XII - Chương 2


Số từ: 7639
Thể Loại: Tiểu Thuyết Hư Cấu
Người dịch: Nguyễn Thị Bạch Tuyết
NXB Văn Học
Ngay khi chiếc pop-top màu vàng lăn bánh vào con đường quốc lộ rộng thênh thang dẫn đến Marrakech, những người ngồi trên đó đều ý thức được rằng họ đang tiến gần tới một thành phố rất đặc biệt, một thành phố đã trở thành thỏi nam châm thu hút những thanh niên thích phiêu lưu mạo hiểm trên khắp thế giới. Họ nhìn thấy những người Thụy Điển, người Đức và Mỹ ngồi trong những chiếc xe ô tô nhỏ hoặc đang vẫy tay xin đi nhờ. Mỗi khi vượt qua một chiếc xe buýt, họ lại thấy bám vào đó cơ man các loại người, đủ sức làm khiếp sợ viên cảnh sát trưởng ở một thành phố bang Iowa hoặc một ông thị trưởng Massachusetts đang chờ đón festival nhạc rock. Bầu không khí hào hứng bao trùm khắp nơi, và khi dừng lại giữa đường để châm thêm xăng, họ bắt chuyện với một cặp trai gái đang trên đường về Casablanca.

Sao lại tóc dài được?
Joe hỏi chàng trai.

Không sao đâu. Cắt tóc chỉ là vấn đề to tát khi anh mới đến thôi. Sau đó thì ai thèm để ý chứ?


Có vui thú như người ta kể không?
Monica hỏi.
Cô gái nhắm mắt hôn gió. Chỉ có vậy, nhưng anh con trai đáp,
Chúng tôi đã ở sáu tháng. Bây giờ quay về Hoa Kỳ không khác gì tự sát.

Hai bên tự giới thiệu:
Đây là Jeanette người Liverpool... Joe người California... Gretchen ở Boston...

Rồi Gretchen hỏi,
Khi chúng tôi đến đó rồi... thì... ờ... chúng tôi sẽ làm gì?

Cặp đôi đang dợm bước rời khỏi bèn bật cười trước sự ngây ngô của Gretchen, cô gái trả lời,
Các bạn lái xe xuyên qua thành phố, qua Koutoubia - đó là một cái tháp giáo đường rất đẹp - và tới Djemaá el Fna.
Ấy là lần đầu tiên những người mới đến nghe thấy cái tên sẽ hình thành nên trung tâm cuộc sống của họ trong những tháng tiếp theo.

Nó là cái gì vậy?
Gretchen hỏi.

Cái rốn của vũ trụ,
người con trai đáp.
Quảng trường lớn.


Các bạn đến Djemaá,
cô gái Liverpool nói tiếp,
và cứ đứng đó một phút nom cho ra người ngoại quốc, rồi thì sẽ xảy ra nhiều chuyện đến nỗi đủ cho các bạn hoa mắt chóng mặt suốt cả tuần đấy. Các bạn không cần phải tìm gì ở Marrakech cả. Mọi thứ sẽ tự tìm đến với các bạn.


Cảnh báo cho họ về thằng Jemail đi,
chàng trai nhắc.

À, phải! Cảnh giác với thằng Jemail đấy. Nó là một thằng bé Ả rập khoảng mười một tuổi. Nó sống ở Djemaá. Nói được sáu bảy thứ tiếng. Đúng là kẻ ranh ma quỷ quyệt nhất kể từ thời Hầu tước de Sadeh[120].

Người con trai bảo Gretchen,
Cô chỉ cần bước ra khỏi xe chưa đầy một phút, thằng Jemail sẽ bảo cô là nó có thể giúp cô kiếm được năm mươi đô la một đêm nếu cô chịu ngủ với các lái buôn địa phương. Còn nếu cô đủ can đảm đến một thị trấn phía sau núi, nó sẽ giúp cô kiếm được nhiều hơn nữa.

Cato hỏi,
Cỏ thì sao?


Nhất thế giới luôn.


Hơn cả ở Nepal cơ à?


Tôi đã đến Nepal rồi. Ở đây xịn gấp đôi.


Người ta bán trong bao giấy bóng kính như ở siêu thị,
cô gái Liverpool cho biết.

Nhưng các bạn kiếm ở đâu mới được chứ?
Cato hỏi.
Chàng trai đáp,
Thằng Jemail sẽ có sẵn bốn bao cho anh. Cứ đợi mà xem. Anh sẽ mua cả bốn bao dù có muốn hay không. Nhưng cẩn thận với những cái bánh quy nhỏ màu xanh lá mà nó bán lẻ. Gần như cần sa nguyên chất đấy. Tôi ăn nguyên một cái lúc bụng rỗng và nằm bẹp luôn hai mươi bốn giờ liền.


Đúng vậy,
cô gái xác nhận.
Anh ấy cũng xanh lè như cái bánh ấy.

Gretchen hỏi,
Ở đâu có chỗ trọ tốt?
và cô gái mách,
Thằng Jemail sẽ cố kéo các bạn đến Rouen, nhưng đừng có tới đó. Kinh lắm! Chúng tôi chủ yếu trọ tại khách sạn Bordeaux, ở đó rất tuyệt. Đông bạn trẻ lắm.

Joe ngập ngừng hỏi chàng trai,
Anh đã bao giờ nghe nói đến một người tên là Big Loomis chưa?
thế là cặp trai gái bắt đầu hăm hở kể đủ mọi chuyện liên quan đến người đàn ông đã trở thành huyền thoại ở Marrakech.

Big Loomis! Nếu chỉ một phút anh đã gặp được thằng Jemail, thì sau sáu phút anh sẽ gặp Big Loomis.


Ông ta có đáng tin không?
Joe hỏi.

Ở Marrakech chẳng ai đáng tin cả,
cô gái đáp.
Ngay cả ở khách sạn Bordeaux, người ta cũng sẽ ăn cắp hết tám cái cuối cùng trong gói bánh quy và lấp chỗ trống bằng giấy báo vò nhàu. Big Loomis trọ ở đó, nhờ vào tấm séc khiêm tốn từ gia đình và những món ông ta có thể xoay được từ những người như anh. Nhưng ông ta xứng đáng với từng đồng dirham một. Và để tôi bảo đảm với anh điều này. Nếu anh gặp rắc rối - ý tôi muốn nói là rắc rối thực sự ấy - Big Loomis sẽ sát cánh bên anh đương đầu với cảnh sát, với chính quyền thành phố, và đại sứ quán Mỹ. Ông ta sẽ chấp nhận đấu với cả thế giới.

Gretchen hỏi câu cuối cùng,
Chúng tôi có thể ngủ trong chiếc Volks. Nếu là chúng tôi, các bạn có nghỉ ở khu cắm trại không?


Đến khu cắm trại làm quái gì,
cô gái đáp.
Chỉ cần nhìn thấy quảng trường Djemaá, các bạn sẽ biết đó là địa bàn hoạt động. Tôi sẵn sàng nhịn ăn để được ở gần quang cảnh đó.

Và rồi ba cặp chia tay nhau, một đôi hướng về Tangier mà tiếp tục cuộc sống thường ngày ở Anh và Hoa Kỳ, hai đôi kia về phía Marrakech và lý tưởng sùng bái sự đổi thay.
Mãi chiều tà họ mới lần đầu tiên nhìn thấy dãy núi cao chót vót đứng canh cho thành phố Marrakech. Chúng đứng cả rặng trùng trùng điệp điệp, trải dài tít tắp về cả phướng Bắc lẫn phương Nam đến nỗi trông chẳng khác gì một hàng rào chắn không người nào có thể vượt qua. Đó là dãy High Atlas, quê nhà của người Berber Bắc Phi và cừu, và nó cống hiến cho thành phố đang náu mình dưới chân một tấm phông tráng lệ.
Dãy núi hiện ra cả tiếng đồng hồ mà vẫn chưa thấy bất kỳ dấu hiệu nào của Marrakech, nhưng khi mặt trời bắt đầu đỏ rực bên trên những đỉnh cao nhất, Cato nhận ra bóng dáng một tòa tháp vươn cao từ vùng đất bằng.
Nhìn kìa!
anh reo lên, và trong lúc Joe cho xe chạy hướng Nam, đường nét của công trình kiến trúc nổi bật này mỗi lúc một rõ dần. Đó là Koutoubia, một tòa tháp vuông đồ sộ cao hơn hai trăm foot, được xây dựng khoảng năm 1150 và quan trọng trong lịch sử với vai trò nguyên mẫu của tháp Giralda nổi tiếng ở Sevilla; mặc dù cả hai đều do cùng một kiến trúc sư Hồi giáo thiết kế, Koutoubia hơn hẳn, hoàn toàn xứng đáng với sự quan tâm mà người đời dành cho nó. Trong những tháng tiếp theo, nó sẽ là địa điểm được các du khách của chúng ta thường xuyên nhắc đến.
Lúc tòa tháp nom lớn hơn, các vườn cọ mênh mông cũng dần hiện lên, có lẽ nơi giống cây ấy tập trung dày đặc nhất trên thế giới, và trong lúc mọi người trên xe mải mê ngắm phong cảnh, Joe đột ngột đạp mạnh phanh thông báo,
Chúng đây rồi!
và sừng sững phía trước là những bức tường màu đỏ của Marrakech. Chúng tạo thành một hình vuông khổng lồ, mỗi cạnh dài hàng mấy dặm, vừa cao lại vừa rất dày. Thật khó mô tả những bức tường đó cho người chưa tận mắt nhìn thấy; tôi biết thế vì đã từng thử qua rồi, mà các bạn đừng tưởng tượng đến một bức tường lớn chạy thành một đường thẳng dài dặc có lẽ hàng nửa dặm. Các bạn phải mường tượng ra một bức tường choáng ngợp trải dài bốn năm chục dặm, hết uốn vào lại lượn ra, đồ xin xỉn và rực sáng dưới ánh chiều tà, một trong những công trình nhân tạo đồ sộ nhất. Đó là dãy tường thành Marrakech.
Bốn bạn trẻ băng qua cổng thành như bao khách lạ vẫn từng vào thành phố gạch đỏ này, kính cẩn trầm lắng. Nhiều thế kỷ nay những đội quân và người hành hương đã đến Marrakech, và luôn với cảm giác lo ngại khi nhìn thấy những hàng rào ghê gớm ấy.
Một sự kiện tiêu biểu đã xảy ra ở vùng này mấy thập kỷ trước, khi một đội quân lớn ở Marrakech, chán ngấy sự sai khiến của chính quyền trung ương, đã hành quân lên phía Bắc cướp phá thành Fez trong cùng thời điểm một đội quân từ Fez tiến xuống phía Nam để trừng phạt Marrakech. Trinh sát hai bên báo cho tướng của mình biết đối phương đã tới gần, vậy là quân Marrakech bám các thung lũng phía Đông và không gặp bất kỳ trở ngại nào, họ hùng hổ kéo vào Fez tàn phá không nương tay, trong khi đó quân Fez lại bám các thung lũng phía Tây và bình an vô sự đến Marrakech phá tan tành thành phố. Rồi hai đội quân rút lui, bên nào bên nấy vẫn giữ nguyên con đường men theo thung lũng của mình, và danh dự của mọi người đều được bảo toàn. Tất nhiên, vô số người đã chết cả ở Fez lẫn Marrakech, nhưng họ đều là thường dân, và tường thành bị giật đổ ở mỗi thành phố đều có thể xây lại.

Nhìn xem!
Cato thốt lên khi họ đã chạm mặt tháp Koutoubia. Lừng lững, hung dữ, gồ ghề, đỉnh có lỗ châu mai như một pháo đài, tòa tháp là một cảnh tượng kỳ thú có sức trấn an, vì bất cứ khi nào tình cờ nhìn thấy nó, người ta đều biết rằng quảng trường Djemaá el Fna đang nằm ngay dưới phố kia thôi.
Đột nhiên, nó ở ngay đó, một dải đất bao la hình thoi phủ đá dăm, rộng đến nỗi có thể đủ chỗ cho cả triệu người, ba phía được bao bọc bởi các bãi chợ toàn lều lán thấp và đan xen ở giữa là các quầy hàng bán đủ loại chả nướng kabob, bánh ngọt baklava và bánh mì mật ong. Joe đậu xe bên lề quảng trường rộng mênh mông, và cả bốn thong thả đi bộ ra giữa quảng trường, nơi các đám đông đang quây quần thành nhiều nhóm lẻ, nhưng đang đi thì họ bị chặn lại bởi một người đàn ông khác thường.
Ông ta ăn mặc như một người lùn từ miền núi xa xôi nào đó, mũ chóp nhọn, áo khoác rộng lùng thùng đính khuy đồng, quần lửng ống túm chật căng bằng nỉ xanh lá cây, đôi giày da nặng nề rất diện. Ông ta vắt trên vai cái bị bằng da dê treo bốn cái cốc đồng nhỏ, nhưng dấu ấn nghề nghiệp của ông ta là một cái túi da được trang trí những đồng tiền bạc và vàng rất cổ. Ông ta lập tức lẵng nhẵng bám theo đám người mới, vốn chẳng hiểu nổi ông ta nói gì. Cuối cùng ông ta bóp cái bị da dê để một dòng nước nhỏ chảy vào trong cốc của mình và đưa cốc cho Monica. Ông ta là người bán nước, và vụ mua bán đầu tiên bốn người bạn thực hiện ở Marrakech là từ ông ta, song khi họ đang uống nước, Cato cảm thấy có ai đó kéo tay trái mình, ngó xuống anh thấy một thằng nhóc đang nói bằng tiếng Anh khá lưu loát,
Đang tìm chỗ trọ phải không, anh bạn?


Chú mày là Jemail hả?
Cato hỏi, và chú bé lùi lại như thể sợ hãi.
Anh biết Jemail?
cậu bé hỏi với vẻ cảnh giác.

Nó là bạn anh,
Cato đáp, thế là chú nhóc chuồn mất.
Và rồi họ nhìn thấy kẻ chắc chắn phải là Jemail. Đang tiến về phía họ với những bước chân lanh lẹ là một cậu bé Ả rập khoảng mười một mười hai tuổi trong mớ quần áo hổ lốn với cách kết hợp độc nhất vô nhị rõ ràng là đồ ăn cáp của các du khách trước đây: quần da Đức cắt bớt cho vừa, áo khoác chơi bowling bằng tơ nhân tạo óng ánh có in tên câu lạc bộ Mildred’s Diner, giày quân đội, và mũ bóng chày Little League của đội Waco Tigers. Thằng nhóc trông lanh lợi, xảo quyệt và vừa hé miệng cười lấy lòng, nó vừa nói chuyện với các khách hàng tiềm năng của mình bằng giọng giả bộ trầm ấm:
Seo ông anh! Đến khu phố cổ với em chứ nhẩy!
Bật cười vì câu nói đùa của mình, nó hỏi,
Các anh chị cần chỗ trọ hả? Các anh chị có chiếc pop-top Volkswagen đời 1969 sang số tự động. Các anh chị thừa sức để thuê trọ ở khách sạn sang nhất nếu thích. Nhưng các anh chị lại muốn ở gần Djemaá chứ gì? Em biết một khách sạn đúng ý anh chị đấy, không quá đắt. Rouen, thượng hạng, nếu thích, anh chị cứ việc hút cần sa thoải mái ở hành lang.


Chúng tôi đang tìm Bordeaux,
Gretchen nói.

Chị sẽ không thích nó đâu,
Jemail cảnh báo.
Đầy bọ chét... toàn dân hạ lưu.


Em cứ đưa bọn này tới khách sạn Bordeaux đi,
Gretchen nói. Jemail lùi lại, nhìn cô chằm chằm rồi nói,
Khôn ngoan giỏi giang mịa nó thìa cơ mà, tự vác xác đi mà tìm Bordeaux nhé.

Joe vung mạnh tay nện thằng bé, nhưng nó đã lường trước cú đánh nên nhảy lùi lại rồi nhanh như cắt rút một con dao ra.
Cứ thử động vào ông xem, thằng trốn quân dịch thối tha kia, ông xẻo hết bi mày bây giờ.
Nó tiếp tục tuôn ra một tràng lời lẽ thô tục ghê tởm, gồm cả đống chỉ dẫn về những hành động tình dục mà hai cô gái có thể thực hiện cả với nhau lẫn với thằng mọi đen chết tiệt bạn họ. Khi cơn cuồng nộ đó đã lắng dịu, thằng bé bình tĩnh cất dao đi rồi nói,
Giờ thì chúng ta đã hiểu nhau rồi. Em thấy khách sạn Rouen thích hợp với các anh chị nhất... có hạng hơn.


Chúng tôi sẽ đến khách sạn Bordeaux,
Gretchen nhắc lại.

Okay. Nhưng đến đêm khi chuột bò lên mặt chị... gặm ti của chị... thì đừng có quát em đấy.

Cato hỏi,
Cỏ thì thế nào?
và Jemail đáp,
Thằng đệ tử của em sẽ mang cho anh bốn túi,
rồi nó cho hai ngón tay vào miệng huýt một tiếng chói tai, vậy là thằng bé đã nói chuyện với họ lúc trước kính cẩn quay lại, nghe Jemail hách dịch đưa ra một loạt mệnh lệnh. Thằng bé kia đã đi khỏi, Monica kéo Jemail ra một bên hỏi nhỏ,
Heroin thì sao?
nó đáp,
Hạng nhất. Món này do em đích thân phụ trách. Em sẽ mang đến phòng chị ở khách sạn Rouen.


Bordeaux,
Monica chỉnh lại.

Chị mà chịu để chị kia chỉ huy à?
nó hỏi, bật ngón cái về phía Gretchen.
Chị ta đồng tính hả? Chị ta khống chế chị à?


Tập trung bàn chuyện heroin đi,
Monica nói.

Thôi được. Bốn đô một gói, bảo đảm không phải đường lactoza.
Trong lúc Gretchen quan sát thằng bé, băn khoăn không hiểu làm sao một đứa nhóc mới tí tuổi đầu lại có thể thành ra hư hỏng tột độ đến thế, nó len lén đến gần cô nói,
Trông chị ngon ra phết đấy. Hễ muốn kiếm khơ khớ tiền thì cứ bảo em nhé.
Gretchen lắc đầu, nhưng thằng bé vẫn kiên trì gạ gẫm.
Những người Âu đứng đắn trọ ở khách sạn Mamounia, năm mươi đô. Nếu họ thích chị thì còn nhiều hơn nữa. Nhưng với người da đen phía bên kia núi, chị cứ việc ra giá.


Bây giờ chúng tôi sẽ đến khách sạn,
cô nói.

Rouen chứ?


Bordeaux.


Đi mà tìm thằng khác, em không đưa đồ chó đến khách sạn Bordeaux đâu,
đoạn nó kiêu ngạo bước đi, nhưng khi thấy một đứa nhóc khác tiếp cận đám bạn, Jemail bèn quay lại đuổi thằng bé đó đi.
Theo em,
nó nói và dẫn họ băng qua quảng trường Djemaá, vừa đi vừa nói bằng đủ thứ tiếng để giới thiệu với khách qua đường về thói quen tình dục và dòng dõi của bốn người mà nó dẫn theo sau.
Phải mất một lúc lâu họ mới tới được khách sạn vì khi đến giữa quảng trường Djemaá họ thấy nhiều nhóm khá đông người lớn trẻ nhỏ quây tròn quanh những người kể chuyện rong đang say sưa kể về lịch sử Marốc và những sự kiện lớn trên thế giới như các cuộc chinh phục của Alexandre Đại đế và chuyến đổ bộ lên mặt trăng. Vài người kể chuyện còn kiếm được những giá để bản nhạc cũ và treo lên đó những tấm vải dầu rộng được chia thành hàng loạt ô vuông nhỏ miêu tả những cuộc phiêu lưu của thần Hercules, minh họa khi họ nhắc đến các kỳ công. Mấy người kể chuyện cường điệu nhất còn dùng cả những cái giá ba chân treo nhiều bức vẽ bằng vải dầu, tấm này chồng lên tấm kia, để trong lúc kể chuyện, người kể có thể lật nhanh các bức vẽ minh họa cho từng sự việc ly kỳ.
Giọng người kể chuyện mới mạnh mẽ làm sao mỗi khi nhân vật chính gặp nguy hiểm, êm ái làm sao khi nói đến những cảnh yêu đương. Máu gần như là hình ảnh chủ đạo trong mọi bức vẽ, và cái chết được mô tả nhiều đến nỗi câu chuyện dường như là một chuỗi liên miên những vụ phản bội, phục kích và bóp cổ; quả tình, tại những vùng này thì đúng thế.
Bên trong các vòng khán giả khác, nghệ sĩ nhào lộn biểu diễn, thánh nhân giảng kinh Koran, chàng hề trình bày những tiết mục rồ dại, và ba dân vùng núi, những người có thể biểu diễn ở bất cứ nhà hát của những trò lố bịch nào ở Paris hay New York, được trang bị đạo cụ là một cái bơm xe đạp, một cây kiếm kiểu Đức, một chiếc xe nôi và một cái áo choàng dài đuôi tôm màu đen. Bằng cách nhanh nhoay nhoáy mặc áo, cởi áo rồi nhảy vào trong xe nôi, và bằng cách thoải mái sử dụng thanh kiếm cùng chiếc bơm xe đạp theo đủ mọi cách thức không đâu vào đâu, họ mang đến một nửa tiếng đồng hồ tưng bừng náo nhiệt trong khi nét mặt vẫn trang nghiêm và nhân cách không ngừng bị xúc phạm bởi những gì đang diễn ra với họ. Thỉnh thoảng một người trong nhóm lại cố gắng nuốt thanh kiếm, và thực sự cũng đưa được một đoạn đáng kể xuống thực quản rồi thì hai cộng sự lại nhét bơm vào hậu môn anh ta và bơm mạnh đến mức thanh kiếm không ngừng bật ra khỏi miệng anh ta.
Kết thúc mỗi tiết mục biểu diễn, một cái bát đồng được đưa khắp lượt đám đông, và hãn hữu có người đặt vào một đồng xu nhỏ, còn đại đa số khán giả chỉ ngồi xem miễn phí trên mặt đường đá dăm. Gretchen thích thú với bộ ba nuốt kiếm đến mức cho họ hai đồng dirham, thế là anh hề liền sử dụng chiếc bơm trình diễn một bản nhạc ngắn nghe như tiếng kèn trompet.
Lúc này mặt trời đã lặn được khá lâu, và khi bóng tối phủ khắp quảng trường rộng lớn, những cây đèn dầu đuôi đồng xuất hiện, cho nhà hát ngoài trời một vẻ ma quái với những người Berber mặc áo caftan lặng lẽ đi từ vòng người này sang vòng người khác, trong khi cư dân các sa mạc phương Nam mới đến tròn xoe mắt ngắm nhìn chốn phồn hoa đô hội lần đầu tiên. Lúc này đã có hơn năm mươi vòng người hoạt động: nghệ sĩ dụ rắn, vũ công, ban nhạc, người biểu diễn tiết mục thăng bằng, diễn giả, và lúc nào cũng có những người kể chuyện rất lôi cuốn dẫn dắt hàng trăm thính giả trở lại thời xa xưa, trở lại thời vinh quang của đạo Hồi.

Các anh chị xem gần hết mọi thứ rồi,
Jemail sốt ruột nói.
Thằng bé kia sẽ kiếm được keef cho anh. Em sẽ kiếm được heroin cho chị. Bây giờ chúng ta đến Rouen thôi.

Nhanh như cắt, Joe thộp lấy cổ thằng bé mà đe,
Nghe đây, thằng du côn, mày và heroin của mày tránh xa chúng tao ra. Giờ thì dẫn chúng tao tới Bordeaux.


Nhưng thằng này sẽ thiến anh đấy, ông anh,
thằng bé Ả rập đáp, bình tĩnh gỡ ngón tay Joe ra.
Nó dẫn họ rời khỏi quảng trường Djemaá và đi vào một con hẻm tối tăm lượn ngoằn ngoèo qua khu phố cổ nhất Marrakech. Chắc hẳn họ sẽ sợ lắm nếu phải một mình đi trên con hẻm kinh khiếp này vì nó gợi nhớ đến mọi bộ phim rẻ tiền về khu casbah.
Và rồi, từ trong bóng tối tiến ra phía họ, đám bạn trẻ nhìn thấy một cảnh tượng lạ thường: một người đàn ông nặng khoảng tạ rưỡi di chuyển chậm chạp theo nhịp điệu, được hộ tống bởi ba cái bóng gầy nhẳng, tóc dài, trong đó có lẽ có một thiếu nữ. Đôi bốt thô cỡ đại ống cao đến cổ chân được làm bằng da bò Tây Tạng. Thay cho quần, ông ta mặc một chiếc lava-lavad[121] kiểu Nam Thái Bình Dương cắt từ loại vải màu nâu xám dệt rất khéo. Ông ta mặc áo khoác rộng theo phong cách của thủ tướng Ấn Độ Nehru, nhưng không có mũ vì râu tóc ông ta tạo thành một vòng tròn rất lớn mà chẳng khăn mũ nào có thể vừa được. Cái áo khoác gần như được phủ kín bằng các chuỗi hạt, và ông ta cài vào phía trên tai trái một chiếc lược dành cho phụ nữ có tay cầm dài, thẳng. Trong lúc ông ta nói liến thoắng với các đồ đệ, những người mới đến để ý thấy ông ta di chuyển vô cùng mềm mại uyển chuyển, nhấc đôi chân to lớn lên rồi đặt xuống với sự thành thục y hệt cách một con voi di chuyển qua bãi cỏ cao. Rồi, khi ông ta tới gần, khuôn mặt không còn khuất trong bóng tối nữa, họ nhận ra ông ta là một người da đen với vẻ mặt ngây thơ như em bé.

Đây chắc phải là Big Loomis rồi,
Joe nói, tiến lên phía trước tự giới thiệu.
Song đúng lúc ấy, thái độ của người da đen thay đổi hẳn, vì ông ta phát hiện ra thằng Jemail, và hai người đứng đối mặt trong lối đi chật hẹp, la hét chửi rủa nhau. Bằng những cú cật lực, người da đen to lớn cố bạt tai thằng nhóc Ả rập nhỏ bé, trong khi nó khéo léo né đòn và trả đũa bằng những tên gọi khiến đối thủ tức điên.
Thằng Jemail ngoa ngoắt hét lên với ông béo,
Đ. mẹ con lợn béo kia, tại sao mày không chịu thanh toán hóa đơn, đồ thối tha, đồ bụng mỡ?
và ông ta gào lên to hét mức,
Nghe đây, đồ cặn bã đút nút lỗ đít kia, tao mà tóm được mày thì nướng chín cho mà xem,
vậy là thằng bé lại hét,
Còn khuya mày mới chạm được vào ông. Đi mà tìm thằng nhỏ của mày ấy.
Đến đây thằng bé đã hạ xuống một chiều sâu mới của những chuyện đồi bại, bêu riếu đời sống tình dục giả định của ông béo.
Đó là một màn biểu diễn choáng người mà sau này mỗi khi gặp, các bạn trẻ vẫn thường kể lại cho tôi. Gretchen kể,
Họ đứng đó trong đêm tối, rủa sả lẫn nhau, một người đàn ông da đen to lớn béo phì và một thằng bé Ả rập nhỏ thó, cứ như thể con voi và con chuột trong truyện kể giờ đã đến Marrakech rồi vậy. Ông béo kết tội thằng bé chỉ vì vài đồng dirham ít ỏi mà định lừa chúng cháu đến Rouen, cái ổ ghê tởm nhất thành phố và không phải chỗ dành cho đàn bà con gái. Nói đến đó ông ta cúi đầu trước Monica và cháu, cả một núi thịt và hoa gập làm đôi. Thằng bé phản công bằng cách buộc tội ông béo đang dụ dỗ chúng cháu tới khách sạn Bordeaux để ông ta có thể bán ma túy cho chúng cháu. Họ chửi rủa thậm tệ thêm một lúc nữa, sau đó người đàn ông da đen hùng dũng đi tiếp, trông không khác gì con tàu vượt đại dương oai phong lướt qua chiếc tàu kéo. Cháu sẽ không nhắc lại những lời thằng bé nói về ông ta khi ông ta đã đi khỏi. Và đó là lần gặp đầu tiên của chúng cháu với Big Loomis.

Cuối cùng, thằng Jemail cũng đưa họ tới Bordeaux, một khách sạn bẩn thỉu nằm bên rìa con hẻm họ vừa đi qua. Một cánh cửa cổ kính dẫn họ vào sân giữa, nằm lọt thỏm giữa những dãy nhà bốn tầng, tầng này tầng kia nối với nhau bằng cầu thang trông xập xệ. Mỗi tầng đều có ban công bằng gỗ, để nếu trong khách sạn có xảy ra bất cứ chuyện gì hấp dẫn, tất cả các khách trọ đều có thể ngay lập tức xuất hiện trên ban công tầng mình. Ngoài ra, âm thanh từ mỗi tầng sẽ được khuếch đại lên nhiều lần khi nó vọng lên vọng xuống cái giếng trời trung tâm ấy.
Bên trái cửa ra vào là phòng bảo vệ, bốn bức tường chăng đầy mạng nhện và phủ kín các tờ lịch hàng không sặc sỡ in hình phong cảnh. Căn phòng là nơi cư ngụ của một người đàn ông chỉ được biết đến với cái tên Léon; còn quốc tịch hay chủng tộc, không ai buồn đoán làm gì. Ông là người kiên nhẫn, dù thường xuyên bị quấy rầy vẫn luôn sẵn lòng lắng nghe bất cứ khi nào có người châu Âu hoặc người Mỹ lạc đường đến xin giúp đỡ. Ông có thể tỏ ra hào phóng như vậy cũng một phần là vì Big Loomis đã thuê trọn tầng trên cùng; nếu gặp bất cứ khách du lịch nào thực sự không còn đồng xu dính túi, Léon chỉ cần chuyển lên cho Big Loomis, và lần nào ông ta cũng tìm được chỗ ngủ cho người đó. Tầng trên cùng có tám phòng, và có những tối chúng phải chứa đến bốn mươi người vô gia cư trong tình trạng rối loạn như mớ bòng bong.
Léon dẫn Jemail và các vị khách của nó leo cầu thang gỗ lên tầng trên cùng, đến đó ông lần lượt đạp tung sáu cánh cửa cho đến khi tìm được một phòng ít nhiều còn trống.
Đêm nay các cô cậu ngủ ở đây nhé,
ông bảo, và thằng Jemail nói thêm,
Thằng đồ đệ của em sắp mang keef lên rồi. Nhưng để chào mừng các anh chị đến Marrakech... này!
Và nó lôi từ trong áo khoác ra một gói giấy nâu nhờn nhờn bọc bốn cái bánh màu xanh.
Bốn dirham, cẩn thận, chúng sẽ quật anh chị bẹp giường đấy.
Hai cô gái rón rén cất mấy cái bánh vào hành lý, hứa lát nữa sẽ nếm thử.
Lúc này Jemail lại gạ gẫm chuyện khác. Nó bật ngón tay rồi reo lên,
Hay chúng ta quay lại ngắm quảng trường Djemaá dưới trăng?
Mọi người cân nhắc đề nghị này, và họ bị Marrakech mê hoặc đến nỗi nhận lời luôn, nhưng Jemail nói,
Đầu tiên chúng ta giải quyết chuyện tiền nong đã. Em sẽ lo liệu mọi việc. Em trông xe cho các anh chị. Lúc này em đã có một thằng bé ở đó rồi. Vậy những việc ấy đáng bao nhiêu?
Gretchen đưa ra một con số, nhưng thằng bé khinh khỉnh bác bỏ và nêu rõ:
Em trông nom các anh chị... không có chuyện rắc rối. Cảnh sát à... chẳng có tên nào hết. Không có thằng nhóc nào đến quấy nhiễu các anh chị ở quảng trường Djemaá. Chợ búa giá cả phải chăng. Em làm phiên dịch được. Em lo liệu mọi việc. Anh chị mất hộ chiếu chớ gì? Em biết người in hộ chiếu mới.
Nó đề nghị thù lao sáu đô la một tuần, và họ nhất trí.
Thằng bé đưa họ quay lại quảng trường, giờ đã hoàn toàn đổi khác. Những người kể chuyện và diễn viên đã về hết. Thay vào chỗ của họ là vô số quầy hàng lưu động, bày bán đủ loại thức ăn và chất tầng tầng lớp lớp những thứ bánh kẹo phương Đông đẹp mắt.
Đừng đụng vào!
thằng Jemail cảnh báo.
Lây bệnh tả đấy.
Nó đang định giải thích rõ hơn thì một khách du lịch hỏi người bán kẹo một câu, vậy là nhanh như cắt Jemail nhảy vào cuộc thương lượng bằng tiếng Đức, thứ ngôn ngữ mà nó nói trôi chảy không kém tiếng Anh. Nhét số tiền thưởng vào túi, thằng bé quay lại nói với các vị khách của mình,
Xin mời ngắm mặt trăng... nằm trên tháp Koutoubia,
và nó đó, một nửa vầng trăng đứng kiễng chân trên ngọn tháp.
Sáng hôm sau cả nhóm mới có dịp xem xét kỹ khách sạn, và nhận thấy nó bẩn thỉu hơn họ tưởng, nhưng cũng thú vị hơn. Tòa nhà được xây dựng đâu đó giữa thế kỷ trước và từ bấy đến nay vẫn y nguyên. Những lớp bụi bẩn dày cộp đã làm phai màu ô cửa và buồng tắm, nhưng hàng tuần Léon vẫn quét dọn các tầng, vì vậy cũng tương đối sạch sẽ. Điều hấp dẫn những người mới đến là không khí giao lưu nhộn nhịp trong khách sạn, nhiều thanh niên thoải mái đi lại từ phòng này sang phòng kia cũng như tự do lên lên xuống xuống các tầng cầu thang lộ thiên.
Cả bốn tầng đều có tám phòng, mỗi phòng trung bình ba người, ngoại trừ tầng trên cùng nơi Big Loomis nhồi nhét khá đông người vào dãy phòng ông ta thuê. Vì vậy thường có hơn một trăm khách trọ, người Canada, Úc và Thụy Điển chiếm đa số. Tuổi trung bình có lẽ không quá hai mươi, và con gái đông hơn con trai một chút. Họ là những người sạch sẽ, không ăn mặc thời trang hay tóc tai đẹp đẽ nhưng vẫn chỉnh tề; trên thực tế, nếu muốn đến được Marrakech người ta phải mất một số tiền đáng kể, nghĩa là sẽ diễn ra một quá trình loại trừ mang tính tự nhiên.
Đặc điểm chính của khách sạn Bordeaux là nồng nặc mùi cần sa ngòn ngọt; hầu như toàn bộ cánh thanh niên đều hút, thỉnh thoảng pha lẫn với hashish, ở một mức độ nào đó tại Marrakech vốn là thứ dễ mua hơn cỏ nhiều. Mới nhìn thì chẳng ai nhận ra đám khách trọ trong khách sạn hút cần sa, nhưng quan sát kỹ hơn, người ta có thể thấy khá nhiều vẻ mặt đờ đẫn tố cáo những kẻ vừa sử dụng hashish.
Khách trọ Mỹ là một nhóm đặc biệt tâm đầu ý hợp: hai nữ sinh trường Wellesley, trong đó một cô biết chơi guitar; bốn năm sinh viên trường California thuyết phục được cha mẹ cho họ ra nước ngoài một năm để nghiên cứu ngôn ngữ và lịch sử châu Âu; một nhóm thanh niên Trung Tây bình thường, đa số đang theo học hoặc trường này hoặc trường kia dọc thung lũng Mississippi; và một nhóm kín đáo gồm ba người miền Nam, trong đó có một chàng xanh xao, nhạy cảm người Mississippi.
Trong số tất cả thanh niên các nước khác, dân Canada và Úc ưa phiêu lưu mạo hiểm và rủng rỉnh nhất. Sau khi gặp khoảng hai chục người, Gretchen nhận xét,
Mấy nước đó chắc hẳn lăn lộn trên tiền. Các cô cậu này đúng là vung tiền không tiếc.
Joe thấy các cô gái Úc vô cùng nhắng: thẳng thắn, lếu láo, cực kỳ năng động và can đảm. Chỉ cần mang theo ba lô và một ít bánh mì, họ có thể đi bất cứ đâu; phần lớn đã ra nước ngoài ít nhất hai năm, làm việc một thời gian ở Anh hay nhận những công việc bèo bọt ở Pháp, và chẳng sớm thì muộn hầu như cô nào cũng nói,
Sống thêm sáu tháng như thế này nữa rồi quay về Úc với những tháng ngày lê thê... cưới một anh chăn bò... hàng năm dự Melbourne Cup.
Họ là những người tuyệt vời, sôi nổi và dăm ba cô tỏ ý với Joe là họ sẽ không khó chịu nếu anh sang ngủ trong phòng họ, nhưng lần nào anh cũng chỉ Gretchen như thể muốn nói,
Tôi còn làm gì được nữa đây?

Những điều khái quát tôi vừa nêu chỉ đúng với ba tầng dưới. Tầng thứ tư lại là chuyện khác. Ở trên đó Big Loomis cung cấp chốn nương thân cho những người chưa được chuẩn bị sẵn sàng khi đến Marrakech và thấy mình không đáp ứng được những đòi hỏi của thành phố này: cô học sinh trung học người Minneapolis ở bãi chợ đã ngủ với cả tá đàn ông và dính bầu với một người, nhưng cụ thể là ai thì cô chịu không nói được; chàng trai Tucson bỏ học ngay trong năm đầu trường Arizona và trong một tuần ăn chơi tung trời đã phát hiện ra cần sa, hashish cùng heroin, và có lẽ sẽ không bao giờ trở lại cuộc sống bình thường được - bây giờ vấn đề chính của anh là kiểm soát được cảm giác thăng bằng để ít nhất anh có thể đi qua quảng trường Djemaá; ông thầy người London mê mẩn đồng tính luyến ái ở Marrakech; ba thanh niên California đang tìm cách trốn quân dịch; nhà triết học chậm hiểu đến từ một trường Thiên Chúa giáo nhất quyết đòi hòa giải Thánh Thomas Aquinas[122], Herbert Marcuse[123] và bộ Kinh dịch, với cần sa làm xi măng gắn kết.
Đó là một đám hỗn tạp, được Big Loomis điều khiển bằng lòng nhân hậu và sự thấu hiểu; với một vài khách hàng, chẳng hạn nhà triết học Thiên Chúa giáo, ông ta cung cấp chỗ ở miễn phí hàng tháng liền; những người khác sẽ được đề nghị rời khỏi đó khi ông ta cảm thấy tình hình của họ đã ít nhiều ổn định. Khách trọ ở tầng bốn ít giao thiệp với các tầng dưới; thực ra, một số bệnh nhân của Big Loomis - cách miêu tả thích đáng nhất đối với họ - có khi hàng tuần liền không rời khỏi tầng trên cùng, hài lòng được nằm trong phòng, vừa hút hashish vừa mơ tưởng đến một thế giới tốt đẹp hơn mà họ hẳn đang vẽ ra.
Đối với những vị khách mới bình thường, lợi thế chủ yếu của khách sạn Bordeaux là nguồn hashish và heroin sẵn có. Người ta còn chẳng cần phải tìm kiếm những thứ cám dỗ kỳ lạ đó vì ngày nào thằng bé Jemail cũng đến gõ cửa gạ gẫm:
Giá rẻ nhất Marrakech đây. Đảm bảo chất lượng.
Nó chỉ kiếm ba trăm phần trăm cho mỗi lần giao dịch.
Trong khách sạn chỉ có ba vị khách ngu ngốc đến mức dính vào heroin - bốn người, sau khi Monica nhận phòng - và hai người chỉ hít, thỉnh thoảng mới tiêm dưới da một lần; hai người này có cơ hội cai nghiện khá lớn, vì Big Loomis giữ họ trên tầng bốn để chăm nom, cố gắng giúp họ từ bỏ thói quen. Người thứ ba là anh thanh niên xanh xao xuất thân từ một gia đình tử tế ở Mississippi mà có hôm Gretchen trông thấy uể oải đứng tựa vào cánh cửa phòng trên tầng ba. Cô không tin anh ta còn quay về nhà được nữa, vì rõ ràng anh ta đã tiêm heroin vào tĩnh mạch và không ăn uống gì suốt mấy ngày liền. Mặt mũi phờ phạc, cơ thể ẻo lả và cánh tay gầy đét chứng tỏ anh ta đã chuyển sang trạng thái mộng du - một cảnh tượng đáng sợ có lẽ đủ để bất cứ người nào chứng kiến cũng phải tránh xa heroin. Nhưng tất nhiên, Monica đã chích vào tĩnh mạch rồi... và giấu không cho ai biết.
Bây giờ ba người bạn Mỹ gánh vác trách nhiệm trông chừng Monica, và bất kể khi nào thằng Jemail mang những gói heroin lẻn vào phòng cô, họ lại đuổi nó đi, nhưng chính Cato mới là người lãnh phần vất vả nhất, và sự quan tâm chân thành của anh đã chiếm được lòng ngưỡng mộ không những của Joe và Gretchen mà còn cả của Big Loomis. Người đàn ông da đen to béo nói với anh,
Cậu đang thực hiện hành động hữu ích duy nhất đấy, chàng trai ạ. Hãy ở cạnh cô ấy, vì chỉ sự giúp đỡ của cậu mới khiến cô ấy đấu tranh tìm được đường quay trở lại.

Đó là một nhiệm vụ khó khăn. Sau kinh nghiệm khủng khiếp đêm cuối cùng ở Moçambique, Cato đã từ chối ngay cả việc hít chất bột trắng chết người ấy, quyết định này đã khiến anh bị Monica hành hạ vô khối. Cô thường cấm anh ngủ cùng, hét vào mặt anh,
Anh mà theo tôi lên giường thì cũng phải theo tôi trong mọi việc.

Một hôm anh định nói với Joe về chuyện này, nhưng rồi lại bật khóc. Sau khi đã tự chủ được, anh lí nhí,
Làm sao tôi có thể bỏ mặc cô ấy được? Chúa ơi, cậu không tưởng tượng được tôi yêu cô ấy tới mức nào đâu. Tôi cần cô ấy. Cô ấy làm tôi đau đớn quá.
Khi Joe tìm cách an ủi, Cato khẳng định,
Nhưng tôi sẽ không đụng đến Big-H. Không bao giờ nữa.

Những khi Monica vật vã đau đớn, các khách trọ khác ở tầng ba có thể nghe thấy cậu van xin cô từ bỏ cái thứ chỉ có thể hủy hoại cô.
Sao em cứ dính vào cái thứ chắc chắn sẽ giết chết em làm gì chứ?
Cậu tìm mọi cách lái cô sang hashish vì cảm thấy cô có thể chịu được món này, nhưng cô lại châm chọc cậu.
Đó là thứ dành cho bọn trẻ con, mà bây giờ em đã là phụ nữ rồi.

Trên phương diện nào đó, những nỗ lực cứu giúp Monica của cậu bị định hướng sai lầm; hashish là chất pha chế có tác động mạnh hơn anh tưởng. Loại do thằng Jemail cung cấp là một khối nhựa cây cô đặc chiết xuất từ cây cần sa trưởng thành và có tác dụng mạnh gấp mười lần thuốc điếu. Như vậy đó là một thứ cần sa cô đặc và có thể dùng theo hai cách: hút, hoặc ăn dưới dạng những cái bánh xanh lục gớm ghiếc thường bán ở quảng trường Djemaá. Cato được biết về loại bánh xanh ấy từ mấy người Thụy Điển.
Ở tầng một của khách sạn Bordeaux, bên trái lối vào có một phòng phần nào rộng hơn các phòng khác. Mấy năm gần đây, một cặp dễ mến người Stockholm thường thuê phòng này từ tháng Sáu cho đến tháng Mười một. Những tháng còn lại, Rolf làm y tá tại một bệnh viện tâm thần ở Thụy Điển còn Inger dạy học ở trường mẫu giáo. Khắp Marrakech ai cũng gọi đó là phòng của Inger và nó được coi như hòm thư phục vụ khách vãng lai Scandinavia và là trung tâm giao lưu cho tất cả người châu Âu khác. Trong thời gian cặp Thụy Điển thuê, phòng của Inger là một trong những phòng văn minh nhất ở châu Phi, nơi ta có thể được uống cốc bia gừng mát lạnh, ăn những món đơn giản, xem mấy số báo London Times cũ, và hào hứng chuyện trò. Rolf và Inger đều xấp xỉ ba mươi, chưa kết hôn và có duyên thầm. Ngay buổi sáng đầu tiên sau khi nghe nói có ba người Mỹ và một cô gái Anh xinh đẹp mới đến trọ, họ đã lên tầng trên làm quen và bày tỏ lòng hiếu khách. Họ đảm đương trách nhiệm tìm phòng trống - Cato và Monica ở tầng ba, Joe và Gretchen tầng hai - rồi tập hợp cả nhóm đến phòng mình.

Có nhạc này!
Phát hiện ra chiếc máy quay đĩa, Monica reo lên, nhanh chóng bật máy và nhắm mắt thưởng thức nhịp điệu mạnh mẽ từ tác phẩm mới nhất của ban nhạc Blind Faith.
Nghe như mưa rơi trên sa mạc vậy,
cô phát biểu, nhưng một lúc sau cô mở ví hỏi,
Mấy cái bánh xanh thằng Jemail bán cho chúng ta đêm hôm qua thì thế nào đây?


Khá mạnh đấy,
Rolf nhắc nhở.
Người ta pha nước hãm của hashish cô đặc với bơ đã trở mùi. Sau đó đem nướng thành bánh hạnh nhân dinh dính.


Anh ăn như thế nào?


Rất thận trọng. Con gái như em chịu được khoảng một phần tám cái bánh. Nếu em nghiện nặng thì có thể ăn nhiều hơn. Big Loomis ăn được cả một cái, nhưng em thì không thế được đâu.


Anh chưa biết em đấy thôi,
Monica đáp rồi đút tọt cả cái bánh vào miệng, vừa nhai vừa toe toét cười với mọi người. Rolf lo lắng theo dõi, còn Inger bắt đầu dọn dẹp một góc giường, nhưng Monica không để lộ phản ứng bất lợi tức thì.
Cato và Joe ăn từng miếng rất nhỏ. Gretchen không ăn nhưng vẫn nhận một điếu thuốc Rolf vừa quấn, nửa cần sa, nửa hashish.
Chắc chắn là có khác,
Monica nói khi bắt đầu cảm thấy quyền lực của hashish. Đang định rít hơi thuốc thứ hai, Gretchen hét lên,
Ôi, lạy Chúa!
Monica, như thể bị bổ một nhát rìu, ngã vật xuống đất bất tỉnh nhân sự; Cato, vốn không thấy cô ngã, quay phắt lại và há hốc miệng đứng nhìn, một mẩu bánh chưa kịp nuốt vẫn còn trên lưỡi. Joe cúi xuống định bế cô lên, nhưng Rolf và Inger đã nhanh tay hơn đặt Monica nằm sóng sượt lên giường. Cô ở lại đó, bất động, suốt mười tám tiếng đồng hồ, dưới sự canh chừng của Cato.
Trong thời gian ấy, liên tục các thanh niên từ mọi vùng của châu Âu ghé thăm phòng. Họ thấy Monica nằm lạnh như đá liền bình thản nói,
Ái chà chà! Ăn thử bánh xanh của chúng ta đây mà.
Không ai tỏ ra đặc biệt lo âu; họ ngồi cả trên mép chiếc giường lẫn trên sàn, chuyện trò về Thụy Điển, Đức và Úc. Đến lúc xâm xẩm tối, cô gái học ở trường Wellesley mang cây guitar ra, vậy là Gretchen cũng hứng lên đi lấy đàn của mình, rồi hai cô hát các bài ballad, thi thoảng trong đám đông người nào thuộc lời lại hát đệm vào - và trong suốt thời gian mọi người chuyện ngẫu và ca hát, Monica không hề cử động. Thỉnh thoảng Cato đến lay lay cố làm cho cô nói, nhưng cô vẫn hoàn toàn bất động, và Rolf nhận xét với vẻ chuyên nghiệp,
Chẳng làm được gì ngoài để mặc cho cô ấy ngủ đâu.

Cuối cùng, tảng sáng Monica mới cử động. Nửa giờ sau cô mở mắt, nhìn quanh căn phòng xa lạ rồi nói,
Lần sau thì chỉ nửa cái bánh thôi.

Nhấn vào đây để xem chương mới nhất của Ebook 6 Người Đi Khắp Thế Gian (Trọn bộ 2 tập).