IX - Chương 6


Số từ: 4648
Thể Loại: Tiểu Thuyết Hư Cấu
Người dịch: Nguyễn thị Bạch Tuyết
NXB Văn Học
Theo tôi, điều đáng ngạc nhiên nhất ở Harvey Holt là tài trích dẫn thơ ca vì anh không phải là dân văn chương, thậm chí chẳng thèm quan tâm đến nghệ thuật, ấy vậy mà hồi năm thứ nhất tại trường Colorado Aggies, trong buổi nghe giảng đầu tiên của chương trình tiếng Anh 101[84], giáo sư Carrington hỏi có bao nhiêu sinh viên đọc được trọn vẹn một bài thơ, bất kể độ dài thế nào. Khi chỉ thấy hai cánh tay giơ lên, giáo sư than,
Thật đáng xấu hổ. Thơ ca là một kho kinh nghiệm đáng kể của nhân loại và các anh chị phải biết một số bài chứ.
Rồi ông phát biểu một câu khiến Holt ấn tượng sâu sắc, như thể trước Carrington chưa có ai ấp ủ một ý nghĩ như vậy:
Các anh chị hãy học thuộc lòng một bài thơ và các anh chị sẽ có nó suốt đời.
Sau đó Carrington đưa ra đề nghị,
Cứ mỗi mười bốn dòng thơ mà các anh chị thuộc được trước giữa học kỳ, tôi sẽ cộng thêm năm điểm vào kết quả thi. Tại sao tôi lại nêu lên định mức là mười bốn câu?
Một cô gái thông minh trước kia học trường trung học ở Massachusetts thưa,
Vì đó là một bài xon nê.

Từ trước tới giờ Holt chưa bao giờ được nghe từ ấy.

Chính thế! Các anh chị học thuộc hai mươi bài xon nê - rồi các anh chị sẽ không chỉ được một trăm điểm mà còn trở thành giàu có vô hạn nữa
.
Thấy lời đề nghị táo bạo đó hấp dẫn quá, Holt liền tìm đến phòng làm việc của giáo sư Carrington ngay buổi chiều hôm đó để xin ông cho lời khuyên nên học thuộc bài nào, Carrington hỏi,
Dài hay ngắn?
và Holt đáp nhanh đến nỗi chính anh cũng thấy ngạc nhiên,
Có lẽ bài nào đó dài dài,
vậy là giáo sư Carrington bảo,
Đối với một sinh viên trường nông nghiệp, chỉ có ba bài đáng xem xét thôi,
rồi ông kể tên:
The Scholar-Gypsy
của Matthew Arnold,
The Deserted Village
của Olivier Goldsmith và
Elegy Written in a Country Churchyard
của Thomas Gray.
Bài thứ nhất vượt quá khả năng hiểu biết của Holt còn bài thứ hai lại quá dài. Anh bèn nói,
Tôi sẽ thử bài này,
và anh vẫn còn nhớ những ngày thu đó - khi tuyết đầu mùa xuất hiện trên sườn phía Tây dãy Rockies và lá dương dọc bờ sông Cache la Poudre chuyển màu vàng óng - anh đã học thuộc những vần thơ mộc mạc, tuyệt cú ấy.
Một điều kỳ lạ đã xảy ra. Khi học đến ba khổ thơ cuối thể hiện lời văn khắc trên bia mộ, anh thấy chúng được in nghiêng, và những dòng ấy, anh đọc với giọng điệu buồn thảm như thể chúng là một phần của một khóa lễ trong nhà thờ. Đến lúc phải trả bài cho giáo sư Carrington nghe, anh đọc sai mấy khổ giữa khó nhất, nhưng đến mấy khổ in nghiêng anh có thể thấy chúng đã khắc sâu vào trí nhớ từng dòng rất rõ nét, và bằng vẻ nghiêm trang sâu lắng, anh trình bày lời văn về chàng trai sống và chết lặng lẽ trong ngôi làng xa xôi hẻo lánh:
Nơi đây anh ngả đâu trong lòng Mẹ Đất
Một chàng Thanh niên mà thần May mắn và Tiếng tăm chưa hề biết.
Thần Trí tuệ lắc đầu trước xuất thân khiêm tốn của chàng,
Chỉ nàng U sầu chọn chàng kết tóc xe tơ.
Giáo sư Carrington hắng giọng tuyên bố với anh chàng cựu chiến binh Okinawa,
Anh qua.

Trong thời gian làm việc đơn độc tại những trạm xa xôi, Holt đã thuộc làu làu cả bài thơ ấy và bây giờ anh có thể đọc lại mà không mắc lỗi nào. Anh còn học thuộc thêm nhiều đoạn dài của bài
Horatius at the Bridge,
và vì việc này được thực hiện sau thời kỳ anh phục vụ ở Okinawa cho nên anh nhận ra rằng một vài dòng của bài thơ thể hiện chuẩn xác hình ảnh trung sĩ Schumpeter, và bây giờ, mỗi khi đọc bài thơ ấy trong rừng sâu hay men rìa sa mạc, anh lại nghĩ đến người thầy huấn luyện tân binh của mình:
Rồi người gác cổng, chàng Horatius dũng cảm,
Cất tiếng hiên ngang:

Bất cứ ai sinh ra trên trái đất này
Cái chết đến, sớm muộn tất có ngày;
Và đối với con người còn cái chết nào cao đẹp hơn
Đối mặt với kẻ thù đáng sợ
Vì tro cốt của cha ông,
Và đền thờ Thánh thần linh thiêng?

Nhưng hai bài thơ mà Holt yêu thích nhất thì chỉ đến lúc nghe anh đọc tôi mới biết. Bài thứ nhất là một khúc ballad vui nhộn mà anh học được từ mấy đồng nghiệp người Úc cùng làm việc tại một trạm liên lạc,
The Man from Snowy River
. Tác phẩm này nói về một cuộc rượt đuổi hăng say từ trên núi xuống trong lúc một bầy ngựa chạy tán loạn, và đó là một bài thơ hợp với đàn ông, ngập tràn hình ảnh mạnh mẽ và vần điệu hùng tráng. Khi đọc những dòng thơ đầy khí thế ấy, Holt hất đầu về phía sau, nên người ta có thể tưởng tượng anh ngồi trên lưng ngựa phi trên sườn núi dưới ánh chiều tà, bất chấp vực sâu và đá nhọn. Lần nào anh cũng làm cho mọi người có cảm tưởng bài thơ ấy hay hơn, hấp dẫn hơn, đến độ tôi cứ tự hỏi tại sao mình lại chưa bao giờ nghe về nó. Anh nói cho tôi biết bài thơ này rất được ưa thích trên khắp nước Úc, anh cũng đã tạo được ấn tượng sâu sắc trước những người Úc dày dạn sương gió tại nhiều nơi khác nhau ở châu Á bằng cách đứng trong bóng tối mờ mờ tại một quán bar nào đó và chậm rãi đọc những vần thơ làm trái tim họ đập mạnh hẳn lên:
Anh lao đi, đá bay vèo vèo, nhưng chú ngựa non không hề chậm bước
Sải bước dọn quang những cành cây gãy
Và người đàn ông từ Snowy River không một lần đổi nhịp
Thật tuyệt biết bao khi được ngắm nhìn chàng kỵ sĩ miền sơn cước vững vàng trên lưng ngựa.
Bài thứ hai khá đặc biệt. Tôi đã hỏi khá nhiều người am hiểu xem họ có biết về thiên sử thi của miền Tây nước Mỹ đó không, nhưng cho đến nay chưa có ai nghe nói đến. Hiển nhiên nó vẫn được lưu truyền rộng rãi ở các bang như Wyoming và Colorado, nơi mỗi đống lửa trại sẽ có ít nhất một người thuộc lòng. Nhịp điệu bài thơ khá đặc biệt theo phong cách thảo nguyên hoang dã tự do phóng khoáng. Tôi nhớ đã nhiều lần hỏi Holt là anh có đọc đúng mấy câu mở đầu không, vì vậy anh đã viết thư tới Denver để xin một bản sao - và nó là thế này:
... Lasca thường cưỡi
Con tuấn mã thảo nguyên xám tro, sát cánh bên tôi...
Bài thơ kể về anh cao bồi sống ngoài vòng pháp luật chỉ có một người bạn duy nhất, một cô gái Mexico cứng cỏi tên gọi Lasca, người đã chia sẻ may rủi cùng anh qua biết bao cuộc phiêu lưu mạo hiểm ở miền Tây, cho đến ngày... Chà, kết cục khá bầy hầy, phần nào một thiên sử thi của dân cao bồi, nhưng sức mạnh từ những dòng thơ khiến cho công nhân trại chăn nuôi phải đăm đăm nhìn vào khoảng không lạ thường, ấy là Holt diễn tả như vậy.
Tôi biết Holt thích bài thơ này vì nó làm cho anh tin chắc rằng trong cuộc sống đôi khi người đàn ông may mắn cũng có thể tìm được người đàn bà tự nguyện chia sẻ nỗi khó khăn gian khổ ở vùng đất hoang vu gần biên giới, rong ruổi trên lưng ngựa sát cánh bên họ qua mọi chặng đường đời. Khi hãng Ford Motor tung ra thị trường một mẫu xe mới, đặt tên là Mustang - ngựa thảo nguyên, Holt liền mua ngay một chiếc trong đợt đầu và cho tàu thủy chở tới đảo Sumatra, nhưng rồi một thời gian ngắn sau anh lại đem bán đi.
Một lần, trong lúc lái xe qua vùng bán sa mạc ở Afghanistan, anh tâm sự với tôi,
Điều tôi thực sự mong muốn là có một cặp ngựa ở một ngôi làng ven sa mạc. Và một cô gái nào đó sẵn lòng cưỡi... ông biết đấy, cô ấy sẽ có con ngựa thảo nguyên của riêng mình, còn tôi sẽ có con của tôi.

Nếu nơi anh công tác có cặp vợ chồng nào thì anh đều chịu khó đối xử tử tế và lịch sự với các bà vợ. Anh nói rằng xét về mọi mặt thì hôn nhân là một việc tốt và người ta phải làm tất cả những gì có thể để đàn bà cảm thấy mình được cần đến. Rõ ràng vụ ly hôn của anh vẫn để lại nỗi đau sâu sắc, một dấu hiệu thất bại mà anh phải chịu phần lớn trách nhiệm, và hễ khi nào anh ngẫm nghĩ về thất bại của mình trong việc tìm kiếm một người đàn bà chung tình như nàng Lasca, người ta lại có thể nhận thấy nét thất vọng trên mặt anh.
Tôi chưa bao giờ nghe thấy anh nói xấu vợ, nhưng một người từng quen biết cả hai vợ chồng hồi ở Thổ Nhĩ Kỳ đã nhận xét về cô ta,
Một cô ả lẳng lơ hết chỗ nói. Ngủ với ba người đàn ông khác nhau ở Istanbul và lằng nhằng với anh chàng tiếp viên trên con tàu về nước. Cậu Harvey tống khứ được cô ả là may đấy.

Harvey lại không nghĩ thế. Anh thường xuyên kể cô ta chăm nom con trai họ chu đáo ra sao, và một hôm, khi anh cho tôi xem ảnh cháu bé, tôi thấy bên cạnh cậu là một người đàn bà ngoài ba mươi tóc vàng quyến rũ, khuôn mặt như một ngôi sao điện ảnh. Tôi nói,
Vợ anh xinh hơn mấy cô gái thường hát đệm cho các ban nhạc đấy chứ,
anh cũng tỏ ý tán thành.
Tôi không sao thuộc được toàn bộ bài thơ
Lasca
. Nhịp điệu trúc trắc của nó không hợp với tôi chút nào, nhưng tôi cũng nhớ được một số dòng đủ để gợi hứng cho Holt trong lúc chúng tôi lái xe từ trạm này sang trạm khác, và anh sẽ đọc tiếp, và ngay sau đó xe chúng tôi sẽ biến thành một đôi ngựa, chúng tôi phi như bay khắp miền Tây với một cô gái Mexico bốc lửa ở bên cạnh:
Em thà chịu đói để tôi khỏi cồn cào,
Em tranh phần đắng cay, dành cho tôi vị ngọt ngào;
Nhưng một hôm, đùa cho em ghen
Tôi chơi trò thầm thì, liếc mắt...
Em rút con dao nhỏ giấu sẵn trong nịt tất,
Và - ong vò vẽ đã châm một phát! - làm tôi choáng váng!
Lệch một chút sang trái, quá một chút sang phải,
Thì đêm nay tôi sẽ không còn được nói cười mê mải;
Nhưng em thổn thức, thổn thức mãi không thôi
Nhanh tay xé vội rebosa băng vết thương cho tôi,
Thế là tôi hết giận em ngay. Trầy xước có là chi
Ở Texas, bên sông Rio Grande.
Từ thích hợp nhất để thể hiện tính cách của Harvey Holt là lòng yêu nước, được dùng theo cả nghĩa xấu lẫn nghĩa tốt. Anh không thể chịu được cuộc sống ở Hoa Kỳ, tuy nhiên anh vẫn yêu tổ quốc và tất cả những gì tổ quốc anh đại diện;
Xét về mọi mặt, đó là một đất nước tươi đẹp nhất trên trái đất, và nếu anh không tin tưởng được chúng tôi thì anh không còn tin tưởng được ai nữa.
Nếu người ta hỏi anh hồi anh mười bảy tuổi tại sao anh lại muốn đăng ký vào binh chủng lính thủy đánh bộ, anh sẽ lẩm bẩm điều gì đó về tình hình gay go của đất nước anh. Nếu người ta hỏi tại sao ở Iwo Jima hay Okinawa anh lại hành động như thế, anh sẽ đưa ra một câu trả lời thiếu mạch lạc nào đó về tổ quốc và mối nguy nan. Và khi tôi muốn có một lời giải thích tại sao anh bỏ công việc thuận lợi ở UniCom để sang Triều Tiên tham gia chiến đấu, anh nói với tôi,
Ai mà an nhàn thoải mái được khi đất nước đang có chiến tranh?
Và lúc này, mặc dù không hiểu rõ tình trạng xung đột ở Việt Nam lắm, anh vẫn ủng hộ chính phủ và cảm thấy Eisenhower và Kennedy hiểu rõ họ đang làm gì, nhưng anh không tin chắc về Johnson lắm.
Theo ý kiến anh thì một thời kỳ rèn luyện căng thẳng trong binh chủng lính thủy đánh bộ sẽ có lợi cho bất kỳ thanh niên nào, và anh mong là thêm nhiều thanh niên thời nay có điều kiện sống với trung sĩ Schumpeter một thời gian:
Ông ấy sẽ đập cho họ sáng óc ra.

Nhưng lòng yêu nước của anh không đi đến chỗ phục tùng một cách mù quáng. Lẽ thường là như vậy, nhưng những kinh nghiệm choáng váng mà anh phải trải qua ở Triều Tiên đã xua tan bất cứ ý nghĩ nào có thể nảy sinh trong đầu anh rằng những người tình cờ được nắm quyền chỉ huy bao giờ cũng đúng.
Thảm họa bắt đầu vào cuối tháng Mười một năm 1950, khi đơn vị hải quân của anh bắt đầu cuộc hành quân trong niềm hân hoan chiến thắng từ Hungnam tiến lên biên giới Trung Quốc. Tình hình quân đội Bắc Triều Tiên đang rối ren, và bộ chỉ huy cấp cao của chúng ta tin rằng, nếu binh chủng lính thủy đánh bộ có thể dồn địch vào các hồ dự trữ nước ở phía Bắc thì sẽ tiêu diệt được chúng và quân Triều Tiên sẽ phải đầu hàng. Thậm chí còn có những lời xì xào chắc chắn là chiến tranh sẽ chấm dứt trước lễ Giáng sinh.
Nhưng trên đường hành quân, Holt đâm ra mỗi lúc một thêm lo ngại. Hồi đó anh đã là trung úy chính thức, và anh luôn miệng nhắc viên đại úy,
Anh biết không, trung sĩ Schumpeter sẽ chán lắm nếu thấy được đội hình hành quân kiểu này.


Trung sĩ Schumpeter là thằng cha nào?


Trại huấn luyện lính mới.


Chắc hẳn hắn biết rõ về chuyện huấn luyện, nhưng đây là chiến tranh.


Ông ấy còn biết rõ về chiến tranh nữa.

Holt nhắc mãi không ăn thua, và điều này làm anh rất bực mình vì anh có thể thấy là quân lính thủy đánh bộ của anh đang lao đầu vào chỗ khó khăn. Anh lo lắng đến mức nhất định xin được nói chuyện với thiếu tá và sau đó là với đại tá.
Anh trình bày,
Tôi không muốn các cậu lính thủy đánh bộ của tôi dàn mỏng đội hình đến mức người đi sau không thấy được người phía trước. Địch có thể dễ dàng lọt vào đội hình của chúng ta...
Hai vị chỉ huy ấy bảo đảm với anh rằng bộ chỉ huy cấp cao, cả ở Nhật Bản lẫn Hàn Quốc, đều biết họ đang làm gì, rằng đây là cuộc tấn công đại quy mô cuối cùng và nếu may mắn thì họ sẽ làm cho quân Bắc Triều Tiên lùi về khu hồ dự trữ trong sáu ngày.

Thế còn quân Trung Quốc thì sao?
anh thắc mắc. Họ nói với anh rằng cơ quan tình báo đã kiểm soát được vấn đề Trung Quốc, nhưng khi quay về đơn vị và thấy cự ly giữa các binh sĩ còn xa hơn so với trước khi anh đi gặp chỉ huy, anh chợt nhớ đến châm ngôn của trung sĩ Schumpeter là quân đội phải liên tục siết chặt hàng ngũ, đặc biệt khi tiến vào vùng địch vừa chiếm đóng, vì vậy anh cố gắng dồn người đi trước xuống và đẩy người đi sau lên để duy trì một đội hình tạm cho là chặt chẽ, nhưng anh vừa thực hiện xong biện pháp ấy thì một thiếu tá chạy lên quát,
Mẹ kiếp, Holt, cậu đã tạo ra những kẽ hở lớn ở cả đầu lẫn cuối hàng rồi đấy. Quên ngay những thắc mắc lẩn thẩn của cậu đi và chỉnh lại đội hình đúng như trước.

Holt đành tuân lệnh, nhưng khi kiểm lại quân số, anh nhận thấy mình phải mất hơn ba mươi phút mới chạy được từ đầu đến cuối hàng. Rất ít binh sĩ có thể nhìn thấy đồng đội theo chiều dọc, và về vấn đề địch thâm nhập vào hàng ngũ, sau này anh có nói với tôi,
Thâm nhập vào hàng ngũ ư? Rõ khỉ, quân Trung Quốc có thể dẫn cả một đơn vị bộ binh cắt ngang giữa đại đội của ta, nếu họ đi cách nhau. Thật ra, họ đã làm đúng như thế đấy.


Sao anh biết chắc đó là quân Trung Quốc?


Tất nhiên, quân tình báo của ta cứ khăng khăng không phải người Trung Quốc. Nhưng nếu anh ngang nhiên hành quân đến biên giới một quốc gia, nước đó có điều quân xuống phía Nam thì chẳng phải cũng là chuyện bình thường sao?

Lúc nhá nhem tối ngày thứ Năm, khi đầu óc Holt đã mụ mẫm vì lo lắng, quân thâm nhập Trung Quốc mới tấn công, đúng như anh dự đoán, và vì hàng ngũ lính thủy đánh bộ dàn mỏng quá, ít khả năng yểm hộ lẫn nhau cho nên cuộc tàn sát diễn ra thật kinh người. Nếu trong lịch sử quân đội Mỹ có khi nào bộ phận chỉ huy của chúng ta phụ lòng tin của lính bộ binh ta thì đó chính là trong cuộc hành quân lên phía Bắc đến khu hồ dự trữ nước. Các chiến sĩ lính thủy đánh bộ của chúng ta đã bị đẩy một cách mù quáng vào cuộc chiến chống lại một kẻ thù mà họ chưa biết là ai, chưa xác định được vị trí, chưa đánh giá được hoặc chưa sẵn sàng đối phó. Quân ta buộc phải hành quân trong điều kiện cách bố trí lực lượng không thể phòng thủ được, không được yểm trợ đầy đủ, không có đủ lương thực hay đạn dược. Đó không phải canh bạc lớn mà nếu thành công thì sẽ dẫn đến một thắng lợi lớn lao nào; đó là một hành động hoàn toàn ngu ngốc được thúc đẩy bởi tính ngạo mạn mù quáng, và mọi thứ đã tan tành thành thảm kịch đúng như số phận định đoạt ngay từ đầu.
Có lần, khi tôi gặp Holt ở Don Muang sau một chuyến đi lên vùng cao xuyên qua Thái Lan, anh nói,
Lính thủy đánh bộ như tôi được nhồi sọ là quân Trung Quốc toàn dân Quảng Châu nhỏ bé, gầy nhom, thiếu ý chí, chuyên ăn cơm và làm thuê tại hiệu giặt là. Người ta đưa ra quan niệm chính thức là một lính thủy đánh bộ ngang sức mười gã da vàng. Nhưng quân Trung Quốc mà chúng tôi chạm trán ở khu hồ dự trữ lại là người phương Bắc. Chúng ăn thịt và khoai tây. Chúng không gầy yếu ẻo lả. Ý chí của chúng không thiếu. Và có Chúa biết, chúng không nhỏ bé chút nào. Ngay trong mấy trận đụng độ đầu tiên, chúng đã làm cho quân ta sợ vãi đái. Phải công nhận là chúng có mọi lợi thế. Đội hình của chúng co cụm lại còn chúng ta thì rải rác khắp vùng, nhưng chúng đã đánh bại chúng ta... chúng đã đánh cho chúng ta tơi bời.

Chính lúc chiến đấu với quân Trung Quốc phương Bắc cao to, được ăn uống đầy đủ ấy, Harvey Holt đã thực hiện một hành động dũng cảm trong Chiến tranh Triều Tiên. Trong điều kiện thời tiết trở rét thấu xương, tuyết rơi dày đặc còn quân nhu không có, anh đã tập hợp đại đội tan tác của mình lại dưới một lùm cây thấp, đánh giá mọi khả năng của họ thẳng thừng đến mức tàn nhẫn -
Không lương thực, không nước uống, không đạn dược, không vũ khí hạng nặng, không người lãnh đạo, không liên lạc được với sở chỉ huy, không có kế hoạch tác chiến
- và chỉ nhờ vào lòng can đảm và ý chí quyết tâm mà anh đã dẫn họ Nam tiến trong mười một ngày ròng rã, giữ cho họ bám sát nhau, tránh đụng độ với quân Trung Quốc ở bất cứ nơi nào có thể, truyền cho họ niềm tin là họ sẽ về được Hungnam và tàu của ta sẽ đưa họ rút khỏi đó.
Đó là một thử thách. Một phóng viên tình cờ đến đơn vị khi họ vừa thoát khởi Hungnam được một ngày đã viết một bài ca ngợi hết lời lòng dũng cảm mà những người lính đó đã thể hiện. Anh chỉ đoán được đại khái tình hình ở phương Bắc xa xôi. Khi được nghe báo cáo về những gì Holt đã thực hiện, bộ chỉ huy cấp cao đã phong anh lên đại úy ngay tại mặt trận, và toàn bộ các chiến sĩ sống sót trở về đều vỗ tay tán thành. Không có người nào nói,
Ôi dào, thằng cha ấy hoàn toàn bất tài vô dụng. Hắn chỉ may hơn khôn thôi.
Họ đều hiểu Holt biết mình phải làm gì. Và một lần anh đã nói với tôi về kinh nghiệm đó,
Tôi giữ được mạng sống nhờ Schumpeter,
vì hiển nhiên là khi những ngày đêm rút quân trở nên không chịu đựng nổi - thực sự vượt quá sức chịu đựng của con người - anh đã nhớ đến lời khuyên oang oang của Schumpeter:
Hãy tập trung quân một chỗ. Bám lấy những nơi cao ráo ngay cả khi dễ bị giết hơn. Trong thời tiết lạnh giá hãy lấy vải bọc khóa nòng khi đêm xuống. Đừng đợi tuyết tan mới uống. Cứ ăn tuyết đi. Anh sẽ không bị thiếu nước.
Vân vân và vân vân, toàn những kinh nghiệm tích lũy dần được đúc rút từ thời Hannibal và Scipio xa xưa.
Khi ký ức về thảm họa đó đã phai mờ, được che đậy tối đa bởi các phương tiện truyền thông khôn khéo, các cơ quan công luận mới bắt tay vào việc biến cuộc rút chạy khỏi Hungnam thành một thắng lợi. Câu đối đáp của một đại tá thủy quân lục chiến được truyền đi khắp nơi,
Rút lui ư, không đời nào. Chúng tôi tiến theo một hướng mới đấy chứ.
Thậm chí một bộ phim còn được sản xuất với câu đó được dùng làm tiêu đề, chủ nghĩa anh hùng khoa trương trong phim thắp lên một niềm tin mới trong quân chủng lính thủy đánh bộ. Việc bàn luận về cuộc rút quân như một chiến công vẻ vang được lập kế hoạch từ trước và chứng tỏ ưu thế của quân Mỹ tự nhiên trở thành thời thượng.
Holt biết là không phải vậy. Thực tế đó là một thảm họa, một thất bại nặng nề. Một đội quân Mỹ không có chỉ huy giỏi và không được chuẩn bị chu đáo đã bị một đội quân Trung Quốc có chỉ huy giỏi và được chuẩn bị kỹ càng áp đảo, và nếu có gì gọi là vẻ vang trong vụ này, hẳn người ta phải viện đến những định nghĩa lạ lùng để chứng minh. Anh dũng thì đúng. Vẻ vang thì không. Trừ phi có thể coi là vẻ vang khi làm hỏng bét mọi sự và chạy trốn với số người còn nhiều hơn số cơ may ban phát.
Sau này Holt đã thử xem xét lại những trải nghiệm ở Triều Tiên. Việc điều binh khiển tướng hết sức sai lầm như vậy không làm cho quân lính thủy đánh bộ bị coi là thiếu năng lực. Họ đã tuân theo mệnh lệnh, và mặc dù trông thật thảm hại khi bị quân Trung Quốc tấn công, họ đã ổn định lại đội ngũ rất nhanh, thậm chí còn thể hiện được phần nào phẩm chất cao quý trong khả năng chấp nhận thất bại và vẫn rút lui có trật tự chứ không tháo chạy tán loạn. Theo đánh giá lại của Holt, tinh thần của những người lính thủy đánh bộ bình thường ấy không hề suy sụp.
Bộ chỉ huy cấp cao, cả của binh chủng lính thủy đánh bộ ở Hàn Quốc lẫn của quân đội ở Nhật, bị đưa ra phê phán gay gắt trước tiên, vì Holt chỉ là cấp đại úy mà cũng đã dễ dàng nhìn thấy những gì sắp xảy ra, những gì tất sẽ xảy ra, và anh lấy làm lạ rằng các tình báo viên giỏi giang là thế không nhận ra những điều không thể tránh khỏi kia. Anh chủ yếu đổ lỗi cho họ.
Tướng MacArthur không bị chê trách về bất cứ điều gì:
Ông đã quay về Tokyo và phải tin vào những gì quân tình báo trình lên chứ.
Tôi bèn hỏi anh liệu tướng MacArthur có biết đơn vị lính thủy đánh bộ đang hành quân lên phía Bắc, tiến thẳng đến trước họng súng của ba trăm nghìn quân địch, đi theo hàng một, cách nhau ba mươi thước không.
Một vị tướng không thể biết hết mọi việc. Tôi không thấy tướng MacArthur có lỗi gì cả. Cũng giống như Humphrey Bogart khi anh đưa tàu vào đám rong nhung nhúc đỉa ấy. Không thể yêu cầu anh biết tất cả được.

Rồi thời gian trôi đi, Holt nhìn nhận thảm họa Hungnam như một sự cố không mấy quan trọng bất ngờ ập đến với các đội quân và các quốc gia:
Chúng ta đã thoát khỏi đó.
Thật ra, khi cuộc chiến tranh Việt Nam leo thang, anh đã cố hết sức để được giao nhiệm vụ chiến đấu, nhưng anh được thông báo là đã quá tuổi phục vụ ở cấp bậc của mình. Anh từng nói với tôi rằng anh coi toàn bộ cuộc chiến tranh Việt Nam như một nước cờ sai Hungnam quy mô lớn.
Có bất ổn phát sinh ở đâu đó, nhưng chỉ vài người tài giỏi có thể giải quyết được.
Nếu không phải trải nghiệm sự kém cỏi trong vụ Hungnam thì, cũng như phần lớn các đại diện kỹ thuật khác, chắc chắn anh sẽ chỉ quy trách nhiệm cuộc chiến tranh Việt Nam cho các chính trị gia. Tận mắt chứng kiến những gì có thể xảy ra ngay cả với những ý định tốt đẹp nhất, Holt không còn chắc chắn nữa.
Nhấn vào đây để xem chương mới nhất của Ebook 6 Người Đi Khắp Thế Gian (Trọn bộ 2 tập).