VI - Chương 1


Số từ: 2388
Thể Loại: Tiểu Thuyết Hư Cấu
Người dịch: Nguyễn thị Bạch Tuyết
NXB Văn Học
Cuối năm 1967, trụ sở chính ở Geneva cử tôi tới Boston nghiên cứu khả năng bỏ vốn cho một khu chung cư tương đối lớn dự định đặt ở vùng Fenway Park, và trong quá trình thảo luận, hàng ngày tôi được tiếp xúc với một nhà tư bản tài chính nổi tiếng người Boston, ông Frederick Cole. Tôi thấy ông là người xa cách nhưng có năng lực; hầu như trong mọi cuộc đàm phán ông luôn phản bác tôi, đánh giá mọi việc trái ngược với tôi, và cũng hiếm khi tôi gặp một người mà mỗi lần trình bày dữ kiện bổ sung tôi đều có thể yên tâm là ông sẽ kiểm tra một cách khách quan và sẽ thay đổi quan điểm trước của mình nếu cần. Đây là một khả năng khác thường, vì khi khăng khăng giữ lập trường của mình, hầu hết chúng ta đều dùng dữ liệu bổ sung chỉ đơn thuần như những phần thêm thắt củng cố cho lý lẽ của mình. Ông Cole thì biết lẽ phải.
Sau một buổi làm việc khó khăn, khi sự định giá của hai chúng tôi chênh lệch nhau tới hơn tám triệu đô la và ông lạnh lùng bảo vệ con số của mình, tôi phải tìm cách kết thúc phần tranh luận đó một cách êm thấm, vì vậy tôi nói,
Một người Ailen tên là Frederick thì kể cũng lạ.
Ông bật cười nói,
Không phải người Ailen, người Đức. Khi cụ cố tôi chuyển tới đây sau Cách mạng 1848, họ của cụ là Kohl, nhưng cụ e dân Boston có thể tưởng cụ là người Do Thái, vì vậy cụ đổi thành Cole, và thế là mọi người lại cho cụ là người Ailen, vốn thời ấy còn tệ hơn nhiều.
Tôi phá lên cười, và với thái độ lạnh lùng thường lệ, ông hỏi tôi liệu có vui lòng dùng bữa với ông tối hôm ấy không, và cuộc hẹn đột xuất đã được thu xếp.
Tôi đoán ông định đưa chúng tôi ghé vào một nhà hàng nào đó nhưng ông lại có kế hoạch khác. Ông gọi điện cho vợ thông báo ông mời tôi về nhà và chúng tôi sẽ ăn bất cứ món gì có sẵn. Chúng tôi bắt taxi, ra đại lộ Huntington rồi đến khu vực sang trọng hơn của Brookline, tại đây chúng tôi rẽ vào một gara nằm giữa đám cây cối và lùm bụi được chăm sóc cẩn thận. Trong thế kỷ trước, ngôi nhà có ván che màu trắng này thuộc sở hữu của một giáo sư Harvard nổi tiếng và đã được truyền từ đời này sang đời khác đến tay bà Cole, người hiển nhiên thuộc dòng dõi danh giá.
Ba chúng tôi vừa ngồi xuống bàn thưởng thức bữa ăn đơn giản gồm thịt bò nấu khoai tây, điểm chút hương vị New England với táo dại ướp gia vị và bánh mì phết mứt mộc qua, thì cô con gái của ông bà Cole, hiện đang học ở trường Radcliffe gần đó, bất ngờ đến nhập hội. Cô cao lớn, rám nắng, mái tóc nâu dài tết thành hai bím. Bộ váy áo bằng vải tuýt của cô là thứ vẫn được chúng tôi gọi là
món đồ xa xỉ kiểu nhà quê
và cách cư xử của cô toát lên vẻ quý phái theo cái nghĩa tốt đẹp nhất mà dân Boston dùng cho từ này. Cô tỏ ra vô cùng nhanh nhạy trong việc đánh giá tình hình và không cần ai nói cũng hiểu ngay tại sao tôi có mặt ở đó. Vì vậy, tôi không lấy làm lạ khi cha cô khoe lúc cô vào rửa tay,
Cháu Gretchen mới mười chín tuổi thôi mà đã tốt nghiệp đại học Radcliffe loại xuất sắc. Đến tháng Giêng này, cháu sẽ vào trường cao học.


Ấy là,
mẹ cô nói,
nếu chúng tôi có thể làm cho cháu dứt khỏi cái trò vô nghĩa của Thượng Nghị sĩ McCarthy.

Lúc này Gretchen đã quay lại và chúng tôi được thưởng thức một bữa ăn thú vị với những trận cười sảng khoái khi cô kể về sự thiếu trình độ của phần lớn thanh niên trong tổng hành dinh của McCarthy.
Họ thực sự cho rằng hoạt động chính trị hoặc là năm 1810 với các cuộc diễu hành đuốc hoặc là năm 2010 với những trí tuệ siêu phàm đi đến những quyết định siêu phàm. Họ không có khái niệm gì về tình trạng bẩn thỉu của năm 1967, và biết rất ít về nó.

Nhưng trong đêm đầu tiên tới thăm gia đình Cole, hoạt động chính trị không phải thứ khiến tôi ghi nhớ sâu sắc đến vậy. Sau bữa tối, Gretchen định đến dự một cuộc mít tinh ở trường Harvard - cô bắt buộc phải có mặt ở đó vì là đồng chủ tọa - thì cha cô bảo,
Gretchen, trông con có vẻ mệt mỏi. Sao con không nghỉ ngơi khoảng nửa tiếng và hát cho chúng ta nghe?
Có vẻ như cô đã được thừa hưởng sự hiểu biết từ cha mình, vì cô dừng lại, cân nhắc lời đề nghị một lúc, gật mạnh đầu, và nói,
Ý kiến hay tuyệt. Con đã làm việc cả ngày rồi.

Cô ném áo khoác sang một bên, đến bên tủ và quay lại với một cây đàn guitar khá to, cây đàn mà khi mới nhìn, tôi cảm thấy nó có vẻ hơi quá lớn so với cô. Tuy nhiên, cô đã ngồi xuống một chiếc ghế đẩu thấp, hất đầu để đôi bím tóc màu nâu khỏi vướng và khẽ nói,
Child 243
. Tôi định hỏi tên bài hát có nghĩa gì thì cô đã bập bùng hai tiếng và bắt đầu chơi một giai điệu êm dịu, sau đó, bằng một giọng rất hay và trong trẻo, cô hát câu chuyện cổ về người phụ nữ lấy một anh thợ mộc đóng thuyền sau khi biết chắc chồng chưa cưới đã chết ở phương xa. Bốn năm sau, khi cô và anh thợ mộc đã có ba con thì người yêu cô trở về:

Con vua ta có dễ dàng,
Yêu ta say đắm, vui lòng lấy ta;
Lòng ta chỉ nhớ tới nàng,
Bạc vàng, châu báu chẳng màng đến chi.


Vì chồng em là chàng thợ mộc,
Thợ đóng tàu trẻ chính là chồng em.
Và bé trai nhỏ xinh đã ra đời,
Nếu không, chàng hỡi, em nguyện theo chàng.

Người đàn bà bỏ chồng, trốn đi với mối tình đầu để rồi phát hiện ra anh ta không còn là người nữa mà đã trở thành quỷ. Tiếng hát của Gretchen trở nên mong manh và đầy dự cảm khi đến đoạn kết:

Cột buồm chính, tay hắn bẻ gãy,
Cột buồm trước, đầu gối hắn đè,
Và bóp vỡ chiếc tàu thành hai mảnh,
Hắn nhấn chìm nó xuống biển khơi.


Tên bài này là gì?
tôi hỏi.

Child 243,
cô đáp, rồi bật cười.
Đó là tên chúng cháu thường dùng. Thực ra, đây là khúc ‘Người tình Yêu quái’. Còn Child số bao nhiêu là do một người bạn thời xưa của gia đình cháu đặt.

Bà Cole giải thích rằng suốt những năm cuối thế kỷ trước, trong một ngôi nhà cách chỗ chúng tôi đang ngồi không xa lắm, một giáo sư Harvard nổi tiếng, ông Francis James Child, sưu tầm những khúc ballad cổ bấy giờ đang dần bị quên lãng. Ông dành gần năm mươi năm cho nhiệm vụ này, tập hợp mọi dị bản được biết đến của từng khúc ballad. Trước khi mất không lâu, ông xuất bản công trình sưu tầm của mình thành mười tập lớn ghi lại lịch sử ra đời và tồn tại của 305 khúc ballad cổ điển.

Điều thú vị,
bà Cole nói tiếp,
là cứ đến mùa xuân, giáo sư Child đáng kính thường lại rời Boston lang thang khắp nước Anh và Scotland tìm kiếm những khúc ballad quý giá của mình. Ông đã thực sự tiêu hết của cải và sức lực vào việc đó. Nhưng cùng khoảng thời gian ấy, một học giả người Anh cũng dành tiền bạc và những kỳ nghỉ của mình lang thang quanh vùng núi Kentucky và Tennessee, sưu tầm chính những khúc ballad kia. Bởi vì, như ông biết đấy, những người Anh đầu tiên đến định cư ẩn náu trong vùng núi phương Nam của chúng ta đã mang theo các khúc ballad ấy. Thường thì dân miền núi Kentucky giữ gìn chúng dưới dạng gần với nguyên bản hơn chính người Anh.


Bà Cole nhà tôi hiểu khá rõ vấn đề này,
chồng bà giải thích,
vì giáo sư Child đã dạy mẹ vợ tôi hát khá nhiều khúc ballad. Chính tại phòng này, Gretchen học những bài đó từ bà ngoại, vì vậy giọng cháu khá trong sáng.


Tôi xem một quyển được không?
tôi hỏi.

Thật không may, hiện nay chúng có giá trị khá lớn,
ông Cole đáp,
và gia đình chúng tôi chưa bao giờ được sở hữu một bộ. Gretchen phải đến thư viện mới xem được. Con gái yêu, hát cho chúng ta nghe khúc 173 đi.

Tôi không đủ hiểu biết về ballad để có thể nói được khúc nào là vua. Sau này tôi còn được nghe Gretchen và bạn bè cô hát nhiều khúc ca hùng dũng về các hiệp sĩ dũng cảm và các thuyền trưởng gan dạ, một vài khúc trong số đó rất hấp dẫn; nhưng tôi khá chắc chắn đâu là khúc ballad nữ hoàng. Nó phải là Child 173. Ngay từ phút giây đầu tiên Gretchen gảy một loạt hợp âm báo điềm chẳng lành trên chiếc guitar, tôi đã bị quyến rũ bởi câu chuyện về Mary Hamilton, cô thôn nữ tới Edinburgh để trở thành một trong số bốn cô gái cùng tên Mary làm người hầu cho Mary, nữ hoàng Scotland. Không may, chồng nữ hoàng đem lòng yêu thương nàng và làm nàng mang thai. Bi kịch bắt đầu với một trong những khổ thơ đơn xuất sắc nhất của nền thi ca dân gian Anh:
Lời đồn bay đến bếp xa,
Lời đồn bay khắp hoàng gia,
Lời đồn lên tới tai nữ hoàng,
Và chuyện bẽ bàng nhất lại là,
Nàng Mary Hamilton đã sinh một đứa con,
Cho đức vua Stewart anh minh.
Sau này, khi nghiên cứu khúc ballad tuyệt vời ấy, tôi đi đến kết luận rằng sự tiến triển của ba dòng đầu, cách miêu tả tin đồn loang khắp hoàng cung - bay đến, bay khắp, lên tới - là thơ ca dân gian ở đỉnh cao nhất. Toàn bộ sự đau khổ của khúc ballad được báo trước trong những câu ca dồn dập không kịp thở đó, và lần đầu tiên tôi nghe Gretchen Cole hát những câu đó, cô đã truyền cho chúng một ý nghĩa lịch sử tuyệt vời. Mary Hamilton là cô gái có thật, bị rơi vào một vụ tai tiếng vô phương chối cãi; đây là sự khởi đầu chỉ có thể kết thúc trên đoạn đầu đài, và những tình huống hấp dẫn như vậy là chất liệu của thơ ca.
Đến đoạn cuối, cũng hay một cách u sầu không kém gì đoạn đầu, Gretchen hát với sự trầm lắng và đau buồn học từ bà ngoại, học trò của ông giáo sư; tôi chưa bao giờ nghe đoạn kết một khúc hát dân gian nào mang đến cho tôi cảm giác hoàn toàn thỏa mãn như khúc này, có lẽ vì mỗi khi lắng nghe tôi lại nhớ đến không khí im lặng luôn tràn ngập căn phòng khi Gretchen Cole hát những lời cuối:
Tối qua nữ hoàng có bốn Mary,
Đêm nay, bà chỉ còn ba;
Trước đó có Mary Beaton, Mary Seaton,
Và Mary Carmichael, và ta.
Hai dòng đầu là bản chất của bi kịch, được miêu tả sơ sài; hai dòng cuối, với chuỗi tên thật rất ấn tượng của các cô gái, mang bi kịch trở về thực tế và nhắc chúng ta nhớ rằng một cô gái có thật sắp bị treo cổ.
Bởi vậy tôi giật mình khi bà Cole nói với tôi,
Lần nào hát khúc 173, mẹ cũng sẽ kể cho bọn trẻ chúng tôi nghe câu chuyện thực sự về Mary Hamilton, như giáo sư Child đã kể cho bà, và nó luôn làm chúng tôi rùng mình sợ hãi.


Bà ngoại kể cho cháu nghe câu chuyện này khi cháu còn nhỏ,
Gretchen xen vào,
và ngay cả bây giờ, cháu vẫn ứa nước mắt mỗi lần hát đoạn cuối. Đôi khi có người bảo cháu, ‘Đoạn cuối cô hát quá xúc động.’ Cháu không cho họ biết đó là vì bà ngoại đã diễn tả trong ấy câu chuyện về nàng Mary Hamilton thực.


Nàng là ai?

Bà Cole đáp,
Theo những tài liệu của triều đình Elizabeth, khi Mary xứ Scotland còn trẻ và ở Pháp, đúng là bà có bốn cô hầu xinh đẹp đều tên Mary. Nhưng không phải một trong bốn cô đó bị treo cổ. Đó là một người đàn bà gian hùng xinh đẹp người Scotland đến Leningrad một thế kỷ sau đó... thời Pie Đại đế. Bằng cách nào đó nàng ta lọt được vào triều đình, và theo như một số người nói, nàng ta đã trở thành người tình của Pie. Dù thế nào đi chăng nữa, nàng ta đã sinh một đứa con hoang, bọc nó vào trong tã và vứt xuống giếng. Bà ta bị kết án tử hình, không phải vì Pie muốn thế mà vì ông ta vừa ban hành sắc lệnh tuyên bố xử tử những người đàn bà giết con hoang của mình. Vụ xử trảm đó rất nổi tiếng, với nàng Mary Hamilton diện bộ đồ bằng lụa hảo hạng. Khi đầu nàng ta lăn ngoài phố, Nga Hoàng đã nhặt lên, hôn hai lần, rồi đọc một bài điếu văn. Rồi ông ta hôn nó lần nữa và ném xuống rãnh.

Nhấn vào đây để xem chương mới nhất của Ebook 6 Người Đi Khắp Thế Gian (Trọn bộ 2 tập).