• 1,594

CHƯƠNG VIII.2


Số từ: 5189
Chàng là một thanh niên sôi nổi, nhiệt thành và điển trai đến nỗi trong đời Ma-rư-sia chưa từng gặp một người thứ hai nào như thế. Người chàng cao, gầy, tóc đen như hắc ín, da sẫm màu đồng. Nhưng đôi mắt chàng có cùng màu xanh giống mắt Ma-rư-sia, và nom chàng giống như một thanh niên Txư-gan vậy. Thêm vào đó, chàng rất nhanh nhẹn, vui vẻ, ồn ào, mỗi khi chàng bước vào, dường như chỉ mỗi mình chàng cũng đủ làm chật hết cửa hiệu. Chàng cười, chàng hát những khúc ca mới (chàng hát hay lắm nhé!), chàng biểu diễn mọi thứ trò vui khác nhau. Thậm chí chàng còn nhảy cả hai chân lên quầy khiến cho anh tài xế vừa chợt ló vào đón chàng phải nhăn mặt lại.
Nhưng Ma-rư-sia thích nhất những khi chàng kể chuyện. Chàng hãy còn trẻ, chỉ hơn cô bẩy tuổi là cùng, mà trời ơi, có gì chàng chưa được thấy nữa, có nơi nào chàng chưa được đến nữa kia chứ! Chàng đã đi hầu như khắp cả Châu Âu. Chàng còn sang bên Mỹ và đến cả những hòn đảo kỳ thú. Và chàng kể chuyện mới tuyệt làm sao! Chàng có biết bao chuyện để mà kể, bởi lẽ với bản tính phong phú của mình chàng lao vào nhiều chuyện phiêu lưu mạo hiểm. Chàng thuật lại những chuyện ấy ngon lành như lắc cho chúng rơi từ tay áo chàng vậy.
Cô gái có thể sẽ ngỡ chàng là kẻ ba hoa nếu như khắp vùng người ta không đồn đại ầm ĩ về những chuyện quấy phá của chàng, ai cũng biết ông chủ Trưn-xki phải mất bao công lao sức lực vì con. Một lần, đúng ngày chợ phiên ở Ra-đô-li-xki, chàng phóng ngựa thẳng vào quán rượu, ở đó chàng gây sự với anh chàng Gia-rơ-nốp-xki ở làng Vi-ê-li-skốp, và tiếp đó là một cuộc đấu sống mái. Một lần khác, chàng đốt một đống lửa to tướng ngay trên đường sắt để dừng tàu lại giữa đồng không mông quạnh. Trong huyện, người ta đồn đại bao chuyện vui về chàng. Nhưng trong những chuyện đó không có chuyện nào đáng xấu hổ hay nhục nhã cả.
Có lẽ chỉ riêng những chuyện đàn bà. Người ta đồn rằng chàng không tha cô nào hết, chàng tán tỉnh bất kỳ cô nào ngây thơ và không ít cô gái đã phải đỏ mắt khóc than vì chàng.
Nhưng Ma-rư-sia không hề tin những lời đồn đại ấy. Cô không tin vì hai lẽ. Thứ nhất, cô không muốn tin, còn thứ hai, cô có lý do để không tin. Cậu chủ Lê-sếch không hề để ý đến phụ nữ. Chính cô đã nhận ra điều đó. Bao nhiêu lần chàng ngồi lâu lâu trong cửa hiệu cô, thì bấy nhiêu lần tất cả các vị giai nhân trong địa phương đều kéo nhau mà lao tới. Khi một cô nào đó trông thấy ngựa hoặc mô-tô của chàng trước cửa hiệu, là lập tức phóng như điên về nhà diện ngay bộ váy áo đẹp nhất, quấn vội tóc, đội chiếc mũ tốt nhất, rồi giả vờ ghé vào mua tem hoặc giấy viết thư.
Còn Ma-rư-sia chỉ ngồi mà cười vì chàng công tử Trưn-xki không buồn để mắt đến các trang giai nhân ấy.
- Ông đã kéo khách hàng đến cho tôi đấy, ông Lê-sếch ạ, - cô bảo chàng khi chỉ còn lại mình họ với nhau. - Bà Skốp-kô-va hẳn phải hàm ơn ông lắm đấy.
- Nếu có thêm một cô nào nữa, tôi sẽ lè lưỡi cho mà xem! - Chàng đe, giả vờ cáu.
Lời nói thiêng sao, chỉ năm phút sau, bà chủ hiệu thuốc bước vào. Bà ta diện như đi vũ hội, xức nước hoa thơm lừng đến nỗi trong cửa hiệu phát ngột. Không suy nghĩ lâu la gì, cậu chủ Trưn-xki mặc dù không le lưỡi - nhưng lại làm một việc còn kinh khủng hơn: cậu bắt đầu giả vờ bị hắt hơi. Và đã bắt đầu, chàng lại cứ hắt hơi liền tù tì cho đến khi cái bà xức nước hoa kia phải chạy bắn ra khỏi cửa hiệu, mặt đỏ bừng vì tức giận, nửa phần tỉnh nửa phần mê.
Kể từ lần ấy bà ta căm Ma-rư-sia và bao nhiêu lần gặp bà Skốp-kô-va, bà đều thề rằng sẽ không thèm mua ở hiệu của bà một xu mẻ nào nữa, nếu như cái con bé bẩn thỉu còn ngồi bán hàng ở đấy.
Bà Skốp-kô-va lo mất khách, thậm chí đã có lần quở Ma-rư-sia, cũng chẳng có lý do gì, chỉ để phòng xa, nhưng không bắt cô thôi việc.
Bà chủ hiệu dược phẩm có thể không còn trẻ nữa, nhưng xinh thì khỏi phải chê. Song ngay cả những cô trẻ, cậu chủ Lê-sếch cũng chẳng hề để mắt tới, ngay cả những cô diện ngất trời và đi đi lại lại đến cả tiếng đồng hồ như cô cháu gái ông linh mục, cô con gái ông kỹ sư lục lộ hay như cô tiểu thư Pa-vơ-li-xka, em gái bác sỹ. Dĩ nhiên, chuyện ấy khiến Ma-rư-sia tự hào. Cô càng thêm phần tự hào vì chàng Lê-sếch nhà ta rất chi là kiêu căng, điều mà cô coi như là một nhược điểm lớn của anh chàng. Trong khi đối xử với cô, chàng giản dị và vui vẻ bao nhiêu, thì đối với mọi người chàng xử sự cứng nhắc và kiêu căng bấy nhiêu. Cậu chủ chỉ trò chuyện với các tay địa chủ giàu có quanh vùng, còn với những người khác cậu như nhìn từ trên xuống. Cậu thường xuyên nhắc đi nhắc lại rằng mẹ cậu là dòng dõi là bá tước, còn cha lại xuất thân từ một gia đình nghị sĩ đại quý tộc, đến nỗi trong cả tỉnh này, trừ họ nhà Ra-gi-xki và họ nhà Tư-xki-ê-vich, không còn ai có quyền vênh mặt như họ Trưn-xki.
Có lần Ma-rư-sia không kìm nổi vừa cười mỉa mai vừa bảo chàng:
- Thật là một nghịch cảnh tức cười, một chàng công tử trẻ trung vênh váo ngước mắt lên để chinh phục một cô gái bán hàng nghèo nàn.
Lần ấy, chàng bối rối và thề rằng chàng không hề có ý định đó.
- Xin cô đừng nghĩ tôi là kẻ tự phụ ngu si đến thế, cô Ma-rư-sia.
- Tôi không hề nghĩ thế đâu, - cô lạnh lùng đáp lại. - Ngược lại, tôi chỉ nghĩ rằng ông đã nhấn mạnh một cách rất tinh tế sự khác biệt về xã hội đang tồn tại giữa tôi và ông...
- Kìa cô Ma-rư-sia!
-... Và ân huệ mà ông dành cho tôi khi đã mất bao nhiêu thì giờ vàng ngọc của mình để trò chuyện với một cô nhân viên bán hàng ngu dốt và nghèo hèn trong một thị trấn tí xíu...
- Cô Ma-rư-sia! Cô làm tôi phát điên lên mất!
- Tôi không hề có ý định ấy đâu, thưa ông. Bổn phận của tôi là phải lịch sự đối với khách hàng. Vì vậy, lúc này tôi muốn xin lỗi ông, vì tôi còn phải quét cửa hiệu mà bụi bặm lại có thể hại đến sức khỏe vô cùng đáng quý của ông, chưa nói đến bộ quần áo may tại Luân Đôn kia nữa.
- Cô nói thế đấy à? - Chàng tái người đi, bật dậy.
- Đúng thế, thưa ông.
- Cô Ma-rư-sia!
- Ông còn muốn nói gì thêm nữa không ạ? - Cô cúi người trên quầy hàng, nở một nụ cười gượng gạo.
Chàng Trưn-xki quất mạnh cây sậy đang cầm trong tay vào ống ủng.
- Tôi sẽ tự gói lấy, đồ quỷ tha ma bắt! Chào cô! Còn lâu cô mới thấy lại cái mặt tôi!
- Chúc lên đường may mắn...
- Chó má! - Chàng buột miệng chửi thề.
Chàng lao ra khỏi hiệu, nhảy vọt lên yên và bắt ngựa phóng nước đại đi ngay. Qua cửa sổ Ma-rư-sia thấy chàng phi như một thằng điên qua quảng trường Độc Lập không lát đá, bụi bay mù mịt.
Cô ngồi xuống, trầm tư. Cô biết mình đã hành động đúng, đã cho kẻ kiêu căng kia một bài học, nhưng sao cô vẫn thấy mủi lòng.
- Sẽ còn lâu mình mới được gặp mặt anh chàng cho mà xem... Có lẽ là chẳng bao giờ cũng nên, - cô thở dài. - Biết làm sao. Có khi thế lại hay hơn.
Hôm sau, lúc tám giờ cô ra mở cửa hiệu, đã thấy một người canh rừng của Lu-đơ-vi-kốp chờ sẵn trước cửa. Anh ta mang tới một bức thư. Trong thư cậu chủ Trưn-xki viết rằng thế là kỳ nghỉ hè của chàng đã bị đầu độc, mà là do cô, rằng chàng không ngờ cô lại như thế, rằng cô đã hiểu sai một cách tệ hại nhất tất cả những ý định của chàng, rằng cô đã xúc phạm, đã làm nhục chàng, song vì chàng cũng xử sự thiếu lịch thiệp, nên chàng thấy có nghĩa vụ phải xin lỗi.
"Để chôn vùi những kỷ niệm cay đắng ấy, - chàng viết ở cuối thư, - tôi sẽ đi Vin-nô để uống cho thật say, và chắc chắn quỷ sẽ tha ma sẽ bắt tôi đi, đúng như điều cô cầu chúc".
- Thưa cô, có thư trả lời không ạ? - Người coi rừng hỏi.
Cô lưỡng lự. Không, viết cho anh ta làm gì? Đề làm gì tất cả những thứ này kia chứ?
- Sẽ không có thư trả lời đâu, - cô đáp. - Có điều xin nhắn lại với cậu chủ rằng tôi chúc cậu mọi điều tốt đẹp nhất.
Ròng rã ba tuần lễ trôi qua mà Trưn-xki không xuất hiện. Cô hơi nhớ chàng, thậm chí cô thầm đoán xem chàng có đến hay không, và có ghé vào hiệu cô không. Đến tuần thứ ba cô nhận được một bức điện. Cô không muốn tin vào mắt mình nữa: đó là bức điện đầu tiên cô nhận được trong đời. Điện được gửi đi từ Krư-nhi-xa, nội dung như sau:
"Thế gian chán ngắt stop, cuộc đời không có chút ý nghĩa gì stop bà chủ hiệu thuốc có còn xức nước hoa không stop cô là thiếu nữ đẹp nhất vùng Trung Âu stop Đáng tiếc stop Lếch".
Ba hôm sau, tiếng máy mô-tô lại nổ giòn ở Ra-đô-li-xki, báo tin cho toàn thị trấn Ra-đô-li-xki hay rằng cậu chủ Trưn-xki đã quay trở về với quê cha đất tổ. Ma-rư-sia chỉ kịp nhảy vội đến chỗ chiếc gương soi và sửa xong tóc thì chàng đã có mặt trong cửa hiệu rồi.
Nói thực lòng, cô rất hàm ơn vì chàng đã đến, song cô không để lộ điều đó ra ngoài. Cô lo chàng sẽ nghĩ rằng cô cần gặp chàng. Điều đó lại khiến chàng tức giận và làm hỏng mất cuộc gặp mặt dễ chịu mà chàng tưởng tượng.
Sau vài câu xã giao, chàng bảo:
- Cô lên án thói hào nhoáng bề ngoài của tôi, nhưng những kẻ chuộng hình thức cũng có một ưu điểm: họ muốn tỏ ra lịch thiệp ngay cả khi không hề muốn thế.
Cô định cam đoan với chàng rằng đối với chàng cô không cần phải cố gắng mới tỏ ra lịch thiệp, rằng cô rất vui vì chàng đã trở về, vì chàng đã nhớ đến cô ở cái chốn Krư-nhi-xa kia... Song thay vì những điều đó, cô lại bật ra:
- Tôi hiểu, sự lịch thiệp của ông chính là điều đó.
Chàng nhìn cô đầy hằn học.
- Ồ vâng! Cô nói đúng lắm!...
- Tôi cũng không nghi ngờ.
- Càng tốt.
- Có điều tôi hơi ngạc nhiên là ông phải cố gắng đến thế.
Chàng cười khẩy, ít nhất thì chàng cũng tưởng là thế, vẻ đầy châm chọc.
- Ồ, hoàn toàn không. Đó là chuyện hoàn toàn tự động. Cô thấy đấy, ngay cách cư xử đã thể hiện trong tôi tính tự động, biểu lộ những hình thức xã giao lịch thiệp với mọi người...
Cô gái nghiêng đầu.
- Tôi ngạc nhiên vì điều đó.
Chàng quay ngoắt đi. Cô không thấy mặt chàng, nhưng hoàn toàn tin chắc rằng răng chàng đang nghiến chặt.
Cô càng khao khát muốn giảng hòa. Cô hiểu rằng lúc này mình nên thốt ra một điều gì đó để lấy lòng, cô hiểu cô đã đối xử với chàng không công bằng, rằng giờ đây không khi nào chàng còn quay lại nữa, nếu không được nghe từ miệng cô một lời tốt đẹp. Cô hiểu điều đó, nhưng không tài nào có thể dằn lòng nổi để cam chịu đầu hàng.
- Vĩnh biệt cô, - chàng thốt lên và không chờ đáp lại, bước nhanh ra ngoài.
Cô không khóc òa lên chỉ vì vừa lúc ấy có một bà nào đó bước vào hiệu mà thôi.
Mọi chuyện là vào hồi năm ngoái. Cho đến cuối kỳ nghỉ hè, chàng không ló mặt đến Ra-đô-li-xki lần nào nữa. Rồi đông tới, một mùa đông dài đằng đẵng, sau đó là mùa xuân. Người ta vẫn hay bàn tán những chuyện dông dài về cậu chủ Trưn-xki, nhiều khi tin tức này nọ cũng đến tai Ma-rư-sia. Hình như chàng đang thực tập ở ngoại quốc. Hình như chàng sẽ thành hôn với một nam tước tiểu thư ở Pô-zơ-nan, hình như cha mẹ của nam tước tiểu thư ấy đã đến thăm Lu-đơ-vi-kốp.
Ma-rư-sia tiếp nhận những tin tức ấy khá hững hờ. Thì bao giờ cô cũng vẫn hiểu rằng không thể nuôi một mảy may hi vọng nào trong quan hệ với cậu chủ Trưn-xki. Hơn nữa, tự nhiên cô lại có một nỗi giận dỗi vô duyên cớ nào đó đối với chàng.
Hồi mùa đông có đoàn chiếu phim tới Ra-đô-li-xki. Người ta bố trí chiếu trong căn nhà gỗ của đội cứu hỏa và mặc dù trời rất lạnh, nhưng cả ba buổi chiếu đều không thiếu khán giả. Người ta chiếu phim Mỹ và bà Skốp-kô-va mặc dù đã nhiều lần nghe rao giảng lên án những chuyện trụy lạc kia ra sao để đánh giá đúng mức độ nguy hiểm của nó. Vì e rằng có nhiều điều không hiểu, bà dẫn theo Ma-rư-sia, bởi thứ nhất, cô là người có học thức, và thứ hai, cô đã từng đuợc xem phim, dù đã lâu lắm rồi.
Quả thực Ma-rư-sia đã từng được xem phim, mà xem tại những thị trấn lớn như Bra-xoáp và Svi-en-chia-nư, nhưng hồi đó cô hãy còn trẻ con. Giờ đây cô đã biết ngẫm nghĩ về nội dung phim và một bộ phim mà cô rất thích. Đó là chuyện một thiếu nữ trẻ, quê mùa, không được ai để mắt đến ngay tại quê cha đất tổ. Ở quê hương, cô được xem là con nhà nghèo, nhút nhát. Nhưng khi đến được một thành phố lớn, vào một cửa hiệu thật to, nơi có hàng nghìn người mua mỗi ngày, cô gái được một chàng họa sĩ nổi tiếng và giàu có quen biết rồi đem lòng yêu dấu, chàng đã nhận ra ở cô cả sắc đẹp, vẻ duyên dáng cũng như phẩm chất tốt đẹp.
- Phải, - Ma-rư-sia nghĩ mà lòng man mác buồn, - có thể ở những đô thị lớn có chuyện ấy, nhưng nếu như cô ấy ở lại làng quê thì số phận cô sẽ buồn biết bao.
Và trong lòng Ma-rư-sia biết rằng sẽ không bao giờ cô dứt bỏ nổi nơi đây... Còn nơi đây... thì ai có thể là chàng trai ấy, người sẽ yêu cô và sẽ cưới cô?... Cô khá tỉnh táo để không một giây nào tính đến cậu chủ Lu-đơ-vi-kốp. Cha mẹ chàng không bao giờ đồng ý chuyện đó, cả bản thân chàng chắc chẳng khi nào nảy ra ý định ấy, và ngay cả cô nữa, cô cũng không muốn trở thành vợ một ông chủ như chàng. Chính cô đã từng phải mang những gói hàng từ cửa hiệu ra xe cho những người họ hàng quen biết của chàng, làm sao sau này họ lại có thể đồng ý xem cô là người ngang hàng họ được.
Hẳn cô sẽ hình dung tương lai của mình hoàn toàn khác nếu anh chàng Lê-sếch chỉ là một công chức bình thường không hề giàu có, hoặc một người thợ thủ công, hay một chủ ruộng trong vùng cũng được.
- Ôi, khi ấy sẽ hoàn toàn khác hẳn!
Cô coi chàng là đỉnh cao của sắc đẹp đàn ông. Cô không thấy một chàng trai nào hấp dẫn như chàng cả trong phim lẫn trong các tấm bưu ảnh bày bán trong hiệu (mà bưu ảnh ấy mới nhiều làm sao!). Cô thích chàng về mọi phương diện. Bởi ngay cả niềm tự hào kia, sự kiêu ngạo kia cũng không đến nỗi là một nhược điểm mà cô không thể bỏ qua. Vả chăng, nếu chàng chỉ là một người lao động khiêm nhường thì chắc hẳn chàng sẽ không kiêu kỳ đến thế.
Rồi xuân đến, và nếu có nhớ đến cậu Trưn-xki, thì Ma-rư-sia cũng chỉ nhớ một hình bóng mơ ước, chứ không như ông chủ tương lai của Lu-đơ-vi-kốp.
Song hình bóng ấy hình như vẫn chiếm một chỗ, dẫu không quá lớn, nhưng vẫn cố định và không hề suy suyển đến độ trong lòng cô không còn chỗ cho những người khác. Trong vùng chẳng thiếu chi trai tráng để mắt đến Ma-rư-sia và cũng chẳng hề giấu cô những niềm mong nỗi nhớ của mình. Song tất cả bọn họ đều không hề gây cho cô một ấn tượng nào đáng kể.
Tháng sáu đến, một tháng sáu nồng nực, tràn trề nhựa sống. Cái thị trấn nhỏ bé được bao bọc bởi mặt biển màu xanh lá cây nhấp nhô lượn sóng, nom giống như một bó những ngọn cây hùng vĩ của loài bạch dương, gia và thùy dương, dưới gốc chúng ẩn kín những mái nhà đỏ tươi và trắng bạc, hệt như những đó hoa khiêm nhường, lấp ló, được bọc trong những khóm nhài, tử đinh hương và những bụi râu dê tươi tốt xum xuê. Ngày lễ mà đi dạo một quãng dài trở về, ta ngỡ như trên thế gian này không còn một miền quê nào êm ả và tươi đẹp hơn thế nữa. Nhìn từ xa không thể nào nom thấy những đường phố đầy ổ gà, không lát đá, cùng những đống rác trong các sân nhà hoặc những con lợn đang vầy trong vũng nước bùn.
Vầng dương sáng soi trên bầu trời quang đãng từ cánh đồng đưa về làn gió dịu dàng, thơm hương, trong lòng tự nhiên thấy nhẹ nhõm và sướng vui.
Ngày thường thì mãi sau bẩy giờ người ta mới chịu rời cửa hiệu. Mà trong hiệu thì nóng bức không sao chịu nổi. Những cây non mới trồng ngoài quảng trường không có bóng mát hoặc chỉ có rất ít, còn tường thì thấp nắng đến nỗi ban ngày phải mang thuốc lá xuống tầng hầm, sợ chúng bị khô quá sẽ vụn ra thành bột. Vì vậy, buổi chiểu là Ma-rư-sia vội vã đóng cửa hiệu, và trước khi về nhà cô chạy ngay ra sông Giơ-vi-rúp-na. Đó là một dòng sông nhỏ, rất nông, về mùa hè gà có thể lội sang cũng chẳng ướt lông, nhưng có hai chỗ, ngay trước con đường cái và phía sau nhà thờ, sông phình ra thành hai cái ao tròn khá sâu. Chỗ cạnh đường thì dành cho đàn ông đến tắm, còn phía sau nhà thờ là cho phụ nữ, chủ yếu là các cô gái trẻ dùng.
Sau khi tắm táp xong còn khá đủ thì giờ để giúp bà Skốp-kô-va làm việc nhà, rồi tiếp đó ngồi vào đọc sách. Ma-rư-sia đã đọc hết tất cả các sách trong thư viện của nhà thờ xứ từ lâu, cô cũng đã đọc hết sạch sách của các thư viện nhỏ bé thuộc trường phổ thông cơ sở địa phương. Thỉnh thoảng cũng mượn được một cuốn tiểu thuyết hay một tập thơ của ai đó trong giới trí thức ít ỏi đến thị trấn. Và cô luôn luôn đói sách. Nhiều quyển cô đã thuộc lòng, thậm chí cả hai quyển tiếng Pháp và một quyển tiếng Đức mà cô rất hay đọc để khỏi quên.
Quyển tiếng Pháp là một tập thơ của Muyt-xê (28) đã cũ nát, tài sản của vị linh mục dạo trước. Một lần cô đang cầm chính tập thơ ấy trong tay thì người khách già đáng mến, ông thầy lang ở cối xay, bước vào hiệu.
- Cháu đang đọc gì thế, cô bé? - Ông hỏi, cũng chỉ thuận miệng.
- Thơ ạ, những bài thơ rất hay... Thơ. Nhưng bằng tiếng Pháp.
- Tiếng Pháp à?...
Vâng, thưa bác. Thơ của Muyt-xê.
Thầy lang xoay quyển sách về phía mình, cúi xuống và Ma-rư-sia cảm thấy ông đang cố đọc. Môi ông mấp máy, nhưng chỉ lát sau, ông thẳng lưng dậy.
Mặt ông tái nhợt, mắt ông như dại đi.
- Bác làm sao thế, bác An-tô-ni? - Cô gái ngạc nhiên và hơi hốt hoảng hỏi.
- Không, không việc gì... - Ông lắc đầu, hai tay ôm chặt thái dương.
- Bác ngồi xuống nào, cô gái chạy từ sau quầy ra, đẩy đến cho ông chiếc ghế. - Hôm nay bức quá, chắc bác bị mệt.
- Không, cháu cứ yên tâm. Bác đỡ rồi.
- Ơn Chúa, cháu sợ quá... Còn nếu nói về quyển sách kia, thì bác nghe này, ngôn ngữ mới tuyệt diệu làm sao. Cháu cứ nghĩ rằng không cần phải hiểu nghĩa cũng vận cảm nhận được vẻ đẹp của nó, nhất là thi ca.
Cô lật vài trang và cất giọng đọc. Giá như cô rời mắt khỏi trang sách lấy một phút thôi, cô sẽ thấy rằng đang có chuyện gì đó không lành xảy ra với ông An-tô-ni Kô-si-ba. Nhưng cô đang đọc cho bản thân mình. Cô thích thú bởi vẻ trơn tru và trầm bổng của các khổ thơ, sự tinh tế của vần điệu và nội dung đầy cảm xúc của thi sỹ, đang khóc than cho nỗi tuyệt vọng của hai trái tim bị số phận trớ trêu mù quáng chia cắt vô phương cứu vãn, chúng đang cháy lên đốm lửa mỗi lúc một thêm leo lét của niềm nhớ thương, niềm nhớ thương đã trở thành lý do và nguyên nhân tồn tại duy nhất của đôi tim ấy.
Cô đọc hết và ngẩng đầu lên. Cô chợt nhìn thấy cặp mắt thảng thốt đang đăm đăm nhìn vào cô của ông thầy lang.
- Bác làm sao thế? - Cô bật dậy.
Đúng lúc ấy cô chợt nghe tiếng ông đang lặp lại một cách hết sức chính xác khổ thơ cuối cùng. Cô không thể nào nhầm lẫn được, mặc dù ông thốt lên bằng một thứ tiếng thì thầm khàn đặc và rất khẽ.
- Ông... ông... - Cô lên tiếng, còn ông hình như đang cố hết sức để nhớ lại điều gì, ông nói:
- Phải... sự đỏng đảnh mù quáng của số phận. Như cái cây bị trốc cả gốc rễ... Cái gì thế nhỉ... cái gì ấy nhỉ...
Ông đứng dậy để ngã lăn xuống đất.
- Lạy Chúa! Bác An-tô-ni! Bác ơi! - Cô gái hét lên.
- Đầu óc bác mụ cả lên, - ông lên tiếng, thở hổn hển nặng nhọc. - Đầu óc mụ mị như sắp phát rồ đến nơi... Ngựa đi đâu thế nhỉ...? Tôi đến đây làm gì... Để mua thuốc hút mà... Cô hãy nói đi, nói điều gì... nói điều gì với tôi...
Cô gái nói vội vã và tất cả những gì chợt hiện đến trong óc, đồng thời cô nắm chặt đôi bàn tay to lớn, thô nhám của thầy lang.
Dần dần, ông bình tĩnh lại. Ông ngồi xuống, thở nặng nhọc. Cô mang cho ông một cốc nước, ông uống ừng ực hết sạch, rồi cô chạy xuống hầm lấy thuốc lá gói cho ông. Vì đã gần bẩy giờ chiều, cô quyết định không để cho ông về một mình.
- Bác An-tô-ni, hãy đợi cháu chừng mười lăm phút nữa thôi, rồi cháu sẽ đóng cửa hàng và tiễn bác về một quãng. Bác nhé?
- Để làm gì, cháu, bác đi một mình cũng được.
- Nhưng cháu cũng muốn đi dạo một lúc mà.
- Thế thì được, - ông lạnh nhạt đồng ý.
- Bác có hút thuốc không ạ?... Cháu cuốn cho nhé?
- Ừ, thì hút, - ông gật đầu.
Khi cả hai đã ra tới đường cái, ông mới dần dần lấy lại thăng bằng.
- Bác hay bị những lúc như thế, - ông nói. - Chắc có sự gì trong não. Nhưng đã lâu, rất lâu rồi bác chưa bị thế này bao giờ.
- Cầu Chúa để đừng lặp lại nữa, - cô mỉm cười thân mật với ông. - Chắc là do nắng.
Ông lắc đầu.
- Không, cháu ạ! Không phải do nắng đâu.
- Thế thì do cái gì ạ?
Ông im lặng rất lâu, cuối cùng thở dài:
- Bác cũng chẳng biết nữa.
Rồi ông nói thêm:
- Đừng hỏi bác chuyện đó, vì cứ chớm nghĩ về nó, hơi căng óc để nhớ một chút, thì sự không lành ấy đã lại muốn cuộn lên trong đầu óc bác rồi.
- Vâng, được rồi, bác An-tô-ni ạ. Ta hãy nói về chuyện khác đi.
- Không, không cần đâu cháu. Cháu quay lại đi. Đường đã quá xa so với đôi chân bé nhỏ của cháu rồi đấy.
- Đâu có, chẳng bé nhỏ chút nào đâu bác. Nhưng nếu bác muốn được đi một mình thì cháu xin quay lại.
Ông dừng bước, mỉm cười, hơi kéo cô gái lại gần mình rồi thận trọng hôn vào trán cô.
- Cầu Chúa đền ơn cho cháu, - ông nói khẽ rồi bước đi.
Ma-rư-sia quay trở lại phía thị trấn. Cử chỉ khác thường và nụ hôn của con người kia không hề khiến cô phật ý, mà dường như còn làm cô yên lòng sau cơn lo lắng vừa qua. Cô cảm thấy càng rõ ràng hơn là cô đã tìm được ở người thầy lang tuổi tác này một sinh linh có trái tim vàng và gần gũi. Ôi, chắc chắn rằng không ai khác trên thế gian này có được những tình cảm tốt đẹp và chân thành hơn đối với cô, và nếu như có điều gì bất hạnh xảy ra, chỉ một mình ông là người không bao giờ từ chối cô, giúp đỡ cô.
Song cô cũng hiểu rằng chính người bạn tốt ấy cũng đang cần được giúp đỡ, và chắc hẳn ông đã từng phải chịu đựng một nỗi bất hạnh lớn lao nào đó, trong tâm hồn ông đang diễn ra một điều gì bí ẩn và không sao thâm nhập nổi.
Cơn kịch phát mà cô được chứng kiến tại cửa hiệu làm nảy ra hàng nghìn những điều phỏng đoán. Công bằng tỉnh táo mà nhận xét, điều ước đoán nào cũng thiếu cơ sở, nhưng khi phải chọn lựa giữa những cái thường tình và chuyện phi thường thì Ma-rư-sia bao giờ cũng muốn chọn cái thứ hai. Vì vậy, cô thấy như ông An-tô-ni Kô-si-ba, thầy lang ở cối xay, là một nhân vật trữ tình đầy bí ẩn, rất có thể ông là một vị công tước nào đó tự giấu mình dưới chiếc áo dạ thô kệch quê mùa của người nông dân, cũng có thể là một người bất hạnh ngày trước đã từng phạm vào tội ác - dĩ nhiên là vô tình hoặc trong một phút phẫn nộ - và tự kết tội mình phải sống nghèo nàn và hiến dâng cuộc đời cho quyền lợi của những người đồng loại.
Không, cô không nhầm, cô không thể nào nhầm được, vì chính tai cô đã được nghe những lời thơ tiếng Pháp thốt ra từ miệng ông. Một người nông dân bình thường không thể nhắc lại như thế vả chăng ông hiểu hết nội dung của câu thơ kia mà!... Làm sao có thể giải thích nổi cho bản thân mình chuyện đó nhỉ?...
- Cứ cho rằng, - cô nghĩ thầm, - trong những chuyến lãng du của mình đã có lần ông đến được nước Pháp hoặc nước Bỉ đi. Đó là điều hoàn toàn có thể. Bao nhiêu người nông dân đã phải lang bạt xa quê rồi về sau trở lại.
Nhưng cách đặt và giải quyết vấn đề như vậy là quá ư tầm thường, đối với điều bí ẩn này. Vả chăng, nếu có thật như thế, thì tại sao ông lại bị sốc kia chứ? Đằng sau chuyện ấy lẽ nào không ẩn giấu một bi kịch nào hết?... Không nghi ngờ gì nữa, câu thơ đã gợi cho ông nhớ lại một điều gì đó, đã đánh thức trong ông những hồi ức đau xót nào đó.
- Đó chắc phải là một người khác thường, - cô hoàn toàn vững tin vào điều khẳng định ấy.
Và càng nhớ lại những chi tiết khẳng định kinh nghiệm của cô, cô lại càng tin chắc hơn vào điều nhận định của mình. Cách cư xử của con người ấy về hình thức - nhưng chỉ về hình thức, chỉ bề ngoài thôi - cũng tương tự như cách sống của những người bình dân khác. Còn sự tế nhị, còn tính không vụ lợi của ông...
Cô tin rằng đã chạm đến vết tích của một điều bí mật to lớn và đầy hấp dẫn, cô quyết định sẽ khám phá bằng được. Cô chưa hiểu phải làm cách nào, chỉ biết rằng cô không thể sống yên nếu chưa đi đến tận đáy điều bí mật kia.
Trong khi đó lại xảy ra những sự kiện hoàn toàn mới làm thay đổi những suy nghĩ và sự chú ý của cô theo một hướng khác hẳn.
-----------------------------------------------
(28) Alfred de Musset (1810-1857) - nhà thơ Pháp, một trong những đại diện chính của trường phái lãng mạn, viện sỹ của viện hàn lâm Pháp; sang tác thơ, văn, kịch (N.D)
Nhấn vào đây để xem chương mới nhất của Ebook THẦY LANG.