• 390

3.13. Kinh tế hóa tình yêu


Số từ: 1649
Dịch giả: Nguyễn Diệu Hằng
Nhà xuất bản: Nhà xuất bản Trẻ
P
hát biểu kinh điển về ý tưởng này nằm trong bài giảng tại lễ kỷ niệm 200 năm Đại học Columbia năm 1954 của Ngài Dennis H. Robertson, nhà kinh tế học thuộc Đại học Cambridge, từng là sinh viên của John Maynard Keynes. Tiêu đề bài giảng của Robertson là một câu hỏi:
Các nhà kinh tế học kinh tế hóa những gì?
Ông muốn chỉ ra rằng mặc dù các nhà kinh tế học tư duy dựa trên
bản năng xông xáo và hám lợi
của con người, nhưng họ vẫn quan tâm đến mục tiêu đạo đức [183].
Robertson bắt đầu bằng việc thừa nhận rằng kinh tế học thường được coi là phục vụ mong muốn kiếm lợi nên không quan tâm đến những động cơ cao quý nhất của con người.
Việc của các nhà thuyết pháp, cả thế tục lẫn tôn giáo
mới là khắc sâu vào tâm trí người khác những phẩm chất cao quý như lòng vị tha, nhân từ, hào phóng, đoàn kết và trách nhiệm công dân.
Nhiệm vụ khiêm tốn hơn và thường gây ác cảm của nhà kinh tế học là làm giảm bớt công việc của giới thuyết pháp hết mức có thể
[184].
Nhà kinh tế học làm việc đó như thế nào? Bằng cách khuyến khích những chính sách dựa vào lợi ích cá nhân hơn là lòng vị tha hay nhận thức về đạo đức mỗi khi có thể, các nhà kinh tế học đã giúp xã hội tránh được lãng phí nguồn cung đạo đức khan hiếm. Robertson kết luận:
Nếu giới kinh tế học chúng ta làm việc tốt thì tôi tin rằng chúng ta có thể đóng góp đáng kể vào việc kinh tế hóa... nguồn lực khan hiếm của Tình yêu
, là
thứ quý giá nhất trên thế giới
[185].
Với những người không hiểu lắm về kinh tế học, cách nhìn nhận của Robertson về các giá trị đạo đức thật lạ lùng, thậm chí là cường điệu. Cách nhìn này bỏ qua khả năng chúng ta có thể yêu thương nhau nhiều hơn và nhân từ hơn khi trao nhận yêu thương. Lấy ví dụ một cặp đôi yêu nhau. Nếu suốt cuộc đời họ chỉ yêu cầu người kia yêu mình một chút với hy vọng sẽ để dành được tình yêu lâu dài thì liệu họ có hạnh phúc khi bên nhau không? Nếu họ đòi hỏi tình yêu từ người kia nhiều hơn thì tình yêu của họ phải sâu đậm hơn chứ? Liệu họ có ổn hơn không nếu đối xử với nhau một cách tính toán hơn để giữ gìn tình yêu cho những lúc họ thực sự cần nó?
Có thể đặt ra những câu hỏi tương tự về tình đoàn kết xã hội và trách nhiệm công dân. Liệu chúng ta có nên bảo tồn trách nhiệm công dân bằng cách đề nghị mọi người cứ đi mua sắm cho đến khi đất nước kêu gọi họ hy sinh cho lợi ích chung? Hay trách nhiệm công dân và tinh thần vì cộng đồng sẽ mất dần đi khi không được dùng đến? Rất nhiều nhà đạo đức học nhất trí với vế sau. Aristotle từng nói: đạo đức là cái mà chúng ta phải nuôi dưỡng bằng cách thực hành nó:
chúng ta sẽ trở nên công bằng nếu luôn làm điều công bằng, sẽ chừng mực nếu luôn làm việc chừng mực, sẽ can đảm nếu luôn hành động can đảm
[186].
Rousseau có quan điểm tương tự. Tổ quốc càng đòi hỏi nhiều từ công dân thì công dân càng cống hiến nhiều cho Tổ quốc.
Thành bang nào được cai trị tốt thì mọi người đều chạy đến ngay cuộc họp toàn dân
. Còn nơi nào có chính phủ tệ hại thì sẽ không ai tham gia việc công
vì không ai quan tâm chuyện gì đang diễn ra

việc nhà đã chiếm hết thời gian của họ
. Vai trò công dân nếu được thực hiện tích cực thì sẽ bồi đắp chứ không hề làm cạn kiệt trách nhiệm công dân. Ngay khi trách nhiệm xã hội không còn là việc chính của các công dân thì họ sẽ làm việc chung bằng tiền chứ không phải bằng chính con người họ, và ngày sụp đổ của nhà nước không còn xa
[187].
Robertson đưa ra kết quả quan sát của mình một cách vô tư, mang tính suy đoán. Nhưng quan niệm cho rằng tình yêu và sự hào phóng là những nguồn lực khan hiếm, sẽ cạn kiệt dần khi bị đem ra sử dụng vẫn tiếp tục chiếm ưu thế trong tư tưởng đạo đức của nhiều nhà kinh tế học cho dù họ không nói công khai điều đó. Nó không phải một nguyên lý chính thống được in trong sách giáo khoa như luật cung và luật cầu. Không ai chứng minh được nó bằng thực nghiệm. Nó giống như một câu cách ngôn, một câu tục ngữ mà nhiều nhà kinh tế học vẫn tin tưởng.
Gần nửa thế kỷ sau bài giảng của Robertson, nhà kinh tế học Lawrence Summers, lúc đó là hiệu trưởng Đại học Harvard được mời tới giảng trong buổi cầu kinh sáng ở Nhà thờ tưởng niệm Harvard. Ông đã chọn chủ đề:
Kinh tế học có thể đóng góp gì cho tư duy các vấn đề đạo đức
. Ông cho rằng kinh tế học
ít khi được đánh giá cao về ý nghĩa đạo đức cũng như thực tế
[188].
Summers quan sát thấy các nhà kinh tế học
rất nhấn mạnh vào tôn trọng các cá nhân cũng như các nhu cầu, sở thích, lựa chọn, phán xét của riêng họ
. Và ông đưa ra lập luận vị lợi chính thống rằng lợi ích chung là tổng lợi ích chủ quan của tất cả mọi người:
Cơ sở của hầu hết các phân tích kinh tế đều là: lợi ích chung là tổng lợi ích riêng mà mỗi cá nhân tự đánh giá cho bản thân mình chứ không phải là cái có thể đánh giá
tách biệt khỏi sở thích của mỗi cá nhân như quan điểm của thuyết đạo đức độc lập.
Ông minh họa cách tiếp cận này bằng cách đặt câu hỏi cho những sinh viên từng tham gia phong trào tẩy chay hàng hóa của các công ty bóc lột lao động:
Tất cả chúng ta đều phàn nàn về điều kiện lao động của rất nhiều người trên trái đất này và số tiền lương họ nhận được. Và chắc chắn có sức ép đạo đức phản đối quan điểm cho rằng chừng nào người lao động muốn đi làm thì đó là việc làm mà họ lựa chọn vì họ đã cố tìm ra lựa chọn tốt nhất rồi. Liệu việc thu hẹp lựa chọn của cá nhân có phải một hành động thể hiện sự tôn trọng, nhân đạo, thậm chí đáng quan tâm không?

Với những người phê phán thị trường vì thị trường hoạt động dựa vào tính ích kỷ và tham lam, Summers phản hồi như sau:
Có quá nhiều người theo chủ nghĩa vị tha trong chúng ta. Những nhà kinh tế học như tôi coi chủ nghĩa vị tha là một hàng hóa quý giá, hiếm hoi, cần được bảo tồn. Sẽ càng tốt hơn nếu bảo tồn nó bằng cách thiết kế một hệ thống giúp thỏa mãn mong muốn của mọi người bằng tính ích kỷ cá nhân, còn lòng vị tha là để dành cho gia đình, bạn bè và vô số vấn đề xã hội đang tồn tại trên thế giới mà thị trường không giải quyết được
.
Đây là lời khẳng định lại ý kiến của Robertson. Lưu ý rằng cách nói của Summer còn thẳng thắn hơn Arrow: Việc sử dụng bừa bãi lòng vị tha trong đời sống xã hội và kinh tế không chỉ làm cạn kiệt nguồn cung vị tha cho các mục đích xã hội khác mà còn làm giảm phần vị tha mà chúng ta dành cho gia đình và bạn bè.
Cách nhìn nhận đạo đức dưới góc độ kinh tế đã khẳng định thêm niềm tin vào thị trường và đẩy tầm ảnh hưởng của thị trường vươn tới những nơi vốn không dành cho nó. Nhưng cách nói ẩn dụ này dễ gây hiểu lầm. Lòng vị tha, hào phóng, tính đoàn kết và tinh thần công dân không giống những hàng hóa bị cạn kiệt dần khi sử dụng. Chúng giống như cơ bắp, được hình thành và phát triển mạnh mẽ hơn khi được tập luyện. Một trong những nhược điểm của xã hội theo định hướng thị trường là nó làm cho các giá trị đạo đức bị mất dần đi. Để thay đổi đời sống chung, chúng ta cần rèn luyện đạo đức thường xuyên hơn nữa.
∞ ∞ ∞ ∞ ∞
[183] Ngài Dennis H. Robertson,
Các nhà kinh tế học kinh tế hóa những gì?
, Columbia University, 5/1954, được in lại trong Dennis H. Robertson, Các nhận định kinh tế học
(Economic Commentaries) (Westport, CT: Greenwood Press, 1978 [1956]), trang 148.
[184] Sách đã dẫn.
[185] Sách đã dẫn, trang 154.
[186] Aristotle, Đạo đức học (Nicomachean Ethics), David Ross dịch (New York: Oxford University Press, 1925), quyển II, chương 1 [1103a, 1103b].
[187] Jean-Jacques Rousseau, Khế ước xã hội
(The Social Contract), bản dịch của G.D.H. Cole, tái bản có chỉnh sửa (New York: Knopf, 1993 [1762]), quyển III, chương 15, trang 239– 40.
[188] Lawrence H. Summers,
Kinh tế học và các vấn đề đạo đức
, Lễ cầu kinh sáng, Memorial Church, 15/9/2003, được in lại trong tạp chí Harvard Magazine
, tháng 11-12/2003, www.harvard.edu/president/speeches/summers_2003/ prayer.php.
Nhấn vào đây để xem chương mới nhất của Ebook Tiền không mua được gì?.