I - Chương 2


Số từ: 1786
Thể Loại: Tiểu Thuyết Hư Cấu
Người dịch: Nguyễn thị Bạch Tuyết
NXB Văn Học
Trong thời gian anh bạn cùng phòng ngồi tù chờ ngày xét xử, Joe ở một mình trong ký túc xá vật lộn với một niềm tin đang dần dần phát triển. Thông thường sự đánh giá đau đớn như vậy chỉ diễn ra ở một người gần năm mươi tuổi, khi anh ta đang sẵn sàng cho cú đẩy cuối cùng, hoặc một người hơn năm mươi, khi anh ta đánh giá cái thất bại cay đắng đã lôi anh ta vào mà không để hở một cơ hội trốn thoát nào, nhưng đối với thế hệ Joe, thời điểm đánh giá tới sớm hơn, và anh một mình đối mặt.
Anh cũng thích đám con gái và từng hẹn hò vài người, nhưng cho tới nay vẫn chưa tìm được cô nào anh cảm thấy có thể thoải mái tâm sự về cơn khủng hoảng hiện thời của mình. Anh cũng thân thiết với vài anh chàng ở ký túc xá nhưng chưa thân tới mức chia sẻ được vướng mắc của mình. Cũng không có thầy giáo nào anh muốn cùng trao đổi; những người thầy có vẻ thấu hiểu được thì lại quá bận rộn với công việc, còn những thầy có thời gian lắng nghe thì lại khờ khạo đến mức chẳng thể nào nói được chuyện gì nghiêm túc. Vì vậy anh đành chịu đựng một mình.
Trường theo hệ bốn học kỳ, do vậy sinh viên phải làm một loạt bài kiểm tra trước lễ Giáng sinh. Joe cố tập trung tư tưởng để thử dự thi môn hóa học của giáo sư Rubin nhưng anh làm bài tệ đến mức tới lượt môn sử và Anh văn III anh chẳng buồn trình diện ở phòng thi nữa. Anh ở lì trong phòng tìm cách đương đầu với tình hình tiến thoái lưỡng nan mình đã mắc vào. Anh không cạo râu, cũng không xuống nhà ăn. Đêm khuya, anh mới lang thang khắp các con phố tối tăm, vớ lấy một cái bánh mì kẹp thịt và chút cà phê, nhưng phần lớn thời gian anh thui thủi một mình, vừa suy nghĩ vừa xoa những cục u bầm tím trên đầu.
Một cô gái ở La Jolla gửi thư mời anh lái xe của cô về nhà cô chơi. Khi đọc thư, anh có thể hình dung ra hình ảnh cô, một cô bé dễ thương với mái tóc chải gọn gàng buộc túm thành đuôi ngựa đằng sau gáy. Nghỉ Giáng sinh cùng cô chắc sẽ thú vị, nhưng năm nay thì không được. Anh đi xuống gọi điện cho cô.
Em đấy à, Elinor? Thư em gửi cho anh thật ngọt ngào. Anh thích lắm, nhưng anh rã rời khắp cả người rồi.
Cô đáp,
Em hiểu,
rồi lái xe về nhà một mình.
Suốt tuần đầu tiên Joe ru rú trong căn phòng yên ắng của mình giữa khu ký túc xá yên ắng. Vì nhà ăn đóng cửa, anh toàn dùng đồ ăn sẵn, còn bữa tối thì anh tới quán hamburger. Những ngày cuối năm, anh thử xem xét lại tình cảnh của mình và đi đến kết luận là đối với anh, trường đại học này đã cùng kiệt. Anh không thể đường hoàng ở lại ngôi trường đã biến thành nơi ẩn náu trốn tránh quân dịch đối với nhiều người. Anh không chấp nhận nương thân trong những giảng đường này khi mà những người như Max phải bỏ học để ra trận, hay khi những người da đen ở ngõ hẻm vắng vẻ kia bị bắt lính. Anh từ chối tiếp tục thỏa hiệp với lập trường vô đạo đức.
Mặt khác, anh lại không thể công khai đốt thẻ quân dịch như anh bạn cùng phòng đã làm vì anh rất ngại phô trương. Đứng vào một nhóm dễ bị chú ý trong khi các nữ sinh viên hát
The answer is blowing in the wind
(Câu trả lời thốc theo chiều gió) thì thật là lố bịch. Việc đó dứt khoát là không được.
Anh nhớ lại cách giải thích duy lý của một thằng cha người San Francisco đã tự nguyện tham gia quân dịch mùa xuân năm ngoái,
Hành động xứng đáng duy nhất là gia nhập quân đội và phá từ bên trong. Họ mà vớ được tao thì tức là vớ phải một kẻ quyết tâm ngấm ngầm phá hoại toàn bộ hệ thống quân sự.
Ngay tuần đầu tiên trong trại lính, anh ta bắt đầu phân phát tờ rơi thúc giục đồng đội nổi dậy chống lại sĩ quan chỉ huy và bản thân anh ta là người hăng hái nhất. Một buổi sáng, trong lúc điểm danh, anh ta phá lên cười, có ý cười thật to, và khi viên trung sĩ lao xuống cuối hàng hỏi xem chuyện gì khiến anh ta thấy khôi hài như vậy, anh ta nói:
Toàn bộ cái chế độ ngu ngốc này, nhất là ông.
Viên trung sĩ cố không nổi nóng và hỏi anh ta muốn nói gì, anh ta đáp:
Ông, đồ con hoang ngu ngốc nhà ông. Ông bảo chúng tôi phải thót bụng vào trong khi chính ông cũng không thót được bụng nếu...
Viên trung sĩ nện cho anh ta một trận tơi bời, rồi trong trạm xá, anh ta nhận được thông báo sẽ phải ra tòa án binh và chắc chắn sẽ bị tống tù. Nhiều sinh viên trong ký túc xá công nhận là anh ta đã hành động một cách đáng trọng, nhưng một hành động như vậy lại không phù hợp với Joe; anh không thích phá phách, mà dù có thích thì, khi viên trung sĩ béo đến chửi mắng anh, anh sẽ thấy thương hại hắn và không muốn gây rắc rối.
Nhưng cũng có lúc Joe nổi giận, và đúng vào ngày cuối cùng của năm anh đã có phản ứng như vậy. Thực ra thì anh đã đùng đùng nổi giận, vừa nguyền rủa vừa đá vào bàn ghế trong phòng. Nguyên nhân của cơn giận dữ ấy tưởng như thật đơn giản: anh nhận được một bức thư. Nội dung thư không có gì quan trọng, chỉ là vài dòng như thường lệ chúc mừng lễ Giáng sinh của cô gái đã mời anh tới La Jolla. Điều khiến anh giận dữ là dấu xóa bỏ của chính quyền trên bức thư: Hãy cầu nguyện vì hòa bình.

Đó là điều hết sức vô lý ở toàn bộ cái đất nước chết tiệt này,
anh cáu kỉnh.
Chúng ta đóng dấu câu ‘Hãy cầu nguyện cho hòa bình’ lên thư từ của chúng ta để chứng tỏ chúng ta là một dân tộc yêu hòa bình. Nhưng cứ để một thằng con hoang khốn khổ làm bất kỳ điều gì vì hòa bình xem, người ta sẽ lấy dùi cui nện bể sọ hắn ra. Điều gì đang diễn ra vậy? Khi đám dân thành phố hôm nọ vào trong sân trường, quả thật họ đã sôi sục căm hờn... Họ đã có thể giết chết anh bạn cùng phòng của mình... bởi vì cậu ta mong muốn hòa bình.

Ngồi một mình trong phòng, anh nhớ lại bài giảng của một thầy giáo trẻ,
Hợp Chủng Quốc Hoa Kỳ là đất nước quân phiệt nhất thế giới. Báo chí, truyền hình, trường đại học và ngay cả nhà thờ cũng tận tụy phục vụ chiến tranh và bất cứ tiếng nói phản đối nào cất lên cũng đều bị bịt lại. Các anh sẽ để ý thấy báo chí gọi những người phát ngôn chống chiến tranh là ‘những kẻ được gọi là ủng hộ hòa bình.’ Các họa sĩ vẽ tranh châm biếm thì mô tả họ như những kẻ điên khùng. Những bình luận viên truyền hình nói về họ như những kẻ nổi loạn và cặn bã cần phải bị đuổi khỏi đường phố. Đất nước chúng ta cảm thấy nó phải tiêu diệt những người yêu hòa bình vì nó biết, muốn cho đất nước tiếp tục lớn mạnh thì chúng ta phải có chiến tranh. Không phải vì những lý do kinh tế mà vì lý do tinh thần.

Joe nhớ lại cuộc trao đổi với một sinh viên khoa nhạc,
Trường đại học này có một khoa nhạc rất tuyệt. Các thầy của chúng tớ có thể dàn dựng những vở nhạc kịch rất hay. Nhưng cậu có biết hội đồng quản trị đánh giá như thế nào về khoa nhạc không? Đội diễu hành tuyệt như thế nào? Nếu một trăm năm mươi cô cậu mặc quân phục nhún nhảy tiến vào sân bóng đá trong giờ nghỉ giải lao giữa hai hiệp, và đi đều bước, thì năm sau khoa nhạc sẽ được phân bổ ngân sách hào phóng... và mặc xác Beethoven. Hội đồng quản trị có lý đấy. Cậu có biết vì sao không? Vì mỗi thành phố nhỏ ở California đều yêu cầu trường trung học địa phương mình phải có một đội diễu hành... mặc quân phục... đi đều bước... tập tành theo nhạc của John Philip Sousa. Các công dân muốn như thế vì họ yêu quân đội... họ thích các cuộc diễu hành. Và nếu trường này không đào tạo sinh viên tốt nghiệp khoa nhạc để xây dựng đội diễu hành thì lạy Chúa, các thành phố nhỏ sẽ trông chờ ở các trường đại học khác... và thế là chúng ta sẽ gay to. Hội đồng quản trị không ngốc đâu. Họ biết cái gì là quan trọng.

Joe bị cái lý thuyết quân nhạc ấy mê hoặc đến nỗi anh đã theo bạn tới một thành phố nhỏ để xem đội diễu hành do một sinh viên mới tốt nghiệp khoa âm nhạc huấn luyện, và mọi việc đúng như bạn Joe mô tả, trừ một điểm là ngoài đội diễu hành, họ còn có thêm một đội diễn tập gồm các em gái độ mười ba mười bốn tuổi mặc quân phục và được trang bị súng gỗ mô phỏng giống hệt súng trường dùng trong quân đội, bổ sung thêm cả dây đeo bằng da cho hoàn chỉnh. Dưới sự chỉ huy của một cựu chiến binh khoảng năm mươi tuổi, các em gái diễn tập nghiêm chỉnh như thể chúng là một đại đội bộ binh đang trên đường đi chiến đấu trong cuộc chiến tranh Nam-Bắc, và cuối cùng, khi các em xếp hàng một làm động tác bắn chào, một khẩu đại bác nổ vang và thế là mọi người phấn khởi hò reo.
Nhấn vào đây để xem chương mới nhất của Ebook 6 Người Đi Khắp Thế Gian (Trọn bộ 2 tập).