IX - Chương 5
-
6 Người Đi Khắp Thế Gian (Trọn bộ 2 tập)
- James Albert Michener
- 2454 chữ
- 2020-05-09 03:39:53
Số từ: 2438
Thể Loại: Tiểu Thuyết Hư Cấu
Người dịch: Nguyễn thị Bạch Tuyết
NXB Văn Học
Holt được trả lương hậu hĩnh. Khi làm đại diện kỹ thuật, bạn có thể kiếm thêm khá nhiều tiền nếu tự nguyện nhận những nhiệm vụ được cho là nguy hiểm. Holt luôn làm thế, vì mặc dù theo bản năng anh rất sợ những tháp thông tin liên lạc, anh vẫn tự rèn luyện bản lĩnh để leo lên.
Tôi đã làm việc ở Gago Coutinho...
Tôi không hiểu anh nói đây là đâu.
Moçambique,
Holt sốt ruột bảo.
Coutinho bay qua Đại Tây Dương trước Lindbergh mấy năm cơ đấy. Chúng tôi lắp đặt xong một hệ thống Big Rally II và những người khác đã về nước. Trận bão ấy thổi qua Ấn Độ Dương - tuy nhằm hướng xa khỏi chỗ chúng tôi nhưng đuôi bão vẫn còn mạnh vô cùng. Đánh gãy đỉnh tháp của chúng tôi ở cách sân bay Gago Coutinho bốn dặm - nhưng không đứt rời. Một thanh rầm không chịu gãy hẳn... khiến cả khối thép lủng lẳng... đập ghê sợ vào phần còn lại. Vì vậy ai đó phải leo lên cưa đứt. Ta đương đầu với những chuyện này. Cũng giống như trường hợp Humphrey Bogert lái chiếc xe tải rời khỏi quán ăn của Ann Sheridan.
Sau này, khi tôi nghiên cứu tổng quát tình hình Moçambique để chuẩn bị cho một dự án công nghiệp mà chúng tôi định làm, anh nhân viên dự báo thời tiết người Bồ Đào Nha ở sân bay Gago Coutinho đã kể cho tôi nghe chuyện xảy ra đêm hôm đó.
Gió mạnh khủng khiếp. Có lẽ phải đến chín mươi dặm một giờ. Một thanh rầm nhất định không chịu gãy hẳn. Chúng tôi nhìn thấy rất rõ qua ống nhòm. Ông quản lý trạm la, ‘Ai đó phải lên cắt đứt hẳn cái đồ lỏng lẻo chết tiệt ấy ra chứ.’ Người ta có thể nghe thấy nó đập rầm rầm vào tháp. Nó mà va trúng ai thì chỉ có nát bét người ra trong giây lát, vì vậy ông quản lý không ngừng kêu gọi mọi người xung phong, nhưng bản thân ông ta thì chắc chắn không chịu nhúc nhích và không ai trong số những người Bồ Đào Nha hoặc dân địa phương muốn làm gì cả. Ông ta nhìn sang tôi bảo, ‘Cậu là người dự báo thời tiết. Cái tháp cũng là của cậu như của bất kỳ ai khác đấy’. Nhưng tôi lảng đi. Thế rồi Harvey Holt lái xe đến, và ông quản lý vừa quay sang gọi anh, anh đã nói, ‘Tìm cho tôi một cái đèn,’ ông quản lý, từng làm việc ở Anh, vội giục tất cả bọn tôi đi kiếm một cái đèn pin, nhưng Holt bảo, ‘Đèn xì ấy’ Rồi ông tin hay không thì tùy, anh ấy leo lên tháp ấy giữa cơn bão, trong khi cả khối thép khổng lồ vẫn tiếp tục đập rầm rầm vào các thanh chống. Chúng tôi có thể nhìn thấy anh ấy từ bên dưới... ánh sáng trắng chập chờn trên cao tít... như một bóng ma... một bóng ma.
Holt tự buộc mình vào thanh rầm mà phần đỉnh bị gãy nứt không chịu rời ra hẳn, và bắt đầu dùng đèn xì cắt vào chỗ thép bị móp, nhưng trong lúc anh làm việc, phần còn lại của cái đỉnh cột, bị gió mạnh quăng đi quật lại không khác gì cây gỗ balsa, vẫn không ngừng đập vào cột tháp, vì vậy anh phải rụt tay rụt chân liên tục để khởi bị thanh thép nghiến nát. Anh mải miết làm việc trong hoàn cảnh nguy hiểm như vậy khoảng nửa tiếng, mỗi khi gió tạm lắng lại tranh thủ cưa một chút, nhưng phần lớn thời gian anh phải lo né tránh thanh thép đánh qua đánh lại.
Khi thanh rầm bị cắt gần đứt hẳn, một cơn gió dữ dội ầm ầm ập vào đất liền và giật tung không những đỉnh cột lủng lẳng mà cả những thanh rầm bên dưới, kể cả thanh mà Holt buộc mình vào. Anh nhân viên dự báo thời tiết nói với tôi,
Thấy đỉnh cột đổ xuống, quét theo cả dây dợ và các công trình gỗ, chúng tôi hết cả hồn vía. Chúng tôi đã tưởng Holt ở giữa mớ sắt thép ấy nhưng chắc thanh rầm mà anh bám vào phải cứng cáp lắm vì nó vẫn không chịu đứt rời ra, mặc dù tất cả các thanh khác đã rơi hết. Vì vậy trong ít nhất mười phút đồng hồ, đoạn rầm thép ấy cứ lủng là lủng lẳng từ bên này sang bên kia trong cơn gió mạnh... với Holt bị buộc chắc vào đó. Chúng tôi cứ tưởng anh ấy nếu không bị nghiến nát thì cũng sẽ bị văng đi.
Tôi bám chắc,
sau này Holt kể với tôi.
Khi cơn bão xâm lăng đã lui quân, gây xong bao tổn thất, Holt thận trọng tháo mở dây buộc đã cứu anh, nhoài người trèo từ thanh thép đu đưa xuống những tầng tháp thấp hơn, nơi anh tiếp tục bình tĩnh cắt nốt thanh rầm. Khi tôi hỏi anh làm cách nào giữ được cây đèn xì không tuột khỏi tay trong lúc bị quăng quật liên tục như vậy, anh đáp,
Nếu nhiệm vụ của anh là cắt thép thì chắc chắn anh không được để rơi đèn.
Điểm sáng trong cuộc đời Holt là thời kỳ anh phục vụ trong binh chủng lính thủy đánh bộ, và những gì đáng chú ý nhất trong sự nghiệp quân nhân của anh lại không diễn ra tại Iwo Jima hay Okinawa hay Triều Tiên, nơi anh được tặng thưởng nhiều huân huy chương, mà là tại trại huấn luyện tân binh trên đảo Parris, nơi anh may mắn được gặp một trung sĩ huấn luyện tên là Schumpeter.
Ông ấy nhận vào một thằng nhóc và đưa ra một người đàn ông trưởng thành,
Holt kể. Hiển nhiên anh tôn thờ Schumpeter theo cách anh ngưỡng mộ Humphrey Bogart và Spencer Tracy, nhưng anh ít khi kể về ông, ngoại trừ một điều là nhờ Schumpeter anh mới giữ được mạng sống và có được thang giá trị của riêng mình.
Trong những năm đầu quen biết Holt, tôi cứ nghĩ rằng trong thời gian huấn luyện ở đảo Parris, Schumpeter đã can thiệp vào một tai nạn nào đó để cứu anh, nhưng đó không phải ý Holt. Việc cứu giúp ấy là về mặt tinh thần và diễn ra qua suốt quá trình huấn luyện khắc nghiệt mà Schumpeter thực hiện theo nguyên tắc cơ bản của chiến đấu giáp lá cà.
Nhiều bạn đồng ngũ lớn tuổi hơn tôi cho rằng họ đã biết tất cả rồi,
Holt nói một cách khó hiểu.
Một tay bụng phệ như Schumpeter thì chẳng dạy nổi họ điều gì. Bọn họ đã chết cả.
Ông ta dạy anh những gì?
Nhiều điều... những điều có ích... như cách đặc biệt để bảo quản súng... hay cách dùng lưỡi lê.
Holt không chịu tâm sự về những kinh nghiệm chiến tranh của mình, nhưng anh có nói thêm mấy câu sau:
Dĩ nhiên, bất cứ trung sĩ huấn luyện giỏi nào cũng có thể dạy anh những điều ấy. Điều mà Schumpeter thêm vào là triết lý chiến tranh. Đối với ông ấy đó là hai thứ. Thứ nhất là anh nhất định phải chiến thắng. Thứ hai là anh nhất định phải sống sót.
Nhiều lần tôi đã cố ép Holt nói rõ hơn về những luận điểm này, nhưng anh không chịu kể gì chỉ trừ việc Schumpeter có thể là một kẻ bụng phệ như người ta giễu cợt, nhưng khi hải quân tống ông ra đảo Okinawa vì tội đấm một sĩ quan, ông đã thực hiện nhiệm vụ tại chiến trường còn xuất sắc hơn cả ở trại huấn luyện.
Một người đàn ông ra đàn ông, bụng ra bụng,
Holt khẳng định.
Ông không có to mồm.
Một đêm ở Baghdad, tôi tình cờ được biết thêm một số chuyện về Holt trong thời gian chiến tranh. Một đại tá binh chủng lính thủy đánh bộ được đặc phái sang Iraq tình cờ ngồi cạnh tôi ở quầy rượu trong khách sạn và chúng tôi nói lan man hết chuyện này đến chuyện khác, rồi khi thấy tôi kể là đã cộng tác rất nhiều với các đại diện kỹ thuật, ông ta bèn hỏi,
Ông đã bao giờ gặp một anh chàng kỳ khôi tên là Harvey Holt chưa?
Hóa ra ông ta từng là đại úy cấp trung đội của Holt ở Okinawa.
Vừa sang tuổi mười tám, mắt sáng như sao. Cậu ta đại khái đẹp trai, rất thẳng tính và hăng hái, chỉ tội hay làm tôi tức phát điên. Mỗi lần tôi ra lệnh gì đó, cậu ta lại bảo, ‘Trung sĩ Schumpeter dạy chúng tôi làm cách này,’ cho đến khi tôi yêu cầu điều cậu ta sang đơn vị khác. Chỉ huy gọi cả hai chúng tôi lên bảo ông tin chúng tôi có thể giải quyết chuyện này, nhưng tôi báo cáo là đã chán đến tận cổ vì phải nghe về trung sĩ Schumpeter rồi, vì vậy chỉ huy hỏi Holt, ‘Thế là sao hả chàng trai?’ Holt đáp, ‘Tôi chỉ biết là hồi ở Iwo Jima tôi đã làm tất cả những gì Schumpeter dạy và tôi còn sống đây. Lũ ra vẻ ta đây hơn người chết ráo cả rồi.’ Chỉ huy nhắc lại là ông tin chắc tôi có thể khép Holt vào khuôn khổ, vì vậy tôi nói, ‘Chẳng phải Schumpeter là cái gã to mồm tháng trước bị kỷ luật vì đấm một sĩ quan ở đảo Parris?’ và khi tìm hiểu kỹ, chúng tôi mới biết là gã đã bị đưa đến Okinawa như một hình thức trừng phạt.
Vậy đấy, Holt sung sướng đến phát cuồng, chạy khắp đảo cho đến khi tìm được Schumpeter, và có lẽ ông đã đọc được trên báo, chính buổi chiều hôm đó quân Nhật bất ngờ tấn công. Đó là một trận dữ dội ra trò, và quân Nhật lại tấn công ác liệt nhất ở đúng vị trí của Holt và Schumpeter, một đội quân chỉ có hai người. Quả là một cảnh tượng đáng để chứng kiến... thật hùng tráng. Tôi ở phía sau họ khoảng một trăm thước, không làm gì được. Chiều hôm ấy đúng là một cuộc tàn sát... tàn sát. Và hai nhân vật của chúng ta cố thủ trong một cái lán đổ nát chỉ còn ba mảng tường, người ta tưởng như họ là Napoleon và Ulysses S. Grant. Họ không phạm phải một hành động sai sót nào. Chúa ơi, có lần họ còn xông ra phá vây, ngay trước mũi một khẩu súng máy nhưng may mà nó không kịp xoay để bắn vào họ. Tôi tin chắc là bọn Nhật tưởng trong lán đó phải có ít nhất năm mươi người. Câu chuyện thật nên thơ, giống như cách Homer miêu tả một cặp đôi Hy Lạp, chẳng hạn, Achilles và Ajax - một chàng trai mới lớn và một trung sĩ bụng phệ bị giáng cấp.
Viên đại tá bật cười, tôi bảo, Harvey Holt như một nhân vật Hy Lạp thì thật khôi hài, nhưng ông ta giải thích,
Tôi đâu có cười chuyện đó. Vì gã Schumpeter đấy chứ. Đêm hôm đó, sau khi Schumpeter và Holt quay lại chỗ chúng tôi và mọi người đang nói với họ là họ đã trình diễn một màn ra trò như thế nào, họ xứng đáng được tặng thưởng huy chương Sao Bạc hay đại loại thế, thì một tốp lính Nhật chiếm được một vị trí có thể từ đó pằng pằng thẳng vào đơn vị chúng tôi, tôi bèn kêu gọi các chiến sĩ xung phong đánh úp chúng từ phía sau - một việc không phải quá khó - và tôi vô tình nhìn thấy Schumpeter thu mình vào một góc, vì thế sau khi tổ xung kích đã đi làm nhiệm vụ, tôi mới nói nửa đùa nửa thật, ‘Schumpeter, trông cậu sợ hãi chưa kìa,’ nhưng Holt quát tôi, ‘Tất nhiên là ông ấy sợ. Ông thì cũng thế thôi.’ Tôi quay lại nhìn thằng nhóc mặt mũi sáng sủa ấy và vừa định hỏi cậu ta là ai mà... Cậu ta ngắt ngang ngay lập tức và nói, ‘Ở trại huấn luyện tân binh, Schumpeter đã dạy chúng tôi là mỗi ngày con người ta chỉ có một số cơ may nhất định thôi, và khi chúng đã hết sạch thì hãy nằm im một chỗ. Ông ấy còn dạy chúng tôi rằng chỉ thằng ngu mới đâm đầu vào rắc rối của đơn vị khác. Bản thân ông ấy cũng đã có đủ phiền phức rồi. Đây đâu phải đơn vị của ông ấy và ông ấy không dám thử vận may một lần nữa. Vì hôm nay ông ấy đã tận dụng hết vận may của mình rồi.’
Tôi chắc là hồi ấy thể nào các cậu thanh niên nghịch ngợm cũng sẽ đơm đặt giả định kỳ quái nào đó về Holt và Schumpeter để chứng minh quan hệ của họ là đồng tính luyến ái ngấm ngầm. Dù thế nào đi nữa, Holt cũng khẩn khoản yêu cầu cấp trên của viên đại úy và được chuyển sang đơn vị của Schumpeter, và chính tại đó - chắc cậu ta đã kể cho ông nghe rồi - cậu ta đã giành được đủ mọi loại huân huy chương.
Cậu ấy có kể gì với tôi đâu.
Lúc nãy tôi có nói một đội quân hai người. Thực ra là đội quân một người vì Schumpeter giữ vai trò huấn luyện viên. Holt là một trong những anh hùng đích thực của Okinawa. Người ta giao cho cậu ta nhiệm vụ ngoài chiến trường. Cậu ta được lệnh dẫn đầu một trong những đơn vị đổ bộ lên bờ biển khi quân ta tấn công Nhật Bản. Cậu ta xin Schumpeter về làm trung sĩ, nhưng cái gã béo ấy lại bảo là vận may của mình đã hết và xin chuyển về nơi công tác cũ. Gã lại làm trung sĩ huấn luyện ở đảo Parris. Khi binh chủng lính thủy đánh bộ vớ được người tài giỏi thì họ cứ giữ chịt lấy.