V - Chương 6
-
6 Người Đi Khắp Thế Gian (Trọn bộ 2 tập)
- James Albert Michener
- 1081 chữ
- 2020-05-09 03:39:44
Số từ: 1065
Thể Loại: Tiểu Thuyết Hư Cấu
Người dịch: Nguyễn thị Bạch Tuyết
NXB Văn Học
Mùa thu năm 1968, mới mười bảy tuổi, Yigal vào Technion ở Haifa, một trường đại học khoa học có khả năng cung cấp một nền giáo dục hàng đầu nhưng rõ ràng sẽ thất bại trong trường hợp của anh. Vấn đề không phải là sự khó khăn trong truyền thụ kiến thức, vì anh thấy những tiết học nhập môn quá dễ, mà là khả năng tập trung vào việc học tập trong khi các vấn đề khác đang xâm chiếm hết tâm trí anh.
Anh vẫn tiếp tục so sánh Israel với Hợp Chủng Quốc Hoa Kỳ, một hành động gây bất lợi cho cả hai bên, và bắt đầu nghiêm túc nghĩ đến việc nên chuyển tới Cambridge và trở thành công dân Anh. Anh thích tất cả những gì mình nhìn thấy ở đảo quốc này; càng nghĩ anh càng thấy cách tiếp cận nhẹ nhàng của ông nội Clifton có vẻ thích hợp hơn.
Nhìn từ xa, anh nhận thấy nước Mỹ và ông ngoại Melnikoff một mặt quá ồn ào, mặt khác thì lại quá tầm thường. Anh không thể tưởng tượng được rằng đám nam nữ học sinh trong trường Grosse Pointe của mình sẽ đương đầu với cuộc xâm lăng theo cách bạn bè anh ở Israel đã làm. (Đây là một sai lầm thường mắc phải khi đánh giá khả năng của thanh niên Mỹ; nó đã chứng tỏ sự tai hại cho Adolf Hitler. Một ngày nào đó nó có thể chứng tỏ đúng như vậy cho các nhà bàn mưu tính kế ở điện Kremlin). Và anh thấy vai trò của người Do Thái ở Mỹ, giờ đây còn bị lòng hận thù của người da đen làm cho phức tạp hơn, thật khó chịu.
Mặt khác, cuộc sống ở Israel có sự căng thẳng thường trực khiến anh lo sợ. Anh không phải kẻ nhát gan, một thực tế đã được anh chứng minh rất rõ, nhưng anh theo đuổi hòa bình, nền hòa bình để phát triển những ý tưởng đang bắt đầu hình thành. Thật kỳ lạ, chúng không liên quan trực tiếp đến khoa học mà đúng hơn là đến những suy ngẫm cao xa về công lý và công bằng, mối bận tâm thường xuyên của những thanh niên ưu tú nhất ở mọi quốc gia. Tâm trạng rối bời mà Yigal Zmora tự rước vào mình đã khiến anh không phát huy được khả năng, và khoảng đầu năm 1969, cha anh, chủ nhiệm khoa trường Technion, thấy rõ rằng tốt hơn hết con trai ông nên tạm nghỉ học trong phần học kỳ còn lại.
Bà Doris Zmora cũng đồng ý. Bà nói với chồng,
Khi một cậu bé phải trải qua những gì Yigal đã chứng kiến, nó cần có thời gian để tĩnh tâm lại. Em không thể nói được điều gì tệ hơn, Cuộc Chiến Sáu Ngày hay ông ngoại Melnikoff.
Anh e rằng chính ông nội Clifton mới là người khuấy động không khí yên bình,
chồng bà nói.
Cha anh có thủ thuật đặt những câu hỏi quan trọng rất quỷ quái.
Họ quyết định Yigal nên làm việc trong thời gian còn lại của năm, nhưng ông nội Clifton đã can thiệp khi biết kế hoạch đó,
Cứ để thằng bé ở Canterbury cho đến khi khai giảng năm học mới. Nó nên đọc sách và suy nghĩ một chút.
Ý kiến đó khá hấp dẫn Yigal, vậy là anh bay tới Anh, chống lại lời khuyên của ông ngoại Melnikoff, và vùi đầu vào hàng chồng sách đã giúp thanh niên thế kỷ này tiếp thu được sự hiểu biết sâu sắc: Gibbon, Spengler, Marx, Dostoevsky, Flaubert, Max Weber, Keynes, Charles Beard. Tuy nhiên, kinh nghiệm hữu ích nhất của anh lại là cuộc chuyện trò dài hơi với ông nội, vì trong cách cư xử của luật sư Clifton có sự giản dị duyên dáng cho phép ông trở lại tuổi mười tám, và ông bàn luận về những cuốn sách Bruce đọc đúng theo trình độ chàng trai có thể hiểu được.
Đó là một mùa đông thú vị, với những bữa tiệc trang trọng nơi Bruce được gặp số thanh niên Do Thái ít ỏi vùng Canterbury, và có lẽ anh vẫn tiếp tục cuộc sống như vậy nếu một ngày kia anh không nhìn thấy, trong tủ kính trưng bày của một hãng du lịch, chính tấm áp phích quảng cáo về Torremolinos mấy tháng trước từng gây xáo động đến thế trong tâm trí một cô gái Na Uy ở Tromsø. Anh đang trên đường đi bộ từ thư viện về nhà, không nghĩ đến điều gì cụ thể, thì nhìn thấy cô gái gần như khỏa thân đang đứng cạnh cái cối xay gió trên một bãi biển Địa Trung Hải ấy, và cô có vẻ thật đến nỗi anh gần như chạm vào được, và đột nhiên anh nhận ra vấn đề không nằm ở Israel hay trường Technion mà ở cái thực tế đơn giản là anh đã mười tám tuổi, dù từng mạo hiểm tới Thành phố Đỏ và góp phần đẩy lùi sáu xe tăng địch, anh vẫn chưa từng có mối quan hệ thật sự với một cô gái.
Cháu muốn đi nghỉ ở miền Nam Tây Ban Nha,
anh báo tin trong bữa ăn tối hôm đó. Ông bà anh cân nhắc một lát, rồi gật đầu.
Đã đến lúc cháu dành thì giờ cho những thú vui nhẹ nhàng nào đó rồi,
ông nội Clifton bảo,
và ông nghe nói vùng phía Nam Tây Ban Nha rất đẹp.
Vậy là hôm sau, khi đi hỏi thông tin vé máy bay và mức giá đã được giảm tại các khách sạn, ông trông thấy tấm áp phích Torremolinos và nhớ lại cảm giác của mình hồi mười tám tuổi. Ông không nói gì, trả tiền vé, và đưa nó cho cháu nội. Chàng trai lên đường xong, luật sư Clifton không chia sẻ với vợ mối ngờ vực của mình, nhưng hai ngày sau, trên đường đi mua sắm về, bà cũng nhìn thấy cô gái bên cối xay gió, và đêm hôm đó bà nói,
Tôi thiết nghĩ tiếng gọi của Torremolinos chắc phải mạnh mẽ lắm. Có lẽ còn hơn là quanh quẩn ở Canterbury.