• 390

3.11. Bán máu


Số từ: 1189
Dịch giả: Nguyễn Diệu Hằng
Nhà xuất bản: Nhà xuất bản Trẻ
C
ó lẽ ví dụ nổi tiếng nhất minh họa cho việc thị trường lấn át các chuẩn mực phi thị trường là nghiên cứu kinh điển về hiến máu nhân đạo của nhà xã hội học người Anh Richard Titmuss. Trong cuốn sách xuất bản năm 1970 có tên Mối quan hệ cho nhận
(The Gift Relationship), Titmuss đã so sánh hệ thống thu gom máu của Anh, nơi toàn bộ máu dùng để truyền là do người tình nguyện hiến tặng, với hệ thống của Mỹ, nơi một phần máu dùng để truyền là do người tình nguyện hiến tặng, phần khác là do có những người bán máu để kiếm tiền. Titmuss đưa ra lập luận ủng hộ hệ thống của Anh và phản đói việc coi máu là hàng hóa để mua bán trên thị trường.
Titmuss đưa ra một loạt dữ liệu chứng minh rằng xét về mặt kinh tế và thực tiễn, hệ thống thu gom máu của Anh tốt hơn hệ thống của Mỹ. Mặc dù thị trường được coi là hiệu quả, nhưng hệ thống của Mỹ thường dẫn đến hậu quả là thiếu máu thường xuyên, lãng phí máu, chi phí cao và rủi ro máu bị nhiễm độc cao [174]. Đồng thời Titmuss cũng đưa ra lập luận đạo đức phản đối việc mua bán máu.
Lập luận đạo đức của Titmuss phản đối việc thương mại hóa máu đã minh họa cho hai lập luận phản đối thị trường mà chúng ta đã thảo luận trước đây – lập luận liên quan đến tính công bằng và về tham nhũng. Ông cho rằng thị trường máu chỉ khai thác người nghèo (lập luận liên quan đến tính công bằng). Ông quan sát thấy các ngân hàng máu hoạt động vì lợi nhuận của Mỹ chủ yếu lấy máu từ những người vô gia cư đang rất cần tiền. Việc thương mại hóa máu dẫn đến đa phần máu ở đây là
do những người nghèo, người có trình độ thấp, người thất nghiệp, người da đen và những người có thu nhập thấp khác cung cấp
. Ông viết: một
tầng lớp mới đang xuất hiện trong nhóm dân cư bị khai thác máu, đó là những người có khả năng bán nhiều máu
. Hiện tượng tái phân phối máu
từ người nghèo sang người giàu đang là một trong những ảnh hưởng lớn mà hệ thống ngân hàng máu của Mỹ gây ra
[175].
Nhưng Titmuss còn phản đối vì một lý do khác nữa: biến máu thành hàng hóa trên thị trường đã làm xói món nhận thức của người dân về nghĩa vụ hiến máu, làm mất dần tinh thần vị tha và làm suy giảm
mối quan hệ cho nhận
– một đặc điểm quan trọng trong đời sống xã hội (lập luận phản đối liên quan đến tham nhũng). Khi xem xét trường hợp nước Mỹ, ông phàn nàn về
tình trạng hiến máu giảm đi trong những năm gần đây
và cho rằng nguyên nhân là sự phát triển các ngân hàng máu thương mại.
Thương mại hóa và lợi nhuận từ kinh doanh máu đã làm mất đi tinh thần tự nguyện hiến máu
. Theo Titmuss, một khi con người bắt đầu coi máu là hàng hóa thường được đem ra mua bán thì họ dần không còn cảm giác hiến máu là một trách nhiệm đạo đức phải làm. Ở đây, ông muốn nhắc đến hiệu ứng lấn át mà mối quan hệ thị trường gây ra đối với các chuẩn mực phi thị trường cho dù ông không dùng chính xác cụm từ kia. Việc mua bán máu diễn ra phổ biến đã làm mất đi ý nghĩa đạo đức của việc hiến máu [176].
Titmuss lo ngại không chỉ về tinh thần tình nguyện hiến máu mà cả về hậu quả đạo đức nói chung. Ngoài ảnh hưởng tiêu cực lên chất và lượng máu được cung cấp, tinh thần cho tặng giảm sút sẽ góp phần tạo ra đời sống đạo đức và xã hội nghèo nàn.
Dường như tình trạng mất đi lòng vị tha trong khía cạnh này của đời sống con người sẽ đi cùng với sự thay đổi tương tự trong thái độ, động cơ và mối quan hệ trong khía cạnh khác
[177].
Hệ thống dựa vào thị trường không cản trở bất cứ ai muốn hiến máu, nhưng các giá trị thị trường chi phối hệ thống đã gây ra hiệu ứng xói mòn lên sự cho tặng.
Cách thức xã hội tổ chức, cấu trúc các thể chế xã hội, đặc biệt là hệ thống y tế và phúc lợi, có thể khuyến khích hoặc cản trở tình vị tha trong con người. Những hệ thống này có thể tạo ra hợp tác hoặc bất hòa, có thể cho phép ‘tinh thần cho tặng’ – sự hào phóng với người lạ – được lan tỏa bên trong và giữa các cộng đồng xã hội, các thế hệ với nhau
. Titmuss sợ rằng đến một lúc nào đó, xã hội theo định hướng thị trường sẽ lạnh nhạt với lòng vị tha đến mức có thể cho rằng chúng làm mọi người không còn tự do cho tặng nhau nữa. Titmuss kết luận, việc
thương mại hóa máu và mối quan hệ hiến máu tình nguyện khiến con người không còn thể hiện được lòng vị tha
và làm
xói mòn tinh thần cộng đồng
[178].
Cuốn sách của Titmuss gây ra rất nhiều tranh cãi. Trong số những người phản đối có Kenneth Arrow, một trong những nhà kinh tế học Mỹ lớn nhất vào thời đại của ông. Arrow không phải người ủng hộ thị trường tự do như Milton Friedman. Trong những nghiên cứu đầu tiên, ông đã phân tích khiếm khuyết của thị trường trong lĩnh vực y tế. Nhưng ông đặc biệt phản đối lập luận của Titmuss phê phán kinh tế học và tư duy thị trường [179]. Arrow đã sử dụng đến hai nguyên lý cơ bản của niềm tin vào thị trường, đó là hai giả định về bản chất của con người và đời sống đạo đức mà các nhà kinh tế học thường khẳng định nhưng rất ít khi chứng minh.
∞ ∞ ∞ ∞ ∞
[174] Richard M. Titmuss, Mối quan hệ cho nhận: Từ máu đến chính sách xã hội
(The Gift Relationship: From Human Blood to Social Policy) (New York: Pantheon, 1971), trang 231– 32.
[175] Sách đã dẫn, trang 134-35, 277.
[176] Sách đã dẫn, trang 223-24, 177.
[177] Sách đã dẫn, trang 224.
[178] Sách đã dẫn, trang 255, 270– 74, 277
[179] Kenneth J. Arrow,
Tặng cho và mua bán
, Philosophy & Public Affairs 1
, số 4 (Mùa hè 1972): trang 343– 62. Độc giả có thể xem phản hồi với phần phân tích sâu trong bài báo của Peter Singer,
Lòng vị tha và thương mại: Lập luận ủng hộ Titmuss và phản đối Arrow
, Philosophy & Public Affairs 2
(Mùa xuân 1973): trang 312– 20.
Nhấn vào đây để xem chương mới nhất của Ebook Tiền không mua được gì?.