2. Động Cơ
-
Tiền không mua được gì?
- Michael Sandel
- 2319 chữ
- 2020-05-09 09:43:28
Số từ: 2305
Dịch giả: Nguyễn Diệu Hằng
Nhà xuất bản: Nhà xuất bản Trẻ
2.1. Trả tiền cho người triệt sản
M
ỗi năm, có hàng trăm nghìn em bé có mẹ nghiện ma túy được sinh ra. Một số bé bị nghiện ma túy bẩm sinh, và rất rất nhiều bé sẽ bị ngược đãi hoặc không được quan tâm. Barbara Harris, người sáng lập một tổ chức từ thiện ở bang North Carolina có tên là Project Prevention đã đưa ra một giải pháp mang tính thị trường. Bà đề nghị trả cho những người phụ nữ nghiện ma túy 300 dollar tiền mặt nếu họ chấp nhận triệt sản hoặc áp dụng biện pháp tránh thai lâu dài. Hơn 3.000 phụ nữ đã tham gia chương trình của bà kể từ khi nó ra đời năm 1997[64].
Những người phản đối cho rằng chương trình này
tội lỗi về mặt đạo đức
, một dạng
hối lộ để triệt sản
. Theo họ, dùng động cơ tài chính để xúi giục người nghiện ma túy từ bỏ khả năng sinh sản thực chất là ép buộc họ, đặc biệt khi đối tượng của chương trình là những phụ nữ dễ bị tổn thương, sống ở khu vực nghèo khổ. Thay vì giúp đỡ họ vượt qua chứng nghiện ngập thì chương trình lại dùng tiền để bao cấp họ. Như câu khẩu hiệu được in trên một tờ rơi của chương trình:
Đừng để việc mang thai ảnh hưởng đến thói quen nghiện ngập
[65].
Harris cũng thừa nhận rằng khách hàng của bà dùng tiền nhận được để mua ma túy. Nhưng bà tin rằng đây là cái giá rẻ phải bỏ ra để ngăn chặn tình trạng các em bé sinh ra đã nghiện ma túy. Một số phụ nữ tham gia chương trình đã từng mang thai cả chục lần trước đó, rất nhiều người đã có nhiều con và đều phải gửi đến trung tâm chăm sóc trẻ em bị bỏ rơi. Harris đặt câu hỏi:
Tại sao lại cho rằng quyền sinh sản của phụ nữ quan trọng hơn quyền được hưởng một cuộc sống bình thường của trẻ em?
Quan điểm của bà xuất phát từ chính kinh nghiệm bản thân. Vợ chồng bà đã nhận bốn con nuôi ở Los Angeles, đều là các bé có mẹ nghiện hút.
Tôi sẽ làm mọi điều tôi phải làm để các em bé không phải chịu khổ. Tôi không tin rằng có ai lại có quyền truyền sự nghiện ngập của mình sang người khác
[66].
Năm 2010, Harris đem chương trình tới Anh, nơi ý tưởng trả tiền để người nghiện triệt sản của bà gặp phải sự phản đối dữ dội của báo chí và Hiệp hội Y khoa Anh. Một bài báo trên tờ Telegraph gọi đây là một
đề xuất đáng ghê sợ
. Không nản chí, Harris tiếp tục mở rộng hoạt động sang Kenya, nơi bà trả cho mỗi phụ nữ dương tính với HIV 40 dollar để họ đặt vòng – một công cụ tránh thai lâu dài. Ở Kenya và Nam Phi, nơi Harris dự kiến sẽ đến, các quan chức y tế và các nhà hoạt động vì nhân quyền đều lên tiếng chê bai và phản đối bà [67].
Từ quan điểm lập luận thị trường, khó có thể hiểu tại sao chương trình của Harris lại bị chỉ trích. Mặc dù một vài nhà phê bình cho rằng nó khiến họ nhớ đến thuyết ưu sinh của Đức Quốc xã, nhưng chương trình trả-tiền-cho-người-triệt-sản là một dạng thỏa thuận tự nguyện giữa các cá nhân. Nhà nước không tham gia chương trình, và không ai bị triệt sản trái với mong muốn. Một số người thì giải thích là những người nghiện ma túy rất muốn có tiền, và họ không thể đưa ra lựa chọn thực sự tự nguyện khi được cho tiền dễ dàng như vậy. Harris đáp lại rằng nếu người nghiện thiếu năng lực xét đoán đến mức ấy thì làm sao chúng ta có thể hy vọng họ sẽ có những quyết định đúng đắn liên quan đến việc sinh đẻ và nuôi dưỡng con cái? [68]
Nếu nhìn theo quan điểm mua bán trên thị trường thì thỏa thuận giữa Project Prevention và người nghiện đã tạo lợi ích cho cả hai bên và làm gia tăng phúc lợi xã hội. Người nghiện được nhận 300 dollar, đổi lại họ từ bỏ khả năng sinh con. Với 300 dollar bỏ ra, Harris và tổ chức của bà nhận được sự đảm bảo rằng người nghiện sẽ không sinh ra một em bé nào bị nghiện ma túy bẩm sinh nữa. Theo logic thị trường, thỏa thuận trao đổi này hiệu quả về mặt kinh tế. Nó đã phân bổ hàng hóa – ở đây là biện pháp tránh thai cho người nghiện – đến người sẵn lòng trả giá cao nhất cho hàng hóa đó, và cũng là người đánh giá hàng hóa đó cao nhất (tức là Harris).
Vậy tại sao xã hội lại ồn ào lên thế? Vì hai lý do, và chúng sẽ soi sáng cho ta thấy được hạn chế về mặt đạo đức của lập luận thị trường. Một vài người cho rằng thỏa thuận trả-tiền-cho-người-triệt-sản là một dạng ép buộc, người khác lại gọi đây là hành vi hối lộ. Hai lập luận phản đối này thực chất rất khác nhau. Mỗi lập luận nêu ra một lý do cho việc ngăn không cho thị trường vươn tầm ảnh hưởng tới những nơi không phải chỗ của nó.
Theo lập luận phản đối sự ép buộc, khi một phụ nữ nghiện ma túy đồng ý triệt sản để có tiền thì đây không phải một quyết định tự nguyện hoàn toàn. Mặc dù không ai kề súng vào đầu ép buộc cô ta, nhưng dường như tiền là một thứ quá quyến rũ, khó có thể cưỡng lại. Với người nghiện ma túy – trong hầu hết các trường hợp, họ cũng là người nghèo – hành động chọn triệt sản để có 300 dollar không thực sự là tự nguyện. Thực tế, có thể cô ta bắt buộc phải làm như vậy vì tình trạng cuộc sống hiện tại. Tất nhiên, chúng ta không nhất trí được với nhau về việc trong điều kiện nào, nguyên nhân nào khiến cô ta bị ép buộc phải quyết định. Nên để đánh giá đúng ý nghĩa đạo đức của một giao dịch trên thị trường, trước tiên chúng ta phải trả lời câu hỏi: Trong điều kiện nào thì giao dịch trên thị trường hàm ý con người được tự do đưa ra quyết định, và điều kiện nào dẫn đến họ phải quyết định trong tình trạng bị ép buộc?
Lập luận phản đối hành vi hối lộ lại khác. Vấn đề không phải giao dịch diễn ra trong điều kiện nào mà là bản chất của loại hàng hóa được đem ra giao dịch. Hãy xem một tình huống hối lộ điển hình. Nếu có một nhân vật xấu hối lộ một thẩm phán hoặc một quan chức chính phủ để thu lợi bất chính hoặc để được ưu ái thì giao dịch xấu này có thể hoàn toàn là tự nguyện. Cả hai bên đều không bị ép buộc, và cả hai đều có lợi. Lý do khiến nó bị phản đối không phải vì hai người bị ép buộc thực hiện giao dịch mà vì nó là một hành vi tham nhũng. Tham nhũng còn có nghĩa là mua bán những thứ không nên đem ra trao đổi (ví dụ một phán quyết thiên vị ở tòa án hay ảnh hưởng chính trị trên chính trường).
Chúng ta thường nghĩ tham nhũng là hành vi đưa tiền trái phép cho quan chức nhà nước. Nhưng như đã nói ở chương 1, tham nhũng có ý nghĩa rộng hơn. Chúng ta tham nhũng một hàng hoá, một hoạt động, một hành vi xã hội có nghĩa là chúng ta đối xử với chúng theo những chuẩn mực thấp, không phù hợp với chúng. Lấy một ví dụ thật cực đoan: người nào sinh con ra để bán kiếm tiền thì tức là người đó đã tham nhũng tư cách làm cha mẹ vì đã coi trẻ em là công cụ sử dụng thay vì đối tượng để yêu thương. Tham nhũng chính trị cũng có thể được nhìn nhận tương tự. Khi một vị thẩm phán nhận tiền hối lộ để đưa ra phán quyết sai, ông ta đã coi quyền tư pháp của mình là công cụ để kiếm lợi cá nhân thay vì là công cụ để duy trì niềm tin của xã hội. Ông ta đã làm xói mòn, làm mất ý nghĩa của nghề tư pháp khi đối xử với nó theo những chuẩn mực không xứng đáng.
Tham nhũng nghĩa rộng chính là nguyên nhân khiến nhiều người cho rằng chương trình trả-tiền-cho-người-triệt-sản là một dạng hối lộ. Những người gọi đây là hành vi hối lộ cho rằng bất kể thỏa thuận diễn ra là tự nguyện hay không, nó vẫn là tham nhũng. Lý do là cả hai bên – người mua (tức Harris) và người bán (người nghiện ma túy) – đã đánh giá hàng hóa (khả năng sinh con của người nghiện) theo cách sai lầm. Harris coi những phụ nữ nghiện ma túy và dương tính với HIV như thể những cỗ máy sinh sản bị lỗi và có thể bỏ tiền ra tắt chúng đi. Những người chấp nhận thỏa thuận với Harris đã tự làm xói mòn hình ảnh của chính mình. Đây là khía cạnh đạo đức của lập luận cho rằng Harris đang hối lộ. Giống như vị thẩm phán hay quan chức nhà nước tham nhũng, những người đi triệt sản để có tiền đã bán một thứ không nên đem ra mua bán. Họ coi năng lực sinh sản của mình là công cụ kiếm tiền chứ không phải một món quà, một trách nhiệm phải thực hiện theo chuẩn mực trách nhiệm và quan tâm thông thường.
Ngược lại, cũng có thể lập luận rằng so sánh như vậy là sai. Vị thẩm phán nhận tiền hối lộ để đưa ra phán quyết sai đã bán cái không thuộc quyền sở hữu của ông ta. Phán quyết tại tòa không phải tài sản của ông. Nhưng người phụ nữ đồng ý triệt sản để có tiền đã bán cái mà cô ta sở hữu – tức năng lực sinh sản của cô. Nếu không có sự xuất hiện của tiền ở đây thì cô ta không hề sai khi quyết định triệt sản (hoặc không sinh con); còn vị thẩm phán thì sai khi đưa ra một phán quyết bất công, bất kể ông ta có được hối lộ hay không. Nhiều người sẽ cho rằng nếu một phụ nữ có quyền từ bỏ khả năng sinh con của mình vì lý do cá nhân thì cô ta cũng hoàn toàn có quyền làm điều đó để có tiền.
Nếu chấp nhận lập luận này thì thỏa thuận trả-tiền-cho-người-triệt-sản hoàn toàn không bị coi là hối lộ nữa.
Như vậy, để quyết định liệu khả năng sinh đẻ của phụ nữ có thể được đem ra mua bán không, chúng ta phải xem nó là loại hàng hóa gì: Có nên coi cơ thể mỗi người là tài sản chúng ta được sở hữu và có thể sử dụng theo bất cứ cách nào chúng ta muốn không, hay việc sử dụng cơ thể của chính mình sẽ làm suy giảm giá trị bản thân? Đây là câu hỏi lớn và gây nhiều tranh cãi, thường xuất hiện trong các cuộc tranh luận về các vấn đề mại dâm, mang thai hộ, mua bán trứng và tinh trùng. Trước khi kết luận liệu các quan hệ mua bán trên thị trường có phù hợp với chúng không, chúng ta phải xem đời sống tình dục và sinh sản hiện đang bị chi phối bởi những chuẩn mực nào.
∞ ∞ ∞ ∞ ∞
[64] Michelle Cottle,
Nói có với chương trình CRACK
, New Republic
, 23/8/1999; William Lee Adams,
Tại sao người nghiện ma túy triệt sản vì tiền
, Time
, 17/4/2010. Tính đến tháng 8/2011, số người nghiện ma túy và nghiện rượu (cả đàn ông và phụ nữ) nhận tiền để triệt sản hoặc áp dụng biện pháp tránh thai lâu dài theo chương trình Project Prevention là 3.848 người. Nguồn: http://projectprevention.org/statistics.
[65] Pam Belluck,
Kế hoạch trả tiền để triệt sản thu hút người nghiện và giới phê bình
, New York Times
, 24/7/1999; Adams,
Tại sao người nghiện ma túy triệt sản vì tiền
; Cottle,
Nói có với chương trình CRACK
.
[66] Adams,
Tại sao người nghiện ma túy triệt sản vì tiền
; Jon Swaine,
Người nghiện triệt sản vì tiền
, Telegraph
, 19/10/2010; Jane Beresford,
Có nên trả tiền cho người nghiện để họ triệt sản không?
, BBC News Magazine
, 8/2/2010, http://news.bbc.co.uk/2/hi/uk_news/magazine/8500285.stm.
[67] Deborah Orr,
Project Prevention trả 200 bảng để bạn cắt ống dẫn tinh – và mất tương lai
, Guardian
, 21/10/2010; Andrew M. Brown,
Trả tiền cho người nghiện để họ triệt sản là hoàn toàn sai lầm
, Telegraph
, 19/10/2010; Michael Seamark,
Một phụ nữ Mỹ muốn ‘hối lộ’ người nghiện heroin ở Anh 200 bảng để cắt ống dẫn tinh
, Daily Mail
, 22/10/2010; Anso Thom,
Choáng váng khi triệt sản cho người HIV: Bộ Y tế đả kích kịch liệt ý tưởng tránh thai
, Daily News
(Nam Phi), 13/4/2011;
Phản đối ý tưởng ‘Trả tiền để tránh thai’ cho phụ nữ dương tính với HIV
, Africa News
, 12/5/2011.
[68] Adams,
Tại sao người nghiện ma túy triệt sản vì tiền
.