CHƯƠNG VIII
-
THẦY LANG
- Tadeusz Dolega Mostowicz
- 3332 chữ
- 2020-05-09 03:39:09
Số từ: 3421
Ở thị trấn Ra-đô-li-xki, nơi đường phố chật hẹp mang tên Na-pô-lê-ông gặp Chợ Thứ Hai còn có tên là Quảng Trường Độc Lập, có một tòa nhà xây hai tầng bằng gạch đỏ, trong đó tầng dưới có bốn cửa hiệu nhỏ. Lớn nhất và sang trọng nhất trong số đó là cửa hiệu ngay góc phố, thuộc quyền sở hữu của bà Mi-kha-li-na Skốp-kô-va. Trong hiệu có bán văn phòng phẩm, tem chơi và tem bưu chính, chỉ khâu, tóm lại, đồ kim chỉ và may cùng với thuốc lá.
Bao nhiêu lần ông An-tô-ni đến Ra-đô-li-xki ông đều vào hiệu bà Skốp-kô-va để mua thuốc, giấy thuốc và diêm, ông cũng mua tại đây cả chỉ tơ nữa.
Bà Skốp-kô-va ít khi ngồi bán hàng. Thường thường bà chỉ ngồi bán vào các ngày thứ năm, tức là ngày phiên chợ. Còn ngày khác, ở nhà bà cũng có nhiều việc ngập đầu phục dịch bốn đứa con và cái cơ ngơi không đến nỗi xoàng. Bà giao cửa hiệu cho một thiếu nữ còn rất trẻ, một cô gái mồ côi, lãnh trách nhiệm của một cô gái bán hàng trung thực và chăm chỉ, để đổi lấy chỗ ở, cơm ăn và mười Zuốt-ty mỗi tháng.
Bà Skốp-kô-va biết đánh giá cả những ưu điểm khác nữa của cô, trước hết là việc khách hàng rất thích Ma-rư-sia. Họ thích cô, bởi đối với ai cô cũng lễ phép, tươi cười, chân thành và thêm vào đó, cô còn xinh đẹp nữa. Cũng chẳng có gì phải giấu, không ít ông khách sộp còn lui tới cửa hiệu bà Skốp-kô-va chỉ cốt được chuyện trò đôi câu với cô Ma-rư-sia, được đùa cợt vài lời và được liếc mắt đưa tình với cô. Ông dược sĩ ở hiệu thuốc, thầy thư ký huyện đường, anh cháu trai của cha xứ, các chàng địa chủ quanh vùng, các ngài kỹ sư từ nhà máy - không ai chịu bỏ lỡ dịp vào mua bao thuốc hay chiếc tem thư.
- Này, Ma-rư-sia, con phải coi chừng đấy nhé, - bà Skốp-kô-va bảo. Chớ có bạ ai cũng liếc mắt, cũng đừng chú ý đến đám đã có vợ rồi, nhưng nếu gặp được một chàng trai trẻ xứng đôi vừa lứa với con mà lại thích con, thì con phải biết đối xử cho khéo léo. Từ những chuyện như thế biết đâu chả thành vợ thành chồng đấy.
Ma-rư-sia cười.
- Cháu còn thời gian mà.
- Đối với đàn bà chúng mình, thời gian cho những việc ấy bao giờ cũng thiếu. Mà con thì chẳng mấy chốc đã hai mươi rồi còn gì. Đến lúc đấy! vào tuổi con bác đã có con trai lên ba rồi kia. Có điều đừng có bạ ai cũng liếc, cũng không nên chòi cao quá mà ngã đau con ạ. Bác bảo con thế đấy!... Thí dụ như với cái cậu cưỡi mô-tô kia chẳng hạn! Phóng xe thì cậu ta phóng xe thật đấy, nhưng lấy con thì cậu ta chẳng hề nghĩ đến đâu. Bác biết loại người ấy lắm! Biết lắm rồi!... nhục ơi là nhục! Đừng có mà tạo thêm bất hạnh cho mình.
- Sao bác lại nói chuyện ấy làm gì? - Ma-rư-sia cả cười. - Cháu chẳng bao giờ nghĩ đến chuyện ấy đâu.
- Này, này! Cha cậu ấy là một ông chủ lớn lắm đấy. Chủ cả một sản nghiệp với lại một nhà máy. Ông ấy phải cưới tiểu thư cho con trai chứ chẳng không. Con nhớ lấy!
- Dĩ nhiên rồi. Cũng chẳng bận gì đến cháu. Bác để ý đến anh ấy làm gì kia chứ? Còn nếu như có đưa mắt cho ai trong khách hàng thì cháu cứ liếc ngay ông thầy lang già ở cối xay ấy là xong.
Đó là sự thực. Quả thực, Ma-rư-sia rất mến ông An-tô-ni Kô-si-ba. Trước hết cô tò mò vì nghề nghiệp của ông. Trong thị trấn người ta đồn bao nhiêu chuyện phi thường về ông. Người ta bảo rằng ông đã đặt tay vào người nào, thì dù có là kẻ đang ngoắc ngoải, ông cũng chữa lành, họ còn bảo ông đã bán linh hồn cho quỷ sứ rồi, người khác thì cam đoan rằng ông được chính Đức Mẹ Ốx-tơ-bram-xka ban cho phép màu nhiệm. Họ còn bảo rằng ông chữa không lấy công, rằng ông biết cả một thứ cây mà hễ ai uống vào là phải lòng ngay kẻ đã đưa thuốc cho mình.
Ngoài ra, bao giờ ông cũng buồn buồn, lặng lẽ và có đôi mắt thật tốt lành. Ông xử sự cũng khác hẳn với những người bình dân khác.
Ông không nhổ nước bọt xuống sàn nhà, không chửi thề, không chọn lựa hàng hóa. Ông đến, ngả mũ, nói ngắn gọn muốn mua gì, trả tiền rồi lẩm bẩm:
- Cảm ơn cô, - rồi ông ra về.
Cứ như thế cho đến một ngày tháng ba nọ, khi trời tự nhiên đổ mưa rào. Thầy lang lúc đó đang ở trong cửa hiệu.
Ông nhìn qua cửa sổ và hỏi:
- Có lẽ cho phép tôi ở lại đây cho đến khi mưa tạnh chứ..
- Vâng, thưa ông. Tất nhiên rồi. Mời ông ngồi tạm.
Cô chạy vào quầy hàng cho ông chiếc ghế.
- Ai lại ra mưa thế này, cô nói thêm. Mà ông lại ở xa nữa chứ. Khi về được đến cối xay thì ông chẳng còn chút gì khô ở trên người cả.
Ông bèn cười.
- Thế ra cô biết tôi từ cối xay đến?
- Cháu biết chứ, - cô gật đầu. - Ông là thầy lang. Ở đây ai cũng biết ông. Nhưng có lẽ ông không phải người quê ta đây, giọng ông nói khác. Trọng âm cũng khác.
- Tôi ở xa lắm, ở mãi Vương quốc (27) kia.
- Mẹ cháu cũng là người quê ở Vương quốc.
- Bà Skốp-kô-va ấy à?
- Không, mẹ cháu kia.
- Thế cô không phải con gái bà chủ hiệu?
- Không ạ. Cháu làm công ở đây thôi.
- Còn mẹ cô đâu?
- Mẹ cháu mất rồi. Bốn năm trước... bị lao.
Lệ long lanh trong mắt cô, lát sau nói thêm:
- Giá hồi ấy có mặt ông ở vùng này may ra chữa khỏi cho mẹ cháu... Tội nghiệp cho mẹ. Mẹ cháu đâu ngờ cháu phải sống cảnh này. Nhưng xin ông chớ nghĩ là cháu than vãn nhé. Ồ không, bà Skốp-kô-va đối với cháu rất tốt. vả chăng cháu cũng chẳng thiếu thốn gì... Trừ sách và đàn Pi-a-nô.
- Thế còn cha cháu?
- Cha cháu là chánh kiểm lâm coi sóc rừng của nữ công tước Đu-ban-xép. Ở vùng rừng đại ngàn Ô-drư-nhex-ka ấy ạ. Ôi, ở đó mới đẹp làm sao! Cha cháu mất ở đó. Khi cháu hẳn còn là một đứa bé. Chỉ có hai mẹ con cháu với nhau. Thương mẹ cháu đã phải làm lụng vất vả. Mẹ cháu kiếm sống bằng nghề may vá, bằng các bài dạy nhạc. Thoạt tiên mẹ con cháu sống tại Bra-xoa-vi-e, sau đó đến Svi-en-chi-nư, cuối cùng là ở đây, ở Ra-đô-li-xki này. Mẹ cháu qua đời ở đây, thế là cháu còn mỗi một thân một mình trên đời. Cha linh mục trước cưu mang cháu, đến khi cha đổi sang địa phận khác, người giao cháu lại cho bà Skốp-kô-va trông nom. Trên đời không thiếu gì người tốt. Nhưng quả là nặng nề khi thiếu đi một người thật sự thân thiết bên mình.
Thầy lang gật đầu:
- Tôi cũng thấm thía điều đó lắm.
- Thế ông cũng không có gia đình sao?
- Cũng không có.
- Không có một ai ạ?
- Không một ai.
- Nhưng dù sao ông cũng được mọi người yêu mến, bởi ông cứu chữa cho họ. Giúp đỡ người anh em đồng loại, giải thoát cho họ khỏi đớn đau, điều ấy hẳn mang lại niềm tự hào to lớn lắm. Khi ấy người ta sẽ thấy mình thật sự cần thiết, có ích. Xin ông đừng cười cháu, nhưng ngay từ hồi còn bé cháu đã từng mơ ước là sau này sẽ trở thành nữ bác sỹ. Giá mẹ cháu còn sống... Cháu đã chuẩn bị thi vào lớp sáu và định đến Vin-nô để vào trường trung học đấy chứ.
Cô mỉm cười buồn bã rồi phẩy tay.
- Ôi, nói làm gì nữa!
- Thế ra cô cũng được ăn học?...
- Cháu muốn được ăn học. Nhưng bây giờ thì quá muộn rồi. Ơn Chúa vì dù sao Người cũng đã cho cháu miếng bánh mà ăn.
Trên quầy hàng bày một việc nữ công nào đó làm dở: một chiếc khăn với những bông hoa màu sắc sặc sỡ. Cô gái với lấy chiếc khăn và bắt đầu thêu.
- Cháu cũng có thể kiếm thêm để may quần áo và những thứ lặt vặt khác. Ông thấy đấy, cháu biết thêu thùa đây này. Đây là làm cho bà He-rơ-ma-nô-vi-trô-va ở Pia-xki.
- Cô thêu đẹp quá.
- Mẹ cháu dạy đấy.
Hai người trò chuyện với nhau chừng nửa giờ. Khi mưa tạnh, thầy lang chào tạm biệt rồi bước ra. Kể từ hôm ấy, ông hay lui tới hiệu của bà Skốp-kô-va hơn và hay ngồi lại trò truyện dài hơn. Ông rất mến cô bé Ma-rư-sia. Chỉ cần nhìn cô, nhìn khuôn mặt sinh động, đôi tay thon thả của cô, nhìn mái tóc chải mượt mà của cô là ông đã thấy lòng êm ả. Giọng nói cô trong sáng và âm vang, đôi mắt xanh to của cô nhìn chân thành, thêm vào đó ông cảm thấy rất rõ rằng cô bé cũng mến ông.
Công việc ở cối xay, như thường khi vào vụ giáp hạt không có là bao. Công việc đồng áng mùa xuân đã bắt đầu, người ta không có thì giờ để ốm đau và chữa bệnh. Mùa này bệnh nhân không kéo đến ồ ạt như trước, vì vậy cứ hai ba ngày một lần, ông An-tô-ni lại vào thị trấn. Ông thôi không nhờ ai mua bán hộ các thứ lặt vặt nữa, điều ấy dĩ nhiên cũng khiến cho gia đình ông lão Prô-cốp Mi-en-nhich phải để ý.
- Cái gì lôi kéo ông đến Ra-đô-li-xki thế hả? - Zô-nhia nói vẻ đay đả.
- Cái gì lôi kéo nữa, - Va-sin đùa, - chắc chú lại đến với một cô nào rồi chứ gì.
- Có mày ấy, - ông An-tô-ni lẩm bẩm vẻ không hài lòng.
Nhưng ở nông thôn chẳng có gì giấu được, chẳng bao lâu mọi người đều biết ông An-tô-ni hay ngồi lâu trong cửa hiệu bà Skốp-kô-va.
- Ừ thì sao, - ông lão Prô-cốp nhún vai khi Zô-nhia nói với lão chuyện đó, - chuyện thường tình của đàn ông. Bà Skốp-kô-va cũng được gái đấy chứ. Già thì chưa già, lại có tiền có của. Thương gia mà. Mà mày thò mũi vào việc của người khác làm gì thế, hả?
Một hôm có người bán hàng rong ghé xe vào cối xay. Ông ta mở các túi hàng ra và cả nhà tụ tập ngắm nghía chúng, đầy thán phục. Nào có thiếu thứ gì đâu cơ chứ! Có cả vải dệt máy mỏng tang, cả vải péc-can, vải màu, có cả túi da, túi xách thành phố, nào vòng, nào chuỗi đủ thứ. Cả một gia tài.
Xuýt xoa và hồi hộp vì thích thú, đám phụ nữ ngắm nghía hết thứ nọ đến thứ kia, rồi nào ướm, nào mân mê. Và mặc cả gay gắt, bởi lẽ người lái buôn không những chỉ bán lấy tiền mà còn đổi hàng lấy sợi lanh, len, nấm khô hoặc mật ong nữa.
Ông An-tô-ni chỉ đứng từ xa ngó lại, nhưng khi đám đàn bà đã mua chán chê, ông mới tới xem xét các túi hàng. Ông chẳng bới móc lâu la gì trong đó. Ông chọn một mảnh lụa may áo váy và một chiếc xuyến nhỏ bằng bạc, rộng bản, có khảm đá màu xanh lục. Ông phải đổi hai thứ đó bằng nhiều cuộn lanh và một túi len to tướng.
Zô-nhia đỏ bừng mặt khi theo dõi cuộc đổi chác ấy. Cô không hề nghi ngờ gì nữa: những thứ đó hẳn là để tặng cô. Ngược lại, Ôn-ga lại tin chắc rằng ông An-tô-ni mua những thứ ấy cho bé Na-tan-ka.
Nhưng cả hai đều nhầm. Hôm sau, vào khoảng gần trưa, thầy lang mang một bọc dưới nách đi lên thị trấn. Cả hai người đàn bà nhìn theo ông qua cửa sổ và Zô-nhia, vốn trực tính hơn, liền rủa:
- Mang cho cái con cóc già, mang cho con bò cái ấy thôi! Cầu cho ông ấy gãy quách chân đi cho rồi!
Nhưng ông An-tô-ni chân cẳng vẫn nguyên lành, đi được đến tận thị trấn. Nhìn qua cửa sổ, thấy trong hiệu đang có một bà nào đó, ông đứng chờ đến khi bà ta ra mới bước vào. Cô Ma-rư-sia vẫn đón ông niềm nở như thường lệ:
- Trời đẹp quá bác nhỉ! Ấm áp như thể là mùa hè ấy thôi.
Cô gọi ông bằng bác, không rõ vì sao. Tự nhiên cô nghĩ ra thế. Những thiếu nữ khác trong vùng đều e sợ ông An-tô-ni, còn riêng cô không hề cảm thấy sợ sệt gì cả. Ngược lại, cô tin vào lòng nhân hậu của ông, cô công phẫn phản đối mỗi khi có ai nói cạnh khóe rằng ông thầy lang ở cối xay là đày tớ của quỷ sứ.
- Ai đánh bạn với ma quỷ, kẻ đó chỉ toàn hãm hại mọi người và sống không trung thực, - cô bảo, - còn ông ấy thì không một ai có thể nói điều gì xấu cả.
Không cần nói lý do gì để cho một sinh linh này có cảm tình với một sinh linh khác. Tình cảm ấy không biết từ đâu đến, từ khí trời hay từ bên ngoài cũng nên. Ngay cả Ma-rư-sia cũng không rõ tại sao cô lại mến ông thầy lang. Chỉ biết cô thấy vui khi ông vào hiệu cô. Hôm ấy, cô càng vui hơn vì cô đang có một điều muốn nhờ ông.
- Hay quá, bác An-tô-ni đến vừa đúng lúc, - cô tươi cười nói, - cháu đang muốn bóc lột bác đây...
- Sao lại bóc lột, hả cô bé?
- Nhưng bác phải hứa với cháu là sẽ làm điều cháu yêu cầu nhé.
Ông vuốt râu, nhìn vào mắt cô.
- Tất cả những gì mà tôi làm được.
- Cháu cảm ơn bác quá! Ở cạnh đây, trên phố Kô-schen-na, có một bà cụ. Bà nghèo lắm cơ. Gần đây, chân bà bị sưng to tướng, không tài nào đi lại nổi. Bà ấy nài cháu hãy cầu xin bác ghé qua nhà bà, khuyên bà nên làm thế nào cho đỡ.
- Được rồi, - ông mỉm cười. - Tôi sẽ đến thăm bà ta, mặc dù tôi không đi chữa tại nhà bao giờ. Nhưng không có gì làm không công đâu nhé.
- Bà ấy nghèo lắm cơ bác ạ, - Ma-rư-sia hơi bối rối nói.
- Tôi không nói tới bà ấy, - ông ngắt lời, - nhưng để thưởng công, cô phải nhận món quà nhỏ này để tôi được vui lòng.
Ông nói rồi đặt gói lên quầy.
- Cái gì thế ạ? - cô ngạc nhiên.
- Cô hãy xem đi. Chẳng nhiều nhặn gì, nhưng cũng có ích cho cô.
Cô gái mở gói và đỏ bừng mặt.
- Vải... lại cả xuyến nữa này...
- Xin cô hãy mặc, hãy đeo, cho khỏe, cho xinh.
Cô gái lắc đầu.
- Cháu không thể nhận được đâu. Không, không! Vì lý do gì kia chứ?... Sao bác lại mua quà cho cháu thế này?
- Cháu nỡ từ chối ư? - Ông hỏi khẽ.
- Cháu đâu dám nhận quà của bác!... Và vì lẽ gì kia chứ?
- Cháu làm ơn nhận hộ bác, cô bé. Nhận đi cháu. Váy áo và chiếc vòng tay kia có ích cho cháu, còn bác đây lại sung sướng trong lòng. Ôi, như thể bác chia sẻ cùng cháu một phần trái tim bác. Không được phép chà đạp nó đâu, cháu. Đó là bác cảm ơn cháu. Cảm ơn cháu vì từ khi lui tới đây với cháu, bác thấy trong lòng nhẹ bớt.
- Nhưng những thứ này phải đắt tiền lắm!
- Tiền của đáng gì, - ông phẩy tay. - Cháu cũng biết là bác đâu cần thiết thứ gì... Có nghĩa là cho đến nay bác vẫn nghĩ mình chẳng cần gì... Thế mà hóa ra bác còn giữ cái tính kiêu kỳ với những điều ham muốn... Ôi, bác nghĩ bụng, dẫu sao cũng vẫn cần có một người nào đó trên thế gian này, một linh hồn tốt lành nào đó, mà mỗi khi nghĩ đến, con người kia thấy sống trên đời có phần nhẹ nhàng hơn. Bác già rồi. Tuổi già thì khao khát niềm ấm áp. Bác rất quý cháu. Nào, cầm lấy, cháu! Quà chẳng đáng là bao, nhưng là cả tấm lòng. Cầm lấy! Cháu cô đơn mà bác cũng cô đơn, nỗi cô đơn của bác còn tệ hơn, bởi chưng bác già rồi. Cháu hãy cho phép bác thỉnh thoảng được bày tỏ những điều tốt đẹp mà bác hằng cầu chúc cho cháu.
Cô gái rất xúc động. Cô đưa hai tay xiết chặt đôi bàn tay to lớn chai sạn vì làm việc của ông.
- Cảm ơn, cảm ơn, bác An-tô-ni. Cháu không xứng được nhận, nhưng cháu xin cảm ơn bác.
Buổi tối, về đến nhà, cô đưa cho bà Skốp-kô-va xem những món quà được tặng.
- Bác ấy tốt biết bao, thưa bà, - cô thốt lên, - cháu có là gì với bác ấy đâu kia chứ, chỉ là một đứa con gái xa lạ. Cháu thật xấu hổ phải nhận, bởi cháu thấy rằng sẽ làm bác ấy hết sức phật lòng nếu từ chối.
- Xem kìa, xem kìa, - bà Skốp-kô-va lắc đầu. - Coi chừng đấy, không khéo điều tiên đoán của cô thành sự thật cũng nên.
- Điều tiên đoán gì kia ạ?
- Rằng ông ấy lấy cô ấy mà.
Ma-rư-sia phá lên cười.
- Bác thật là! Rõ là bác không quen bác An-tô-ni rồi! Bác ấy già rồi, chẳng bao giờ bác ấy nghĩ đến chuyện ấy đâu. Vả chăng, - cô buồn bã nói thêm, - bác ấy còn tốt hơn khối anh chàng trẻ tuổi.
Và trong câu nói chứa đựng gần như một niềm tâm sự chân thật. Gần như, vì lẽ cô gái quen biết một chàng trai, người mà cô rất yêu mến. Tình quen biết cũng bắt đầu từ cửa hiệu, nhưng đã lâu rồi, hai năm về trước. Đó là cậu chủ Trưn-xki, con trai của ông chủ ở Lu-đơ-vi-kốp. Suốt một năm nay không thấy bóng dáng chàng trong vùng nữa. Chàng đang học kỹ sư. Nhưng mùa hè bao giờ chàng cũng về nghỉ ở Lu-đơ-vi-kốp và thường ghé qua Ra-đô-li-xki. Thi thoảng chàng cùng đi với cha mẹ bằng ô-tô hoặc một chiếc xe ngựa tuyệt đẹp, và khi ấy, chàng chỉ chạy vào cửa hiệu bà Skốp-kô-va một thoáng thôi; còn nhiều khi chàng cưỡi ngựa hoặc phóng mô-tô đến một mình. Những khi ấy chàng ngồi trong hiệu hàng giờ liền.
---------------------------------------------
[27] Trước kia, nước Ba Lan bị chia cắt thành ba phần: "Vương quốc" là tên gọi tắt của Vương quốc Ba Lan, được thành lập năm 1815, bao gồm miền đất của công quốc Vac-sa-va (không có công quốc Pô-zơ-nan và Kra-cốp), trên danh nghĩa là sự tự trị, nhưng thực ra là phụ thuộc Nga Hoàng. Sau thất bại của cuộc khởi nghĩa Tháng Giêng 1863, hoàn toàn bị mất quyền tự trị. Đến năm 1874, Nga Hoàng phái toàn quyền đến cai trị và đổi tên là vùng đất Na-dvi-slan-xka.(N.D)