còn các Hào Trưởng trong làng cho rằng họ cũng có công, nên cũng phải ăn một phần, chúng tôi đâu dám phàn nàn.
Còn một điều khổ hơn nữa là cứ về đầu năm, bọn đồng cốt thấy con gái nhà ai có nhan sắc, thì bắt người con gái đó phải làm vợ Hà Bá, nếu như có đút tiền cho họ thì sẽ được họ tha cho mà đi bắt người khác. Người nào nghèo khó, không có tiền lễ cho họ thì sẽ phải nộp con cho Hà Bá. Bọn đồng cốt lập một trại cúng ở bờ sông, màn tre trướng rủ, trang hoàng rực rỡ, bắt người con gái bị nộp tắm gội thay áo rồi cho ở đó.
Khi chọn được ngày tốt, đem người con gái ấy ngồi vào cái bè lau, rồi thả ra giữa lòng sông, bè trôi được vài mươi dặm thì chìm. Nhiều người vì thương con, không muốn mất con thì dẫn con trốn đi nơi khác. Cảnh tượng trong Thành vì thế mới tiêu điều vắng vẻ.
Tây Môn Báo hỏi:
Ấp các ngươi bị lụt bao giờ chưa?
Phụ lão đáp:
Mỗi năm chúng tôi đều nộp con gái cho Hà Bá nên chưa hề bị Thần trừng phạt.
Tây Môn Báo nói:
Thần đã thiêng như vậy, khi nào có làm lễ nộp gái thì cho ta hay, để ta cầu đảo cho các ngươi.
Tới kỳ dâng gái, phụ lão đến bẩm. Tây Môn Báo áo mũ nghiêm chỉnh, thân hành ra đứng nơi bờ sông. Quan lại trong ấp đều tụ tập đông đủ, dân trong ấp kéo nhau ra xem đến hàng ngàn người. Bọn Hào Trưởng đưa một bà đồng ra, với bộ mặt kiêu hãnh. Nữ đệ tử của bà đồng đi theo hơn hai mươi người, đều với khăn áo sặc sỡ.
Tây Môn Báo bảo bà đồng già và đến nói rằng:
Dám phiền bà dắt vợ Hà Bá đến, để ta xem mặt:
Đồng bóng sai đệ tử dắt người con gái đến.
Tây Môn Báo thấy người con gái đó nhan sắc tầm thường, bèn bảo với bà đồng và bọn Hào Trưởng:
Hà Bá là bậc quỷ thần, phải tìm người con gái thật đẹp mới xứng đáng, gái này không đẹp, nay ta phiền bà đồng xuống sông nói với Hà Bá rằng, vâng lời Quan Thái Thú đi tìm gái khác đẹp hơn, hôm sau sẽ nộp.
Nói xong, liền sai lính tráng ném bà đồng xuống sông. Mọi người xung quanh ai cũng kinh hồn mất vía.
Tây Môn Báo vẫn ngồi yên như để đợi bà đồng trở lại, một hồi lâu mới đứng dậy nói:
Bà đồng tuổi đã già, không làm được việc, xuống sông đã lâu vẫn chưa thấy trở lại, các cô đệ tử phải xuống giục cho ta.
Tây Môn Báo lại sai quân lính bắt một cô đệ tử của bà đồng xuống sông.
Được ít lâu, Tây Môn Báo lại nói:
Cô đó không làm được việc, đi lâu như thế mà vẫn chưa về.
Nói xong, lại bắt đệ tử khác xuống sông giục. Một lúc sau, Tây Môn Báo cho là chậm, lại bắt thêm một người đi xuống nữa. Cả thảy ba đệ tử của bà đồng xuống sông đều không thấy trở về.
Tây Môn Báo nói với bọn Hào Trưởng:
Bọn ấy đều là nữ lưu, nói năng không rõ, phiền ông nào xuống hộ, giúp việc cho được nhanh chóng.
Nói xong, sai lính bắt một Hào Trưởng ném xuống sông và nói:
Đi mau, kết quả thế nào phải trở về gấp để trả lời cho ta biết.
Hào Trưởng còn lại đều sợ sệt quỳ lạy van xin, không dám ngẩng cổ đứng dậy.
Tây Môn Báo nói:
Nước sông cuồn cuộn, nào thấy Hà Bá ở đâu?
Các người làm hại biết bao nhiêu con gái nhà lành, cái tội ấy các người phải đền mạng.
Bọn Hào Trưởng lại quỳ sụp kêu oan:
Chúng tôi vô tri, xưa nay bị đám đồng cốt lừa dối mà không hay, xin đại nhân thứ tội.
Tây Môn Báo nói:
Bà đồng đã chết rồi, từ nay về sau nếu ai còn bày ra việc Hà Bá lấy vợ nữa, thì bắt ngay người ấy làm mối xuống nói với Hà Bá. Mấy người đã thu được bao nhiêu tiền của dân, bây giờ phải trả lại hết.
Tây Môn Báo truyền cho phụ lão chọn những trai lành, người nào lớn tuổi mà chưa có vợ thì đem nữ đệ tử của bà đồng đem gả cho. Đất Nghiệp Đô từ đó không còn thói đồng cốt, số dân đi trốn từ trước đều trở về làm ăn như xưa.
4. Một người hành động quang minh chính trực khi chết đi sẽ được Ngọc Hoàng Đại Đế phong làm Thần. Đã làm Thần thì không vì người cúng tế hay siểm nịnh mà giáng phúc, cũng không vì người không cung kính, cúng dường mà giáng hoạ.
5. Mê tín dị đoan, nhỏ thì hại mình hại người, lớn thì hại cả một nước. Sách Luận Ngữ viết:
Tử bất ngôn quái, lực, loạn, thần. Đức Khổng Tử không nói đến bốn chữ này, vì biết được quái, lục, loạn, thần dễ làm cho người rời khỏi chánh đạo mà đi vào con đường tà.
Nhấn vào đây để xem chương mới nhất của Ebook Thái Thượng Cảm Ứng Thiên.