• 253

Chương 17.1

AddThis Website Tools

Dịch giả: Lê Sông
Nhà xuất bản: NXB Văn Học
Ngày hôm sau tỉnh dậy thấy chỉ có mình mình nằm trên giường, ta gọi lớn, Tố Khiết nhẹ nhàng chạy vào phòng bẩm báo rằng, Hoàng thượng sáng sớm đã vào triều, dặn dò để cho ta ngủ thêm một lát, không cần hầu hạ người rửa mặt.
Ta vừa chải đầu vừa hồi tưởng đêm hôm trước, xem ra hai bên đã ngầm thống nhất được cách hành xử với nhau. Mới đầu biểu hiện của ta có vẻ khiến hắn kinh ngạc, nhưng đã là người cùng hội cùng thuyền, vì muốn áp chế thế lực của nhà họ Thời, kích động Hoàng hậu, nên đành người hát kẻ múa, hợp diễn một vở kịch sinh động mỹ mãn.

Nương nương, người xem, viên trân châu màu thúy lục này lấp lánh tỏa hào quang, càng tôn thêm vẻ rạng ngời của nương nương lúc này.


Vậy ư?
Ta cảm thấy hơi lạ, con a đầu này trước nay tính dè dặt rón rén thành quen, mấy lần trước Hạ Hầu Thần đến nghỉ, chưa bao giờ nghe nó mở miệng tán tụng, vậy mà hôm nay lại học thói nói vuốt? Tình cờ nhìn vào gương, quả thật thấy nữ nhân trong đó nét xuân rạo rực, sóng mắt long lanh, vẻ mặt phơi phới. Ta giật mình, những lần trước mỗi khi xong việc phải đến mấy ngày sau tinh thần ta hãy còn suy sụp, son phấn chẳng che nổi sắc mặt xanh xao, lần này sao lạ ghê?

Nhờ ơn mưa móc của Hoàng thượng, sắc mặt nương nương rạng rỡ hồng hào cũng là chuyện đương nhiên…

Ta thót tim, chẳng lẽ ta diễn quá nhập tâm, giả thành thật rồi? Nghĩ đến đây, ta cố trấn tĩnh lại, trầm sắc mặt:
Không đeo đôi khuyên phỉ thúy này nữa, mang đôi ngọc lưu ly lại đây!

Tố Khiết chẳng hiểu gì, lật đật mang đôi khuyên tai kia đến.
Tố Khiết tuy có lòng tơ tưởng Hạ Hầu Thần, nhưng bản tính thuần lương, chẳng dám làm gì táo tợn, hết lần này đến lần khác bỏ lỡ thời cơ, chẳng bằng cô em gái của ta vốn giỏi tài luồn cúi… Ta nghĩ ngợi một lát, bèn nói:
Tố Khiết, ngươi đi theo ta đã lâu, nếu cứ thế này cũng chẳng có tiền đồ gì, bản cung nếu cho cơ hội, ngươi có muốn mạo hiểm không?

Tố Khiết rối rít quỳ xuống nói:
Nương nương, chẳng hay nô tỳ đã làm sai điều gì? Nương nương xin cứ chỉ rõ, nô tỳ nhất định sẽ sửa đổi.

Ta lắc lắc đầu, cho nó đứng dậy, hỏi tiếp:
Bản cung từng nói rồi, nếu ngươi được Hoàng thượng để mắt đến là cái may, có điều xem ra Hoàng thượng…

Tố Khiết buồn bã cúi đầu, khẽ nói:
Nương nương, nô tỳ là ai mà mong được Hoàng thượng để mắt, nô tỳ sớm đã từ bỏ ý định rồi.

Ta khẽ than một tiếng:
Thực ra trong cung mỹ nhân vô số, người mới hết lượt này đến lượt khác xuất hiện, ngươi từ bỏ cũng tốt, đỡ phải chịu nỗi khổ hợp tan… Tố Khiết, ta biết ngươi xuất thân từ phường thêu, tay nghề chắc chắn hơn người thường, nếu bản phi cho ngươi quản lý Thượng Cung cục, không biết ngươi…

Tố Khiết trợn mắt nhìn ta, có vẻ không dám tin vào tai mình, nghi ngại cắt lời:
Nương nương, người định cho nô tỳ quản lý Ty Chế Phòng ư?

Ta xua xua tay, cười nhạt:
Người của ta sao lại chỉ quản một phòng, nếu đã quản, phải là cả Thượng Cung cục mới xứng!

Tố Khiết càng nghi ngờ tợn, lắp bắp hỏi lại:
Nương nương, nô… nô tỳ sao đáng nhận trọng trách ấy, hơn nữa, Thượng Cung còn tại nhiệm ở đó…

Ta cắt lời:
Chỉ cần ngươi muốn, bản cung tự sẽ có cách. Ngươi theo ta đã lâu, ít nhiều gì cũng học được đôi chút chứ…

Gương mặt Tố Khiết hơi đỏ lên, bắt đầu hưng phấn, bất chợt lại trắng bệch, ánh mắt càng lúc càng rạo rực. Ta biết nó vào cung đã lâu, quả có đôi chút si mê Hạ Hầu Thần, nhưng vẫn đặt ta lên hàng đầu. Chuyện này không vì thân phận của ta ngày một cao quý, mà đều vì một thân tuyệt nghệ ta có được từ thời làm ở Thượng Cung cục. Đam mê làm trâm tết vòng của nó đã ăn sâu vào xương tủy, ta sao nỡ không giúp nó toại nguyện?
Khổng Văn Trân, ngươi đã phản bội ta, thì chức Thượng Cung cũng hết duyên với ngươi rồi.
Chỉ cần khống chế được Thượng Cung cục, thì cũng khống chế được toàn bộ cung nữ cấp thấp trong hậu cung, ta coi như ngang phân với Hoàng hậu.
Ta cầm cái lược ngà trên bàn đưa cho Tố Khiết. Đang lúc bối rối, Tố Khiết đưa tay ra mà không nắm chắc, chiếc lược rơi xuống đất kêu lên một tiếng
cách
, nó giật nảy mình như vừa sực tỉnh khỏi giấc mộng, vội nhặt lược lên, thuận thế quỳ xuống, nói:
Nương nương, nếu quả được như thế, nô tỳ có làm trâu làm ngựa cũng phải báo đáp ân này.

Hai mắt nó ngấn lệ, vẻ mặt tha thiết. Ta thầm than trong bụng, quyền thế quả nhiên có cái mãnh lực khiến người ta phát cuồng, ngay như Tố Khiết, nay chỉ mấp mé đứng trước ngưỡng cửa quyền lực, mới chỉ được trao cho một tia hy vọng, mà cả con người nó bừng dậy, như thể vừa tìm được lẽ sống của đời mình.
Ta đưa tay ra hiệu cho nó bình thân, rồi quay người nhìn vào gương:
Chuyện này rất hệ trọng, nên thế nào, ta nghĩ ngươi hiểu.

Nó đứng bật dậy, nắm chặt cái lược ngà trong tay đến độ các đầu ngón tay trắng buốt:
Nương nương, xin người yên tâm.

Ta nói:
Thôi, xem ra hôm nay ngươi chẳng thể chải đầu cho ra hồn được đâu, gọi Tố Linh vào đây chải thay vậy, ngươi về phòng tĩnh tâm một lát đi.

Tố Khiết biết tâm trạng mình đang lúc rối loạn, cũng sợ hầu hạ sai sót, bèn cố nhịn niềm vui sướng, ra cửa gọi Tố Linh vào.
Những việc quan trọng như chải đầu rửa mặt trước nay vốn do Tố Khiết đảm nhiệm, Tố Linh nhận được vinh hạnh như vậy, bèn hớn hở vào phòng. Nếu kế hoạch này thành công, Tố Khiết phải sang ở Thượng Cung cục, ta cũng nên huấn luyện lấy một người thay thế. Tố Linh tuy nhanh nhẹn tháo vát, nhưng ngầm nuôi tham vọng, thế nào cũng có ngày được Hoàng thượng tấn phong, ta phải tìm một ai khác mới được. Bất giác ta nhớ đến Tố Hoàn, không biết bây giờ nó sống ở cung Chiêu Thuần ra sao?
Ta bất giác mỉm cười, Hoàng hậu có con mắt nhìn người sắc bén, vậy mà lại nhìn lầm nó, còn ta, liệu có nhìn lầm?
Rửa mặt chải đầu xong, ra đến cửa ta chạm mặt Túc nương. Túc nương cúi mình hành lễ một cách cung kính, nhưng không hiểu sao cả người ta bỗng cảm thấy khó chịu. Vốn dĩ ta chưa bao giờ hối hận mỗi lần dùng kế lừa người. Vậy nhưng hễ nghĩ đến Túc nương, điều duy nhất ta nhớ được là nụ cười hiền hậu chân thật nở ra vào lúc ta khó khăn nhất. Túc nương chắc không thể ngờ ta lại lợi dụng ngay lòng chân thành, đánh cắp bảo bối của cô ta đem ra uy hiếp. Dĩ nhiên ta chẳng bao giờ ngỏ lời xin lỗi, chỉ coi như chẳng hay biết, chẳng nhìn thấy gì.
Không cần cô ta dìu, ta tự mình xăm xăm bước vào vườn hoa.
Túc nương đột nhiên xoay người nói với theo:
Hoàng thượng lệnh cho nô tỳ bất cứ lúc nào cũng phải theo nương nương. Nếu người muốn đi Ngự Hoa viên, nô tỳ cũng sẽ đến đó.

Ta đành sải bước đi trước, dáng vẻ chẳng lấy gì làm tự nhiên, cô ta lẽo đẽo theo sau, giữ một khoảng cách khá xa.
Rẽ qua vài lần, thi thoảng ngó về sau, đến khi không thấy bóng dáng Túc nương nữa, ta mới thầm thở ra một hơi.
Tố Linh thấy ta như vậy, khó hiểu nói:
Nương nương, người sao vậy? Phải chăng Túc nương làm gì khiến người không hài lòng? Để nô tỳ từ từ bảo tỷ ấy có được chăng?

Ta bèn đáp:
Không có gì, trâm cài hôm nay hơi nặng, ta thấy da đầu nhưng nhức, trở về đổi cái khác nhẹ hơn là được.

Mấy lời này nói ra, Tố Linh sợ hãi vừa quỳ lạy vừa xin tội rối rít. Có Túc nương ở bên cạnh thật là phiền toái.
Có điều là người Hạ Hầu Thần phái đến, ta không tiện đuổi đi, nếu như là người lạ, ta có hàng trăm cách đẩy cô ta đi nơi khác. Nghĩ đến biết bao ân tình trong ngục, cảm giác khó chịu không tên kia lại ập đến.
Hôm nay thời tiết đẹp, xuân đến trăm hoa đua nở, Ngự Hoa viên muôn tía ngàn hồng, nghiêng mình đón gió, ngoài có sắc tím ve vẫy, trong còn ngọc lan tím đọng tuyết lấp lánh; những đóa hoa nở lớn mà e ấp như mời gọi người đến ngắm; Thụy hương vàng như kim, xanh như ngọc, hương vẩn trong không khí; Kim tước dáng vẻ như con chim dát vàng rộ cành… Cảnh vườn đẹp không tả xiết, như trăm ngàn mỹ nữ nở nụ cười vây quanh chân, khiến con người ta không khỏi thấy lòng phơi phới. Chợt có ai cất giọng:
Nương nương, người xem bông hoa này trông có giống Tiểu Nam Tiểu Bắc không?

Có tiếng người cười đáp:
Sao mà giống, hoa này vàng rực, hai con chim tước của bản phi ở lông đuôi có đốm xanh.

Tố Linh kề tai nói thầm:
Nương nương, nghe giọng này dường như là chủ nhân của Tiêm Vũ các.

Ta mỉm cười không đáp, lòng nghĩ Hạ Hầu Thần quả nhiên chu đáo, thấy ái phi thích nuôi chim, liền đặt tên nơi ở là Tiêm Vũ các[1].
[1] Tiêm Vũ: có nghĩa là sợi lông tơ mềm mịn.
Ta đứng ngay cạnh khóm hoa Kim tước nở rộ nhất, nhìn Khánh Mỹ nhân dẫn theo hai cung tỳ đi ra từ hòn giả sơn. Dung mạo Khánh Mỹ nhân rất đỗi ngọt ngào đáng yêu, hễ mỉm cười là trên má hiện hai lúm đồng tiền, lại thêm hôm nay mặc chiếc áo màu vàng nhạt, đai lưng màu xanh ngọc, trông càng thêm mỏng manh yểu điệu như cành dương liễu, tươi non vô ngần.
Khánh Mỹ nhân thấy ta đứng đó, thốt nhiên sững người, sau đó bèn tiến lên hành lễ, cười nói:
Ninh tỷ tỷ cũng đến đây thưởng hoa ạ? Hôm nay trời đẹp, mấy loại hoa trước mới đơm nụ nay đã nở rộ cả, Ninh tỷ tỷ đến thật đúng lúc.

Vừa nói vừa đưa tay vuốt một cánh hoa Kim tước, bàn tay mềm mại trắng trong nâng niu mấy cánh hoa, cảnh ấy đẹp đến mức người ta không thể rời mắt, chẳng trách Hạ Hầu Thần dành cho cô ta không ít tình cảm.
Ta cười đáp:
Khánh muội muội vẫn chưa biết hoa này tên gọi là gì đúng không?

Khánh Mỹ nhân bán tín bán nghi nhìn ta, lắc lắc đầu.
Ta cười tiếp:
Hoa này có thể nở trong vườn, chắc đám nghệ nhân phải mất nhiều công sức lắm. Vốn dĩ nó mọc hai bên bờ Trường Giang, chỉ có thể sống ở nơi đó thôi, trồng ở nơi khác đều không được, rõ ràng là loại hoa quý. Hoa này có cái tên rất đẹp, gọi là hoa Kim tước.

Khánh Mỹ nhân nghe xong, gương mặt liền chuyển mừng:
Quả là cái tên nghe đã khiến người ta vui lòng.

Ta nói:
Hoa Kim tước tuy không có lông vũ, nhưng hình dáng trông như con chim, rất được người ta yêu thích. Linh Phi của tiền triều có một thời gian được tiên hoàng sủng ái, nàng ta sinh ra bên bờ Trường Giang, cả thời thơ ấu lớn lên cùng loài hoa này, liền cầu xin tiên hoàng cấy trồng. Tiên Hoàng hạ lệnh phải trồng cho bằng được, mặc kệ nó có phù hợp với thổ nhưỡng trong Ngự Hoa viên hay không, khiến các nghệ nhân vắt óc suy nghĩ, phí bao tâm sức mới trồng được hai cây.

Khánh Mỹ nhân chưa nghe câu chuyện này bao giờ, vô cùng thích thú:
Sao hoa này lại khó trồng đến thế?

Ta bật cười bảo:
Kỳ thực hoa trong Ngự Hoa viên có loài nào là không tốn trăm gian vạn khổ để cấy trồng. Trong cung có bao nhiêu phi tử, sợ rằng ở đây có bấy nhiêu gốc hoa. Nữ nhân hầu hết đều yêu hoa, Khánh muội muội lại thích chim chóc, mỗi lần múa hát khiến chúng cất cánh vây quanh, khi mới nghe Hoàng thượng kể lại, ta còn không dám tin.

Khánh Mỹ nhân nghe ta nhắc chuyện đêm trước, vẻ mặt đâm lúng túng, nói:
Chỉ cần Hoàng thượng thích thì có gì mà không được?

Ta vuốt ve bông hoa Kim tước vàng rực chói mắt, cười hỏi:
Muội muội có biết hoa Kim tước ngoài vẻ đẹp khiến người ta mê say còn có công dụng gì khác không?

Khánh Mỹ nhân đáp lạnh:
Tỷ tỷ hiểu nhiều biết rộng, thần thiếp sao sánh kịp.

Ta cười đáp:
Hoa Kim tước rất được yêu thích, nhưng bản thân nó còn có thể làm thuốc, có tác dụng kiện tỳ bổ thận, sáng mắt thính tai, cho nên thi thoảng bản phi hay sai Ngự Thiện Phòng hái hoa đem hầm với thịt lợn, ăn vào bụng quả công hiệu. Khánh muội muội có muốn thử không, để ta sai người ninh lấy một hũ?

Đã vào được hậu cung tất không phải kẻ tầm thường, Khánh Mỹ nhân dĩ nhiên nhận ra ý tứ trong lời ta nói. Cô ta xám mặt, miễn cưỡng đáp:
Ánh nắng càng lúc càng gay gắt, thần thiếp vốn chịu nắng kém, xin nương nương cho được cáo lui.

Ta bèn gật đầu, cô ta hành lễ xong bèn quay người xăm xăm bỏ đi.
Ta cười hỏi Tố Linh:
Ngươi xem Khánh Mỹ nhân hôm nay bận áo vàng tươi tắn, có giống hoa Kim tước không kìa?

Cô ta đi tuy gấp, nhưng vẫn kịp nghe mấy câu ta vừa nói, cả người chợt sững lại, sau đó càng bước nhanh hơn, chớp mắt đã không thấy bóng dáng đâu nữa.
Tố Linh nhìn ta khó hiểu. Nó biết chủ nhân rất ít khi dùng lời nói khích bác các phi tần khác, cho rằng đây là cách làm hạ cấp nhất, hôm nay không hiểu vì sao lại…
Ta hỏi Tố Linh:
Nghe nói Tiêm Tử ở Tiêm Vũ các và ngươi qua lại rất thân thiết?

Tố Linh vội quỳ xuống tâu:
Nương nương, Tố Linh tuyệt không dám cấu kết với người ở Tiêm Vũ các làm điều gì có lỗi với nương nương. Tiêm Tử là đồng hương của nô tỳ, làm việc ở Tiêm Vũ các chẳng sung sướng gì. Có một lần Tiêm Tử đệm đàn cho Khánh nương nương, được Hoàng thượng khen tặng vài câu, Hoàng thượng đi rồi, Tiêm Tử liền bị phạt đánh gẫy cả xương tay. Bây giờ tay không duỗi thẳng được, không bao giờ đàn được nữa, bị bắt đi làm việc nặng. Nô tỳ thấy thương, nên thường đến thăm nom thôi ạ.

Ta nói:
Ngươi lẳng lặng gọi Tiêm Tử sang đây cho ta xem. Nếu có cơ hội sẽ giúp thoát khỏi chốn ấy.

Tố Linh dĩ nhiên cảm kích vô tận, tâu:
Nếu Tiêm Tử được hầu hạ cho nương nương thì tốt quá. Nương nương không bao giờ trách phạt hạ nhân, đối xử với đám nô tỳ cũng rất hiền từ khoan dung. Nương nương, Tiêm Tử tuy bị phế mất một cánh tay, nhưng dung mạo xuất chúng, xinh đẹp hơn nô tỳ nhiều…

Ta không tiện phủ nhận, trong lòng lại nghĩ, khi còn ở Tiêm Vũ các con bé ấy không lọt được vào mắt Hạ Hầu Thần, sang đây liệu có… Tuy ta không chấp chuyện cũ, trong đám nô tỳ đứa nào có thể trèo được lên cành vàng, ta đều thầm mừng cho, nhưng vết xưa còn rõ, sợ rằng Hạ Hầu Thần lại nổi cơn quạu thì không hay.

Cứ gọi nó sang xem sao đã.

Nói xong, ta bèn men theo những bồn hoa muôn tía ngàn hồng tiến về phía trước, quả xứng là khu vườn hoàng tộc, hoa ở đây sợ rằng không dưới trăm ngàn loại, có loài mọc thành khóm thành cụm, có loài cành lá khẳng khiu đứng một mình. Mẫu đơn, loài hoa được xưng tụng là vua hoa, do được chúng phi tần yêu thích nhất, nên được trồng nhiều nhất, nở đẹp nhất. Trong Ngự Hoa viên có một mảnh đất nhỏ chuyên trồng hoa mẫu đơn, có nhiều màu sắc khác nhau, nào màu hồng phấn đáng yêu, nào màu đỏ tươi, đỏ thẫm… Tính riêng mẫu đơn đỏ có không dưới mười loại, nếu xét theo kiểu dáng cánh hoa thì không biết bao nhiêu mà kể: Cánh đơn, cánh xếp lớp như hoa sen, như hoa cúc, như tường vi, như đài hoa quế, hình kim hoàn, hình mão vua, hình tú cầu…
Ta đứng lại bên một cây mẫu đơn có hoa nở tròn như tú cầu, màu đỏ rực tựa nắng mùa hạ, đang ngắm nghía những lớp hoa trùng trùng điệp điệp rực rỡ kiêu sa của nó, bỗng thấy Tố Linh len lén kéo tay áo mình, thấy từ cây cầu chín đoạn phía đối diện có một đám nữ nhân đi lại, ai nấy áo quần xúng xính, dáng vẻ yêu kiều, tiếng yến oanh theo gió truyền đi khắp nơi. Người đi đầu chải tóc Triều phượng, cài trâm ngọc cánh phượng, đầu đội mão lớn phỏng dáng mẫu đơn đang nở, chẳng phải Hoàng hậu thì là ai?
Hóa ra không chỉ có một người nhân ngày nắng đẹp nổi hứng ra ngoài thưởng hoa, tình cờ làm sao, lại gặp đám tỷ muội ở đây.
Thấy Khánh Mỹ nhân vừa bị mình đuổi đi cũng đứng lẫn trong đám đó, ta không kìm được bật cười, cứ ung dung đứng một chỗ, đợi cho bọn họ thướt tha chậm chạp bước qua cầu. Hoàng hậu làm bộ tình cờ trông thấy ta, bèn dẫn đám tỷ muội tới gần, cười nói:
Muội muội cũng vào vườn thưởng hoa ư? Hôm nay ánh nắng ấm áp, ra ngoài đi lại một chút, cả người cảm thấy khỏe khoắn hơn nhiều.

Ta mỉm cười hành lễ với Hoàng hậu, các phi tần khác lũ lượt cúi người hành lễ với ta. Đôi bên dềnh dang mất một lúc, ta mới lên tiếng:
Thần thiếp có lẽ vì ở ngoài cung một thời gian, lại thêm bị thương, ở trong phòng lâu quá nên mình mẩy khó chịu, muốn ra ngoài dạo quanh một chút, không ngờ Ngự Hoa viên hôm nay tấp nập quá.

Ninh Tích Văn đứng bên cạnh Hoàng hậu, sau khi lẳng lặng hành lễ với ta xong bèn quay về chỗ của mình, bây giờ mới cất giọng:
Sao hôm nay tỷ tỷ chỉ đi có một mình, chẳng bằng nhập bọn với chúng muội, càng đông càng vui!

Chúng phi tần nghe thấy câu này, ai nấy đều bụm miệng nén cười. Ta liếc nó một cái, thản nhiên đáp:
Bản phi trước nay vốn quen độc lai độc vãng, đông người chỉ tổ sinh lắm chuyện. Hoa thì khác, không vì những tâm tư vẩn đục của đám người phàm chúng ta làm nhiễm bẩn vẻ đẹp của mình. Hoàng hậu tỷ tỷ thích náo nhiệt, cũng nên đề phòng mấy kẻ đến vườn không phải để thưởng hoa. Chân bước không cẩn thận giẫm lên một hai cành gai thì không hay.

Ta ngoảnh lại nói với Tố Linh:
À đúng rồi, cũng không còn sớm nữa, Hoàng thượng nói hôm nay sẽ sang Chiêu Tường các dùng bữa tối, bản phi phải về chuẩn bị cho kịp. Hoàng hậu nương nương, các tỷ muội, bản phi không làm phiền mọi người thưởng hoa nữa.

Nói xong bèn dẫn Tố Linh theo đường cũ quay về, không cần nhìn cũng tưởng tượng ra sắc mặt đám người phía Hoàng hậu lúc ấy khó coi đến chừng nào.
Hai ngày sau, Tố Linh quả tình nhân lúc rảnh rỗi đưa Tiêm Tử về Chiêu Tường các cho ta nhìn mặt. Con bé này mi thanh mục tú, mặt hoa da phấn, nhan sắc quả không tầm thường, sờ thử hai cánh tay thấy vẫn mềm mại, chỉ nhìn bề ngoài thì không rõ là có tật, đáng tiếc khớp tay không thể nào duỗi thẳng được nữa, mà sau trận ấy, thần tình con bé cứ như một hồ nước chết, chẳng còn chút sinh khí nào, không dám nhìn thẳng vào mắt ai, rón rén như con chim sợ cành cong.
Ta tỉ mỉ hỏi chuyện xảy ra ở Tiêm Vũ các ngày trước, nghe chừng không khác mấy so với những gì Tố Linh nói. Một mỹ nhân thế này nếu biết dùng thủ đoạn thì chẳng mấy chốc có thể soán chỗ chủ, leo lên cành cao, ngược lại nếu rủi ro… Như người ở trước mắt đây, bị làm cho tàn phế, cả đời không thể ngóc đầu lên được nữa. Khánh Mỹ nhân phi phẩm thấp, dĩ nhiên hết sức dè chừng lũ nô tài xung quanh. Ta thì khác, dưới ta còn vô số phi phẩm chờ được sắc phong, chỉ cần những kẻ đó có thể giúp ích khi cần là được. Ta rất hy vọng kiếm được chút lợi ích từ mấy phi phẩm này. Kỳ thực trong cung và triều đình không khác là bao, kẻ chức cao lấy bổng lộc chức tước để quyến rũ kẻ dưới, khiến họ nghe theo mình, thực chất chính là mua bán quyền lực. Ta cũng vậy mà thôi, chỉ khác rằng muốn có được sự đồng thuận từ phía Hạ Hầu Thần có hơi khó một chút. Từ lần lập mưu đưa Ninh Tích Văn lên trong Ngự Hoa viên đến nay, ta biết được Hạ Hầu Thần không thích những trò sắp đặt như vậy, không hiểu sao đến tay Hoàng hậu thì Ninh Tích Văn lại đắc thủ?
Thấy Tiêm Tử đáng thương, ta bèn sai người mang mười hai lạng bạc thưởng cho, khuyên nó đến nhờ Ty Thiện Phòng nấu những món bổ gân cốt để ăn. Nghe nói Khánh Mỹ nhân thích tắm cho chim vào buổi sáng sớm, từ khi tay bị tật Tiêm Tử liền được giao cho đảm trách công việc này. Ta khuyên:
Bản phi tuy có lòng thương, nhưng dẫu sao hiện tại ngươi vẫn là nô tỳ của Khánh Mỹ nhân, tốt nhất không làm gì phật ý cô ta. Khánh Mỹ nhân thích hoa Kim tước trong Ngự Hoa viên, hoa này hình dáng giống y như con chim, nếu ngươi hái lấy vài bông mang vào cắm trong phòng, lũ chim tưởng là đồng loại cất tiếng hót véo von, chẳng thú vị lắm sao?

Ta lại bày cho nó mấy cách để hồi phục cánh tay, còn tự mình làm mẫu, phải bấm huyệt chỗ nào khiến cho thương tật ở cánh tay nóng lên, làm liên tục trong thời gian dài sẽ khiến tay bớt cứng nhắc. Tiêm Tử bị thương chưa lâu, nói không chừng có thể hồi phục như cũ.
Tiêm Tử dĩ nhiên vô cùng cảm kích, còn Tố Linh về sau hễ có cơ hội là đưa nó đến Chiêu Tường các, nếu ta có ở đấy, thế nào chủ tớ cũng tỉ tê chuyện nhà, sai người xoa bóp tay cho.
Túc nương theo hầu được một thời gian, dĩ nhiên không hồn nhiên nói chuyện với ta như hồi còn trong ngục. Nghe Tố Linh nói, một ngày cô ta nói không quá mười câu, trừ khi ta chủ động gọi, nếu không cũng chẳng buồn nói với ta điều gì. Lúc này Túc nương đứng cách ta không xa, thấy Tiêm Tử đi khuất, trong phòng không còn ai, bèn nói:
Kỹ năng chinh phục lòng người của nương nương quả thật ngày càng điêu luyện, nói vài ba câu mà khiến cho người ta khoan khoái như tắm dưới gió xuân.

Ta liếc nhìn, thấy ánh mắt Túc nương dán xuống mặt sàn, cứ như lời vừa nãy chẳng phải do cô ta nói, đành miễn cưỡng đáp:
Túc nương, chuyện lần trước là việc bất đắc dĩ ta phải làm, ngươi chớ nên để trong lòng.

Túc nương lúc này mới ngước mắt lên:
Kỹ năng xin thứ lỗi của nương nương cũng chẳng kém kỹ năng lấy lòng, chắc phải rèn luyện công phu lắm.

Cô ta quay người một cái bước ra cửa, đứng canh ngoài hành lang.
Ta chết lặng, bụng bảo dạ bản thân chưa bao giờ nghĩ sẽ xin lỗi người ta, bây giờ khó khăn lắm mới nói nên lời, đối phương còn kén cá chọn canh? Ta là chủ nhân cơ mà?
Tối hôm ấy Hạ Hầu Thần đến, ta hiện giờ đương là sủng phi, dĩ nhiên tự cho mình cái quyền được cưng chiều hơn, bèn ngập ngừng đem chuyện Túc nương ra kể, hắn cất giọng cười lớn:
Cũng có kẻ khiến ái phi phải bất lực cơ à? Nhưng người này không thể không giữ bên mình…

Cho dù ta mè nheo ăn vạ thế nào, hắn cũng mặc kệ, ngược lại còn thích thú ngắm nhìn vẻ làm nũng của ta cứ như xem kịch. Thật đúng là đem dây buộc mình, đêm ấy lại bị hắn giày vò quấn quýt, về cuối quả thực mệt lả, ta bèn mặc hắn muốn làm gì thì làm, cứ thế ngủ thiếp đi.
Thi thoảng nghĩ đến, ta đều cảm thấy sở thích của Hạ Hầu Thần rất kỳ quặc, chẳng hiểu hắn thích loại nữ nhân thế nào. Những phi tử từng được sủng hạnh có người đoan trang, hoạt bát, nhu mì… loại nào cũng có, nhưng chẳng ai được lâu dài, thường chỉ qua vài ba lần là bị hắn lãng quên. Còn ta chẳng qua vì có chút bản lĩnh, chuyện trốn thoát khỏi cung lần trước dù gì đã làm hắn bất ngờ, nhờ thế mà sinh lòng thích thú, muốn ta đứng về phe hắn. Nếu không nhờ điểm này, sợ rằng ta sớm cũng bị lãng quên.
Chuyện thấy trăng quên đèn là tâm lý bình thường của con người, huống chi hắn là Hoàng thượng? Dung mạo như hoa như ngọc cũng phải có ngày phai tàn, chỉ có bản lĩnh chống chọi được thủ đoạn kẻ khác mới giúp bản thân mình đứng vững.
Chuyện ong bướm mấy hôm nay tuy là giả vờ, nhưng xem ra Hạ Hầu Thần có vẻ hài lòng, cứ tiếp tục thế này mối quan hệ giữa ta và Hạ Hầu Thần sẽ thực sự được cải thiện, chẳng biết đây có phải điềm mừng hay không?
Trong cung thời gian này tiệc lớn tiệc nhỏ tiếp nhau không ngừng, hôm nay là sinh nhật của phi tần này, ngày mai lại là mỹ nhân nọ, có ba phi tần sinh nhằm ba ngày liên tiếp, Hoàng hậu bèn hạ ý chỉ cùng tổ chức yến tiệc cho họ vào một ngày, lại gửi thiệp mời ta đến cùng vui với các tỷ muội.
Từ lần bái kiến Hoàng hậu nhân dịp được sắc phong đến nay đã hơn mười mấy ngày, tuy ta mang cái danh trợ giúp Hoàng hậu quản lý hậu cung, nhưng mọi thứ vẫn do Thời Phượng Cần quyết định, ta không hề phản đối bất cứ điều nào cô ta mang ra bàn bạc, càng không bộc lộ ý kiến gì về việc lớn việc nhỏ trong cung, có ai đến tìm đều khuyên sang cung Hoàng hậu thỉnh ý, có lẽ chúng phi tần đều tưởng ta đã biết khó mà lui.
Thật ra ta hiểu, với tình thế hiện tại, cho dù có đưa ra kiến nghị nào cũng chẳng được ai tiếp nhận, việc gì phải tự bôi tro trát trấu lên mặt mình? Trước khi mọi việc chưa chuẩn bị xong, ta sẽ không để bản thân rơi vào thế hiểm, phải một kích trúng đích ta mới có thể đường hoàng mà hiển lộ uy vũ, khiến những kẻ khác phải dè chừng.
Lần yến tiệc mừng sinh nhật chung này, trong số ba phi tần có một chính là Khánh Mỹ nhân, hai người kia đều là phi tần cấp nhỏ, một là Lâm Tuyển thị, người kia là Lí Tu dung, đều mới nhập cung, được Hạ Hầu Thần sủng hạnh vài ba lần, so với những phi tần chưa từng được nhìn mặt Hạ Hầu Thần dù sao cũng may mắn hơn nhiều.
Ta theo lệ chuẩn bị ba món lễ vật, chỉ đợi đến yến tiệc là đem tặng.
Tố Linh cho ta biết:
Khánh Mỹ nhân định biểu diễn điệu múa Bách Tước trứ danh của cô ta vào buổi yến tiệc, còn mang cả lồng chim đến, mấy ngày nay luôn miệng nhắc Tiêm Tử phải cho lũ chim ăn thức ăn thượng hạng nhất đấy ạ.

Ta nói:
Nếu đã thế, hãy để thêm một bông hoa Kim tước vào phần lễ vật của Khánh Mỹ nhân cho cân xứng.

Ta lại hỏi Tố Khiết gần đây bận việc gì mà suốt mấy ngày chẳng thấy mặt mũi đâu, Tố Linh bèn nói, Tố Khiết bị cảm phong hàn, sợ lây cho nương nương nên trốn trong phòng suốt, lại bảo đã mang nước thuốc sang bên ấy rồi. Tố Khiết có truyền lại rằng, nương nương đừng lo lắng, bệnh của Tố Khiết sẽ chóng khỏi thôi.
Ta hài lòng gật đầu, nói:
Bảo Tố Khiết yên tâm dưỡng bệnh, khi nào khỏi hãy ra ngoài.

Tố Linh tưởng ta sợ bị lây bệnh, bèn nhanh nhảu nói:
Tố Khiết tỷ tỷ rất hiểu chuyện, thế nào cũng khỏi bệnh rồi mới ra ngoài.

Đến ngày tổ chức yến tiệc, ta đợi cho gần sát giờ mới đủng đỉnh rời đi. Đến cung Chiêu Thuần, các phi tần khác đều đã đủ mặt, hai cột trụ lớn trong điện treo hai chiếc đèn lồng chuyển mã ngũ sắc cực lớn, sáng trưng cả cung điện, chúng phi tần ai nấy trang điểm phục sức rạng rỡ, làn thu thủy, nét xuân sơn, dưới ánh đèn trông cứ như một rừng hoa đua nở.
Ta lần lượt đem lễ vật tặng cho Khánh Mỹ nhân, Lâm Tuyển thị và Lí Tu dung. Khánh Mỹ nhân thấy trên hộp lễ vật của mình có gài một bông hoa Kim tước đang nở rộ, sắc mặt hơi biến, liếc nhìn ta một cái rồi hành lễ như thường, sai đám cung tỳ cất đi.
Hoàng hậu hôm nay ăn mặc cũng khác hẳn ngày thường, ngoài khoác áo trường bào tím khói, đai lưng thắt cao, chiếc váy dài quét đất cùng màu, ngực đôn cao đầy đặn hết mức có thể, phía trước thêu một đóa mẫu đơn Hoàng quan nở lớn, khiến cả con người toát ra một khí chất khác hẳn chúng nhân.
Ba phi tần được tổ chức sinh nhật hôm nay được sắp xếp ngồi ngay phía dưới Hoàng hậu, vị trí của ta bị lùi xuống hàng thứ tư. Hoàng hậu bèn tỏ ra hối lỗi mà giải thích, riêng ta đã đoán trước được chuyện này, chỉ cười đáp:
Hôm nay ai có sinh nhật thì được ưu tiên, quan tâm làm gì lễ nghi phép tắc.

Ba phi tần kia đứng dậy hành lễ cáo lỗi, thay đổi chỗ ngồi xong, trong điện vừa lắng dịu đã nghe bên ngoài có người hô:
Hoàng thượng giá đáo…

Chúng phi tần rạng ngời nét mặt, gương xuân càng thêm phấp phới, đặc biệt là ba nhân vật chính, ánh mắt đều ngập tràn hy vọng. Hôm nay là lễ mừng sinh nhật của họ, biết đâu Hạ Hầu Thần mềm lòng, sẽ đến nghỉ tại chỗ của một trong ba. Nhưng người như Hạ Hầu Thần sao có thể mềm lòng? Ta giữ nụ cười trên môi, cùng đám phi tần đứng dậy xếp hàng phía sau Hoàng hậu hành lễ với Hạ Hầu Thần, lúc này đang sải bước vào điện.
Hạ Hầu Thần trước tiên hàn huyên với Hoàng hậu mấy câu, sau đó nhìn sang ba nhân vật chính, gật đầu liền mấy cái:
Quả nhiên là nhân vật chính, phục sức so với mọi người đặc biệt hơn hẳn.

Lời khen này khiến cho nụ cười ba người càng ngọt, các phi tần khác đều hùa theo, khen đến độ cả ba tranh nhau sán lại chỗ Hạ Hầu Thần, đua nhau khoe bày dáng vẻ quyến rũ, đặc biệt là Khánh Mỹ nhân, giọng cô ta thánh thót vui tai như chuông đồng, trong điện chỉ nghe tiếng cô ta:
Hoàng thượng, người xem này…
liên miên bất tuyệt.

Phải rồi, Khánh Nhi, Hoa Phu nhân nghe nói điệu múa của nàng có thể khiến đàn chim vây quanh thì không tin, trách trẫm nói quá lời. Hôm nay Khánh Nhi hãy biểu diễn cho nàng ấy xem tận mắt.

Ta bị dạt hẳn về phía sau, điềm nhiên đứng tựa bên trụ son nhìn bọn họ tranh nhau khoe bày xiêm áo, Hạ Hầu Thần bỗng nói gì đó, khiến ánh mắt chúng phi tần đều hướng về phía ta. Ta cười nói:
Thần thiếp hiểu biết nông cạn, đã bao giờ được nhìn thấy cảnh tượng kỳ thú kia, lần trước nghe Hoàng thượng kể lại thần thiếp không dám tin. Cách đây không lâu tình cờ gặp Khánh muội muội trong Ngự Hoa viên, có vui miệng nhắc lại chuyện ấy mà đến giờ chưa được xem cho no mắt. Nhân hôm nay mọi người đều vui vẻ, chi bằng Khánh muội muội hãy biểu diễn một bài, để Hoàng thượng cũng là để chúng tỷ muội được chiêm ngưỡng?

Ta đã có lời, Hoàng thượng cùng Hoàng hậu sánh vai ngồi trên bảo tọa, ba vị cung tần chủ nhân bữa tiệc lần lượt ngồi gần Hoàng hậu, dĩ nhiên chốc chốc lại dâng miếng hoa quả, mớm cái bánh… lên, Hạ Hầu Thần đều vui vẻ ăn hết.
Xem ra sự nhẫn nhịn của Hoàng hậu đã luyện đến độ chín muồi, chỉ coi như chẳng hề trông thấy những hành vi cử chỉ của ba người kia. Hôm nay quả nhiên ai có sinh nhật người ấy được ưu tiên, ba người kia càng được thể tươi cười như hoa nở trước gió xuân, giở đủ mọi chiêu trò.
Một lát sau, Khánh Mỹ nhân lui xuống chuẩn bị xiêm áo cho tiết mục của mình, Tiêm Tử cùng hai cung tỳ khác mang ba chiếc lồng chim vào, bỗng chốc trong điện tràn ngập tiếng hót véo von. Ba chiếc lồng này nhốt ba loại chim khác nhau: Lồng thứ nhất là họa mi mình nhỏ nhắn; lồng thứ hai nhốt yểng lông đen mỏ vàng, cái còn lại nuôi vẹt màu sắc sặc sỡ, mỗi lồng có khoảng hai ba cặp, nếu khi nhảy múa mà tất cả những con chim này được thả ra, vây lấy thân mình người múa, thì quả đúng là cảnh tượng kỳ ảo.
Chúng phi tần rõ ràng đều chưa được chứng kiến ngón nghề này của Khánh Mỹ nhân, ai nấy tròn mắt hồi hộp dõi nhìn. Mất một lúc lâu mới thấy Khánh Mỹ nhân bước ra từ ché bên, vừa bước vào đã thu hút mọi con mắt trong điện. Cô ta mặc chiếc váy bảy sắc bằng lụa mỏng, kiểu tóc Vọng Sơn cao vút ngập mây, trên búi tóc không có vật nào khác tô điểm, chỉ cài độc một chiếc lông vũ nhuộm bảy sắc, khẽ khàng lay động theo bước chân, màu sắc chiếc váy cứ như cầu vồng bắc ngang trời, đẹp không kể xiết.
Cái eo cô ta nhỏ xíu, đeo một viên ngọc bội có tua rua lụa lạc, chân đi hài châu, lưng thắt dải lụa, duyên dáng như thiên nga. Tiếng nhạc vừa nổi lên, ống tay áo dài thoắt bay, mắt mày chớp động, ánh mắt đượm tình, dập dìu như có như không, tiến lại chỗ Hạ Hầu Thần. Váy lụa bảy sắc theo đó khi tụ khi tỏa, mỗi lần nếp váy dãn ra bên trong phảng phất ánh lên sắc vàng lộng lẫy, rõ ràng trong nếp váy dùng tơ vàng điểm xuyết, chất lụa mỏng như cánh ve lại có thể thêu tơ vàng lên, xem ra Ty Chế Phòng phí không ít công phu chế tác mới làm nên váy này.
Khánh Mỹ nhân vốn dĩ dung mạo yêu kiều nay lại thêm vài phần phiêu dật uyển chuyển, tuy ngồi cách xa vài ba lớp bàn, nhưng thi thoảng ta nhìn sang, xung quanh muôn vàn mỹ nữ, mà Hạ Hầu Thần chỉ chăm chăm nhìn có một mình cô ta, dáng vẻ rõ ràng vô cùng hào hứng.
Đến phần cao trào, tiếng nhạc trống đột nhiên thúc mạnh, dải tay áo của Khánh Mỹ nhân bay lượn không ngớt, phối cùng tiếng nhạc. Mấy cung tỳ lẳng lặng mở cửa lồng chim, lũ chim kỳ lạ kia theo nhịp phách ùa đến chỗ Khánh Mỹ nhân đứng, trước tiên là chao liệng quanh thân, sau đó thì véo von cất tiếng hót, hòa cùng tiếng nhạc, ta chưa từng nhìn thấy khung cảnh kỳ lạ như vậy, bèn tiên phong vỗ tay tán thưởng, tiếng vỗ tay theo đó rộ lên tứ phía, Hạ Hầu Thần gật đầu liên tục, nghiêng người hướng về phía ta nói:
Ái phi, trẫm từng kể cho nàng nghe bản lĩnh tuyệt diệu này của Khánh Nhi, nàng chưa tin. Nàng là người phàm, dĩ nhiên không thể làm được, Khánh Nhi thì khác.

Ta bèn đáp phải lia lịa.
Điệu múa đã đến hồi kết, theo lý sau khi trình diễn màn múa cùng đàn chim ban nãy, vũ điệu sẽ kết thúc. Có vài phi tần trên mặt đã hơi lộ lòng ghen, lần này Khánh Mỹ nhân hiển lộ tài năng, trở nên nổi trội hẳn so với hai vị phi tần còn lại, xem ra đêm nay Hạ Hầu Thần chắc sẽ đến nghỉ ở chỗ cô ta.
Đúng lúc ấy, nhạc sư chợt lướt nhanh ngón tay trên phím đàn, tiếng nhạc ngân dài, tay trái Khánh Mỹ nhân khẽ vươn ra, uốn mình tựa bông hoa lan, có lẽ chờ cho con chim khéo nghe lời nhất đàn đậu trên tay. Đàn chim đột nhiên bay vòng trên đỉnh đầu cô ta không chịu đậu, nhạc tiếp tục tấu sang đoạn khác, Khánh Mỹ nhân đành thu tay lại, tiếp tục động tác của đoạn sau, chuyển biến này vô cùng chớp nhoáng, chẳng ai hay biết. Ta thầm nghĩ, bắt đầu rồi đây.
Hai ống tay áo của Khánh Mỹ nhân uyển chuyển phất lên, áo lụa như sương, trong mờ ảo lẩn khuất ánh vàng, cứ như mặt trời chiếu lộ qua tầng mây. Chiếc áo này đích thực được may rất khéo.
Khánh Mỹ nhân xoay tròn, tiếng đệm gõ ngày một gấp gáp, cô ta cũng xoay tròn ngày một nhanh, theo lý mà nói, đàn chim cũng phải bay quanh mình cô ta theo tiết tấu, nhưng chẳng rõ vì sao chúng bỗng nổi loạn, có con lao đầu vào mình cô ta, có con lại đậu trên búi tóc, mọi người chẳng ai hay biết có điềm lạ, tưởng rằng điệu múa vốn dĩ là vậy. Đôi mắt đẹp của Khánh Mỹ nhân nãy giờ chỉ nhìn Hạ Hầu Thần đắm đuối, cuối cùng phải hốt hoảng chuyển sang đàn chim đang bắt đầu mổ lia lịa lên người mình.
Lúc này mọi người trong điện rốt cuộc đã chú ý đến điểm khác thường, có phi tần nhát gan ré lên kinh hãi, bởi có hai con trong đàn đã gỡ bung hai búi tóc giả của Khánh Mỹ nhân, chiếc lông vũ bảy sắc gài trên đầu cô ta rớt xuống đất, vũ đạo biến thành nhảy nhót loạn xạ xen lẫn tiếng kêu thất thanh, cứ như con ruồi bị mất đầu. Khánh Mỹ nhân đâm thẳng vào bàn tiệc, khiến chúng phi tần nhao nhao tránh, tiếng la hét sợ hãi cất lên không ngớt.
Cũng lạ, lũ chim tuy
nổi điên
, nhưng chỉ bâu lấy người Khánh Mỹ nhân mà phá rối, không quấy nhiễu ai khác, có điều chúng phi tần chưa từng trải qua chuyện tương tự, ai nấy hoảng hốt tán loạn.
Hạ Hầu Thần tái mặt, vội quát:
Người đâu, sao còn chưa bắt mấy con chim kia lại?

Mấy tên thị vệ cao thủ đứng bên Hoàng thượng lúc này mới sực tỉnh, Khang Đại Vi vội đuổi theo Khánh Mỹ nhân lúc này đang kêu cứu thảm thiết, hoa tay một cái, đã bóp chết được một con, lại túm lấy một con đang bấu trên người cô ta, bóp chết, cứ thế liên tiếp mấy lần, đến khi xung quanh la liệt xác chim, Khánh Mỹ nhân mới thôi la hét, co ro dưới đài run rẩy không ngừng.
Còn đâu phong thái thần tiên tài nghệ xuất quần ban nãy, giờ đây Khánh Mỹ nhân đầu tóc rối bù, trâm ngọc dập nát, áo quần bị lũ chim mổ thủng thành mấy lỗ to, có những nơi còn lẫn cả vết máu. May mà lũ chim còn nương tình, hoặc nhờ cô ta lấy tay bưng kín mặt nên dung mạo không bị tổn hại, có thể coi là cái phúc lớn trong đại nạn.
Các phi tần khác trong lúc hoảng sợ đều cố tránh cho thật xa, ta đứng tương đối gần Khánh Mỹ nhân, lúc ấy bèn bước lại, đưa tay dìu cô ta dậy:
Khánh muội muội, đừng sợ, mấy con súc sinh kia đều chết cả rồi.

Nhấn vào đây để xem chương mới nhất của Ebook Thượng Cung.