VI - Chương 10


Số từ: 2673
Thể Loại: Tiểu Thuyết Hư Cấu
Người dịch: Nguyễn thị Bạch Tuyết
NXB Văn Học
Bốn giờ chiều ngày 3 tháng Năm năm 1969, mọi khách quen đang uể oải ngồi trong quán cà phê đối diện quầy báo chính ở Torremolinos không tập trung vào dòng khách du lịch qua lại nữa mà quan sát một chiếc pop-top màu vàng bụi bặm có biển số Pháp vừa tiến vào trung tâm thành phố, bên tay lái là một phụ nữ trẻ trung duyên dáng đi du lịch một mình. Ai cũng thắc mắc,
Không hiểu một cô gái trẻ như vậy làm gì một mình?
và tiếp theo đó phần lớn đàn ông đều nghĩ,
Một anh chàng may mắn nào đó sẽ bám lấy món bở này cho mà xem.
Họ dõi mắt theo khi cô gái dừng xe bước xuống, lơ đãng nhìn quanh một lượt, không tỏ vẻ gì là đã nhìn thấy quán bar hoặc muốn vào đó nếu đã nhìn ra nó, mua một ôm báo tiếng Pháp và Đức, leo lên chiếc pop-top, lái đi.

Cô ấy sẽ trở lại,
một sinh viên người Mỹ nhận định với bạn,
và cô ấy đáng để làm quen đấy.
Rồi, thấy xe cô dừng lại trước đèn giao thông, anh ta chạy đến thân mật hỏi,
Có gì cần tôi giúp không?


Có. Khu cắm trại ở đâu vậy?


Ở đây làm gì có. Cô cứ xem dọc bãi biển ấy. Tìm một chỗ mà đậu.


Bãi biển ở phía kia phải không?


Phải.


Cảm ơn.

Khi quay lại quán, anh ta thông báo với mọi người,
Người Mỹ. Quần áo đắt tiền. Không có hành lý nào khác trên chiếc pop-top. Chắc cô ấy đi du lịch một mình. Cô ấy sẽ đậu xe dọc bãi biển. Báo cô ấy mua là tiếng Pháp và Đức, thế thì chắc là sinh viên... có lẽ là đâu đó ở châu Âu.
Người nghe đặc biệt chú ý chi tiết cô gái không có bạn trai và sẽ đậu xe dọc bãi biển. Ai ai cũng định bụng tìm hiểu xem sao.
Gretchen đi theo con đường dẫn ra bãi biển, và khi thấy dải cát dài rộng trải mãi đến tận Málaga, cô đã hiểu tại sao cô gái ở công ty du lịch Avignon hăng hái đến thế. Cô lái chầm chậm về hướng Đông cho đến khi tới khách sạn Đức rộng lớn có tên Brandenburger, phía trước là bờ biển đang mời gọi.
Đây đúng là nơi để ẩn mình,
Gretchen tự nhủ. Cô tìm quanh bãi biển cho đến khi thấy một khoảnh đất nhỏ bằng phẳng để lùi chiếc pop-top sao cho qua ô kính hậu lớn có thể chiêm ngưỡng Địa Trung Hải còn qua kính chắn gió có thể nhìn ra khách sạn Đức cùng dãy núi phía sau. Đó là một lựa chọn sáng suốt, và lúc cô thu xếp xong cho chiếc xe cùng đồ đạc bên trong thì mặt trời vừa bắt đầu lặn, và khi bóng tối lan nhanh trên núi non biển cả, cô được trải nghiệm một cảm giác hạnh phúc ngập tràn.
Mấy ngày sau đó, những người Đức trọ ở khách sạn Brandenburger đều tỏ ra rất tử tế. Lúc đầu có vẻ như họ chỉ đơn thuần tò mò vì sao một thiếu nữ như cô lại cắm trại một mình. Khi thấy Gretchen nói được tiếng Đức, họ dành cho cô một sự quan tâm mang tính cá nhân, mời cô tới quán rượu trong khách sạn, bàn luận với cô hàng giờ về các vấn đề chính trị ở Đức và Mỹ. Họ đặc biệt quan tâm tới những gì đã xảy ra tại hội nghị Chicago, và Gretchen chợt nghĩ là, với những kinh nghiệm của họ về Hitler, họ nhận thấy những điềm báo mà người Mỹ đã bỏ qua. Họ còn tha thiết mời cô cùng ăn và thuyết phục viên quản lý khách sạn cho cô sử dụng phòng tắm.

Lúc nào cần tắm,
một bà nội trợ người Hamburg còn dặn để cô yên tâm,
cô cứ lên tầng chúng tôi. Khi còn trẻ, Willi và tôi cũng hay cắm trại lắm.

Ngay cả ở Pháp Gretchen cũng chưa bao giờ gặp được ai mà cô thấy có cảm tình như những người Đức điềm đạm tử tế ấy, và đêm đêm nằm một mình, duỗi người trong chiếc pop-top, cô ngẫm nghĩ về chuyện mình cũng là người Đức, rằng cô đang khôi phục mối quan hệ với cội nguồn, và những gì nhìn thấy khiến cô thích thú. Vài người tìm cách hẹn hò với cô song những gì từng phải trải qua với cảnh sát vẫn làm cô căng thẳng đến mức cảm thấy không muốn chơi bời với họ. Một lần một anh chàng đặc biệt bảnh trai người Stuttgart tha thiết xin tiễn cô về chiếc pop-top, và khi thấy hai cái giường đặt cạnh nhau sẵn sàng, anh ta gợi ý,
Nếu chưa có ai dùng chiếc giường thứ hai này...
nhưng cô không thích thú gì chơi trò vật lộn trong xe của mình với một người đàn ông mà cô không có tình cảm.
Sang đến cuối tuần thứ hai, vì mong muốn được gặp vài người Mỹ nên cô từ từ cho xe ra khỏi chỗ đậu, lái vào thành phố và dừng lại ở bãi đất rộng cạnh bưu điện. Cô xuống xe, vận động cho giãn gân cốt rồi bắt đầu khám phá các cửa hàng, quán ăn muôn màu muôn vẻ. Trong một con hẻm, cô nhìn thấy một biển hiệu làm cô thích thú ngay lập tức: một khẩu súng gỗ, trên đó có hai chữ THE ALAMO.
Đúng cái mình cần! Cô nghĩ. Nói chuyện bằng tiếng Texas. Cô đẩy cửa, nhận ra mình vừa bước vào một gian rất nhỏ không có người Texas nào; cô gái trông quầy rượu rõ ràng là người Scandinavia, nhưng quanh một chiếc bàn trong góc lại là một nhóm đàn ông Mỹ có lẽ chỉ chớm tuổi trưởng thành. Cô vừa ngồi xuống thì hai người trong bọn lừ đừ bước đến hỏi,
Cô là người Mỹ phải không? Cô làm gì ở đây?
Họ tự giới thiệu là lính ở căn cứ quân sự Mỹ gần Sevilla và mời cô ngồi cùng. Khi sang nhập hội, cô phát hoảng trước sự trẻ con trong cách nói chuyện của những người này - thực ra họ chỉ thích thú môn đấu bò và bóng chày - nhưng khi dò hỏi, cô mới phát hiện trong số đó không cậu nào từng học cao đẳng đại học và chỉ một nửa tốt nghiệp trung học. Dù sao, họ cũng tỏ ra hứng thú khi một thanh niên da đen đi vào quán cùng một cô gái trẻ măng rất quyến rũ mà Gretchen đoán ngay là người Anh.

Này,
một anh lính trẻ trong nhóm thì thầm,
kia là tên da đen đã nổ súng ở nhà thờ tại Philadelphia đấy... giết hết tín đồ Tân giáo... cô đã đọc báo chưa?

Gretchen đã đọc. Tờ Herald Tribune ở Paris hồi tháng Ba vừa qua đăng vô số bài về vụ này và cô đã bàn luận với các sinh viên da đen ở viện. Họ đã biện bạch cho cả bản thân sự việc lẫn triết lý sâu xa ẩn chứa phía sau, nhưng cô không thể nhất trí với họ vì cô tin rằng nếu cứ nhất định đấu tranh vũ trang thì người da đen sẽ gây ra... mất mát cho tất cả mọi người. Cô chăm chú quan sát người mới đến và hỏi một anh lính,
Tôi gặp anh ấy được không?
thì anh ta đáp,
Sao lại không chứ? Ngày nào anh ấy chẳng đến đây.
Anh ta gọi người thanh niên da đen đến bàn mình và bảo,
Cato, anh muốn gặp một người bạn của tôi từ Mỹ sang không - à mà tên bạn là gì nhỉ?


Gretchen Cole.


Cato Jackson.
Anh da đen đưa mắt tìm bạn gái, nhưng cô đang bận giúp cô gái Scandinavia sau quầy rượu.

Các bạn trẻ này kể với tôi là anh có dính líu đến vụ Philadelphia.


Đúng thế,
anh xác nhận một cách điềm đạm vì không biết chắc người da trắng hỏi mình sẽ thể hiện thái độ gì.
Cuộc bàn luận kéo dài khá lâu, một vài anh lính nêu ra những ý kiến sắc sảo đích đáng khiến Gretchen ngạc nhiên, còn Cato tỏ ra khá thông minh và chín chắn. Cô có cảm tưởng Cato đang đánh lừa cô bằng một vài lời bình luận. Nhưng cô vẫn mến anh và hy vọng sớm có cơ hội gặp lại anh. Nhưng khi lái xe về nơi hạ trại, cô thấy một thương gia Đức, một người Berlin tên là Kleinschmidt, đang chờ cô với tin tốt lành:
Đêm hôm nọ cô có nói về đàn guitar... cô bảo muốn mua một cây đàn Tây Ban Nha. May quá, tôi đã tìm được nơi làm đàn, mai tôi sẽ đưa cô đến đó.

Đó là một làng miền núi trên dãy núi cao lởm chởm phía Bắc Málaga. Đường đi khá cheo leo hiểm trở, nhưng bằng cách lái rất chậm Gretchen đã đưa được chiếc pop-top đến một bãi trống giữa làng có lẽ từng là nơi trú ẩn của El Cid[62]. Cô bị nét cổ xưa của nơi này hút hồn và hồi hộp không hiểu mình sẽ khám phá được gì trong xưởng thủ công mà ông thương gia Đức dẫn cô vào. Chủ xưởng là một người Tây Ban Nha già nua chỉ còn bốn cái răng, mặc áo khoác lông cừu. Trên một loạt giá cao quá đầu, cụ trữ hàng chồng gỗ lâu năm đợi đến khi độ ẩm thích hợp sẽ dùng chúng để làm nên những cây guitar thôn quê, những nhạc cụ to nặng có ngựa đàn cứng cáp và cần đàn chắc nịch khớp với các khóa gỗ kiểu cổ. Còn dây đàn, cụ dùng ruột động vật, và khi Gretchen cầm một cây lên gảy, nó vang lên những âm bội rất vừa ý.

Cây guitar này tốt lắm đấy,
người thợ nói bằng tiếng Tây Ban Nha.
Họ thương lượng về giá cả, ông thương gia người Đức đóng vai trò phiên dịch, lúc đầu Gretchen cảm thấy quá đắt.
Nhưng cây guitar này rất tốt mà,
cụ già khăng khăng, và sau khi chơi một loạt hợp âm dồn dập với những âm thanh vang lên rõ ràng, rắn rỏi và chân thực, Gretchen cũng phải công nhận,
Hiếm khi cháu được nghe tiếng đàn nào hay hơn. Cháu lấy cây này.


Nhưng trước hết tôi phải đánh bóng đã,
ông cụ nói, Gretchen liền bảo cô sẽ chờ. Nhưng cụ giải thích việc đánh bóng phải mất hai ngày, vì vậy cô hỏi ông người Đức dẫn đường,
Ông có cách gì quay về Torremolinos không?
và ông này hỏi thăm thì được biết có một chuyến xe buýt rời khỏi đó lúc bốn giờ, nên cô nói,
Không biết tiếng Tây Ban Nha nhưng tôi vẫn có thể xoay sở được. Ông biết đấy, cây guitar này xứng đáng để tôi ở lại chờ.
Vì vậy ông người Đức bèn xuống núi trước.
Khi chiếc xe buýt đã mất hút về phía Málaga, Gretchen chỉ còn lại một mình, hoàn toàn một mình như bấy lâu nay, vậy là cô bắt đầu dạo quanh ngôi làng nghèo khổ để tìm chỗ đậu thích hợp cho chiếc pop-top, và một lúc sau cô phát hiện ra địa điểm bên cạnh dòng suối chảy từ trên núi xuống bèn lái đến đó, đậu xe sao cho đầu cô gần như nằm ngay trên dòng nước, song ở trong chiếc pop-top một lúc khá lâu mà trời vẫn chưa tối, Gretchen không sao cưỡng lại mong muốn được hát nên quyết định quay lại xưởng của ông thợ thủ công hỏi mượn một cây guitar, rồi mang theo cây đàn cụ đưa cho đi bộ xuyên qua làng, theo sau là cả trẻ con lẫn người lớn vì họ chẳng có việc gì thú vị hơn để làm, về đến chỗ chiếc pop-top thì cô ngồi xuống một phiến đá cạnh suối và bắt đầu chơi các khúc ballad cổ.
Sau đó một cụ già trong làng hỏi mượn cây guitar, vừa đàn vừa hát một bài flamenco thê lương, rồi đến lượt một người đàn bà đàn hát một khúc flamenco hoang dã hơn. Biểu diễn xong, họ trả cây guitar cho cô và yêu cầu cô tiếp tục hát, vậy là, choáng ngợp trong nỗi cô đơn khôn nguôi của tuổi trẻ, cô cất tiếng than khóc cho Bá tước Murray quá cố, và mặc dù không hiểu một lời nào cô hát, dân làng vẫn biết trong ca khúc của cô có một điều tốt đẹp đã mất đi, và họ chia sẻ nỗi buồn cùng cô:

Hào hoa phong nhã và kiêu hãnh,
Chàng chơi bóng đá lối Scotland;
Và bá tước Murray dũng mãnh
Tinh hoa rực rỡ giữa muôn người.

Cô ở lại làng đó hai ngày xem người thợ thủ công đánh bóng cây guitar, cứ mỗi lần tra một lớp dầu mới, cụ đều lau ít nhất một tiếng đồng hồ, thỉnh thoảng lại đưa cho cô kiểm tra âm thanh.
Mượt mà hơn nhiều rồi đấy,
cụ bảo cô.
Bằng giờ này sang năm, nó sẽ gù gù như tiếng chim bồ câu ấy.
Cô hiểu ý cụ.
Nhưng ban đêm, khi cuộc trình diễn của cô với cây guitar đi mượn kết thúc và dân làng đã về nhà ngủ, Gretchen lại nằm một mình trong chiếc pop-top lắng nghe tiếng suối rì rào và thú nhận mình cô đơn xiết bao. Dường như trên thế giới này cô chẳng thể chia sẻ được cùng ai, và cô tự hỏi chẳng lẽ dòng đời mình lại sẽ chảy mãi như vậy. Cô đã quen biết nhiều thanh niên tử tế, một số còn quan tâm đến các vấn đề xã hội Mỹ hơn cả cô, nhưng chẳng có người nào khiến cô có thể bộc lộ mối quan tâm lâu dài. Cô băn khoăn không biết trong tính cách của mình liệu có khiếm khuyết tiềm ẩn nào mà kinh nghiệm ghê tởm ở Patrick Henry chỉ thuần túy làm nó lộ ra. Như bất cứ người nhạy cảm nào khác, cô không muốn tin vào luận điểm đáng sợ ấy. Mình chẳng có gì không bình thường cả, cô khẳng định với mình.
Nhưng bình minh đêm thứ hai, khi lũ gà trống sắp sửa cất tiếng gáy, cô không thể tự dối lòng là mình sắp ngủ được nữa, vì vậy cô ngồi dậy, và trong không khí yên ắng của chiếc pop-top, cô lấy cây đàn đi mượn xuống gảy những hợp âm vu vơ, rồi một lúc lâu sau cô cất tiếng hát:

Tối qua nữ hoàng có bốn Mary,
Đêm nay, bà chỉ còn ba;
Trước đó có Mary Beaton, Mary Seaton,
Và Mary Carmichael, và ta.

Vừa hát cô vừa tự hỏi không biết bản chất đích thực của cuộc sống liệu có phải là phụng sự nguồn gốc của sức mạnh, làm những gì cần làm, ngay cả khi giá treo cổ trở thành kết cục logic cho hành vi của mình... là chấp nhận nó... nhưng trên tất cả là góp phần vào, là ở trung tâm cuộc sống với vai trò một người trong cuộc.
Cô dần dần nhận ra dân làng đã tụ tập quanh chiếc xe từ lúc nào không hay; họ đã quan sát cô suốt đêm, và lúc này, thấy cô đã dậy, họ mới đến gần để xem cô gái Mỹ lạ lùng và cô đơn này là người như thế nào.
Nhấn vào đây để xem chương mới nhất của Ebook 6 Người Đi Khắp Thế Gian (Trọn bộ 2 tập).