VI - Chương 7


Số từ: 2350
Thể Loại: Tiểu Thuyết Hư Cấu
Người dịch: Nguyễn thị Bạch Tuyết
NXB Văn Học
Những tháng còn lại của năm 1968 là thời kỳ gay go cho gia đình Cole. Sau cuộc họp với viên thám tử và việc hủy bỏ vụ kiện của cô, Gretchen vẫn sống ở nhà nhưng cảm thấy không thể nói chuyện với cha mẹ được. Bà Cole cố gắng hòa giải với những lời cam đoan đại khái như
Cha mẹ đứng về phía con, con yêu, dù con có làm gì ở Chicago chăng nữa.
Gretchen đáp lại qua loa như một người khờ dại, mà cô thì không phải như vậy.
Ông Cole làm tất cả những gì có thể để hiểu được nỗi đau mà con gái ông phải chịu đựng; có lần ông viết thư tới Geneva cho tôi:
Khi chúng ta gặp nhau ở London, ông đã kể với tôi ông đang giúp một người Anh ở Vwarda đưa con gái ông ta trở lại trạng thái cân bằng. Tôi cầu Chúa sao cho ông cũng làm được như vậy cho tôi. Đứa trẻ đáng yêu với hai bím tóc và cây đàn guitar mà ông từng gặp đã phải chịu đựng một trải nghiệm khiến cuộc sống của cháu đảo lộn và đến bây giờ vẫn làm cháu choáng váng, còn tôi thì đứng bất lực bên cháu. Tôi đã cố gắng đảm bảo với cháu hết lần này đến lần khác rằng tôi hiểu và thông cảm với cháu, nhưng vô ích. Tôi đã bỏ rất nhiều công sức và đã vận động ngăn không cho cháu tiến hành vụ kiện chống lại những quan chức dễ mua chuộc, chỉ vì muốn giúp cháu, nhưng những cố gắng ấy đúng là gậy ông đập lưng ông.
Có lần ông nói nếu ông có một cậu con trai. Không hiểu nuôi dạy một đứa con trai có dễ hơn không?
Ông đã nhiều lần làm lành với con gái, công nhận mình nhầm khi thuyết phục cô từ bỏ vụ kiện cảnh sát, nhưng vẫn không thể giành lại tình cảm quý trọng của cô, và họ sống như kẻ thù trong chính ngôi nhà cô đã học ca hát.
Nhận thức được chuyện gì đang xảy ra, những người bạn sinh viên của Gretchen hỏi tại sao cô chịu ở lại ngôi nhà đó, thì cô giải thích,
Tháng Giêng tới tôi mới tròn hai mốt tuổi. Nhưng với khoản lợi tức thừa kế đầu tiên của mình... vĩnh biệt Brookline.

Đến cuối tháng Mười, cô rõ ràng không thể tập trung vào việc học cao học tại trường Radcliffe và cũng không thể hào hứng với cuộc bầu cử được nữa, một khi cô tin rằng hoặc Nixon hoặc Humphrey sẽ tự giam mình trong những quan niệm cũ rích của chính quyền. Lần nào nghe một trong hai người đó nói đến luật pháp và trật tự, cô cũng đều cau mày, và khoảng giữa tháng Mười một, cô thậm chí thôi luôn cả việc giả vờ lên lớp.
Đầu tháng Mười hai, một số sinh viên luật trường Harvard cố gắng mời cô lãnh đạo ủy ban vận động giúp thẩm phán Abe Fortas được Quốc hội bổ nhiệm làm Chánh án tòa án tối cao nhưng cô không tài nào nhen lên trong lòng ngọn lửa nhiệt tình. Nhưng dù sao luật pháp vẫn mê hoặc cô và cô tự hỏi không biết các thanh niên cấp tiến có sai lầm không khi họ khuyên:
Mỗi khi xã hội làm nhục bạn, hãy hạ gục họ bằng siêu tình yêu.
Gác hết mọi việc sang một bên, cô dành cả ngày soạn thảo một lá thư lời lẽ khá thận trọng rồi gửi bảo đảm đi:
Brookline, Massachussets.
Ngày 10 tháng Mười hai năm 1968
Gửi Cảnh sát tuần tra Nicholas Woiczinsky
Sở Cảnh sát Patrick Henry, Indiana.
Thưa ngài sĩ quan Woiczinsky,
Tôi là người phụ nữ trẻ đã bị các đồng nghiệp của ông làm nhục tại sở cảnh sát hồi tháng Tám năm ngoái, là người mang theo cây đàn guitar đã bị ông bắt nhầm khi chúng tôi đang lái xe qua Indiana.
Tôi thường hồi tưởng về ngày hôm đó, và nhớ lại rằng trong suốt thời gian tôi ở trong căn phòng đó ông đã không nói một lời nào và không làm gì khiến tôi thêm hoảng sợ. Giờ đây, tôi đoán ông xấu hổ về toàn bộ cách thức tiến hành việc đó.
Tôi cũng rất xấu hổ. Tôi xấu hổ vì đã suy sụp tinh thần và gọi các ông là đồ lợn. Đó là một từ đáng ghét, từ đáng lẽ tôi không nên dùng. Ông có lý khi phản ứng như ông đã làm, và tôi tha thứ cho ông tội đã đánh tôi ngã lăn đến tận cuối phòng.
Ở địa vị ông, chắc tôi cũng sẽ làm như vậy, và bây giờ tôi muốn nói lời xin lỗi.
Có lẽ ông không hiểu tại sao tôi không khởi kiện như tôi đã đe dọa. Lời khai có tuyên thệ của ông thị trưởng, ông cảnh sát trưởng, viên luật sư và cảnh sát Maggidorf đã khiến cha mẹ tôi và các luật sư của họ coi tôi là kẻ nói dối. Họ cũng tin rằng hôm đó ông không có mặt ở Patrick Henry. Tôi ước gì ông đã không có mặt, vì ông tử tế hơn những người khác. Xin ông hãy mãi như vậy.
Kính thư,
Gretchen Cole
Hôm sau, một giáo sư kỳ cựu dạy Gretchen gọi cô đến hỏi,
Tinh thần cô có rệu rã như biểu hiện bên ngoài không đấy?
Khi cô gật đầu, ông liền gợi ý,
Sao cô không tạm nghỉ học kỳ này đi? Tới Florida... Quần đảo Virgins... một nơi nào đó hoàn toàn mới và cố gắng tập trung suy nghĩ thấu đáo mọi chuyện?
Có vẻ như ông là người trưởng thành đầu tiên thông cảm với vấn đề của cô.

Có lẽ em sẽ làm thế,
cô đáp.
Sau năm mới.


Sao lại phải trì hoãn?


Tháng Giêng tới em mới hai mươi mốt tuổi.

Ông bỏ kính ra.
Cô mới hai mươi thôi sao? Với thành tích học tập xuất sắc như vậy ư?
Ông xem bảng điểm thời sinh viên của cô và thêm cả mấy bản ghi chép đính kèm.
Có phải cô vẫn thường hát ở một quán cà phê không?
Khi cô gật đầu, ông nói tiếp,
Cô về đi. Từ bây giờ cho đến hết năm hãy quên việc học hành đi.


Thầy thấy em nên làm gì khi quay lại học tiếp?


Hầu như cô có thể đi theo bất cứ hướng nào,
ông đáp.
Cô thiên về chính trị phải không?


Em không nghĩ như vậy. Em nghĩ có lẽ em thích... ờ... tìm một thời kỳ đầu nào đó trong lịch sử khi mọi giá trị thay đổi liên tục... có thể là Cuộc Chiến Trăm Năm...


Và viết về đề tài đó?


Vâng.


Cực kỳ tuyệt vời! Một thử thách hạng nhất! Một việc thích hợp hạng nhất!

Gretchen mỉm cười khi chứng kiến sự nhiệt tình của mình; thật dễ chịu khi được nghe một người trưởng thành tán thành việc gì đó chứ không nêu ra một loạt lý do phản đối như tại sao dự kiến đó không thể thành công được.
Tiếng Latinh của cô ra sao?


Tám năm liền loại A ạ.


Tiếng Đức?


Em đọc được.


Còn tiếng Pháp?


Không bằng tiếng Đức ạ.


Thế thì rất đơn giản.
Ông đứng lên đi đi lại lại trong phòng làm việc.
Lạy Chúa, ước gì những vấn đề khác được đưa đến văn phòng này cũng đơn giản như vậy. Cô là một cô gái ưu tú. Một trong những sinh viên chưa tốt nghiệp giỏi nhất mà tôi có được. Hãy đi Besançon - nó ở Pháp, gần biên giới Thụy Sĩ ghi danh vào Viện Nghiên cứu Mỹ. Ôn luyện tiếng Pháp đi. Rồi quay trở lại sẵn sàng cho một công việc nào đó xứng đáng.
Ông tra cuốn giới thiệu du học và tìm được cái tên ông cần.
Karl Ditschmann. Một người tuyệt vời... gốc Alsace... từng dạy ở Michigan và Middlebury... cứ nói với ông ấy là tôi giới thiệu cô tới và cô không phải lo về điểm số. Chỉ cần lướt qua sách vở... đi dạo trên đồi... tưởng tượng cô đang quay trở lại năm 1360... giai đoạn đầu của chiến tranh đã qua... trận Crécy và Poitiers đã kết thúc... Cái chết Đen đã bị đẩy lui... mọi người thở phào nhẹ nhõm... hãy tưởng tượng sự hoảng loạn khi chiến tranh lại bùng ra... trận Agincourt và Cuộc nổi loạn của nông dân ở ngay phía trước.
Ông đi tới đi lui trong căn phòng nhỏ và nói tiếp,
Hãy cảm nhận thật sâu sắc về nước Pháp. Những người nông dân nổi loạn đang đi xuống thung lũng này - chính thung lũng dưới chân cô đây - và họ ào qua. Cứ cho là cô hiểu thấu đáo - ngay lập tức cô có thể viết một thứ gì đó có giá trị gắn với thời đại chúng ta.
Nhiệt tình của ông đã ngấm sang Gretchen, và cô bèn ghi lại tên viện nghiên cứu ở Besançon, nhưng khi cô sắp rời khỏi đó, ông nói,
Có lẽ một điều thậm chí còn quan trọng hơn nữa, đó là phải tiếp tục hát,
và cô hỏi,
Thầy đã bao giờ chứng kiến một cây guitar bị đập vỡ thành từng mảnh chưa ạ? Thầy biết không, nó tác động tới việc ca hát đấy ạ.

Vậy là mấy tuần cuối năm 1968, cô chỉ quanh quẩn ở nhà đọc lung tung không có hệ thống về Cuộc Chiến Trăm Năm, sống xa cách mọi người. Các nam sinh trường Harvard, Amherst và MIT quen biết cô thỉnh thoảng ghé qua chuyện trò, nhưng cô tránh họ như thể họ bị bệnh. Có lần ở cạnh bốn nam sinh trong số đó, cô thấy gương mặt họ đang biến đổi thành mặt của đám cảnh sát đã bao vây cô ở Patrick Henry.
Quán Cast Iron Moth mời cô đến hát, cả vào dịp Tạ ơn lẫn Giáng sinh, nhưng cô không thể buộc mình làm được điều đó. Thậm chí khi ở nhà một mình cô cũng không cất nổi tiếng hát. Việc duy nhất cô còn quan tâm là công tác của ủy ban giúp người trốn lính chạy sang Canada; một thanh niên California cao lớn được cô giúp chút tiền đã kéo cô thoát khỏi cảm giác thờ ơ, vì anh có vẻ là người hiền lành, nhận thức được những rắc rối bất ngờ xảy ra với cô, nhưng khi anh định hôn từ biệt để cảm ơn những gì cô đã làm thì cô lại lảng tránh.
Ngày 10 tháng Giêng, sinh nhật cô, Gretchen bước vào văn phòng viên luật sư đại diện cho gia đình cô và thông báo cho ông ta biết cô muốn nhận một phần tư số lợi tức hàng năm của mình. Cô còn nói thêm, cứ đến đầu quý, cô sẽ gửi thư thông báo những tấm séc tiếp theo cần được chuyển đến đâu. Khi ông luật sư bắt đầu giảng giải cô nên sử dụng khoản tiền đó như thế nào, cô liền cắt ngang:
Chín giờ sáng mai tôi sẽ có mặt ở đây để nhận tiền.


Lần này cô phải cẩn thận khi giao du với bạn bè...

Cô khinh khỉnh nhìn ông ta. Chính ông ta là một trong những người kiên quyết nhất trong việc khuyên cô không khởi kiện. Ông ta là người lên tiếng đầu tiên và kẻ đầu têu cho cả nhóm công nhận những lời buộc tội chống lại cô. Cô nghĩ đến hàng chục điều khôn ngoan cần phải nói với ông già thận trọng này, nhưng cô biết sự trò chuyện kiểu đó là không thể, vì vậy cô kiềm chế cơn giận và rời khỏi văn phòng luật sư. Ông ta theo cô ra hành lang để hỏi,
Cô nói số tiền tiếp theo sẽ được chuyển đến đâu nhỉ?
và cô không thể nhịn được nữa,
Có lẽ là Nepal. Cũng có thể là Marrakech. Tôi vẫn chưa biết, nhưng tôi sẽ báo cho ông hay.
Trên đường về nhà, cô chợt bật cười khi nghĩ đến cảnh ông ta dán mắt vào bản đồ để cố xác định vị trí Nepal và Marrakech. Cô cũng chẳng tài nào giúp được ông ta; đó là những cái tên mà mấy thanh niên ở quán cà phê vô tình nhắc đến.
Ngày 11 tháng Giêng, cô nhận tấm séc đầu tiên, tới ngân hàng, đổi thành một tập séc du lịch, đến hãng Air France lấy vé máy bay, và trưa hôm đó báo cho mẹ biết,
Con sẽ bay chuyến tám giờ đi Pháp.


Khi nào?


Đêm nay. Mẹ có thể nói với cha.
Cô không tiết lộ thêm về kế hoạch của mình.
Bà Cole lập tức gọi điện cho chồng, ông bèn bắt taxi đâm bổ về nhà hỏi,
Chuyện này là thế nào?


Con sắp đi Pháp,
cô đáp.
Khi nào ổn định, con sẽ báo cho cha mẹ biết con định làm gì.


Con đi Pháp bằng cách nào?
cha cô kêu lên.

Rất đơn giản. Con bắt taxi, ra sân bay và lên máy bay.


Nhưng cha mẹ không thể cho con tiền... học phí của con sẽ bị lãng phí...


Cha, con không cần cha,
cô lạnh lùng nói.
Hồi tháng Mười con đã cần cha biết nhường nào.


Con định nói đến vụ Patrick Henry phải không?
mẹ cô hỏi.
Con yêu, cha mẹ đã tha thứ cho con rồi... không cần biết chuyện gì xảy ra ở đó... cha mẹ đã quên rồi.


Con thì không,
cô đáp, và cô cũng không cho họ tiễn ra máy bay.
Nhấn vào đây để xem chương mới nhất của Ebook 6 Người Đi Khắp Thế Gian (Trọn bộ 2 tập).