VI - Chương 8


Số từ: 4338
Thể Loại: Tiểu Thuyết Hư Cấu
Người dịch: Nguyễn thị Bạch Tuyết
NXB Văn Học
Besançon được xây dựng một cách lý tưởng nhằm mục đích giúp một cô gái Mỹ khủng hoảng tinh thần lấy lại cân bằng. Soi mình bên dòng sông trong thung lũng giữa các dãy đồi, bao giờ thành phố này cũng nằm trên vùng biên giới. Julius Cesar đã biến nơi này thành một trong những kinh đô của mình, và các đoàn quân viễn chinh La Mã, mệt mỏi vì phải truy đuổi người man di ở phương Bắc, bao giờ cũng nhẹ người khi được quay về với không khí yên ổn ở Besançon. Sau này, Besançon lại là biên giới giữa Đức và Pháp, và những dãy nhà bằng đá vững chãi của nó thường được dùng làm nơi ẩn náu. Thành phố này không đẹp, nhưng ổn định và dũng cảm, và Gretchen thích tính chắc chắn của nó.
Tiến sĩ Ditschmann là một học giả thân hình lực lưỡng, sống thanh bạch, ngày nào cũng lầm rầm tạ ơn Chúa vì đã may mắn được trở lại nền văn minh sau nhiều năm dài bị đày ải ở Michigan và Vermont. Ông đã được một tập đoàn các trường đại học Mỹ chọn làm người đứng đầu nhóm nghiên cứu chuyên đề cao học do họ chỉ đạo dưới sự liên kết lỏng lẻo với trường Đại học Besançon, một trong những trung tâm nghiên cứu ngôn ngữ chính của châu Âu. Ông Ditschmann yêu thích công việc của mình, và sau một thời gian dài vắng mặt, ông thấy cuộc sống trong trường đại học ở châu Âu thật dễ chịu. Ông hiểu thanh niên Mỹ và đem lại cho những người gặp rắc rối như Gretchen một nơi nương tựa, vì ông hiểu những mâu thuẫn đã dồn ép họ.
Ngày nay làm một người Mỹ có suy nghĩ còn khó hơn làm một người La Mã có suy nghĩ hai nghìn năm trước,
ông nói, và bà vợ Mỹ của ông, một phụ nữ trẻ thẳng thắn quê Vermont có đầu óc khôi hài kỳ lạ theo lối New England, tán thành:
Bao giờ tôi cũng thấy kinh ngạc khi gặp được một phụ nữ Mỹ có thể xoay xở với khuy áo sau lưng.
Ông bà Ditschmann thích tiến hành những chuyến du lịch ngắn ngày sang Thụy Sĩ, Đức hoặc Ý và đưa cả sinh viên theo để thưởng ngoạn miền đất mới.
Ông Ditschmann tán thành ý tưởng của Gretchen về việc đào sâu đến tận gốc rễ để thiết lập mối liên hệ với những động lực thúc đẩy Cuộc Chiến Trăm Năm.
Hôm nay cô là người nông dân và tôi là chàng hiệp sĩ,
ông đề nghị,
và tôi phi ngựa qua để cuỗm con gái cô đi,
vậy là vợ ông đế vào,
Anh thì có mà cuỗm được khối ấy. Đến đuổi kịp cô ấy anh cũng chẳng đuổi được nữa là.
Ông đã tạm dừng công việc để lái xe dọc đường làng đến những địa điểm như chiến trường Cravant và Agincourt, và như Orleans, nơi Jeanne d’Arc đã đứng lên chiến đấu, nhưng đến giữa tháng Tư cả Gretchen lẫn ông bà Ditschmann đều nhận thấy rõ cô sẽ không nắm bắt được sự kết hợp các giá trị mà cô đang tìm kiếm. Tiếng Pháp của cô đã tiến bộ, nhưng mối quan tâm cô dành cho các cuộc chiến gần như đã biến mất.

Ông bà có thất vọng về cháu không?
cô hỏi trong lúc ông bà Ditschmann lái xe đưa cô về từ Troyes, địa điểm ký kết một trong những hiệp ước.

Không hề,
ông đáp.
Chính những người sáng suốt mới thấy khó ràng buộc chính mình. Một cô gái kém cỏi hơn sẽ cảm thấy bắt buộc phải tiếp tục đánh vật với đề tài đó. Cô đã xem xét kỹ suốt mười hai tuần... tìm ra một loạt điểm yếu... ở bản thân hoặc trong đề tài... cô bỏ cuộc là khôn ngoan đấy.

Bà Ditschmann hỏi,
Điều gì đã khiến cô quyết định như vậy?


Jeanne d’Arc ạ. Cô ấy quá dị thường. Cô ấy thu hút sự chú ý hơn cả phong cảnh, và cháu chưa sẵn sàng để đề cập đến cô ấy. Cháu cần một nền tảng vững chắc hơn... trong tầng lớp nông dân.

Vậy là mọi người thống nhất rằng cô sẽ rời Besançon, nhưng cô vẫn phải quanh quẩn ở đó cho đến khi tấm séc tiếp theo tới nơi. Tất nhiên, khi cô gửi địa chỉ của mình cho ngân hàng, người ta liền chuyển nó cho cha cô, và ông phát hiện ra Besançon chỉ cách Geneva vài dặm. Ông bèn đánh điện hỏi tôi liệu có thể đến đó gặp ông để thảo luận một số vấn đề với con gái ông không, nhưng tôi đang ở Afghanistan và cô thư ký không chuyển tiếp bức điện vì cô đang chờ tôi quay về Geneva trong một thời gian ngắn. Tuần cuối cùng của tháng Tư, tôi tới văn phòng và ngay lập tức đánh điện cho ông Cole là tôi sẽ đi tiếp đến Besançon, vì tôi cũng háo hức muốn tìm hiểu xem chuyện gì đã xảy ra với Gretchen.
Tôi rất thích vùng núi nước Pháp này, vì nếu lịch sử hiện đại đã bỏ qua nó thì tiến bộ cũng vậy, và việc quan sát những phong tục tập quán lâu đời được duy trì tại các nông trại lâu đời bao giờ cũng rất thú vị. Các nhà ngôn ngữ học khẳng định rằng ở Besançon, người ta nói thứ tiếng Pháp hay nhất đế quốc, vì vậy các trường đại học Mỹ đặt viện nghiên cứu của họ ở đó cũng là điều hợp lý. Tuy nhiên, khi tới nơi, tôi mới được biết vợ chồng Ditschmann đã đưa một vài sinh viên đi dã ngoại ở thành phố thường xuyên bị vây hãm Belfort. Họ sẽ về kịp bữa tối. Trong khi đó, cô thư ký nói với tôi, ông Frederick Cole ở Boston sẽ đến trong chuyến bay tối, nhưng khi tôi ngỏ ý muốn gặp cô Cole, cô ta lẩm bẩm rằng khi nào về tiến sĩ Ditschmann sẽ giải thích mọi việc, vì vậy tôi kết luận chắc Gretchen đã theo họ tới Belfort.
Tôi lui về phòng mà chưa biết được gì về tình hình của cô, ngoại trừ một điều là cô vẫn gặp rắc rối, vì cha cô không thuộc kiểu người vô cớ bay tới Besançon hay Washington, trừ phi đã xảy ra vấn đề nghiêm trọng nào đó. Trong khi tôi đang nhớ lại một nhận xét của Gretchen,
Cha cháu không hay chạy nếu ông có thể đi bộ mà cũng không bay nếu có thể chạy nước kiệu,
thì điện thoại reo để báo tin ông Cole đang chờ tôi trong phòng.
Ở Boston tôi đã kính trọng người đàn ông này; ở Besançon tôi thấy có cảm tình với ông vì ông tỏ ra là người giàu lòng trắc ẩn, rất lo lắng cho hạnh phúc của con gái.
Tôi không báo cho ông biết sớm hơn về việc nó ở gần như vậy vì tôi không biết nó ở đâu. Đúng vậy đấy,
ông giải thích.
Con bé đã hoàn toàn từ bỏ chúng tôi. Đó là lỗi của chúng tôi, nhưng khi chúng tôi đã phạm sai lầm thì nó lại không cho phép chúng tôi bù đắp. Ông có biết làm sao chúng tôi biết được chỗ ở của nó không? Qua ngân hàng. Thật tội nghiệp.


Tại sao cô ấy lại bỏ nhà đi?
Tôi hỏi.
Câu trả lời vắn tắt của ông làm tôi sửng sốt,
Lý do khách quan xấu xa. Lý do chủ quan tồi tệ.


Chuyện bắt đầu từ đâu vậy?


Như ông biết, con bé rất quan tâm đến chiến dịch của McCarthy. Tại hội nghị Chicago đã xảy ra hàng loạt sự việc tồi tệ - cụ thể như thế nào thì chúng tôi cũng không biết chắc. Trên đường về nhà, khi xe của nó đi ngang qua một thành phố nhỏ, cảnh sát địa phương đã dừng xe lại và cho nó...
Ông ngập ngừng, nhìn xuống mấy ngón tay xương xẩu của mình, rồi nói tiếp,
Bọn họ đã cho nó thứ mà cánh báo chí gọi là một trận đòn nên thân. Hết sức thô bỉ đối với một cô gái... đối với bất kỳ ai. Con bé vô cùng oán hận - nó có quyền oán hận - và đã công khai khiếu nại... qua báo chí Cleveland, ông hãy thử tưởng tượng xem. Bà Cole và tôi đều hoảng sợ. Chỉ nhằm bảo vệ Gretchen, chúng tôi đã áp dụng một vài biện pháp bưng bít mọi chuyện đi, nhưng con bé lại cho rằng chúng tôi bỏ rơi nó. Bà Cole nói vài điều không thích hợp, và chắc hẳn trông tôi có vẻ không có lập trường rõ ràng lắm. Chính lúc đó mọi rắc rối trong gia đình bắt đầu. Con bé từ bỏ chúng tôi. Chấm dứt việc học hành. Trở nên khiếp sợ... có khi còn tệ hơn... và vậy là tôi đến đây.

Ông ngồi phịch xuống ghế, rót cho mình nửa cốc whiskey và đẩy chai rượu về phía tôi.
Lại còn câu chuyện vô lý gì đó về một sinh viên luật trường Duke và vụ cần sa ở đại học Yale nữa. Chuyện gì xảy ra thì thật sự chúng tôi không biết.

Tôi cố sắp xếp trong óc mớ thông tin rối rắm này, nhưng vẫn không sao hiểu nổi, vì trong suốt câu chuyện này, tôi vẫn thấy rõ ràng hình ảnh cô gái Gretchen Cole tôi từng biết, bẽn lẽn nhưng tự tin, và với một ý thức tự trọng mà cả cảnh sát lẫn người sinh viên luật trường Duke đều không lay chuyển được.
Chắc ông hiểu nhầm thôi,
tôi phản đối.
Khi ở Boston, tôi đã hiểu cô ấy khá rõ. Không, để tôi nói cách khác nhé. Cô bé người Anh ở Vwarda mà tôi đã kể với ông... bây giờ nếu ông nói cô bé ấy gây náo loạn ở Chicago, tôi sẽ hỏi, ‘Thế thì có gì là lạ đâu?’ Gretchen thì không.


Chính vì vậy tôi mới mong ông đến nói chuyện với nó... vì ông hiểu nó.


Tôi cũng rất muốn tìm hiểu xem chuyện gì đã xảy ra,
tôi khẳng định với ông.
Bảy giờ tối hôm đó, chúng tôi bắt taxi đến viện nghiên cứu gặp Gretchen, nhưng ở phòng tiếp tân chúng tôi gặp cô thư ký và được thông báo là ông bà Ditschmann sẽ xuống ngay. Ông Cole nhún vai nhìn tôi như muốn hỏi,
Con bé tội nghiệp ấy đã làm gì nhỉ?

Khi tiến sĩ Ditschmann cùng bà vợ Mỹ bước vào, ông Cole thôi không đoán già đoán non nữa. Ông Ditschmann có nước da hồng hào, vẻ sôi nổi hoạt bát, đúng mẫu người được cho là thích hợp nhất để làm quản lý một trường trung học ở vùng nông thôn Đức. Vợ ông có đôi mắt tinh anh, về tuổi tác thì ít hơn chồng nhiều nhưng về lòng nhiệt tình dễ lây sang người khác thì không hề thua kém. Rõ ràng cả hai vợ chồng đều yêu thích công việc của mình và sẽ không ngần ngại cho ông Cole biết chuyện gì đã xảy ra với con gái ông. Tuy nhiên, cuộc trao đổi lại bắt đầu không ổn lắm.

Ông bạn Cole thân mến!
ông Ditschmann reo lên trong lúc vội vã đi ngang qua phòng và nắm lấy tay tôi.

Tôi là cha con bé,
ông Cole nói một cách thiếu tự nhiên.
Ông Ditschmann dừng lại, ngắm cả hai chúng tôi, rồi nói với tôi,
Tôi cứ ngỡ ông là ông Cole. Trông ông có vẻ đậm chất châu Âu hơn. Ông biết đấy, Gretchen rất giống dân lục địa châu Âu. Rất giỏi về ngôn ngữ.
Không hề lúng túng, ông quay sang bắt tay ông Cole,
Ông có một cô con gái hơn người đấy.


Một cô gái tuyệt vời,
bà Ditschmann tán thành.

Thế nghĩa là cô ấy không gặp rắc rối gì cả?
tôi hỏi.

Gretchen ư? Trời đất, làm gì có. Tôi còn đang mong tất cả bọn trẻ chỗ chúng tôi...


Chúng tôi có thể gặp nó không?
ông Cole đột ngột hỏi.
Tiến sĩ Ditschmann ngạc nhiên quay sang nhìn ông.
Gặp cô ấy? Cô ấy không nói với ông sao?


Nó chẳng nói gì với tôi cả,
ông Cole khẽ đáp.

Trời ạ!
tiến sĩ Ditschmann nói.
Mời hai ông ngồi xuống. Ngồi xuống đã.

Bà Ditschmann kéo ghế và nắm lấy cả hai tay ông Cole,
Ông muốn nói... cô ấy không viết thư báo cho ông biết kế hoạch của mình ư?


Không,
ông Cole rút tay lại.
Nó không viết.

Ông bà Ditschmann đưa mắt nhìn nhau, rồi ông hất đầu đúng phong cách Alsace như muốn nói,
Chắc cô ấy phải có lý do hết sức chính đáng.
Ông lên tiếng,
Vậy ra ông không biết Gretchen không còn ở đây với chúng tôi nữa sao? Không còn ở đây từ hai tuần nay rồi?


Con bé đang ở đâu?


Tôi thực sự không biết,
ông Ditschmann đáp. Quay sang vợ, ông hỏi,
Cô ấy có để lại bất kỳ đầu mối nào cho em biết cô ấy ở đâu
- ông liếc nhìn chiếc đồng hồ Thụy Sĩ để xem ngày -
vào ngày 5 tháng Năm không?


Không,
bà Ditschmann đáp, vẻ mặt không hề lo lắng.
Em nghĩ cả nhóm sẽ thăm thung lũng sông Loire... rồi có lẽ là Côte d’Azur.


Không cần phải nôn nóng đâu,
ông Ditschmann trấn an. Ông lại quay về phía vợ hỏi tiếp,
Nhóm ấy có những ai nhỉ?

Bà nghĩ một lúc, rồi điểm số người,
Có phải cậu thanh niên Đan Mạch không nhỉ? Còn cô gái Đức nữa. Cả cô người Mỹ, đúng rồi. Và một cậu nào đó nữa. Cậu này chưa gia nhập viện ta.


Ý bà là ngay cả bà cũng không biết...?


Ông Cole,
ông Ditschmann kiên nhẫn giải thích,
Viện chúng tôi có rất nhiều học viên. Từ khắp thế giới. Họ đến, họ đi, những thanh niên nằm trong số những người ưu tú nhất trên trái đất này. Bây giờ con gái ông đang đi cùng ba hay bốn người như vậy. Đi đâu thì tôi không biết. Đâu đó ở châu Âu. Lúc nào thích hợp, cô ấy sẽ cho chúng ta biết.


Tôi thật không hiểu nổi,
ông Cole nói.
Con gái chúng tôi ghi danh học ở đây... thế mà ông bà thậm chí còn không biết nó ở đâu nữa. Đâu đó ở châu Âu. Với ba hay bốn thanh niên cũng vô trách nhiệm như nhau.


Ông Cole,
bà Ditschmann đính chính,
Gretchen không phải người vô trách nhiệm. Có lẽ cô ấy là một trong những sinh viên vững vàng nhất của chúng tôi. Cô ấy tiếp thu hết những gì chúng tôi phải truyền thụ và đủ thông minh để hiểu chúng. Lúc này cô ấy đang ở đâu ư? Cô ấy đang tìm kiếm.


Tìm kiếm cái gì?
ông Cole hỏi.

Ý tưởng,
tiến sĩ Ditschmann đáp.
Khi đến đây cô ấy đã có dự định... viết về Cuộc Chiến Trăm Năm. Sau khi xem xét kỹ in situ[61], cô ấy nhận thấy nó không phải thứ thuộc về mình, như người ta thường nói. Cô ấy đã có gan từ bỏ. Bỏ ngay lập tức. Và bây giờ cô ấy đang tìm kiếm một thứ khác.


Thứ gì?
ông Cole nhắc lại.

Tôi đã nói với ông rồi. Ý tưởng. Cô ấy đang tìm kiếm khắp nước Pháp xem có ý tưởng nào đủ lớn để thu hút niềm đam mê và tài năng của mình trong mười hai năm tới không. Rất khó tìm ra được những ý tưởng như vậy. Chúng ta phải hết lòng chúc cô ấy may mắn thôi.


Thật đau lòng,
ông Cole lẩm bẩm.
Một cơ sở giáo dục mà thậm chí còn không biết bọn trẻ của mình đi đâu...

Tiến sĩ Ditschmann mỉm cười,
Chúng tôi không nghĩ các cô gái hai mươi mốt tuổi với chỉ số IQ 170 lại là bọn trẻ. Thực ra, có lẽ con gái ông chưa bao giờ là một đứa trẻ. Lúc này tôi chắc cô ấy đang ở đúng nơi mà cô ấy nên có mặt.


Ở đâu chứ?
ông Cole gặng hỏi.

Trên một chiếc pop-top màu vàng... lang thang khắp châu Âu... với một nhóm thanh niên thông minh.


Chiếc pop-top màu vàng là gì?
ông Cole hỏi, cố kiềm chế cơn giận.
Tiến sĩ Ditschmann nhường lời cho vợ, và bà giải thích,
Hãng Volkswagen của Đức đã sáng chế ra loại xe mới vừa chở khách vừa chở hàng. Rất được giới trẻ ưa chuộng. Bố trí giường ngủ có mái che được gắn vào vách một cách khéo léo sao cho có thể gấp lên để tạo thêm không gian và tầm nhìn.


Giường ngủ trên xe?
ông Cole nhắc lại như thể một vực thẳm đã ngăn cách ông với ông bà Ditschmann.

Khi Gretchen quyết định rời viện nghiên cứu,
tiến sĩ Ditschmann giải thích.
Với lời chúc chân thành nhất của chúng tôi,
vợ ông xen vào,
cô ấy vừa nhận được một tấm séc khá lớn từ Boston. Chắc chắn là do ông gửi. Vậy là cô ấy nảy ra ý tưởng tuyệt vời là mua một chiếc pop-top. Bà nhà tôi giúp cô ấy chọn xe.


Chúng tôi đã khuyến khích cô ấy,
bà Ditschmann đính chính.
Ông thấy đấy, ngay từ ngày đầu tiên kiểu xe pop-top được tung ra thị trường, Karl và tôi đã muốn mua một chiếc. Thật tiện lợi để đưa sinh viên đi cắm trại, vì thế ông có thể nói rằng với việc khích lệ Gretchen chúng tôi đã làm cho mong ước của bản thân được thăng hoa. Dẫu thế nào chăng nữa, cô ấy cũng khao khát có một chiếc pop-top màu vàng. Không màu nào khác hợp ý cả. Người buôn bán xe lại chỉ có chiếc màu đỏ đẹp hết sảy ấy...

Nghe bà dùng từ hết sảy, ông Cole cau mày, và tôi đã lo rằng cuộc nói chuyện sẽ kết thúc trong thảm họa, nhưng bà Ditschmann phớt lờ ông:
Vì thế người bán hàng ở Besançon gọi điện đến Belfort, ở đó họ có một chiếc màu vàng tươi, vậy là chúng tôi lái xe lên đó xem sao, và khi Gretchen nhìn thấy nó sáng lên dưới ánh mặt trời, cô đã chạy lại gần, hôn nó và nói, ‘Tôi đã dùng màu tối quá lâu rồi.’ Cô ấy mua ngay tại chỗ, trả tiền mặt, và hôm sau lái lên miền Nam.
Bà ngập ngừng, rồi nói thêm,
Với lời chúc tốt lành của chúng tôi, thưa ông Cole. Với lời chúc tốt lành chân thành nhất của chúng tôi.


Bây giờ nó ở đâu?
ông Cole khẽ hỏi.

Chúng tôi không có manh mối gì cả,
tiến sĩ Ditschmann đáp.

Lang thang khắp châu Âu hả?
ông Cole chua chát hỏi.
Với một lũ con trai mà thậm chí ông bà còn không biết?

Tiến sĩ Ditschmann thở dài, tựa lưng vào ghế và nói,
Ông Cole, thế hệ ông phải đối diện với thực tế thôi. Qua những gì quan sát được ở Gretchen, tôi thấy cô ấy chỉ có duy nhất một vấn đề. Một chuyện gì đó rất phũ phàng đã xảy ra với cô ấy. Tôi không biết đó là gì, nhưng có lẽ nó liên quan tới tình dục. Ngay lúc này, trách nhiệm hết sức nặng nề của cô ấy là phải đưa trải nghiệm đó, bất kể là gì chăng nữa, quay trở lại thế cân bằng. Hai vợ chồng tôi không thể giúp được gì. Tôi chắc là cả ông cũng không. Chỉ những người bạn đồng trang lứa mới làm được một điều tốt đẹp nào đó cho cô ấy. Thật ra là chỉ các chàng trai cùng lứa tuổi thôi. Tốt hơn ông nên cầu Chúa cho cô ấy gặp được họ.

Tôi tưởng ông Cole sẽ nổi điên lên trước ý kiến này. Nhưng trước sự ngạc nhiên của tôi, ông lại tỏ ra thoải mái và lắng nghe, với thái độ gần như tán thành, khi bà Ditschmann nói,
Ông có một cô con gái tuyệt vời, ông Cole. Nhạy cảm, hết sức dễ thương. Karl và tôi sẽ rất tự hào nếu có một đứa con gái như vậy. Nhưng nếu có, chúng tôi tin chắc nó sẽ không cư xử như chúng tôi muốn... như tôi đã từng cư xử hồi ở trường Smith một thế hệ trước. Mọi sự đã khác rồi... phần lớn là theo hướng tốt đẹp hơn. Ông hãy nhìn cậu kia mà xem.
Lúc này sinh viên đang đi qua phòng để đến nhà ăn, và bà chỉ một thanh niên béo tròn có mái tóc xù kinh khủng và bộ râu rối bù trông giống hệt một chú mèo bông bị kéo lê suốt cả ngày.
Trước khi ông qua đời thì cậu ta có lẽ đã thành nhạc trưởng Dàn nhạc Giao hưởng Boston đấy. Còn cậu kia nữa. Cậu ta sẽ bị sốc nếu tôi bảo một ngày nào đó cậu ta sẽ thành chủ nhà băng ở Denver. Cả cô gái mặc cái quần dễ sợ kia nữa, cô ấy có thể là một thượng nghị sĩ... không phải thượng nghị sĩ bang đâu... Hợp Chủng Quốc Hoa Kỳ cơ. Dù ông và tôi có thích hay không, ông Cole ạ, các thanh niên đang tìm tòi... thăm dò... bác bỏ kia... họ sẽ cai quản thế giới này.


Những kẻ trôi dạt dễ thương kia ư?
ông Cole hỏi với vẻ sôi nổi bất ngờ.

Làm gì có lựa chọn nào khác?
tiến sĩ Ditschmann hỏi.
Như anh chàng kia chẳng hạn,
và ông chỉ một thanh niên da đen để kiểu tóc châu Phi dữ tợn.
Tốt hơn ông nên chuẩn bị tinh thần trước đi thì hơn, biết đâu một ngày nào đó con gái ông sẽ đưa cậu ta về thăm với tư cách là chồng cô ấy. Cậu ta rất xuất sắc... và rất dễ mến.

Ông Cole nhìn anh da đen, mỉm cười, và hỏi nhỏ,
Tất nhiên ông đang nói một cách giả định, phải không?


Không hẳn,
ông Ditschmann nói lảng.
Ngay sau đó ông Cole có một hành động rất bất ngờ. Ông bỏ chúng tôi lại đó, tiến đến gần cậu thanh niên da đen và nói,
Tối nay cậu có vui lòng dùng bữa với chúng tôi không? Xin lỗi, tôi là cha của Gretchen Cole.


Rất sẵn lòng ạ. Ông có biết tin gì của Gret không?


Tôi đang hy vọng cậu cho tôi biết.


Cô ấy có một dự định lớn về thung lũng sông Loire. Cháu cũng muốn đi theo nhưng lại phải thi môn tiếng Pháp năm thứ ba, nếu không sẽ mất suất học bổng của trường Stanford.

Ông Cole quàng tay qua vai cậu thanh niên đưa lại chỗ chúng tôi.
Tiến sĩ Ditschmann, tối nay ông và bà nhà có vui lòng dùng bữa với chúng tôi không?
Khi hai nhà sư phạm gật đầu, ông Cole nói,
Quanh đây chắc chắn phải có nhà hàng nấu kiểu thôn quê. Chúng ta hãy có một tối vui vẻ với nhau.

Chúng tôi tìm được một chiếc taxi và đi ra ven thành phố Besançon, nơi có một nhà hàng Alsace phục vụ món bắp cải đỏ, bảy loại dồi khác nhau và một thứ bánh mì đen chua. Khi chúng tôi đã yên vị trước mấy vại bia, ông Cole nói,
Ở Boston tôi làm chủ tịch hội đồng quản trị trường St. Peter. Công việc khá phù hợp. Tiến sĩ Ditschmann, cách tiếp cận với giáo dục của ông đã hấp dẫn tôi. Sinh viên muốn đi thì đi, muốn đến thì đến, ông không phải lo gì cả, thế mà các bạn trẻ như cậu đây vẫn thành công với phương pháp của ông. Ông sẽ là một luồng gió tươi mát ở St. Peter... nếu có lúc nào đó ông muốn thử.
Rồi ông quay sang cậu da đen hỏi,
Ở Besançon, Gretchen xoay xở ra sao?


Một người xuất sắc... về mọi mặt.


Nó có vui vẻ không?


Không. Rất căng thẳng.
Cậu thanh niên ngập ngừng, rồi thêm,
Cháu có lẽ là người con trai thứ tám xếp hàng để cố gắng hôn được cô ấy. Cô ấy rất căng thẳng. Chúng cháu tưởng cô ấy phải rời khỏi đây sớm hơn cơ.


Cậu tán thành việc nó ra đi ư?


Tất cả bọn cháu đều tán thành,
cậu thanh niên đáp.
Đã đến lúc cô ấy phải đi tiếp.

Khuya hôm ấy, sau khi đưa ông bà Ditschmann và cậu sinh viên Arkansas được cấp học bổng về viện nghiên cứu, ông Cole và tôi đang trên đường trở lại khách sạn thì ông phá lên cười,
Tôi hy vọng mình vẫn còn sống khi anh chàng có bộ tóc kỳ quái kia tiếp quản Dàn nhạc Giao hưởng Boston. Ông có tưởng tượng được bộ mặt của đám khán giả ngày thứ Sáu không?
Rồi ông úp mặt vào tay và nói nhỏ,
Và ông có tưởng tượng được chuyện mình bay sang châu Âu giúp đỡ con gái để rồi thậm chí ngay cả việc nó ở đâu mình cũng không sao xác định được không?

Nhấn vào đây để xem chương mới nhất của Ebook 6 Người Đi Khắp Thế Gian (Trọn bộ 2 tập).