XI - Chương 2
-
6 Người Đi Khắp Thế Gian (Trọn bộ 2 tập)
- James Albert Michener
- 8766 chữ
- 2020-05-09 03:40:00
Số từ: 8750
Thể Loại: Tiểu Thuyết Hư Cấu
Người dịch: Nguyễn thị Bạch Tuyết
NXB Văn Học
Đích đến của chuyến đi lên phía Bắc là một hòn đảo bất thường. Từ năm thế kỷ nay, nó nằm chưa đầy dặm ngoài khơi một vùng lục địa vẫn còn nguyên sơ chỉ có thú hoang và người da đen thời kỳ Đồ Đá cư trú, trong khi hòn đảo lại phát triển thành một trung tâm quyền lực, tri thức và văn hóa. Nó nổi tiếng là một trong những hòn đảo đẹp nhất thế giới, không chỉ bởi tự nhiên, mà còn bởi bao chứa gần như trên mỗi mét vuông là những tòa nhà cổ kính, những quảng trường thênh thang tưởng niệm các vị anh hùng ngành hàng hải Bồ Đào Nha, cả những đại lộ rộng rãi hai bên hai hàng cây nở hoa. Trên mép đảo gần đất liền nhất sừng sững một nhà thờ cổ từng được thánh Francis Xavier biết đến, còn ở mép bên kia là một pháo đài trông dễ sợ được bao bọc giữa những bức tường đồ sộ xây tận từ năm 1545. Hết đội quân nước ngoài này đến đội quân nước ngoài khác đã tìm mọi cách giành pháo đài đó từ tay người Bồ Đào Nha, nhưng lần nào cũng đều có một nhóm người Bồ Đào Nha quyết liệt chống lại quân xâm lăng suốt một năm, hai năm, ba năm. Các cuộc vây hãm vô cùng đáng sợ, không khoan nhượng, và thông thường quân xâm lược Hà Lan sẽ kiểm soát chín mươi lăm phần trăm đảo, nhưng lần nào cũng vậy, khi cuộc vây hãm kết thúc, pháo đài vẫn do quân Bồ Đào Nha làm chủ, và họ sẽ thận trọng rời tường thành để tái thiết những khu vực còn lại của đảo.
Ilha de Moçambique cùng tòa pháo đài của nó là một thánh địa trong lịch sử Bồ Đào Nha, là tài sản hải ngoại thiêng liêng nhất, và danh sách những người Lusitania[104] vĩ đại từng phục vụ ở đây kéo dài vô tận, dẫn đầu là tay thủy thủ lão luyện một mắt từng ngồi trên băng ghế đá ở đầu phía Nam hòn đảo nguệch ngoạc những vần thơ mà sau này được công bố là sử thi của Bồ Đào Nha, The Luisiads của Luis Vaz de Camões.
Bốn khách lữ hành nhìn thấy hòn đảo lần đầu tiên từ một triền dốc thấp trên con đường cắt qua hàng bao nhiêu dặm những bụi cây đất liền. Họ nhìn thấy pháo đài xám đồ sộ, cây cầu dài thẳng tắp mới dựng, và những hàng cây đang nở hoa.
Thật bõ công đi,
Joe nói, và Monica nhất trí,
Cả đời em đã được nghe nói về đảo Moçambique. Nó sừng sững như một người lính gác trong lịch sử châu Phi, em chưa bao giờ nghĩ mình sẽ được thấy tận mắt.
Joe lấy làm lạ vì một cô gái nghiện heroin cũng tỉnh táo được như Monica. Với Cato thì khác. Ma túy rõ ràng làm anh đâm ra chán chường, và ngay cả khi vừa tiêm một liều, tinh thần anh vẫn xuống chứ không hề phấn chấn. Nhưng điều ngạc nhiên chủ yếu là ma túy, bất chấp tất cả những tính chất mạnh mẽ, phần lớn thời gian vẫn để cả hai rõ ràng đều kiểm soát được năng lực của mình.
Người mới sử dụng,
Gretchen lưu ý khi Joe bàn luận về những gì quan sát được.
Hai nhóc mới bắt đầu thôi, và chúng ta không biết họ đang dùng bao nhiêu hoặc ảnh hưởng cuối cùng là gì.
Chúng ta biết là nó cho phép họ yêu đương cực bốc lửa.
Ai cần điều đó?
Gretchen hỏi.
Ý em là ai cần thêm tác nhân kích thích chứ?
Trong suốt tuần vừa qua hầu như không có dấu vết heroin trong chiếc pop-top, nhưng hai lần Monica nói đến tay buôn lậu ma túy người Ấn Độ kiểm soát việc buôn bán trên đảo, vì vậy Gretchen lo sợ bây giờ họ sẽ gặp rắc rối vì đã đến nơi này.
Cuốc xe băng qua cây cầu dài, trụ cầu ngập sâu dưới nước biển, thật phấn khích, vì lúc này các bạn trẻ có thể thấy rõ hòn đảo và đoán được nó có những gì dành cho mình.
Nhìn các bãi biển kìa!
Cato reo. Chúng bao quanh cả hai phía của hòn đảo và thật ra ăn cả vào trung tâm thành phố.
Cây cối nữa!
Monica nói thêm,
Chưa có ai kể với em là ở Moçambique cây cối nhiều đến thế.
Rồi họ cũng ở trên chính hòn đảo, vừa lái xe dọc con đường rộng hai bên trồng phi lao vừa dõi mắt về phía Ấn Độ Dương. Tại một góc đường họ gặp một viên cảnh sát da đen, Gretchen hỏi bằng tiếng Anh,
Anh có chỗ cắm trại không?
và dù không nói tiếng Anh viên cảnh sát hiểu được từ then chốt, nên liền rời vị trí và đi bộ cạnh xe qua một dãy nhà, rồi cuối cùng chỉ cho họ một công viên rộng rãi đẹp đẽ.
Cắm trại,
anh nói.
Cho cả ô tô?
Gretchen hỏi, và người đàn ông gật đầu.
Cả chỗ ngủ?
cô hỏi tiếp, úp hai tay vào làm gối và ngả đầu xuống. Anh ta lại gật đầu, chỉ cho họ thấy nơi sẽ tìm được nước.
Mặc dù điểm cắm trại ở Lourenço Marques đã là lý tưởng, ở một vài mức độ nào đó nơi này còn hơn thế nhiều, không phải vì nó đối diện với Ấn Độ Dương, không phải vì nó có nhiều hoa, mà vì nó nằm ngay trung tâm thành phố. Ta nằm trên giường, và xung quanh ta là cuộc sống hoang dại muôn màu muôn vẻ của một cộng đồng lạ thường. Joe lái chiếc pop-top đỗ dưới một cội cây lớn đang trổ hoa, và một đám đông cư dân - cả da trắng lẫn da đen - xúm lại chào mừng nhóm bạn. Không nói được tiếng Anh, họ chỉ cho các cô gái chợ ở đâu và những cửa hàng nào tiện mua sắm. Trẻ em thì giới thiệu về bờ biển và những bãi tắm tốt nhất. Một viên cảnh sát khác tạt qua hướng dẫn cho hai chàng trai cách mua xăng và vị trí của tòa thị chính, phòng khi có việc. Rồi, trước sự sửng sốt của cả nhóm, một thương gia Bồ Đào Nha phốp pháp mặc toàn đồ trắng mới là mời họ vào một quán gần đó để uống rượu chào mừng.
Đây là Bar Africa,
ông nói bằng thổ ngữ - phần tiếng Bồ Đào Nha, phần tiếng Pháp, phần tiếng Anh.
Đằng kia, bệnh viện. Dưới đó, nhà thờ Thiên Chúa giáo. Xa hơn một chút, thánh đường Hồi giáo.
Đảo này theo Hồi giáo?
Gretchen hỏi.
Tám mươi phần trăm,
người Bồ Đào Nha đáp. Ông trả tiền nước và đang định tạm biệt thì Cato bất ngờ đề nghị,
Ở Philadelphia, tôi có rất nhiều bạn là người da đen theo đạo Hồi. Tôi đi thăm giáo đường được không?
Tôi không phải hướng dẫn viên giỏi nhất,
người Bồ Đào Nha nói.
Tôi là tín đồ Thiên Chúa giáo. Nhưng tôi biết ai là người thích hợp nhất.
Ông sai một cậu bé da đen chạy đến bưu điện, và vài phút sau nó trở lại, dẫn theo một người Ả rập luống tuổi, cao lớn, mặc áo chùng, đội khăn xếp màu xám. Ông để râu ngắn, khuôn mặt hằn sâu những nếp nhăn, đôi mắt tinh nhanh quan sát các bạn trẻ, dành sự chú ý đặc biệt cho Cato.
Đây là Hajj',
người Bồ Đào Nha to béo nói, trìu mến đặt tay lên cánh tay ông già.
Ông là vị thánh của chúng tôi đấy.
Hajj’ gì ạ?
Gretchen hỏi.
Chỉ là Hajj’ thôi,
người Bồ Đào Nha đáp.
Tất nhiên ông ấy có một cái tên Ả rập, nhưng năm mươi năm qua người ta chỉ gọi ông là Hajj’ ... một người sùng đạo đã hành hương đến Mecca[105] ... người duy nhất thuộc thế hệ ông đã đến đó.
Hai người Ả rập đi qua quán trông thấy Hajj’ bèn dừng lại xin ông ban phúc, ông liền cúi mái đầu quấn khăn xuống để ban phúc cho họ.
Còn bây giờ tôi gửi gắm các bạn cho ông ấy,
người Bồ Đào Nha nói bằng tiếng Pháp rồi bỏ đi mất.
Lúc đầu các bạn trẻ không mấy thoải mái ở cạnh một người Ả rập, vì họ không biết ngôn ngữ của ông, nhưng Hajj’ đã mỉm cười lên tiếng,
Tôi nói được tiếng Anh. Và mặc dù là tín đồ Hồi giáo, tôi vẫn sẽ uống một chút rượu của các bạn, thêm một điều tôi học được từ người Anh đấy.
Ông kể cho họ nghe về cuộc hajj của mình:
Ngày ấy, đến được Mecca không phải chuyện dễ. Chúng tôi lên một con tàu nhỏ đi về phía Bắc tới Zanzibar. Đó luôn là trung tâm của đạo Hồi, một trung tâm quan trọng. Và chúng tôi chờ ở đó mấy tuần cho đến khi thu xếp được một chuyến hành hương rồi cùng nhau vượt biển tới Mogadiscio, chốn nóng kinh khủng, rồi chờ ở đấy hai ba tuần, sau đó giong buồm lên Djibouti đón thêm vài người hành hương nữa, và từ đó đến Jidda, nơi hầu như không có chút nước nào. Chúng tôi đi bộ tới Mecca, xa vô vàn dặm đến nỗi người già gục ngã dọc đường còn người trẻ đinh ninh rồi mình cũng sẽ chết. Hồi đó là ngay sau chiến tranh - cuộc đại chiến - tôi còn nhớ những chiếc ô tô phóng vèo vèo qua, tung bụi mù mịt vào mặt chúng tôi, rồi một chiếc bị hỏng, và khi vượt qua chỗ họ, chúng tôi cười nhạo những người giàu có ngồi trong xe, nhưng chẳng bao lâu sau xe sửa xong, họ lại vượt qua chúng tôi, và không những họ giễu chúng tôi, lốp xe của họ còn bắn đá cuội vào người chúng tôi, nhưng khi đến Mecca chúng tôi lại gặp họ, và xe lại hỏng, vì vậy chúng tôi không thể xác định được ai hơn ai.
Có bõ công không?
Cato hỏi.
Ông già quay lại, nhìn kỹ khuôn mặt đen bóng của Cato, rồi nói,
Bõ công không ư? Với tôi, đó là sự khác nhau giữa sống và chết. Khi tôi quay về, mọi người đều biết tôi là một hajji, kẻ hành hương đã thực hiện cuộc hajj vĩ đại. Sau này hai người khác đã cố sức tới Mecca, nhưng họ đều chết cả. Tôi là hajji. Các thuyền trưởng biết tôi là hajj’ và đã mang công ăn việc làm lại cho tôi, mà Thượng đế cũng vậy. Mecca đã khích lệ tôi trở thành một bậc thánh hiền, và dù còn nhiều thiếu sót, tôi vẫn được nhìn nhận là có phẩm chất thánh nhân.
Trong lúc ông nói chuyện, một số khách khác đến cầu xin ông ban phước lành, và ông cho họ thỏa lòng bằng cách chắp hai bàn tay lại, ngón chúc xuống dưới. Gretchen hỏi cách đó có phải tập tục Hồi giáo không, ông liền đáp,
Đây là một thói quen tôi vẫn giữ. Bây giờ trên đảo này không còn ai khác là hajji, vì vậy tôi nhắc họ nhớ rằng Mecca còn đó... cuối một hành trình dài gian khổ. Đây là những gì chuyến hành hương thành tựu. Giờ chúng ta đi thăm giáo đường chứ?
Ông dẫn chúng tôi ra bến cảng, đi dọc vịnh đến một tòa nhà đẹp đẽ màu xanh lá cây có mái tháp. Đến cửa, nhóm bạn Mỹ định tháo giày dép ra nhưng ông ngăn lại và nói,
Vào bên trong hãy tháo,
đoạn ông chỉ cho họ một loạt giá để giày và một dãy tám cái chậu rửa tay. Ông đưa họ tới gian cầu nguyện, một khu vực rộng rãi, sạch sẽ, có mihrab[106] trực chỉ Mecca. Rồi họ leo lên mái, và từ đó ông giải thích cho họ về cấu trúc hòn đảo.
Đằng kia, gần cây cầu các bạn vừa đi qua, là sáu hay bảy khu nhà phức hợp của dân bản địa, vẫn y hệt như các khu nhà tổ tiên tôi từng xây dựng khi đến đây hơn một nghìn năm trước. Toàn lều cỏ mái cỏ với cả nghìn người chen chúc nhau trong một diện tích đáng lẽ chỉ chứa được một trăm. Trong khu vực quanh giáo đường này là tầng lớp trung lưu, chủ yếu người Ả rập. Lên gần pháo đài là những ngôi nhà lớn của các tín đồ Thiên Chúa giáo Bồ Đào Nha. Và hãy nhìn xem hòn đảo này hẹp thế nào. Từ bờ bên này sang bờ bên kia, không quá ba khối nhà. Chúng tôi đang sống trên một viên đá quý nhỏ bé, một trong những kho báu của trái đất này.
Kia có phải là một chiếc xe kéo không?
Gretchen hỏi khi thấy một người đàn ông da đen chạy về phía trung tâm thành phố, kéo chiếc xe hai bánh chở một người đàn bà Bồ Đào Nha.
Đó là phương tiện đi lại của chúng tôi năm trăm năm nay rồi... trước khi cây cầu đưa xe hơi tới. Dân chúng vẫn thích đi xe kéo hơn, vì vậy chúng tôi không cho phép taxi hoạt động.
Trong những ngày tiếp theo, Cato thường tìm đến với ông, người Ả rập dễ mến này có một căn nhà nhỏ trông ra bến tàu, nơi ông làm việc suốt sáu mươi năm qua. Hàng ngày những người liên quan đến ngành hàng hải thường ghé vào tán gẫu với ông, nhưng ông vẫn tìm được thời gian cho Cato.
Anh nên dự các buổi lễ ở giáo đường,
ông nói,
vì đạo Hồi là cứu rỗi cho người da đen các anh. Hãy nhìn bản đồ châu Phi. Quốc gia nào người da đen gắn bó mật thiết với đạo Hồi, quốc gia đó sẽ lãnh đạo hiệu quả. Quốc gia nào người da đen không để ý đến đạo Hồi, ở đó họ hoàn toàn bất lực trước người da trắng. Ở Mỹ các bạn cũng sẽ bất lực chừng nào các bạn chưa đón nhận đạo Hồi.
Ông có nhiều niềm tin về lợi ích mà đạo Hồi có thể mang lại cho người da đen, vì ông cho rằng Muhammad đã bày tỏ mối quan tâm đặc biệt đến người da đen và đã xây dựng nên một ngôi nhà đặc biệt cho họ trong tín ngưỡng của mình.
Đã từng có nhiều lãnh tụ Hồi giáo là người da đen,
ông Hajj’ nói,
và sẽ còn nhiều hơn nữa. Khi tôi ở Mecca, dường như một nửa số người hành hương là da đen. Người ta bảo tôi rằng ở Mỹ những người da đen ưu tú nhất đều theo đạo Hồi cả.
Ông mời Cato dự các buổi lễ ngày thứ Sáu để thấy tận mắt quan hệ thân thiện tồn tại trên đảo giữa tín đồ đạo Hồi da đen và người da trắng, vì vậy trưa thứ Sáu Cato dùng bữa với ông già, tại nhà một gia đình Hồi giáo từ Pakistan đến sinh sống trên đảo, và Cato nhận thấy tất cả khách khác đều là người thuộc chủng tộc da trắng - hoặc người Ả rập như Hajj’, hoặc người Ấn Độ như ông chủ nhà - nhưng khi đến giáo đường, cậu thấy phần lớn người đi lễ lại là da đen. Quả là một giây phút đầy ý nghĩa khi tất cả mọi người có mặt trong giáo đường quỳ xuống, vai kề vai, bất kể màu da, cùng cầu nguyện, mặt hướng về phía Mecca, quá xa xôi ở tận bên kia đại dương cuộn sóng.
Cầu nguyện xong, một vị khách lên hô hào cử tọa bằng cả tiếng Ả rập, Bồ Đào Nha lẫn thổ ngữ, càng nói ông càng phấn khích bởi những tin tức phải thuật lại. Ông ta dáng người lùn, khỏe khoắn, rõ là nửa Ả rập nửa thổ dân, và khuôn mặt ngăm đen đỏ bừng lên khi ông giận dữ nhắc lại một vài câu gì đó. Cato hỏi Hajj’ đề tài cuộc nói chuyện là gì, thì ông nghiêm nghị đáp,
Ông ấy nói có lẽ chúng ta phải hỗ trợ sức người sức của cho Ả rập để ủng hộ cuộc thánh chiến vĩ đại chống những người Do Thái đã đốt Giáo đường Al-Aqsa. Ông ấy nói nếu người Do Thái không bị đuổi đi, có thể người da đen châu Phi sẽ không bao giờ biết đến tự do. Ông ấy nói thánh chiến là điều không thể tránh, và chúng ta phải góp phần vào.
Ông khách đã khuấy động nồi nước xuýt sôi sùng sục, các tín đồ Hồi giáo sùng đạo ở Moçambique vừa lắng nghe vừa gật gù tán thành khi ông ta giải thích đạo Hồi lại sắp có tầm quan trọng lớn lao ra sao và làm thế nào mà nó lại bị ngăn cản bởi một điều duy nhất, sự có mặt của người Do Thái ở những nơi linh thiêng.
Trong suốt tuần sau đó, Cato thường xuyên đến chơi với ông Hajj’, và với sự trợ giúp của các bản đồ cổ, anh lần theo con đường hành hương tới Mecca bảy hay tám lần cho đến khi có thể hình dung ra bến cảng ở Zanzibar, các viên chức hải quan ở Mogadiscio, những chiếc xe hơi bị bỏ lại trên tuyến đường hoang vắng tới Mecca, và tình huynh đệ khi hàng nghìn người đi vòng quanh điện thờ Kaaba, công trình bằng gỗ mun ở trung tâm của đạo Hồi. Ông Hajj’ càng dẫn giải tín ngưỡng của mình chi tiết, anh càng hiểu rõ hơn sức lôi cuốn của đạo Hồi đối với người da đen ở Mỹ. Đó là một tín ngưỡng của tình huynh đệ phổ quát, dù là ở quê hương châu Phi hay ở Ả rập, và nó đề cập trực diện các vấn đề của người da đen, theo đó trên hết thảy nó là một tín ngưỡng làm cho trả thù trở thành hành vi đáng trọng. Hàng chục đoạn trong kinh Koran biện hộ cho người chờ đợi thời cơ để sửa chữa sai lầm, vì vậy Cato dần dần coi đạo Hồi như một phong trào dành riêng cho những người da đen có mối thù xưa phải trả. Bản thân anh không hứng thú với tôn giáo này vì anh cho rằng nó là một mánh lới xấu xa không kém đạo Cơ Đốc, nhưng anh cảm nhận được nó có thể tác động mạnh mẽ khủng khiếp đến đồng bào của mình, và vì lý do này anh vẫn thường xuyên quay lại chỗ ông Hajj’ gần giáo đường để chuyện trò về con số người da đen khắp châu Phi đã tự nguyện đứng dưới ngọn cờ xanh lá cây của đạo Hồi. Một hôm ông Hajj’ đưa cho anh xem một bài tạp chí đăng một số quốc kỳ mới của châu Phi và tự hào chỉ những quốc gia mới trên cờ cổ hình trăng lưỡi liềm - như Algeria, Tunisia, Libya, Mauritania - hoặc có màu xanh lá cây sáng, xuất hiện ở gần hai chục lá cờ.
Chúng ta là thế lực mới trên thế giới,
ông già nói,
và trong cuộc biểu dương lực lượng của chúng ta, có một vị trí cao quý cho cậu.
Theo dõi ảnh hưởng của tín ngưỡng mới lên Cato, Gretchen ngạc nhiên thấy anh có thể từ bỏ đạo Cơ Đốc của cha và ngay lập tức chấp nhận đạo Hồi của ông già Hajj’, vì mặc dù đúng là đạo Cơ Đốc đã hoàn toàn lừa gạt người da đen trong một trò dối trá vĩ đại của lịch sử - gần như thể đạo Cơ Đốc đã được sáng lập dành riêng cho mục đích đặc biệt này - đạo Hồi còn đối xử với anh tồi tệ hơn, và thật mỉa mai là bây giờ tôn giáo này lại được coi như cứu tinh của chủng tộc da đen, trong khi từ xa xưa chính nó là kẻ hủy diệt chính thông qua sự bảo trợ cho chế độ nô lệ.
Chính trong lĩnh vực chế độ nô lệ này ông Hajj’ đã gây được ảnh hưởng sâu sắc nhất lên Cato và tạo ra những cơn xáo động cảm xúc mà trước đây tôi đã nhắc đến. Chính Cato kể với tôi chuyện diễn ra như thế nào,
Một ngày thứ Sáu tôi đến giáo đường cùng ông Hajj’, và sau buổi lễ ông mời tôi về nhà, hai chúng tôi ngồi ngoài hè quan sát khu vịnh, chỗ trú chân qua đêm của nhiều tàu bè, và ông đã dùng một từ tôi chưa nghe thấy bao giờ. Ông nói, ‘Ngày xưa - thật ra là ngay từ hồi tôi còn bé tí - các barracoon đã có đó rồi,’ rồi ông chỉ về phía rừng rậm ở đầu bên kia đảo. Tôi hỏi ông barracoon là gì, và ông ngạc nhiên nhìn tôi. ‘Cậu không biết barracoon là gì thật sao? Tổ tiên cậu biết đấy, về điều này chúng ta dám chắc.’ Rồi ông giải thích rằng thời chế độ nô lệ, vốn tồn tại trên đảo này cho tới tận đầu những năm 1900, người da đen bị bắt ngay giữa châu Phi và bị lùa thành từng đoàn đến các khu cảng, tại đó tàu thuyền sẽ cập bến định kỳ để bốc hàng. Trong thời gian chờ đợi từ lúc nô lệ bị đưa đến bờ biển cho đến khi tàu bè vào bến nhận hàng, họ bị nhốt trong các khu trại rộng lớn có lính mang súng trường và chó dữ canh gác, những trại đó là barracoon.’ Tôi cho rằng từ coon[107] chính từ đó mà ra. Người từng ở barracoon.
Thế đấy, ông Hajj’ ngạc nhiên thấy tôi mù tịt chuyện này đến nỗi ông cho tôi xem một số sách mà ông nghĩ tôi nên đọc. Ông kiếm được chúng nhờ các thuyền trưởng hay du khách nghiền ngẫm về Moçambique suốt hành trình dài từ châu Âu tới, và tôi thường rời chiếc pop-top ngay sau bữa sáng để đến chỗ ông, ngồi cả ngày trên hiên nhà đọc những cuốn sách đáng sợ ấy. Chúng đều nói về chế độ nô lệ.
Cậu rùng mình khi kể với tôi chuyện này, vì mặc dù giống bất kỳ người da đen có học thức nào, cậu có biết chế độ nô lệ, nhưng sự ghê sợ tột cùng của nó đã bị xóa sạch khỏi nhận thức của cậu, như thể nó là gánh nặng quá lớn tâm trí không tài nào chịu nổi.
Nhưng bây giờ tôi đã chìm đắm trong đó. Trong sách của ông Hajj’ tôi đọc được: ‘Từ đảo Moçambique có quá nhiều nô lệ bị nhét lên tàu, đến nỗi người ta đặt một băng ghế đá cẩm thạch trên bờ biển phía trước lâu đài, và ở đó, khi đám nô lệ mang nặng xiềng xích bị dồn lại, giám mục sẽ đến và vẫy tay cải đạo cho tất cả bọn họ theo Thiên Chúa giáo, để nhỡ họ có chết trong Hành Trình Giữa[108] thì linh hồn họ sẽ được lên thiên đường, và đây là một hành động khôn ngoan vì các con tàu lèn chật cứng đến nỗi ba mươi, bốn mươi phần trăm nô lệ sẽ chết trước khi tàu rời đảo, xác sẽ bị quẳng xuống biển, song thảy đều được chết như tín đồ Thiên Chúa giáo trung thành.
Tôi còn nhớ một câu mà tôi sẽ không bao giờ xóa khỏi tâm trí được. Nó cứ phục sẵn ở đó như một căn bệnh ung thư. Tôi vô tình đọc được nó, và tác giả không hề cố gắng giải thích bất cứ điểm đặc biệt nào. Chỉ cố gắng tường thuật đầy đủ. Ông viết, ‘Các giáo sĩ dòng Tên quản lý barracoon của họ trong đất liền đối diện với đảo và dùng xuồng kéo nô lệ của họ lên tàu.’ Ông cứ suy nghĩ câu này mà xem.
Nhưng đoạn Cato thường nhớ đến nhất, cậu lại không bao giờ nhắc đến. Tôi nghĩ cậu biết mình không thể tự tin nói ra đoạn đó mà không lạc giọng mất, nhưng cậu đã dùng chiếc máy chữ cũ của ông Hajj’ để đánh lại, và cậu cho tôi xem bản đánh máy này:
Thời đó ở một trong những ngôi nhà lớn trên đảo Moçambique có vợ một viên chức Bồ Đào Nha giàu có sống. Rủi thay, người bà càng ngày càng đẫy ra còn mặt phèn phẹt khó coi đến nỗi bà nổi tiếng khắp nơi với cái tên Sư tử cái. Theo như người ta nói, bà ta cũng biết mình bị gọi như vậy, cho nên tính khí bà ta đâm mỗi năm một thêm khó chịu, và vì không có con cái còn chồng tằng tịu với nhiều đàn bà khác, bà ta chỉ biết trút nỗi bực dọc lên đầu nô lệ của mình, và bà ta quen thói cột chặt xuống đất bất cứ nữ nô lệ nào hứa hẹn sẽ trở nên xinh đẹp tới mức quyến rũ được chồng bà ta rồi đánh gãy răng cửa của họ. Đi đâu bà ta cũng mang theo palmado, cây gậy tày một đầu to bằng cỡ cái đĩa nhỏ, được dui nhiều lỗ và gắn với một tay cầm bằng tre rất dẻo, và nếu cô thợ may nào phạm phải dù chỉ một lỗi trong lúc may váy áo cho bà ta, bà ta sẽ bắt cô gái giơ tay phải lên rồi dùng cái palmado đó vụt bảy mươi hoặc tám mươi lần, quật thật lực sao cho các lỗ đục khiến cho bàn tay cô thợ may phồng rộp lên, sau đó lệnh cho cô gái ngay tức khắc trở lại với công việc, tiếp tục khâu mà không được sai để khỏi bị cái palmado hỏi thăm bảy hay tám chục lần nữa.
Cato càng đọc nhiều sách của ông Hajj’, câu chuyện thực về châu Phi càng trở nên khủng khiếp, và không có gì đẫm máu và khủng khiếp hơn phần đóng góp của hòn đảo thân thiện này vì nó từng là kho hàng nơi xác định giá thị trường của nô lệ để bán sang bờ biển phía Đông; chính ở nơi đây các tàu buôn nô lệ từ mọi quốc gia văn minh trên thế giới tập trung để bốc những chuyến hàng giá trị. Bao nhiêu nô lệ đã bị chuyển từ các barracoon trên đất liền lên những con tàu thả neo cách xa đảo? Hai hay ba triệu, có lẽ vậy, cho nên cũng từng ấy người da đen ở Brazil, Cuba và Hoa Kỳ đã biết sơ qua về hòn đảo tuyệt vời ấy, đã biết chợ nô lệ ở đó, các barracoon ở đó, xiềng xích ở đó và, cuối cùng, cả lòng nhân từ trong sự ban phúc của đức giám mục ở đó khi ông ta ngồi trên băng ghế đá cẩm thạch và gửi các tín đồ Thiên Chúa giáo mới của mình lên hầm chứa hàng của các con tàu đang chờ ngoài khơi.
Cato nói với tôi,
Trong khi các bạn khác khám phá pháo đài, tìm hiểu về các thương nhân Bồ Đào Nha hay tranh luận dưới mái hiên Bar Africa thì tôi hoặc đọc sách ở chỗ ông Hajj’ hoặc đi dạo dọc bên cảng, hình dung ra dòng người da đen dài vô tận đang bị dẫn ra khỏi rừng. Tôi có thể thấy họ bị đẩy xuống hầm chứa hàng trong khi những người Bồ Đào Nha giàu có theo dõi từ trên bờ, tại chính chỗ tôi đang đứng, và tôi bắt đầu cảm thấy một nỗi đau xót về những ngày sẽ không bao giờ nguôi ngoai được ấy. Chính hệ thống kinh tế của các ông, nhà thờ của các ông đã gây ra chuyện này, và tôi không tin sẽ có ngày món nợ đó được trả.
Vậy là suốt quãng thời gian lưu trú dài êm đềm trên đảo Moçambique, Cato Jackson đã phải trải qua một cơn chấn động tinh thần mạnh mẽ gồm một phần đạo Hồi, một phần lịch sử, một phần ký ức về chủng tộc, và anh bắt đầu đề ra những ý tưởng sẽ thúc đẩy anh với tư cách một con người. Người dẫn dắt anh là ông Hajj’, người Ả rập từng nhìn thấy một cảnh mộng năm hai mươi lăm tuổi và thấy cảnh đó đủ sức dẫn đường cho mình suốt quãng đời còn lại. Ông giảng giải cho Cato nhiều điều, cảm phục trí thông minh sắc sảo và lòng khao khát mãnh liệt của anh thanh niên da đen, nhưng khi mọi bài giảng kết thúc, và Cato nghĩ rằng bây giờ anh đã hiểu được những gì trước kia còn mù mờ, một hôm Gretchen nghe thấy anh xỉ vả giáo hội Thiên Chúa đã thừa nhận chế độ nô lệ, và cô phát cáu nói,
Tất nhiên anh biết gần như toàn bộ nô lệ bị chuyển đến đảo Moçambique đều là do những tay buôn nô lệ người Ả rập vốn là tín đồ Hồi giáo sùng đạo chở đến đấy chứ?
Khi Cato nhìn cô chằm chằm, cô nói thêm,
Chuyến hàng lớn cuối cùng bị lén lút đưa ra khỏi đây là vào năm 1902, và do cha của Hajj’ phụ trách. Nhóm lớn cuối cùng cập bờ biển đâu đó năm 1952. Hơn ba trăm nô lệ bị người Ả rập dồn lại bán cho lái buôn Ả rập, để rồi bọn chúng đưa lậu họ qua eo biển sang Ả rập.
Ai bảo em thế?
anh chàng da đen quát lên.
Em cũng biết đọc mà.
Dĩ nhiên có một thương nhân Ấn Độ nghe đồn chuyện bán ma túy và dĩ nhiên chưa đầy một tiếng đồng hồ Monica đã dò ra ông ta, nhưng bằng một giọng mũi kiểu Ailen ông ta bảo,
Heroin? Trên đảo Moçambique có bao giờ nghe nói đến heroin đâu? Tôi mà đụng đến heroin thì có họa điên. Xin mời đi chỗ khác cho.
Lần đầu tiên Joe và Gretchen chứng kiến nỗi hoảng loạn của một người sử dụng heroin trước nguy cơ nguồn cung cấp bị đe dọa. Monica đã thành người đàn bà chỉ có một mục đích duy nhất, vì lượng dự trữ mua ở Beira đã gần như hết sạch và cô có thể thấy trước cái buổi sáng khi cô tỉnh dậy bên cái ví rỗng. Cô phải tìm ra nguồn cung trên đảo, nhưng mặc cho cô hết lần này đến lần khác tới hỏi thăm người Ấn Độ, ông ta vẫn thoái thác bằng cái giọng du dương trầm bổng:
Thật vô cùng hân hạnh khi phụ nữ giàu có như cô đến đây hỏi xin sự giúp đỡ từ một người Ấn Độ nghèo khổ, nhưng các vị có bao giờ dừng lại để nghĩ cho những vấn đề của tôi không?
Ai bán mới được?
Monica tuyệt vọng hỏi.
Thật vô cùng hân hạnh khi cô cứ giậm chân mà đòi hỏi...
Cuộc đối thoại cứ tiếp tục như vậy một lúc, cho đến khi rốt cuộc ông ta nói,
Cô đi dọc theo khu bến cảng đến cửa hàng sửa chữa ô tô của João Ferreira Dos Santos,
- ông ta phát âm theo lối Bồ Đào Nha, Jow Fer Shantzh, mà Monica không hiểu được -
trong căn nhà nhỏ cách đó một đoạn cô sẽ thấy một thủy thủ lai. Cứ nói tên tôi với ông ta.
Monica rón rén bước dọc theo khu bến cảng, vẻ đề phòng một cách lộ liễu xem có ai theo dõi mình không, đến một cửa hàng sửa chữa ô tô có cái tên cô coi ngang như Jow Fer Shantzh, và cách đó một đoạn, cô nhẹ cả người nhận ra một ngôi nhà nhỏ, ở bên trong cô gặp một thủy thủ to béo, không biết nói tiếng Anh. Cô nhắc tên người Ấn Độ kia rồi đứng chờ, và sau một khắc quan sát kỹ xung quanh, người thủy thủ chìa ra một gói cần sa sơ chế cỡ trung bình. Monica thất vọng thì thầm,
Không, không!
rồi dùng ngón cái và mấy ngón tay phải khác ra hiệu tiêm dưới da. Mặt vẫn lạnh như tiền, người đàn ông lai lấy lại gói cỏ và đi vào phòng trong. Sau một lúc lâu Monica bồn chồn đứng ngồi không yên, ông ta trở lại mang theo một gói heroin nhỏ.
Nhiều hơn, nhiều hơn nữa,
Monica nài nỉ, nhưng hôm ấy ông ta chỉ cho cô một phần tối thiểu. Nó có giá chín đô la, nhiều gấp đôi số tiền cô phải trả ở miền Nam.
Phải quay lại gặp người đàn ông lai đó sáu lần nữa Monica mới tích được một lượng dự trữ vừa ý, nhưng khi cô đã cảm thấy yên tâm về phần mình rồi thì lại nảy sinh vấn đề của Cato. Nhu cầu của anh thì sao đây? Một buổi chiều cô hỏi anh khi anh từ chỗ ông Hajj’ về, và anh đáp,
Đừng lo cho anh. Anh nghĩ với anh thế là đủ rồi.
Thông tin bất ngờ đó khiến Monica choáng người, cô bắt đầu thách thức anh:
Anh đã phát hiện ra một thứ tuyệt diệu như tuyết thế mà bỏ được ư? Anh không có chút lòng tự trọng nào à?
Thái độ này dường như vô lý đến nực cười, và Cato cố gắng giải thích là anh không hứng thú với heroin:
Vả lại, anh không biết rút cục mình có thể trụ được lâu không.
Điều này làm Monica tức tối đến nỗi các câu chất vấn của cô chuyển thành lời buộc tội, Đến đây thì Joe và Gretchen đi bơi về. Joe đã kể cho tôi nghe những gì diễn ra sau đó:
Monica giận điên lên vì cho rằng một người da đen mà cũng dám bảo cô ấy nên hay không nên làm gì, và khi Cato cố gắng giải thích là anh ấy chỉ nhận định về tính cách của chính mình, Monica liền nổi giận và bắt đầu la hét ầm ĩ đến nỗi khắp cả khu cắm trại đều nghe thấy. Gretchen cố gắng xoa dịu cô, nên một lúc sau Monica và Cato đã nồng nàn trở lại với nhau. Hai người làm tình và cô thuyết phục Cato rằng với một người vẫn giữ được bình tĩnh - nếu người ta làm chủ được mình - heroin có thể tạo ra một cây cầu vồng vô tận. Cuối cùng Monica đưa ra cho anh ta một tối hậu thư tàn nhẫn: ‘Nếu muốn ngủ trên giường em, ông anh thân mến, hãy làm theo em.’
Hôm sau Cato tìm tôi để thảo luận vấn đề ấy. Anh ấy hoang mang chết được. ‘Joe này,’ anh ấy nói, ‘đã hai lần tôi cảm thấy có lẽ chuyện này sẽ trở nên nghiêm trọng tôi không cáng nổi nữa. Những linh cảm rất đúng.’ Vì vậy tôi nói, ‘Nếu có dù là một chút xíu nguy cơ ấy, tại sao không dừng lại?’ và anh ấy thổ lộ, ‘Nhưng tôi yêu cô ấy. Cậu không thể tưởng tượng được ở trên giường với cô ấy là như thế nào đâu.’ Tôi nghĩ rằng đó là một đề tài mà anh ấy rất thành thạo, vì vậy tôi không phát biểu gì cả, nhưng rồi anh ấy chộp lấy tay tôi và nói với vẻ kiêu ngạo xưa nay, ‘Tôi là người sẽ giữ được bình tĩnh. Tôi tin chắc là nếu làm chủ được bản thân, tôi có thể cáng được thứ đó.’ Tôi liền bảo anh ấy, ‘Cứ làm vậy đi, con trai ta, rồi người ta sẽ đưa cậu vào trong sách y học cho xem,’ khiến anh ấy phát cáu mà càu nhàu, ‘Được thôi! Khi hai chúng tôi mới hít, cô ấy ngày nào cũng thử còn tôi chỉ hít có lẽ ba ngày một lần. Bây giờ trong khi cô ấy uống thuốc, tôi mới chỉ dùng kim bốn năm lần thôi. Và nếu cô ấy bắt đầu chuyển sang tiêm vào mạch máu chính, tôi sẽ ngừng. Tôi gọi đó là giữ mọi việc trong vòng kiểm soát.’
Nhưng Monica tiếp tục gây sức ép. Thậm chí cô còn cố gắng truyền cảm giác kích thích cho Gretchen và tôi. ‘Tuyệt vời thật đấy,’ cô đảm bảo với chúng tôi. Còn kể đã mua thêm được ít hàng nữa của gã lai. Lý lẽ chủ yếu của cô là người ta mà không thử thì sẽ không bao giờ khám phá được tiềm năng thực sự của mình. Cô nói nhận thức về cái đẹp của người ta được nâng cao và người ta sẽ không bao giờ hiểu được tình dục nếu không có heroin. Rồi Gretchen bảo, ‘Cậu cũng từng nói với chúng tôi như thế về LSD,’ và Monica đáp, ‘Sự khám phá đến từng bước, bạn thân mến,’ Gretchen liền hỏi, ‘Thế bước quan trọng tiếp theo của cậu là gì?’ Monica chằm chằm nhìn vào khoảng không một lúc, như thể cô đã buộc phải thoáng nhìn thấy hành lang tối tăm nào đó có thể cô không muốn đi vào.
Trong đủ loại sách mà ông Hajj’ cho Cato mượn, có một cuốn đã tác động lâu dài đến cả mấy bạn trẻ Mỹ. Đó là một câu chuyện thám hiểm của Bồ Đào Nha và được mang ra đảo vì nó là một bản tóm lược các sự kiện ở Moçambique. Sau khi đọc xong đoạn tường thuật thê lương về chuyện người Bồ Đào Nha đã dụ dỗ và ức hiếp những cư dân da đen đầu tiên rồi bán phần lớn làm nô lệ, Cato vô tình xem đến phần liên quan tới lục địa châu Phi nằm bên bờ Đại Tây Dương, vậy là anh đọc được câu chuyện về vua Afonso I, từng trị vì bản địa Congo từ 1505 cho đến tận khi băng hà năm 1542.
Đó là một câu chuyện hấp dẫn, cuốn hút không kém bất kỳ chuyện gì từng được tiết lộ ở châu Âu hay châu Á thời kỳ đó. Nó kể về việc cha của Afonso - vị vua khôn ngoan trị vì một vùng rộng lớn hơn hầu hết các nước châu Âu gộp lại - đã phản ứng ra sao trước sự xuất hiện của người da trắng, đã né tránh họ như thế nào và ông đã làm gì để cố gắng chọn lọc cái tốt loại bỏ cái xấu từ những cung cách khó hiểu của họ. Ông già đã giao người con trai yêu quý nhất của mình, Afonso, cho một nhóm linh mục Thiên chúa giáo trông nom, để trong mười năm liền họ chỉ dạy cho ông này những gì tinh túy nhất trong nền văn hóa châu Âu. Họ là những nhân vật kiệt xuất, bầy tôi tận tụy của Chúa và của Congo, họ đã đào tạo Afonso thành một người da đen có đủ cả hiểu biết lẫn đầu óc tinh tế để dẫn dắt dân mình đi từ chủ nghĩa ban sơ đến địa vị ngang hàng trong các hội đồng của thế giới.
Họ chỉ cho ông cách đổi những tài nguyên chưa hề động đến của Congo lấy các kỹ năng của châu Âu, cách bảo vệ đất nước mình bằng các khối liên minh khôn ngoan giữa những cường quốc một ngày kia có lẽ sẽ muốn thôn tính nó, và quan trọng hơn cả là cách chuyển tiếp từ các vị thần bộ lạc sang Cơ Đốc giáo, sao cho các quốc gia văn minh trên thế giới sẽ chấp nhận Congo như một nước ngang hàng. Họ còn dạy ông nhiều điều khác nữa, và đến năm hai mươi hai tuổi ông đã sẵn sàng trị vì vương quốc rộng lớn của mình.
Ngoài nền giáo dục may mắn đó, Afonso còn là người có nhiều khả năng bất thường vì ông sỡ hữu tài lãnh đạo hết sức lôi cuốn và một nhận thức sáng suốt về chỗ đứng của mình và của dân tộc mình trong lịch sử. Ông còn là một con người trung thực, dũng cảm trong chiến đấu, có ý thức chiến lược sắc bén. Tóm lại, ông là nhà lãnh đạo xuất chúng nhất mà người da đen ở châu Phi sinh ra được trong suốt hơn năm trăm năm, và nếu có bao giờ người da đen châu Phi được cơ may tạo lập vị thế vững chắc so với châu Âu, ấy là nhờ Afonso; những bức thư ông gửi tới vua Bồ Đào Nha ở Lisbon chính là tài liệu lịch sử có tầm quan trọng bậc nhất, vì trong đó ông không yêu cầu đại bác hay vàng bạc mà là thầy giáo và thầy tu để họ chỉ bảo cho thần dân da đen của ông cách tự trị.
Khi đọc đến điểm lịch sử này, Cato thấy cần phải chia sẻ phát hiện của mình với các bạn, vì vậy anh xin ông Hajj’ cho phép mang sách về pop-top, nhưng khi anh về đến đó, một cậu bé thông báo,
Họ đi Bar Africa rồi,
vậy là anh đến nhập hội với họ, và dưới mái hiên, trong khi quạt trần quay vù vù mà vẫn chẳng khuấy động được không khí là mấy, anh đọc cho họ nghe vài phần của tài liệu. Các thính giả da trắng của anh đều ấn tượng mạnh, Monica nói,
Em chưa bao giờ nghe nói đến nhân vật này.
Cả Joe và Gretchen cũng vậy.
Chính Gretchen đưa ra chủ đề khiến họ bận rộn suốt mấy tiếng đồng hồ:
Nếu người da đen chiếm một phân khúc quan trọng đến thế trong dân số thế giới, và đặc biệt nếu hiện giờ họ hệ trọng với Hoa Kỳ như vậy, tại sao chúng ta không nghiên cứu về những người như vua Afonso? Ở trường em có một khóa học về lịch sử nước Bỉ. Nước Bỉ lớn đến thế nào? Em không biết, tám hay chín triệu người? Có lẽ chỉ bằng một phần ba số người da đen ở Hoa Kỳ. Tuy nhiên, học về lịch sử nước Bỉ được cho là một việc đáng trọng về mặt học thuật, vì thật tình có Bỉ là nước da trắng và là một phần của châu Âu, ấy vậy nhưng người ta lại thấy nực cười nếu có một khóa học về lịch sử Congo, mặc dù dân số Congo đông gấp rưỡi Bỉ, chỉ vì họ là người da đen và không thuộc châu Âu. Thế giới này thật điên.
Chính thế!
Cato reo lên phấn khích.
Chính vì thế người da đen chúng tôi mới yêu cầu được học về lịch sử của người da đen. Có Chúa biết nó quan trọng đối với thế giới ngày nay hơn lịch sử Bỉ nhiều. Và đối với nước Mỹ nó còn quan trọng kinh khủng hơn nhiều.
Gretchen có một ý tế nhị:
Em không nhất trí với anh, là chỉ người da đen mới được học về lịch sử người da đen, Cato ạ. Chính người da trắng chúng em cũng nên học... để chúng em có thể nhìn người da đen các anh và bản thân người da trắng chúng em theo quan điểm khác.
Nhưng cô nàng Monica sắc sảo đã nhìn ra lỗ hổng trong lập luận này:
Các bạn có thể lý sự theo ý mình thế nào cũng được, và các bạn có thể mơ tưởng hão huyền về những gì có khả năng xảy ra, nhưng có một sự thật tàn nhẫn là lịch sử thế giới vẫn đang và có lẽ sẽ luôn luôn là lịch sử về những gì mà người da trắng đã thành tựu được. Lịch sử Bỉ ít nhất có ý nghĩa gấp năm mươi lần lịch sử Congo, chỉ nội chuyện Jan van Eyckd[109] đã sáng tạo ra nghệ thuật vẽ tranh sơn dầu và Maurice Maeterlinck[110] đã viết sách. Bao giờ ở Congo có người thực hiện được cái gì giống thế, thì cũng đáng cho chúng ta bỏ công bỏ sức ra nghiên cứu xem nền văn hóa của anh ta đã tạo điều kiện ra sao cho anh ta làm được vậy. Nhưng cho tới lúc ấy thì...
Cato nổi giận hỏi vặn,
Thế các tác phẩm điêu khắc ở Benin thì sao?
và Monica, vốn đã phải nghe câu hỏi này cả trăm lần hồi còn ở Vwarda và London, gắt lên,
Thế những cái đầu khổng lồ trên đảo Phục Sinh thì sao? Chúng có làm nên lịch sử không? Một cơ may có tạo nên được cả nền văn hóa không? Anh đã thấy lịch sử văn hóa châu Phi rồi đấy... Khi phái đoàn đó đến thương lượng với Ngài Victor... rồi quay về nước và giết hại vợ ngài. Châu Phi là thế.
Cato nói,
Tình cờ anh lại nghĩ là các nhóm bộ lạc giết hại một phụ nữ da trắng ở Vwarda không tốt hơn mà cũng chẳng xấu xa hơn các tín đồ Tin lành tàn sát người Thiên chúa giáo ở Ailen. Cả nước này lẫn nước kia đều chưa sẵn sàng để tự trị, nhưng chúng tôi bị kẹt giữa cả hai.
Luôn cảm thấy không vui khi Cato và Monica tranh luận gay gắt, Gretchen tìm cách điều hòa những quan điểm của họ bằng cách hỏi,
Chuyện gì đã xảy ra với vua Afonso?
và Cato đáp,
Anh vẫn chưa đọc đến phần ấy,
thì Monica liền nói,
Cá một bảng ăn sáu penny là ông ta bán đứng thần dân của mình.
Sau này, khi Joe kể lại cho tôi nghe về cuộc tranh luận, tôi hỏi anh có tham gia không và anh nói,
Tôi ngồi đó nhâm nhi vại bia, lắng nghe và cố xác định xem mình nghĩ gì.
Tôi hỏi anh kết luận ra sao, anh nói,
Giống như nhiều việc khác, tôi hầu như rất bối rối.
Khi mang quyển sách quay lại hiên nhà ông Hajj’, Cato yên vị chú tâm theo mạch chuyện vua Afonso I, và trong khi đọc, một nỗi buồn mênh mang bao bọc lấy anh khi anh được biết triều đại Afonso đã kết thúc trong thảm kịch. Các nhà truyền giáo do Bồ Đào Nha cử tới giúp ông đã phát hiện ra rằng họ có thể làm giàu bằng cách gom nô lệ cho các con tàu châu Âu đang bắt đầu thả neo tại cửa sông Congo; nhóm nô lệ bị xích dã man đầu tiên bị đưa từ nội địa ra bãi biển lại do chính các giáo sĩ chăn dắt. Các thương nhân đáng lẽ phải hướng dẫn nhà vua thì lại trở thành hải tặc tiến hành chiến tranh chống lại ông. Các cố vấn da trắng có nhiệm vụ góp phần đưa Congo vào khối hòa hợp các dân tộc thì lại đánh hỏng tất cả những gì họ đụng đến và làm thất bại mọi cố gắng văn minh hóa lãnh địa của nhà vua. Tệ hại hơn cả, những người Bồ Đào Nha đã mang đạo Cơ Đốc đến và mở cửa giao thương cho vương quốc lại nhanh chóng nhận ra rằng họ chẳng có lợi lộc gì nếu để khu vực này được cai trị bởi một chính quyền trung ương vững chắc, vì vậy họ ra sức ủng hộ bất cứ cuộc nổi loạn nào và tự khơi dậy làn sóng đấu tranh khi phong trào chống đối của người bản xứ yếu đi. Mọi cố gắng nắm quyền lãnh đạo của vua Afonso đều không thành. Những kẻ man di nhăm nhe kiếm chút vàng bằng cách đem bán kẻ man di khác làm nô lệ đã nghe theo lời xúi giục mà tiến hành đảo chính, và cuối cùng, bị phản bội bởi chính Thiên Chúa mà ông đã chấp nhận, bởi những kẻ đại diện cho Thiên Chúa đó, bởi các gia sư Bồ Đào Nha, và bởi chính thần dân của mình, ông đã tháo chạy khỏi tổ quốc, không sao hiểu được sự sụp đổ đã nhấn chìm mình.
Cato gấp sách, và khi ông Hajj’ hỏi anh một câu, anh chỉ nhìn chằm chằm vị thánh nhân cao gầy ấy rồi bước ra ngoài trời đêm mát lạnh. Không để ý đến những khách bộ hành lướt qua mình trên đại lộ, anh lang thang về phía pháo đài đến bên quảng trường xinh đẹp nằm giữa biển và dinh thống đốc, ở đó anh nhìn thấy bức tượng quen thuộc tạc hình Vasco da Gama dõi mắt về Ấn Độ, với hàng chữ khắc mà Cato từ trước tới giờ vẫn không thích nhưng riêng lúc này lại khiến anh tức điên:
VASCO DA GAMA
1469-1524
Descobriador
de
Moçambique
end[111]
1496
Y hệt cái bọn chó đẻ ngạo mạn ấy,
anh lẩm bẩm một mình, không nghĩ đến người Bồ Đào Nha mà là toàn bộ người da trắng.
Bọn chúng tình cờ gặp được hòn đảo này năm 1496 và tuyên bố với cả thế giới là đã phát hiện ra nó. Hòn đảo chết tiệt này đã được người Ả rập biết đến từ một nghìn năm trước và người da đen từ hai nghìn năm trước. Ấy vậy mà trước khi người da trắng đến đây, nó không tồn tại. Khi bọn chúng đặt bàn chân thần thánh của chúng lên bờ rồi thì nó mới trở thành một phần của thế giới quen thuộc. Quen thuộc với ai cơ chứ? Mẹ kiếp, nữ hoàng Sheba[112] đã biết hòn đảo này đấy. Thuở Bồ Đào Nha vẫn còn là cái chuồng lợn, tàu thuyền đã thường xuyên dong buồm từ đây tới Ả rập rồi.
Anh trừng mắt nhìn nhà thám hiểm bằng kim loại và nhiếc ông ta,
Một tên sát nhân man rợ, ông ta chỉ là vậy thôi. Tất cả bọn chúng đều là vậy.
Và sau đó, trong lúc đứng tại địa điểm lịch sử này, nơi các tàu buôn đã được cột vào bờ biển hai nghìn năm nay, anh dường như nhìn thấy trong bóng tối đoàn nô lệ dài vô tận, dài về tận thuở xa xưa, câm lặng lê bước từ rừng rậm ra barracoon rồi lên tàu. Trong số những phụ nữ trần truồng đang trên đường đến các chợ nô lệ ở Lisbon hay Pernambuco hay Charleston ấy, rất có thể ai đó là cụ kị của anh. Trong số những người đàn ông đeo gông nặng trịch kia, người cha tâm linh của anh cũng đang bước, và mùi tử khí bốc khắp đường đi.
Anh lấy tay che mặt, như thể xấu hổ vì đã để cho các thuyền trưởng da trắng trên những con tàu chở nô lệ nhìn thấy mình thổn thức; nỗi thống khổ của anh thật sâu sắc. Nhưng rồi niềm kiêu hãnh trỗi dậy trong anh. Đánh mắt khỏi bờ biển và cảnh tượng kinh khủng ấy, anh quay mặt lại bức tượng kim loại và lớn giọng hét,
Mẹ kiếp, Vasco da Gama.