• 390

3.12. Hai nguyên lý của niềm tin thị trường


Số từ: 937
Dịch giả: Nguyễn Diệu Hằng
Nhà xuất bản: Nhà xuất bản Trẻ
N
guyên lý thứ nhất là thương mại hóa không làm thay đổi tính chất của sản phẩm. Theo giả định này, tiền không bao giờ làm xói mòn mọi thứ, và mối quan hệ thị trường không bao giờ lấn át các chuẩn mực thị trường. Nếu giả định thứ nhất là đúng thì khó mà ngăn cản được thị trường vươn tới mọi khía cạnh của đời sống. Nếu một hàng hóa trước kia chưa từng được mua bán giờ được đem ra thị trường thì nó cũng không gây ra tổn thất gì. Những người muốn mua bán hàng hóa có thể làm như vậy, qua đó gia tăng độ hài lòng của họ. Còn những người coi nó là vô giá thì vẫn được quyền không tham gia mua bán nó. Theo logic như vậy, cho phép mua bán hàng hóa trên thị trường sẽ làm cho một số người có lợi hơn mà không ảnh hưởng đến lợi ích của người khác – kể cả khi hàng hóa được đem ra mua bán là máu. Như Arrow giải thích:
Các nhà kinh tế học thường hiển nhiên cho rằng vì thị trường làm tăng lựa chọn của một cá nhân nên nó sẽ mang lại lợi ích lớn hơn. Vì vậy, khi tạo ra thị trường bán máu bên cạnh hệ thống hiến máu tình nguyện, chúng ta chỉ mở rộng thêm lựa chọn cho mọi người. Nếu một người cảm thấy hài lòng khi hiến máu – theo lập luận thông thường – thì anh ta vẫn có thể tiếp tục, và chẳng cái gì bị ảnh hưởng cả
[180].
Cách tư duy này phụ thuộc nhiều vào quan điểm cho rằng thiết lập thị trường máu không làm thay đổi giá trị, ý nghĩa của máu. Máu luôn là máu, và nó luôn phục vụ mục đích duy trì cuộc sống bất kể nó là được hiến tặng hay được mua. Tất nhiên, cái tốt đẹp ở đây không chỉ là máu mà còn là hành động hiến máu vì người khác. Titmuss gắn giá trị đạo đức độc lập với tính hào phóng vốn là động lực của việc cho tặng. Nhưng Arrow không tin thị trường có thể gây ảnh hưởng gì đến việc cho tặng:
Tại sao thị trường máu ra đời lại làm mất đi sự vị tha khi hiến máu?
[181]
Câu trả lời là thương mại hóa máu đã làm thay đổi ý nghĩa của việc hiến máu. Hãy xem: Trong một thế giới mà máu thường xuyên được đem ra mua bán thì việc đến văn phòng Chữ Thập đỏ địa phương để hiến một túi máu có còn là hành động thể hiện sự hào phóng không? Hay nó trở thành một hành vi bất công vì đã tước đi lợi ích của một người đang cần phải bán máu? Nếu bạn muốn đóng góp vào ngân hàng máu thì tự hiến máu tốt hơn hay góp 50 dollar để mua máu từ một người vô gia cư đang cần tiền sẽ tốt hơn? Có thể cho phép người theo chủ nghĩa vị tha bối rối trong tình huống này.
Nguyên lý thứ hai của niềm tin thị trường thể hiện trong lập luận phê phán của Arrow là: hành vi đạo đức là một hàng hóa cần được thương mại hóa. Tư tưởng chính ở đây là: chúng ta không nên quá dựa dẫm vào lòng vị tha, hào phóng, đoàn kết hay trách nhiệm công dân, vì những phẩm chất đạo đức này đề là nguồn lực khan hiếm, sẽ cạn kiệt dần trong quá trình sử dụng. Thị trường – một thể chế dựa vào lợi ích cá nhân – cho phép chúng ta không phải dùng hết nguồn cung đạo đức giới hạn ấy. Ví dụ, nếu chúng ta chỉ dựa vào sự hào phóng của xã hội để duy trì nguồn cung máu thì sẽ làm bớt đi sự hào phóng dành cho các mục tiêu xã hội hay từ thiện khác. Nhưng nếu chúng ta dùng hệ thống giá để tạo nguồn cung máu thì lòng vị tha sẽ vẫn được duy trì, không bị mất đi khi chúng ta thực sự cần đến nó. Arrow viết:
Như nhiều nhà kinh tế học, tôi không muốn quá phụ thuộc vào đạo đức thay cho lợi ích cá nhân. Tôi nghĩ tốt nhất là chúng ta chỉ yêu cầu mọi người phải cư xử một cách có đạo đức trong trường hợp hệ thống giá bị sụp đổ... Chúng tôi không muốn sử dụng bừa bãi nguồn tài nguyên vị tha vốn rất khan hiếm
[182].
Dễ thấy nhận thức về đạo đức từ góc độ kinh tế như trên – nếu đúng – sẽ là nền tảng vững chắc cho việc mở rộng thị trường tới mọi khía cạnh của cuộc sống vốn bị chi phối bởi những giá trị phi thị trường. Nếu bản chất nguồn cung lòng vị tha, hào phóng và đạo đức công dân là cố định, giống như cung nhiên liệu hóa thạch vậy, thì chúng ta nên cố gắng bảo tồn nó. Chúng ta càng dùng đến nó nhiều thì sẽ còn càng ít. Với giả định như vậy, dùng thị trường nhiều hơn và ít trông chờ vào đạo đức hơn chính là một cách để bảo tồn nguồn lực khan hiếm.
∞ ∞ ∞ ∞ ∞
[180] Arrow,
Tặng cho và mua bán
, trang 349– 50.
[181] Tài liệu đã dẫn, trang 351.
[182] Tài liệu đã dẫn, trang 354-55.
Nhấn vào đây để xem chương mới nhất của Ebook Tiền không mua được gì?.