5. Quyền Đặt Tên
-
Tiền không mua được gì?
- Michael Sandel
- 3247 chữ
- 2020-05-09 09:43:37
Số từ: 3253
Dịch giả: Nguyễn Diệu Hằng
Nhà xuất bản: Nhà xuất bản Trẻ
T
ôi lớn lên ở Minneapolis nên rất hâm mộ môn bóng chày. Đội bóng tôi yêu thích là Minnesota Twins, có sân nhà là sân vận động Metropolitan. Năm 1965, tôi 12 tuổi, và giá vé cho chỗ ngồi tốt nhất là 3 dollar; còn chỗ ngồi ở khán đài không có mái che chỉ có giá 1,5 dollar. Năm ấy, Minnesota Twins giành chức vô địch quốc gia, và tôi vẫn còn giữ cuống vé trận đấu thứ bảy của mùa bóng mà tôi đi xem với bố. Chúng tôi ngồi ở hàng ghế thứ ba, giữa căn cứ đội nhà và chốt thứ ba [262]. Giá vé: 8 dollar. Tôi xem trận đấu và tim như muốn vỡ tan khi Sandy Koufax, cầu thủ ném bóng vĩ đại của Los Angeles Dodgers đánh bại Twins và đem chức vô địch về cho Dodgers.
Ngôi sao của Twins hồi ấy là Harmon Killebrew, một trong những cầu thủ đánh bóng ghi điểm xuất sắc nhất mọi thời đại, được lưu danh trong Tòa nhà Danh vọng môn bóng chày. Vào đỉnh cao sự nghiệp, ông kiếm được 120.000 dollar mỗi năm. Đó là thời chưa có cầu thủ tự do, và các cầu thủ bị đội bóng kiểm soát suốt sự nghiệp thi đấu của họ. Có nghĩa là các cầu thủ không có nhiều quyền lực khi đàm phán lương. Họ phải thi đấu cho đội bóng sở hữu họ, hoặc không được thi đấu. (Hệ thống này bị hủy bỏ năm 1975) [263].
Cho đến nay, bóng chày đã thay đổi rất nhiều. Ngôi sao hiện tại của Minnesota Twins, Joe Mauer vừa ký hợp đồng thi đấu tám năm cho đội bóng với tổng số tiền 184 triệu dollar. Với thu nhập 23 triệu dollar một năm, số tiền Mauer kiếm được trong một trận đấu (thực ra chỉ tính đến lượt đánh bóng thứ bảy) còn nhiều hơn số tiền Killebrew kiếm được trong cả một mùa bóng [264].
Không có gì ngạc nhiên khi giá vé cũng tăng vọt. Ghế ngồi lô riêng xem trận đấu của Twin có giá là 72 dollar. Chỗ ngồi rẻ nhất trên khán đài là 11 dollar. Và giá vé xem Twin thi đấu vẫn khá mềm. Ghế lô trên sân của đội New York Yankees có giá 260 dollar, còn chỗ ngồi không có mái che, khuất tầm nhìn cũng có giá 12 dollar. Ghế thượng hạng [265] – khái niệm chưa hề tồn tại hồi tôi còn nhỏ – thậm chí còn đắt hơn, đem lại doanh thu lớn cho đội bóng [266].
Các khía cạnh khác của môn thể thao này cũng thay đổi. Ý tôi không phải những quy định mới như cho phép có người thế chỗ cầu thủ ném bóng – một quy định gây tranh cãi khiến cầu thủ ném bóng trở nên thừa thãi. Tôi muốn nói đến những thay đổi trong bóng chày phản ánh vai trò ngày càng lớn của thị trường, chủ nghĩa thương mại và tư duy kinh tế trong đời sống xã hội ngày nay. Từ khi mới xuất hiện hồi thế kỷ 19, bóng chày chuyên nghiệp luôn là một ngành kinh doanh, ít nhất cũng một phần là như vậy. Nhưng trong vòng ba thập kỷ qua, cơn nghiện thị trường đã để lại dấu ấn của nó trên môn thể thao giải trí của cả đất nước.
5.1. Bán chữ ký
C
húng ta hãy xem nghề kinh doanh các kỷ vật thể thao. Các cầu thủ bóng chày lâu nay luôn bị người hâm mộ trẻ theo đuổi nhiệt tình, la hét để xin chữ ký. Các cầu thủ có nghĩa vụ phải ký vào tờ phiếu ghi điểm và lên các quả bóng của khán giả đứng gần đường hầm ra sân bóng trước mỗi trận đấu, đôi khi cả sau trận đấu, khi họ rời sân bóng. Ngày nay, việc cho chữ ký vô tư đã bị thay thế bởi ngành kinh doanh các kỷ vật thể thao trị giá hàng tỷ dollar, do các nhà môi giới, nhà bán buôn và chính đội bóng thao túng.
Lần xin chữ ký đáng nhớ nhất của tôi là hồi năm 1968, tôi mười lăm tuổi. Gia đình tôi đã chuyển từ Minneapolis đến Los Angeles. Mùa đông năm ấy, tôi lang thang dọc đường biên ở một giải golf từ thiện ở La Costa, California. Một số cầu thủ bóng chày vĩ đại nhất mọi thời đại có tham gia giải, và phần lớn họ đều sẵn lòng cho chữ ký khi di chuyển từ lỗ này sang lỗ khác. Tôi không nghĩ ra là phải mang theo quả bóng và cây bút mực không phai. Tất cả những gì tôi có là tấm thẻ ghi điểm trắng kích thước 3x5 inch (7.6 x 12.7 cm). Một số cầu thủ ký bằng bút mực, một số người khác ký bằng cây bút chì nhỏ mà họ đang dùng để ghi số điểm đánh golf của mình. Nhưng tôi đã xin được một kho chữ ký cộng với niềm háo hức khi được gặp gỡ – dù chỉ vài phút ngắn ngủi – những người hùng thời thơ ấu của tôi cũng như một vài nhân vật huyền thoại thi đấu từ trước khi tôi ra đời: Sandy Koufax, Willie Mays, Mickey Mantle, Joe DiMaggio, Bob Feller, Jackie Robinson, và – vâng! – cả Harmon Killebrew.
Tôi chưa bao giờ nghĩ sẽ bán những chữ ký xin được, hay thậm chí tự hỏi liệu có bán được chúng trên thị trường không. Hiện tôi vẫn giữ chúng cùng với bộ sưu tập ảnh cầu thủ. Nhưng vào những năm 1980, chữ ký và đồ dùng thi đấu của các ngôi sao thể thao bắt đầu được coi là hàng hóa trên thị trường và được rất đông nhà sưu tầm, nhà môi giới và nhà kinh doanh mua đi bán lại [267].
Các ngôi sao bóng chày bắt đầu thu tiền khi cho chữ ký, số tiền tùy vào vị thế của họ. Năm 1986, cầu thủ ném bóng có tên trong Tòa nhà Danh vọng Bob Feller đã bán chữ ký của mình trong cuộc triển lãm của các nhà sưu tầm với giá 2 dollar một chữ ký. Ba năm sau, Joe DiMaggio thu 20 dollar một chữ ký, Willie Mays thu 10 đến 12 dollar, Ted Williams đòi 15 dollar. (Vào thập niên 1990, giá chữ ký của Feller đã tăng lên 10 dollar). Vì các cựu cầu thủ đều thi đấu vào thời chưa ai được trả mức lương khổng lồ nên giờ cũng khó mà chê họ quá chú trọng kiếm tiền khi cơ hội xuất hiện. Nhưng những cầu thủ đang thi đấu cũng đã gia nhập phong trào ký lấy tiền. Roger Clemens, ngôi sao ném bóng của đội Boston Red Sox nhận được 8,5 dollar cho một chữ ký. Một số cầu thủ như cầu thủ ném bóng Orel Hershiser của đội Dodgers thấy không ưa chuyện này. Những người theo chủ nghĩa truyền thống trong bóng chày đều phản đối cho chữ ký và thu tiền, họ nhớ lại Babe Ruth luôn luôn tặng chữ ký miễn phí cho mọi người [268].
Nhưng thị trường kỷ vật mới chỉ ở giai đoạn sơ khai. Năm 1990, tờ Sports Illustrated
có bài viết mô tả hàng dài người xếp hàng chờ xin chữ ký đã biến dạng như thế nào.
Thế hệ các nhà sưu tầm chữ ký mới
thật
thô lỗ, không mệt mỏi, với động cơ là những chữ ký đáng giá bằng tiền
. Họ làm phiền các cầu thủ ở khách sạn, nhà hàng, thậm chí cả ở nhà riêng.
Trước kia, người săn chữ ký chỉ là những cô bé cậu bé say mê thần tượng, còn ngày nay, trong số những người săn đuổi các ngôi sao còn có giới sưu tầm, nhà kinh doanh, nhà đầu tư... Nhà kinh doanh, thường thuê một nhóm trẻ em – không khác gì Fagin và đội quân Cáo Tinh Ranh của hắn [269] – đi sưu tầm chữ ký, sau đó bán lấy tiền. Nhà đầu tư mua lại những chữ ký ấy, và tương tự các tác phẩm nghệ thuật, các hiện vật lịch sử quan trọng, chữ ký của Bird, Jordan, Mattingly hay Jose Canseco sẽ có giá trị ngày càng cao theo thời gian
[270].
Đến những năm 1990, nhà môi giới bắt đầu trả tiền cho các cầu thủ để họ ký hàng nghìn chữ ký lên bóng, gậy, áo và các vật dụng khác. Sau đó nhà kinh doanh sẽ bán những kỷ vật được sản xuất hàng loạt ấy thông qua sách giới thiệu sản phẩm của công ty, các kênh truyền hình cáp, các cửa hàng bán lẻ. Năm 1992, Mickey Mantle được cho là đã nhận 2,75 triệu dollar để xuất hiện và ký lên 20.000 quả bóng – nhiều hơn cả số tiền anh kiếm được trong suốt sự nghiệp thi đấu cho Yankees. [271]
Nhưng có giá trị lớn nhất là những thứ từng được sử dụng trong các trận đấu. Cơn cuồng kỷ vật lên đến đỉnh cao vào năm 1998, khi Mark McGwire lập kỷ lục mới về số điểm ghi được trong một mùa bóng. Khán giả bắt được quả bóng ghi điểm thứ 70, đánh dấu kỷ lục của McGwire đã bán nó trong một cuộc đấu giá với giá 3 triệu dollar, và quả bóng trở thành kỷ vật thể thao đắt nhất trong lịch sử [272].
Việc biến các kỷ vật bóng chày thành hàng hóa đã thay đổi mối quan hệ giữa người hâm mộ với trận đấu và giữa người hâm mộ với nhau. Khi McGwire ghi điểm thứ 62 của mình trong mùa bóng, phá vỡ kỷ lục cũ, anh chàng khán giả bắt được quả bóng đã không bán nó mà giao ngay lại cho McGwire.
McGwire này, tôi nghĩ tôi đang giữ một thứ thuộc về anh
, Tim Forneris đã nói như vậy và đưa quả bóng ra [273].
Với giá thị trường của quả bóng ấy, hành động hào phóng của Forneris đã kéo theo hàng loạt ý kiến – phần lớn là khen ngợi, một vài chê bai. Anh chàng nhân viên chăm sóc sân đấu bán thời gian 22 tuổi đã được tôn vinh trong một cuộc diễu hành ở Disney World, xuất hiện trên chương trình trò chuyện truyền hình của David Letterman, được mời đến Nhà Trắng gặp Tổng thống Clinton. Anh đến các trường phổ thông nói chuyện với học sinh về việc đúng nên làm. Mặc dù vậy, Forneris vẫn bị một cây bút phụ trách mục tài chính cá nhân của tờ Time
chê bai vì hành động thiếu suy nghĩ khi mô tả việc trao trả lại quả bóng là ví dụ về
những sai lầm trong tài chính cá nhân mà tất cả chúng ta đều mắc phải
. Khi anh ta
đặt tay lên quả bóng thì nó đã thuộc về anh ta rồi
, tác giả bài báo viết. Hành động trả quả bóng lại cho McGwire của Forneris minh họa cho
một lối suy nghĩ sẽ dẫn rất nhiều người trong số chúng ta đến sai lầm chết người trong những vấn đề liên quan đến tiền bạc hằng ngày
[274].
Lại một ví dụ nữa cho thấy thị trường làm thay đổi chuẩn mực như thế nào. Khi quả bóng làm nên kỷ lục được coi là hàng hóa có thể mua bán được, việc trao trả nó cho người thực hiện cú đánh bóng còn là một cử chỉ lịch sự thông thường nữa. Đó có thể là một hành động can đảm, thể hiện tính hào phóng, hoặc một hành động ngu ngốc, thể hiện sự hoang toàng.
Ba năm sau, Barry Bonds ghi được 73 điểm trong một mùa bóng, phá vỡ kỷ lục của McGwire. Cuộc chiến tranh giành quả bóng ghi điểm thứ 73 đã dẫn tới một cảnh tượng tệ hại và một cuộc tranh chấp pháp lý kéo dài. Người hâm mộ nhặt được quả bóng đã bị cả đám đông vật ngã xuống sàn để tranh cướp. Quả bóng tuột khỏi tay anh ta và một người khác đứng gần đó nhặt được. Cả hai đều cho rằng quả bóng thuộc về họ. Cuộc tranh cãi dẫn tới tranh chấp pháp lý kéo dài nhiều tháng và cuối cùng là một phiên tòa với sự tham gia của sáu luật sư và một nhóm các giáo sư luật do tòa mời đến để xác định xem yếu tố nào cấu thành nên quyền sở hữu quả bóng. Thẩm phán kết luận hai nguyên đơn nên bán quả bóng đi và chia nhau tiền. Quả bóng được bán với giá 450.000 dollar [275].
Ngày nay, marketing các kỷ vật là một phần công việc bình thường của bóng chày. Ngay cả những thứ vứt đi của các trận đấu thuộc giải MLB như cây gậy bị gãy hay quả bóng đã qua sử dụng cũng được đem bán cho những khách hàng nhiệt tình. Để đảm bảo với người sưu tầm và nhà đầu tư là những thứ đồ cũ này đều nguyên bản, mỗi trận đấu thuộc giải MLB đều có ít nhất một
người chuyên xác nhận
làm việc. Được trang bị tem dán ba chiều hiện đại, người chuyên xác nhận sẽ thu thập và xác nhận bóng, gậy, miếng chốt, áo thi đấu, thẻ đội hình và các đồ vật khác là nguyên bản, phục vụ cho thị trường kỷ vật trị giá hàng tỷ dollar [276].
Năm 2011, cú đánh bóng thứ 3.000 của Derek Jeter đem lại doanh thu lớn cho ngành kinh doanh kỷ vật. Sau một thỏa thuận với một nhà sưu tầm, cầu thủ chặn bóng của đội Yankee đã ký tên lên khoảng 1.000 quả bóng, ảnh và gậy lưu niệm ngay sau ngày anh lập kỷ lục. Mỗi quả bóng có chữ ký có giá 699,99 dollar, còn một cây gậy có giá 1.099,99 dollar. Thậm chí người ta còn bán phần đất mà Jeter đi qua. Sau trận đấu mà Jeter đánh bóng lần thứ 3.000, một người bảo vệ sân đã gom lại hơn 13m3 đất từ khu vực đánh bóng đến vị trí chặn bóng, nơi Jeter từng đứng. Xô chứa chỗ đất thần thánh được niêm phong và dán nhãn xác nhận nguyên bản, sau đó được bán cho người hâm mộ và nhà sưu tầm theo đơn vị thìa. Khi sân Yankee Stadium cũ bị phá dỡ, người ta cũng thu gom đất trên sân đem bán. Một công ty kinh doanh kỷ vật đã kiếm được hơn 10 triệu dollar tiền bán đất
nguyên bản
trên sân [277].
Một vài cầu thủ còn tìm cách kiếm tiền nhờ những kỷ lục ít được hâm mộ hơn. Cầu thủ đánh bóng vĩ đại nhất mọi thời đại Pete Rose, đã bị cấm thi đấu bóng chày vì tham gia bán độ, còn có một trang web bán những kỷ vật liên quan đến việc anh ta bị cấm thi đấu. Với 299 dollar cộng tiền vận chuyển và đóng gói, bạn sẽ nhận được một quả bóng chày có chữ ký của Rose và dòng chữ:
Tôi xin lỗi vì đã bán độ bóng chày
. Với 500 dollar, Rose sẽ gửi cho bạn bức ảnh chụp tờ quyết định cấm anh ta thi đấu [278].
Các cầu thủ khác còn tìm cách bán những thứ kỳ quặc hơn. Năm 2002, cầu thủ khu vực ngoài Luis Gonzalez của đội Arizona Diamondbacks đã bán đấu giá trên mạng một mẩu kẹo cao su đã qua sử dụng với lý do từ thiện và thu được 10.000 dollar. Sau khi cầu thủ ném bóng Jeff Nelson của đội Seattle Mariners phải phẫu thuật khuỷu tay, anh ta đã bán mẩu xương vỡ của mình trên trang web eBay. Cuộc đấu giá đã lên tới 23.600 dollar trước khi eBay chấm dứt nó vì họ có quy định không mua bán bộ phận cơ thể người. (Tin tức không cho biết liệu người xác nhận nguyên bản có mặt trong suốt ca phẫu thuật không) [279].
∞ ∞ ∞ ∞ ∞
[262] Căn cứ nhà (home plate), Chốt thứ ba (third base): các vị trí phòng thủ trên sân bóng chày (ND).
[263] Thông tin về mức lương năm của Killebrew được lấy từ Niên giám Bóng chày
(Baseball Almanac), www.baseball-almanac.com/players/player. php?p=killeha01.
[264] Tyler Kepner,
Twins tiếp tục ký hợp đồng tám năm với Mauer với tổng giá trị 184 triệu dollar
, New York Times
, 21/3/2010; http://espn.go.com/espn/ thelife/salary/index?athleteID=5018022.
[265] Ghế thượng hạng cho người xem tầm nhìn tốt nhất trên sân, đặt trong một căn phòng thường có vách kính, bên trong có trang bị quầy rượu, ti vi, toilet... (ND).
[266] Giá vé xem Twins thi đấu có trên trang web http://minnesota.twins.mlb.com/ min/ticketing/season-ticket_prices.jsp; giá vé năm 2012 của đội Yankees có trên trang web http://newyork.yankees.mlb.com/nyy/ballpark/seating_pricing. jsp.
[267] Rita Reif,
Với giới sưu tầm, các cầu thủ vẫn thi đấu mãi
, New York Times
, 17/2/1991.
[268] Michael Madden,
Giao dịch bằng lòng tham
, Boston Globe
, 26/4/1986; Dan Shaughnessy,
Người mang ảnh cầu thủ ghét những cuộc triển lãm kiểu này
, Boston Globe
, 17/3/1997; Steven Marantz,
Chuyện ký tá không hề rẻ
, Boston Globe
, 12/2/1989.
[269] Các nhân vật trong tiểu thuyết Oliver Twist
của nhà văn Anh Charles Dickens. Nhân vật lão già Fagin đã huấn luyện một nhóm trẻ con đi móc túi để kiếm tiền, đứng đầu đám trẻ là Cáo Tinh Ranh (Artful Dodger) (ND).
[270] E. M. Swift,
Rút lui!
, Sports Illustrated
, 13/8/1990.
[271] Sabra Chartrand,
Khi cây bút thực sự có sức mạnh thần thánh
, New York Times
, 14/7/1995; Shaughnessy,
Người mang ảnh cầu thủ ghét những cuộc triển lãm kiểu này
.
[272] Fred Kaplan,
Vụ đấu giá quả bóng của McGwire thắng lợi rực rỡ
, Boston Globe, 13/1/1999; Ira Berkow,
Từ phim ‘Eight Men Out’ đến EBay: Cây gậy của Joe Chân Đất
, New York Times
, 25/7/2001.
[273] Daniel Kadlec,
Đánh rơi quả bóng,
Time
, 8/2/1999.
[274] Rick Reilly,
Cái gì định giá lịch sử?
, Sports Illustrated
, 12/7/1999; Kadlec,
Đánh rơi quả bóng
.
[275] Joe Garofoli,
Phiên tòa liên quan đến quả bóng của Bond cho thấy mọi điều về chúng ta
, San Francisco Chronicle
, 18/11/2002; Dean E. Murphy,
Phán quyết khôn ngoan về vụ tranh chấp quả bóng của Bonds
, New York Times
, 19/12/2002; Ira Berkow,
Quả bóng ghi điểm thứ 73 được bán với giá 450.000 dollar
, New York Times
, 26/6/2003.
[276] John Branch,
Môn bóng chày chống lại hàng giả bằng lực lượng xác nhận tính nguyên bản
, New York Times
, 21/4/2009.
[277] Paul Sullivan,
Từ Honus đến Derek, kỷ vật không chỉ là cây gậy có chữ ký
, New York Times
, 15/7/2011; Richard Sandomir,
Cú đánh lịch sử của Jeter còn ghi điểm trên thị trường
, New York Times
, 13/7/2011; Richard Sandomir,
Sau cú đánh thứ 3000, ngay cả đất cũng bán được
, New York Times
, 21/6/2011.
[278] www.peterose.com.
[279] Alan Goldenbach,
Trang web bán kỷ vật thể thao tràn lan trên internet
, Washington Post
, 18/5/2002; Dwight Chapin,
Những món hàng kỳ cục chỉ hấp dẫn vừa phải
, San Francisco Chronicle
, 22/5/2002.