VII - Chương 9
-
6 Người Đi Khắp Thế Gian (Trọn bộ 2 tập)
- James Albert Michener
- 1683 chữ
- 2020-05-09 03:39:48
Số từ: 1667
Thể Loại: Tiểu Thuyết Hư Cấu
Người dịch: Nguyễn thị Bạch Tuyết
NXB Văn Học
Tôi đã nhầm về Clive ở một điểm. Cách ứng xử như đàn bà của anh đã khiến tôi nghĩ anh là người đồng tính luyến ái; chắc chắn những người lính gặp anh lần đầu cũng tưởng thế vì tôi nghe được nhiều lời bình luận khá tục tĩu, nhưng một trong những người Mỹ đóng quân ở căn cứ quân sự được ba năm đã lên tiếng cải chính.
Mọi người nhầm to về cậu Clive này rồi. Cậu ấy ở chung căn hộ với tớ trong một chuyến đi, cậu ấy có nhiều bạn gái ra vào đến nỗi Guardia Civil[73] phải đến kiểm tra xem chúng tớ có mở nhà thổ không. Rồi họ gặp Clive, chàng trai thanh mảnh nặng có một trăm bốn mươi pao, một anh Guardia hỏi tớ, ‘Bí quyết của hắn là gì nhỉ?’
Anh lính đó nói đúng. Vì Gretchen vào ngủ trong nhà, Yigal và Clive được sử dụng chiếc pop-top, họ liền thu xếp giường đệm sao cho bốn người có thể ngủ một cách thoải mái và quan sát được mặt biển. Vì vậy chiếc xe thành điểm lý tưởng để tiếp đãi các quý cô, những người sau đó còn ghé vào nhà uống cà phê và sử dụng buồng tắm. Lần nào tôi đến chơi, căn hộ cũng có khách nữ, và dường như cứ cô sau lại xinh đẹp hơn cô trước. Danh tiếng của Clive lan truyền khắp bờ biển, vài người quen của anh lái xe cả quãng đường dài tới bàn luận với anh về âm nhạc và chia sẻ chiếc giường mà họ đã chăn gối trong các lần đến thăm trước. Anh là người thổi kèn[74], dụ lớp trẻ ưu tú nhất ở Hamelin, nhưng không lâu sau tôi nhận thấy trong khi có thể ngủ với nhiều cô gái chủ động đến với mình, Clive trước hết vẫn chỉ quan tâm đến Gretchen.
Tôi có mặt lúc mối tình si ấy bắt đầu (Các bạn đừng hỏi tôi làm sao một chàng trai có thể một tuần quan hệ với bốn cô gái khác nhau trong chiếc pop-top đồng thời lại say mê chủ nhân cái giường mà anh ta đang sử dụng; thanh niên không coi việc này là khó hiểu). Đó là ngày thứ ba Clive dừng chân ở Torremolinos và tất cả chúng tôi đều có mặt ở quán Alamo, nơi anh đang cho nghe đĩa hát của mình.
Tôi có một đĩa hay tuyệt vừa mang từ Mỹ sang,
anh reo.
Các bạn sẽ thích cho mà xem, và các bạn sẽ rất bất ngờ nếu tôi nói cho các bạn biết đĩa này là của ai. Johnny Cash. Phải, anh chàng miền núi đó. Nghe này!
Đó là một bài vui nhộn kể về một con bạc người miền Nam đặt tên cho con trai mình là Sue rồi bỏ rơi nó. Cha con gặp lại nhau tại một quán rượu ở Gatlinburg, thế là tình hình đột nhiên trở nên rối loạn khủng khiếp. Đúng như Clive nói, đó là bài ai cũng thích, và trong lúc anh cho chạy lại đĩa đó, tôi cứ nghĩ ngợi lan man rằng ở Mỹ nền âm nhạc mới đang phát hiện ra điều mà các nhà sản xuất xe hơi và công ty thuốc lá vốn đã biết rồi; trong thế giới hiện đại với những thành phố cơ khí bụi bặm đông đúc, sự lãng mạn chỉ có thể tồn tại được trong không gian thoáng đãng ở miền Nam và miền Tây. Chàng Sue gặp lại người cha độc ác của mình ở Gatlinburg; anh lính mơ về người yêu ở Galveston; người thợ đường dây từ Wichita và anh nhạc công guitar bỏ trốn đang trên đường đến Phoenix. Cứ thử xem một tá quảng cáo xe hơi trên truyền hình, bạn sẽ thấy chiếc xe Mỹ nào cũng chạy trên những con đường Viễn Tây bụi bặm. Người hút thuốc lá cũng vậy. Bạn sẽ không bao giờ thấy họ ở thành phố mà luôn luôn bên bờ một con suối mát lạnh hoặc đang chăn những con bò Hereford đầu trắng ở bên kia quả núi mặt bàn. Những khoảng không thoáng đãng, cuộc sống lành mạnh ở thôn quê đại diện cho những gì đáng mơ ước trong văn hóa Mỹ; thành phố là nơi ghê sợ cần phải quên đi.
Tôi đang ngẫm nghĩ về những vấn đề đó thì một nhóm thanh niên Mỹ và Thụy Điển bước vào quán, nghe đĩa của Clive một lúc, rồi hỏi Joe,
Chúng tôi tưởng cô gái vẫn hát ballad vào lúc năm giờ chiều.
Thấy họ nhìn Clive với vẻ quy trách nhiệm, Joe vội nói,
Cô ấy hát ngay bây giờ đây,
và anh giải thích cho Clive biết là mấy tuần gần đây Gretchen vẫn thường chơi guitar và hát ballad.
Tuyệt vời!
Clive nói thật to để át tiếng nhạc.
Cực kỳ tuyệt vời đấy.
Anh nhấc kim lên nâng niu cất đĩa vào bao rồi quay về phía Gretchen nói,
Thế mà anh không hề biết đấy, cô bạn thân mến, không hề biết.
Em thích nhạc của anh hơn,
cô đáp, nhưng sau khi ghế được mang ra và cô lên dây đàn gảy những nốt đầu tiên như một nhạc sĩ chuyên nghiệp, tôi có thể nhận thấy Clive tròn xoe mắt ngạc nhiên. Anh nhìn tôi đầu gật lấy gật để như muốn nói,
Cô này biết chơi đấy.
Child 81,
Gretchen giới thiệu, và ngay sau đó cô cất tiếng hát kể lại câu chuyện xúc động về Phu nhân Barnard cao quý đã gặp chàng Little Musgrave tại nhà thờ vào một sáng Chủ nhật và buông lời gạ gẫm tán tỉnh khiến cho ngay cả một thanh niên đang chăm chú theo dõi buổi lễ trong nhà thờ cũng không thể cầm lòng.
Điền trang ở Mulberry ta có,
Rất kiên cố, kín cổng cao tường;
Nếu chàng đi cùng ta đến đó,
Thì suốt đêm ta nằm ở bên chàng.
Little Musgrave đi theo phu nhân về nhà rồi bị chồng bà, Ngài Barnard, bắt gặp trên giường và bị ông ta chặt ra thành từng khúc.
Gretchen trình bày khúc ballad với phong cách quyến rũ mê hồn, và Clive, người chỉ cần nghe là nhận ra ngay ai là ca sĩ có tài, lên tiếng khi tiếng vỗ tay lắng xuống,
Thật tao nhã. Em hát như một cô gái Scotland vậy... đượm màu bùn lầy thực sự.
Tôi đề nghị cô hát
Mary Hamilton
, thế là đám khách Thụy Điển vỗ tay nhiệt liệt vì ở nước họ bài này được khá nhiều người biết. Lạ một điều là Clive lại không biết khúc ballad nổi tiếng này, nhưng dù mới nghe lần đầu, anh đánh giá ngay được vẻ đẹp lạ thường của khổ thơ mở đầu và kết thúc.
Tuyệt vời!
anh tấm tắc khen, rồi trong suốt thời gian còn lại ở Torremolinos, chính anh là người thu xếp cho Gretchen chốc chốc lại được yêu cầu lên chiếc ghế cao để hát, và cũng chính anh là người dẫn đầu việc vỗ tay tán thưởng mỗi khi cô biểu diễn.
Anh mượn các tập tác phẩm của Child để nghiên cứu và hỏi ý kiến Gretchen xem những bài nào hay. Cũng như cô, anh thấy lời than khóc dành cho Bá tước de Murray Cao quý là một trong các ca khúc hay nhất, nhưng chính
The Great Silkie of Sule Skerrie
mới cho anh thấy cô là người thể hiện tinh tế đến thế nào.
Em phải đi sang Anh!
anh kêu lên.
Các công ty đĩa hát sẽ mừng rơn trước những gì em thể hiện... nhất định là thế.
Gretchen không có tham vọng thu đĩa, tính chuyên nghiệp kiểu ấy chưa bao giờ hấp dẫn cô và cô sẽ bối rối nếu thấy ảnh mình trên bìa đĩa, nhưng cô lại thích trao đổi với Clive về âm nhạc và hai người đã có rất nhiều thời gian bên nhau trong những ngày giữa mùa xuân tràn ngập ánh nắng đó, nhưng ngoài chuyện trò ra cô không mong muốn gì khác nữa.
Một hôm Clive hỏi tôi,
Gret có chuyện gì phải không?
và tôi đáp,
Có lẽ cô ấy ghét vì cậu tiếp nhiều đàn bà con gái trong chiếc pop-top quá... tức là chiếc pop-top của cô ấy.
Ồ!
Với vẻ hấp dẫn tự nhiên của mình, anh phá lên cười chế nhạo tôi và nói,
Thực ra con gái thời nay không bực bội vì chuyện đó. Nói thật tình, các cô nhóc trong xe ấy... ai quan tâm đến họ cơ chứ?
Ý tôi là...
tôi định nói một câu gì đó thích hợp về chuyện tình yêu vốn là thứ bền vững không quá thay đổi thất thường theo kiểu bây giờ, rằng bất cứ thiếu nữ tự trọng nào cũng không thích bị theo đuổi bởi một người đàn ông đang sống với người con gái khác - nói cho chính xác là với một lô con gái - nhưng lời của tôi nghe có vẻ cổ hủ quá cho nên khi Clive huých tôi một cái và nói,
Ông lão này thật là...
tôi bèn ngậm miệng lại.
Thực ra,
anh nói,
hoàn toàn không phải tôi làm cô ấy ghét đâu. Một việc đáng sợ nào đó đã xáo động tâm trí cô ấy. Khi hát, Gretchen là một cô gái khác hẳn - đầy chất thơ và cháy bỏng niềm say mê dành cho đàn ngựa băng băng trên trảng cỏ. Cô ấy cũng vĩ đại như một trong các chị em nhà Bronte. Nhưng khi cô ấy đặt đàn guitar xuống là giấc mơ liền tiêu tan. Người ta có thể thấy nó biến mất cùng với ba hợp âm cuối.