Chương 17.2
-
Thượng Cung
- Vân Ngoại Thiên Đô
- 8115 chữ
- 2020-01-31 11:00:57
Dịch giả: Lê Sông
Nhà xuất bản: NXB Văn Học
Khánh Mỹ nhân lúc ấy mới bỏ tay khỏi mặt, nhìn thấy dưới đất la liệt xác chim, mấy vết thương bị chim mổ chợt nhói đau, cô ta bật khóc nức nở.
Ta nhỏ giọng khuyên:
Khánh muội muội, tin tưởng đám súc sinh ấy quá làm gì?
Khánh Mỹ nhân nín khóc, chợt liếc ta một cái, gằn giọng:
Có phải cô không, có phải cô dùng kế làm chúng nó phát điên không, chính là cô rồi!
Cô ta đầu tóc rối bời, phấn son nhoe nhoét, thần tình như điên như loạn, mở mắt trừng trừng, ta sợ quá lùi về sau, vội nói:
Khánh muội muội, muội sao thế?
Lúc ấy Khang Đại Vi đang bận sai người dọn dẹp trong điện, Hạ Hầu Thần bị sự biến làm cho cụt hứng, sầm mặt ngồi trên bảo tọa, Hoàng hậu không dám mở miệng khuyên gì, các phi tần khác lặng lẽ ngồi về chỗ cũ.
Khánh Mỹ nhân líu ríu bước lên mấy bước, quỳ xuống trước mặt Hoàng thượng Hoàng hậu, dập đầu liên tục:
Hoàng thượng, Hoàng hậu nương nương, hai người phải làm chủ cho thần thiếp, thần thiếp bị người ta mưu hại!
Hạ Hầu Thần trầm giọng:
Mưu hại thế nào, ai mưu hại?
Hắn chẳng thèm nhìn cô ta lấy một cái, cầm chén trà lên hớp một ngụm lớn.
Hoàng hậu vội nói đỡ:
Khánh muội muội, chuyện lần này đến chính muội còn không ngờ tới, ai mà biết được đám súc sinh lông lá ấy lại đột nhiên phát cuồng?
Các phi tần khác nhỏ to nghị luận, ta chậm rãi lướt qua người Khánh Mỹ nhân, định về chỗ của mình, ai ngờ Khánh Mỹ nhân đang khấu đầu sát đất đột nhiên ngẩng lên, trỏ tay vào ta mà nói:
Chính cô ta, chính cô ta khiến lũ chim của thần thiếp phát điên, khiến thần thiếp phải xấu mặt trước mặt Hoàng thượng. Hoàng thượng, người phải làm chủ cho thần thiếp!
Bộ dạng thảm hại lúc này của Khánh Mỹ nhân nào khiến Hạ Hầu Thần mảy may thương xót, trông hắn rõ ràng vô cùng chán ngán, vẫn chẳng thèm nhìn, chỉ nói:
Chuyện lần này chẳng qua là ngoài ý muốn, nàng đừng tùy tiện đổ tội cho ai.
Ta đủng đỉnh về chỗ của mình rồi ngồi xuống, mới quay ra Hoàng thượng mà mỉm cười:
Đa tạ Hoàng thượng nói đỡ cho thần thiếp, thần thiếp có tệ hại thế nào cũng chẳng hơn thua với mấy con chim.
Thần thái an nhiên của ta càng khiến Khánh Mỹ nhân tức tối, cô ta nói:
Lần trước Hoa nương nương gặp thần thiếp, đã lấy thần thiếp ra ví với hoa Kim tước, bảo rằng thần thiếp thể nào cũng bị người ta hầm lên rồi ăn vào bụng như hoa kia, hôm nay đàn chim đột nhiên dở chứng, chẳng cô ta làm thì là ai?
Ta ung dung tâu:
Thần thiếp quả có tình cờ gặp muội ấy, thấy muội ấy thích hoa Kim tước, nên đã đem những ích lợi của loài hoa này giảng giải cho muội ấy nghe, sao muội lại hiểu nhầm ý tốt? Nếu quý danh của vị nào đó có chữ trùng với tên thức ăn, thần thiếp không cẩn thận nhờ Ngự Thiện Phòng nấu thứ đó lên ăn, chẳng lẽ lại cho rằng thần thiếp muốn nấu người đó mà ăn? Tội danh quái ác thế này, thần thiếp không thể nhận.
Rất nhiều phi tần có tên gọi liên quan đến tên của loài hoa hay rau quả nào đó, ví dụ tên của Hoàng hậu có chữ
Cần
. Ta nói xong, chúng phi tần lập tức xôn xao bàn tán, thấy rõ lời cáo buộc của Khánh Mỹ nhân không đủ sức thuyết phục.
Có điều trước nay ta không thân thiết với ai, nay bị cáo tội, tuy tự bào chữa có lý có tình, cũng không ai cất tiếng bênh vực.
Khánh Mỹ nhân cứng họng, thấy Hạ Hầu Thần bỏ mặc, bèn quay sang Hoàng hậu:
Hoàng hậu nương nương, người là người khoan dung công bằng nhất, xin hãy nói một lời công đạo. Thần thiếp biểu diễn điệu múa này biết bao lần, lũ chim chưa bao giờ làm loạn, sao đúng lúc có Hoàng thượng dự khán thì lại xảy ra chuyện? Rõ ràng là có người ngầm ra tay ám toán.
Mái tóc cô ta rũ rượi che kín nửa khuôn mặt, trừng mắt lườm ta, cứ như ma quỷ hiện hình. Ta nghĩ hình ảnh này chắc hẳn đã để lại ấn tượng sâu đậm trong Hạ Hầu Thần, bèn bật cười, cùng cô ta mắt đối mắt.
Khánh Mỹ nhân dĩ nhiên tức điên, chỉ hận không xé xác ta ra.
Hoàng hậu nói:
Hoàng thượng người xem, đang lúc nhảy múa thì lũ chim có biểu hiện bất thường, Khánh Mỹ nhân nói là do Hoa Phu nhân mưu hại, dĩ nhiên đây chỉ là lời nói không bằng không chứng, nhưng chuyện này…
Ta tiếp lời Thời Phượng Cần, khảng khái đứng dậy hành lễ với Hoàng thượng và Hoàng hậu:
Nếu Hoàng hậu đã nghi ngờ, thần thiếp chẳng có lời nào để nói. Dĩ nhiên cần sai người điều tra cho rõ ràng. Nếu Khánh muội muội đã tố tội, chắc hẳn phải có chứng cứ. Hoàng thượng xin cứ phái người nghiệm xác lũ chim, những con chim này dù gì cũng là vật sống, nếu có người hạ độc khiến chúng bộc phát tính hoang dã, dĩ nhiên phải lưu lại dấu tích. Việc này các ngự y trong cung chắc hẳn đều có thể làm được…
Hoàng hậu sững người, không ngờ ta lại tự đòi được tra xét. Khánh Mỹ nhân thời chẳng còn ý kiến vào đâu được. Hoàng hậu bèn hỏi:
Khánh muội muội nghĩ thế nào?
Khánh Mỹ nhân còn chưa kịp trả lời, ta đã nói:
Khánh muội muội bị đám súc sinh lông lá kia làm bị thương khắp người, mặt nhọ tóc rối, cần để muội ấy đi rửa mặt chải đầu rồi hẵng bàn.
Ta lại đánh mắt sang phía Hạ Hầu Thần,
Hoàng thượng thật là, sao chẳng hề thương hoa tiếc ngọc? Khánh muội muội thế kia còn dám gặp ai?
Khánh Mỹ nhân lúc ấy mới nhớ ra đối tượng cần một mực lấy lòng đang ngồi trên bảo tọa, nhất thời quên hết tất cả, lấy tay xoa xoa gương mặt, lắp bắp nói:
Hoàng thượng, xin lượng thứ cho thần thiếp…
Hạ Hầu Thần nói:
Lui xuống rửa mặt chải đầu rồi tính tiếp!
Mấy câu hỏi ban nãy của Hoàng hậu coi như chẳng có tác dụng gì.
Hạ Hầu Thần nói:
Truyền hai thái y tới, nghiệm xác lũ chim trước mặt mọi người. Trẫm muốn xem xem là ai giở trò ma mãnh.
Hoàng hậu há miệng định nói gì đó, rốt cuộc im bặt.
Xác chim dĩ nhiên do Khang Đại Vi coi giữ, không ai có thể động tới.
Nhằm tránh làm bẩn mắt các phi tần, thái y đem xác chim ra sau bình phong kiểm nghiệm. Một lúc sau, Từ lão thái y, người được coi là danh y hàng đầu thiên hạ bước lên trước bẩm tấu, sắc mặt nặng nề:
Bẩm Hoàng thượng, mấy con chim này đích thực đã bị trúng độc…
Vừa nghe đến đây, Khánh Mỹ nhân vốn dĩ đã chỉnh trang đầu tóc, thay áo sạch ngồi một bên lập tức chửi đổng một tiếng thống thiết, quay sang lườm ta, mắt long sòng sọc, cứ như định ăn tươi nuốt sống.
Hoàng hậu lạc giọng hỏi:
Có chuyện đó thật sao?
Hoàng thượng nhíu mày:
Là độc gì?
Lão Ngự y bèn đáp:
Bẩm cáo Hoàng thượng, lão thần chỉ đem những gì mình khám nghiệm được thành thật tâu rõ, mọi chuyện còn lại xin Hoàng thượng phán quyết. Lão thần phanh diều con chim ra, đầu tiên dùng kim bạc để thử, phát hiện máu ở trong diều hơi có độc, bèn cẩn thận dùng nước sạch rửa lớp màng bao ruột…
Nghe đến đây, không ít những phi tần hay tỏ vẻ điệu đà duyên dáng trước mặt Hạ Hầu Thần bụm miệng muốn nôn, ta chậm rãi hớp một ngụm trà, nói:
Từ ngự y, không cần miêu tả chi tiết quá, cứ nói kết luận là được rồi.
Từ ngự y bèn tâu:
Lão thần phát hiện trong xác chim hàm chứa một lượng thạch anh tím, thạch anh trắng, xích thạch chỉ, thạch nhũ, thạch lưu huỳnh, tất cả năm loại, hơn nữa lớp da tiếp giáp với móng vả mỏ trở nên rất giòn, chỉ khẽ chạm vào là rụng lông, thần khẳng định lũ chim trúng độc đã lâu, phải đến một hai tháng, tuyệt không phải chuyện một sớm một chiều.
Đám phi tần ngơ ngác không hiểu Từ ngự y định nói tới loại độc gì, còn Hoàng hậu Hoàng thượng thì hiểu rõ. Sắc mặt Hoàng hậu trở nên nặng nề, lặng lẽ lườm Khánh Mỹ nhân một cái, Hoàng thượng lạnh nhạt nói:
Từ ngự y, ngươi cứ lui xuống trước, chuyện này không được truyền ra ngoài, hoàng cung bản triều chưa từng xảy ra chuyện thế này, ngươi nhớ chưa?
Khánh Mỹ nhân vẫn chưa hiểu ra, vội nói:
Hoàng thượng người xem, có người hạ độc lũ chim của thần thiếp từ vài tháng trước, lúc ấy thần thiếp…
Vừa nhắc đến thời gian, cô ta chợt sững lại, vài tháng trước là thời gian Khánh Mỹ nhân mới nhập cung, còn chưa được Hạ Hầu Thần sủng hạnh lần nào.
Từ ngự y lui đi rồi, Hoàng hậu cùng Hoàng thượng chẳng ai lên tiếng. Trong đám phi tần có người hiểu thì im thin thít, kẻ không hiểu bèn quay trái quay phải hỏi han, cái tên
Ngũ thạch tán
, vốn là thứ độc bị bản triều cấm lưu hành, dần dần loan ra khắp điện.
Khánh Mỹ nhân dĩ nhiên nghe rõ mấy lời thì thầm lao xao kia, đa số mọi người không biết cách điều chế, nhưng cái tên
Ngũ thạch tán
thì ai nấy đều từng nghe qua. Tiền triều từng có vô số người do phục dụng thứ thuốc này mà táng mạng, về sau tiên hoàng ra lệnh liệt vào thuốc cấm. Khi tiên hoàng tuổi già lâm bệnh, nghe trong cung đồn thổi rằng, lại bị người ta ngầm đầu độc bằng chính Ngũ thạch tán đến chết. Chuyện này tuy chỉ là lời đồn bâng quơ vô căn cứ, nhưng từ đó đủ thấy mầm họa của Ngũ thạch tán rất sâu bền, giờ đây bỗng dưng tung tích thứ độc dược huyền thoại xuất hiện, chẳng không khiến người ta kinh sợ?
Sắc mặt Khánh Mỹ nhân thoắt chuyển sang trắng bệch, còn đâu dáng vẻ sừng sộ ban nãy, cô ta lập cập quỳ xuống:
Hoàng thượng, Hoàng hậu nương nương, thần thiếp tuyệt không có gan dùng thứ ấy, thần thiếp bị người ta ám hại…
Ta lạnh nhạt nói:
Khánh muội muội, lúc thì muội nói ta hãm hại muội, lúc lại nói người nào đó hãm hại muội, dẫu sao muội cũng phải rũ sạch bằng được tội danh trên mình? Muốn đổ tội cho người khác thì nên lấy ra chút chứng cứ mới coi được.
Khánh Mỹ nhân dập đầu lia lịa, nói:
Thần thiếp không dám, thần thiếp không dám, thần thiếp xin tâu thật, mấy con chim này là thần thiếp nhờ Khổng Thượng Cung mang giúp vào cung, tất cả thức ăn của chúng do Khổng Thượng Cung cho thần thiếp. Y phục thần thiếp đang mặc cũng là nhờ Khổng Thượng Cung thiết kế rồi may cho…
Chúng phi tần bỗng chốc huyên náo hẳn lên, không ngờ cô ta lại dám lôi cả Khổng Thượng Cung vào cuộc. Ta hơi trầm tư, lẳng lặng không nói gì, liếc thấy Hoàng hậu, thấy ánh mắt cô ta như tro tàn, vẻ mặt âm độc, nhìn Khánh Mỹ nhân đầy hậm hực.
Hạ Hầu Thần nói:
Khang Đại Vi, sai người đến Thượng Cung cục truyền những người có liên quan đến hỏi chuyện, chú ý đừng làm náo loạn lên.
Khang Đại Vi dẫn theo hai tên thuộc hạ xăm xăm đi ra ngoài.
Trong khi chờ đợi, Khánh Mỹ nhân biết đã chuốc phải tai họa lớn, bèn luôn miệng phân trần:
Thần thiếp vinh hạnh lọt vào mắt xanh của nương nương, được tuyển vào hậu cung, mãi mà chưa được Hoàng thượng để ý, có một ngày nhân lúc nhàn rỗi bèn đến Thượng Cung cục chọn nữ trang, muốn làm mình thêm đẹp. Khổng Thượng Cung lén lút đến mách cho thần thiếp một cách… Hoàng thượng, thần thiếp xin nhà mẹ vay mượn không ít ngân lượng mới có được chiếc áo và đàn chim này, thần thiếp thật sự không biết mấy con chim đó lại được nuôi bằng thứ độc dược kia…
Cô ta một mình lải nhải, có bao nhiêu chuyện tiền nhân hậu quả tồng tộc kể ra hết, Hoàng thượng lạnh mặt ngồi ở chính giữa đại điện, Hoàng hậu thấy thế nào dám khuyên ngăn. Chẳng cần Khổng Văn Trân đến đối chất, tất cả chân tướng đã phơi bày.
Khang Đại Vi sớm đã mang bộ áo bảy sắc đến, lại cho Từ thái y vốn chờ sẵn ngoài điện đến kiểm nghiệm, loay hoay một hồi, Từ thái y phát hiện ở những chỗ mép áo mép váy đều có tẩm Ngũ thạch tán, mọi người ồ lên, hóa ra lũ chim vờn quanh thân Khánh Mỹ nhân là vì thế.
Không khí trong đại điện vô cùng nặng nề, đám phi tần không ai dám thở mạnh, chỉ có tiếng Khánh Mỹ nhân huyên thuyên mãi không dứt.
Một lát sau, Khang Đại Vi dẫn Khổng Văn Trân vào, cô ta ăn vận rất chỉnh tề, người khoác lễ phục Thượng Cung, đầu vấn kiểu Đại Thù không rối một sợi tóc, nhìn thấy tình cảnh trong điện, cô ta đoán ngay có việc biến xảy ra. Vừa đặt chân vào điện, chưa kịp hành lễ với Hoàng thượng và Hoàng hậu mà chân cô ta đã nhũn ra, suýt nữa thì trượt ngã, phải nhờ hai tên tiểu thái giám vừa dìu vừa lôi vào. Đến trước mặt Hoàng thượng Hoàng hậu, cô ta ngã ra đất, khấu đầu lia lịa, chỉ biết luôn mồm nói:
Nô tỳ đáng chết, nô tỳ đáng chết.
Vậy là không cần thẩm vấn mà mọi việc đã hai năm rõ mười. Lời Khánh Mỹ nhân nói ra đều là thực, Khổng Văn Trân dùng nhiều thủ đoạn giúp các phi tần tranh sủng, hòng ăn của đút lót, dám mang thuốc cấm vào hoàng cung đại nội, làm ô uế sự thanh tịnh chốn thâm cung. Hạ Hầu Thần nổi giận đùng đùng, sai tống ả vào Tông Nhân Phủ tra hỏi, những kẻ có liên đới đều phải xử phạt thật nặng.
Khánh Mỹ nhân bị tuyên dùng cách thức bàng môn tà đạo để tranh sủng, đày vào lãnh cung vĩnh viễn, làm tấm gương cảnh tỉnh mọi người.
Yến tiệc do Hoàng hậu dày công sắp đặt phút chốc tan tành, hai vị phi tử được ăn mừng sinh nhật tuy không bị liên lụy, nhưng trong cung chẳng ai dám nghĩ đến việc mở tiệc mừng sinh nhật nữa. Trải qua cái hạn này, Hoàng hậu mất đi hai trợ thủ đắc lực là Khánh Mỹ nhân và Khổng Thượng Cung, bèn cáo bệnh ở lỳ trong cung Chiêu Thuần không ra ngoài. Ta danh chính ngôn thuận tiếp quản công việc của Hoàng hậu. Sau cuộc đại biến, các phi tần đều cẩn trọng từng li từng tí, tuy phải chịu ta quản chế, nhưng không ai dám ho he nửa lời.
Vị trí Thượng Cung đột nhiên bị bỏ trống, cần phải tìm một người thích hợp thế vào. Ta biết đây lại là một cái cớ cho cuộc tranh giành quyền lực mới giữa ta và Hoàng hậu, chuyện này Hạ Hầu Thần chẳng thể nhúng tay vào. Những chính sách mới hắn đưa ra trong triều đã ngày một khiến sự bất mãn của nhà họ Thời gia tăng, Thời gia tài thế bậc nhất trong thiên hạ, nếu Hạ Hầu Thần để lộ chút nào bất mãn với Thời Phượng Cần, ngọn lửa mâu thuẫn lập tức bị thổi bùng, nhà họ Thời mà làm liều, sẽ khiến tài chính quốc gia chao đảo.
Ta hiểu suy nghĩ của Hạ Hầu Thần, hắn muốn không động binh đao mà vẫn bình ổn được thế cục. Dẫu sao ngày mới xưng đế, ngai vàng còn chưa vững, ngân khố đã bị họ Thượng Quan vơ vét, từ đó đến nay chưa thể bù đắp kịp, nếu lại động binh đao, chỉ sợ sẽ càng hao tổn nguyên khí quốc gia.
Ánh nắng mai trong veo, bầu trời xanh không vẩn đục, từ khung cửa sổ nhìn ra, thấy sương sớm còn đang lăn dài trên cỏ non, ta nhìn kẻ đang quỳ trước mặt, khẽ nói:
Vết thương ở tay ngươi vẫn còn hy vọng, ngươi đã giúp bản phi làm việc, bản phi tất sẽ sai người ngày ngày đến xoa bóp, lại truyền ngự y dùng kim vàng đả thông huyệt, qua một thời gian chắc sẽ lành hẳn.
Tiêm Tử ngẩng đầu lên, bờ môi khẽ run, dập đầu hành đại lễ mà nói:
Đa tạ nương nương.
Ta cười nói:
Ngươi giúp bản phi một việc lớn, bản phi sẽ không bạc đãi người từng giúp mình. À phải, cái tên Tiêm Tử chỉ hợp khi ở Tiêm Vũ các, giờ không nên dùng nữa, nay ngươi theo hội Tố Linh làm việc thì gọi là Tố Tú đi.
Tiêm Tử lại dập đầu mấy cái:
Nô tỳ đa tạ nương nương thưởng tên, nô tỳ chắc chắn không để nương nương thất vọng.
Tố Linh dẫn Tiêm Tử lui xuống, nhìn bóng lưng hai đứa biến mất sau màn son, ta chậm rãi mở cái ngăn kéo chạm khắc tinh xảo, cởi nút một túi lụa, lụa này được xén ra từ một tấm vải mỏng, bên trong đựng cám chim, một thứ hạt khô nhỏ li ti hơi ẩn hiện sắc xanh, đưa lên mũi khẽ ngửi, so với mùi tanh tưởi của cám chim bình thường còn lẫn tạp một mùi hương lạ, chính là thứ cám Tiêm Tử tráo mang về.
Đàn chim kia đã quen với thứ độc vật nọ, cách mấy ngày không được ăn liền như người nghiện đói thuốc, tuy vẫn nghe lời người huấn luyện chao liệng quanh người Khánh Mỹ nhân, nhưng bị ép bỏ thuốc một thời gian, nghe thấy trong áo váy phả ra mùi Ngũ thạch tán, làm sao mà nhịn cho nổi?
Khánh Mỹ nhân dùng loại cám đặc biệt để nuôi chim, tẩm Ngũ thạch tán vào áo quần để dẫn dụ chúng, dùng âm nhạc vũ điệu để khống chế, nhưng nếu có người ngầm cắt đứt nguồn thuốc thì… đến người còn khó kìm lòng huống hồ lũ chim?
Khánh Mỹ nhân đã sai, ta không hạ độc lũ chim, chẳng qua chỉ tráo đổi thức ăn của chúng. Khi ở Ngự Hoa viên ta dùng lời lẽ khiêu khích, khiến lòng cô ta sinh ra bất mãn, lúc tặng lễ vật lại đính kèm một bông hoa Kim tước, như mồi lửa làm cháy bùng cơn giận. Đến khi đàn chim gây đại họa, cô ta bèn đem tất cả lửa giận trút lên người ta, khiến Hoàng hậu sinh lòng nghi, tưởng ta ngầm mưu toan điều gì đó, vì đó không ngăn cản việc ngự y khám nghiệm, mọi chuyện từ đó vỡ toạc.
Ta gọi Tố Linh vào, đưa túi lụa cho nó:
Đem thứ này rửa trôi hay vùi đất thật sâu cũng được, đừng để nó hại người nữa.
Tố Linh gật đầu đi ra lo liệu.
Hạ Hầu Thần đêm đó tới, mặt mày vẫn cứ nặng trình trịch, vẻ như cơn giận vẫn chưa tan, nhưng ta cảm thấy kỳ thực trong lòng hắn đang rất vui mừng. Ta chưa vội thỉnh công, sai người chuẩn bị hai món điểm tâm, rót rượu mời hắn uống hai ly. Cả hai chẳng buồn nhắc đến chuyện ngày hôm trước, xem ra Khánh Mỹ nhân chỉ là một bản nhạc đệm nhỏ bé trong cuộc đời hắn, sợ rằng hắn sớm đã quên rồi. Kỳ thực đôi khi nhìn vào gương mặt thản nhiên của Hạ Hầu Thần, ta tự hỏi chúng phi tần đang tranh giành thứ gì? Tranh giành sự sủng ái như ánh chớp vụt lóe vụt tắt? Hay là quyền lực tối thượng Quân vương đang nắm trong tay? Phần ta, xin trả lời thẳng thắn rằng mình chọn vế thứ hai. Thứ cảm giác khi đứng từ trên cao mà nhìn mọi người đó, chỉ hắn có thể cho ta. Nay hai bên đã thỏa thuận, hắn cho ta những thứ ta muốn, ta giúp hắn làm những việc hắn cần, chẳng liên quan gì đến tình nghĩa.
Cho nên khi ta vờ vịt ghen bóng ghen gió, hắn liền hợp diễn màn tình nghĩa mặn nồng. Cả hai đều là những kẻ có khiếu diễn kịch, đôi khi ánh mắt hắn dạt dào tình ý cứ như sông xuân cuồn cuộn phá băng mà chảy, ta còn tưởng bản thân mình thực sự đang được sủng ái.
Ta cầm cái chén lưu ly trên bàn lên, nói với Hạ Hầu Thần:
Chúc Hoàng thượng đạt thành tâm nguyện.
Hắn cụng ly mình vào ly của ta, cười liêu xiêu:
Ái phi chúc trẫm gì cơ?
Ta uống cạn chén ấy, cười không đáp, chỉ vào bóng Tố Tú vừa bước ra, hỏi:
Cung tỳ này thần thiếp vừa thu nhận, Hoàng thượng xem có vừa mắt không?
Hắn đặt chén rượu xuống, không buồn uống nữa, nói:
Ái phi biết trẫm hận nhất điều gì không? Trẫm muốn người đẹp, thì trẫm tự sẽ chọn theo ý mình, có người cứ nhất quyết không chịu biết điều, đưa cho trẫm người này người nọ…
Ta hờn dỗi cười đáp:
Hoàng thượng, sao người phải giận, thần thiếp đâu có ý ấy, chỉ muốn Hoàng thượng nhìn xem cung tỳ mới thu nhận có được không thôi!
Ta kéo tay áo hắn,
Hoàng thượng, trước đây người chưa thấy cung tỳ này bao giờ thật ư?
Hắn nhíu mày ngẫm ngợi, đáp:
Gặp thì có vẻ gặp rồi, nhưng chẳng nhớ gặp cô ta ở cung nào…
Ta bèn thả tay áo hắn ra, nói:
Hoàng thượng thật vô tình, mấy ngày trước còn huyên thuyên với thần thiếp nào là đàn ca sáo nhị, người vừa đi Hoàng thượng đã quên mất rồi?
Hắn nhìn kỹ một lúc mới nói:
Hóa ra là cung tỳ giỏi ngón đàn ở Tiêm Vũ các ngày trước. Trẫm chỉ gặp một lần rồi không thấy đâu nữa, sao mà nhớ được?
Hắn không ngờ rằng chỉ một lần gặp mặt ấy mà Tố Tú suýt phế cả hai tay. Hậu cung chính là như vậy, nữ nhân trong cung bất kể thân phận phú quý hay ti tiện, chỉ cần được Hoàng thượng yêu thích sẽ có được tất cả. Bao người kỳ vọng là có bấy nhiêu người sợ hãi, đối với một kẻ được cung phượng nhất thiên hạ như hắn, làm sao có thể hiểu sự chua chát khổ đau bên trong?
Hắn thấy ta trầm ngâm không nói, chỉ nhấm nháp ly rượu ngọt, bèn nổi hứng tranh cái ly trên tay ta, liếm bờ môi ta một cái:
Rượu ngọt của ái phi ngon thật.
Ta vội cười né tránh, tình cờ ngước nhìn, thấy ánh mắt hắn như say, lim dim trộm nhìn mình, trông rõ vẻ uể oải lẫn hứng thú. Thần thái của hắn lúc này quả thực đẹp đẽ không lời nào hình dung, ta như bị đầu độc, thoáng chốc đầu óc chợt trống rỗng, chỉ biết ngây người mà ngắm nhìn. Hắn bất chợt đặt một nụ hôn lên môi ta, đè ta xuống giường, cái lưỡi linh hoạt ngọ nguậy không thôi, tay trái sớm đã thò vào cổ áo, vuốt ve nửa thân trên của ta. Đang lúc bị nụ hôn làm cho mê mệt, hắn chợt dừng lại, ánh mắt sâu thẳm như thể muốn nhấn chìm người khác trong ấy. Hắn chuyển hướng cái lưỡi sang cổ, rồi lướt nhẹ vùng da phía sau tai…
Hắn chưa từng làm thế này trước đây, những lần trong quá khứ hắn chỉ chăm chăm vào việc chính. Lúc này ta cảm thấy toàn thân như bốc hỏa, như một hòn than không dễ dàng dập tắt, cứ râm ran, hừng hực, bộ y phục trên người vỗn dĩ rộng, hắn muốn
công thành chiếm đất
không mất sức xé bỏ, tháo gỡ, cứ thế lấn sâu xuống dưới. Hắn khiêu khích đùa giỡn, khiến cơ thể ta phát sinh biến hóa dị thường, dường như càng lúc càng mong muốn được xâm chiếm. Vốn dĩ ta rất chán ghét chuyện này, chưa bao giờ có hảo cảm với nó, nhưng ý nghĩ vừa thoáng qua trong khối óc làm ta ngạc nhiên sững sờ, cơ thể bất giác né tránh những ngón tay hắn. Hạ Hầu Thần liền dùng cánh tay còn lại giữ cho ta không thể động đậy, lại dùng cả cơ thể áp chặt phía trên, mơ màng nói:
Đừng, trẫm biết lòng ái phi muốn gì, thực ra chuyện này rất vui đấy chứ, trẫm sẽ làm ái phi cảm thấy khoan khoái.
Ta mềm lòng, dù biết thừa hắn
sẽ làm
thế nào để khiến mình
khoan khoái
. Mấy lần trước ta hết sức nhẫn nhịn, vậy mà vẫn bị hắn nhìn ra vẻ khó chịu chán ghét, hắn tưởng lần này cũng đang nhìn ra ham muốn trong ta.
Nhưng phải làm sao nói ra được rằng, suy nghĩ trong ta lúc này hoàn toàn ngược lại?
Lần này y phục trên người không bị hắn xé ra một cách thô bạo, mà được cởi ra từ tốn. Da mặt y ửng hồng, ánh nhìn sâu thẳm, nhưng từ đầu chí cuối vẫn gắng nhịn, thăm dò từ từ, đến khi thấy trên mặt ta không còn vẻ sợ hãi, mới bắt đầu hành sự. Lần này quả đúng như mong đợi, ta không còn đờ ra như trước, ngược lại cảm giác cả cơ thể bay lên chín tầng mây, cứ như ngọn cỏ mùa xuân khát mưa nay được tưới tắm, dễ chịu và khoan khoái khó tả. Có lẽ nhận ra cảm xúc trên mặt ta, hắn cử động càng nhanh dần, đầu óc ta theo đó dần trống rỗng, lúc lâu sau lại có cảm giác như nhìn thấy pháo hoa nở trên nền trời đen kịt, đẹp đẽ kinh ngạc.
Ta chưa bao giờ nghĩ việc này lại tuyệt mỹ đến vậy, cơ thể trong phút chốc như giãn ra, tiếp nhận nhiều đợt công kích liên tiếp của hắn mà không hề đau đớn, ngược lại càng lúc càng mong mỏi, muốn hắn đừng bao giờ dừng lại.
Bầu trời ngoài cửa sổ ló ra một tia hừng đông, cả hai mới chịu rời nhau. Hắn nằm bên ta, lớn tiếng nói:
Báo cho Ngự Thư phòng, hôm nay trẫm không lên chầu sớm.
Ta bỗng thấy xấu hổ, nói:
Hoàng thượng, sao có thể như vậy, thần thiếp mang tội với quốc gia mất thôi.
Hắn vỗ vỗ vào mông ta mấy cái, cười quái dị nói:
Nàng tưởng trẫm là người sắt, đánh một trận tơi bời xong còn sức mà dậy sao.
Ta thẹn cúi gằm mặt:
Hoàng thượng, thần thiếp nào dám?
Hắn nói một cách mơ hồ:
Ngủ đi, trẫm cũng mệt rồi. Ngày nào thượng triều cũng phải nghe mấy lão hủ kia tranh cãi, cãi chán chê mà chẳng phân rõ được thị phi ngay thẳng, trẫm cũng cần tránh xa họ để tự mình ngẫm nghĩ một chút.
Nghe hắn nói vậy, không hiểu vì sao trong lòng ta dậy lên một tia thương cảm. Hắn thân là thiên tử, nhưng không phải con ruột của Thái hậu, thuở nhỏ thiếu vắng tình mẫu tử, luôn tồn tại mấp mé bờ vực thẳm, mấy lần suýt bị phế truất, dựa vào mưu lược và sự nhẫn nhịn của bản thân hết lần này đến lần khác thoát chết khỏi trùng trùng mưu sâu kế hiểm. Sau khi đăng cơ, vì triều chính hủ bại từ tiền triều, lại bị các phiên vương uy hiếp. Hắn làm hoàng đế thật quá mệt mỏi, chẳng khác gì ta, luôn khổ sở tìm kế sinh tồn.
Ta nói:
Hoàng thượng, người hãy yên tâm cai quản triều chính, thần thiếp ở hậu cung tất sẽ không để ai làm phiền đến người.
Lời này ta nói ra vô cùng chân thành, vậy mà chỉ đổi lại cơn ngáy của hắn. Chắc hắn chẳng nghe thấy gì cả?
Cơ thể ta rã rời cùng cực, tuy không đau đớn như mấy lần trước, nhưng cứ uể oải lười biếng hệt như khi vừa được no nê, chẳng bao lâu cũng thiếp đi.
Hạ Hầu Thần hôm ấy quả thật không thiết triều, cả ngày chỉ quanh quẩn bên ta, buổi chiều đến Ngự Hoa viên thưởng hoa xuân, dĩ nhiên
tình cờ
gặp phải không ít phi tần, hắn hơi cụt hứng, nói:
Hoàng hậu lòng dạ hiền từ, chân yếu tay mềm, nàng cần phải giúp đỡ Hoàng hậu nhiều một chút, đừng để bọn họ được nước càn rỡ quá.
Ta nhân cơ hội bèn nói:
Hoàng thượng, trong tay thần thiếp chẳng có người sai khiến cũng chẳng có quyền hành gì, sao có thể giúp được Hoàng hậu? Hiện nay vị trí Thượng Cung đang bỏ trống, chức vị này vô cùng quan trọng, nếu bất cẩn chọn không kỹ, sợ rằng lại thêm một kẻ chỉ biết giờ tay nhón lấy ngân lượng rồi nhắm mắt làm càn đem những vật dơ bẩn vào cung như Khổng Văn Trân không chừng. Ý thiếp không trách Hoàng hậu dùng nhầm người, nhưng lòng người khó đoán, Hoàng hậu quản lý hậu cung chưa lâu, nhất thời khinh suất cũng là lẽ thường. Chi bằng việc chọn Thượng Cung mới hãy để thần thiếp cùng thương lượng với Hoàng hậu, xem nên dùng cách thức gì để tìm ra một người vừa trung thành vừa có tay nghề xuất chúng.
Hạ Hầu Thần liếc ta:
Nghe ái phi nói vậy dường như đã có lựa chọn của riêng mình?
Ta thản nhiên đáp:
Hoàng thượng, tục ngữ có câu ‘chọn người hiền không hiềm thân thích’, thần thiếp quả thực đã tự chọn ra một người thích hợp, chính là Tố Khiết đã theo hầu từ ngày xưa, Tố Khiết xuất thân từ phường thêu, tay nghề vốn đã cao siêu, tính tình lại trung thành chính trực, chính là một lựa chọn thỏa đáng. Nhưng để tránh Hoàng hậu phật lòng, trách cứ Hoàng thượng thiên lệch, thần thiếp không dám xin người cho Tố Khiết nhậm chức ngay. Tốt nhất cứ để Thượng Cung cục tiến cử ra vài vị cùng tham gia tuyển chọn, do Hoàng thượng làm chủ, xem xét từ tài nghệ cho đến phẩm cách. Làm như vậy vừa không mất đi sự công bằng, mà Hoàng hậu cũng không thể nói vào đâu được.
Con ngươi Hạ Hầu Thần chợt sáng lên:
Cách này của ái phi rất giống với chính sách khoa cử tân triều trẫm đề ra. Trẫm mới lên ngôi tuy khó khăn trùng trùng, sớm bị đám lão thần trói chặt tay chân, nhưng nếu có thể tổ chức một cuộc khảo thí quy mô nhỏ thì cũng khiến tâm trạng buồn chán lúc này của trẫm được giải tỏa.
Ta biết Hạ Hầu Thần đã hoàn toàn nghiêng về phía mình, cho dù trước đây giữa hắn và Hoàng hậu có bao nhiêu ân tình đi nữa, Hoàng hậu là con cháu nhà họ Thời, mà gia tộc này vô số lần uy hiếp đến thiên uy, Hạ Hầu Thần nhìn thấy Hoàng hậu ít nhiều sẽ liên tưởng tới cuộc tranh giành trong triều, tình ý có sâu đậm hơn nữa cũng dần phai nhạt mà thôi.
Có nhà ngoại thế to của nhiều không rõ là lợi hay hại nữa đây?
Mấy ngày sau, nhân lúc Hoàng thượng ở cung Chiêu Thuần, ta bèn tìm tới thỉnh an Hoàng hậu, trong lúc chuyện phiếm nhắc đến vị trí Thượng Cung còn bỏ trống, mời Hoàng hậu đề bạt một người đáng tin cậy để Thượng Cung cục có người lãnh đạo.
Trải qua chuyện Khánh Mỹ nhân, Hoàng hậu chịu đả kích không nhẹ, tuy biết cái ghế Thượng Cung quan trọng nhưng nào dám đề cử ai, bèn nói cứ để Thượng Cung cục tự bầu lên là phải lẽ nhất. Ta nói:
Thần thiếp trước từng làm qua chức Thượng Cung, hiểu sâu xa ngọn nguồn công việc ở Thượng Cung cục, trong tay lại đang có một người thông minh trung hậu, tay nghề thủ công thuộc hàng cao siêu, nhưng nếu do thần thiếp phái đến, sợ rằng người dưới không phục. Thần thiếp tuy trong sáng vô tư nhưng không thể để Hoàng thượng và Hoàng hậu phải chịu dị nghị, chi bằng để người đó cùng các ứng viên từ Thượng Cung cục cùng thi tài, ai hơn ai kém sẽ rõ mười mươi.
Hoàng hậu nghe ta nói vậy lòng sinh cảnh giác, nhưng lời này rất mực quang minh chính đại, khiến cô ta không tìm được cách phản bác. Hạ Hầu Thần sớm đã thông đồng với ta, bèn nói:
Cách ái phi nghĩ ra rất tốt, Hoàng hậu, nếu nàng không có ý kiến gì khác, thì cứ theo đó mà tiến hành thôi?
Hoàng hậu không biết nói sao, ta biết cô ta chưa chịu thua, nhất định sẽ dùng mọi thủ đoạn có thể ngăn trở Tố Khiết chiến thắng. Tuy nhà mẹ Thời Phượng Cần có tiền có thế, nhưng nơi đây là hậu cung, Thượng Cung cục lại là chốn ta rất đỗi quen thuộc, người trong ấy phàm là cung nữ phụ trách thêu thùa hay làm trâm chẳng ai ta không biết, nhược điểm từng người thế nào ta rõ như lòng bàn tay. Dùng cách thức quang minh chính đại mà thi đấu chọn lựa, cô ta tìm đâu ra người đủ sức đọ tài với ta được?
Sau khi hồi cung, ta sai Tố Linh gọi Tố Khiết ra. Tố Khiết trốn trong phòng dưỡng bệnh đã được một thời gian, người ngoài chỉ nghe nói là cảm thương hàn, đâu biết ta cho nó ở trong phòng ngày ngày rèn luyện đường kim mũi chỉ, dạy cách phân biệt các kiểu dáng hoa văn, phương pháp chế tác theo bản mẫu.
Tố Khiết vào phòng thỉnh an xong, ta bảo nó ngước mặt lên, thấy dung mạo Tố Khiết tuy hơi tiều tụy nhưng tinh thần rất minh mẫn, hai mắt hơi vằn đỏ vì mệt mỏi, nhưng vẻ mặt vô cùng phấn chấn. Ta nói:
Tố Khiết, nay bản phi đã tạo cho ngươi cơ hội, có thành hay không đều phụ thuộc cả vào ngươi, đến đây ta không thể giúp gì được nữa, nếu chuyện bất thành lại quay về hầu hạ, bản phi vẫn đối đãi với ngươi như xưa tuyệt không trách cứ.
Tố Khiết nghe xong nghẹn ngào không nói lên lời, quỳ xuống tâu:
Nương nương, nô tỳ sao dám oán trách nửa lời, nương nương đã cho nô tỳ một cơ hội lớn như vậy, nô tỳ đến nghĩ còn chẳng dám. Nếu lần này có thể thành công, ắt sẽ mang hết tài hèn sức mọn báo đáp nương nương…
Nói xong bèn dập đầu mấy cái, đầu cụng xuống sàn phát ra tiếng
binh binh
. Ta vội sai Tố Linh lôi nó đứng lên, nói:
Tuy nói bản phi đã trải sẵn đường cho ngươi đi, nhưng vẫn còn ngổn ngang việc cần chuẩn bị. Cuốn sổ tay ta giao cho chắc ngươi đã nắm được cả, tuy nhiên vẫn cần nhớ rằng, cuốn sổ ấy tuy là tâm huyết mấy đời Thượng Cung, là tinh hoa của Thượng Cung cục, nhưng kết quả cuối cùng ra sao chỉ có thể trông chờ vào chính mình. Ngươi ở trong phòng nghiền ngẫm mấy ngày, chắc đã hiểu?
Tố Khiết thấy ta hỏi tới việc chính, bèn nín khóc, đọc lại vanh vách từ đầu chí cuối nội dung bí kíp. Ta thầm phấn khởi trong lòng, con mắt nhìn người của ta quả không đến nỗi, Tố Khiết thích thêu thùa, về phương diện này vô cùng chuyên tâm trui rèn, so với việc ganh đua tranh sủng, thà rằng cứ để nó tự mình đi hẳn sang đường khác vẫn hơn. Quan trọng nhất là Thượng Cung cục có nó trấn giữ cũng tức đã trở thành vật trong tay ta, xem như vươn được tai mắt tới khắp hang cùng ngõ hẻm ở nội cung, đến bên từng cung tỳ thân cận của các phi tần. Tố Khiết tuy không quá nhạy bén, nhưng được cái nghe lời, sau này dạy dỗ thêm, chắc chắn có thể trở thành cánh tay đắc lực.
Tố Khiết được ta chỉ điểm, lại trốn vào phòng nghiên cứu cuốn bí kíp Thượng Cung ta tặng. Tố Khiết vừa đi khỏi, Túc nương bèn bước vào hành lễ, nói:
Nương nương, nô tỳ lục soát trong phòng Khổng Văn Trân ra mấy tờ giấy, người xem này.
Ta đón lấy xem kỹ một hồi, thấy những giấy này màu sắc ố vàng, chính là mấy trang ta xé ra trong bí kíp Thượng Cung. Ta cẩn thận gập lại cất đi, hỏi Túc nương:
Không có ai nhìn thấy ngươi chứ?
Túc nương lãnh đạm chắp tay nói:
Xin nương nương yên tâm, thân thủ của nô tỳ vẫn còn đủ nhanh nhẹn.
Khác hẳn so với hồi trong ngục, từ khi đến đây chưa bao giờ cô ta nở nụ cười khi đáp lời ta, lúc nào cũng lạnh lùng nghiêm cẩn, có vài phần giống dáng vẻ Hạ Hầu Thần ngày trước, tuy không như Hạ Hầu Thần hay buông lời mỉa mai cay nghiệt, nhưng cứ khiến ta thấy không được thoải mái. Thấy không còn lời gì để nói thêm, ta bèn bảo:
Ngươi lui xuống nghỉ ngơi một lát đi.
Túc nương quay người bước ra cửa, đến bậc thềm thì nói thêm:
Nương nương vẫn nên kiểm tra lại kỹ càng, đừng để cuốn bí kíp đó rò rỉ ra ngoài. Khánh Mỹ nhân mặc bộ xiêm y bảy sắc kia, không rõ là lộng lẫy át người đến mức nào?
Ta giật mình, mấy tờ giấy cũ kỹ trong tay rớt xuống đất, đến khi ngẩng lên nhìn, chỉ thấy vạt áo Túc nương vút khỏi cạnh cửa, chỉ còn cái bóng mờ trên đất.
Trong mấy tờ giấy rơi dưới đất, đập ngay vào mắt chính là mẫu vẽ áo bảy sắc, xung quanh viết chi chít những hàng chữ nhỏ, có một vài hàng hơi lớn hơn một chút, từ trên ghế nhìn xuống ta có thể đọc rõ mồn một:
Thân như thân phượng, một dải bảy sắc, chim chóc liệng quanh, mê mẩn xuất thần, đẹp tận sâu thẳm, đây chính là công dụng của mẫu y phục này…
Ta chậm rãi nhặt mấy tờ giấy lên, rút cuốn bí kíp Thượng Cung từ chiếc ngăn kéo ở đầu giường ra, lật giở đến mấy trang cuối, mấy tờ giấy kia ướm vào vừa vặn với chỗ bị khuyết thiếu, lại giở phần lời dẫn của mấy trang này ra đọc, thấy viết:
Những cách sau đây tuy có thể khiến một nữ nhân nổi bật xuất quần, thu hút mọi ánh nhìn, nhưng nhìn cách khác là trò gian lận, có thể dẫn đến họa sát thân, mong người dùng cân nhắc cho kỹ.
Ta gấp cuốn sổ lại, hồi tưởng những hàng chữ theo thể Liễu[2] bay bướm bên trong, không biết là vị Thượng Cung tiền nhiệm nào đã lưu lại bút tích? Không sai, mấy trang bí kíp kia là do ta tặng cho Khổng Văn Trân. Một lần cô ả lập công, ta bèn dùng bí kíp để tưởng thưởng. Ta từng nói rằng chỉ cần tiếp tục giúp đỡ, dần dần cô ta sẽ có trong tay cả cuốn bí kíp, nhưng vì quá nóng ruột mà ả cả gan dám bán đứng ta. May mà ta giữ lại một trang lời dẫn quan trọng, Khổng Văn Trân không hề hay biết vận dụng nó sẽ dẫn đến họa sát thân. Ai bảo cô ta vì quá tham lam đâm bộp chộp làm liều?
[2] Phỏng theo cách viết của Liễu Công Quyền, một nhà thư pháp nổi tiếng thời Đường, Trung Quốc.
Ta vốn không có lòng hại người, nhưng người cứ bức ta phải ra tay.
Đặt cuốn sổ trở lại hộc tủ, ta khẽ mỉm cười, người biết dùng ắt sẽ nhận vô vàn lợi ích, người không biết dùng sẽ tự chuốc tội lụy, Khổng Văn Trân, ngươi và ta quen biết đã lâu, đột nhiên muốn phản bội thì nên thận trọng một chút mới phải.
Sáng sớm, ánh nắng còn chiếu lên đỉnh đầu, đến giữa trưa, mặt trời bỗng đâu núp vào mây xám, đường đi âm u mịt mờ. Nhiều ngày trước, ta từng bị áp tải đến Tông Nhân Phủ trên con đường này, còn hôm nay lại đang men theo nó đến thăm cố nhân trong ngục. Trong cung tình người bạc bẽo, nay Khổng Văn Trân rơi vào vòng lao lý, kẻ khác tránh còn không kịp. Người thân ở ngoài cung từ lâu chẳng có tung tích, cô ta không có người thăm viếng, vò võ một mình, sợ rằng so với ta ngày trước càng thê lương gấp bội.
Vốn dĩ Tông Nhân Phủ không cho người vào thăm, nhưng ta xin Hạ Hầu Thần cho phép, mang theo thánh chỉ mới được bước chân vào. Trong nhà ngục vẫn ẩm ướt lạnh lẽo như xưa, nay nhằm tiết xuân, trên các vách tường loang lổ vết nước ngấm, trông càng âm u buồn bã. Nghe nói ta định vào thăm Khổng Văn Trân, Túc nương bèn đi trước dẫn đường, ta bất đắc dĩ phải đi theo.
Rảo bước tới phòng giam sâu tận cùng trong nhà ngục, vốn là nơi giam ta ngày trước, nay dĩ nhiên chẳng còn chăn gấm bàn ăn, chỉ có những thứ vật dụng dành cho khâm phạm thông thường.
Khổng Văn Trân trút bỏ trâm vòng áo đẹp, xõa tóc ngồi trong xó tường, mới nhìn sơ hầu như không thể nhận ra. Thấy ta đến gần, cô ta lao tới song sắt, chỗ kim loại rỉ sét lâu ngày phát ra tiếng kèn kẹt ghê rợn:
Nương nương, xin cứu lấy nô tỳ, xin cứu lấy nô tỳ, nô tỳ không khai gì hết, không làm liên lụy đến nương nương, người nhất định phải cứu nô tỳ ra ngoài…
Ta ra hiệu cho Túc nương đứng ngoài cửa trông chừng không cho người khác lại gần, tự mình lại gần song sắt, nói:
Khổng Thượng Cung, xem bộ dạng ngươi kìa, mấy tên cai ngục sao lại đối xử với ngươi như vậy? Nhớ ngày trước bản phi bị bắt giam, lũ cai ngục ấy còn nể mặt, đổi cho chăn bông, ngày đông rét mướt có lò sưởi, ngoài việc có vị cố nhân chẳng buồn ghé thăm, lại còn nhân lúc bản phi té giếng đứng trên bờ ném đá, thì bản phi vẫn được sống tương đối thoải mái…
Khổng Văn Trân nói:
Không, nương nương phải tin nô tỳ chưa bao giờ dám nói nửa lời xuyên tạc về người…
Ta kề sát song sắt, lạnh lùng nhìn cô ta, hỏi:
Vậy ngươi nói đi, sao Hoàng hậu lại biết rõ việc bản phi mang canh thuốc đến cung Tinh Huy đêm đó, thậm chí giờ giấc cũng chính xác không chệch đi đâu, nếu không phải ngươi chỉ điểm, làm sao Hoàng hậu biết được? Xem ra hôm ấy tình cờ gặp nhau ở Ngự Hoa viên, vẻ mặt ngươi hoảng hốt là bởi đang định phản bội ta đúng chứ?
Khổng Văn Trân nói:
Là Hoàng hậu ép nô tỳ, Hoàng hậu là chủ hậu cung, tay nắm đại quyền, áp chế Thượng Cung cục, Hoàng hậu nói với nô tỳ, nếu không chịu ngoan ngoãn nghe lời, cái chức Thượng Cung chẳng đến phiên nô tỳ làm, hơn nữa Hoàng hậu còn đảm bảo rằng thân phận trước khi nhập cung của nô tỳ sẽ vĩnh viễn không bao giờ bị vạch trần. Nô tỳ biết làm sao, ở Thượng Cung cục nô tỳ cai quản trên dưới cả thảy gần ba trăm con người, nhưng trước mặt Hoàng hậu cũng chỉ là một tên nô tài, sao làm khác được?
Ta sớm đã đoán ra sự việc là như vậy, lúc này bèn khẽ thở dài:
Khổng Văn Trân, ngươi muốn bản phi cứu ngươi ra là chuyện không tưởng, tội ngươi quá lớn, sao dám mang thứ tai hại ấy vào hậu cung? Nên biết, mấy trang bí kíp Thượng Cung ta tặng ngươi tuy là để trả ơn, nhưng Ngũ thạch tán là thứ không được phép dây vào, nếu có hãy trách mình không kìm nổi lòng tham, nhưng ta cũng thông cảm với ngươi, để cứu em gái thoát khỏi kỹ viện, đúng là việc gì ngươi cũng dám làm…
Ban đầu Khổng Văn Trân vô cùng hổ thẹn, nghe đến câu cuối cùng, đôi mắt bỗng trợn tròn, kinh ngạc nhìn ta. Ta rút trong tay áo ra một miếng ngọc bội, đưa cho cô ta:
Điểm đáng khen duy nhất của ngươi đó là toàn tâm toàn ý chăm lo cho em gái, bản phi rất ngưỡng mộ. Bản phi chỉ có thể giúp ngươi, em ngươi sắc đẹp kiều mị, tiền chuộc phải đến vạn kim, nhưng món tiền ấy bản phi vẫn lo liệu nổi…
Trong tay ta ngoài viên ngọc bội còn có một cái khăn lụa bé con, bên trên viết đầy những chữ Khải nhỏ, Khổng Văn Trân vừa trông đã nhận ra lá thư ấy do ai viết, không nén được bưng mặt khóc lạc cả tiếng.
Ta nói:
Khổng Văn Trân, nếu ngươi không chịu nổi cực hình, cứ nói ra bản mẫu áo bảy sắc do bản phi cho cũng không sao, sẽ chẳng tổn hại gì đến ta. Bản mẫu rốt cuộc chỉ là bản mẫu, hại người là từ tâm. Bản phi sẽ chăm sóc em gái ngươi chu đáo.
Khổng Văn Trân quỳ xuống đất, ngẩng đầu lên, nước mắt như mưa, gọi một tiếng
Nương nương…
rồi im bặt, chỉ dập đầu lia lịa.
Ta quay mình rời khỏi, đi xa rồi vẫn nghe thấy tiếng cô ta dập đầu xuống đất
binh binh
lạnh lẽo.
Đang từ nhà ngục tối tăm đi ra, ánh nắng mặt trời chói chang khiến ta khẽ nhíu mắt, Túc nương lẳng lặng theo sau. Ta bỗng nói:
Túc nương, xin lỗi…
Ta nói rất bé, chẳng kịp để ý cô ta có nghe được rõ không, bèn xăm xăm bước nhanh về phía trước, Túc nương im lặng hồi lâu, chợt nói:
Nương nương, thực ra người không chỉ có một muội muội ruột thịt.