X - Chương 3
-
6 Người Đi Khắp Thế Gian (Trọn bộ 2 tập)
- James Albert Michener
- 5218 chữ
- 2020-05-09 03:40:03
Số từ: 5202
Thể Loại: Tiểu Thuyết Hư Cấu
Người dịch: Nguyễn thị Bạch Tuyết
NXB Văn Học
Ngày mười một tháng Bảy năm ấy thật đáng nhớ vì hai sự kiện: buổi picnic của Clive trong buổi sáng và cuộc gặp bất ngờ của Yigal vào buổi chiều.
Sau khi xem đàn bò chạy, Clive thông báo,
Chuyến picnic này sẽ rất thú vị. Ông có thể tham gia, ông Holt, vì chúng tôi cần máy ghi âm của ông. Và ông cũng có thể tham gia, ông Fairbanks, vì chúng tôi cần xe của ông.
Các chàng trai đã tình cờ làm quen với hai sinh viên Mỹ đang sống ở nước ngoài một năm, và các cô này lại dẫn theo một anh bạn người California cứ luôn miệng nhắc đi nhắc lại,
Chà, tôi khoái Octopus quá!
Anh rất thất vọng khi Clive cho biết,
Octopus tan rã rồi còn đâu.
Chúng tôi chia nhau lên hai xe xong, Clive hỏi,
Chúng ta đi đâu bây giờ?
và vì không ai có ý kiến nên tôi gợi ý,
Các bạn đã thăm Estella chưa nhỉ?
, chưa có ai đi, bởi vậy chúng tôi hướng về phía đèo Puerto del Perdón và cây cầu đá Puenta la Reina tuyệt đẹp. Chưa đến một tiếng sau, chúng tôi đã tiến vào Estella, thị trấn cổ kính còn in đậm dấu vết chiến tranh từng chịu đựng hơn một chục cuộc vây hãm, chính từ nơi đây, thời Trung cổ, các con đường hành hương nối thẳng đến những thánh địa ở phía Tây. Tôi cho chiếc xe moóc nhỏ của chúng tôi dừng lại trước một quán cà phê nhìn xuống một quảng trường lâu đời nơi du khách từ khắp châu Âu hay tụ tập để rủ nhau cùng đi về phía Tây cho an toàn.
Trong lúc chúng tôi nhấm nháp cà phê và nghỉ ngơi, tôi hỏi Gretchen xem cô có hiểu rõ giai đoạn lịch sử lạ lùng ấy không, cô đáp,
Tây Ban Nha thời Trung cổ thì cháu mù tịt,
vậy là tôi hỏi tiếp,
Cô có biết gì về các cuộc hành hương không... tức là theo quan điểm của người Pháp ấy?
Chú muốn nói đến Compostela?
Thấy tôi gật đầu, cô đáp,
Ai cũng biết về vấn đề đó. Qua sách của Chaucer.
Đây là nơi bắt đầu con đường đi về phía Tây,
tôi nói.
Tại quảng trường nhỏ này. Nó đã tiếp đón hàng triệu người hành hương.
Gretchen đứng lên, dạo một vòng quanh quảng trường kín đáo ấy, trở lại chỗ chúng tôi và phát biểu một câu làm mọi người kinh ngạc:
Có thể đây chính là đề tài em đang tìm kiếm. Quân Thập tự chinh ở Silves đã chứng tỏ họ là những kẻ thất bại. Em nhận ra mình không thực sự quan tâm đến họ, vì họ là một lũ du côn - lại còn giả nhân giả nghĩa. Nhưng những người đi trên con đường này có niềm tin. Có lẽ đó chính là điều ngày nay chúng ta đang thiếu - nhận thức sâu sắc về niềm tin.
Chúng tôi quay lại xe và tôi dẫn cả nhóm đến một tu viện lịch sử đã canh giữ con đường này suốt bảy trăm năm. Tòa nhà đã đổ nát gần hết và có một hàng hiên mọc khá nhiều cây sồi cổ thụ. Chúng tôi trải chăn dưới bóng cây, và qua bức tường đổ nát, có thể nhìn xuống một thung lũng trải dài mà chẳng khó để tưởng tượng ra ở đó cảnh đoàn người trùm kín đầu đang thận trọng bước về miền đất thiêng.
Bảy trăm năm trước mấy tòa nhà này trông như thế nào nhỉ,
Gretchen nói nhỏ trong lúc tham gia phân phát bánh mì và pho mát.
Tôi bảo cô,
Cô phải hình dung cảnh hàng nghìn lữ khách cuốc bộ theo con đường chúng ta vừa đi, bị cám dỗ bởi hy vọng được cứu rỗi. Họ đến cánh cửa đổ nát ở kia, đập vòng sắt gọi cửa và cầu xin giúp đỡ. Họ đã lần bước trên đường nhiều tháng rồi, và còn phải đi tiếp một tháng nữa... xuống thung lũng kia và băng qua nhiều quả đồi.
Gretchen đăm đăm nhìn về phía chân trời, nói,
Điều cháu muốn viết là thứ niềm tin nào đã giúp họ thực hiện được một hành trình như vậy.
Trong những người nghe chúng tôi nói chuyện, người có vẻ hiểu rõ ý Gretchen nhất là Cato. Anh ý thức được một cách sâu sắc thế nào là hành hương. Anh nói với chúng tôi,
Tôi tin chắc mình không tình cờ mà đến một tu viện thế này. Chắc hẳn phải có một mục đích... nhưng mục đích gì? Tôi không sao đoán được.
Khi tôi nhắc anh rằng mọi thanh niên có chí khí đều trải nghiệm cảm giác thực hiện cuộc hành trình để khám phá bản thân, anh nói,
Tôi không ám chỉ chuyện đãi bôi đó... cái vấn đề cũ rích về bản thể ấy. Tôi biết rất rõ mình là ai. Ý tôi là ở đâu đó - có lẽ dưới thung lũng kia - nhất định phải có một bí mật sẽ làm cho toàn bộ chuyện này trở nên sống động... cho nó ý nghĩa.
Tôi nói với anh là ý nghĩa chỉ có thể nảy sinh từ nội tại, nhưng ý kiến này anh không chấp nhận,
Ai đó biết bí mật... cứ niệm thần chú là hang núi mở ra.
Anh không nói thêm gì nữa mà chăm chú nghe Gretchen tiếp tục ước đoán trong khi Clive bày đồ ăn:
Có lẽ cháu sẽ lấy một gia đình Pháp làm nhân vật chính... có thể là người xứ Flanders. Khoảng một trăm năm trước thời Chaucer. Cháu sẽ nghiên cứu một cách toàn diện, đặc biệt là tôn giáo và kinh tế học, cháu sẽ để cho người cha và người mẹ hành hương trên con đường này. Khoảng năm 1240 gì đó. Lúc này cháu đã có thể hình dung ra họ - một người đàn ông trạc tuổi ông Holt, một người vợ trẻ như Monica.
Tôi cũng say sưa với đề xuất của cô và bàn,
Khi đến cổng tu viện, gia đình đó gặp bốn chàng trai đang chuẩn bị đi về phía Tây. Anh chàng Joe với bộ râu rậm. Cato với bước chân nhanh nhẹn. Yigal với tập sách. Và Clive chàng hát rong. Họ mặc quần áo bằng vải thô và đi dép, mang theo gậy và đội mũ đính vỏ sò... như người đàn ông kia.
Tôi chỉ cánh cổng đổ nát của tu viện chạm nổi một bức tượng người hành hương bằng đá ăn mặc đúng như tôi vừa nêu, gương mặt bị xói mòn ấy có thể là của bất cứ người nào trong số bốn chàng trai nhóm chúng tôi.
Làm gì có nhiều người da đen đến đây,
Cato phản đối.
Nhiều chứ,
tôi đáp,
từ Bắc Phi đến.
Nô lệ ư?
Một số thôi. Cả giáo viên. Thương nhân. Trong nghĩa trang đằng kia, tôi tin chắc các bạn sẽ tìm thấy hài cốt của nhiều người da đen.
Có người Do Thái không?
Yigal hỏi.
Họ làm chủ một nửa Estella,
tôi đáp.
Trong lúc chúng tôi dùng bữa trưa - pho mát cứng, xúc xích tỏi, bánh mì hảo hạng - Gretchen ăn nhỏ nhẻ và nói,
Em nghĩ nếu hiểu rõ thực tế, chúng ta sẽ thấy thời nào cũng có những người trẻ tuổi lang thang khắp châu Âu... giống như chúng ta ngày nay. Em không cho rằng mình khác mọi người. Hay như cậu, Monica. Có thể là bảy trăm năm trước cậu cũng đi trên con đường này và gặm cùng loại pho mát này. Thực ra, em cảm thấy mình hợp với các cô gái thời xưa ấy thực hiện chuyến hành hương tinh thần thực sự hơn là một cô nàng đương thời ngốc nghếch nào đó ở ngoại ô Boston.
Lưng ngả vào một thân cây, Joe nói,
Tôi tin chắc phần lớn bọn họ theo lệnh mà đến đây.
Gretchen chăm chú nhìn anh, cong ngón trỏ bàn tay phải thành nòng súng, nhằm thẳng vào anh mà bắn. Về dòng chữ khắc trên bia mộ, cô nói,
Joe, người đi tiên phong, đánh lui bọn cướp.
Và nguyền rủa mỗi phút của cuộc hành trình,
Joe bổ sung từ trong mộ.
Điều em muốn nói là những động cơ dẫn em đến châu Âu - và cả mọi người nữa - cũng không khác gì những động cơ từng thúc đẩy người hành hương lên đường. Dù thế nào đi nữa, đây cũng là đề tài tuyệt vời cho một cuốn sách.
Câu chuyện tạm ngừng khi chúng tôi phóng tầm mắt qua tòa tu viện đổ nát nhìn con đường lịch sử của niềm tin, lối mòn gập ghềnh từng cám dỗ người hành hương, và rồi một sự lạ diễn ra. Harvey Holt, theo tôi biết vốn không quan tâm đến những gì Gretchen và Cato vừa trao đổi, chợt cất tiếng đọc một đoạn thơ mà có lần anh bảo với tôi là anh không biết:
Nào, một lần nữa cho ta đọc lại câu chuyện thường được kể!
Chuyện nhà thông thái Oxford khốn khổ,
Trí tưởng tượng bay bổng, óc sáng tạo thông minh,
Cứ mệt mỏi gõ hoài cánh cửa hiển vinh;
Rồi sớm mùa hè nọ, ông quyết tâm rời bỏ
Bạn bè đồng nghiệp, đi tìm dân gypsy học hỏi,
Rong ruổi khắp nơi cùng đám bằng hữu tự do,
Thiên hạ kháo nhau, kết quả gì đâu, chuyến xa xứ,
Nhưng từ đó, Oxford, bạn bè xưa mãi là quá khứ.
Ông Holt!
Gretchen reo lên.
Những câu thơ ấy có lẽ được viết cho anh Joe đấy!
Cô biết bài này sao?
Tôi có biết gì đâu.
Không ai khác biết nên Holt nói,
‘Gypsy-Nhà thông thái.’ Có lần một giáo sư yêu cầu tôi học thuộc lòng, nhưng tôi bảo dài quá. Rồi trong một dạo nóng bức, hỏi tôi ở Simpang Tiga mà lại không có ai để chuyện trò...
Tôi phải kiếm một bản mới được,
cô nói, và lần đầu tiên cả nhóm cảm thấy gần gũi với Holt, tuy nhiên những gì diễn ra tiếp sau đó lại khiến họ thay đổi hoàn toàn.
Vì Clive đã đề nghị,
Ta phải nghe chút nhạc chứ,
và Holt liền lấy máy ghi âm ra cắm vào hệ thống điện của xe. Băng nhạc đầu tiên, vốn được anh xem như tuyệt tác, hóa ra lại là một thất bại hoàn toàn. Băng gồm những bài hay nhất kỷ nguyên big-band, và khi giọng nhỏ nhẹ của các nam ca sĩ cùng tiếng hát lanh lảnh của các nữ ca sĩ solo từ máy ghi âm phát ra, như thể những hồn ma ngớ ngẩn đang tuôn ra những lời vô vị kiểu cách của thời phong kiến nào đó, các bạn trẻ bật cười.
Này, chúng tôi nghe lại bài đồng ca ấy được không?
họ yêu cầu, và khi Holt tua băng rồi bật lại September in the Rain, đám thanh niên cười như nắc nẻ xin nghe lại lần thứ ba.
Tuyệt!
họ kêu lên.
Nghe giọng hát đó xem... giọng vè đó.
Tất cả những bài Holt và tôi yêu thích, bọn họ đều chê ỏng chê eo:
Just One of Those Things
,
Don’t Sit Under the Apple Tree
,
I’ll Never Smile Again
và
Symphony
đều bị họ coi thường, nhưng khi băng nhạc chạy đến bài
My Reverie
mọi người cười phá lên và xin nghe lại nhiều lần.
Người ta vẫn thường bảo chúng tôi, ‘Họ không viết lời ca theo cách cũ nữa.’ Đây có phải một ví dụ cho những điều ông nói không, ông Fairbanks?
Holt hỏi với vẻ phòng thủ,
Bài ‘My Reverie’ của tôi có gì dở nào? Dù sao thì cũng là Bea Wain hát đấy chứ,
vậy là Cato hỏi thẳng thừng,
Thế thời ấy người ta có bao giờ lên giường cùng nhau không?
khiến Holt gắt lên,
Có chứ, họ có lên giường, nhưng họ không hát về chuyện ấy trong đĩa hát của hãng Victrola,
Cato nói,
Thành thực mà nói, nhạc nhẽo này nghe chán cả tai.
Holt muốn biết tại sao, Joe xen vào,
Lý do là...
nhưng anh chưa kịp phát biểu ý kiến thì Gretchen đã ngắt lời,
Giai điệu đều đều buồn tẻ... một, hai, ba, một, hai, ba... lời ngây ngô... trí tuệ như của đứa trẻ chín tuổi.
Holt đang định biện hộ cho những bài mình ưa thích nhất thì Gretchen đã cướp lời,
Ông Holt, ông đã bao giờ nghe nhạc trữ tình chưa?
Anh tra mục lục băng nhạc đặc biệt đó, vừa tua đi tua lại vừa điều chỉnh âm thanh cho đến khi tìm được bài anh muốn: Ella Fitzgerald trình bày
Love For Sale
của Cole Porter. Giai điệu ngọt ngào và đắng cay ấy thu hút được các bạn trẻ, và khi lời ca vang lên, họ không bật cười ngay lập tức nữa.
Cách vận dụng ca từ tài tình đấy,
Joe thừa nhận.
Nhưng vần vè thì hơi gượng ép.
Đừng đòi hỏi kỹ thuật quá cao như vậy,
Holt nói.
Công nhận là hay đi.
Vâng thì hay. Bảy bài mới có một bài hay.
Harvey này,
tôi gợi ý,
tôi nghĩ trong băng này có ‘Night and Day’ đấy. Anh xem có tìm được không?
Trong khi Holt tìm, tôi nói với đám thanh niên,
Khi các bạn nghe bài này, tôi muốn các bạn tin rằng hàng nghìn người cùng lứa với tôi thấy nó tổng kết... không phải những quan điểm của họ... thế thì to tát quá. Ý tôi muốn nói là tình cảm của họ, họ cảm thấy thế nào khi hai mươi hai tuổi... hoặc ngay cả ba mươi.
Chú diễn đạt vụng về quá,
Monica nói.
Ý chú là, chú cảm thấy thế nào về các cô gái chứ gì?
Nghe này!
Holt đã tìm ra bài hát nổi tiếng, một trong số những bài hiếm hoi mà lời thơ còn hay hơn cả đoạn đồng ca, và khi nó vang dội khắp tu viện, tất cả những gì tôi có thể làm là cố không nhắm mắt lại mà tưởng tượng - có khi còn toét miệng ngẩn ngơ - rằng mình đang nghe mà lần đầu tiên đa sầu đa cảm. Tôi biết thể nào cũng bị các bạn trẻ cười nếu làm như vậy, và không có chuyện này thì buổi chiều hôm đó đã đủ căng thẳng rồi.
Trong khi lời ca tuôn trào, hòa hợp rất tuyệt với giai điệu, tôi hỏi các nhà phê bình xem họ nghĩ thế nào.
Phản ứng vẫn vậy,
Cato đáp.
Thế hệ các ông chưa từng rủ con gái lên giường sao?
Mẹ kiếp! Nghe lời ca đi chứ!
Tôi đang nghe đây, bài này thật vô nghĩa. Một bài vô nghĩa sướt mướt. Chẳng trách thế giới này lâm vào tình trạng như hiện nay, nếu thế hệ các ông nghe cái thứ rác rưởi đó và Tổng thống Kennedy đọc tiểu thuyết James Bond. Xin tha cho tôi, nhưng đó là đồ bỏ đi.
Tôi nhìn những người khác, họ phát biểu những câu đại khái như:
Nhạc nhẽo chẳng có sức sống gì cả.
Nhịp điệu như vậy sẽ dồn người ta vào thế phải thủ dâm.
Rác rưởi không phải từ chính xác, nhưng cũng gần như vậy.
Và:
Ông Holt, nhạc của ông giống những bài hát ngắn có đoạn điệp thời Elisabeth, hay đại loại thế. Ngày xưa thì hay nhưng...
Còn Cato, đang nghe lại bài
My Reverie
, phát biểu ngắn gọn,
Ối dào.
Đúng lúc không vui ấy, băng của Holt chạy đến bản
Taking a Chance on Love
do Sammy Kaye và nhóm Three Kaydettes trình bày, và vừa nghe phần mở đầu tôi đã làu bàu tự nhủ,
Bài này đáng ta tua cho qua đi,
nhưng khi mấy giọng nam cất lên nghe chẳng khác nào tiếng đám quan hoạn giữa một ngày hội trong cung điện, nhóm bạn lại cười ngặt nghẽo. Chúng tôi chuyển sang nói chuyện nghiêm túc, tôi thừa nhận rằng những bài dở nhất của chúng tôi kể ra cũng dở thật, và chúng dở chính vì lẽ Joe vừa khéo nghĩ ra: nghe chúng thì thấy có vẻ như các ca sĩ nhạc sĩ đều chưa bao giờ lên giường với ai. Những uyển ngữ rắc rối họ dùng thật tức cười, và nghe những ca khúc đó trong hoàn cảnh này, tôi cũng tự hỏi làm sao từ trước đến nay mình lại có thể coi trọng chúng được.
Chính bản thân cũng ngạc nhiên về những kết luận của mình, tôi hỏi Clive xem anh nghĩ thế nào, anh nói,
Tôi rất ấn tượng. Các nghệ sĩ phải làm việc trong những hạn chế kinh khủng ấy... chỉ một vài nhịp điệu chấp nhận được... hình thức thể hiện ca từ cứng nhắc... mọi nhạc cụ nghe na ná nhau... và chẳng có nhịp điệu gì cả. Tôi lấy làm lạ là họ đạt được kết quả như vậy. Nhưng tôi đồng ý với Joe ở một điểm. Lời ca tởm tột độ. Hết sức giả tạo, hết sức thanh giáo. Người ta có thể thấy áp lực xã hội qua những vần điệu ngớ ngẩn.
Anh tạm ngừng lời, rồi nói thêm,
Tất nhiên, nếu người ta có thể phục hồi ‘My Reverie’, có lẽ nó sẽ đạt được thành công lớn... giả tạo tột độ.
Holt tắt máy giữa chừng lời tuyên bố đó, nhưng khi Clive dứt lời, Harvey bỗng khúc khích, rồi cười phá lên không chút e ngại. Yigal hỏi anh có gì khôi hài, Harvey đáp,
Tôi đang mong đến tháng Bảy năm 1998, khi một vài kẻ ta đây các bạn đi picnic ở nơi này với một đám thanh niên thời đó. Và các bạn cố gắng giải thích cho họ hiểu hồi trẻ các bạn đã mê mẩn cái thứ rác rưởi một trăm phần trăm mà các bạn gọi là âm nhạc như thế nào.
Nói xong, anh đóng máy ghi âm đánh sầm một cái.
Joe nói,
Khoan đã. Ông vẫn chưa nghe những bài mới Clive mang đến mà.
Tôi nghe đêm qua rồi - ở Bar Vasca - và sáng nay xuống tầng một tôi đã hỏi xem người ta xông khói tẩy uế nơi ấy chưa.
Ông đúng là một lão già,
Cato nói gay gắt.
Có đôi tai thành thạo để nghe từng nốt nhạc được đánh lên, và tôi dám nói rằng thứ rác rưởi mà ngài Clive ra sức khai thác đêm qua là một trò lừa gạt công chúng.
Thế mà đó lại là nhạc thời đại này đấy,
Monica giận dữ đối đáp.
Thế thì thời đại này rác rưởi. Nếu các bạn phải nghe nhạc như vậy để có cảm giác... Và hút cần sa...
Ông có phải Savonarola[89] thời đại mới không đấy?
Gretchen lạnh lùng hỏi.
Ông ta có phải kẻ đốt nhiều tác phẩm ở Florence không?
Phải.
Chúng ta cần ông ta... ngay tại đây.
Tôi sẽ không đốt nhạc của ông,
Gretchen nói.
Tôi sẽ giữ chúng trong bảo tàng hoài cổ.
Của các bạn thì tôi đốt,
Holt nói.
Đó là phản kháng những gì các bạn không hiểu... phá hủy những gì các bạn đã làm.
Tôi thấy buổi picnic hôm nay kết thúc rồi,
Monica gắt gỏng, nhưng Britta, với bản tính điềm tĩnh tự nhiên của người Scandinavia, đã giành lấy máy ghi âm từ tay Holt, đặt lại xuống đất rồi tháo móc cài.
Người lớn cư xử như vậy thì thật buồn cười,
cô nói.
Tôi nghĩ ông Holt nên bật lại băng đó và chúng ta nghe xem có bài nào chúng ta đánh giá cao không. Nếu không chúng ta làm thế nào học hỏi được?
Cô quay sang Holt nói,
Ông mở máy thế nào ấy nhỉ?
Ấn núm này,
Holt đáp, không chịu gánh trách nhiệm, nhưng chưa âm thanh nào kịp nổi lên, anh đã tắt máy.
Chúng ta làm thế này nhé,
anh đề nghị.
Ông Fairbanks đã nói thẳng thắn với các bạn về ‘Night and Day’ và các bạn đã cười. Tôi sẽ liều làm vậy xem sao, ở đây có một bài khiến tôi đau đớn hồi tôi còn bé. Hãy cho tôi biết các bạn thấy thế nào.
Anh tua băng cho đến khi tìm được bài anh muốn, vặn âm lượng hợp lý và chỉnh lại loa.
Một lát sau chúng tôi nghe thấy giọng khàn khàn của Jo Stafford trình bày bài
Blues in the Night,
với ảo tưởng ám ảnh của tầng lớp thanh niên tại một thị trấn nghèo có đường xe lửa chạy qua và hai dòng thơ tuyệt vời:
Tôi đã nhìn mình trong những thành phố lớn
Và nghe mình trong buổi thuyết trình...
Các bạn trẻ lắng nghe với thái độ tôn trọng, và tôi thấy buồn cười vì Holt và tôi hồi hộp chờ đón ý kiến đánh giá của họ như thế nào. Đến phần cuối Joe phát biểu,
Bài này cũng đẳng cấp đấy,
Gretchen nói,
Đêm nay, ông Holt, khi ông nghe bài ‘MacArthur Park’ hy vọng ông sẽ có lòng trắc ẩn như vậy.
Tôi nghe rồi,
Holt đáp.
Cũng đẳng cấp đấy.
Trên đường về, Holt đang lái chiếc xe dẫn đầu đến ngoại ở Pamplona thì hai cảnh sát phất cờ ra hiệu cho chúng tôi dừng lại, liếc nhìn chòm râu của Joe, hướng dẫn chúng tôi đỗ sát lề đường và hỏi,
Chàng trai này có phải tên là Yigal Zmora không?
Trong xe sau,
tôi đáp.
Khi cảnh sát dừng chiếc pop-top, tôi quay lại làm phiên dịch.
Anh có phải Yigal Zmora không?
họ nhắc lại. Thấy Yigal gật đầu, họ bảo Gretchen,
Đi theo chúng tôi. Có người cần gặp anh ấy.
Tôi hỏi,
Để làm gì?
thì họ đáp,
Đừng hỏi nhiều.
Chúng tôi lái xe vào thành phố, nhưng tới ngã ba dẫn đến đồn cảnh sát, họ lại rẽ theo hướng đối diện, và tôi chưa kịp hiểu chuyện gì đang xảy ra, họ đã dừng lại trước Tres Reyes, khách sạn sang trọng nhất thành phố, nơi người ta hầu như không thể đặt được chỗ trong thời gian lễ hội San Fermín.
Hai viên cảnh sát xuống xe, dựng mô tô trên lối vào gara và bảo Yigal,
Đi theo chúng tôi.
Anh vừa dợm bước vào khách sạn, một người đàn ông luống tuổi vóc dáng nhỏ nhắn, quen quen đã lao từ trong sảnh ra, huých khuỷu tay gạt hai viên cảnh sát sang bên và ôm chầm lấy Yigal.
Bruce!
người ấy reo lên. Vẻ mặt sững sờ, hai tay buông thõng, Yigal ngoái cổ lại báo cho chúng tôi biết,
Ông ngoại tôi đấy.
Chính là Marcus Melnikoff, ăn mặc lịch sự và vẫn nhanh nhẹn như xưa. Thấy tôi, ông bèn chạy lại chào, nhưng vẫn nắm chặt tay Yigal.
Tôi mất bao nhiêu thời gian mới tìm được thằng bé này đấy,
ông phàn nàn khi chúng tôi đã tập trung đông đủ quanh chiếc pop-top.
Bruce, phòng trọ của cháu trong quán... thật tồi tệ. Chính hai ông cảnh sát tử tế đây đã tìm ra cháu. Thưa các ông, tôi muốn tỏ lòng biết ơn...
Ông dẫn hai viên cảnh sát đang bối rối sang một bên, đưa cho mỗi người một nghìn peseta.
Tây Ban Nha được quản lý rất chặt. Anh chỉ cần nói, ‘Cháu tôi ở đâu?’ thế là người ta tìm được ngay.
Tôi hỏi ông trọ ở đâu, Melnikoff chỉ về phía khách sạn Tres Reyes, và tôi bảo ông sao có thể đặt phòng ở đó, thì ông bảo,
Được chứ, nếu anh quen lãnh sự Tây Ban Nha ở Chicago và đại sứ Mỹ ở Madrid. Tôi là người đóng góp nặng ký cho đảng Cộng hòa mà.
Có chuyện gì mà ông lại đến đây?
tôi hỏi.
Điệu bộ trang trọng, ông Melnikoff im lặng chỉ cháu mình. Rồi ông nói,
Tôi đến đón cháu về nhà.
Cháu không về Detroit,
Yigal phản đối.
Ông xin cháu! Trước mặt bao nhiêu người thế này, không nhất thiết ông cháu ta phải bàn chuyện gia đình.
Cháu sẽ không về nhà bây giờ. Cháu đã báo là có thể vào giữa tháng Chín.
Giữa tháng Chín thì quá muộn để cháu xin vào Viện Công nghệ Case.
Ai nói cháu muốn học ở Case?
Cháu có biết là thời buổi này xin vào một trường tốt khó thế nào không? Chỉ vì một giáo sư hàng đầu của trường Case lại tình cờ là chuyên viên tư vấn cho hãng Pontiac...
Ông ấy có thể dành chỗ trống ấy cho một người da đen đáng được giúp đỡ.
Yigal nói.
Câu trả lời bất ngờ của Yigal làm ông Melnikoff tức giận, ông gắt,
Ông đã nghe nói về cháu ở trường Technion... Bỏ phí một tài năng như cháu... Nào, ông cháu ta ra chỗ khác nói chuyện. Đây là lối vào gara công cộng.
Yigal nói,
Nhóm chúng cháu đang định ăn tối cùng nhau. Ông dự với chúng cháu đi.
Tôi rất vinh hạnh được làm quen với bạn bè của Bruce,
ông Melnikoff nhã nhặn nói.
Nhưng chỉ với điều kiện tôi được thanh toán hóa đơn.
Monica reo lên,
Chắc chắn là được rồi. Này các bạn, chén không mất tiền đấy!
Ông Melnikoff bật cười hỏi liệu có nhà hàng ngon lành nào ở Pamplona không, Monica nhanh nhảu gợi ý ba nơi, rồi chốt lại,
Nhưng ngon nhất là ở một lâu đài cổ trên tường thành. Ông sẽ thích cho mà xem, và vì đã biết thức ăn ở đó rất ngon cho nên chúng cháu cũng sẽ thích.
Cháu sẽ ngồi bên phải ta,
ông Melnikoff nói.
Nhà hàng Monica giới thiệu vốn rất được ưa chuộng ở Pamplona, El Caballo Blanco, nằm ở khu phố cổ, trên một vách đá nhìn xuống dòng Río Arga. Đó là một tòa nhà cổ, xà rầm bằng gỗ hạt dẻ lâu đời được sơn dầu, nó truyền tải cảm giác đời sống sung túc. Trong thời gian diễn ra lễ hội San Fermín, nhà hàng rất đông khách nhưng viên quản lý ở khách sạn của ông Melnikoff lại quen biết mấy bà điều hành ở đó nên đã thu xếp được một bàn cho mười bốn người, gồm cả hai cô sinh viên Joe cho đi nhờ và cậu thanh niên đang đau buồn vì ban nhạc Octopus tan rã.
Buổi tối rất vui vẻ và ông Melnikoff tỏ ra là một chủ tiệc có duyên. Ông kể nhiều chuyện ngành công nghiệp sản xuất xe hơi ở Detroit, rồi lắng nghe Clive giải thích cách thức hoạt động của các ban nhạc London. Ông muốn biết những hoạt động mới nhất của World Mutual và chúc mừng tôi về những thành công gần đây của tập đoàn, việc này đã dẫn đến một cuộc bàn luận nghiêm túc giữa hai chúng tôi.
Làm sao một người quan trọng và có học thức như ông lại quan tâm đến một lễ hội như thế này?
Tình cờ một vài người trong chúng tôi lại tôn sùng Pamplona.
Vì sao?
Như sự gợi nhớ cuối cùng đến một thứ quan trọng.
Ông Melnikoff nhún vai nói,
Tôi thì lại thích bãi biển Miami. Bạn bè tôi ở Detroit cho rằng tôi dở hơi.
Ông ngập ngừng rồi hỏi,
Bruce là mẫu thanh niên như thế nào?
Trước hết cậu ấy tên là Yigal.
Một thời thôi. Ông có nghe nói chuyện điểm số của cháu không? Trong môn khoa học nào cháu cũng đạt gần một trăm điểm. Có lẽ là một thiên tài đấy. Chúng ta không nên để phí hoài.
Israel đã sản sinh ra một số nhà khoa học rất giỏi. Và đất nước đó cần cậu ấy.
Nước Mỹ chúng tôi cần cháu.
Ông nhìn về cuối bàn, nơi Yigal đang tranh luận sôi nổi với một trong hai cô gái mới quen. Người ta có thể thấy ông già đó yêu thương chàng trai nhiều như thế nào.
Cháu có nói cho ông biết cháu là một anh hùng trong cuộc chiến tranh với Ả rập không? Một thằng bé từng ấy tuổi làm được gì trong chiến tranh?
Cuộc sống ở đâu chẳng có hiểm nguy, ông Melnikoff. Những vụ bạo loạn ở Detroit...
Một thời thôi. Thực tế đơn giản là Hợp Chủng Quốc Hoa Kỳ cần thằng bé này.
Cậu ấy biết thế. Tôi có thể bảo đảm với ông là cho đến bây giờ cậu ấy vẫn chưa quyết định quay lưng lại với nước Mỹ.
Thế thì nó đang làm cái quái gì ở Pamplona? Ở Torremolinos? Và nơi khỉ ho cò gáy đó ở Bồ Đào Nha? Một cô gái nào đó đã bẫy nó vào tròng rồi chăng?
Ông Melnikoff, ông có thấy cô gái xinh đẹp ngồi ở cuối bàn kia không, cô mà mọi người gọi là Gretchen ấy. Sáng nay cô ấy đã dẫn chúng tôi đi picnic ở một tu viện cổ.
Tôi biết rồi, cảnh sát ở đây gọi cho đồng nghiệp ở đó và họ báo là có nhìn thấy các ông vào tu viện.
Cái xứ Tây Ban Nha già cỗi ma xó này.
Cái gì?
Dù sao thì, chúng tôi đã thảo luận về chuyện suốt trong bảy trăm năm vừa qua người hành hương vẫn xuôi ngược trên những con đường này... những người lang thang trong hành trình tìm kiếm ý nghĩa cuộc đời. Đó chính là điều lôi cuốn Yigal.
Hành hương! Ông đã thấy cái quán bẩn thỉu nó ở trọ đấy.
Tôi cũng trọ ở đó.
Ông phải lấy làm xấu hổ vì việc đó.
Tôi đoán là ngày xưa một nửa số người hành hương ngủ nhờ trong các tu viện, nửa còn lại trong nhà thổ.
Đến đó thì câu chuyện của chúng tôi bị cắt ngang vì Cato đã đến đầu bàn chỗ chúng tôi ngồi để chào ông chủ tiệc. Monica đi cùng anh.
Chúng cháu phải đi gặp mấy cậu nhóc Đan Mạch trên sân khấu,
anh giải thích, và khi họ đi khỏi, ông Melnikoff nói,
Mười năm trước tôi sẽ rất phẫn nộ vì một cảnh như vậy. Bây giờ tôi lại thấy thú vị. Nếu còn trẻ và có tài, tôi cũng muốn là người da đen, và việc đầu tiên tôi làm là lấy con gái ông chủ... Vì lợi ích của cả hai bên.