Quyển I: Lòng tin, hy vọng, tình yêu
-
Cái trống thiếc
- Günter Grass
- 4726 chữ
- 2020-05-09 03:50:24
Số từ: 4702
Dịch giả: Dương Tường.
Đánh máy & Hiệu đính: galazyrulz, tducchau, Ct.Ly
Nguồn: casau - NHÀ XUẤT BẢN HỘI NHÀ VĂN - VNthuquan.net
Xưa có một nhạc sĩ tên là Meyn; anh chơi kèn t'rompet (trompette) tuyệt vời không lời nào tả xiết. Anh sống trên tầng năm một khu chung cư, ngay sát mái; anh nuôi bốn con mèo, một con tên là Bismarck và anh uống rượu gừng từ sáng đến đêm. Cứ thế, cho đến khi tai họa làm anh tĩnh rượu.
Ngay cả đến giờ, Oskar vẫn không thích tin vào điềm báo. Nhưng tôi phải thừa nhận rằng hồi ấy, có khá nhiều điềm báo tai họa. Tai họa, đi những đôi ủng ngày càng lớn hơn, đang đến gần bằng những bước ngày càng dài hơn. Chính vào thời kỳ đó, anh bạn Herbert của tôi đã chết vì một vết thương nơi ngực do một người đàn bà bằng gỗ gây nên. Người đàn bà không chết. Nàng được đưa xuống niêm phong dưới hầm của Bảo tàng, nói là để phục chế lại, dù thế nào cũng cần được bảo tồn. Nhưng người ta không thể nhốt tai họa trong một căn hầm. Nó thoát theo đường cống, tràn vào các ống dẫn ga và xâm nhập mọi hộ gia đình cùng với khí ga. Và không ai, khi đặt nồi xúp trên ngọn lửa xanh, lại ngờ rằng tai họa đang nấu sôi bữa ăn tối của mình.
Khi Herbert được an táng tại nghĩa trang Langfuhr, một lần nữa tôi lại gặp Leo Schugger mà tôi đã làm quen ở Brenntau. Miệng xớt dãi, anh ta chìa đôi găng trắng mốc thếch ngỏ lời phân ưu những lời rối rắm xáo trộn cả vui lẫn buồn - với tất cả những ai có mặt trong đám tang: Mamăng Truczinski, Guste, Fritz và Maria Truczinski, bà Kater to béo, già Heilandt, người giúp Mamăng Truczinski làm thịt những con thỏ của Fritz vào những ngày lễ, ông bố hờ Matzerath của tôi, người đã bao hẳn một nửa chi phí cho tang lễ (thi thoảng ông cũng biết tỏ ra hào phóng như vậy), thậm chí với cả Jan Bronski vốn chỉ quen Herbert sơ sơ và đến dự chỉ cốt gặp lại Matzerath và có lẽ cả tôi nữa trên mảnh đất trung lập của một nghĩa trang.
Khi đôi găng của Leo Schugger chấp chới về phía Meyn t'rompet trong trang phục nửa SA nửa dân sự, thì cũng là lúc diễn ra một điềm báo tai họa khác.
Đột nhiên hoảng hốt, đôi găng trắng của Leo bay lên, kéo anh ta về phía mộ. Người ta nghe thấy anh ta thét lên và những lời chữ tơi tả vương vãi trong không khí nghĩa trang chẳng có gi liên quan với chuyện phân ưu cả.
Không ai tách ra khỏi Meyn t'rompét, người được Leo nhận ra và chú ý đặc biệt. Vậy mà anh trơ khấc giữa đám người đưa tang. Anh bối rối mân mê cây kèn t'rompet mà anh chủ tâm mang theo và đã chơi tuyệt vời trên mộ Herbert. Tuyệt vời bởi vì Meyn đã làm cái điều mà lâu nay anh không làm, anh đã trở lại với chai rượu gừng của anh, bởi vì anh cùng tuổi với Herbert và cái chết của Herbert, trong khi làm tôi và cái trống của tôi im tiếng, đã khiến anh xúc động sâu sắc.
Xưa có một nhạc sĩ tên là Meyn, anh chơi t'rompet tuyệt vời không lời nào tả xiết. Anh sống trên tầng năm một khu chung cư, ngay sát mái; anh nuôi bốn con mèo, một con tên là Bismarck và anh uống rượu gừng từ sáng đến đêm, cho đến cuối 1936 hay đầu 1937 gì đó, anh gia nhập Kỵ đoàn SA. Chơi t'rompét trong dàn nhạc, anh ít phạm lỗi hơn trước nhiều, nhưng tiếng kèn của anh chẳng còn tuyệt vời đến mức không lời nào tả xiết nữa, bởi vì, khi anh xỏ vào cái quần cưỡi ngựa với cái đũng bằng da, anh bỏ chai rượu gừng và từ đó, tiếng kèn của anh tỉnh táo và to, có thế thôi, không hơn.
Khi binh nhì SA Meyn mất người bạn cố tri Herbert Truczinski, người đã cùng anh, trong những năm 20, tham gia một nhóm thanh niên cánh tả, khi bạn anh đến lúc phải nằm trong lòng đất, Meyn vớ lấy chiếc kèn và chai rượu gừng của mình. Bởi anh muốn chơi tuyệt vời chứ không tỉnh táo; những ngày trong ban nhạc kỵ binh dù sao cũng chưa hủy được cái tai âm nhạc của anh. Tới nghĩa trang, anh tợp nốt ngụm rượu cuối cùng và trong khi chơi, anh vẫn giữ nguyên chiếc măng tô dân sự bên ngoài bộ đồng phục SA, mặc dù anh đã định chơi trong đồng phục nâu, nhưng, dĩ nhiên, không đội mũ.
Xưa có một nhân viên SA, trong khi chơi t'rompet tuyệt vời đến mức không lời nào tả xiết trước mộ bạn, vẫn để nguyên chiếc măng tô dân sự trùm ra ngoài bộ đồng phục Kỵ binh SA. Khi Leo Schugger, một nhân vật có mặt ở mọi nghĩa trang, tiến đến để ngỏ lời chia buồn, ai nấy đều nhận phần phân ưu của anh ta. Chỉ riêng gã SA là không được cái đặc quyền nắm bàn tay đi găng trắng của Leo bởi vì Leo nhận ra gã SA, thét lên một tiếng sợ hãi và rụt về cả găng lẫn lời phân ưu. Gã SA về nhà với chiếc kèn lạnh và không một lời phân ưu.Trong căn phòng áp mái của chung cư chúng tôi, gã tìm thấy bốn con mèo của mình.
Xưa có một gã SA tên là Meyn. Để lưu dấu cái thời gã uống rượu gừng tối ngày và chơi tTompét tuyệt vời không lời nào tả xiết, Meyn vẫn nuôi bốn con mèo, trong đó một con tên là Bismark. Một hôm, trở về từ đám ma người bạn cố tri Herbert Truczinski, tỉnh rượu và buồn bã vì có kẻ đã không chịu ngỏ lời phân ưu với mình, gã SA thấy mình hoàn toàn cô đơn với bốn con mèo. Lũ mèo cọ mình vào đôi ủng kỵ binh của gã và Meyn cho chúng một lô đầu cá trích gói trong giấy báo. Thế là chúng buông tha cho đôi ủng. Ngày hôm đó, căn phòng nồng nặc mùi mèo hơn mọi khi, mùi của bốn con mèo, tất cả đều đực, một con tên là Bismarck mình đen chân trắng. Nhưng Meyn không còn rượu ở trong nhà, vì thế mùi mèo lại càng không chịu nổi. Kể ra gã có thể mua chút rượu ở cửa hàng chúng tôi nếu gã không ở tít tầng năm, ngay sát mái. Nhưng hơn cả nỗi ngại phải lên xuống cầu thang, gã còn sợ cả hảng xóm nữa: trước mặt họ, gã đã nhiều lần lớn tiếng thề rằng không bao giờ một giọt rượu gừng còn lọt qua đôi môi nhạc sĩ của gã nữa, rằng gã đã bước vào một cuộc đời mới triệt để không chè chén say sưa, rằng từ nay trở đi, phương châm của gã là trật tự quy củ và có mục đích, đoạn tuyệt vời những cơn say sưa của một thời tuổi trẻ bừa bãi và vô mục đích.
Xưa có một người tên là Meyn. Một hôm, khi anh ta thấy mình hoàn toàn cô đơn trong căn phòng áp mái với bốn con mèo đực, một con tên là Bismarck, anh thấy mùi mèo trở nên đặc biệt ghê tỗm, vì sáng hôm ấy anh đã gặp chuyện khó chịu và cũng vì anh không còn rượu gừng trong phòng. Khi cơn khát rượu và nỗi bực mình và cùng với chúng, mùi mèo đã lên đến một độ nào đó, thì Meyn, một nhạc công chuyên nghiệp, một thành viên của Kỵ đoàn SA, vớ lấy cái que cời lửa dựa vào cái bếp lò lạnh ngắt và quật túi bụi vào lũ mèo cho đến lúc có thể đoán chắc rằng cả lũ, kể cả con tên là Bismarck, đã chết đứ đừ, mặc dầu mùi mèo trong phòng vẫn không hề bớt nồng nặc đi tí nào
Xưa có một bác thợ đồng hồ tên là Laubschad sống ở tầng hai khu chung cư của chúng tôi trong một căn hộ hai phòng có cửa sổ nhìn xuống sân. Bác thợ đồng hồ Laubschad không có vợ, có chân trong Tổ chức Cứu tế Quốc-Xã và Hội Bảo vệ Súc vật. Bác là một người nhân hậu thích giúp đỡ tất cả những con người mệt mỏi, súc vật ốm cũng như những cái đồng hồ hỏng. Một buổi chiều, bác thợ đồng hồ đang ngồi tư lự bên cửa sổ, ngầm nghĩ về đám tang người hàng xóm mà bác đã dự sáng hôm đó, thi bỗng trông thấy Meyn, gã nhạc sĩ ở tầng năm cùng nhà, xách một cái bao tải đầy đến nửa, hình như ướt ở dưới đáy và nhỏ giọt tong tỏng. Meyn vào trong sân và ấn cái bao tải vào một thùng rác. Nhưng vì thùng rác đã đầy tới ba phần tư nên gã nhạc sĩ khó mà đậy nắp lại.
Xưa có bốn con mèo đực, một con tên là Bismarck. Những con mèo đực này thuộc về một nhạc sĩ tên là Meyn. Vì những con mèo đực không bị thiến này phát ra một mùi hừng hực không dẹp nổi, gã nhạc sĩ đã đập chết chúng bằng một cái que cời lửa vào một hôm mà vì những lý do đặc biệt, gã thấy cái mùi đó đặc biệt tởm lợm, nhét xác chúng vào một cái bao tải đựng khoai tây, mang cái bao xuống bốn tầng cầu thang và rất nóng lòng thẩy mau cái bọc vào thùng rác cạnh cái giá đập thảm; chất vải bao tải thấm nước và do đó, thấm máu nên chưa xuống hết nửa cầu thang máu đã bắt đầu nhỏ giọt. Nhưng vì thùng rác đã gần đầy, gã nhạc sĩ phải lèn rác và cái bọc xuống để có thể đóng nắp được. Gã vừa rời khỏi sân đi ra phố vì gã không muốn quay về phòng, cái căn phòng mặc dầu không còn mèo nhưng vẫn sực mùi mèo - thì khối rác bị lèn bắt đầu phình ra, đẩy cái bọc và cả nắp thùng lên.
Xưa có một nhạc sĩ, anh ta giết bốn con mèo của mình, vùi chúng vào một thùng rác, ra khỏi nhà và đến chơi nhà bạn.
Xưa có một bác thợ đồng hồ ngồi trầm tư bên cửa sổ, trông thấy gã nhạc sĩ Meyn nhét một cái bao khoai tây ních gần đầy vào thùng rác rồi nhanh chóng rời khỏi sân. Vài phút sau khi Meyn đi khỏi, bác thấy nắp thùng rác bắt đầu ngẩng lên và tiếp tục từ từ ngẩng lên.
Xưa có bốn con mèo đực, vì chúng nồng nặc một mùi đặc biệt vào một ngày đặc biệt nào đấy, chúng đã bị đánh chết, nhét vào một cái bao tải đựng khoai tây và vùi vào một thùng rác. Nhưng lũ mèo, trong đó có một con tên là Bismarck, chưa chết hẳn; như người ta nói, chúng có những bẩy vía. Chúng ngọ nguậy trong bao tải, làm chuyển động nắp thùng rác và đặt ra cho bác thợ đồng hồ Laubschad vẫn đang ngồi trầm tư bên cửa sổ câu hỏi như sau: có gì trong cái bao tải mà Meyn đã ném vào thùng rác?
Xưa có một bác thợ chữa đồng hồ không thể dửng dưng nhìn một cái gì ngọ nguậy trong một thùng rác. Bác bèn ra khỏi căn hộ trên tầng hai, xuống sân, nhấc cái nắp thùng rác, mở cái bao tải, mang bốn con mèo đực bị đánh tơi tả nhưng vẫn còn sống về nhà mình và chạy chữa cho chúng. Nhưng đêm sau chúng vẫn chết dưới những ngón tay thành thạo chữa đồng hồ của bác. Điều đó khiến bác không còn cách nào khác ngoài việc trình lên Hội Bảo vệ Súc vật mà bác là một thành viên và báo cho tổ chức đảng của địa phương về một trường hợp đối xử tàn bạo với súc vật có thể làm hại đến thanh danh của đảng...
Xưa có một gã SA đã giết bốn con mèo bằng một cái que cời lửa. Nhưng vì lũ mèo chưa chết hẳn nên chuyện bị lộ và một người thợ đồng hồ đã tố cáo gã. Vụ này được đưa ra xử và gã SA đã phải nộp phạt. Nhưng câu chuyện cũng được bàn luận trong nội bộ SA, kết quả là gã SA kia bị khai trừ vì hành vi không xứng đáng. Ngay cả sự dũng cảm nổi bật của gã vào cái đêm 8 tháng 11, sau này gọi là Đêm Pha Lê, khi gã góp phần đốt cháy ngôi đền Do Thái giáo ở đường Thánh Michel, ngay cả hoạt động đáng khen của gã ngày hôm sau khi một số cửa hàng (được chỉ định trước) phải đóng cửa vì lợi ích quốc gia, cũng không ngăn nổi việc khai trừ gã khỏi Kỵ đoàn SA. Vì sự tàn bạo vô nhân đạo đối với súc vật, gã bị gạch tên khỏi danh sách hội viên. Phải một năm sau, gã mới được kết nạp vào đội cảnh vệ mà về sau được sáp nhập vào Waffen SS.
Xưa có một người chủ hiệu tạp hóa, một hôm vào tháng 11, đóng cửa hàng vì trên phố đang có chuyện; dắt tay đứa con trai Oskar, ông đáp chuyến xe điện số 5 đi đến cổng Langasse vì ở đó cũng như ở Zoppot và Langfuhr, ngôi đền Do Thái giáo đang cháy. Ngôi đền đã gần như cháy trụi và lính cứu hỏa đang cố giữ sao cho ngọn lửa khỏi lan sang các nhà khác. Bên ngoài ngôi đền tan hoang, những đám người vận đồng phục hoặc dân sự đang chất những đồ thờ, sách vở và những tấm vải kỳ lạ thành đống. Gò đang cháy và người chủ hiệu tạp hỏa thừa cơ sưởi ấm cả tay lẫn tình cảm bằng ngọn lửa công cộng. Nhưng Oskar con trai ông, thấy cha mình đang bận bịu và bừng bừng như thế, liền lẻn đi và hối hả chạy về phía Ngõ Binh Công Xưởng vì nó lo cho đám trống thiếc sơn hai màu trắng đỏ của mình.
Xưa có một người chủ hiệu đồ chơi tên là Sigismund Markus. Trong số các mặt hàng, có những cái trống thiếc sơn đỏ và trắng. Chú bé Oskar nói trên là khách hàng chính của những cái trống đó, vì chú là người đánh trống chuyên nghiệp và chú không thể cũng như không muốn sống thiếu trống. Vì lý do đó, Oskar vội vã rời khỏi ngôi đền Do Thái giáo đang cháy, chạy đến Ngõ Binh Gông Xưởng bởi vì người giữ những cái trống của nó ở đấy; nhưng nó thấy ông ta trong một tình trạng khiến mãi mãi từ nay về sau ông không còn có thể bán trống trên đời này.
Bọn chúng - chính đám lính cứu hỏa mà tôi, Oskar, tưởng mình đã trốn khỏi - đã đến chỗ Markus trước tôi; nhúng một cái bút lông vào sơn, chúng đã viết bằng mẫu tự Sütterlin bốn chữ: "Đồ lợn Do Thái" chạy chéo suốt mặt kính cửa hàng của bác; rồi, có lẽ ghê tởm dòng chữ viết tay của chính mình, chúng đã lấy gót ủng đập vỡ tan mặt kính thành thử cái từ định tính chúng gán cho Markus chỉ có thể đoán ra được mà thôi... Coi khinh cửa chính, chúng vào trong nhà bằng tủ kính vừa đập vỡ và ở đó, chủng chơi với đám đồ chơi theo cách đặc biệt của chúng.
Tôi bắt gặp chúng vẫn đang chơi khi tôi bước vào cửa hiệu cũng qua lối tủ kính. Một số đã kéo quần xuống và trút những thỏi xúc xích nâu trong đó còn thấy lổn nhổn những hạt đậu mới tiêu một nửa lên những chiếc thuyền buồm, những chú khỉ kéo vĩ cầm, lên cả những cái trống của tôi nữa. Tất cả bọn chúng trông giống như Meyn t'rompét, chúng mặc đồng phục SA như Meyn, nhưng Meyn không có ở đó; cũng như những tên ở đó thì không
Một tên đã rút đao găm ra. Hắn đang mổ bụng những con búp bê và hắn có vẻ thất vọng mỗi lần thấy chẳng có gì ngoài mạt cưa phòi ra.
Tôi lo cho những cái trống của tôi. Chúng không thích những cái trống của tôi. Cái trống hiện tôi đang dùng ắt không thể chịu nổi cơn điên loạn của chúng; nó đành chỉ cúi đầu và im tiếng. Nhưng Markus đã thoát khỏi cơn điên khùng của chúng. Khi chúng đến thăm bác trong văn phòng riêng, chúng không gõ mà xô vỡ toang cửa, mặc dầu cửa không hề khóa.
Người bán đồ chơi ngồi sau bàn giấy của bác. Như thường lệ, bác xỏ những ống tay bảo vệ bên ngoài cái áo màu "ghi" sẫm thường ngày. Những vẩy gầu vương trên vai áo chứng tỏ đầu tóc bác mắc chứng tật gì đó. Một tên SA, với mấy con rối trên các ngón tay, thọc cái đầu gỗ của bà nội gã Kasperl vào người Markus, nhưng bác đã ở bên kia mọi cảm quan: không ai có thể đả thương hoặc làm nhục bác được nữa. Trước mặt bác, trên bàn là một cốc nước đã cạn; chắc là tiếng đập vỡ tủ kính đã làm bác khát.
Xưa có một thằng bé đánh trống, tên nó là Oskar. Khi chúng mang người bán đồ chơi của nó đi và phá phách cửa hàng, nó ngờ rằng thời kỳ gian khó sắp đến với những tay trống tí hon như nó. Cho nên khi rời cửa hàng, nó chọn ra trong đống đổ nát một cái trống còn nguyên vẹn và hai cái chưa đến nỗi hư hại lắm, quàng qua cổ và đi khỏi Ngõ Binh Công Xương tới Chợ Than để tìm ông bố lúc này chắc cũng đang tìm nó. Bên ngoài là một buổi sáng tháng mười một. Cạnh Nhà hát thành phố, gần bến xe điện, mấy bà sùng đạo và mấy cô gái xấu lạ xấu lùng đang phân phát truyền đơn tôn giáo, quyên tiền và giơ cao giữa hai cái cọc một tấm biểu ngữ mang dòng chữ trích tù chương mười ba của Thánh Thư thứ nhất gửi người xứ Corinthia: "Lòng tin... Hy vọng... Tình yêu". Oskar đọc và chơi với mấy từ đó như một tài tử xiếc diễn trò tung hứng với chai lọ: tin lành, cả tin, hi hữu, Mũi Hảo (Hy) Vọng, yêu tinh, yêu quái... Cậu có tin là mai có mưa không? Cả một dân tộc cả tin ở ông già Nô-en. Nhưng ông già Nô -en chính là nhân viên của sở cung cấp khí "ga". Tôi tin rằng niềm tin của tôi có mùi hồ đào và hạnh đào. Nhưng nó lại có mùi "ga". Người ta nói sắp đến ngày chủ nhật, thứ nhất của mùa Vọng. Và ngày chủ nhật thứ nhất, thứ hai, thứ ba, thứ tư đều được mở như người ta mở vòi "ga" để tạo ra một mùi hồ đào và hạnh đào đáng tin cậy để cho tất cả những ai thích đập hột hồ đào hay hạnh đào đều có thể thỏai mái và tin tưởng.
Người đang đến! Người đang đến! Ai đang đến? Chúa Jêxu hài đồng, Đấng Cứu Thế? Hay là lão nhân viên sở cung cấp "ga" trên trời với cái đồng hồ "ga" không ngừng tích-tắc tích-tắc cắp nách? Và lão nói: Ta là đấng cứu thế trên đời này, không có ta, các ngưòi không thể nấu nướng gì được. Và lão không đòi hỏi quá đáng, lão cho những giá đặc biệt, mở những vòi "ga" vừa mới đánh bóng cho Đức Chúa Thánh Thần tuôn ra để ta có thể nấu chín bồ câu hay chim ngói. Và chia ra hồ đào và hạnh dào cho ta đập hột và chúng cũng tuôn ra cả khí "ga" lẫn thánh thần. Thành thử, trong không khí xanh xanh đậm đặc, chẳng khó gì để khiến những người cả tin nhìn những nhân viên khí " ga" thành những ông già Nô-en và Chúa Jêxu hài đồng đủ các kích cỡ và các giá khác nhau. Họ tin ở sở cung cấp khí "ga", vị cứu tinh duy nhất, biểu tượng của Định mệnh với những cái đồng hồ "ga" lên lên xuống xuống của nó, người tổ chức một mùa Vọng với giá hạ, khiến nhiều người tin rằng lễ Giáng Sinh sẽ tới, nhưng những người duy nhất sống sót qua những ngày lễ vất vả này là những người hết sạch hồ đào và hạnh đào - mặc dầu ai nấy đều tin rằng có ê hề cho tất cả mọi người.
Nhưng sau khi lòng tin ở ông già Nô-en hóa ra là lòng tin ở gã nhân viên khí đốt, người ta bèn thử, bất chấp thứ tự đã định trong Thánh Thư, xoay sang tình yêu. Ta yêu mình - họ nói - ôi, ta yêu mình. Phải chăng mình cũng yêu ta? Mình có yêu ta không, nói đi, mình có thực sự yêu ta không? Ta cũng yêu bản thân ta nữa. Và xuất phát từ tình yêu, họ gọi nhau là củ cải, họ yêu củ cải, họ cắn vào nhau, xuất phát từ tình yêu thuần túy, một củ cải cắn đứt cái củ cải của kẻ khác. Và họ kể cho nhau nghe những chuyện tình tuyệt vời trên thiên giới và cả những chuyện tình trần thế nữa, giữa những củ cải, và ngay trước lúc cắn, họ thì thầm vào tai nhau, thì thầm với tất cả cái tươi tắn, sắc bén, đói thèm: củ cải ơi, nói đi, mình có yêu ta không? Ta cũng yêu bản thân ta nữa.
Nhưng sau khi họ đã cắn đứt củ cải của nhau vì tình yêu, và lòng tin ở nhân viên khí đốt đã được tuyên bố là quốc đạo, thì chỉ còn - sau lòng tin và tình yêu chen ngang tranh chỗ - phải, chỉ còn con voi trắng thứ ba trong Thánh Thư gửi người Corinthia: hy vọng. Và ngay cả trong khi họ vẫn còn củ cải, hồ đào và hạnh đào để nhấm nháp, họ đã bắt đầu hy vọng rằng chẳng bao lâu nữa sẽ hạ màn để họ có thể lại bắt đầu hoặc tiếp tục hy vọng sau hoặc thậm chí ngay trong màn cuối rằng cái kết thúc này sẽ sớm chấm dứt. Kết thúc cái gì.? Họ cũng chưa biết. Họ chỉ hy vọng sẽ sớm kết thúc, kết thúc vào ngày mai, nhưng không phải hôm nay; bởi vì họ biết làm gì nếu cái kết thúc đến đột ngọt như thế? Rồi khl cái kết thúc đến, họ lặng lẽ biến nó thành một sự bắt đầu tràn trề hy vọng; bởi vì ở nước chúng ta, mọi kết thúc đều là bắt đầu và trong mọi kết thúc, kể cả cái kết thúc tối hậu, bao giờ cũng có hy vọng. Nên có câu viết rằng: Chừng nào con người còn hy vọng, nó sẽ luôn luôn lại bắt đầu hy vọng đi đến những kết thúc tràn trề hy vọng
Còn tôi thì không biết. Chẳng hạn, tôi không biết ngày nay, kẻ nào giấu mặt đằng sau bộ râu của ông già Nô-en, hoặc có những gì trong cái tay nải của ông; tôi không biết người ta đóng và làm nghẹt vòi "ga" như thế nào; bởi vì mùa Vọng, thời gian để cầu mong một đấng Cứu chuộc, lại chảy trôi hoặc vẫn còn chảy trôi, tôi cũng không biết. Một điều khác tôi cũng không biết, là: liệu tôi có thể tin rằng họ đánh bóng những cái vòi "ga" mà họ gọi là gà trống với tình cảm yêu thương như để cho chúng gáy, sáng nào, chiều nào, tôi đâu có biết. Và tôi cũng chẳng biết thời gian trong ngày có quan trọng hay không, bởi tình yêu đâu cần biết thời gian trong ngày và hy vọng là bất tận và lòng tin thì không biết đến biên giới, chỉ có biết và không biết là lệ thuộc vào thời gian và biên giới và thường kết thúc trước thời hạn, không râu, không tay nải, không hạnh đào, thành thử một lần nữa tôi lại phải nói: tôi không biết, Ồ, chẳng hạn tôi không biết người ta nhồi dồi bằng gì, ruột con gì nhồi thì hợp và nhồi bằng gì, mặc dầu giá công nhồi mỗi lần được ghi rõ ràng, mà tôi cũng không biết họ tính những gì vào giá, tôi không biết họ tìm những cái tên cho các thứ nhân dồi ở những từ điển nào. Tôi không biết người ta lấy gì để nhồi từ điển hoặc món dồi - thịt con gì, ngôn ngữ gì, tôi không biết - chữ thì cốt để truyền đạt, cánh hàng thịt thì chẳng nói, tôi thái ra nhiều khoanh, anh mở sách, tôi đọc những gì tôi thấy khoái, nhưng anh có biết mình thích gì không? Những khoanh dồi, và những trích dẫn từ sách và dồi - và chúng ta sẽ không bao giờ biết được những ai bị bịt miệng, buộc phải im lặng để dồi có thể được nhồi, sách có thể lên tiếng khi được nhồi đầy chữ in, tôi đâu có biết, nhưng tôi phỏng đoán: chắc vẫn là những tay hàng thịt ấy nhồi cả từ điển lẫn dồi bằng chữ và thịt làm xúc xích, làm gì có Paul, tên giả là Saul và giả là một gã Saul, và chính Saul kể với nhân dân Corinthia về một món dồi vô giá gọi là lòng tin, hy vọng và tình yêu, mà giả quảng cáo là rất dễ tiêu hoá và cho đến nay, dưới những lốt dạng không ngừng thay đổi song thực chất vẫn là Saul, giả vẫn tiếp tục khuyến mại ngon lành cho nhân loại.
Còn tôi đây, chúng đã cướp đi của tôi người bán đồ chơi, chúng muốn loại tất cả đồ chơi khỏi thế giới này.
Xưa có một nhạc sĩ tên là Meyn, anh chơi t'rompet tuyệt vời không lời nào tả xiết.
Xưa có một người bán đồ chơi tên là Markus và ông bạn những cái trống thiếc sơn hai màu trắng, đỏ.
Xưa có một nhạc sĩ tên là Meyn, anh có bốn con mèo, một con tên là Bismarck.
Xưa có một thằng bé đánh trống, tên nó là Oskar, nó cần người bán đồ chơi.
Xưa có một nhạc sĩ tên là Meyn và anh đã đánh chết bốn con mèo của mình bằng một cái que cời lửa.
Xưa có một người thợ đồng hồ, và ông là thành viên của Hội Bảo vệ Súc vật.
Xưa có một thằng bé đánh trống và chúng đã mang người bán đồ chơi của nó đi.
Xưa có người bán đồ chơi tên là Markus, và ông đã mang tất cả đồ chơi trên thế giới này theo ông ra khỏi thế giới này.
Xưa có một nhạc sĩ tên là Meyn, và nếu anh không chết thì anh vẫn còn sống và một lần nữa lại chơi t'rompet tuyệt vời không lời nào tả xiết..