• 253

Chương 18.1


Dịch giả: Lê Sông
Nhà xuất bản: NXB Văn Học
Ta cười khổ trong lòng, đối với kẻ khác sao mà nói năng hùng hổ, cái gì mà hại người đều ở tại tâm, nhưng chính mình chỉ vì một ý nghĩ toan tính mà hại chết đại nương, chẳng trách phải chịu báo ứng, khiến muội muội trở mặt. Nhớ lại thời nhỏ hai tỷ muội cùng nhau học thêu, cùng soi gương cài hoa lên tóc, mà hôm nay tình cảm tan nát đoạn trường.
Tông Nhân Phủ khác với những nơi khác, nếu không có ai đến dàn xếp trước, chờ đợi trước mặt phạm nhân chỉ có vô số trò tra tấn khảo hình, vậy mà Khổng Văn Trân từ đầu chí cuối không hề nhắc đến ta, không ai biết bản thiết kế bộ áo bảy sắc vốn xuất phát từ nơi ta. Còn về cô em gái kia, sau khi chuộc khỏi thanh lâu, ta sẽ nhờ mẫu thân sai người chăm sóc tử tế.
Gần đây mỗi lần ở bên ta, nét mặt Hạ Hầu Thần luôn lộ ra vài phần ưu tư, lại có vẻ dò xét. Thi thoảng khi tình cờ quay ra, thấy con ngươi hắn đen sẫm như mực, ngả người trên giường, anh tuấn làm ta không thể rời mắt. Ta chốc chốc lại phải nhắc bản thân rằng đôi bên gần gũi chẳng qua vì muốn có được điều mình cần. Nói thì nói vậy, mỗi lần nhìn dung nhan hắn là một lần trái tim ta xao động.
Ngày tuyển chọn Thượng Cung đã đến, ta cùng Hoàng hậu Hoàng thượng ngồi ghế chủ khảo, các phi tần khác kéo đến cớ là dự xem, nhưng kỳ thực chỉ vì Hạ Hầu Thần, ai nấy đều áo quần xúng xính trâm vòng lộng lẫy.
Thượng Cung cục tiến cử ba vị có thâm niên quản lý Ty Thiết Phòng Ty Chế Phòng, đều làm việc trong Thượng Cung cục lâu năm, tay nghề xuất chúng, có một vị tên gọi Hoắc Thiên Bình, tuổi gần bốn chục, vốn là nghệ nhân hàng đầu ở Thượng Cung cục, nhưng vì lớn tuổi an phận, chỉ chăm chú vào tết vòng chế trâm, không bao giờ xuất đầu lộ diện tranh đấu với người khác, trước nay chỉ làm việc trong Ty Chế Phòng, chẳng bao giờ được thăng chức. Đối với người này ta có vài phần tôn kính, cuối cùng ta leo lên chức Thượng Cung, bà ta chưa một lời trách cứ, vẫn trung thành, làm tròn bổn phận của mình. Ở Thượng Cung cục, Hoắc Thiên Bình rất được nể trọng, nếu Tố Khiết nhận được sự ủng hộ của người này, việc nhậm chức Thượng Cung sẽ không gặp nhiều trở ngại.
Hai vị còn lại tuy không có tầm ảnh hưởng lớn ở Thượng Cung cục bằng Hoắc Thiên Bình, nhưng đều là người thông minh sáng suốt, tay nghề dĩ nhiên khéo léo vượt xa chúng nhân, lại nghe nói một trong hai người là Đỗ Nhĩ Trân qua lại rất mật thân thiết với cung Chiêu Thuần, tất cả vật dụng Hoàng hậu sử dụng đều do đích thân cô ta đem sang, có lẽ người này chính là quân của Hoàng hậu, vị còn lại là Lâm Chỉ Xảo không có gì đặc biệt, có lẽ được đưa lên cho đủ số.
Khi Tố Khiết xuất hiện, ai nấy đều nhận ra nó là nô tỳ thân tín theo ta từ lâu, chưa từng làm việc tại Thượng Cung cục, chẳng qua là một ả cung tỳ vô danh tiểu tốt, bọn họ hơi lộ vẻ bất bình, chỉ riêng Hoắc Thiên Bình bình thản cụp mắt, chắp tay chờ đợi ra đề, dáng vẻ ung dung tự tại vô cùng.
Chuyện thi đấu lần này có thể coi là chưa hề có tiền lệ ở Thượng Cung cục, trước nay người nhậm chức Thượng Cung thường chỉ do Hoàng hậu chỉ định, vì lần này ta cố tình nhúng tay vào, kéo Hoàng thượng tham gia cuộc tuyển chọn, nên chúng phi tần lập tức tán đồng. Ta muốn nhân dip này để bọn họ hiểu rằng, Hoàng hậu dẫu là người dứng đầu hậu cung cũng đừng hòng một tay che trời!
Hoàng hậu nói:
Nếu mọi người đã chuẩn bị xong xuôi, ta xin được nói đôi lời. Chức vị Thượng Cung rồi sẽ vào tay một trong bốn người đứng đây, chiếu theo phép tắc xưa nay ở Thượng Cung cục, người lãnh đạo phải có tay nghề chế trâm may áo đứng hàng đầu tứ phòng, nếu không khi người dưới vấp phải khó khăn trong khi làm việc đến nhờ cậy giúp đỡ không biết cách trả lời, há chẳng khiến kẻ dưới thất vọng, lại làm công việc ứ đọng không giải quyết được?

Lời nói của Hoàng hậu rõ ràng chĩa mũi nhọn về Tố Khiết, ta vờ như không biết gì, mỉm cười gật gật đầu, tỏ ra tán đồng.
Cô ta tiếp:
Vì lẽ đó, cuộc khảo thí lần này chúng ta sẽ bắt đầu từ mục chế trâm vòng cơ bản. Trên các đĩa đã bày sẵn tơ vàng, chỉ bạc, trong thời gian một nén hương, bốn người hãy quấn thành trâm vàng kiểu dáng tùy ý, bốn người cách nhau bởi các tấm bình phong, tự làm một mình, không được nhìn trộm người bên cạnh.

Trong mỗi đĩa có sẵn một cái phôi trâm giống y hệt nhau, đều là khuôn dáng ban đầu của trâm phượng, bốn người chỉ cần trang trí thêm, hoặc quấn tơ vàng, đính châu ngọc, làm thế nào phô bày được dáng vẻ đẹp đẽ kiêu sa của phượng hoàng là được. Số lượng nguyên liệu mỗi loại trên mỗi đĩa là như nhau, để cuộc thi được công bằng, trước đó ta và Hoàng hậu đã cùng nhau kiểm tra một lượt, không ai dám giở trò lên nguyên liệu.
Cuộc thi tài nghệ này là dùng chân tài thực lực ra đọ sức, hoàn toàn dựa vào tài năng của mỗi người, bình phong màu trắng ngăn cách bốn người trong bốn không gian riêng, cố nhìn kỹ chỉ thấy cái bóng mờ mờ của họ đang bận rộn thao tác.
Trong lúc chờ đợi, đám phi tần đã có người lanh lẹ nhân cơ hội đứng dậy, sán đến bên Hạ Hầu Thần, hoặc dâng miếng điểm tâm, hoặc cười tươi như hoa hỏi hắn hôm nay mái tóc mình chải có đẹp không.
Hạ Hầu Thần sắc mặt vui vẻ, không buồn trách cứ, thậm chí còn đáp lại khiến trong điện một phen nhốn nháo, ta liếc thấy Hoàng hậu tuy cố giữ dáng vẻ đoan trang, nhưng nụ cười càng lúc càng nhạt, trong lòng mừng thầm, cũng không bóc mẽ cô ta, tự mình nhấp một ngụm trà, chú ý từng cử động của Tố Khiết sau bình phong.
Chúng phi tần thấy ta lẫn Hoàng hậu đều không lên tiếng, càng được nước làm tới, hầu như cô nào cũng quẩn quanh Hạ Hầu Thần một vòng mới thôi.
Nén hương cháy được quá nửa, đã thấy Hoắc Thiên Bình từ bình phong bước ra, dâng cái đĩa trong tay cho cung nữ phụ trách giữ đĩa, hướng về phía Hoàng hậu bẩm báo:
Hoàng thượng, Hoàng hậu nương nương, nô tỳ đã hoàn thành.

Chiếc đĩa được bày trên một cái bàn cao đặt giữa điện, ta là người đầu tiên bước xuống, cầm cây trâm lên ngắm nghía kỹ lưỡng, trong lòng không khỏi thầm thán phục, tay nghề thủ công của bà ta quả nhiên rất giỏi, thân phượng như phủ một lớp lông vàng, vừa tự nhiên vừa cân đối, thưa chặt hợp lý, mắt phượng dùng phỉ thúy đính vào, tỏa sáng lấp lánh, sống động như thật.
Sau khi cây trâm được đưa cho Hoàng thượng và Hoàng hậu xem qua một lượt, lại truyền qua tay các phi tần, mọi người không ngớt lời khen ngợi, nhưng không thấy ai kinh ngạc đến nỗi phải ồ lên. Cây trâm này quả là mẫu mực, nhưng kiểu dáng không có gì khác lạ so với loại thường thấy, không có nét đặc sắc riêng.
Một lát sau, Lâm Chỉ Xảo và Đỗ Nhĩ Trân cũng hoàn thành, Đỗ Nhĩ Trân vượt hơn một chút, trên đuôi phượng xâu một chuỗi kim cương, nếu cài đầu, xâu kim cương sẽ hơi rung rinh, phản chiếu ánh sáng bảy sắc. Người do Hoàng hậu chọn quả nhiên xuất chúng, Đỗ Nhĩ Trân tuy tay nghề chưa thành thạo như Hoắc Thiên Bình, nhưng đầu óc lại linh hoạt sáng tạo hơn, chiếc trâm của cô ta quả nhiên được chúng phi tần vô cùng thích thú.
Tố Khiết là người cuối cùng còn ở lại sau bình phong làm trâm, hương sắp cháy hết mà vẫn chưa thấy nó bước ra ngoài, lòng ta không khỏi hơi sốt ruột.
Hoàng hậu nói:
Ninh muội muội, ta thấy vị Đỗ Nhĩ Trân này không tệ, làm việc ở Thượng Cung cục nhiều năm, thông thạo công việc trên dưới, tay nghề lại xuất chúng, theo bản cung thấy, Tố Khiết ở chỗ muội tuy được muội muội dốc tâm dạy bảo, sợ rằng vẫn chưa đủ để so với người ta!

Ta cười nhạt:
Nếu nó thực không bằng ai, bản phi chắc chắn sẽ không thiên vị, có trách chỉ trách nó kém tài, đến lúc đó bản phi sẽ chúc mừng tỷ tỷ chọn được người hiền hợp ý.

Ta và Hoàng hậu lời qua tiếng lại, tươi cười như hoa, đám phi tần đều nín thở theo dõi, Hạ Hầu Thần cũng phải liếc mắt sang, nửa như mỉa mai nửa như giễu cợt, ta liếc lại, thấy hắn nhấc chén trà lên nhấp một ngụm.
Lúc ấy thời gian bỗng trôi vùn vụt, chớp mắt nén hương đã cháy hết, Tố Khiết bước ra khỏi bình phong, trên tay cầm chiếc đĩa son phủ sa mỏng, vừa kịp lúc hương tàn.
Cung nữ đón lấy đĩa trên tay nó, đầu tiên dâng lên ta. Ta nhấc vải ra, lòng lập tức dâng trào vui sướng, nghĩ mình quả không nhìn nhầm người, chỉ trong vỏn vẹn mười mấy ngày mà Tố Khiết đã lĩnh ngộ được tinh túy của việc đan tơ dệt sợi.
Cái khuôn trâm phượng được cho ban đầu còn nguyên, một chiếc trâm phượng khác nằm ở chính giữa đĩa, sinh động, hình dáng gần như thật, thân mình hơi trong suốt, đôi cánh mở rộng, phần khung xương định hình đôi cánh mềm mại nhịp nhàng, nhìn từ xa thậm chí còn rõ cả từng đường vân trên thân, điều kỳ lạ là đem đặt trên tay lại nhẹ như lông hồng, không nặng nề như trâm phượng dát vàng bình thường.
Chúng phi tần sớm đã bị thu hút, tiếng trầm trồ kinh ngạc vang lên không ngớt, cây trâm này vượt xa ba cây trâm ban nãy, lúc này ai cao ai thấp đã phân định rõ ràng, Hoàng hậu lại nói:
Trâm này tuy tinh xảo khác thường, nhưng quy tắc là quy tắc, đã định trước phải dùng phôi trâm hình phượng trên đĩa để chế tác, vậy mà Tố Khiết lại không dùng đến, Hoàng thượng, như vậy là không công bằng!

Ta nói:
Mới đầu khi lập ra quy định, đã nói chỉ được dùng nguyên liệu trong đĩa, nhưng không nhắc đến việc nhất định phải dùng phôi trâm hình phượng, Tố Khiết làm cây trâm này hoàn toàn chỉ dùng tơ vàng chỉ bạc trong đĩa, có gì vi phạm quy tắc? Chiếu theo cách nói của Hoàng hậu thì phải dùng hết tất cả nguyên liệu trong đĩa mới được coi là đúng luật, thử hỏi có người nào dùng hết hay không?

Ta cùng Hoàng hậu đấu đá trước nay đều chỉ ngấm ngầm, đây là lần đầu tiên đối chọi không khoan nhượng bằng lời nói, chúng phi tần nhất thời sững sờ. Nếu đổi lại là dịp thường, Ninh Tích Văn đứng bên Hoàng hậu nhất định sẽ mở miệng, nhưng sau vụ Khánh Mỹ nhân nó đã thu liễm đi nhiều, các phi tần thấy khí thế ta chẳng kém cạnh Hoàng hậu, sao còn dám nói thêm vào, ai nấy đều im thin thít.
Hoàng hậu bị ta phản bác, ngẩn ra một lát, lại kiên quyết nói:
Ai nấy đều biết khi chế tác trâm vòng có những phần nhất định phải dùng đến, Tố Khiết khác thường như thế e không ổn.

Ta đang định lên tiếng, Hạ Hầu Thần đột nhiên đưa tay ra ý cho cả hai ngừng tranh luận, nói:
Trẫm thấy thế này, trâm phượng do Tố Khiết làm rõ ràng rất đẹp, nhưng Hoàng hậu nói không phải không có lý, vậy hãy để trẫm xếp hạng là công bằng. Tố Khiết cùng Đỗ Nhĩ Trân xếp hạng một, Hoắc Thiên Bình tay nghề thuần thục xếp hạng hai, còn Lâm Chỉ Xảo hạng ba.

Hạ Hầu Thần đã lên tiếng, ta cùng Hoàng hậu không còn cách nào khác phải ngừng tranh cãi. Ta hậm hực liếc Hoàng thượng một cái, ánh mắt Hoàng hậu lộ vẻ đắc ý, rõ ràng xếp hạng như vậy là có lợi cho phía Hoàng hậu.
Tiếp theo là cuộc thi thêu, yêu cầu trong thời gian một nén nhang thêu xong bức Long Phượng Trình Tường. Lần này Tố Khiết vô cùng tự tin, nó xuất thân từ phường thêu, lại được ta dạy dỗ nhiều kiểu thêu và cách vận dụng tinh tế, ba người kia tuy nghề thêu rất xuất sắc, nhưng thêu ra long phượng hình dáng khô khan nhạt nhẽo, không thể so với Tố Khiết dùng tuyệt chiêu của mẹ ta, thủ pháp thêu tầng, khiến long phượng nổi trên nền vải, từng lớp lông đan xen chồng chất mịn màng, cứ như sắp bay ra khỏi miếng vải.
Chúng phi tần dĩ nhiên ngạc nhiên sửng sốt, đến Hoắc Thiên Bình trước nay ít khi nể phục ai cũng không kìm được bước lên mấy bước để chạm vào bức thêu, khen:
Kiểu thêu này đã thất truyền nhiều năm, nô tỳ chỉ được nhìn thấy hồi nhỏ, không ngờ hôm nay có dịp ngắm trong điện này, nô tỳ quả thực mãn nguyện vô cùng.

Lần này Hoàng hậu không còn gì để nói, Tố Khiết dĩ nhiên xếp thứ nhất. Hoàng hậu thấy thế có vẻ hơi căng thẳng, nếu cuộc khảo thí thứ ba mà Đỗ Nhĩ Trân không thể đột phá, thì chức Thượng Cung sẽ lọt vào tay Tố Khiết. Ta và Hoàng hậu đều hiểu, Thượng Cung cục đóng vai trò vô cùng quan trọng trong cuộc tranh giành quyền lực của hai bên, nếu mất Thượng Cung cục, coi như Hoàng hậu đã mất đi một nửa giang sơn.
Vòng thi thứ ba là thi sáng tạo thiết kế mới, dùng bức thêu ở vòng trước đó làm nguyên liệu để chế tác vật dụng, phải làm nổi bật đặc tính của loại vải nguyên liệu, vừa phải khéo léo vừa phải tìm tòi, sao cho thứ chế ra thật bắt mắt. Ở Thượng Cung cục thường ngày phải may rất nhiều đồ dùng cho cung nhân, nhưng hình vẽ Long Phượng Trình Tường được dùng có giới hạn, các phi tần bình thường không được phép dùng, chỉ có thể vận dụng trên người của Hoàng thượng và Hoàng hậu mà thôi. Đề bài lần này do đích thân Hoàng thượng nghĩ ra. Tố Khiết học nhồi học nhét trong mười mấy ngày, dẫu sao cũng chỉ là người mới, lần này chẳng biết có thành công không, nghĩ đến đây lòng ta không khỏi bồn chồn.
Hoàng hậu ngược lại vô cùng ung dung, ngồi trên bảo tọa cùng Hoàng thượng thì thầm nhỏ to, hai người liếc mắt đưa tình, một ý nghĩ chợt thoáng qua đầu ta: Phải chăng Hạ Hầu Thần đã tiết lộ đề bài cho Hoàng hậu biết trước?
Ta thấy mình có vẻ hơi nhỏ nhen, đáng lẽ không nên nghĩ vậy, nhưng xem điệu bộ hai người phu thê tình thâm, làm ta không tài nào dập tắt suy nghĩ kia được. Thậm chí ta còn hoang mang không biết Hạ Hầu Thần đón ta trở lại cung rốt cuộc để làm gì, có thật muốn ta kiềm hãm Hoàng hậu? Về phía Hoàng hậu, không biết hắn giải thích việc đưa ta trở lại thế nào mà vẫn giữ được mối quan hệ hai bên như cũ? Lòng nghi ngờ hễ dấy lên là không thể áp chế, nam nhân địa vị tối cao này, dĩ nhiên nắm rõ phép trị nước, khó tránh đem vận dụng cả với đám hậu phi của mình.
Nghĩ đến đây, ta bèn nói:
Hoàng thượng, Hoàng hậu nương nương, hai vòng thi trước diễn ra rất đúng phép tắc, nhưng có hơi buồn tẻ, đây là vòng thi cuối cùng của ngày hôm nay, theo thần thiếp thấy sao không tăng độ khó lên một chút, cũng là giúp vui cho chúng phi tần. Hai vị thấy có được không?

Nét căng thẳng vụt qua gương mặt Hoàng hậu, ta cảm thấy suy nghĩ ban nãy càng được củng cố, trong lòng thầm cười nhạt, nam nhân này quả không đáng để ta tận trung, cũng được, ta và hắn như nhau, chỉ vì lợi ích của mình mà thôi.
Ta vừa nói xong, chúng phi tần lập tức lao xao ủng hộ, họ sớm đã bị chú ngựa đen bất ngờ xuất hiện là Tố Khiết kích thích, lại thêm ngưỡng mộ vẻ đẹp chiếc trâm phượng nó chế tác, Hoàng hậu thấy thế không tiện nói thêm, đành tán thành.
Hạ Hầu Thần liếc ta một cái, ta nói thêm:
Hoàng thượng, người xem các vị muội muội đang bàn luận sôi nổi làm sao, xin đừng vì ai đó mà để mọi người cụt hứng.

Ta cố tình nhấn nhá vào chữ
ai đó
, ra ý mình đã đoán biết nội tình, con ngươi hắn vụt xoay chuyển, nụ cười chợt tắt, nói:
Nếu đã vậy thì ái phi nói thử xem, nên tăng thêm độ khó ra sao?

Ta không để ý vẻ mặt của hắn, đứng dậy khỏi bảo tọa, cười nói:
Nếu đã dùng bức thêu ban nãy để chế tác vật dụng, chi bằng đưa thêm một giới hạn, đó là chỉ được chế vật dùng trên mình Hoàng thượng, lại cho chúng phi tần cùng bình phẩm thứ ấy có tốn thêm vẻ anh tuấn bất phàm của Hoàng thượng hay không. Mọi người bảo như vậy có được không?

Nếu các phi tần cùng được tham gia bình chọn, thì kết quả chung cuộc không hoàn toàn do Hoàng thượng và Hoàng hậu quyết định, lại thêm
bình phẩm xem có tôn thêm vẻ anh tuấn của Hoàng thượng
tất phải để Hoàng thượng đích thân mặc lên người mới xong. Tố Khiết khi làm trâm đã lấy được thiện cảm từ phía chúng phi tần, có người thấy Tố Khiết phải xếp hạng nhất cùng người khác trong đôi mắt liền ánh lên tia bất mãn. Xem ra sau vụ Khánh Mỹ nhân, thế lực vây quanh Hoàng hậu đang dần dần tan rã, tuy vẫn chưa có ai công khai quy phục ta, nhưng cứ quan sát sự việc lần này thì cái viễn cảnh ấy không còn xa.
Tình huống tuy đang có lợi, nhưng ta vẫn rất lo lắng về Hạ Hầu Thần, nếu hắn suy tính điều gì khác, một mặt an ủi Hoàng hậu, một mặt gắn bó với ta, biến cố xảy ra rất có thể ta sẽ thành vật hy sinh. Trước đây ta luôn coi mọi thứ là điều đương nhiên, nhưng hôm nay nghĩ tới, trong lòng lại thấy hơi đắng chát, chỉ biết thầm cười nhạt. Nếu đã lôi ta lên cùng thuyền, mà lại muốn ta không kèn không trống nhảy ra, chỉ sợ là khó đó.
Tuy bề ngoài ta cười tươi như hoa, nhưng trong lòng quạnh quẽ thê lương. Hạ Hầu Thần dường như có linh cảm, sắc mặt cũng trầm xuống, lãnh đạm nói:
Ái phi đã muốn như vậy, trẫm nào dám không đồng ý?

Hoàng hậu không kịp nói gì, chuyện này đã mau chóng được ấn định.
Hoàng hậu phẩm vị cao quý, được ngồi bên tay phải Hạ Hầu Thần, ghế của ta hơi thấp hơn một chút, ngồi bên tay trái hắn.
Xem liền hai vòng, tuy vật chế tác ra đẹp đẽ vô cùng, khiến chúng phi được no mắt, nhưng ngồi cả nửa ngày không khỏi có chút mệt mỏi, Hoàng hậu bèn đề nghị mọi người cùng ra vườn hoa đi dạo, nơi thi sai người ở lại trông coi là được, nghĩ việc này rất hợp lẽ, ta bèn gật đầu đồng ý.
Cuộc tuyển chọn diễn ra tại điện Triêu Dương, nơi đây là tẩm cung của Hạ Hầu Thần, trong cung có vô số khu nhà lớn nhỏ, ta bèn hỏi Khang Đại Vi mượn một căn phòng, chuẩn bị cho một chiếc giường để nằm, vừa đặt mình lên gối tựa, nghĩ đến việc Hoàng hậu khi không quan tâm đám phi tần, chẳng lẽ định nhân lúc vắng vẻ giở chiêu thức gì?
Nơi này làm tẩm cung của Hoàng thượng, dĩ nhiên khắp nơi hoa lệ vô ngần, ta không yên tâm, cuối cùng xuống giường, đi qua đi lại trong phòng, lại sai người ra xem tình hình trong điện, nghe nói không có gì bất thường, Hoàng hậu cũng đã đi nghỉ rồi.
Ta vừa nghe chữ
nghỉ
, bất giác tỉnh ngộ, nếu muốn ra tay, chi bằng cầu đến Hạ Hầu Thần. Hạ Hầu Thần cùng họ Thời duy trì quan hệ mật thiết, tất nhiên hắn chưa muốn trở mặt với Hoàng hậu ngay. Ta bước khỏi phòng, đúng lúc trông thấy một tên tiểu thái giám hầu hạ bên Hoàng thượng chạy qua, bèn gọi nó lại, dúi vào tay hai nén vàng, hỏi:
Hoàng thượng đâu rồi?

Tiểu thái giám thấy ta bèn hành lễ đáp:
Hoàng thượng có vẻ mệt, đã về Tiểu Tây các nghỉ rồi ạ.

Ta một mình đi về phía Tiểu Tây các, nơi đó cách chỗ ta ở không xa, chẳng qua một đoạn mà thôi.
Trước sau Tiểu Tây các trồng đầy thúy trúc, lúc này đang vào mùa trúc đâm chồi nẩy lộc, một dải xanh thẫm xen lẫn màu nõn chuối tươi non, cành lá đu đưa, xào xạc. Ta nhón chân bước qua rừng lá rậm rạp, bên trong quả thật rất có dư vị u nhã thanh cao như chốn ẩn dật của các vị chân tu. Khang Đại Vi đứng ngoài cửa canh chừng, nhưng ta biết có một lối nhỏ có thể trực tiếp vào bên trong mà không cần đi qua đám thủ vệ.
Một người hễ nổi lòng nghi ngờ, sẽ cảm thấy từng lời nói nụ cười của đối phương đều như đang dối gạt mình, ắt không nhịn được thăm dò bằng được thực hư. Tâm trạng của ta lúc này chính là như vậy.
Con đường mòn kia quả vắng hẳn bóng người, tuy đã lần lần đi hết đường, chỉ cần vượt qua ngọn giả sơn là đến nơi Hạ Hầu Thần đang nghỉ. Từ cánh cửa sổ nửa khép nửa hở nhìn vào, quả nhiên thấy Hạ Hầu Thần ngồi trước cửa sổ uống trà, Hoàng hậu thì đang dùng đũa bạc gắp điểm tâm đưa lên miệng hắn, các cặp phu thê ngoài dân gian thân mật với nhau chắc cũng chỉ đến thế là cùng.
Ta thầm cười nhạt, tiếng lại gần mấy bước nữa, định nghe xem họ đang nói gì, vừa nghe mấy chữ:
Biểu ca… biểu ca…
, đột nhiên thấy bả vai bị ai đó vỗ nhẹ, ta giật mình suýt nữa nhảy lên, quay lại, hóa ra là Khang Đại Vi. Không biết từ lúc nào ông ta đã mò đến bên ta, nghiêm mặt nói:
Nương nương đã đến rồi, có muốn lão nô vào bẩm cáo với Hoàng thượng một tiếng không?

Ta nào ngờ trốn vào tận góc tường còn bị người ta bóc mẽ, lòng bối rối không cách nào dùng từ ngữ hình dung được, chỉ nói:
Không cần, bản phi còn phải về điện Triêu Dương xem xem bốn người họ đã làm xong chưa.

Khang Đại Vi cúi mình hành lễ, nói:
Nương nương, Hoàng thượng bảo lão nô chuyển lời đến nương nương rằng: Đừng xem trộm làm gì, nếu muốn thì hãy đường đường chính chính mà vào… Lão nô cáo lỗi, đây là nguyên văn những lời Hoàng thượng sai lão nô nói lại.

Mặt ta lúc đỏ lúc tím, chỉ còn cách vội vàng cáo biệt ông ta, men theo đường cũ trở ra.
Khang Đại Vi nói với theo bằng giọng điệu lập lờ:
Nương nương, người đừng lo, khi Hoàng thượng nói mấy lời này tâm trạng vẫn rất tốt.

Ta dừng khựng lại, thẹn quá hóa giận, quay ngoắt lại:
Tâm trạng Hoàng thượng tốt, tâm trạng bản phi thì không tốt chút nào!

Nói xong phẩy tay áo một cái rồi đi thẳng. Chẳng rõ khi Hạ Hầu Thần truyền lời với Khang Đại Vi có để Hoàng hậu nghe thấy hay không, nếu để cô ta nghe được, chỉ sợ sẽ cười đến chảy nước mắt.
Ta hậm hực trở về điện Triêu Dương, thấy đám phi tần ra Ngự Hoa viên thưởng hoa đều đã về cả, đang ngồi trong điện lao xao bàn tán, bốn người kia vẫn đang mải cắt may khâu vá phía sau bình phong.
Chờ cho tất cả ổn định chỗ ngồi, Hoàng thượng và Hoàng hậu mới thong dong bước ra, khiến đám phi tần được một phen tò mò.
Hoàng hậu vẻ mặt phơi phới, gò má ửng hồng, dường như mới thoa lại một lớp phấn mới, xuân ý tràn trề, Hạ Hầu Thần dìu cô ta ngồi xuống, mắt không phút nào rời mình ngọc. Ta không nhịn được nghĩ ác, chẳng lẽ hai người họ nhân chút giờ nghỉ mà làm chuyện hoang đường kia?
Nhìn Hạ Hầu Thần tinh lực bỗng chốc dồi dào thì ý nghĩ này không phải không có khả năng. Nghĩ đến đây ta không kìm được cười thầm, nếu quả như vậy chắc Hoàng hậu chẳng có thì giờ để giở trò đê hèn.
Lần này dùng nhang lớn tính thời gian, nhưng sau giờ nghỉ, cây nhang chẳng mấy chốc sắp cháy hết, tên tiểu thái giám hô lớn một tiếng, bốn người bèn cầm đĩa son từ sau bình phong bước ra, trên mỗi đĩa trùm một tấm sa đỏ.
Hoắc Thiên Bình giở khăn ra đầu tiên, bà ta dùng mảnh vải thêu Long Phượng Trình Tường làm thành một chiếc tiểu khảm[1], tay nghề của Hoắc Thiên Bình thời không có gì phải nói nhiều, ta cho rằng giỏi hơn Đỗ Nhĩ Trân kia rất nhiều, nhưng bà vốn biết Đỗ Nhĩ Trân có Hoàng hậu chống lưng, bản thân mình dù thế nào cũng chỉ là một vai phụ, thành ra tâm trạng rất bình ổn, ung dung chắp tay quan hổ đấu.
[1] Áo khoác ngoài không tay.
Lâm Chỉ Xảo cũng nghĩ ý như Hoắc Thiên Bình, làm một chiếc áo ngoài vô cùng đúng quy cách, khiến người khác không lần ra được sai sót, nhưng cũng không thể xem là đẹp.
Đến lượt Đỗ Nhĩ Trân mở đĩa, cô ta làm một chiếc áo bào, thủ công không tồi, bức thêu Long Phượng Trình Tường ở chính giữa sau lưng, cô ta dùng thủ pháp đặc biệt để thêu móng vuốt long phượng, kéo dài đến trước ngực, đuôi phượng thêu bảy sắc men theo nách áo cho đến trước ngực, biểu thị ý Long Phượng Hòa Minh, tình nghĩa hòa hợp. Đỗ Nhĩ Trân có Hoàng hậu ủng hộ, nay áo làm ra lại được mọi người tán thưởng không ngớt, thu hút sự chú ý của cả điện. Ta ngầm hiểu ra, Lâm Chỉ Xảo và Hoắc Thiên Bình chắc chắn đã bị ai đó nhắc nhở trước, nên vật làm ra không mấy xuất sắc, mục đích chính là làm nền cho Đỗ Nhĩ Trân, họ liệu có phục trong lòng?
Thứ Tố Khiết làm được lấy ra sau cùng. Một tấm áo khoác dài màu tím nhạt, cổ áp đệm lông hồ ly tím, Long Phượng Trình Tường ở trước ngực, vốn bức thêu của nó đã vô cùng đặc sắc, sắc nét từng đường gân chỉ, trên đó lại thêu thêm mây lành vờn quanh, loại vải dùng khâu áo đã có vân mây, nó dựa trên đó dùng tơ vàng thêu vào, trông như trong mây có ánh nắng chiếu rọi, cả chiếc áo bào ẩn hiện ánh vàng, đẹp không tả xiết. Chiếc áo vừa đưa ra, cả điện chợt im phăng phắc, Hạ Hầu Thần cực kỳ hứng thú, ra hiệu cho cung nữ đang giương áo ra:
Đem lên đây cho trẫm xem.

Ta cười nói:
Hoàng thượng, hay người mặc thử xem sao?

Hạ Hầu Thần đang định đáp, Hoàng hậu bèn nói:
Hoàng thượng, vật này người đừng nên mặc, theo thần thiếp thấy, chiếc áo này cực kỳ xúi quẩy, Hoàng thượng mặc lên người nhỡ đâu đại họa giáng xuống…

Nghe Hoàng hậu nói vậy, các phi tần đều kinh sợ mở to mắt nhìn chiếc áo bào lộng lẫy tuyệt vời, tiếng rì rầm râm ran nổi lên. Tố Khiết ngỡ ngàng đứng giữa đại điện, sắc mặt trắng bệch, ta quay sang nhìn Hoàng hậu, lúc này cô ta chỉ chăm chăm nhìn Hạ Hầu Thần, gương mặt đầy vẻ quan hoài, tình thâm ý trọng. Ta khẽ nhíu mày, nghĩ bụng bản thân thận trọng từng li từng tí, rốt cuộc vẫn bị cô ta ra tay chơi khăm phen này?
Ta nói:
Hoàng hậu nương nương đã nói đến mức đó, chi bằng mời người chỉ rõ chỗ xúi quẩy ra, để tiện cho mọi người đề phòng về sau?

Hoàng hậu lúc này mới quay sang phía ta:
Ninh muội muội đừng trách tỷ lắm lời, ai bảo tỷ tỷ quá tinh mắt, mới nhìn sơ đã trông thấy một điểm không được thỏa đáng, đành phải nói ra. Bởi lần này là cuộc thi đấu, nên bản cung mới không nói ngay từ đầu…
Cô ta dừng lại một lát, nhìn ra đại điện,
Khi may áo, việc đầu tiên cần phải chọn vật liệu, ban nãy các cung tỳ đã mang đến rất nhiều xấp vài khác nhau để bốn vị đây chọn lựa, Tố Khiết lập tức chọn cây lụa dày màu tím, đáng ra không có gì sai sót, màu tím cao quý phóng khoáng, nếu may thành trường bào, lại dùng lông hồ ly tím viền cổ áo, đích thực tôn thêm vẻ sang trọng bất phàm của Hoàng thượng, chỉ đáng tiếc cô ta không đủ sắc bén, chọn nhằm một cây vải bị lỗi!

Vừa nói, Hoàng hậu vừa cho người mở rộng chiếc trường bào, lại sai người vặn hết cỡ đèn lưu ly lên để soi vào trong áo, dưới ánh đèn, phần vải trước ngực có một mảng lớn không đồng màu, trông hao hao như vết máu loang, làm nền trên bức thêu, trông giống như long phượng bị thương đang cất tiếng ai oán, mất hết vẻ tươi vui may mắn ban đầu. Mọi người trong điện đồng loạt ồ lên.
Sau khi đèn lưu ly bị thổi tắt, màu sắc kỳ lạ như máu kia lập tức biến mất, trở về màu tím nhạt như ban đầu. Ta thầm than khổ, nhất định Hoàng hậu đã sai người dùng một thứ phẩm nhuộm đặc biệt để đổ lên chiếc trường bào màu tím này, nên soi đèn lên mới bị biến màu như vậy.

Nếu để Hoàng thượng mặc chiếc áo này lên người, ban ngày ban mặt không thấy thì không sao, nhưng nếu trong buổi dạ yến, trong cung đèn đuốc sáng trưng, để người ta phát hiện long phượng trên thân người rỉ máu khóc than, là điều vô cùng xui xẻo…
Cô ta nhíu mày than,
Thần thiếp thấy Tố Khiết chọn cây vải này là đã để ý, nhìn một cái là nhận ra điểm bất ổn bên trong, vì đang trong lúc thi đấu, nên mới kiềm chế đến bây giờ mới nói.

Tố Khiết sớm đã hoảng sợ quỳ xuống, không thốt nổi một câu xin tội, ta khẽ nhíu mày, chuyện đến nước này, thật không nghĩ ra nên dùng cách gì đảo ngược tình thế, chỉ đành nói:
Mang áo bào đến đây để bản phi xem thử!

Hoàng hậu che miệng cười:
Muội muội vẫn muốn xem cơ à? Bản cung biết muội thương yêu Tố Khiết. Muội cứ yên tâm, người không biết không có tội, không ai có thể cáo buộc nó điều gì.

Ta không buồn để ý đến những lời khiêu khích kia, ra hiệu cho cung nữ đem trường bào lại gần, xem thật cẩn thận, quả nhiên không có ánh đèn chiếu vào, chiếc áo này trước sau trên dưới chỉ thuần một màu tím nhạt nhã nhặn, lót lụa mềm bên trong. Lật sang mặt bên, thử dùng ngón tay miết vào phần vải lót, chỉ thấy hơi gờn gợn, tim ta chợt lỗi một nhịp, từ vạt dưới sờ thử lên trên đến chỗ vết máu hiện ra dưới ánh đèn, cảm thấy dưới ngón tay có một miếng vải lạ, bèn bóc ra, hóa ra là một miếng lụa đỏ, không biết bị ai để vào bên trong.
Ta mỉm cười, giơ miếng vải lạ ra trước mặt Tố Khiết:
Ngươi sao lại bất cẩn khâu lẫn cả miếng vải đỏ vào đây? Để người ta tưởng trên áo có vết bẩn, là tội lớn lắm.

Hoàng hậu thấy thế thời chết lặng, không biết nên nói lại thế nào, môi mấp máy không ra câu, ta quay về phía Hạ Hầu Thần tâu:
Hoàng thượng, giờ vật này đã được lấy ra, chiếc áo lại đẹp đẽ không tỳ vết như trước, sao Hoàng thượng không mặc thử xem?

Vì trời còn sáng nên trong điện không thắp đèn, gương mặt Hạ Hầu Thần chìm trong bóng tối, không nhìn rõ sắt diện, nhưng ta cứ cảm giác hắn dường như có cười một lát. Hắn bước xuống đài, đón lấy chiếc trường bào, có cung tỳ giúp hắn xỏ vào, gương mặt hắn phản chiếu màu tím của lông hồ ly, quả thực anh tuấn rạng rỡ, hai tròng mắt cũng phản chiếu ánh tím, càng thêm tôn quý khác thường, chúng phi tần vừa trông thấy đã ngây người, hồi lâu mới nghe dậy tiếng trầm trồ, xem chừng thắng thua đã phân định rõ ràng.
Hạ Hầu Thần tuyên thánh chỉ, lập Tố Khiết làm Thượng Cung tân nhiệm, tiếp quản Thượng Cung cục. Đỗ Nhĩ Trân hơi lộ vẻ tức giận, nhưng đến Hoàng hậu còn á khẩu không thể nói gì, bản thân cô ta biết làm gì hơn?
Chiếc trường bào màu tím do Tố Khiết dày công hoàn thành được giao cho ta cất đi, đêm ấy Hạ Hầu Thần nghỉ lại ở Chiêu Tường các, ta bèn sai người hâm nóng mấy món nhắm, cùng hắn uống rượu, trong lúc rảnh rang mới dợm hỏi:
Hoàng thượng, người nói xem miếng vải trong trường bào rốt cuộc do ai lồng vào trong?

Hắn hớp cạn chén rượu, hơi bực mình nói:
Trẫm gạt hết quốc gia đại sự sang một bên, mất cả một ngày trời cùng các nàng trông coi việc may áo tết vòng đã đủ phiền lắm rồi, khó khăn mãi mới được yên tĩnh, nàng để trẫm thư giãn một chút được không?

Ta chăm chú nhìn hắn, thấy hai hàng lông mi dài phủ rợp mắt, rượu vào khiến mấy tia đỏ ở khóe mắt hơi hiện ra, không kìm được khẽ vuốt mấy sợi tóc mai lơ thơ trên mắt hắn:
Thần thiếp biết rồi…

Nói xong tự cảm thấy kinh ngạc, sao giọng nói của mình lại dịu dàng nũng nịu như thế, ta đâu có cố tình?
Hắn nghe ta nói vậy, lòng chợt mừng, cười hỏi:
Nếu nàng nhớ trẫm, cứ sai Khang Đại Vi chuyển lời là được, cần gì khổ sở lén lút đi theo?

Ta vừa gắp một miếng thức ăn đưa lên miệng, đôi đũa lập tức tuột tay rơi xuống đĩa, quay sang thấy nụ cười trên miệng hắn thật hời hợt, trong lòng không khỏi nghi hoặc, lời hắn vừa nói là thật lòng hay chỉ vờ vịt vậy thôi?
Chợt nhớ đến dáng vẻ thảm hại của mình khi bị Khang Đại Vi bắt quả tang, lần đầu tiên trong đời thực sự trở nên lắp bắp, lúng túng không biết phải nói gì.
Hắn hớn hở gắp liền mấy miếng thức ăn đưa lên miệng. Ta phát hiện một chi tiết thú vị, mỗi lần hắn vui, thể nào cũng ăn nhiều hơn rất nhiều, việc này chắc không thể giả vờ được?
Hoàng hậu tuyệt nhiên không thể mắc một lỗi sơ đẳng như vậy, dùng miếng vải đỏ tùy tiện lồng vào trong áo, nhất định cô ta đã dùng phẩm màu đặc biệt để nhuộm xấp vải kia, khiến Tố Khiết phạm vào một tội danh mơ hồ, như vậy có người đã sớm biết kế hoạch của Hoàng hậu, bèn tráo đổi xấp vải. Từ khi chọn vải đến khi bắt đầu cắt may thời gian rất ngắn, ai lại có thủ hạ võ công siêu quần để đánh tráo như vậy? Đáp án thật rõ như ban ngày.
Ta thầm hổ thẹn vì trước đó đã ngờ vực vô căn cứ, nếu hắn đem đề bài tiết lộ cho Hoàng hậu, chắc cũng là chuyện bất đắc dĩ, chỉ vì duy trì sự yên ổn của triều đình và hậu cung, hắn đã phải lao tâm tổn sức không ít.
Hắn làm Hoàng đế quả thực chẳng dễ dàng gì. Ta vừa gắp thức ăn đưa lên miệng, vừa thầm nghĩ như vậy, lòng bất giác kinh ngạc, mỗi lần nhớ đến hắn, ta không ngờ vực thì lại suy đoán, cho rằng hắn làm tất cả mọi chuyện đều vì cái lợi, dường như chưa từng đặt mình vào hoàn cảnh của hắn mà suy nghĩ… Chẳng lẽ ta đang dần đổi thay?
Ta biết Hoàng hậu chắc chắn cho rằng ta phái người giở trò, cô ta sẽ không chuyển nghi vấn sang phía Hạ Hầu Thần, nhưng lúc này ta chẳng hề oán giận hắn chút nào, ngược lại cho rằng chuyện nên thế. Nếu Hoàng hậu nhận ra Hạ Hầu Thần không còn tín nhiệm mình, tin tức truyền ra ngoài, nhà họ Thời nhân đó làm loạn sẽ khiến triều chính nghiêng đổ, mọi ý muốn ban đầu của ta và hắn đều bay biến.
Hạ Hầu Thần không xuất đầu lộ diện, Hoàng hậu sẽ nghĩ đây chỉ là cuộc tranh giành của nữ nhân với nhau, cô ta lên làm Hoàng hậu, tất thấu hiểu quy tắc trong hậu cung: Hạ Hầu Thần không thể chỉ sủng ái một mình Hoàng hậu, chỉ có cách tự mình triệt hạ các đối thủ mới có thể duy trì vinh sủng bền lâu. Hiện giờ ta đã thắng hai lần, cô ta chắc chắn căm hận tận xương tủy. Có điều chuyện chưa đến nỗi nguy cấp, người ta nói nhiều rận thì dày da, từ ngày ta quay trở lại cung cấm có lẽ đã bị cô ta liệt vào hàng đối địch, có hận thêm một chút thì thấm vào đâu?
Tố Khiết nhậm chức Thượng Cung, ta luôn miệng căn dặn, khi mới tiếp quản công việc, tất cả mọi chuyện phải thận trọng, ai nấy đều biết ta lập nó lên, chẳng biết có bao người đang chờ chực xem nó thất thố.
Con người Tố Khiết vốn đã cẩn thận, nghe khuyên bèn vâng dạ đáp lời, sau khi nó dọn đến ở Thượng Cung cục, hai bên không thường xuyên gặp mặt nữa. Tố Khiết an phận, bẩm sinh yêu thích việc chế trâm may áo, nghe nói sau khi đến Thượng Cung cục đã rất tâm đầu ý hợp với Hoắc Thiên Bình, hai người thiết kế ra vô số vật dùng mới mẻ, đặc biệt kiểu trâm đan bằng tơ vàng, trở thành thứ trâm ai nấy trong cung đều muốn có được.
Kỳ thực kiểu trâm này tuy vô cùng tinh xảo, nhưng không mấy chắc bền, dùng một thời gian dài sẽ lộ ra khuyết điểm, có điều trong cuộc thi quan trọng nhất là chiếm được thiện cảm tức thời của mọi người, nên trước đó ta mới để Tố Khiết rèn luyện kỹ thuật này.
Việc tranh tài tuyển chọn Thượng Cung tính đi tính lại cũng chỉ có thể là mấy nội dung đó, trước khi Hạ Hầu Thần ra đề đã sai Khang Đại Vi gọi mấy vị nghệ nhân thâm niên ở Thượng Cung cục đến hỏi chuyện, tham khảo ý kiến trước. Ta dò hỏi một chút là biết hắn định ra đề thế nào, tuy ta không trực tiếp hỏi Hạ Hầu Thần như Hoàng hậu, nhưng cũng vẫn là biết trước.
Mấy ngày nay mưa phùn rả rích, hoa đào dưới mưa dập nát cả, rụng đầy mặt đất tan thành bùn nhão, đầu cành nhú lên quả non bé tí tẹo, âu cũng là quy luật tự nhiên phải thế.
Đúng dịp quý thủy[2] của ta tới, Nội Thị Giám phái người đến ghi chép, Hạ Hầu Thần biết chuyện nên cố tình không triệu ta thị tẩm. Hai bên đã ngầm giao hẹn sẽ không tỏ ra quá thắm thiết, tránh để ta trở thành cái đích của trăm ngàn mũi tên, hắn vẫn phân phát ơn trạch cho muôn hoa, thậm chí còn đến chỗ Ninh Tích Văn hai lần, xong xuôi về nói với ta:
Tỷ muội nàng mỗi người một vẻ, nhưng đều quyến rũ như nhau.

[2] Kinh nguyệt của phụ nữ.
Ta cố tình ghen tuông, cất giọng hờn mát:
Hoàng thượng, sao người cứ đem thần thiếp ra so với người ta?

Ăn giấm nếm chua nhiều nên kỹ thuật diễn càng lúc càng điêu luyện, đôi khi ta tưởng như mình ghen thật, khiến Hạ Hầu Thần được một phen cười sảng khoái.
Hắn không sủng hạnh ta quá nhiều, nhưng mỗi lần đến Chiêu Tường các là hùng hục một mạch đến khi đôi bên mệt mỏi rã rời, ngày hôm sau hắn đi rồi, ta phải ngủ đến chiều mới dậy nổi. Ta cố thử thám thính chuyện kia của hắn với các phi tử khác thì tình hình khác hẳn, đôi lúc chỉ đến một hai canh giờ lại đi ngay, có khi xong chuyện hắn bèn một mình tới Ngự Thư phòng phê duyệt tấu chương. Tuy ta giỏi dùng mưu mẹo, khi làm Thượng Cung cũng biết không ít bài thuốc tẩm bổ chuyện phòng the, nhưng trước nay chưa từng dùng. Ta cùng các phi tử khác quan hệ không mấy tốt đẹp, càng không tiện hỏi thăm những việc quá nhạy cảm, Hạ Hầu Thần từng sủng hạnh vài ba cung tỳ ở chỗ các phi tần khác, nhưng chưa bao giờ làm việc đó ở chỗ ta, nếu không ta đã có cơ hội thu thập chút kinh nghiệm… Hay vấn đề là ở phía ta?
Qua hai ngày, quý thủy đã hết, Nội Thị Giám lập tức mang ý chỉ của Hoàng thượng đến, nói tối nay thánh giá sẽ lưu lại Chiêu Tường các. Tuy hắn không còn thô bạo với ta như trước, dần dần ta cũng tìm thấy khoái lạc, nhưng vừa nghĩ đến đêm nay lại một trận mệt nhoài, trong lòng không khỏi buồn bực. Tố Linh và Tố Tú hí hửng giúp ta mặc áo trang điểm, còn mang cánh hoa và dầu thơm chuẩn bị pha nước tắm, thấy hai đứa mắt hạnh má hồng, đang tuổi xuân xanh phơi phới. Mỗi khi Hạ Hầu Thần đến, ta đều tìm cớ cho cả hai quanh quẩn lượn lờ bên cạnh, nhưng chẳng đứa nào được việc. Nghĩ đến chuyện này trong lòng chợt thấy khổ não, có lẽ nên hỏi thử mẫu thân xem sao, có phải nam nhân nào cũng như vậy?
Đèn hoa vừa thắp, Hạ Hầu Thần đã theo lối vườn bước vào. Lần nào đến chỗ ta, hắn cũng sai người mang lên vài ba món nhắm, uống vài ba tuần rượu ngọt, tuy vậy cữ ăn uống khống chế rất nghiêm ngặt. Sau một thời gian dài ở bên, ta mới hiểu hắn là kẻ vô cùng khắc kỷ, thường nhật không có sở thích tiêu khiển đặc biệt, những thú vui của Hoàng đế tiền triều như du xuân săn bắn, chọi gà đấu chó, cá cược… hắn chẳng hề màng đến, ngoại trừ việc thường xuyên lui đến chỗ các phi tần, thường chỉ nhốt mình ở Ngự Thư phòng bàn bạc quốc sự với đám đại thần, chẳng khác nào một thầy tu khổ hạnh so với các vị hoàng đế khác.
Nghĩ đến đây, ta bất giác phì cười. Hắn ngồi phía đối diện lúc này ngẩng lên, dùng ánh mắt lạnh lùng liếc ta một cái:
Ái phi lại nghĩ ra chuyện gì đáng cười vậy?

Ta gắp một miếng điểm tâm đặt vào đĩa của hắn, nói:
Hoàng thượng, ngày xuân ngắn ngủi, người có hứng thú đi thăm Thiên Thọ Sơn với bọn thần thiếp hay không?

Xem bộ dạng hắn có vẻ chẳng mấy thích thú, chỉ nheo mắt không nói gì, hồi lâu mới hỏi:
Ái phi muốn đi ư?

Ta đáp:
Mấy ngày nay mưa gió dầm dề, khó khăn lắm mới được một hôm nắng đẹp, thần thiếp muốn ra ngoài dạo chơi, nhưng ở trong cung đi tới đi lui cũng chỉ có Ngự Hoa viên, chẳng còn gì thú vị nữa. Thần thiếp phò tá Hoàng hậu quản lý lục cung đã lâu mà chưa làm được chuyện gì cho các tỷ muội được vui, chi bằng nhân tiết xuân xuất cung du ngoạn một trận ra trò thì hay?

Thiên Thọ Sơn cách kinh thành không xa, chưa đến mười dặm đường, vốn là nơi săn bắn tiêu khiển của hoàng gia, hoàng đế tiền triều trước kia thường xuyên dẫn các phi tần lên núi ngắm cảnh.
Kỳ thực ta nghĩ mỗi bận quý thủy hết, hắn đều muốn đến chỗ ta liên tục ba bốn ngày, nếu sáng mai xuất phát, có chúng phi tần ở đó, nếu có ai thu hút sự chú ý của hắn thì có phải tốt cho ta không?
Đôi mắt Hạ Hầu Thần lấp lóe ánh quang, ta biết ấy là dấu hiệu hắn nổi lòng nghi ngờ, cho rằng ta lại đang mưu tính điều gì. Ta bèn thưa:
Hoàng thượng, nếu người còn bận rộn việc quốc sự, thì cứ xem như thần thiếp chưa nói gì.

Ta nói với vẻ hơi thất vọng.
Hạ Hầu Thần liền mỉm cười nói:
Hiếm khi ái phi có hứng như vậy, trẫm đành nghe thôi.
Hắn kề sát tai ta nói,
Lấy trời đất làm chăn, để âm dương hòa hợp, cũng là một khoái cảm mới lạ đó.

Ta mặt đỏ tới tận tai, kéo tay áo hắn:
Hoàng thượng, sao người chỉ nghĩ đến mấy chuyện ấy?

Hắn choàng tay ôm chầm lấy ta, không thể kiềm thêm được nữa, bèn hôn vào cổ ta, cung nhân đứng ai nấy đỏ mặt, vội lui ra.
Lại giúp chúng ta đóng chặt cửa sổ.
Lần đầu tiên hắn tỏ ra nôn nóng trước mặt các cung tỳ, khiến ta thẹn đến chín mặt, định thoát khỏi tay hắn, nhưng vùng vẫy thế nào cũng không được. Xoay sở thân người một lúc, hóa ra chuốc vạ vào thân, hắn thì thầm vào tai ta rằng:
Ái phi, nàng cứ như thế, trẫm sắp không chịu nổi nữa rồi.

Giọng hắn nhỏ nhẹ chân thành, thánh thót như tiếng chim gọi bầy, nhưng lời nói ra vô cùng dạn dĩ, khiến ta cảm thấy máu toàn thân như dồn lên đầu, thân thể nóng ran, chỉ biết vùi mặt vào cổ hắn, cảm thấy yết hầu hắn lên xuống, không nhịn được cắn nhẹ một cái, hắn chợt rùng mình, ôm chặt lấy ta, bước vội mấy bước rồi ném ta xuống giường, nằm đè lên trên.
Lại một đêm nữa ta phải chịu giày vò. Nhưng khác với trước, cảm giác khoan khoái như ở trong mây kia khiến cơ thể ta hân hoan đến cực điểm, ngay sau ấy là mệt mỏi rã rời, nhưng hắn không cho ta ngủ yên, mấy lần thiu thiu thiếp đi, hắn lại quấy nhiễu làm ta tỉnh người, đến tận khi trời hửng sáng, ánh mặt trời rụt rè chiếu qua song cửa ta mới được ngủ, láng máng nghe tiếng hắn gọi người vào sửa soạn thượng triều, lòng chỉ biết than sức khỏe hắn quá sung mãn.
Ta miễn cưỡng nhắc nhở bản thân rằng, cuộc du ngoạn Thiên Thọ Sợ nhất định phải tổ chức, đến trưa thì tỉnh lại, lập tức phát thiệp đến các cung. Những ai đồng ý tham gia thì báo lại, qua bữa tối là xuất phát ngay. Vì lần này Hạ Hầu Thần tham gia, nên đám phi tần có ai không hớn hở đồng ý, ta lấy danh nghĩa đồng tổ chức với Hoàng hậu, nhưng mọi sự xong xuôi mới báo sang cung Chiêu Thuần. Ta biết làm như vậy chỉ khiến cô ta hận thêm sâu, nhưng có hận ta, Hoàng hậu mới không nghi ngờ Hạ Hầu Thần. Ngay từ đầu đã dự định như vậy, nay ta làm thêm mấy việc để khiêu khích là hợp lẽ.
Nhấn vào đây để xem chương mới nhất của Ebook Thượng Cung.