Truyện kể về Lý Nhạc Phàm, cái tên với từ Phàm mà rất nhiều truyện sau này nhắc lại nhầm ẩn ý một sự bình thường, không có gì nổi bật. Có lẽ cũng vì đọc qua một Lý Nhạc Phàm như thế này mà đối với ta, những truyện có tên Phàm sau này đều khó lòng vượt qua hình bóng cũ. Thân là nam nhi, không ngừng phấn đấu. Cốt cấu của truyện nằm xen lẫn giữa phàm và tiên. Nhưng không giống Tru Tiên có Thiêu Hỏa Côn, Phàm Nhân Tu Tiên có Ngọc Bình…Lý Nhạc Phàm hoàn toàn là là tự thân đi lên, chẳng nhờ vào pháp bảo, pháp khí hay vật ngoài thân. Nếu như Tru Tiên lấy phàm trần làm bàn đạp, Phàm Nhân Tu Tiên lấy thế giới bao la, lạnh lùng quyết đoán làm cửa mở, thì Thương Thiên lại dùng một con người phàm tục, cảm nhận trời đất mà tự cường. Không kể đến những thứ ngộ đạo mờ mịt của dòng truyện thuần tiên sau này, những lý luận của Thương Thiên hoàn toàn xuất phát từ tâm lý và cảm nhận của một con người thực thụ. Khiến bản thân có thể đấm chìm trong những cảm giác bao la ấy, tự tìm ra chính mình, tự tìm ra ý nghĩa bản thân giữa cuộc đời.
Trong Thương Thiên, Nhạc Phàm ngồi dưới một gốc cổ thụ trên đỉnh núi cao, hướng về bầu trời trong xanh, mây trắng điểm điểm mà tìm ra nguyên tắc vận hành của thiên nhiên để rồi sáng tạo ra “Thất Tình Thiên Thư” đó là minh chứng cho tầng ngụ ý của tác giả về việc thức tỉnh bản thân từ những điều bình thường nhất. Phật cũng viết, người có thất tình và lục dục. Khống chế được thất tình, trong lòng liền nhẹ nhàng. Ta trộm nghĩ, có lẽ tác giả cũng là do trải qua nhân tình thế thái không như ý, có ý muốn rời xa hồng trần, mà viết ra tác phẩm như thế.
Mà cả truyện, chi tiết tâm đắc nhất cũng là chi tiết bi ai nhất, chính là việc Nhạc Phàm bạc trắng đầu, bị gọi là Bạch Phát Chiến Cuồng. Còn gì bi ai hơn…
Chỉ qua đêm vắng…sáng nay bạc đầu….
Đa tình khổ, vô tình khổ, này tình ý kéo dài thiên cổ….
Ly biệt sầu, khiến tóc bạc, thân ảnh cô độc giữa nhân gian.
Mộng chốn hồng trần, không thoát khỏi một chữ tình, giữa nhân gian, ngàn vạn hương sắc…
Mấy ai lượn lờ, nhân quả chẳng dính thân…