• 1,594

CHƯƠNG V


Số từ: 4443
Nhưng ngày hôm sau Ni-nit-ka cũng không ló mặt. Đành phải lấy tạm một người làm đỡ trong đám nông dân chở lúa đến xay.
Ngày hôm sau nữa là chủ nhật, cối xay nghỉ, lão Prô-cốp cầu nguyện xong - mặc dù nỗi bực bội cản trở lão đọc kinh - bước ra trước nhà, ngồi xuống ghế dài. Lão muốn ban cho thằng bé một thứ đặc ân thế mà nó lại không thèm ló mặt đến. Chắc là ở Ô-smi-an nó đã tìm được việc làm nên không tới nữa, nhưng cái đó cũng chẳng thanh minh cho nó được kia mà.
- Rồi bọn Rô-ma-nhi-uc còn phải nhớ đời về việc này, - lão lẩm bẩm, rít tẩu thuốc.
Mặt trời chiếu sáng rỡ. Ngày ấm áp và thanh bình. Hàng lũ chim tụ tập trên các đầm chứa nước để săn đuổi côn trùng. Đột nhiên trên đường cái có tiếng động cơ nổ vang. Ông lão đưa tay che mắt nhìn. Một chiếc xe mô-tô đang phóng.
- Ngày lễ mà chúng nó dám làm thế đấy, - lão nhổ đánh toẹt. - Chẳng biết sợ Chúa nữa à.
Lão biết lão đang nói về ai. Từ dạo mùa xuân, cả vùng này đều biết đó là cậu chủ Trưn-xki, con trai ông chủ nhà máy ở Lu-đơ-vi-kốp. Cậu ấy học xong bằng kỹ sư ở ngoại quốc, giờ về thăm cha mẹ để nghỉ ngơi. Người ta đồn rằng cậu sẽ điều hành nhà máy thay cha, nhưng trong óc cậu ta chỉ toàn nghĩ đến cái mô-tô, cái máy quỷ quái gì không biết, ban đêm chẳng để cho ai ngủ nghê, chỉ tổ khiến lũ ngựa dọc đường giật mình.
Ông lão bực mình nhìn theo đám bụi mù đang khuất dần trên đường cái, và khi nhìn về phía ấy, lão chợt thấy một người đàn ông đang đi về phía cối xay. Người ấy bước khoan thai, nhịp nhàng, vai vác chiếc gậy con treo toòng teng khăn gói. Thoạt tiên lão Prô-cốp nghĩ rằng đó là Ni-nit-ka, máu dồn ngay lên mặt lão, nhưng khi người ấy lại gần thì hóa ra ông ta không còn trẻ nữa, chòm râu đen đã ngả màu sương.
Ông ta đến gần, cúi chào, làm dấu thánh chúc phúc, rồi hỏi:
- Ông có vui lòng cho phép tôi ngồi nghỉ và hỏi xin ít nước hay chăng? Ngày nóng quá, đâm ra khát.
Người chủ cối xay chăm chú nhìn ông, ngồi dịch ra nhường chỗ rồi gật đầu.
- Ngồi thì ai cũng có quyền. Còn nước thì, ơn Chúa, chỗ chúng tôi đây không thiếu. Đó, trong hành lang, có chiếc thùng đặt đó.
Lão thấy người khách vừa đến có vẻ dễ cảm tình. Ông ta có nét mặt buồn buồn, bản thân lão Prô-cốp cũng đã từng trải biết bao lo phiền nên chẳng thích những nét mặt vui tươi. Hơn nữa mắt người khách lộ ra vẻ gì đó tốt lành. Và, qua mỗi người lãng du đều có thể biết được thêm đôi điều thú vị. Mà người này thì rõ ràng là khách phương xa, bởi lẽ giọng nói của ông ta khác hẳn.
- Thế Chúa đưa ông từ đâu lại? - Lão Prô-cốp hỏi khi người khách không quen quay trở ra, ngồi xuống, đưa mu bàn tay quệt những giọt nước đọng trên râu cằm và ria mép.
- Từ xa lắm. Vừa rồi thì tôi từ Grôt-nô đến. Đi tìm việc.
- Ở Grô-nốt không tìm được việc làm sao?
- Có. Tôi làm một tháng ở nhà một người thợ rèn tại Mi-xku-nư. Nhưng rồi công việc hết, thế là tôi lại đi tiếp.
- Ở Mi-xku-nư à?
- Vâng.
- Tôi có viết tay thợ rèn đó. Có phải Vô-uô-vich không?
- Vô-uô-vich Ju-zep. Một mắt.
- Phải. Tàn lửa làm ông ta bị chột. Thế ra ông cũng biết rèn?
Người khách mỉm cười.
- Cũng biết rèn mà cũng không. Việc gì tôi cũng làm...
- Sao lại thế?
- À. Thì cũng ngót mười hai năm nay tôi lang thang trên thế giới, nên cũng học được nhiều nghề.
Ông lão liếc nhìn người khách từ dưới đôi mày rậm.
- Thế ông có biết làm các chi tiết cối xay không?
- Không. Chưa có dịp nào. Nhưng tôi cũng xin thú thật, ông Mi-en-nhich ạ. Tôi trú đêm ở làng Pô-bô-rê-diê, tại nhà một ông Rô-ma-nhi-úc nào đó. Những người thật tốt bụng. Tại đó tôi nghe nói rằng ông sẽ nhận con trai họ vào làm chỗ ông. Nhưng cậu ta đã tìm được việc làm ở Ôs-mi-an, nhận chân kèm trẻ học ấy mà, nên không quay về nữa.
Lão Prô-cốp sầm mặt.
- Nhà Rô-ma-nhi-úc cử ông đến đây phải không?
- Đâu có. Nhưng ở đó tôi nghe chuyện, nghĩ bụng thử tranh thủ cơ hội xem sao. Đến nơi hỏi thăm cũng chẳng tội lỗi gì. Ông muốn thì nhận tôi, không muốn thì đừng nhận.
Lão Prô-cốp nhún vai.
- Tôi nhận ông sao được, cho người lạ vào nhà mình à?
- Tôi cũng không ép.
- Ông làm thế là đúng. Tôi không biết ông, cũng chẳng một ai ở đây biết cả. Tự ông cũng hiểu đấy. Có thể ông là một người tốt, không có ý đồ xấu, nhưng cũng có thể ông là người xấu. Thậm chí ngay tên ông tôi cũng chẳng biết, ông sinh ở đâu tôi cũng không hay...
- Họ tên tôi là An-tô-ni Kô-si-ba, quê tôi miền Ka-lis.
- Ai biết cái xứ Ka-lis ấy ở đâu.
- Hẳn là thế, cũng xa đấy.
- Thế gian rộng lắm, lão Prô-cốp thở dài, - có đủ mọi hạng người.
Im lặng bao trùm, nhưng lát sau người chủ cối xay lại hỏi:
- Thế sao ông cứ phải đi mãi như vậy, không ngồi đâu cho ấm chỗ? Ông không có nhà cửa à?
- Không có.
- Thế vợ cũng không có ư?
- Không.
- Tại sao?
- Tôi cũng không biết nữa... Vợ con chẳng mang lại gì tốt lành trên đời cả.
- Cái gì đúng, vẫn đúng, - lão Prô-cốp thừa nhận. - Họ chỉ gây toàn những chuyện lo lắng phiền muộn mà thôi. Nhưng dù sao cũng phải lấy vợ. Luật của Chúa thế rồi.
Và lão Prô-cốp nghĩ thầm rằng cái luật kia đối với bản thân lão sao mà khắc nghiệt. Vợ lão quả có sinh cho lão ba thằng con trai và một đứa con gái, nhưng chẳng phải để làm vui, chỉ mang lại toàn bất hạnh mà thôi.
Dòng suy tư của lão bị người khách cắt ngang:
- Ông không quen biết tôi thật, nhưng tôi đã từng làm cho nhiều người, tôi có chứng nhận đây. Ông có thể xem qua.
- Tôi chẳng đọc làm gì. Biết đọc biết viết cũng chẳng hay ho gì đâu.
- Giấy tờ tôi có đủ. Nếu như tôi là đồ trộm cắp, tôi sẽ chẳng đi tìm việc làm gì, chỉ ăn cắp là đủ sống. Mà nếu tôi là đồ trộm cắp thì đã bị tống giam từ lâu rồi. Đã mười hai năm nay tôi đi lang thang. Tôi chẳng biết nương tựa vào ai bởi chẳng có một ai gần gũi.
- Thế sao ông không có?
- Còn ông có chứ? - Người khách hỏi lại. Câu hỏi khiến chủ cối xay phân vân.
- Sao không? Tôi có gia đình chứ?
- Thế nếu như, xin Chúa bỏ qua, gia đình chết cả, liệu ông có tìm thấy ai gần gũi nữa không? Ông có tìm thấy những người tốt bụng chân thành giúp đỡ ông trong hoạn nạn?...
Người đàn ông không quen nói, như đầy cay đắng, chua xót và nhìn thẳng và mắt lão Prô-cốp.
- Không có một người gần gũi nào cả, - ông kết luận, còn lão Mi-en-nhich, không đáp. Lần đầu tiên trong đời người ta nói với lão điều đó, và lão thấy đó là điều đúng đắn. Vì vậy, lão nhìn người khách với nhiều cảm tình hơn.
- Không biết người nói hay nghĩ gì về tôi, - lão nói, - tôi cũng chẳng quan tâm gì đến chuyện đó. Chắc chắn người ta cũng đã kể cho ông nghe những chuyện vớ vẩn nào đó. Còn tôi, tôi tự biết cần phải sống ra sao. Tôi chẳng muốn xúc phạm đến ai hay làm ai phải khổ. Ai đến với tôi, ra đi bụng không phải chịu đói. Có Chúa chứng giám! Với ông tôi cũng nói thế này: nhà tôi không thiếu bánh mì, ông cứ việc ăn thật no. Và chắc chắn tôi không để ông phải ngủ đêm trong rãnh. Một góc nhà thể nào cũng có. Nhưng việc làm cho ông thì tôi không có. Tôi bảo ông thật nhé: ông không có vẻ gì là người ngu ngốc và cũng có thể là người ngay thật đấy. Nhưng tôi cần một người thợ trẻ, đủ sức lực. Mà ông thì đã có tuổi rồi.
Nghe thấy thế, người khách đứng lên, không nói một lời. Cách nhà vài bước chân có một thớt cối xay vỡ đôi nằm lẫn trong cỏ. Ông ta khom người, luồn tay dưới nửa thớt cối, dang rộng chân lấy đà, rồi nhấc lên cao trên đầu. Ông cứ giữ nguyên như thế hồi lâu, im lặng ngó lão Mi-en-nhich, rồi ném mạnh đi, khiến đất rung lên.
Lão Prô-cốp im lặng nhồi tẩu thuốc. Người khách ngồi xuống bên cạnh, rút thuốc lá trong túi ra. Ông châm thuốc, người chủ cối xay nói:
- Chiều rồi đấy.
- Chiều rồi, - người khách đồng tình, liếc nhìn lên vầng dương.
- Đến giờ ăn trưa rồi. Không biết các mụ này làm gì mà chẳng giữ đúng giờ giấc ngày lễ gì cả (22).
Song thực ra thì "các mụ" đã giữ đúng, vì từ trong hiên nhà chợt vang ra giọng thanh thanh của một bé gái:
- Ông ơi! Ăn cơm!
- Đi, mời ông ăn với chúng tôi những gì Chúa ban cho, - lão Prô-cốp vừa lẩm bẩm vừa đứng dậy.
- Chúa sẽ đền ơn - người khách đáp rồi đi theo ông.
---------------------------------
(22) Bữa ăn trưa của người Ba Lan thường khoảng 2-4 giờ chiều (N.D)
Từ hiên nhà, nơi không lát sàn, bước vào phía tay phải, qua một ngưỡng cửa cao dẫn vào các buồng. Còn phía tay trái, qua một ngưỡng cửa còn cao hơn, vào một nhà bếp rộng rãi được dùng luôn làm nhà ăn, nơi mọi người ở suốt ngày. Một cái lò đồ sộ quét vôi trắng chiếm mất một phần tư gian bếp. Lửa đang réo phần phật, ùa ra qua một lỗ cửa lò rộng. Trên nền đỏ rực của lửa hiện ra đen thẫm những chiếc nồi to phình, đang phì hơn, sôi lục bục, khiến không khí tràn ngập mùi thức ăn thơm ngon. Trên nóc lò và trên những chỗ nằm được xây liền vào đó, nơi mùa đông người già và trẻ em nằm ngủ, giờ đây chỉ có những thứ đồ đạc cũ hỏng nào đó được che một tấm thảm dệt có sọc.
Những bức tường không trát vữa nhưng được bịt ván dán hàng trăm tranh ảnh. Trong góc nhà treo một bức tranh thánh được trang trí bằng những dải giấy nhiều màu sặc sỡ, trước tranh là một ngọn đèn nhỏ thắp bằng dầu ô liu đang cháy sáng, treo trên những sợi dây xích bằng đồng.
Cùng ở trong góc kê một chiếc bàn, vì là ngày chúa nhật nên bàn phủ một tấm khăn dày bằng vải lanh thô, sạch sẽ. Trên tấm khăn một ổ bánh mì dẹt to tướng, những chiếc thìa bằng gỗ và nhôm, nĩa, dao ăn, và muối đựng trong một chiếc liễn nhỏ mày xanh lục vốn dùng để chứa bơ, với một chiếc liễn làm theo hình cừu mẹ cừu con. Dọc các bức tường chạy dài một chiếc ghế băng rộng bản, bên trên là các giá, che bằng những tấm giấy cắt theo hình răng cưa. Trên các giá để đĩa, bình, cốc, âu, nồi tráng men và nồi bằng kim loại, ở chỗ trang trọng nhất là sáu chiếc sanh đồng sáng óng ánh màu đỏ của kim loại.
Trong nhà có sáu người. Một bà già, gù lưng, hai người đàn bà còn trẻ và một thiếu nữ da nhợt nhạt có đôi mắt đen huyền tuyệt đẹp nom độ mười ba tuổi. Hai người đàn ông: một người tóc hung, to hơn, có đôi vai rộng, khiêm tốn ngồi bên cạnh cửa, một chàng trai trẻ, dáng thon thả, tóc nâu mà khách có thể đoán ngay được rằng đó là con trai của chủ nhà - cậu Va-sin. Va-sin ngồi bên trên chiếc ghế dài bên kia bàn, tỳ lên khuỷu tay và nhìn ra ngoài cửa sổ. Việc cha cùng người khách lạ bước vào vẫn không dứt nổi chàng ra khỏi những ý nghĩ u ám.
Ngược lại, đám đàn bà xăm xắn và bận rộn bày món ăn. Chỉ lát sau trên bàn đã có hai liễn đựng thức ăn bốc khói nghi ngút: một chứa canh củ cải đỏ đầy mỡ, cho nhiều váng sữa, còn liễn kia đựng khoai tây hầm.
Người nhà đặt trước mặt ông Prô-cốp và cậu Va-sin những chiếc đĩa sành sâu lòng. Những người còn lại sẽ ăn chung trong liễn. Ông lão ngồi ở vị trí danh dự ngay dưới những bức tranh thánh, dang rộng tay làm dấu thánh giá, những người khác cũng theo gương ông, và lát sau, trong nhà chỉ còn nghe tiếng húp xì xoạp ngon lành. Sự có mặt của người khách lạ không làm ai ngạc nhiên. Chuyện ấy đã nhiều lần xảy ra rồi. Cũng không một ai lưu ý đến ông. Họ chỉ trao đổi với nhau nhiều câu hiếm hoi, lúc bằng tiếng Ba Lan, lúc bằng tiếng Bạch Nga, giống như mọi người địa phương ấy. Chẳng mấy chốc những chiếc đĩa đã sạch trơn và bà chủ nhà, được gọi là "mẹ A-ga-ta" ngoảnh sang phía một trong hai người phụ nữ:
- Nào, Zô-nhia! Mày ngớ ngẩn (23) rồi à? Quàng lên chứ!
Zô-nhia, một thiếu phụ cao, hông rộng, bật ngay dậy, dọn sạch những chiếc đĩa nhờn mỡ và chạy đến bên lò. Vơ lấy một chiếc móc nồi buộc vào cây gậy dài đặt trong góc, cô nhanh nhẹn thò vào cái hốc rừng rực lửa, kéo ra một chiếc nồi. Đôi má khỏe mạnh, mây mẩy của cô ta hồng hào vì lửa, và khi cô ta quay lại với chiếc liễn to đầy thức ăn, cô phải giữ liễn trong hai bàn tay chìa ra, bộ ngực cô đồ sộ và căng mẩy.
Sau món súp củ cải đỏ đến món thịt lợn ninh nhừ, thái to bằng nắm tay một, béo và mềm mụp.
- Ôn-ga! - mẹ A-ga-ta sốt ruột quay mắng người phụ nữ thứ hai: cắt bánh mì cho em kìa! Mày không thấy à?
Ôn-ga mảnh mai và lanh lẹ, với ngay ổ bánh mì, nhấc lên nhẹ nhàng, tựa vào người mình và khéo léo cắt thành những lát dài mỏng, bằng nhau.
- Bánh cho con nữa, mẹ ạ, cô thiếu nữ tên là Na-tan-ka nhắc.
- Và đừng quên bánh cho khách, ông lão Prô-cốp lầm bầm.
Ông ta liếc nhìn khách và đặt trước mặt ông một lát bánh cắt khéo như thế.
- Cảm ơn, - ông bảo, - còn cô tươi cười gật đầu:
- Không có gì ạ. Bác từ xa đến à?
- Từ xa lắm, từ Ka-lis kia.
- Thế bác đã ở Vin-nô rồi nhỉ?
- Vâng, đã!...
- Thế bác đã được thấy cổng thành Ô-xtra (24) chưa?
- Đã được thấy rồi. Ở đó có bức tranh Đức Mẹ, một bức tranh thật tuyệt vời.
Ông lão Prô-cốp liếc nhìn con trai rồi lại cụp mắt xuống.
- Ai chẳng biết chuyện ấy, ông lầm bầm.
- Thế bác đã tận mắt thấy các phép lạ bao giờ chưa? Va-sin hỏi.
- Thấy thì tôi chưa thấy nhưng đã nghe người ta kể. Đủ các phép nhiệm màu.
- Vậy xin bác thử kể một chuyện đi.
- Tôi thì quả thực không rành những chuyện ấy - người khách do dự, nhưng những gì được nghe người ta kể thì tôi cũng có thể thuật lại đôi điều.
- Bác kể lại đi, kể lại đi bác! Cô bé Na-tan-ka dịch lại sát ông.
Người khách bắt đầu miễn cưỡng thuật lại chuyện người mẹ sinh ra hai đứa trẻ sinh đôi đều bị chết, chuyện người thương gia bị kẻ cắp nẫng hết hàng hóa, chuyện kẻ báng bổ thần thánh có cái lưỡi bị khô cứng lại, chuyện người lính bị mất hẳn hai bàn tay trong chiến đấu, tất cả những người ấy đều được Đức Mẹ Ô-trô-bram-xka cứu chữa.
Người ta đã ăn xong bữa, đám đàn bà chuẩn bị dọn dẹp, nhưng họ cứ đứng sững cả người ra nghe câu chuyện của khách. Còn ông ta, bản tính hẳn là người ít nói, chỉ nói rất khẽ và ngắn gọn.
- Tôi đã nghe nhiều chuyện khác giống như thế, nhiều lắm nhưng tôi không nhớ hết, ông kết thúc.
- Nhưng đó là bức tranh thánh của đạo Ki-tô mà? Zô-nhia hỏi.
- Đạo Ki-tô?
- Không biết Đức mẹ có cứu giúp những người theo đạo khác hay không, thí dụ như người theo chính giáo, Va-sin lên tiếng.
- Chuyện ấy tôi không rõ, - ông khách nhún vai - nhưng tôi nghĩ rằng chỉ cần là một người tốt thường tình của đã giúp đỡ mọi người rồi, bất kể là ai.
- Có điều phải là tín đồ Ki-tô, - mẹ A-ga-ta bực tức sửa lại lời ông khách. - Có lẽ ông không nói là Đức Mẹ giúp cả bọn Do Thái chứ hả?
- Do Thái à? - Người thợ làm thuê tóc hung vẫn im lặng từ nãy đến giờ cất giọng trầm trầm. - Đối với bọn Do Thái thì mẹ còn gửi thêm dịch tả nữa ấy chứ lỵ. Mà rất chi là có tác dụng nhé!
Anh ta cười thật to, vỗ vỗ hai tay vào hai gối. Ông lão Prô-cốp đứng dậy, làm dấu thánh. Đó là tín hiệu cho những người còn lại. Đám đàn bà đi rửa bát đĩa. Đàn ông, trừ Va-sin ngồi lại trên bàn, còn tất cả đều kéo ra trước nhà. Lão Mi-en-nhich châm tẩu, sau đó lão mang ra cho mình một chiếc áo choàng lông, trải xuống dưới bóng cây thích trên thảm cỏ ngồi ngả lưng ngủ một giấc sau bữa trưa no nê.
- Tôi làm công ở đây, - anh chàng tóc hung quay sang người khách lạ ở bên gợi chuyện. - Đã sáu năm rồi, cối xay tốt lắm. Còn ông làm nghề gì?
- Tôi không có nghề gì nhất định. Tôi biết làm nhiều nghề khác nhau...
- Ông nghỉ đêm lại đây, sáng mai nếu ông muốn tìm hiểu nghề nguội thì ông chữa hộ tôi khẩu súng lục với. Nó bị hóc, cò không lên được. Quỷ nhập vào nó hay sao không biết.
- Tôi đã xin ngủ lại, họ đồng ý rồi. Sáng mai tôi sẽ vui lòng xem hộ anh. Tôi cũng có biết qua nghề nguội.
- Xin cảm ơn ông.
- Không cần cảm ơn đâu. Tôi chỉ muốn làm được một chút gì đền ơn lòng mến khách. Những người thật tốt.
Người làm công tán đồng. Đó là những người thành thật, không thể chê trách họ điều gì. Ông lão nghiêm khắc và hay đòi hỏi, nhưng lại công bằng. Ông không bao giờ moi đến đồng tiền cuối cùng của người ta, không vắt đến giọt mồ hôi cuối cùng. Mặc dù người đời vẫn đồn là ông đã đuổi em ruột phải bị gậy ra đi, người em ấy đã rủa lời nguyền, hại những đứa con ông. Chuyện ấy thực hư cũng chẳng biết ra sao, đã lâu lắm rồi, hơn bốn chục năm không ít. Còn lời nguyền rủa thì chắc cũng có, vì con cái ông Prô-cốp chẳng ra làm sao. Anh con trai cả bị chết đuối, anh thứ chết trận. Anh ta để lại mỗi mình người vợ góa, chính cái cô Zô-nhia ấy đấy, cô ấy chả là con nhà nghèo nên khi chồng chết vẫn ở lại với cha mẹ chồng. Góa bụa mà còn trẻ quá, ăn đứt nhiều cô. Dù A-ga-ta không thích cô ta, cứ hay sinh chuyện. Đã có lắm chuyện rồi, nhưng bây giờ lại... Thậm chí, với cô Ôn-ga, vợ ông thợ cả, con gái ông Prô-cốp, cô ta cũng hòa thuận được kia mà. Chỉ mỗi mình bà già là lắm chuyện. Ôn-ga cũng là một phụ nữ tốt, không muốn điều xấu cho ai...
- Hôm qua tôi mang cỏ vào chuồng, cô ta đang vắt sữa bò. Cô ấy bảo tôi: này Vi-ta-lix, anh cũng đến tuổi lấy vợ từ lâu rồi đấy. Tôi cười: cưới gì mà cưới. Ôn-ga à, gần cô ta tôi biết, cô ta lại thích anh chàng giáo viên ở Bi-e-rơ-na-tư kia. Tôi bèn bảo: có mà lấy cô ấy. Cô ta cười phô cả răng ra mà bảo: Anh ấy mà, Vi-ta-lix ạ! không nghĩ đến tôi đâu. Anh thì lấy Zô-nhia kia, cố ấy bảo, bà góa vẫn hơn tôi.
Người làm công cười, nhổ nước bọt rồi nói tiếp:
- Cô ấy hay đùa thế đấy. Ôi, chuyện đàn bà ấy mà.
Lúc này đám phụ nữ cũng đã ra ngoài trời. Ôn-ga và Zô-nhia khá diện. Té ra họ đến Bi-e-rơ-na-tư để dự tối vui. Cô bé Na-tan-ka quanh quẩn rồi đến bên ông khách.
- Thế bác đã thấy con Van-ka chưa?
- Chưa, Van-ka là con gì?
- Ngựa ấy mà. Nó béo như lợn ấy. Thế bác tên là gì?
- An-tô-ni.
- Còn cháu là Na-tan-ka, họ là Su-min-xka. Cha cháu là thợ cả ở nhà máy Lu-đơ-vi-kốp đấy. Thế bác có biết nhà máy ở Lu-đơ-vi-kốp không?
- Không, bác không biết.
- Ở đó đẹp lắm nhé. Cả một tòa nhà khổng lồ. Cậu chủ thì chuyên phóng mô-tô thôi. Trong một tòa nhà to có nhiều lò lắm, cái nọ kế bên cái kia, người ta nung gạch ấy mà. Những lò khác thì nung đồ sành hoặc đồ sứ hay lắm. Thế bác đã thấy các đầm chứa nước của nhà cháu chưa?
- Chưa, bác chưa thấy.
- Thế thi đi, cháu sẽ chỉ cho bác thấy, chỗ nào có thể tắm được. Kia kìa, chỗ cạnh rừng ấy. Còn cái đầm hạ này thì nguy hiểm lắm, nhiều hố sâu lại nhiều xoáy nước. Ông ngoại Prô-cốp không cho phép đi tắm, kể từ ngày cậu An-bin cháu bị sụt băng chết đuối ở đây. Đi, ta đi dạo một lúc.
- Được rồi, ta đi nào, ông khách đồng tình.
Bằng giọng thanh thanh, Na-tan-ka kể cho ông nghe vô số chuyện. Cả hai đi men bờ đầm theo một con đường mòn hẹp nhưng có nhiều nền đất cứng. Họ đi quanh bờ đầm rồi bước vào rừng. Cô bé lập tức chú ý đến nấm.
- Lậy chúa tôi, cô thốt lên, bao nhiêu là nấm này. Từ giữa hôm thứ sáu đến giờ mà đã mọc nhiều thế đấy, hôm thứ sáu cháu với mợ Zô-nhia đã hái hết sạch rồi mà. Bác thích không, ta hái nhé!... Hôm nay chủ nhật, nhưng ta hái chơi thôi thì không phải tội đâu! Chính bà nói thế mà...
Suốt buổi chiều, cả hai mải mê hái nấm giữa những bụi thạch thảo mọc đầy trong rừng non. Hai bác cháu nghỉ một chốc rồi, đến lúc mặc trời lặn, họ cùng nhau trở về nhà, vừa đúng lúc cả nhà gọi về ăn tối. Mẹ cô bé và mợ chưa về, họ còn đang mải múa, nên Na-tan-ka phải giúp bà A-ga-ta một tay. Hai bác cháu mang về cả một tạp dề nấm sữa. Để chúng khỏi hỏng, phải nhặt ngay và đổ nuớc ngâm.
Sau bữa tối, dọn dẹp xong mọi thứ, ông lão Prô-cốp, rồi bà già vào các phòng nằm bên trái hiên để ngủ. Anh thợ Vi-ta-lix bế xốc cậu con trai của họ, cậu Va-sin tàn tật mang vào phòng. Rồi anh quay lại lôi hai chiếc nệm từ sau lưng lò, trải lên những chiếc ghế dài đặt sát tường và bảo:
- Bác nghĩ tạm qua đêm. Ơn chúa, ruồi cũng không nhiều lắm.
Anh đóng cửa, tắt đèn rồi ngả lưng. Ông khách cũng làm theo. Trong căn bếp rộng mênh mang, im lặng bao trùm. Thoạt đầu còn có tiếng ruồi bay vù vù, trước khi chúng đỗ tìm được chỗ ngủ, nhưng lát sau chỉ còn nghe thấy tiếng nước róc rách, đều đều chảy trong cối xay vẳng từ ngoài tường vào. Giấc ngủ nhẹ nhàng đến.
Trời hãy còn tối khi họ bị thức dậy bởi tiếng bánh xe kẽo kẹt, tiếng vó ngựa lộc cộc và tiếng gọi lao xao, người ta chở lúa mạch đến xay. Ngoài hiên vang lên tiếng đằng hắng của ông lão Prô-cốp, Vi-ta-lix bật dậy, người khách cũng thế. Họ đút đệm nằm sau lưng lò.
Lão Prô-cốp Mi-en-nhich bước vào, khẽ lầm bầm:
- Sáng danh Chúa...
- Đời đời...họ cùng đáp.
- Còn đứng đấy nữa à? Nhúc nhích chân tay đi chứ, thằng quỷ này, ông quay sang bảo Vi-ta-lix. Tháo cổng ra!
Lão nhìn khách vẻ u ẩn rồi nói thêm:
- Còn nhà ông nữa, bắt tay vào việc đi, không nghe thấy gì à? Người ta chở hạt đến kia kìa!...
- Có nghĩa ông nhận tôi vào làm à? Khách vui sướng hỏi
- Đành vậy thôi, tôi nhận.
------------------------------------
(23) Nguyên văn: Mày bị cháy thành than rồi à?
(24) Một di tích tôn giáo thiêng liêng của Ba Lan (N.D)
Nhấn vào đây để xem chương mới nhất của Ebook THẦY LANG.