Quyển I: Niobe


Số từ: 7083
Dịch giả: Dương Tường.
Đánh máy & Hiệu đính: galazyrulz, tducchau, Ct.Ly
Nguồn: casau - NHÀ XUẤT BẢN HỘI NHÀ VĂN - VNthuquan.net
Năm 1938, thuế hải quan tăng lên và biên giới giữa Ba Lan và thành phố tự do Danzig tạm thời bị đóng cửa. Bà ngoại tôi không thể đáp chuyến tàu trên đường ray hẹp bề ngang để đến chợ Langfuhr hàng tuần và phải đóng quầy hàng ở đó. Nói cách nào đó, bà phải ngồi trên đống trứng của mình mà chẳng hề muốn ấp. Ngoài cảng, cá trích bốc mùi tanh lên đến tận trời, hàng họ chất đống và các nhà chính khách họp mặt, đi đến thỏa thuận. Trong khi đó, anh bạn Herbert của tôi, thất nghiệp, nằm trên đi-văng, bất bình với bản thân, và nghiền ngẫm những rắc rối của mình.
Tuy nhiên, làm cho thuế quan thì có lương và có cái ăn. Có đồng phục xanh để mặc và có một đường biên giới đáng để giữ gìn. Herbert không đi làm cho sở thuế quan, cũng không muốn làm bồi bàn nữa, anh chỉ muốn nằm trên đi văng mà ngẫm sự đời.
Nhưng đã là đàn ông thì phải làm việc. Và không chỉ riêng Mamăng Truczinski nghĩ vậy. Mặc dầu bà bỏ ngoài tai lời khẩn cầu của Starbusch xin bà thuyết phục Herbert trở lại hầu bàn ở Neufahrwasser, bà vẫn nhất quyết đẩy anh ra khỏi cái đi-văng ấy. Bản thân anh cũng mau chóng chán ngấy cái căn hộ hal phòng, những suy ngẫm của anh trở nên hoàn toàn hời hợt, rồi một hôm, anh bắt đầu soi dõi mục Tuyên Người Giúp Việc trên tờ Neueste Nachrichten và thậm chí, cực chẳng đã, trên cả tờ Vorposten (Linh Gác) của bọn Quốc Xã nữa.
Tôi những muốn giúp anh. Lẽ nào một người như Herbert lại phải kiếm một công việc khác với nghề nghiệp thích hợp của mình ở khu ngoại ô cảng này? Lẽ nào anh lại bị đẩy đến nước phải đi bốc vác, làm việc vặt, chôn cá chết? Tôi không thể hình dung Herbert đứng trên những bến sông Mottlau nhổ vào lũ hải âu, trở nên nghiện ngập suốt ngày nhai thuốc lá. Tôi bỗng nảy ra ý nghĩ là Herbert và tôi có thể canh ty với nhau: mỗi tuần một lần, tập trung tinh lực làm việc hai giờ là chúng tôi có thể làm nên chuyện. Với cái giọng vẫn còn hiệu quả kim cương, với sự tinh khôn được mài sắc qua kinh nghiệm lâu năm trong lĩnh vực này, Oskar có thể khoét những tủ kính bày hàng với những đồ đáng giá, đồng thời đứng canh gác trong khi Herbert nhanh tay làm gọn. Chúng tôi không cần mỏ hàn, không cần chìa khóa vạn năng, không cần túi dồ nghề. Chúng tôi không cần quả đấm sắt hay súng. Xã hội đen và liên doanh của chúng tôi là hai thế giới không cần tiếp xúc với nhau. Và Mercure, ông thần của kẻ trộm và doanh thương, sẽ phù hộ cho chúng tôi bởi vì tôi đây, sao Trinh Nữ chiếu mệnh, tôi nắm con dấu của ông mà thi thoảng tôi vẫn đóng lên những vật cứng.
Sẽ là không hợp tình hợp lý nếu bỏ qua đoạn này.
Tôi sẽ kể vắn tắt thôi, nhưng xin đừng coi đây là lời thú tội. Trong thời gian Herbert thất nghiệp, hai chúng tôi đã tiến hành hai vụ trộm hạng trung ở những cửa hàng thực phẩm đặc sản và một vụ lớn ngon lành ở một cửa hàng lông thú: ba khăn choàng lông cáo xanh, một bộ da hải cẩu, một bao tay lông cừu Ba Tư, và một cái măng-tô da ngựa con rất xinh tuy không đắt giá ghê gớm lắm mà mẹ tội nghiệp của tôi, nếu còn sống, chắc chắn sẽ thích mặc.
Điều làm chúng tôi bỏ nghề kẻ trộm không phải là cái mặc cảm phạm tội không đúng chỗ (tuy đôi lúc nó cũng làm chúng tôi không yên), mà là do việc tiêu thụ đồ ăn cắp ngày càng khó khăn. Để "tẩy" hàng cho được giá, Herbert phải quay về Neufahrwasser vì đó là nơi có thể gặp những mối tốt nhất. Nhưng từ khi nơi này tất yếu nhắc anh nhớ đến tay thuyền trưởng người Latvia đau dạ dày, anh cố "tẩy" hàng ở mọi chỗ khác, dọc phố Schichau, ở nhà máy Hakel, ở kim Biirgerwiesen, tóm lại ở mọi chỗ trừ Neufahrwasser, nơi các mặt hàng lông thú dễ bán như tôm tươi. Quá trình "tẩy'' hàng chậm đến nỗi cuối cùng, mớ thực phẩm đặc sản phải ở lại hẳn trong bếp của Mamăng Truczinski và thậm chí anh đã cho, hoặc định cho, bà chiếc bao tay lông cừu Ba Tư.
Khi Mamăng Truczinski trông thấy cái bao tay, thì không còn là chuyện đùa nữa. Bà đã lặng lẽ nhận những thức ăn, có lẽ cùng chia sẻ cái tín niệm dân gian cho rằng ăn cắp đồ ăn là chính đáng.
Nhưng cái bao tay kia có nghĩa là xa xỉ và xa xỉ có nghĩa là phù phiếm và phù phiếm có nghĩa là vào tù. Đó là những ý nghĩ đơn giản và lành mạnh của Mamăng Truczinski; bà nheo cặp mắt chuột nhắt, rút một chiếc kim đan ra khỏi búi tó và vừa vung chiếc kim đan vừa nói: "Rồi anh sẽ kết thúc như cha anh thôi, đồng thời đưa cho Herbert của tờ Neuste Nachichten hoặc tờ Vorposten, ý nói:" Bây giờ thì đi kiếm lấy một việc làm đi, là tôi nói một việc làm tử tế cơ, nếu không đừng hòng tôi nấu cho mà ăn nữa."
Herbert nằm thêm một tuần nữa suy ngẫm trên cái đi-văng của mình; anh đâm cực kỳ khó tính, tôi không sao gạ được anh cho hỏi chuyện đám sẹo hoặc rủ anh đến thăm những tủ kính cửa hàng đầy hứa hẹn. Tôi tỏ ra rất thông cảm. Tôi để anh nhấm nháp nỗi đau khổ của mình đến tận cặn và dành phần lớn thời gian đến với bác thợ đồng hồ Laubschad và những cái đồng hồ ngốn thời gian của bác. Thậm chí tôi còn thử vận may với bác nhạc công Meyn, nhưng bác đã cai rượu và dành hoàn toàn cây t'rompet của mình cho những điệu nhạc ưa chuộng của Kỵ Đoàn SA; bác ăn mặc chỉnh tề, đi lại nhanh nhẹn, trong khi bốn con mèo của bác, tàn tích của một thời say sưa tối ngày nhưng đầy nhạc hứng tuyệt vời, bị bỏ đói khốn khổ, sống như chó. Mặt khác, đêm khuya về nhà, tôi hay thấy Matzerath ngồi, mắt đờ đẫn, trước một dẫy ly schnaps - sinh thời mẹ tôi, ông chỉ uống khi có bầu có bạn. Ông thường lần giở cuốn album ảnh, cố gắng (như tôi bây giờ) làm sống lại hình ảnh mẹ tôi trong những khuôn chữ nhật nhỏ rửa không được tốt lắm; đến nửa đêm, ông khóc đến độ bi ai rôì bắt đầu huênh hoang với Hitler hoặc với Beethoven, cả hai vẫn được treo đó, gườm gườm nhìn vào mắt nhau; ông dùng cách xưng hô thân mật, anh anh tôi tôi, và dường như nhận được câu trả lời từ người nhạc sĩ thiên tài - nên nhớ ông ta điếc - trong khi vị Führer bài rượu thì lặng thinh bởi vì Matzerath, một nhóm trưởng quèn, đâu có xứng đáng với Thiên Cơ.
Một ngày thứ ba - sở dĩ tôi nhớ chính xác thế là nhờ cái trống của tôi - Herbert, rút cục, đã có quyết định dứt khoát. Anh đóng bộ vào, có nghĩa nhờ Mamăng Truczinski lấy cà-phê nguội chải cái quần ống loe màu xanh, xỏ đôi giày thể thao, ấn mình vào chiếc va-rơi khuy mỏ neo, choàng chiếc khăn lụa trắng (mua từ cảng miễn thuế hải quan) được rẩy nước thơm Cologne (cũng từng nằm mãi trên đống rác miễn thuế hải quan của cảng tự do) và thế là anh đứng đó sẵn sàng đi, cứng đơ và vuông vức dưới chiếc mũ lưỡi trai màu xanh,
"Con thử đi xem có kiếm được việc gì làm không," Herbert nói, kéo lệch cái mũ lưỡi trai, tạo ra một vẻ hơi ngổ ngáo. Mamăng Truczinski buông tờ báo xuống bàn.
Ngày hôm sau, Herbert kiếm được một chỗ làm và một bộ đồng phục. Không phải màu xanh hải quan mà là xám đậm: anh trở thành một người gác ở Bảo tàng Hải quân.
Giống như tất cả những gì đáng được bảo tồn ở cái thành phố cũng hoàn toàn xứng đáng được bảo tồn này, những vật báu của Bảo tàng Hải quân chiếm cả một toà nhà quý tộc, vốn cũng từng là bảo tàng và còn giữ lại một cổng đá có mái che và một mặt tiền có nhiều hình trang trí rất phóng túng. Bên trong, với rất nhiều đồ gỗ sồi chạm trổ và những cầu thang xoáy trôn ốc, dành cho những hồ sơ được lập danh mục rất cẩn thận về lịch sử của cái thành phố cảng xưa nay vẫn tự hào về khả năng làm giàu và giữ được giàu thiên ức vạn tải giữa những láng giềng hùng mạnh nhưng phần lớn là nghèo. Chao, những đặc quyền mua được từ tay các hiệp sĩ Nhật Nhĩ Man hoặc từ tay các quốc vương Ba Lan và được ghi chép công phu trong những tài liệu biên soạn công phu! Những tranh khắc màu thể hiện biết bao cuộc vây hãm mà cái pháo đài ở cửa sông Vistula đã phải gánh chịu! Đây, Stanislaw Lesczczinski, chạy trốn tên phản vua, tới trú giữa những bức tường của thành phố. Bức sơn dầu mô tả chính xác ông ta khiếp đảm như thế nào. Tổng giám mục Potocki và đại sứ Pháp de Monti cũng sợ mất vía vì quân Nga do tướng Lascy chỉ huy đang bao vây thành phố. Tất cả những cảnh này đều được chú giải cụ thể và người ta có thể đọc tên của các tàu Pháp dưới lá cờ hình hoa huệ tây. Một chú thích với mũi tên cho ta biết vua Stanislaw Lesczczinsski đã chạy trốn tới Lorraine trên tàu này, khi thành phố đầu hàng vào ngày 3 tháng tám. Nhưng phần lớn các hiện vật trưng bày là các chiến lợi phẩm trong những cuộc chiến tranh thắng lợi bởi cái lẽ đơn giản là những cuộc chiến tranh thất bại thì hiếm khi hoặc không bao giờ cung cấp chiến lợi phẩm cho các bảo tàng.
Niềm kiêu hãnh của bộ sưu tập là thớt tượng gỗ gắn ở mũi một con thuyền buồm lớn vùng Florence. Con thuyền này, tuy cảng gốc là Bruges, nhưng lại thuộc về Portinarl và Tani, hai thương gia người Florence. Tháng 4 năm 1473, hai thuyền trưởng và cướp biển của thành phố Danzig là Paul Beneke và Martin Bardewick, trong khi tuần tiễu ngoài hải phận Zilơn cách cảng Sluys không xa, đã chiếm được con thuyền buồm này. Thuyền trưởng, các sĩ quan và đoàn thủy thủ khá đông, tất cả đều bị giết bằng gươm, còn thuyền và hàng được đưa về Danzig. Một bức bình phong vẽ cảnh "Phán Xét Cuối Cùng" của hoạ sĩ Memling 1 và một bồn đựng nước thánh bằng vàng - cả hai đều do Tani đặt làm để hiến một nhà thờ ở Florence - đã được đem về trang trí cho Nhà thờ Đức Mẹ Maria. Ngày nay, theo tôi được biết, bức "Phán xét Cuối Cùng" dành cho sự thưởng ngoạn của những con mắt Thiên Chúa giáo ở Ba Lan. Không ai biết cái hình gắn ở mũi con thuyền kia, sau chiến tranh, xô dạt nơi nao. Nhưng vào thời tôi, nó nằm ở Bảo tàng Hải quân này.
Một hình đàn bà bằng gỗ màu xanh, nở nang, khoả thân, cánh tay giơ lên và hai bàn tay trễ nải chắp vào nhau phô rõ từng ngón, mắt sâu màu hổ phách phóng tia nhìn bên trên bộ ngực quả quyết vươn ra phía trước. Người đàn bà nơi mũi thuyền này là một kẻ mang tai hoạ. Thương gia Portinari đã đặt một nghệ nhân nổi tiếng chuyên khắc hình trang trí mũi thuyền tạo nên nàng theo mẫu một cô gái Florence được ông ta bao. Cái hình tượng xanh mướt vừa được gắn vào chỗ của. Nó dưới rầm néo buồm thì cô gái đã bị đưa ra xử về tội hành nghề ma thuật, theo tục lệ thời ấy. Bị tra hỏi trước khi lên dàn thiêu, cô đã tố cáo người lái buôn bảo trợ mình cùng tay nghệ nhân điêu khắc đã lấy các số đo của cô rất thiện nghệ. Nghe nói Portinari đã treo cổ tự tử vì sợ bị hỏa thiêu. Còn nhà điêu khắc thì bị chặt cả đôi bàn tay tài hoa để cho y không bao giờ còn có thể biến những mụ phù thủy thành hình tượng gắn trên mũi thuyền. Trong khi các phiên toà còn đang diễn ra ở Bruges, gây chấn động lớn vì Portinari là một đại phú, thì con thuyền mang cái hình tượng kia rơi vào bàn tay hải tặc của Paul Beneke. Tani, thương gia thứ hai, gục dưới lưỡi rìu của bọn cướp biển. Paul Beneke là nạn nhân tiếp theo: mấy năm sau, do thất sủng trước sự phán xét của giới quý tộc ở thành phố quê hương, hắn bị dìm chết trong sân của Tháp Công Lý. Sau cái chết của Beneke, những con thuyền được gắn cái thớt tượng kia ở đằng mũi thường bốc cháy trước cả khi ra khỏi cảng và ngọn lửa lan cả sang các tàu thuyền khác. Mọi thứ đều cháy trừ cái hình trang trí mũi thuyền, nó có khả năng chịu lửa và, nhờ những đường cong tuyệt mỹ, luôn luôn tìm được những kẻ ái mộ trong số các chủ tàu, thuyền. Nhưng hễ người đàn bà này vừa vào vị trí của mình trên một con tàu là y như rằng nổ ra nội loạn và các thủy thủ, vốn xưa nay ôn hòa, xoay ra chém giết lẫn nhau. Cuộc chinh phạt Đan Mạch không thành công của hạm đội Danzig dưới sự chỉ huy của vị tướng tài Eberhard Ferber vào năm 1522 đã dần tới sự thất sủng của Ferber và cuộc khởi nghĩa đẫm máu trong thành phố. Đành rằng các sách lịch sử có nói đến những cuộc xung đột tôn giáo - năm 1523, một mục sư Tin Lành tên là Hegge dẫn đầu một đám đông tấn công đập phá bẩy nhà thờ xứ - nhưng chúng tôi cứ thích đổ trách nhiệm cho cái hình trang trí mũi thuyền về tai họa kia mà di hại còn kéo dài nhiều năm sau: ai nấy đều biết Nàng Xanh làm đẹp cho mũi tàu của Ferber.
Năm mươi năm sau, khi Stefan Batory hoài công bao vây thàhh phố, Kaspar Jeschke, cha trưởng tu viện Ohra, đã lên án người đàn bà tội lỗi đó trong những bài thuyết pháp xám hối. Vua Ba Lan, được thành phố Danzig này dâng nàng như một tặng phẩm, đã mang nàng theo khắp các nơi hạ trại và đã nghe theo những lời khuyên xấu xa của nàng. Người đàn bà gỗ ấy đã làm hại những chiến dịch Thụy Điển chống thành phố này đến mức nào và dính dáng đến đâu với vụ bắt giam lâu dài Tiến sĩ Aegidius strauch, một người sùng đạo đã âm mưu cùng bọn Thụy Điển và cũng đòi phải đốt người đàn bà xanh khi mà nàng đã lọt trở vào trong thành, những điều đó chúng tôi không biết. Có một lời đồn đại khá mập mờ rằng một thi sĩ tên là Opitz 2 , chạy trốn từ Silesia, được phép cư trú tại thành phố mấy năm, nhưng đã chết sớm vì đã tìm thấy cái hình khắc độc hại đó trên một gác xép và định làm thơ ca ngợi nàng.
Mãi đến cuối thế kỷ 18, vào thời kỳ Ba Lan bị chia cắt, mới có những biện pháp hữu hiệu chống lại nàng. Người Phổ, sau khi dùng vũ lực chiếm thành phố, đã ra một chiếu chỉ của vua Phổ cấm ngặt cái " hình gỗ Niobe". Lần đầu tiên nàng được chỉ đích danh trong một tài liệu chính thức và đồng thời được chuyển đến, hay đúng hơn, bị giam vào Tháp Công Lý, nơi mà Paul Beneke đã bị dìm chết trong sân và từ đó tôi đã thử lần đầu tiên hiệu quả tầm xa của giọng mình. Có lẽ khiếp sợ trước những sản phẩm tinh vi của trí tưởng tượng con người mà tôi đã có dịp kể qua (nàng bị giam ở phòng tra tấn), nàng đã im để không giở giói gì suốt cả thế kỷ 19.
Năm 1925, khi tôi trèo lên đỉnh Tháp Công Lý và ra giọng công phá những cửa sổ Nhà hát thành phố, thì ơn Chúa, Niobe - tên dân gian là "Con Miu Xanh" - đã được mang đi khỏi phòng tra tấn từ lâu rồi. Nếu không thì ai mà biết được liệu cuộc tấn công của tôi vào tòa kiến trúc tân-cổ điển kia có thể thành công hay không?
Chắc Giám đốc Bảo tàng phải là một gã ngu dốt từ nơi khác đến nhập cư vào thành phố nên mới đi rước lấy nàng Niobe hiểm độc đang được khống chế trong phòng tra tấn và, ít lâu sau khi lập quy chế Thành phố Tự do, đem nàng về đặt trong cái Bảo tàng Hải quân tân lập này... Chẳng bao lâu sau, ông ta chết vì nhiễm độc máu: vị quan chức quá hăng hái này đã tự chuốc lấy hiểm họa khi đóng một cái biển chỉ dẫn rằng cô gái trưng bày bên trên là một hình trang trí mũi tàu có tên là Niobe. Người kế tục ông, một con người thận trọng biết rõ lịch sử của thành phố, muốn thải Niobe; ý của ông ta là đem cô gái nguy hiểm bằng gỗ ấy tặng cho thành phố Lubeck. Và chỉ nhờ nhân dân Lübeck từ chối mà cái thành phố nhỏ bên bờ sông Trave đã tồn tại qua các cuộc không kích gần như nguyên vẹn, nếu không kể những ngôi nhà thờ bằng gạch bị phá.
Và như thế, Niobe hay "Con Miu Xanh" ở lại Bảo tàng Hải quân và trong khoảng thời gian mười bốn năm, đã gây ra sự lìa đời của ba vị giám đốc - trong đó không có ông thận trọng, ông này đã xin chuyển đi nơi khác -, sự viên tịch của một giáo sĩ già đứng dưới chân nàng, cái chết bạo liệt của một sinh viên trường cơ khí và hai học sinh vừa tốt nghiệp trường trung học Thánh Pierre và sự ra đi mãi mãi của bốn nhân viên bảo tàng tận tuy, trong đó ba người đã có gia đình. Tất cả, khi họ được tìm thấy, đều có bộ mặt biến dạng, kể cả chàng sinh viên cơ khí, và trong ngực có những vật nhọn thuộc loại chỉ có thể thấy ở những bảo tàng hải quân: dao găm thủy thủ, lao móc săn cá voi, mũi xiên được chạm tinh vi của Bờ Biển Ngà, kim khâu buồm; chỉ có cậu học sinh cuối cùng là buộc phải " tự túc", thoạt tiên dùng con dao nhíp của mình rồi đến cái com-pa học sinh, bởi vì trước đó không lâu, tất cả các vật nhọn trong bảo tàng đều được cột chặt vào dây xích hoặc cất trong tủ kính.
Mặc dầu trong tất cả những trường hợp trên, cảnh sát cũng như nhân viên điều tra tử nạn đều nói đến " tự tử bi thảm", trong thành phố vẫn lan truyền một tin đồn, được phản ánh cả trên mặt báo, rằng: "Con Miu Xanh đã tự tay làm chuyện đó". Người ta thực sự ngờ Niobe đã cho mấy ông mấy cậu nọ xuống âm phủ. Dư luận không ngớt bàn cãi. Các báo dành nhiều cột đặc biệt cho ý kiến bạn đọc về "vụ Niobe".Chính quyền thành phố cho đó là thói mê tín dị đoan lỗi thời và nói rằng họ không hề có ý định hành động hấp tấp trước khi có bằng chứng dứt khoát là điều hung ác siêu phàm đã thực sự xảy ra.
Như vậy bức tượng xanh vẫn tiếp tục là hiện vật hàng đầu của Bảo tàng Hải quân vì Bảo tàng Quận ở Oliva, Bảo tàng thành phố ở đường Fleischergasse cũng như ban quản trị khách sạn Artus đều từ chối không nhận con điên ấy.
Bảo tàng đang thiếu người gác. Và không phải chỉ riêng họ là không muốn dây với trinh nữ bằng gỗ ấy. Các khách vào xem Bảo tàng cũng tránh gian trưng bày cô gái có cặp mắt hổ phách. Trong một thời gian dài, đằng sau những cửa sổ kiểu Phục Hưng cung cấp ánh sáng ngang cần thiết cho bức tượng xanh, là im lặng tuyệt đối. Bụi chồng chất từng lớp. Các chị em lao công làm vệ sinh thôi không đến nữa Còn các phó nháy, trước kia hăm hăm hở hở không tài nào dẹp nổi, thì một tay đã chết ít lâu sau khi chụp Niobe; đành rằng đó là một cái chết tự nhiên thôi, các đồng nghiệp của anh ta đã khớp các sự việc lại và họ thôi không cung cấp ảnh chụp cái hình trang trí mũi thuyền giết người ấy cho báo chí ở Thành phố Tự do, ở Ba Lan, Đức và cả ở Pháp nữa, và thậm chí còn đi đến chỗ loại bỏ Niobe ra khỏi hồ sơ của họ. Từ đó trở đi, họ chỉ dồn mọi cố gắng vào việc chụp hình các cuộc đến và ra đi của các tổng thống, thủ tướng và các vị vua lưu vong, vào các triển lãm gà vịt, các Đại hội toàn quốc của Đảng, các cuộc đua ô-tô và lũ lụt mùa xuân.
Tình hình là như thế khi Herbert Truczinski, sau khi đoạn tuyệt với nghề bồi bàn đồng thời nhất quyết không đi làm hải quan, mặc vào người bộ đồng phục màu xám da chuột của nhân viên bảo tàng và ngồi vào cái ghế da cạnh cửa cái gian phòng được đặt cho cái tên dân đã là "khuê phòng của Miu".
Ngay hôm đầu tiên Herbert nhận việc, tôi theo anh đến bến xe điện ở Quảng trường Max-Halbe. Tôi lo cho anh.
"Về nhà đi, Oskar. Anh không thể đưa em đi theo được." Nhưng tôi cứ đứng đó với cái trống cùng cặp dùi, lì đến nỗi cuối cùng, Herbert phải nhượng bộ: "Thôi được, nhưng chỉ đi đến cổng Cao rồi phải quay về nhá. Ngoan nào." Đến cổng Cao, tôi không chịu đáp tàu số 5 bởi nó sẽ đưa tôi về nhà. Herbert lại phải nhượng bộ, cho tôi theo đến tận phố Đức Chúa Thánh Thần. Trên bậc thềm Bảo tàng, một lần nữa anh lại toan bỏ tôi lại. Rồi với một tiếng thở dài, anh đành mua một vé vào cửa cho trẻ con. Thật ra tôi đã mười bốn tuổi và lẽ ra phải trả cả tiền nhưng khi người ta không biết thì nào có mất gì !
Chúng tôi có một ngày yên tĩnh, dễ chịu. Không có khách đến xem, không có thanh tra. Thỉnh thoảng tôi dạo trống một lát; thỉnh thoảng Herbert lại ngủ độ một tiếng. Niobe phóng tia nhìn hổ phách vào thế giới và chĩa cặp vú nhằm một mục tiêu không phải là chúng tôi. Chúng tôi không để ý đến nàng. "Cô ta không phải '' týp'' của anh," Herbert nói, vẻ miệt thị. "Nhìn coi, những lớp mỡ kia. Nhìn coi, cô ả đã hai cằm rồi kìa."
Anh nghiêng nghiêng đầu và trở nên mơ màng: "Xem kìa, mông gì mà như cái tủ quần áo. 'Gu' của Herbert này thiên về những em xinh xắn, thanh mảnh cơ."
Tôi lắng nghe Herbert mô tả 'týp' của anh và nhìn hai bàn tay to như cái xẻng của anh mô phỏng những đường cong của một mẫu người nhỏ bé, yêu kiều thuộc phái đẹp mà trong nhiều năm, thực tế là cho đến tận bây giờ và thậm chí dưới lớp nguy trang của một bộ đồng phục nữ y tá, vẫn còn là lý tưởng của tôi về đàn bà.
Đến ngày thứ ba sống và làm việc ở Bảo tàng, chúng tôi mạo hiểm di chuyển khỏi cái ghế bên cạnh gian phòng. Lấy cớ làm vệ sinh - mà quả là phòng cũng không đẹp mắt thật - chúng tôi đi tới đi lui, phủi bụi, quét mạng nhện trên mặt gỗ sồi, dần dà tiến đến chỗ bức tượng gỗ màu xanh đổ bóng dưới ánh mặt trời. Sẽ là không chính xác nếu nói rằng chúng tôi hoàn toàn dửng dưng với Niobe. Nét đẹp của nàng tuy nặng nề nhưng đâu có xồ xề và nàng thăng thắn phô nó ra không chút rụt rè. Nhưng chúng tôi không nhìn nàng với con mắt thèm muốn. Đúng hơn, chúng tôi nhìn nàng theo cách của những kẻ sành điệu, sắc sảo xem xét đánh giá mọi chi tiết. Herbert và tôi là hai nhà thẩm mỹ say cái đẹp một cách tĩnh táo, cái đẹp trùn tượng. Chúng tôi giơ ngón cái đo ướm các kích thước cân đối nữ. Đùi Niobe hơi ngắn; ngoài cái đó, chúng tôi thấy các số đo chiều dài của nàng đáp ứng đúng với lý tương cổ điển; tuy nhiên, về chiều ngang: hông, vai và ngực thì phải xét theo tiêu chuẩn Hà Lan chứ không theo tiêu chuẩn Hy Lạp.
Herbert nghiêng nghiêng ngón tay cái: "Ả này mà lên giường thì khác nào con ngựa cái, Herbert không kham nổi. Herbert đã đấu vật chán chê ở Ohra và Fahrwasser rồi, chả cần đến nữ đô vật nữa." Herbert có khẩu vị tinh tế. " Ờ, nếu là một em xinh xẻo nắm gọn trong lòng tay được, liễu yếu đào tơ đến độ phải gượng nhẹ để khỏi làm em gẫy đôi thì Herbert không phản đối".
Kể ra, nếu đi vào chuyện thực tế thì chúng ta ắt chả phải chê gì cả Niobe lẫn cái thân hình đô vật của nàng. Herbert thừa biết là mức độ hăng hái hay thụ động mà anh thích hay không thích ở phụ nữ khỏa thân hay bán khỏa thân, không chỉ hạn chế ở 'týp' thanh mảnh mà loại trừ 'týp' mũm mĩm hay mập mạp; có những cô gái mảnh dẻ không thể nằm yên lấy một phút và những phụ nữ to bằng cánh phản mà phẳng lặng như mặt nước ao tù. Chúng tôi đã cố tình đơn giản hóa, thu gọn toàn bộ vấn đề vào hai vế và nhục mạ Niobe trên nguyên tắc. Chúng tôi đã thô bạo với nàng một cách khó bề tha thứ. Herbert bế tôi lên để tôi có thể lấy dùi trống gõ vào vú nàng, làm bốc ra những đám mạt cưa phi lý từ những lỗ mọt của nàng (nàng đã được phun thuốc, làm sao có mọt?). Trong khi tôi gõ, chúng tôi nhìn vào đôi mắt hổ phách của nàng. Không động đậy, không nhảy, cũng chẳng thấy giọt nước mắt nào... Mắt nàng không hề nheo lại, toé ánh căm thù hoặc hăm dọa. Hai viên hổ phách nhẵn bóng, vàng vàng (chứ không đo đỏ), phản chiếu toàn bộ gian phòng với mọi thứ trong đó, tuy bị biến dạng bởi mặt cầu lồi. Hổ phách là lừa bịp, ai lạ gì! Chúng tôi cũng biết sự gian trá của cái sản phẩm nhựa cây được phong là châu báu này. Tuy nhiên, ngoan cố phân loại tất cả những gì là nữ thành hai vế: hăng hái và thụ động theo cái cách máy móc của đàn ông chúng tôi, bọn tôi lý giải sự vô cảm rành rành của Niobe theo một cách có lợi cho bọn tôi. Chúng tôi cảm thấy an toàn. Với một tiếng cười độc ác, Herbert ấn ấn móng tay vào bánh chè của nàng, mỗi nhát đều làm đầu gối tôi đau mà nàng không hề nhướn một sợi lông mi. Ngay dưới mắt nàng, chúng tôi chơi đủ các trò nhí nhố. Herbert mặc cái áo khoác ngoài của một đô đốc hải quân Anh, đội cái mũ đồng bộ của ông ta, tay cầm chiếc ống nhòm. Với một cái áo gi-lê đỏ và một bộ tóc giả, tôi cải trang thành tiểu đồng của vị đô đốc. Chúng tôi diễn lại trận Trafalgar, ném bom Copenhagen, đánh tan hạm đội của Napoléon ở Aboukir, vòng hết mũi đất này đến mũi đất khác, lấy những tư thế lịch sử rồi đương đại. Tất cả những trò đó ngay dưới mắt Niobe, hình trang trí đầu mũi tàu được gọt đẽo theo những kích thước của một nữ phù thủy Hà Lan. Chúng tôi tin rằng dù có thấy chúng tôi làm thế, nàng cũng dửng dưng.
Giờ đây tôi biết rằng tất cả mọi thứ đều quan sát, rằng không có gì là khuất mắt và rằng ngay cả giấy phủ tường cũng nhớ dai hơn chúng ta. Không phải Chúa ở trên trời là nhìn thấy tất cả. Một cái ghế bếp, một cái mắc áo, một cái gạt tàn thuốc gần đầy hoặc tượng chân dung bằng gỗ của một người đàn bà tên là Niobe, đều có thể là nhân chứng không quên cho mọi hành động của chúng ta.
Chúng tôi cùng đến làm việc ở Bảo tàng Hải quân được hai tuần hay nửa tháng gi đó. Herbert tặng tôi một cái trống và hai lần đem lương tuần (gồm cả trợ cấp nguy hiểm) về nhà cho Mamăng Truczinski. Một ngày thứ ba - Bảo tàng đóng cửa ngày thứ hai nhân viên thu ngân đã từ chối bán vé trẻ con và dứt khoát không cho tôi vào. Herbert hỏi tại sao. Cộc cằn nhưng không phải thiếu thiện ý, bác thu ngân cho chúng tôi biết có một ông bố đưa đơn khiếu nại, đề nghị từ nay không cho trẻ con vào bảo tàng nữa. Bác ta không phản đối nếu tôi ở dưới này chờ bên cạnh cửa bán vé; bác bận công việc, lại goá vợ nữa nên không trông tôi được, nhưng dù thế nào đi nữa, bác cũng không muốn để cho tôi vào " khuê phòng của Miu", vì tôi vô trách nhiệm.
Herbert đã sắp sửa chịu phép, nhưng tôi lại thúc anh, khích anh, Một mặt, anh đồng ý là bác thu ngân có lý, mặt khác, anh nói tôi là lá bùa mang lại may mắn cho anh, là thiên thần bảo hộ của anh, sự ngây thơ trẻ con của tôi che chở cho anh. Tóm lại, Herbert gần như kết bạn với bác thu ngân và thuyết phục được bác để cho tôi vào Bảo tàng Hải quân " một lần cuối" - câu này là của bác thu ngân.
Một lần nữa, anh bạn to lớn của tôi lại dắt tay tôi leo cái cầu thang xoáy trôn ốc trang trí cầu kỳ, mới lau dầu, lên tầng hai, nơi Niobe ở. Buổi sáng đã yên tĩnh, buổi chiều còn yên tĩnh hơn. Herbert ngồi lim dim mắt trên chiếc ghế da với những đầu đinh vàng. Tôi ngồi dưới chân anh. Cái trống của tôi im lìm. Chúng tôi hấp háy mắt nhìn đám tàu thuyền các loại: thuyền buồm lớn, nhỏ, thuyền buồm dọc, thuyền một cột buồm, thuyền năm cột buồm, tàu hộ tống nhỏ, sà-lúp, tàu chạy dọc bờ biển, tàu hải quân, tất cả treo trên panô gỗ sồi, đợi khi thuận gió để lên đường. Chúng tôi tập hợp hạm đội trên sa bàn, cùng nó đợi gió hây hẩy lên, chúng tôi sợ cái yên tĩnh bao trùm trong " khuê phòng''. Chúng tôi làm tất cả những cái đó để tránh phải nhìn và sợ Niobe. Chúng tôi sẵn sàng đánh đổi tất cả để được nghe thấy tiếng mọt nghiến, chứng rằng bên trong thớt gỗ xanh này đang bị ăn mòn và đục ruỗng một cách chậm chạp nhưng chắc chắn, rằng Niobe có thể chết! Nhưng chả nghe thấy con mọt nào cả. Người ta đã rây thuốc chống mọt cho cái thân thể gỗ này, làm cho nó thành bất tử. Chúng tôi chỉ còn bấu víu vào cái hạm đội sa bàn, cái hy vọng điên rồ vào một ngọn gió thuận. Chúng tôi bày trò chơi do sợ Niobe, chúng tôi làm hết sức mình để lờ nàng đi, quên nàng đi và lẽ ra chúng tôi đã có thể đạt được mục tiêu nếu như ánh nắng chiều không đột nhiên rọi thắng vào con mắt hổ phách bên trái của nàng, làm nó rực cháy.
Tuy nhiên, sự bốc lửa ấy lẽ ra không làm chúng tôi ngạc nhiên. Chúng tôi không lạ gì những chiều nắng trên tầng hai của Bảo tàng Hải quân, chúng tôi thừa biết mấy giờ đã hoặc sắp điểm khi ánh hắng lọt vào dưới gờ cửa và thắp sáng những con tàu. Những ngôi nhà thờ xung quanh cũng góp phần phân đoạn theo thời khắc tiến trình của ánh nắng trong đó bụi xoáy lộn, gửi những hồi chuông lịch sử của chúng đến bạn bầu với những sưu tập lịch sử của chúng tôi.Có gì là lạ khi ánh nắng cũng mang tính chất lịch sử, trở thành một mục trong bộ sưu tập của Bảo tàng và chúng tôi bắt đầu ngờ là nó đã âm mưu với đôi mắt hổ phách của Niobe.
Nhưng buổi chiều hôm ấy, chúng tôi không có hứng chơi hoặc làm những trò khiêu khích dấm dớ, con mắt rực lửa của Niobe càng khiến chúng tôi ngạc nhiên gấp bội. Ngao ngán, chúng tôi chờ nốt nửa tiếng nữa: Bảo tàng đóng cửa vào năm giờ đúng.
Hôm sau, Herbert đi làm một mình. Tôi theo anh đến Bảo tàng, nhưng tôi không thích chờ bên cạnh cửa bán vé, mà tìm một chỗ ở bên kia đường. Tôi ngồi cùng cái trống trên một quả cầu bằng granít đằng sau có một cái đuôi dài cho người lớn làm tay vịn. Khỏi cần phải nói là bên kia cầu thang cũng có một quả cầu tương tự với một cái đuôi bằng gang tương tự. Thỉnh thoảng tôi mới đánh trống, nhưng đã đánh thì đánh to dữ dội, để phản kháng những người qua đường, phần lớn là nữ, cứ thích dừng lại nói chuyện với tôi, hỏi tên tôi và đưa bàn tay nhơm nhớp mồ hôi vuốt mái tóc ngắn nhưng đẹp và hơi lượn sóng của tôi. Buổi sáng qua đi. Đầu phố Đức Chúa Thánh Thần, con gà mái bằng gạch đỏ đen của Nhà thờ Nữ Thánh Marie với cái tháp nhọn màu xanh lục đang ấp trứng dưới các gác chuông to xụ. Những con bồ câu đẩy nhau ra khỏi những hốc trên tường tháp và đậu xuống cách tôi không xa. Chúng líu lô líu lường nói những chuyện nhăng nhít gì với nhau; chúng hoàn toàn không biết con gà mái còn ấp bao lâu nữa, hoặc cái gì sẽ nở ra từ đó, hoặc liệu cái cuộc ấp kéo dài bao thế kỷ này có phải chính là một mục đích tự thân hay không.
Đến trưa, Herbert ra. Từ cái cạp lồng mà Mamăng Truczinski lèn chặt đến nỗi không đóng lại được, anh moi ra một ổ xăng-wuých với một khúc dồi tiết bằng ngón tay và đưa cho tôi. Tôi cảm thấy miệng không muốn ăn. Herbert gật đầu như cái máy động viên tôi. Cuối cùng tôi ăn, còn Herbert thì không ăn mà chỉ hút thuốc. Trước khi quay về Bảo tàng, anh đến một tiệm bar ở phố Brothönken (tôi cũng đi theo) làm mấy ly rượu gừng. Tôi nhìn cái cục hầu của anh khi anh cạn ly. Tôi không thích cái cách anh nốc rượu. Khá lâu sau khi anh đã lên cái cầu thang xoáy trôn ốc, khá lâu sau khi tôi đã trở về chỗ quả cầu granít, Oskar vẫn còn thấy cục hầu của Herbert bạn nó lên lên xuống xuống.
Ánh chiều trườn qua cái mặt tiền đa sắc nhạt thếch của Bảo tàng. Nó nhảy từ gờ này sang gờ kia, cười lên các nữ thần và sừng phồn thịnh, nuốt chửng những thiên thần mũm mĩm đang với tay ngắt hoa, xông vào giữa một cuộc các-na-val ở nông thôn, chơi bịt mắt bắt dê, trèo lên một cái đu kết hoa hồng, đem lại vẻ tôn quy cho một nhóm trưởng giả mặc quần ống thụng đang bàn chuyện làm ăn, chiếu vào một con hươu đang bị đàn chó đuổi riết, và cuối cùng, lên tới cửa sổ tầng hai, ở đó mặt trời được phép, trong một thoáng ngắn ngủi mà cũng là vĩnh viễn, chiếu sáng một con mắt hổ phách.
Tôi từ từ tụt khỏi quả cầu granít. Cái trống của tôi va mạnh vào nó, Mấy mảng sơn tróc ra, rơi xuống lấm tấm trắng đỏ trên bậc thềm đá.
Có thể tôi đã xướng một điều gì, có thể tôi đã lẩm nhẩm một lời cầu nguyện hay một danh sách: một lát sau, xe cấp cứu xịch đến trước cửa Bảo tàng. Người qua đường xúm quanh cửa vào. Oskar lẻn được vào trong cùng với tổ cấp cứu. Tôi tìm được lối lên cầu thang nhanh hơn họ; mặc dầu sau những sự cố trước đây, lẽ ra họ đã phải thuộc đường đi lối lại trong toà nhà.
Tôi phải cố hết sức mới nhịn được cười khi trông thấy Herbert. Anh đang lủng lẳng phía trước Niobe, anh đã định nhảy với nàng. Đầu anh phủ lên đầu nàng. Hai cánh tay anh quấn lấy hai cánh tay nàng giơ cao và chắp vào nhau. Anh cởi trần đến thắt lưng. Chiếc sơ-mi của anh, sau đó được tìm thấy, gấp gọn ghẽ trên chiếc ghế da ở cạnh cửa. Lưng anh phô hết cả bộ sưu tập sẹo. Tôi đọc, đếm các hình. Không thiếu cái nào cả. Nhưng cũng không thấy phác họa một hình mới nào.
Tổ cấp cứu chạy tới ngay sau tôi, phải khó khăn lắm mới gỡ được Herbert ra khỏi Niobe. Trong cơn cuồng dục, anh đã giựt một cái rìu thủy thủ hai lưỡi khỏi dây xích an toàn; một lưỡi, anh chém vào Niobe còn lưỡi kia, trong đà tấn công điên dại, cắm ngược trở lại vào chính anh. Thành thử, ở phần trên, sự liên kết thật là hoàn hảo, nhưng bên dưới thì, than ôi, anh không kiếm được chỗ để cắm neo và từ dải khuy quần để mở, dương vật của anh thòi ra, còn cứng ngắc và bối rối.
Khi người ta phủ lên Herbert tấm mền có dòng chữ " Sở Cấp Cứu Thành Phố'', Oskar, như mỗi lần hứng chịu một mất mát, lại quay về với cái trống của mình. Nó vẫn còn dùng nắm tay để đánh trống khi những người gác Bảo tàng dắt nó ra khỏi " Khuê phòng của Miu", xuống cầu thang và cuối cùng, ấn nó vào một xe cảnh sát đưa nó về nhà.
Ngay cả đến bây giờ, trong cái nhà thương điên này, khi nhớ lại cái vụ mưu toan ân ái giữa xác thật với gỗ, Oskar vẫn buộc phải đánh trống bằng hai nắm đấm để một lần nữa khảo sát cái lưng sần sùi, nhiều màu của Herbert, cái mê cung nhằng nhịt sẹo vừa rắn đanh vừa nhạy cảm, những vết sẹo dự báo và tiên tri, những vết sẹo rắn hơn, nhạy cảm hơn mọi thứ. Như một người mù, Oskar đọc những dòng chữ nổi trên cái lưng ấy.
Mãi đến đoạn này, khi họ gỡ được Herbert ra khỏi bức tượng vô cảm, thì Bruno, gã y tá coi giữ tôi, mới xuất hiện với cái đầu quả lê chán ốm của gã. Gã khéo léo cất tay tôi khỏi cái trống, treo trống lên cột trái phía cuối cái giường sắt của tôi và vuốt phẳng lại mền cho tôi.
"Chà, ông Matzerath " gã dịu dàng trách tôi, "nếu ông cứ tiếp tục đánh trống to thế, người ta sẽ nghe thấy ông đánh quá to. Ông có muốn nghĩ một chút hoặc đánh khẽ đi một tí không?
Phải, Bruno, tôi sẽ thử đọc cho cái trống của tôi một chương tĩnh lặng hơn mặc dầu đề tài của chương này đòi hỏi một dàn nhạc gồm những kẻ khát khao, cuồng khấu.
--- ------ ------ ------ -------
1. Hans Memling (1430 ?-1495), họa sĩ xứ Flandres trường phái Flamăng (Plamand), chuyên vẽ tranh tôn giáo. Tác phẩm chính: tranh bộ ba Đám cưới Nữ thánh Catherine, Phán xét cuối cùng, Thánh Christophe, Thomas Portinari và vợ và nhiều chân dung Đức Mẹ Maria.
2. Martin Opitz, nhà thơ và kịch tác giả Đức, sinh 1597 ở Bunzlau, chết 1639 ở Danzig. Có vai trò quan trọng trong sự phát triển sân khấu Đức trong thế kỷ 17.
Nhấn vào đây để xem chương mới nhất của Ebook Cái trống thiếc.